Ôn cố tri tân

 trankhanh

Trần Khánh

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sao con cháu lấy làm chơi!
Thôi thôi chớ trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.
("Vịnh bức dư đồ rách" của Tản Đà)

Vua Quang Trung hỏi ông đồ Nghệ An rằng: "Từ xưa tới nay Việt Nam có lần nào đánh Tàu chưa?" Ông đồ trả lời: "Có, nhưng mà đánh để tự vệ do danh tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy tràn qua Tàu đánh lấy châu Khâm, châu Liêm và châu Ung rồi rút về với vũ khí và tù binh".

Năm 1068 Tống Thần Tông, một ông vua trẻ mới lên ngôi nhiều tham vọng, được tể tướng Vương An Thạch ý muốn mở rộng biên thùy về phía nam nên tăng cường quân số ở Lưỡng Quảng, sai Thẩm Khỉ chuẩn bị đánh nước ta.

Năm 1073 nhà Tống dụ Nùng Thiện Mỹ một tù trưởng vùng Thất Khê đem 700 dân đinh chạy sang đất Tống. Vua Lý đòi lại, Tống không trả. Quan hệ hai bên căng thẳng.
Lý Thường Kiệt tâu lên vua Lý: "Ngồi yên đợi giặc, không bằng đem quân đánh trước để chận thế mạnh của giặc". Lý Thường Kiệt ước đoán tình hình: "Đánh Tống sẽ đi hai đường chính, đường bộ lấy châu Ung làm cứ điểm, đường thủy là châu Khâm, châu Liêm".

Tháng 12-1075 quân Lý tràn sang chiếm châu Khâm, tháng 1-1076 lấy châu Liêm, sau vây châu Ung, diệt viện binh từ Côn Lôn qua rồi phá thành ngày 1-3-1076, Lý Thường Kiệt cho lui quân sau ba tháng hoành hành trên đất Tàu. Trong cuộc tiến quân tới đâu Lý Thường Kiệt cho yết lộ bố (tố cáo) cho dân chúng biết:

- Mục đích hành quân của quân Lý không phải cướp đất hại dân Tống.

- Vạch rõ sự ngang ngược sai trái của triều đình nhà Tống đối với nước ta.

- Kể tội tể tướng Vương An Thạch dùng phép thanh miêu, trợ dịch làm cho dân tình khốn khổ, nhà Lý đem quân đến cứu dân Tống…
Vì lẽ ấy nên đoàn quân Việt được lòng đi tới đâu được tiếp rước vui mừng.
Dự đoán của Lý Thường Kiệt, Tống Thần Tông sẽ trả đũa nên lo phòng thủ kinh thành Thăng Long, cho đắp thành từ bến đò Như Nguyệt đến núi Nham Biền bên bờ sông Cầu.
Thật vậy vua Tống sai Triệu Tiết và Quách Quỳ đem quân sang định lấy hẳn nước ta làm quận huyện của nước Tống. Họ đem 10 vạn quân, 20 vạn phu, một vạn ngựa, lực lượng đó bị diệt hơn phân nửa, lương thực bị cạn kiệt. Lý Thường Kiệt thấy tình hình đôi bên mệt mỏi, quân ta cũng khó thắng địch nên sai sứ đến dinh Quách Quỳ cầu hoà xin đại binh Tống rút về và sẽ cho sứ sang tạ tội và tế cống.
Sứ ta là Kiều văn Ứng nhận lời Quách Quỳ: "Chỗ nào Tống đã chiếm được tức là của đất Tống". Quách Quỳ bất đắc dĩ phải chịu và dâng biểu về triều đình Tống. Vua tôi nhà Tống rất bất bình nhưng họ bàn bạc xét kỹ không thu được lợi lộc chi nhiều lại hao binh và chiến phí nặng.
Tể tướng Ngô Sung người chủ hoà thay mặt quần thần dâng biểu mừng vua Tống dẹp yên An Nam lấy lại được Quảng Nguyên ngày 25-2-1077 và đổi thành Thuận Châu. Vua Tống yêu cầu vua Lý Nhân Tông phải tế cống như trước và trả lại dân binh bị bắt ở ba châu Khâm, Liêm, Ung. Sau đó triều đình Lý đấu tranh ngoại giao đòi lại các vùng đất mà vua Tống chiếm giữ. Năm 1078 nhà Lý cử sứ bộ Đào Tông Nguyên đem cống lễ sang nhà Tống để đòi lại đất Quảng Nguyên và trả tù binh cho Tống.

Năm 1082 vua Lý lại cử Đào Tông Nguyên đi đòi lại đất Vật Dương, Vật Ác và sáu lần cử sứ bộ xin lại vùng đất mà Tống còn giữ của Đại Việt. Vậy mà nhà Tống đã trả những đất mới chiếm được trong cuộc hành binh của Quách Quỳ mà còn trả vùng đất biên giới mà nhà Tống chiếm từ trước chiến tranh.
Đường đi sang Tống từ Thăng Long đến Bắc Kinh bằng đường bộ theo ngã Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bằng Tường… đến châu Khâm mất độ 4-5 ngày. Đường thủy đến sông Lục Đầu Vạn Xuân, Vĩnh Thái qua Kế Bào đến châu Vĩnh Hưng đến Khâm châu khoảng 5 ngày.

Trước chiến tranh với Tống, nhà Lý phái 25 sứ bộ, sau có 25 sứ bộ. Đến kinh đô nhà Tống là Biện Kinh (gần phủ Khai Phong). Lúc nhà Tống bị nước Kim đánh, dời đô đến Lâm An (Hàng Châu). Mỗi sứ bộ có khoảng 50 đến 100 người. Cống phẩm thường là các con vật phương nam như tê giác, voi, ngựa, bạc vàng châu báu, trầm hương, quế khâu…

Việc cống voi đến kinh đô nhà Tống thật vất vả, phải mất nhiều ngày vì voi to, đi chậm ăn nhiều cây cỏ, phải chăm sóc chu đáo. Vì thế nên thời Lý Anh Tông, vua Tống Cao Tông cho miễn cống voi. Nhưng sau đó Tống Hiên Tông lên ngôi năm 1172, tế Nam giao lại cống 10 con voi mừng vua và 5 con voi làm lễ cung hiến. Đáp lại lễ cống của nhà Lý, vua Tống ít sai sứ đến Thăng Long thường thì gặp nhau ở Quảng Tây đến điếu hoặc phong vương. Có lần sứ thiền Mai Nguyên Thanh năm 1057 đem 2 con kỳ lân cống vua Tống, vua quan nhà Tống bàn tán con vật lạ sợ xui xẻo, con kỳ lân là vật hiếm quý chỉ khi nào có thánh nhân ra đời thì kỳ lân xuất hiện như Khổng Tử sanh ra thì kỳ lân què xuất hiện, thật ra là con tê giác hình như trâu, da dầy, từng mảnh như giáp, đầu mũi có sừng, ăn cỏ, dưa. Sau đó Tư Mã Quang tể tướng nhà Tống quyết định gọi tên là "thú lạ" và để ở Quảng Châu không cho mang lên kinh đô.

Năm 1075 Nùng Tông Đán đem quân đánh Tống ở Ung châu, sau bị nhà Tống mua chuộc nên đem động Lôi Hoả (nằm ở tây bắc tỉnh Cao Bằng) và Kế Thành nộp cho nhà Tống. Vua Lý Thánh Tông sai sứ thần là Thuận Tông (phò mã chồng công chúa Kim Thành) sang Tống đòi đất và dân. Lý Thuận Tông đến Quế Châu gặp Lục Sằn quan nhà Tống đậu Tiến sĩ. Tống sử chép từ khi giặc Nùng Trí Cao Tông Đán bị dẹp yên, người Giao Chỉ càng kiêu căng, các thú thần thường chịu bỏ qua, sứ Giao Chỉ là Lê Thuận Tông tới cũng kiêu ngạo như cũ. Sằn nhúng nhường mời tới giảng dụ kính lẽ phải, làm sứ phải sợ trở về.

Lời ghi ở Tống sử trên cho thấy sứ thần Giao Chỉ đi đòi đất với một tư thế mạnh có chánh nghĩa. Lục Sằn tâu về triều, lúc đó Tống Anh Tông vừa lên ngôi, hỏi đình thần tể tướng Hàn Kỳ tâu rằng: "Xứ Giao Châu rừng núi hiểm trở, khí hậu ẩm độc, nếu có lấy cũng không giữ được. Chi bằng nên vỗ về chúng". Vua Tống Anh Tôn mới trả lại châu Lôi Hỏa và Ôn Nhuận cho vua Lý. Đó là nhờ thực lực quân sự đủ mạnh cùng với chánh sách ngoại giao mà sứ thần ta đòi được đất.

Sau khi Lý Thường Kiệt sang đánh phá trên đất Tống, vua Tống Thần Tông sai Quách Quỳ và Triệu Tiết đem quân xâm lược Đại Việt, quân Tống bị cầm chân ở bờ sông Như Nguyệt cách Thăng Long 30 cây số, lương thực sắp cạn và chết quá nửa. Quân Lý cũng bị nao núng, sau trận tấn công Khao Túc mất hết hai hoàng tử Hoằng Châu và Chiêu Văn nên cũng nghĩ đến việc hoãn binh. Lý Thường Kiệt sai Kiều văn Ứng sang dinh Quách Quỳ để bày giải hơn thiệt. Sứ thần bào chữa quân Lý đem quân vây đánh Ung châu (Nam Ninh) là do người Tống là Từ Bá Tường xúi giục. Quách Quỳ chưa chịu rút quân vì sợ nhục. Nên Kiều văn Ứng lại sang nói với Quách Quỳ: "Chỗ nào quân Tống đã chiếm tức là đất của Tống". Trên thực tế là để gỡ danh dự cho quân Tống thôi, chứ làm sao Quách Quỳ giữ đất của nhà Lý được, phải mau rút quân để giữ mạng sống và khi quân Quách Quỳ rút hết thì đất nhà Lý trở về đất Lý. Đánh và đàm là sách lược của nhà Lý.

Khi Quách Quỳ rút quân tới đâu thì quân Lý tiến theo sát tới đó để thu hồi lại đất bị chiếm. Nhưng quân Tống còn để lại quân chiếm giữ năm châu miền núi: Quang Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên. Hai châu Quang Lang và Quảng Nguyên  rất quan trọng là cổ họng của châu Ung và Quảng Nguyên là nơi sản xuất nhiều vàng bạc. Nhà Tống tổ chức việc cai trị hai châu đó.

Nhà Lý dùng lực lượng quân sự đánh úp lấy được Quang Lang, hai châu Tô Mậu và Môn cạnh đó cũng chiếm luôn. Vua Tống nghe qua lo sợ nên truyền giữ đất Quảng Nguyên cho kỹ. Lý Thường Kiệt dùng ngoại giao mềm dẻo, vua Lý sai sứ thần là Lý Kế Nguyên sang Tống tâu bày việc đất Quảng Nguyên.
Tháng 7 năm 1077 sứ bộ ta đến biên thùy. Triệu Tiết đang giữ chức An phủ sứ Quảng Tây gặp Lý Kế Nguyên đòi nhà Lý phải trả lại người Tống bị Lý Thường Kiệt bắt lúc trước thì nhà Tống sẽ hoàn lại vùng đất đã chiếm giữ. Nhưng lúc xem biểu của vua Lý Nhân Tông dâng lên vua Tống, Triệu Tiết thấy có chỗ phạm huý nhà Tống nên Triệu Tiết không nhận bảo sứ ta trở về làm tờ biểu khác.

Đầu năm Mậu Ngọ 1078 Lý Nhân Tôn sai Đào Tông Nguyên đem 5 con voi sang Tống để đòi lại đất Quảng Nguyên và Quang Lang. Tuy cho sứ bộ ta tới Biện Kinh nhưng vua Tống sợ ta tấn công, nên ra lịnh tăng cường quân khắp nơi như Quế châu, Ung châu, Khâm châu giám sát thật kỹ sứ bộ nhà Lý vì chúng mới vừa cướp ta nên đề phòng kỹ (lời phê của vua Tống). Sứ bộ Đào Tông Nguyên rất khó nhọc dẫn đàn voi đến kinh đô vào ngày 2/9/1078. Gặp vua Tống Nhân Tông quở trách: "Khanh đã được triều đình cho coi cõi Nam Giao, đời đời được ban tước thế mà khanh đã bội đức, phụ mệnh tới cướp phá các biên thành, làm phiền quân triều đình phải đi chinh phạt. Đến lúc quan quân vào trong cõi thế bức rồi khanh mới quy hàng… Nhưng khanh phải trả các dân Khâm, Ung mà khanh đã bắt, đợi khi nào khanh đưa chúng về hết, trẫm sẽ lập tức lấy châu Quảng Nguyên ban cho khanh". Sứ thần Đào Tông Nguyên thay mặt vua Lý vâng theo điều Tống Thần Tông đưa ra và hẹn trả 1000 quân và dân dã đã bắt ở 3 châu Khâm, Liêm, Ung. Vua Tống lại đặt thêm điều kiện là phải đem các thủ lãnh gây loạn đến biên giới xử. Nhưng đều là điều kiện và hứa suông.

Bốn năm sau đến năm Tân Dậu 1081 vua Lý sai sứ bộ 156 người do chánh sứ Dương Dụng Luật và phó sứ Nguyễn văn Bội cầm đầu, số người đông nói lên tầm mức quan trọng của sứ đoàn, mục đích chánh là đòi đất Quảng Nguyên và xin kinh Tam Tạng vì đạo Phật đời Lý được sùng kính.
Viên quan nhà Tống ở Quảng Tây là Trương Hiệt tâu lên vua Tống: "Giao Chỉ vào cống số người lên đến 156, theo lẽ thì dư ra 56 người". Tống Thần Tông truyền cho vào cả, lần sau sẽ theo lệ cũ (100 người).
Sau khi tiếp sứ bộ Dương Dụng Luật và nhận cống phẩm, tình hình Tống-Lý trở nên thân thiện hơn và Tống cho trả đất Quảng Nguyên cho nhà Lý. Lúc đó có 2 câu thơ phê phán:
Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khước thất Quảng Nguyên kim.
(Vì tham voi cống của Giao Chỉ nên để bỏ mất vàng Quảng Nguyên).

Tuy là Tống-Lý đã có giao ước nhưng 2 bên giữ kẽ, nhà Tống lúc đó phải lo đối phó với sự xâm lược của các bộ tộc phía bắc, đồng thời vùng Ung châu bị bịnh dịch và thiên tai quân lính chết nhiều, vua tôi chờ dịp để trả đất Quảng Nguyên mà không mất thể diện. Nắm được tình hình khó khăn đó, Lý Thường Kiệt đã đem một số ít tù nhân gồm đủ gái trai già trẻ 221 người và khắc lên mặt, vào tay, đàn ông từ 15 tuổi trở lên thích vào trán: "Thiên tử binh", từ 20 tuổi trở lên thích chữ: "Đầu Nam triều", phụ nữ thì viết ở tay trái chữ "Quan khách". Các tù nhân được đưa từ Nghệ An bằng đường thủy. Cửa thuyền đều trát bùn, trong thuyền thắp đèn sáng luôn, mục đích để tù nhân không biết đường sá và ngày đêm. Quân lính đánh trống cầm canh chỉ đi mỗi ngày chừng 15 dặm  đến 13-10-1078 tới Quảng Tây.
Chừng đó vua Tống mới nói để gỡ gạc sự yếu kém của nước Tống. Thuận Châu (Quảng Nguyên đổi tên) là nơi lam sơn chướng khí dẫu được cũng không lợi ích gì, há dồn quân lính vào chỗ chết ư. Thế là vua Tống trả lại đất Quảng Nguyên nhưng các quan lại Quảng Tây đã cắt xén bớt lại những động mà chúng cho là thuộc Ung châu. Vì thế việc giải quyết đất đai vẫn còn tiếp tục.

Lý Thường Kiệt thấy vua Tống không chịu trả hết, còn động Vật Dương và Vật Ác nên làm căng. Chính Hùng Bản tâu lên vua Tống về 2 động này: Đời Gia Hữu 1057 Nùng Tông Đán đem động Vật Ác nộp, vua Tống ban cho là Thuận An. Đời Trị Bình 1064 Nùng Trí Hội đem động Vật Dương nộp vua đổi thành châu Quy Hóa.
Lý Thường Kiệt cho quân tấn công Nùng Trí Hội ở Quy Hóa và toan đánh Thuận An. Hùng Bản Quan cai trị Quảng Tây viết thơ trách vua Lý và xin vua Tống trả lại cho vua Lý 8 động, rồi hẹn vua Lý cử người tới Vĩnh Bình, phía Tống có 2 quan Thành Trạc và Đăng Khuyết, phía Lý có Đào Tông Nguyên dẫn đầu. Đào Tông Nguyên yêu cầu nhà Tống trả lại cho vua Lý 2 động Vật Dương, Vật Ác. Sứ thần Tống chỉ chịu trả một dãy đất phía nam núi Hỏa Diễm mà thôi, phía nhà Lý không chịu.

Tháng 6 năm Giáp Tí 1084 vua Lý sai sứ thần Lê văn Thịnh và phó sứ Nguyễn Bội tới trại Vĩnh Bình để đòi tiếp hai động. Phía Tống khẳng định: "Những đất mà nhà Tống đánh lấy thì nên trả lại cho Giao Chỉ. Còn những đất mà người coi gìn giữ đem nộp cho Tống thì không trả". Sứ thần trả lời: "Đất có chủ, cái viên coi giữ mang nộp và trốn đi (họ Nùng) thì đất ấy thành vật ăn trộm của vua Lý, kẻ trộm không tha thứ mà trộm của hay tàng trữ của ăn trộm thì pháp luật không cho phép. Huống chi chúng mang đất trộm dâng để làm nhơ bẩn sổ sách của nhà vua (Tống)".
Lê văn Thịnh dùng lý lẽ rất hữu lý. Trình tới trình lui của sứ thần Thành Trạc và Hùng Bản, vua Tống Thần Tông giáng chỉ: "Lấy tám ải sau này làm giới hạn, Canh Liêm, Khâu Cư, Khiếu Nhạc, Thông Khoáng, Canh Nham, Đốn Lị, Đa Nhân và Câu Nam. Đất ngoài các ải ấy có 6 huyện là Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng, Cận và hai động Tang, Túc. Các đất ấy đều do khanh chủ lĩnh. Khanh hãy xem đó biết trẫm luyến ái khanh càng phải cung thuận, tuân theo các điều ước về biên giới, chớ có xâm lấn".

            Như vậy vua Tống có trả (nói là ban) cho vua Lý đất sáu huyện và hai động. Chỗ đất Vật Dương, Vật Ác vẫn giữ lại.
Triều đình Lý không bằng lòng, năm 1085 nhân Minh Thần Tông mất, Minh Triết Tông lên ngôi mới 10 tuổi, quyền hành vào tay Hoàng thái hậu họ Cao. Triều Lý lại gửi biểu sang đòi lại động Vật Dương, Vật Ác nữa. Ngày 24-6-1085, vua Tống trả lời một cách thẳng thắn là vua Tống vừa nối nghiệp hành động theo mệnh vua trước. Đây là lần thứ ba vua Lý đòi đất nhà Tống từ chối.
Nhà Lý không chịu, cho quan coi châu Quảng Nguyên đem quân đánh phá miền đất mà Tống chiếm. Năm 1086 vua Tống gửi thư sang trách nhà Lý. Vua Lý dâng biểu xin vua Tống thay đổi chánh sách với đất Vật Dương, Vật Ác nói rằng: "Tuy đất ấy nhỏ nhen nhưng tôi rất lấy làm đau xót luôn luôn nghĩ đến. Tổ tiên tôi ngày trước đánh dẹp những kẻ tiếm nghịch xông pha gian hiểm mới có đất ấy. Nay gặp thời vận suy đồi tôi không nối sự nghiệp cha ông. Tôi đâu dám dự vào hàng phiên thần sống trong chốc lát". Vua Lý cố nài với lý lẽ mềm dẻo, nhưng vua Tống cương quyết chối từ có ý quở trách vua Lý cứ mãi sinh sự lôi thôi. Đây là lần thứ tư vua Tống từ chối.

Năm 1086 vua Lý lại cử sứ bộ sang Biên Kinh do chánh sứ Lê Chung và phó sứ Đỗ Anh Bối dẫn đầu. Tháng 10-1086 tới Quảng Tây, sứ bộ lại đòi đất nữa, nhắc đến 2 động Vật Dương và Vật Ác. Lại bị vua Tống từ khước lần thứ 5.
Vua Lý không chịu từ bỏ đấu tranh ngoại giao để đòi đất, quân Tống sợ quân Lý giận đánh úp nên cho xây thêm đồn lũy ở các cửa ải, vua Lý vịn vào cớ ấy viết biểu sang vua Tống ý nói quân Tống đang đe dọa nước mình.
Chiếu viết ngày 22-8-1088 cho nhà Lý: "Trẫm vâng lời dạy của tiên đế, cốt làm sao cho bờ cõi vui. Huống chi trẫm đã giáng chiếu nhiều lần, giảng cực rõ ràng. Các động Vật Dương Vật Ác không thể trở lại bàn đến được". Đây là lần thứ 6 vua Tống từ chối.

Trên đây người viết tóm lược những sự kiện đòi đất trong lịch sử Việt Nam thật là cam go của ông cha ta thuở trước mà hiện nay con cháu lấy làm chơi, ứng với mấy câu thơ của Tản Đà:
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sao con cháu lấy làm chơi!

Mấy năm gần đây, con cháu tự tiện cắt đất nhường cho người phương bắc hơn 700 km2 vùng biên giới trên bộ, người ta nói ải Nam Quan không còn nữa, Cao Bằng sâu vô mấy cây số. Và Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa bị mất hẳn, lại thêm Tam Sa… Có một số trí thức và từng lớp dân chúng đứng lên biểu tình, dùng nhiều cách để tố giác chính quyền nhưng đều bị đàn áp, bắt bớ, tra tấn, giam cầm. Có mấy câu thơ được đặt ra để chỉ kẻ bán nước:
Lúc trẻ mang thân đi cứu nước
Về già bán nước để nuôi thân.

Vì quyền lợi cá nhân mà không biết suy xét nên họ họp nhau bán nước đè đầu cổ người dân, ăn chẹn, cướp đất mà không có hành động xấu xa nào không làm dù là họ biết sai quấy, nên có người nói: Hồi trước năm 1954 những ai không đứng trong hàng ngũ dân tộc đuổi ngoại xâm là không có trái tim (yêu nước), còn sau năm 1975 mà theo chánh quyền mới là không có một khối óc (ngu si). Ông Nguyễn văn Thiệu nói đúng về 4 không, có cái không chót là không nhường cho Việt cộng một tấc đất. Đó là nhường hết chớ nhường chi một tấc. Giống như có anh chồng nát rượu, một lần say quá đánh vợ, ăn năn hối lỗi thề không uống rượu một giọt nào hết. Sau thấy anh ngồi uống cùng bạn bè, mọi người đều hỏi, sao anh thề không uống giọt rượu nào nữa mà nay anh uống. Anh đáp tỉnh bơ: "Tôi có thề thật, là không uống một giọt, đàng này tôi uống một ly chớ uống một giọt uống làm chi!"  

Cách đây chưa đầy 1000 năm, thời đó đất nước ta chỉ có một lõm ở miền Bắc, dân số còn quá ít. Bây giờ cũng là con cháu của người Việt đó mà sống trên cuộc đất lớn hơn, thêm miền Trung và Nam. Người đông hơn dễ sống hơn theo đà văn minh của thế giới. Chẳng lẽ người Việt Nam lúc trước nghèo thiếu thốn xài kỹ, ngày nay có tiền xài rồi tha hoá. Quên cội quên nguồn, không biết giữ gìn cái gì của tổ tiên tạo ra để lại cho con cháu. Mà còn nói câu vô ơn bạc nghĩa. Hỏi không có 9 chúa bắt đầu từ Nguyễn Hoàng và 13 vua thì làm gì có đám con cháu phản phúc nói là rước voi về giày mả tổ. Chính mình rước bọn Nga-Tàu vào giày xéo quê hương đem giang sơn tự ý cho người khác mà không biết thức tỉnh.

Trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước đâu, hãy tận dụng sự hiểu biết của mình, tìm tài liệu ở Hoàng Sa, Trường Sa ở ngoại quốc, nhứt là ở văn khố của bộ Hải quân Pháp… Chắc chắn có, rồi đưa ra Toà án Quốc tế phán xét. Ít ra cũng ngăn chận đưọc sự bành trướng của kẻ cường quyền. Hay kết hợp với các nước có đảo gần đó như Mã Lai, Phi Luật Tân…Mới đây có một ngôi đền giữa Miên và Thái tranh chấp, nhờ tài liệu của Pháp công nhận ngôi đền đó là của Cao Miên thời còn là thuộc địa Pháp nay mới thấy tạm yên.

Nước Tàu, người Tàu xưa nay có tham vọng lớn muốn chiếm hết các nước chung quanh. Các dân tộc Đông Di, Bắc Địch, Tây Nhung và Nam Man đó đồng lượt nổi dậy thì Hán tộc chỉ còn lõm bình nguyên sông Hoàng Hà, chừng đó chỉ còn lại một sao thôi. Bây giờ có 5 sao mà sao lớn là Hán còn 4 sao nhỏ là Mông, Mãn, Tạng, Hồi. Từ hồi Tần Thuỷ Hoàng thống nhứt những nước Triệu, Yên, Tề, Sở…, sau tới Hán, Tống, Minh, đời nào cũng bị các rợ phương bắc ăn hiếp, bắt triều cống, gả công chúa…Vạn lý Trường thành không phải kỳ quan đâu mà là nơi ô nhục của một nước lớn, chủ ý là đắp thành để ngăn giặc. Thế mà giặc lọt vô nhiều lần, là Mông Cổ chiếm Tàu mở mang bờ cõi gần cả thế kỷ và Mãn Thanh gần ba thế kỷ. Coi chừng nước Tàu sẽ vỡ ra từng mảnh như nước Nga. Nếu mà các dân tộc Tạng, Hồi ở vùng Tân Cương (Duy Ngô Nhĩ)… đồng loạt nổi dậy thì Tàu liệu có giữ nổi không.

Tham lam quá trời hại đó, như năm 2008 đầu năm tuyết phủ mùa màng mất trắng, kế bị động đất nặng ở Tứ Xuyên, làm hào nhoáng được một tháng ở Thế vận hội, rồi suy sụp liền theo, sản xuất sữa ăn chết người, đồ chơi trẻ con, ghế dựa .. toàn là thứ độc làm thế giới sợ tránh. Thời của đàn anh phương bắc này sắp hết rồi, đàn em nên thức tỉnh để sống còn với dân tộc đừng theo bắt chước và nghe họ nữa, đem giang sơn gấm vóc của tổ tiên mà dâng cho họ. Hãy đọc lại sử mà thương ông cha mình, và hãy giữ gìn đất nước đừng để mất một tấc đất. Thương thay! Khổ thay!

Trần Khánh

Trích: "Nhìn về Quê hương đất Tổ"