Tạp ghi sau 40 năm
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng
Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov
Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln
Kỳ 12
Không quân di tản
Bài viết chinh thức về cuộc di tản của các phi cơ VNCH đến Utapao trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến VN. Chỉ huy trưởng phái bộ quân viện HK tại Thái Lan gửi Đại úy Roger L Young Blood bay đến phi trường Trat, nằm sát biên giới Thái-Miên. Bay trên một chiếc phi cơ AU23 của Không lực Thái (AU23 là một phi cơ cải biến từ loại Pilatus PC6, có khả năng đáp được xuống những phi đạo ngắn) Young Blood bay vòng vòng trên không phận Thái cùng một phi công phụ VNCH giữ tần số vô tuyến và hướng dẫn các phi cơ VN bay tới Utapao…”.
Số lượng phi cơ của KQVN bay thoát được sang Utapao, theo Robert Miskesh trong Flying Dragons: the South Vietnamese Air Force thì tổng cộng vào khoảng 132 chiếc, gồm khoảng 25 F5, 27 A37, 11 A1, 13 C47, 6 C130, 3 AC 119, 5 C7 và 45 UH1. Trong khi đó Wayne Muntza, trong The A1 Skyraider in Viet Nam: The Spad's Last War, và Ralph Wetterhahn trong Escape to Itupao thì con số máy bay được cho là 165 chiếc. thêm vào đo là các U17 và O1,
Cũng vào ngày cuối cùng, một số trực thăng đã bay ra đáp xuống các chiến hạm của HQ/HK, con số này được ước lượng là khoảng 100 chiếc, đa số là UH1 và CH47. Cũng có những chiếc tuy bay được ra biển nhưng do trục trặc kỹ thuật, hoặc hết nhiên liệu đã rớt xuống biển. Con số này được ước lượng là khoảng 18 chiếc.
(Trần Lý)
Chiến dịch di tản
Ngày 28-4, tuy không có xác nhận từ phía bên kia, đại sứ Martin vẫn còn hy vọng vào thoả hiệp đình chiến trong ba ngày, và 30 ngày để thành lập chính phủ ba thành phần, sau đó, Mỹ và những người thân Mỹ sẽ ra đi trong trật tự. Bà đại sứ vẫn còn ở lại Sài Gòn, cây me (1) trước toà đại sứ vẫn không bị chặt, để dư luận khỏi hoang mang.
Trong khi đại sứ Martin muốn giữ đồ trang bị quân đội để Sài Gòn “làm vốn” thương thuyết với Bắc Việt, ông Erich Von Marbod (1a), phụ tá bộ trưởng quốc phòng Mỹ có chủ trương khác.
Ngày 28-4, ông ra lệnh cho người phụ tá là Richard Armitage tới phi trường Biên Hoà, cho một số phi cơ bay đi Cần Thơ và Thái Lan, và mang đi những quân dụng giá trị, rồi định bỏ bom phá huỷ những gì còn lại ở đây. Nhưng không kịp, tin tình báo cho biết Bắc quân đã vây Biên Hoà, Armitage bị gọi trở lại Sài Gòn để tránh nguy hiểm. Không hoàn thành được kế hoạch đối với không quân tại Biên Hoà, Armitage được lệnh tìm cách đưa cả hạm đội hải quân rời Việt Nam.
(Đinh Từ Thức)
Lạc đạn
(…) Còn về câu chuyện cây me (1), thật là một câu chuyện vô nghĩa. Hạ cái cây xuống cũng là chuyện hoàn toàn vô lý. Cây me này chẳng mang môt biểu tượng gì. Về chuyện này, mục đích là tôi (đại sứ Martin) cố giữ cho Sài Gòn một bộ mặt yên tĩnh, phải tránh mấy chuyện rối loạn đã từng xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang. Ngoài ra, quỷ thần ạ, cần gì phải chặt cái cây ấy để lấy chồ cho trực thăng? Nên tôi bảo: Để cái cây ấy yên đi. Đơn giản thế thôi. Khi cần phải chặt, chỉ mười phút là xong. Mọi sự cũng đã xảy ra y như vậy. Chúng tôi không muốn có một hành vi bộc lộ rằng chúng tôi đang thua chạy, để Sài Gòn phải nháo nhào lên. (…)
(Đại sứ Martin nói về những ngày cuối tại Việt Nam - Nguyễn Bá Trạc)
Góp nhặt…ghi chép…
(…) Một ông đã gây rối cho tôi (đại sứ Martin) lại chính là một bạn tốt, mà đến nay tôi vẫn thích, đó là Erich Von Marbod. Ông ta cho không quân Việt Nam bay đi vài chiếc F5 của họ sang Thái. Việc này trái lệnh tôi. Erich Von Marbod thuyết phục tướng Trần Văn Minh cho phi cơ bay sang Thái là một lỗi lầm rất lớn. Nó làm người Thái e ngại. Rồi những người đưa phi cơ sang bên ấy lại bị dấu diếm, họ không được báo trước rằng sau đó họ sẽ không được phép trở về với gia đình. Và chính những người này đã gây rối khi đến Guam. Lỗi của tôi, đáng lẽ tôi phải tống cổ Von Marbod từ hai ngày trước.
Tôi đã không có gì để ân hận nhiều ngoài việc đã không tống cổ cả Polgar lẫn Von Marbod từ sớm. Họ đi hay ở cũng chẳng có gì khác biệt. Chỉ có khác biệt trầm trọng mà sau đó tôi khám phá ra khi đọc tấm điện văn của các tướng Bắc Việt. Họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái là chúng tôi đã nuốt lời hứa với họ. Chúng tôi đã nói sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng tôi chỉ muốn họ để chúng tôi yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng tôi nuốt lời, hôm sau họ pháo kích phi trường, giết vài thủy quân lục chiến của chúng tôi. Vì vậy, đến lúc tôi phải hạ lệnh trực thăng vận. Đây là lúc mọi sự bắt đầu bung ra. (…)
(Đại sứ Martin nói về những ngày cuối tại Việt Nam - Nguyễn Bá Trạc)
- : Larry Engelmann phỏng vấn đại sứ Martin trong tác phẩm Tear of The Rain.
Ngồi ở quán nhậu kể chuyện di tản
Trong toà đại sứ, có một trung úy thủy quân lục chiến phụ trách máy truyền tin đứng trên sân thượng gọi chuồn chuồn vào. Cha này trượt chân khỏi bãi đáp trực thăng, rơi lộn cổ từ sân thượng toà đại sứ xuống mái nhà cách khoảng 15 bộ Anh, cắm đầu xuống, phải gọi riêng một chiếc trực thăng chở hắn ra ngoài hạm đội chữa trị.
(Nguồn: Đại úy Stuart Herrington thuộc Ủy ban liên hợp quân sự, phái bộ Hoa Kỳ)
Hải quân di tản
Ngày 24-4-1975, theo yêu cầu của Phụ tá bộ trưởng quốc phòng Mỹ Erich Von Marbod, Richard Armitage đã đáp chuyến bay cuối cùng của PanAm để đến Sài Gòn với nhiệm vụ “tối mật” là tìm cách đưa ra khỏi VN các chiến cụ “càng nhiều càng tốt”.
Von Marbod lo phần không quân, và Armitage lo phần hải quân.
Armitage đã tìm gặp HQ Đại tá Đỗ Kiểm để hoạch định một kế hoạch di tản tổng quát. Armitage cũng bàn một số công việc với Phó đô đốc Chung Tấn Cang, tư lệnh hải quân, duyệt xét sơ khởi cho thấy khoảng trên 30 chiến hạm trong tổng số 45 chiếc cở lớn của HQ VN có thể ra đi được.Tướng Cang quyết định HQ sẽ chính thức ra đi vào lúc 6 giờ chiều ngày 29-4 và cuộc di tản dự trù sẽ hoàn tất vào lúc 22 giờ đêm. Điểm hẹn là Côn Sơn.
Ngày 7-5, khi đoàn tàu gần đến hải phận Phi, cuộc tranh chấp vể chủ quyền giữa HK và Bắc Việt vẫn chưa được giải quyết. Ngoại trưởng Phi dọa sẽ “bắt giữ” đoàn chiến hạm nhưng khi đại sứ Hoa Kỳ tại Phi bàn đến số phận của gần 30 ngàn người tỵ nạn trên các tàu sẽ là một “gánh nặng” mà Phi chưa bao giờ nghĩ tới thì ngoại trưởng Romulo đành chấp nhận giải pháp trườc khi vào lãnh hải Phi, đoàn tàu sẽ phài xóa bỏ tên và số hiệu của từng chiến hạm, thay thế cờ VNCH bằng cờ HK.
(Trần Lý)
Góp nhặt…ghi chép…
(…) Được hỏi ai là người thảo kế hoạch (Phan Lạc Tiếp – Thiếu tá HQ).
Đô đốc Chung Tấn Cang đáp: Người giúp tôi soạn thảo kế hoạch là ông Chí (Phó đề đốc Nguyễn Hữu Chí), tư lệnh hành quân biển, ông Sơn (Nguyễn Xuân Sơn, đại tá tư lệnh hạm đội) ông Kiểm (Ðỗ Kiểm, tham mưu phó hành quân) ông Luân (đại tá chi huy trưởng tiếp vận).
Cũng theo Phan Lạc Tiếp:Còn ở ngoài biển, ai là người đắc lực nhất? Ðô đốc Cang lại cười và nói: Nhiều người kể lắm. Sai cả. Người giúp tôi nhiều nhất, đắc lực nhất, ngày đêm lo cho đoàn tàu là ông Hùng (Phó đề đốc Ðinh Mạnh Hùng). (…)
(Một ngày với Đô đốc Chung Tấn Cang - Phan Lạc Tiếp)
Lạc đạn
3 giờ 58 phút sáng 29-4, Bắc quân tấn công Tân Sơn Nhất bằng hoả tiễn. Một trong hai trái loạt đầu trúng trạm canh ở cổng DAO, hai hạ sĩ quan TQLC Charles McMahon và Darwin Judge thiệt mạng. Xác của Charles McMahon và Darwin Judge bị bỏ quên tại bệnh viện Seventh Day Adventis gần Tân Sơn Nhứt. Một năm sau, Nghị sĩ Ted Kennedy can thiệp mang về.
Góp nhặt…ghi chép…
(…) Ông lại cười: Mới đây có người nói là ông Richard Armitage lo cho đoàn tàu. Sai. Ông ta chi là một vị sĩ quan liên lạc giữa hải quân Mỹ và hải quân VN. Khi đoàn tàu vào hải phận Phi, Chính phủ Phi không cho vào, vì đoàn tàu treo cơ VNCH. Chính tôi đề nghị trả lại cho Mỹ theo tinh thần viện trợ MAP (Military Aid Program) là khi không sử dụng nữa phải trao lại cho Mỹ, và đoàn tàu vào Subic, là căn cứ của Mỹ. Vẫn cười và tiếp: Ông Armitage yêu cầu đoàn tàu đi thẳng đến Guam. Tôi bảo, không được. Gần 30 ngàn người trên tàu, bao nhiêu vấn đề. Mà dù có đi Guam cũng phải vào Subic để tiêp tế. Thế là đoàn tàu vào Subic. Trước đó mình đã tổ chức làm lễ hạ quốc kỳ VNCH rất long trọng và cảm động.
Lại hỏi tiếp (Phan Lạc Tiếp):
Sự ra đi cuả đoàn tầu có tính cách chiến lược, vậy trước khi có quyết định này, đô đốc có được chỉ thị cuả tổng thống không? Ðô đốc Cang đáp: Giữa lúc mà tình hình rối loạn như thế, ông Dương Văn Minh không có một quyết định gì. Tôi có hỏi, ông chỉ đáp: Tuỳ các anh... Ðô đốc Cang tiếp: Trước khi đoàn tầu ra đi, tôi có cho Ðô đốc Diệp Quang Thuỷ, tham mưu trưởng lên gặp ông Minh. Ông vẫn không có quyết định nào khác, chỉ nói: Thôi các anh đi đi. (…)
(Một ngày với Đô đốc Chung Tấn Cang - Phan Lạc Tiếp)
- : Với những vị chỉ huy HQ cao cấp, sau ngày 30-4,Đô đốc Trần Văn Chơn bị 13 năm cải tạo.
Giây phút hấp hối của VNCH
2 giờ trưa 29-4, văn phòng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu điện thoại cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu chiến dịch di tản những TQLC và nhân viên cuối cùng của Mỹ ra khỏi Việt Nam và yêu cầu tôi phối kiểm trên các bản tin viễn ấn. Vừa buông điện thoại, quay ra ngoài hành lang để xuống phòng viễn ấn tự thì trên không phận Sài Gòn bốn chiếc Phantom F4, loại chiến đấu cơ tối tân nhất của hải quân Hoa Kỳ đã gầm thét và bay khá thấp với tốc độc nhanh. Một vài chiếc còn vượt bức tường âm thanh gây ra những tiếng nổ lớn làm rung chuyển cửa kính trong các phòng của đài. Rồi các trực thăng CH53, Chinook, UH1B xuất hiện như những con chuồn chuồn khổng lồ. Ðầu tiên họ hạ thấp cao độ từ phía cầu xa lộ để đậu xuống sân trực thăng trên nóc sứ quán Hoa Kỳ. Nhưng không hiểu sao đó, họ đổi hướng hạ thấp cao độ từ phía dinh Ðộc Lập để vào sứ quán và từ từ nâng cao độ ngay ở trên mái nhà của đài phát thanh Sài Gòn.
Tôi gọi điện thoại cho ông Chung để báo là các bản tin của bốn hãng thông tấn mà đài mua đã xác nhận cuộc di tản bắt đầu. Ông ra lệnh cho tôi là bỏ tất cả những hiệu triệu nào “có tính chất súng đạn” đi, kể cả lời kêu gọi của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Bộ trưởng thông tin Lý Quý Chung còn yêu cầu viết một bản phân tích “hàm ý cho thấy Mỹ đã bỏ rơi VNCH, khuyến cáo dân chúng không nên hoảng loạn, chính phủ sẽ dàn xếp để Sài Gòn tránh khỏi biển máu”. Ðây là một bản phân tích khó khăn nhất trong lịch sử của đài phát thanh dựa trên lời hiệu triệu của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, người đã đại diện cho Tổng thống Dương Văn Minh chống gậy vào căn cứ David để thương lượng với trưởng đoàn Ban liên hợp quân sự 2 bên lúc đó là Hoàng Anh Tuấn từ chiều 28-4. Khó khăn vì chưa ai viết phân tích mà chỉ để trấn an chứ không đưa ra
được một luận điểm nào khác.
(…)
DAO và toà đại sứ Mỹ di tản
Chiến dịch Operation Frequent Wind bắt đầu. Ngoài 13 địa điểm bốc bằng trực thăng trên nóc nhà, còn 3 tuyến đường xe buýt bốc người tại các địa điểm tập trung chở vào trụ sở DAO, rồi chở bằng trực thẳng ra Đệ thất hạm đội. Tới khoảng nửa đêm 29-4, tất cả những người tới TSN đều được chở đi hết. Nửa giờ bước sang ngày 30-4, chất nổ gắn sẵn tại trụ sở DAO được kích động, cả cơ sở sụm xuống, chấm dứt vai trò “Lầu 5 góc miền Đông” (Pentagon East).
Tại toà đại sứ, khi các chuyến bay chở người tị nạn chấm dứt vào khoảng 4 giờ sáng ngày 30-4, còn khoảng trên dưới 400 người kẹt lại trong sân, và hàng ngàn người vẫn chờ đợi bên ngoài. Đại sứ Martin, sau khi cố trì hoãn để mang đi càng nhiều người càng tốt, đã hạ cờ Mỹ, gấp lại mang theo, ra đi lức 4 giờ 58 phút. Chuyến bay cuối cùng từ nóc toà đại sứ chở 10 TQLC cất cánh lúc 7 giờ 58 sáng 30-4-1975.
(Đinh Từ Thức)
Sài Gòn thất thủ
"Sài Gòn thất thủ! George, gọi New York đi", Peter Arnett, tim đập thình thịch, thét lên với trưởng văn phòng hãng thông tấn AP tại Sài Gòn, lúc 11 giờ 43 ngày 30-4-1975.
***
Đồng nghiệp của Arnett, Matt Franjola, vừa đi thám thính một vòng quanh thành phố trở về và kể rằng anh suýt đụng phải chiếc xe jeep. "Trên xe có một thanh niên trẻ tuổi mặc bộ đồ đen, mang súng trường của Nga", Franjola cho biết. "Đồ đen ư? súng Nga ư?" vừa nghĩ Arnett vừa lao xuống đường Tự Do. Ông nghe thấy tiếng gầm rú của các chiến xa hạng nặng hướng về phía nhà thờ cổ của Pháp. Trên mỗi chiếc xe đều có các binh sĩ miền Bắc mặc quân phục. Chiếc mũ xanh trên đầu họ ngả ra phía sau mỗi khi họ chăm chú nhìn những tòa nhà cao ngất bên đường. "Có thể đó là lần đầu tiên họ trông thấy các tòa nhà như thế", Arnett nghĩ.
Một vài người dân Việt Nam đứng gần Arnett, chăm chú dõi theo đoàn xe, không thốt nên lời. Arnett trông thấy một lá cờ lớn của quân giải phóng được kéo lên từ một căn phòng ở khách sạn Caravelle gần đó. Ông cũng để ý một nhóm lính cộng hòa chạy xuống một phố nhỏ, vứt bỏ quân phục, quăng cả vũ khí vào ô cửa các cửa hiệu. Tôi chạy về văn phòng, tim như nhảy theo mỗi bước leo lên cầu thang.
Tôi lao vào văn phòng hét lên: George! Sài Gòn thất thủ, gọi trụ sở New York đi. Khi ấy đồng hồ chỉ 11 giờ 43 ngày 30-4-1975. Sau khi hét lên với George, Arnett vội vàng viết một bản tin về những gì mình chứng kiến, chuyển cho người phụ trách điện tín người Việt tên là Tammy. Anh ta thực hiện xong thì lao vọt khỏi văn phòng và Arnett không bao giờ gặp lại anh ta nữa.
Trước đó không lâu, George Esper, trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn, nghe đài phát thanh cùng người phiên dịch, người này la lên: Đầu hàng, đó là đầu hàng. Tổng thống Dương Văn Minh khi đó tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, miền Nam Việt Nam chính thức được chuyển giao cho quân miền Bắc. Esper chạy nhanh vào phòng điện tín và gửi cho trụ sở New York. "Tin về đầu hàng củaAP nhanh hơn UPI 5 phút. Trong chiến trận hay thời bình, các dịch vụ chuyển tín hiệu đóng một vai trò cạnh tranh đặc biệt", Arnett kể.
Người mặc quần trắng là Peter Arnett
Esper trông hốc hác, ánh mắt lộ rõ vẻ xanh xao. Ông đã không rời khỏi văn phòng trong nhiều ngày. Chỉ ít phút sau khi ra ngoài, Esper trở về với vẻ bối rối. Anh kể khi đang đi qua khu vực gần công trường Lam Sơn, một sĩ quan cảnh sát VNCH mặc nguyên quân phục, nói với Esper: "Thế là hết". Viên sĩ quan đó bước đi được khoảng 3 m thì giơ tay chào bức tượng tưởng niệm lính thủy quân lục chiến (1) rồi giơ khẩu súng lục lên bắn thẳng vào đầu mình.
Trong giây lát Esper tưởng rằng mình là mục tiêu của phát đạn đó. Ông chạy về văn phòng viết bài mà đôi tay run lên cầm cập. Sau khi gửi tin về Mỹ, Arnett cùng Franjola lại đi thăm dò các phố. Arnet gặp Neil Davis, một phóng viên quay phim người Australia, đang đi ra từ dinh tổng thống. Anh ta nói tổng thống Minh đã bị dẫn giải đi. Trở lại với ký ức về ngày 30-4, Arnett vẫn còn nguyên cảm giác sững sờ khi đó: Trong 13 năm đưa tin về chiến tranh Việt Nam, tôi không mường tượng nó sẽ kết thúc như buổi trưa ngày 30-4. Tôi đã nghĩ các kịch bản, nó phải chấm dứt với một thỏa thuận chính trị như ở Lào, hay thậm chí theo kiểu ngày tận thế với một thành phố bị phá nát hoang tàn. Arnett viết: Với tôi, cuộc chiến đã kết thúc như thế đấy.
(SaiGon Has Fallen - Peter Arnett)
Peter Arnett từng có 13 năm lăn lộn khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam để săn tin. Ông giành được giải thưởng Pulitzer nhờ hơn 3.000 bài báo phản ảnh cuộc chiến suốt những năm đầu thập niên 60. Sau 30-4, ông là một trong ba phóng viên AP còn lại ở Sài Gòn.
Hiện ông sống với vợ con người Việt ở Fountain Valley, gần Westminster, California.
Ông vừa hoàn thành cuốn sách mới mang tên Sài Gòn thất thủ (SaiGon Has Fallen).
SaiGon has fallen là những hồi ức của Peter Arnett khi công tác tại Việt Nam từ năm 1962 đến 30-4-1975, khoảng thời gian quân đội miền Bắc tiến vào giải Sài Gòn. Đó là khoảng thời gian đáng nhớ trong quãng đời phóng viên của Arnett.
“Chúng tôi, những người làm báo bị đẩy vào giữa một tảng đá khô cứng. Chúng tôi chịu sự chi phối của nhân viên chính phủ nhằm bày tỏ sự lạc quan của họ về cuộc chiến. Trong khi giám đốc hãng tin tức của chúng tôi lại yêu cầu quay trở về với sự thật, không một chút sai sót”. Arnett nói. “Chúng tôi chọn sự thật, chúng tôi chia sẻ với độc giả những hiện thực cay đắng của cuộc chiến, một cuộc chiến không thể thắng, cái mà cả người Mỹ và Việt Nam đều không thể chịu nổi nữa thì cái kết cấu của 40 năm về trước chính là sự mất mát”. (Nguồn: AP)
Bên lề trận chiến (1)
Tác phẩm “Thủy quân lục chiến” trước Hạ viện.
Tác phẩm do Thiếu úy Đinh Văn Thuộc (BTL/TQLC) thực hiện với sự góp ý của hoạ sĩ Lê Chánh (BTL/TQLC) mặc dù Thiếu úy Đinh Văn Thuộc không phải là điêu khắc gia. (Nguyễn Ngọc Chính)
Tác phẩm điêu khắc “Thương tiếc” của điêu khắc gia Đại úy Nguyễn Thanh Thu thực hiện tại nghĩa trang Quân đội Biên Hoà.
Thời gian đi học tập cải tạo của Đại úy Nguyễn Thanh Thu. Ông tâm sự cuộc đời của mình dính liền với tác phẩm “Thương tiếc”, từ “danh vọng” đến “thê thảm”.
Tại trại cải tạo trong thời gian bị biệt giam 22 tháng trong “thùng conex” với lời buộc tội: "Sĩ quan xong giặc rồi là hết, còn anh vẫn lưu lại tư tưởng phản động qua tác phẩm…"
Khuôn mặt người lính trong tác phẩm “Tiếc thương” được điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tái tạo lại sau 1975.
Nhà báo nước ngoài duy nhất tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975
Cuộc chiến tranh đang tiến gần kề cận thành phố. Tôi đi trên con đường tối tăm đến đài điện tín, qua những đường phố vắng tanh. Tiếng rền vang của những khẩu pháo 130 mm đồng hành cùng cánh nhà báo chúng tôi. "Cuộc tấn công vào Sài Gòn đã bắt đầu", Thiếu tá Achim Weste,
tùy viên quân sự đại sứ liên bang Đức đã nói. Sài Gòn đã trở nên thành phố chiến trận.
7 giờ sáng, những chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của không lực Hoa Kỳ rời khỏi Sài Gòn.
Đến 12 giờ trưa, những lá cờ của mặt trận giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Dietrich Mummendey cùng tôi đã trụ lại qua đêm tại hội chữ thập đỏ nằm trên đường Hồng Thập Tự. Vào khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi đi đến khách sạn Caravelle nơi tập trung hầu hết phóng viên thông tấn nước ngoài còn ở lại. Đầu tiên là người Pháp, người Nhật, một vài người Anh, Ý và cả chúng tôi. Mummendey và tôi không thể nán lại lâu hơn nên đã đi đến văn phòng của hãng Reuters, nằm cách khách sạn khoảng 2 km. Mặc dù sợ đến run cả hai đầu gối, nhưng sau đó tôi vẫn đi bộ đến dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ sáng hôm ấy.
1 - Dinh Độc Lập 11 giờ 15 ngày 30-4-1975
Những người lính VNCH trước dinh tổng thống Sài Gòn đã rời bỏ những vị trí phòng thủ của họ. Tiếng đạn pháo tương đối gần, bom nổ, đường phố vắng hoe. Tôi đứng một mình trước dinh mà giờ đây yên lặng như một viện bảo tàng và ngổn ngang những mũ sắt, quân phục, súng ống, thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng chống tăng, súng máy ngay tại bãi cỏ.
Không có một bóng người nào ở đó. Những tiếng nổ từ phía kho đạn của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn vọng lại. Tôi bước qua cánh cổng sắt mở hé, băng ngang qua bãi cỏ và nghĩ rằng có thể bị ai đó bắn bất cứ lúc nào. Phó tổng thống Nguyễn Văn Hương (?!) bước vào chiếc xe của ông ở trước cầu thang. Ông nói tổng thống Minh đang ở trong dinh và chờ đại diện của mặt trận giải phóng. Rồi ông đi khỏi trong chiếc xe limousine màu đen. Ông nói với tôi: Chúng tôi đang chờ phái đoàn của mặt trận giải phóng vào dinh, anh có thể đợi nếu anh muốn.
Tôi bước tiếp lên những bậc tam cấp đi vào cửa chính qua tiền sảnh rồi đi lên lầu một. Tại đây tôi gặp Hà Huy Đỉnh, một luật sư Sài Gòn, là học trò của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Đỉnh, có cùng ý nghĩ như tôi: Hãy đi đến một chỗ mà nếu có chuyện gì quan trọng xảy ra thì sẽ xảy ra ở đấy. Trong khoảnh khắc ấy, khi chúng tôi còn đang đứng ở giữa tiền sảnh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một vài người thân cận từ dưới hầm trú ẩn đi lên. Ông Minh "lớn" (Big Minh) nói: Thật là tốt khi anh có mặt ở đây, anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi. Trong lúc những nhân viên của ông Minh đi đi lại lại đầy lo âu, thì ông vẫn đứng im lặng giữa tiền sảnh và phóng tia mắt nhìn qua cửa sổ phía trước của dinh về hướng nhà thờ Đức Bà. Bỗng nhiên những tiếng nổ inh tai của súng máy vang lên. Tôi nằm rạp xuống sàn tìm kiếm sự che chắn đằng sau cột ximăng. Phút cuối cùng của sự nổi dậy, một cuộc đánh chiếm dinh?! Không có tấm kính nào bị vỡ, chúng tôi rời khỏi chỗ nấp. Minh "lớn" vẫn đứng nguyên chỗ cũ, to lớn như một bức tượng bên cạnh ông thủ tướng thấp bé.
Rồi trước mắt chúng tôi xuất hiện cảnh tượng không thể tin được: 3 (?!) chiếc xe tăng treo cờ của Mặt trận giải phóng tiến qua cổng. Chiếc tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng, lăn xích thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới.
2 chiếc xe tăng vào dinh Độc Lập
Hai chiếc tăng còn lại vòng sang hai bên và rồi tất cả đều dừng lại trước mặt tiền của dinh. Khoảng 20 phát súng được bắn lên. Tôi chạy ra ban công chụp ảnh. Một người lính giải phóng với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang suýt xô ngã tôi. Hai chiến sĩ giải phóng khác chiếm lấy vị trí bên phải và bên trái của cầu thang. Đầu tiên không ai nhận thấy Minh "lớn" và những người khác đang chờ họ ở phía bên kia của phòng tiếp khách. Một người lính đứng ngay trước mặt tôi. Anh ta hét vào tôi, hét đi hét lại điều gì đó mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh hét giải thích cho tôi là mở cửa ra ban công. Tôi mở cánh cửa kính ra vào. Anh ta lướt qua tôi, kéo cờ lên và vẫy đi vẫy lại. Bất thình lình, sự im lặng bị phá tan bởi lựu đạn và đạn pháo, bởi những loạt đạn của súng máy và những phát đạn súng lục, ngay lập tức, tất cả chúng tôi đều chạy tìm chỗ ẩn nấp. Tôi ngồi ở phía sau một cái cột bằng bê tông và sợ rằng có thể có một nhà báo người Đức chết cuối cùng trong cuộc chiến này.
2 - Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975
Françoise Demulder (1947-2008) là nữ phóng viên nhiếp ảnh người Pháp, phóng viên duy nhất chụp được chiếc xe tăng húc đổ cổng của dinh Độc Lập.
Bà là người phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng ảnh World Press Photo.
Ngày càng có nhiều xe đến. Cuối cùng, một đoàn khoảng chừng 20 chiếc xe tăng lăn qua bãi cỏ hướng tới dinh và tất cả đều bắn lên không trung. Là một người Châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, ở bên trái của tiền sảnh, tôi chứng kiến đại tướng Minh "lớn", tổng thống VNCH, đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của đoàn Đông Sơn thuộc quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, trung úy Thệ rất phấn khích la lớn: Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi cùng chúng tôi ngay lập tức tới đài phát thanh và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, để đừng đổ máu thêm nữa. Tướng Minh, mặt đầy nét buồn rầu, không muốn rời dinh trong khoảnh khắc khó khăn này. Ông ta đề nghị rằng bài nói chuyện của ông phải được thu âm vào máy thu ở trong dinh. Họ tranh luận việc đó. Rồi họ bắt đầu tìm máy thu nhưng không có kết quả. Không có một cái máy ghi âm nào trong dinh cả. Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải phóng, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Sau một vài phút, ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Văn Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh.
Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai cán binh bộ đội, Trung úy Phạm Xuân Thệ đi xe này. Chính ủy Bùi Văn Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
3 – Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975
Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Dường như không ai biết bây giờ phải tiếp tục làm gì. Thủ tướng Mẫu tháo mồ hôi thấy rõ và quạt mát cho mình, nhưng trông vui vẻ hơn ông Minh rất nhiều. Ông Minh và viên chính ủy ngồi trên hai cái ghế duy nhất, tôi ở giữa họ trên một cái bàn trà nhỏ. Trong lúc ấy mọi người dường như đang thư giãn hơn so với một giờ trước. Đặc biệt Trung úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh: Anh Minh, đừng sợ! Chúng tôi chiến đấu cho nhân dân, vì chúng tôi phải chiến thắng những kẻ thù. Nhưng bây giờ thì chúng tôi ở đây, không có ai đã làm hại anh, và cũng sẽ không có ai làm hại anh.
Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh. Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu, thật là khó để biết phải viết như thế nào. Đại tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn ông Minh với vẻ tò mò. Họ vây quanh ông ta trong lúc phía bên ngoài vẫn còn nghe những tiếng nổ. Những người lính giải phóng đã thể hiện sự vui mừng không kìm nén được. Cuối cùng ông Minh đã lên tiếng, hỏi một người lính: Em trai của tôi hiện nay ra sao? Khi nào tôi có thể gặp chú ấy?. Đó là số mệnh của những người dân VN: Người em của tổng thống là một tướng lãnh (1) trong quân đội miền Bắc và trong 20 năm anh em ruột thịt ở hai bên chiến tuyến. Tất cả mọi người bỗng nhiên im lặng. Rồi một vài người lính giải phóng nói chuyện với tôi bằng tiếng...Nga. Họ trông thấy phù hiệu "Báo chí Đức" trên áo sơmi của tôi và tưởng tôi là nhà báo Đông Đức. Họ đã nói chuyện với tôi về Các Mác. Bạn tôi là Hà Huy Đỉnh đã giải thích
cho họ rằng tôi là nhà báo Tây Đức. Mặt họ sầm xuống, tỏ ra nghi ngờ và e dè hơn.
Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: Ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn", nhưng ông ấy chỉ muốn nói: Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh... Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn... Nhưng rồi tất cả lại phải làm lại thêm một lần nữa, vì tướng Minh không đọc được lưu loát chữ viết của viên chính ủy. Cuối cùng cũng xong. Chúng tôi vào phòng âm thanh, ở trong một ngôi nhà khác. Tôi ngồi trước micro và bật máy, tướng Minh ngồi ở bên trái, phía sau, những người khác đứng ở cạnh tường.
Nguyễn Hữu Thái (mặc áo trắng, tay cầm xấp giấy)
Borries Gallasch (đeo kính) ngồi cạnh ông Dương Văn Minh
Ông Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại đài phát thanh Sài Gòn
Tôi cũng ghi âm lời phát biểu của ông Mẫu và ông Tùng rồi chúng tôi đi vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay trước micro và bật băng của ba bài phát biểu. Ông Minh ngồi bên tay trái tôi. Chính ủy Tùng, ông Mẫu đứng đằng sau chúng tôi. Kỹ thuật viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại gần micro hơn và không quá to.
Mọi sự đều tốt đẹp, ông Bùi Văn Tùng nói gì với tôi mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại. Tôi đã được ông cảm ơn về sự giúp đỡ của tôi và cho phép tôi chở ông về lại dinh Độc Lập trên chiếc xe jeep (?) . Chúng tôi rời khỏi tòa nhà. Tôi ngồi sau tay lái và ông chính ủy ngồi ghế bên. Tôi không thể nổ máy chiếc xe. Lúc ấy ông chính ủy trở nên sốt ruột và chúng tôi đã đi sang một chiếc xe khác, nơi tôi lại ngồi băng ghế sau. Chúng tôi lại đi qua những con đường của VN.
Tại dinh Độc Lập, tôi nhảy ra khỏi xe. Trên khuôn mặt bình thản của ông Bùi Văn Tùng giấu một nụ cười. Rồi ông nói với tôi bằng một câu tiếng Đức mà ông biết: "Danke" (cảm ơn).
Khi chúng tôi trở về dinh Độc Lập, lúc đó đã là 2 giờ chiều.
Hai ngày sau, ông Minh được tự do trở về nhà với vườn hoa phong lan của mình.
(“Ho-Tschi-Minh Stadt” - Borries Gallasch)
Borries Gallasch là phóng viên người Đức. Bài tường thuật ông viết cách đây 32 năm có tựa đề “Ho-Tschi-Minh Stadt” Dương Đình Bá dịch với nhan đề “TP. Hồ Chí Minh giờ khắc số 0”.
(1) Dương Thanh Nhựt, em tướng Dương Văn Minh, quân hàm đại tá.
Góp nhặt…ghi chép…
Người em kế ông Minh tên Dương Thanh Nhựt, “tập kết” ra Bắc năm 1954. Năm 1960, xứ ủy Nam bộ yêu cầu cục trưởng cục địch vận giao nhiệm vụ cho Dương Thanh Nhựt về Nam để tiếp cận với Dương Văn Minh. Tháng 3-1961, Dương Thanh Nhựt, bấy giờ mang bí danh Mười Ty, về đến miền Nam, và tới tháng 8-1962 thì móc nối được với ông Minh.
Sau khi ông Dương Văn Minh rời Việt Nam, Mười Ty đã có những báo cáo với tư cách là Đại tá
Dương Thanh Nhựt, nói rằng anh mình đã biến chuyển rất nhiều bởi “binh vận”.
(Bên thắng cuộc - Huy Đức)
Giây phút hấp hối của VNCH
Quá mệt mỏi, nên tôi ăn qua loa chút đỉnh ở dưới CLB rồi lên phòng dọn dẹp những hình cảnh cá nhân cho vào một cái túi. Tôi đứng ngắm bức hình chụp đứng cùng với tướng Vũ Văn Giai tại một đồi cát thuộc quận Hải Lăng, Quảng Trị vào năm 1969. Tôi không còn nhớ một sĩ quan nào đó trong phòng tâm lý chiến của Sư đoàn 3 chụp và phóng lớn tặng tôi vào dịp kỷ niệm ngày thành lập sư đoàn. Gần 36 năm qua rồi, ký ức đã mờ phai nhiều chuyện, nhưng tôi vẫn nhớ đến giây phút cuối cùng của tôi tại phòng làm việc mang đầy kỷ niệm ấy. Tôi thích bức hình, và ngắm nó mãi bởi vì chiếc nón sắt mà tôi đội bị thủng một lỗ ngang thái dương, chiếc quần trận bị rách toạc ngay đầu gối chân trái. Chiếc nón sắt ấy là của một người lính đã tử trận, văng ra trên bờ một giao thong hào ở Ðông Hà. Mưa nắng đã làm chiếc nón hơi bị sét.
Ðầu năm ấy, khi di chuyển cùng với một đơn vị của Sư đoàn 3 trong cuộc hành quân ở Ðông Hà, tôi đã nhặt được chiếc nón sắt ấy và dùng nó cho đến năm 1972 là năm mà tôi đã không còn rong ruổi để tường thuật từ mặt trận nữa. Hình chụp đẹp và đầy tính nghệ thuật.
Tháo bức hình ra khỏi khung và cuốn lại, tôi sẽ nhờ tài xế Ðường đưa về nhà sang hôm sau, rồi góp mấy bản thảo phóng sự chiến trường mà tôi thích nhất, các bức hình tôi chụp tại San Clemente và Hoa Thịnh Ðốn cùng với các phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến và Lê Thái Tuế trong chuyến tháp tùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đi xin viện trợ lần cuối cùng tháng 4-1973... cho tất cả vào trong một chiếc ba lô mà tôi đã mang theo đi các mặt trận suốt 5 năm.
Sau đó, ngả lưng trên chiếc ghế bố trong góc phòng làm việc, tôi chìm dần vào giấc ngủ mặc dù tiếng động cơ trực thăng vẫn ầm ầm suốt đêm trên đầu.
(Vũ Ánh)
Bên lề trận chiến
Thiếu Tướng John E. Murray, giữ chức tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn năm 1973-1974 đã viết về nguyên nhân tại sao Bắc Việt đã chiến thắng tại Việt Nam vào năm 1975:
“Nếu bạn muốn biết về Việt Nam bạn phải hiểu về chiến tranh, nếu bạn muốn biết về chiến tranh bạn phải có một ít hiểu biết về số học (aritthmetic).
Trong thời gian cao điểm của cuộc chiến tranh, có tổng cộng tất cả là 433 tiểu đoàn chiến đấu của Hoa Kỳ, của các quốc gia đồng minh và VNCH trong khi đó Bắc quân chỉ có 240 tiểu đoàn.
Vào năm 1974, khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đã triệt thoái khỏi Việt Nam thì VNCH chỉ còn có 180 tiểu đoàn tác chiến trong khi đó thì Bắc Việt gia tăng lên đến 440 tiểu đoàn.
Sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, hơn 40 phần trăm hỏa lực trên bộ quân đội Mỹ và đồng minh bị giảm. Lại mất thêm hỏa lực pháo đài bay B52, phi cơ oanh tạc F4 và hỏa lực yểm trợ từ ngoài khơi của hải pháo, tất cả những hỏa lực yểm trợ đó đều không còn nữa. Rồi Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho miền Nam Việt Nam một số ngân khoản chỉ bằng 2 phần trăm tổng số ngân khoản mà năm 1972 người Mỹ đã dùng để đối phó với một lực lượng Bắc Việt ít ỏi hơn nhiều.
Chúng ta biết Napoléon đã từng nói rằng: Thượng đế đứng về phe của cái tiểu đoàn lớn nhất.
Đúng như vậy, thượng đế đã đứng về phe của những người Hà Nội vì họ lớn hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta đã thua trong cuộc chiến tranh nầy”.
(VietNam As History - John E. Murray)
- : Lý do miền Nam Việt Nam thất trận.
- Hoa Kỳ đã chuyển chiến trường từ Á Châu sang Trung Đông.
- Tại Trung Đông, vì nhu cầu dầu lửa trở nên cấp thiết trên thế giới. Khủng hoảng dầu hỏa vào thập niên 1970 buộc chính phủ Mỹ phải thay đổi chiến lược.
- Tại Á Châu, vì Hoa Kỳ bắt tay được với Trung Cộng, làm rạn nứt khối cộng sản đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu sau này.
(“VietNam – A History” - Stanley Karnow)
Thâm u bí sử
Quân ủy trung ương đang theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Từ trái sang phải:
Thượng tướng Lê Hữu Đức (Cục trưởng cục tác chiến)
Thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu)
Thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm tổng cục chính trị)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng quốc phòng)
Thiếu tướng Cao Văn Khánh (Phó tổng tham mưu trưởng)
Sớm hơn thường lệ, tôi ngồi vào bàn làm việc ở Sở chỉ huy. Trên tấm bản đồ ở mặt bàn, các mũi tên đỏ đã tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn-Gia Định. Tôi phác hoạ trong đầu một chương trình cho ngày hôm ấy, với bao nhiêu công việc phái làm: Hội ý Bộ chính trị, nắm thêm phản ứng của Mỹ, dự kiến các hoạt động quân sự, trong trường hợp chưa dứt điểm được ngay, chỉ đạo tác chiến, v…v...
Anh Ba (Lê Duẩn), anh Trường Chinh, anh Đồng đến đây sớm hơn thường lệ theo dõi tình hình chiến trường Sài Gòn-Gia Định. Anh Cao Văn Khánh, trực ban ngày hôm ấy tại phòng tác chiến, chốc chốc lại sang báo cáo tình hình mới nhất qua đài VOA hay BBC. Trước tấm bản đồ thành phố Sài Gòn-Gia Định, mọi người đứng dậy, chăm chú nhìn theo hướng tay tôi chỉ. Mọi người vây quanh tấm bản đồ chiến sự. Tin từ các hướng tới tấp điện về. Năm cánh quân của ta hợp điểm giữa Sài Gòn…
(Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng - Võ Nguyên Giáp)
Góp nhặt…ghi chép…
Bắc Việt đã sử dụng toàn bộ lực lượng 5 quân đoàn (1) tấn công Sài Gòn. Tổng cộng 20 sư đoàn hơn 100 ngàn bộ đội miền Bắc và những người Việt cộng (2) dẫn đường.
Còn lực lượng bảo vệ Sài Gòn (và Biên Hòa) thì thực tế có độ 1 sư đoàn.
(Black April: The Fall of South Viet Nam - Alan Dawson)
(1) Một quân đoàn có 3 sư đoàn, một sư đoàn quân số khoảng từ 3.000 đến 4.500 người.
(2) “Những người Việt cộng dẫn đường” thuộc Công trường 7 (MTGPMN).
Quân sử ngoại truyện
10 giờ sáng, anh Cao Văn Khánh vào báo cáo tin vừa nhận được:
Theo đài phát thanh Nhật Bản, Quân giải phóng miền Nam có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào Sài Gòn. Mấy phút sau, có tin thêm: Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng. Tin đến thường cắt ngang cuộc họp, đang phát biểu phải dừng lại giữa chừng. Mọi người cùng nói: Chỉ có đầu hàng vô điều kiện. Còn gì đâu mà thương lượng?!. Hy vọng của ông Dương Văn Minh thoả hiệp với “Việt cộng” tan vỡ như bọt xà phòng.
Lát sau anh Khánh cho hay qua đài BBC, Quân đoàn 2 của anh Lê Trọng Tấn đang vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức phía bắc cầu Rạch Chiếc. 10 giờ 50 phút. Cục 2 báo cáo quân ta đã vào dinh tổng thống Nguỵ. Ngay sau đó, các đài phát thanh phương Tây cũng đưa tin này. 11 giờ 30 phút (1). Đồng chí Nguyễn Duy Phê, cục phó cục cơ yếu mang vào phòng họp một bức điện của anh Lê Trọng Tấn báo cáo: Một đơn vị thuộc cánh quân phía đông đã cắm cờ lên dinh Độc Lập.
Các đồng chí lãnh đạo ra cả ngoài hành lang. Tiếng cười nói rộn ràng, vui vẻ. 12 giờ 50 phút. Tôi điện gửi anh Văn Tiến Dũng và các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, thay mặt Quân ủy trung ương, tôi tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang ta đã cùng đồng bào tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, giành thắng lợi vang dội, làm nức lòng quân và dân cả nước và bè bạn năm châu.
Mặt trời đã khuất bóng sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn.
Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, Một khuôn mặt trìu mến, thân quen chợt hiện lên trong tôi: Trung tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy cánh quân đầu tiên tiến vào dinh tổng thống nguỵ quyền. Tôi viết ngay một bức điện vượt ra ngoài khuôn phép thông thường về quân sự:
10 giờ 30 phút. Anh Tấn ơi! Làm ăn tốt quá! Phấn khởi quá! Chúc các anh rất khoẻ và chuyển lời mừng chiến thắng của mình cho các tướng trong đó. Ký tên: Văn.
Tôi lên xe đi một vòng quanh Hà Nội. Cả một rừng cờ hoa dậy lên tự lúc nào. Người đi chật phố, chật đường, vui như trảy hội. Đêm nay, thủ đô đốt pháo hoa mừng toàn thắng. Đêm nay, Hà Nội, vui với Sài Gòn, vui với miền Nam. Trở lại cửa tây, tôi vào Sở chỉ huy tiếp tục làm việc.
(Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng - Võ Nguyên Giáp)
(1) Giờ Hà Nội khác Sài Gòn 1 (một) giờ.
Ngày 29 và 30 tháng Tư của 34 năm về trước
Người thân, bạn bè, đồng nghiệp non nửa sống trong đây. Nhưng, thú thực là chưa khi nào tôi có thể hoà mình, có thể nhập thân được vào với không gian, với nhịp sống đương thời hàng ngày của thành phố vĩ đại này. Không phải chỉ vì đã không sinh ra lớn lên ở đây, mà còn vì chưa bao giờ tầm nhìn của tôi vượt ra được khỏi những ký ức, những ấn tượng về Sài Gòn trong hai ngày 29 và 30 tháng Tư của 34 năm về trước.
Hầu như lần nào vào Nam tôi cũng tìm về quận lỵ Củ Chi, điểm khởi đầu cuộc tấn công vào nội đô của trung đoàn. Tất nhiên là ngày đó bây giờ khác nào kiếp này kiếp trước. Thật khó mà nhìn thấy lại một dấu mờ nào của dĩ vãng. Đâu rồi cầu Bông? Đâu thành Quan Năm, trại Quang Trung, cầu Tham Lương, nhà máy dệt Vinatexco, Bà Quẹo, đường Lê Văn Duyệt, ngã tư Bảy Hiền, nhà thương Vì Dân? Từ quận lỵ Củ Chi về tới Bảy Hiền, chặng đường chẳng bao xa, nhưng cái ngày 29, 30 tư năm trước ấy thì thật là dài, có thể nói là ngày dài nhất trong cuộc đời của mỗi chiến sĩ Trung đoàn 24 Bộ binh, Trung đoàn 273 Thiết giáp và Trung đoàn 234 Cao xạ thê đội quân binh chủng hợp thành đột kích thọc sâu hướng tây bắc Sài Gòn. Mức độ ác liệt của những trận chiến ngày 29 chẳng thua kém gì so với các trận trong Chiến dịch Buôn Ma Thuột, thậm chí cả so với những ngày cao đỉnh của Mùa khô 1972...
Ngày 30, bốn giờ sáng, pháo lớn Quân đoàn 3 bắt đầu lên tiếng, càng lúc càng dữ dội, cấp tập bắn phá phi trường. Bảy giờ, tiểu đoàn 5 mà mũi nhọn là Đại đội 7 cùng gần chục xe tăng T54 tấn công ngã tư Bảy Hiền.
(Bảo Ninh)
Sử lịch với ngày tháng
Năm 1954, 16 nghìn lính Pháp, Lê Dương và Việt Nam đã cầm cự với quân đội Bắc Việt Nam 55 ngày đêm ở Điện Biên Phủ rồi thì đầu hàng. 21 năm sau, Bắc Việt Nam đã tràn ngập toàn cõi Nam Việt Nam, đánh bại một đội quân Sài Gòn tất cả là 1 triệu người. Cũng như Điện Biên Phủ, trận đánh này cũng mất 55 (1) ngày đêm cả thảy.
(Black April: The Fall of South Viet Nam - Alan Dawson)
- :Hồi Điện Biên Phủ giữa Pháp và Việt Minh phải mất 56 (1)ngày đêm. Mất Sài Gòn nhanh hơn, chỉ có 55 ngày. Ít hơn một ngày. Hồi Điện Biên Phủ, chỉ mất một nữa. Lần này mất tất cả.
(Sài Gòn 30-4-1975 - Nguyễn Văn Lục)
Ngày 29 và 30 tháng Tư của 34 năm về trước
Sau non một tiếng đồng hồ cận chiến qua từng ngôi nhà, C7 mở thông được ngã tư. Trước mắt đã là những thời khắc cuối cùng, những thước đất cuối cùng của cuộc chiến tranh đằng đẵng cả đời người. Và cũng là thử thách cuối cùng, thương vong cuối cùng.
Từ ngã tư Bảy Hiền, K5 của 24 đánh cắt ngang qua Tân Sơn Hoà tấn công cửa số 5, K4 và K6 tấn công cửa sổ 4 phi trường. Trung đoàn 28 theo đường Võ Tánh qua lăng Cha Cả tấn công Bộ tổng tham mưu. Trung đoàn 66 xuôi đường Lê Văn Duyệt tiến vào trung tâm thành phố. Đến đúng 10 giờ 30 quân dù trấn giữ cửa số 5 vỡ trận, lối vào phi trường mở toang. Các đại đội của Trung đoàn 24 cùng các phân đội xe tăng Trung đoàn 273 đánh địch liên tục qua các khu vực phòng thủ của Sư bộ sư đoàn 5 Không quân, bộ tư lệnh dù, khu ra đa, khu cố vấn. Trung đoàn trưởng Vũ Tài trực tiếp chỉ huy K6 phát triển nhanh đến trại Đavít để hội quân với Phái đoàn quân sự của tướng Hoàng Anh Tuấn. Đến đúng 11 giờ 30 thì anh em Tiểu đoàn 6 đã kéo được lá cờ Quyết Thắng của sư đoàn lên đỉnh lầu chỉ huy không lưu. Song, qua trưa đến chiều tiếng súng chống trả của quân dù vẫn lúc thưa lúc rộ lên. Mãi tới 14 giờ 30 quân ta mới dứt điểm được ổ đề kháng cuối cùng ở góc tây phi trường.
Chiều Sài Gòn vội vã rào xuống một cơn mưa để làm nguội đi không gian nóng bỏng của trận quyết chiến vừa kết thúc.
(…)
Góp nhặt sỏi đá
(…trích lục lại)
Theo Jean Lartéguy trong cuốn L’Adieu à Saigon thì sau ngày 30-4, một sĩ quan Bắc Việt đã tiết lộ với ông Vũ Văn Mẫu rằng các đơn vị họ được lệnh bắt đầu pháo kích vào Sài Gòn bắt đầu vào lúc 11 giờ tối 30-4 nếu Sài Gòn tiếp tục chống cự và họ dự tính rằng họ sẽ chiếm Sài Gòn vào ngày 7-5 tức là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của họ 21 năm về trước.
- :Theo Erwan Bergot: Trận Điện Biên Phủ từ ngày 28-3 đến 7-5 là 56 (1)ngày.
Ngày 29 và 30 tháng Tư của 34 năm về trước
Chúng tôi rời sân bay hướng về thành phố mới giải phóng. Thành phố vĩ đại, mênh mông, sâu thẳm, chằng chéo muôn ngả. Tay tài xế tiếng là lính dù nhưng lại lớ ngớ, lại là dân miệt vườn Mỹ Tho chẳng rành gì đường xá Sài Gòn nên cứ chạy loanh quanh phập phù. Vòng vo, chậm rề mà cứ lạc mãi. Quân ta tuy đông, những năm quân đoàn, nhưng vì Sài Gòn quá rộng lớn nên tới khuya ngày 30 còn rất nhiều đường phố chưa xuất hiện bóng dáng bộ đội. Mà tiếng súng, không rõ ràng là chỉ thiên hay bắn thẳng thì càng lúc càng rộ lên loạn trời.
Ba đứa tôi ngồi trên xe súng vẫn lăm lăm trong tay, đạn vẫn lên nòng, dò dẫm qua từng ngã tư, ngã năm, ngã bảy, chỗ đông nghịt người xe ùn tắc, chỗ vắng tanh vằng ngắt. Gần 9 giờ đêm chiếc xe đã hết xăng nên chúng tôi trả tự do cho tay tài xế, rồi đi bộ tìm lối trở về Tân Sơn Nhất. Ba đứa, một hàng dọc, dãn cách thưa, lặng lẽ bước, y như là mấy chàng Vệ Quốc “một lần vào thành phố” của Trần Đăng. Đã quá mệt, quá buồn ngủ, lại chắc chắn là đã hoà bình rồi, không cần phải quá khẩn cấp nữa, chúng tôi chọn một chỗ để qua đêm. Chỗ ấy có vẻ như là một công viên. Không nhà cửa, nhiều cây cối (có lẽ là khu nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi?). Tôi gác phiên đầu, tới nửa đêm. Quang rồi Nghi phiên nửa đêm về sáng. Nghi gác phiên cuối, khi trời rạng sáng đã không lay mọi người dậy mà lại ngả người ra võng chủ quan đánh tiếp một giấc ngủ nướng...Những tiếng động lạ khiến tôi choàng tỉnh.
Theo bản năng tôi chực vồ lấy AK, nhưng rồi lại nằm im.
(…)
4 quân đoàn bao vây Sài Gòn
(tổng hợp…)
Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) tham gia giai đoạn cuối chiến dịch gồm:
Các Sư đoàn bộ binh 312, 390, Lữ đoàn 202 tăng thiết giáp (44 xe tăng), Trung đoàn pháo binh 45 (36 khẩu pháo), Sư đoàn phòng không 367, v…v…
Tổng quân số 31.200 người. (Tư lệnh: Thiếu tướng Nguyễn Hòa)
- : Sư đoàn 308 ở lại Hà Đông-Sơn Tây để bảo vê Hà Nội.
Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) tham gia từ đầu chiến dịch gồm:
Các Sư đoàn bộ binh 304, 325, 324, Lữ đoàn xe tăng 203 (54 xe tăng, 35 xe thiết giáp), Lữ đoàn pháo binh 164 (223 xe kéo pháo, 87 khẩu pháo), Sư đoàn phòng không 673, Trung đoàn đặc công 116, trung đoàn thông tin, v…v...
Tổng quân số 32.500 người. (Tư lệnh: Thiếu tướng Nguyễn Hữu An)
Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) tham gia từ đầu chiến dịch gồm:
Các Sư đoàn bộ binh 3, 10, 316, 320A, Trung đoàn xe tăng 273 (54 xe tăng, 64 xe bọc thép), các Trung đoàn pháo binh 40 và 575 (gần 100 khẩu pháo), Trung đoàn đặc công 198, các Trung đoàn phòng không 232, 234 và 593, các Trung đoàn công binh 7 và 576,…v…v….
Tổng quân số 47.400 người. (Tư lệnh: Thiếu tướng Vũ Lăng)
Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) tham gia từ đầu chiến dịch gồm:
Các Sư đoàn bộ binh 6, 7, 341, Trung đoàn 26 tăng thiết giáp, Trung đoàn pháo binh 24, Trung đoàn đặc công 429, Trung đoàn phòng không 71, Trung đoàn công binh 25, v…v.,.
Tổng quân số 35.000 người. (Tư lệnh: Thiếu tướng Hoàng Cầm)
Ngày 29 và 30 tháng Tư của 34 năm về trước
Trời đã sáng bạch. Một đám khá đông dân tình hiếu kỳ quây thành một vòng rộng bao quanh “bãi khách” của ba anh bộ đội Giải phóng. Qua khe bọc võng, tôi nhìn lên tán cây, lên cao nữa, lên bầu trời tháng năm cao xanh vời vợi. Hoà bình, phải, đã hoà bình rồi, tôi chợt nhớ ra, và đến lúc ấy tôi mới thực sự cảm thấu vẫn tận tim mình rằng mình đang giữa lòng Sài Gòn, trung tâm của giấc mơ lớn lao, đoạn trường của bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người còn sống hay đã chết trong cuộc trường chinh này.
Ngước mặt ngày thắng lợi nóng rực đau nhói. Sắp sửa 40 năm trời rồi, nhưng tôi nghĩ rằng đến nay đêm trong lòng thành phố vẫn còn biết bao nhiêu con người mất ngủ vì ký ức chiến tranh. Nỗi buồn thương vẫn khiến cặp mắt của bao người phải âm thầm nhoà lệ. Hàng bao nhiêu người cha người mẹ mất một, mất hai, mất ba, thậm chí mất tất cả những người con của mình trong chiến tranh. Những người vợ mất chồng. Những cặp tình nhân bị chiến tranh chia lìa, mãi mãi không bao giờ còn gặp lại nhau.
Ngày 30 tháng Tư. Niềm vui chiến thắng, hạnh phúc hoà bình và nỗi đau mất mát. Hương hoa và khói hương. Những nỗi niềm ấy trong lòng người dân luôn luôn là một chứ không tách bạch ra như là nhiều người vẫn tưởng.
(Bảo Ninh)
Tác giả tên thật là Hoàng Ấu Phương, trong thời chiến chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, giải ngũ và học khoá 2 trường viết văn Nguyễn Du, tác giả trở thành nhà văn với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh.
Quân sử ngoại truyện
Theo kế hoạch, ngày 27-4 cả năm cánh quân các hướng sẽ bắt đầu tiến đánh để đồng loạt vào Sài Gòn ngày 29-4-1975 (1). Tuy nhiên, tối 24-4, tư lệnh Cánh quân duyên hải (2), tướng Lê Trọng Tấn điện ra xin cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tiến công vào lúc 17 giờ ngày 26-4. Vì nếu ngày 27-4 mới bắt đầu đánh như các cánh quân khác thì sẽ không kịp “cùng nổ súng”. Vì cánh quân duyên hải lúc đó đang sửa soạn vượt qua 2 sông lớn là sông Đồng Nai và Sài Gòn.
Tướng Võ Nguyên Giáp xem xong bức điện và đồng ý ngay với tướng Tấn. Tuy nhiên, rât cẩn thận, ông đã cùng với Cục trưởng tác chiến Lê Hữu Đức mang bản đồ đến nhà Bí thư thứ nhất Lê Duẩn vào lúc nửa đêm. Sau khi tướng Đức đọc xong bức điện của tướng Tấn, Võ Nguyên Giáp nói: Đề nghị anh Ba cho đánh theo báo cáo của Tấn. Theo ông Lê Hữu Đức, Lê Duẩn nói ngay với tướng Giáp: Đánh, đánh, cứ đánh ngay anh ạ. Bây giờ không chờ nhau được nữa. Cũng theo ông Lê Hữu Đức thuật lạị chưa bao giờ ông thấy Lê Duẩn thân mật với tướng Võ Nguyên Giáp như thế. Anh Văn còn hỏi thêm anh Ba: Điện trả lời ký tên anh chứ. Anh Ba nói: Không, anh là tổng tư lệnh, cứ ký tên anh thôi.
Cũng trong ngày 24-4, tướng Tấn cử trưởng phòng tác chiến Cánh quân phía đông Nguyễn Phi Lòng trực tiếp đến sở chỉ huy chiến dịch báo cáo cho tướng Văn Tiến Dũng hay.
Ngày 30-4-1975, 11 giờ 30, tổng hành dinh ở Hà Nội nhận được điện của tướng Tấn: Một đơn vị Cánh quân phía đông đã cắm cờ trên dinh Độc Lập.
(Quyền bính - Huy Đức)
(1) Theo tướng Lê Đức Anh: giờ G. ngày N, tức 00 giờ 00 phút ngày 29-4-1975, là giờ quy định cho tất cả năm cánh quân của quân giải phóng đồng loạt nổ súng tấn công vào Sài Gòn.
(2) Quân đoàn 2 của tướng Lê Trọng Tấn từ Đà Nẵng đi dọc theo bờ biển tới Sài Gòn. Khoảng thời gian này có tên là “Cánh quân duyên hải”. Đạo quân gần 40.000 người, cùng với 2.500 xe pháo các loại trong đó có gần 100 xe tăng thiết giáp, 250 xe kéo pháo vào Sài Gòn.
Ngày thứ 52 : 30-4-1975
Sài Gòn ngày dài nhất
Ngày 30-4, Bắc quân tiến vào Sài Gòn đang bỏ ngỏ làm 4 ngả:
Cánh thứ nhất từ Long Khánh theo xa lộ Biên Hoà.
(QĐ4/Thiếu tướng Hoàng Cầm)
(QĐ2/Thiếu tướng Nguyễn An)
Cánh thứ hai từ Củ Chi qua ngã tư Bẩy Hiền.
(QĐ3/Thiếu tướng Vũ Lằng)
Cánh thứ ba từ Long An kéo lên qua ngả Phú Lâm-Chợ Lớn.
(QĐ1/Thiếu tướng Nguyễn Hoà)
(Đoàn 232/ Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu
Cánh thứ tư Bình Dương theo xa lộ Ðại Hàn vào Hàng Xanh.
(QĐ1/Thiếu tướng Nguyễn Hoà)
Một trung đoàn Bắc quân giao tranh ác liệt với quân dù tại ngã tư Bẩy Hiền và lăng Cha Cả, địch bị thiệt hại nặng tới 50% quân số, trong vòng 15 phút có 6 chiến xa bị Liên đoàn 81 Biệt cách dù bắn hạ, địch bị chận đánh tơi bời phải rút khỏi ngã tư Bảy Hiền. Ðịch tấn công trại Hoàng Hoa Thám, BTL Không quân,
1 giờ trưa ngày 30-4-!975 ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
(Tổng hợp)
10 ngày cuối cùng của VNCH
Thứ tư 30 tháng 4 1975
Cuộc di tản vẫn tiếp tục cho đến rạng ngày 30-4, tuy nhiên con số người Mỹ còn lại ở Sài Gòn vẫn còn nhiều. Vào lúc 1 giờ 30 sáng, ngoại trưởng Kissinger ra lệnh cho tòa đại sứ Mỹ phải kết thúc việc di tản vào lúc 3 giờ 45 sáng, giờ Sài Gòn, và đại sứ Martin phải ra đi trên chuyến trực thăng trước chuyến bay cuối cùng.
Tuy nhiên đến 3 giờ 45 sáng, vẫn còn có trên 400 người tại tòa đại sứ Mỹ trong đó có cả đại sứ Martin. Vào lúc 4 giờ 20 sáng, đô đốc Gayler đã quyết định kết thúc cuộc di tản và ra lệnh:
Đây là lệnh của tổng thống Hoa Kỳ và lệnh này phải được chuyển lại bởi bất cứ phi công trực thăng nào liên lạc được với Đại sứ Graham Martin. Chỉ có người Mỹ mới được phép di tản và đại sứ Martin phải đáp chuyến trực thăng đầu tiên. Phi cơ chở đại sứ Martin phát đi ám hiệu “Tiger, Tiger, Tiger” để báo cho biết rằng ông Martin đã được di tản.
Vào lúc 4 giờ 58 sáng ngày 30-4, đại sứ Martin “bị hộ tống” lên trực thăng mang tên là Lady Ace 09. Một phân đội thủy quân lục chiến đã được lệnh “bắt giữ” ông đại sứ để “áp tải” lên phi cơ nếu ông ta còn chống lại lệnh di tản. Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã cố tình cưỡng lại lệnh của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nhưng ông lại là ân nhân của một số người Việt Nam. Vì nếu không có ông thì họ không có may mắn được di tản ra khỏi Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975. Cuộc di tản vẫn tiếp tục cho đến 7 giờ 53 phút sáng ngày 30-4, chiếc trực thăng CH46 cuối cùng mới rời khỏi sân thượng của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn mang theo Trung sĩ Juan Valdez, là người Mỹ sau cùng rời khỏi tòa đại sứ Mỹ.
Chuyến phi cơ trực thăng cất cánh khỏi sân thượng của tòa đại sứ Mỹ đánh dấu sự kết thúc của chính sách ủng hộ miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ qua 5 đời tổng thống: Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford trong hơn 20 năm. Đối với người Mỹ, cuộc chiến tranh đã chấm dứt nhưng đối với một số người Việt Nam thì cuộc chiến vẫn chưa tàn.
Ngày 30- 4, một số chiến sĩ VNCH vẫn còn tiếp tục chiến đấu dù rằng trong vô vọng.
(Trần Đông Phong)
Dinh Độc Lập 11 giờ 15 phút
Nhớ lại thời khắc lịch sử tại dinh Độc Lập, ông Nguyễn Hữu Thái kể:
(…) Khoảng 10 giờ 30, chúng tôi thấy một đoàn xe tăng ầm ầm tiến về phía dinh. Tôi, anh Tòng đưa anh bộ đội (Bùi Quang Thận) vào thang máy, lên cắm cờ mặt trận trên nóc dinh Độc Lập.
Sau đó, chúng tôi trở xuống tầng hai rồi cùng bộ đội đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Về nội dung bản tuyên bố đầu hàng, tôi chứng kiến giữa ông Dương Văn Minh và ông Bùi Văn Tùng có lời qua tiếng lại. Ông Minh không muốn nêu chữ tổng thống, mà chỉ muốn dùng chữ đại tướng, vốn quen thuộc hơn. Ông Tùng cương quyết không chịu vì cho rằng, dẫu sao thì tướng Minh cũng đã là tổng thống chính quyền Sài Gòn và phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự. (…)
Người dẫn chương trình phát thanh cách mạng đầu tiên trong ngày lịch sử đó chính là ông Nguyễn Hữu Thái. Dường như, tố chất của một cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn trải qua bao năm lăn lộn đấu tranh công khai đã được dồn nén và phát lộ đúng lúc.
Qua ông Thái: Lần đầu tiên Sài Gòn được gọi là thành phố Hồ Chí Minh.
(Trần Duy Hiển)
10 ngày cuối cùng của VNCH
Thứ tư 30 tháng 4 1975
Vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 30-4, Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên đài phát thanh Sài Gòn ra lệnh cho quân lực VNCH phải buông súng đầu hàng.
Thượng tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng, lúc đó đang nghe lời kêu gọi của Dương Văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn. Ngay sau đó, thay vì tiến về Sài Gòn để “bàn giao” như lời kêu gọi của Dương Văn Minh, ông Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho: Tất cả các quân đoàn, các vùng quân sự và mọi đơn vị các cấp phải tiến càng nhanh càng tốt đến các mục tiêu đã được chỉ định ở sâu trong các đô thị cũng như các tỉnh, kêu gọi địch quân đầu hàng, giao nạp vũ khí và bắt giữ tất cả các sĩ quan từ cấp thiếu tá trở lên, đập tan ngay tức khắc mọi mưu toan kháng cự.
Ông Minh không thể nào biết được rằng trưa ngày hôm đó, Bộ chính trị đã gửi điện văn số 516/TV ra lệnh cho các cán bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh phải “Bắt địch đầu hàng vô điều kiện”:
(,,,)Vấn đề hiện nay là bắt địchđầu hàng chứ không phải cử ngườithương lương với địch để ngưng bắntại chỗ như có nơi đã làm (...) (*** Đại thắng mùa xuân, trang 329-331).
Ngoài bức điện văn nói trên, chính Võ Nguyên Giáp cũng đã gửi bức điện văn số 151 ngày 30-4-1975 gửi cho “anh Sáu” tức là Lê Đức Thọ, “anh Bảy” tức là Phạm Hùng, “anh Tuấn” tức là Văn Tiến Dũng, “anh Tư” tức là Trần Văn Trà nội dung như sau:
(…) Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách tổng thống mà chỉ với tư cách một ngươi đã sang hàng ngũ nhân dân (…)
(…) Mười một giờ đã nhận được tin ta cắm cờ trên dinh Độc Lập (…)
Gửi các anh lời chúc đại thắng lợi.(*** Văn kiện đảng, trang 332-333)
Ngay buổi chiều ngày 30-4, đài phát thanh giải phóng loan báo kể từ nay, thành phố Sài Gòn được cải danh là “thành Phố Hồ Chí Minh”. Kể từ ngày hôm đó, Sài Gòn đã mất tên.
Kể từ ngày hôm đó, Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa.
(…)
30-4-1975, Dương Văn Minh và tôi Sáng tinh mơ ngày 30-4, từ cơ sở chuẩn bị nổi dậy của sinh viên ở Đại học Vạn Hạnh, tôi chạy vội lên chùa Ấn Quang gặp vị sư lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn với nhóm Dương Văn Minh. Lâu nay tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với ông, tuy ông biết rõ tôi đến từ phía nào rồi. Tôi báo ngay: Tình hình cấp bách quá rồi, xin thầy làm sao tác động gấp nhóm ông Minh tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến tàn phá Sài Gòn. Các đường giây liên lạc với bên kia nay đã đứt hết rồi, không còn thì giờ đưa giải pháp này nọ nữa đâu…. Thượng tọa Trí Quang gọi điện thoại. Tôi nghe vị thượng tọa nói chuyện qua lại một hồi, rồi cho biết:
- Thái cứ yên tâm, Thầy không gặp được ông Minh, nhưng đã nói chuyện với ông Mẫu, có lẽ họ cũng nhanh chóng hành động theo hướng đó…
Tôi quay về Đại học Vạn Hạnh và khoảng hơn 9 giờ thì nghe tướng Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn: (,,,). Tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó (...). Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam ngưng nổ súng (...)
Tôi cùng nhà báo Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư Huỳnh Văn Tòng vào dinh Độc Lập nhắm thuyết phục (!) những người quen biết trong chính quyền tướng Minh bàn giao chính quyền VNCH cho phía mặt trận dân tộc giải phóng một cách êm thắm nhất. Khoảng 10 giờ, chúng tôi lên chiếc xe Renault 8 màu xanh của Hồng. Nhà báo có giấy phép đặc biệt vào ra phủ tổng thống nên không có gì trở ngại. Tôi vội vàng đi tìm Lý Quý Chung, lúc đó là tổng trưởng thông tin duy nhất được chỉ định chính thức trong nội các mới. Chung đồng ý ra đài phát thanh ngay.
Chúng tôi đang loay hoay thì bỗng mọi người cùng hướng nhìn về đại lộ Thống Nhất. Một đoàn xe tăng rầm rộ tiến về hướng dinh. Cổng dinh bị húc đổ, đoàn tăng tiến thẳng đến thềm dinh. Tôi và anh Huỳnh Văn Tòng giúp người bộ đội xe tăng cầm cờ giải phóng cắm lên nóc dinh.
Tôi tháp tùng xe của chính ủy Bùi Văn Tùng cùng các nhà báo Tây Đức Von Boric Gallasch và Hà Huy Đĩnh đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh.
(Nguyễn Hữu Thái)
Thâm u bí sử
Không ai biết chính xác về thân phận của Thượng toạ Thích Trí Quang. Nhưng căn cứ tài liệu tiết lộ từ trong nước, sau ngày 30-4-1975 oan nghiệt, cuộc đời của Thượng toạ Thích Trí Quang đã bị các đồng chí của ông ta đem chôn vùi âm thầm vào trong bóng tối (1).
Theo bài báo “Con đường khúc khuỷu” của Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ cao cấp đặc trách ban Tôn giáo vận đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn, kể lại thì khi được lệnh vận động để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông đã trình bày vai trò quan trọng không thể thiếu của thích trí Quang với các thượng cấp chỉ huy trực tiếp là Trần Bạch Đằng và Nguyễn Văn Linh. Nhưng Trần Bạch Đằng đã gạt phắt đi không đồng ý cho thích trí Quang tham dự vào tổ chức này. Vì theo nhận xét của Trần Bạch Đằng thì thích trí Quang thuộc loại “CIA Chiến lược” nên không dùng được. Nguyễn Văn Linh cũng đồng ý với Trần Bạch Đằng, cho rằng Trí Quang người đã dùng rồi nên không thể nào dùng lại được nữa.
(1) Trong đó có Nguyễn Hữu Thái.
Như Nguyễn Hữu Thái thổ lộ với đài BBC: Chính bản thân tôi một thời gian dài sau 30-4-1975 cũng từng bị gán cho là “cướp công cách mạng”, (…) dám có mặt tại dinh Độc Lập (…).
Góp nhặt…ghi chép…
Đầu tháng 4-1975, người Mỹ quan tâm đến “Phương án Big Minh”. Tài liệu CIA cho biết ngày 2-4 trùm CIA Polgat tại Sài Gòn gửi một bức điện về tổng hành dinh CIA tại Washington đề xuất lật ông Thiệu để đưa ông Minh lên với chủ trương của ông ta là thành lập “chính phủ liên hiệp” với Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Người trung gian giữa chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và ông Minh là Dương Thanh Nhật, em ông Minh. Ông Mười Cúc Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ cho cục trưởng cục địch vận Võ Văn Thời đưa Dương Thanh Nhật (tập kết) vào Nam để tiếp cận với Dương Văn Minh. Hiện tại nhóm ông Minh bắt đầu thảo luân về khả năng chấp chính để thành lập chính phủ liên hiệp. (…trích lục lại)
(Perfect Spy - Larry Berman)
Đăng ngày 19 tháng 07.2017