banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tạp ghi sau 40 năm

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

tap ghi

Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov

Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln


Kỳ 13

Góp nhặt sỏi đá
Theo Winfried Scharlau trong Những ngày cuối cùng của Sài Gòn:
Bắc Việt thông qua tiếp xúc với người Pháp đã đưa ra “Giải pháp Lào” để tạo cơ hội cho một hội nghị bốn bên bàn thảo một trật tự chính trị mới ở Nam Việt Nam (được Trung cộng hậu thuẫn).Jean-Marie Merillon vào gặp đại diện Bắc Việt để tự mình thăm dò cơ hội của một “chính phủ hòa bình Big Minh” qua sếp của phái đoàn MTGPMN là Đại tá Võ Đông Giang.
Với đại sứ Mỹ Graham Martin, trong ngày 28-4, tuy không có xác nhận từ phía bên kia, đại sứ Martin vẫn còn hy vọng vào thoả hiệp đình chiến trong ba ngày, và 30 ngày để thành lập chính phủ ba thành phần, sau đó, Mỹ và những người thân Mỹ sẽ ra đi trong trật tự.

Lạc đạn
Dựa vào nguồn ông Trần Văn Đôn và ông Trần Văn Lắm: Ông Minh là người tin bói toán.
Thay vì lễ nhậm chức tổng thống vào 9 giờ sáng ngày 28-4. Ông Minh nói “9 giờ sáng không được tốt, bàn giao lúc 5 giờ rưỡi chiều”.
Theo Tiziano Terzani tác giả cuốn Giải phóng!: Dương Văn Minh chọn hoa mai là Quốc huy VNCH… đó là hình hoa mai năm cánh nằm trong dấu hiệu âm dương của người Trung Hoa, tượng trưng cho hai yếu tố đối nghịch tạo thành sự đồng nhất trong vũ trụ.
Tiziano Terzani kể lại: Sau khi cựu Tổng Thống Trần Văn Hương trở về chỗ ngồi. Dương Văn Minh vẫn ngồi yên không hề nhúc nhích.
Ông Dương Văn Minh ngồi yên không nhúc nhích vì ông tin bói toán: Ông là tổng thống “Đệ tam Cộng hoà” lâu dài chứ không phải làm tổng thống để đầu hàng.
Dữ kiện với Quốc huy VNCH với (…) âm dương tượng trưng cho hai yếu tố đối nghịch tạo thành sự đồng nhất (…). Thì ông có thể hoà hợp hoà giải với MTGPMN trong chính phủ liên hiệp ba thành phần gồm MTGPMN, phe trung lập và “Chính phủ hòa bình Big Minh”.

Bên lề trận chiến
Báo Quân đội nhân dân ngày 2-5-1975 đăng bài
“Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử” của Bùi Tín
Trong các hồi ký và bài viết của mình kể từ khi tỵ nạn tại Pháp, Đại tá Bùi Tín là sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt sớm nhất tại dinh Độc Lập, là người đi cùng đơn vị xe tăng đầu tiên đâm đổ cổng dinh Độc Lập, và là người trực tiếp chấp nhận tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh vào ngày 30-4-1975. Điều này lâu nay đã được ghi nhận trong sách của các tác giả ngoại quốc như Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman và VietNam: A History của Stanley Karnow, nhưng mâu thuẫn với lời kể của các nhân chứng của sự kiện ngày 30-4-1975,trong đó có lời kể do chính Bùi Tín viết ở trong nước năm 1975.
(Nguồn: BBC)

Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử
Gần đây Bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân ở Hà Nội đã mở hội nghị để viết lại “Tài liệu lịch sử về ngày 30-4-1975”, với ý định được tuyên bố là “thuật lại thật chính xác những gì đã xảy ra trong ngày hôm ấy tại dinh Độc Lập giữa Sài Gòn”.
Thật đáng tiếc là tài liệu được tạo nên có một số điều sai sự thật.
Là một người chứng kiến tại chỗ, tôi buộc lòng phải lên tiếng. Tôi giữ thái độ trung thực, tôn trọng sự thật đúng như nó có, không để ai khác nhận vơ những điều chính tôi đã phát biểu. Trong tài liệu nói trên của Bộ tổng tham mưu, không hề nói gì đến chuyện tôi, Bùi Tín, lúc ấy là thượng tá QĐND, là cán bộ cao cấp duy nhất chứng kiến sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh vào buổi trưa và xế chiều ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập.
Tôi không hề có ý tranh dành tiếng tăm trong thời điểm lịch sử này. Việc tranh dành công trạng là điều tôi coi là đáng sỉ nhục. Nhưng lịch sử là lịch sử. Sự thật lịch sử cần tôn trọng tuyệt đối. Nói sai lịch sử về một số chi tiết có thể gây nghi ngờ về nhiều điều lớn hơn.
Do có những nhận định mang tính chất vu cáo là tôi đã tự nhận là người nhận đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, thậm chí cho là tôi không hề có mặt ngày 30-4 ở dinh Độc Lập, nên tôi thấy cần nói rõ sự thật chân thực là như sau:
- Tôi đến dinh Độc Lập cùng Trung tá Nguyễn Trần Thiết (1), phóng viên ban biên tập quân sự của báo QĐND lúc 12 giờ rưỡi (3 & 4) trưa ngày 30-4-1975, sau khi đoàn cơ giới của Lữ đoàn xe tăng 202 của Quân đoàn 2 đột nhập vào trong sân.
Tôi và trung tá Thiết ra ngoài cổng dinh tìm chỗ ngồi viết bài tường thuật để gửi gấp về Hà Nội, vì biết rằng ngoài tòa soạn đang mong chờ cho số báo in ngay tối nay. Tôi đang viết bài thì Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn 202và Trung tá Nguyễn Văn Hân, trưởng ban bảo vệ của Quân đoàn 2 đến yêu cầu tôi vào gặp nội các Dương Văn Minh. Tôi từ chối vì tôi không được giao trách nhiệm, lại đang lo viết bài báo. Tôi trả lời: “Các anh nên đưa 1, 2 người ra đài phát thanh để công bố tin toàn thắng để cả nước và thế giới biết”. Sau này gặp lại anh Tùng, tôi mới biết 2 anh trung tá ấy cùng nghĩ rằng cấp trung tá chỉ là cán bộ trung cấp, nên việc làm không đủ giá trị theo quân phong quân kỷ. Họ cần ý kiến một cán bộ cao cấp, mà lúc ấy không có một ai khác là tôi, họ biết tôi là cấp thượng tá, phó tổng biên tập báo QĐND.
(Bùi Tín viết riêng cho VOA để “hiệu đính” nhân ngày 30-4-2010)

(1) Sau này …Viện lịch sử quân sự viết lại những dữ kiện lịch sử về ngày 30-4 trong dinh Độc Lập. Theo bài viết năm 1985 của nhà báo Nguyễn Trần Thiết, đồng nghiệp của ông Bùi Tín cũng đã…viết lại: Khi ông Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh thì… nhà báo Bùi Tín còn đang ở Sở chỉ huy Quân đoàn 3 đóng tại Củ Chi.
(2) Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Nguyễn Công Trang khẳng định Bùi Tín chỉ tới dinh Độc Lập lúc 2 giờ 15, sau khi ông Dương Văn Minh từ đài phát thanh trở về.
(3 )Lữ đoàn xe tăng 202 của Quân đoàn 2 vào dinh Độc lập 11 giờ 30.

Giây phút hấp hối của VNCH
Cuộc di tản của Mỹ chấm dứt vào lúc tôi đang ngủ. Vũ Thành An bước vào CLB đã vội loan báo: Xong hồ sơ rồi ông ơi. An không hút thuốc lá, nhưng hôm ấy anh phì phèo điếu thuốc.
Tôi nói đùa với anh: Chẳng qua cũng là bài không tên cuối cùng thôi.
Chúng tôi uống cà phê, ăn mì gói, và hút thuốc…

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến
trong quán cà phê
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” về thuốc lá xuất xứ từ quán cà phê, như:
Capstan : Chiếc áo phong sương tự áo nàng.

Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử
Đến khoảng 9 giờ 30 vừa định vào phòng tin tức thì thư ký trực hốt hoảng chạy từ trên lầu xuống: Ông ơi, văn phòng tổng thống điện thoại xin cử người sang thâu băng hiệu triệu. Tôi chỉ định Lê Phú Bổn và một kỹ thuật viên là anh Hồ Ổn sang phủ thủ tướng, số 7 đường Thống Nhất, Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chờ họ ở đó. Anh Bổn thu thanh mang vào đài vài phút trước 10 giờ sáng và chuyển lệnh của tổng thống: Ðầu hàng rồi. Anh cho phát ngay, không cần hoàn chỉnh. Tôi đưa cuốn băng cho Vũ Thành An. Nội dung cuốn băng chỉ dài chưa đầy 5 phút, trong đó Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân, cảnh sát và các lực lượng bán quân sự “giữ vị trí, buông súng để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”.
(Vũ Ánh)

Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử
Ngay sau đó, Trung tá Bùi Văn Tùng đưa ông Minh ra đài phát thanh Sài Gòn để loan tin đầu hàng trong vòng nửa tiếng. Trong khi ấy tôi cũng đã viết gần xong bài báo. Tôi còn nhớ trung tá Thiết mở hộc bàn giấy của tổng thống lấy ra tờ giấy cứng in thực đơn cho tổng thống vào trưa 30-4-1975(1), trên đó có 2 món chính là: “gân bò hầm sâm” và “cá thu kho mía”, đưa cho tôi xem để ghi thêm trong bài báo cho sinh động.
Hai trung tá Tùng và Hân lại khẩn khoản nói với tôi: Họ đang ngồi chờ trong kia, chừng 30 người, các ông tướng chưa ai vô, anh vào gặp họ đi, để họ chờ lâu không tiện.
Anh Thiết bàn với tôi: Anh vào gặp họ đi, ta cùng vào rồi sẽ viết thêm vài chi tiết, sau ta sẽ vào trại Davis-Tân Sơn Nhất, nhờ tổ thông tin đánh bài báo ra Tổng cục chính trị. Trung tá Hân dẫn 2 chúng tôi vào phòng họp lớn. Anh Hân, trên cương vị trưởng ban bảo vệ quân đoàn hiện là người sắp xếp trật tự của dinh Độc Lập. Anh vào trước, báo tin: Tất cả đứng dậy! Sắp có một cán bộ cao cấp QĐND vào gặp các ông. Tôi và anh Thiết bước vào. Phòng khách rộng lớn, ghế ngồi lót dạ đỏ, trên bàn có những cốc nước và mấy hộp hạt đào lộn hột. Anh Thiết ghi tên cả 28 người có mặt, từ các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền (?) đến các ông Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Hữu Có, Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Hữu Hạnh (?), v...v...
Vừa lúc ấy, trung tá Hân đón tổ quay phim quân giải phóng vào. Ông Minh bước tới trước, nói chậm rải: Thưa quý ông! Chúng tôi chờ quý ông từ buổi sáng đặng chuyển giao chính quyền.
Tôi đáp: Các ông còn có gì mà bàn giao, không thể bàn giao khi trong tay không còn có gì!
Tôi không nói gì đến chuyện đầu hàng vì 2 trung tá Tùng và Hân đã cho tôi biết ông Minh vừa tuyên bố đầu hàng ở đài phát thanh. Ý tôi muốn nói là không thể có chuyện bàn giao chính quyền, vì tình hình đã ngả ngũ xong xuôi.
(…)
(1) Ông Nguyễn Văn Thiệu đã đi Đài Bắc từ ngày…25-5-1975.

Lạc đạn
1975 tháng 4, Đại thắng mùa xuân. Như tên hồi ký Văn Tiến Dũng viết. Và cho tướng Giáp ra rìa đại tiệc. Báo Nhân Dân dành hai trang đăng bài Bùi Tín tường thuật “giải phóng Sài Gòn.”
Xem đến đoạn Bùi Tín vào dinh Độc Lập mở tủ lạnh xem “chúng nó” ăn những gì, tôi không đọc nữa. Kiểm kê sự ăn uống của tư sản, địa chủ vốn nằm quen thuộc trong cẩm nang phát động quần chúng căm thù bọn bóc lột. Tức là bấm vào cái huyệt ghen ăn tức ở. Mở trí khôn cho quần chúng ở cái điểm này mới quý đây!
Bỏ báo xuống là một phản ứng buồn. Chính chúng tôi thua. Với thân phận kẻ bị đàn áp, rất bản năng tôi đứng ngay vào phía bà con đại bại trong Nam.
(Đèn cù - Trần Đỉnh)

30-4-1975, Dương Văn Minh và tôi
Anh em sinh viên đã cùng bộ đội chiếm giữ đài rồi nhưng không vận hành được cũng như không biết phát đi nội dung gì. Chúng tôi tìm được anh Trần Văn Bảng kỹ thuật viên phát thanh vận hành lại đài, còn nhà báo Đức thì cho mượn chiếc cát xết thu lời đầu hàng của tướng Minh và lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi văn Tùng, do chính ông Tùng soạn thảo.
Tướng Minh nhìn thấy tôi trong đám người này có vẻ cũng yên lòng(!). Trông ông mệt mõi và không mấy vui. Thân hình ông vẫn to lớn nhưng mặt ông hơi hốc hác. Sau này tôi mới biết là ông và bộ tham mưu từ mấy ngày qua đã quyết định đầu hàng dẫu có bị đối xử không tương xứng của phía đối nghịch. Có lẽ ông chưa bao giờ thành công trong hoạt động chính trị. Ông chỉ là nhân vật cần thiết của tình thế nhưng không nắm được quyền lâu dài.
Tôi nhìn sang Giáo sư Vũ Văn Mẫu, ông có vẻ bình thản trong bộ complê màu xanh nhạt luôn chỉnh tề của một nhà giáo đại học. Tuy xuất thân trong gia đình quan lại miền Bắc và di cư vào Nam năm 1954, khi nổ ra vụ tranh đấu Phật giáo năm 1963, đang giữ chức vụ Bộ trưởng ngoại giao VNCH, ông từ nhiệm và cạo trọc đầu phản kháng Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Nay ra lãnh chức vụ thủ tướng tôi nghĩ ông sẽ đem lại hòa bình, hòa hợp hòa giải thật sự cho dân tộc.
Loay hoay đến gần hai giờ chiều chúng tôi mới phát đi được tiếng nói cách mạng đầu tiên trên đài phát thanh Sài Gòn. Nguyên văn tiếng nói mở đầu của tôi…
(…)
Giây phút hấp hối của VNCH
Nhưng cuốn băng chỉ phát được một lần vào lúc 10 giờ 15 phút sáng 30-4-1975. Lê Phú Bổn vừa ra khỏi đài thì tướng Nguyễn Hữu Hạnh, tổng tham mưu trưởng quân đội, vị tổng tham mưu trưởng thứ ba trong vòng hơn 1 ngày rưỡi. Ông từ phủ thủ tướng sang đài phát thanh sau khi đã ghé qua đài truyền hình. Tôi đón ông ở cổng. Tướng Hạnh nói ông sang tiếp nhận đài để trao cho phía “cách mạng”. Còn đang nói chuyện với tướng Hạnh thì một đoàn xe trờ tới.
Khi chiếc Mercedes đen ngừng lại ở cổng ngoài, tôi thấy một người mặc quân phục tác chiến mầu cỏ úa của bộ đội Bắc Việt, súng lục cầm trong tay, tiếp theo là Tổng thống Dương Văn Minh, và một người khác cũng mặc quân phục mầu cỏ úa, cũng súng lục cầm tay. Tổng thống Dương Văn Minh đi giữa hai người này, phía sau có nhiều cán binh mang AK47.
Rồi đến những chiếc xe jeep lùn khác của quân đội VNCH cũng đến đậu trước đài phát thanh. Từ trên xe bước xuống là một đám thanh niên, thiếu nữ, trang phục dân sự nhưng trên tay phải của mỗi người đều có đeo băng đỏ. Tôi nhận ra ngay Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Thị Quế Hương, Nguyễn Hữu Thái, Tôn Thất Lập... Tôi cũng thấy vài phóng viên nước ngoài, trong đó có George Asper, trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn, và hai thu hình viên của phía Bắc Việt.
Ông Hạnh yêu cầu tôi lên phòng phát thanh trước, tướng Hạnh yêu cầu mở cửa phòng vi âm lúc đó đang đóng vì không phải là giờ đọc tin. Viên sĩ quan đi bên cạnh ông Minh lớn tiếng yêu cầu mọi người bình tĩnh, không được kháng cự vì kháng cự cũng vô ích. Ông ta nói…
(…)
30-4-1975, Dương Văn Minh và tôi
Nguyên văn tiếng nói mở đầu của tôi:
Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…
Đại tướng Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng theo bản văn do Bùi Văn Tùng soạn thảo:
Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu trực tiếp:
“Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng.
Tiếp đó là lời chính ủy Bùi Văn Tùng:
Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn.
(Nguyễn Hữu Thái)

Giây phút hấp hối của VNCH
Ông ta nói: Tổng Thống của các ông đã bị bắt.
Và quay lại đẩy Big Minh vào phòng vi âm và nói tiếp: Các anh thua rồi, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chứ còn gì nữa mà bàn giao.
Cuốn băng thứ hai mà dân chúng miền Nam được nghe từ 1 giờ ngày 30-4-1975 trở đi chỉ khác cuốn băng đâu tiên ở điểm “đầu hàng vô điều kiện" thay vì "bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”. Sau đó tôi hỏi tướng Hạnh: Tôi có thể ra khỏi đài được chứ?.
Ông Hạnh nói: Anh hãy về nhà ngồi đợi lệnh của Ủy ban quân quản.
Tôi bước xuống cầu thang thì phóng viên Yến Tuyết từ phòng làm việc chạy ra. Vừa ra đến cổng thì thấy xe của Thiếu tá Nguyễn Văn Thăng do tài xế Ðường lái chạy vào. Trên xe có cả vợ ông Thăng, chắc họ không kiếm được chỗ đi. Ông Thăng còn mặc bộ đồ bốn túi bằng vải ka-ki vàng. Tôi nói: Họ đầy ra ở trên đó, thiếu tá còn vào đây làm gì, quay xe ra ngay đi. Ðường thấy vậy mở cửa xe và đẩy vội tôi và Yến Tuyết lên, vọt nhanh ra khỏi cổng.
Ra đến đường Hồng Thập Tự, Ðường quay lại hỏi: Ði đâu ông?.
Tôi lắc đầu và không nói gì nữa. Vì “phim” đã cháy thực sự.
(Vũ Ánh)

Góp nhặt…ghi chép…
Nam Nguyên: Thưa ông làn sóng phát thanh quốc gia duy trì cho đến lúc nào?
Vũ Ánh: Điều chắc chắn, ở đây còn rất nhiều nhân chứng.Tôi thấy quyển Đại thắng mùa xuân của ông Văn Tiến Dũng viết hết sức cẩu thả và dựng đứng nhiều chi tiết, có những chi tiết sai không thể chấp nhận được. Chẳng hạn ông ta viết bộ đội của ông vào đài phát thanh Sài Gòn, lúc đó đài bỏ hoang không còn ai. Điều này hoàn toàn sai. Nên nhớ rằng người ta không thể chế ra lịch sử được, lịch sử có giá trị của nó bởi vì quan trọng nhất là sự thật, bởi vì tôi tin tưởng là lịch sử có tiếng nói riêng của nó. Và không ai có thể bóp méo tiếng nói của lịch sử.Lịch sử ngày 30-4 đã bị xuyên tạc.
-: Cuốn băng đầu phát đi lời đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh được một lần vào lúc 10 giờ 15 phút sáng 30-4-1975. 11 giờ kém 15, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh sang nhận đài để giao cho phía bên kia. 11 giờ, tôi rời đài phát thanh Sài Gòn. Nhưng tiếng nói quốc gia VNCH vẫn còn, Vì sau đó khi phát lệnh đầu hàng văn bản lần thứ hai của tổng thống Dương Văn Minh thu tại đài phát thanh Sài Gòn. Cuốn băng thứ hai mà dân chúng miền Nam được nghe từ 1 giờ trưa ngày 30-4-1975 chỉ khác cuốn băng trước là “đầu hàng vô điều kiện”. Thì lúc đó mới chấm dứt tiếng nói của quốc gia VNCH. (Vũ Ánh) -: Loay hoay đến gần 2 giờ (?) chúng tôi mới phát đi được tiếng nói cách mạng đầu tiên trên đài phát thanh Sài Gòn (…)cho đến 4 giờ chiều thì giao lại cho nhóm anh em sinh viên đại học Khoa học Sài Gòn. (Nguyễn Hữu Thái)

Góp nhặt sỏi đá
Trở lại với nhà sử học người Hy Lạp Halikamasseus sống ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Trong tác phẩm Historical, ông đi đến nhiều nơi để ghi nhận những chuyện được gọi là trung thực của vùng Địa Trung Hải mà nhiều sử gia thời ấy đề cao vì cho rằng sự kiện lịch sử mang tính chất khách quan nhất và trung thực nhất. Đúc kết lại ông tìm thấy những sử gia đều…”ngu xuẩn” và là những…“ông tổ nói láo”. Qua tác phẩm Historical, ông viết chữ nghĩa sử học hơn: “Lịch sử là gì? lịch sử là chuyện kể của kẻ chiến thắng!”.
-: Tiếng Hy Lạp tiên khởi “Historical” có nghĩa là phát hiện và thu thập….

Quân sử ngoại truyện
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”. Ngày 30-4, nhìn lên bản đồ tác chiến, năm cánh quân ta như năm bông sen tung ra từ 5 mục tiêu tiến công:
- Quân đoàn 1 đánh thẳng vào cổng chính Bộ tổng tham mưu(1) địch nhưng không gặp kháng cự nào đáng kể. Vì cổng chính đã mở và sĩ quan, binh lính địch nhảy qua mọi vật chướng ngại, kể cả dây thép gai và bãi mìn để chạy.
- Quân đoàn 2 tiến công vào “Dinh Độc Lập” nơi bọn đầu sỏ tay sai Mỹ bán “độc lập”, buôn máu người và buôn lậu. Bộ đội ta xông lên gác bắt tại chỗ toàn bộ “nội các” kể cả “tổng thống” ngụỵ Bộ đội ta linh hoạt treo cờ cách mạng tung bay trên “Dinh Độc Lập”. Lúc ấy là 11 giờ 30 phút ngày 30-4. Tại Sở chỉ huy mặt trận, tôi mở máy thu thanh để nghe. Tiếng của “tổng thống” ngụy quyền nói xin hạ vũ khí đầu hàng quân ta không điều kiện.
- Quân đoàn 3 đánh sân bay Tân Sơn Nhất(2)từ 8 giờ đến 8 giờ 30 phút. Pháo ta bắn cấp thấp vào sân bay, lửa khói bốc ngút trời. Tiếng pháo vừa dứt, xe tăng nhanh chóng xông lên chiếm ngã tư Bảy Hiền, thừa thắng phát triển vào cổng số 5 của sân bay. Chuyện kỳ thú là gặp Phái đoàn quân sự của ta ở trại Davis tại đây. Một cảnh gặp nhau lý thú và xúc động.
- Quân đoàn 4 dùng xe tăng, xe bọc thép đánh thẳng vào đài phát thanh (3) Sài Gòn lúc 2 giờ trưa. Đơn vị ta nhất trí nếu chỗ nào địch chống cự thì lập tức tiêu diệt ngay. Nhưng ta không gặp kháng cự nào vì đài phát thanh bỏ trống, không có ai.
(Đại thắng mùa xuân - Chương 17: Chương cuối cùng)

Phát hiện và thu thập
(1) Trung đoàn 28 thuộc Quân đoàn 3 tấn công Bộ tổng tham mưu.
(2)Trung đoàn 24 Bộ binh, Trung đoàn 273 Thiết giáp, Trung đoàn 234 Cao xạ thuộc Quân đoàn 3 đánh cổng cửa số 4 và số 5, Tân Sơn Nhất. Tiểu đoàn 6 đã kéo được lá cờ Quyết thắng của sư đoàn lên đỉnh lầu chỉ huy không lưu.
(Nguồn: Ngày 29 và 30 tháng Tư của 34 năm về trước – Bảo Ninh)
(3) 12 giờ 30 ngày 30-4-1975, Đại đội 7, Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 tiến theo đường Hồng Thập Tự, quẹo qua đại lộ Thống Nhất, tới thẳng dinh Độc Lập.
(Trò chuyện với VnExpress - Hoàng Cầm)
- : Không thấy Hoàng Cầm nói gì đến Quân đoàn 4 đánh đài phát thanh? Quân sử ngoại truyện
Vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày “Giải phóng miền Nam” (1975-2000), Nhà xuất bản chính trị quốc gia cho ra mắt cuốn hồi ức: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng của tướng Võ Nguyên Giáp.Trong chương IX mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” viết:
Trước tấm bản đồ thành phố Sài Gòn-Gia Định, mọi người đứng dậy, chăm chú nhìn theo hướng tay tôi chỉ. Mọi người vây quanh tấm bản đồ chiến sự.
Năm cánh quân của ta hợp điểm giữa Sài Gòn. Quân đoàn 2 sẽ chiếm dinh tổng thống. Quân đoàn 4 sẽ chiêm đài phát thanh. Quân đoàn 1 sẽ chiếm Bộ tổng tham mưu. Quân đoàn 3 sẽ chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Đoàn 232 sẽ chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát.
: - Võ Nguyên Giáp cho Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng ra mắt năm 2000. Khi ấy Văn Tiến Dũng đang nằm chờ chết trong bệnh viện Bạch Mai (Văn Tiến Dũng chết năm 2002)

Phát hiện và thu thập
Hồi mới giải phóng tôi rất ngạc nhiên khi đọc sách Đại thắng mùa Xuân của tướng Văn Tiến Dũng (…). Năm 2000, đọc sách Đại thắng mùa xuân ở Tổng hành dinh của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, tôi mới hay tướng Giáp là người tổng chỉ huy toàn bộ cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Đại tướng đã đề xuất Bộ chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, các tướng Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm phó tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân gồm 20 sư đoàn giải phóng Sài Gòn. (…)
(…) Cỏ làm sao che được mặt trời ”. Cứ đọc sách Bên thắng cuộc của nhà báo Huy Đức ( Phần 2: Quyền bính, chương 15) thì sẽ rõ hơn những điều tôi đã viết. (…)
(Vì sao tôi viết “Tướng Giáp trong tôi?” – Ngô Minh)
Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử
Trong tài liệu chính thức của Bộ tổng tham mưu, các câu nói của tôi trên đây được đặt trong miệng Trung tá Bùi Văn Tùng. Tôi khá thân với anh Tùng, từng ghé thăm 2 vợ chồng anh. Tôi tin là anh Tùng sẽ có thể đến lúc không ngại gì nói rõ sự thật đầy đủ. Có những nhân chứng còn sống, về những lời nói của tôi trưa hôm ấy, như các ông Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Hữu Hạnh (?)…Sự thật là hoàn cảnh ngẫu nhiên đưa đẩy để tôi là cán bộ cấp cao duy nhất của QĐND có mặt tại dinh Độc Lập trong khoảng thời gian từ12 giờ đến 16 giờ chiều 30-4-1975 để chứng kiến và chút ít tham gia sự kiện lịch sử này.
(…)
Sở dĩ một số báo nước ngoài cứ nói phóng lên là tôi là người nhận đầu hàng của tướng Minh là vì tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn hồi tháng 9-1975 có lần giới thiệu tôi với các nhà báo Nhật, Pháp…: Đây là nhà báo, sỹ quan cao cấp nhất chứng kiến sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn.
Rõ ràng “chứng kiến” và “nhận” là 2 điều khác nhau.
Từ đó, có thể có người hiểu lầm cho rằng tôi là người nhận đầu hàng. Cũng có thể có người hiểu sai, cho rằng khi tôi nói “không còn gì để bàn giao” thì cũng có nghĩa là tôi đòi họ phải đầu hàng tôi! Tôi không bao giờ nhận một điều gì không phải của mình, không do mình làm.
(Bùi Tín viết riêng cho VOA để “hiệu đính” nhân ngày 30-4-2010)

Quân sử ngoại truyện
Qua “Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử" ngày 2-5-1975 trên báo Quân đội nhân dân. Ông Bùi Tín với quân hàm “đại tá”. Trong bài viết lại cho đài VOA nhân ngày 30-4-2010, ông Bùi Tín với quân hàm mới là…“thượng tá”. Vì theo ông Nguyễn Công Trang:
Về "quân hàm đại tá" tại thời điểm 30-4-1975, Thiếu tướng Nguyễn Công Trang của quân đội nhân dân khẳng định vào thời điểm đó Bùi Tín chỉ mang quân hàm…Thượng tá.
Qua bài viết riêng để “hiệu đính” cho VOA, ông Bùi Tín tự chú thích để…hiệu đính:
(…)Cần nói rõ thêm để các bạn ở ngoài quân đội biết là giữa trung tá và thượng tá là khác không chỉ một cấp, mà khác hẳn một bậc. Cán bộ sơ cấp từ thiếu uý lên đại úy là bậc sơ cấp, từ thiếu tá và trung tá là bậc trung cấp, từ thượng tá lên cấp tướng là bậc cao cấp.
Phân biệt 3 cấp ấy rất rõ, khác hẳn nhau, từ bếp ăn, phòng ngủ, nhà ở, quân phục, tiền lương, sổ mua hàng, lớp học, trường học, hội nghị, tài liệu đều phân biệt rõ. (…)
-: Theo truyền thống Hồng quân Trung Quốc, quân hàm và cấp bậc theo “tứ chế”:
Thiếu – Trung – Thượng – Đại.

Góp nhặt sỏi đá
Cho đến nay có nhiều nguồn về sự kiện Bắc Việt tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Các tài liệu của Việt Nam trong nhiều năm và các sách nước ngoài ghi rằng người tiếp nhận sự bàn giao từ tay Đại tướng Dương Văn Minh là Đại tá Bùi Tín.
Sau này có nguồn từ sách trong nước nhấn mạnh đến vai trò của Trung tá Bùi Văn Tùng trong những giờ lịch sử tại dinh Độc Lập. Theo bản tin của AFP đánh đi từ Sài Gòn ngày 29-4-2000 thì ông Tùng cho AFP biết chính ông mới là người tiếp quản chính quyền Sài Gòn tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 từ tay Dương Văn Minh chứ không phải…ông Bùi Tín. Ông Tùng (1) còn lên án việc ông Tín trở thành người phê phán đảng cộng sản Việt Nam ở Paris.
AFP có vẻ như không tin câu chuyện của ông Bùi Văn Tùng, khi ấy đã là đại tá, nên chạy tựa cho bản tin là “Việt Nam viết lại lịch sử để bác bỏ vai trò của một nhân vật bất đồng chính kiến”. (nguyên văn tiếng Pháp: Le Vietnam réécrit son histoire pour nier le rôle d'un dissident).
Còn bài trên tờ VietNam Net ở trong nước vào năm 2000 thì người gặp tướng Minh để tiếp quản sự đầu hàng lại là…ông Phạm Xuân Thệ. (Nguồn: BBC)

Dinh Độc Lập 11 giờ 15 phút
Trung uý trung đoàn phó trung đoàn Bộ binh 66 Phạm Xuân Thệ là viên chỉ huy đầu tiên “làm việc” với Tổng thống Dương Văn Minh. Giống như Bùi Quang Thận trong khoảnh khắc đầu tiên, Phạm Xuân Thệ cũng hơi ngỡ ngàng và chưa biết phải làm gì: Tôi chỉ được giao nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập. Việc của tôi là kiểm soát tòa nhà và cho anh em lên cắm cờ. Làm việc gì và làm như thế nào với tổng thống và nội các này đây? Ông Thệ nhớ lại.
Tổng thống Dương Văn Minh thông báo đã tuyên bố ngừng bắn và đang chuẩn bị tiến hành bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Phạm Xuân Thệ không chấp nhận chuyện “bàn giao” mà tuyên bố: Phải đầu hàng! Trung úy Phùng Bá Đam cùng các sĩ quan bộ binh đã bàn với Phạm Xuân Thệ là cho tuyên bố đầu hàng ngay tại dinh. Nhưng đường dây từ dinh Độc Lập ra đài phát thanh không hoạt động được nữa do nhân viên đài lúc ấy đã “biến” hết. Phải ra đài phát thanh!
Ngay lúc đó, Trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng xuất hiện. Các sĩ quan biệt động đặc công đưa ông vào gặp Tổng thống Dương Văn Minh. Trung tá Bùi Văn Tùng cũng bác bỏ lời đề nghị bàn giao chính quyền và tuyên bố giải pháp duy nhất là phải đầu hàng.
(Nguồn: TT)

Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 19-10-2005, tại thành phố Sài Gòn, Viện lịch sử quân sự đã tổ chức: “Tọa đàm khoa học xung quanh sự kiện đánh chiếm dinh Độc Lập ngày 30-4- 1975″ nhưng không mời các nhân chứng có mặt trong dinh và đài phát thanh tại thời điểm trưa 30-4-1975, không mời các cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn tăng 203.
Ngày 17-1-2006, Viện lịch sử quân sự đã đưa ra kết luận: “Tại đài phát thanh đồng chí Trung úy (1) Phạm Xuân Thệcùng các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì Trung tá (2) Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn tăng 203 xuất hiện. Từ đó, bộ phận cán bộ đồng chí Phạm Xuân Thệ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng, đồng chí Phạm Xuân Thệ tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng”.
(1) Giữa năm 1985, Trung úy Phạm Xuân Thệ mang quân hàm thiếu tướng.
(2) Trung tá Bùi Văn Tùng nay là…”đại tá”.

Dinh Độc Lập 11 giờ 15 phút
Bùi Quang Thận kể: (…) Tiêu diệt xong căn cứ Nước Trong, 9 giờ sáng ngày 30-4, Đại đội 4 xe tăng chúng tôi quyết định vượt cầu tiến vào thành phố. Khi đến dinh Độc Lập thấy cổng đóng, tôi ra lệnh cho pháo thủ nhắm giữa cổng dinh Độc Lập khai hỏa. Không hiểu sao đạn không nổ? Hai lần như vậy, tôi ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng. Trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng 390 do anh Vũ Đăng Toàn, chính trị viên chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính. Thế là cả hai xe đều tiến vào bên trong.
Từ chiếc xe tăng 390, chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn nhảy xuống. Tôi và anh Toàn chạy lên thềm dinh trong tư thế được mô tả là sẵng sàng chiến đấu. Trung úy Toàn tay lăm lăm khẩu AK hỏi: Tổng thống ở đâu?. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đáp: Để tôi đưa tổng thống ra gặp các ông. Lúc này Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi sau phòng khánh tiết. Có hai người bước ra. Tôi thấy một người dáng cao to, nước da ngăm đen, tóc hoa râm, mặc áo cộc tay bước ra. Đó là Tổng thống Dương Văn Minh. Người còn lại là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
Lập tức, trung úy Vũ Đăng Toàn có nhiệm vụ trấn áp nội các, pháo thủ số 1 xe 390 canh chừng ngoài phòng. Còn tôi có nhiệm vụ lên nóc dinh để cắm cờ”. (…) (Dương Tùng & Huy Đức)

Góp nhặt…ghi chép…
Ngay sau khi công bố: Kết luận của Viện lịch sử quân sử đã bị ông Bùi Văn Tùng, các sỹ quan, chiến sỹ trên xe tăng 390 và Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái phản đối trên 2 số báo Xưa & Nay.

Dinh Độc Lập 11 giờ 15 phút
Bùi Quang Thận nhớ anh cũng hơi lo lo khi nhìn thấy bên trong có người mặc quân phục…như mình. Có thể vì quá căng thẳng và có thể vì là “một người lính nông dân” lần đầu đứng trước một tấm kính khổng lồ, Bùi Quang Thận lao vào…tấm kính như tấm gương soi mạnh đến nỗi anh…ngã bật ra đằng sau ngồi bệt xuống đất. Tay vẫn cầm lá cờ, anh lồm cồm đứng đậy để làm nốt “vai trò lịch sử” là cắm cờ trên dinh Độc Lập. Người dẫn đường cho Bùi Quang Thận lên cắm cờ là Đại tá Vũ Chiêm (Quân lực VNCH). Cùng hỗ trợ việc cắm cờ cùng Bùi Quang Thận còn có anh thanh niên Nguyễn Hữu Thái (cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn) và nhà báo Huỳnh Văn Tòng. Theo lời kể của Trung úy Bùi Quang Thận: Đại tá Vũ Chiêm dẫn cả ba người tới thang máy, loại phương tiện mà đối với tôi còn lạ hơn tấm kính khổng lồ nhiều. Bùi Quang Thận nhất quyết kiên cường không vào. Mãi về sau anh kể lại: Lúc đó tôi nhìn thấy nó như cái hòm. Vào đó nó nhốt mình vào như tù bình thì biết bao giờ mới ra được. Sau khi nghe đại tá Chiêm giải thích, Bùi Quang Thận mới chịu dùng thang máy nhưng bắt vị này bước vào trước thì mình mới vào sau.
Bùi Quang Thận xúc động, anh dừng một lúc rồi nói tiếp:
Trước hai cánh cửa sắt, người dẫn đường ấn vào nút, hai cánh cửa dẹp về hai phía, bên trong hiện ra một khoang giống như cái thùng sắt đựng lúa của ta. Bởi từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay tôi đã biết thang máy là thế nào đâu. Nói đến đây, anh phá lên cười rồi nói: Khi lên đến nơi, tôi hạ cờ Ngụy xuống. Nhưng do cờ được buộc chắc chắn nên phải cắn bằng răng(!?), sau đó treo cờ giải phóng vào. Kéo cờ mình lên, tôi lại hạ xuống, đưa tay xem đồng hồ…(3a)


Phạm Xuân Thệ (phải) tay cầm súng (ảnh Borries Gallasch)
Bùi Quang Thận (trái) tay không đeo… đồng hồ. (3a)

Sau khi hạ lá cờ xuống, Bùi Quang Thận đưa tay xem đồng hồ (3a) và cẩn thận ghi vào góc lá cờ: "11 giờ 30 phút 30-04-1975. Ký tên: Thận". Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh Độc Lập dưới sự chứng kiến với niềm tự hào thiêng liêng của ba người, ba miền đất nước lúc đó. Một trung úy dũng cảm Bùi Quang Thận đến từ hậu phương vững chắc miền Bắc. Một thanh niên yêu nước Nguyễn Hữu Thái quê miền Trung ruột thịt. Một nhà báo ái quốc Huỳnh Văn Tòng sinh trưởng tại chính miền Nam khói lửa.
(Tổng hợp Dương Tùng & Huy Đức)

Từ R, căn cứ trung uơng cục ở Lộc Ninh đến Sài Gòn
Sáng sớm ngày 27-4-1975…
“Cánh” của ông Võ Văn Kiệt từ R, căn cứ trung uơng cục ở Lộc Ninh, ông Kiệt cùng một bộ phận phục vụ gọn, khoảng hai trung đội, chạy xe Honda 67 bọc qua phía Campuchia, tới cửa biên giới Mỏ Vẹt, Long An thì bỏ xe lại, đi bộ. Đoàn vượt qua sông Vàm Cỏ Đông thuộc Đức Hoà gặp cánh Mai Chí Thọ đang đi lơ ngơ. Hai đoàn nhập làm một. Ít ai nghĩ ba, bốn ngày nữa rồi những người mặc bà ba đen, đi dép râu, mặt mày khắc khổ đang xắn quắn lội ruộng đó lại sẽ là “chủ nhân ông” của thành phố Sài Gòn.
Sáng hôm sau 28-4,..
Khi sương sớm còn phủ trắng, từ nơi tạm dừng nhìn qua phía bên kia cánh đồng, ông Kiệt bất ngờ nhìn thấy lố nhố xe pháo. Lúc đàu cả hai ngỡ xe tăng “địch”. Tới khi sương mù bớt đi, mới nhận ra: “Cơ man tăng. Tăng mình!”. Ông Kiệt viết thư, niêm kín, ra lệnh cho thư ký riêng là Ba Hùng, đi kiếm Trung tướng Lê Đức Anh hỏi cho ra lẽ.
Tướng Lê Đức Anh được giao chỉ huy Đoàn 232 (1), một lực lượng tương đương quân đoàn, tiến về Sài Gòn hướng tây-nam. Dọc đường Ba Hùng đi, đạn pháo nằm la liệt trên các bờ ruộng, bờ kênh, dân công rầm rập, bộ đội, xe tăng lớp lớp. Tướng Lê Đức Anh viết thư trả lời “Anh Sáu Dân” (bí danh của ông Kiệt), rồi cũng niêm kín, đưa Ba Hùng cầm về.
Sau này Ba Hùng mới biết trước đó ông Võ Văn Kiệt không hề biết đó là thông tin về giờ G. ngày N, tức 00 giờ 00 phút ngày 29-4-1975, là giờ quy định cho tất cảnăm cánh quân của quân Giải phóng đồng loạt nổ súng tấn công vào Sài Gòn.
(Giải phóng – Huy Đức)
(1) Đoàn 232 gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 9 do Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu làm tư lệnh. Tướng Lê Đức Anh chỉ là tư lệnh cánh quân phía tây-nam có nhiệm vụ cắt đường số 4 ở Bến Lức - ngã ba Trung Lương.

Tang thương ngẫu lục
Năm 74, tướng Lê Đức Anh là phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Năm 75, là phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, sau bị thay thế bởi tướng Lê Trọng Tấn.
Sau trận Xuân Lộc, Quân đoàn 4 (mới thành lập) và Quân đoàn 2 kéo xuống bao vây Sài Gòn. Lúc này người điều binh là Lê Trọng Tấn, tướng thân cận với tướng Võ Nguyên Giáp. Người quyết định chiến trường là tướng Nguyễn Hữu An, cùng Quân đoàn 2 với Lê Trọng Tấn. Có thể vì vậy, Lê Đức Anh không viếng Võ Nguyên Giáp ở…nhà quàn.
- : Tướng Lê Đức Anh (người Huế), tướng Trần Văn Trà(người Quảng Ngải) trước là tư lệnh Khu 7 (1949-1950), sau là tư lệnh quân giải phóng (1973-1974). Cả hai tướng Trà và tướng Anh đều từ miền Bắc được điều động vào miền Nam thập niên 50.

Từ R, căn cứ trung uơng cục ở Lộc Ninh đến Sài Gòn
Trưa 29-4…
Đoàn lội bưng băng vô vườn thơm Bình Chánh, hạ trại nấu cơm. Bếp rơm có khói, một chiếc trực thăng trờ tới lia vài băng vu vơ. Cả hai đoàn “sơ tán” mỏng, người lủi xuống ruộng, người chui vào bụi cây. Đêm ấy, Ba Hùng măc võng bên cạnh ông Kiệt, nằm nghe tiếng pháo…
Ba Hùng và ông Kiệt không hay biết đấy là tiếng pháo…“ta pháo kích vào Tân Sơn Nhất”.
Sáng 30-4…
Ông Kiệt trao đổi tình hình với ông Mai Chí Thọ. Nhưng ông Thọ cũng không biết gì hơn nên ông Kiệt phân công người theo dõi đài phát thanh Sài Gòn và cho phép anh em nấu ăn. Từ đêm trước, chưa ai có hột cơm nào vô bụng.
Khoảng 9 giờ sáng 30-4…
Ông Kiệt không lúc nào rời chiếc radio ba làn sóng hiệu JVC của Nhật. Tới 9 giờ 30 phút đài Sài Gòn có tiếng của phát thanh viên: “Mời đồng bào nghe tuyên bố của tổng thống”.
Mọi người xúm lại chiếc radio theo dõi phát biểu của Tổng thống Dương Văn Minh.
(…) Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hoà giải và hoà hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sỹ Cộng hoà hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng, và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sỹ Chánh phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào. (…)
Lời tướng Minh vừa dứt, Võ Văn Kiệt ra lệnh: Giản chính đồ đạc. Đi. Ông Thọ hỏi đi đâu vì không ai biết đường vào Sài Gòn. Đoàn người lúc đó chẳng kịp ăn uống, băng đồng ra lộ. Ông Kiệt gọi hai cận vệ là Tư và Chín vốn là dân thành phố, đến, ra lệnh: Hai đồng chí nhanh chóng tìm xe đưa Đại quân vô Sài Gòn. Hai đồng chí Tư và Chín đưa Đại quân về hướng…Phú Lâm.
Rồi cả hai thấy một chiếc GMC mới cáu cạnh bỏ không bên đường. Cạnh xe có anh công nhân. Đồng chí Chín nói: Tụi tôi là Giải phóng. Nhờ anh đưa tụi tôi vô giải phóng Sài Gòn.
May mà anh nhân công biết lái xe GMC.
(Giải phóng – Huy Đức)

Chuyện một thời tao loạn
Lần đầu tiên đụng trận, giữa khói lửa mù mịt và tiếng đạn bay veo véo, hắn tự nhiên xuất tinh. Với hắn, lần đầu tiên nã súng vào quân địch cũng giống như lần đầu tiên hắn chơi gái:
Những thứ vọt ra từ hắn đều khiến hắn ngây ngất.
(Website Tiền Vệ - Truyện cực ngắn hay Truyện chớp)

Thâm u bí sử
Trên thực tế chiến trường, cuộc tổng công kích và khởi nghĩa đã bị nghiền nát. Trong chiến dịch Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt đã vào sâu tận nội thành Sài Gòn. Chiều mùng một Tết, ông đã có mặt ở xóm nhỏ gần đình Bình Đông, quận 8. Những người trực tiếp ở chiến trường như ông đã phải chứng kiến sự hy sinh quá lớn. Ông nói: “Lúc đó tôi đau đến mức nhiều lần bật khóc”. Hơn 11 vạn quân giải phóng đã phải hy sinh trên toàn chiến trường, còn thương vong của dân chúng thì không thể nào tính được. Phần lớn căn cứ địa của quân giải phóng ở nông thôn trở thành “đất trắng”. Chưa bao giờ quân giải phóng ở trong tình trạng như vậy, có những sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn cũng chịu không nổi, ra đầu hàng chính quyền Sài Gòn.
Trong khi đó, ở Hà Nội, tướng Võ Nguyên Giáp cũng biết tin và nói: Có đồng chí chỉ huy gửi điện cho tôi nói rõ tình hình bộ đội tan tác, ẩn nấp trong rừng mặn ngập nước không chỉ huy được nữa và xin rút. Tôi đồng ý và viết điện trả lời.
Sáng hôm sau giao ban thấy bức điện vẫn còn để nguyên bàn. Tôi hỏi tại sao chưa gửi thì anh Văn Tiến Dũng trả lời tôi: Mình anh quyết định sao được.
(Quyền bính – Huy Đức)

Góp nhặt…ghi chép…
Ba giờ chiều ngày 29-4-1975, tình hình quân sự được báo cáo về Bộ tổng tham mưu: Hướng Củ Chi, Sư đoàn 25 (1) của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá thất thủ. Ở Biên Hòa, họ đánh chiếm chi khu Long Thành. Bà Rịa bị mất. Thiếu tướng Lê Minh Đảo nói với tướng Nguyễn Hữu Hạnh xin rút về bên này sông Đồng Nai để cố thủ. Tướng Hạnh trình bày tình hình quân sự với Trung tướng Vĩnh Lộcvà Trung tướng Nguyễn Hữu Có. Theo ông Hạnh: Nghe xong, tướng Vĩnh Lộcbiến đổi sắc mặt, vội cầm lấy điện thoại báo cáo với ông Minh. Ông Hạnh nhớ lại: Tôi và tướng Có đến nhà ông Minh lúc 6 giờ sáng (30-4-1975). Gặp ông Minh, tướng Có trình bày lại toàn bộ tình hình quân sự như tôi đã nói. Ông Minh trầm ngâm: Thôi để moa đi bàn với ông Huyền và ông Mẫu, các toa ngồi đây đợi. Tôi đề nghị được đi theo, ông Minh đồng ý.
Trên đường đi đến số 7 Thống Nhất, chúng tôi chứng kiến sự hốt hoảng của dân chúng tại tòa đại sứ. Đại sứ Martin vừa rời khỏi Sài Gòn vào lúc 4 giờ 58 phút sáng nay. Trên xe ông Huyền nói với ông Minh một câu bằng tiếng Pháp “Il faut se rendre” (phải đầu hàng).
Tình hình càng ngày càng nguy ngập. Lúc 8 giờ sáng 30-4, ba ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu không còn lựa chọn nào hơn là đơn phương tuyên bố “bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Ông Mẫu soạn lời tuyên bố mất khoảng một tiếng đồng hồ. Ông Minh cho đọc vào máy ghi âm vào lúc 9 giờ 30. Lời tuyên bố này được phát đi trên đài phát thanh Sài Gòn đúng 10 giờ 15 sáng.
(Hồi ký không tên - Lý Quý Chung)
(1) Sư đoàn 25 ( Chuẩn tướng Lý Tòng Bá) đối đầu với
Quân đoàn 3 (Thượng tướng Hoàng Minh Thảo).
-: Sau khi điện thoại báo cáo với ông Minh. Ông Vĩnh Lộc bắt tay tôi, đó là cái bắt tay cuối cùng”. 8 giờ sáng 30-4-1975, viên tướng dòng dõi hoàng tộc này đã cùng gia đình “di tản” bằng đường thủy. (Nguồn: Nguyễn Hữu Hạnh)

Thâm u bí sử
Nhưng, Mậu Thân ở Huế bị nặng nề hơn: 14.000 thường dân chết, 24.000 dân bị thương, 627.000 dân bị mất nhà cửa. Có nhiều người Huế đã bị bắt đi thủ tiêu.
Ở miền Tây, theo Trần Văn Trà: Ngày xuất quân, tiểu đoàn chúng tôi đầy đủ số quân xấp xỉ một nghìn tay súng chỉ còn một trăm chiến sĩ. Có tiểu đoàn khi đánh vào Cần Thơ, bộ đội ngồi chật cả trăm xuồng, khi ra chỉ còn chục chiếc, mỗi chiếc chở vài ba anh em. Đành rằng, trong chiến tranh, không phải lúc nào cũng lấy việc “đếm xác” của hai bên chiến trường để kết luận sự thắng bại. Nhưng để tổn thất lớn là điều phải trăn trở, suy nghĩ: “Lỗi tại ai?”, đặc biệt với chúng tôi là những người cầm súng trên chiến trường. (Hồi ký đời chiến sĩ - Trần Văn Trà)
Tôi nhớ trong khi đó anh em trong đơn vị đã truyền nhau câu lục bát:
Vòng Cung (1) đi dễ khó về
Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom
Hay là:
Tưởng là lên lộ đi xe
Ai ngờ trở lại không ghe, không xuồng
(Quyền bính – Huy Đức)
(1) Vòng Cung: con lộ để xâm nhập Cần Thơ-Cái Răng.
-: Trần Văn Trà 1982 in Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm phê bình giới lãnh đạo miền Bắc chủ quan trong trận Mậu Thân. Sách mới in tập 5 thì bị thu hồi vì bị coi là…không chính thống.

Góp nhặt…ghi chép…
Sư đoàn 5 (Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ) đối đầu với Quân đoàn 3 (Thiếu tướng Vũ Lăng).
Nhiệm vụ của Quân đoàn 3 là bao vây Sư đoàn 5 QLVNCH ở Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, ngăn chặn Sư đoàn 5 rút về vòng đai Sài Gòn và vô hiệu hóa đơn vị này. Phát hiện Sư đoàn 312 đang bao vây căn cứ Lai Khê, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư đoàn 5 sử dụng Chiến đoàn 7, có xe tăng yểm hộ cố giải tỏa đường 13 và 14. Nhưng khi đoàn xe di chuyển đến khu vực Tam Giáo thì rơi đúng vào mũi tấn công của Sư đoàn 312, có Lữ đoàn xe tăng 202 (thiếu) yểm hộ. Sau khi bị bắn cháy ba chiếc xe đi đầu, Chiến đoàn 7 đã bị tách khỏi chủ lực Sư đoàn 5 ở Lai Khê và toàn bộ Sư đoàn 5 của Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ cũng bị cô lập ở phía bắc Thủ Dầu Một.

Thâm u bí sử
Sau thất bại trận Mậu Thân, là cán bộ chiến trường, ông Võ Văn Kiệt (và Lê Đức Anh) ra Hà Nội để báo cáo. Đó là lần đầu tiên ông Kiệt ra Hà Nội, lần đầu làm việc với Bộ quốc phòng, gặp tướng Lê Hai, tướng Văn Tiến Dũng, tướng Võ Nguyên Giáp. Và gặp cả Tố Hữu nữa.
Theo ông Kiệt, ông Tố Hữu nhiều lần gặp ông vỗ về: Khắc phục Khu IV (1) thi hành nghị quyết “gò cương vỗ béo”. Tướng Lê Hai, tướng Dũng kín đáo, không bộc lộ chính kiến rõ ràng.
Tướng Võ Nguyên Giáp chỉ vào “lõm Tây Nam Bộ” hỏi: Giữ được không?. Ông Kiệt trả lời: Nếu cả chiến trường tiếp tục tiến công, T3 (2) sẽ giữ được. Nếu rút, T3 sẽ mất.
Sau đó từ giữa tháng 4-1973, ông Giáp cho lập “Tổ trung tâm” để xây dựng “Đề cương chiến lược tiến công” mang bí số “305 TG1”, Tổ trung tâm được điền nghiên từ tướng tâm phúc của ông là Lê Trọng Tấn.
Mùa hè năm 1973, Lê Duẩn cho gọi tướng Lê Hữu Đức (3) hỏi: Bộ tổng tham mưu đang làm gì? Tướng Đức: Dạ đang thảo kế hoạch giải phóng miền Nam. Lê Duẩn: Thế tôi nghe được không? Buổi chiều hôm đó, tướng Lê Trọng Tấn, tướng Vũ Lăng cùng tướng Lê Hữu Đức quay lại trình bày chi tiết. Lê Duẩn nói: Tôi cũng đang suy nghĩ như vậy. Tổ trung tâm củng cố suy nghĩ đó của tôi. Việc báo ra Bộ chính trị một “vấn đề tuyệt mật” đó làm cho các sĩ quan tác chiến ở Bộ quốc phòng lo lắng. Trong đó có Văn Tiến Dũng.
Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại Hội nghị trung ương 21 khai mạc tháng 6-1973 thông qua và xác định: Con đường giải phóng miền Nam là con đường vũ lực. Tướng Trần Văn Trà cho rằng: Từ đề cương “305 TG1” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, trận đánh cuối cùng của quân giải phóng.
(Quyền bính – Huy Đức)
(1) Khu IV là miền Nam, Khu V là miền Trung.
(2) T3 là mật danh của Khu IV.
(3) Quân hàm thượng tướng, sau là thứ trưởng bộ quốc phòng.
- :Khoảng một tháng sau Lê Đức Anh từ Hà Nội về lại Bộ tư lệnh Miền. Hà Nội quyêt định phong quân hàm từ “đại tá” lên…”trung tướng” cho Lê Đức Anh.

Góp nhặt…ghi chép…
Sư đoàn 7 (Chuẩn tướng Trần Văn Hai) đối đầu với Đoàn 232 (Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu).
Nhiệm vụ của Đoàn 232 là cắt đường số 4 Bến Lức-ngã ba Trung Lương), chiếm Tân An, Mỹ Tho, chia cắt Sài Gòn và miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, Đoàn 232 còn có nhiệm vụ đánh chiếm các tỉnh lỵ Long An, Kiến Tường, đóng chốt chặn đường số 4 không cho QLVNCH ở Sài Gòn rút về đồng bằng sông Cửu Long.

Thâm u bí sử
Ngày 13-11-1974, tướng Trần Văn Trà và Phạm Hùng ngồi trên xe Gaz69 do Nga sản xuất rời Lộc Ninh, nơi đóng chỉ huy sở qủa Quân khu B-2, thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời. Nhằm hướng bắc trên đường 13 giữa ban ngày, chưa đầy nửa giờ sau, tướng Trà và Phạm Hùng vượt qua biên giới Cămpuchia đến nam Lào, tiếp tục on đường Hồ Chí Minh tới Đông Hà đi Hà Nội. Bình thường từ Nam ra Bắc phải mất cả tháng nay chỉ có bốn ngày.
Hội nghị của bộ Chính trị triệu tập các chỉ huy trưởng các mặt trận ở miền Nam ra Hà Nội để sửa soạn cho cuộc tổng tấn công năm 75. Hội nghị kéo dài 22 ngày, từ 18-12-1974 đến 8-1-1975, đây là cơ hội tướng Trà thanh minh sự thất bại trận Mậu Thân không phải do lỗi của ông.
(vì trận Mậu Thân, tuớng Trà không được vào bộ Chính trị). Sau đó ông đưa ra kế hoạch đánh Phước Long để thử phản ứng của Mỹ.
Trong bộ Chính trị có nhiều người không tán thành, trong đó có Văn Tiến Dũng vì Phước Long chỉ cách Sài Gòn 130 km. Nhưng riêng Lê Duẩn thì lại ủng hộ và phê duyệt kế hoạch trận đánh. Ông Lê Duẩn cảnh báo tướng Trà: “Cứ tiếp tục tiến công…nhưng phải thắng”.
Đó cũng là lý do tại sao Văn Tiến Dũng (1) phải nhanh chóng vào miền Nam.
Trận đánh mở màn ngày 13-12-1975, Phước Long thất thủ ngay từ ngày đầu vì là tỉnh lỵ cô lâp, bị tiến công bởi Quân đoàn 301 của miền Bắc với Sư đoàn 7, một tiểu đoàn T54 và một lữ đoàn trọng pháo, một lữ đoàn pháo phòng không và Sư đoàn 3 mới thành lập. Văn Tiến Dũng (1) nhanh chóng báo về Hà Nội: “Quân ta đã chiếm hoàn toàn Phước Long”…trong lúc bộ Chính trị và Quân ủy trung ương đang họp phương án đánh Phước Long của tướng Trần Văn Trà.
(Perfect Spy – Larry Berman)
(1) Thực sự tướng Văn Tiến Dũng rời Hà Nội ngày 5-2-1975 bay tới Đồng Hới và có mặt tại Gio Linh cùng ngày (5-2-1975).

Tang thương ngẫu lục
Trận Xuân Lộc, tướng Hoàng Cầm bị thay thế. Tướng Văn Tiến Dũng (và Lê Đức Thọ) đưa tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh quân giải phóng Miền để chỉ đạo trực tiếp chiến dịch. Tại mặt trận Sài Gòn, tướng Võ Nguyên Giáp (và Lê Duẩn) đưa tướng Hoàng Cầm trở lại cầm quân nắm Quân đoàn 4.
Từ đấy, Trần Văn Trà ít xuất hiện…Ngày 15-5-1975 duyệt binh mừng ngày giải phóng miền Nam (1). Trần Văn Trà mới có mặt với chức vụ chủ tịch Ủy ban quân quản.
Lê Đức Anh cũng vậy, được đề cử làm phó bí thư Ủy ban quân quản.
(Wikipedia)
(1) Ngày 15-11-1975, chỉ 7 tháng sau ngày chiến thắng 30-4 (Trần Văn Trà nhận chức vụ chủ tịch Ủy ban quân quản). Tại dinh Độc Lập cũ, người miền Bắc tuyên bố: Thống nhất đất nước, nước Việt Nam là một. Mặt trận giải phóng miền Nam đã bị các “đồng chí lãnh đạo miền Bắc” khai tử như VNCH đã bị khai tử với Cái chết của Sài Gòn 7 tháng trước.
Tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn ngày nào bị về hưu sớm dưới hình thức quản thúc tại gia. (The Fall Of Sai Gon trích trong “Cruel April” - Ouvier Todd)

Góp nhặt sỏi đá
Lê Trọng Tấn và Hoàng Cầm là hai tướng gắn bó với nhau qua trận Điện Biên Phủ vì cùng một đơn vị Sư đoàn 312. Cuối năm 1954, Hoàng Cầm thay thế Lê Trọng Tấn, đại tá Hoàng Cầm trở thành sư trưởng Sư đoàn 312. Sau đó, trên chiến trường B2 Hoàng Cầm được cử giữ chức phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng quân giải phóng, dưới quyền trung tướng tư lệnh Trần Văn Trà. Ngày 20-7-1974, Quân đoàn 4 được thành lập trên cơ sở của Sư đoàn 312, Hoàng Cầm được cử làm tư lệnh. Ông là người chỉ huy quân đoàn này đánh vào Xuân Lộc, khai thông con đường phía đông cho Quân đoàn 2 của Lê Trọng Tấn tiến vào.
Ngày 30-4, Quân đoàn 4 đội quân chủ lực do Hoàng Cầm chỉ huy cùng cánh quân của Quân đoàn 2 hội tụ tại dinh Độc Lập. Hai ngày sau, Trần Văn Trà mới xuất hiện ở dinh Độc Lập.

Quân sử ngoại truyện
Ngày 2-5-1975, tướng Trần Văn Trà mới về đến dinh Độc Lập gặp tướng Minh và “cam kết” sau khi đầu hàng sẽ không trả thù hay bắt bỏ tù các quân cán chính VNCH.
Ngày 5-5-1975, “Mệnh lệnh số 1” về việc trình diện được đưa ra. Người ký tên: Thay mặt Ủy ban quân quản thành phố Sàigòn Gia Định - Chủ tịch, Thượng tướng Trần Văn Trà.
Ngày 13-6-1975, Lê Đức Thọ buộc tướng Trà phải “thất hứa” với tướng Minh bằng cách đưa các quân cán chính VNCH vào các trại tù tập trung cải tạo!
Lịch trình trình diện:
Ngày 13-6 đến 15-6-1975: Cấp tướng và cấp tá.
“Sĩ quan cấp tướng, tá” được hướng dẫn mang theo “thực phẩm, lương thực đủ dùng trong một tháng”.
Ngày 23-6 đến 24-6-1975: Đại uý.
Ngày 25-6 đến 26-6-1975: Trung uý, thiếu uý.
“Thiếu uý đến đại uý” được hướng dẫn: “Phải mang giấy bút, quần áo, mùng màn, các vật dụng cá nhân, lương thực, thực phẩm (bằng tiền hoặc hiện vật) đủ dùng trong mười ngày kể từ ngày đến tập trung”.
-: Người ra lệnh trực tiếp bắt giam cải tạo tất cả quân nhân công chức miền Nam sau năm 1975 là Đại tá Cao Đăng Chiếm.

Góp nhặt…ghi chép…
Tướng Nguyễn Công Trang viết: Ngày 30-4-1975, sau khi giải phóng Đà Nẵng, Quân đoàn tiến thẳng về Sài Gòn. Trên đường đi, Quân đoàn nhận được lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là phát triển tiến công thật nhanh vào các mục tiêu, kêu gọi địch đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí, bắt giữ và tập trung các sĩ quan địch từ cấp tá trở lên.
(Hồi ký Đời chiến đấu)
Tướng Văn Tiến Dũng, lúc đó đang nghe lời kêu gọi của Dương Văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn. Ngay sau đó, ông Văn Tiến Dũng đã ra lệnh: Bắt giữ sĩ quan từ cấp thiếu tá trở lên.
(Đại thắng mùa xuân)

Góp nhặt…ghi chép…
Kế hoạch được gọi là Chiến dịch X-1. Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận:
"Việc công bố ba mức thời gian học tập cho hạ sĩ quan binh lính, ba ngày, cấp úy, mười ngày; tướng, tá, một tháng là có ý để cho các đội tượng ngầm hiểu rằng, thời gian học tập tối đa của các sĩ quan chỉ là một tháng. Không chỉ có “Cách mạng 30-4”, ông Võ Văn Kiệt thừa nhận, không ai trong số những người tiếp quản Sài Gòn năm 1975 có kiến thức về quản lý nhà nước”.
(Bên thắng cuộc - Huy Đức)

Góp nhặt sỏi đá
“Tù cải tạo” đã có từ năm 1961 qua Nghị quyết hội đồng bộ trưởng “49-NQTVQH” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với chích sách “Tù cải tạo”. (nhắm vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm)
Ông Trần Văn Trà là người thi hành lệnh của Lê Duẩn. Vì ông Trà đồng quan điểm với tướng Giáp là không nên bắtchính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn đi cải tạo…
-: Huỳnh Tấn Phát đưa ra “chánh sách khoan hồng” 3 năm làm mốc.
Cứ hết 3 năm này thì đến 3 năm khác nếu cần thiết!
(Bên thắng cuộc - Huy Đức)

Bên lề trận chiến
Năm 1977, ở Mỹ, bà Khúc Minh Thơ lập “Hội gia đình tù nhân chính trị Việt Nam”. Hội của bà Thơ (1) và ông Robert Funseth (2) đã vận động giới lập pháp, hành pháp, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và cả Đức Giáo Hoàng, gây sức ép để thả chồng con của họ cùng với gia đình sang Mỹ định cư (2). Qua chương trình “Ra đi trật tự” (ODP) để đoàn tụ gia đình hay con lai. “Chương trình tái định cư nhân đạo” (HO) dành cho người cải tạo chưa có cơ hội nộp đơn qua ODP. Nhiều người biết đến bà Khúc Minh Thơ và ông Robert Funseth qua chương trình HO.
(Nguồn tổng hợp Nguyễn Hữu Của (HO1) & Huy Đức)
(1) Bà Khúc Minh Thơ (quả phụ của Đại uý Nguyễn Đình Phúc). Trước 75, bà phục vụ trong toà đại sứ Việt Nam ở Manila, Philippine.
(2) Ông Robert Funseth (và bà Khúc Minh Thơ) đã nỗ lực liên tục 7 năm, kể từ năm 1982 (thời Tổng thống Reagan). Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã ký kết bản thoả hiệp ngày 30-7-1989 đồng ý để 300.000 tù nhân chính trị, những cựu quân nhân cùng gia đình họ định cư tại Mỹ.
-: Năm 1982, tổng thống Reagan là người giải quyết các chiến binh mất tích trong chiến tranh (MIA) và tù nhân Mỹ. Tổng thống Reagan bổ nhiệm ông Robert Funseth, phụ tá thứ trưởng ngoại giao đặc trách tỵ nạn và tù nhân Việt Nam.
-: HO đầu tiên qua Mỹ năm 1990 (HO1).

Lạc đạn
Tạ Chí Đại Trường, năm ấy là một sĩ quan biệt phái với cấp bậc đại úy, thuộc diện “học tập mười ngày” viết: Hầu hết đều bình thản đến cổng, xin vào. Có người thuộc diện “ba ngày” tiễn đưa bạn, ngồi quán nhậu ngà ngà cũng theo bạn vào cổng cho vui. Rồi cũng bị đi cải tạo luôn…
(Bên thắng cuộc - Huy Đức)

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến
trong quán nhậu
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:
Salem : Sao anh làm em mệt

Góp nhặt… ghi chép…
Những con số với sĩ quan bị đi tù cải tạo
Cấp tướng: 32, Đại tá: 366, Trung tá: 1.700, Thiếu tá: 5.500, Cấp úy: 72,000.
Không kể thành phần bị bắt trước năm 1975, nhưng không được trao trả tù binh sau 1973, thì thời gian tù “cải tạo” kéo dài từ 1 năm đến 17 năm (từ 1975-1992).
Năm 1988, gần như là năm cuối cùng, hầu hết tù được trả tự do.
4 năm tiếp theo chỉ còn lại 120 tù bị giam tại Z30D, gọi là trại Thủ Đức ở Hàm Tân. Trong này có 9 vị tướng lãnh. 4 thiếu tướng: Lê Minh Đảo, Đỗ Kế Giai, Trần Bá Di, Nguyễn Ngọc Sang và 5 chuẩn tướng: Lê văn Thân, Hoàng Lạc, Mạch văn Trường, Trần Quang Khôi, Phạm Duy Tất.
(Nguyễn Văn Khậy - K25/TĐ)

Bên lề trận chiến
Năm 1982, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nói Việt Nam sẽ thả hết tù cải tạo nếu chính phủ Mỹ đồng ý tiếp nhận họ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek cũng xác nhận Việt Nam sẵn sàng để tất cả những người còn lại tới Mỹ.
Tháng 7-1988, phái đoàn Mỹ do ông Robert Funseth, phụ tá thứ trưởng ngoại giao dẫn đầu tới Hà Nội họp với Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ để bàn về việc trả tự do và đưa đi Mỹ các “tù nhân chính trị”.
(Bên thắng cuộc - Huy Đức)

Tang thương ngẫu lục
Sau năm 1975 không bao lâu, ngày 7-2-1980, tướng Võ Nguyên Giáp thôi giữ chức Bộ trưởng bộ quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên bộ chính trị (đến năm 1982) và Phó thủ tướng phụ trách khoa học-kỹ thuật. Người thay thế ông ở bộ quốc phòng là tướng Văn Tiến Dũng, một trong những cộng sự lâu năm của ông.
***
Một hôm, trong một bữa cơm thân mật tại nhà Thượng tướng Trần Văn Trà. Tướng Trà nêu câu hỏi vì sao năm 1980 tướng Giáp thôi làm Bộ trưởng bộ quốc phòng và năm 1982 cũng thôi Uỷ viên bộ chính Trị. Thượng tướng Trà được đại tướng Giáp cho hay chủ yếu là do mâu thuẫn với anh Ba (Lê Duẩn) nhiều việc: Từ những năm 1950 anh Văn đã không đồng tình đánh Nhân văn Giai phẩm và ngay thời gian đó vẫn thường thăm hỏi, sẻ chia chân tình với một số nhà văn có tài. Anh Tư (tên thường gọi của Thượng tướng Trần Văn Trà) kể tiếp: Khi đánh xét lại anh Văn bị coi như trùm trưởng dấu mặt. Đối với cải cách ruộng đất và cải tạo công thương tư doanh cả ở miền Bắc và sau này ở miền Nam, anh Văn cũng không tán thành.
Mâu thuẫn với anh Ba càng sâu sắc hơn khi sau ngày 30-4-1975, anh Ba chủ trương bắt chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn đi cải tạo. Trong khi mình (tướng Trà) thì nhất trí với anh Văn là nên phân biệt hàng binh và tù binh, nên đối xử với những người bại trận như nước Mỹ thế kỷ 18 trong chiến tranh nội chiến Nam Bắc. Phía Bắc thắng, phía Nam đầu hàng mà không bị xử lý gì. Cha ông ta xưa cũng từng đối xử với giặc Tàu bại trận như vậy.
(Văn bia Vĩnh Lăng kể về chiến công Lê Lợi- Nguyễn Trãi đánh thắng quân Minh còn ghi rõ: “Những quân giặc bị bắt và những quân đầu hàng có đến mười vạn người, đều tha cho về cả. Đường thủy thì cấp cho hơn 500 thuyền, đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa, răn cấm quân sỹ (của ta) không được xâm phạm mảy may (đến quân giặc”).
Một hôm, tôi đến hỏi đại tướng để xác minh lời kể của thượng tướng Trà. Đại tướng Giáp dẫn tôi ra ngoài vườn vì sợ trong nhà bị đặt máy ghi âm. Đi hết mấy vòng sân vườn, đại tướng xác nhận: Các điều anh Tư nói đều đúng hết. Nhưng thôi đừng quan tâm. Lịch sử rồi sẽ minh xét như vụ án Lệ Chi Viên, cụ Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc nhưng lịch sử đã minh oan lâu rồi.
(Tạp chí Lịch sử quân sự - Tô Vĩnh Diện)

Lạc đạn
Em gái ruột tướng Giáp lấy Trung tướng “ngụy” Nguyễn Ngọc Lễ. Ngày 30-4-1975, em gái bỏ Sài Gòn theo chồng “chạy” qua Mỹ. Không hiểu bà ta đã nghĩ gì về ông anh cộng sản đang thần tốc tung quân truy kích lính quốc gia?!
(Đèn cù - Trần Đỉnh)

 

Đăng ngày 18 tháng 09.2017