banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Bức tranh vẽ vua Quang Trung

giả hay thật?

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Một chi tiết khác cũng khá quan trọng là theo tài liệu của nhà Thanh thì vua Quang Trung khi sang dự lễ khánh thọ có xin vua Càn Long một bức vẽ để đem về. Sau này vin vào chi tiết này nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng tấm ảnh một võ tướng mặc nhung phục, mũ đâu mâu, cưỡi ngựa tay cầm roi với ghi chú là chân dung vua Quang Trung, hay viết rằng bức hình giả vương Phạm Công Trị khi qua triều kiến vua Càn Long được họa gia nhà Thanh vẽ truyền thần.


Về sự tích của bức tranh này, Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau:
Về số đồ lễ, ngoài lệ chức phương, lại có dâng thêm đôi voi đực nữa. Trong khi đi đường người Tầu phục dịch cực kỳ vất vả. Kẻ trong người ngoài ai cũng biết là giả dối mà không ai dám nói ra. Lúc tới Yên Kinh, vua Thanh tưởng là thật vua Quang Trung (vua Quang Trung thật?) rất lấy làm mừng. Đến lúc vào chầu vua Thanh cho cùng ăn uống với các thân vương, và cho đặc ân được vào ôm gối, như thể cha con người nhà.
Đến khi lạy tạ xin về, vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho, ân lễ rất trọng hậu, xưa nay chưa từng có bao giờ. .(83)

Việc vua Càn Long sai thợ vẽ truyền thần giả vương An Nam có thể là thật vì đời Thanh Cao Tông số lượng họa phẩm vẽ người, vẽ các biến cố còn để lại đến ngày nay có vô số kể.
Tuy nhiên tấm hình vua Việt Nam chắc chắn không được lưu lại trong văn khố Trung Hoa mà được trao lại cho sứ bộ đem về. Nếu quả là thế, bức tranh đó cũng đã theo binh lửa mà tiêu tan, đến ngay các tài liệu, sách vở đời Tây Sơn để lại cũng đã nhiều lần bị triều Nguyễn cho tiêu huỷ, huống hồ bức hình của Nguỵ Tây, kẻ thù số một của vua Gia Long. Tuy nhiên khi điểm lại những chi tiết trong sử sách, ngoài Hoàng Lê nhất thống chí ra chúng ta không thấy một sách vở nào khác đề cập đến. Chi tiết quan trọng nhất có lẽ trong Đại Nam liệt truyện (q. 30, truyện chép về Nguỵ Tây: Nguyễn Huệ):
Tới khi vào bệ kiến từ biệt về nước, vua nước Thanh gọi đến gần bên giường, vỗ vào vai yên uỷ dặn bảo ôn tồn; sai thợ vẽ hình của mình đem cho   (84)
Nếu đúng như thế, hình ban cho Nguyễn Huệ là hình của vua Càn Long, vì chính trong tài liệu của nhà Thanh cũng còn lưu lại nhiều văn thư mà vua Quang Trung xin một tấm hình của vua Cao Tông để đem về.

Đại Việt quốc thư cũng còn một tờ thiếp gửi Phúc Khang An để nhờ ông này tâu lên vua Càn Long về yêu cầu đó. (85)
Hạ thần là nước phên nhỏ, tự nơi xa vào chầu, trông lên được Đại hoàng đế rủ lòng nhân từ, co như cha con người nhà, tấm lòng nhỏ mọn của hạ thần, vui mừng cảm khích không biết chừng nào.
Hạ thần tự nghĩ không lấy gì đáp lại được ân to một phần trong muôn phần.
Hạ thần muốn kêu xin một bức chân dung của Đại hoàng đế, mang về hạ quốc, kính cẩn cung phụng ở điện Kính Thiên để lúc này lúc khác quì khấn, như thể ở được bên tả bên hữu đức Đại hoàng đế, cho phụ lòng luôn luôn quyến luyến.
Chỉ sợ ằng phạm lỗi mờ quáng chưa dám thiện tiện tâu lên nhà vua, vì thế giãi bày lòng uẩn khúc ở tước tôn đại nhân xét định, nên chăng nhờ đại nhân chỉ giáo.
Mong mỏi không biết chừng nào.

Không hiểu sao khi sang Hoàng Lê nhất thống chí lại đổi sang thành hình vua Quang Trung. Có lẽ vì khi Ngô Thời Thuyến viết Hoàng Lê nhất thống chí về việc này cách cả trăm năm sau, tham khảo không kỹ càng, phóng bút không chính xác để hậu nhân hiểu lầm cho đến tận ngày nay. Hay cũng có thể là người đọc hiểu sai ý nghĩa câu văn vì “vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ truyền thần ban cho” có thể hiểu theo hai cách:
Tranh truyền thần của vua Quang Trung.
Hay:
Tranh truyền thần của vua Càn Long cũng đều được.
Tuy nhiên nhiều người không chịu tin như thế và vẫn khẳng định bức tranh nêu trên là vua Quang Trung. Ngay thời Đệ Nhị Cộng Hoà, một mô phỏng của khuôn mặt này đã được dùng làm chân dung Nguyễn Huệ trên tiền giấy 200 đồng (86).. Bức hình đó được sao lại ở nhiều nơi, dùng làm bìa sách và còn được minh họa để làm ảnh thờ vua Quang Trung trong những buổi tế lễ.

Thế bức tranh đó là ai?
Trước đây, khi thời đại có những hạn chế, các sử gia Việt Nam không có điều kiện tra cứu cho đến nơi đến chốn, không kiểm chứng được tài liệu nên ít ai đặt ra những câu hỏi. Nhiều dữ kiện được lập đi lập lại khiến cho nhiều người tin ngay là đúng. Nhiều tài liệu lại còn ghi tấm hình này được in lại trong tác phẩm Mãn Châu Cổ họa (không rõ xuất xứ). Thực ra đây là một bức tranh khá nổi tiếng của nhà Thanh vẽ vua Càn Long khi ông còn trẻ. Cho đến giờ này bức tranh này được vẽ chính xác thời gian nào cũng chưa ai xác định được và nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa đi tới một kết luận dứt khoát.

Một thuyết cho rằng bức tranh vua Càn Long cưỡi ngựa này được họa gia Giuseppe Castiglione (1688-1766) (87) vẽ năm 1739 khi nhà vua 28 tuổi vì khuôn mặt khá trẻ và cũng để đánh dấu lần duyệt binh đầu tiên của ông nhưng không có bằng cớ gì để chứng minh chuyện đó là đúng.

Thuyết thứ hai có vẻ xác đáng hơn vì bức tranh có liên quan đến một sự kiện ngoại giao quan trọng. Mùa thu năm 1758 Thanh triều nhận được tin bộ lạc Buruts – một bộ tộc Muslim ở vùng lưu vực Tarim đưa một phái đoàn tiến cống trong khi Thanh triều đang dẹp loại Hồi Cương (hai anh em Khozi Khan và Burhan-al-Din nổi dậy). Vì cuộc chiến còn dằng dai chưa ngã ngũ nên việc bộ lạc Buruts liên minh với nhà Thanh là một lợi thế. Để tạo một ấn tượng tốt, vua Càn Long ra lệnh sắp xếp một buổi đại tiệc ở Mộc Lan (88) (Mulan) và mời họ đi săn trong khu vực săn bắn Nhiệt Hà (Rehe), sau đó mới mời về Bắc Kinh (một ân sủng đặc biệt vì các sứ thần Tây Vực chỉ được tiếp tại Nhiệt Hà). Ngày mồng 3 tháng chạp, vua Thanh thết yến tại điện Thái Hoà, ngày mồng 5 duyệt binh ở Nam Uyển (South Park), khu săn bắn ngoài thành Bắc Kinh.
Theo tài liệu còn để lại trong cung, vua Càn Long đã sai họa gia Castiglione vẽ một bức chân dung ông để treo nơi Nam Uyển khi duyệt binh mà người ta tin rằng chính là bức tranh này.

Bức tranh nhuốm vẻ Tây phương, với con ngựa nhấc một chân mà người ta thường thấy nơi hình các vị hoàng đế Âu Châu. Pamela Crossley đã nhận định rằng bức tranh này miêu tả một sự pha trộn nhiều văn hóa (ngựa dáng vẻ Âu Châu, tay trái cầm cương, tay phải cầm roi theo tư thế Đại Hãn Mông Cổ, nhung phục màu vàng thêu rồng kiểu thiên tử Trung Hoa, khôi giáp có hình chữ Phạn của Phật giáo Tây Tạng ...) như muốn chứng tỏ đây là một vì thiên tử cai trị một đế quốc rộng lớn bao gồm nhiều sắc dân, nhiều khu vực khác nhau (89)

Kết luận
Nói tóm lại, không biết vì lý do gì trước đây các sử gia Việt Nam lại hiểu nghi lễ nhà Thanh tiếp vua Quang Trung ở Nhiệt Hà là bão tất (ôm gối), trong khi sách vở Trung Hoa cũng như Việt Nam đều chép là bão kiến thỉnh an. Chính Hoa Bằng cũng đã viết:
Để tỏ ý ưu đãi khác thường, vua Kiền long, khi tiếp Giả vương ở hành cung Nhiệt hà, cho làm lễ “bão kiến, thỉnh an”trong một bầu không khí cực êm đềm thân mật. Lễ đó, theo như lời dụ của vua Thanh, chỉ những ai trong bọn đại thần có nhiều huân lớn, công to mới được dùng.(90)
Sự hiểu lầm đó đã khiến cho chúng ta không đánh giá đúng mức chuyến đi lịch sử có một không hai này, không những hạ thấp vua Quang Trung mà coi nhẹ cả nước ta trong toàn thể khu vực, không giải thích được nhiều vấn đề trong bang giao Việt Thanh cuối thế kỷ 18. Trước đây khi các quan ta được cử đi sứ sang Tàu, tuy vinh dự thật nhưng vẫn coi như một cuộc phiêu lưu đáng sợ, mỗi chuyến mất cả một hai năm, có khi lâu hơn. Những quan lại được cử đi thường trối trăn coi ngày đi là ngày giỗ vì nhiều người phải bỏ xác nơi xứ lạ.
Đường đi gian nan diệu vợi đã đành mà lại luôn luôn phải ở trong tình trạng sẵn sàng chịu đựng thử thách cho khỏi nhục quốc thể. Thông thường cống sứ nước ta ba năm đi một lần, có khi sáu năm, hai lần gộp làm một. Chỉ riêng đời Tây Sơn, việc đi sứ trở thành một vinh dự, người nào đi cũng làm thơ để lại, tuy không rõ ràng chi tiết nhưng cũng cho ta biết tâm sự của sứ thần rất phấn khởi. Việc đi sứ đời Tây Sơn cũng trở thành thường xuyên hơn. Trong thời gian 250 năm từ 1661 đến 1911, nước ta chỉ gửi người đi sứ tổng cộng 45 lần, trung bình 5 năm một lần. Thế nhưng dưới đời vua Quang Trung, chỉ trong mấy năm từ 1789 đến 1793, mỗi năm ít nhất có một phái bộ sang Tàu, có năm đến hai phái đoàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất, tuy liên hệ với nhà Thanh trở nên mật thiết, nước ta vẫn giữ được quyền tự chủ, độc lập và vẫn theo đuổi những chính sách có khi đi ngược lại chủ trương của Thanh đình.(91)

Về cuộc đàm phán và bang giao Việt – Thanh từ trước đến nay các sử gia thường nhấn mạnh vào tiến trình qua lại. Trong bài này chúng tôi lại chú trọng đến thành quả mà triều đình Tây Sơn thu đạt được, vai trò của nước ta đối với Trung Hoa và tư thế mới trong vùng Đông Nam Á.
Một điều hiển nhiên là vấn đề ngoại giao luôn luôn là một cơ hội xác định vị trí của mình. Bao giờ cũng vậy, nếu vấn đề thương thảo mà đối phương ở trong tư thế mạnh, triều đình Việt Nam đành phải chấp nhận những nhượng bộ, khác nhau là ít hay nhiều. Trái lại một khi chúng ta chứng tỏ được rằng phiên thuộc chỉ là hình thức, dân tộc Việt Nam vẫn độc lập về chính trị và kinh tế, nếu bị o ép quá thì cũng không từ bỏ biện pháp vũ lực, thần phục có chăng chỉ trên danh nghĩa mà thôi, khi đó cách đối xử sẽ hoàn toàn khác hẳn.
Trong hơn một nghìn năm tự chủ, tổ tiên chúng ta khi mềm, khi cứng, có lúc phải dấy động can qua nhưng cũng có khi biết uyển chuyển tùy thời để vừa giữ vững quyền độc lập, vừa khiến cho phương Bắc phải từ bỏ mộng xâm lăng. Chiến thắng to lớn nhất của ông cha ta đời Tây Sơn không phải là tiêu diệt được đoàn quân của Tôn Sĩ Nghị mà là tạo được thế đứng mới để Bắc phương không dám tái diễn việc xua binh xuống phương Nam ngõ hầu dân tộc Việt Nam được thanh bình, tạo cơ hội phát triển đem lại cơm no áo ấm cho quần chúng. Đó không phải chỉ là một kết quả quân sự mà còn là một thành quả ngoại giao, mãi mãi vẫn là một mục tiêu mà người dân Việt nhắm đến.

Việc chấp nhận phong vương của vua Quang Trung cũng như tiến trình giao thiệp với nhà Thanh từ đầu năm Kỷ Dậu (1789) đến cuối năm Canh Tuất (1790) là một đề tài lớn không thể chỉ thâu tóm trong vài chục trang. Hi vọng với những điều kiện mới, những học giả Việt Nam sẽ có cơ hội đào sâu vào văn khố của Trung Hoa để tái tạo lại một giai đoạn lịch sử với đầy đủ chi tiết, điều chỉnh lại những sai lầm vẫn còn đầy rẫy trong sử sách ngày hôm nay. Nếu bài viết này đánh động được tâm thức của một vài thanh niên trong hay ngoài nước thì đó là điều mong mỏi của người viết.- Tháng 8 năm 2004.(90)

Tài liệu tham khảo:
(83) Ngô Thời Chí: Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Saigon: Phong Trào Văn Hoá, tái bản 1969) tr. 316
(84) Quốc Sử Quán triều Nguyễn: Đại Nam Liệt Truyện (Huế: nxb Thuận Hoá, 1997, quyển II) tr. 557
(85) Đại Việt quốc thư tr. 332 nguyên văn như sau: (bản dịch)
Hạ thần là nước phên nhỏ, tự nơi xa vào chầu, trông lên được Đại hoàng đế rủ lòng nhân từ, co như cha con người nhà, tấm lòng nhỏ mọn của hạ thần, vui mừng cảm khích không biết chừng nào.
Hạ thần tự nghĩ không lấy gì đáp lại được ân to một phần trong muôn phần.
Hạ thần muốn kêu xin một bức chân dung của Đại hoàng đế, mang về hạ quốc, kính cẩn cung phụng ở điện Kính Thiên để lúc này lúc khác quì khấn, như thể ở được bên tả bên hữu đức Đại hoàng đế, cho phụ lòng luôn luôn quyến luyến.
Chỉ sợ ằng phạm lỗi mờ quáng chưa dám thiện tiện tâu lên nhà vua, vì thế giãi bày lòng uẩn khúc ở tước tôn đại nhân xét định, nên chăng nhờ đại nhân chỉ giáo.
Mong mỏi không biết chừng nào.
(86) Thời Đệ Nhị Cộng hòa ba tờ giấy bạc có in ba danh nhân tượng trưng cho ba miền Bắc Trung Nam, 500 đồng là hình Trần Hưng Đạo, 200 đồng là hình vua Quang Trung, 100 đồng là hình Tả Quân Lê Văn Duyệt.
(87) Người Ý Đại Lợi, Hán danh Lương Thế Ninh (郎世寧) tu sĩ dòng Jesuit. Ông tới Trung Hoa theo phái bộ truyền giáo năm Khang Hi thứ 54 (1715) rồi được triệu vào cung làm họa sĩ cho triều đình. Ông còn dạy các họa sĩ người Trung Hoa phương pháp của Âu Châu nên đời Thanh các họa phẩm mang màu sắc Đông Tây phối hợp. Ông tạ thế tại Bắc Kinh năm Càn Long thứ 31 thọ 78 tuổi, được vua phong hàm Thị Lang, lại xuất kho 300 lượng bạc để lo tang sự, an táng trong nghĩa địa giáo sĩ ngoài thành Bắc Kinh.
(88) Tại Thừa Đức, Trực Lệ là một khu săn bắn, luyện tập của nhà Thanh.
(89) Zhang Hongxing, The Qianlong Emperor: Treasures From The Fobidden City (United Kingdom: National Museums of Scotland Publishing Limited 200) tr. 50
(91) Quang Trung Nguyễn Huệ, anh hùng dân tộc 1788-1792 tr. 245
(91) John K. Fairbank (ed): The Chinese World Order (Mass. Harvard University Press, 2nd ed. 1970) Truong Buu Lam: Intervention versus tribute in Sino-Vietnamese Relations tr. 177

***
Canh khuya đèn tàn, ngồi bí rị một hồi lâu, mụ chữ tôi chưa biết tìm cách nào “dẫn nhập” cho bài viết kế tiếp. Mà ngồi thì có nhiều kiểu ngồi như ngồi như ếch ộp, ngồi lúi húi như cóc nhảy thì lòi tói ra bài tạp văn Hồ Xuân Hưng tân biên liệt truyện cũng… ngồi:
“…Ngồi đồng một lúc lâu, cụ Tú như cóc say thuốc lào, lại có chuyện ôm rơm rặm bụng đã lâu, nên một công đôi ba chuyện, tiện đây cụ hỏi cho ra lẽ:
- Này bác ạ, tôi moi móc trong Giai Nhân Di Mặc của cụ Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến viết: Bà chúa thơ Nôm người tầm thước, mặt rỗ hoa mè, nước da ngăm ngăm đen.

Cụ lơ đãng nhìn ra ngòai vườn như suy nghĩ gì lung lắm, rồi quay lại với cụ Tú, trán hơi nhăn và chép miệng:
- Cũng khó ăn khó nói cho tôi, vì không biết cụ Đông Châu dựa vào kinh điển nào mà trích thuật như vậy. Cũng ngại bác trách tôi cái tật sính tầm chương trích cú, bắt quàng bắt xiên, có bé xé ra to. Theo tôi thì sử nhà Nguyễn qua tập Trịnh Nguyễn diễn chí của cụ Nguyễn Khoa Chiêm không nói gì nhiều về nhà Lê, nhà Tây Sơn.
Ngay cả nhân dạng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ cũng vậy, như mắt ốc nhồi, tiếng nói sang sảng như chuông, sử cận đại trích từ tài liệu của các nhà truyền giáo Dòng Tên tận phương Tây.      
Thế là mụ chữ tôi xoay xỏa xong phần “dẫn nhập” cho văn bài kế tiếp có tên: Đi tìm vóc dáng ngoại hình vua Quang Trung


 

Đi tìm vóc dáng ngoại hình vua Quang Trung


Phan Duy Kha
      
Quang Trung Nguyễn Huệ là vị anh hùng lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc: Đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm trong trận Rạch Gầm –Xoài Mút (1785); đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh–Nguyễn chia cắt đất nước ta suốt hơn hai thế kỷ, đưa non sông quy về một mối (1785-1786); tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm (1789). Chỉ mấy năm ngắn ngủi, chiến công nối tiếp chiến công, đã đưa ông lên hàng thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới. Hình ảnh của ông mãi mãi tượng trưng cho tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của dân tộc ta. Việc tìm hiểu ngoại hình cũng như chân dung của ông góp phần làm thỏa mãn tấm lòng ngưỡng vọng của chúng ta đối với người anh hùng dân tộc.

 
Vua Quang Trung qua nét vẽ họa sĩ Triều Thanh năm 1790
Ảnh: wikipedia.org

Hình ảnh Quang Trung qua ghi chép
Sử sách xưa ghi chép về ngoại hình của nhân vật lịch sử rất sơ sài. Theo Hoàng Lê nhất thống chí (1) thì vẻ mặt của Quang Trung “rực rỡ, nghiêm nghị”:
“Vua Lê sai các quan lần lượt đến yết kiến. Thấy thần sắc của Bắc Bình Vương rực rỡ, nghiêm nghị, ai cũng hãi hùng”. Rực rỡ, đó là hào quang rạng rỡ của người chiến thắng. Nghiêm nghị, đó là cái uy vũ của Quang Trung, khiến cho kẻ thù phải run sợ.
(1) Ngô Thời Chí: Hoàng Lê nhất thống chí (Sài Gòn Phong trào Văn hoá, tái bản 1969) tr. 316.

Sử gia nhà Nguyễn (2) mô tả:
“Huệ tiếng nói như chuông, mắt lập lòe ánh điện, là người thông minh, giảo hoạt, giỏi chiến đấu, người người đều kinh sợ”.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện
(Huế: nxb Thuận Hoá, 1997, quyển II) tr. 557.
“Về dáng dấp, khuôn mặt của Nguyễn Huệ, tài liệu của sử quan triều Nguyễn mô tả ông là người có tiếng nói sang sảng như chuông, tướng đi như hổ, cử chỉ nhanh nhẹn như điện chớp và người đời lúc bấy giờ sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.

Tây Sơn thuật lược ghi chép:
“Huệ ban đêm ngồi không có ánh đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu, lúc lâm trận thì anh hùng lẫm liệt, cho nên mới bình định được phương Nam, tiến đến đâu thì không ai hơn được”.
Có lẽ tác giả của cuốn sách trên thấy Nguyễn Huệ ban đêm làm việc không cần đèn mà nói quá lên như thế chăng? Nhưng dù sao thì qua hai cách mô tả trên ta có thể thấy Nguyễn Huệ có đôi mắt rất sáng, đó là cặp mắt thông minh sắc sảo (mà sử gia nhà Nguyễn do ác cảm mà dùng từ “giảo hoạt”). Cặp mắt đó soi thấu tận tim gan người đối thoại, khiến cho kẻ dưới quyền thì không dám dối trá, còn kẻ thù thì run sợ.

Một tài liệu dã sử khác được cho là tả đúng khuôn mặt của Nguyễn Huệ một cách thực hơn: “Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…” hầu như đem lại cả một phong vị thích thú cho người đọc sử về sau hơn là khi đọc thấy nhưng lời mô tả chân dung mang tính ước lệ của văn phong kinh điển của ngòi bút sử quan ngày trước.
(Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến - Sđd, tr. 271)

Tác giả Minh đô sử lại cho chúng ta hình ảnh một Nguyễn Huệ rất đĩnh đạc với nhung phục chỉnh tề, dung mạo hùng vĩ, trong một cảnh tượng rất đẹp: “Văn Huệ tiến quân đến bến Tây Long, ngồi đĩnh đạc trên tấm ván cao đặt trong thuyền, dung mạo hùng vĩ, nhung phục chỉnh tề, các tướng sĩ  đứng vòng hai bên tả hữu. Trông thấy ai cũng nói: “Bắc Bình Vương là vị thần sống vậy. Rồi cùng nhau tấm tắc ngợi khen mãi không thôi” .Đấy là cảnh Nguyễn Huệ trong lần tiến quân ra bắc diệt Trịnh (1786).

Còn đây là cảnh được tả lại trong trận tấn công tiêu diệt quân Thanh:
“ Ông liền bỏ voi dùng ngựa. Ông đeo hai thanh kiếm, chạy ngang dọc, đã chém rơi đầu nhiều tướng tá và binh lính Trung Hoa, ông luôn miệng hô xung phong và lúc nào cũng có mặt ở tuyến đầu của trận chiến” (Nhật ký của Hội truyền giáo Bắc Kỳ)

Chân dung Quang Trung
Họa sĩ nhà Thanh đã để lại bức họa về Quang Trung rất đẹp. Trong bức họa này, Quang Trung cưỡi trên mình ngựa, đầu đội mũ trụ, mình khoác nhung phục, trong tư thế của một võ tướng oai phong. Như chúng ta đã biết năm 1790, vua Càn Long nhà Thanh  tổ chức mừng thọ “ bát tuần vạn thọ” (sinh nhật 80 tuổi), có yêu cầu đích thân quốc vương An Nam đến Yên Kinh triều kiến để tăng thêm phần trọng thể. Tất nhiên, Quang Trung không thể thỏa mãn đòi hỏi đó, bởi vì:
Một là, nước ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc ở phía Bắc. Trong Nam , mấy lần Nguyễn Ánh lăm le trở lại đứng chân ở Gia Định. Người đứng đầu nhà nước có bao nhiêu công việc cần kíp phải giải quyết, làm sao có thì giờ để đi sang Trung Hoa, mà nhanh nhất cũng mất 7-8 tháng (trong thực tế, đoàn của quốc vương giả xuất phát từ Phú Xuân ngày 29-3, đến Yên Kinh, khi trở về tới biên giới Việt Trung đã là 29-11, tức đúng 8 tháng).

Hai là, năm trước (1789) Quang Trung vừa tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh. Ai có thể lường trước được những mưu mô xảo quyệt, những hiểm họa bất ngờ từ phía vua nhà Thanh hay thân nhân của những tướng sỹ vừa chết trận một khi Quang Trung lưu lại lâu trên đất Trung Hoa? Chính vì vậy mà Quang Trung nhất quyết không đi; còn Càn Long thì đòi cho bằng được. Việc đó đặt các viên quan lại thừa hành vào tình thế rất nan giải. Để giải quyết bế tắc, Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng (mới được thay Tôn Sỹ Nghị) bèn gợi ý với ta là cần phải có một Quang Trung giả.
Đây là một giải pháp tình thế, không kém phần mạo hiểm nhưng không còn cách nào khác. Bởi vì chỉ cần một sơ suất nhỏ làm công việc bị bại lộ thì sẽ ảnh hưởng khôn lường đến quan hệ bang giao giữa hai nước, đến tính mạng của cả đoàn sứ bộ của ta, cũng như ngay mạng sống của Phúc Khang An.Chính vì vậy mà đoàn sứ bộ  phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, các thành viên trong đoàn sẽ phải là những tay đóng kịch giỏi.
Những vai kịch đó  không phải chỉ diễn mấy giờ trên sân khấu mà là cả mấy tháng trời trên đất Trung Hoa, mà vai kịch khó khăn nhất sẽ là Quang Trung giả, bởi vì tất cả mọi sự chú ý đều hướng vao ông. Ngoài việc đóng kịch giỏi thì ông còn phải là người thông minh, nhạy bén, ứng đối nhanh và nhất là phải có ngoại hình giống Quang Trung, không giống được 100% thì cũng phải đến 80-90% rồi hóa trang thêm. Bởi vì Quang Trung là một người nổi tiếng,sẽ có rất nhiều người biết ông. Đây lại là một sự kiện ngoại giao quan trọng nên rất nhiều người chú ý đến, trong đó có không ít sự tò mò, thóc mách (không loại trừ có cả điệp viên dò la tình hình trong vai những người phục dịch).

Chú thích hàng chữ dưới bức tranh:
Vua Càn Long chuẩn bị duyệt bình, hình này bị nhầm với Giả vương Phạm Công Trị (đóng vai Quang Trung) được Thanh triều vẽ tặng do được trich đăng trên Tập san Sử địa Sài Gòn 1968

Thế nhưng, sứ đoàn của ta trong chuyến đi, vở kịch được đóng khéo đến mức cả triều đình nhà Thanh và Càn Long không mảy may nghi ngờ. Trước khi đoàn ta ra về, Càn Long đã cho mời họa sĩ đến để vẽ chân dung cho Quang Trung. Bức vẽ đó được lưu giử trong kho tàng cổ họa Trung Hoa, sau đó được in trong sách Mãn Châu cổ họa, các sách báo của ta đã in lại từ sách này. Đây là chân dung Quang Trung giả, nhưng như chúng tôi đã phân tích ở trên, ít nhất cũng có đến 80-90% (3) giống Quang Trung thật. Nó là một bức họa quý giúp chúng ta hình dung được diện mạo của Quang Trung.

(3) Sao tác giả Phan Duy Kha hay biết 80-90% giống cụ vua Quang Trung ta?

***

Chuyện là với các nhà biên khảo, học giả qua ca dao, phù diêu, gia phả, bia đà, ảnh chụp, tranh vẽ là dữ kiện của lịch sử cùng những bài khảo luận ngắn, dài. Những bài khảo luận của họ với những khuất lấp đông như quân Nguyên. Vì vậy mụ chữ tôi chỉ viết những gì hay hớm đến “Chuyện người ngọai sử” như nhà biên khảo Trần Viết Điền với bia đá giả vương Nguyễn Quang Trực… không có danh tính và năm sinh năm mất.  
 

                        

Phan Thanh Giản                                                                Bùi Viện
(Paris 1863)                                                                        (Hocquard)

Riêng ảnh chụp, mụ chữ tôi có hơi thừa giấy vẽ voi đôi chút…
Số là cụ Phan Thanh Giản qua Tây xin chuộc 3 tỉnh miền đông. Phó nhòm Tây chụp cụ bức ảnh cụ đội mũ cánh chuồn, mặt quần áo đại triều, chân đi hia.
Bùi Viện là người Việt Nam đầu tiên tới Mỹ, nhà biên khảo nào đấy cẩn thận ghi chú ảnh chụp của Hocquard “ra cái điều” ảnh chụp Bùi Viện ở Mỹ.

Mụ chữ tôi lõ mắt dòm kỹ bức ảnh bèn ú ớ…
- Một là bên Mỹ lại cái đôn Tàu với cái bình hoa Tàu, ấm trà Tàu.
- Hai là Charles Edouard Hocquard là bác sỹ Tây (chứ không phải Mỹ), ông được nhiều người Việt biết đến qua “Bộ tranh Hocquard” mà ông chụp từ Hà Nội vào tới Huế. Tuy nhiên cũng may nhờ ông tới Huế triều kiến vua Tự Đức năm 1886 sau đó viết hồi ký; mụ chữ tôi bới bèo tìm bọ ra:
Mỗi bữa đều thay đũa mới. Vua dùng đũa tre không dùng đũa ngà vì đũa ngà nặng quá. Gạo vua dùng được lựa từng hạt. Hạt nào cũng phải còn nguyên vẹn, không bị sứt mẻ. Cơm được nấu bằng nồi đất, dùng một lần rồi đập bỏ. Vì vậy nhờ Hocquard, mụ chữ tôi mới hay biết cơm niêu (đập bể nồi đất) từ cụ vua Tự Đức mà có.

Có ảnh chụp chẳng thể thiếu tranh vẽ, họa sĩ nhà Thanh đã để lại bức họa về Quang Trung là người Ý. Tên Tàu của ông là Lương Thế Ninh tu sĩ dòng Jesuit. Ông tới Tàu theo phái bộ truyền giáo năm Khang Hy thứ 54 (1715) rồi được triệu vào cung làm họa sĩ cho triều đình. Ông còn dạy các họa sĩ Tàu phương pháp của Âu châu nên đời Thanh các họa phẩm mang màu sắc Đông Tây hoà hợp. Ông mất tại Bắc Kinh năm Càn Long thứ 31 (1766) thọ 78 tuổi, được phong hàm Thị Lang.
Họa sĩ Ý tên tàu Lương Thế Ninh còn dạy các họa sĩ Tàu vẽ chân dung đời Thanh, một ngày rị mọ trên mạng lưới, mụ chữ tôi đi tìm các họa sĩ Tàu có vẽ cụ vua ta chăng? Mụ chữ tôi túm tó được bức tranh mà mụ chữ tôi ngờ là dường như họa sĩ Tàu vẽ cụ vua ta hay Ngô Văn Sở thì phải? Với Ngô Văn Sở, mụ chữ tôi mọ mẫm được…

Tranh “minh họa” Ngô Văn Sở?                                              Phan Huy Ích

Ngô Văn Sở được Càn Long ban mũ áo nhị phẩm, lại ban cho mũ chóp bằng san hô (trong bức tranh minh họa vì võ quan đội mũ chóp nên mụ chữ tôi ngờ là Ngô Văn Sở). Tính theo cấp bậc của nhà Thanh, ông ngang hàng tổng binh (tương đương với cấp bậc trung tướng bây giờ). Các quan khác ngang hàng tham tướng là những chức vụ khá lớn của nhà Thanh như Phan Huy Ích, vì được Thanh triều nể trọng nên ông được Càn Long ban mũ áo tam phẩm. Ngòai ra theo gia phả họ Phan, ông được vua Quang Trung ban cho 30 mẫu quan điền và một đội thân binh 31 lính hầu, bởi ông là một khâm sai đặc mệnh tùy nghi liên lạc với nhà Thanh.

Cứ theo người ngọai sử:
Phan Huy Ích là một trong những sứ thần hiếm hoi có dung mạo được ghi lại khi sang sứ bên Tàu. Bức truyền thần của ông trước đây được thờ tại từ đường làng Thuỵ Khuê nhưng đã bị tàn phá trong cơn binh lửa nay chỉ còn lưu lại qua bức hình đen trắng ở bìa quyển Chinh phụ ngâm bị khảo của Hòang Xuân Hãn (Paris: Minh Tân, 1953).

Từ họ Phan đến vua Quang Trung, mụ chữ tôi gánh bùn sang ao bài văn này đây…


 

Đâu mới thật Quang Trung?

Trần Quang Đức

Lâu nay, hình minh họa Quang Trung Nguyễn Huệ trên tờ tiền 200 đồng của VNCH đã dần trở nên quen mắt, được sử dụng tương đối rộng rãi khi người ta muốn hình dung về vị vua áo vải cờ đào. Nhưng khi đối chiếu với bức tranh vua Quang Trung cưỡi ngựa in trong sách khảo cứu về Quang Trung từ xưa, có thể thấy rõ hình minh họa trong tờ tiền thời VNCH được tham khảo từ đó. Có điều, trong giới khảo cứu, bức tranh chân dung Quang Trung cưỡi ngựa đã được chỉ ra là “phóng hoạ” từ nguyên mãu đã từ lâu.
Nguyên mẫu của nó vốn là tranh chân dung Càn Long kỵ mã đồ của Trung Quốc.
Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh:
Dựa vào sử liệu nhà Thanh, có thể chắc chắn một điều, Quang Trung khi ở Trung Quốc quả thực đã được vẽ lại chân dung. Nhưng tranh chân dung ấy hiện ở đâu, là tranh nào, thì xưa nay chưa thực xác quyết. Và vị Quang Trung khi sang nhà Thanh rốt cuộc là Quang Trung thật hay giả, cũng vẫn còn có nhiều tranh cãi. Khảo luận của tác giả Nguyễn Duy Chính gần đây chứng minh Quang Trung khi sang nhà Thanh là Quang Trung thật, theo tôi, có tính thuyết phục cao.



Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với “sử thực” hơn cả. Có điều đến ảnh selfie còn ảo huống hồ là tranh vẽ.

Đã tìm ra chân dung vua Quang Trung
Nguyễn Duy Chính

Hình ảnh vua Quang Trung trong nước
Cho đến nay hình ảnh vua Quang Trung thế nào vẫn chưa có gì chắc chắn. Tuy chính sử và ngọai sử cũng có nhiều chi tiết đề cập đến dung mao, hình dáng khác nhau khả tín đến mức nào thì vẫn còn là một câu hỏi.
Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 30, Ngụy Tây, truyện Nguyễn Văn Huệ chép:
“…tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, người người đều kinh sợ…”

Tây Sơn lược thuật (1) ghi:
“…tóc Huệ quăn, mặt đầy mụn, có một con mắt nhỏ, tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…”

(1) Nguyễn thị Tây Sơn ký cũng chép như vậy, có lẽ hai quyển cùng một tác giả.

Các nhà nho Bắc Hà gọi ông là “cuồng Chiêm” (Tây Sơn thược luật - Vô danh thi), hàm ý khinh miệt ông chỉ là kẻ mọi rợ ở phương nam. Trần Danh Án trong bài trường thi Tây Sơn hành (Tản ông di cảo, thư viện Hán Nôm) miêu tả ông vai chú rể trong đám cưới công chúa Ngọc Hân rất ngộ nghĩnh:
Áo lòe lọet giọng lạ đời
Nếp da nhăn nhúm, khổ người ngông nghênh
Cao trên thóp vấn khăn Trương Giác
Giữa hai chân không khố Hàn sinh

Về ngông nghênh và… chân thì ở làng Bộc ở Hà Nội có pho tượng với hai câu đối ở hai bên: “Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ - Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân” ngụ ý nói rằng ở Thăng Long vẫn còn có chỗ để thờ Quang Trung dưới dạng tượng Phật. Theo Nguyễn Phương trong Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn, Sài Gòn: Khai Trí 1968, trang 40, cước chú viết: “Nhiều người cứ tưởng là tượng Phật, nhưng kỳ thực hình dung Quang Trung mình mặc triều phục mà chân một trong hia, một để ra ngòai trông rất ngang tàng, rất anh hùng cái thế…”.



Tập san Sử Địa (Sài Gòn) số 9-10-1968, bìa có một võ tướng (ảnh lấy trong tập Mãn Châu cổ họa, đăng trong Đông Thanh tạp chí số1, 1939) và được chú thích là vua Quang Trung, ảnh do vua Kiền Long sai vẽ năm 1790, đồ quân phục do vua Tàu tặng.
Tuy nhiên khi tư liệu công khai rộng rãi hơn, người ta có thể khẳng định đây là bức tranh do họa sĩ Giuseppe (giáo sĩ người Ý) vẽ Càn Long cưỡi ngựa khỏang năm 1743.



Hình ảnh vua Quang Trung ngoài nước
Khi vua Quang Trung sang dự lễ Bát tuần khánh thọ, tài liệu khác của Trung Hoa và Triều Tiên có nhắc đến ông nhưng chỉ noi về hanh vi mà không miêu tả dung mạo.
Sứ thần Triều Tiên Từ Hạo Tu trong bộ Yên hành Lục tuyển tập chép:
“…Quang Bình cốt cách thanh tú, hình dáng bệ vệ ra vẻ hào kiệt đất Giao Nam..”.
Một trong mười bức tranh ca tụng vua Cao Tông do Uông Thừa Bái vẽ tên Thập tòan phu tảo. trong đó có bức An Nam quốc vương chỉ tị Thử Sơn trang vẽ hình vua Quang Trung, và Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở triều kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà.

Đến một phát hiện mới
Gần đây, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức ở trong nước đã công bố một bức chân dung vua Quang Trung. Tuy tác giả Trần Quang Đức dè dặt không khẳng định và bức tranh khá mờ nên cũng khó xác định nhiều chi tiết nhưng chúng tôi (Nguyễn Duy Chính) tin rằng đây chính là một trong ba bức chân dung vua Càn Long đã hạ lệnh cho họa gia trong cung vẽ tại Bắc Kinh năm 1790 khi vua Quang Trung cầm đầu phái đòan sang chúc thọ và nhờ duyên may nên còn lưu lại đến hôm nay sau nhiều cơn binh lửa (2).

(2) Theo nghiên cứu của chúng tôi (Nguyễn Duy Chính), khi vua Quang Trung sang Trung Hoa, ông được vẽ ba bức nhưng không rõ mấy bức tranh được tặng cho ông mang về. Vì mỗi bức tranh có 3 nguồn khác nhau…

Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập (Quốc sử quán) có tiểu chú:
“…Khi đến dưới bệ để từ biệt về nước, vua Thanh vời đến gần chỗ ngồi, thân mật vỗ vai ủi phủi, phủ dụ ôn tồn, sai họa công vẽ hình mà ban cho….”.
Hòang Kê nhất thống chí (Ngô văn gia phái)
“…Đến khi vào kinh, vua Thanh rất mừng, tưởng là Quang Trug thật nên gia ân làm lễ ôm gối. Ngày bái tạ về nước, vua Thanh lại sai thợ vẽ truyền thần ban cho…”.
Việt sử cương mục tiết yếu (Đặng Xuân Bảng) chép:
“…Khi vào chầu, vua Thanh cho dự yến với các thân vương, lại gia ân làm lễ ôm gối. Ngày về nước, vua Thanh sai họa sĩ vẽ chân dung ban cho…”

Theo hình vẽ, vua Quang Trung đội mũ “Xung thiên” là mũ của vua chúa thời đó:
Phan Huy Chú định nghĩa mũ Xung thiên tức mũ Phố đầu, hai cánh chuồn hướng lên trên nên gọi là xung thiên. Theo tác giả Trần Văn Đức (3) dươi thời vua Lê chúa Trịnh trong các đại lễ đều đội mũ xung thiên, mặc hòang bào, đeo đai ngọc. Trong cả ba bức tranh vẽ còn lưu trữ ở Bắc Kinh (Thập tòan phu tảo, Vạn thọ trường đồ và chân dung Quang Trung mới phát hiện). Lễ phục vua Quang Trung tương tự như triều Lê, là mũ Xung thiên, hòang bào thêu rồng năm móng dữ dội, mang đặc điểm vương quyền.

(3) Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ: Lịch sử trang phục Việt Nam giai đọan 1009-1945 (Hà Nội: Nhã Nam, 2013 tr 166).

Những đặc điểm đáng ghi nhận


Ngay trên bức chân dung là bài thơ ngự chế (và cũng là ngự bút) của vua Càn Long khi vua Quang Trung vào làm lễ bệ kiến thi hành lễ “bảo kiến thỉnh an” ngày 11-7 năm Canh Tuất (1790), chúng tôi nhận ra như sau:
Ngọc tỉ in ngay chính giữa trên đầu bức tranh là Bát trung mạo niệm chi bảo. Quả ấn này được khắc năm Canh Tuất để đánh dấu đại khánh vua Càn Long đúng 80 tuổi, cũng là năm vua Quang Trung sang dự lễ. Hàng chữ bên phải hai chữ đầu chúng tôi không nhận ra được nhưng chữ sau là: “An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình”.

Về phần bài thơ của vua Càn Long ở dưới ấn ngọc tỉ, chúng tôi dịch nghĩa như sau:
Kẻ phiên thuộc ở ngoai đến chúc thọ trong khi đang đi tuần du
Mới gặp lần đầu mà như quen biết nhau từ lâu
Từ xưa đên nay chưa từng nghe người ở Tượng quốc (4) đến
Việc triều trước đòi người vàng là chuyện đáng khinh.

(4) Tượng quốc là tiếng nước ta tự xưng trong bài biểu mừng khắc trên kim tiên vua Quang Trung đem sang (hiện còn trong Bang giao hảo thọai).

Nguyên chú (5) được ghi trong Thanh Cao Tông thi văn tòan tập mà triều đình nhà Thanh cho khắc in sau này:
“…Đời Chính Đức nhà Minh, bày tôi của nhà Lê là Mạc Đăng Dung đuổi chủ chạy đi, nhà Minh hưng sư đánh dẹp qua một năm mà quân chưa ra (khỏi cửa quan). Đăng Dung tiến người vàng thay mình được phong làm đô thống. Về sau, Duy Đàm (5), đọat lại chức đô thống của Mạc Hậu Hợp lại cũng tiến người vàng, sau được phong tước vương. Ấy là đời Minh không khiến họ tới triều đình được nên lấy người vàng để thay, lại cũng vì tham của cải thật là đáng khinh bỉ…”.


***

Rất ngay tình, mụ sử tôi như xẩm mất gậy vì chưa bao giờ hẻo lánh đến tích Mạc Đăng Dung cống người vàng mà chỉ đắng đót Lê Lợi sau khi đánh nhà Minh lập lên nhà Lê sơ, sai sứ sang Tàu mang hai tượng người vàng thế mạng cho Liễu Thăng, Lương Minh để cầu hòa.
Tiếp đến với số ăn mày bị gậy phải mang, mụ chữ tôi chả hiểu “ông” Duy Đàm (5) là ai mà lại cũng tiến cống người vàng và voi nữa.

Bèn như xẩm sờ voi với sử nước nhà
Mạc Đăng Dung lập lên nhà Mạc, Nguyễn Kim chạy sang Lào tìm tôn thất Lê Duy Ninh (với giai thọai nợ như chúa Chổm) làm vua hiệu Lê Trang Tông. Vua Trang Tông sai Trịnh Duy Liêu qua Yên Kinh xin nhà Minh hưng binh hỏi tội nhà Mạc.
Mạc Đăng Dung xin cắt đất nộp, và cống người vàng là chính mình để tạ tội tiếm ngôi nhà Lê. Mac Đăng Dung từ bỏ đế hiệu chỉ xin giữ chức Đô Thống Sứ. Vua Minh xóa tước An Nam quốc vương. Từ đó đến cuối đời Minh, điển lệ Tàu coi sứ ta như là một kẻ thừa sai đặc biệt, chứ không được ban yến. Mặc dầu sau khi dòng họ Lê trở lại Thăng Long và sai sứ cầu phong, triều Minh vẫn thoái thác và chỉ phong làm Đô Thống Sứ An Nam và bắt để họ Mạc làm Đô Thống Sứ Cao Bằng (nguồn Hoàng Xuân Hãn): Ông làm vua được 3 năm nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, sử ta gọi thời này là thời Lê-Mạc. Trang Tông đánh Mạc Phúc Hải, lấy được Tây Đô khởi đầu cho thời Lê Trung Hưng. Vào thời Lê Thế Tông (húy là Duy Đàm), Mạc Mậu Hợp bị Trịnh Tùng giết. Con Thế Tông là Lê Kính Tông làm vua cũng bị Trịnh Tùng giết và lập con Kính Tông lên ngôi bắt đầu thời Lê-Trịnh. Thời này còn gọi là Hậu Lê. Việc cống người vàng từ thời Hậu Lê đến thời Tây Sơn chấm dứt với Can Long như ở trên.

***
Theo báo cáo ghi trong bản tổng kê của Như Ý Quán trong Thanh cung nội vụ phủ tạo biên xứ đáng án tổng hối, quyển 52, 9 1790-1791) từ trang 30 đến trang 34 có ba bức hình vua Quang Trung được vẽ: Cả ba đều vẽ nửa người (bán thân kiểm tương).

Chúng ta lại biết cả tên họa sư là Mậu Bính Thái, ông chuyên vẽ chân dung và được coi là họa sư nổi tiếng nhất đời Thanh. Họa phẩm này được thực hiện trong khỏang từ 20-8 năm Canh Tuất 23-10 sau khi đã gắn trục bằng gỗ sam, hai đầu bằng tử đàn. Ngày 20-8 chính là ngày vua Quang Trung tâu với vua Càn Long xin cáo biệt về nước và tác phẩm chỉ được hòan tất khi ông đã rời kinh đô được dịch trạm đuổi theo trao lại cho phái đòan ta khi gần đến Nam Quan.
Sở dĩ chúng ta biết chi tiết này vì theo lá thư của vua Quang Trung gửi Phúc Khang An trên đường đi: “Đại hòang đế nghĩ xuống đường sá xa xôi gửi ban cho một hộp bánh sữa, một hộp mứt trái cây, một cuộn tranh vẽ dung nhan quê mùa của kẻ hèn này?.
(nguồn: Phan Huy Ích, Dụ Am văn tập, quyển 1, “Trình Phúc Công Gia giản”)

Việc tìm thấy bức vẽ của Thanh triều của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức là đóng góp lớn lao cho những ai quan tâm đến bang giao Việt-Thanh thời Tây Sơn. Tuy chỉ thu hẹp một thời kỳ ngắn ngủi tưởng chừng như đã mất, khôi phục lại giai đọan này vẫn còn là một công trình lâu dài. Trong thời đại thôg tin càng lúc càng mở rộng, việc tiếp cận những với những nguồn tài liệu mới đã cho chúng ta những góc độ rộng rãi hơn lắm khi ngược lại nnững gì lâu nay chúng ta định hình.

***
Quay quả trở lại chuyện xưa tích cũ từ những ngày ở bậc trung học, mụ chữ tôi lậm với hai bộ môn sử ký và địa dư. Thời gian nào không rõ, câu thơ về sử ký chui vào đầu mụ chữ tôi là “Bà Trưng quê ở Châu Phong” với “Hồng quần (*) nhẹ bước chinh yên - Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành” (Đại Nam quốc sử diễn ca lưu trữ trong Viện Viễn đông Bác cổ).
(*) Đại tự điển tiếng Việt của Trần Văn Ý định nghĩa hồng quần là…quần hồng.
Theo Tiến sĩ Thái Văn Kiểm trong Thân thế và công nghiệp nhà Tây Sơn:
“…Nguyễn Văn Huệ tướng mạo uy nghi, da mặt hơi mụn, tóc đen, (…) thân hình vạm vỡ, da hơi ngăm đen, giống như người Mường. Như Mai Hăc Đế, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lê Lợi… đều giống người Mường…”. .
Nếu Hai Bà Trưng là người Mường thì thời ấy hai bà chưa mặc quần… Mãi đến thời Minh Mạng, vì theo nhà Thanh mới bắt đàn bà con gái ta mặc quần, vì vậy dân gian mới có câu: “Tháng chín có chiếu vua ra – Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”.
Từ chuyện đàn bà con gái Tàu, mụ chữ tôi lay lắt qua chuyện cụ vua Quang Trung ta muốn lấy vợ Tàu. Theo cụ Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược:
“…Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn và đòi trả lại cho Việt Nam đất Lưỡng Quảng. Việc ấy tuy không phải là bản ý, nhưng muốn mượn chuyện để thử ý vua nhà Thanh. Không ngờ vua Quang Trung phải bệnh mất, các quan dìm việc cầu hôn và việc trả đất đi, không cho Thanh triều biết…”.
Thế nên mới có tiết mục Vua Quang Trung cầu hôn công chúa Mãn Châu…

(còn tiếp)

Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 20 tháng 08.2020