banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Vượt biên tới Thái Lan

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
 
“…Anh Tròn mua một chiếc thuyền đánh cá, loại đi trên sông. Thực ra chúng tội điếc không sợ súng, ngu ngơ mới tính đường liều. nếu như chuyên môn hay có kinh nghiệm không ai dám chơi dại như thế. Chính vì thế việc chuẩn bị của chúng tôi khá luộm thuộm, đụng đâu làm đó. Dự tính ban đầu chỉ có gia đình anh và tôi, khi nghe tôi trình bày anh Bào cũng muốn đi, anh Tròn bằng lòng. Khổ một nỗi anh là nhà giáo, động chuyện gì cũng lập cập nên chúng tôi không dám giao cho anh việc gì.
Vì neo người và muốn kín đáo, tôi có nhiêm vụ kiếm những dụng cụ hải hành bao gồm hải bàn, bản đồ. Còn anh Tròn lo chuyện tu bổ chiếc thuyền và máy móc. Chúng tôi tập điều khiển con thuyền trên sông và tìm cách mon men ra Cần Giờ nghiên cứu đường đi nước bước. Sau này thoát rồi nghĩ thấy lại thấy quả thật liều, vì dám dùng thuyền đánh cá mong manh mà vượt đại dương. Việc đầu tiên tôi nhờ đứa em đi tìm một cuốn sách chỉ dẫn đường đi biển và kiếm một cái hải bàn. Nó mượn được một cuốn sách dậy về Navigation của Mỹ dày bằng cuốn từ điển với chỉ dẫn đủ loai máy móc cho tàu lơn. Còn chiếc hải bàn to bằng cái đĩa lớn, trông cũng “ngầu” lắm. Tôi mầy mò mãi mới kiếm được cái bản đồ của nhà binh bao trùm từ bờ biển Việt Nam xuống tới Mã Lai.

Giữa đêm chúng tôi nổ máy chạy ra biển và cứ một mạch thẳng ra khơi. Gân trưa, chúng tôi đến một vùng mà nước biển phân ra thành hai phần rõ rệt. Tôi kêu lên đến hải phân quốc tế rồi và tiếp tục lái về hướng đông theo lộ trình vẽ trên bản đồ. Đến xế chiều gió bắt đầu nổi lên, càng lúc gió càng mạnh, nước biển dập dềnh, con thuyền trồi lên hụp xuống. Mãi về sau tôi mới biết đây là cơn bão thư 13, trận cuồng phong lớn nhất năm 1979, sóng biển lên đến cấp7, cấp 8. Thì ra vì không có radio, chúng tôi không biết nên cứ chạy phăng phăng ra biển, đúng là điếc không sợ súng.
Càng về khuya gió càng khủng khiếp,mà khi trời sáng, những cuộn mây đen vần vũ lại càng ghê rợn không kém. Những đợt sóng to như trái núi, lúc nâng đẩy con thuyền lên đỉnh núi, úc hụp thì lọt thỏm xuống trong thung lũng giữa hai bức tường nước, chỉ cần một bên ập xuống là con thuyền tan tành. Đến ngày thu=’ ba, chúng to6i không biết đâu là bến bờ. Sang đến ngày thứ tư thì la6m vào ca/nh tuyệt vọng vì thuyền hoàn toàn mất hướng. Chiều hôm đó, khi đang ngơ ngẩn xuất thần thì anh bào gọi sẽ:
- Anh Chính, hình như đằng kia có chiềc tàu.
Được một lúc con tàu kia lớn dần, thủy thủ gọi nhau ơi ới thả lưới xuống. Tôi giao tay lái cho chú tôi đóng vai thuyền trưởng. Mở hết tốc lưc đâm thẳng vào chiếc thuyền lớn. Phải phá hủy chiềc thuyền, không để cho họ xua đuổi chúng tôi. Chiêc thuyền đâm thẳng vào tàu, vỡ một mảnh lớn, anh Bào bị hất văng xuống biển. Tất cả lên tàu rồi, dưới nước con thuền vẫn dập dềnh, anh Bào đang bơi bì bõm…”

Kể là nhà giáo Nguyễn Hữu Bào kể tiếp qua bài Trên đường đi tìm tự do…
“…Giờ phút thử thách sắp tới. Chúng tôi vô cùng hồi hộp. Hành trang của chúng tôi đã theo thuyền chìm xuống đáy biển. Anh em thủy thủ cho chúng tôi một gói gạo chừng 5 ký, mấy hộp thịt, mấy hộp cá, nước và một gói quần áo. anh em thủy thủ nhắc chúng tôi sửa soạn hành lý, nhưng thực ra anh em đã sắp sẵn cho chúng tôi đủ rồi. Một gói gạo chừng 5 ký, mấy hộp thịt, mấy hộp cá, một thùng nước ngọt, mấy gói quần áo.
Đúng 4 giờ sáng thì phúc phận đã điểm. Chúng tôi được dẫn lên boong. Cái bè từ từ hạ thủy. Một thủy thủ chỉ tay về phía đèn sáng và bảo chúng tôi: “Đó là ngọn hải đăng. Các anh cứ bới thẳng tới nơi có đèn là tới bờ”. Bè do 4 thùng phuy hàn dính với nhau lớn bằng cái chiếu và 4 cái chèo. Chúng tôi luôn tay chèo từ sáng đến chiều mà ngọn núi trước mặt vẫn còn xa mờ mịt. Vì nó hình vuông nên di chuyển rất khó. Cứ chèo được ba thước thì sóng đẩy lui lại 2 thước. Đồ đã ăn hết, thùng nước ngọt 20 lít uống chỉ còn phân nửa. Đã hai ngày chúng tôi sống trôi nổi trên cái bè kỳ cục.
Chiều 23 tháng 6 có một chiếc tàu Thái Lan đánh cá cứu chúng tôi bằng cách họ kéo cái bè vào hoang đảo. Chúng tôi đặt chân lên hoang đảo lúc trời vừa tối. Sáng hôm sau mọi người tỉnh dậy mới biết hòn đảo nhỏ xíu, chiều dài chừng 300m chiều rộng chừng 200m. Trên đảo chỉ có cây cỏ dại. May mắn lúc đó vào mùa mưa. Khát, chúng tôi kiếm những tảng đá chũng đựng nước mưa, cúi xuống uống. Hết gạo chúng tôi xuống bờ biển kiếm những con hào bám vào đá đập lấy ruột ăn. Có một đêm hải tặc viếng hoang đảo. Bọn hải tặc lố nhố tới hơn mười tên. Chúng cầm súng, cầm dao, cầm búa bắt chúng tôi ngồi tập chung một chỗ lục soát không có gì đáng lấy. Chả hiểu nghĩ sao bọn cướp lại cho chúng tôi một gói cơm và một con cá nướng khá lớn.
 
Chúng tôi sống trên hoang đảo đã mười ngày mỏi mòn, vô vọng, anh Tròn bàn tính:
- Anh Xuân (anh Nguyễn Duy Xuân, chú ruột anh Nguyễn Duy Chính), anh Bào, chú Chính, ba người hãy tìm cách bơi vào đất liền báo chính quyền. Nếu tất cả chúng ta đều ở lại chờ đợi hão huyền thì chúng ta sẽ chết đói hết.
Từ hoang đảo tới đất liền tôi thấy khá xa, khoảng mười cây số. Kiếm được hai cây tre, chúng tôi cột lại làm phao. Sáng sớm ngày 23-6-79 hạ thủy. Ba người bám vào hai cây tre, tay bơi, chân đạp. Có lúc chúng tôi bơi trong vùng biển san hô cứa đứt cả chân. Có lúc gặp luồng nước biển lạnh ngắt khác thường làm tôi rợn cả người. Trong khi bơi tôi cứ hay nghĩ dại, nếu vô phúc gặp cá mập nó táp cho một miếng là đi đứt cặp giò.

Thế đấy… thế là cái bệnh “thố ti hoa” là… cây tầm gửi lại bám lấy mụ chữ tôi rằng:
Rằng các cụ ta xưa bám khúc chuối to bằng cái đùi trôi theo dòng sông là nhẽ thường tình. Đây ba người ôm hai khúc tre bằng cổ tay lỡ bị tuột…tay chìm lỉm xuống biển sâu thì rồi đời…Thì tập sử Giả vương nhập cập cũng chìm theo biển xa cát vắng. Nào ai hay biết cụ vua Quang Trung ta qua Tàu là thật hay giả đây?! Ngẫu chuyện chả phải vì luộc cả con trâu trong nồi nên mụ chữ tôi đành ôm rơm rặm bụng vời lời bạt của người ngọai sử qua một thóang mây bay:
“…Vấn đề vua Quang Trung “giả” hay thật dẫn đầu phái đòan sang Trung Hoa không phải vấn đề cá nhân mà là vấn đề quốc thể. Sử sách viết về sau cũng mặc nhiên chấp nhận một Nguyễn Huệ giả và hầu như không ai đánh giá lại chuyến công du quan trọng vào bậc nhất trong chính sách ngọai giao đời Càn Long. Biên khảo này nhằm đưa ra một số cơ sở về người dẫn đầu phái bộ sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790) để trả lại một sự thật cho lịch sử….”.

Đến xế chiều quay lại nhìn hòn đảo nhỏ như một đốt ngón tay. Đất liền vẫn còn xa mù mịt. Bụng đói, lại vận động không ngừng suốt từ sáng đến chiều nên ba anh em mệt lả. Mệt đến nỗi tay chân không còn sức cử động nữa, chúng tôi đành mặc cho nước cuốn đi. Sức tàn lực kiệt, chúng tôi như ba con cá ngáp ngáp trên mặt nước chờ chết.
Đang trong cái lúc tuyệt vọng đó, bỗng có tàu đánh cá xuất hiện, họ quăng giây xuống cho chúng tôi bám lấy leo lên. Lên đến sàn tàu cả ba người nằm mệt thiếp đi.
Tỉnh dậy tôi thấy trời gần tối và tàu đang vào bến đậu. Thoát chết…”

Bỗng không mụ chữ tôi nghĩ dại sách đây 37 năm, ông… thóat chết. Mụ chữ tôi không phải làm văn tế ruồi với ơn bằng cái đĩa, nghĩa bằng con ruồi. Bởi ông không về với cõi nên mụ chữ tôi lây dây chữ nghĩa với sưu khảo, nên thân già vác dùi nặng có được tập văn sử Chuyện người ngọai sử để tung tẩy với bạn đọc.

Cái bệnh của mụ chữ tôi là nhập thế tục bất khả vô văn tự, chẳng hay ho cũng húng hắng một vài…trong “Chuyện người ngọai sử”, mụ chữ tung tẩy một vài khó khăn của sưu khảo, biên khảo. Tất cả nhờ ông không bị cá mập sơi, hay vọp bẻ nên sau này ông tình cờ tìm được cuốn “Càn Long trọng yếu chiên tranh chi quân nhu nghiên cứu”. Rồi ông nghiên cứu với “cái duyên văn tự” để hóa thân thành nhà biên khảo hồi nào không hay. Khổ nỗi cuốn sách chỉ thu góp về quân nhu, không đề cập nhiều về trận Kỷ Dậu 1789. Tất cả tại cái số, cái nghiệp biên khảo nó thế, không phải ông chọn biên khảo mà biên khảo đã chọn ông để đày đoạ, để hành hạ ông trong cõi người này.
Tuy có cuốn sách, ông vẫn chưa khai thác được gì nên ông vất xó. Chẳng may có người bạn gửi tặng cuốn “Thanh Cao Tông thập toàn võ công nghiên cứu”, đầu hôm cuối bãi, trong tâm trạng của một kẻ táo bón kinh niên về biên khảo, lại nhè lúc đang bị thất nghiệp, nên ông bị giời xiềng vào biên khảo lịch sử như anh tù văn…

Cà mè một lứa, vì mụ chữ tôi dị ứng với dị sử và giai thọai, là một kẻ hóng hớt chuyện sưu khảo nên cũng bị chữ nghĩa nó hành qua lời bộc bạch dưới đây.

***

Lại đôi lời bộc bạch

Chuyện là những ngày còn ở bậc trung học, mụ chữ tôi lậm với hai bộ môn sử ký và địa dư. Nay đất khách quê người qua đường xưa lối cũ ở…Hồ Tây. Năm 2006 mụ chữ tôi lân la làm quen với sưu khảo qua bài tạp văn Lối xưa xe ngựa câu thiếu chữ thừa qua chuyện tiến sĩ họ Đỗ xúi dại cụ vua Quang Trung ta đổi tên…Tây Hồ, vua ta đáp::
“…Tây Hồ là thắng cảnh của người Thăng Long, người Thăng Long vẫn yêu mến và lưu luyến với Tây Hồ, lẽ nào nay vì trẫm lại đổi tên hồ đươc. Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ, cũng là duyên kỳ ngộ, cảnh chẳng phụ người, làm sao người phụ cảnh…”.
Nhắc đến Nguyễn Huệ thì chẳng quên bà Hồ Xuân Hương với Hồ Quỳnh gia phả:
Năm 1952 học giả Hoàng Xuân Hãn qua Pháp, thư viện quốc gia ở đây có nhờ ông làm mục lục về những sách chữ Nho và chữ Nôm của họ. Tình cờ nữa, ông bắt gặp cuốn sách địa dư, trong đó nói đến tỉnh Quảng Yên. Cuối phần tỉnh Quảng Yên, ông thấy có 6 bài thơ đề là của Hồ Xuân Hương về vịnh Hạ Long. Đến khi ông Hoàng Xuân Hãn xét lại mấy bài thơ về Vịnh Hạ Long thì có 5 bài chắc chắn là của Hồ Xuân Hương. Còn bài thứ sáu không phải, mà là tờ giây đã vàng ố của Hồ Quỳnh gia phả ghi chép:
“…Hồ Sĩ Anh đời Lê, hai trong bốn người con là Hồ Thế Viêm và Hồ Phi Cơ. Nguyễn Huệ là cháu bốn đời của Hồ Thế Viêm. Bà Hồ Xuân Hương là cháu bốn đời của Hồ Phi Cơ. Như vậy cả hai là anh em họ, cùng ông tổ năm đời của Hồ Sĩ Anh. Theo gia phả ông tổ của dòng họ Hồ là Hồ Hưng Dật, di dân sang cổ Việt từ thời Ngũ Đại, vốn người Triết Giang, lập cư ở Nghệ An…”.

Mây vẫn bay qua, ngày vẫn trôi đi, năm nào không nhớ, mụ chữ đọc bài của bà Thụy Khuê phỏng vấn ông Hoàng Xuân Hãn mới chớ phở ra: Bài thứ sáu cũng là bài thơ nhưng người ta thêm vào. Qua bài phỏng vấn, ông Hoàng Xuân Hãn cho hay:
“…Sau này tôi có một phần gia phả của họ Hồ, tra ra thì thấy rằng Hồ Xuân Hương với Nguyễn Huệ cùng một thế hệ đối với gốc họ Hồ này. Mà họ Hồ này bắt đầu ở Việt Nam từ đời hậu Đường lúc mình còn đương thuộc nhà hậu Đường vào khoảng thế kỷ thứ X. Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ cùng ngang hàng, vào khoảng hàng thứ 12, nhưng có lẽ đến đời thứ 5, thứ 6 thì mới chung một gốc. Có một gốc đi từ Quỳnh Lưu vào Hưng Nguyên, rồi từ Hưng Nguyên vào Bình Định, đổi thành họ Nguyễn của Nguyễn Huệ. Một gốc nữa, phần lớn ở Quỳnh Lưu, chỉ có Hồ Phi Diễn là một thầy đồ đi ra Bắc, trong họ coi như là đã ly hương với làng Quỳnh Lưu…”.
      
Tiếp, mụ chữ tôi ngụp lặn những bài viết dông dài về sử thi trong cõi u u minh minh của nghìn năm mây bay với Lý, Trần, Lê, Nguyễn, cùng những niên kỷ, niên đại.
Hục hặc với nỗi ngổn ngang trăm bề của mụ chữ tôi, là người đang chống gậy lạc đường vào lịch sử, như lạc vào mê hồn trận của các sử gia đi trước. Chẳng khác gì khói lửa kinh thành với thập nhị sứ quân nhất tướng công thành vạn cốt khô, cùng mỗi người mỗi niên đại, niên hiệu khác nhau. Hết cuộc binh đao, lại gật gừ gặp mấy  nhà biên khảo, biên chép…chép địa danh không nhất quán với bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí, như bát quái trận đồ cùng mờ mịt gió mây.
Nhưng cũng nhờ vật lộn chữ nghĩa qua những nhà biên khảo với bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí, như bát quái trận đồ... Nhờ vậy, năm 2007, tức 10 năm trước đây, mụ chữ tôi mới bụng mang dạ chửa được bài sưu khảo có tên Trả ta sông núi:
“….Mua thu năm Canh Tuất thời vua Càn Long…ở bên Tàu, vua Quang Trung đòi đất Lưỡng Quảng, ngài dựa vào bài Đồ Chí Ca (1) trong An Nam chí lược của Lê Tắc (đúng là Lê Trắc, nhưng Tàu không phát âm được chữ “r”)
An Nam bản đồ sổ thiên lý
Thiểu thị cư dân, đa sơn thủy
Đông lân Hợp Phố, bắc nghi Ung
Nam để Chiêm Thành, tây Đại Lý (*)

An Nam Chí Lược được đưa vào Tứ Khố Tòan Thư. Năm Quang Tự 1884 Lạc Thiện Đường cho in lại ở Thượng Hải. Năm 1986, Thương Vụ Ấn Thư Quán phụ bản tại Đài Loan và gần đây nhất, năm 1995, Trung Hoa Thư Cục cho tái bản ở Bắc Kinh….”
Trong cơn động kinh với chữ nghĩa bài sưu khảo Trả ta sông núi thế đấy.
 
(1) Đồ Chí Ca nằm trong An Nam Chí Lược quyển XIX, là bài thơ dài 108 câu viết về địa dư ( * trong có 4 câu thơ trên) và sử ký nước ta từ thời Triệu Đà tới thời Trần.

Gần đây mụ chữ tôi vật vã với những nhà biên khảo, sử gia Hà Nội với chuyện triều đại Quang Trung chấm dứt, 60 năm sau sử thần nhà Nguyễn (Bùi Đình Trí) dâng sớ lên Tự Đức để viết về thời Quang Trung rồi lại thôi. Có thể hồn ma bóng quế của hoạn quan Tư Mã Thiên ám quẻ, vì vậy chữ nghĩa viết về nhà Tây Sơn vẫn còn bị “cầm tù” trong Quốc sử quán. Vậy mà đến năm 1988 có tới 1623 công trình viết về nhà Tây Sơn đầy rẫy những chi tiết vay mượn từ Hoàng Lê nhất thống chí. Vì vây sử nhà Tây Sơn với những trang sử có những khuất lấp của khuất sử.
Với 1623 công trình viết về nhà Tây Sơn trước nam 1988, mụ chữ tôi ngẫn ngẫn chả hiểu họ đào đâu ra chuyện mà viết lăm thế. Nay mụ chữ tôi góp nhóp được ba bốn bài của cây đa cây đề (Phan Huy Lê) hay những kẻ theo voi ăn bã mía (lại voi nữa) thì hết đô đốc Bảo đến Đô đốc Đặng Tiến Đông tới Đô đốc Đặng Tiến Giản.
Và chả ai chịu nhũn não về giả vương hay hải phỉ như người ngọai sử họ Nguyễn.
Rằng với vốn liếng nho nhe “mộc cây căn rễ…”, với giây mơ rễ má mụ chữ tôi chỉ biết thổ phỉ là cướp trên đất liền. Còn cướp ở ngoài biển là…cướp biển. Riêng hải phỉ chưa bao giờ nghe. Nhưng dòm cái mũi thuyền của Tàu hình cái máng là đồ đựng thức ăn như máng lợn, máng ngựa. Rồi từ câu thành ngữ “cạn tàu ráo máng”, các cụ ta gọi người phương Bắc qua nước ta bằng thuyên là…Tàu chăng?
Bởi chưng tàu của Tàu sơn đen nên ta gọi là Tàu ô nên khi quân đội của Tưởng Giới Thạch do tướng Lữ Hán (Lư Hán?) qua nước ta giải giới Nhật mới có câu đồng dao: “Đoàn quân Tàu ô đi - Sao mà ốm thế”.

***
Vì… ốm chữ nên mụ chữ tôi chỉ ôm đồm bấy nhiêu! Vì vậy đành soi bói như thầy bói múc canh với Vai trò của hải phỉ trong chiến thắng Kỷ Dậu của người ngọai sử…


(còn tiếp)

Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 26 tháng 05.2020