Bang giao với Tàu
từ nhà Đinh tới nhà Nguyễn
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Từ năm 988 đến năm 1945 tổng cộng 957 năm, tức gần một nghìn năm.
Vì sứ bộ ta và Tàu qua lại đông như nêm cối, vì vậy từ nhà Đinh tới nhà Nguyễn, mụ sử tôi chỉ bật rật những sứ bộ có những dữ liệu nào đấy. Và năng nhặt chặt bị những giai thọai nào đó trong văn học sử qua chuyện đi sứ bị Tàu bắt giam hay giết hoặc họ không thèm tiếp sứ v.v... Đồng thời mụ sử tôi đào sâu chôn chặt chuyện đàm phán của nhà Tây Sơn vì có những thiên bất đáo, địa bất chi với những triều đại khác
***
Mặc dù bang giao nhà Tây Sơn với nhà Thanh không có chuyện sứ thần bị bắt giam hoặc bị chết trên đường đi sứ. Nhưng triều Tây Sơn cũng có những khó khăn như các triều đại trước chẳng hạn như đòi đất (đời Mạc), cống voi (đời Lý), vua phải đích thân sang chầu (đời Trần) hoặc giả lên Nam Quan làm lễ thụ phong (đời Lê Trung hưng)…Thảng như ngay những ngày đầu, cả hai bên có những khó khăn riêng biệt.
Lập trường hai bên
Ngày 24 tháng giêng năm Kỷ Dậu, nhận được tin bại trận, Càn Long lập tức giáng chỉ điều động Phúc Khang An từ Phúc Kiến sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng thay Tôn Sĩ Nghị Tuy nhiên chính Thanh triều cũng e ngại nếu nước ta giống như Miến Điện không chịu thần phục, giam giữ tù binh và tấn công biên giới thì sẽ thành vấn đề lớn.
Nhà Đinh
Nhà Đinh từ năm 968 đến năm 979, tổng cộng 21 năm.
Đinh Tiên Hoàng là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Năm 970, Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang giao hảo với nhà Tống. Sử không chép rõ người đi sứ là ai. Năm 972, Đinh Tiên Hoàng sai con trưởng là Đinh Liễn đi sứ nhà Tống lần thứ 2. Năm 973, Đinh Liễn trở về. Tống Thái Tổ sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương,
Lời chế của vua Tống nói:
"Họ Đinh đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hoá Trung Hoa, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang, bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức "tỉnh phú".
Từ năm 975 đến năm 976, trong vòng 11 năm tồn tại, nhà Đinh đã sai sứ qua nhà Tống 7 lần, 2 lần sứ nhà Tống sang Đại Cồ Việt.
Giai thọai với tên “Bộ Lĩnh”
Các sách sử chính thống đều chép Đinh Tiên Hoàng, tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, sinh năm Giáp Thân (924), quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Tuy nhiên một số nguồn tư liệu khác cho hay tên thật của ông là Đinh Hoàn, còn Bộ Lĩnh chỉ là một chức quan mà sứ quân Trần Lãm phong cho khi ông khi ông sang nương nhờ Trần Làm ở Bố Hải Khẩu (nay là huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Theo dã sử ở vùng đất Hoa Lư tên gọi của Đinh Bộ Lĩnh có xuất xứ rất thú vị.
Thân phụ ông là Đinh Công Trứ là một vị tướng gốc Tàu tham gia cuộc khởi nghĩa đánh quân Nam Hán do Dương Đình Nghệ lãnh đạo năm 931 và được phong làm thứ sử Hoan Châu (thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay).
Năm Đinh Dậu (937) Dương Đình Nghệ bị con nuôi là Kiều Công Tiễn giết hại để cướp quyền, Đinh Công Trứ cùng nhiều tướng lĩnh khác đem quân theo Ngô Quyền diệt Kiều Công Tiễn và tham gia trận đánh Bạch Đằng lịch sử năm (938) tiêu diệt toàn bộ chiến thuyền của quân Nam Hán xâm lược.
Khi nhà Ngô thành lập, Đinh Công Trứ tiếp tục giữ chức trấn thủ Hoan Châu, về sau do thuộc hạ bất cẩn làm cháy kho lương nên ông bị cách chức.
Buồn phiền, chán cảnh quan trường nên Đinh Công Trứ đưa người vợ đang mang thai của mình cùng một số tùy tùng thân tín khăn gói về quê sinh sống, họ đi bộ hàng tháng trời từ Hoan Châu, khi về đến gần làng thì dừng chân nghỉ dưới chân núi Bái Lĩnh (còn gọi là núi Đính, nay gọi là núi Bái Đính, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).
Chính bởi chặng đường vất vả đó mà Đinh Công Trứ nói với vợ rằng nếu sinh con trai sẽ đặt tên là Bộ Lĩnh để ghi nhớ chuyến đi bộ gian nan, vất vả và lần nghỉ dưới chân núi Bái Lĩnh khi đặt chân về đến quê nhà.
***
Lập trường hai bên
Bên ta cũng vậy, sau khi đuổi được Tôn Sĩ Nghị về Quảng Tây chưa phải là thành quả sau cùng để có thể nói chuyện đàm phán. Vì vậy một kế họach phòng thủ ngày từ Thăng Long đến Ngệ An. Nói tóm lại trong những ngày đầu tiên việc đối phó với nhà Thanh chưa nghiêng về việc cầu hòa mà chuẩn bị chiến tranh.
Ngòai việc biện bạch rằng chiến tranh không chủ ý nước ta, Ngô Thì Nhậm đã nêu lên hai điểm để thăm dò nhưng cũng là đầu mối nếu đối phương muốn thương lượng:
- Ta bắt được 800 tù binh
- Sẵn sàng nghênh chiến nếu không có chọn lựa nào khác
Nhà Tiền Lê
Nhà Tiền Lý từ năm 980 đến năm 1009, tổng cộng 29 năm (1)
(1) Lê Long Đỉnh con Lê Đạii Hành giết em rồi lên ngôi (1006-1009)
Vua Lê Đại Hành đại thắng quân Tống năm 981. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, mỗi lần tiếp sứ thần nhà Tống, Lê Hoàn với những chính sách khác nhau, luôn khiến họ phải nể phục. Năm 987, đón tiếp sứ thần nhà Tống, Lê Hoàn sai các nhà sư uyên thâm Phật giáo để đối đáp với Lý Giác, viên sứ thần hay chữ của nhà Tống, khiến sứ thần phải kinh ngạc trước sự uyên bác của thiền sư Pháp Thuận. Thậm chí, sau chuyến đi sứ này, Lý Giác còn làm thơ ca ngợi vua Lê không khác gì vua Tống.
Vốn biết sứ thần nhà Tống hống hách, ngạo mạn, Lê Hoàn thay đổi cách đón tiếp. Vua Lê cũng muốn nhân lúc này tỏ rõ sức mạnh quân sự của Đại Cồ Việt. Vua cho người sang tận biên giới để đưa rước sứ thần. Đoàn sứ nhà Tống tới kinh đô Hoa Lư trông thấy cảnh tưng bừng khác lạ, dưới sông, chiến thuyền tinh kỳ san sát. Bên các sườn núi, quân lính võ phục chỉnh tề, gươm giáo sáng lòa. Trên các cánh đồng, hàng nghìn trâu, bò rong ruổi đen đặc, bụi bay mù mịt. Sứ Tống không thể không thấy sự hùng cường, giàu mạnh của nước Việt.
Theo nghi lễ, khi nhận chiếu thư của thiên triều, vua các nước chư hầu phải quỳ lạy, nhưng Lê Hoàn tìm lý do từ chối. Đây là lần đầu tiên, vua nước ta nhận chiếu thư từ nhà Tống mà không phải quỳ, lạy. Hành động cho thấy chính sách cứng rắn của Lê Hoàn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư trong 30 năm tồn tại, nhà tiền Lê đã sang Bắc Tống 7 lần và 11 lần tiếp đón sứ nhà Bắc Tống.
Giai thọai hai con ngỗng
Chiến thắng ngoại xâm xong, vua Lê Đại Hành gặp nhiều khó khăn trong việc bang giao với lân bang, rất may đương thời có thiền sư Pháp Thuận hết lòng phò tá. Sư họ Đỗ, xuất gia từ nhỏ thờ thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy. Sau khi đắc pháp, sư trụ trì ở chùa Cổ Sơn. Vua Đại Hành hết lòng ngưỡng mộ, thường thỉnh sư vào triều tham khảo việc nước và giao phó soạn thảo văn từ ban giao với Tàu.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi năm 987, triều Tống cử quốc tử giám bác sĩ Lý Giác sang sử nước ta. Để có người đủ trình độ ứng đối với sứ thần, vua Lê nhờ sư Pháp Thuận dã làm viên quan coi bến đò ở sông Sách (Sách giang tức con sông ở nam Sách là một khúc sông Thương ở hạ lưu. Chức quan coi bến đò gọi là Tân lại hay Giang lệnh) đợi đón tiếp sứ Tống, lúc thuyền qua sông nhìn thấy cảnh vật tươi đẹp, giữa dòng có hai con ngỗng bơi lội, Lý Giác cao hứng tức cảnh ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Bỗng Lý Giác giật mình nhìn qua lại khi nghe ông lão cheo đò cao giọng ngâm tiếp:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
Dịch:
Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt ngó lên trời
Long trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi.
Câu chuyện đón tiếp sư Tống được sử sách ghi chép truyền lại hơn ngàn năm.
***
Đầu thu năm 2000 có dịp ra Hà Nội thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chúng tôi (Trần Đình Sơn) sửng sờ ngắm chiếc đĩa sứ cổ thể hiện lại câu chuyện trên. Trong lòng dĩa, bờ bên trái vẻ cảnh núi non cao ngất tầng mây, dưới cội tùng già có một giang đình ven bờ sông. Bên phải đá núi chập chồng, một gốc lệ liễu buông lơi cành lá. Giữa dòng có chiếc thuyền chở ông quan ngồi trước mui, ông lão (thiền sư Pháp Thuận) cầm chèo đàng sau hướng vào giang đình. Xa xa hai con ngỗng nhởn nhơ cùng sống nước. Trên cảnh ghi bài ngũ ngôn tứ tuyệt “Nga nga lưỡng nga nga...” dưới đáy đĩa ghi rõ “Hồng Đức Niên Chế”, tức niên hiệu của vua Lê Thánh Tông từ năm 1470-1497.
Viện bảo tàng xếp dĩa này thuộc loại đồ sứ hoa lam triều Nguyễn, thế kỷ XIX, tuy nhiên theo chúng tôi xem họa tiết, men màu thì chiếc đĩa này có thể được đặt làm ở Trung Hoa khoảng triều Cảnh Hưng (1740-1786), tương ứng với Kiền Long nhà Thanh (1736-1795). Giai đoạn này thì mỹ thuật, kỷ thuật đồ sứ Trung Hoa mới đạt tới đỉnh cao tuyệt vời như thế. Càng ngắm nhìn chiếc đĩa càng cảm thông với cổ nhân. Câu chuyện trong sử sách ghi chép thật sự diễn ra hay chỉ là giai thoại văn chương?
Gần 300 năm qua với bao biến động lịch sử của cảnh nội chiến lẫn ngoại xâm, khiến cho kinh thành Thăng Long mấy độ đã nát vàng phai. Thế mà chiếc đĩa sứ vẫn còn nguyên lành như viên ngọc bích không tì vết, để hậu thế có dịp mà chiêm ngưỡng cảnh “Thuận sư thi cú, Tống sứ kinh dị” (*) giữa lòng thủ đô Hà Nội ngày nay.
(*) Câu của Lê Quý Đôn tán dương thiền sư Pháp Thuận trong Kiến Văn Tiểu Lục 9 tờ 14a10 (Theo Lê Mạnh Thát-LSPGVN, tr.493).
Có thể người sau lấy giai thọai này bịa ra giai thọai trạng Quỳnh (và bà Đòan Thị Điểm). Ở bến đò đón sứ bộ nhà Thanh, Quỳnh mặc giả làm chú lái, cầm sào đợi sẵn... Đò ra giữa dòng sông cứ thế mà đi. Đi được nửa đường một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, lỡ xổng ra một tiếng "bủm". Hắn ta sượng mặt, đọc một câu chữa thẹn:
- Lôi động Nam bang.
(sấm động nước Nam).
Quỳnh đang chèo, liền vạch quần đái vổng cần câu xuống nước mà nói:
- Vũ qua Bắc hải
(mưa qua bể Bắc).
Cả đoàn sứ bộ sửng sốt nhìn nhau, vì câu đối đáp của anh lái đò.
***
Đàm phán sơ khởi
Tuy hai bên không đưa ra một nghị trình rõ rệt, nhưng hai bên đều có mục tiêu cụ thể để thương thảo và nhượng bộ dần cho đến khi có điểm chung
Về phía nhà Thanh, các quan ở địa phương đã nhìn thấy hai điểm chính:
- Giải quyết hậu quả chiến tranh mà ưu tiên là trả tù binh.
- Yêu cầu vua Quang Trung đích thân tham dự lễ khánh thọ của vua Càn Long.
(Chính Tôn Sĩ Nghị trình với vua Thanh rằng nước ta phải trả tù binh trước để tỏ thái độ thiện chí trước khi đi tiếp những bước sau)
Nhà Lý
Nhà Lý từ năm 1009 đến năm 1225 tổng cộng 216 năm
Thời Bắc Tống
Ngay năm 1010 khi Lý Thái Tổ mới lên ngôi, trong vòng 46 năm thời 3 vị vua đầu tiên, sử sách chỉ ghi nhận 3 lần nhà Tống sai sứ sang phong vương cho nhà Lý, không có những hoạt động ngoại giao trong thời các vua cai trị như thời Đinh và Tiền Lê.
Sang thời Lý Thánh Tông, năm 1057 nhà Lý sai sứ sang cống thú lạ cho nhà Tống, bảo là con lân. Vua Tống nghe lời Tư Mã Quang (sợ không chắc là con lân thì các nước khác chê cười), liền thưởng cho sứ Đại Việt rồi sai mang con thú về. Vua Lý Thánh Tông giận nhà Tống, bèn mang quân đánh vào Khâm châu để thị uy rồi rút về.
Sau năm 1060, hoạt động ngoại giao được nối lại. Năm 1067, nhà Tống sai sứ sang gia phong Lý Thánh Tông làm Nam Bình vương và Khai phủ Nghi đồng tam ty. Đó là lần đầu tiên nhà Tống cử sứ sang Đại Việt không vì việc thay ngôi vua của nhà Lý.
Ngoài mục đích báo tang, mừng vua mới, kết hiếu, các vua Lý còn sai sứ sang nhà Tống khi đánh thắng Chiêm Thành (1), nhằm gián tiếp thể hiện cho nhà Tống biết Chiêm Thành là thuộc quốc của mình.
(1) Cũng như việc vua Quang Trung đánh Ai Lao và Xiêm La cũng sai sứ sang nhà Thanh báo tin. Nhưng vua ta không nói đến hai nước này thuộc chủ quyền của mình. Riêng khi cống hai con voi ở Nghệ An, vua Quang Trung muôn khoa trường đất Đàng Ngoai cho tới Đàng Trong nay là “thuộc quốc” của mình.
Sang thời Lý Nhân Tông, chỉ vài năm sau khi nhà Lý tiếp nhận chức Giao Chỉ quận vương của vua Tống, chiến tranh Tống-Lý nổ ra. Sau khi chiến tranh chấm dứt, việc ngoại giao giữa 2 nước tập trung vào vấn đề đất đai biên giới Tống và Đại Việt. Lê Văn Thịnh, thủ khoa đầu tiên của nhà Lý năm 1075 được giao đi đàm phán với nhà Tống, kết quả tới năm 1084, phần lớn đất đai bị Tống chiếm đóng trong chiến tranh được trả lại cho Đại Việt. Cuối năm 1126, đoàn sứ bộ Đại Việt sang nhà Tống, nhưng chỉ đến Quế Châu (Quảng Tây) thì được quan lại tại đó đề nghị quay về, vì quân các trấn xung quanh đã được điều hết đi chống quân Kim đang đánh Biện Kinh, ngựa trạm và phu trạm không đủ phục vụ sứ đoàn Đại Việt. Kết quả sứ đoàn mang lễ vật trở về nước.
Thời Nam Tống
Doãn Tư Tư đi sứ sang Nam Tống, vua Tống phong cho vua Lý Anh Tông là An Nam quốc vương. Năm 1127, nhà Tống bị mất phương bắc về tay nước Kim (2), phải chạy xuống Lâm An (Hàng Châu) đóng đô. Năm 1164 khi sứ thần Doãn Tử Tư sang Lâm An, vua Tống tiếp đón và ban lệnh đổi tên "Giao Chỉ" thành "An Nam"
(2) Nước Kim khi đó đang rất hùng mạnh ở miền bắc Trung Hoa, uy hiếp nước Nam Tống thường xuyên nhưng cũng rất tôn trọng Đại Việt. Sau khi đã có hòa bình với Nam Tống, năm 1168, Kim Thế Tông sai sứ giả vượt qua lãnh thổ Nam Tống đến nước Đại Việt và đó cũng là lần duy nhất nhà Kim có quan hệ ngoại giao với Đại Việt.. Cùng với sứ nhà Kim, sứ Nam Tống cũng đến Đại Việt lúc đó. Vua Lý Anh Tông sai các quan đón tiếp sứ giả cả hai nước chu đáo nhưng không cho hai đoàn sứ giả hai nước gặp nhau.
Các sử gia đúc kết trong thời gian tồn tại 216 năm, nhà Lý đã 57 lần sai sứ sang nhà Tống. Các vua Lý tuy nhận tước phong của nhà Tống nhưng vẫn có niên hiệu riêng, ấn tín riêng trong quá trình cai trị đất nước, không bao giờ dùng các chức vụ do nhà Tống phong như Giao Chỉ quận vương, Tĩnh Hải tiết độ sứ, Nam Bình vương
***
Giai thọai Lý Thái Tông với tôn hiệu
Là vị vua thứ 2 của nhà Lý, trong 26 năm, Lý Thái Tông đã có những đóng góp tích cực tới hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, củng cố bộ máy đất nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá ông “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”.
Lý Thái Tông có tôn hiệu dài nhất. Ngay sau khi lên ngôi, tôn hiệu của ông là:
Khai thiên thống vận tôn đạo quý đức thánh văn quảng vũ sùng nhân thượng thiện chính lý dân an thần phù long hiện thể nguyên ngự cực ức tuế công cao ứng chân bảo lịch thông huyền chí áo hưng long đại định thông minh từ hiếu hoàng đế.
Tất cả có 50 chữ.
Đến tháng 6 năm Kỷ Mão (1039) vua lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Kim dũng ngân sinh, Nùng bình phiên phục. Tháng 11 năm Giáp Thân (1044) ông lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Thánh đức thiên cảm, tuyên uy thánh võ.
Như vậy tôn hiệu của vị vua này có tổng cộng 66 chữ.
***
Ngày 22 tháng giêng năm Kỷ Dậu, triều đình Tây Sơn sai Ngô Thì Nhậm mang một tờ biểu xin “đấu thành” (xin hàng?) đến Lạng Sơn nhờ thông sự đưa qua Nam Quan (tờ biểu cho triêu`đình nhà Thanh biết vua Quang Trung sẵn sàng triều cống và báo tin cho hay tù binh đang được tiếp đãi đàng hòang).
Việc vua ta cầu hòa và Thang Hùng Nghiệp bí mật mớm ý sự thật chưa rõ ràng vì thời gian giữa lúc Tôn Sĩ Nghị về đến Quảng Tây (11 tháng giêng) đến khi sứ bộ nước Nam gõ cửa (22 tháng giêng) chỉ cách nhau 10 ngày
Trong thời gian ngắn ngủi đó vua Quang Trung gấp rút ra lệnh cho tìm kiếm giới sĩ phu và quan lại Bắc Hà mời họ ra cộng tác (qua sự giới thiệu của của một số văn quan cũ của triều Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích)
Nhà Trần
Nhà Trần từ 1226 đến năm 1400 tổng cộng 174 năm.
Nam Tống
Năm 1229, nhà Trần sai sứ sang thăm nước Nam Tống. Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương.
Nhà Nguyên
Sau chiến tranh giữa Mông Cổ và Đại Việt năm 1258, đến năm 1261, Hốt Tất Liệt sai sứ phong vua làm An Nam Quốc Vương, ban cho 3 tấm gấm tây, 6 tấm gấm kim thục.
Năm 1262, Hốt Tất Liệt gửi chiếu cho vua Trần nhằm định rõ về việc cống triều vua Trần Thánh Tông ấy cớ bị bệnh để từ chối không nói chuyện này
Năm 1272, nhà Nguyên sai Ngột Lương làm sứ sang dụ, hỏi giới hạn cái cột đồng Mã Viện. Vua sai Lê Kính Phu đi hội khám. Lúc trở về, Kính Phu nói rằng, cột đồng Mã Viện dựng lâu năm đã bị mai một, không còn tung tích gì nữa.
Vào các năm 1285 và 1288, chiến tranh Mông Nguyên - Đại Việt lần thứ hai và lần thứ ba bùng nổ, kết thúc với sự thắng lợi của Đại Việt. Vào các năm 1291 và 1293, nhà Nguyên lại sai sứ sang dụ vua Trần vào chầu nhưng trong cả hai lần đó vua Trần đều từ chối với các lý do như có tang, có bệnh.
Nhà Minh
Nhà Nguyên bị lật đổ, nhà Minh lên thay. Năm 1385, nhà Minh sai sứ sang đòi 20 tăng nhân. Năm sau, vua Minh đánh tiếng mượn đường đánh Chiêm, bèn đòi 50 con voi, đặt dịch trạm từ phủ Nghệ An về Vân Nam. Đến năm 1395, nhà Minh đòi 5 vạn quân, 50 cỗ voi, 50 vạn thạch lương đưa đến biên giới, nhưng nhà Trần đã lấy cớ không cung cấp quân lính và voi chiến, chỉ cấp một ít lương thực sai quan đưa đến Đồng Đăng rồi trở về. Minh Thái Tổ lại sai sứ sang đòi sư sãi, con gái tẩm quất, người bị thiến (1) (họan quan). Lúc này Đại Việt đã cung cấp cho nhà Minh, mỗi thứ một ít.
(1) Thái giám Nguyễn An xây dựng một phần Tử cấm thành cho nhà Minh.
Sau đó, đến năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi vua Trần, lập ra nhà Hồ.
Giai thọai Nguyễn Biểu
Nguyễn Biểu (1350-1413) là tướng nhà Hậu Trần, quê ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An. Ông đỗ Thái học sinh cuối đời Trần, làm quan đến Điện tiền Thái sử. Khi quân Minh xâm lược Trùng Quang sai ông đi sứ giảng hòa.tiếp sứ thần rất ngạo mạn, sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn.
Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: “Mấy thuở người Nam được ăn đầu người Bắc”, nói đoạn, lấy đũa khoét mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, ông vừa ngâm bài thơ “Cỗ đầu người” và nói: “Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ” (Có khả năng nuốt được đầu người, tất cũng nuốt được Trương Phụ). Trương Phụ giận lắm, lấy câu ấy làm vế đối bắt ông phải đối lại. Nguyễn Biểu ung dung đối: “Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần” (Còn ba tấc lưỡi của ta, nhà Trần vẫn còn). Trương Phụ giận lắm, bèn sai cắt lưỡi ông:
và trói ông vào chân cầu, để nước thủy triều dâng lên cao dìm cho chết.
Hiện nay tại xã Yên Hồ có đền thờ Nguyễn Biểu được xây dựng vào thời nhà Lê.
***
Mật nghị lần thứ nhất
Theo tài liệu nhà Thanh chỉ trong vòng một tháng 3 lần nước ta gửi thư sang giảng hòa. Việc gọi là 3 lần “xin hàng” này thực tế gửi cho Thang Hùng Nghiệp, mục đích là đề nghị biện pháp thương thảo mà hai bên có thể đồng thuận.
Lần thứ nhất
Ngô Thì Nhậm viết thư cho Thang Hùng Nghiệp đổ tội cho Tôn Sĩ Nghị nghe một bên để mang quân xuống phương Nam
Mật nghị lần thứ hai
Lá thư thứ hai do Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Phúc đưa sang (vào ngày 9 tháng hai) không còn gửi Thang Hùng Nghiệp để trình bày nguyên do cuộc chiến mà gửi lên triều đình nhà Thanh xin công nhận.
(ý xin phong cho Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương)
Mật nghị lần thứ ba
Theo sử nhà Thanh, ngày 21 tháng hai, nước ta lại gửi lá thư thứ ba để trình bày sự việc bang giao. Trong Bang giao hảo thọai của nhà Thanh còn giữ bức thư này.
Tài liệu nhà Thanh không lưu lại những văn thư ban đàu mà chỉ sử dụng văn thư sau cùng vốn đã sửa lại theo đúng ý họ nặng phần ngọai giao. Kể cả việc nước ta thay đổi sứ bộ như xa luân chiến, khi quyết liệt cưng rắn, khi hòa dịu nhún nhường.
Trong nhiều tháng trời, hai sứ thần của ta là Nguyễn Hữu Trù và Vũ Huy Tấn phải chạy đi chạy lại từ Thăng Long lên Lạng Sơn đến bảy lần rất vất vả. Đúng như Vũ Huy Tấn đã phải than ông lên xuống gõ cửa Nam Qua 7 lần mới xong.
Nhà Lê Sơ
Nhà Lê Sơ từ năm 1428 đến năm 1527 tổng cộng 99 năm.
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thành công, do lúc này triều Minh đòi lập con cháu họ Trần lên làm vua nên Lê Lợi thảo tờ biểu đến vua Minh lập Trần Cảo lên làm vua. Vua Minh cho sứ mang thư sang phong Trần Cảo là An Nam Quốc Vương, việc triều cống theo lệ cũ, cho sứ thần đi lại.
Trần Cảo chết, Lê Lợi lên làm vua, nhà Minh đặt lệ cống tượng người vàng để đền mạng Liễu Thăng chết trận ở Chi Lăng. Lê Lợi sai sứ sang tạ ơn và cống người vàng.
Kể từ đây, sử sách không ghi thêm gì về việc cống tượng người vàng nữa (1) nhưng mãi cho đến năm 1718 (triều đại nhà Thanh) mới chấm dứt được lệ này
(1) Theo truyền thuyết, Giang Văn Minh được cho là người đã đòi hỏi với nhà Minh bỏ lệ cống người vàng hàng năm. Vào thời Lê sơ, Đại Việt phải cống nhà Minh một người bằng vàng để đền mạng cho Kiêu Liễu Thăng mà Lê Lợi giết năm 1427.
Sách Các sứ thần Việt Nam kể rằng vào ngày khánh thọ vua Minh, thấy Giang Văn Minh ôm mặt khóc, vua Minh hỏi vì sao, Giang Văn Minh nghẹn ngào: “Vì hôm nay đúng vào ngày giỗ tổ của thần”. vua Minh bật cười: “Khá khen cho ngươi biết giữ hiếu kính với tổ tiên. Nhưng nếu giỗ cha mẹ thì có thể được chứ ông tổ xa xôi như vậy, người khuất đã xa đến mấy đời thì cũng có thể ‘miễn nghị’”.
Đột nhiên Giang Văn Minh lau nước mắt ngầng đầu lên nói: “Chính thần cũng nghĩ lắm chuyện xa xôi mà vẫn không được “miễn nghị”. Chẳng hạn như việc thiên triều bắt nước Nam phải cống người vàng (2) để trả nợ Liễu Thăng cách đây hàng 200 năm. Nay thần cũng xin gác lại ngày giỗ tổ để cùng vui với ngày khánh thọ này. Cúi xin thiên triều “miễn nghị” cho cái nợ Liễu Thăng, cho tình giao hảo hai nước khỏi bị những chuyện xa xôi kia làm bận bịu”. Vua Minh biết bị mắc lừa nhưng lời đã nói ra cũng đành gật đầu cho bãi bỏ lệ cống người vàng.
(2) Phùng Khắc Khoan người Sơn Tây ở làng Phùng Xá, tục gọi là làng Bùng nên được gọi là trạng Bùng. Ông sang Yên Kinh cầu phong vương cho vua Lê Thế Tông (thời Mạc Hậu Hợp) năm 1597 đã bị để nằm ở công quán 4,5 tháng trời không được dâng biểu. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần "Nhân vật chí". Phan Huy Chú đã viết về Phùng Khắc Khoan như sau:
"Nhà Minh nhận hối lộ của con cháu nhà Mạc, (nên) không chịu nhận sứ. Lúc còn đợi mệnh, lông đưa thư cho Súy ty nhà Minh, kể việc nhà Mạc cướp ngôi (nhà Hậu Lê).. Súy ty nhà Minh khen là có nghĩa mới cho sứ thần qua cửa quan. Khi đã đến Yên Kinh, Lễ bộ đường trách về việc người vàng ta đem cống không làm theo mẫu cũ làm cúi đầu, nên lại ngăn không cho sứ vào chầu.
Ông mà rằng: 'Nhà Mạc cướp ngôi, là nghịch; nhà Lê khôi phục lại, là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Còn đời Lê làm công thần: kiểu người vàng ngửa mặt cũ còn đó. Nay lại bắt theo lệ nhà Mạc, thì lấy gì để khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được”.
Việc đến tai Minh Thần Tông (cùng thời với Lê Kính Tông), cuối cùng lại cho theo thể thức cũ của nhà Lê buổi trước (tức tượng không cúi đầu). Bấy giờ ông mới được vào chầu, lĩnh ấn sắc đem về nước.
Năm 1431, Lê Lợi sai sứ sang Minh cầu phong quốc vương, cuối năm đó, vua Minh sai sứ sang phong vua là Quyền thự An Nam Quốc Sự.
Sau khi Thái Tổ mất, các vua sau đều xin phong vương và cũng đều được nhà Minh ban vóc lụa. Các triều vua sau lại sai sứ sang tạ ơn việc sách phong và xin ban mũ áo. vua Minh cho quân đưa sứ nước Nam về, cùng nhiều loại quần áo, tơ lụa ban cho.
Như vậy, trong 100 năm tồn tại triều Lê sơ, nước Đại Việt đã trao đổi sứ bộ với nhà Minh 26 lần; 14 lần sứ Đại Việt sang đất Minh và 12 lần sứ Minh sang Đại Việt; chỉ là xoay quanh các việc sắc phong tước "An Nam quốc vương", ban mũ áo và vóc lụa.
Giai thọai thời Lê mạt
Mạc Đĩnh Chi (1272- 1346), tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, Chí Linh. Năm 1304, đời Trần Anh Tông (gả Huyền Trân cho Chế Củ), mở khoa thi Thái học sinh Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị Trạng nguyên.
Mạc Đĩnh Chi đã được vua Trần giao cho đi sứ nước Nguyên hai lần (1308 và 1324). Trước khi về nước, Mạc Đĩnh Chi và sứ bộ vào triều yết kiến vua Nguyên lần cuối. Vẫn muỗn thử tài quan trạng nước Việt, lần này vua Nguyên không ra vế đối nữa mà hỏi câu hỏi "mẹo", và hỏi: "Từ khi đến Yên Kinh, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường cái không?".
Sau một lát suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi điềm nhiên trả lời: "Muôn tâu Bệ hạ, hàng ngày trên đường kinh đô chỉ có hai người đi lại".
"Sao lại chỉ có hai người?"- Vua Nguyên lấy làm lạ nên hỏi lại. Mạc Đĩnh Chi bèn thưa: "Muôn tâu Bệ hạ, thần nói chỉ có hai người vì phàm những người qua lại trên đường thì chẳng vì "danh" cũng vì "lợi" mà thôi. Như vậy rõ ràng chỉ có hai người".
Tuy rất phục tài biện bác của Trạng song vua Nguyên vẫn hỏi thêm một câu nữa: "Một cái thuyền, trên có chở ba người gồm vua, thầy dạy và cha. Khi ra đến giữa sông thì bị sóng to gió lớn nên đã lật đắm. Khi ấy nhà ngươi ở trên bờ bơi ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, như vậy thì nhà ngươi cứu ai?". Câu hỏi này thật là oái oăm, xoay quanh sự ứng xử của con người với "trung", "hiếu", "nghĩa" và "nhân"...
Nếu nói chỉ cứu vua thì được chữ trung nhưng mắc tội bất hiếu với cha mẹ và mắc tội bất nghĩa với thầy. Nếu nói chỉ cứu thầy thì mắc tội bất trung với vua và bất hiếu với cha. Nếu chỉ cứu cha thì mắc tội bất trung và bất nghĩa. Nếu nói không cứu ai cả thì tội bất nhân, bất trung, bất nghĩa, bất hiếu lại càng nặng.
Đắn đo suy nghĩ một lúc, Mạc Đĩnh Chi trả lời: "Thần bơi ra giữa sông, chỉ cứu được một người nên gặp ai trước thì cứu người đó, bất kể là vua, thầy hay cha". Vua quan nhà Nguyên đều phục trí thông minh và tài ứng đối của Trạng nguyên nước Đại Việt.
Giai thọai Giang Văn Minh
Giang Văn Minh là người xứ Đoài thuộc Đường Lâm, Sơn Tây làm quan thời Hậu Lê. Năm 1637, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng.sai Giang Văn Minh đi sứ.
Giai thoại kể rằng khi đi sứ lần thứ hai:
Khi vào gặp Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc, vua Minh ra một vế đối: “Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục” (cột đồng đến nay rêu đã xanh) hàm ý nhắc lại khi Mã Viện dựng cột đồng rồi khắc lên đó mấy chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nghĩa là nếu chiếc cột đồng bị gãy thì đất Giao Chỉ sẽ bị diệt. Sứ thần Giang Văn Minh đối lại: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (sông Đằng từ xưa máu còn đỏ). Vế đối nhắc đến sông Bạch Đằng, là nhắc cho vua Minh lần bại trận trên sông Bạch Đằng.
Vua Minh ra lệnh giết ông, mổ bụng nhét thủy ngân vào và đưa quan tài về nước. Khi thi hài đưa về đến Thăng Long, vua Lê và chúa Trịnh đã đến bái kiến linh cữu và ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
***
Bán công khai
Việc nước ta trao trả tù binh có thể coi là một đại công của Tôn Sĩ Nghị (và Thang Hùng Nghiệp). Trong tiến trình nghị hòa, ngày hôm sau 22 thág hai, vua Quang Trung ra lệnh trao trả tù binh trước khi Phúc Khang An tới ải Nam Quan. Khi tới nơi, họ Phúc bắt tay ngay vào việc tiến hành nghi thức công nhận An Nam quốc vương.
Ngày 21 thánh hai, vùa Quang Trung cho Nguyễn Hữu Trù đưa biểu văn cho quan nhà Thanh xem trước và hôm sau (22 tháng hai) đưa lên Nam Quan 500 tù binh, bao gồm 300 lính và 200 phu dịch (nhà Thanh trả lại…7 tù binh).
Ngày 22 tháng hai, sau khi nhà Thanh đã đánh tiếng bằng lòng phong vương cho vua Quang Trung. Thang Hùng Nghiệp cho biết nhà Thanh định vào ngày 18 tháng ba, tức là chỉ hơn 2 tháng sau khi Tôn Sĩ Nghị thua trận. Với tình hình liên lạc thời đó, việc chạy đi chạy lại giữa Yên Kinh và Quảng Tây diệu vợi, gian nan trong hai tháng họ đã chấp thuận phong vương, quả thật đây là một thành tích xưa nay chưa từng có.
Công khai hóa việc đàm phán
Sau khi tù binh được trả về, các quan nhà Thanh chuyển văn thư lên Yên Kinh (Bắc Kinh) nhưng còn đợi Phúc Khang An tới chủ trì Đầu tháng ba, Phúc Khang An tới Quảng Tây nhận ấn triện tổng đốc. Ngày 16 tháng 3 tới trấn Nam Quan và sai Thang Hùng Nghiệp báo cho nước ta biết rằng tổng đốc Lưỡng Quảng tân nhiệm sẽ mở cửa tiếp sứ bộ ta ngày 28 tháng ba
Hôm đó, hơn 20 người nước ta đem theo bò, rượu làm lễ tương kiến để tỏ thiện chí nghị hòa. Đến giờ tý, nhà Thanh mở cửa quan, chánh sứ nước ta Nguyễn Hữu Trù, giáp phó sứ Vũ Huy Tấn, ất phó sứ Nguyễn Ninh Trực và tùy tòng qua Nam Quan.
Đây là lần đầu tiên sau trận Kỷ Dậu, cửa ải Nam Quan được chính thức mở ra để đón phái bộ Đại Việt, chánh phó sứ không còn phải đến gõ cửa như những lần qua đàm phán trước đó của các triều đại trước như Lý, Trần, Lê.
Ngày mồng 6 tháng tư, Nguyễn Hữu Trù khi ấy là chánh sứ hầu mệnh, gửi tư thông báo cho Phúc Khang An: Nguyễn Quang Hiển đi cùng với phái đòan thay mình (chánh sứ) đến cửa quan thay mặt thi hành lễ yết kiến
Tuy đã chính thức công nhận, nhà Thanh vẫn còn câu nệ về một số tiểu tiết, cốt để gây khó khăn cho ta. Tuy nhiên ngày mồng 6 tháng 5 năm nhuận, Quân cơ xứ theo lệnh vua Càn Long gửi một dụ chỉ xuống tất cả các quan lại địa phương trên đường đi của Nguyễn Quang Hiển để chỉ vẽ việc tiếp đãi trên đường lên kinh đô chỉ cấp đừng phí phạm. Chỉ thị cốt sao cho trước ngày 20 tháng 7 đến được Nhiệt Hà.
Nhà Nguyễn
Nhà Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1945 tổng cộng 143 năm.
- Thời gian đi sứ:
Thường phái đòan đi sứ sớm hơn một năm so với lịch trình định sẵn. Vì rằng, sứ bộ khi ra đến Hà Nội “phải có công văn gửi tỉnh Quảng Tây hỏi rõ ngày vào cửa quan rồi chờ tỉnh ấy trả lời. Rồi lại chép sẵn tờ quốc thư, lối tự sự, lối biền ngẫu, mỗi hạng một bản, tư cho tỉnh Quảng Tây thẩm duyệt trước”. Thời gian chờ đợi này thường rất lâu vì các quan lại tỉnh Quảng Tây phải xin ý kiến từ Bắc Kinh. Khi được trả lời mới tư sang cho biết sứ bộ Việt Nam có được phép qua ải hay không? Do vậy, thời gian đi sứ Tàu của một sứ bộ nhà Nguyễn thường kéo dài hai, ba năm trời.
- Và còn rắc rối hơn nữa
Sau khi chọn lựa sứ bộ, bộ Lễ còn phải tiến hành một số thủ tục cơ bản sau: tư sang tỉnh Quảng Tây, nhờ chuyển đạt tới Yên Kinh hỏi xem sứ bộ định sang về việc này có phù hợp không?. Nếu được thì triều đình nhà Thanh gửi thư lại phúc đáp rằng có thể sang được, còn nếu không phù hợp thì trả lời rằng nên hoãn lại hoặc thôi không cần sang nữa, vì lý do này lý do nọ. Nhìn chung, khoảng thời gian chuẩn bị tương đối dài, tối thiểu cũng phải mất chừng ngót 2 tháng, tối đa có khi lên đến hàng nửa năm trời.
Từ các nguồn sử liệu có ít nhất là 42 sứ bộ đã được phái sang Tàu dưới các triều vua: Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) và cuối cùng là Khải Định (1916-1925) với những mục đích khác nhau.
Phía Việt Nam cử sứ bộ sang Thanh trong các trường hợp sau:
Xin phong vương (1) cho vị vua mới lên ngôi và sau đó phải có sứ bộ sang cám ơn về việc được nhà Thanh phong vương. Báo tang (2) một vị vua Việt Nam vừa mất, để chúc mừng sinh nhật vua và triều đình nhà Thanh. Hay đi tuế cống theo lệ (theo định kỳ) như trường hợp Nguyễn Du (3) . Hoặc cho sứ thần (4) đi truy bắt tội phạm trong nước chạy sang Tàu, sứ bộ đi mua sắm vật dụng cho triều đình…
(1) Năm Nhâm Tuất (1802), chánh sứ Trịnh Hoài Đức mang ấn vàng và sắc phong mà nhà Thanh phong cho triều Tây Sơn sang trả. Báo tin Nguyễn Ánh chiến thắng Tây Sơn, xin phong vương cho vua Gia Long và xin đổi tên nước ta thành Nam Việt. Vua Gia Khánh nhà Thanh chuẩn cho tên nước ta là Việt Nam và cho lập triều đại mới. Để làm quà, sứ bộ giao nộp cho nhà Thanh 3 tên cướp biển người Tàu.
Giáp Tý (1804), chánh sứ Lê Bá Phẩm đi tạ ân việc nhà Thanh cử Tề Bố Sâm sang phong vương cho vua Gia Long trước đó. (Tề Bố Sâm sang đến Thăng Long vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3/1804). Sứ bộ này cũng mang lễ vật đi cống Thanh triều, thay cho đợt tuế cống năm 1803 và năm 1805.
(2) Năm 1841 cũng là năm vua Đạo Quang nhà Thanh tổ chức Lục tuần đại khánh tiết, vì thế triều đình nhà Nguyễn cũng cử một sứ đi mừng thọ và thêm một sứ đòan đi nạp cống. Cả hai sứ bộ này đều rời kinh đô Huế từ năm 1840, đến Hà Nội, chờ ngày mở cửa ải để sang Tàu Trong khi hai sứ bộ đang chờ ở Hà Nội, vua Minh Mạng băng hà, triều đình lại cử thêm một sứ bộ khác nữa tức tốc rời kinh sang báo tang và xin phong cho Thiệu Trị. Nhà Thanh được tin đã tư sang cho biết vua Thanh chỉ chấp thuận sứ đoàn sang cáo phó, đình chỉ hai sứ đoàn đi nộp cống và đi mừng thọ.
(3) Nguyễn Du đi sứ năm 1802 và 1813, Quốc triều chính biên toát yếu không viết, nhưng Đại Nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có đầy đủ dữ liệu.
Nhâm tuất (1802), Nguyễn Du chỉ là tòng nhân đi với phái bộ của chánh sứ Trịnh Hòai Đức sang Bắc Kinh xin phong vương cho vua Gia Long và xin đổi tên nước ta thành Nam Việt. Vua Gia Khánh nhà Thanh chuẩn cho tên nước ta là Việt Nam. Sứ bộ về nước vào tháng chạp năm Gia Long thứ 2 (tháng 1/1804)
Quý dậu (1813), sứ bộ này do Nguyễn Du làm chánh sứ, đi tuế cống định kỳ nhưng chưa lên đường thì Nguyễn Du mất, Ngô (Thì) Vị được cử thay thế.
(4) Chuyến đi mua hàng của Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế để cung tiến trong dịp Lục tuần đại khánh của Hoàng thái hậu Từ Dũ vào năm Tự Đức 21 (1868).
Đồng thời hai người này được phái sang Hương Cảng để truy tìm một phạm nhân của triều đình tên là Lê Duy Định đang trốn ở Hương Cảng và tập hợp bè đảng, mua vũ khí chống lại triều đình.
Sau Hoà ước Quý mùi (1883) do Pháp ép buộc triều đình Huế ký kết, mối quan hệ ngoại giao giữa triều Nguyễn với nhà Thanh bị buộc phải chấm dứt. Các chuyến công cán cuối cùng qua Tàu của triều Nguyễn dưới thời Khải Định mục đích đi mua hàng chuẩn bị cho lễ Tứ tuần đại khánh của vua tổ chức vào năm 1924.
Chuyến đi này đã mang về những chiếc độc bình, đôn kích thước lớn, có hiệu đề: Khải Định Tân dậu niên tạo, Khải Định giáp tý niên tạo…
Như khúc mở dầu đã giải bày chuyện sứ bộ ta đi sứ bị Tàu bắt giam hay bị giết chết hoặc chết trên đường đi sứ qua những giai thọai và còn nhiều hơn nữa..
Nhiều sứ thần bị giam giữ vào thời nhà Nguyên như Đào Tử Kỳ bị giam ở Giang Lăng 1 năm. Trịnh Đình Toàn, Nguyễn Nghĩa Toàn và 34 hành nhân cũng bị giam giữ. Lâu hơn cả là Lê Quang Bí đi sứ năm 1548, tuy tiếng Hán thông thạo nhưng vì ít giao tiếp nên bị Minh Thần Tông hiểu lầm bắt giữ lại 18 năm. Ông đi vào đời Mạc Phúc Nguyên, lúc về sang đời Mạc Mậu Hợp, bảng nhãn Lê Quý Đôn viết lời cảm khái ông: Lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ phơ. Ông được Mạc Mậu Hợp phong tước “Tô Quận Công”, vì chuyện đi sứ của ông chẳng khác gì chuyện Tô Vũ mục dương thời nhà Hán, Tô Vũ đi sứ Hung Nô phải đi chăn dê 19 năm mới được về..
Sứ thần Phạm Mưu chết trên đường đi sứ nhà Nguyên năm 1295, Doãn Bang Hiến chết năm 1322. Sang thời nhà Minh, Nguyễn Nhật Tư và Lê Ngân lặn lội sang tận Yên Kinh xin cầu phong cho Trần Quý Khóach 1411, Minh Thành Tổ bắt giam và giết cả hai. Cũng năm 1411, Hồ Ngạn Thần và Bùi Nột Ngôn mang biểu văn cầu phong nhiệm vụ không thành, khi trở về bị chính Trần Quý Khóach giết chết. Phan Ninh, Nguyễn Cát Phu cùng 7 hành nhân đi sứ nhà Minh bị bệnh dịch chết năm 1435. Phạm Quang Tiến đời Mạc đi sứ chết trên đường đi năm 1530. Thời Lê-Mạc, trạng nguyên Ðỗ Lý Khiêm làm chánh sứ, mới tới Bằng Tường đã mất tại đây. Thời Lê-Trinh, Bùi Bỉnh Quân chết năm 1632. Thời nhà Nguyễn đi sứ nhà Thanh, Ngô Thì Vị chết tại Quảng Tây năm 1820. Đinh Nho Hoàn chết năm 1821, sứ bộ Phạm Hi Lượng năm 1870 bị chết 3 người. Sứ bộ Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp năm 1863 cũng có 2 người bị chết…
(Các chuyện đi sứ sang Trung Hoa dưới triều Nguyễn - Trần Đức Anh Sơn)
***
Tóm lược:
Giai đọan mật nghị không chính thức
(từ tháng giêng đến tháng hai năm Kỷ Dậu 1789)
Sau khi nhận chỉ thị của Càn Long, quan nhà Thanh tạo ra mặt trận giả bằng cách tung tin Tôn Sĩ Nghĩ đã bị triệu hồi và Phúc Khang An sắp sửa tiết chế “chín tỉnh binh mã”, “tứ lộ giáp công”.
Về phía nước ta là cử phái bộ lên Lạng Sơn đổ lỗi cho Tôn Sĩ Nghị đã vất thư, không tiếp sứ. Rồi nhờ quan địa phương (Thang Hùng Nghiệp) làm trung gian trình bày lên triều đình nhà Thanh. Sau nhiều lần qua lại…
Kết quả:
Tôn Sĩ Nghị bí mật xúc tiến việc giảng hòa và sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc yêu cầu trao trả tù binh như một thiên chí ban đầu.
Giai đọan đàm phán bán công khai
(từ tháng hai đến tháng ba năm 1789)
Khi được tin triều đình An Nam cầu hòa, Thanh triều lập tức đưa ra những đòi hỏi cơ bản bao gồm trao trả tù binh và sửa đổi lý do chiến trận thành một lỗi lầm kỹ thuật.
(Nguyễn Huệ đưa quân ra Thăng Long chỉ để hỏi Tôn Sĩ Nghị tại sao động binh và bị bức bách phải giao chiến)
Kết quả:
Nước ta tiến hành 3 đợt trao trả tù binh và thuận thi hành một số điều lệ về lẽ cống.
Giai đọan công khai
(từ tháng ba đến tháng tư năm 1789)
Sau những hòa đàm đến chung cuộc, Phúc Khang An mới xuất hiện. Để phô trương quyền lực, Phúc Khang An không chấp nhận phái bộ đi sứ để dâng biểu cầu phong mà đòi hỏi vua Quang Trung lên Nam Quan xin hòa. Triều đình An Nam tương kế đưa ra phái đòan lớn gấp ba (68 người) do Nguyễn Quang Hiê/n cầm đầu sang Yên Kinh.
Hành động này không những đáp ứng đòi hỏi của nhà Thanh mà còn là thách thức, ép đối phương phải tiếp đãi ong trọng danh vị “tuy đại do thân” của Nguyễn Quang Hiển.
Kết quả:
Nhà Thanh đành phải đồng ý cho Nguyễn Quang Hiển 68 người (5) thay mặt vua Quang Trung lên Yên Kinh triều kiến triều đình nhà Thanh. Nhưng vua Quang Trung cũng chưa chính thức xác định sẽ tham dự lễ vạn thọ của Càn Long.
(5) Những triều đại trước, phái bộ ta hẻo người, được đón vào cửa ải Nam Quan rồi đi lên Yên Kinh dâng biểu cầu phong, xem ra đơn bạc lắm. Mỗi lần sứ đoàn chỉ được từ 4 đến 6 người, thêm một vài đầy tớ, đến và đi chỉ được tiếp đãi qua loa. Lần này phái bộ nước ta được tiếp đãi là do chiến công trước đây 2 tháng nên tình hình khác nhiều
***
Nếu lấy nhà Thanh làm mốc thơi gian thì từ 250 năm từ 1661 đến 1911, tức từ thời Lê Thần Tông (cùng thời vớI Thanh Thế Tổ Khang Hy) đến Thành Thái (thời Thanh Tuyên Tông). Nước ta chỉ gửi người đi sứ tổng cộng 45 lần, trung bình 5 năm một lần.
Thế nhưng dưới đời vua Quang Trung, chỉ trong vòng 3 năm từ 1789 đến 1792, mỗi năm ít nhất có một phái bộ sang Tàu, có năm đến hai phái đoàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất, tuy liên hệ với nhà Thanh trở nên mật thiết, nước ta vẫn giữ được quyền tự chủ, độc lập và vẫn theo đuổi những chính sách có khi đi ngược lại chủ trương của Thanh đình. Nhiều khi vua Quang Trung đặt vua Càn Long vào sự đã rồi.
Trong hơn một nghìn năm tự chủ, tổ tiên chúng ta khi mềm, khi cứng, có lúc phải dấy động can qua nhưng cũng có khi biết uyển chuyển tùy thời để vừa giữ vững quyền độc lập, vừa khiến cho phương Bắc phải từ bỏ mộng xâm lăng. Chiến thắng to lớn nhất của ông cha ta đời Tây Sơn không phải là tiêu diệt được đoàn quân của Tôn Sĩ Nghị mà là tạo được thế đứng mới để Bắc phương không dám tái diễn việc xua binh xuống phương Nam ngõ hầu dân tộc Việt Nam được thanh bình, tạo cơ hội phát triển đem lại cơm no áo ấm cho người dân. Đó không phải chỉ là một kết quả quân sự mà còn là một thành quả ngoại giao, mãi mãi vẫn là một mục tiêu mà người dân Việt nhắm đến.
Về cuộc đàm phán và bang giao giữa Trung Hoa và Đại Việt từ trước đến nay các sử gia thường nhấn mạnh vào tiến trình thời gian qua lại. Dưới đời Lê, sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Thái Tổ cầu phong (1429) lấy cớ là họ Trần không còn ai nhưng cũng phải đến ba năm sau (1431) nhà Minh mới sai Từ Kỳ mang ấn sang cho Lê Lợi “quyền thự quốc sự” (tạm quyền coi việc nước). Tuy thế, cái danh hàm ấy còn kéo dài đến mấy đời, đến năm Thái Hoà thứ nhất (1443), nhà Minh mới chính thức phong cho vua Lê Nhân Tông làm An Nam quốc vương.
Đầu đời Mạc, nhà Minh nhân cớ Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nên đem quân sang hỏi tội. Mạc Đăng Dung (*) và Mạc Phúc Hải phải tự trói ra hàng ở Nam Quan, tình nguyện giao “bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát” về châu Khâm (Quảng Đông) cho nhà Minh lại dâng thêm “bảy châu Quảng Lăng và các trại Hồng Y cùng một vài nơi phụ cận” nhập về Vân Nam. Tuy chấp nhận phục tùng như thế, họ Mạc chỉ được phong Đô Thống Sứ, ấn bạc nha môn tòng nhị phẩm, đổi nước ta thành An Nam đô thống sứ ty, coi như một phần đất trực thuộc Trung Hoa.
(*) Mạc Đăng Dung xin cắt đất nộp, và cống người vàng là chính mình để tạ tội tiếm ngôi nhà Lê. Mac Đăng Dung từ bỏ đế hiệu chỉ xin giữ chức Đô Thống Sứ mà thôi. Vua Minh bèn xóa tước An Nam quốc vương. Từ đó đến gần cuối đời Minh, điển lệ Tàu coi sứ ta như là một kẻ thừa sai đặc biệt, chứ không được ban yến. Mặc dầu sau khi dòng họ Lê trở lại Thăng Long và sai sứ cầu phong, triều Minh vẫn thoái thác và chỉ phong làm Đô Thống Sứ An Nam và bắt để họ Mạc làm Đô Thống Sứ Cao Bằng
(nguồn Hoàng Xuân Hãn)
Thời gian nhanh nhất
Trong lịch sử giao thiệp với Trung Hoa, từ khi cầu phong đến khi được triều đình Trung Hoa cho người sang làm lễ phong vương dù bình thường cũng mất nhiều năm. Trong trường hợp thay đổi một dòng họ (như Trần Cảo đổi qua Lê Lợi), việc qua lại còn kéo dài nhiều hơn nữa và thiên triều ngoài việc hoạnh hoẹ nọ kia còn tìm đủ mọi cách để lấn lướt trên phương diện danh vị hay tiền của. Trường hợp nhà Tây Sơn là một ngoại lệ và nếu không có những trở ngại gây trì hoãn thì tình hình từ lúc ngỏ lời cầu phong đến khi được chính thức công nhận chỉ trong khoảng 3 đến 4 tháng.
Điểm đáng ghi nhận là trước đây trong lịch sử bang giao Hoa-Việt, thường thường một quan lại Trung Hoa đại diện thiên triều để trao đổi trực tiếp với vua nước ta. Thế nhưng lần này nghi thức trung gian có Phúc Khang An thay mặt vua Càn Long và Nguyễn Quang Hiển là trưởng phái bộ về phía vua Quang Trung. Trong khi Thanh triều định dùng việc phong vương như một yêu sách để đòi hỏi nước ta thần phục thì ngược lại Đại Việt cũng coi đó là một số điều kiện tiên khởi mà nhà Thanh phải nhượng bộ trước khi tiến hành những bước kế tiếp. Những nhượn bộ đó đã xóa bỏ đi rất nhiều những bất đẳng thức mà phải chấp nhận trong các thời Lê, Mạc, trong đó có việc “cống voi” và “cống người vàng” (**), chứng tỏ thế mạnh về phía Đại Việt.
(**) Sau khi đã bác bỏ mọi yêu cầu của nhà Thanh và vua Quang Trung cũng không muốn phải lập lại một hành động rất mất quốc thể là cống người vàng thay mình nên thông báo rằng sẽ đưa một nhân vật quan trọng “tuy đại do thân” [tuy thay mặt nhưng cũng như chính mình] đích thân đem tờ biểu cầu phong sang kinh đô.
Có lẽ sau này Thanh triều cũng hiểu được “quá độ” của sự thân thiện này nên sau khi Càn Long qua đời, Gia Khánh không mặn nồng với triều đình nhà Nguyễn, thủ tục phong vương cho Gia Long kéo dài từ năm 1802 đến 1804. Sau khi lên ngôi, Gia Khánh thanh trừng sủng thần của Càn Long: Tôn Sĩ Nghị, Phúc Khang An đều bị thất sủng (mặc dù đã qua đời). Đại Việt lại bị đưa về vị trí cũ thời Nguyên, Minh dưới thời nhà Nguyễn. Tương quan Hoa-Việt chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi trong thời Tây Sơn, từ 1802 trở về sau không bao giờ được như trước đó. (ND Chính)
***
Về giao tiếp ngọai giao giữa hai nước mỗi thời mỗi khác, nhưng từ thời Tây Sơn đến thời gian gân đây. Nếu có thể được tam gọi là ngẫu nhiên tình cờ của những chuyện vụn vặt bên lề sau khi thỏa ước được ký kết.
Như dưới đây với từ đàm phán 1789 đến hòa đàm 1968-1973.
(còn tiếp)
Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Đăng ngày 27 tháng 11.2020