banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Từ đàm phán 1789

đến hòa đàm 1968-1973

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Mụ chữ tôi muốn nói vấy chuyện hòa đàm năm 1968-1973 in hịt như năm 1789, chỉ khác một nhẽ thay vì tại Ba Lê thì trấn ở…ải Nam Quan với những giai đọan mật nghị không chính thức, bán công khai, công khai hóa việc đàm phán. Nhất là qua những cuộc đấu trí ngọai giao trong đó có những yêu sách vô lý, những trì hõan cố ý, mụ chữ tôi vơ bèo gạt tép thấy y trang như “Hiệp định Ba Lê” là…vừa đánh vừa đàm.
Số là ở Nam Quan, trong những ngày đầu tiên dọ dẫm đàm phán, Ngô Thì Nhậm chưa nghiêng về việc cầu hòa mà dọa dẫm tiếp tục đánh nữa (như đánh cho Mỹ chạy, đánh cho Ngụy nhào). Ngô Thì Nhậm đưa ra hai điểm để “thăm dò” nhưng cũng là đầu mối nếu như đối phương muốn thương lượng: “Ta bắt được 800 tù binh – Sằn sàng đánh nữa nếu không hợp tác”. Cùng lúc vua Quang Trung ta cũng đã chuẩn bị con đường huyết mạch (tương tự như: đường mòn Hồ Chí Minh) từ Lạng Sơn tới Nghệ An để chia ra các đường thượng đạo (tiếp tế lương thực, quân dụng), và đường biển rút về Phú Xuân. Ngòai ra thủy quân cũng “bố trí” đối phó với quân Thanh khi họ từ biển đánh vào. (giống như phong tỏa vịnh Bắc Việt)
Những “thăm dò” ấy được quan nhà Thanh ở ải Nam Quan tìm hiểu và qua “mật đàm”, họ sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi sơ khởi để tiến hành những bước kế tiếp. Trong khi đàm phán, nhà Thanh cũng gia tăng áp lực bằng cách đưa ra những yêu sách tương tự như như các triều đại Trung Hoa trước đây đã đòi hỏi, như: Quốc vương đích thân sang chầu (đời Lý), cống voi (đời Trần), hay lên Nam Quan làm lễ thụ phong (đời Lê Trung hưng). Những yêu sách này ta đều bác bỏ và chỉ bằng lòng trao đổi tù binh, lập danh sách quân nhân bị mất tích. (y hệt như Hoa Kỳ với POW).
Số là khi Tôn Sĩ Nghị chạy lên Lạng Sơn về đến Nam Quan, viên tổng đốc Lưỡng Quảng cấp tốc tâu lên Càn Long việc thất trận, và báo cáo sơ khởi có khỏang 3.000 binh lính bị…”mất tích”. Vua Càn Long đặc biệt quan tâm đến số binh lính bị thất lạc ấy, ông lo rằng giống như việc thất trận ở Miến Điện trước đây, có một số tướng lãnh cao cấp bị kẹt lại rồi trở thành con tin để đổi chác.
Theo sử nhà Thanh sau ngày mồng 5 tháng giêng các đường lớn đều có tặc phỉ (quân Tây Sơn) nên họ phải chạy theo đường núi và được những người Thổ, người Nùng sống ở biên giới nói tiếng Hoa cho họ “tỵ nan” ở bản, ở châu.  Lai nghe nói nơi nào cũng có tặc phỉ đóng nên ở Lạng Sơn khá đông tàn binh nhà Thanh…
Chuyện một số tàn binh nhà Thanh ở lại sống lẫn lộn với người Việt, cụ vua ta cho tìm bắt lại trao trả nhà Thanh trong danh sách tù binh (có thể cụ vua ta e dè chuyện mai này với “chôn cất vũ khi”, “tập kết”, rồi trở lại “giải phóng…miền Bắc” chăng). Vì mấy tháng sau, khi Thành Lâm sang phong vương ở Thăng Long, cũng tìm được “vài người đi lạc” trong dân chúng và được đưa về. (trong này có một võ quan Quảng Đông)
Kể từ đàm phn  “bán công khai”, ngày 21-2-1790 sau khi nhà Thanh đánh tiếng bằng lòng phong vương cho vua Quang Trung. Thang Hùng Nghiệp cho biết nhà Thanh định vào ngày 18 tháng 3, tức là chỉ khỏang 2 tháng sau khi Tôn Sĩ Nghị thua trận. Mụ chữ tôi lại có dịp nói vãi thì lại nói vơ với thời gian ngắn ngủi so với 5 năm hòa đàm Ba Lê, cả hai có trùng hợp không hẹn mà gặp như thay đổi người cầm đầu thương nghị.
Chuyện thay đổi nhân sự hòa đàm của người Hoa Kỳ 4 lần trong 5 năm là chuyện bình thường. Còn phe ta và Tàu vừa mật nghị xong, Phan Huy Ích đã thay Ngô Thì Nhậm, bên nhà Thanh, Phúc Khang An thay Thang Hùng Nghiệp. Còn chuyện tù binh, ngay trong ngày đàm phán sơ khởi Lãnh binh Quảng Tây Thang Hùng Nghiệp đã dặn dò sứ bộ nước ta không nên dùng tù binh(1) bị bắt giữ để làm con tin.

Gần hai trăm năm sau, với tình cờ của lịch sử, chuyện nay và chuyện xưa vô tình gần giống như nhau trong việc thời gian trao trả tù binh, và trao trả tù binh nhỏ giọt …
Trong bút ký “Tù binh và hòa bình” của Phan Nhật Nam với việc trao đổi tù binh vào tháng 2 năm 1973 ở Lộc Ninh, trong khi hai bên đang hòa đàm ở Ba Lê. Trận chiến “trao đổi tù binh nhỏ giọt” diễn ra và trải dài từ trại giam Phú Quốc tới Lộc Ninh, Minh Thạnh, Hoài Ân, Tam Quan kéo dài đến bờ bắc Thạch Hãn. Cuối cùng cuộc trao trả tù binh diễn ra ở nhà giam hỏa lò Hà Nội (200 tù binh Mỹ) và chấm dứt bằng bữa ăn ở khách sạn… Hoà Bình tức là khách sạn Splendide cũ. Ngỡ xong, thế nhưng cuộc trao đổi tù binh chót không phải ở Hà Nội mà tại Lộc Ninh (300 người) ngày 24-7-1973.
Chính xác là 184 năm sau, tháng 2 năm 1789, vua Quang Trung trao trả ở ải Nam Quan 500 tù bịnh và 200 phu dịch. Sau đó vua ta cũng trả “nhỏ giọt”, lần thứ hai 39 tù binh, lần thứ ba 28 tù binh, lân thứ tư 18 tù binh.
Và lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng nghỉ  với những ngẫu nhiên và ngẫu sự là sau khi trao đổi tù binh vào tháng 7 năm 1973. Thì cũng tháng 7 năm 1790, sứ bộ ta với 160 người lên Yên Kinh trong dịp thượng thọ Càn Long một tháng thi…
Thì năm 1973, sứ bộ Phạm Huấn (với 2 sĩ quan QLVNCH: Thiếu tá Đinh Công Chất, thiếu úy Dương Phục) cũng bay ra thủ đô Hà Nội chỉ trong một ngày để thăm tù binh ở nhà giam Hỏa Lò gần Đống Đa. Chỉ có một điều khác biệt, Càn Long tiếp sứ đòan ta tại điện Thái Hòa trưa tiểu yến chiều đại yến thì trong bút ký "Một ngày tại Hà Nội" (ngày 18-2-73 cũng lại vẫn tháng 2, tháng của… tù binh) loanh quanh ở Gia Lâm (cũng là nơi trao trả tù binh Mỹ) và Hỏa Lò tức khách sạn Hilton (nơi nhốt tù binh Mỹ tại Hà Nội) và hồ Hòan Kiếm, chả thấy đả động gì đến sứ bộ Phạm Huấn được… ăn uống gì sất.
Trở lại với nhà giam Hỏa Lò gần Đống Đa là nơi có nhiều gò chôn cất quân Thanh. Trong dịp Thành Lâm sang phong vương cho vua Quang Trung ở Thăng Long, ông làm được hai việc: Một là tìm được vài người bị… mất tích trong dân chúng và đưa về (3). Hai là viếng đền thờ quan quân nhà Thanh tử trận ở Đống Đa. Trước sau sử chép vậy nhưng không cho biết miếu thờ ở gò Đống Đa hay ở đâu? Nhưng ấy là chuyện sau.
(theo Nguyễn Duy Chính, đền thờ ở phía nam thành Thăng Long)
Cuối cùng Thanh-Việt cũng mở hai cửa ải Du Thôn và Kỳ Lừa để giải tỏa cấm vận, như Hoa Kỳ giải tỏa cấm vận cho Việt Nam năm 1992. Thêm chuyện cụ vua Quang Trung ta nại cớ sau nhiều năm binh hỏa, nhân họa, Thăng Long nay tiêu điều hoang phế…Nếu tổ chức lễ phong vương ở Thăng Long sẽ tốn phí nhiều tiền bạc cho việc trùng tu. Vì vậy vua Quang Trung trì hõan nhiều lần việc phong vương vì phải lo việc xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An, sắp xếp cung điện, cần một thời gian dài nên chưa sẵn sàng. Vì vậy chả ai cấm mụ chữ tôi ngờ là cụ vua ta muốn đòi tiền bôi thường chiến tranh chi đây?  (như miền Bắc đòi 3,250 tỷ tiên bồi thường chiến tranh)
Cuộc diễn tiến hòa đàm Ba Lê khởi đầu sau trận Mậu Thân 1968 (Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta năm Mậu Thân 1788). Sau trận Kỷ Dậu 1789, cuộc đàm phán cũng bắt đầu và chấm dứt sau đó mấy tháng. Như vậy cuộc chiến đã xong, và như người Mỹ lưu trữ hồ sơ tối mật cuộc chiến Việt Nam, Thanh triều cũng tập hợp những tài liệu lưu giữ theo dạng tối mật. Nhờ đó sau này ta mới hay biết:
Tuy đã chính thức công nhận cầu phong, nhà Thanh vẫn còn câu nệ về một số tiểu tiết, cốt để gây khó khăn cho ta. Ngày mồng 3 tháng 5 năm 1789 (4), Càn Long gửi cho vua Quang Trung một đạo dụ: “Chưa thể phong vương vì Nguyễn Quang Bình chưa thân hành sang chầu mà chỉ sai cháu là Nguyễn Quang Hiển thay mặt đem biểu tiến kinh để đón phong hiệu, lễ chế đó thiên triều chưa từng có. Nếu quả Nguyễn Quang Bình có bụng thành kính, chi bằng đợi khi vua Càn Long làm lễ bát tuần vạn thọ vào năm sau (Canh Tuất 1790) thì hãy thân hành sang Yên Kinh để xin phong vương”.
Tiếp đến sau 75, bộ quốc phòng Mỹ nhờ một số tướng lãnh cao cấp của miền Nam viết kinh nghiệm của mình trong trận chiến. Quân Cơ Xứ của nhà Thanh cũng ra lệnh tướng lãnh (có Tôn Sĩ Nghị, xem Bình định An Nam chiến đồ) như Trần Nguyên Nhiếp (5) viết An Nam quân doanh kỷ yếu và du kích Trương Hội Nguyên (6), Thủ bị Lao Hiển (7) cùng tất cả các binh sĩ được thả về đều phải khai báo về sự tình đã xảy ra. Nhờ vậy mà ta có dịp biết qua để dựng lại một số chi tiết trận đánh năm Kỷ Dậu 1789.

(1) Chính Thang Hùng Nghiệp cũng là tù binh, ông bị quân ta bắt khi Tôn Sĩ Nghĩ “tăng phái” ông cho trận Ngọc Hồi.
(2) ?
(3) Dựa vào sử nhà Thanh một số đông dân phu mỏ (mà họ gọi là xưởng binh) là dân Trung Hoa trốn sang làm việc ở nước ta đã tự nguyện đi theo đoàn quân Thanh. Theo các văn thư của nhà Thanh, số xưởng dân đi theo quân Thanh vốn dĩ sống ngoài vòng pháp luật (cướp bóc) nên khi thua trận sợ bị trả thù. Vì quen địa thế nên có cả chục ngàn ngừời đã chạy được về Tàu và được đặc ân không bị bắt tội và cho hồi tịch.
Cũng vậy, thập niên 70 ở miền Bắc phát động phong trào bỏ Tàu, theo Nga, đánh Mỹ. Họ lùa cũng khỏang chục ngàn ngừời Tàu ở gần biên giới đã sống mấy đời ở nước ta về Tàu (Bãi Cháy, Phả Lai, Cẩm Phả). Về lại Tàu, họ cũng được cho hồi tịch.
(4) Ngày mồng 3 tháng 5 năm này là ngày phái bộ Nguyễn Quang Hiển đang trên đường lên Yên Kinh để triều kiến Càn Long, nhận sắc phong và ấn chỉ mang về nườc.
(5) Theo lời Trần Nguyên Nhiếp: “Đến được bờ sông, đại binh tranh nhau vượt qua. cầu nổi làm bằng tre bắc ngang sông bị gãy chìm xuống nước (...). Người đi qua đạp lên xác người ở dưới, chỉ còn đầu trồi lên phải đến ba dặm mới qua được bờ bên kia. Quần áo giày dép, yên cương, ngựa cưỡi cũng mất cả trên cầu”.
(6) Trương Hội Nguyên khai với Quân Cơ Xứ, TTVC (1982) tr 380: “Bị vây bốn bề, quân giặc dùng giáo đâm trúng bên yết hầu và mạng sườn, mê man ngã xuống ngựa, lại bị chém một đao ở cổ, bất tỉnh nhân sự”.
7) Nhờ Lao Hiển khai nên nhà Thanh mới biết: “Thượng tổng binh Thượng Duy Thăng chết ở trận Ngọc Hồi. Lao Hiển khai thêm bị quân giặc bắt đưa vào một căn nhà trống trong Lê thành. Mỗi ngày quân giặc cho người đem cơm đến, sau khi bị giam 40 ngày quân giặc cho ngựa, cùng tất cả các binh sĩ (cùng bị giam) được thả về...”.

Có gì nói thế, một hôm người cứ thủng ra vì chữ nên mụ chữ tôi viết bài tạp bút về giải đất và giống người cạo nửa đầu phía trước, để tóc dài phía sau. Viết xong không biết đặt tên là gì, chả lẽ đặt tên là “Thần, người và đất Tàu” như ông Tạ Chí Đại Trường. Bỗng không cấu vào mắt câu người Tây Tạng gọi Càn Long là: “Văn Thù hoàng đế”.
Thế là thấy mặt đặt tên, mặc dù mụ chữ tôi chả hiểu “Văn Thù” là lý sự gì.


Ngọai truyện


Văn Thù

Tây Tạng ở…Tây Vực đã biết rồi qua ông sư Đường Tam Tang thời nhà Đường, thôi thì hãy đảo qua địa lý phong thổ chí đất Mãn Châu xem có…”mãn khai” gì chăng.
Mãn Châu là một là vùng đất nằm trong lãnh thổ Tàu ở phía bắc và phía đông nước Nga. Vào thời cổ, vùng đất ngày nay là nơi cư trú của nhiều bộ tộc sinh sống tại Mãn Châu, bao gồm người Hung Nô, Đông Hồ, Hột Hồi (Turkey Muslim), Khiết Đan, Mông Cổ, Triều Tiên và Nữ Chân. Tên vùng đất này đặt theo tên tộc Mãn Châu được đổi từ tên Nữ Chân năm 1636. Tuy có tên như vậy, người Mãn chỉ là một phần thiểu số ở đất của họ (nhóm dân tộc đa số là người Hán), họ bắt đầu hùng mạnh lên vào thế kỷ 17 và sau đó họ đánh nhà Minh lập lên nhà Thanh trên đất Tàu.

Mãn Châu

Khúc mắc đọan sử “thiên hôn địa ấm”, là mù mịt, rối rắm thế này đây:
Người Mãn Châu là dân du mục bán khai, ban đầu chỉ là bộ tộc của Tàu, tộc trưởng (hay tù trưởng) với tên Mãn Châu, mãn khai dài ngoằng (Nỗ Nhĩ Cáp Xích) tự xưng là hoàng đế của nước Hậu Kim (*). Năm 1609, lập thủ đô tại Thẩm Dương.
(*) Vào thời nhà Lý (1009-1225), năm 1127, nhà Tống bị mất phương bắc về tay nước Kim (vì vậy có hai nước Tống: Bắc Tống và Nam Tống). Nước Kim khi đó đang rất hùng mạnh ở miền bắc Tàu, uy hiếp nước Nam Tống thường xuyên nhưng cũng rất tôn trọng Đại Việt ta. Sau khi đã có hòa bình với Nam Tống, năm 1168, Kim Thế Tông sai sứ giả vượt qua lãnh thổ Nam Tống đến nước ta và đó cũng là lần duy nhất nhà Kim có quan hệ ngoại giao với Đại Việt.. Cùng đi với sứ nhà Kim, sứ Nam Tống cũng đến Đại Việt lúc đó. Vua Lý Anh Tông sai các quan đón tiếp sứ giả cả hai nước chu đáo nhưng không cho hai đoàn sứ giả hai nước gặp nhau.
Nhà Minh đúng ra đã kết thúc khi Minh Tư Tông (Sùng Trinh Đế) treo cổ tự tử tại Tử Cấm Thành. Mãi 17 năm sau, nhà Minh mới mất nước vì nội bộ kình chống nhau, năm 1644, nhóm nổi lọan Lý Tự Thành đem quân đánh Ngô Tam Quế đồn trú Sơn Hải Quan là cửa ải ở Vạn lý trường thành, nơi đây Ngô Tam Quế đang ngăn chặn người Mãn Châu bên ngoài quan ải. Sau khi Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh, giết cha và cướp thiếp của Ngô Tam Quế nên Ngô Tam Quế mở cổng thành đầu hàng người Mãn Châu.
Người Mãn Châu bất chiến tự nhiên thành vì vua cuối cùng của nhà Minh, Vĩnh Lịch, chạy trốn sang Miến Điện, nhưng bị bắt và giao lại cho quân viễn chinh do Ngô Tam Quế cầm đầu. Vĩnh Lịch bị hành quyết tại tỉnh Vân Nam.
Cho tới giữa thế kỷ XVIII, ngừời Mãn Châu đã cai trị Tàu hơn 100 năm qua ba đời Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính. Thời Mãn Thanh có hai vị vua đước sử sách ghi chép nhiều nhất là hoàng đế Khang Hi (1662-1722) lên ngôi khi mới tám tuổi(1). Và năm 1736, Thái tử Hoằng Lịch lên ngôi lấy hiệu Càn Long (1763-1799).
Một trong những việc Hán tộc phải theo Mãn tộc là kiểu tóc vốn là đặc trưng của đàn ông tộc Mãn. Lệnh đặt ra là: "cắt tóc còn đầu, để tóc mất đầu"(2).
Đời Thuận Trị, một năm sau khi Thanh binh nhập quan (1645), triều đình Mãn Thanh ra lệnh trong vòng 10 ngày mọi người nam đến tuổi trưởng thành phải cạo nửa đầu phía trước và để tóc dài tết thành đuôi sam. Ai không tuân theo đều bị xử tử. Đây là cách để biết người nào theo, người nào chống nhà Thanh. Theo nhiều tài liệu, số chống đối bị giết lên đến hàng vạn người và phải 10 năm sau luật này mới hoàn toàn áp dụng trên đất Trung Hoa đến đầu thế kỷ XX khi nhà Thanh bị lật đổ.

Tên Thanh được lựa chọn bởi vì tên của nhà Minh được cấu thành từ chữ hỏa. Chữ Thanh được cấu thành từ chữ thuỷ. Trong thuyết ngũ hành, thủy khắc được hỏa, ám chỉ việc dân tộc thiểu số (3) người Mãn Châu sẽ cai trị tòan bộ nhà Minh.
Tuy có tên là Mãn Châu quốc nhưng người Mãn chỉ là một phần thiểu số, còn nhóm dân tộc đa số là người Hán nên Người Mãn Châu nói tiếng Quan Thoại. Người Mãn ngày nay phần lớn đã bị đồng hóa với người Hán. Tiếng Mãn gần như không còn nữa. Ngày nay, họ chỉ có khoảng mười nghàn người ở vùng hẻo lánh phía bắc nói tiếng phương ngữ Tích Bá hoặc những học giả người Mãn còn nói được ngôn ngữ này.

Gần đây một số sử gia ngả theo Keith Weller Taylor đưa ra sử kiện như:
Nguyễn Trãi tới gặp Lê Lợi bắt gặp Lê Lợi người miền núi (Lam Sơn) đang sắn quần móng lợn, ăn thịt chó (nguồn Tạ Chí Đại Trường thì phải? Mụ chữ tôi không chắc lắm!). Thấy Lê Lợi say sưa ăn nói bậm bạp (chắc là tiếng Mường) nên Nguyễn Trãi quay về. Lần sau gặp lại, Lê Lợi tỉnh táo hơn nên mới phò làm minh chúa.
Nghe thủng rồi thấy ong cả tai vì theo mụ chữ tôi người Mường không “hảo” thịt cầy lắm nên đành phải đi tìm sử phẩm khác khả dĩ khả tín hơn. Theo An Nam truyện của Vương Thế Trinh, một danh thần nhà Minh chép:
Viên thổ quan Lê Lợi vốn là bề tôi của cố vương Trần Quý Khoát nhà Trần làm phản. Rồi bó thân xin hàng thiên triều, được ban chức Tuần kiếm. Nhưng vẫn ôm lòng phản trắc, nay tiếm xưng là Bình Định Vương…Sử kiện Lê Lợi làm bề tôi nhà Minh trong Minh thực lục cũng có chép, nhưng sử thần Ngô Sĩ Liên muốn giấu việc này nên cố tình lược bỏ đi trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Tiếp đến Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ đời Lê Cảnh Hưng kể rằng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến tìm Lê Lợi để mưu đồ đại sự. Lần đầu gặp ngày giỗ, Nguyễn Trãi thấy Lê Lợi là hào trưởng miền núi, mắt trắng như con tinh, môi thâm sì da quất bì (*), vừa cắt thịt vừa ăn ngồm ngoàm. Nguyễn Trãi thất vọng bỏ về. Lần thứ nhì trở lại, gặp Lê Lợi thức khuya nghiền ngẫm binh thư, ông mới vào ra mắt.
(*) Theo Tiến sĩ Hàn lâm Thái Văn Kiểm Trong tác phẩm Thân thế và công nghiệp nhà Tây Sơn: Nguyễn Huệ tóc đen, hơi quăn, da hơi ngăm đen, giống như người Mường. Như Mai Hăc Đế, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi…đều giống người Mường
Có thể từ “thổ quan” và “hào trưởng miền núi” nên sau này có nhiều sử gia cho rằng Lê Lợi không phải là nông dân áo vải, mà là người dân tộc, tức người miền núi…núi Lam Sơn. Cũng từ sử phẩm đây, ý đồ mụ sử tôi bắt quàng làm họ nếu “tộc trưởng” bộ tộc bán khai Mãn Châu đánh nhà Minh lập lên nhà Thanh thì…Thì “hào trưởng miền núi” Lê Lợi cũng đánh nhà Minh dựng lên nhà Lê.
Nếu như có bạn đọc nào đấy ăn khoai môn ngứa miệng rằng làm gì mụ chữ tôi lẵng nhẵng quá thể với anh hùng áo vải Lê Lợi quá vậy? Hơ! Với không có mây sao có mưa bởi trong sử thi ta có hai anh hùng áo vải là Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Thì như mụ chữ tôi đã rào trước đón sau với dữ liệu có những trùng hợp như: Lê Lợi “môi thâm sì, da quất bì” thì Nguyễn Huệ “tóc đen hơi quăn, da hơi ngăm đen”, vì:
Lê Lợi là người Mường và Nguyễn Huệ là…người Chiêm Thành.
Sử kiện Nguyễn Huệ là người Chiêm Thành theo mụ chữ tôi chỉ là một câu nói của cụ vua Quang Trung ta nhằn lúc trà dư tửu hậu với Càn Long trong bữa yến thượng thọ. Đó chỉ là câu nói với ý cụ vua ta là người Chiêm Thành, Càn Long là người Mãn Châu nào có khác nhau gì đâu. Hoặc giả cụ vua ta muốn giải bày với Càn Long rằng cụ vua ta là người ngọai tộc, chả dây mơ rễ má gì đến nhà Lê hay nhà Nguyễn gì sất.
Bạn đọc nhíu mày nếu như mai này Phạm Đình Hổ dựa dẫm vào Tang thương ngẫu lục đời Lê, hay Vương Thế Trinh bám víu vào An Nam truyện đời Minh hoặc Keith Weller Taylor trích dẫn tạp chí Nam Phong thời Pháp, họ quại bừa vua Quang Trung là người Chàm thì sao?
Ha! Sao trăng gì ở đây vì họ chỉ vẽ chuyện mà đâu có hay biết cụ vua ta có tới những…7 bà vợ, bà nào cũng người Việt ròng. Nào có ai là “người Chăm” đâu? Ấy cũng là lý do tại sao cụ vua ta muốn lấy vợ Mãn Thanh (**), mãn tính là thế.
(**) “Tuy vậy ta mới chỉ quen gái Nam hà, chưa biết con gái Bắc hà (Ngọc Hân). Nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?” (Sông Côn mùa lũ - Nguyễn Mộng Giác)
Chuối sau cau trước với Thanh Cao Tông, Tây Tạng gọi ông là “Văn Thù hoàng đế” Ông học theo cách thức cai trị của ông nội là Khang Hy, Càn Long đã khiến Khang Hy ngạc nhiên về rất nhiều lĩnh vực, nhất là về văn học nghệ thuật. Khang Hy cho rằng Càn Long có thể sẽ xứng đáng trở thành hoàng đế kế vị nhà Thanh sau Ung Chính.
Tính về số năm làm vua thì kẻ ngoại tộc làm hoàng đế Tàu vừa lâu và sống dai, Khang Hy ở ngôi 68 năm, Càn Long 61 năm. Đặc điểm nhất của hai triều đại trị vì nước Tàu mở rộng đất đai lớn nhất là thuộc dân ngoại tộc Hán, từng bị khinh rẻ là Mông Cổ (nhà Nguyên), và rợ Kim dòng Nữ Chân (Mãn Châu). Thời đại Nguyên Mông cai trị nước Tàu gần cả thế thế kỷ 13, thời đại Mãn Thanh trị vì gần 3 thế kỷ.
Thề trèo lên cây ớt, rớt xuống bụi hành, ai chẳng lòng thành, hành đâm lủng ruột, mụ chữ tôi thề rớt xuống bụi hành nhớ khúc sử nào đó có câu “Càn Long có mở một số cuộc viễn chinh và đã thất bại” thì có nên cõng Tôn Sĩ Nghị vào bài tạp bút này chăng?
Nhưng khổ nạn hành đâm lủng ruột là chả biết…

“Văn Thù” là gì?
Bèn lúi húi vào mạng lưới, hóa ra: Văn Thù với Phật giáo Tây Tạng, tiếng Phạn là vị Bồ Tát. Tượng Văn Thù có “lưỡi kiếm và kinh Bát Nhã” để ngang đầu.
Thế là mụ sử tôi đẩy đưa chuyện Tôn Sĩ Nghị bị cụ vua Quang Trung ta đánh chạy vắt giò lên cổ… lên đến ải Nam Quan. Ấy vậy mà “Văn Thù hoàng đế” trong “Bài tựa” Bình định An Nam chiến đồ viết: “Còn đến như Tôn Sĩ Nghị (…) giả tỉ như cũng thiệt mạng thì tước công của y ắt sẽ được thế tập chẳng hề sai. Y nghe lời Hứa Thế Hanh, lấy việc nước làm trọng mà tướng tổng nhung chấn chỉnh quân lữ quay về, còn ba tướng thì (ta) lệnh cho nước phiên thuộc lập miếu thờ(4) để đền đáp lòng trung…”.
Rà rà con chuột thêm chút nữa, mụ chữ tôi lọ mọ được miếu thờ Sầm Nghi Đống không nằm trên gò Đông Đa mà trong con ngõ nhỏ ở phố Hàng Buồm là phố của khách trú. Những người khách trú này có mặt từ thời Lê Trịnh, họ dựng miếu cho họ Sầm và gọi con ngõ này là ngõ Sầm Công (chắc là tước công như Tôn Sĩ Nghị).
Theo Địa dư chí của Nguyễn Trãi, người Tàu đi thuyền buồm vào sông Hông và sông Tô Lịch nên có tên là phường Hà Khẩu có phố Hàng Buồm. Nhà Phạm Đình ở phố Hàng Buồm nên ông hết viết Nhà ta ở phường Hà Khẩu đến Tang thương ngẫu lục nên người đọc sử mới hay biết Lê Lợi là hào trưởng miền núi, mắt trắng như con tinh…
Trở lại với “Văn Thù hoàng đế” vỗ về như không có gì xảy ra… Ấy vậy mà còn đòi cụ vua ta xây miếu đền cho ba tướng tử trận. Trong khi ở Lạng Sơn, Tôn Sĩ Nghị cắt tai(5) lính tử trận của ta, xử tử sứ giả (Trần Danh Bình)(6).
Ở Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị chém dân ta buôn thúng bán mẹt quanh đồn binh, trại lính như chém ruồi vì nghi là do thám. Cũng ở Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị bỏ thành, cho chặt cầu phao để mình thóat thân khiến hai tướng bị chết đuối (Thượng Duy Thăng và Trương Triều Long), một tướng bị bắt làm tù binh (Trương Hội Nguyên). Nếu mụ chữ tôi là Càn Long, phải tính chuyện với ho. Tôn. Thế nhưng dòm thấy tượng Văn Thù ngang đầu có lưỡi kiêm và kinh Bát Nhã, mụ chữ tôi đồ rằng Càn Long là hiền nhân quân tử      
Còn Tôn Sĩ Nghị (1720-1796), theo sử Tàu,người tỉnh Chiết Giang, ông nguyên là quan văn, đỗ tiến sĩ đời Càn Long. Khi Càn Long du Giang Nam lần thứ ba, Tôn Sĩ Khị dự một cuộc khảo thí và đỗ đầu được Càn Long khen triệu vao làm Nội các trung thư, rồi thăng Quân cơ Chương kinh, v.v… Tạm hiểu ông chỉ là quan văn.
Trương Đại Lâm có nhận xét khá chí lý như sau:
“…Tôn Sĩ Nghị thiếu hẳn một chiến tích trong họan lộ. Ông ta chắc hẳn cũng tự so sánh mình với Phúc Khang An, vốn cũng là văn quan nhưng nổi tiếng về võ nghiệp. Đến khi chinh phục Đài Loan thì Tôn Sĩ Nghị lại càng bồn chồn. Thành thử khi làm tổng đốc Lưỡng Quảng, mặc dù chưa được chỉ định, Tôn Sĩ Nghị cũng đã chuẩn bị binh mã. Ngờ đâu  Phúc Khang An(7) được chỉ định đi đánh Đài Loan…”.
Sau trân Ất Dậu, Tôn Sĩ Nghị bị cách chức, thăng chức rồi được cử làm phụ tá cho Phúc Khang An lo tiếp vận đi đánh Miến Điện, không nghe nói tới thắng hay thua, với Tôn Sĩ Nghĩ, mụ chữ tôi nghĩ ông dòng dõi Hán tộc như Mã Viện thời Bà Trưng thế thôi. Năm 1791, mặc dù Tôn Sĩ Nghị làm tổng đốc Tứ Xuyên, nhưng ông chỉ lo cung ứng quân nhu cho Phúc Khang An trong chiến dịch trừng phạt Nepal và người Miêu, Bạch Liên giáo. Gia Khánh năm thứ nhất (1796) ông…chết tại trung quân.
Thêm một lần mụ chữ tôi bù đầu tóc rối vì cứ ngỡ trung quân là…trung thành với vua, bèn vào mạng lưới tìm kiếm thì ớ ra trung quân là…từ trần.. Mụ chữ ngớ ra vậy cũng chả tội vạ gì, bởi đã chết còn…từ trần.
Nói tới nói lui, mụ chữ tôi chả có gì quái ngại ông, hơn thế nữa, một chút nào đó mụ sử tôi mến mộ ông. Vì mặc dù là bại tướng nhưng ông vẫn âm thầm xúc tiến việc đàm phán năm 1789. Ông sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc với sứ thần ta để trao đổi tù binh. Những điều cóc cáy này ít ai nhòm ngó tới nhưng ông được người ngọai sử…“bồ tát” ông::”Việc nước ta trao trả tù binh có thể coi là một đại công của Tôn Sĩ Nghị”.
Và dậu đổ bìm leo theo người ngọai sử… “văn thù” ông:
“…Hình ảnh mà sử nước ta miêu tả Tôn Sĩ Nghị thường hình dung họ Tôn như một viên tướng Tàu bụng phệ, ham ăn, hiếu sắc, điều quân khinh địch. Việc họ Tôn đại bại là sự thật của lịch sử nhưng nguyên nhân khác là những yếu tố như địa thế, thời tiết còn nhiều điều phải nghiên cứu, mỗi yếu tố(8) dự phần vào sự thắng hay bại…”.
Bởi nhẽ ấy, mụ chữ tôi có dăm điều gần gũi ông:
- Số là “họ” của mụ chữ tôi nghe Tàu tàu, Lưu Bị chả ra Lưu Bị, Tào Tháo chả ra Tào Tháo, tào lao thì có… Ấy vậy mà ông họ Tôn, mụ chữ tôi sinh năm thân, hóa ra ông và mụ chữ tôi cũng họ hàng hang hốc với… Tôn Hành Giả.
- Trước thời gian ông cất quân đánh Nepal, nhè cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông sưu tầm đá cổ, đá lạ như Mễ Phế đời Tống. Thì trong nhà mụ chữ tôi cũng chơi đá lạ, đá cổ. Ngòai ra theo ngọai truyện, vì Mễ Phế mê đá, tìm được đá quý ông quỳ lạy hòn đá là: “Nhạc gia” nên người đời gọi ông là Phí Mễ. Thì mụ chữ tôi cũng họ… Phí vậy.
Nhẽ gần gũi nhất bởi mụ chữ tôi và ông đều tin… thầy bói:
- Theo tài liệu của Hội Truyền giáo Bắc kỳ, chúng ta biết rằng Tôn Sĩ Nghị và các tướng nhà Thanh đã có những quan điểm rất “Tàu” khi họ gửi thư cho Nguyễn Huệ ấn định sẽ giao tranh vào ngày mồng 6 Âm lịch mà các giáo sĩ cho rằng đó là một ngày tốt [theo Tàu) để xuất quân nhưng Nguyễn Huệ đã tấn công ngay ngày mồng ba Tết khiến Tôn Sĩ Nghị trở tay không kịp.
Với nghĩa tử nghĩa tận, Tôn Sĩ Nghị cũng có miếu đền thờ ở bên Tàu, còn ai trồng khoai đất này, mụ chữ tôi nghĩ ngay đến Văn Thù. Bởi chưng Càn Long còn đòi hỏi ta xây đền tướng sĩ tử trận của ông nữa là. Một ngày buồn như rươi, mụ chữ tôi lên mạng thăm gò Đống Đa để đi tìm một chút hương tàn khói lạnh… Nhưng nguồn trên mạng chỉ cho hay: Xưa kia trên đỉnh gò Đống Đa có cái miếu nhỏ nay không còn nữa.
Từ miếu mạo, nghe hơi nồi chõ sử gia Trần Quốc Vượng viết có "miếu bà Trắc" ở phía nam hồ Động Đình, tại Hồ Nam. Thế là mụ chữ tôi lại mọc ra chuyện cùng thời với Càn Long, trong một chuyến đi sứ, Ngô Thì Nhậm đã tới miếu bà Trưng Trắc đề thơ. Thế nhưng nghĩ tới nghĩ lui Ngô Thì Nhậm đi theo sứ bộ đâu có tách ra lạc hoa lưu thủy tới Động Đình hồ để làm thơ.
Kiến đậu ruồi bu, vào hai thời điểm khác nhau, có ông nhà báo, ông lang, cả hai đều… tận tụy tới tận nơi. Nhưng cả hai, chả ông nào chịu khó chụp ảnh hay tả cái miểu hình dáng cổ sự, kỳ cổ như thế nào. Tiện tay mụ chữ tôi rà rà con chuột vào mạng lưới thì sách Lịch sử Việt Nam in năm 1983 ở Hà Nội viết:
“…Chính sử có ghi chép sau khi Mã Viện hoàn thành công việc xâm lăng đã bắt trên 300 cừ suý người Việt đưa về Tàu, an trí tại Linh Lăng là phần đất phía nam tỉnh Hồ Nam, 300 cừ suý đó  lập “miếu Bà Trắc” mà Trung Quốc gọi là miếu Mụ Trắc…”.
Mụ chữ tôi thao láo như mắt rắn ráo nom dòm lại bài thơ của Ngô Thì Nhậm viết miếu Hai Bà ở trên núi Ngũ Lĩnh ở… nước Sở. Mụ chữ tôi tính nhẩm Động Đình Hồ của sử gia Trần Quốc Vượng và nước Sở của Ngô Thì Nhậm cách nhau xa lắm. Ấy là chưa kể sau hơn 200 năm, miếu ở Hồ Nam có còn lưu dấu tích chăng? Hay là lại như miếu tướng sĩ nhà Thanh theo thời gian chẳng để lại dấu vết trên gò Đống Đa.

Với miếu Sầm Nghi Đống do khách trú lập lên ở ngõ Sầm Công, phố Hàng Buồm. Ấy vậy mà bà chúa thơ Nôm họ Hồ cũng mò vào ngõ làm thơ Miếu Sầm thái thú.
Ghé mắt trông lên thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
***
Sầm Nghi Đống, Tôn Sĩ Nghị đã mổ yên mả đẹp, mụ chữ tôi đào xới tới Càn Long.
Nói qua nói lại mụ chữ tôi có một chút nào tri giao quái ngã với Càn Long vì Càn Long có cái đầu “nề nếp” văn học nghệ thuật như Khang Hy. Ngòai ra Càn Long còn đọc sử nước ta nữa. Vì mụ sử tôi như xâm sờ voi qua nguồn:
“Việt sử lược xuất hiện từ thời nhà Trần được người sau chép hay viết lại. Việt sử lược đã bị thất truyền rất lâu, mãi đến thời Càn Long nhà Thanh mới được đem in, nói là theo bản của tuần phủ Sơn Đông thu nhặt được đem dâng lên vua. Việt sử lược được lưu trữ ở Khâm Định tứ khố toàn thư của nhà Thanh. Một trong tứ trụ sử gia Hà Nội là giáo sư Trần Quốc Vượng đã phiên dịch sang Việt ngữ, và phần chú giải có nói tới việc các người họ Lý bị đổi thành họ Trần”.
Theo nguồn khác có…niên đại, niên kỷ hơn:
“Thiền sư Lê Mạnh Thát viết rõ Việt Nam còn một cuốn sử mà ngay cả sử thần Ngô Sĩ Liên cũng không biết, đó là cuốn Đại Việt sử lược. Ông giải thích khi giặc Minh vơ vét mọi sách vở, bia đá, bản gỗ có chữ mang về Tàu, đã mang theo cuốn này, cuối cùng năm 1776 nó lọt vào tay vua Càn Long nhà Thanh, và được chép ra, nhưng bỏ đi một chữ trong nhan đề, chỉ còn là Việt sử lược. Đó là một bộ sử Việt viết vào đời Trần mà người Việt đương thời không biết, mãi vài thế kỷ sau mới nghe đến tên nó”.
Bởi vậy mụ sử tôi xoi xói như thầy bói múc canh năm 1776 Càn Long có đọc sử ta. Vì vậy trong bức tranh mới nhất, mới tìm thấy vẽ chân dung cụ vua Quang Trung ta, dưới ấn ngọc tỉ trong bức tranh có bài thơ của Càn Long được chú giải:
“…Đời Chính Đức nhà Minh, bày tôi của nhà Lê là Mạc Đăng Dung đuổi chủ chạy đi, nhà Minh hưng sư đánh qua một năm mà quân chưa ra (khỏi cửa quan). Đăng Dung tiến người vàng thay mình được phong làm đô thống. Về sau, Duy Đàm, đọat lại chức đô thống của Mạc Hậu Hợp lại cũng tiến người vàng, sau được phong tước vương…”.
Lý sự gì mụ sử tôi bê nguyên đọan sử của Càn Long vào đây, chả là mụ sử tôi mụ mẫm không biết…Duy Đàm là ai? Tuy nhiên với Văn Thù Càn Long nói thì nói vậy nhưng mụ chữ cứ tức anh ách như cụ Nguyễn Du qua câu ngã hữu thốn tâm vô dự ngữ, là ta có tấm lòng chưa nói ra được.  
Và chuyện mụ chữ tôi chưa nói ra được là:
Là Càn Long tuy đã chính thức công nhận cầu phong, nhưng vẫn còn câu nệ về một số tiểu tiết, cốt để gây khó khăn cho ta. Ngày mồng 3 tháng 5 năm 1789, Càn Long gửi cho vua Quang Trung một đạo dụ: Chưa thể phong vương vì Nguyễn Quang Bình chưa thân hành sang chầu mà chỉ sai cháu là Nguyễn Quang Hiển thay mặt đem biểu tiến kinh để đón phong hiệu, lễ chế đó thiên triều chưa từng có. Nếu quả Nguyễn Quang Bình có bụng thành kính, chi bằng đợi khi vua Càn Long làm lễ bát tuần vạn thọ vào năm sau (Canh Tuất 1790) thì hãy thân hành sang Yên Kinh để xin phong vương”.
Thế nhưng ngày mồng 3 tháng 5 năm 1789…chính lại là ngày phái bộ Nguyễn Quang Hiển đang trên đường lên Yên Kinh để triều kiến Càn Long, để nhận sắc phong và ấn chỉ mang về nườc. Tiếp đến Quân cơ xứ theo lệnh Càn Long gửi một dụ chỉ xuống tất cả các quan lại địa phương trên đường đi của Nguyễn Quang Hiển để chỉ vẽ việc tiếp đãi trên đường lên kinh đô chỉ cấp đừng phí phạm.
Bởi mụ sử tôi táp sử như lợn ăn cám, hết quyển này qua quyển nọ, đây một khúc kia một đọan nên rối mù, đến lúc phải tìm khúc kết cho bài văn sử “Chuyện người ngọai sử” thì lại rối như tương bần. Chả bù cho bài viết…Nguyễn Duy Chính và bộ biên khảo về nhà Tây Sơn của tác giả Trần Đức Anh Sơn, ông đúc kêt ngắn ngọn nhưng đầy đủ...
      
(1) Đời Tống (Song) trong nội phủ đặt đồ gốm men sứ riêng cho vua dùng, gọi là ngự chế nơi kinh đô gọi là Khai Phong Phủ. Đồ sứ nổi tiếng với “Tống ngọc” gọi các céladon đời Tống. Đời Mãn-Thanh, vua Khang Hy (1662-1722) đích thân tới lò Cảnh Đức Trấn coi thợ làm đồ ngự chế kiểu Tống ngọc men xanh nước biển céladon.
(Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa – Vương Hồng Sển)
(2) Trong số vong thần nhà Lê bị giữ lại trên đất Trung Hoa cuối đời Càn Long là Lê Quýnh. Ông nhất định không chịu cạo đầu và thay đổi y phục (2b) để nhập tịch thành dân nhà Thanh. Người ta còn nhắc đến ông với câu nói bất hủ: “Bọn ta đầu có thể chặt, nhưng tóc không thể cắt, da có thể lột, nhưng áo không thể đổi”
(2b) Thời Minh Mạng (1820-1840), cùng thời Gia Khánh nhà Mãn Thanh, Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đàn bà ta không được mặc váy, phải mặc quần. (như đàn bà Mãn Thanh). Rất may Minh Mạng không bắt…đàn ông ta để tóc đuồi sam.
(3) Cùng thời người Mãn Châu lập lên nhà Thanh, với mụ sử tôi lịch sử như những móc xíck nối kết với nhau. Trong sử kiện này có những trùng hợp của lịch sử, thảng như theo Keith Weller Taylor với 5 năm nghiên cứu sử Việt ở Hà Nội và giảng dạy môn lịch sử Việt Nam tại đại học Cornell. Ông dựa vào năm 1925, tạp chí Nam Phong in hai bài về dân tộc thiểu số miền núi trong đó có người Mường, thủ lĩnh người Mường được gọi là quan lang, Taylor dựa vào tạp chí Nam Phong đúc kết Lê Lợi gốc người Mường…
(4) Khi sứ thần Thành Lâm sang phong vương cho vua ta ở Thăng Long, ông đến tế ở ngôi đền này, chỉ có vậy và không hơn. Nói dón thì miếu thờ họ Sầm ở đâu? Rị mọ vào mạng thấy khi Sầm Nghi Đống chạy về đến Loa Sơn thì cùng đường và quan quân chết trận tại đây. Sau dân lập lên một nấm mộ lớn từ đó gò Đống Đa thành hình. Nghe kể lại xưa đỉnh gò có ngôi miếu nhỏ cúng những linh hồn người chết trận.
(5) Trong tấu thư ngày mồng 9 tháng chạp năm Mậu Thân [4-1-1789], Tôn Sĩ Nghị có kể lại việc quân Thanh cắt thủ cấp và tai những người bị chúng giết, còn ai bị bắt thì đem ra chém ngay, mỗi ngày lên đến vài chục người.
(6) Hiệp trấn Lạng Sơn Trần Danh Bính trước trá hàng quân Thanh, sau trốn về Thăng Long. Các nguồn sử liệu Việt Nam cho biết Trần Danh Bính được Ngô Văn Sở cử làm sứ giả để nghị hòa nhưng bị Tôn Sĩ Nghị xử tử.
(7) Có thể Phúc Khang An là người Mãn Châu.
(8) Mụ sử tôi luận sử theo tác giả Nguyễn Duy Chính một trong những yếu tố có những tóan quân của Tôn Sĩ Nghị không chuyên nghiệp ấy là toán thổ binh Ðiền Châu của Sầm Nghi Ðống từ Quảng Tây và quân của châu Bảo Lạc là người thiểu số của nước ta từ biên giới xuống.


           
Nguyễn Duy Chính và

bộ biên khảo về nhà Tây Sơn

Trần Đức Anh Sơn

Những khảo cứu của Nguyễn Duy Chính về Nguyễn Huệ - Quang Trung không tập trung phản ánh những chiến công hiển hách của người “anh hùng áo vải” đất Tây Sơn, mà là những nghiên cứu toàn diện văn hóa của Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XVIII, cùng những nhân vật lịch sử giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh xã hội đương thời. Bộ biên khảo đã phát hành như: Thanh-Việt nghị hòa - Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung, Việt-Thanh chiến dịch, Giở lại một nghi án lịch sử “giả vương nhập cận”. Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?. Núi xanh nay vẫn đó. Sách do Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ ấn hành.
Tôi biết tên Nguyễn Duy Chính cũng hơn chục năm nay, khi đọc những bài nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của anh in trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế. Về sau thì biết thêm, anh còn là dịch giả xuất sắc nhiều tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và là tác giả nhiều biên khảo có giá trị về văn hóa, lịch sử Trung Quốc xuất bản ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
Mến mộ Nguyễn Duy Chính tôi quyết tìm cho được địa chỉ e-mail của anh để liên lạc. Từ đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi, thảo luận những vấn đề sử học cùng quan tâm. Tháng 4/2013, trong chuyến sang Mỹ làm phim tư liệu Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời (do Đài Truyền hình Sài Gòn sản xuất) tôi có dịp gặp gỡ Nguyễn Duy Chính ở Santa Ana (California). Anh mời tôi đến nhà uống trà, trao đổi chuyện nghiên cứu sử học, rồi tặng cho tôi hai tập bản thảo Thanh-Việt nghị hòa. Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung và Việt-Thanh chiến dịch mà anh vừa biên soạn hoàn chỉnh.
Tôi đón nhận món quà quý của anh và say mê đọc. Đây là những công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có nhiều sử liệu mới mẻ, với những phân tích xác đáng và khách quan về quá trình chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đại Việt của triều đình Mãn Thanh, về diễn biến cuộc chiến và sự thất bại nặng nề của quân Thanh trước cuộc phản công chớp nhoáng của quân Tây Sơn do Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đạo, đặc biệt là những câu chuyện hậu trường trong quá trình đàm phán để “bình thường hóa quan hệ” giữa Đại Thanh và Đại Việt sau khi cuộc chiến kết thúc. Hai biên khảo này “trưng ra” nhiều tư liệu quý, khai thác từ kho sử liệu gốc của nhà Thanh, có đối chiếu và kiểm chứng với sử liệu Việt Nam, nên những phản ánh, nhận định trong hai biên khảo này của Nguyễn Duy Chính rất khác so với những sử liệu mà tôi được tiếp nhận từ trước đến nay.
Sau khi về Việt Nam, tôi  giới thiệu hai bản thảo này Nxb Văn hóa-Văn nghệ ở Sài Gòn, với mong mỏi Nxb Văn hóa-Văn nghệ sẽ cho xuất bản hai biên khảo giá trị này. Nguyện vọng của tôi được đáp ứng. Sau quá trình thẩm định công phu, cùng với sự bổ sung, điều chỉnh và cập nhật tư liệu liên tục từ phía Nguyễn Duy Chính, vào tháng 9/2015 cuốn sách  Thanh-Việt nghị hòa. Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung chính thức ra mắt độc giả Việt Nam. Cuốn Việt-Thanh chiến dịch cũng đã vào nhà in, dự kiến sẽ xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam vào tháng 1/2016.
Cuối tháng 12/2015, tôi trở lại Santa Ana và gặp lại Nguyễn Duy Chính.
Anh lại mời tôi đến nhà để hàn huyên và tặng cho tôi thêm hai bản thảo biên khảo mới, cũng viết về quan hệ Đại Thanh-Tây Sơn thời hậu chiến.
Đó là cuốn “Phái đoàn Đại Việt và lễ bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông”

Và cuốn Giở lại một nghi án lịch sử “giả vương nhập cận”. Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? Kèm theo hai bản thảo này là một chiếc usb, bên trong chứa 4 bản thảo sách như đã đề cập trên đây và hai tập Tiểu luận lịch sử và Tiểu luận văn hóa mà Nguyễn Duy Chính đã dày công nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn trong những năm qua.
Tôi dành ba ngày ròng rã đọc gần 2.500 trang bản thảo chứa trong USB, nhưng cũng chỉ đủ thời giờ lướt qua của nội dung chính yếu của 6 (sáu) công trình khảo cứu công phu này. Về triều đại Tây Sơn và bang giao Việt - Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, ngoài bốn biên khảo đã đề cập trên đây, Nguyễn Duy Chính còn có nhiều khảo luận đặc sắc khác được tập hợp trong tập Tiểu luận lịch sử như: Tương quan Xiêm - Việt cuối thế kỷ XVIII; Từ chiến dịch Ai Lao đến trận thủy chiến Thị Nại; Quốc ấn từ An Nam quốc vương đến Việt Nam quốc vương; Nghi vấn lịch sử triều Quang Trung: Cầu hôn công chúa nhà Thanh; Lê Duy Kỳ (1766-1793) đáng thương hay đáng trách?; Lê Quýnh (1750-1805), Văn hiến chi bang; Khai quan thông thị; Lê Quýnh; Cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Triều Tiên và Ðại Việt ở triều đình nhà Thanh năm Canh Tuất [1790]; Vài sự kiện về bức chân dung vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ…
Ngoài ra, còn có bản dịch tựa đề Chiến dịch sau cùng của vua Quang Trung do Nguyễn Duy Chính dịch từ bài nghiên cứu The Lao-Tay Son alliance, 1792 and 1793 của Kennon Breazeale. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận một bộ biên khảo đồ sộ, tập trung vào một nhân vật lịch sử đặc biệt của Việt Nam: Nguyễn Huệ-Quang Trung và bối cảnh lịch sử - xã hội đương thời liên quan đến nhân vật này. Những khảo cứu của Nguyễn Duy Chính về Nguyễn Huệ-Quang Trung không tập trung phản ánh những chiến công hiển hách của người “anh hùng áo vải” đất Tây Sơn, mà là những nghiên cứu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XVIII, cùng những nhân vật lịch sử giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh xã hội đương thời.

Dựa vào nguồn tư liệu gốc của triều đình nhà Thanh, Nguyễn Duy Chính có những phân tích xác đáng về thực trạng Trung Quốc lúc bấy giờ; những ẩn khuất đằng sau hành động xâm lược Đại Việt của Thanh triều vào cuối năm 1788 để hứng chịu thất bại nặng nề vào đầu năm 1789; những toan tính và hành động mà nhà Thanh sử dụng trong quá trình tái lập bang giao với Đại Việt sao cho không mất mặt “Thiên triều” nhưng cũng không “chọc giận” Quang Trung thêm một lần nữa.
Nguyễn Duy Chính cũng dựa vào những sử liệu của cả hai bên, đặc biệt là những văn thư trao đổi giữa các đại thần của hai triều cùng những chỉ dụ của Quang Trung và Càn Long để làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến cuộc chiến Thanh-Việt và quá trình nghị hòa sau đó. Anh có những kiến giải và phân tích sâu sắc về tương quan lực lượng của hai bên, khác xa với những thông tin mà chúng ta từng được biết; về chiến lược quân sự táo bạo, hiệu quả và chính sách ngoại giao khôn khéo, cương quyết mà Quang Trung đã sử dụng để đối phó với nhà Thanh, buộc nhà Thanh không chỉ chịu chấp nhận bại trận, mà còn phải hòa hoãn, không động binh trả đũa và phong vương cho Quang Trung, chính thức chấp nhận triều đại Tây Sơn. Đó là những thắng lợi ngoạn mục mà Nguyễn Huệ - Quang Trung và các quan tướng của ông đã giành được trước kẻ thù.
Theo Nguyễn Duy Chính, “Trong tiến trình đàm phán, nhà Thanh đã dàn ra một vở kịch lớn để từ từ xoá đi nỗi nhục bại trận với nhiều tướng lãnh cao cấp tử thương. Vở kịch đó hoàn hảo đến nỗi nhiều sử gia Trung Hoa - cả đại lục lẫn Đài Loan - vẫn nhấn mạnh vào việc nước ta cầu hòa (mà họ gọi là khất hàng) được nhà Thanh chấp thuận mặc dù trên ngôn từ ngoại giao, cầu hòa không đồng nghĩa với khiếp nhược”. Anh nhận định rằng: “Việc phong vương cho vua Quang Trung là một tiến trình cam go không chỉ thu hẹp trong việc nhà Thanh chấp nhận một An Nam Quốc vương mà còn là một cuộc đấu trí để đi đến một ‘win-win solution’ như lối nói ngày nay. Thành quả của đường lối ngoại giao này hoàn toàn không do đút lót cho Phúc Khang An như vài hàng trong sử triều Nguyễn đã ghi chép”. Điều này trái hẳn với những gì chúng ta đã biết khi đọc những công trình nghiên cứu về Quang Trung và nhà Tây Sơn trước đây.
Nguyễn Duy Chính còn làm sáng tỏ nhiều nghi án khác, như: việc Quang Trung cầu hôn công chúa nhà Thanh, về lễ bảo tất hay bảo kiến trong lễ bát tuần khánh thọ Càn Long…Đáng chú ý là anh đã dựa trên nhiều nguồn tư liệu xác thực đương thời để bác bỏ quan điểm cho rằng người cầm đầu phái đoàn Đại Việt sang Trung Hoa mừng thọ Càn Long vào năm 1790 là Quang Trung giả. Theo Nguyễn Duy Chính, đích thân Quang Trung, mà nhà Thanh gọi là Nguyễn Quang Bình, đã sang Bắc Kinh dự lễ bát tuần khánh thọ Càn Long và những luận thuyết về một vị giả vương đóng thế Quang Trung chỉ là do cựu thần nhà Lê và sử gia triều Nguyễn bịa ra để hạ thấp uy danh của vua Quang Trung và triều đình Tây Sơn trong quan hệ với triều đình Đại Thanh mà thôi.
Các công trình khảo cứu của Nguyễn Duy Chính về quan hệ giữa Đại Việt với Đại Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, cho thấy dù nước ta là một nước nhỏ, nhưng nếu biết cương, biết nhu đúng lúc và không biết khiếp nhược trước kẻ thù, thì dù kẻ thù có lớn mạnh hơn ta gấp bội, cũng phải kiêng dè và tôn trọng ta.
(tác giả Trần Đức Anh Sơn còn có bài viết “Các chuyện đi sứ sang Trung Hoa dưới triều Nguyễn (1802-1945) ở trang 230 - Bang giao với Tàu từ nhà Đinh tới nhà Nguyễn)

Chả dấu gì bạn đọc, đến khúc cuối này đây… Mụ chữ tôi có ý góp nhặt sỏi cát một, hai góc cạnh ẩn khuất nào đó ẩn mình trong bài viết của tác giả Trần Đức Anh Sơn, để mụ chữ tôi đúc kết Chuyện người ngọai sử. Mà nói nhịu thì chả nhẽ kết là kết thúc rồi từ giã bạn đọc thôi sao? Bởi chưng là bài văn sử, phải có gì để… níu kéo bạn đọc với… hụt hẫng nào đấy! May quá là may ở cuối bài viết, chó ngáp phải ruồi, mụ chữ tôi táp được câu ẩn tàng, ẩn ngữ mà người đọc hiểu thế nào thì hiểu, như… nước ta là một nước nhỏ nhưng nếu biết cương, biết nhu đúng lúc và không biết khiếp nhược trước kẻ thù. Và câu tiếp:...dù kẻ thù có lớn mạnh hơn ta gấp bội, cũng phải kiêng dè và tôn trọng ta…

Đọan nối kết Khúc kết 1 và 2
Có đầu có đũa chả là trước kia với “Đi tìm khúc kết Chuyện người ngọai sử” vì bí chữ, chẳng biết đúc kết thế nào . Đang bí ngô bí khoai, thề đứa nào nói láo ông táo đội nồi cơm, cái đầu đất mụ chữ tôi chui ra một vật thể… “bên Ta thì có bên Tàu thì không”.
Thế là mụ sử tôi lại có cớ bật rật với cổ sử “Bà Trưng quê ở Châu Phong” với “Hồng quần nhẹ bước chinh yên” qua kỳ cổ, kỳ quan thời bà Trưng còn mặc váy, thời Minh Mạng mới có... quần. Vì vậy mụ chữ tôi cũng muốn có địa chỉ điện thư của người ngọai sử để ba điều bốn chuyện với ông về cổ văn, cổ sử…
Chuyện là về văn học, người trong nước cũng có nhiều quái ngại lắm, thảng như có một cô giáo dậy văn, cô được hỏi “cụ thể”: Nhất Linh là ai? Cô giáo trả lời ngay đơ: Nghe nói Nhất Linh là kép hát tuồng cải lương Lan và Điêp. Học trò cũng chả hơn gì với cổ sử nhà, một em lớp 11 viết: 50 người con theo bà Âu Cơ lên núi, 50 người con theo ông Lạc Long xuống biển mất tiêu. Nên sau có 50 người con khác từ phương Bắc(1) xuống lập nên nước Xã Hội Chủ Nghĩa ta ngày nay….
Vậy thì có gì nói thế, đột dưng có chuyện cổ sử từ thời hồng hoang bà Âu Cơ đẻ 100 trứng. Thế nên mụ chữ tôi đành phải vác bài phiếm sử  “Những mảnh khuất sử” của cụ Ngộ Không ở Thạch trúc thảo lư vào đây có đoạn cổ sử “Truyền thuyết Thánh Gióng” vào thời Hùng Vương thứ 6 khoảng giữa 1718-1671 TCN …
Và chuyện eo óc thế này đây:
“…Làm như có gì khó nghĩ lắm, tiếp đến cụ (Ngộ Không) lắc đầu…
- Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ thứ 13. Vậy thì các sử gia ta dựa vào đâu mà viết cổ sử, rốt những dữ kiện, sử phẩm cổ sử mà các sử gia ta bày ra giống như bỏ cua trong giỏ, que càng cứ quắp vào nhau, loay hoay vặn vẹo rộn cả người.
Rồi cụ cầm điếu thuốc lá chỉ vào màn ảnh cái iPad Pro có đọan…
“…Tóm lại, truyền thuyết nhiều nhưng nhiều nhà sử học không giải lý được mà bê truyền thuyết vào lịch sử. Ví dụ, trong cuốn Lịch sử Việt Nam của giáo trình đại học Tổng hợp, với truyền thuyết Thánh Gióng:Không thể mang vào lịch sử được. Truyền thuyết chỉ là biểu trưng thôi. Như giáo sư Đặng Thai Mai nói rằng: “Nói quá đi để vừa. Bây giờ nói ông Thánh Gióng nhỏ quá thì không tiện mà phải nói ông rất to, to lắm”.
Vì thế truyền thuyết ta có thể đọc và hiểu nó. Nhưng khi nghiên cứu lịch sử, việc xử lý lại khác: Cái quan trọng là giải mã truyền thuyết…”.
Cụ giải mã truyền thuyết vào thời “hậu hiện đại” tại Hợp Chủng Quốc:
4000 năm sau tính từ thiên niên kỷ 21, các sử gia hậu sinh viết sử không viết theo truyền thuyết như những sử gia tiền bối đi trước. Và họ cũng không viết theo tác phẩm giả tưởng (fiction) Star Trek. Các sử gia trẻ dựa vào những sử kiện hoàn toàn có thật vẫn còn đang hiện hữu và tồn tại trên trái đất: Họ dựa vào hoa văn trên trống đồng Đông Sơn ghi ”Thuyền hình chim trong mỹ thuật Đông Sơn” nhưng sử gia hậu sinh dòm thuyền hình chim cứ ngỡ là…“phi thuyền”.
Bởi sử gia hậu sinh trẻ là người Mỹ gốc Việt qua Cancun, ở Mễ Tây Cơ thăm các đền đài lăng tẩm của người Maya đã được khám phá từ năm 1773 do một cố đạo Tây Ban Nha. Năm 1785, ông cố đạo cho người vẽ và ghi chép lại các hình chạm nỗi trong đền đài và để đó. Sau kế hoạch Mercury (1959-1963), năm 1968 một tác giả người Thụy Sĩ tên Erich von Däniken trong quyển Chariots of the Gods? Tạm dịch tiếng Việt là “Chiến xa của các vị thiên vương”. Ông Daniken mới nhìn ra một số hình ảnh chạm nỗi là phi hành gia không gian, là vua Pakal của Maya.      
Vì người Maya (và Inca) vốn th́ích và nghiên cứu tìm hiểu về không gian nên các đền đài của họ đều cho thấy người ngoại tầng không gian quen biết với vua Pakal, người ngoài không gian cho vua Pakal lên phi thuyền đi thử cho biết. Theo sử gia hậu sinh, vua Hùng Vương thứ 6 của ta sống khoảng giữa 1718-1671 trước khi chúa Giê-su ra đời chả có liên lạc gì với người hành tinh lạ, nên sự hiểu biết về không gian của vua Hùng không có, cho nên chẳng có hình chạm tương tự và hình vẽ nào ghi lại.
Nhìn hình ảnh khắc chạm vua Pakal lái phi thuyền, sử gia hậu sinh không khỏi nghĩ đến Phù Đổng thiên vương cỡi ngựa sắt, và sau đó bay về trời tức bay trở về hành tinh gốc của mình. Sau các sử gia hậu sinh trẻ người Mỹ gốc Việt dựa vào siêu khoa học gia trái đất khám ra Phù Đổng là phi hành gia lái phi thuyền “Con ngựa sắt” (như phi thuyền của Pakal là “Chiến xa”). Nhưng phi thuyền “Steel Horse” bị “crash” nên Phù Đổng ở lại nước ta như người lùn trong phim E.T. Rồi gặp khi chiến tranh hành tinh đánh nhau trong giải thiên hà giống như loạt phim Star Wars, bởi là dân ngụ cư nhận Việt Nam là quê hương thứ hai nên Phù Đổng giúp Ta đánh Tàu.
Vì sử gia hậu sinh trẻ người Mỹ gốc Việt không cho biết Ta đánh Tàu(2) nào? Tàu Minh hay Tàu Thanh? May nhờ sử gia hậu sinh trẻ người Đức gốc Việt cho hay:
”Một thiên sứ ở một hành tinh khác mà người xưa gọi Nôm là “trời” sai xuống giúp dân Nam dẹp giặc Ân từ phương Bắc kéo xuống”.
Nên nhớ giặc Ân là giặc Tàu, vì lý do nào đó những sử gia của thiên niên kỷ 21 ở Hà Nội dấu và không muốn cho học trò học sử Việt biết rõ giặc Ân là ai?(3).  
Vì nhà trường bóp méo lịch sử với học trò qua Truyện kể lịch sử là sách giáo khoa lịch sử của lớp 7 (4) định hướng cuộc chiến tranh 20 năm Nam Bắc chi phối toàn bộ giáo trình dạy lịch sử. Vì vậy bà Phạm Thị Hoài ở Đức viết tiểu thuyết lịch sử Thiên Sứ.
“Thiên Sứ” của bà Phạm Thị Hoài sống ở Đức lỡ sa xuống mảnh đất Việt Nam, lạc vào thế giới người lớn chỉ biết…hôn (Love not war). Có một trùng hợp Thiên Sứ của bà hao hao giống chú lùn trong truyện Cái Trống (Le Tambour) của Günter Grass. Hay nói khác đi chú lùn này lại giống chú lùn trong phim E.T. như Phù Đổng chỉ 3 tuổi trong sử truyện của các sử gia trẻ. “Cái trống” là một tác phẩm pha trộn thực tại với hoang tưởng được cảm hứng viết từ bức tranh của Dantzig, dưới chế độ Hitler.
Từ bà Phạm Thị Hòai, cụ trưa ngả sang chiều qua quan chức, quan cách Hà Hội:
- Chủ tịch nước (Nguyễn Minh Triết) ký thác tâm sự của mình vào thánh Gióng khi bảo rằng: Thánh Gióng bay về giời để…vui thú điền viên. (sic)
Vê vê điếu thuốc…cụ đùn sử quan về thời Hai bà Trưng bị Mã Viện đánh đuổi chạy về hồ Lãng Bạc (tức hồ Tây) với sử kiện có khác đôi chút qua một nhà văn...
- Nhà văn kiêm nhà thơ Nguyễn Đình Thi, viết rằng: Thánh Gióng tắm ở hồ Tây, rồi chui vào rừng nằm chờ chết chứ không có chuyện bay về trời. (sic)
Dụi dụi điếu thuốc, từ chuyện này xọ qua chuyên kia, từ chuyện Thánh Gióng ăn ba vại cà, uống ba lu nước to kềnh, cụ vắt qua những sử gia cây đa cây đề …
Một vài người nào đó có quyền uy (Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Huy Liệu, Đinh Xuân Lâm…) cứ áp đặt lịch sử qua tư liệu của họ với những sử liệu sai.
Moi điếu thuốc bao Gauloises để đó. Cụ tiếp:
“Tạp chí Nghiên cứu lịch sử đề ra việc kết tội một số nhân vật lịch sử như Hồ Qúy Ly, Nguyễn Trường Tộ, Lưu Vĩnh Phúc (sic), Phan Thanh Giản”. Rồi với nghiệp ngão, cụ giải bày cái số ăn mày bị gậy phải mang của cụ Phan Thanh Giản…
“…Ðiểm mà tôi (Trần Huy Liệu) muốn nhấn mạnh cái chết của Phan là rất biện chứng trong chỗ bế tắc của Phan, chứ không thể xóa được tội danh trước tòa án dư luận nhân dân. Như vậy, kết tội Phan Thanh Giản phải gắn liền với Tự Đức, bản án Phan là nằm trong hồ sơ bản án hàng giặc bán nước của triều Nguyễn…”.
Bỗng không cụ tặc lưỡi đến tách một cái, bày tỏ khí vị:
- Sử gia miền Bắc bị cấm viết sử nhà Nguyễn bởi lý sự nào đó!
***
Lực đực với Chuyện người ngọai sử, mụ sử tôi ôm rơm rặm bụng năm 1928 thời Bảo Đại, sử thần Trần Trọng Kim mặc dù là sử thần cuối triều Nguyễn, nhưng cu cũng đưa nhà Tây Sơn vào chính sử cùng lời phân trần về sự công bình lịch sử qua các triều đại trước. Cụ sử thần dậy rằng:
“…Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và nguỵ triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, ba là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là nguỵ triều. Vậy nay lấy những lẽ ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây Sơn làm chính thống hay là nguỵ triều, để cho hợp lẽ công bằng và cho xứng cái danh hiệu những người anh hùng đã qua.,,,”
Cứ như mụ sử tôi đơm đó thì…
Triều đại Tây Sơn với những gì xảy ra trong 14 năm (1788-1802) bị bỏ quên khá lâu và phải vài mươi năm sau mới được chép trong một bộ phận ít được quan tâm nhất. Đó là sử nhà Nguyễn về nghịch thần, tiếm thiết dưới nhan đề “Nguỵ Tây” trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, gồm tiểu sử của ba ông vua Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Quang Toản. Tất cả chỉ vỏn vẹn có 56 trang, không đáng vào đâu cho cả ba vị vua mà công nghiệp của riêng một vua Quang Trung phải nói là lừng lẫy…
Thế nhưng với nắng trưa mưa tối thì làm như có cùng một dòng sinh mệnh với sử nhà Tây Sơn, “sử nhà Nguyễn” cũng bị sử gia Hà Nội bỏ quên đến 10 năm. Vì sử nhà Nguyễn không được sử gia Hà Nội đưa vào “chính sử” bởi chưng cụ Phan Thanh Giản bị Trần Huy Liệu kết tội: “Phản quốc”. Khi không sử nhà Nguyễn bị vạ lây, những nhà dựng sử miền Bắc không tiếc lời chê trách nhà Nguyễn là tay sai cho thực dân Pháp nên họ cấm viết về sử nhà Nguyễn từ năm 1956 đến 1968.
Từ 1954 đến 1964, Sở Văn hóa Hà Nội thành lập Ban tên phố với “nhậy cảm” và “tế nhị” bỏ tên phố mang tên vua quan thời Nguyễn, thay vào một số tên chiến địa (Bắc Sơn, Điện Biên Phủ, v…v…). Thời gian đổi dời, hạ qua thời thu tới là mới năm ngoái đây, mụ chữ tôi về Hà Nội ngồi ở quán cà phê Lâm toét số 60 phố Nguyễn Hữu Huân.
Mụ chữ tôi dòm con đường một chiều và ngẫm chuyện nhân sinh….
Phố Nguyễn Hữu Huân tên xưa là phố Bè Thượng (người Pháp đặt tên là Rue de la Digue). Năm 1955 gọi là phố Phan Thanh Giản. Bởi chưng sử gia miền Bắc bài bác Phan Thanh Giản hê lụy với người Pháp nên họ đưa Nguyễn Hữu Huân thay thế.
Nguyễn Hữu Huân (1830-1875), quê Chợ Gạo, tỉnh Định Tường, ông dự thi Hương (cử nhân) và đỗ đầu, nên được gọi là Thủ khoa Huân. Ông khởi nghĩa chống Pháp ở các tỉnh miền đông Nam kỳ, ông bị Pháp xử chém năm 1875 tại Định Tường.
Từ Hà Nội vào Sài Gòn, con phố Phan Thanh Giản cũng đã đi vào chiến địa với tên Điện Biên Phủ. Và Sài Gòn cũng đã đi vào cổ sử theo ai đấy thì:
“…Sau 1975, chúng ta biết có những đợt thay đổi tên đường theo sau đổi tên thành phố. Nhìn qua cách đổi tên đường, chúng ta có thể đoán được rằng mấy người trong chính quyền hiện nay không ưa triều Nguyễn, vì những ông vua và quan của triều này bị cho biến đi gần hết. Vài ví dụ :
* Gia Long là ông vua gây ra nhiều tranh cãi, nhưng là người có công mở rộng bờ cõi và khai sáng triều Nguyễn; ông ấy phải “nhường” chỗ cho cậu bé Lý Tự Trọng.
* Minh Mạng là ông vua nổi tiếng thơ ca, nhưng đành phải nhường cho Ngô Gia Tự (chẳng biết ông này là ai). (5)
* Thiệu Trị cũng là vua triều Nguyễn, nay bị Trần Hữu Trang làm cho biến mất.
* Tự Đức bị cho lên đường, và thay vào là cái tên lạ hoắc Nguyễn Văn Thủ.
* Đồng Khánh bị Trần Hưng Đạo chiếm, nhưng sự thay đổi này chẳng ai thắc mắc.
* Duy Tân là con đường đẹp đã đi vào thơ ca, nhưng nay thì bị Phạm Ngọc Thạch cho lên đường biến mất luôn.
* Khải Định cũng là một vị vua triều Nguyễn, nhưng sau 1975 thì ông bị đuổi đi và nhường cho Nguyễn Thị Tần (là ai?)
* Hiền Vương tức chúa Nguyễn Phúc Tần là một nhân vật quan trọng trong sử và mở mang bờ cõi về phía Nam, bị cô Võ Thị Sáu chiếm và đuổi đi.
* Còn những tướng lãnh và danh nhân đời Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ Di Nguy, Võ Tánh, v…v…bị cho lên đường gần hết.
Bởi chưng sử nhà Nguyễn không được sử gia miền Bắc đoái hoài tới, họ chỉ đau đáu với nhà Tây Sơn: Theo Thư mục về Tây Sơn Nguyễn Huệ do ngườI Hà Nội Nguyễn Trí Sơn “biên tập” cho đến năm 1988 đã có tới 1.623 công trình viết về nhà Tây Sơn. Con số đó đến nay ắt hẳn đã gấp bội và người ta viết về Nguyễn Huệ nhiều hơn bất cứ danh nhân nào trong lịch sử các triều đại (dynastic history) của nước ta (: ND Chính)
(và cả thế giới nữa, kể cả Napoléon, mụ chữ tôi ngó chừng vậy).
Họ viết sử nhà Tây Sơn theo dạng chém to kho mặn hết “Quang Trung đại đế và Na-pô-lê-ông đại đế”, đến “Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Tây Sơn làm cách mạng”. v..v…Nhưng gần đây vì cạn đề tài nên các nhà biên khảo, biên chép hùng hục như trâu húc mả với đô đốc Đặng Tiến Đông, Đặng Tiến Giản. Nhà sử học Phan Huy Lê “điền dã” về tận nơi quê đô đốc Đặng Tiến Đông để đào xới. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường với chữ nghĩa bí hiểm u u minh minh với đô đốc Long, đô đốc Tuyết xuất hiện duy nhất trong trận đánh Ất Dậu rồi…biến mất vào cõi vô minh.
***
Hậu sự là vừa lúc mụ chữ tôi dều người vặn óc nghĩ không ra khúc kết cho bài văn sử Chuyện người ngọai sử…Ừ thi hay là hãy nhờ vả nhà văn Hà Nội căng óc nặn chữ vặn óc véo câu dùm, bởi viết khúc kết đâu có ngon sơi như ăn trứng luộc.
Ông Nguyễn Huy Thiệp vừa là nhà văn, vừa là giáo viên dậy sử ở miên núi. Ông viết tiểu thuyết lịch sử Cành đào Quang Trung. (6)      
Bởi viết văn là chuyện không có thật nên ông viết theo dạng “sử kiện giả, hư cấu thật”. Ông dậy học ở Bâm là một xóm núi khỉ ho cò gáy ở trên đồi Nhã Nam. Ông ở trọ chung phòng với giáo viên dậy toán tên Toàn và giáo viên dậy vẽ tên Doanh. Cả hai có cái đầu thực dụng như khúc củi khô nên với giáo viên Toàn làm quái gì có chuyện mã phu ôm cành đào chạy hoả tốc cả tháng trời từ Thăng Long vào Phú Xuân lại…không rơi rớt cái hoa nào. Còn giáo viên Doanh thì từ chuyện Thôi Hộ trong tiết thanh minh tặng hoa đào cho nữ lang đi trẩy hội, sau nữ lang ốm tương tư mà chết. Từ giai thoại này, các cụ ta xưa theo Tàu kiêng không tặng hoa đào. Theo giáo viên Doanh phải là hoa huệ, vì cụ vua Quang Trung ta tên…”Huệ”.
Vì bá quan bá tính chả biết đâu mà mò nên tiểu thuyết lịch sử “Cành đào Quang Trung”, ông nhà văn phải viết hai khúc kết khác nhau:
Khúc kết I và Khúc kết II.
Chuyện người ngọai sử của mụ sử tôi chả phải là tiểu thuyết lịch sử dựa vào “sử kiện thật, hư cấu giả”. Mà hư cấu nghĩa ngay thật là…”giả” thì với “hư cấu giả”, chạy trời không khỏi nắng là…“thật” chứ còn gì nữa. Lại nữa, in hịt như ông Nguyễn Huy Thiệp lụi đụi trong phòng trọ có 2 giáo viên, tập văn sử của mụ sử tôi chém chết chỈ có…2 người đọc là hết đất  
Bởi thế tập văn sử của mụ chữ tôi cũng có… 2 khúc kết.

Khúc kết - I
Sách sử đang trong phiên chợ chiều ấy vậy mà sách in ấn của người ngọai sử như nấm sau cơn mưa, mụ sử tôi trâu dong bò giắt trên mạng lưới xem ông có tác phẩm nào trình làng chăng thì va vào mặt là quyển Đàng trong thời chúa Nguyễn.
Mụ sử tôi bòn mót sau 9 đời chúa, 13 đời vua, muốn đào xới nhà Nguyễn cũng hom hem chữ nghĩa lắm chứ đâu có bỡn. Vì từ đông sang tây, sử sách ở đâu cũng có những khiếm khuyết và uẩn khúc của riêng nó…Như sử gia Fustel de Coulanges đã mà rằng: “Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn được một phiá…”. Mụ chữ tôi đồ là người ngọai sử nhòm về phía không có mặt trời mọc nên tối thui lủi, mà sử nhà Nguyễn cũng chẳng sáng sủa gì hơn.
Mụ chữ chắc mẩm bạn đọc đang lạc đường vào lịch sử với…
Một nhà mà có ba vua
Vua còn, vua mất
Vua kia chạy dài
“Vua kia chạy dài” chả hay lưu lạc ở phương nao, bởi cùng một lứa bên trời lận đận lọ đã quen nhau với vong gia thất thổ. Khi không mụ chữ tôi cảm khái bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, quạnh hơi thu lau lách đìu hiu. Thế là sau bài văn sử Chuyện người ngọai sử, mụ sử tôi ngồi im như bàn ghế với cái bàn gõ, gõ mõ chuông chiều bài: phiếm sử “Đi tìm mộ vua Hàm Nghi” ở làng Thonac thuộc vùng Dordogne ở bên Tây.
Trong bài phiếm sử, mụ sử tôi sẽ hành ngôn hành tỏi về hai chữ phiếm chiết tự từ chữ thủy và chữ phạt, “thủy” là “nổi trôi”, “phạt” là vô định. Trong vô định, mụ chữ tôi giấy thô mực cạn theo con nước từ bến Văn Lâu nổi trôi về những vua, quan, sư, đàn bà tẩm quất, họan quan bị bắt hoặc đem đi cống trong cái cảnh nước non ngàn dặm ra đi (vua có Lê Duy Kỳ, quan là Lê Quýnh, sư có Thiền sư Tín Học…học nghề in giấy, hoạn quan là Nguyễn An xây Tử cấm thành). Nhưng ít ra những nhân vật của lịch sử đó cùng lắm chỉ lặn lội sang Tàu là cùng. Ít ai bị đưa đi xa tít mù tới bên kia quả địa cầu tận bên Tây như các vua nhà Nguyễn. Trong Đi tìm mộ vua Hàm Nghi, mụ sử tôi mò tới Alger, thủ đô của Algérie, nơi ăn chốn ở của Hàm Nghi để tìm hiểu vua ta có nước mắm mà ăn không? Tiện đường, mụ sử lần mò qua đảo Réunion thăm dấu tích Thành Thái, Duy Tân. Ở cái đảo bé bằng cái nong giữa Ấn Độ Dương ấy, hai cha con nhà Nguyễn sáng, chiều đi câu cá suốt cuộc lưu đầy của Nguyễn triều vong gia thất thổ, ấy vậy mà hai cha con Thành Thái, Duy Tân không chịu nói chuyện với nhau một tiếng. (Hết)

Khúc kết – II
Đang hẻo chữ với khúc kết - II, lại bí sử nữa, thế là cái đầu như cục vôi sống của mụ chữ tôi kỳ óc ra câu sử thi của cụ Trung niên thi sĩ Bùi Giáng:
sử lịch sai(7) trang
chạy quàng
là lịch sử
Nói cho cùng, cái bệnh của người viết sưu khảo, nói như Nietzsche: “Không viết lên được gì nếu không vay mượn sự trích dẫn của người khác”. Thế nên mụ chữ tôI đành vay mượn câu “hiện thực giả, hư cấu thật” của ông Nguyễn Huy Thiệp.
Chuyện hư cấu như thật là người ngọai sử, năm nay nhè vào tuổi thất thập cổ lai hy nên cáo lão về hưu. Mụ chữ tôi nghe hơi nồi chõ ông để vợ con ở nhà, ông tìm một nơi ta dại ta tìm nơi vắng vẻ mua cái “mobil home”. Trước nhà xe ông trồng cỏ vân, sau nhà trồng bụi trúc, trong nhà ông trồng…cai máy vi tính
Với ông, 9 đời chúa ở “Đàng trong thời chúa Nguyễn” đã trở thanh di tích, nay 13 đời vua nhà Nguyễn là di sản. Mà “di sản” của ông chẳng đâu xa, nó ngự ở bức thư pháp treo trên tường trước cái máy vi tính:
đọc lại dăm pho sử
nối tiếp nhau viết sai
sai từ đầu thượng cổ
......
gấp lại dăm pho sử
nam bắc đều khật khờ.

(1) Sự thể này có “liên hệ” đến câu: “dù kẻ thù có lớn mạnh hơn ta gấp bội, cũng phải kiêng dè và tôn trọng ta”. Mụ chữ tôi đồ là vậy…
(2) Mụ chữ tôi góp nhặt trong điện thư vào dịp người dân biểu tình trước “Đại sứ quán” Tàu về Hòang Sa, Trường Sa. Sau đó môn sử ký dậy học trò bỏ chương bà Trưng đánh Mã Viện. Đồng thời có nguồn cho hay vua Càn Long không có ý định đánh nước ta. Không những thế vua…còn cấm Tôn Sĩ Nghị giao chiến (xem trang 248)
(3) Thời 18 vua Hùng Vương tương ứng với thời Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương và Chu. Triều đại nhà Thương xuất hiện trong khoảng từ năm 1600 đến 1046 TCN, kinh đô đóng tại đất Ân thuộc Hà Nam. Vì vậy…giặc “Ân” là nhà Thương?
(4) Trong bài khảo luận Sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và miền Bắc, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn ghi nhận: “Về môn sử, người ta dậy học trò thời nay trước, thời trước…sau”. (vì vậy mới có chuyện ngược dòng lịch sử lớp 7 học “cuộc chiến tranh 20 năm Nam Bắc”, lớp 11 học “50 người con khác từ phương Bắc xuống lập nên nước Xã Hội Chủ Nghĩa ta ngày nay”).
(5) Ngô Gia Tự là người Việt gốc Tàu qua Tàu (Quảng Châu) làm cách mạng. Về`Sài Gòn làm công nhân xưởng Ba-Son để chống Pháp. (Vì chống Pháp, không “theo Pháp” như cụ Phan Thanh Giản nên…Minh Mạng bị “soán ngôi”, mụ chữ tôi đồ vậy)   
(6) Khi viết kịch bản chèo, tác giả Trúc Đường (anh của Nguyễn Bính) đã hư cấu chi tiết vua Quang Trung qua làng Ngọc Hà, thân hành lấy một cành đào đầy nụ để sai người chuyển về Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Chi tiết này vừa đẹp, vừa mang nhiều lớp nghĩa nên được đề cao tới mức nhiều nhà sử học coi đó là chuyện thật.
(7) nguyên bản là… phai trang.

Một đêm kia tiết trời êm dịu, hình bóng u nhã, bỗng không… tối hà rầm. Vừa lúc ông viết hết chương 13 của 13 vua nhà Nguyễn. Ông tắt máy cái “bụp”. Người hàng xóm mười năm chưa một lần trong đời gặp ông trong cõi nhân gian, mười năm chỉ nghe tiếng máy gõ “lóc cóc”, hốt nhiên nghe cái “bụp”. Người láng giềng láng tỏi sang gõ cửa “cọc cọc”. Người đây cũng văn nhân như cụ Ngộ Không với ô túy cương tửu, là ghét say sưa nhưng lại thích uống rượu. Nhân gặp lúc trăng chiếu vào hiên, trúc thưa gió lọt, chợt nhớ đến cung đàn chén rượu, bèn xách chai Cognac Louis 13 chui qua bụi trúc.
Người ngọai sử vừa viết xong chuyện cho người đọc… đọc lại dăm pho sử, nối tiếp nhau viết sai. Ông đang “phu tọa nhàn song tửu nhãn khai”, nghĩa tiếng Tàu đường phố là ngồi thiền song vẫn mở mắt… nghe hơi rượu. Bỗng tiếng gõ cửa “cọc cọc”, nghe có hơi rượu, ông ra mở cửa, người xóm giềng xóm tỏi bèn hỏi ông là ai.
Làm như thuyền nhân lạc vào đảo hoang… Ông ngẫn ngẫn đáp:
- Từ Thức

Thạch trúc thảo lư
Tháng 1 Mâu Tuất 2018

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguồn:
Việt-Thanh chiến dịch
Thanh-Việt nghị hòa
Giả vương nhập cận
Đại Việt quốc thư
Đọc Kim Dung tìm hiểu văn hóa Trung Quốc
Núi xanh nay vãn đó
Lê Quýnh (1750-1805)
Lê Duy Kỳ (1766-1793)
Bình định An Nam chiến đồ
Ngô Thì Nhậm (1746-1803)
Phan Huy Ích (1751-1822)
Sử quan
Hành phương nam
Giấc mộng con
Ải quan
Những mảnh khuất sử
Thứ nhất di quan thứ nhì đi sứ
Quan san
Đi tìm mộ vua Hàm Nghi
Giấc mộng nghìn năm
Trả ta sông núi

 Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 23 tháng 01.2021