Tạp ghi sau 40 năm
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng
Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov
Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln
Kỳ 1
Tựa
Giống vòng xích sắt của chiếc xe tăng với những móc xích hoen rỉ, vì năm tháng nối nhau lăn theo gió cát bụi mù của trận địa. Bài sử truyện đây cũng vậy, được kết nối với những trận chiến qua giấy khô mực nẻ gần như đã mờ nhân ảnh theo thời gian từ 2 giờ sáng ngày 10-3-1975 tại Ban Mê Thuột đến 8 giờ 45 tối 30-4 ở Sài Gòn. Bài viết tạm cho là văn sử mà sử phẩm trích dẫn theo tác giả trong và ngoài nước, đôi khi có chi tiết búi bấn ngay trong một bài viết. Vì vậy mức độ trung thực chỉ có giới hạn. Lực đực qua tác giả ngoại quốc, vì thiên tả, những ký giả phản chiến này cùng tiếng Tây tiếng u, nên không tránh khỏi chữ nghĩa hợi ra thỉ, ngư ra lỗ. Riêng tác giả trong nước, với họ lịch sử là chuyện kể của kẻ chiến thắng. Vì thế chẳng thể cho là khả tín. Tuy nhiên người sưu tầm vẫn đần đù đưa vào sử truyện để tồn nghi.
Đẽo câu gọt chữ thì những góp nhặt, ghi chép trong tạp ghi không di lụy với chủ quan, hay khách quan. Bởi nhẽ đúng hay sai chỉ cách nhau một sợi tóc, vì cái đúng của hiện tại có thể là cái sai của…100 năm sau. Vì vậy người sưu tầm chỈ vơ bèo gạt tép những gì khả dĩ có thể chấp nhận được. Và được biểu nhất lãm từng giờ, từng ngày với phiến ngôn chích tự lụi đụi tìm lại những khúc quanh của quân sử. Người sưu tầm không dám lấy đũa chống trời lộng chữ như bút sử Lê Hy trong Đại Việt sử ký là: “Khảo đính sử phẩm cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì ghi chép lấy”. Mà chỉ có chút hơi hám sử cương mục của Chu Hy…đời Nam Tống: “Các việc chép theo thứ tự thời gian như phép chép biên niên, nhưng tóm lược việc định chép trong một đoạn hoặc một câu ngắn, nêu lên một tiêu đề, ở dưới chép tự sự của sử sự xảy ra”.
Đắm chìm trong lửa đạn, người sưu tầm mằn mò những sự kiện riêng lẻ, kết nối thành một tương quan liên đới tổng hợp hầu mong có cái nhìn nào đấy qua trận chiến của một thời khói lửa.Từ lỗ chiếu môn qua đỉnh đầu ruồi, người viết nhắm vào những truyện ngắn, ký truyện, bút ký chiến trường để có cái nhìn nào đó với trận chiến của thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Nói cho ngay, người viết cũng muốn đẩy đưa bạn đọc phiêu lãng quên mình lãng du nhưng không lãng quên những ì ầm của xe tăng, những ầm ì của đại pháo của một thời chinh chiến đã qua.
Sa đà với những góp nhặt sỏi đá khác, người sưu tầm chỉ giữ lại dữ kiện như một dấu ấn của chiến trường xưa, tên tuổi cũ. Tuy nhiên có một số tiết mục như quân sử ngoại truyện, hay bên lề trận chiến đôi khi không cùng góc nhìn với bạn đọc. Người viết không um thủm là “phán quan” mà chỉ vạy vọ từ “ngự sử văn đàn” khó tính khác. Thêm nữa qua sử học, sử phẩm khả tín sau 60 năm mới được đưa vào sử thi. Nhưng nay đã 40 năm, những truyền văn vẫn còn những ẩn khuất nằm sau những trận chiến để trở thành truyền thuyết. Vì thế văn bài, văn sử này được nối lại từng khúc, từng đoạn, được lược khảo, kỷ lược hầu mong góp nhặt những mảnh khuyết sử như những mắt xích đứt của chiếc xe tăng, của cả hai bên… bên bờ trận địa.
Tạp ghi sau 40 năm để đi tìm thời gian đã mất, vì cảm tính, vì đứng bên lề cuộc chiến, người cầm bút vất vưởng với chữ nghĩa nên không thể tránh khỏi những cảm hoài với những người cầm súng của một thời một thuở nhất tướng công thành vạn cốt khô hiện đang nằm ở đâu đó…
(Nghĩa địa Xuân Lộc sau 75)
Với thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý, nay xin thưa.
Ất Mùi năm thứ 40 (1975– 2015)
Phi Ngọc Hùng
* * *
Mục lục:
Tựa.........
Ngày thứ 1 – 2 ngày trận chiến Ban Mê Thuột: 10-3-1975
Ngày thứ 2 – Ban Mê Thuột thất thủ : 11-3-1975
Ngày thứ 3 – Chuẩn bị tái chiếm Ban Mê Thuột: 12-3-1975
Ngày thứ 4 – Di tản miền Trung: 13-3-1975
Ngày thứ 5 – Di tản cao nguyên : 14-3-1975
Ngày thứ 6 – Khánh Dương: 15-3-1975
Ngày thứ 7 - Quân đoàn II triệt thoái: 16-3-1975
Ngày thứ 8 – Tuy Hoà: 17-3-1975
Ngày thứ 9 – Phú Yên: 18-3-1975
Ngày thứ 10 – Trận chiến Quảng Trị : 19-3-1975
Ngày thứ 11 – Huế di tản: 20-3-1975
Ngày thứ 12 – Đèo Ải Vân:
Ngày thứ 13 – Trận địa từ Huế tới Đà Nẵng: 22-3-1975
Ngày thứ 14 – Trận chiến Huế : 23-3-1975
Ngày thứ 15 – Tam Kỳ : 24-3-1975
Ngày thứ 16 – Đà Nẵng di tản : 25-3-1975
Ngày thứ 17 – Phú Thứ : 26-3-1975
Ngày thứ 19 – Quảng Nam : 28-3-1975
Ngày thứ 20 – Lâm Đồng : 29-3-1975 /p> Ngày thứ 21 – Quy Nhơn : 30-3-1975
Ngày thứ 22 – Bình Định thất thủ : 31-3-1975
Ngày thứ 23 - Ngày cuối cùng của Quân đoàn II : 1-4-1975
Ngày thứ 24 - Nha Trang : 2-4-1975
Ngày thứ 25 - Phan Rang – Phan Thiết : 3-4-1975
Ngày thứ 26 - Phan Rang - Ninh Thuận : 4-4-1975
Ngày thứ 27 - Sài Gòn thay đổi nhân sự (1) : 5-4-1975
Ngày thứ 28 - Phan Thiết – Bình Thuận : 6-4-1975
Ngày thứ 29 - Bình Dương – Long Khánh : 7-4-1975
Ngày thứ 30 - Trận chiến trên Quốc lộ 20 : 8-4-1975
Ngày thứ 31 - Trận chiến Long Khánh (Xuân Lộc) : 9-4-1975
Ngày thứ 32 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 10-4-1975
Ngày thứ 33 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 11-4-1975
Ngày thứ 34 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 12-4-1975
Ngày thứ 35 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 13-4-1975
Ngày thứ 36 - Trận chiến Long Khánh (CBU 55) : 14-4-1975
Ngày thứ 37 - Trận chiến Long Khánh (BLU 82) : 15-4-1975
Ngày thứ 38 - Trận chiến Dầu Giây : 16-4-1975
Ngày thứ 39 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 17-4-1975
Ngày thứ 40 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 18-4-1975
Ngày thứ 41 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc : 19-4-1975
Ngày thứ 42 - Xuân Lộc triệt thoái : 20-4-1975
Ngày thứ 43 - Sài Gòn thay đổi nhân sự (2) : 21-4-1975
Ngày thứ 44 - Long Khánh hoàn tất cuộc triệt thoái : 22-4-1975
Ngày thứ 45 - Sài Gòn lập tuyến phòng thủ : 23-4-1975
Ngày thứ 46 - Bà Rịa : 24-4-1975
Ngày thứ 47 – Bình Dương, Long An : 25-4-1975
Ngày thứ 48 - Bà Rịa : 26-4-1975
Ngày thứ 49 - Tân Cảng – Sài Gòn : 27-4-1975
Ngày thứ 50 - Sài Gòn thay đổi nhân sự (3) : 28-4-1975
Ngày thứ 51 - Sài Gòn di tản : 29-4-1975
Ngày thứ 52 – Sài Gòn ngày dài nhất : 30-4-1975
Bạt……
Ghi chú: (1) hoặc -: là ký hiệu của Chú thích hay Phụ chú, và (…) là còn tiếp tục ở khúc sau.
Vì bài viết có quá nhiều tên riêng, tên gọi nhưng trong ngữ pháp lại không có quy ước viết chữ hoa hay chữ thường vì mỗi chữ hoa hay chữ thường đặt ở đâu đều có dụng ý riêng nào đó. Nhất là cụm từ quá dài nên để tránh rối trí, và rối rắm người viết chỉ viết hoa ở chữ đầu như: Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam v.v…
Vùng 2 chiến thuật – Quân đoàn II
Vùng 2 CT từ Kontum đến Phan Thiết.
(gồm các tỉnh: Ban Mê Thuột, Pleiku, Nha Trang, Cam Ranh, v.v…Phan Rang)
Quân đoàn II có 2 sư đoàn: Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23.
Sự bắt đầu của kết thúc
10-3-1975, thị xã Ban Mê Thuột của tỉnh Đắc Lắc ở cao nguyên Trung phần miền Nam Việt Nam sau khi bị quân Bắc Việt tấn công dữ dội đã thất thủ. Tính từ ngày này đến 50 ngày (?) sau đó thủ đô Sài Gòn cũng chịu chung số phận như Ban Mê Thuột, đưa đến sự sụp đổ toàn diện của miền Nam và chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 30 năm. Sau 3 năm làm phóng viên tại đây, đối với tôi (Komori Yoshihisa) là một chuỗi ngày dài những lúc đi đây đi đó để bám sát chiến trường. Tất cả đều là những sự kiện mà đối với sự suy nghĩ thông thường của một đặc phái viên, có nằm trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được các diễn biến đột ngột này.
Đối với miền Nam, trong ngày tết Nguyên Đán năm 1975 đã xảy ra một điềm bất thường là việc thị trấn Phước Bình của tỉnh Phước Long cách Sài Gòn khoảng 130 km về hướng bắc đã bị quân Bắc Việt chiếm cứ. Phước Bình vốn là một thị trấn nhỏ nằm trong vùng núi non hiểm trở. Kể từ khi Hiệp định Ba Lê được ký kết, tại nơi đây không xảy ra một cuộc giao tranh quân sự nào. Vì thế, đây là một hành động vi phạm trắng trợn điều khoản căn bản của Hiệp định Ba Lê của Bắc Việt, nhưng họ vẫn tiếp tục mở rộng địa bàn tấn công và sau đó đã làm chủ tình hình toàn bộ tỉnh Phước Long. Nhưng về sự kiện này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại có hành động khó hiểu là không cho viện binh đến Phước Long để tiếp cứu.
Xét về mặt chiến lược, Phước Long là một cứ địa nằm dọc theo biên giới Campuchia, có dân số ít ỏi lại thiếu tài nguyên, đồng thời nó cũng nằm sát ngay khu vực của đường mòn Hồ Chí Minh nên khá bất lợi trong việc đưa quân đến đây để phản công lại quân Bắc Việt. Nhưng điều quan trọng hơn hết là có lẽ ông Thiệu đã muốn chứng tỏ cho Hoa Kỳ thấy rằng Bắc Việt đang ngang nhiên vi phạm Hiệp định Ba Lê và uy hiếp miền Nam, như vậy, Hoa Kỳ sẽ không thể ngưng viện trợ được. Đây chính là một sách lược của ông Thiệu.
(The Fall Of Sai Gon - Komori Yoshihisa)
Komori Yoshihisa, một đặc phái viên kỳ cựu của Nhật Bản đã có mặt tại Sài Gòn trước và sau thời điểm 30-4-1975. Komori Yoshihisa là ký giả của tờ báo Mainichi được biệt phái đến Sài Gòn từ năm 1972 với tính cách là trưởng ban biên tập tại Sài Gòn.
-: Xem “Xuân Lộc, một chiến thắng ngắn ngủi”hoặc Sài Gòn thất thủcủa Komori Yoshihisa
ở tiết mục Bình Dương-Long Khánh: 7-4-1975 và Sài Gòn lập tuyến phòng thủ: 23-4-11975.
Chiến dịch Đông-Xuân
Giữa tháng 12-1974, Bắc quân mở giai đoạn đầu chiến dịch Đông-Xuân. Họ đánh chiếm hai thị xã phía đông bắc Sài Gòn. Mục đích những trận chiến ấy đã rõ. Họ định cô lập Sài Gòn bằng cách cắt mọi đường quan trọng đi vào thủ đô việc mà trước kia họ thường định làm.
Ở sứ quán, mọi người thống nhất về mục tiêu chính của Bắc Việt nhưng không đồng ý với nhau về mục tiêu phụ. Graham Martin cho là Bắc quân sẽ đánh Tây Ninh, Tom Polgar và tôi (Frank Snepp) ngã về phía Phước Long. Bắc Việt cũng đang đắn đo giữa hai nơi, việc này chúng tôi không biết. Văn Tiến Dũng, người đưa quân đội Bắc Việt vào Nam đến thắng lợi đã kể lại chuyện này trong tập hồi ký ông viết sau chiến tranh. Đầu tháng 12, từ nhiều ngày, tướng Dũng và bộ tham mưu đã nghiền ngẫm kế hoạch, đến ngày thứ tư, một sự kiện xảy ra, làm họ chú ý.
Một nhân viên tình báo (1) của họ nằm ngay trong giới thân cận của Thiệu gửi cho họ một báo cáo tuyệt mật về nhận định của chế độ Sài Gòn. Đó là biên bản một cuộc họp quan trọng trong hai ngày 9 và 10-12-1974 ở Sài Gòn nhằm tìm hiểu ý đồ của Hà Nội. Sau cuộc họp, Thiệu và các sĩ quan của ông ta thống nhất nhận định rằng, trong những tháng sắp tới, Bắc quân sẽ mở cuộc tấn công quan trọng hơn vào năm 1974 nhưng chưa lớn bằng cuộc tấn công năm 1968. (trận Mậu Thân đúng như tin do Polgar và tôi báo cho Nam Việt Nam 15 ngày trước).
Nhân viên tình báo ấy cũng báo tin là Thiệu đã đi đến kết luận rằng quân đội Bắc Việt Nam không thể đánh chiếm và giữ những thành phố quan trọng được, họ nhằm hướng chính là Quân khu III, chủ đích là Tây Ninh (dự đoán của Martin) và họ chỉ tiếp tục tấn công cho đến tháng 6, hết mùa khô. Sau đó, họ ngừng để lấy lại sức và củng cố, vẫn theo nhân viên tình báo này, Thiệu cũng căn cứ vào sự phân tích của bản thân, quyết định không gửi quân tiếp viện cho Quân đoàn II ở cao nguyên, mà trái lại tập trung lực lượng phòng thủ ở phía nam.
Không khó khăn gì để nhận ra sự mừng rỡ của Hà Nội khi được đọc biên bản nói trên. Họ đã rõ Thiệu nhận định như thế nào, họ có thể thảo được kế hoạch. Vì Thiệu cho là muốn đánh Tây Ninh thì phải đánh Phước Long, Thiệu không tin họ tấn công cao nguyên.
Họ lại được tin chắc chắn là Hoa Kỳ không can thiệp để cứu vãn đồng minh. Họ còn một vũ khí mới nữa, sự ủng hộ của đồng minh duy nhất, quyết định thắng lợi hay thất bại. Lần đầu tiên kể từ ngày ngừng bắn, Liên Xô, đồng minh lớn của Hà Nội, sẵn sàng ủng hộ một chính sách tấn công giải phóng miền Nam. Cuối tháng 12, trước khi tấn công Phước Long, người đứng đầu lực lượng vũ trang Liên Xô, Đại tướng Viktor Kulikov bay đến Hà Nội.
Polgar và tôi báo ngay cho giám đốc CIA biết. Chúng tôi không làm thế nào mà nắm được những vấn đề Kulikov thảo luận với Hà Nội. Điều quan trọng đối với chúng tôi (tôi nhấn mạnh điểm này trong một bức điện) là cuộc viếng thăm Bắc Việt Nam tương tự như trước đây của một vị tướng Liên Xô hồi năm 1971, diễn ra trước cuộc tấn công lớn (Mùa hè đỏ lửa 72) của Hà Nội. Thật vô ích nếu nói rằng Polgar bắt buộc phải nhắc lại cho Hoa Thịnh Đốn biết tình hình hiện nay có thể giống y hệt như trường hợp trước. Nhưng những người phân tích tin của CIA ở Washington và bộ ngoại giao không đồng ý với nhận định trên. Họ cho là cuộc viếng thăm của Kulikov chỉ là một cuộc viếng thăm thường lệ. Sau này họ thấy rõ chúng tôi lập luận đúng. Những tuần sau khi Kulikov đến thăm Việt Nam, khối lượng thiết bị quân sự Liên Xô chở bằng đường biển tới Bắc Việt tăng gấp bốn lần, Mátxcơva đã ủng hộ hết mức cuộc tấn công cuối cùng của Hà Nội... Giữa tháng 1-1975, Bộ chính trị họp ở Hà Nội để dựng kế hoạch đánh chiếm Ban Mê Thuột, Các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ quyết định phải có một ủy viên bộ chính trị chịu trách nhiệm hoàn toàn. Người được chọn là Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Trong khi ấy ở ngoài mặt trận, có một sự yên tĩnh bất ngờ. Vì nếu sự yên tĩnh là một sự đánh lừa thì đồng thời nó cũng là một sự cần thiết, sau khi đánh chiếm được Phước Long họ đang đổi hướng tấn công. Quân lính của họ phải có thì giờ thở rồi mới có thể tiến về thị xã Ban Mê Thuột trên cao nguyên được. Bộ tổng tham mưu Nam Việt Nam không phải là không biết những cuộc hành quân của đối phương. Mấy ngày gần đấy, sĩ quan tình báo của quân đội Nam Việt Nam ở Quân khu II đã khám phá được nhiều dấu hiệu chứng tỏ có những hoạt động ấy.
Và, cũng lúc ấy, nhân viên tình báo của chính phủ ở Quảng Đức, phía nam thị xã Ban Mê Thuột báo cho chúng tôi biết sự có mặt của nhiều đơn vị quan trọng quân đội Bắc Việt Nam ở Campuchia, bên kia biên giới. Dường như họ muốn đánh Quảng Đức…
(Decent Interval - Frank Snepp)
Frank Snepp là nhân viên CIA chi nhánh Sài Gòn và là trưởng bộ phận phân tích tin tức của tòa đại sứ Mỹ.
Decent Interval (Cuộc tháo chạy tán loạn) là tên cuốn hồi ký của Frank Snepp kể về những ngày cuối cùng của Sài Gòn năm 1975.
(1) Đinh Văn Đệ, điệp viên chiến lược trong vai Chủ tịch ủy ban quốc phòng hạ viện Sài Gòn. Theo chỉ thị của Phạm Hùng, ông Đệ từng gặp Chuẩn tướng Trần Đình Thọ TP3/BTTM VNCH để tìm hiểu VNCH có ý định chiếm lại Phước Long hay không.
Chiến lược hai năm…
Tướng Nga Viktor Kulikov, phụ tá bộ trưởng quốc phòng tới Hà Nội thúc đẩy Bắc Việt tấn công xâm chiếm miền Nam và hứa giúp thêm vũ khí đạn dược. Cuối tháng 10-1974 Bộ chính trị Bắc Việt quyết định kế hoạch tác chiến năm 1975: “Quyết tâm chiến lược của Bộ chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược 2 năm (1) 1975-1976, Năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam”. (*** Ðại thắng mùa xuân, trang 29)
Tháng 10-1974, Bộ tổng tham mưu Bắc Việt đã trình bày kế hoạch tác chiến lên Bộ chính trị và Quân ủy trung ương chọn chiến trường cao nguyên (2) làm chủ yếu: “Khi thảo luận kế hoạch tác chiến chiến lược năm 1975, một vấn đề rất quan trọng nữa được đặt ra là chọn chiến trường chủ yếu ở đâu? Trên toàn chiến trường miền Nam, địch bố trí lực lượng theo thế “mạnh ở hai đầu”. Cụ thể là ở Quân khu I tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, địch có 3 sư đoàn chủ lực, ở Quân khu III, trong đó có tuyến phòng thủ ngoài bảo vệ Sài Gòn, địch có 3 sư đoàn, nhưng chúng còn có thể sẵn sàng cơ động 1-2 sư đoàn trong số 3 sư đoàn ở Quân khu IV về.
Còn ở Quân khu II, trong đó có Tây Nguyên, địch chỉ có 2 sư đoàn chủ lực, lại phải rải ra vừa giữ các tỉnh Tây Nguyên, vừa phải bảo vệ các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Bình Ðịnh đến Bình Thuận. Tây Nguyên là một chiến trường có nhiều thế lợi để phát triển về phía nam theo đường số 14 hoặc xuống phía đông theo các đường số 19, 21. Hội nghị nhất trí thông qua phương án của Bộ tổng tham mưu, chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong và rộng khắp năm 1975”. (*** Ðại thắng mùa xuân, trang 24)
Như thế Bắc Việt đã chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ bốn tháng trước ngày tấn công trong khi ta không có một nhận định hoặc tin tức tình báo nào rõ rệt. Bắc quân nghi binh đánh Pleiku để nhử ta lên giải tỏa rồi cắt các đường dẫn đến Ban Mê Thuột. Bắc quân cắt các đường 14, 19, 21 nhử quân đội VNCH về phía bắc để bất thần tấn công Ban Mê Thuột.
Ngày 1-3-1975, Sư đoàn 968 địch pháo kích phi trường Cù Hanh, Pleiku.
Ngày 4-3, Trung đoàn 95B và Sư đoàn 3 Sao Vàng tấn công ngăn chận Quốc lộ 19 tại An Khê như muốn tấn công Pleiku, cắt đường giao thông Pleiku và Nha Trang.
Ngày 5-3, Trung đoàn 25 cắt Quốc lộ 21 giữa Phước An và Khánh Dương, cắt đường Nha Trang-Ban Mê Thuột.
Ngày 9-3, Sư đoàn F10 nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột. Từ 6 giờ sáng, pháo binh bắn và sau đó quân chính qui mở trận địa chiến đánh ban ngày, các công sự phòng thủ bị sập. Các đồn phụ đã bị "bứt", tiểu đoàn địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9 cây số bị địch tràn ngập sau một trận đánh đẫm máu.
(Nguyễn Định)
Chiến trường Tây Nguyên
Ngày 8-1-1975, Bộ chính trị trung ương đảng lao động Việt Nam đã dự định trong kế hoạch tấn công: “Sẽ bắt đầu tổng công kích miền Nam vào mùa xuân năm 1975 và trong vòng 2 năm, giữa năm 1976 sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Tóm lại, cuộc tấn công Ban Mê Thuột vào tháng 3-1975 đã chính thức mở màn cho chiến dịch tổng tấn công này.
Tháng 2-75, để thực hiện cuộc tổng tấn công, Văn Tiến Dũng đã bí mật rời khỏi Hà Nội vào Nam bằng những con đường mòn bí mật mới được thiết lập tại phía đông dãy Trường Sơn. Tại đây, Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ huy những cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Mê Thuột và lúc đó ở chung quanh tỉnh Pleiku, một trong các cứ địa hiểm yếu của miền Trung cũng đã bị bao vây chặt chẽ bởi đại quân của Bắc Việt với mục địch ngụy trang cho một cuộc tấn công chính thức vào đây hầu phân tán sự phòng thủ của quân đội VNCH tại Ban Mê Thuột. Tuy nhiên, có tới 3 sư đoàn quân Bắc Việt đã hiện diện sẵn để chuẩn bị cho những cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Mê Thuột. Trong khi đó, thành phần chủ lực của VNCH là Sư đoàn 23 được điều động về Pleiku để tiếp ứng tạo thành một lực lượng phòng thủ hùng hậu duy nhất tại đây.
Cùng thời điểm này, tại Quân khu II bao gồm toàn thể miền Trung, quân VNCH đang hiện diện với quân số tương đương với 2 sư đoàn nhưng Bắc Việt cũng đã phối trí tại đây tới 5 sư đoàn. Với tương quan lực lượng về quân số như vậy, dĩ nhiên là những trận đánh sau đó vào Pleiku của quân Bắc Việt được coi như sẽ dễ dàng tạo áp lực nặng nề cho quân đội VNCH. Hơn nữa, Pleiku lại là một cứ điểm quan trọng của Bộ tư lệnh Quân khu 2 VNCH nên ai cũng nghĩ rằng quân đội miền Nam sẽ tử thủ để bảo vệ cứ địa này. Ông Thiệu bỗng nhiên ra lệnh bỏ Pleiku và triệt thoái cao nguyên, rút hết toàn bộ quân đội đang phòng thủ ở miền Trung về Nam. Ông Thiệu đã nhận định vì Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ nên quân đội miền Nam đã không đủ vũ khí đạn dược để chiến đấu cùng quân số hùng hậu của quân Bắc Việt. Sau khi rút quân từ miền Trung, quân đội VNCH sẽ tập trung để tạo thành tuyến phòng thủ bao bọc các nơi đông dân cư ở ven biển và thủ đô Sài Gòn trong một chiến thuật triệt để tử thủ phần đất miền Nam còn lại.
Thế nhưng, chiến thuật này đã hoàn toàn thất bại vì đội quân triệt thoái của miền Nam đã tựa như những mảnh băng sơn tan rả và bị chôn vùi dưới cơn hồng thủy lánh nạn của người dân miền Trung lúc đó thật hỗn loạn. Nói khác đi là quân đội VNCH đã mất đi thế lực chiến đấu. Sự kiện này đối với Văn Tiến Dũng chẳng khác nào một cơ hội bằng vàng vì bất chiến tự nhiên thành và theo kế hoạch về một tình thế khống chế toàn bộ miền Trung sẽ bắt đầu từ năm 1976 nay lại hoàn thành sớm hơn dự định. Vì vậy, Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho toàn quân Bắc Việt truy kích ráo riết các đường tháo lui của quân đội miền Nam.
(The Fall Of Sai Gon - Komori Yoshihisa)
Khi đồng minh tháo chạy
Ngày 20-3, tôi nhận được điện thoại vào 6 giờ sáng: “Anh qua tôi ăn quà sáng”, tiếng ông Thiệu bên kia đầu giây. Sớm như như thế này chắc có chuyện gì đây? Tôi nghĩ. Tới nơi tôi thấy cái bàn ăn nhỏ đặt sát bên cửa sổ trên hành lang lầu ba, địa điểm mà ông cho rằng không bị CIA nghe lén. Vì chuyện gì bàn ở văn phòng ông hay phòng họp là bị nghe lén. Ông cho biết như vậy. Khi người giúp việc rời xa bàn, Ông Thiệu nghiêm giọng nói:
5 trong 7 sư đoàn trừ bị Bắc Việt đã vào tới miền Nam. Như vây tổng cộng là 19 sư đoàn trang bị đầy đủ gần một ngàn xe tăng và trọng pháo. Hôm qua xe tăng Bắc Việt đã vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm Quảng Trị và bắt đầu pháo kích vào Huế.
Ông Thiệu không nói gì tới vụ rút Pleiku, bỏ Ban Mê Thuột và những cuộc họp mới đây với thủ tướng Khiêm, đại tướng Viên, trung tướng Quang, trung tướng Trưởng, thiếu tướng Phú.
Lúc tôi bắt đầu ăn tô phở thì ông lấy bút ra viết trên trang giấy. Dường như là để thuyết phục chính bản thân mình. Tôi hiểu ngay là ông đang tính toán để đi tới một quyết định nào đó.
Viết xong, ông nói: Mình phải đặt câu hỏi với Hoa Kỳ “oui ou non” (có hay không) buộc họ phải dứt khoát có muốn giúp nữa hay không. Mình không thể chờ lâu hơn được nữa. Rồi đây sẽ quá muộn để Hoa Kỳ không thể dùng cái lập luận “sự đã rồi” để lấy cớ bảo tôi rằng “Sorry, it is too late to intervene…” (Rất tiếc đã quá muộn để can thiệp).
(Nguyễn Tiến Hưng)
Bên lề trận chiến
Trận chiến Đức Lập không nằm trong Tạp ghi sau 40 năm. Vì qua 52 ngày trận chiến, người sưu tầm lấy cái mốc thời gian khởi đầu với Ban Mê Thuột kể từ ngày 10-3-1975.
-: Đức Lập cách Ban Mê Thuột khoảng 10 km về phía tây. Ngày 9-3-1975, Bắc quân đánh Đức Lập để thăm dò. Một ngày sau Bắc quân đánh phi trường Phụng Dực và Ban Mê Thuột.
Quân sử ngoại truyện
(…) Tôi là người chiến binh đã trực tiếp trải qua chiến tranh. Bây giờ xem sách báo đều thấy nói Chiến dịch mùa xuân năm 1975 trải qua 55 ngày đêm ta giành toàn thắng. Tôi đã tự nhẩm tính nếu tính từ 10-3 là ngày ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, đến ngày 30-4 thì chỉ có 52 ngày. Còn nếu tính từ ngày 4 tháng 3 (trận đánh trên Quốc lộ 19 tại An Khê như muốn tấn công Pleiku) theo từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam năm 2004, trang 197, phần “Chiến dịch Tây Nguyên” thì phải là 58 ngày đêm. Vậy con số 55 ngày đêm là bắt đầu tính từ ngày nào?
Tôi đã đếm đi tính lại nhiều lần nhưng dù ngày bắt đầu chiến dịch được tính là 4-3 hay 10-3 thì con số cũng không phải là 55 ngày đêm như lâu nay vẫn ghi trong sách báo. (…)
(Nguyễn Văn Việt)
Ngày thứ 1
Trận chiến Ban Mê Thuột
Ngày 10-3-1975, khoảng 2 giờ sáng, ba Sư đoàn 316, F10, 320 gồm ba mũi tấn công Ban Mê Thuột phối hợp với đặc công đã nằm trong thị xã cùng với chiến xa T54 và các loại trọng pháo nã pháo đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly vào các cứ điểm quân sự. Trong một đêm bộ đội Bắc Việt đã đưa được một lực lượng đông đảo 12 trung đoàn gồm 9 trung đoàn bộ binh và các trung đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không vào trận địa.
Lực lượng của quân lực VNCH tại Ban Mê Thuột lúc bấy giờ không quá một nghìn người, gồm hậu cứ của Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, hậu cứ Bộ chỉ huy Thiết đoàn 8 mà quân số chủ lực của các đơn vị này đã được điều động về Pleiku từ trước Tết chưa được trả về từ Tết Ất Mão 1975. Trong thị xã, ngoài các đơn vị địa phương quân, chỉ có những thành phần quân nhân lo về tiếp liệu như các đơn vị quân cụ, công binh, truyền tin, v…v….
Nói theo nghĩa khác Ban Mê Thuột trong khoảng thời gian này không lực lượng bảo vệ.
12 giờ trưa, địch quân mở đợt pháo kích dồn dập vào bộ chỉ huy tiểu khu, bản doanh bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. tiểu khu Ban Mê Thuột mất!
4 giờ chiều, Bắc quân chiếm thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh còn được trấn giữ...
6 giờ chiều, thành phố bấy giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Những đống tro tàn của nhiều khu phố bị cháy, bụi khói và gạch vụn gợi cho người ta cái cảm xúc của một chiến trường tàn cuộc lạnh lẽo rợn người
(Trọng Đạt - Nguyễn Định – SQTB K10B/72)
Bên lề trận chiến
Ngày 10-3-1975, Bắc quân tấn công Ban Mê Thuột. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu họp Hội đồng an ninh quốc gia duyệt xét kế hoạch bỏ 6 tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị đến Bình Định.
Ngày 11-3, tổng thống Thiệu mời các tướng Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang ăn sáng tại dinh Độc Lập và sau đó trình bày ý định muốn cắt bỏ bớt lãnh thổ cho vừa với mức viện trợ quân sự của Hoa Kỳ. Tướng Viên ghi lại cảm nghĩ của ông lúc đó: “Quyết định của tổng thống Thiệu cho chúng tôi thấy đây là một quyết định ông đã suy xét thận trọng. Hình như tổng thống Thiệu đã ngần ngại về quyết định đó, và bây giờ ông chỉ thổ lộ cho ba người (1) chúng tôi trong bữa ăn sáng…”. (*** Cao Văn Viên, The Final Collapse, trang 129-131).
(Nguyễn Kỳ Phong)
(1) Phạm Xuân Ẩn thổ lộ với Larry Berman: “Tôi có nhiều nguồn tin từ cuộc họp đó và họ đã cho tôi biết về đánh gíá của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (ông Thiệu tiên liệu sự tấn công của đối phương nhằm vào đồng bằng sông Cửu Long nên ông quyết định không củng cố cho Tây nguyên). Có ít nhất hai người dự cuộc họp đó đã cung cấp đầy đủ nội dung cho tôi và tôi lập tức báo cáo cho bộ chỉ huy Mặt trận giải phóng miền Nam để chuyển tin mật ra Hà Nội.
(Perfect Spy – Larry Berman)
-: Nhờ công tác này, Phạm Xuân Ẩn được tặng “Huân chương chiến công” của Hà Nội.
-: Larry Berman là nhà sử học người Mỹ, giáo sư chính trị một trường đại học ở California, là người viết hồi ký cuối đời cho Phạm Xuân Ẩn.
Khi đồng minh tháo chạy
Sau khi phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ tới Sài Gòn quan sát và tìm hiểu tại chỗ nhu cầu VNCH để cứu xét vụ quân viện 300 triệu. Tin từ Ngũ giác đài cho hay cơ nguy là không có hy vọng gì để có quân viện. Ông Thiệu tỏ ra tuyệt vọng. Phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ vừa rời Sài Gòn,
Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuột 2 giờ sáng ngày 10-3-1975.
Cùng ngày phái đoàn thượng viện VNCH (ông Trần Văn Lắm) từ Washington về để vận động cho biết không hy vọng 300 triệu và có thể không còn viện trợ quân sự nữa.
Hôm sau, ngày 11-3, ông Thiệu họp với thủ tướng Khiêm, đại tướng Viên và trung tướng Quang thông báo quyết định tái phối trí.
Ngày sau đó, 13-3 quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu: Không có bất cứ viện trợ nào cho miền Nam.
Hai ngày sau 15-3, Thiếu tướng Pham Văn Phú bay về Nha Trang. Ông đã đi tiên phong của một cuộc hành trình gian khổ đến bờ vực thẳm…
(Nguyễn Tiến Hưng)
Góp nhặt…ghi chép…
Ngay sau khi Bắc quân khởi sự tấn công Ban Mê Thuột, liên tiếp trong 3 ngày 10, 11 và 12-3-1975, Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã nhận nhiều lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại tướng Cao Văn Viên.
Người đầu tiên điện thoại hỏi tình hình là đại tướng Viên (7 giờ sáng ngày 10-3-1975), tiếp đến thủ tướng Khiêm từ Đà Lạt gọi lức 8 giờ 40, tổng thống Thiệu gọi lúc 10 giờ 10 và 19 giờ tối, trong ngày 11-3-1975. Lúc 15 giờ 30, đại tướng Viên gọi điện thoại ra lệnh cho thiếu tướng Phú "bốc" ngay Chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh Sư đoàn 23 BB, đang chỉ huy mặt trận phía
nam Pleiku "thả" xuống Ban Mê Thuột để chỉ huy các cánh quân.
Sau đó, vào lúc 5 giờ chiều, tổng thống Thiệu gọi lên Pleiku để nghe thiếu tướng Phú báo cáo tình hình. Trong lần gọi vào 11 giờ đêm, tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Phú với nội dung:
“Linh động trong mọi trường hợp. Không nên dồn hết quân cho mặt trận Ban Mê Thuột. Tư lệnh quân đoàn được toàn quyền quyết định, có thể bỏ Ban Mê Thuột. Cần phải tránh sa lầy vì có thể địch sẽ mở hai, ba mặt trận lớn nữa tại Quân khu II. Tường trình chính xác về các sư đoàn Bắc Việt hiện đang tham chiến tại Ban Mê Thuột”.
Khi đồng minh tháo chạy
Khi họp với ông Thiệu ở phòng được gọi là “Phòng tình hình”, trên bàn họp tôi thấy một quyển sách mỏng, mở ra đọc đó là báo cáo của tướng Murray phân tích tình hình ảnh hưởng vùng và quân khu với mức quân viện nếu có đượ mà tôi tóm lược như sau:
- 1.4 tỷ giữ được cả 4 Vùng chiến thuật.
- 1.1 tỷ QK1 phải bỏ.
- 900 triệu khó giữ được QK1 và QK2.
- 750 triêu chỉ giữ được Sài Gòn và QK4.
(…)
-: Thực tế, quyết định của ông Thiệu vào khoảng cuối năm 1974 đã được nghiên cứu từ trước (với Murray) chứ không phải vội vàng như nhiều người vẫn phê phán.Chính bởi những yếu tố đó nên khi Ban Mê Thuột mất, ông Thiệu liền ra lệnh rút khỏi cao nguyên. (Vũ Tiến Đức)
Bên lề trận chiến
Tài liệu của CIA: “Kể từ cuối tháng 12-1973 đến đầu tháng 1-1974 tướng John Murray và ban tham mưu của ông đã làm việc ngày đêm để cố gắng tìm đáp số cho bài toán viện trợ quân sự. Nhưng mỗi lần họ tìm ra một giải pháp để giải quyết vấn đề thì lại phát sinh một vấn đề khác mà kết quả cũng chỉ đưa tới bí lối”. (*** Decent Interval, trang 95).
Cũng theo Frank Snepp, ngày 16-8-1974, John Murray họp buổi họp chót với Đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, và tướng Đồng Văn Khuyên, tổng cục trưởng tổng cục tiếp vận. John Murray khuyên tướng Viên nên liệu cơm gắp mắm, gấp rút lên kế hoạch sẵn sàng bỏ Vùng 1, Vùng 2, và cả Vùng 3 để về cố thủ Vùng 4.
Theo Nguyễn Tiến Hưng, ông đã tình cờ trông thấy bản kế hoạch “cắt đất theo lượng viện trợ” của Murray nằm trên bàn của tổng thống Thiệu vào tháng 5-1974.
Như vậy Murray chính là tác giả của kế hoạch bỏ Vùng 1, Vùng 2 vào năm 1975.
Một kế hoạch mà cho tới 40 năm sau người ta vẫn cho là sáng kiến của Nguyễn Văn Thiệu.
(Bùi Anh Trinh)
Khi đồng minh tháo chạy
Ông Martin tường trình trước quốc hội: 1974, chuẩn tướng người Úc tên Ted Sarong (1) làm việc với Trung tướng Đặng Văn Quang và đi đến kết luận là nên bỏ QK1 và QK2. Chỉ giữ tuyến từ Nha Trang tới Tây Ninh. Theo ông Kissinger vào tháng 2-1975, ông Robert Thompson (chuyên gia người Anh về chiến thuật du kích ở Malaysia) thăm viếng Sài Gòn và làm cố vấn cho họ. Khi về ông báo cáo với tổng thống Ford: Nếu Hà Nội đem những sư đoàn trừ bị từ phía bắc vùng phi quân sự, (DMZ) vào, thì quân đội VNCH sẽ mất ít nhất là sư đoàn dù, thủy quân lục chiến, và 3 sư đoàn khác. Tất cả sẽ sụp đổ! chiến tranh sẽ chấm dứt!
(…)
(1) Ngày 29-4-2000, nữ ký giả Marcella Bombardieri viết trên tờ Boston Global một bài tựa đề “Nguyễn Văn Thiệu sống ẩn dật ở Boston” về cuộc sống của ông Thiệu. Bombardieri nhắc lại sử gia George Herring, một người chuyên nghiên cứu về Việt Nam thuộc đại học Kentucky, đã phê bình ông Thiệu về những tính toán chiến thuật nhầm lẫn vì nghe lời tướng Ted Serong, một chuyên gia về du kích chiến của Úc, khi ông ra lệnh triệt thoái khỏi cao nguyên.
Lạc đạn (1)
Tù binh tại Ban Mê Thuột
(ảnh AFP)
Sau khi Bắc quân chiếm thành phố Ban Mê Thuột (1), nhiều chuyện thật khôi hài, nhưng lại rất thật đã xày ra trên thành phố này. Không hiểu sau này, em út tôi lớn lên, đọc lại những điều tôi viết ở đây có tin hay không, vì bây giờ là năm 1975, chỉ còn 25 năm nữa là hết thế kỷ thứ 20. Một số dân thành phố chạy thoát khỏi thị xã, bộ đội chiếm những căn nhà này. Ban Mê Thuột tuy là một thành phố nhỏ so với các thành phố khác nhưng nhà cửa được xây dựng khoảng thập niên 60, với lối kiến trúc có nhà tắm, nhà bếp, phòng khách rất tiện nghi.
Một ngày, có 2 bộ đôi chiếm dụng một căn nhà trên đường Hai Bà Trưng, ra chợ mua 2 con cá lóc (do bạn hàng từ quận Lạc Thiện mang ra chợ Ban Mê Thuột bán) đem về thả trong hầm cầu (toilet bowl). Ngày hôm sau, cá biến mất, 2 bộ đội kết tội những nhà lân cận ăn trộm cá của cách mạng, hàng xóm hết cả hồn vía.
- Ai đã vào nhà ăn trộm cá, phải thành thật khai để được khoan hồng.
Hàng xóm sợ quá đành đứng chịu trận để cho cán bộ thóa mạ, mãi một lúc khá lâu, có cụ H. đã ngoài 60 tuổi, lấy hết can đảm hỏi cán bộ:
- Thưa cán bộ nhốt cá ở đâu mà bị mất trộm?
- Đây, vào đây chỉ cho, cán bộ cách mạng không bao giờ nói láo.
Cụ H. vào nhà mới hay cán bộ đã nhốt cá ở… Cán bộ lại còn khen, nước trong thùng này mát lắm. Cụ dở khóc dở cười và giải thích cho cán bộ đó là… cái bồn đi cầu.
(Ban Mê Thuột những ngày đầu - Nguyễn Định)
(1) Lạc đạn là những tiết mục…”lạc lõng – lạc đề” trong Tạp ghi sau 40 năm.
-: Xem tiếp “cà rem phơi khô” và “TV chạy đầy đường” qua bài viết “30 tháng 4! Ký ức của một người chưa cầm súng”, tiêt mục Ngày thứ 49 - Tân Cảng-Sài Gòn 27-4-1975.
Ngày thứ 2
Ban Mê Thuột thất thủ
Ngày 11-3, 8 giờ sáng, giờ phút của định mệnh, và cũng là khởi đầu ngày thứ hai trong trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc 1975. Chiến trường Ban Mê Thuột coi như kết thúc với
sự tràn ngập của bộ đội Bắc Việt.
Hơn 10 giờ sáng, thình lình mọi người nghe một tiếng nổ ầm thật kinh hoàng. Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh đã bị không quân ném nhầm. Trung tâm hành quân Sư đoàn 23 BB bị sập và các hệ thống liên lạc đều bị hư hại toàn bộ. Đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB, kiêm tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột rút khỏi bộ tư lệnh Sư đoàn để bảo toàn lực lượng. Đến xế trưa, bên cạnh đại tá Quang chỉ còn có người thiếu úy, sĩ quan tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.
11 giờ 50, ngày 11-3, bộ tư lệnh Quân đoàn II mất liên lạc với đại tá Quang.
Nhưng tại phi trường Phụng Dực, một trung đoàn của Sư đoàn 23, với 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 53 Bộ binh, một chi đoàn thiết vận xa M113, một pháo đội đại bác 105 ly vẫn tiếp tục chiến đấu thêm một tuần lễ nữa.
(Phạm Huấn – Trọng Đạt – SQTB K10B/72)
Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương
Dù cấp nhỏ, nhưng tôi vẫn cố gắng phân tích theo nhãn quan của tôi để mình còn nước còn tát trong việc giữ Ban Mê Thuột, vùng trách nhiệm của mình. Nhìn qua những mũi tên và những đơn vị của Bắc quân, theo như bản phối trí của Quân đoàn 3 Bắc Việt:
Các Sư đoàn 320, F10, 316 của Bắc quân vẫn còn ở phía tây Pleiku và Kontum. Những tin tức các sư đoàn này đã về Ban Mê Thuột vẫn chưa được quân đoàn xác nhận, vẫn còn phải theo dõi và kiểm chứng, nói theo phòng 2 của quân đoàn.
Tôi tiên đoán, Ban Mê Thuột sẽ là nơi thử lửa đầu tiên cho việc tiến chiếm miền Nam. Bằng chứng là họ đã chặt tay chân của Ban Mê Thuột bằng cách nhổ cứ điểm Đức Lập coi như đứt đoạn. Vì vậy, tôi đã nhiều lần xin tướng Phú tăng cường quân bằng cách đưa Trung đoàn 45 BB về phòng thủ Ban Mê Thuột.
Với nhiều lần xin quân viện, mãi đến ngày 4-3-1975, tướng Phú mới bằng lòng cho Trung đoàn 45 về Ban Mê Thuột. Lệnh di chuyển đã được ban hành, 2 giờ chiều cùng ngày, toàn thể đơn vị thuộc Trung đoàn 45 đã ngồi lên xe GMC để chờ lệnh Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 BB là xe chuyển bánh. Không ngờ vừa lúc đó, pháo kích của Bắc quân rót vào thị xã Pleiku, vào bộ tư lệnh Quân đoàn II. Tướng Phú đang ở Nha Trang được báo cáo của tham mưu trưởng Quân đoàn II về việc pháo kích này, đã không ngần ngại hét vào máy:
”Tôi ra lệnh cho Trung đoàn 45 BB không di chuyển về Ban Mê Thuột nữa, ở lại Pleiku vì mặt trận Pleiku đã bùng nổ rồi”.
(Nguyễn Trọng Luật)
Đại tá Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Darlac.
Quân đoàn 3 tại Vùng 2 chiến thuật
Quân đoàn 3, còn gọi là Binh đoàn Tây Nguyên gồm 3 sư đoàn bộ binh F10, 316, 320A, trung đoàn xe tăng 273, trung đoàn pháo binh 40 và 575, trung đoàn đặc công 198, trung đoàn phòng không 232, 234 và 593, các trung đoàn công binh 7 và 576,…v.v…
Sư đoàn F10 (ở nam Lào qua) và mới từ quận Đức Lập kéo về Ban Mê Thuột.
Sư đoàn 316 (từ Nghệ An vào)
Tổng cộng khoảng 5 sư đoàn.
Tại Pleiku có Sư đoàn 3 Sao Vàng và Sư đoàn 968 bôn tạp từ Lào qua.
Bên lề trận chiến
Theo sách Đại thắng mùa xuân thì đêm 11-3-1975, Bắc quân bắt được Đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB tại Ban Mê Thuột. Ông này khuyên Văn Tiến Dũng nên đánh thẳng xuống Nha Trang và Cam Ranh bởi vì giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang chỉ còn 1 trung đội địa phương quân (!) đóng tại đèo M’Drak.
2 giờ sáng ngày 12-3, đi được khoảng 6 cây số đường rừng ngay khi vừa tới sát một làng thượng, thì bị Bắc quân nổ súng, xông ra vây bắt. Thấy đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13-3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe molotova sang Cam Bốt để khai thác. Vùng rừng núi này, chắc chắn là nơi đặt bản doanh bộ tư lệnh chiến trường Tây Nguyên 1975 của 2 tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng và Hoàng Minh Thảo.
Trong suốt thời gian bị điều tra, đại tá Quang bị khủng bố tinh thần, cùm giữ hai chân trong hai thân cây lớn được khoét lỗ sẵn. Đó có thể cũng là kết quả đưa đến những lời cung khai của tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB, như Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn Đại thắng mùa xuân.
(Phạm Huấn)
Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương
Khoảng 2 giờ sáng ngày 10-3-1975, khi Ban Mê Thuột còn đang trong giấc điệp, bỗng bị đánh thức dậy bằng tiếng pháo kích inh tai, rợn óc của địch quân. Tôi rất bình tĩnh vì đã nếm mùi hỏa tiễn của họ ở những trận đánh trước…Từ lầu hai tôi chạy xuống hầm chỉ huy, đây là một hầm rất kiên cố, làm bằng bê tông cốt sắt. Trong hầm trang bị đầy đủ máy móc truyền tin để liên lạc tới các đơn vị trực thuộc rất dễ dàng. Tôi liên lạc ngay trưởng phòng 3 tiểu khu:
- Anh hãy gọi ngay pháo binh Sư đoàn 23 BB tại Phụng Dực phản pháo.
-: Tuy nhiên pháo 175 ly có tầm bắn từ 25 đến 27 km. Tiếng pháo kích vang rền thị xã Ban Mê Thuột cho đến 4 giờ sáng. Đạn pháo kích 130 ly vẫn rót đều vào thị xã. Lý do dễ hiểu là pháo binh của ta tại phi trường Phụng Dực phản pháo với đạn 105 ly đâu có tầm xa như đạn 130 ly của họ. Vì vậy sự phản pháo trở nên vô vọng, không thể khóa họng những khẩu đại pháo của địch. Nhất là pháo binh của ta không có L19 hướng dẫn, chỉ điểm, điều chỉnh chính xác.
***
Đến 7 giờ sáng, địch ngưng pháo kích và cũng ngay lúc này trưởng ty cảnh sát Darlac báo cáo thẳng với tôi:
– Thưa đại tá, chiến xa nó đã tiến vào thị xã và hiện đang bố trí xung quanh nhà thờ thị xã. (cũng nên ghi nhận là nhà thờ Công giáo này nằm ở trung tâm thành phố).
Tôi liền báo cáo và xin tướng Phú được qua chung ở với Đại tá Vũ Thế Quang, tại trung tâm hành quân Sư đoàn 23 BB. Tướng Phú chấp thuận. Mối lo ngại lớn lao của đại tá Quang và tôi là chiến xa của họ đã lọt vào giữa thị xã. Với kinh nghiệm của một sĩ quan kỵ binh tôi hiểu rất rõ hỏa lực tấn công của những con ngựa sắt này.
Sự chênh lệch về lực lượng ta và địch quá rõ. Địa phương quân phải so tài với quân chính qui Bắc Việt, với sự yểm trợ chiến xa và pháo binh. Còn bên ta, pháo binh tại Phụng Dực, cũng như phi pháo không thể yểm trợ. Một phần vì dân chúng chưa được di tản. Cộng thêm, hỏa lực phòng không của địch dày đặc, làm phản lực cơ A37 của ta cũng không thể xuống thấp để thả bom cho chính xác được.
2 giờ 45, trưởng phòng 3 tiểu khu báo cáo: Một trái đã đánh trúng hầm TOC/TK.
1 giờ 30, trưởng phòng 3 tiểu khu lại báo cáo: Chiến xa tràn ngập hệ thống phòng thủ.
(…)
Góp nhặt…ghi chép…
Chiều ngày 15-3 tại chi khu Phước An của tiểu khu Đắc Lắc, trưởng phòng tình báo Quân đoàn II là Đại tá Trịnh Tiếu nhờ Thiếu tá Phạm Huấn, đặc phái viên của tướng Phạm Văn Phú, báo lại cho tướng Phú (đang ở BTL/Quân khu II tại Nha Trang) rằng quân Bắc Việt tại Ban Mê Thuột có 4 sư đoàn, đang tràn về Nha Trang. Trong khi tình hình Quân khu II lâm vào cảnh hiểm nghèo như thế thì hồi ký của tướng Viên không hề có lấy một dòng đả động tới việc ông đã ra lệnh như thế nào hoặclàm gì để giúp tướng Phú trong suốt khoảng thời gian từ khi trận Ban Mê Thuột bắt đầu nổ ra cho tới ngày quân Bắc Việt thanh toán xong Ban Mê Thuột và bắt đầu tràn xuống Phú Bổn. Tướng Viên không giúp gì tướng Phú để tái dựng lại cầu sông Ba.
(Bùi Anh Trinh)
Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương
2:00 giờ, BCH/TK coi như thất thủ hoàn toàn. Tôi liền báo cáo cho tướng Phú. Tướng Phú ra lệnh cho trực thăng vận Liên đoàn 21 Biệt động quân xuống Ban Mê Thuột.
Đến mãi 6 giờ, Quân đoàn II mới quyết định cho thả Liên đoàn 21 BĐQ xuống BCH/CK Buôn Hô rồi đi bộ tiến vào thị xã Ban Mê Thuột. Tôi liên lạc với chỉ huy trưởng Liên đoàn 21 BĐQ, hối thúc phải cho tiến quân nhanh vào thị xã để tái chiếm lại BCH/TK.
Mãi đến 11 giờ khuya, họ cho biết rằng đã tới ven thị xã Ban Mê Thuột mà không tiến vào được vì bị địch chặn đánh. Tôi theo dõi cuộc tiến quân của Liên đoàn 21 BĐQ từng phút, cứ 15-20 phút là tôi liên lạc với họ hỏi coi đã tiến tới đâu rồi. Vẫn những câu trả lời ngắn gọn: ”Đang tiến nhưng gặp nhiều ổ kháng cự”.
Tôi chờ đợi Liên đoàn 21 BĐQ tiến vào thị xã, 2 giờ sáng ngày 11-3, rồi 3 giờ, rồi 4 giờ cho đến hừng sáng Liên đoàn 21 BĐQ cũng không tiến vào được.
7 giờ sáng ngày 11-3, Bắc quân bắt đầu nã pháo binh vào Bộ tư lệnh Sư đoàn 23, Tôi đoán chắc rằng họ đang cho pháo binh bắn vào vị trí BTL/SĐ23 để chuẩn bị tấn công. Tôi nói với đại tá Quang, lúc này là lúc nguy ngập, sắp cận chiến.
Lúc này khoảng 7 giờ 30 sáng. Tôi đi thẳng ra cửa BTL/SĐ thấy ngoài cổng BTL khoảng cách độ 300 m đầy chiến xa T54 đã bao xung quang BTL. Tiếng máy kêu ầm ầm và các chiến xa đâm thẳng vào cổng bộ tư lệnh. Những con cua sắt ì ạch tiến gần cổng 250 m, rồi 200 m, rồi 100 m. Chiến xa địch đầu chầm chậm tiến thẳng vào thiết vận xa M113. May mà ngụy trang nên chúng không thấy. Tôi mừng quá và nói thầm trong bụng: ”Mày sẽ chết con ạ”… Thần kinh tôi như giãn ra. Tất cả anh em chúng tôi hồi hộp, giờ sinh tử bắt đầu. Khói đen từ ống thoát phun ra mù mịt, chiến xa T54 địch, chiếc đầu chầm chậm tiến vào. Chúng vẫn chưa biết có chiếc M113 đang chờ đón nó vào cửa tử, vì được ngụy trang kỹ càng như đã nói trên. Tôi hét lớn “Bắn!”. Thay vì chúng tôi phải nghe tiếng nổ thật lớn của viên đạn vút ra khỏi nòng súng, thì trái lại cây súng chỉ cho chúng tôi một tiếng khô khan, lãng xẹc: ”Cóc!”.
Trong khi mắt mọi người và tôi dán chặt vào những con cua sắt. Tôi gào lên:
– Gì thế! Gì thế!
Xạ thủ trả lời:
– Trở ngại tác xạ, đại tá!
– Mở “culasse” ra xem?
– Trình đại tá, “percuteur” bị gẫy!
– Có “percuteur” thay thế không?
– Thưa… không!
(…)
Chuyện kể thời hậu chiến
Gần nhà em có một chú tử sĩ, chú bị cụt đầu. Sáng nào chú cũng đi qua nhà em để ăn sáng.
Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương
Tiếng: “Thưa không” làm tôi toát mồ hôi, vì đây là hy vọng cuối cùng cho sự cầm cự với họ để chờ viện binh tới. Bây giờ tiêu diệt chiến xa địch bằng phương tiện gì đây? À phải rồi, chúng ta còn oanh tạc cơ đang bay lượn trên không. Những chiếc phản lực cơ A37 sẽ xơi tái chúng một cách dễ dàng. Tôi liên lạc ngay với L19 và nói chấp nhận sự nguy hiểm để dùng phản lực cơ dội bom thẳng vào các chiến xa đang tiến vào Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 BB, và như vậy mới chặn đứng cuộc xung phong của họ. Trong lúc chờ đợi phi cơ làm thịt mấy con “cua sắt”. Thình lình, mọi người nghe một tiếng nổ “ầm” thật khủng khiếp vang dội cả một góc trời. Cát, đá, bụi tung lên cao cả hàng trăm thước. Thôi rồi! Trung tâm hành quân sư đoàn nơi đầu não để chống lại địch quân đã bị không quân ta đánh trúng.
TOC bị sập và các phương tiện truyền tin thiết trí trong đó đều tiêu tùng theo mây khói. Ai cũng biết, trong trận mạc, truyền tin là huyết mạch chính. Bây giờ không còn để liên lạc với cấp trên và thông tin cho cấp dưới nữa. Không một chút suy nghĩ, tôi nói nhanh với đại tá Quang:
– Không thể cố thủ được nữa. Không có truyền tin, chiến xa làm sao chận đứng những chiến xa T54 và bộ binh đang tiến vào căn cứ. Trong khi đó chúng ta không có viện binh. Tồi đề nghị
chúng ta rút ra khỏi vị trí phòng thủ BTL sư đoàn ngay để bảo toàn lưc lượng còn lại.
Đại tá Quang đồng ý và ra lệnh rút quân. Chúng tôi vọt ra khỏi hàng rào và hướng về phía tây tức là “suối Bà Hoàng”. Cũng may mùa này là mùa khô nên suối cạn. Đáy suối lại thấp hơn mặt đất tới 15 m nên rất dễ cho việc ẩn nấp. Anh em binh sĩ đi theo chừng 100 người. Xa xa tiếng phát thanh tuyên truyền của địch quân gần chùa Phật giáo của Tỉnh hội Phật giáo Ban Mê Thuột kêu gọi các binh sĩ ta đầu hàng. Chúng tôi tiếp tục di chuyển…
Hình ảnh lê thê lếch thếch của đoàn quân như khúc phim trên màn bạc cho trận Thế chiến thứ hai, trận Dunkerque năm 1940, mà lực lượng đồng minh phải bỏ thành phố vì bị Đức tràn ngập. Lúc đó họ còn thiết giáp, nhưng thiết giáp của Đức tối tân hơn nên phải ra hàng. Họ chạy đến bờ biển và đã kiếm bất cứ phương tiện nào như du thuyền, canô hay thùng phao để thoát. Còn tôi bây giờ còn gì đây. Sinh ra làm lính thiết giáp mà bây giờ di chuyển như lính bộ binh.
(…)
Ngày thứ 3
Chuẩn bị tái chiếm Ban Mê Thuột: 12-3-1975
Ngày 12-3, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân đoàn II quyết định tổ chức cuộc đổ quân tăng viện để tái chiếm Ban Mê Thuột. Thiếu tướng Phú rời bộ tư lệnh Quân đoàn II tới Ban Mê Thuột vào khoảng 2 giờ chiều, Tướng Phú đã liên lạc với các đơn vị đang chiến đấu ở quanh Ban Mê Thuột như Trung đoàn 53 BB ở phi trường Phụng Dực, Liên đoàn 21 Biệt động quân, các tiểu đoàn địa phương quân Darlac. Sau khi hoàn tất việc điều động đợt đổ quân đầu tiên, Thiếu tướng Phú giao trách nhiệm chỉ huy trực tiếp các cánh quân tái chiếm Ban Mê Thuột cho Chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh Sư đoàn 23 BB, rồi ông trở lại Pleiku.
Trong buổi chiều cùng ngày, cùng lúc gia tăng áp lực tại chiến trường Ban Mê Thuột, thì tại Pleiku, từ những đỉnh cao phía tây-bắc của thị xã này, Bắc quân đã pháo kích bằng hỏa tiễn vào phi trường quân sự Cù Hanh và bộ tư lệnh Quân đoàn II.
(Phạm Huấn – Trọng Đạt – SQTB K10B/72)
Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương
Tôi bàn với đại tá Quang. Mình phải phân tán mỏng để tránh sư phát giác của địch quân. Tôi đề nghị: ”Toa” đi về một phía, “moa” một phía và cố gắng tìm về Nha Trang. Đại tá Quang gật đầu và chọn ngay cho mình một quyết định. Vị tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột nói với tôi: ”Moa sẽ đi về hướng nam, đến gần cầu khoảng cách 14 km là tìm đường về Nha Trang”. Còn tôi không còn chọn lựa naò khác hơn là đi về hướng tây, chờ trời tối sẽ bọc lên phía bắc Ban Mê Thuột và từ đó tìm về Nha Trang.
Tôi rất ngao ngán cho việc vượt thoát này. Nhưng không còn một con đường nào khác. Chúng tôi bò tiến lên ngang mặt đất. Vưà lúc đó hàng loạt súng cộng đồng nổ vang và nhắm vào đoàn người chúng tôi. Đạn cày xới lên đất làm tung bụi mịt mù. Tiếng đại liên, tiếng gào thét của chiến xa đang tiến về chúng tôi như cuộc bủa vây đang thắt chặt. Tôi biết chúng tôi không thể nào thoát trước một thế trận đường cùng này. Tôi bèn bàn với thiếu úy Phương là nên đầu hàng. Thiếu úy Phương cởi áo lót trắng và lấy cây đưa lên cao phẩy qua phẩy lại để ra dấu hiệu đầu hàng. Lập tức súng đại liên ngưng bắn và chiến xa tiến sát về phía chúng tôi khoảng 10 m, một cán binh nhảy ra khỏi chiến xa, với khẩu AK47 chĩa thẳng vào chúng tôi và quát lớn:
– Tụi bay chức vụ, cấp bậc gì??
Như cái máy, tôi trả lời:
– Tôi là đại tá tỉnh trưởng.
Hắn tròn xoe mắt lại và nghi ngờ:
– Thật không? Thật không?
Tôi gật đầu và hắn hỏi tiếp:
– Tên gì nói mau.
Tôi không ngần ngại:
– Nguyễn Trọng Luật.
– Thật không?
– Thật.
Hắn sững người và rất đỗi ngạc nhiên. Hắn càng ghìm tay súng vào đầu tôi. Một cán binh khác nhảy từ trên xe đến lột hết quần áo tôi. Trên người tôi chỉ còn chiếc áo lót và chiếc quần treillis. Chúng lấy hết súng lục, áo giáp, nón sắt, giầy boots và luôn cả vớ. Chúng nhanh tay lấy giây trói chặt tay tôi ra đằng sau. Chừng nửa giờ sau, một chiến xa khác tới. Một cán binh mặt mũi sáng sủa nhảy ra khỏi chiến xa và tiến tới tôi hỏi:
– Anh có thật là Đại tá Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Darlac không?
– Đúng.
– Thôi anh ngồi chờ, chốc lát sẽ có xe đưa anh đi.
Khoảng 4 giờ chiều, một chiến xa khác xuất hiện và bốc một mình tôi lên xe. Xe bắt đầu di chuyển. Tôi có thể đoán chắc là chúng đi về hướng tây để đến bộ chỉ huy của chúng.
(…)
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Tôi sinh năm 1943, vào mùa xuân 75, tôi là thiếu úy Sư đoàn 23 quân lực VNCH, đóng ở Pleiku và Ban Mê Thuột. Khoảng tháng 3, tiểu đoàn tôi tiến vào mật khu Quang Nhiêu, cách Ban Mê Thuột chừng mười bảy cây số. Trong chiến dịch này, chạm trán một nhóm trinh sát Bắc Việt, chúng tôi khai hỏa, giết chết bảy, bắt sống hai. Một trong hai tên bị bắt là sĩ quan. Phía chúng tôi tổn thất bốn. Cùng với việc bắt tù binh, chúng tôi cũng tìm được nhiều tài liệu và tin tức quan hệ. Chúng tôi cho gửi ngay các tài liệu và tù binh về bộ chỉ huy.
Nhưng khi tiến thêm chừng một cây số, chúng tôi có lệnh ngừng và rút quân, vì an ninh quân đội khai thác tù binh, biết được có nhiều đơn vị quân đội chính quy Bắc Việt lúc ấy chỉ đóng cách chúng tôi hai ngày đường bộ. Nhưng sự thực, chúng chỉ cách địa điểm chúng tôi có hai cây số, nếu tiến thêm chúng tôi đã bị quét gọn rồi. Vì thế chúng tôi rút về Quang Nhiêu, ở lại bảo vệ địa điểm này. Như vậy chúng tôi đã biết thực lực địch quân. Chúng tôi hiểu tình hình nghiêm trọng, nhưng tôi không nghĩ các sĩ quan ở tỉnh và tư lệnh vùng biết được tình hình nghiêm trọng là đã có nhiều quân chính quy Bắc Việt như vậy ở trong vùng.
Tình trạng rất phức tạp. Tiểu đoàn chúng tôi gồm bốn đại đội. Đại đội tôi là Đại đội 1, nhận lệnh trở lại Ban Mê Thuột, vào giữa thành phố để yểm trợ các xe dầu của sư đoàn, Đại đội 2 đến đóng tại bộ chỉ huy Sư đoàn 23. Một đại đội khác được gửi đến yểm trợ các căn cứ nhẹ của quân đoàn, nhưng đã bị tiêu diệt toàn bộ. Đêm mùng 9 rạng ngày 10-3, đại đội tôi có lệnh đến phòng vệ cây cầu trên đường 14 để giữ khai thông con lộ. Nhưng đêm ấy, quân Bắc Việt pháo rất dữ, chúng tôi lâm tình trạng hết sức nguy kịch. Tôi dẫn lính trở ra, nhưng quân cảnh yêu cầu chúng tôi trở lại vị trí để chuẩn bị vì tình hình nghiêm trọng. Mọi việc có vẻ không khá. Tôi nghĩ lúc ấy ai nấy đều biết trước một cuộc tấn công sẽ phải xảy ra.
(Larry Engelmann & Nguyễn Trường Toại)
Ngồi ở quán nhậu kể chuyện súng đạn
Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị thương hai lần. Một lần ở Buôn Mê Thuột và một lần ở đùi.
Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương
Tại trại tù Nam Hà, tôi được biết đứa con út của tôi đã chết tại xã Châu Sơn cách thị xã Ban Mê Thuột chừng hơn 3 km. Số là khi Bắc quân tràn ngập, các con tôi đã theo chân những binh lính trong dinh chạy trú ẩn tại nhà cha Tâm, cha sở xã Châu Sơ, một xã phần đông là người Công giáo từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, nên có tinh thần chống Cộng cao độ. Bắc quân đã nã pháo kích như mưa vào làng, làm trúng hầm trú ẩn gia đình cha Tâm. Kết quả là đứa con út tôi và 2 đứa cháu của cha Tâm bị tử thương.
Trong tù, tôi gặp Đại tá Nguyễn Văn Của, thiết giáp, tỉnh trưởng tỉnh Châu Đốc cho tôi biết khi Ban Mê Thuột bị mất, ông Thiệu đã triệu các tỉnh trưởng về họp tại dinh Độc Lập và nói: Thằng Luật trở về trình diện, tôi sẽ xử bắn ngay vì bỏ chạy mà không giữ được thị xã. Còn các anh cũng vậy, ai bỏ tỉnh mà chạy, tôi cũng bắn ngay.
Nghe lời kể của anh Của mà lòng tôi xót xa. Ở đời ai có hiểu mình và tôi lại nghĩ tới mình đang trong đời lao tù không có ngày ra này. Thêm nữa, cũng may cho tôi là tôi đã không bỏ tỉnh, chạy trước khi địch quân đến mà tôi ở lại cố thủ để bị bắt tại chiến trường. Nếu không bị xui xẻo vì bị oanh tạc lầm vào TOC, nếu quân tiếp viện đến kịp thời thì đâu đến nỗi bị bắt và ở tù tại miền Bắc 13 năm, 5 tháng, 25 ngày.
Sau khi gia đình tôi đã được định cư tại Mỹ, qua diện HO. Vì chưa ổn định được đời sống nên tôi chưa có dịp diện kiến ông Thiệu để thưa lại vị tổng tư lệnh của tôi đôi điều. Có một cảm nghĩ mà tôi cứ suy nghĩ mãi là các tướng VNCH có đọc truyện Tàu không, nhất là tướng Phú, để không bị Bắc Việt đánh lừa ở Vùng 2. Vì nếu đọc truyện Tàu đời xưa, chúng ta đều biết trận đánh giữa Hàn Tín và Hạng Võ được gọi là:
Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương.
(Nguyễn Trọng Luật)
Góp nhặt…ghi chép…
Vào khoảng thời gian mà những lá cờ xanh đỏ sao vàng được kéo lên trong các vùng Bắc quân vừa chiếm được ở Ban Mê Thuột ngày 12-3, thì Thiệu đang quyết định nước cờ định mệnh.
Theo như người ta được biết, Thiệu không thảo luận với ai cả và cũng đã không trao đổi ý kiến cả với người Mỹ. Đại sứ Hoa Kỳ G.Martin lúc ấy lại không ở Sài Gòn. Ông ta đang kéo dài kỳ nghỉ vốn đã quá dài nằm tại nhà ở bang bắc Carolina trong lúc Thiệu muốn nói chuyện với ông ta. Vì Thiệu không tin người Mỹ nào khác ngoài Martin lúc đó.
(Black April: The Fall of South Viet Nam - Alan Dawson)
(còn tiếp)
Đăng ngày 02 tháng 05.2016