Theo bước chân phù lãng nhân…
Phí Ngọc Hùng
Năm hết Tết đến, thu vén nhà cửa để tống cựu nghinh tân, chợt nghĩ đến lũ mối mọt gậm nhấm giấy má, bèn mầy mò vào…tủ quần áo thăm chừng. Thấy con bươm bướm lụy chữ nghĩa nằm chết khô trong sách mà các cụ ta gọi là điệp tử thư trung. Khi không con chết tiệt này đưa đẩy tôi tới một kiếp phù sinh với câu “bách niên cùng tử văn chương lý, lục xích phù thân thiên địa trung”. Đành vay mượn chữ nghĩa bạn già dẫn giải là trăm năm một đời, cùng một cõi văn chương, sáu thước tấm thân, lênh đênh giữa trời đất. Một cõi văn chương với bốn thước hai thước, nghe hãi quá thể!
Ha! Cũng nên tháo động về bạn già họ Nguyễn tôi một phen: Nguyễn quân đây là người thông thiên bác cổ, văn kiến súc tích, là ông đồ nát chữ viết thông thiên vạn quyển về sử thi, thường là những chuyện ở bên Tàu. Nói xa chẳng qua nói gần…gần đây Nguyễn quân có chuyện Lê Quýnh (1750-1805) khiến tôi cứ ngật ngừ mãi. Chuyện là vào thời Lê Mạt, một người Việt ta lưu lạc sang Tàu với bao gian nan như đi phải đi bộ, nói phải bút đàm này kia kia nọ và không biết…đi về đâu. Thế nhưng những hình ảnh ấy lại rất mờ nhạt trong sử liệu Việt, nhiều chi tiết, sự kiện liên quan đến vị vong thần nhà Lê còn bị ngộ nhận vì định kiến hoặc vì những động cơ khác của các sử gia.
Trộm nghĩ lập thân…tối dạ thị văn chương với trông lên thì chả bẳng ai, trông xuống thì chả thấy ai hơn mình, thế nên bụng dạ thiên cổ chi mê tôi được thể thai nghén một bài văn sử, thưa bạn đọc. Nghe tôi to hó với bạn đọc vậy, Nguyễn quân cười hậc một cái mà rằng: Rằng “trông lên chẳng bẳng ai, trông xuống chẳng ai hơn mình”, Tàu nó gọi là “tỉ thượng bất túc, tỉ hạ hữu dư”. Nhăn nhe xong, khi không bạn già phang ngang bửa củi chuyện Con lạc đà chui qua lỗ kim như thể như thế này đầy…
Xưa thật là xưa có một vị vua, sau những năm vó câu dập dồn, sống trên mình ngựa, xông pha trên bãi chiến trường. Một hôm vua cho triệu vị sử quan già tới phán:
- Đời Cô chỉ mong ước đọc được bộ lịch sử lòai người trước khi nhắm mắt theo các tiên vương. Bộ sử lại quá nhiều, khanh thu gọn trong vòng 10 quyển được không?
- Dạ được, hạ thần xin bệ hạ 5 năm.
Vua gật đầu. Bộ sử nằm yên bấy lâu trong viện tàng cổ được chất lên ba xe sách…
Làm như ăn khoai môn ngứa miệng hay sao ấy, thiên cổ chi mê tôi buột miệng hỏi gì mà tới ba xe sách? Nguyễn quân ngậm câu nhả chữ: Như tiên sinh biết đấy, ngày xửa ngày xưa, sử quan chưa có giấy, sử viết lên tre nên gọi là sử xanh. Sau đấy viết lên gỗ củi, da ngựa, da bò cả nghìn tập chất lên xe chở đi. Tôi chép miệng tách một cái: Dạ vâng, Nguyễn quân dậy sao đệ nghe vậy. Vâng dạ xong bị Nguyễn quân mắng vỗ mặt: Tiên sinh ăn vẹt ở mòn chữ nghĩa bấy lâu mà chẳng hanh thông…thông sử gì sất.
Thế là tôi cạch không dám hỏi nữa và đành ngậm tăm nghe tiếp:
Ba xe sách mang tới quốc sử quán, được tháo tung từng mảnh, từng chương, lục sọan, tra cứu, bụi xốc lên mù mịt như cát sa mạc trong cơn lốc.Trải qua năm tháng, sử quan làm việc bất kể ngày đêm, lưng còm mắt mờ, tóm lược khắc trên những thớ gỗ dầy cộm. Nhưng sau 5 năm rồi cũng xong, bộ sử 10 quyển được chất lên mấy thớt lạc đà, rồi khệ nệ khiêng vào triều. Vua thấy vậy, lắc đầu ngán ngẩm:
- Nay Cô đã tuổi già sức yếu, khanh tóm lược lại 1 quyển được chăng?
Vị sử quan mệt mỏi tâu:
- Xin bệ hạ cho thần…10 năm.
Đến cớ sự này, ngu lâu đần dai cách mấy, thiên cổ chi mê tôi ngộ ra là Nguyễn quân muốn răn đe tôi đừng viết dài quá như tra tấn chữ nghĩa bạn đọc. Mà hãy viết ngăn ngắn một ti, cần nhất là loại bỏ những chi tiết thừa thãi, những câu tối nghĩa…
Tiếp, Nguyễn quân câu đọng chữ thừa…
Sau 10 năm, lão thần ốm gầy như cây khô, mặt mày vàng võ, đi phải chống gậy, tay run lẩy bẩy mang quyển sử vào trình. Cũng đúng lúc vua đang hấp hối, phều phào:
- Cô sắp đi…Hiền khanh hãy tóm tắt bộ sử bằng…một câu…Một câu thôi.
Lão thần lập bập, thì thào bên tai vua…Vua gật gật đầu, đôi môi khô héo, bỗng nở một nụ cười hiu hắt đầy mãn nguyện rồi băng hà. Lão sử quan lắc đầu, thở ra như thở dài rồi cũng từ từ trút hơi thở cuối cùng bên cạnh long sàng lúc nào không hay.
Đang tối dạ vì chả biết lão sử quan sầm sì chi với cụ vua thì Nguyễn quân khơi khơi xách củi khô gỗ mục ra rị mọ với…chi tiết thừa thãi như vầy: Tiên sinh biết đấy, vì viết sử trên thẻ tre, thanh gỗ nên phải viết cô đọng. Nên người sau hiểu lung tung hết. Như:
“Sử Tàu chép rằng đời Chu Thành Vương, dân Việt Thường từ phương Nam mang chim bạch trĩ đến cống, phải qua 9 lần thông dịch mới hiểu. Lúc sử giả về bị lạc, Chu Công cho xe chỉ nam để dẫn đường”.
Được thể tôi lạc đường vào lịch sử vì hết ba xe sách đến…xe chỉ nam. Bèn vấn. Nguyễn quân vặc tôi là cái nên hỏi thì không hỏi. Vì rằng các nhà biên khảo, biên chế cắt béng đi chữ “Thường” để người sau hiểu là người Việt ta…mang chim trĩ sang Tàu.
Bèn đạo đạt với Nguyễn quân vậy chứ người Việt ta xách con chim trĩ đi bộ sang Tàu cả mấy tháng trời. Bộ con chim trĩ không ngỏm củ tỉ chăng? Nguyễn quân ậm ừ là lại nữa, lại cái đáng hỏi thì không hỏi. Và Nguyễn quân…hỏi thiên cổ chi mê tôi:
“Giả sử không có giấy tờ, không có thông dịch, tiên sinh có dám một mình chèo thuyền tới Hồng Kông. Qua Mỹ, đi bộ từ San Francisco đến Washington không?”.
Mưa không ướt đất, nắng không ấm đầu, khi không Nguyễn quân lắc đầu, miệng lậu bậu “thi thị khả giải, bất khả giải chi gian”, và luận ngữ mà thiên cổ chi mê tôi hiểu bừa phứa là “sử thi nằm trong khoảnh lơ mơ lỗ mỗ có thể giải thích được và cũng có thể không giải thích được”. Đang bụng mang dạ chửa với chữ nghĩa, nay trăm sự nhờ Nguyễn quân đẩy đưa theo bước chân phù lãng nhân, nên tôi mới có bài văn sử để khoe mẽ với bạn đọc. Ừ thì chuyện nhập thế cục bất khả vô văn tự, tôi cũng có ý đồ ấy. Lúc này Nguyễn quân hãy gác cái gậy chống trời qua một bên, ngồi xuống cái đã, đợi tôi pha bình trà. Rồi nói chuyện văn chương thiên hạ sự sau, như đọc ba trăm sáu mươi quyển kinh, chẳng thần thánh phật tiên nhưng khác tục ấy mà….Mà mọi sự là một ngày tình cờ bắt gặp một sấp giấy mỏng cũ sỉn đã vàng ố có mươi lỗ bằng hạt gạo vào năm nảo năm nào. Và tôi thưa với Nguyễn quân rằng như vậy, là như thế, thưa bạn đọc.
Để rồi bỗng không cả một chuỗi thời gian quá vãng đong đảy hiện về…
Bằng vào gần bốn chục năm trước, cái ngày tôi chân ướt chân ráo qua đây ở một thành phố chỉ có bẩy ngàn người tỵ nạn. Quán xá chợ búa đếm trên đầu ngón tay không ngoài ba tiệm “chạp phô” cũ mèm của người Tàu có mặt từ thưở nào không hay, có thể từ thời họ sang đây đi tìm vàng, làm đường xe lửa còn rơi rớt lại cũng nên. Một ngày cuối tuần xuống phố ghé tiệm chạp phô quen thuộc. Tôi thấy trên quầy bầy dăm cái băng nhạc thâu lại, mươi cuốn truyện cũ được “phô tô cóp pi”, bọc giấy dầu cho thuê, cho mướn. Hiểu theo nghĩa là chưa có báo chợ, báo chùa gì sất cả. Lóng nhóng thế nào mắt tôi đậu trên sấp giấy kẹp bìa hơi cũ, có vài ba đốm chấm nâu đen li ti.
Trong khi đợi nội tướng vất vưởng với chợ búa bèn mở ra “xem cọp”…Ngay trang đầu sấp giấy mỏng đánh máy bằng máy chữ cổ lỗ sĩ, chữ nghĩa tèm nhem có tựa đề Liên hệ Hoa Kỳ-Việt Nam thời thế kỷ 19 của tác giả Trần Đông Phong. Tôi đọc sơ qua có truyện của sứ thần Bùi Viện, có truyện Con đường thiên lý của nhà biên khảo, học giả văn hóa cổ đại. Lúc ấy, tôi nhẩm chừng tác giả “Liên hệ Hoa Kỳ-Việt Nam thời thế kỷ 19”trích dẫn truyện Con đường thiên lýđểviết tiểu luận lấy cao học từ bên nhà thì phải. Cũng có thể ông là chuyên gia về bang giao quốc tế của sứ quán hay sứ bộ nào đó và ông đã có mặt ở đây từ thập niên 60 hay 70 không chừng.
Riêng với tác nhân “Con đường thiên lý”, trước 75 tôi hong hanh biết cụ là kẻ sĩ bách vi, chỉ lo mài dũa biên khảo, sưu khảo, chuyên công đẽo gọt sử xanh, sử thi. Nên tôi gọi cụ là nhà biên khảo, học giả văn hóa cổ đại là vậy. Vậy mà “xem cọp” xong tôi quên tuốt. Bèn thưa với Nguyễn quân nhẽ ấy.…Đất sinh cỏ già sinh tật hay sao đó, bỗng dưng Nguyễn quân cắt lưỡi tôi như thế này đây: “Nhân thoại hưu đề ngôn quy chính truyện”. Thấy tôi ngơ ngác như quạ vào chuồng lợn, Nguyễn quân khai ngôn phá chữ là tôi hãy…gác những chuyện rườm rà để nói vào chuyện chính.
Hơ! Những gì thuộc về ngoại truyện cũng bằng khoảng thời gian cùng một lứa bên trời lận đận của Nguyễn quân và tôi có mặt ở nơi chốn tạm dung này. Xin mời Nguyễn quân sơi tạm chén trà đầu ngày trong sương sớm, rồi tôi sẽ xin hầu tiếp ngay đây. Ừ thì vào chuyện, nhưng tôi đèn lu dầu kiệt là phải đợi đến nằm 2004, nhờ đi tìm con đố ngư trong kho chữ mới lòi tói ra tạp chí Văn Hóa Việt Nam có bài khảo luận của ông Trần Đông Phong. Vào tựa, ông bộc bạch ông là nhà giáo, làm báo và cũng là chuyên viên bang giao quốc tế. Bởi Con đường thiên lý là cuốn tiểu thuyết, nên ông chỉ tóm lược mà thôi. Tôi cũng thế, tôi lui cui gõ mõ từng khúc, từng đoạn theo bài khảo luận, không ngoài ông đây đi theo những bước chân di của nhà biên khảo, học giả cổ đại…
Trong bài khảo luận, ông Trần Đông Phong gọi tác giả Con đường thiên lý khi là cụ Lê, lúc thì ông Lê. Ngoài ra trong phần Chú thích cuối trang mà ông gọi là “footnote’ có ghi những địa danh như “Pháp-Lan-Tây” với Pháp-Lan là phiên âm của Fran, giống như France là…nước Pháp. Và “Sanh-Phát-Lan-Xích-Cô” được giải thích Sanh là phiên âm của San, và Xích-Cồ là phiên âm của Cisco, như vậy thì Sanh-Phát-Lan-Xích-Cô tức là thành phố…San Francisco, sau này người Tàu gọi là Cựu Kim Sơn, thưa bạn đọc.
“ Vào khỏang đầu thập niên 1930, lúc học trường Bưởi tại Hà Nội, đồng môn với cụ Lê là Trần Văn Bảng, quê ở làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, thuộc tỉnh Phú Thọ.
Trong một lúc vui bạn vui bè, Trần Văn Bảng nói với cụ Lê rằng:
- Anh bảo người Việt Nam đầu tiên qua Hoa Kỳ là Bùi Viện. Sai. Người đầu tiên là cụ nội tổ chúng tôi, là cụ Trần Trọng Khiêm.
- Trần Trọng Khiêm là ai? Ở thời nào? Tôi không nghe tên đó.
- Cùng sống ở triều Tự Đức như Bùi Viện, nhưng sinh ở đầu đời Minh Mạng, hơn Bùi Viện khoảng hai chục tuổi, không rõ Bùi Viện qua Hoa Kỳ năm nào, nhưng tôi biết chắc là cụ Trần Trọng Khiêm đặt chân lên đât Hoa Kỳ năm 1849 và sống ở đấy 4 năm.
Theo ông Trần Đông Phong đọc Con đường thiên lý(trang 26) thi..
“Ông Trần Trọng Khiêm sinh năm Tân Tỵ 1821, tức năm Minh Mạng thứ hai. Năm ông hai mươi hai tuổi, vợ của ông bị viên chánh tổng cưỡng hiếp rồi bức tử. Xong y nổi lửa đốt nhà, sau đó y đến điều tra rồi trình lên quan trên rằng bà bị cướp giết chết. Khi ông Khiêm về đến nhà, ông bình tĩnh chôn cất vợ, nhờ người làng lo việc hương khói cho bà vợ, sau đó ông rời làng và bặt tin. Đúng một năm sau viên chánh tổng bị giết chết và ông cũng rời làng biệt tích. Người làng cho rằng ông Khiêm về trả thù cho vợ.
Người bạn sau đó đưa cho cụ Lê xem bức thư viết bằng chữ Nôm gửi cho họ hàng, thư đề ngày rằm tháng Hai năm 1860. Trong đó ông Khiêm cho biết sau khi trả thù được cho vợ. Ông tới Phố Hiến-Hưng Yên, theo tàu buôn sang Hương Cảng, cư ngụ ở đấy một thời gian, rồi qua Anh Cát Lợi, Hòa Lan, “Pháp-Lan-Tây”. Cuối cùng sang tận Hoa Kỳ theo một đòan tìm vàng và ở thành phố “Sanh-Phát-Lan-Xích-Cô”. Chẳng bao lâu sau, vì nhớ quê hương, ông trở về Hương Cảng, nhập tịch Trung Hoa rồi về lại quê nhà, lập nghiệp ở làng Hòa An, phủ Tân Thành tỉnh Định Tường. Ông tục huyền với thiếu nữ họ Phan, sinh hai con đặt tên là Xuân Lãm và Xuân Lương. Bức thư ký tên Lê Kim, viết ở làng Hòa An, ngày rằm tháng Hai năm Canh Thân, tức là năm 1860.
Năm 1935, cụ Lê vào Nam Kỳ làm việc, nhớ đến chuyện cụ tổ phụ của bạn, nay có tên Lê Kim. Cụ Lê là người thích nghiên cứu, tìm tòi, lại quen biết giới hành chánh nhiều nên lần mò về Định Tường hỏi han, được biết trong sổ bạ của làng Hòa An, có người Minh Hương tên Lê Văn Kim, đến đây lập nghiệp từ năm 1855, đời vua Tự Đức…”.
Sông có lúc người có khúc, tôi câu thừa chữ thiếu với Nguyễn quân rồi ra chuyện sẽ có hậu như trà móc câu Thái Nguyên đây. Mặc dù chuyện có hơi khuôn mẫu cổ điển với niên kỷ, niên đại. Tôi thưa với Nguyễn quân vậy, nhưng riêng với bạn đọc, nói cho ngay càng về sau càng lôi cuốn như phim: Miền viễn tây nhằm vào thập niên 50, 60. Mà nói không ngoa chứ, chứ ông Lê Kim là người Việt Nam đầu tiên, quăng giây cưỡi ngựa rong ruổi về một thị trấn hoang vu và không ít thì nhiều, đã góp tay một phần tạo dựng lên thành phố San Francisco đầy gió cát này trong cái buổi hoang sơ, thưa bạn đọc.
“… Năm 1946, cụ Lê trở ra Bắc cũng vừa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nên mất liên lạc với bạn. Cụ tình cờ đọc được cuốn sách bằng tiếng Pháp nhan đề “La Rúee Vers l’Or” của René Lefèbre, được nhà Dumas ở Lyon xuất bản năm 1937. Cụ đọc thấy cuốn sách này tên nhân vật chính là “Lee Kim” đều bị xóa và sửa thành “Lê Kim”. Ở trang đầu có đóng con mộc dấu đỏ đã phai mầu “Tủ sách gia đình Lê Xuân Liêm, làng Mỹ Quới, tỉnh Rạch Giá”. Những điều này khiến cụ liên tưởng đến ông Lê Kim, tổ phụ của người bạn Trần Văn Bảng và cụ đã đọc hết cuốn sách này.
La Ruée Vers l’Or là câu chuyện về một nhóm giang hồ tứ chiến gồm đủ mọi quốc tịch Gia Nã Đại, Anh, Pháp, Hòa Lan, Mễ Tây Cơ, Thụy Điển, Do Thái và một người Trung Hoa tên Lee Kim. Họ gặp gỡ nhau rồi cùng đi về hướng tây để tìm vàng vào giữa thế kỷ 19. Câu chuyện khởi đầu từ năm 1849 tại thành phố New Orleans, qua thành phố St Louis, lúc bấy giờ được xem là cửa ngõ để đi về miền Viễn Tây. Chuyến săn vàng của nhóm giang hồ tứ chiến đầy đói khát, vượt qua bao nhiêu núi non, sa mạc. Những người tìm vàng đã vượt sông Nebraska, qua núi Rocky, đi về Laramie, Salt Lake City đầy hiểm nguy gian khổ, đánh nhau với mọi da đỏ, vượt thóat bọn cướp đường. Cuối cùng nhân vật chính là “Max”, là người Canada lập nên nhóm 80 người đi tìm vàng và cánh tay mặt của y là Lee Kim, cũng dẫn được hơn nửa nhóm người này tới California. Thời đó, "Wild West" tức miền Tây hoang dã là cụm từ người Mỹ dùng để chỉ bang California. Lee Kim là thông ngôn cho cả nhóm vì nói được nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hòa Lan, Trung Hoa và “một thứ tiếng khác nữa” nhưng không rõ tiếng nước nào. Lee Kim nói rằng anh ta không phải là người Tàu, nhưng khi được hỏi là người nước nào, anh trả lời là nước của anh ta cũng “gần gần nước Tàu”.
Cuối cùng họ cũng tìm được một ít vàng, sau đó về sống ở San Francisco. Đến thị trấn mới, Lee Kim được thuê làm cho tờ Daily Evening nhờ biết nhiều thứ tiếng. Còn “Max” nổi tiếng nhờ giết được tên cướp của giết người ở vùng này có biệt danh là “Jack ba ngón” để đi vào giai thoại ở miền Viễn Tây. Nhờ vậy Kim Lee và “Max” quen biết với Đại úy Sutter ở thành phố này, sau Sutter được Quốc hội Hoa Kỳ phong tướng. Ông chính là Johann August Sutter, một trong những người đã tạo dựng lên thành phố San Francisco, hiện một con đường lớn vẫn còn đang mang tên ông…”.
Theo ông Trần Đông Phong, quyển Con đường tìm vàng của René Lefèbre với tờ còn tờ mất, nên nhà biên khảo, học giả văn hóa cổ đại.vẫn còn hòai nghi…Tôi mường tượng đến khuôn mặt của Nguyễn quân cũng hồ nghi không kém với chuyện ông Kim Lee đến Châu Mỹ có…”hơi bị” xa vời, xa vắng chăng? Vì Cao Ly thì may ra và Nguyễn quân cho là vậy…Và tôi cũng nghĩ là thế. Thế nên chợt ngậm ngùi đến “người về một cõi muôn năm cũ” trong sử thi với cả nghìn năm trước, trăm năm sau…
“…Thái sư Trần Thủ Độ âm mưu soán ngôi nhà Lý, hoàng tử Lý Long Tường, con thứ của vua Lý Anh Tông (1138-1175)…”.Bỗng dưng Nguyễn quân cười nửa miệng rằng ắt hẳn tôi bị ông Yên tử Cư sĩ Trần Đại Sỹ đan lồng nhốt kiến rồi. Thì tôi cũng đành thưa thốt với Nguyễn quân rõ ràng ông họ Trần gặp hậu duệ của Lý Long Tường kể cho ông. Nên ông viết bài bản như “Hoàng tử Lý Long Tường cùng đòan tùy tùng 6000 người trên ba hạm đội từ bến Đinh Hải nhắm hướng bắc vượt biển đông tới Cao Ly…”.Nguyễn quân cười hết cả miệng mà rằng chắc gì ông Trần Đại Sĩ đã gặp hậu duê của nhà Lý. Và đi trốn với 6000 người với ba hạm đội có…”hoang tưởng” chăng?!
Vì không biết, tôi đành trở lại thành phố “Sanh-Phát-Lan-Xích-Cô” xem ra thế nào…
“…Năm 1960, nhân có người cháu du học ở California, cụ Lê nhờ anh này đến thư viện San Francisco, lục tìm những tờ báo cũ khỏang năm 1850, xem có bài báo nào nói về hai nhân vật “Max” và Kim Lee hay không.
Đến năm 1962, ông có hai bài báo được người cháu gửi về:
- Bài báo đề ngày 19 tháng Hai năm 1850, có đăng bài với cái tựa đề “Jack ba ngón đã bị hạ” với đầy đủ chi tiết của “Mac”. Như vậy chính là “Max” trong La Rúee Vers l’Or.
- Bài báo đề ngày 8 tháng 11 năm 1853, tựa đề ”Kim Lee và tướng Sutter” viết: “Sáng nay, một người Trung Hoa tên Kim Lee, trước làm việc cho báo Daily Evening đã tặng hai trăm Mỳ kim vào quỹ gây dựng thành phố San Francisco của tướng Sutter…”
Nguyễn quân nhấp một ngụm trà và nhăn mặt làm như có hạt trấu trong chiếc ấm đất. Gớm chết, Nguyễn quân cứ như cụ Nguyễn Tuân không bằng, tôi biết thừa Nguyễn quân đang muốn đào xới gốc gác ông Lê Văn Kim, nên thưa với Nguyễn quân đợi tôi châm thêm cữ trà nữa, bọt sủi tăm bằng mắt cua là rõ ngay ấy mà, thưa bạn đọc…
“…Sau khi nhận được hai bài báo này, cụ Lê tin tưởng rằng nhân vật Lee Kim hay Lê Kim chính là cụ Trần Trọng Khiêm, người đã gửi bức thư cho bạn mình. Như vậy ông Trần Trọng Khiêm vẫn sống ở San Francisco cho đến năm 1853. Ông trở về quê nhà năm 1854 và cải danh là người Minh Hương với tên mới là Lê Kim.
Sau đó ông Lê cố tìm cách liên lạc với hậu duệ cụ Lê Kịm, nhất là gia đình Lê Xuân Liêm, người chủ của cuốn sách La Rúee Vers l’Or mà cụ đã tình cờ đọc được năm 1946. Mãi cho đến khỏang năm 1970, một hôm ông nhận được một cái thư, dấu bưu điện từ tỉnh Rạch Giá của một độc giả tên Lê Xuân Lưu, hỏi cụ về một khúc mắc của sử nước nhà. Cụ Lê nhớ ngay đến “Tủ sách gia đình Lê Xuân Liêm, làng Mỹ Quới, tỉnh Rạch Giá”. Sau đó ông đến tận nơi thăm gia đình này và được biết anh Lê Xuân Lưu là con Lê Xuân Liêm nhưng thân phụ anh đã qua đời.
Anh Lê Xuân Lưu cho cụ Lê xem cuốn gia phả do ông nội anh là ông Lê Xuân Liêm con của ông Trần Trọng Khiêm chép từ năm 1928, trong đó có đọan như sau:
“Sự tích họ ta, nhớ mà ghi chép được, mới từ cụ tổ năm đời triều Tự Đức. Tương truyền cụ là người họ Trần, gốc gác làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ ngòai Bắc. Họ Trần lập nghiệp ở Xuân Lũng từ đời nào, thì nay chưa thể biết được vậy.
Cụ là con trai thứ một thế gia vọng tộc. Văn võ tòan tài mà tinh thần bạt tục, không chịu theo con đường khoa cử, những mong thỏa chí tang bồng. Ngòai hai mươi tuổi, cụ cải danh họ Lê, húy Kim, khẳng khái rời quê cha đất tổ, xuống một tầu buôn ngọai nhân, lênh đênh mấy năm từ Á qua Âu, không đâu không lưu túc tích (dấu chân). Tới xứ nào cụ cũng tìm hiểu phong tục, cái hay cái dở, ý hẳn muốn thâu thái để sau này kinh bang tế thế. Cụ là người có nhãn quan thiên lý, nhìn suốt cổ kim, có chí kế vãng khai lai, đáng làm gương cho con cháu vậy. Mà họ Lê ta cũng đáng lấy làm vinh dự lắm thay.
Năm Giáp Dần triều Tự Đức, cụ về cố quốc. Cụ không dám về Bắc mà vào Nam lập lên làng Hòa An, thuộc tỉnh Định Tường (nay là Sa Đéc). Nơi đó còn hoang dã tòan lau sậy, tràm với lác, cụ quy tụ được một nhóm người khai phá thành ruộng nương tươi tốt. Cụ thành hôn với cụ bà họ Phan, tính tình hiền hậu, tư cách đoan trang và sanh được hai con tên Xuân Lãm, Xuân Lương, để đời đời đừng quên gốc gác là làng Xuân Lũng vậy! Tới nay đến thằng Xuân Liêm ta là sáu đời, họ ta vẫn theo mỹ tục đó. Con cháu phải giữ chớ không được bỏ, giữ được thanh bạch, chính là giữ được cái nề nếp vậy ”.
Truyện Con đường thiên lý chấm dứt ở đây, ông Trần Đông Phong đề bạt thêm:
Người viết vốn được cái may mắn quen biết với cụ Lê nên biết rằng cụ là người cẩn trọng trong việc nghiên cứu lịch sử. Do đó khi cụ nói rằng: “Tôi mừng như bắt được vàng. Nhân vật Lee Kim quả là có thực, đúng là cụ Trần Trọng Khiêm ở làng Xuân Lũng ngoài Bắc. Chứng cớ chắc chắn rồi, không ai còn chối cãi được nữa.” (trang 27). Tuy nhiên cụ vẫn cẩn trọng xếp cuốn Con đường thiên lý vào thể loại “tiểu thuyết” chứ không phải là tác phẩm có tính cách biên khảo lịch sử. Dù rằng chuyện một người Việt lưu lạc sang miền Viễn Tây, biết cưỡi ngựa bắn súng như phim “cao-bồi” là một dữ kiện lịch sử. Như vậy nhân vật Lê Kim có thật, không phải là nhân vật tưởng tượng trong tiểu thuyết. Tôi là nhà báo nên không thể không hãnh diện về ông: 125 năm trước, ông là người Việt Nam đầu tiên làm ký giả hai năm cho một nhật báo ở San Francisco vào năm 1850.
Thiên cổ chi mê tôi đào sâu chôn chặt tác phẩm của nhà biên khảo, văn học cổ đại khởi đi từ thập niên 30, đến thập niên 70 đúng 40 năm thì kết thúc. Phải chăng ý tại ngôn ngoại của tác giả với độc giả: Bùi Viện không phải là người đầu tiên tới Hoa Kỳ?
Bởi nhẽ số ruồi, đi tìm con ba đuôi lòi ra chỉ có nửa tập “Văn hóa Việt Nam”. Với nửa còn lại, tôi nắm bắt thêm:
Theo tộc phả, họ Bùi chính quán ở Thanh Hóa, di cư ra Bắc từ triều Lê đã hai trăm năm, định cư ở làng Trình Phố, tổng An Hồi, Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình vài đời trước. Bùi Viện là đời thứ tám tính từ khi thiên di. Ông sinh năm 1839, cũng theo tộc phả, ông là con trưởng ông Bùi Ngọc, lúc mới 39 tuổi, đỗ tú tài năm 1864, đỗ cử nhân năm 1868.
Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1878, Tự Đức 31, ông đột ngột từ trần. Cái chết của ông có nhều điểm còn mờ ám vì cả ngày mồng một ông vẫn mạnh mẽ như thường, nhưng đến chập tối, ông kêu đau nhức khắp mình mẩy. Đến nửa đêm, ông mất. Theo nguồn khác triều đình xét ông có tội tiêu lạm công quỹ 36 vạn, ra lệnh tịch biên gia sản, nhưng vô hiệu vì ông chỉ có một mái nhà tranh. Có thuyết nói ông bị giam và chết trong ngục.
Đang trần ai khoai củ đến đây, hốt nhiên mù u ra Nguyễn quân dậy đừng viết những chi tiết thừa thãi, rối mù. Tôi chịu trời không thấu, bèn hỏi khúc kết…u tối của chuyện Con lạc đà chui qua lỗ kim. Nguyễn quân gọt cốt vừa giầy: Xin thất lễ với tiên sinh, theo thiển ý thì ông nhà giáo, nhà báo họ Trần hoàn tất tác phẩm Liên hệ Hoa Kỳ-Việt Nam thời thế kỷ 19, nào khác gì vị sử gia già. Rồi gật gừ: Sau mười lăm năm góp nhặt sử phẩm qua những mảng da trâu, những mảnh gỗ dầy, để rồi nước lã ra sông. Vị sử thần thì thào bên tai vua một câu ngắn ngủi: “Vua chết. Sử chết”. Nguyễn quân gật đầu tắp lự: Sử sách cho lắm chỉ tổ mối mọt nó sơi, chỉ để nuôi mối mọt nó sống!.
Ba điều bốn chuyện xong, Nguyễn quân rập ràng thôi thì hãy…”thông sử” với huyền thoại Bùi Viện tới Hoa Kỳ. Có nhiều tài liệu chép sự việc này, nhưng rất nhiều chi tiết khác nhau như năm đi lần thứ nhất 1873, lần thứ hai năm 1874 (?), hay 1875 (?). Và cứ theo Nguyễn quân dật sử còn….dật dờ hơn nữa qua những nhà làm văn hóa…
Nhóm tác giả Lê Văn Ðức, Lê Ngọc Trụ với chuyện Bùi Viện được phái sang Quảng Ðông để tìm cách mở mang việc buôn bán với ngoại quốc. Tại đây, ông kết giao với con lãnh sự Mỹ và được người này hứa đem qua Mỹ xin viện trợ. Bùi Viện phải về Huế xin phép vua. Vua chưa tin, phái ông qua Hồng Kông hỏi cho chắc chắn rồi mới ban quốc thư. Sợ tốn thì giờ, Bùi Viện mạo quốc thư, tự chế áo mão tam phẩm qua Hồng Kông. Chính phủ Mỹ đồng ý giúp, cử đại diện qua Việt Nam. Tự Ðức không bắt tội, ban cho ông danh nghĩa chính thức qua Mỹ xin viện trợ. Nhưng thời gian này, tình hình đã thay đổi. Dù đồng ý giúp, Mỹ đòi phải ứng trước 2 triệu quan để làm quân phí đánh Pháp. Ông về tâu vua, vua cho phép kinh doanh để kiếm ra số tiền 2 triệu quan đó. Ðình thần hay được, khép ông vào tội khi quân, và giam ông đến chết (!?)
Tiếp đến là nhà biên khảo Thái Văn Kiểm viết bằng Pháp ngữ việc Bùi Viện đến Mỹ. Bùi Viện nhận lệnh Tự Ðức qua Hồng Kông tiếp xúc đại diện các cường quốc ở đây, hy vọng dùng áp lực quốc tế chống lại âm mưu thôn tính Ðại Nam của Pháp. Qua sự giới thiệu của lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, Bùi Viện sang Nhật, gặp lãnh sự Mỹ ở Hoành Tân [Yokohama]. Từ đây, Bùi Viện qua San Francisco, được Tổng thống "Simpson Grant" tiếp kiến. Nhưng vì không có quốc thư, nên Grant không hứa hẹn gì.
Sau nữa là sử gia Phạm Văn Sơn qua cuốn Quân dân Việt Nam chống tây xâm, ông viết chung chung, không có chi tiết gì nhiều: Ông Bùi Viện người Thái Bình, đậu cử nhân được cử sang Tàu lo việc thương mại. Tại Hương Cảng, ông giao du với lãnh sự Hoa Kỳ và được giới thiệu gặp Tổng thống Hiệp Chủng Quốc. Sau một năm chờ đợi vì không có quốc thư. Khi trở lại thì chính tình ở đây đã thay đổi.
Nguyễn quân lễnh đễnh rằng gần đây có ông Bảo Vân với chi tiết năm tháng hơn:
Tháng bảy năm 1873, Tự Đức thứ 26, Bùi Viện đến bái mạng vua để lên đường sang Nhật, sau đó vượt Thái Bình Dương đến Hoành Tân rồi sang Mỹ. Đến San Francisco, ông vượt ba ngàn dặm đường bộ tới Hoa Thịnh Đốn. Sau hơn một năm trời ở thủ đô nước Mỹ chờ đợi, cuối cùng Bùi Viện cũng gặp được Tổng thống Ulysses S. Grant để xin giúp đỡ chống người Pháp. Vì Bùi Viện không có quốc thư nên phải trở về. Năm 1875, Bùi Viện mang quốc thư sang Mỹ lần thứ hai, tuy nhiên chính phủ Mỹ đã thay đổi chính sách ngoại giao với Pháp nên không muốn giúp Việt Nam nữa.
Tiếp đến, Nguyễn quân cho biết vì “tư liệu” của tôi chỉ có nửa tập nên tôi không hay ông Trần Đông Phong sau này tìm ra gốc gác của ông Bùi Vân như sau, thưa bạn đọc…
“Người viết có liên lạc được với cụ Bùi Chiên, hậu duệ của ông Bùi Viện. Cụ cho biết rằng Bảo Vân là bút hiệu của cụ Bùi Văn Bảo, cũng là…hậu duệ của Bùi Viện”.
Gì mà hậu duệ của ông Bùi Viện đông như tổ đỉa, tôi định dợm bước vào nhà mang ra bài viết Bùi Viện (1839-1878) & Cuộc cải cách hải quân của Nguyễn quân để đi tìm họ hàng hang hốc ông. Như có đồng cảm, Nguyễn quân phẩy tay và óc ách..
“Ở hải ngoại, Bảo Vân là cháu Bùi Viện. Ông Bùi Viện là anh cùng cha khác mẹ của ông nội cụ Bảo Vân. Cụ có ra một quyển sách nhan đề Bùi Viện–Một nhà nho sáng suốt-lỗi lạc-phi thường nội dung không có gì mới lạ hơn tác phẩm của Phan Trần Chúc, chỉ thêm một số chi tiết trích trong gia phả họ Bùi ở Trình Phố, Thái Bình. Mặc dù tác giả tham khảo một số tài liệu của Đào Trinh Nhất, Lãng Nhân, Thái Văn Kiểm. v…v…nhưng nhiều câu hỏi vẫn không có câu trả lời. Ngay cả tài liệu trong gia phả họ Bùi cũng có giới hạn. Một số sự kiện chép lại không được tra cứu kỹ lưỡng nên ghi nguyên văn đúng ra còn phải tồn nghi. Trở ngại là người viết không truy nguyên những nơi có thể còn giữ một số tài liệu liên quan đến Bùi Viện ở Huế”.
Chả dấu gì bạn đọc nghe văn kiến súc tích đến dây, tôi cắc củm là nghe Nguyễn quân nói rắn trong hang cũng phải bò ra. Nguyễn quân cười cái kịch và thông thiên bác cổ rằng theo các cụ ta xưa thì “kiến trong hang cũng phải bò” ra vì rắn không có…tai.
Rắn không có tai hay thiên cổ chi mê tôi nghe ra cũng nhi nhĩ thuận vì ông Thái Văn Kiểm cũng là người Huế. Sao ông không truy nguyên tài liệu ở Huế để tìm chuyện ông Bùi Viện đi Mỹ có thật hay chăng? Bởi xưa nay nhiều người viết với thói quen lập lại và trích dẫn những chuyện lịch sử…theo quán tính, nên tác giả Trần Giao Thủy đúc kết..
Ông Phan Trần Chúc (1907-1946) là “người đầu tiên” nói đến việc Bùi Viện sang Mỹ. Ông là nhà văn chuyên viết về lịch sử, cuốn sách của ông được xuất bản năm 1945 tại Hà Nội. Ông đưa ra sự kiện Bùi Viện đã hai lần sang Mỹ. Lần đầu gặp…“Thống lĩnh” Abraham Lincoln. Nhưng theo lịch sử Bùi Viện lên đường vào năm 1873. Lúc đó Lincoln không còn nữa, vì đã bị ám sát năm 1865. Lần sau, Bùi Viện mang quốc thư sang Mỹ, lại biết Ulysses S. Grant cũng đã chết.
(Theo Phan Trần Chúc Bùi Viện gặp Lincoln năm 1863, lúc ấy Bùi Viện…24 tuổi)
Trần Xuân An trích dẫn cuốn Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức của Phan Trần Chúc, sửa lại Bùi Viện lần đầu qua ”Mỹ Lợi Kiên” (nước Mỹ) gặp Grant, và lần thứ nhì Bùi Viện sang…Mỹ Lợi Kiên thì Grant đã chết. Trần Xuân An quên là Bùi Viện đã qua đời trước Grant 7 năm, vào năm 1878.
Bảo Vân (viết năm1988) sửa lại Bùi Viện gập Grant chứ không phải Lincoln.
Thái Văn Kiểm với Bùi Viện-người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ (viết năm1962) viết như Bảo Vân, nhưng thiếu những chi tiết về tời gian tính.
Nhân viên ngoại giao (viết năm 1967) của Ủy ban lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu viết dùm một đoạn diễn văn cho Tổng thống Lyndon B. Johnson về sử kiện Bùi Viện qua Mỹ để Johnson đọc tại Hội nghị thượng đỉnh ở Guam.
Robert Miller (viết năm1990) dịch nguyên văn từ nguồn của Thái Văn Kiểm và đoạn diễn văn trên. Nhưng chỉ có một khác biệt là Bùi Viện gặp lãnh sự Mỹ tại Yokohama trên đường từ Mỹ về quê hương.
Đến đây, chợt nhớ ra Nguyễn quân đã hơn một lần hăm he tôi là bạn đọc tinh như ma. Nên viết biên khảo phải viết thật. Nên tôi đành phải thật thà như đếm là tác giả Trần Giao Thủy đã năng chặt bị thế này đây: Phan Trần Chúc đã mất từ năm 1946; nhà giáo Bảo Vân Bùi Văn Bảo cũng đã qua đời từ năm 1998. Tuy nhiên, nhà biên khảo Thái Văn Kiểm, dù đã lớn tuổi nhưng vẫn còn sinh hoạt tại Paris; hy vọng với tinh thần một người khảo cứu, khoa bảng (Docteur-es-Lettres Orientaliste, Paris), ông có thể làm rõ hơn câu chuyện Bùi Viện đi Mỹ với đầy đủ tài liệu khả tín hoặc sử liệu từ các văn khố mà ông đã sử dụng hoặc mới có về đề tài này. (Mặc dù ông Thái Văn Kiểm đã “hiệu đính” hai lần khi viết lại bài bằng tiếng Việt năm 1970 và 1978 nhưng vẫn không có gì mới lạ).
Hơ! Nghe người Trần Giao Thủy ngự sử văn đàn thế đấy nên hãi quá thể. Hãi hơn nữa nhớ lại Nguyễn quân hơn một lần nhắn nhe tôi là viết biên khảo là làm sự việc rõ ràng hơn, chứ không phải làm rối rắm thêm. Bởi tôi chỉ là người viết văn khảo, chả muốn rối ren thêm hơn nữa. Nên tôi không dám hó hé ngẫu sự trên với Nguyễn quân.
Bởi nhẽ ấy, cái đầu tôi đang rối tinh thì Nguyễn quân trong đom đóm ngoài bó đuốc trở lại với câu “thi thị khả giải, bất khả giải chi gian” mà Nguyễn quân luận ngữ là “sử thi nằm trong khoảnh có thể giải thích được và…không giải thích được” . Ăn vẹt ở mòn theo Nguyễn quân thì cho tới nay, chưa một tài liệu nào chứng minh được Bùi Viện qua Hoa Kỳ. Vì qua văn khố Bộ ngoại giao Hoa Kỳ không có tài liệu về Bùi Viện gặp tổng thống Grant. Nếu như được Grant tiếp kiến hai lần, nhưng không thuận lý vì được một nguyên thủ quốc gia tiếp kiến chẳng phải là dễ dàng và không thể không có những dấu tích ngay từ hàng lãnh sự địa phương như Hồng Kông hay Yokohama, thưa bạn đọc.
Theo các sử gia của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, từ 1862 đến 1950 Hoa Kỳ lập lãnh sự quán tại Nhật theo thứ tự như sau: Kanagawa (1862); Nagasaki (1862); Hakodate (1865); Osaka (1868); Tokyo (1869); Yokohama (1897); Kobe (1902); Shimonoseki (1918); Yokkaichi (1918); Fukuoka (1950); Sapporo (1950).
Hoa Kỳ chỉ đặt lãnh sự quán ở Yokohama vào năm 1897 và chưa khi nào đặt tòa lãnh sự của mình tại Hồng Kông, thuộc địa của Anh Quốc.
Sử nhà Nguyễn xác nhận Bùi Viện là một tác nhân lịch sử.
Hai nguồn tư liệu chính là Nguyễn triều châu bản và Đại Nam thực lục chính biên đều đề cập đến Bùi Viện.với bút phê và ấn dấu của Tự Đức. Có tất cả 10 tài liệu về Bùi Viện nắm cơ quan đặc trách chuyên chở đường thủy, vì Bùi Viện là quản đốc Nha Tuần Tải. Như Đại Nam thực lục chính biên cho biết Bùi Viện được bổ làm quản đốc Nha Tuần tải năm 1877, chức Biên tu, hàm bát phẩm sau lên thất phẩm. Như ngày 14/9/1878, bộ Hộ trình việc Bùi Viện liên can đến hối lộ nên không được xét thưởng. Thêm nữa như ngày 10/12/1870, Bộ Lễ trình việc Bùi Viện xin sửa năm sinh. Bộ Lễ thấy Bùi Viện biết chữ, đáng lẽ khi thi Hương phải xin cải chính ngay, không nên đợi đến khi thi Hội mới đệ đơn. Ðề nghị cho cải chính, nhưng theo lệ phạt 6 tháng lương để răn đe.
Thêm nữa với chuyện đi sứ thì…
Năm 1866, Tự Ðức gửi một sứ đoàn qua Pháp, do Giám mục J. D. Gauthier dẫn dắt, có Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ và Nguyễn Ðiều tháp tùng. Tiếp đến nhiều sứ đoàn Việt liên tục qua Hồng Kông, Ma Cao. Ngày 24/1/1874, Nguyễn Huy Hỗn báo cáo trong chuyến đi Hồng Kông và Ma Cao năm 1873. Ðiểm đáng ghi nhận là không thấy tên Bùi Viện xuất hiện trong báo cáo của các sứ đoàn này, hay bất cứ sứ đoàn nào đi Hong Kong trước đó như sứ đoàn Nguyễn Tăng Doãn, Nguyễn Hữu Lập, v…v…
*
Giả sử như chuyến đi sứ của Bùi Viện có thật! Nhưng cho đến nay chưa tác giả nào cho người đọc sử biết ai là thông ngôn cho “sứ đoàn”? Đoàn sứ giả đó gồm bao nhiêu người? Kết quả chuyến đi có được Bùi Viện chép lại như Phạm Phú Thứ đã làm từ 10 năm trước. Vì Phạm Phú Thứ đã viết Tây phù thi thảo (Bản thảo tập thơ đi sứ phương Tây) và Tây hành nhật ký (Nhật ký đi sứ phương Tây). Hiện nay chưa có ”nhật ký” nào của Bùi Viện trong kho tàng văn học sử Việt Nam. Về mặt chính sử với Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim không thấy nói đến Bùi Viện đi Mỹ dù chỉ một lần. Gần đây với tập biên khảo công phu Quan hệ bang giao giữa Việt Nam và phương Tây ở triều Nguyễn 1802-1945 của Chu Tuyết Lan cũng không đề cập đến “sứ thần” Bùi Viện.
Đến tao đoạn này, Nguyễn quân bóc ngắn cắn dài với cua ốc mùi bùn…
Thêm một huyền thoại nữa do một mục tiêu chính trị nào đó với chuyện người Việt có mặt trên đất Mỹ vào Thế chiến thứ nhất (1914-1918): Ấy là ông Hồ…Theo lời tự thuật của ông Hồ, khi làm việc trên Tàu Pháp, dưới bí danh “Paul Thành”, trong khoảng thời gian 1913-1919 ông đã tới New York, Boston, Philadelphia.
Điều này được xác nhận bằng một nhân chứng người Mỹ gốc Triền Tiên, Kim Tchong Wen, đại diện chính phủ lưu vong Triều Tiên tại Paris năm 1919. Ông Kim cho biết đã gặp ông Hồ ở Philadelphia. Theo tình báo Pháp, sao ông Kim không phỏng vấn ông Hồ tại Philadelphia mà là ở Paris và thông dịch viên cho hai người bút đàm bằng “chữ Nho” là…Phan Chu Trinh?! Trong khi năm 1919 cụ Phan bị nhốt ở ngục Santé. Theo báo Yshi của hội truyền giáo Tin Lành Mỹ thi ngày 19 và 20 năm 1919: Ông Hồ đang ở Thiên Tân. Mặc dù ông Hồ ở Mỹ 6 năm, nhưng Pierre Brocheux ghi nhận trong Du révoutionnaire à l’icône năm 2003 đã không tìm thấy dấu tích gì của ông Hồ ở Mỹ…”
Nghe thủng xong, tôihỏi há lại có cái lý ấy sao? Nguyễn quân tung tóe: Năm 1943, ông Hồ được móc nối với tình báo chiến lược OSS qua trung úy tên Kent nhẩy dù xuống Cao Bằng. Vì vậy ông Hồ lấy bí danh tiếng Việt là “ông Ké”, tiếng Mỹ là “Lucius” và nhận súng đạn, điện đài và y dược của phái bộ quân đội Mỹ.Theo Nguyễn quân với tự thuật của ông Hồ tới Mỹ rõ ra văn chương tự cổ…vô bằng cớ đấy thôi. Tôi lưỡi đá miệng rằngkhi ông Hồ qua Mỹ, có mang thông dịch viên với…la bàn chăng? Vì không khéo lại như…dân Việt mang chim bạch trĩ sang Tàu đời Chu Thành Vương thì rõ khổ.
Mà khổ thật, Nguyễn quân lào thào là sau này ở miền Bắc năm 1945 với Phan Trần Chúc, với sử kiện Bùi Viện là người đầu tiên tới Mỹ. Chuyện này có “liên hệ” đến ông Hồ là người đầu tiên tới Mỹ thờI đệ nhất thế chiến hay không? Nguyễn quân sắm nắm là thực tình không hay biết, chỉ biết trong chốn ta bà có nhiều chuyện lắm! Đại thể như mới đây người trong nước với nhiễu chuyện Dân tộc Jing (Kinh) ở Đông Hưng, Quảng Tây từ đời Minh hay Trung Quốc Nam phương dân tộc sử. Ở ngòai nước nhiễu sự với “Hồi ký” của Đại sứ Pháp Jean-Marie Mérilion với Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả đều bịa như thật hết. Nguyễn quân lươn khươn rằng chuyện ông Hồ cũng bịa tạc luôn, vì vậy Nguyễn quân và ngay cả độc giả đều vô tri…thời bất mộ! Bởi nhẽ chỉ làm mất thì giờ, vì Nguyễn quân còn phải về cúng ông Táo.
Nghe Nguyễn quân sắm nắm sắp hồi cố quận, thiên cổ chi mê tôi bèn rủ rê bạn đọc mọt sách mọt chữ với Bùi Viện (1839-1878) & Cuộc cải cách hải quân để…vẽ rắn thêm chân. Nghe vậy, Nguyễn quân cười dín mà rằng cũng theo các cụ ta xưa là “vẽ rết thêm chân”, vì…rắn không có chân. Chả cần vẽ vời, Nguyền quân mọt sách ăn giấy…
Thời tiền chiến nhà văn Phan Trần Chúc biên soạn sách về Bùi Viện, tuy nhiên tác phẩm của nhà văn họ Phan có nhiều điểm không chính xác đối chiếu với niên biểu của sử sách, những năm tháng Bùi Viện đi sứ cũng không rõ rệt. Việc ông sang gặp tổng thống Mỹ không thành công vì không có quốc thư cũng hơi vô lý. Vì nếu như thực sự vua Tự Đức đã cử ông đi sứ thì ắt phải giao cho ông một số giấy tờ gì để làm bằng, đồng thời mang theo những phẩm vật trao đổi và thường thường bao giờ cũng có chánh sứ, phó sứ và tùy tòng chứ không thể chỉ chơ vơ một người.
Vì vậy theo Nguyễn quân thì ngay như bạn đọc có thể đưa ra một vài nghi vấn:
- Ông không có phái đoàn sứ thần chính thức như một phái bộ quốc gia. Vì ông đỗ cử nhân trường Nam Ðịnh năm 1868, mà chỉ đỗ…”ân khoa”. Có thể vì vậy đồ rồi ông không được cử đi làm quan, phải đợi sau khi đi sứ về mới được bổ làm Chánh quản đốc Nha tuần tải và mang hàm bát phẩm, thất phẩm là chức quan nhỏ. Vì bát phẩm, thất phẩm chỉ hơn cửu phẩm văn giai là chức hàm dành cho dân để mua danh!.
- Ông không đủ danh vị để đại diện triều đình, vì đi sứ thời trước thường là trạng nguyên, đến thời Nguyễn là tiến sĩ như Nguyễn Trọng Hợp, Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản. Có thể vì vậy ông phải giả mạo quốc thư và tự chế mũ áo tam phẩm.
Căng tai ra nghe xong, trộm nghĩ các nhà làm văn học chỉ làm to chuyện như luộc con trâu cả con trong nồi nên tôi sửa soạn tiễn Nguyễn quân về để mình cũng phải.. tiễn ông Táo. Bất chợt Nguyễn quân lụi đụi rằng Bùi Viện lên đường cầu viện được vua Tự Đức đích thân tiễn đưa. Vì Phan Trần Chúc là nhà văn, ông viết rất văn sách để ông Bùi Viện trầm luân trong bể phù sinh, cùng mờ mịt nhân ảnh mịt mùng gió mây như vầy…
“Từ biệt các liêu hữu, Bùi Viện cho giương buồm về phía Bắc, vào một buổi sáng quang đãng mà mặt trời mới mọc trồi lên mặt nước gợn sóng, không khác một cái đĩa ngọc lớn để nghiêng trên tấm thảm hồng. Sau mươi ngày đêm lênh đênh trên mặt bể, vật lộn với gió bão phải đè lên những ngọn sóng to tầy đình kế tiếp nhau, nhô lên đổ xuống như cố ý hành hạ chiếc thuyền mỏng mảnh mà tay ông chèo lái, ông trông xa đã thấy đất liền, khoảng đất rọi một tia sáng vui mừng trong khối óc đầy hy vọng của ông”.
Chuyến đi thất bại, ông Bùi Viện trở lại Nhật gặp người bạn ở tòa lãnh sự đã giới thiệu ông qua Mỹ. Hai người làm thơ xướng họa, người bạn tặng ông bài ngũ ngôn Đường luật bằng chữ Hán có hai câu mở đầu: “Ngẫu nhĩ bồng lai chước, Nghê thường dạ nguyệt du”, ông dịch là rượu tiên đâu bỗng rót, đêm trăng múa hát chơi (trang 36).
Vì vậy quyển “Bùi Viện với chính phủ Mỹ” của ông chỉ là truyện…hư cấu.
Với “hư cấu”, ở đại học Western Connecticut State University, trong bài giới thiệu tác phẩm Allegories of the Vietnamese Past: Unification and the Production of a Modern Historical Identity của Wynn Gadkar-Wilcox. Tác giả đã đặt câu hỏi tại sao người Việt…hư cấu chuyện ông Bùi Viện sang Mỹ gặp Tổng thống Ulysses Grant, dù rất khó tin, để rồi câu chuyện được phổ biến rộng rãi ngay cả trong những bài viết về lịch sử.
Rất ngay tình với bạn đọc, qua lịch sử với sách vở tam sao thất bản, chuyện ông Bùi Viện đi Mỹ làm thiên cổ chi mê tôi rối loạn tiền đình không phải là ít. Nói thẳng mực tàu đau lòng gỗ tôi thích Con đường thiên lý hơn. Vì cũng với tiểu thuyết lịch sử, thì sử kiện Con đường thiên lý không hẳn là hư cấu, hoang tưởng, mà là sử phẩm, sử tài có thể khả tín được. Thế nên tôi mạo muội với Nguyễn quân rằng nếu như Con đường thiên lý đựợc mang vào văn học sử. Bởi nhẽ ông Trần Đông Phong là chỗ giao tình với tác giả, ông đã tham vấn, tham khảo để hoàn tất tập khảo luận bang giao quốc tế dầy cả trăm trang. Thì chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, bài văn sử…Theo bước chân phù lãng nhân mà tôi dựa dẫm vào hai tác giả trên sẽ có ngày theo bước chân phù lãng nhân đi vào chốn làng văn trận bút với gió tanh mưa máu cũng không chừng, thưa bạn đọc.
Vừa nghe thiên cổ chi mê tôi tu hú với bạn đọc thế, thế là Nguyễn quân cười cái bẹp mà rằng: Rằng “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, Tàu nó gọi là “bất kiến quan tài bất xuất nhân lệ”. Xong, Nguyễn quân cười tít và khủng khẳng cọ đít nồi mà rằng…
“Tiên sinh không hay ấy chứ…chứ như “theo bước chân phù lãng nhân,...trong cõi ngu lạc trường” thì năm 1987, nhà xuất bản Văn Nghệ ở miền nắng ấm tình nồng có ấn hành cuốn tiểu thuyết của học giả quá cố Nguyễn Hiến Lê nhan đề Con đường thiên lý kể chuyện một người Việt tên Lê Kim qua Mỹ trước Bùi Viện khoảng 20 năm.
Tuy nhiên đây chỉ là một sản phẩm tưởng tượng.
Vì chính nhà biên khảo, học giả văn hóa cổ đại Nguyễn Hiến Lê của tiên sinh đã trình bày trong Đời viết văn của tôi cùng một nhà xuất bản Văn Nghệ:
“Tôi dùng hồi ký của tôi và tài liệu về cuộc tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ giữa thế kỷ trước để tạo ra nhân vật không có thật là Lê Kim. Để dựng lên chuyện không có thật về người Việt đầu tiên trôi nổi qua Mỹ, theo một đoàn tìm vàng. Khi tìm được rồi thì chán. Chán rồi thì trở về Nam Việt lập gia đình, khai hoang trong Đồng Tháp Mười.”.
Nghe cũng chán thật, nên tôi đành im thin thít như thịt nấu đông. Nói rồi Nguyễn quân bước ra cổng Thạch trúc gia trang, tay cầm cây gậy chống trời kéo lê như dắt trâu qua hàng rào. Để lại một thiên cổ chi mê tôi mặt đực ra như cán cuốc vì chả hiểu…“theo bước chân phù lãng nhân, trong cõi ngu lạc trường” là cổ sự gì? Thưa bạn đọc.
Thạch trúc gia trang
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(viết xong Ất Dậu 2005, viết lại Giáp Ngọ 2014)
Nguồn: Nguyễn Duy Chính, Hoàng Hải Thủy, Vũ Ngự Chiêu, Phạm Vũ, Nguyễn Thị Chân Quỳnh.
Đăng ngày 02 tháng 04.2016