Phụ đính
Những ẩn khuất trong tiểu thuyết lịch sử
Trước kia đọc tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Mộng Giác, Trần Vũ, v…v…mụ sử tôi chỉ ăn xổi ở thì những tác giả viết tiểu thuyết lịch sử trong cái tâm thái tám vạn nghin tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người (Nguyễn Công Trứ). Trong cái tâm trạng ba trăm sáu mươi vạn quyển kinh, chẳng thần thánh Phật tiên nhưng khác tục nên họ đưa tình dục và tiểu thuyết lịch sử cho khác…thế tục thế thôi. Tháng ba ngày tám ăn đong ăn vay, mụ chữ tôi đọc “Về tiểu thuyết lịch sử” của Nguyễn Vy Khanh mới búi bấn ra những ngúc ngắc khó hiểu khác nữa...
Tiểu thuyết lịch sử - Nguyễn Mộng Giác
Cứ theo mụ chữ tôi lêu bêu thì đầu têu “chuyên ngành” tiểu thuyết lịch sử là Nguyễn Mộng Giác: Trong bốn năm, 1977 đến 1981, ông dựa trên một số tài liệu và phát hiện mới của Tạ Chí Đại Trường (hai ông đồng hương, đồng khói Bình Định) viết bộ Sông Côn mùa lũ về “hiện tượng” Nguyễn Huệ của đất Qui Nhơn (Bình Định).
Cái đặc biệt của bộ trường thiên non 2.000 trang này là chân dung con người Nguyễn Huệ đa dạng, nhiều tương phản. Nguyễn Mộng Giác cho người đọc nhìn thấy sự sinh thành và lớn dậy cùng tâm lý, kiến thức, chính trị và tài năng khác người của người anh hùng áo vải gốc nhà nông, nhưng đồng thời là một con người văn hóa, có sở học của thời đại, có cái học đạo lý làm người. Sông Côn mùa lũ là cái nhìn tổng hợp của Nguyễn Mộng Giác về con người lịch sử Nguyễn Huệ. Nguyễn Mộng Giác như có tham vọng chứng minh rằng Nguyễn Huệ có cái nhìn cập nhật vượt quá thời đại cho nên triệt để không ngừng ở những tham vọng chính trị “trung dung vừa phải”, và cổ hủ mà đại diện là giáo Hiến. La Sơn phu-tử của Nguyễn Mộng Giác lu mờ bên cạnh Huệ. Nguyễn Huệ sống với ảm ảnh An, người con gái của thầy giáo Hiến.
Ông dàn trải: “Khi viết Sông Côn mùa lũ: “Tôi chú trọng phần tiểu thuyết hơn phần lịch sử. Nhưng trong phần lịch sử, tôi không dám mạnh tay gạt phăng những gì còn ghi lại trong tài liệu lịch sử (1). Tôi chia nhân vật Sông Côn mùa lũ làm hai tuyến: tuyến những nhân vật lịch sử, tôi giữ lại những nét chính, chỉ giải thích hoặc cải chính những sự kiện lịch sử theo quan điểm của tôi, như giải thích vai trò mờ nhạt của Nguyễn Lữ, tô đậm con người văn hóa và dung tục của Nguyễn Huệ, công lao và vai trò lịch sử của Nguyễn Nhạc, thực lực và giá trị tượng trưng của La Sơn phu tử…Nguyễn Huệ là nhân vật khác thường, nhân vật tiểu thuyết tôi dựng nên đều nói năng, hành xử, suy nghĩ, vui buồn theo tâm lý thường tình. Nguyễn Huệ của tôi không giống Nguyễn Huệ trong sách báo miền Bắc, cũng không giống Nguyễn Huệ của Nguyễn Huy Thiệp‘’.
(1) Chân dung Nguyễn Huệ thay đổi tùy tác giả Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Hoàng-Lê Nhất Thống Chí, cả Khâm-Định Việt-Sử Thông-giám Cương-mục, v…v. Thí dụ trong Hoàng-Lê Nhất Thống Chí, Nguyễn Huệ đã tỏ ra tàn bạo, vũ phu, đầy mặc cảm tự tôn cũng như tự ti. Tự phụ ra mặt khi nói với Ngọc Hân : “Con trai con gái nhà vua đã có mấy người được sướng như chúa”; hoặc tự ti khi trả lời Nguyễn Hữu Chỉnh môi giới vua Lê gả công chúa Ngọc Hân để trả công “cứu vua”: “Vì dẹp loạn mà ra, rồi lấy vợ mà về, trẻ con nó cười thì sao? Tuy vậy ta mới chỉ quen gái Nam hà, chưa biết con gái Bắc hà. Nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?”. Sau khi bất bình “được” vua Lê phong làm Nguyên súy Uy quốc công. Nhà văn Nam Dao thêm “Phải thử một chuyến xem tròn hay méo” (NVKhanh)
Những gì Nguyễn Mộng Giác bương trải với Nam Dao ở trên không phải nhiễu sự mụ chữ tôi muốn tìm. Nỗi eo óc mụ chữ tôi đang óc bóc phải nhờ vả đến tác giả Đỗ Minh Tuấn trong Khám phá nhân cách văn hóa Việt qua Nguyễn Huệ cùng nhân vật nữ tên An, con gái của thầy giáo Hiến.:.
“…Nhân vật cô An, người bạn gái của Nguyễn Huệ cũng là hòa hợp của văn hoá Việt trong thế giới các nhân vật tiểu thuyết của Sông Côn mùa lũ. An dường như là hiện thân của những con người bé nhỏ bị bóng đè trong lịch sử, cô bị bóng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ ám ảnh suốt cuộc đời. Nguyễn Huệ từng gần gũi An, đã gieo vào An những ấn tượng, những khao khát trần thế nhỏ bé của cô rồi lại cưu mang cô trong những bối rối của đời thường để cuối cùng cô vừa bị lịch sử cuốn mất người yêu có nhân cách lớn lao và cướp đi cả những đòi hỏi của đời thường bé nhỏ.
Một thân phận chung chiêng giữa cái cao cả và cái tầm thường, một người phụ nữ Việt mang nghịch lý của số phận vô danh bị giằng xé giữa khát vọng lịch sử văn hoá lớn lao và thực tế thấp hèn. Những kỷ niệm về Nguyễn Huệ lướt qua cuộc đời An như dưới ngôi sao chổi quệt vào một hành tinh bé nhỏ làm đổ vỡ cuộc đời cô.
Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Mộng Giác kết thúc bộ trường thiên tiểu thuyết bằng hình ảnh cô con gái An lần đầu hành kinh. Cái kết ấy gợi lại hình ảnh người thiếu nữ An xưa kia lúc mới gặp Nguyễn Huệ, trong ngày đầu hành kinh đã hốt hoảng lo âu trước nhịp sống thường tình của người con gái. Và ta không khỏi suy nghĩ, cái nhịp sống thường tình ấy thực ra từ lâu không còn thường tình nữa, đó là thời điểm đáng báo động mà người phụ nữ phải đơn côi đối diện và đối thoại cùng những biến động kỳ vĩ của lịch sử, những hốt hoảng âu lo ngây thơ kia chính là sợ hãi lo âu vì bị bóng của những nhân cách siêu việt do chính mình góp phần bé nhỏ tác thành đè nặng suốt đời. Liệu có một người anh hùng nào sẽ đến phủ bóng lên cuộc đời cô gái con An
Bên cạnh An, những con người bé nhỏ bình thường khác trong Sông Côn mùa lũ như giáo Hiến, Nguyễn Mộng Giác đã rất tinh tế trình bày quá trình vừa hút vừa đẩy của Quang Trung với Nho giáo nói chung và các sĩ phu Bắc Hà nói riêng. Hấp thụ đạo Nho từ thuở ấu thơ, Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác đã vượt lên đạo Nho, tìm thấy trong đời thường và trong lịch sử có những hạn chế của đạo Nho và những hủ nho trong đó có giáo Hiến thầy mình…”.
Tiểu thuyết lịch sử - Nguyễn Huy Thiệp
Tiếp đến là Nguyễn Huy Thiệp viết một số truyện lịch sử hoặc dã sử (Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết) khi đăng lên báo đã là những tiếng bom làm một số ngự sử của chế độ mất ăn mất ngủ. Ông nêu vấn đề hợp lý “xét lại” nhưng không công khai “đánh giá” nhân vật lịch sử: Họ đã từng hiện hữu, tốt xấu mặc họ, nếu có công hay tội là đối với dân tộc, còn “chúng ta”, hôm nay cô đơn với luật nhân quả, với trách nhiệm hôm nay! Nguyễn Huy Thiệp coi lịch sử là hài kịch, bi hài thì đúng hơn, vì người đọc “thấy” được bóng tối vẫn vây bủa hiện tại, mượn dĩ vãng nói chuyện hiện tại,
Xử dụng lịch sử để nói chuyện hiện thực, Nguyễn Huy Thiệp khiến người đọc cảm nhận sự khác biệt giữa tâm tình các thế hệ: anh hùng thần thánh cũng có lúc bất lực trong đời thường. Nguyễn Huy Thiệp “đụng chạm” đến những nhân vật lịch sử bất khả xâm phạm như Nguyễn Huệ, anh hùng áo vải, anh hùng dân tộc, vì với một chế độ xem Gia Long đã “mở đầu triều đại gần 100 năm nô lệ của dân tộc ta“, do đó tiểu thuyết hóa lịch sử về Nguyễn Huệ như Nguyễn Huy Thiệp là “xúc phạm danh dự dân tộc”. Ngự sử chế độ phê Nguyễn Huy Thiệp “xuyên tạc lịch sử”. (NVK)
Với tiểu thuyết lịch sử Phẩm tiết, mụ sử tôi bòn mót qua tác phẩm của ông:
“…Nhà vua thấy Vinh Hoa (người xem bói toan), thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay. Vinh Hoa nói năng rành rẽ, đâu vào đấy, nhà vua thích lắm.(…) Vinh Hoa ở trong cung, vua Quang Trung rất ân cần, thương xót. Nàng ăn nói khoan hòa, cư xử thông minh, lịch lãm, bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Đặng Tiến Đông... ai cũng quý trọng nàng. Nhiều việc triều chính nàng tham dự, mọi ý kiến luận bàn của nàng vua Quang Trung hết sức thán phục, làm gì cũng thành. Cũng có khi nàng múa hát cho mọi người xem. Vua Quang Trung nói:Ta được Vinh Hoa như được báu
vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người.
Tuy vua Quang Trung đối xử ân cần, hết lòng yêu thương chiều chuộng, song Vinh Hoa vẫn một mực không cho nhà vua thành thân. Mỗi khi nhà vua ngỏ ý, nàng đều khéo léo chối từ. Nhà vua rất lấy làm buồn. Tuy hàng ngày gặp nhau nhưng nhà vua vẫn không sao gần gụi được. Ổn định xong Bắc Hà, vua Quang Trung giao việc triều chính cho bọn Ngô Văn Sở rồi kéo quân về Phú Xuân, đưa cả Vinh Hoa theo. ít lâu sau nhà vua bỗng mất đột ngột. Khi lâm chung, có Vinh Hoa đứng hầu bên giường, nhà vua nhìn mãi Vinh Hoa mà không nhắm mắt…”
Cùng ngẫu sự trên, mụ chữ tôi lễnh đễnh với người viết Trần Mạnh Hà qua tiểu thuyết lịch sử Không có vua:
“…Đối với văn học Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, dục tính vẫn là một đề tài “hiểm địa”. Nói như vậy để thấy, chính Nguyễn Huy Thiệp vẫn ý thức được mình cần làm gì (thực tế ông đã làm) và việc mình đã làm không thành vấn đề gì. Nguyễn Huy Thiệp đã không ngần ngại ném vấn đề tính dục vào văn chương. Chính vì lý do này mà tính dục trong truyện ngắn của ông nằm trong những chiều kích dụng ý khác nhau, dĩ nhiên, vì thế mà sắc thái khác nhau.
Đó là “hiện thực” trong truyện ngắn, trong tiểu thuyết lịch sử “Không có vua”, với một đoạn văn rất ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã miêu tả rất chân thực tâm lý lão Kiền (qua 6 biểu hiện chính): “Lão Kiền loay hoay dưới bếp, nghe tiếng dội nước trong buồng tắm, thở dài bỏ lên nhà. Đi vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khoả thân”.
Với tiểu thuyết lịch sử Vàng lửa về vua Gia Long và Nguyễn Du:
Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đuơng thời XHCN) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau nguời ta mới thấy điều này vô nghĩa.
Vua Gia Long thì khác, ông dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt để phục vụ cho chính bản thân mình. Cuối đời, vua Gia Long sống trong cung cấm, tìm cách tránh mọi tiếp xúc với bên ngoài dù đấy là người Việt, người Trung Hoa.
Nguyễn Du thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc. Nguyễn Huy Thiệp viết: “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Tiểu thuyết lịch sử Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp được nữ nhà văn trẻ, Đỗ Hoàng Diệu triển khai trong truyện ngắn Bóng đè…”.
Tiểu thuyết lịch sử - Nam Dao
Gần đây Nam Dao, với Gió lửa muốn thuyết phục người đọc rằng lịch sử chỉ toàn một phường tàn độc, gian ác, anh hùng hay không cũng như nhau! Nam Dao đóng vai nhà nghiên cứu lịch sử tìm chân lý lịch sử, đã tìm những lý do, nội lực, những lý lẽ sâu xa của hành động, bánh xe lịch sử. Ông kết tiểu thuyết trong khung cảnh sám hối giữa những lời nguyền rủa của Chế Mân:
“Đã huyễn hoặc, bay lẩn quẩn tô vẽ ngay cả cái thảm kịch chém giết lẫn nhau, tự lừa chính mình bằng cách kiêu mạn đòi làm đỉnh cao cái này, tiền đồn cái nọ. Ngoài sự hợm hĩnh không coi ai ra gì, tưởng mình hơn thiên hạ mà thật chỉ hơn ở chổ lắt léo vặt vãnh, ta lại nguyền cho bay thêm căn bệnh anh hùng. Bởi anh hùng nên chỉ thấy sức mạnh nên kéo dài thảm kịch chiến tranh chém giết. Vì thế nên nhục. Nhục lắm nên lại căm, lại hiềm, lại lẩn quẩn trò khôn vặt, chỉ đợi dịp là hò hét rủ nhau làm anh hùng. Dịp nào? Cứ đợi ngoại bang đến là đất nước (1) sinh ra anh hùng…”
(1) Nam Dao viết Gió lửa gần hai thập niên sau những biến cố ở Việt Nam. Vì trước 75, ông ở phía Hội Việt kiều yêu nước bên Canada, sau đó ông “kinh qua”…qua những kinh nghiệm với người Hà Nội nên có những “phản kháng” nên bị…”cấm vận” về nước.
"…Ngoài dòng chính sử, còn có phần lịch sử hình thành qua trí tưởng tượng, óc phán đoán, và cao hơn là sự cảm nhận từ quá khứ những vấn đề của con người và xã hội hiện vẫn tồn tại. Ở đây, biến cố lịch sử trở thành đối tượng đem soi dưới lăng kính chủ quan, nhào nặn lại để rồi, qua ngòi bút người viết, thành tiểu thuyết dã sử. Hiểu như vậy, không ai phủ nhận được phần trách nhiệm của tiểu thuyết dã sử. Soi rọi vào nhân quần xã hội và thân phận con người trong quá khứ là một cách đi tìm sự sống tàng ẩn trong lịch sử. Nó thường bịt ít nhất là một trong hai con mắt ta lại.
Họ qua Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh để phán xử sự hung tàn của quyền lực. Có lẽ vì thế mà Điều 22 trong Luật xuất bản của nhà nước CHXH nêu rõ: Nghiêm cấm các xuất bản phẩm nội dung : 1,2,3…và 4. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc…".(NVKhanh)
Mụ chữ tôi hậm hụi dục tính của Nam Dao qua một tác giả khuyết danh…
“…Miêu tả những hành vi dục tính, Nam Dao tìm cho mình một “mật mã” để khơi mở những góc khuất bí ẩn trong đời sống tâm lý con người. Những tiết đoạn tính giao được Nam Dao miêu tả tinh tế, đầy tính ước lệ, tượng trưng.
Sự hiến dâng nồng nàn trinh tiết, sau đó là cái chết tức tưởi của Xuyến trong Đất trời đã trở thành nỗi đau thầm kín, mặc cảm tội lỗi trong tâm thức Nguyễn Trãi ngay cả khi ở đỉnh cao của sự nghiệp và gặp được tri âm tri kỉ Thị Lộ. Thị Lộ hiện lên như một người tâm đầu ý hợp với Nguyễn Trãi, một người chia sẻ đến tận cùng những cảm xúc kể cả nhưng suy tư, trăn trở về quốc mệnh và dân sinh?...”
Được thể mụ chữ tôi lại nhũn não với Gió lửa trong chương “Cõi nỗi ba đào”
“…Qua cái ngách cửa, bất ngờ một bàn tay chặn Lý lại. Lý cau mặt, nhưng mặc cho bàn tay đó luồn xuống đai quần giật mạnh. Mùi hương nhài sực vào mũi Lý. Tiếng Huệ nói: “Há mồm” rồi tay thò ra cậy miệng Lý. Lý nuốt một ngụm thuốc, vị ngọt, nhưng hơi cay xông lên, mặt nóng dần. Lý túm lấy bàn tay đang lần xuống đùi mình kéo mạnh, rồi ôm xốc người Huệ lên. Mái tóc Huệ đen biếc xõa tung ra rồi xổ xuống tựa một đàn rắn lục. Huệ trườn mình lên hai chân kẹp vào mông Lý, hai tay nắm tóc, lưỡi lè ra cắn vành tai Lý, miệng rên rỉ, thúc giục. Thuốc ngấm. Lý gào lên. Huệ lắc người như con thoi, bàn tay tì cứng lấy hai vai Lý, móng sắc bấm vào làm máu Lý ứa ra, rỉ xuống. Lý xoay người áp Huệ vào bức vách, hai tay nắm cứng lấy bắp đùi Huệ nhấc lên, rồi thúc hạ bộ vào, táo tợn, lì lợm. Cứ thế. Hai sinh vật ấy hào hển quấn lấy nhau, cắn rứt nhau, kêu van nhau rồi cuối cùng buông nhau ra, đẩy nhau nằm vật xuống, mồ hôi nhễ nhại…”.
Tận cùng với "Gió lửa”, Nam Dao bương bả: “Trong Gió lửa ngay từ lời ngỏ, tôi thú nhận rằng tôi bị những cơn nôị chiến Việt Nam ám ảnh”. Ông bương trải tiếp: "Còn viết tiểu thuyết lịch sử, có nghiã là ít nhất đối với người viết, lịch sử chưa cáo chung, quá khứ còn mù mờ, hiện tại không chấp nhận được, và cái tương lai mong ước không chỉ là sự nối dài đơn điệu của hiện tại" (XHCN). Vì vậy với mụ chữ tôi Gió lửa, hay Đất trời cùng một âm bản viết về chế độ hiện tại vậy thôi. Như nhà làm văn học Nguyễn Vy Khanh ở phần mở đầu đã bộc bạch: “Tiểu thuyết lịch sử thường là tra hỏi và nghi vấn quá khứ để biện minh hiện tại hay tương lai, qua trung gian một tác giả“.
Ít nhiều mụ chữ tôi chịu đèn Nam Dao có nhận xét khi nói đến việc nọc đánh những kẻ sĩ như Ngô Thì Nhậm: ”Triều đại nào nọc kẻ sĩ của đất nước ra đánh là triều đại không thể khá được. Quả nhiên, chỉ xấp xỉ năm mươi năm sau trận đòn thù, hậu duệ của Nguyễn Ánh đã khờ khạo làm mất nước Việt Nam trong gần một thế kỷ” .
Để không thiếu nhà văn nhẩy bổ vào tiểu thuyết lịch sử như Nguyễn Gia Kiểng, Hoàng Khởi Phong, Trần Nghi Hoàng, v.v… Nói dại chứ… chứ mụ chữ tôi không dám bắc kiềng lên lưng ai mà đun, đầu cua tai nheo ở hai nhà văn đầu têu mà kẻ trước người sau là Nguyễn Huy Thiệp với Gia Long, Nguyễn Mộng với Nguyễn Huệ. Thuận gió đẩy thuyền qua các nhà văn sau như đèn cù vòng vòng quanh Nguyễn Huệ, Gia Long. Mụ chữ tôi bèn trộm nghĩ nhà văn có nên viết… lịch sử chăng?
Bởi tam sao thất bản với ngàn năm sau… sau thiên niên kỷ 21, các sử gia hậu sinh người Mỹ gốc Việt đọc nhà văn Nguyễn Huy Thiêp và họ chép ngay tình vào văn học sử: “Mẹ của văn hào Nguyễn Du bị hiếp”. Lớ quớ vớ phải nhà văn mà họ ngỡ là sử gia nên họ viết ngay đơ vào sử xanh: “Ngọc Hân không muốn bị Huệ cưỡng chiếm mình như cưỡi trâu bò của Bắc Hà. Huệ đang say chụp lấy áo của Ngọc Hân xé toạc xô ngã sấp Ngọc Hân ra giường, tháo dây đai quật xối xả lên tấm lưng mảnh…”
Tiểu thuyết lịch sử - Trần Vũ
Người gieo máu lửa đưa tình dục vào tiểu thuyết lịch sử là Trần Vũ.
Trong Mùa mưa gai sắc, Nguyễn Huệ là một con người võ biền nhiều mưu sâu và dục vọng. Ngọc Hân trong tay Nguyễn Huệ trở thành trò chơi cho kẻ bạo dâm, nhưng Ngọc Hân nhận chịu nhục nhã vì bà muốn trả thù cho vua Lê, bà đã viết Ai Tư Vãn để tế sống Nguyễn Huệ! Suốt đời, dường như Nguyễn Huệ sống và hành động mâu thuẫn, nhiều bí mật và nhân cách đối nghịch trong cùng một người, lúc trắng lúc đen, lúc hợp “đạo” lúc vô đạo, lúc tỏ ra có văn hóa đối với giáo Hiến là thầy dạy lúc trẻ, lúc khác lại phàm phu, vô luân lý khi chống thầy, lúc nhân nghĩa, lúc phản phúc (như chống lại anh là Nguyễn Nhạc hoặc đối xử với vua Lê bố vợ công chúa Ngọc Hân), người võ biền điệu nghệ có bản lĩnh nhưng cũng biết chứng tỏ văn hóa cao và tàn nhẫn khi cần đến.
“…Tôi (Trần Vũ) biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu, những trận mưa rào còn bất chợt đổ về qua qua ấp Tây Sơn, thứ mưa nóng và ẩm của vùng Qui Nhơn sỏi đá. Suốt quãng đời niên thiếu, hình như Huệ chỉ đi chơi xa có hai lần. Một lần lên Phú Xuân và một lần bơi xuồng băng ngang đầm Thị Nại. Cả hai lần, lần nào cũng có hai anh lớn của Huệ: Nhạc và Lữ.
Huệ quả như lời đồn đãi, vai to bè hơn vai tê giác, mặt vuông ván gỗ. Huệ cất tiếng nói. Giọng ồ ề vỡ ra (…) Ngọc Hân níu lấy vải mền, bao nhiêu quả quyết như tan vụn trước mặt Huệ. Nhưng Ngọc Hân không muốn bị khuất phục, không muốn Huệ cưỡng chiếm mình như cưỡng chiếm dinh thự, trâu bò của Bắc Hà. (…) Huệ đang say bỗng sôi gan. Huệ chụp lấy ngực áo cưới của Ngọc Hân xé toạc xô ngã sấp Ngọc Hân ra giường, tháo dây đai quật xối xả lên tấm lưng mảnh. Huệ quất như thúc voi, thúc ngựa, tiếng roi đánh chát chúa tóe lửa vun vút cuồng nộ. (…) Huệ đè ngửa lên biểu tượng trinh trắng của Thăng Long. Những bắp cơ Huệ còn nhớp nháp mồ hôi quấn lấy mình Ngọc Hân đang nghiến chặt răng chịu đựng. Huệ vục xuống gáy Ngọc Hân cắn như xé thịt. Dáng đè của Huệ, hai đùi chống xuống giường, mình trần phủ lên người Ngọc Hân y như dáng hổ đang ngoạm hoãng. (...) trong đêm tối. Huệ nghe tiếng nấc, khoái cảm càng tăng lên như những lúc chứng kiến hành quyết. Đao phủ Tây Sơn xử trảm bằng cách chém ngửa nghịch nhân, mã tấu phập xuống tiếng thét của tội đồ bị đứt ngang ở cuống họng chỉ phát ra được tiếng nấc khô. Tiếng nấc khô của Ngọc Hân…”. (NVKhanh)
Tiểu thuyết lịch sử - Nguyễn Văn Trung
Trong “Lịch sử tiểu thuyết” của Trần Vũ. Người Trần Vũ phân trần bị ông Nguyễn Văn Trung mắng vốn như thể như thế này đây:
“Người viết truyện về Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ cần phải dựa vào tài liệu sử như người viết sử và cần hơn người viết sử nữa. Vì tiểu thuyết lịch sử không những chỉ cần tài liệu sử liên quan trực tiếp đến các nhân vật lịch sử về đời công, bối cảnh xã hội thời đại của họ, mà còn cần tài liệu liên quan đến đời tư (gia đình, tình cảm, giao tế…”.
Người viết truyện sẽ dựng lại cuộc sống cụ thể của họ trong hoàn cảnh và thời đại…Ðặc biệt các đoạn văn tả các nhân vật đối thoại với nhau: lối xưng hô như thế nào thời đó”. Ông đặt câu hỏi: “Viết sử hay tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, về thời kỳ nội chiến, có nên chỉ bằng lòng với những tài liệu như Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên, Hoàng Triều Ngọc Phả, Hoàng Lê Nhất Thống Chí,…v.v.. hay không? hoặc một vài tài liệu ngoại quốc đăng trong tập san Sử Ðịa-Sàigòn trước 1975 (do cô Ðặng Phương Nghi thực hiện). Rồi ông trả lời, nên tham khảo thêm tài liệu của các dòng tu, hội truyền giáo, của những cố đạo ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Hoà Lan thế kỷ 16, 17, “về đời sống hằng ngày của dân chúng, những điều mắt thấy tai nghe tại chỗ, ở nông thôn…được ghi lại trong thư từ của các giáo sĩ, loại thư riêng gửi về cho gia đình, bạn bè hay bề trên”.
Và Nguyễn Văn Trung kết luận:
“Trong số những nhân vật có bộ mặt phải, mặt trái, có thể có Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh như những cá nhân có tên tuổi. Ðó chỉ mới là nêu lên như giả thuyết, cần những tư liệu bằng cớ không thể chối cãi được xác minh rằng Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh quả thực có như thế. Nếu không làm việc này thì là vu khống, chụp mũ, xúc phạm …”.
***
Ngọai truyện
Khi chính trị gia viết sử
Nguyễn Gia Kiểng với "Tổ quốc ăn năn" - Dương Huệ Anh
Rất thật, mụ chữ tôi lục đục mãi có nên đưa ông Nguyễn Gia Kiểng với bài viết Tổ quốc ăn năn vào đây không? Vì bài viết không phải dưới dạng tiểu thuyết lịch sử, cũng vì bài viết này mà ông bị người đọc mắng mỏ còn hơn cả Trần Vũ nữa.
Vì trong phần dẫn nhập, ông viết:
“…Cần phải trở lại trường hợp Nguyễn Huệ bởi vì đó là một sai lầm đã kéo dài quá lâu và đã gây quá nhiều tác hại (sic). Tôi không phải là sử gia, cũng không phải là một nhà nghiên cứu mà là một người hoạt động chính trị. Người hoạt động chính trị nói những điều cần nói, có bổn phận phải nói trung thực, dựa vào những sự kiện nghiêm túc và lý luận một cách lương thiện (sic). Nhưng người hoạt động chính trị nếu không có thì giờ như trường hợp của tôi, không có bổn phận phải ghi chú dữ kiện lấy từ sách nào, chương nào, trang nào, v.v… Đó là công việc của nhà nghiên cứu. Những dữ kiện mà tôi dựa vào để bàn về Nguyễn Huệ là có thực, các sử gia đều có…”.
Ông khủng khẳng cọ đít nồi ba mớ chữ lỗ mỗ lơ ngơ: “Người hoạt động chính trị nói những điều cần nói, có bổn phận phải nói trung thực, dựa vào những sự kiện nghiêm túc và lý luận một cách lương thiện”. Và “Người hoạt động chính trị nếu không có thì giờ như trường hợp của tôi, không có bổn phận phải ghi chú dữ kiện lấy từ sách nào, chương nào…”. Mụ chữ tôi thấy ông văn dĩ tải đạo như vậy hãi quá thể nhưng vì viết tiểu thuyết lịch sử đã có nhà văn (Nam Dao), nhà thơ (Trần Nghi Hòang), nhà làm văn hóa (Nguyễn Văn Trung), nay còn thiếu một… “nhà” nữa là… nhà làm chính trị.
Tuy nhiên để điểm sách “Tổ quốc ăn năn” của ông có chương “Nhìn lại nhân vật Nguyễn Huệ”, mụ chữ tôi phải cầu cứu đến người viết Dương Huệ Anh:
“Gần đây, ông Nguyễn Gia Kiểng, trong cuốn Tổ Quốc ăn năn(?) đã viết một bài dài, bằng những suy luận riêng, với dẫn chứng vu vơ, thâm ý có lẽ muốn làm giảm giá trị chiến thắng cùng vai trò của vua Quang Trung.
Ðây là luận cứ của ông Nguyễn Gia Kiểng, từ trang 155 sách đã dẫn:
“…Thực ra các tài liệu của nhà Thanh(?) cho thấy một cách rất rõ ràng là vua Càn Long không có ý định đánh chiếm nước ta. Không những thế vua… còn cấm Tôn Sĩ Nghị giao chiến... ý đồ của họ chỉ là dọa để Nguyễn Huệ thần phục nhà Lê (hay) giúp vua Lê Chiêu Thống có thanh thế để chia đất với Nguyên Huệ mà thôi…”
Về tư liệu, Nguyễn Gia Kiểng dẫn chứng giáo sư Ðài Loan Tưởng Quân Chương(1) đã dựa vào tài liệu của Thanh triều(?) nói rằng: ”Tôn Sĩ Nghị đã đem sáu ngàn kỵ binh sang Việt Nam để phô trương thanh thế và làm lễ thụ (hay tấn?)(2) phong cho Lê Chiêu Thống, nhưng đã bị Nguyễn Huệ đánh bất ngờ, thua chạy...” Con số này theo tôi (ông Kiểng) là hợp lý. Tôi chưa thấy sử gia nào bác bỏ sự kiện của ông Tưởng...”
(1) Nguồn theo ông Nguyễn Gia Kiểng: “Lần đầu tiên vào khoảng năm 1958. Tôi đọc báo về cuộc thuyết trình của giáo sư Tưởng Quân Chương, một chuyên gia người Đài Loan về Việt nam, tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn”.
(2) Những chữ trong dấu ngoặc đơn ( ) là của người viết Dương Huệ Anh.
Tư liệu khác mà Nguyễn Gia Kiểng dẫn ra là: Hoàng Lê nhất thống chí. Vậy chứ “Hoàng Lê nhất thống chí” là một cuốn sách lịch sử? Để phủ đầu Nguyễn Gia Kiểng đã gán cho là ”một cuốn sách khá thuận lợi cho Tây Sơn”. Theo sách này, (lời ông Kiểng) thì tướng Tây Sơn, Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm bàn với nhau rằng đánh quân Thanh không được vì dân chúng Bắc Hà ủng hộ quân Thanh và ghét Tây Sơn.(Ðây cũng là một sự kiện rất quan trọng chứng tỏ dân chúng không ngưỡng mộ Nguyễn Huệ như một số tác giả viết- Lời ông Kiểng).
Tư liệu khác nữa mà Nguyễn Gia Kiểng dựa vào là thư từ của nhóm giáo sĩ ngoại quốc có mặt ở đó (thuộc Mission apostolique en Extrême Orient), theo đấy, họ tỏ ý bênh vực nhà Tây Sơn...(vì) Tây Sơn không để ý đến tôn giáo. Theo một giáo sĩ mô tả lại trận Ngọc Hồi (Ðống Ða), thì không thể (gọi) là lớn được. Nguyễn Gia Kiểng cũng đưa ra vài sự kiện, trích trong Hoàng Lê nhất thống chí, rồi kết luận: ”Những dữ kiện này chứng tỏ trận Ðống Ða chỉ là một trận nhỏ”.
Rồi Nguyễn Gia Kiểng còn suy luận: “Trong số quân Thanh kéo nhau qua sông Nhị Hà, bị xập cầu chết, có nhiều Hoa kiều.. vì họ chạy bộ “ (?) có lẽ để phù hợp với số 6 ngàn kỵ binh của ông Tưởng Quân Chương đưa ra. Cũng theo Nguyễn Gia Kiểng, một sự kiện nổi bật mà các sử gia cố tình làm ngơ là quân Tây Sơn thuần túy chỉ là giặc cướp, và từ lúc dấy lên… cho đến lúc diệt Trịnh và Nguyễn, họ không đưa ra bất cứ một chủ trương dựng nước nào, họ chỉ đánh phá và cướp bóc mà thôi.
Nguyễn Gia Kiểng còn chê những thủ đoạn của vua Quang Trung trong việc giao thiệp với nhà Thanh, như sang chầu, lạy phục và ôm chân Càn Long, nhưng cho Phạm Công Trị đi thay thế… là tự hạ mình. Vẫn theo Nguyễn Gia Kiểng, một chuyên viên của Anh quốc, từ Ấn Ðộ qua quan sát, sau vụ Tây Sơn chiếm Gia Ðịnh, 1778, đã báo cáo: “Chỉ cần đạo quân 100 người, có kỷ luật, cũng đủ đánh tan toàn bộ quân Tây Sơn một cách dễ dàng”. Nguyễn Huệ chỉ mới làm vua được gần bốn năm thì mất nên tài trị nước của ông không thể bàn đến. Một việc triều đình của ông làm thường được ca tụng là hay dùng chữ Nôm. Nhưng chữ Nôm thời đó đã phát triển lắm rồi. Chinh Phụ Ngâm (3) đã ra đời trước đó. Và cũng đã có Nguyễn Du.(4)
(3) Theo Hòang Xuân Hãn, dịch giả Chinh Phụ Ngâm là Phan Huy Ích.
(Phan Huy Ích dịch vào thời Gia Long, khi ông cáo lão về hưu?).
(4) Nguyễn Du viết truyện Kiều vào thời Gia Long, sau khi đi sứ về.
Nguyễn Gia Kiểng có ý trách sử gia Trần Trọng Kim, khi viết Việt Nam sử lược:
“Đã không cảm thấy có bổn phận(5) phải tuyệt đối khách quan, và đặc biệt là đối với nhân vật Nguyễn Huệ, ông đã để nhiều tâm tình và thiên kiến vào đó. Ông dựng đứng ra chuyện Nguyễn Huệ ra Bắc phù Lê diệt Trịnh” để ca tụng Nguyễn Huệ dứt họ Trịnh, tôn vua Lê đem lại cương thường cho rõ ràng. Ấy là có sức mạnh mà biết làm việc nghĩa vậy (sic) Thật là đổi trắng thay đen! (?). Ông Trần Trọng Kim cũng dựng đứng ra con số hai chục vạn quân Thanh, không có trong một sử liệu nào để thổi phồng tầm vóc của trận Ðống Ða và ca tụng Nguyễn Huệ “đaị phá quân Thanh”..
(5) Trích đọan ông Trần Anh Tuấn trong bài Niềm vui và nỗi buồn trong một cuộc ra mắt sách, ông viết về giáo sư Lê “…Nhưng việc gì mà hậu sinh cứ lớn tiêng đòi hơn người xưa, trong khi sản phẩm của mình còn nhiều thiếu xót hiển nhiên? Ðã có gì hoàn hảo đâu mà khoe khoang hay tâng bốc qúa đáng như vậy.
Bằng cấp nhiều khi chỉ tạo cho người ta những ảo tưởng hão huyền. Trần Trọng Kim, tôi nhắc lại, chắc gì đã có bằng tú tài, nhưng đã để lại một tác phẩm sử học mà trăm năm sau, con cháu vẫn chưa theo kịp!...”
Theo thiển ý, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim dù chỉ là sơ lược, ít nhất cũng đã căn cứ vào 26 tác phẩm Hán ngữ, Quốc ngữ và Pháp ngữ, trong đó có Ðại Việt sử ký, Lịch triều hiến chương, Đại Nam thực lục. Hoặc Trung quốc sử, Thanh triều sử ký, Chính sử lược biên, Thanh vũ ký, An Nam quân doanh kỷ yếu,…v…v...
Tổng luận, theo Nguyễn Gia Kiểng, thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ theo lịch sử, chỉ là sự xuyên tạc, có dụng ý. Thực sự, phải hiểu lịch sử như thế nào? Trước hết, Nguyễn Gia Kiểng không đưa ra được một tài liệu nào rõ ràng, khả tín để chứng minh những thẩm định của ông. Về sử liệu nhà Thanh, ông dựa vào để quyết đoán mà không đưa ra bằng chứng cụ thể nào; bộ Hoàng Lê nhất thống chí ông thường viện dẫn, thực ra là một tiểu thuyết lịch sử (dân gian) khó tin cậy; còn những lá thư của nhóm giáo sĩ (có tính cách riêng tư) nghĩ chỉ có giá trị thời gian với niên đại, niên kỷ. (DH Anh)
***
Chót chét mụ sử tôi chả… ăn năn đưa Tổ quốc ăn năn vào đây. Vì trăm sự trông cậy vào người viết Dương Huệ Anh, người đọc mới thấy rõ rằng một chính trị gia viết sử dựa vào những sự kiện trung thực và lý luận một cách lương thiện như thế đó.
Nói thì nói cho thật, mụ chữ tôi không có can đảm đọc hết Tổ quốc ăn năn, mà đọc chương “Nhìn lại nhân vật Nguyễn Huệ”, mụ chữ tôi chỉ đọc “nhẩy cóc”, nhưng nhờ ông Dương nhời vào tiếng ra ông Nguyễn Gia Kiểng viết hỗn tạp như thế đấy. Tuy nhiên ông Dương không cho người đọc hay ông Kiểng đang ở bên Pháp vì vậy mụ chữ tôi lại phải ăn chực nằm chờ tác giả Lê Việt Thường qua bài “Trường hợp Tổ quốc ăn năn”.
Ông họ Lê Việt hay dùng chữ…“là” và chữ Tây chữ u thế này đây…
“…Nhân vật lịch sử là “nạn nhân” của Tổ quốc ăn năn là vua Quang Trung. Thật ra ở đây, ông Kiểng cũng chỉ bắt chước tác giả A. Peyrefitte khi thấy ông này phê bình vua Louis XIV và Napoléon của Pháp. Cũng xin được giới thiệu cùng bạn đọc A. Peyrefitte , tác giả cuốn Le Mal Francais là một nhà văn đã có danh phận và chính trị gia chuyên nghiệp. Ông A. Peyrefitte có chân trong Hàn lâm viện Pháp và trong vòng 20 năm, ông tham gia 3 nội các của 3 vị tổng thống: De Gaulle, Pompidou và Giscard d’Estaing . Khác với Tổ quốc ăn năn, Le Mal Francais là một tác phẩm có giá trị với kết quả của một công trình suy tư đứng đắn của một nhà văn và nhà chính trị có khả năng.
A. Peyrefitte đi ngược lại khuynh hướng của đa số các sử gia người Pháp khi phê bình vua Louis XIV và Napoléon. Có lẽ vì chịu ảnh hưởng của nền văn hóa có tính chất duy lý một chiều nên đa số các sử gia Pháp chỉ ca tụng tính chất hiển hách của những chiến công của Louis XIV và Napoléon. Trong khi đó, A. Peyrefitte có cái nhìn nhân bản hơn nên ông thấy được đàng sau sự huy hoàng của thời đại Louis XIV và Napoléon qua biểu tượng cung điện Versailles là sự thống khổ của người dân. Vì thấy A. Peyrefitte phê bình Louis XIV và Napoléon, nên ông Kiểng mới bắt chước “hạ bệ” Nguyễn Huệ.
Thứ nhất là cụ Trần Trọng Kim mà ông Kiểm “buộc tội” là vì thù hận nhà Nguyễn nên thổi phồng tài năng của vua Quang Trung. Luận cứ trên không vững vì nếu cụ Trần Trọng Kim thù hận nhà Nguyễn, tại sao cụ Trần Trọng Kim lại tham chính với nhà Nguyễn? (Bảo Đại). Cụ Trần Trọng Kim viết về vua Quang Trung như sau: “Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học”.
Về việc thẩm định thời đại Tây Sơn, năm 1822 một người Anh tên Crawfurd đến Việt Nam có thuật lại rằng: ‘Tôi đã gặp những thương nhân Hoa kiều ở Huế, họ nói với tôi: Họ đã sống dưới thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, họ nói chắc rằng, triều đại Tây Sơn công bằng và ôn hòa hơn nhà vua hiện tại (tức Minh Mạng) hay cha nhà vua ấy” (Gia Long). Năm 1790, giáo sĩ La Mothe cũng viết: "Phải nói trắng ra rằng, tình cảnh không đến nỗi tệ. Dưới triều đại này chúng tôi được che chở khỏi bị cướp phá, và về phần đạo giáo thì chúng tôi được hưởng nhiều tự do hơn các triều đại trước”.
Tóm lại, bắt chước A.Peyrefitte, nhưng không hiểu ý của Peyrefitte khi ông này phê bình Louis XIV và Napoléon, nên ông Kiểng mới đòi hạ bệ Nguyễn Huệ. Có lẽ vì theo phương pháp lý luận một chiều nên ông Kiểng không biết là Nguyễn Huệ chỉ giống Louis XIV và Napoléon ở một khía cạnh là một võ tướng tài ba, còn môt khiá cạnh nhân sinh khác của Nguyễn Huệ mà cả Louis XIV lẫn Napoléon đều không có. Do đó, nêu lấy công tâm mà đọc những dòng vừa trích ở trên của những chứng nhân thuộc những nguồn gốc và thời kỳ khác nhau, chúng ta đâu có thấy Nguyễn Huệ qua hình ảnh của một “tướng cướp” như ông Kiểng cố tình bôi bác để mình có tiếng tăm trong văn đàn sử học, mình có cái nhìn uyên bác rât Tây mà những người viết sử Việt khác không có!...”
Tiểu thuyết lịch sử - Hoàng Khởi Phong
Mụ chữ tôi vụng cho là một trong những người viết tiểu thuyêt lịch sử, có thể nhà văn Hòang Khởi Phong là người… trâu chậm uống nước đục. Vì hẻo chữ về ông, thôi thì cứ bám như đỉa trâu theo nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh…
“…Bàn về một bộ trường thiên tiểu-thuyết lịch-sử Người trăm năm cũ chưa xuất-bản hết và không biết được dự-phóng của tác-giả là một chuyện khó, dù sao thì với hai quyển đã xuất-bản, chúng tôi xin thử liều đưa ra một số nhận xét.
Hai tập Trên núi đồi Yên Thế tiểu-thuyết hóa giai-đoạn kháng Pháp hồi đầu thế-kỷ với những nhân-vật lịch-sử và đấu tranh về sau sẽ đưa đến những chuyển tiếp, phân chia đảng phái cũng như cắt nghĩa phần nào chân dung chính-trị và chiến-tranh nhiều thập niên sau. Nhân-vật chính làm cốt lõi toàn tập là Hoàng Hoa Thám với nhóm kháng chiến chống Pháp của ông gồm đại gia-đình ông, các con của ông như Cả Tuyển, Cả Huỳnh, Cả Trọng, Cả Rinh, rồi Lãnh Túc, Cai Sơn, Cai Cung, Đội Hổ và những nhân-vật thật sự lịch-sử như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu (Giải Phan), Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, Kỳ Đồng (1), Huỳnh Thúc Kháng, v.v. Hàng trăm nhân vật và nhiều sự kiện lịch-sử lớn nhỏ….”
(1) Nói dối phải tội, gặp ngày không nắng thì mưa mụ chữ tôi ghé thằng bạn nhà ở ngay trước cửa nhà thờ mà thiên hạ sự gọi là nhà thờ Kỳ Đồng. Mụ chữ tôi đóan chừng Kỳ Đồng là tên một giáo xứ nào đó, như nhà thờ Khói Đồng ở Nam Định la tên giáo xứ ở Phát Diệm Sau này buồn tình viết về cơ ngơi bản quán mới ớ ra ông Kỳ Đồng đồng hương, đồng khói Thái Bình với mụ chữ tôi. Ông tên thật là Nguyễn Văn Cầm, 8 tuổi đỗ ưu hạng thi hương nên được vua Tự Đức chỉ dụ khen thưởng và đặt tên là: Kỳ Đồng.
Sau này nhai văn nhá chữ hai, ba bài viết về ông, mụ chữ tôi mới ớ ra ông quê ở Hưng Yên chứ chả phải…Thái Bình! Vì nhiều người viết về ông qua những giai thọai nên chẳng biết đâu mà lần như chuyện ông quen biết hết người này đến người kia…
“…Về những phê phán triều đình Huế và các nhà lãnh đạo, tranh đấu, Kỳ Đồng đã nghĩ: "Có lẽ ông Petrus Ký (2) sẽ đi trước các nhà nho Bắc-kỳ một bước, trong việc canh tân đầu óc trước khi có thể canh tân mọi điều. Phải thay đổi cách suy nghĩ, muốn thay đổi sự suy nghĩ thì phải thay đổi cách đào tạo, dậy dỗ…".
Và cũng theo ông thì: "…Trong vài chục năm nữa, những người như ông Đề Thám chỉ làm được một điều, là hâm nóng bầu nhiệt huyết của những người yêu nước không mà thôi. Như thế đã là quá nhiều cho một đời người, và tất nhiên sẽ có rất nhiều máu trong giai-đoạn tranh tối, tranh sáng của lịch-sử này…" (Người trăm năm cũ, tr. 364)…”
(2) Mụ chữ tôi lò dò như cò ăn đêm lúc ông ở Algérie với vua Hàm Nghi, khi vẽ tranh với Gauguin trên đảo Marquesas tại Tahiti, Rồi cuối đời ông lại rời đảo Marquesas về thủ phủ Papeete thì làm sao biết được ông Petrus Ký để…“nghĩ” về ông này.
Bởi nhẽ năm sinh, năm mất: Ky Đồng (1875-1929), Petrus Ký (1837-1898), nơi chốn sinh sống hai ông khác biệt nhau. Thêm nữa ông Kỳ Đồng sinh năm 1929 *, năm 8 tuổi đỗ thi hương được vua Tự Đức chỉ dụ gọi là...thần đồng. Tuy nhiên năm ông đỗ nhè vào năm 1883, khi rày vua Tự Đức (1848-1883 *).ắt không còn hơi sức để ra…chỉ dụ!.
Về chuyện chỉ dụ, sắc phong vua ban cho đâu phải trên trời rách xuống. Thảng như muốn được vua sắc phong thần hòang, quan viên hai họ phải họp ở đình, sau đó làm đơn xin. Kỳ mục làng mang đơn đi bộ cả tháng tới Huế trình lên bộ Lẽ. Và đâu có ngon ăn như ăn cơm nguội, vì quan bộ Lễ ngâm tôm cả năm rồi mới tấu lên vua và đợi vua xét cũng cả mấy tháng. Tiếp đến tư về làng, kỳ mục làng lại lóp ngóp đội mưa đạp nắng đi bộ tới Huế. Vì vậy có được sắc phong của vua nhiều khi mất cả hai, ba năm. Vì thế giai thọai vua Tự Đức ban cho ông hai chữ Kỳ Đồng do ai đó dựng chuyện ấy thôi.
Với dựng chuyện… vì không được như tác giả Nguyễn Vy Khanh, mụ chữ chỉ đọc quyển một nên không hay Người trăm năm cũ được dàn dựng như thế nào. Thêm nữa, cho đến nay cái chết của Hùm Thiêng Yên Thế vẫn bí ẩn như truyện trinh thám. Bám cứng theo Nguyễn Vi Khanh thì không ai biết nhà văn Hòang Khởi Phong “dự phóng” ra sao. Là người đọc ông nhiều và rất nhiều, mụ chữ tôi biết ông là người viết rất khỏe, vì ông viết khỏe nên ông viết trường thiên tiểu thuyết Người trăm năm cũ ắt hẳn sẽ dài hơn trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ (2.000 trang) của Nguyễn Mộng Giác.
Không những thế, như Nguyễn Vy Khanh “bật mí”, với hàng trăm nhân vật lịch sử như: “Cả Tuyển, Cả Huỳnh, Cả Trọng, Cả Rinh, rồi Lãnh Túc, Cai Sơn, Cai Cung, Đội Hổ và những nhân-vật thật sự lịch-sử như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu (Giải Phan)...”. và sau này có thể còn hơn thế nữa, bằng vào từng ấy nhân vật danh trấn giang hồ Cai Sơn, Cai Cung, Đội Hổ. Nếu như mụ chữ tôi là ông, mụ chữ tôi sẽ dàn dựng cốt truyện như 108 Anh hùng Lương Sơn Bạc của Thị Nại Am, từ chương này sang hồi kia đánh nhau chí chát. Bởi như trạng Quỳnh với “Đại phong”, mụ chữ tôi bốc “Khởi Phong” là gió lên, mà gió lên là có chuyện. Với chuyện là ông đang lên như diều trong làng văn xóm chử ở Việt Nam, vì Trần Huy Liệu để cụ Phan Thanh Giản theo Pháp nên ông chẳng để ông Đề theo Tây. Bởi ông là nhà văn quân đội, mụ chữ tôi chắc mẩm ông sẽ để Hùm thiêng Yên Thế đánh một trận sống mái có súng nổ đì đùng như…“Ngày N +...” của ông.
Thế nhưng không phải vậy, số ruồi, một ngày mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi, mụ chữ vớ được bài viết của một người viết nừ tên Vân Anh…
“…Vùng đất tự trị của ông Đề đã bắt đầu từ khi ông cố đạo Velasco làm trung gian giảng hòa giữa Pháp và ông Đề vào năm 1893. Vùng đất đó là khu tứ giác Nhã Nam, Bố Hạ, Mỏ Na Lương, Canh Nậu.đứng vững như một ốc đảo tự do trong biển ngục tù. Nhưng đến đầu năm 1909, quân Pháp thẳng tay đàn áp vùng Yên Thế…”.
Vẫn người viết Vân Anh:
Trong bài trả lời phỏng vấn năm 1989, 1995, nhà văn Hoàng Khởi Phong có nói:
“Tôi muốn làm lính cùa Đề Thám…”. Ông cũng cho biết: “Tôi không viết trong mười năm liền, mỗi lần nhìn thấy các bạn văn có sách mới, tôi đều thấy thèn thẹn. Trong lời tựa của cuốn Người trăm năm cũ, khi đề cập đến việc viết của tôi, tôi nghĩ là tôi nợ rất nhiều người, cả những người viết hay và cả những người viết không hay, những người đã hợp thành dòng văn học nơi quê người này. Tôi nhắc lại một câu nói của người xưa: "Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt mũi khó coi…”.
Với “hay” hay “không hay”… mụ chữ túm được cái “hay, hay” trong Ngay N+…của ông vì có dính dáng đên cụ vua Quang Trung bèn đưa vào Chuyện người ngọai sử:
“…Ngày N + 13, 8 giờ 30 sáng
Xuất phát từ đồn Quân cảnh Qui Nhơn, một toán tuần tiễu gồm sáu xe Jeep. Một xe có gắn đại liên M60 đi đầu và một xe gắn đại liên đi đoạn hậu. Mỗi xe bốn nhân viên quân cảnh trang bị sắc phục Quân cảnh hành sự, băng Quân cảnh tay trái, nón sắt hai lớp có lưới, đi thật chậm quanh những khu đông đúc nhất. (…) Tôi chọn Trung úy Đại đội trưởng để đọc bản văn thứ của Đại tá tỉnh trưởng Quy Nhơn, bởi lẽ ông là người Bình Định, sinh ra và lớn lên ở đây:
"…Cùng toàn thế thanh niên của thị xã Qui Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung. Chính nơi đây Quang Trung Hoàng Đế đã phất ngọn cờ đào để dựng lên nghiệp lớn. Chính nơi đây ca dao tục ngữ đã xác định tinh thần thượng võ của chúng ta:
Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà cũng biết múa roi đánh quyền.
Hỡi các con cháu của Quang Trung Đại Đế. Chúng ta không thể để cho phương Bắc, tay sai của con cháu Tôn Sĩ Nghị đặt chân chúng lên phần đất của Quang Trung Hoàng Đế. Chúng ta phải chận đứng bọn tay sai của đế quốc Cộng sản lăm le thôn tính chúng ta. Đất nước đang lâm nguy, và Qui Nhơn, Bình Định thân yêu của chúng ta đang nằm trong tầm đại bác của bọn Cộng sản vô thần….”
Tiếp, mụ chữ tôi nước chảy qua cầu vay mượn ông câu những người viết hay và cả những người viết không hay để bắc cầu qua nhà thơ Trần Nghi Hòang. Trong cuộc phỏng vấn của bạn văn Trần Đức Tùng trên Talawas về tập thơ Mở cửa tử sinh của ông họ Trần. Nhà thơ cho hay: “Tôi thà lập dị còn hơn là lập lại”. Rồi ông cười:
- Thơ tôi là hay nhất.
Ừ thì ít nhất cũng có một nhà thơ viết tiểu thuyết lịch sử…
Tiểu thuyết lịch sử - Trần Nghi Hoàng
Thôi thì hãy gác lại Nguyễn Vy Khanh, để dựa dẫm vào tác giả Đoàn Nhã Văn…
“…Dùng lịch sử để dựng những truyện ngắn hay, có vài tên tuổi nổi trội. Trong nước, Nguyễn Huy Thiệp tạo được những cơn sóng trên mặt hồ văn chương. Ngoài nước có Trần Vũ với những truyện ngắn táo bạo gây nên những tranh luận một thời, và Trần Nghi Hoàng đầy tung tẩy với những truyện ngắn lịch sử trong tập “Truyện người viết sử”. Mỗi người mỗi khác. Tuy nhiên, ở góc độ bình thường hóa những nhân vật lịch sử, Vũ có nét tương đồng với Thiệp. Hoàng sãi bước theo hướng riêng của mình.
Truyện người viết sử có 4 truyện ngắn liên quan đến những nhân vật lịch sử: Quang Trung, Nguyễn Ánh, Ngô-Thì Nhậm, Ngô Thì Chí.
Trần Nghi Hoàng, qua tập truyện ngắn Truyện người viết sử, không vay mượn lịch sử theo cái nghĩa thông thường. Bằng vào một hay nhiều sự kiện lịch sử, mà người đi trước hoặc không viết thêm ra, hoặc không giải thích rộng hơn, hay vì một lý do nào đó họ ngừng lại ở chỗ mà, theo ông, lẽ ra phải giải thích cho hâu thế tận tường. (1)
(1) Đục vào mắt câu ngoa ngữ giải thích cho hâu thế tận tường, mụ chữ tôi muốn “đục bỏ” vì lý do “kỹ thuật” cho rồi. Nhưng lại tiếc chuyện Ngọc Hân với Gia Long.
Trên ngai vàng chất ngất, Gia Long lúc nào cũng bị phủ chụp bởi một không khí cô đơn,cùng cực. Tâm sự của ông là tâm sự của một người thắng, nhưng bại. Cái bại nằm ở những nổi ám ảnh với cái khinh khi của Bắc cung Hoàng Hậu Ngọc Hân:
“Đáng lý ta phải tự sát ngay lúc này để tạ tội với Đức Quang Trung ta, vì ta đã cố tình cho ngươi xâm phạm vào ngọc thể của ta. dù ngươi có “lấy” được thân thể ta, ta vẫn là người của Đức Quang Trung. Ta đã thuộc về Ngài và bởi thế, trong ta có sự hiện diện của Ngài, của Long Nhưỡng tướng quân, của Bắc Bình Vương, của Quang Trung Hoàng Đế. Người mà chỉ nghe tên ngươi đã bay hồn bạt vía. Cũng như đất đai này dù có nằm trong tay ngươi, vẫn muôn đời có sự hiện diện của Thái Tổ Võ Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngươi đã hiểu rõ cái giả chân của thành bại hay chưa, hở tên hèn hạ, tiểu nhân ty tiện … Rồi đây sử sách của đời sau…” (Trang 33-34)..
Chữ nghĩa của ông Trần Nghi Hòang về hoàng hậu Ngọc Hân (cũng như nhà văn…Hòang Khởi Phong) nghe cũng hòang hôn rôi lại hôn hòang (Kiều – Nguyễn Du) quá lắm. Mụ chữ tôi bẻ qua chữ “Trung” của kẻ sĩ trong Truyện người viết sử…
“…Là một kẻ sĩ của thời cuộc, chữ “Trung” phải được hiểu như thế nào, khi đứng trước cơn bão lữa, binh đao của lịch sử? Câu hỏi này dằn vặt cả hai anh em: Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Chí. Theo sử sách, Ngô Thì Chí làm quan, phục vụ nhà Lê, mất năm 1788 (thọ 35 tuổi) khi nhận lệnh Lê Chiêu Thống lên Lạng Sơn mộ lính để chống nhau với nhà Tây Sơn. Trong khi đó, Ngô Thì Nhậm lại là người của Tây Sơn. Hai anh em, hai điển hình khoa bảng, nằm trong hai chiến tuyến trong thời tao loạn. Vậy chữ “Trung” phải hiểu thế nào mới là đúng?...”
Nhưng đọc đến khúc Gia Long và Ngọc Hân, mụ chữ tôi có…“cảm giác” người “Tôi thà lập dị còn cò hơn là lập lại” đã lập lại những thuật ngữ dung tục của Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ. Và không như Đòan Nhã Văn giới thiệu ông: “Tuy nhiên, ở góc độ bình thường hóa những nhân vật lịch sử, Vũ có nét tương đồng với Thiệp. Hoàng sãi bước theo hướng riêng của mình”. Và nhà thơ “sải bước” với văn cách thế này đây:
Một giọng thật lớn dõng dạc:
“Hoàng Thượng vạn tuế!”
Gia Long ngẩng cao mặt, tại hiện trường la to:
“Vạn vạn tuế!”
Mụ chữ tôi ngáo ệch ra vì một là thời Gia Long làm quái gì có “hiện trường” của XHCN. Hai là sau Hoàng Thượng vạn tuế lại có “chấm than” (!). Thôi thì đành “than” rằng chỉ thấy văn vẻ của ông đọc lên nghe như Tàu Chợ Lớn nói tiếng Việt trong bộ phim nhiều tập. Như đi ngang qua TV, không dòm màn hình, nghe giọng vô sinh “Tới liền, tới liền” là biết y chóc Vi Tiểu Bảo. Tiếp nghe giọng vô cảm “Bảo trọng, bảo trọng” là biết y trang Càn Long. Và nhắm mắt cũng biết Vi Tiểu Bảo đang tiến tới làm lễ “bảo tất” với Càn Long trong phim bộ Lộc Đỉnh ký.
***
Ngọai truyện
Kim Dung và tình dục trong truyện kiếm hiệp
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung phản ánh cái nhìn của ông đối với thói dâm đãng nói riêng và tình dục nói chung là một cái nhìn nghiêm túc. Tác phẩm Kim Dung xây dựng khá nhiều những nhân vật dâm đãng lợi dụng tình dục. Ông đã dành những hình phạt theo luật giang hồ để trừng trị những loại nhân vật đó.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, nhân vật dâm đãng là Điền Bá Quang. Hắn vừa là tên cướp, vừa là dâm tặc, khinh công rất giỏi và đao pháp rất nhanh. Nhà sư Bất Giới đã trừng trị hắn: xuyên tụ tiễn vào bộ phận sinh dục và buộc hắn cạo đầu làm sư với pháp hiệu Bất khả bất giới (không thể không cấm).
Trong Xạ điêu anh hùng truyện, nhân vật dâm đãng là Âu Dương công từ, cháu của Tây độc Âu Dương Phong, từ Tây Vực xuống Trung Nguyên, võ công cao cường, chuyên hãm hại đàn bà con gái. Nhưng Âu Dương công tử tà môn chưa bằng Doãn Chí Bình chính phái của phái Toàn Chân. Hắn đi ngang qua gặp lúc Tiểu Long Nữ đang thoát y để luyện võ công. Thế là hắn quên mất môn quy, điểm huyệt, lấy áo đạo bào phủ lên mặt và đưa vào bụi rậm. Tiểu Long Nữ cứ ngỡ đó là Dương Qua, người học trò thân yêu của mình. Doãn Chí Bình ăn mắm mà Dương Qua khát nước!
Kim Dung viết về tình dục, điều mà người ta cho là dung tục, với một bút pháp tinh tế và trang nhã. Chính vì thế mà trong lần trở về thăm đại học Bắc Kinh năm 1995, người ta mạnh dạn bàn đến cái tục, và ca ngợi Kim Dung là nhà văn thanh nhã từ văn phong đến nội dung. Khi nói đến những hoạt động tình dục, Kim Dung không bao giờ mô tả. Ông chỉ thuật lại bằng một vài câu ngắn gọn và dành phần suy nghĩ cho độc giả.
Nhưng trong 12 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, nhân vật dâm đãng số một phải thuộc về Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh ký). Cơ duyên đã đưa hắn lên Bắc Kinh, làm thái giám giả mạo trong cung nhà Thanh. Mới 12 tuổi đầu, hắn đã ôm Mộc Kiếm Bình, quận chúa Mộc vương, Vân Nam phủ. 15 tuổi, hắn quan hệ thân xác với công chúa Kiến Ninh. 18 tuổi trôi giạt sang Nga, hắn quan hệ với công chúa Tô Phi Á (Sophia), con gái Sa hoàng! Từ thái giám, hắn lên đô thống hoàng kỳ, khâm sai đại thần, bá tước rồi công tước. Trong một lần đi về thành Dương Châu, hắn quan hệ một hơi với 4 người: Tô Thuyên (vợ giáo chủ Thần long giáo), A Kha (con gái của Ngô Tam Quế-Trần Viên Viên), Song Nhi (nữ tì), Tăng Nhu (Thiên địa hội). Suốt đời Vi Tiểu Bảo chỉ biết có tình dục, không hề biết đến tình yêu chân thật là gì. Kim Dung đã không cho hắn có được niềm hạnh phúc được yêu của Vi Tiểu Bảo.
Nhiều lứa đôi trong tác phẩm của ông trai vẫn giữ được phong cách quân tử, gái vẫn giữ được tiết sạch giá trong. Đó là Vô Kỵ-Triệu Minh-Chỉ Nhược, Trương Thuý Sơn-Hân Tố Tố, Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, Quách Tĩnh-Hoàng Dung, Đoàn Dự-Mộc Uyển Thanh, Kiều Phong-A Châu. Họ sống giang hồ phiêu bạ, mặc dù có thèm khát nhưng không vượt quá giới hạn... Tôi cho rằng đây là một khía cạnh rất đạo đức trong tác phầm Kim Dung. (Kim Dung giữa đời tôi – Vũ Đức Sao Biển)
***
Khi không mụ chữ tôi so đo tiểu thuyết lịch sử từ Nguyễn Mộng Giác đến Nguyễn Huy Thiệp đều đặt tình dục dưới….bóng đè của lịch sử Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng, mụ chữ tôi không dám dẻo mồm vào chuyện các nhà văn, thế nhưng cứ ăn ngay nói thật các nhà văn này đây gần như không hề mang tình dục vào tác phẩm văn chương của họ! Mà họ lại bê tình dục vào tiểu thuyết lịch sử là mắc chứng gì đây?
Ngẫm chuyện thiên hạ sự về những nhà văn nữ như Lê Thị Thấm Vân vung tay quá trán trong Bóng gẫy của thần tích, cũng vậy với Đỗ Hoàng Diệu viết tỉnh rụi qua Dòng sông hủi…Vì những gì đàn bà viết về những cảm xúc thân xác của đàn bà, để khơi dậy nguồn nhục dục của mình dễ dàng hơn đàn ông. Vì đàn bà viết những hưng phấn của đàn bà mới thật. Còn đàn ông viết những hưng phấn của đàn bà chỉ là bịa tạc, không thật. Hay nói khác đi, như nhà văn nữ Tây phuơng nào đó cho hay nhà văn đàn ông viết những rung cảm, đòi hỏi xác thân của đàn bà trong văn chương của họ là họ…ngọng.
Bởi lý sự ấy, họ nấp sau cái bóng của lịch sử để che dấu những “bất lực” giới tính của chữ nghĩa. Đằng sau hình thức biểu hiện lilido (dục năng) hưng phấn như phái nữ, với mặc cảm Oedipe, nên họ không chọn Tự Đức hay Thành Thái (theo dật sử hai cụ vua đây bị bất lực). Vì vậy không hẹn mà gặp, họ nấp đằng sau một Quang Trung Nguyễn Huệ về cái tôi (le Moi, Ego), cái ấy (la Ca), cái siêu tôi (le Surmoi) về dục tính.
Châm lửa đốt trời rồi mụ chữ tôi dòm trước ngó sau trong văn học.
240 năm trước tới thiên niên kỷ 20, trong văn học sử có sử thi Sơ kính tân trang của Phạm Thái (1777-1813). Sử thi viết vào đời Cảnh Hưng, danh sĩ ở cuối thế kỷ 18 là Phạm Thái phò nhà Nguyễn chống nhà Tây Sơn nhưng không thành. Ông bị truy nã nên phải ẩn thân ở chùa Tiêu Sơn, nằm lưng chừng núi Tiêu, huyện Tiên Sơn, trấn Kinh Bắc. Chiêu Lỳ Phạm Thái mặc áo nâu sòng lấy tên Bụt là Phổ Chiếu thiền sư..
Và thiền sư để lại câu thơ để đời:
Giai nhân, hề, vẫn chiêm bao
Thất phu, hề, biết chốn nào dung thân?
Năm 1934, Khái Hưng cũng vào chùa Tiêu Sơn ở Bắc Ninh ba năm, từ chuyện tình Phạm Thái, Quỳnh Như, ông viết văn xuôi truyện tiểu thuyết lịch sử Tiêu Sơn tráng sĩ:
“…Niên hiệu Cảnh Thịnh, năm thứ năm 1797, tháng chạp, ngày mồng ba, khoảng đầu giờ dậu, các nhà, các hàng xén ở phố Từ Sơn đều đóng cửa. Chỉ trừ một hàng cơm đưa ra tiếng cười nói ầm ỹ. Chiêu Lỳ Phạm Thái đã say mèm, mặt đỏ gay, đầu lảo đảo lười cứng đờ, nói díu lại không ra câu nữa...
Ấy là câu thơ trong Sơ kính tân trang…
Dọc ngang thôi trả cho đời
Tương tư xin gửi lại người, Quỳnh Như.
Câu kinh thay tiếng tạ từ
Chiều sương, chùa vắng, thiền sư nghẹn ngào…”
Năm 1945, tiếp là tập kịch thơ Người điên của Hòang Cầm viết về người vợ khuyến khích chồng ra đi đánh đổ nhà Nguyễn để phục hồi nhà Tây Sơn. Nhưng người chồng chạy theo Nguyễn Ánh, người vợ giả điên vào thành Phú Xuân đi tìm chồng, sau đó tự vận chết trong tù…Năm 1946, vở kịch được trình diễn ở Hà Nội, vì vợ ông Hòang Cầm là bà Kiều Khanh đóng vai người vợ tự vẫn trong tù, nên ông có câu thơ:
Khanh ơi!
Thể xác hiu hiu bụi
Nắng dãi hoe vàng
Em ở đâu?
Để rồi mụ chừ tôi hồ đồ là chẳng cần dục tình, dục tính: Sơ kính tân trang, Tiêu Sơn tráng sĩ, Người điên cũng đã lững thững đi vào văn học và văn học sử.
Theo nhà phê bình văn học Thụy Khuê, Tiêu sơn tráng sĩ (“hậu duệ” của Sơ kính tân trang) là cuốn tiểu thuyết lịch sử hay nhất của văn học Việt Nam kể từ Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736). Sự thành công đầu tiên của một tiểu thuyết lịch sử là tạo được không khí lịch sử của thời mà truyện xẩy ra. Trong những tác phẩm kinh điển như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc chí của Tàu, hoặc Hoàng Lê nhất thống chí của ta, Khái Hưng (và Phạm Thái) xây dựng không khí ấy bằng ngôn ngữ, hành động, thơ, và văn.
***
Vì nhiều người viết tiểu thuyết lịch sử chuyện vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa mà ông Nguyễn Văn Trung cho là vu khống, chụp mũ, xúc phạmm, thêm Trần Nghi Hòang viết…“mối duyên kỳ ngộ” giữa Ngọc Hân và Gia Long.
Bởi đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ, diễn Nôm là nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, không nghi không ngộ. Để ngộ ra cho phải nhẽ, mụ chữ tôi lại lụm cụm chui vào mạng lưới đi tìm bài viết của Lê Nguyễn với tựa đề:
Có chăng chuyện gặp gỡ giữa Ngọc Hân và Gia Long
Ngọai truyện
Có chăng chuyện gặp gỡ giữa Ngọc Hân và Gia Long
Lê Nguyễn
Tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du vieux Hué) số 4 năm 1941 đăng bài viết nhan đề: “Les caprices du Génie des marriages ou l’extraordinaire destinée de la princesse Ngoc Han” (Sự trớ trêu của Nguyệt lão hay số phận ly kỳ của công chúa Ngọc Hân) của ông Phạm Việt Thường. Bài viết miêu tả chi tiết cuộc gặp gỡ giữa Gia Long với Ngọc Hân vào năm 1801, khi bà cựu hoàng hậu nhà Tây Sơn đang bị giam lỏng tại Phú Xuân. Theo Phạm Việt Thường, bà đã xiêu lòng, nhận lời làm vợ Gia Long.
Sau khi xem qua, điều có thể thấy rõ là bài viết trên đã tiểu thuyết hóa một sự kiện lịch sử và có lẽ chỉ dựa vào duy nhất là hai câu ca dao truyền tụng trong dân gian:
Gái đâu có gái lạ lùng
Con vua mà lấy hai chồng làm vua
Khi viết câu chuyện trên, ông Phạm Việt Thường đã hiểu “con vua” ở đây không ai khác hơn là công chúa Ngọc Hân và “hai chồng làm vua” đây chính là Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh. Để có thể nhận định về điều này, cần làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử còn khá mơ hồ như:
- Ngọc Hân công chúa mất vào năm nào?
- Số phận các con của Ngọc Hân (nếu có) ra sao khi triều Tây Sơn sụp đổ.
- Ngoài Ngọc Hân, vua Lê Hiển Tông có cô con gái nào lấy chồng làm vua không?
Công chúa Ngọc Hân sinh năm nào?
Tưởng chừng như đây chỉ là một câu hỏi không nhằm vào đề tài đang bàn, nhưng thực ra lời giải đáp có thể góp phần vào việc đánh giá mức độ chân thực trong câu chuyện kể của tác giả Phạm Việt Thường. Chỉ riêng câu hỏi này đã làm tốn khá nhiều công sức và giấy mực của các nhà nghiên cứu ở thế kỷ XX.
Nói chung có ít nhất ba thuyết về thời điểm tạ thế của công chúa Ngọc Hân.
a. Công chúa Ngọc Hân mất vào năm 1799
Tiêu biểu cho thuyết này là tác phẩm Quốc văn đời Tây Sơn của Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng), xuất bản năm 1950, trong đó nêu lên chứng cứ là 5 bài văn tế bà Ngọc Hân tìm thấy trong Dụ Am văn tập của danh sỹ Phan Huy Ích (1750 – 1822), trong số này, một bài dành cho vua Cảnh Thịnh tế, một bài cho bà Phù Ninh từ cung Nguyễn Thị Huyền (mẹ ruột bà Ngọc Hân), một bài cho các cựu tôn thất nhà Lê, một bài cho bà con họ ngoại của Ngọc Hân ở làng Phù Ninh và một bài cho các công chúa triều Tây Sơn.
Bài văn tế dành cho vua Cảnh Thịnh có tiêu đề: “Kỷ Mùi đông, nghĩ ngự điện Vũ hoàng hậu tang quốc âm văn” (Mùa đông năm Kỷ Mùi 1799, nghĩ đỡ nhà vua bài văn quốc âm tế điện Vũ hoàng hậu). Cùng với thuyết này là sự phát hiện của tác giả Đỗ Bang trong quyển “Những khám phá về hoàng đế Quang Trung” (Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên – 1988), theo đó, bản phả ký họ Nguyễn Ngọc thuộc làng Phù Ninh, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (quê quán của Ngọc Hân) có ghi ngày mất của bà là:
“Tốt vu Kỷ Mùi niên thập nhất nguyệt, sơ bát nhật”, tức mất ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày 4.12.1799”.
b. Công chúa Ngọc Hân mất sau năm 1801, không rõ năm nào
Tiêu biểu cho thuyết này là bài viết của tác giả Sở Bảo đăng trên báo Trung Bắc chủ nhật số 53 (thập niên 1940). Bài báo kể rằng sau khi nhà Tây Sơn bị diệt vong, bà Ngọc Hân đưa hai con (một trai, một gái) đi trốn ở Quảng Nam, nhưng không bao lâu sau, tung tích bị lộ, cả ba mẹ con bị bắt và xử theo lệ “tam ban triều điển” (chết theo một trong ba cách: treo cổ, đâm bằng dao, uống thuốc độc).
Trùng hợp với thuyết này có các tác phẩm Triều Tây Sơn của Phan Trần Chúc và Thi văn binh chú của Ngô Tất Tố.
c. Công chúa Ngọc Hân mất vào năm 1806
Bộ sử biên niên Quốc sử di biên do Phan Thúc Trực (Dưỡng Hạo Hiên) soạn vào thập niên 1840 ghi rõ công chúa Ngọc Hân tạ thế vào khoảng cuối tháng năm âm lịch năm Bính Dần (1806):
“Công chúa Ngọc Hân tạ thế. Nguyên năm Bính Ngọ (1786), niên hiệu Lê Cảnh Hưng, vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Đến khi nhà Tây Sơn mất, công chúa lui về ở tại mẫu quán là làng Phù Ninh. Tại đây công chúa từ trần. Kẻ hàng thần hiện nhận chức quan tại huyện Đông Ngạn xin làm tang lễ cho công chúa, nhà vua chấp nhận. Dân làng Phù Ninh làm từ đường thờ công chúa”. (tập thượng – tr 136).
Ngọc Hân công chúa có con với vua Quang Trung không?
Trong các sử liệu chính thức về dòng họ vua Quang Trung, không thấy có văn kiện nào viết về các con (1) của vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa.
(1) Thật tình mà nói, khi đọc Thanh-Việt nghị hòa, đên khúc vua Quang Trung cho con là Nguyễn Quang Thùy thay mình đi theo Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm đón phái đòan phong vương của nhà Thanh ở Thăng Long. Mụ sử tôi không biết Nguyễn Quang Thùy là ai, vì từ trước đến nay chỉ biết Nguyễn Quang Tỏan. Đến khi Nguyễn Quang Thùy theo cha đi dự lễ Bát tuần đại khánh, Càn Long hạ sắc thư ban cho danh hiệu “thế tử” (vì bị bệnh phải đi về, Can Long còn đặc biệt thưởg cho một chiếc ngọc như ý với châu phê trên biểu văn đàng hòang. Rồi giao cho Nguyễn Phúc Khang An đích thân trao tận tay cho vua Quang Trung nhận lãnh (Đại việt quốc thư, Nguyễn Duy Chính dịch).
Sau vua Quang Trung cho biết không phải con ruột của mình nên Càn Long lấy lại “ân huệ” trao cho Nguyễn Quang Tỏan (là con của bà Phạm Thị Liên, bà là chánh cung hoàng hậu, đồng thời bà cũng là em ruột của “giả vương” Phạm Công Tri).
Thấy lạ, nhân đang lang thang trên mạng lưới, mụ sử tôi mới mò ra theo thư của giao sĩ Girard gửi giáo sĩ Boiret: Nguyễn Quang Thùy là con của một nàng hầu (*) của cụ vua Quang Trung ta. Nhân đó mụ sử tôi mới hay biết cụ vua ta có đến…7 vợ.
(nguồn: Những bà vợ của vua Quang Trung - Ngô Kinh Luân)
(*) Có “giai thọai” cho rằng Nguyễn Quang Thùy là con cả nhưng bị mất ngôi vì bà mẹ Thùy ở Qui Nhơn bị Nguyễn Nhạc bức dâm. Mụ chữ tôi không quá đọa vào “giai thọai” này lắm vì không rõ từ sử kiện nào, chẳng lẽ từ Liệt truyện của nhà Nguyễn?
Các nhà nghiên cứu đành suy diễn dựa vào một vài tác phẩm đương thời, nổi bật là bài Ai tư vãn của chính Ngọc Hân và các bài văn tế kể trên do Phan Huy Ích soạn.
- Bài Ai tư vãn có những câu:
Con trứng nước thương vì đôi chút
Chữ tình thâm chưa thoát được đi.
(Vì thương con còn nhỏ nên chưa thể chết theo chồng)
Hoặc:
Nửa cung gẫy phím cầm lành
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ.
- Bài văn tế của Phan Huy Ích dành cho các con vua Quang Trung tế bà Ngọc Hân
có những câu như dưới đây:
Dầu gót ngọc vui miền tịnh độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn thơ
Dầu xiêm nghê vắng cảnh thanh đô, nỡ nào lãng một bóng tang du hầu xế
Có tác giả liệt kê cả tên các con bà Ngọc Hân, như ông Sở Bảo kể theo lời các cố lão ở địa phương (tỉnh Bắc Ninh), trong thời gian ẩn lánh ở Quảng Nam, người con trai bà Ngọc Hân đổi tên là Trần Văn Đức, người con gái đổi tên là Trần Thị Ngọc
Phan Trần Chúc (2) trong Triều Tây Sơn cho rằng tên của hai con bà Ngọc Hân là Nguyễn Quang Đức và Nguyễn Thị Ngọc Bảo, không rõ dựa vào sử liệu nào.
(2) Phan Trần Chúc (1907-1946) gần như có thể nói ông là “ông tổ” viết tiểu thuyết lịch sử Ông là “người đầu tiên” viết truyện Bùi Viện đi Mỹ, sách xuất bản năm 1939 tại Hà Nội. Những người theo ông để viết truyện Bùi Viện là người đầu tiên đi Mỹ (*) có Lê Văn Ðức, Lê Ngọc Trụ, v…v…và chẳng thể thiếu vắng học giả Thái Văn Kiểm. Họ viết Bùi Viên đi từ San Francisco tới Washington, khi gặp Lincon lúc gặp Grant này kia kia nọ, v…v…Và mỗi tác giả viết mỗi khác…
(*) Xem “Bùi Viện là người đầu tiên đi Mỹ” trang 150.
Ông viết truyện Hàm Nghi và Cần Vương, có chuyện: Đi tìm kho tàng của vua Ham Nghi ở Quảng Bình với hơn 2 tấn (!?) tiền cổ và 2 thanh gươm của vua Hàm Nghi. Chuyện Con voi già của vua Hàm Nghi còn đeo ghế bành rách tả tơi đi lang thang ớ bìa rừng Thạch Hoá. Gần đây có người theo voi ăn bã mía viết Con voi ngự của vua Quang Trung. Con voi có tên ông Ấm, cũng đeo ghế bành rách tơi tả. Chỉ khác là đi lang thang trong rừng Bình Định. Cuối đời ông Ấm lội sông Côn tới miếu thờ “Tây Sơn tam kiệt” ở Kiên Mỹ. Ông thủ từ quen mở cửa cho ông Ấm vào quỳ trước án thờ
Đến nay hầu hết các nhà nghiên cứu đều tin rằng công chúa Ngọc Hân có hai con với vua Quang Trung, nhưng số phận những người này ra sao, vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, có một sử liệu không thể bỏ qua, đó là bức thư dài đề ngày 16-7-1801 do Barisy (một trong những người Pháp theo giúp Nguyễn Ánh) viết từ Huế gửi cho hai linh mục Marquini và Létondal ở Macao, kể việc ông gặp mặt những tù nhân đặc biệt bị bắt khi quân của Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Xin trích dịch như sau:
“Hoàng thượng (chỉ chúa Nguyễn Ánh) hỏi tôi có nhìn thấy các tướng giặc không, tôi trả lời rằng không. Nhà vua ra lệnh đưa họ đến cho tôi gặp. Sau đó, Ngài bảo tôi đi gặp các chị em của Tiếm vương (usurpateur chỉ vua Tây Sơn). Tôi đi. Họ ở trong một căn nhà khá tồi tàn, điều này tạo nên một sự trái ngược đầy ấn tượng giữa quá khứ và hiện tại của họ. Những phụ nữ đó có 5 người: một cô 16 tuổi rất đẹp, một cô 12 tuổi, con gái của bà công chúa Bắc Hà (nguyên văn Princesse de Tung-kin); ba cô khác từ 16 đến 18 tuổi, da hơi nâu nhưng diện mạo dễ coi; ba cậu con trai, một 15, da hơi nâu, gương mặt bình thường, hai cậu khác chừng 12 tuổi, cũng là con của bà công chúa Bắc Hà…” (Cadière – Documents relatifs à l’époque de Gia Long – PP 51-52).
Căn cứ vào nội dung của lá thư trên, liệu có thể xác định hai (hay ba) tù nhân trẻ mà Barisy đã gặp là con của Ngọc Hân công chúa và vua Quang Trung không? Đây là điều khả dĩ, góp phần củng cố thêm thuyết cho rằng Ngọc Hân có hai (hay ba) con bị bắt khi quân Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân. Ngoài ra theo nội dung bức thư của Barisy, người ta không thấy bóng dáng của Ngọc Hân bên cạnh các con của bà, phải chăng điều này củng cố thêm thuyết cho rằng bà đã qua đời trước năm 1801 (cụ thể là năm 1799).
Nó cũng giúp ta khẳng định là câu chuyện về “mối duyên kỳ ngộ” giữa Ngọc Hân công chúa với Nguyễn Ánh chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng phong phú của tác giả
Phạm Việt Thường. Nhưng như vậy thì…
Ai đã lấy hai chồng làm vua?
Xem kỹ sử liệu, ta sẽ bắt gặp nhân vật này trong tập Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực. Theo nội dung tập sách trên, khi Nguyễn Quang Toản cùng các em lần lượt bị bắt giữ trên đường chạy về phía Bắc, thì “Bọn Tổng Thám lại dâng nạp bà phi là Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua”. Bà Ngọc Bình đây chính là em gái của Ngọc Hân công chúa, con vua Lê Hiển Tông, và là vợ vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản.
Từ chi tiết này, có thể suy diễn là sau khi Nguyễn Quang Toản bị bắt và bị giết, bà phi của ông ta là Lê Thị Ngọc Bình đã (tự nguyện hay bị bắt ép) trở thành vợ của Nguyễn Ánh-Gia Long. Trong Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực viết thêm:
”Đệ tam cung là Ngọc Bình (chị em với Ngọc Hân công chúa, vợ vua Quang Trung) sinh hạ Quảng Oai Công và Thường Tín Công”. Chi tiết này trong Quốc sử di biên phù hợp với bộ Đại Nam chánh biên liệt truyện sơ tập, bản dịch đánh máy lưu trữ tại Thư viện Khoa học Xã hội thành phố Sài Gòn, ghi rõ trong số con vua Gia Long có ông hoàng Quảng Uy (Oai) công tên Quân và Thường Tín công tên Cự có cùng mẹ là bà Đức phi họ Lê.
Ngoài ra, các bản Ngọc Điệp, Hoàng tử và Hoàng nữ phổ ở Tôn nhơn phủ (Huế) có chép về hai hoàng tử Quảng Oai Công và Thường Tín Công như sau:
“Mẹ họ Lê, tên húy là Bình, người làng Lam Sơn, huyện Thoại Nguyên, tỉnh Thanh Hóa, con út của vua Lê Hiển Tông. Bà sinh giờ Quý Hợi, ngày 12 tháng Chạp, mùa đông năm Giáp Thìn (1784), năm Tân Dậu (1801) vào chầu hầu, chẳng bao lâu được phong lên Tả cung tần. Ngày 12 tháng 9, mùa thu năm Gia Long thứ 9 (1810) mất, tặng Đức phi, thụy Cung Thận, tẩm mộ tại làng Trúc Lâm…”.
Một kết luận tạm
Căn cứ vào những cứ liệu trên, có thể đưa ra mấy nhận định sau:
- Dù mất vào năm nào – 1799, sau 1801 hay 1806, bà Lê Thị Ngọc Hân, Hoàng hậu triều Quang Trung, chưa bao giờ làm vợ Nguyễn Ánh-Gia Long như tác giả Phạm Việt Thường đã ngộ nhận trong bài viết đăng trên Tập san Đô thành Hiếu cổ số 4 năm 1941.
- Bà Lê Thị Ngọc Bình, con út vua Lê Hiển Tông, là một cung phi của vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, sau về làm vợ Nguyễn Ánh-Gia Long, sinh cho ông hai hoàng tử là Quảng Oai công và Thường Tín công.
Như vậy nhân vật trong câu “con vua mà lấy hai chồng làm vua” không phải là công chúa Lê Thị Ngọc Hân, mà là công chúa Lê Thị Ngọc Bình, em út của bà Ngọc Hân.
Phụ đính
Những khuất lấp của biên khảo
Giai thọai với ca dao lịch sử
Theo Thiền sư Lê Mạnh Thát: Văn học nước ta có ba bài phú đầu tiên bằng chữ Nôm xuất hiện vào đời Trần, Thiền sư Huyền Quang và Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Cả ba tác phẩm này cùng ra đời vào thế kỷ XIII, xen kẽ có những bài thơ thể lục bát. Như vậy thơ lục bát đã thành hình vào thế kỷ XIII và ca dao lục bát ra đời. Và thể song thất lục bát xuất hiện sau đấy vào thế kỷ XV, ca dao song thất cũng ra đời sau đó.
Năm 1433, Phan Phu Tiên và Chu Xa sưu tập thơ của vua quan nhà Trần, nhà Lê thành cuốn Việt âm thi tập, bài tựa có câu: “Đời Đường Ngu vua tôi xướng họa thời Liệt quốc dân ca, ca dao. Tuy bàn việc khác nhau nhưng nhưng cùng là để bày tỏ nỗi lòng”.
Vào thế kỷ XVII, dưới thời Lê Trịnh có một nhà nho đề xướng dân ca là những bài ca nhân gian. (Khảo luận về ca dao dân ca - Bùi Kim Chi)
Vì vậy bài ca dao lịch sử đầu tiên có thể là bài Ai lên xứ Lạng
Ạ ời ơi…
Thứ nhất thì bầu Chi Lăng
Thứ hai cây khế Đồng Đăng Kỳ Lừa
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa (1)
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu, nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ sang Ngô
Đêm nằm tơ tưởng đi đò sông Thương (2)
Theo một tác giả biên khảo dòng họ Nguyễn Gia, tứ đại đồng đường ở Lạng Sơn thì bài ca dao cổ Ai lên thú Lạng diễn tả tâm sự người lính thú ở biên thùy vùng mạn ngược và kể lể vụ nộp cống người vàng:
“Gánh vàng” vào đời Lê-Mạc (1428-1788) Tàu bắt ta mỗi 2 năm phải triều cống 2 tượng người bằng vàng y ròng (đại thân kim nhân). Hai tượng người này để thế mạng cho Liễu Thăng và Lương Minh bị Lê Lợi giết ở ải Chi Lăng.
Vào đời Lê-Mạc nhằm vào Lê Thái Tổ 1427 đến Lê Chiêu Tông 1526, Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung giết và lên ngôi. Thời Lê sơ tồn tại 100 năm, tổng cộng 10 đời vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, thời Lê sơ xảy ra phế lập, sát hại vua nhiều nhất với 6 vua bị phế lập hay sát hại trong số 10 vị vua: Năm 1592, Trịnh Tùng giết Mạc Mậu Hợp, Lê Thế Tông được họ Trịnh phò tá trở lại mở đầu thời kỳ mới và duy nhất trong lịch sử nước nhà vừa có vua vừa có chúa mà lịch sử gọi là thời Lê Trung Hưng. Thời này cũng là triều đại tồn tại lâu nhất:với 356 năm gồm 27 vua.
Vì còn bài thứ hai có tên Ai lên xứ Lạng không có không có câu “Ạ ời ơi…” mào đầu: Bài “Ai lên xứ Lạng” có thể nằm vào thời Lê Trung Hưng ( là thời Trịnh Nguyễn phân tranh) từ đời Lê Trang Tông 1428 tới Lê Chiêu Thống 1788.
(Văn hóa truyền thống Việt Nam - Nguyễn Gia Liên)
(1) & (2) Tuy nhiên cả hai bài ca dao đều có chung một sai lạc về địa danh: Đồng Đăng không có phố Kỳ Lừa (phố Kỳ Lừa ở thị xã Lạng Sơn). Sông Thương (hay sông Lạng Giang) bắt nguồn từ Chi Lăng ở Lạng Sơn chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang. (ở thị xã Lạng Sơn có sông Kỳ Cùng và cầu Kỳ Lừa).
Giai thoại ca dao Đào Duy Từ
Nếu như theo ông Đặng Đức Thư: “Chúng ta ai cũng biết năm 1882, học giả Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên (sic) đã hư cấu chuyện đối đáp giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm” trong sách Truyện đời xưa (1)
(1) Tựa đề nguyên bản trên bìa sách là:
Chuyện đời xưa lựa nhốn (sic) những chuyện hay và có ích.
Thì chuyện đối đáp giữa Đào Duy Từ và Trịnh Tráng có tên "Ông Đào Duy Từ" được ông Hứa Hoành bòn mót trong Chuyện cổ tích (2) của ông Sơn Nam. “Chuyện cổ tích “ không ghi năm xuất bản nhưng dòm giấy lem nhem, đen đủi và mẫu chữ đánh máy cũ rích, cũ xì, mụ chữ chữ tôi phỏng chừng sách in ấn khỏang thập niên 50.
(2) Tên sách mặc dù là Chuyện cổ tích nhưng có rất nhiều truyện lịch sử thời Trịnh-Nguyễn như Bãi ông Nam ở Cà Mau (Gia Long), Đầm tôm ở Thanh Hóa (Trịnh Kiểm), v..v… Năm 2006, “Chuyện cổ tích” được nxb Trẻ in lại với tựa đề: Chuyện xưa tích cũ có thêm những tích mới như Trạng Trình, Núi Yên Tử ở Hải Dương, v.v...
Truyện Ông Đào Duy Từ từ trang 137 đến trang 140 viết về ông Đào Duy Từ gặp gỡ chúa Nguyễn (ông Sơn Nam không cho biết chúa Nguyễn nào) và xây lũy Trường Dục dài 20 km (sic). Truyện 4 trang, trang cuối cùng viết về cuộc đối đáp giữa Đào Duy Từ và chúa Trịnh (ông Sơn Nam cũng không cho hay chúa Trịnh nào).
Ông Sơn Nam chỉ kể cuộc đối đáp ngắn gọn thế này đây:
“…Biết Đào Duy Từ là nhân tài, nhiều lần chúa Trịnh cho người lén vào Nam để thuyết phục, mời ông về miền Bắc làm quan to. Giữ lòng trunh thành với chúa Nguyễn, ông Từ từ chối khéo léo, dùng những lời đẹp, sau này trở thành ca dao…”.
(Ông Sơn Nam chép nguyên bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”)
“…Và những lần sau, ông Đào Duy Từ trả lời dứt khóat:
Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen
Cũng theo lời truyền tụng thì chúa Trịnh cho đặt câu ca dao hăm dọa và mỉa mai:
Rồng nằm hồ cạn phờ râu
Mấy lời em nói, giấu đàu hở đuôi
Rồng khoe vượt gió tung mây
Nào hay rồng đất có ngày rồng tan
Nhắn nhe “bố đỏ” liệu trông mà về
Mãi tham lợi, bỏ quê quán tổ
Đất nước người, dù có như không
Đào Duy Từ mất vào năm 63 tuổi…” (Hết)
***
Ấy thế mà thành chuyện do nhà biên khảo Trần Xuân Toàn dựa theo Trịnh-Nguyễn diễn chí do Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1763) viết truyện Đào Duy Từ:
“…Đào Duy Từ con nhà ca kỹ xướng ca vô loại ở đất làng Hoa Trai, Thanh Hóa, nổi tiếng thông minh và hiếu học, vì luật lệ hà khắc của chúa Trịnh không cho phép con nhà xướng ca ứng thí khoa trường, đã quyết chí tìm đường lập thân ở xứ Đàng Trong. Chúa Sãi phong cho ông làm Nha Úy Nội Tán. Trong cuộc chiến Trịnh Nguyễn, ông đã xây một chiến lũy bằng đất từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, Đồng Hới, Quảng Bình. Dân gian gọi lũy này là Lũy Thầy…”. (tức là lũy do Thầy Đào Duy Từ dựng lên).
Tất cả chỉ có vậy nhưng có thể từ “Truyện Đào Duy Từ” trong Chuyện xưa tích cũ của Sơn Nam. và Trịnh-Nguyễn diễn chí do Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm viết chuyện Đào Duy Từ vào Đàng Trong gặp chúa Nguyễn. Nên nhà biên khảo Trần Xuân Toàn dựng lên giai thọai Trèo lên cây bưởi hái hoa.
"…Năm Đinh Mão (1627), chúa Trịnh muốn bắt chúa Nguyễn ở Đàng Trong phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắcphong vua Lê vào phong cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên và đòi Sãi vương phải thần phục, đồng thời phải nộp 30 con voi cùng 30 chiến thuyền làm lễ vật cống nạp nhà Minh. Chúa Sãi không biết xử trí ra sao, bèn hội họp triều thần hỏi mưu kế. Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong. Rồi sai thợ làm một chiếc mâm có hai đáy, bỏ sắc phong của vua Lê vào, kèm với một tờ giấy. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử Lại Văn Khuông mang ra Thăng Long. Sau khi phái đoàn sứ giả đang đêm đột ngột bỏ về, chúa Trịnh sinh nghi, bèn cho người đập vỡ mâm lễ, thấy tờ sắc phong khi trước, và một tờ giấy viết bốn câu thơ "Mâu nhi vô dịch - Mịch phi kiến tích - Ái lạc tâm trường - Lực lai tương địch". Chúa Trịnh hỏi các quan, không ai hiểu nghĩa gì. Phùng Khắc Khoan (3) nói: “Dư bất thụ sắc” nghĩa là ta không nhận sắc…”. (nguồn Xứ Đàng Trong của Phan Khoang)
(3) Đến cớ sự này, mụ chữ tôi mặt mũi héo don vì Phùng Khắc Khoan (1528-1623) sống vào thời nhà Mạc là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúa Trịnh gửi sắc phong năm 1627 thì trạng Bùng đâu còn trong cõi nhân gian này nữa!
“Trịnh Tráng cho người dò la biết được việc Sãi vương không nhận sắc phong đều do một tay Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa Trịnh tính kế làm sao để lôi kéo họ Đào bỏ chúa Nguyễn về với triều đình vua Lê và chúa Trịnh . Chúa Trịnh sai người mang quà tặng vào Bình Định biếu Đào Duy Từ, kèm bức thư riêng với bốn câu thơ:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Đào Duy Từ trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Chúa Trịnh thấy chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ nên còn hy vọng, bèn cho người mang thư vào lần nữa. Lần này, theo “Truyện Đào Duy Từ” của Sơn Nạm thì chúa Trịnh cho đặt câu ca dao vừa thuyết phục vừa mỉa mai với hai câu đẫu:
Rồng nằm hồ cạn phờ râu
Mấy lời em nói, giấu đàu hở đuôi
Bởi ca dao là câu hát, là thơ nhưng đọc 2 câu thơ của Trịnh Tráng, mụ chữ tôi chả thấy hơi hám thơ đâu cả. Vì vậy mụ chữ tôi trộm cho là Trịnh Tráng chả phải là tác giả của những câu ca dao dân gian. Ấy là chưa kể giai thọai Trịnh Tráng và Đào Duy Từ chơi với nhau từ thuở nhỏ, hai người trèo lên cây bưởi (4) hái hoa.
(4) Đến chi tiết “gai góc” này đây, mụ chữ tôi lụi đụi ra vườn nom dòm cây bưởi già cành lá đặc những gai. Nhưng vẫn chưa tin, học theo nhà biên khảo tìm ra cây tầm xuân với tên La Tình là Rosa canina, v..v.. Mụ chữ tôi bèn mò vào mạng lươi: Bưởi có tên khoa học Citrus maxima (Merr., Burm. f.), hay Citrus grandis L.. Bưởi là loài cây to, cao trung bình khoảng 3–4 m ở tuổi trưởng thành, vỏ có màu vàng nhạt, ở những kẽ nứt của thân đôi khi có chảy nhựa. Cây thân gỗ. Cành có gai dài, nhọn…để khêu ốc.
Từ chuyện cổ tích, Trần Xuân Toàn viết giai thọai Trèo lên cây bưởi hái hoa cành mọc đặc những gai sao mà leo. Thêm một học giả thuộc Nguyễn hòang tộc, cứ thấy 9 đời chúa 13 đời vua là nhẩy bổ vào…bụi tầm xuân và dẫn giải Đào Duy Từ mượn bài thơ Tiết phụ ngâm với tích Trường Tịch và Lý Sư Đạo cùng một hoàn cảnh, tâm trạng giống mình để thoái thác. Trương Tịch trả lời Lý Sư Đạo có câu: “Quân tri thiếp hữu phu” (em có chồng, chàng đã biết) và: “Hận bất tương phùng vị giả thi” (phải chi gặp gỡ lúc chưa chồng). Thêm cụ hủ nho Ngộ Không dựa vào câu bây giờ em đã có chồng, như chim vào lồng, như cá cắn câu nên bê vào bài sưu khảo có trọng lượng của cụ tích Tương tư của Lương Ý Nương đời Đường với “Tương tư bất tương kiến cùng quân tử chi giao đạm nhược thủy” vơi “Thiếp tại Tương Giang vĩ, quân tại Tương Giang đầu”.
Và chẳng thể thiếu nhà biên khảo đính kèm danh vi bác sĩ với nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, ông tìm ra cây tầm xuân mọc đầy rẫy ở đất Bình Định, ông còn chua thêm cây gốc tây Bắc Phi châu với tên khoa học dài ngoằng ngoẵng Rosa canina và .chữ La Tình: Rosa cymosa, Rosa multiflora, hoặc Rosa tunquinensis.
Cái khó khăn của người biên khảo
Trong bộ Văn Học Miền Nam xuất bản năm 1999, Võ Phiến điểm tất cả bộ môn văn học như tiểu thuyết, kịch, thơ, ký v.v... nhưng ông bỏ qua biên khảo vì ông cho là bộ môn này không có tính cách sáng tạo mà thuộc về học thuật.
Thực ra khi hoàn tất một cuốn biên khảo thường mất nhiều công phu và những tác phẩm biên khảo có giá trị dù rằng chỉ là công việc đúc kết, tóm lược, phán xét đi chăng nữa cũng là những tác phẩm rất hữu ích và cần thiết khi mà số sách vở xuất bản thời nay bề bộn về số lượng khiến độc giả không biết đâu vàng thau để mà mò. Các tác giả biên khảo thường là những người viết có học vị cao, nghiền ngẫm hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách để cô đọng nên tác phẩm của họ. Nhưng không phải những công trình khổ cực ấy không có những sai sót mà những người viết sau căn cứ vào những chi tiết sai lầm đó để viết thành một tác phẩm khác sẽ trở nên một dây chuyền sai lầm mãi mãi..
(Đặng Trần Huân)
Giai thọai với ca dao lịch sử
Ca dao có dây mơ rễ má vào đời Lê Chiêu Thống là hai câu:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
Ông Bút Chì ở tòa soạn Làng Văn 26, trang 94, giải thích theo sách Việt Nam phong sử của Nguyễn Văn Mại (tủ sách Cổ Văn, phủ Văn Hóa, Sài Gòn 1972, trang 126) ghi như sau: "Thơ phong sử này thuộc tỷ. Cải (rau cải) có thể làm dưa, tháng mùa đông bắt đầu gieo hột mà trồng. Trời (thiên triều), triều nhà Thanh bên Tàu. Nước ta trải các đời đều chịu triều đình Trung Hoa phong cho, cho nên gọi Trung Hoa là thiên triều. Răm, thứ rau có vị cay, mọc ở chỗ đất thấp.
Theo sử ký, Nguyễn Thị Kim, người ở làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài, là cung phi của vua Lê Mẫn Đế (sic). Lúc ấy quân Tây Sơn chiếm cứ thành Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống và hoàng thái hậu với cung phi chạy lên Cao Bằng, nếm mọi nỗi đắng cay.
Đến khi vua Chiêu Thống sai người sang cầu cứu với nhà Thanh (1) thì trước hết bí mật khiến người hộ tống thái hậu và Nguyên Tử (con trai trưởng của vua) đi sang Tàu.
(1) Việc cầu viện nhà Thanh trước đây sử nước ta vẫn đổ riệt cho mẹ con vua Chiêu Thống thực ra còn nhiều uẩn khúc… (Nguyễn Duy Chính)
Còn Cung phi Nguyễn Thị Kim đi theo không kịp, phải buồn hận trở về, âm thầm ẩn tránh trong dân gian lo việc làm ruộng nuôi tằm, dệt vải để sống bằng sức lực của mình. Ngày xưa sống với phấn sáp cung trang, ngày nay nàng trở thành người đàn bà quê với áo vải hoa gai, vua thì chạy đi, nước thì tan mất, nỗi đắng cay không xiết được, cho nên làm thơ phong dao để tự ví mình.
Cải, là thứ rau có vị đắng, ví với thái hậu
Rau răm cũng có vị đắng, ví với cung phi
Ý nói là thái hậu đi xa sang thiên triều chưa biết kham khổ ra sao. Một mình cung phi ở lại trong đất giặc chiếm đóng phải chịu những nỗi cay đắng ấy. Đấy cũng là lời than thở. Về sau vua Chiêu Thống ở Yên Kinh bị bịnh chết. Sau khi lấy được nước và định quốc đô, triều Nguyễn (2) xin nhà Thanh đưa linh cữu vua Lê Chiêu Thống về nước. Cung phi Nguyễn Thị Kim đến trước linh cữu lạy khóc rồi uống thuốc độc mà chết.
(2) Không phải triều Nguyễn mà là Lê Quýnh, vong thần nhà Lê cùng với Lê Chiêu Thống lưu vong sang Tàu. Lê Quýnh khi ra khỏi ngục luôn luôn đến viếng mộ ông và sau này tìm đủ mọi cách để thực hiện di mệnh đưa nắm xương tàn của ông về quê cũ. Khi Thanh triều công nhận triều Nguyễn, năm Giáp Tí (1804) niên hiệu Gia Long thứ 3, Lê Quýnh xin được đưa hài cốt vua Lê, thái hậu và nguyên tử về nước táng ở Thanh Hóa. Việc hoàn thành, Lê Quýnh trở về quê tu ở chùa Đại Đồng. Tháng Chín năm Ất Sửu (1805), ông bị cướp đâm chết.
Giai thoại sấm ký: Ngựa đá qua sông
Dòng sông Thái Bình hiền hoà, bình lặng, chiếc đò ngang nho nhỏ vẫn cần mẫn đi về, nối liền đôi bờ. Bên này là đất Vĩnh Lại, nơi quê hương của cụ trạng Trình, một vùng đất hiếu học và trọng khoa cử. Nhưng học thì rất nhiều mà đỗ đạt thì lại ít, chẳng mấy ai làm nên những sự nghiệp lớn lao. Có thể xem vùng đất này:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu
(Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi)
Dân miền Vĩnh Lại ấm ức nên tìm đến hỏi cụ trạng cho ra nhẽ, song cụ trạng chỉ nói: thiên cơ bất khả lậu! Dân chúng thầm bất mãn, cho rằng trạng biết mà không nói để bản thân riêng hưởng. Nghe tin ấy, trạng rất phiền lòng, sau cụ trạng bèn làm một con ngựa đá, trạng còn cho thợ khắc hai câu thơ bằng chữ nho:
Hà thời thạch mã độ giang
Thử thời Vĩnh Lại nghinh ngang công hầu
Tạm dịch nôm như sau:
Bao giờ ngựa đá sang sông
Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng
Giữa lúc ấy, xứ Đàng Trong nhà Tây Sơn đánh thắng chúa Nguyễn, rồi thừa thắng đem binh ra diệt luôn chúa Trịnh ở bắc, trả quyền cho nhà Lê. Vua Lê từ đó thoát khỏi nạn chúa Trịnh chuyên quyền, nhưng sau khi Hiển Tông mất, Lê Chiêu Thống lên ngôi, họ Trịnh lại trở về. Vua Lê phải triệu Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp. Chỉnh đem binh ra đánh đuổi chúa Trịnh. Nhưng Chỉnh lại chuyên quyền, ra mặt chống với Tây Sơn, Nguyễn Huệ sai Nhậm đánh Chỉnh. Chỉnh đem vua Lê chạy trốn. Nửa đường Chỉnh bị Nhậm bắt, vua thì thoát nhưng phải giả dạng thường dân mang theo ân tín mà chạy. Tứớng Tây Sơn đuổi theo, vua phải qua sông Vĩnh Lại và ở lại làng này.
Việc vua đến lưu trú, lại thêm chuyện "ngựa đá qua sông" dân làng cho rằng đây là sấm ký của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho biết trước làng Vĩnh Lại được oai danh hiển hách, mới rước vua về đình rồi thảo hịch chiêu mộ quân sĩ để chống Tây Sơn, sẵn có ấn tín của vua, hết người này đến người khác bức vua phong tước. Thế cùng, lực kiệt, nhà vua đành nghe theo, vậy là chỉ trong mấy ngày dân Vĩnh Lại đều thành quan này, quan nọ cả. Phong tước xong, nhà vua từ giã để chạy sang làng khác. Hay tin dân làng Vĩnh Lại phò Lê chống Tây Sơn, Vũ Văn Nhậm đem quân vây đánh, dân làng chống cự không lại, lớp bị giết, lớp bị bắt thật thảm thương.
Trong cuốn Mảnh Vụn Văn Học Sử do nhà xuất bản Chân Lưu, Sài Gòn in năm 1974, Bằng Giang đề cập tới nhiều nghi vấn liên quan tới các nhà văn học Tản Đà, Phạm Quỳnh, Huỳnh Tịnh Của... đã được viết trong các sách thời tiền chiến. Ông tìm ra rất nhiều sai lầm văn học trong một số tác phẩm nổi danh nhưng chưa rõ xuất xứ.
Trong cuốn Thi Văn Bình Chúa của Trúc Khê xuất bản thời thập niên 1940 có bài Chùa Hương Tích khi bình giải ông ghi tác giả bài thơ là vua Lê Thánh Tông. Thực ra căn cứ theo thần phả của nhà chùa thì chùa được xây dựng thời Chính Hòa (1680-1705) vua Lê Thánh Tông mất năm 1497 không thể là tác giả bài thơ được. Trần Văn Tích đã nêu lên sự sai lầm này và rất nhiều sai lầm khác của nhiều tác phẩm đáng tin cậy của ông cha chúng ta trong cuốn Sự Muôn Năm Cũ do NXB Làng Văn in năm 1992.
Bộ Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên gồm ba cuốn của Phạm Thế Ngũ do Quốc Học Tùng Thư xuất bản năm 1962-1965 là một bộ sách văn học công phu có giá trị sau những cuốn thuộc loại này trước ông. Chúng tôi đã tham khảo bộ sách trên khi tìm hiểu lai lịch Tự Lực Văn Đoàn, thì đọc thấy rằng Khái Hưng có kể chuyện thành lập TLVĐ trong tiểu thuyết Những Ngày Vui. Lần theo dấu vết để đọc lại Những Ngày Vui của Khái Hưng nhiều ấn bản khác nhau chẳng thấy đoạn nào nói về chuyện đó cả.
Giai thoại sấm ký: Tứ đai tuyệt
Từ chuyện thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong với giai thoại: “Tứ đại tuyệt tự”, nôm là nhà Nguyễn chỉ kéo dài chỉ bốn đời thôi là hết đất.
Số là sau khi vào đến Thuận Hóa, chúa Tiên đang trắng mắt như con tinh vì không biết “Tả thanh long, hữu bạch hổ” ẩn mình ở xó xỉnh nào. Ngay buổi tối hôm ấy, nhà chúa nằm mơ thấy một bà lão tóc bạc phơ, hiện về và dậy rằng: Đất này có thế "Nhất hổ trục quần dương - Tiên vi tướng, hậu vi vương" nếu muốn mạng đế vương được truyền tử tôn đời đời kế thế thì phải dựng chùa thờ…Bà Trời.
Như ở trên, có nhà biên khảo nào đó dẫn giải vì Tự Đức tuyệt tự, nên nhà Nguyễn chấm dứt, ứng vào câu truyền khẩu dân gian “Tam đại phát đế vương - Tứ đại tuyệt”. Nhà biên khảo này đây còn chắc như gạch nung đưa thêm giai thoại…sấm ký của cụ Trang Trình “Phụ nguyên chính thống hẳn hoi – Tin dê lại phải mắc mồi đàn dê”. Ý nói chính thống nhà Nguyễn Gia Long là hòang tử Cảnh nhờ trợ giúp của người Tây qua Bá Đa Lộc để diệt nhà Tây Sơn. Nhưng nhà Nguyễn cũng sẽ mất vào tay thằng Tây. Vì chữ “dê” chữ Hán là “dương”. Dương đây chỉ người Tây phương như dương lịch.
Thêm chuyện xưa tích cũ vào thời Tự Đức quan quân kéo tới đập phá đền thờ quan Trạng "An Nam lý học hữu Trình truyền". Hỏi ra mới hay Tự Đức sốt tiết vì câu sấm “Gia Long tam đại - Vĩnh Lạc vi vương”. Diễn nghĩa là chả phải truyền tử tôn đời đời kế thế như Bà Trời dậy mà theo cụ Trạng Trình chỉ kéo dài 3 đời là hết đất. Vì Tự Đức không phải giòng giống nhà Nguyễn, mà là con của Quận Quế người Vĩnh Lạc.
Qua giai thoại Tự Đức là con của Quận Quế người Vĩnh Lạc. Mụ chữ tôi tầm chương trích cú từ ông Võ Hương An qua bài biên khảo dài 9 trang, hơn 5000 chữ nên không bày vẽ vào đây. Mà chỉ ghi chép bốn câu truyền khẩu dân gian:
Nhất đại tầm thường,
Nhị đại phát văn chương,
Tam đại phát đế vương,
Tứ đại tuyệt
Mụ sử tôi hiểu lôm côm: Nhất đại tầm thường là Gia Long. Nhị đại phát văn chương là Minh Mang. Tam đại phát đế vương là Thiệu Trị. Tứ đại tuyệt là Tự Đức. Thế nhưng mụ chữ tôi rửa óc nghĩ không ra tại sao chúa Nguyễn Hoàng dựng chùa lại thờ Bà Trời?
Cành đào Quang Trung
Vì nhà sử học Lê Văn Lan (1) mang “Cành đào Nguyễn Huệ” vào văn học sử, nên người viết Trần Nhuận Minh có bài viết Nói dối trong sử học.
(Bài viết của tác giả được mụ chữ tôi thêm thắt chút ít)
(1) Nhà sử học Lê Văn Lan là tác giả bài khảo sử: “Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi chậm một ngày” trong Chuyện người ngọai sử.
Lòng dặn lòng không gây sự thị phi các loại, nhưng vào khoảng một tháng trước, Nhà sử học Lê Văn Lan có một bài giới thiệu về chùa Bộc (2) ở Hà Nội. Bài viết này được chép lại trên trang Wiki. Trước giờ, tôi (Trần Nhuận Minh) cứ tưởng Wiki phải tham khảo bài viết của nhà chuyên môn, không dè lại là ngược lại!
(2) Chùa Bộc ở Hà Nội có pho tượng với hai câu đối ở hai bên: “Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ - Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân” ngụ ý nói rằng ở Thăng Long vẫn còn có chỗ để thờ Quang Trung dưới dạng tượng Phật. Theo Nguyễn Phương trong Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn, Sài Gòn: Khai Trí 1968, trang 40, cước chú viết: “Nhiều người cứ tưởng là tượng Phật, nhưng kỳ thực hình dung Quang Trung mình mặc triều phục mà chân một trong hia, một để ra ngòai trông rất ngang tàng, rất anh hùng cái thế. (tr 159)
Nhưng cái đáng nói là ở đoạn kết bài viết của nhà sử học Lê Văn Lan:
“…Cảnh vật chùa Bộc làm tôi nhớ đến chuyện tình cảm động của công chúa Lê Ngọc Hân với Hoàng đế Quang Trung, sau chiến thắng quân Thanh, vua cho mang cành đào về báo tin thắng trận cho vợ, mang cả mùa xuân Thăng Long về Phú Xuân…”.
Đoạn này của nhà sử học cho thấy ông có sự sai lầm không đáng có ở trong Viện sử học. Trong văn học cũng vậy, Chế Lan Viên cũng đã nhầm lẫn nên làm bài thơ...
Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu
Đào phi theo ngựa về cung nhé
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào
Tôi đành phải thưa với hai ông về cành đào này vậy:
Mùng 5 Tết 1789, đại quân Tây Sơn quét sạch Mãn Thanh tiến vào Thăng Long. Chiến thắng này mang lại không ít khoái cảm tự hào dân tộc. Từ đó có nhiều giai thoại về nhà Tây Sơn, và giai thoại “Cành đào Quang Trung” là lãng mạn nhất trong số đó.
Chuyện kể rằng: Hoa đào Thăng Long năm ấy nở rộ, Huệ thấy vậy nên chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai phu trạm mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng. Dịch trạm thay nhau hỏa tốc đưa cành đào, chỉ hai ngày sau, mùng 7 tháng Giêng, là đã đến tay người nhận.
Chi tiết cành đào này đắt giá đến nỗi đã được chính thức đưa vào lễ hội Đống Đa hàng năm. Được các văn nghệ sĩ khai thác tối đa sau này, lâu ngày chày tháng, nó được nhìn nhận là sự thật trong tâm tưởng của không ít người dễ tin.
Sách sử trước kia không hề có ghi chép nào về “Cành đào Nguyễn Huệ”, vậy chi tiết này từ đâu ra? Thưa rằng, từ trí tưởng tượng bay bổng của một kịch tác gia miền Bắc xã hội chủ nghĩa viết về tuồng chèo. Nghệ thuật tuồng, chèo ở ta gần như mai một, việc tìm kịch bản chèo về “Quang Trung” là vô phương. Tuy nhiên, nhờ chi tiết cành đào Quang Trung tặng vợ quá “đắt”, nên vẫn còn có người ghi nhớ và chứng thực.
Nhưng Nguyễn Đình Thi (3), Văn Chinh… cho rằng nó do ai đó hư cấu. Vì:
“…Giờ ta thử kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Khoảng cách Hà Nội-Huế là 659 km, cho rằng vận tốc ngựa trạm bằng vận tốc trung bình của vận động viên xe đạp là 50 km/giờ. Không kể thời gian đổi người thay ngựa, sớm nhất cũng phải 13 ngày mới đến nơi. Qua mười mấy ngày đó, đào sẽ trụi sạch cả lá, chứ đừng nói đến hoa, dù nụ hay bung. Vậy mà tất cả những “sử liệu” có nêu cành đào Nguyễn Huệ…tất cả đều được viết từ sau thời điểm vở chèo Quang Trung ra đời năm 1964…”
(3) Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng viết truyện “Cành đào Nguyễn Huệ”.
Đồng tình với Nguyễn Đình Thi, Văn Chinh, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:
“…Một lần tôi nói chuyện với nhà văn Văn Chinh về cành đào Nguyễn Huệ gửi tặng công chúa Ngọc Hân. Tôi nói đã nghe chính nhà viết chèo, hình như là Việt Dung thì phải, tôi nhớ tên tác giả chưa hẳn đã chính xác, nhưng ý kiến của tác giả thì tôi chắc là mình không nhầm, rằng, chi tiết ấy là do ông (Việt Dung ) bịa ra trong vở chèo chứ không có chuyện đó trong thực tế. Phải ghi nhận sáng tạo rất có ý nghĩa này, nhưng ghép nó vào lịch sử thì tôi e là mình lại nhầm lẫn đấy…”.
***
Đến câu Trần Đăng Khoa viết: “ông Việt Dung bịa ra trong vở chèo”. Ngược dòng trở lại khúc trên, Trần Nhuận Minh cũng cho hay: “từ trí tưởng tượng bay bổng của một kịch tác gia miền Bắc xã hội chủ nghĩa viết về tuồng chèo”
Đủng đỏang thế nào chả biết nữa, cấu vào mắt là chữ “chèo”, đang bù đầu tóc rối với tạp văn Cao đàm khóat luận về mấy ông đồ như Tú Sót, Vũ Đình Liên…Thế là mụ chữ tôi đẩy con chuột trên mạng lưới đi tìm những cụ lão làng viết kịch chèo kỳ cổ như Tào Mạt, Đồ Phồn thì lại đụng vào bài viết của một nhà phê bình văn học trong nước chỉ một số điểm chưa hoàn thiện ở kịch bản chèo vốn được coi là tiêu biểu về lịch sử:
“…Có thể lấy chuyện vua Quang Trung đánh tan quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long làm ví dụ”, như: “Khi viết kịch bản chèo, tác giả Trúc Đường đã hư cấu chi tiết vua Quang Trung qua làng Ngọc Hà, thân hành lấy một cành đào đầy nụ để sai người chuyển về Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Chi tiết này vừa đẹp, vừa mang nhiều lớp nghĩa nên được đề cao tới mức nhiều nhà sử học coi đó là chuyện thật…”.
***
Ngọai truyện
Trúc Đường tên thật Nguyễn Mạnh Phác (1911-1983), quê ở Vụ Bản, Nam Định. Mồ côi cha mẹ sớm, nhà nghèo, ông cùng em trai Nguyễn Bính ra Hà Nội mưu sinh. Ông chuyên soạn kịch về đề tài lịch sử. Những vở kịch chèo nổi tiếng là Tấm vóc đại hồng, Thái hậu Dương Vân Nga, Quang Trung, Hoàng Diệu. Ông mất năm 1983.
Năm 1962, sau thành công vở Quang Trung trên sân khấu kịch chèo hiện thực, Trúc Đường chuyển hẳn sang viết kịch bản về đề tài lịch sử. Trong số những vở về đề tài lịch sử có giá trị của kịch hiện đại, ta thấy hiện diện vở kịch: Quang Trung.
Gương mặt ông với thời Quang Trung...ấn tượng sâu nhất của tôi (Trịnh Thanh Sơn) về Trúc Đường là sự mê say của ông, đúng hơn: đó là sự chìm đắm vào lịch sử. Với Trúc Đường, lịch sử là đời sống. Lần nào gặp tôi, ông cũng say sưa nói về lịch sử, về quá khứ, về những hình bóng xa xưa mà vô cùng gần gũi, thân thuộc với ông.
Những nhà sáng tác về đề tài lịch sử, dường như họ hơn hẳn chúng ta về cuộc sống. Họ vừa sống cuộc sống hiện thời hôm nay, vừa sống cuộc sống quá khứ hôm qua. Họ có thể không "thuộc" sử, không "sành" sử bằng các nhà sử học, nhưng, dường như, họ hơn hẳn các sử gia mọt sách ở sự sống, cuộc sống lịc sử. Và chính từ sự sống đó, ở họ đã nảy sinh nguồn cảm hứng sáng tạo, từ lịch sử. Từ hôm nay mà suy nghĩ về hôm qua để phát hiện những mới mẻ cần thiết cho hôm nay. Có lẽ trong Trúc Đường, từ chỗ giao thoa của hai luồng suy nghĩ về lịch sử và về hiện thời ấy đã bật lên, loé lên những sáng tác, cái mà Pau-tốp-ski gọi là những "tia chớp", nó soi rọi cho ông. Trúc Đường không tái hiện lịch sử một cách đơn thuần. Ông tái hiện nó trong hơi thở của thời đại hôm nay.
Trong kịch của Trúc Đường, nhiều tình tiết được tác giả hư cấu theo tinh thần đó. Một chi tiết mà sinh thời Trúc Đường rất tâm đắc: Cành đào tết trong vở Quang Trung. Giữa ngày xuân đại thắng, từ Hà thành, Nguyễn Huệ đã gửi một cành đào tết làm quà chúc tết Ngọc Hân lúc đó còn đang ở Phú Xuân. Người anh hùng áo vải thét ra lửa ấy gửi cho cô gái Hà thành một món quà tết, rất tết, rất Hà thành.
Tôi nhớ (nhà phê bình văn học trong nước, mụ chữ tôi sơ sót không ghi danh tính), Trúc Đường vốn là người khiêm nhường, giản dị, nói ít, nghĩ nhiều, và kín đáo, tế nhị. Phải chăng, những đức tính đó là nguyên nhân sâu xa khiến cho cảnh vật và con người
ông hư cấu, tái tạo,...từ lịch sử trở nên "ngọt" và êm, không "chối".
Trúc Đường đã có đóng góp vào sự phát triển của kịch hiện đại, nhất là đóng góp về phương diện đề tài lịch sử. Điều đó đã rõ. Song, riêng với kịch hát dân tộc, với sân khấu chèo, thì đóng góp ấy lại càng đáng kể hơn. Với Trúc Đường và Tào Mạt, chèo lại có thêm một mảnh đất đưa chèo đến một bến bờ mới ở thời đại chúng ta.
Cái khó khăn của người biên khảo
Thiếu thực tế và suy luận chủ quan vô căn cứ là hai nguyên nhân dẫn tới sai lầm. Nhưng nguyên nhân chính là sự tin tưởng hoàn toàn vào sách cũ, thu mình trong thư viện, do không đánh giá, chọn lọc, không cân nhắc kỹ càng các tài liệu tham chiếu.
Ở phần cuối mỗi cuốn biên khảo thường thường có danh sách dài dằng dặc những sách được kê cứu để chứng minh. Chúng tôi đã đọc thấy một cuốn biên khảo liên quan tới Việt sử mà trong danh sách tham chiếu mấy chục cuốn sách thì đa số là sách xuất bản tại Việt Nam nhiều cuốn sau năm 1975. Thử hỏi nếu viết về sử cận đại mà lại tham khảo và tin tưởng hoàn toàn ở những sách của nhà xuất bản Sự Thật thì đúng được bao nhiều phần trăm. Tham khảo những cuốn sách của Mỹ hay Pháp viết về cuộc chiến Việt Nam còn cần lựa chọn, cân nhắc các dữ kiện hơn nữa vì đa số tác giả Mỹ, Pháp nhìn cuộc chiến Việt Nam bằng một cái nhìn thiên lệch. Lấy ví dụ như cuốn Vietnam, a History của Stanley Karnow nói về cuộc chiến Việt Nam chẳng hạn.
Với những sinh viên Việt Nam sinh trưởng tại Mỹ sau 1975 am hiểu rất ít về nguồn gốc và lịch sử Việt Nam mà lại chỉ đọc và tin vào những sách kiểu như của Karnow thì việc giới thiệu những tác giả loại này có thể là một con dao hai lưỡi.
Quê hương nhà Tây Sơn
Theo Tiến sĩ Hàn lâm Thái Văn Kiểm Trong tác phẩm Thân thế và công nghiệp nhà Tây Sơn, lấy năm 1558 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1524-1613) vì tránh né chúa Trịnh di dân về miên nam qua 9 đời chúa cả thảy là 219 năm. Thêm vào thời kỳ phân tranh với nhà Tây Sơn (1778-1801) cộng là 14 năm. Theo như “Sấm ký nhà Tây Sơn”:
Ðầu cha lấy làm chân con
Mười bốn năm tròn hết số thời thôi
Cha nhỏ đầu con nhỏ chân
Ðến năm Nhâm Tuất thì chân chẳng còn
Với Ðầu cha lấy làm chân con - Mười bốn năm tròn hết số thời thôi, chiết tự chữ Hán: Trên chữ đầu chữ Quang (Trung) và dưới chữ Cảnh (Thịnh) có chữ “tiểu” có nghìa là “nhỏ bé, ngắn ngủi” (đoản mệnh).
Còn Ðến năm Nhâm Tuất thì chân chẳng còn thì ứng vào triều đại Tây Sơn, kể từ khi dấy nghiệp (1789) cho tới khi diệt vong năm Nhâm Tuất (1802), được chia ra hai đời vua: Nhạc-Huệ-Lữ và Quang Toản (Cảnh Thịnh), cộng được 14 năm.(1)
(1) Theo tác giả Nguyễn Duy Chính: Nhà Tây Sơn gồm Quang Trung 5 năm, Cảnh Thịnh 8 năm, Bảo Hưng 2 năm, tổng cộng là 15 năm.
Trong số người bị bắt buộc phải di dân ở Nghệ An có ông tổ 4 đời của Nguyễn Huệ, vốn họ Hồ. Như thế họ Hồ có thể cùng họ với Hồ Quý Ly. Vì con là Hồ Hán Thương (1400-1407) trải qua nhiêu biên cố của lịch sử, con cháu của Hán Thương đã lánh nạn vào đây. Ngoài ra, Hồ Quý Ly tự xưng là hậu duệ của vua Đường Ngu ở bên Tàu, cho
nên đặt tên nước Nam là Đại Ngu.
Những người họ Hồ ấy, do lệnh của chúa Nguyễn Hoàng di dân vào Bình Định có Hồ Phi Phúc. Ông này lấy vợ tên Nguyễn (2) Thị Đồng, người xã Phù Lạc, gần trang trại Tây Sơn, thuộc Bình Định. Hồ Phi Phúc vì nhớ quê cha đất tổ ở Nghệ An, nên đặt tên cho ba người con với 3 ngọn núi của xứ sông Hồng núi Lam: Đại Nhạc, Đại Huệ và Lữ Sơn. Ông đặt tên 3 con theo họ vợ là: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. (3)
(2) Hồ Phi Phúc về quê vợ Phú Lạc gần trang trại Tây Sơn thuộc huyện Tây Sơn, ở đưới đèo An Khê, có sông Côn (Bình Định), và Tây Sơn Hạ Đạo. Gần đấy có bến Trường Trầu, là nơi Biện Nhạc (Nguyễn Nhạc) vừa làm biện lại lo việc tuần tiễu, vừa buôn trầu xuôi ngược trên dòng sông Côn.
(Chú thích của Nguyễn Gia Kiểng theo nguồn: Sử gia Phan Huy Lê)
(3) Dựa vào Nguyên Duy Chính nhà Tây Sơn có 4 anh em trai: Nguyễn Quang Hoa (mất sớm, có con là Nguyễn Quang Hiển), Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ), và Nguyễn Quang Thái (tức Nguyễn Lữ).
Gia thế nhà Tây Sơn
Có người cho rằng nhà Tây Sơn có 7 anh chị em, người anh cả Nguyễn Nhạc được dân nơi ấy gọi là anh Hai trầu (vì buôn trằu). Nguyễn Huệ được gọi là chú Ba Thơm (hoa huệ vốn là hoa thơm, như lời giải thích của Huệ với thầy giáo Hiến). Nguyễn Lữ được gọ là thầy Tu Lữ (vì nhỏ Lữ theo đạo sĩ học Lão giáo). Trong mấy anh em, Nhạc hay chữ Nho nhất đám, uy dũng, là tay hảo hớn. Huệ tướng mạo uy nghi, da mặt hơi mụn, tóc đen, hơi quăn, cặp mắt sáng ngời như tỏa điên quang, tiếng nói như sấm vang, thân hình vạm vỡ, da hơi ngăm đen, giống như người Mường Lạc Như Mai Hăc Đế, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm…đều giống người Mường Lạc.
Những nghi vấn và cái chết của vua Quang Trung
Nhớ lại năm 1789, khi tặng áo (4) Càn Long có thơ trong đó có câu: “Phát dị Nam bang y dũ quan”, có nghĩa là mũ áo không khác gì nước Nam. Mãi về sau những nhà chiết tự đoán ra thâm ý của Càn Long dùng thơ nhắc khéo vua nước Nam khỏi phải cống người vàng tử trận Chi Lăng (1427) đời Lê đã giết Liễu Thăng. Chưa nói chi tới việc nước Nam gủi vua giả (Nguyễn Quang Hiển 1789 và Phạm Công Trị 1790). Vua Tàu tưởng thật, nên tặng nhiều tặng phẩm cho vua ta trong đó có bức tranh truyền thần.
(4) Đến khi vào làm lễ xong, vua Càn Long đặc biệt ân thưởng “kim hoàng mãng bào” cho vua Quang Trung có thể thêu rồng năm móng. Vì là tước thân vương ông được ban cho đai màu kim hoàng, khoác áo ngắn màu vàng (hoàng mã quải) .. Về màu sắc thì chỉ vua mới được mặc áo màu vàng sáng (minh hoàng), hoàng thái tử mặc giống như nhà vua nhưng màu vàng nhạt (hạnh hoàng), các hoàng tử mặc áo màu vàng kim (kim hoàng), nếu họ xa thì chỉ được mặc màu xanh hay xanh thẫm (trừ trường hợp đặc biệt được vua cho phép mặc áo màu kim hoàng). Theo sử thì tới cuối triều Càn Long, số thân vương được mặc áo màu kim hoàng rất hiếm. (ND Chính)
Theo học giả Thái Văn Kiểm viết trong Thân thế và công nghiệp nhà Tây Sơn:
Năm 1789, sứ giả nhà Thanh sang trao sắc phong (5) cho Nguyễn Huệ. Vua Càn Long tặng vua Quang Trung cái áo bào thêu kim tuyến 7 chữ: “Xa tâm chiết trục đa điền thử”. Với cái chết bất ngờ của vua Quang Trung, quần thần cho là Càn Long đầu độc Nguyễn Huệ qua cái áo bào có tẩm thuốc độc. Sau này nhà chiết tự tìm ra ý nghĩa thâm sâu của 7 chữ: “Xa là xe, tâm là lòng, ghép lại trên dưới là chữ Huệ. Chiết trục là xe bị gãy trục. Đa điền thử là ruộng nhiều chuột. Ý rằng Nguyễn Huệ chết trong năm chuột, Nhâm Tý 1792 (6) vì Nguyễn Huệ gửi người làm vua giả sang yết kiến Càn Long, vua Tàu tưởng thật tiếp đón trọng thể, và ban tặng phẩm trong đó có bức tranh truyền thần.
(5) Vua Quang Trung được Càn Long ban áo bào nhân dịp lễ Bát tuần đại khánh.
(6) Theo Tây Sơn thực lục, Lê Quý dật sử, và Phan Huy Ích trong bài thơ “Thu phụng quốc tang cảm thuật” đều ghi ngày 19-9 năm Nhâm Tuất 1792 là ngày quy tiên của Quang Trung Nguyễn Huệ.
Giai thoại câu đối Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm
Theo Đặng Đức Thư: “Chúng ta ai cũng biết năm 1882, học giả Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên đã hư cấu chuyện đối đáp giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm”.
Cũng vậy với chuyện hư cấu, trong tác phẩm Tuyển tập thơ của Ngô Thì Nhậm của hai tác giả Cao Xuân Huy và Thạch Can. Nxb KHXH, Hà Nội, 1978, trang 10, 11 ghi:
“Câu chuyện và đôi câu đối giữa Ngô Thì Nhậm với Đặng Trần Thường ở Văn Miếu chỉ có thể là một giai thoại do dân gian dựng lên, cho đến nay chưa có một văn bản nào chính thức xác nhận sự có thật của hai vế đối đó…”
Thế nhưng không hẳn là hư cấu hay giai thoại do dân gian dựng lên, vì qua ông Ngô Đức Diễn, sinh năm 1943, đời thứ 19 dòng họ Ngô, cụ tổ Phúc Cơ của ông cho biết:
"…Ngày bé, tôi thường nghe ông nội tôi kể chuyện cụ tổ chúng tôi là cụ Ngô Thì Nhậm. Ngày nhỏ, cụ tổ chúng tôi là đứa bé thông minh, sau này lớn lên, đỗ đạt, thành tài, ra làm quan giúp sức cho triều đình Tây Sơn vinh danh dòng họ. Đặng Trần Thường vốn xưa là đồng môn một thời với Ngô Thì Nhậm nhưng cụ tổ chúng tôi không thích và giữ khoảng cách.
Chuyện xưa kể rằng, Đặng Trần Thường tìm đến nhà đồng môn của mình là cụ Ngô, mang theo rất nhiều lễ vật, trong có một buồng cau rất to, quả đẹp, bày tỏ mong muốn nhờ người bạn đồng môn tìm cách tiến cử mình ra làm quan trong triều Tây Sơn. Tuy nhiên, vốn không ưa bản tính của Đặng Trần Thường, lại là một vị quan thanh liêm, Ngô Thì Nhậm thẳng thừng từ chối. Biết là không thể đi đường tắt, Đặng Trần Thường ra về, trong lòng hết sức uất hận. Ra đến ao lớn ngoài ngõ nhà cụ Ngô, Đặng Trần Thường hất buồng cau và lễ vật xuống ao và thề độc: "Nhất định sau này sẽ trả thù". Một thời gian sau đó, Đặng Trần Thường chạy vào Nam theo Nguyễn Ánh, sau này lật đổ được đổ được triều Tây Sơn. Đặng Trần Thường được giữ chức tổng trấn Bắc Kỳ.
Sau Tết Quý Hợi 1803, tổng trấn Bắc Thành của vua Gia Long cho lính đi bắt ba vị tiến sĩ đồng khoa thi năm Ất Mùi 1775 là Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và Ngô Thì Nhậm ra giữa sân Văn Miếu nhận đòn "đả trượng" vì tội đã là sĩ phu, là triều sĩ đại khoa mà lại đi theo "Ngụy Tây" (Tây Sơn).
Vốn có thù cũ, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
(Vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường).
Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
(Vế đối lại cũng có 5 chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng. Và vế đối cũng có chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhiệm).
Hai câu đối nhau chan chát, cực kỳ chỉnh không sai trật một ly. Quả là lời lẽ và từ ngữ của bậc quốc sĩ, hào khí ngất trời.
Nguyễn Thế Lịch và Phan Huy Ích về nhà sống một cuộc đời khác. Riêng Ngô Thì Nhậm về lại quê ở Tả Thanh Oai không bao lâu sau thì qua đời, hưởng thọ 57 tuổi.
Trong mộ phần của Ngô Thì Nhậm (theo hậu sinh Ngô Thì Nhậm, ông Ngô Đức Diễn cho biết của cụ cao tằng tổ phụ ông rất giỏi về khoa đẩu số) ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, khi được di dời về gần nhà cũ có tìm thấy tấm bia ghi bốn câu:
Hằng tâm hà sa
Vãng lai vũ trụ
Bất dẫn bất tử
Tầm thường ly tụ
(Đại ý là Ngô Thì Nhậm coi mình như hạt cát ở sông Hằng, chỉ đến với cuộc đời như một cuộc dạo chơi, thích tự do và không thể khuất phục và ông coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, là quy luật tự nhiên ở đời).
Trước khi mất, Ngô Thì Nhậm làm 4 câu tuyệt bút bảo người nhà chuyển lại cho Đặng Trần Thường:
Ai tai Đặng Trần Thường,
Chân như yến xử đường.
Vị Ương cung cố sự,
Diệc thị nhĩ thu trường
(Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường, quyền thế đang ngang dọc thế nhưng cũng chỉ như con chim yến làm tổ trong ngôi nhà sắp cháy, sớm muộn cũng nguy khốn. Hàn Tín xưa giúp Hán Cao Tổ công tích đầy mình nhưng rồi cũng bị Hán Cao Tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của người rồi cũng như của Hàn Tín xưa thôi). Tạm dịch:
Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp tai ương
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Đặng Trần Thường bị Gia Long xử tử.
Trước khi kết thúc xin được nói thêm Ngô Thì Nhậm còn có thêm biệt tài về tướng số và bói toán vì vậy ông mới biết được Đặng Trần Thường sau này bị hung tử. Tất cả bằng vào chuyện Đặng Trần Thường được giao làm sổ sắc phong cho bách thần nên đã bị sa cơ bởi những lời xúc xiểm. Giữa ông và Lê Chất có điều hiềm khích. Sau Lê Chất tố cáo ông đã khai gian sắc thần, đem những người không xứng đáng (Hoàng Ngũ Phúc) vào hàng phúc thần. Triều đình khép ông vào tội khinh vua dối thần, tuyên án xử trảm giam hậu vì bản án còn uẩn khúc nên đợi xét lại, sau này nếu thật sự có tội sẽ bị chém thì chém ngang lưng, lâu chết và đau đớn hơn. Tử tội không bị trảm tấu tức chém đầu, chết ngay, không đau đớn vì nhanh hơn. Cao Bá Quát cũng bị án “trảm giam hậu”.
Trong đại lao, Đặng Trần Thường không nhụt chí, mà vẫn uống rượu say túy lúy và làm cả một chùm "Ngục trung bát vịnh". Ông cũng làm "Hàn vương Tôn phú", ví mình như Hàn Tín lập nhiều công tích trong chiến trận nhưng khi vinh hoa phú quý rồi thì bị Bái Công phụ giãy. Dĩ nhiên, hay tin này, Gia Long lại càng tức giận. Đặng Trần Thường bị xử giảo (treo cổ) năm 1816…”.
***
Tuy nhiên có tác giả khuyết danh lý giải:
Trước có hiềm (Ngô và Đặng) sau được dịp đánh đòn thì báo thù cố ý sai người đánh mạnh cho phải chết, thì oán giận phải sâu, phải lớn lắm như đã bị giết cha, giết con chẳng hạn. Đặng xưa cầu cạnh Ngô giúp mình không đắt thì đây chỉ là một sự thường tình can chi mà oán hận. Nếu bị khinh khi chăng nữa thì chỉ bất bình chút thôi. Ngô không làm thiệt hại dù nhỏ cho Đặng sao lại bị thâm thù được? Khi Đặng làm lớn gặp lại Ngô bấy giờ là tên tù thì chỉ một câu nói mát cũng là quá hèn hạ rồi, sao lại có thể sai đánh đến chết được?
Lại xét về câu đối thì thấy rằng có điều tiểu xảo: Chữ “Thời” là tên đệm của Ngô với chữ “Trần” là tên đệm của Đặng.
Câu đối này có thực là của Đặng và Ngô đối lại không? Chắc chắn là không.
Ai công hầu, ai khanh tướng, trên trần ai, ai dễ biết ai
(câu đối của Đặng Trần Thường có một chữ trần)).
Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
(câu đối của Ngô Thì Nhậm có hai chữ thời)
Vì Ngô tên Thì Nhậm do Tự Đức có tên Hồng Nhậm, khi làm vua lấy thêm tên nữa là Thì nên chữ Thì và Nhậm đều phạm húy. Thời Tự Đức phải gọi chệch đi là Thời Nhiệm.
Vậy dưới thời Gia Long chưa có tên Thời Nhiệm, vế đối nọ phải là: “Gặp thời thế… mới đối được hoàn chỉnh do dưới còn chữ “thì” nếu đối là “thì thế”, vế đối có đến hai tiếng thì, tiếng trên đối với “trần”, tiếng dưới “thời” vế đối không chỉnh.
Vậy vế đối này chỉ được đặt ra dưới thời Tự Đức chứ không thể có dưới thời Gia Long được. Đôi câu đối nọ chỉ là câu đối của một ông đồ nho nào đó dưới thời Tự Đức ngồi rỗi rãi nghĩ ra vẻ tài tình chút ít rồi người ta gán ghép cho nhân vật lịch sử.
***
Qua sử sách, tác giả Nguyễn Văn Xuân cho rằng: Đặng Trần Thường là một nhà nho Bắc Hà đã nhiều đời chịu ân sâu với nhà Lê – Trịnh (trên hai trăm năm tổ tiên ông làm quan trong triều), nên ngay từ phút ban đầu theo Nguyễn Ánh ông vẫn mang hy vọng khi thắng được Tây Sơn, Nguyễn Ánh sẽ phục hưng nhà Lê như lời hứa.
Đặng Trần Thường bị Nguyễn Ánh diệt vì Nguyễn Ánh biết ý đồ phục nhà Lê hay hoài Lê của Đặng Trần Thường đó mới là tội đáng chết.
Truyện đôi câu đối Nguyễn Văn Xuân cho rằng: Ngày xưa những chuyện kể mà pha thêm câu đối một phần là do các ông nhà nho đặt ra rồi lắp vào cho thêm ý vị. Họ không nhìn ra Ngô vị tiến sĩ tài danh làm quan cho Lê-Trịnh, ông là người đầu tiên đã ra mắt phục vụ Tây Sơn. Dưới mắt sĩ phu đất Bắc Hà ông có thể là một nghĩa sĩ trung thành với lý tưởng phục vụ nhà Lê như Đặng Trần Thường vậy. Vì vậy Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm cùng một hoàn cảnh nên không hẳn hận thù như qua giai thoại …
***
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 9 (trang 340) ra tháng 9 năm 2004 đăng bài của Đặng Đức Kiên có tiêu đề: Vài đính chính về quan hệ giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm , tác giả Đặng Đức Kiên cho thấy:
Trước năm 1802 Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm không hề gặp nhau (tư liệu ghi lại trong gia phả của hai họ Đặng và Ngô) như sau:
Đặng Trần Thường người Đại An Tràng (nay là thôn Đại Ơn, xã Ngọc Hòa, tỉnh Hà Tây cũ). Ngô Thì Nhậm người Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hai quê cách nhau trên 20 cây số theo đường chim bay nên không thể nói là cùng quê được?
Năm 1775, Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ làm quan Đốc Đồng ở Kinh Bắc thì Đặng Trần Thường chuẩn bị lên đường dự thi Tứ Trường không may bố mất nên bỏ thi.
Năm 1782, Đặng Trần Thường theo học tiếp thì gặp loạn năm Canh Tý. Ông bỏ học văn theo học võ ngao du khắp miền An Quảng, Thái Nguyên..
Tháng 5 năm 1786, kinh sư thất thủ phải về ở Xứ Đông. Đến năm 1790-1793 Đặng Trần Thường về Xứ Đoài rồi lên Thái Nguyên, Tuyên Quang liên kết với các người đồng chí hướng với mình chống lại quân Tây Sơn, hưng phục triều Lê. Năm 1794, Đặng Trần Thường xuống vùng Hưng Yên hoạt động rồi vào nam phò Nguyễn Ánh.
Còn Ngô Thì Nhậm thì năm 1782, cha là Ngô Thì Sĩ mất nên phải cáo quan về nhà chịu tang. Năm 1788 đến tháng 8 năm 1802, ra phò Tây Sơn sống ở Thăng Long rồi đi lại kinh đô Phú Xuân làm công việc bang giao với nhà Thanh. Tháng 8 năm 1802, nhà Tây Sơn bị tiêu diệt, Ngô ra đầu hàng nhà Nguyễn ở Thăng Long rồi được đưa về kinh đô Phú Xuân. Tháng 3 năm 1803, bị giải ra Thăng Long để các quan Bắc Thành trị tội: Bị đánh đòn ở Văn Miếu, 3 ngày sau thì chết.
So sánh thời gian, tuổi tác, nơi sinh, nơi cư trú và sự hoạt động của hai ông đều khác nhau, nên trước năm Quý Hợi (tháng 3 năm 1803) giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm không có mối quan hệ nào. Có chăng hai ông chỉ gặp nhau khi Ngô Thì Nhậm bị giải ra Thăng Long.
Trên đây là những tư liệu có căn cứ xác thực và qua một số nhận xét của các vị học giả nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc, không vì một cái gì đó mà câu chuyện lịch sử không có thật giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm thành giai thoại cứ bị mụ nhận mãi mãi. Lại rất đáng tiếc sự mụ nhận đó lại được một số nhà biên khảo thành danh vẫn tiếp tục nhắc lại mà không hề có sự cân nhắc thực hư. (ĐĐ Kiên)
Trở lại vấn đề biên khảo, nếu muốn tránh khỏi mắc những lỗi lầm là một chuyện vô cùng khó khăn dù là cuốn sách được soạn thảo bởi nhiều người chứ đừng nói là do sự biên soạn của một người. Theo chúng tôi nghĩ cách duy nhất để cho một cuốn biên khảo có giá trị chính xác là người hay nhóm soạn thảo phải có tinh thần trách nhiệm với tác phẩm của mình, phải theo dõi nuôi nấng tác phẩm như một đứa con. Các tác giả lắng nghe và sửa đổi, bổ sung những sai lầm khi được biết rõ ràng với một tinh thần cầu tiến mà không bỏ qua, không thèm đính chính hay cáo lỗi. Và phía người đọc không nên có thái độ dễ dãi, thờ ơ mà cần có sự đóng góp vô tư và tích cực khi chứng minh được sự sai lầm. Muốn thực hiện một công trình mang tính chất lịch sử, sự thận trọng và không tự mãn có lẽ là những đức tính cần thiết. Để giữ sự chính xác, những sai lầm này đã được đính chính mà không hề ngượng ngùng, tự ái.
(Đặng Trần Huân)
Vài hàng về người viết:
Về gốc gác của người viết, cứ theo ẩn dụ qua truyện ngắn Cây gậy tre rút đất thì Phí lão là người quên cả họ và tên, quan tước, làng mạc, hồ đồ mình không biết mình là ai nữa. Phi lão làm quan ba mươi tư năm, lui về đất Hiu Tân mà ở ẩn. Nhà ba phòng, chốn tây viên có ao sen, dăm bụi trúc. Tuổi mới chớm già, chưa đến nỗi lẩm cẩm. Tính thích rượu, văn phú. Ngoài sự đó, đem lòng mộ đạo Bụt theo phái Tào động vì rằng: Như Bụt đã dậy, người ta say vì…uống rượu. Mượn cớ ấy, Phí lão nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cù lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại viết, viết rồi lại uống, uống rồi lại say, say với viết cứ lần lượt mà theo nhau.
Bởi thế mà coi cuộc đời như giấc mộng, coi phú quý như đám mây bay, màn trời chiếu đất, chớp mắt trăm năm, lúc nào cũng li bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến. Phí lão tuổi Giáp Thân, nay bẩy mươi, râu đã bạc, đầu hói nửa mảng, răng khuyết bốn chiếc, mà cái vui trong tửu lượng vẫn chưa suy.
Vợ thấy uống nhiều quá bèn ngăn can. Chẳng bận lòng, Phí lão ra ao tắm. Vào nhà khăn đống áo dài, đứng trước bàn thờ hú lên rằng: Trời đất sinh ra rượu với văn - Không văn không rượu sống như thừa. Khấn xong, ra bảo vợ: "Thì như bà biết đấy, ta xưa nay chuyên lo mài dũa ngôn từ, chuyên công làm văn, tuổi xanh làm phú, đầu bạc tụng kinh. Nếu bỏ cái nhân sinh quý thích chí của ta thì còn gì ra cái hồn người, lấy gì mà mua vui lúc tuổi già cám cảnh đây!”. Đoạn đem vợ vào buồng…Ngỡ…ủng oẳng nhau hóa ra để bàn chuyện nhà. Chuyện rằng: “Ta từ nay về trước sướng rồi, còn từ nay về sau chưa biết vui như thế nào! Thịt chó ta ăn đã mòn răng, mà ăn cái giống ấy ta lại hay…ủng oẳng với bà. Nay bà làm cho ta đĩa tiết canh vịt được chăng?".
Thạch trúc thảo lư
Mậu Tuất 2018
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Đăng ngày 18 tháng 06.2021