banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Xuôi đường thiên lý

(hay Giấc mộng con)

Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập:

(Trích Giấc mộng con, của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đăng lần đầu trên Ðông Pháp thời báo, Sài Gòn, 1927)

tan da

Chỗ cụ Nguyễn Trãi ở rất là thâm nghiêm. Mình mới tới cửa, xưng danh, anh gác cửa không cho vào, nói là: Cụ ít khi có tiếp khách. Sau phải bảo anh rằng:
- Tôi là người nước nhà ở hạ giới, tôi là Hiếu, không mấy khi lên tới đây. Bác cứ vào bẩm giúp, chắc thế nào Cụ cũng tiếp tôi.
Anh ta vào, một lát trở ra, quả nhiên là Cụ cho gọi, anh nói rằng Cụ đang ngồi đợi.
Mình thấy Cụ bắt hai tay ra đằng sau, đương đi bách bộ, vẻ mặt coi thật là buồn rầu mà như ý trầm tư lắm, mình đến giáp trước mặt Cụ, cúi đầu chắp tay chào.
- Anh Hiếu, tôi đương buồn, anh đến chơi cũng hay.
Cụ sai lấy bàn ghế và rượu ra uống. Mình từ tạ không dám ngồi. Cụ nói:
- Ở trên này không như dưới hạ giới, ai đã lên tới đây thời coi nhau là tiên cả với cửa động, đầu non, đường lối cũ, nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi. Huống chi tôi với anh là anh em trong một nhà thời anh đừng nệ.
Cụ cầm ve rượu rót cho mình và nói rằng:
- Cái này, tôi cũng không uống được mấy, nhưng buồn quá thì mượn nó để tiêu sầu. Anh say sưa nghĩ cũng hư đời, hư thời hư vậy, say thời cứ say thì cứ uống.
Uống một hai chén rượu, không thấy Cụ nói chuyện gì, sắc mặt Cụ thì chỉ thấy cứ như thể buồn rầu nghĩ ngợi. Mình gợi chuyện:
- Bẩm như Cụ công nghiệp như thế mà cái cảnh ngộ về sau không ra sao; người nước ta sau này đọc sử đến chỗ đó, ai cũng phải lấy làm buồn.
- Cái cảm giác của người đọc sử thế nào thời tôi không biết, còn như tôi mà buồn, không phải là buồn về sự dĩ vãng của tôi, mà chỉ buồn về vận hội sau này của nước nhà. Ðời không có hào kiệt chẳng thà nước đừng có giang sơn. Tôi thường khi ngồi hầu chuyện đức Lê Thái Tổ mà cùng nói đến lúc nào, chỉ tiếc rằng cái thân con người ta không mỗi lúc mà được tái sinh ở trần thế!
Mắt cụ Nguyễn chắc như chực sa lệ.
- Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, mà bắc nam cũng khác... (Bình Ngô Ðại Cáo).
Nói đến đây, thấy Cụ như muốn sa nước mắt. Mình cũng vừa buồn vừa thẹn, không biết dám nói lại ra làm sao! Năm 1927 việc đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi nước còn vô cùng mờ mịt, Cụ trên cõi tiên trông xuống thiếu điều khóc ròng…

Khi không Cụ ngâm khe khẽ:
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rày chiêm bao?
(Tự thuật – Nguyễn Trãi)

Chưa kịp hiểu tôn ý dậy gi, chưa chín một nồi kê thì Cụ nắm tay mình rủ bay xuống hạ giới chơi. Trên đường bay, gió thổi ù ù nghe ong cả tai, rúc vào mây mà bay, mình gợi chuyện bằng vào nuốt câu bớt chữ với cái năm 1406, tương truyền rằng khi ấy cụ 26 tuổi đang làm quan nhà Hồ, gặp người Thị Lộ mới 16 tuổi. Cụ thấy xinh đẹp, liền ứng khẩu: “Ả ở đâu mà bán chiếu gon, chẳng hay chiếu bán hết hay còn“ có thật hay chăng?
Cụ cho hay chỉ là chuyện nhảm nhí mà người sau buôn chuyện như…mình đấy thôi.
Vừa lúc hai chân chạm đất, nhòm nháo nhác chỉ thấy núi và mây, mình đang ngơ ngác thì Cụ bảo: “Anhquanh năm luống những lo văn ế, thân thế xem thua chú hát trèo (?) nên như phường trèo chẳng biết gì cả”. Cụ khật khừ rằng nơi đây là đất Bằng Tường ở bên Tàu. Cụ giắt mình men theo con suối vào khe núi, đảo mắt nhìn quanh chỉ thấy mươi đống gạch vụn còn vương vãi qua một vũng tang thương nước lộn trời. Thẫn thờ như gà rù giữa buổi đồng vắng, Cụ thở hắt ra là Cụ đã tiễn đưa thân phụ Nguyễn Phi Khanh tới nơi chốn này: Đây là ải Nam Quan có từ đời Nguyên mà tên cũ xưa kia là Pha Lũy Dịch. Mình ớ ra hỏi cụ vậy chứ ải Nam Quan qua báo chùa, báo chợ bây giờ ở nơi nao?
Cụ nói cách đây khoảng hai mươi cây số về phía Đồng Đăng.
Mình hong hanh nhớ ra cả trăm năm trước, ông Tsai Tin Lang bị đắm thuyền ở biển An Nam, ông trở về quê bằng đường bộ qua ngả Quảng Tây. Từ Hà Nội lên Đồng Đăng tới ải Nam Quan gặp núi đá hiểm trở, vực thẳm tối tăm, ông ngước lên núi hỏi người dẫn đường trên ấy có gì? Và được trả lời trước có cột đồng Mã Viện nay không còn nữa.
Thế là mình đánh vật với chữ nghĩa với Cụ qua Chiếu thư của Minh Thái Tổ:
“Giao Chỉ dưới thời Hậu Hán có người đàn bà tên Trắc làm lọan. Vua Quang Vũ sai Mã Viện sang bình định, bèn xây Đồng Trụ ở huyện Uyên (Đồng Đăng)…”. Thấy Cụ im như thóc ngâm, mình lại lúi cúi niệm thêm với Chiếu thư trả lời của Vua Trần Thuận Tông:
“Xét cho kỹ thời Hán Vũ thứ 19 sai Mã Viện đến Giao Chỉ đánh dẹp người con gái họ Trưng lập Đồng Trụ. Tính đến nay đã hơn 1.350 năm, dưới một nghìn năm gò lũng đã biến đổi, ai mà biết được Đồng Trụ ở đâu?”.
Ý đồ mình hỏi Cụ là thế đó. Cụ ngẩng mặt lên trời nhìn mây bay và từ tốn rằng với Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt thì các sử gia mình cứ chắc như đinh đóng cột chỉ có… một cái trụ đồng thôi và rối ren rủ nhau đi tìm. Qua Thủy Kinh Chú đề cập đến truyền thống dựng cột thì Mã Văn Uyên (bút hiệu của Mã Viện) có dựng những kim tiêu để đánh dấu biên giới phía nam của nhà Hán. Du Ích Kỳ góp thêm vào là Mã Văn Uyên cho dựng cột đồng ở bắc ngạn Lâm Ấp (đất của Chiêm Thành, vùng Đồng Hới) và cho định cư những người thuộc Mã tộc. Sau cùng, sách Tùy thư hé lộ tướng Tàu Lưu Phương đi chinh phạt quân Chiêm Thành đã tiến quân ngang qua những cột đồng Mã Viện, và tiếp tục tiến về phía Nam đến tận kinh đô vương quốc Lâm Ấp. Theo An Nam chí lược của Lê Tắc là sử gia ta đời Trần đề cập đến di tích này, thì thuở trước ở vùng hang động Cổ Sâm thuộc Khâm Châu (gần Đồng Đăng) có những cột đồng do Mã Viện dựng lên.
Thế là mình không biết làm gì là…làm thinh và lẽo đẽo đi với Cụ về phía Đồng Đăng.
Vừa lững thững đi, chỉ khoảng không gian trước mặt, Cụ vừa nói chuyện với mình như nói chuyện với một người bạn vong niên lâu ngày không gặp. Cụ vừa rì rầm là thằng tướng Tây tên Negrier, trong Ủy ban phân định biên giới Pháp-Thanh giật sập ải Nam Quan năm 1884 để xây cổng mới ở một địa điểm khác, sâu vào phía nam, sát với biên giới Việt Tàu hơn. Tới ải mới gần thác Bản Giốc, Cụ nói cửa ải này được thằng Tây dựng năm 1886. Tiếp theo ngón tay chỉ Cụ hỏi mình dẫy nhà xây theo kiểu Tây, cao hai tầng và hỏi mình trông có giống nhà thương Grall ở Sài Gòn không. Mình trả lời vừa vào Sài Gòn năm 1927, chưa có…cơ hội đau ốm bao giờ để vào nhà thương nên…không biết.

***
Mình và Cụ rủ nhau vào đồn biên phòng làm thủ tục qua bên kia biên giới để… nhập quan nước mình. Thì mới vỡ nhẽ ra rằng, chỉ có người mang hộ chiếu VN mới được đi qua mà thôi, hộ chiếu ở thiên đình phải xin visa ở Hà Nội. Mình nảy sinh ra ý mượn thông hành mấy gã cửu vạn đang đứng gần đấy, thế là cả hai mất 30 đô để làm thủ tục qua bên kia biên giới. Qua khỏi đồn biên phòng chừng hơn 100 thước gặp cổng Tàu. Trên cổng khắc ba chữ tàu to tướng. Cụ dịch cho hay là 3 chữ trên là…Hữu Nghị Quan.
Trên đường đi gặp chợ trời biên giới. Những gã cửu vạn, vác hàng tất tả với những chiếc xe thồ hàng hóa ngập đầy. Hàng hóa ở đây là bình thủy, máy móc điện tử và thuốc bắc. Những dàn DVD mở lớn ca hát vang trời. Ðĩa lậu ở đâu mà nhiều thế, gía cả rẻ như bèo. Hàng hóa bát nháo, thật gỉa khó lường. Mình xúi Cụ mua một cái để nghe nhạc họ Trịnh “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay, ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi…Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam” thì cụ lươn khươn là trên trời không có…điện.
Thấy cả hai có vẻ ngây ngô như ở trên trời rớt xuống giữa phố thị đông người, một bà lão bán nước chè tươi cất tiếng mời: “Xin mời cụ và bác vào xơi nước”. Thấy họ nói chuyện vui vẻ, mình kéo chiếc ghế đẩu mời Cụ ngồi còn mình thì ngồi bẹt xuống chiếc chiếu cạnh mấy gã cửu vạn. Gã ngồi cạnh mời: “Bác làm thử một điếu!”. Thấy hay hay, mình cầm cái điếu cày, có vẻ chưa hề hút thuốc này bao giờ, gã cửu vạn lên tiếng: “Vê nhỏ thôi, hút thử mà to như thế thì bật ngửa đấy!”. Mà bật ngửa thật! Vừa hít một khói như muốn nổ tung lồng ngực và điên đảo quay cuồng. Mình nhoài ra chiếu không biết gì nữa.
Cụ ắt hẳn là ra mấy cửa hàng bán thuốc bắc bổ dương, bổ thận mới về. Một gã cửu vạn hỏi: “Sao cụ đã trả thù dân tộc chưa?”. Cụ hỏi lại: “Trả thù dân tộc là lý sự gì?”. Thấy mấy anh cửu vạn ăn nói thô lỗ qúa, mình rủ Cụ đi vãn cảnh, vừa quay lưng, gã cửu vạn khác trêu trọc: “Tao đố con Tuyết ngựa rủ được ông cụ về ngủ một đêm”. Cụ nghe thấy, lẩm bẩm: "Chuyện này trên trời không có đây!". Nhân tiện mình hỏi Cụ trên trời có gì thống khoái chăng? Cụ cho hay là mình lên chơi thì quá đã, nhưng ở lâu thì chán lắm vì chỉ có tiên ông tiên bà bay suốt ngày trên trời. Nên chả vui như ở dưới trần ai một cõi này.

Phố quận Đồng Đăng

quan dong dangMặt Cụ ngẫn ngẫn trông thấy, nhưng Cụ vẫn phải gọi một gã cửu vạn lái xe thồ chở hàng hóa, chở luôn cả hai tới Đồng Đăng. Theo bước chân phù lãng nhân trong cõi ngu lạc trường, mình tới huyện lỵ chả thấy phố Kỳ Lừa như trong bài ca dao Ai lên xứ Lạng có câu “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa”. Ấy là chưa kể câu “Gánh vàng đi đổ sông Ngô” thì Lạng Sơn nào có sông Ngô và gánh vàng là thể thống gi? Bèn ngu ngơ hỏi? Cụ lụng bụng là bài ca dao ấy đúng tên là Ai lên thú Lạng diễn tả tâm sự người lính thú ở biên thùy vùng mạn ngược và kể lể vụ nộp cống người vàng. Chả là đời Lê-Mạc, Minh Thành tổ bắt ta mỗi hai năm phải triều cống hai tượng người bằng vàng y ròng (đại thân kim nhân). Để thế mạng cho Liễu Thăng và Lương Minh bị Lê Lợi chém văng đầu ở ải Chi Lăng. Còn Ngô là tên vùng đất xuất thân của Chu Nguyên Chương tức Minh Thành tổ.
Vừa thông hanh xong bị Cụ mắng cho rát mặt với cái mũi trước mắt còn không nhìn thấy nữa là. Là dựa vào bia đá “Thế Tồn Bi Ký” đời Lê Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ tám 1670, ở biên giới Lạng Sơn do trấn thủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn có ghi “Việt Nam hầu thiệt, trấn bắc ải quan, thạch bích hoàn vũ, Uyên quận giới phiên, Đồng Đăng linh ấp”. Ấy thế mà các nhà biên khảo, biên chép ta nào ai có hay biết: Trấn bắc ải quan đây là cửa ngő yết hầu của nước Nam ta trấn giữ phương Bắc là Ải Chi Lăng. Hơn thế nữa, đây là tấm bia có niên đại muộn hơn song nó có danh tính người soạn, hơn nữa đây là một mệnh quan chính thức của triều đình. Nhưng ấy là chuyện sau.
Chuyện sau thì đâu hãy còn đó nhưng mình chả thấy…cái bia đá đâu?
Cụ rấm rẳn là cứ nhắm mắt theo ca dao lịch sử có đổ thóc giống ra mà ăn. Như câu “Lên non truốt một bộ sào, xuống thuyền Bá Vọng, qua ao Ngũ Hồ hoặc giả như “Võng Động Đình mẹ ru con ngủ, chiếu Tiền Đường thức đủ năm canh”. Từ đó nhiều nhà học giả, học thật nhận vơ gốc gác người mình gốc Tàu từ Động Đình Hồ xuống. Cụ chép miệng rằng Tàu có võng đâu mà ru con mà chỉ ta mới có. Cụ cười tủm, lần đâu tiên mình thấy Cụ cười mà rằng Cao Bá Quát có bài Tức sự mở đầu bằng hai câu: “Nhãn khan cao điểu độc phàn lung - Tự ỷ thằng sàng bất ngữ trung”. Trong đầu mình rối tinh với Hán-Nôm quái quỉ gì lạ vậy với…thằng sàng? Cụ thấy mặt mình nghệt ra bèn nói: “Anh gánh văn lên bán chợ trời sao dốt thế!”. Rồi Cụ đủng đỉnh là cái văn thơ của Siêu của Quát "vô Tiền Hán" cũng không biết tiếng Tàu gọi “cái võng” là cái giống gì nên ông cuồng chữ Cao Chu Thần mới nhét bừa vào thơ hai chữ thần tình “thằng sàng” là…cái giường võng.

 

Thành Bắc Ninh

thanh bac ninhXe thồ chở “hai hàng hóa” qua thành Bắc Ninh gần tới Đông Anh. Gã cửu vạn chỉ hai bức tường gạch vuông vức nhô lên khỏi giữa đồng không mông quạnh khoảng một thước. Và gã nói khơi khơi là khu đất này nằm gần một vùng ao đầm nhiều ốc, lại có làng tên Vọng Nhân nghĩa là “người ốc”. Nên dân làng “người ốc” gọi cái thành cũ kỹ kia là…”thành ốc”.
Cụ hứ một cái là chỉ chỉ ăn ốc nói mò vì đó là…thành Cổ Loa. Mình u ơ vì ba bức tường chả cuộn hình xoắn ốc gì sất cả. Với tình riêng nỗi cảnh, nỗi khách bâng khuâng, chẳng thể cầm lòng... nên mình nồng nã với Cụ:
“…Theo Đại Việt sử ký toàn thư, An Dương Vương họ Thục tên húy là Phán, người Ba Thục đánh vua Hùng lúc vua ta…“đang say rượu” nên thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê nay là thành Cổ Loa. Thành cuốn tròn như loa ốc nên được gọi là Loa Thành. Sau bị Triệu Đà diệt…”.
Chưa kịp hợm chữ tiếp Cụ đã nheo mắt dùi mài kinh sử với Sử ký của Tư Mã Thiên, chương Nam Việt Úy Đà liệt truyện viết về Triệu Đà với nước Nam Việt thì An Dương Vương ở Quảng Tây lập nước Tây Âu Lạc với thành 9 vòng ở đồng bằng Tây Giang. Tư Mã Thiên đã khẳng định nhiều lần nước Tây Âu Lạc của người Âu Lạc. Vì vậy theo Cụ thì An Dương Vương chưa hẳn đã có mặt ở trên đất nước ta để kéo thêm…Triệu Đà vào để thành chuyện giẻ rách. Sử qkluuan Ngô Thì Sĩ có cẩn án trong Việt Sử Tiêu Án là sử quan Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đều nhầm lãn vì rằng Triệu Đà chỉ mới ngừng chân ở Quảng Đông, Quảng Tây, chưa đặt chân đến đồng bằng sông Hồng. Mà nước Nam Việt ấy ở bên Tầu, miền Nam Hải, Quế Lâm. Do vậy, trong sử Nam ta chẳng bao giờ có quốc hiệu là Nam Việt với một ông vua gốc Tàu tên…Triệu Đà.
Cụ se sắt thêm khi người Tàu sang xâm chiếm nước ta, họ xây 3 vòng thành, vòng trong cùng hình chữ nhật để phòng thủ cho chính họ chống với ta. Đất này tiếng người Mường cổ gọi là “Klu” là địa danh cổ. Người Việt mình đọc trại đi “Klu” là…”cổ”, là:…Cổ Loa.

***
bac monVào tới Hà Nội, qua Băc Môn có dấu vết hai vết đạn đại pháo từ tầu chiến của thằng Tây bắn. Cụ vẩn vơ rằng Gia Long rời đô vào Huế, thu hẹp Hòang Thành lại, chỉ giữ cửa Diệu Đức tức cửa Bắc Môn này vì hai vết đạn kia. Năm 1812 đổi tên Thăng Long là Bắc Thành. Sau Gia Long mất xẩy ra vụ con nuôi của Lê Văn Duyệt nổi lọan ở Đông Phố, Minh Mạng cho thu hẹp Bắc Thành lại một lần nữa, vì thành nằm…“trong” khu vực Hồng “Hà” nên đặt tên là…Hà Nội. Cụ điềm đạm tiếp các cụ ta xưa gọi tên địa danh theo phương hướng như Bắc Ninh, Nam Định, Sơn Tây, Đông Triều, nghe đến tên là biết địa danh ấy nằm ở hướng nào của kinh đô thì cớ sao “Hà Đông” nằm ở phía…tây. Chuyện là có một mảnh đất nọ cách Thăng Long khỏang bốn cây số về phía tây, Minh Mạng ngồi ở kinh đô với “Nam giáp địa dư, bắc giáp địa chí” nên ra chiếu chỉ đổi tên là…Hà Đông.
Mình rủ Cụ tới thăm ông Tàu già bán lạc rang, cô đơn lạc lõng, quanh năm suốt tháng âm thầm, ngồi dựa lưng vào cái tháp vuông nhỏ để tránh gió. Mình mời cụ sơi lạc rang thơm mùi húng lìu ngon lắm, Cụ ngần ngừ cả một lúc rồi lắc đầu và nói Cụ không có…răng. Cả hai nhìn xa xa tòa Đốc Lý của Tây, như người khách lạ với cái buồn viễn xứ, như sợ bị bỏ quên, nên cứ đúng ngọ hướng về bên kia sông Hồng hú lên một hồi dài vang dội ra tới tận ngoại thành…xa vắng. Lát sau có cái xe điện cổ lỗ sĩ kéo chuông “kính coong…kính coong” chạy qua. Cụ thả hồn theo bánh xe điện cùng một cõi đi về…xa vời:
Thằng Tây nghĩ nó cũng tài
Chế ra đèn điện thắp hoài năm canh.
Thằng Tây nghĩ nó cũng sành
Chế ra tàu điện chạy quanh phố phường.
(Khuyết danh)
Tiếp cụ nói bây giờ mình vào Huế xem nhà Nguyễn xây thành Huế như thế nào. Móc “cái I-Phone”, Cụ gọi thuê bao một chiếc “xe con” và xuôi Nam. Qua sông Hồng, mình chỉ cầu Long Biên để khoe mẽ kỹ thuật phương Tây. Cụ gật đầu tắp lự là địa danh Long Biên xuất hiện lần đầu tiên trong thời Bắc thuộc lần thứ hai. Trị sở Giao Châu bỏ thành Mê Linh thuộc tỉnh Phúc Yên rời về thành Long Biên tọa lạc ở huyện Yên Phong (thị xã Bắc Ninh). Đời Lý Nam Đế (544-548), dân Giao Châu thoát ách nô lệ Tàu. Lý Nam Đế tự là Lý Bí đặt quốc hiệu là Vạn Xuân và đóng đô ở Long Biên. Vua cho xây chùa Khai Quốc tại đây, sau vì lụt lội, dời về Tây Hồ và đổi tên là chùa Trấn Quốc. Năm 766, đế đô Long Biên được rời về huyện Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Vì vậy có thể nói Long Biên là cố đô đầu tiên của nước ta. Sau bị đô hộ lần nữa, ngay ở Tống Bình người Tàu xây thành Đại La.


“Xe con” qua sông Mã tới Thanh Hóa vào tới miền Trung.
Chỉ hướng trước mặt, lắng đọng trong không gian tĩnh mịch một thời qúa vãng. Cụ như lạc đường vào lịch sử với đời Trần, Thanh Hóa gọi là xứ Thanh. Đó là Ái Châu ngày xưa. Minh Mạng đổi xứ Thanh thành tỉnh Thanh Hóa. Nhiều người cho rằng quá nửa nhân kiệt đất nước ta là người Thanh Hóa cũng không quá đáng. Như người sáng lập ra Tiền Lê là Lê Hoàn rồi tới Đinh Bộ Lĩnh. Sau là Lê Lợi, Trịnh Kiểm, Nguyễn Kim, Đào Duy Từ…
Vào tới địa phận Quảng Bình, Cụ râm ran qua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành bắt được Chế Củ. Chế Củ dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ô Ma để xin tha. Bố Chính đây chính là Quảng Bình. Qua vùng đồng bằng mình lõ mắt đi tìm sông Gianh chia cắt Nam Bắc đâu đây? Làm như đi guốc vào bụng mình, Cụ cho hay phân chia đất của Trịnh - Nguyễn là thung lũng sông Gianh chứ không phải sông Gianh (1). Ranh giới từ sông Gianh trở ra đến đèo Ngang tức Bắc Bố Chính thuộc Đàng Ngoài. Từ sông Gianh trở vào tới sông Nhật Lệ tức Nam Bố Chính thuộc Đàng Trong. Theo Việt sử xứ đàng trong, Đào Duy Từ xin chúa Sãi đánh Bắc Bố Chính để rời ranh giới từ sông Nhật Lệ, vượt qua sông Gianh và lấy Đèo Ngang làm ranh giới mới. Xe qua cửa Nhật Lệ gặp Đồng Hới, Cụ miên man Đào Duy Từ khởi công xây Lũy Đồng Hới, dân tình gọi là “Lũy Thầy” vì xem ông như bậc thầy. Lũy bằng đất, dài 12 cây số, cao 6 thước, voi ngựa đi lại được trên mặt thành.
deo ngangQua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, thấy Cổng Trời tên chữ là Cổng An Nam, hay Hoành Sơn Quan do Minh Mạng xây năm 1833. Cụ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,một mảnh tình riêng, ta với ta”với “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.Nhưng mình chả thấy con cuốc nào? Đất sinh cỏ già sinh tật, mình lại có tật ôm rơm rặm bụng là chả hiểu cụ vua Minh Mạng xây cái Cổng An Nam làm khỉ mốc gì? Vì chiến tranh Nam Bắc đã chấm dứt từ lâu, hay vua ta vẫn còn kỳ thị Nam Bắc chăng? Dám lắm ạ!
Làm như có thần giao cách cảm hay sao ấy, Cụ nói với mình rằng: “Nghe hơi nồi chõ anh lo vì công việc báo An Nam, đã trót đa mang cứ phải làmvậy chứ báo An Nam có đăng giai thoại này không?”. Chuyện là khi biết Đào Duy Từ lẻn vào Nam, Trịnh Tráng cho người mang lễ vật đến tặng Đào Duy Từ để chiêu dụ. Nhà chúa “làm” câu ca dao nhắn gửi “Nụ tầm xuân nở ra canh biếc, em có chồng anh tiếc lắm thay”. Tiếp đến là câu “Bây giờ em đã có chồng, như chim vào lồng, như cá cắn câu” mà các nhà biên khảo, biên chép đổ vấy cho họ Đào. Nhưng đúng ra họ Đào Duy Từ mượn bài thơ Tiết phụ ngâm với tích Trường Tịch và Lý Sư Đạo cùng một hoàn cảnh, tâm trạng giống mình để thoái thác. Trương Tịch trả lời Lý Sư Đạo có câu: “Quân tri thiếp hữu phu” (em có chồng, chàng đã biết) và: “Hận bất tương phùng vị giả thi” (phải chi gặp gỡ.
Chả là cũng sính giai thoại, ca dao, ca trù, ngồi không ngứa miệng, mình đá lưỡi là ăn thịt trâu không tỏi, ăn gỏi không lá mơ thì giai thoại này trăm tội ở ông Hứa Hoành mà ra. Ông nhà văn này nhai văn nhá chữ trong sách Chuyện xưa tích cũ của ông Sơn Nam mà có. Thế nhưng nhiễu sự là trong bài viết Ông Đào Duy Từ thì ông nhà văn miệt vườn đã đắp chữ vá câu để ông Đào Duy Từ hì hục…đắp Lũy Thầy ở mãi tận…Quảng Trị.

Cổ thành Quảng Trị
co thanh quang triThế là mình và Cụ theo chân ông nhà văn miệt vườn vào Quảng Trị. Vượt qua sông Bến Hải là tới Ái Tử. Như đợi dịp này từ lâu, Cụ xuôi dòng sử Việt rằng gần thị trấn Đông Hà, tức con sông ở phía đông, đối với Tây Trì, tức cái ao ở phía tây là sông Cam Lộ. Qua nhà cổ học Claudius Mandrolle Cam Lộ không phải là nước ngọt mà là phiên âm hai chữ “Cà lơ”, “Kha lu” tiếng người Lào sinh sống ở Quảng Trị. Phía bắc sông Cam Lộ có Bến Hói, nghĩa là sông con, có bến thuyền bè đi lại mà thằng Tây gọi trại đi là…“Bến Hải”. Thêm chuyện thằng Tây hỏi tên đất vùng gì mà nóng quá thể, chữ Tây chữ u nghe không ra, người bản địa trả lời nóng vì gió Lào. Thế nên thằng Tây gọi vùng đất ấy là…Gio Linh (2). Mình góp chuyện ai biết cơm sống về nồi hay cơm sống về vung là thế đấy. Cụ gật đầu tiếp…Quảng Trị là đất châu Ô, còn Quảng Đức (Thừa Thiên) là châu Rí (3) là quà cưới của Chế Mân lấy Công Chúa Huyền Trân. Đời Trần Anh Tông đổi hai Châu Ô, Châu Rí là Thuận Châu và Hóa Châu. Sau ghép hai chữ ThuậnHóa thành một là Thuận Hóa.
Cụ tẩm tướt với giấc mộng đầu hôm cuối bãi với nhà Nguyễn khởi nghiệp.
Tất cả bằng vào chuyện khi thấy Lê Trang Tông không có con, Trịnh Kiểm nhân cơ hội muốn truất phế nhà Lê để xưng vương, song còn e ngại lòng dân Bắc Hà nên nhờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ Trạng quay mặt vào bảo người nhà như một lời đáp gián tiếp: “Năm ngoái mất mùa, thóc giống không tốt, đi tìm giống cũ mà gieo mạ.” Rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm sai tiểu đồng ra quét sân chùa, dâng hương mà nói: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản.” Hiểu ý, Trịnh Kiểm phải cho người đi đón Lê Duy Bang ở Thanh Hoá về để lập lên làm vua. Sau đó, còn nhiều lần các chúa Trịnh cũng tính tiếm ngôi vua nhưng nhớ lời dặn, lại thôi, nhất là câu: “Lê tồn, Trịnh tại. Lê bại, Trịnh vong”.
Quả như thế, vì khi Lê Chiêu Thống mất ngôi, nhà Trịnh cũng suy vong theo.
Khúc quanh của lịch sử cùng thời thế tạo anh hùng từ khi thay bố vợ Nguyễn Kim nắm binh quyền, Trịnh Kiểm sợ em vợ là Nguyễn Hoàng tranh giành quyền bính, nên Trịnh Kiểm tìm cách ám hại. Nguyễn Hoàng sợ hãi, tìm đến cụ Trạng. Cụ Trạng Trình không trả lời ngay, chỉ chống gậy ra sân ngắm hòn non bộ, nhìn đàn kiến đang "leo núi" với thế sự thăng trầm quân mặc vấn và bâng quơ: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (4). Nguyễn Hoàng hiểu ý bèn xin vào trấn thủ Thuận Hóa. Trịnh Kiểm nghĩ Thuận Hóa là chốn biên cương, cùng đường tuyệt lộ, đất cằn người thưa nên đồng ý cho đi...
Năm 1558, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa lập Dinh ở làng Ái Tử (thuộc Quảng Trị). Năm 1626, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời Dinh vào Thừa Thiên. Trước khi vào Thừa Thiên thăm Huế, Cụ và mình tạt vào Gio Linh tỉnh Quảng Trị thăm chùa Long Phúc thờ chúa Nguyễn Hoàng. Ngỡ đi ngay, Cụ bảo mình ngồi lại quán nước bên đàng để cụ ngắm thành cổ Quảng Trị mà Minh Mạnh xây sau khi thống nhất đất nước. Đột nhiên, Cụ moi cái điều cầy ra thông điếu. Mình bật ngửa ra là chả hiểu Cụ “thủ” cái điều cày ở chợ trời biên giới từ hồi nào không hay. Cả hai điếu động quan, điếu hạ thủy, mình như người cưỡi khói theo mây đẩy đưa hương tàn khói lạnh với Cụ, với lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng cùng Mùa hè đỏ lửa. Cũng ở nơi này năm 1972, lại thêm một cuộc chiến trang Nam Bắc để thành Quảng Trị trở thành một phế tích. Lại thêm một lần mình lọ mọ là cụ vua Minh Mạng dựng thành Quảng Trị làm khỉ khô gì để hai miên Nam Bắc giành giật nhau, để đánh nhau? Để khúc đường từ Quảng Trị vào Huế thở thành…Đại lộ Kinh Hòang.
Thế nhưng mình chả dại mồm dại miệng nhét răng hỏi, lớ ngớ Cụ mắng cho rỗ mặt như những hố bom B52 trải thảm lỗ chỗ vùng phi quân sự Quảng Trị. Không hay biết mình đang trong cõi mụ mị, Cụ bắn một bi thuốc lào ròn tanh tách trở về năm 1802: Nguyễn Ánh cử phái đoàn đi sứ gồm Trịnh Hoài Đức, Đặng Trần Thường, Trương Tấn Bửu qua Tàu xin đổi tên nước, phong vương và lãnh ấn chỉ. Nguyễn Ánh muốn đổi tên nước là Nam Việt.
Chỉ dụ của Vua Gia Khánh nhà Thanh: Trẫm đã duyệt kỹ biểu văn thỉnh phong của Nguyễn Phúc Ánh việc xin phong tên nước là “Nam Việt” không thể chấp nhận được. Địa danh “Nam Việt” bao hàm rất lớn, khảo sử xưa hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây đều nằm trong đó. Nguyễn Phúc Ánh là tiểu di nơi biên giới, lãnh thổ bằng đất Giao Chỉ xưa là cùng, làm sao lại được xưng là Nam Việt cho được. Rõ ràng tự thị muốn đòi thêm đất, nên lệnh truyền cho các quan Quảng Đông, Quảng Tây lưu tâm. Lý do vua Gia Khánh nhà Thanh không ưng vì Nam Việt là tên cũ thời Triệu Đà nhà Hán thuộc Trung Hoa. Chả là nhà Thanh gốc Mãn Châu nên buộc đổi ngược lại là Việt Nam.

Đợi Cụ nhấp ngụm chè xanh xong, mình thông hanh với Cụ là có một bí ẩn của sử thbia dai mà sử gia, nhà biên khảo đã nhẩy qua vũng lầy của lịch sử vì sợ bị…lạnh cẳng: Ấy là dựa vào chuyện Cụ dẫn giải qua bia đá “Thế Tồn Bi Ký” đời Lê Huyền Tông, ở biên giới Lạng Sơn có ghi “Việt Nam hầu thiệt, trấn bắc ải quan, thạch bích hoàn vũ, Uyên quận giới phiên, Đồng Đăng linh ấp”. Thêm nữa, tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ 16, trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Đời Lê Trung Hưng, Lê Qúy Đôn trong bộ Vân đài loại ngữ cũng có câu: “Nay xét tục ngữ Việt Nam….”. Ngoài ra quốc hiệu "Việt Nam" đã có từ cuối thế kỷ 14, trong sách Việt Nam thế chí do Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi, ngay cả Cụ nhiều lần nhắc đến 2 chữ "Việt Nam"..
Nghe thủng xong, Cụ chép miệng cái bép là cóc lại đòi đi guốc, là mình chả biết chữ Nho nhe gi sất. Rằng: Chữ Tàu không viết hoa 2 chữ "Việt Nam". Mà là “việt nam”, thế nên với Dư địa chí của Cụ, người sau nên hiểu theo chữ quốc ngữ là đất đai phía nam đất Việt. Còn như Hồ Tông Thốc viết Việt nam thế chí thì tạm hiểu là sách ghi chép các đời vua phía nam đất Việt. Vì rằng các vua triều Lý (1010-1225), Trần (1226-1400), và Lê (1428-1527) rõ ra tên nước ta là Đại Việt.
Long thành Việt Nam. Vì vậy các danh xưng ở các thời đại khác nhau chả thể hiểu giống nhau được. Thảng như thời nhà Đinh (969-979) đặt tên nước là Đại Cồ Việt, thì cồ là…. tiếng Tàu chả hẳn là cù không cười mà là chỉ loại chim ưng mắt sáng, đuôi cụt. Thời nhà Hồ (1400-1407) lấy quốc hiệu là “Đại Ngu”. Ngu đây không phải là “ngu dốt” mà là…vui cười.
Mình cười không nổi vì nghe như đấm vào tai với chim đuôi cụt, với ngu là…vui, Cụ lại óc ách tiếp với chữ Tàu, chữ Quốc ngữ: Về chữ Tàu thì chẳng thể không nhắc đến ông Phan Khôi. Ông cắt cái búi tó củ hành vào cái ngày đỗ tú tài Hán học năm 18 tuổi, ông ung dung đối đáp với đám cựu trào Đường thi, đường phèn: “Không phải tôi chê các cụ làm thơ sai, nhưng tôi chê các cụ chưa làm thơ đúng theo lề lối của người Tầu. Nên nhớ chữ Nho là chữ Tầu, sai một ly đi một dặm”.
Cụ Nguyễn cười cái hậc và tiếp:
Mà sai một ly đi một dặm thật, như tên Thi Sách chồng bà Trưng Trắc: Cứ theo Phạm Việp trong Hậu Hán thư viết theo dạng chữ Nho không có dấu: châu diên lạc tướng tử danh thi sách mê linh lạc tướng nữ danh trưng trắc vi thê trắc vi nhân hữu đảm dũng tương thi khởi tặc mã viện tương binh thảo trắc thi tẩu nhập cấm khê.
Mà chỉ nhấn câu, nếu như nhấn ở chữ “sách”, hoặc đánh dấu phẩy và viết hoa theo chữ Quốc ngữ: Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi Sách, Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê. Thì câu này được diễn Nôm là: “Con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên Thi Sách, có vợ là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên Trưng Trắc…”.
Sau Thái Tử Hiền, con vua Cao Tông nhà Đường hiệu đính lại: Vì sách ở đây nghiã là lấy và “thê” là vợ. Nên phải nhấn ở chữ “thi” : châu diên lạc tướng tử danh thi* sách mê linh lạc tướng nữ danh trưng trắc vi thê. Diễn nghiã là: “Con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên Thi*, “lấy” vợ là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên Trưng Trắc…”.

***
Cụ thở ra rằng chuyện tên tuổi với quốc hiệu là thế đấy. Rồi Cụ quay quả với tên vua, với vương hiệu là nhờ Ngô Thời Nhiệm, Quang Trung được Càn Long phong vương hiệu “An Nam quốc vương”. Khi phái đoàn đi sứ Trịnh Hoài Đức đề cập đến vương hiệu Gia Long, vua Thanh bắt bẻ với tên Càn Long đời thứ tư nhà Thanh vì khi quân lấy chữ Long, với tên Gia Khánh đời thứ năm vì kỵ húy lấy chữ Gia. Trịnh Hoài Đức diễn giải từ câu "bắc hữu Thăng Long, nam hữu Gia Định", Gia Long nghiã là thống nhất hai miền từ Gia Định đến Thăng Long. Gia Khánh thuận vì nghe cũng.... thuận tai. Năm 1803 Gia Long lập kinh đô Huế ở Phú Xuân. Chữ Huế (5) từ chữ Hóa của Thuận Hóa, vì kỵ húy ông Nguyễn Nạp Hóa, con của ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Bặc nên đọc tránh đi là Huế.
Trước đó vào năm 1788, Quang Trung chọn Phú Xuân làm kinh đô. Mãi đến năm 1805, Gia Long và đại thần Nguyễn Văn Yến mới khởi sự xây dựng Huế (6) ở Phú Xuân và hoàn tất năm1818. Minh Mạng tu bổ thêm từ năm 1818 đến năm 1832. Thành với tam cung lục điện theo kiểu Tàu. Tường thành theo kiểu thành lũy Vauban của Tây với pháo tháo, lỗ súng thần công. Một năm sau, năm 1818, qua Voyage from France to Cochi-China của người Pháp là Captain Rey, năm 1819, ông viết: “Kinh thành Huế là một pháo đài, hơn cả pháo đài William và Saint George ở Madrass do người Anh xây dựng”.

kinh do hueĐặc trưng kinh đô nhà Nguyễn là nơi chốn gặp nhau giữa Đông và Tây như ở Đại Nội, Cửu Đỉnh đồng mỗi cái tượng trưng một đời chúa, do được lò đúc làng Thọ Dực đúc. Họa tiết, hoa văn với núi sông cây cỏ, mây nước, sấm sét, muông thú và cả…tầu bè khí giới nữa. Và tác phẩm Cửu Đỉnh này thì tác giả là ông Jao Da Cruz người…Bồ Đào Nha.
Ngồi chưa nóng chỗ Cụ đã giục bác tài lái xe vào Huế. Khi không mình quay đầu lại nhìn về phương Bắc, nhìn con đường xưa lối cũ với u uẩn dấu xe ngựa cũ hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương... Mình nhét vào miệng câu đọng chữ thừa với Cụ như thế này đây: Năm 1832 Minh Mạng thứ 12, đổi tên Thăng Long là Hà Nội. Ấy vậy mà cớ sự gì kinh đô nhà Nguyễn không đổi tên hoặc đặt tên riêng với hai âm như Thăng Long, Hà Nội, Sài Gòn, hay Hội An, v…v…
Ngừng một chút, Cụ trầm ngâm và cắt lưỡi mình như sau: Chuyện này thì Cụ cũng bí ngô bí khoai. Mà phải hỏi…Bà Trời. Ngỡ đùa hóa thật, Cụ dẫn tới chùa Thiên Mụ. Số là sau khi vào đến Thuận Hóa, Chúa Tiên đang trắng mắt như con tinh vì không biết “Tả thanh long, hữu bạch hổ” ẩn mình ở xó xỉnh nào. Ngay buổi tối hôm ấy, nhà Chúa nằm mơ thấy một bà lão tóc bạc phơ, hiện về và dậy rằng: Đất này có thế "Nhất hổ trục quần dương - Tiên vi tướng, hậu vi vương" nếu muốn mạng đế vương được truyền tử tôn đời đời kế thế thì phải dựng chùa thờ…Bà Trời.
Thò đầu vào trong chùa mới hay Bà Trời vừa vào Nam. Thế là cả hai lại theo bà với “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình…”. Mình đang trơ mắt ếch vì không “liên hệ” được với Bà Trời trong cõi nhân gian phù thế này. Thì Cụ khủng khỉnh là vào Sài Gòn sáng nắng chiều mưa cũng chả sao, nhưng Cụ chỉ sợ “Sinh Bắc tử Nam” thôi. Mình phải “động viên” Cụ là đất nước mình thống nhất thanh bình từ khuya rồi và Cụ nên theo ông nhạc sĩ họ Trịnh đi không ngừng để đừng…quên chuyện non nước mình.

***
Trên xe, lõm ngõm chuyện non nước minh, Cụ ngược về với Hồ Hán Thương đánh chiếm được phủ Thăng Bình của Chiêm Thành. Với của người phúc ta, Gia Long đổi tên Thăng Bình là Quảng Nam với nghĩa “Quảng” là rộng rãi và “Nam” là nhà Nguyễn đã phát triển đất đai về phía nam. Cụ vẽo vọt thêm ấy là chưa kể Gia Long xây Tử cấm thành cũng quay đầu về phía nam theo địa lý phong thủy, theo kinh dịch: “Thánh nhân nam diện nhi thánh thiên hạ”. Tạm hiểu là vua quay đầu về phía nam để cai trị thiên hạ.

Vào Hội An, dựa theo bản đồ của Alexandre de Rhodes, ghi chú là Hai Phố. Cụ thông sử như thông điếu rằng từ hai khu phố Hoa, Nhật trở thành Hội An, “Hội” từ tụ hội, “An” ở an bình để bỗng dưng có tên Hội An. Thêm giai thoại có thằng Tây, khi tới khu phố cổ Hội An lớ ngớ hỏi: Faifo? Ý hỏi là: “Phải phố không?”. Thế nhưng qua Cuộc hành trình từ Pháp đến Việt Nam năm 1819, Captain Rey viết : “Vịnh Tourane đã được ghi lại trong chuyến Hải trình đến Trung Hoa năm 1972 của Lord Macartney. Nay tôi vẽ lại chính xác hơn và thêm một đường bờ biển từ sông Fai-Fo đến đảo Tiger gần Hué. Fai-Fo là thành phố có con đường thật dài. Dân số khoảng 60.000 người, trong đó 1/3 là người Trung Hoa.”. Vì vậy câu nói “Phải phố không?” chỉ là…giai thoại. Vì tên Fai-Fo có từ thời Gia Long.
Cụ đẽo đọt thêm Hồ Hán Thương đánh chiếm được phủ Thăng Bình, quân dân Chiêm Thành chạy về thành Đồ Bàn (Phan Rang). Tiếp Cụ lỗm bỗm đến Nguyễn Hoàng tiến chiếm Đồ Bàn. Ăn cây táo rào cây sung, Gia Long đổi tên Đồ Bàn là Bình Định với nghĩa “bình định” được đất đai của hai miền Nam Bắc từ năm 1802.

***
Chót chét thì cái “xe con” thổ tả cũng ậm ạch vào đến miền Nam.
Cùng một thoáng mây bay, Cụ lại nhuốm mùi nho phong mực tàu giấy bản qua sử thi bằng vào năm 1620, với ý định tìm đồng minh để chống trả vương quốc Xiêm, Vua Chey Chetta II đã đến đất Thuận Hóa, xin cầu hôn công chúa Nguyễn Ngọc Vạn, con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Miên vương tặng nhà Chúa đất Mỏ Xoài (tên Miên là Mô-xúi, tên Việt sau là Bà Rịa) làm quà cưới. Chúa Nguyễn khuyến khích dân Thuận Hóa Quảng Nam di dân vào đất Chân Lạp khẩn hoang, lập ấp. Tiếp đến là lớp tội đồ lưu xứ vào khai phá Đồng Nai, chả là vì cánh đồng có nhiều nai. Năm 1658, nhà Nguyễn lấn chiếm miền đất phía đông của Miên quốc lập nên Đông Phố (tức Dinh trấn biên hay Gia Định). Với Trịnh Hoài Đức địa danh này phiên âm từ tiếng Miên là “Giản Phố” rồi sau chép sai thành Đông Phố. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan, quan lại nhà Minh chống nhà Thanh bị thất bại, chúa Hiền Vương cho Trần Thượng Xuyên và bộ hạ vào Cù lao phố (Biên Hòa) để khai thác đất đai, buôn bán để đóng thuế. Tại đây họ lập môt chợ củi rất lớn tên Sài Thị, người Tàu kêu Sài Thị là Tai Gon. Vì “sài” là củi nên cư dân ở đây gọi tên dân dã là Bến Củi và phát triển Cù lao phố thành Nông Nại Đại Phố (7), là một thương cảng sầm uất.
Đồng thời Lê Văn Duyệt lập lên thành Phiên An ở Dinh trấn biên, Nguyễn Hữu Cảnh đổi tên thành Phiên An là thành Gia Định. Trước kia, người Miên lập thành Prei Nokor chạy dài từ Phú Lâm tới Chợ Quán và bọc qua Thị Nghè và cầu Bông (trước gọi là cầu Miên). Vùng này xưa gọi chung là Bến Nghé, vì là khu sình lầy nên trâu, nghé tụ về đây, lúc ấy lèo tèo chỉ có năm, ba xóm chài và buôn bán trên sông. Sau Minh Mạng vì tránh hậu hoạn giặc Lê Văn Khôi nên thu nhỏ thành Gia Định lại trong phạm vi khu đất cao ấy và dân chúng gọi là Đồn Đất. Nhà Tây Sơn đánh nhau với nhà Nguyễn ở Cù Lao phố, người Minh Hương kéo nhau về Bến Nghé (8) lánh nạn và lập nên phố chợ Đề Ngạn (Chợ Lớn sau này). Hai chữ Đề Ngạn, giọng Quảng Đông phát âm là “Thầy Gòn”. Gia Long đổi tên Sài Thị là Sài Côn. Thành Gia Định sau khi bị thu hẹp lại (khu “Đồn Đất”) phát triển mạnh nhờ lập chợ búa, nhờ thuyền bè qua lại ở Bến Nghé. Và vì gần thành Gia Định nên được gọi là chợ Bến Thành (9). Chợ này xưa kia nằm ở khu phố Chợ Cũ bây giờ chứ không phải chợ Bến Thành ngày nay.
Cụ chao chát chuyện xưa tích cũ với chuyện vào thời Tự Đức quan quân kéo tới đập phá đền thờ quan Trạng "An Nam lý học hữu Trình truyền". Hỏi ra mới hay Tự Đức tức giận vì câu sấm “Gia Long tam đại - Vĩnh Lạc vi vương”. Diễn nghĩa là chả phải truyền tử tôn đời đời kế thế như Bà Trời dậy mà theo cụ Trạng Trình chỉ có 3 đời: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Vì Tự Đức không phải giòng giống nhà Nguyễn, mà là con của Quận Quế người Vĩnh Lạc. Mình cứ ngay đơ thưa chả hay biết giai thoại trên, Cụ lụm khụm: “Nói chuyện với anh có văn có ích, có văn chơichả có ích gìthà nói chuyện chơi với đầu gối sướng hơn”. Cụ rù rì kể câu sấm Trạng Trình “Phụ nguyên chính thống hẳn hoi – Tin dê lại phải mắc mồi đàn dê”. Ý nói chính thống nhà Nguyễn Gia Long là Hòang tử Cảnh nhờ trợ giúp của người Tây qua Bá Đa Lộc để diệt nhà Tây Sơn. Nhưng rồi chủ quyền nhà Nguyễn cũng sẽ mất vào tay thằng Tây. Vì chữ “dê” diễn Nôm theo chữ Hán là “dương”. Dương đây chỉ người Tây phương như dương lịch”, hay tây lịch”.
Khi người Tây từ Vũng Tầu đổ bộ lên đánh thành Đồn Đất, thành bị phá bỏ để lập lên nhà thương Grall cho quân đội viễn chinh. Năm 1928 chợ Đề Ngạn bị cháy, người Tàu xây cất chợ mới là chợ Bình Tây. Vì chợ mới “lớn” được gọi là…Chợ Lớn. Thằng Tây bắt đầu làm đường trải rộng ra, nối nhà thương Grall với chợ Đề Ngạn bằng vào đường Trần Hưng Đạo. Năm 1861, có thể vì tên địa danh từ “Sài Côn” với “Thầy Gòn”, người Tây đặt tên là “Thành phố Sài Gòn”. 1954, Bảo Đại đặt tên là “Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn”. Cụ ậm ừ…Ừ thì hay nói khác đi Sài Gòn Chợ Lớn từ Cù lao phố mà có.
Cả hai thong dong trên con đường nhân gian trước mặt …Ấy là đại lộ Nguyễn Huệ mà xưa kia là cái rạch nối liền từ nhà thương Grall tới sông Sài Gòn. Tới bến bãi, nhìn tượng Trần Hưng Đạo chỉ kiếm xuống sông Sài Gòn. Nhìn lên bầu trời với những đám mây thấp mầu xám chì. Cụ lắc đầu, và nói với mình khe khẽ: “Cứ theo anh văn vận nước nhà đương buổi mới, như trăng mới mọc tớ còn chơi. Hay là ta xuống miền Tây chơi thăm Mạc Cửu đi”. Mình chả hiểu mắc mớ gì Cụ mò đi thăm Mạc Cửu?. Thế nhưng vẫn phải bám như cua cắp theo Cụ. “Xe con” chạy nhùng nhằng xuống Mỹ Tho, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…(Chú thích 2). Bỗng dưng Cụ vỗ vai bác tài nói quẹo trái qua Cà Mau. Mình cứ ngỡ đến Cà Mau thế nào cũng có mục chỗ ăn ngon, món ăn ngon, có người biết ăn ngon thì…ngon lành. Thế nhưng không, Cụ nói bác tài lái xe xuống tận…Mũi Cà Mau và ngừng ở …Xóm Mới. Nói dối phải tội chứ, chứ trong cái đầu củ sắn mình bật ra cái ý nghĩ chạy trời không khỏi nắng thì cứ theo Cụ cũng không ngoài... "Chuyện này trên trời không có đây!".
Hóa ra Cụ rủ ghé ngồi quán tôm khô củ kiệu ngay bãi bờ và kêu một xị “Nước mắt quê hương”. Cụ lại trở về chuyện cũ là Cụ không uống được mấy, nhưng buồn quá thì mượn nó để tiêu sầu. Cụ gật gừ với mình là đất say đất cũng lăn quay, trời say trời cũng đỏ gay, ai cười thì cứ uống.Áng chiều nhờ nhờ, Cụ héo hắt bắt qua xị thứ hai. Cứ đà này, Cụ chẳng những nát lòng vì chuyền nào đó, mượn tiên tửu để tiêu sầu nào đó!
Đột nhiên cụ móc trong túi ra tờ giấy bảo mình đọc. Ừ thì mình đọc:
“…Gần đây vào năm 2006, một sĩ phu Bắc Hà thổ cư ở Thăng Long cổ thành bây giờ đã tìm thấy một tấm đồ thị có tên là Việt Nam địa dư đồ lưu trữ ở Anh Quốc, do Xa Khâu Từ Diên Húc đời Thanh sọan. Trong bản đồ có ghi: “Việt Nam quốc tòan đồ thuật lược”, hiểu theo nghĩa là ghi chú tóm tắt và đánh dấu đất đai của ta thời ấy, như “Nguyễn Quang Trung phụ tử cư” là thổ ngơi của cha con Nguyễn Quang Trung. Tới “Thử Việt vương Nguyễn Phúc Ánh diệt chi tọa độ thử” là Nguyễn Phúc Ánh diệt họ rồi lấy đó làm kinh đô. Ngay chỗ này ghi “Việt Nam kiến quốc đô” tức đóng đô của Việt Nam. Vùng bể thuộc Việt Nam có hai hàng chữ và dấu rất sắc sảo là “Tiểu Trường Sa hải khẩu”“Đại Trường Sa hải khẩu” công nhận hai đảo này của ta vì với bản đỗ cổ thì Tiểu Trường Sa chỉ Hòang Sa và Đại Trường Sa chỉ quần đảo Trường Sa hiện nay…”
Đọc xong, ngửng lên thấy Cụ hắt hiu như muốn sa nước mắt. Mình vừa buồn vừa thẹn, không biết dám nói làm sao với Hoàng Sa, Trường Sa! Lúc ấy Cụ uống như đã say, càng hiện vẻ lâm ly cảm khái, mà từ đây Cụ uống lại càng nhiều. Trời đất mới vào thu, gà gà đắm vào bóng chiều. Mình nguyên uống được nhiều, nhưng ngồi hầu Cụ thời dầu Cụ có nhắc, cũng chỉ uống cầm chừng mà thôi, đến lúc mặt đỏ cay đỏ cợi. Lúc ấy bất giác cũng uống những hớp rượu thật to, như không uống thời không qua được cái thời khắc.
Đến tơm tởm chiều tối, Cụ ngần ngừ một lát, tối chưa lọ mặt người, chỉ cái cột đèn mờ nhân ảnh bên kia đường, Cụ chậm rãi như nói với chính mình và Cụ đờ đẫn cười: “Cái cột đèn nếu có chân, nó cũng muốn đi nữa là!”. Làm như không có mình ngồi bên cạnh, Cụ bâng quơ, bâng khuâng: “Cái hạc bay lên mãi tận trời, trời đất từ nay xa cách mãi”. Rồi cụ thong thả…thả bộ qua bên kia đường.
Trời mỏng dần như sắp tối, nhưng lại tối sáng, tối đến xắt ra từng miếng một. Ngỡ Cụ bay về trời thật với trời đất từ nay xa cách mãi, hóa ra Cụ lững thững bước xuống ghe taxi, rồi lồm cồm leo lên ghe lớn. Mình nhòm rõ mồn một tay này Cụ kẹp nách xị “Nước mắt quê hương”. Tay kia, Cụ cầm cái điếu cày...
Còn lại một mình trong bóng tốI dài ngoằng ngoẵng, dưới ánh đèn hột vịt, lòng mình cứ dàn dạt thắt lại như sóng biển ngoài kia nghe ong cả tai với việc trần ai, ai tỉnh ai lo, say túy lúy nhỏ to đều bất kể. Cũng đến lúc phải nhúc nhắc thôi, rúc vào bóng tối đường chiều, mình cắm cúi lọng.

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sao con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.

Thạch trúc gia trang
Lập hạ, Qúy Tỵ 2013
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn:
Trần Gia Phụng, Phan Khoang, Trần Quốc Vượng, Thái Văn Kiểm, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Nguyễn Duy Chính.

Chú thích 1:
1- Tên gọi địa phương gọi là sông Ranh (chia ranh giới).
2 - Gio Linh và Quảng Bình hợp lại từ ba châu Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý. Ma Linh là Gio
Linh phía bắc Quảng Trị. Bố Chính phía bắc Quảng Bình, Địa Lý là Quảng Bình.
3 - Châu Ri goi là châu Lý vì chữ Hán không có vân “r” nên đổi ra “l”.
4 - Có bản khác viết là “Hoành Sơn nhất đái – Khả dĩ dung thân”.
5 - Địa danh Huế đã có từ đời Lê, trong Thập giáp cô hồn quốc ngữ văn Lê Thánh Tông có
viết: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an túc, bì hồ tiêu, than Lào, thóc Huế…”.
Từ biến âm ở vần:Các Bà là (đảo) Cát Bà (Hải Phòng) - (Thuận) Hóa raHuế. Đến biến âm ở thanh điệu:Vi Dã là Vĩ Dạ (Huế) - Thạnh Đa thành Thanh Đa(Sài Gòn).
Theo nguồn khác thì Huế biến thể từ âm "Hũe" của người Chàm. Tiếng Chàm cổ thì "Hũe"có nghĩa là "mùi thơm", "hương thơm"...
6 - Năm 1805 với 30,000 dân công. và năm1818 với 80,000 dân công.
7 - Nông Nại Đại Phố một thời là một thương cảng sầm uất., tấp nập thương thuyền buôn
bán với người nước ngoài như Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương...
Ngoài tên Nông Nại Đại Phố, còn có tên là Sông Phố hay Cù lao Phố, là một hòn đảo phù sa, nằm gọn giữa hai nhánh sông Đồng Nai.
8 - Bến Nghé nằm bên con rạch cùng tên (người Pháp gọi là Arroyo Chinoise) là chi nhánh
của sông Sài Gòn. Sông này gặp sông Đồng Nai ở Nhà Bè. Bến Nghé là bến mà người
Cao Miên trước kia gọi là Kompong Krabey với Kompong là bến và Kompong là trâu.
9 - Con hào để thuyền bè từ sông Sài Gòn vào thành Đồn Đất được lấp đi thành đại lộ
Nguyễn Huệ ngày nay.

Chú thích 2:
Những địa danh Mỹ Tho, Trà Vinh,…Bắc Liêu, Cà Mau gốc tích Mã Lai hoặc Cao Miên như:
Mỹ Tho do chữ Me Sa có nghĩa là Bà Trăng.
Trà Vinh do chữ Pratrapeang có nghĩa là hồ của Phật thánh.
Sóc Trăng do chữ Strok Treang có nghĩa là xứ hay kho tàng.
Bắc Liêu do chữ Po Loenh là cây ca dao.
Cà Mau do chữ Tuk Khmau tức là nước đen.

 

Đăng ngày 15 tháng 04.2016