Chuyện Ta chuyện Tàu
Trần Khánh
Với đề tài này, phải bắt đầu từ đâu và viết hàng ngàn, vạn trang cũng chưa hết. Nên người viết tìm tòi những gì liên quan và cô đọng từ xưa và nay qua các tài liệu của các tác giả có uy tín.
Vì lâu nay ở trong nước và ở hải ngoại, người Việt ta âu lo chánh quyền Cộng sản bán nước cho bọn bành trướng Trung Quốc. Khi họ tràn ngập vào nước ta rồi thì dân ta lầm than cơ cực như thời Hán, thời Minh v.v… khó đuổi lắm.
Sự thực thì dòng Hán tộc dân không có đông lắm đâu, họ lấy Thiểm Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông làm địa bàn, lấy lưu vực sông Hoàng Hà làm căn bản. Nhưng họ lấy văn hóa để đồng hóa các nước mà họ coi là man di mọi rợ: Đông Di, Tây Nhung, Bắc Địch, Nam Man, họ dùng chữ viết lưu truyền làm cho các dân tộc chung quanh nghe theo, họ thêu dệt những chuyện vừa cường điệu vừa hư cấu.
Như trên lá cờ Cộng sản Tàu, ta thấy có 5 ngôi sao, một ngôi sao lớn là tộc Hán, còn 4 sao nhỏ là 4 tộc người Mông (Cổ), Mãn (Thanh), Tạng (Tây Tạng), Hồi. Chỉ còn Việt Nam (Nam Man) chưa lên lá cờ máu đó.
Trên thế gian này, không có dân tộc nào thuần chủng hết, nhất là hai dân tộc trước và sau sang cai trị nước ta là Tàu và Tây. Hiện ta đang ở nước Pháp thì thấy rõ rồi, mặt mày Tây mà truy ra gốc Ý, Tây Ban Nha, Đức… Tàu cũng thế, mặt mày nhóm da vàng thì khó đoán, Tàu tiếng phổ thông là chánh nhưng họ vẫn biết tiếng địa phương của họ như Tàu Quảng, Hẹ, Tiều, Phúc Kiến v.v…
Theo vùng địa lý của nước ta, có tới 54 dân tộc nói tiếng khác nhau, còn Tàu đến 56 tộc, có lẽ còn hơn nữa mà Tàu chê là kém văn minh, nhưng những tộc đó lại đóng góp cho nước Tàu nhiều lắm, cái hay thì họ ghi vào sử sách là người Hán sáng chế, còn dở như cha con ngủ chung phòng, ăn thịt người thì đổ cho Di, Địch…
Đây là câu nói của người Tàu: Thiên cổ Trung Quốc, Vạn chủng nhân tình, nghĩa thật là rõ, lịch sử Trung Quốc xưa ngàn năm người nhiều tộc. Vậy Hán tộc cũng là một tộc có chăng lớn hơn các tộc khác thôi.
Con số vua chúa nước Trung Hoa tính từ lúc Tần Thủy Hoàng thống nhứt năm 221 trước Tây lịch cho đến hoàng đế Phổ Nghi cuối cùng của triều đại Mãn Thanh năm 1912 là niên lịch chấm dứt chế độ phong kiến, tổng cộng là 2132 năm, có tất cả 906 vị nam nữ hoàng đế, trong số đó có 494 người tộc Hán, còn 412 vị thuộc tộc Tạng, Hồi, Liêu, Kim, Mông, Mãn. Sao không thấy các tộc phương nam lên ngôi vua Trung Quốc, theo nhà văn Lâm Ngữ Đường chỉ có dân ăn lúa mì mới làm vua Trung Quốc được, chứ dân ăn gạo tẻ lúa nước thì không.
Tính về số năm làm vua thì kẻ ngoại tộc nắm ngôi hoàng đế Trung Quốc vừa lâu và sống dai nữa, Khang Hy ở ngôi 68 năm, Càn Long 61 năm, còn vua ở ngôi ít nhứt chỉ có nửa ngày thì bị chém đầu đó là Nhan Thừa Lân thuộc rợ Kim. Các hoàng đế Trung Hoa sống thọ nhứt là vua Càn Long 89 tuổi và nữ là Võ Tắc Thiên 82 tuổi.
Đặc điểm nhứt của hai triều đại trị vì nước Trung Hoa mở rộng đất đai lớn nhứt là thuộc dân ngoại tộc Hán, từng bị khinh rẻ là Mông Cổ, và rợ Kim dòng Nữ Chân. Thời đại Nguyên Mông cai trị nước Tàu gần cả thế kỷ hồi thế kỷ 13, thời đại Mãn Thanh trị vì gần 3 thế kỷ. Hai thời đại này chỉ có mở mang đất đai chớ không bị các rợ khác xâm lấn hiếp đáp như thời Hán, Đường, Tống, Minh. Vạn lý Trường thành được đắp lên để ngăn chận các rợ phương Bắc xâm phạm Trung nguyên, đâu phải thành cao hào sâu, làm sao ngăn được các dân tộc du mục sống trên lưng ngựa, họ vẫn tràn qua cướp bóc, hãm hiếp, đòi cưới công chúa v.v…Vậy trường thành ấy đâu có vinh quang, làm dân cực nhọc đói khổ chết quá nhiều. Đó là nỗi ô nhục.
Người Tàu ở nước ta, gọi là cắc chú nói trệch ra từ khách trú, có khi gọi là chệt từ Tàu, theo An Chi là người thông kim bác cổ giải thích: thời Hán trước Thiên chúa, thời kỳ đô hộ, những người quan chức sang cai trị nước ta đều gọi là Tàu, Tàu có nghĩa là ông quan. Dần dà trở thành tên một dân tộc.
Còn người Hán xuất hiện từ thời Lưu Bang và Hạng Võ cùng nhau diệt Tần rồi tranh ngôi. Hán Bái Công Lưu Bang người tộc Hán, ông này qua sử sách Hán Sở tranh hùng và phim ảnh sau này có tư cách xấu, rượu chè trai gái…đủ cả. Chỉ biết dùng người của một tên Đình Trưởng mà làm nên nghiệp cả. Theo Âu Đại Nhậm trong Bách Việt Tiền hiền chí những người tài phò Hán Lưu Bang có Tiêu Hà, Hàn Tín, Tào Tham, Anh Bố, Văn Ông, Thiệu Bình là người thuộc tộc Bách Việt.
Xin nói rõ Bách Việt Tiền hiền chí là pho sách hiếm hoi trong Lãnh nam Di thư do sử gia Âu Đại Nhậm biên soạn năm Gia Tỉnh triều Minh thứ 33 (1554), người gốc Bách Việt quê ở huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông. Năm Càn Long thứ 37 (1772) vua xuống chiếu mở tứ khố toàn thư của nhà Minh tìm thấy quyển sách này, kể những người Bách Việt có công với nước Trung Hoa như Thái Luân người làm ra giấy viết và rèn kiếm là người Quế Dương, Bách Việt thời Hán. Bây giờ thế giới đều biết giấy là do người Tàu sáng tạo đầu tiên. Cũng như ít ai biết là Nguyễn An một người Việt vẽ kiểu thành Bắc Kinh thời Minh thuộc, họ bắt những người có tài về phục vụ triều đình họ, còn bị "thiến".
Ông bà ta khi xưa đều học tiếng Tàu, ảnh hưởng sách nên cái gì hay cũng của Tàu. Dù là dân trí thức cũng không có đi lại nhiều ở trong nước huống chi đi Tàu làm thơ tả cảnh tuyết rơi, nhớ sông Tương… đều là tưởng tượng. Nhóm quan Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp dạy về cách trồng lúa nước. Sau này các nhà khoa học tìm ra là trong lãnh vực trồng lúa thì Ấn Độ và Tàu sau các dân tộc Đông Nam Á từ 500 đến 1000 năm. Vì lúa nước làm sao chịu lạnh được, khí hậu ở bắc nước Tàu lạnh như Bắc Âu, còn lạnh hơn nước Pháp. Cho nên họ trồng lúa mì, ăn bánh mì, mì sợi thay cơm. Lúa gạo thì trồng được ở địa bàn nam Trường Giang là lãnh địa của Bách Việt.
Theo truyền thuyết về trà do vua Thần Nông tìm ra một hôm cùng bá quan ngồi trong vườn, đang nấu nước có vài lá rụng bay rớt ngay nồi nước sôi, vua uống thì thấy ngon nên bắt đầu trồng cây trà này, chuyện này có 2500 năm trước Tây lịch nghĩa là hơn 4000 năm rồi. Còn ai có đến Hàng Châu, Trung Quốc cũng thăm đồi trà quanh Hồ Tây thật là nổi tiếng lúc ra về có mang trà xanh ít nhiều về uống và biếu bạn. Trước khi vô cổng vườn trà, có dựng một tượng ông tổ về trà Longjing vào thời nhà Đường thế kỷ thứ 7 cách nay 1300 năm. Vùng này đẹp có tiếng về tơ lụa, trà và quạt nằm ở hữu vực Trường Giang có khí hậu ôn hoà thì trồng trà được chớ vùng Hoàng Hà khí hậu mùa đông -15°, -20°C là thường mà cây trà đâu phải trồng vài tháng hè là có lá đâu.
Nhà văn Duyên Anh viết quyển Sát đát truyện, ai cũng cho là Duyên Anh nói khoác, ít ai tin. Tác giả đi tìm lại phong tục tập quán của ta xưa thì thấy người Tàu trước đời Đường thế kỷ thứ 7 sau Tây lịch, chưa có phong tục uống trà, tất nhiên là chưa có cây trà nào mọc ở bên Tàu hoặc có mà người dân Trung Hoa chưa biết dùng. Đến đời Đường về sau, người Tàu thường đi lại miền nam qua biên giới Việt, lúc Cao Biền qua Việt làm Thứ sử đất Giao Châu. Từ đó họ biết thưởng thức uống thứ hảo hạng của dân Giao Chỉ mà họ coi là man di, họ mang cây về trồng bên Tàu, trồng uống nhấm nháp làm thơ, du nhập văn hóa trà thi của phương nam mới có Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Di v.v… Trên bình diện văn hóa, cũng từ đó mới có các loại trà trảm mã, thiên thai trà, bạch viên trà, thiết quan âm trà cho tới ngày nay. Nhà văn Duyên Anh còn nhấn mạnh thêm: các loại trà ấy là con cháu của trà Việt do người Tàu đem về nước. Văn hóa Nhựt thì lại nhập cảng văn hóa Tàu lại đặt là trà đạo họ viết thành hệ thống tư tưởng thuộc thế hệ cháu chắt, có tên ngon lành hơn là Đại Việt.
Không biết ở bên Tàu có trồng cây cà phê được không, ở các quán ăn lớn nhỏ muốn uống cà phê thường thì không có nếu có thì đắt lắm. Chuyện bên Tàu đó nên kiểm tra lại, "trăm nghe không bằng một thấy".
Lại nói thêm điển tích về trà khác, khoảng năm 520 Tây lịch vua Lương Võ đế nghe tiếng Bồ đề Đạt ma bên Ấn Độ, vua mời qua để học đạo Phật, gặp được Bồ đề Đạt ma vua hỏi đủ chuyện về bố thí, cất chùa…nhà vua không hài lòng về cách trả lời. Thấy không cần ở lại, ngài Đạt ma mới đi về hướng núi Tung Sơn, khi qua sông dùng cọng cỏ lau làm thuyền lướt trên mặt nước. Lên núi Tung Sơn ông diện bích 9 năm, lúc đầu ngồi thiền buồn ngủ mắt híp lại, ông giận lấy dao cắt mí mắt quăng ra ngoài sân, mí mắt ấy thành cây trà để ông uống không buồn ngủ nữa. Ông ở Ấn Độ qua là tổ thiền đời thứ 26, ở Tàu là tổ thứ nhứt và là tổ sư chùa Thiếu Lâm. Ở Việt Nam gần như chùa nào cũng có thờ ông, còn ở bên Tàu chỉ có chùa Thiếu Lâm mới thờ còn các chùa khác ít thấy. Cũng có kỳ thị vì mặt mày không giống da vàng, nếu nhìn nhận thì hóa ra phái Thiếu Lâm do người Ấn sáng lập sao!
Qua lãnh vực đạo Phật, gặp các vị thầy tụng thuộc kinh làu làu, hỏi gốc đạo truyền qua Việt Nam từ đâu, phần đông nói truyền từ bên Tàu. Thật ra truyền từ Giao Châu qua do thiền sư Khương Tăng Hội hồi đầu thế kỷ thứ 3 thời Tam quốc lúc đó nước ta thuộc Đông Ngô. Cha thầy từ Ấn Độ qua Giao Châu mua bán bằng đường biển lấy mẹ thầy là người Giao Châu (Việt Nam) ở Bắc Ninh lúc đó gọi là Luy Lâu, lúc đó dân ta học tiếng Tàu nên thầy rành chữ Hán lại biết chữ Ấn Độ nữa nên thầy viết kinh sách, giáo đoàn có hơn 500 người. Chúa Tôn Quyền nghe người đạo hạnh nên mời qua giảng kinh, rồi lập chùa chiền vì do đức tin của chúa. Đến thời con là Tôn Hạo lên ngôi cho là mê tín phá chùa, đàn áp những người theo đạo, gởi người tài giỏi đến hạch sách thầy Tăng. Hỏi đủ điều, điều gì thầy cũng trả lời rành mạch suông sẻ, sứ giả trở về thuật chuyện, Tôn Hạo mời thầy đến đàm đạo, từ đó Tôn Hạo xây chùa lại thành lập giáo đoàn. Vậy là trung tâm Phật giáo Luy Lâu có trước rồi tới Bành Thành rồi tới Lạc Dương… Có người cho là từ bên Tàu là đúng vì lúc đó nước ta lệ thuộc Tàu. Vậy hỏi lại, dân Mông Cổ, Tây Tạng,…là người gì khi bị Tàu cai trị, họ không có gốc gác đất đai riêng sao?
Đọc chuyện trà và các vị thuốc bắc do các thầy nhà trí thức viết khen đáo để. Đây là chuyện ngoại sử thời cận kim: trong bữa tiếp tân các sứ thần ngoại quốc, Từ Hi Thái hậu đãi 365 món, có 7 món đặc biệt là linh chi, tượng tinh, sơn dương trùn, chuột bạch bao tử, óc khỉ, trứng công và nhũ trư. Bữa tiệc kéo dài từ mồng một đến mồng 7 tháng giêng.
Tần Thủy Hoàng muốn tìm nấm linh chi nên sai đạo sĩ Từ Phúc dẫn 1500 đồng nam và 1500 đồng nữ dong thuyền ra Đông Hải để tìm thuốc trường sinh mà không thấy trở về. Họ đến đất phù tang kết thành vợ chồng nhau là tổ tiên của người Nhựt Bổn bây giờ.
Xin nói về nấm linh chi thôi, thật ra quý từ hơn 2000 năm trước được ca tụng nhưng xào mà đãi các nhà ngoại giao Âu Tây (lúc đó bát quốc liên quân đang làm thịt nước Tàu) ăn vô chắc là ói ra mật vì đắng.
Mãi đến năm 1971 hai nhà bác học người Nhựt tên là Yukio Naoi và Zenzaburo Kasai, giáo sư phân khoa nông nghiệp đại học Kyoto mới thành công trong việc gây giống được vị thuốc này.
Thủy tổ nghề dệt ở Trung Hoa là Hoàng Đạo Bà, người ở trấn Ô Ni Kinh thuộc Thượng Hải thời Tống Nguyên hồi thế kỷ 13, ra đời trong một gia đình nông dân, theo tập tục dã man xem đàn bà rẻ rúng nên vào năm 11 tuổi phải đi làm con dâu, bà không chịu nổi cảnh hà khắc của mẹ chồng và chồng nên vào một đêm bà trốn lên tàu ở bến Hoàng Phố đi ra đảo Hải Nam thành phố Hải Khẩu lúc đó là Nhai Châu vào năm 17 tuổi. Ở đây có tộc Lê, nam làm nông, nữ dệt vải, tôn trọng nữ quyền. Nghề dệt "gấm Lê" dệt bằng bông gòn tốt do tộc Lê sản xuất. Bà gia nhập vào cơ sở sản xuất biết cách thức từng khâu một nên bà trở thành người xuất sắc trong nghề. Sau 30 năm ở hải đảo bà nhớ quê nên trở về quê cũ, ở đây đất cằn cỗi dân không đủ sống. Bà liền bắt tay dạy kỹ thuật kéo sợi cho phụ nữ, bà cải tiến công cụ dệt, nâng cao sản xuất. Không bao lâu hàng chở đi nơi khác, dân chúng khá lên. Cả phủ Tùng Giang trở thành trung tâm nghề dệt bông của cả nước.
Sau khi bà mất dân lập đền thờ Hoàng mẫu nhiều nơi, thời điểm này kỹ thuật dệt bông đã chiếm một vị trí tiên phong trong công nghiệp dệt của thế giới. Đó là niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa nói chung và phụ nữ Trung Hoa nói riêng, được xem như thủy tổ của nghề dệt vậy mà trong sử sách Tàu không thấy ghi chép, có chăng chỉ nói sơ sài vì cổ đại địa vị xã hội của đàn bà Tàu thấp kém lại nữa nghề dệt do dân tộc Lê truyền lại, mà đảo Hải Nam bị sử sách chê là dân dã man ăn thịt người và cha con gái còn ngủ nhau. Trước thuộc Bách Việt có tên là Châu Nhai Đạm Nhỉ.
Khổng Tử là Vạn thế sư biểu thờ nhà Chu, mà gốc gác nhà Chu có nhiều sách ghi đều là có nguồn gốc hạ tiện, có sách chép là người Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Tạng hay bộ lạc Tây Nhung, Tây Di thuộc Tứ Xuyên. Bắt đầu từ nhà Chu, sử chép rõ hơn các thời trước thường là truyền thuyết, thần thoại.
Dẹp yên giặc, nhà Chu chia thành khu vực cho các công thần, thân tộc như sau:
1. Lỗ thuộc huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông (quê hương Khổng Tử) phong cho con Chu Công là Bá Cầm.
2. Tề thuộc huyện Lâm Tri tỉnh Sơn Đông, phong cho con Lã Công Vọng.
3. Vệ thuộc huyện Kỳ tỉnh Hà Nam, phong cho em Vũ Vương là Phong.
4. Tống thuộc huyện Thương Khâu tỉnh Hà Nam.
5. Tấn thuộc tỉnh Sơn Tây và một phần Hà Nam.
6. Thái thuộc một phần tỉnh Hà Nam và sau dời qua An Huy.
Như vậy xưa dân tộc Hán đâu thấy bóng chung quanh các tỉnh đó, nam bắc đông tây hoàn toàn không có, đừng nói chi tới các đảo ngoài khơi. Hãy nhìn bản đồ Trung Quốc thì rõ. Có 22 tỉnh, 4 khu trực thuộc trung ương và 5 khu tự trị đó là những xứ mà bị cho là man di, ghi tiếng Pháp là Région Autonome:
- Quảng Tây, dân tộc Choang, diện tích 236.000 km2, dân số 47 triệu.
- Nội Mông, 1.183.000 km2, 24 triệu dân.
- Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, 1.600.000 km2, 18 triệu dân.
- Hồi Ninh Hạ, 66.000 km2, 6 triệu dân.
- Tây Tạng, 1.228.000 km2, 52 triệu dân. Dân Tây Tạng chính gốc có khoảng 3 triệu.
Đó là chưa kể các phần đất bên này sông Dương Tử thuộc nòi Bách Việt trong đó có Hải Nam đảo, còn các tỉnh Hắc Long Giang, Cáp Nhĩ Tân, Liêu Ninh, Cát Lâm, Thanh Hải... thuộc Mãn Châu và nhiều tộc khác.
Thử làm bài toán cộng trừ nhân chia thì biết gốc gác Tàu Hán có bao nhiêu đất và dân. Thế mà họ lấn dần tới nay chưa tới 10 triệu cây số vuông. Nếu mà vụ Thiên An Môn thắng lợi thì nước Tàu hôm nay sẽ bị chia năm xẻ bảy như nước Nga vậy. Chắc chắn rằng một ngày không xa các dân tộc chung quanh ý thức được thì cái họa không thể lường được.
Để kết thúc bài này, ta hãy suy nghĩ bọn bành trướng phương Bắc xem mình là văn minh Hoa Hạ đi giáo hóa dân Thương Ưởng từ hồi nước Tàu thống nhứt thời Tần Thủy Hoàng có từ 2200 năm. Một tể tướng, một nhà cải cách nước Tần, dùng pháp trị nói: "Ban đầu tập tục nước Tần không khác tập tục Nhung, Địch. Cha con không phân biệt ở chung một buồng, nay tôi đặt lễ giáo, trai gái không có sự lẫn lộn như Lỗ, Vệ" (hai nước Lỗ, Vệ thuộc Hán tộc).
Học giả Thái văn Kiểm từng kể: Sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911, Tôn Dật Tiên nhường chức tổng thống cho Viên Thế Khải, ông sang viếng thăm Nhựt với tư cách là đảng trưởng Quốc Dân đảng Trung Hoa được ông Khuyển Dưỡng Nghị đảng trưởng Quốc Dân đảng Nhựt tiếp đãi. Trong một bữa tiệc, ông Khuyển Dưỡng Nghị đột nhiên hỏi: "Tôi biết được tiên sinh (Tôn Văn) có qua Hà Nội, xin tiên sinh cho biết tôn ý về dân tộc Việt Nam". Tôn Văn đáp: "Người Việt Nam vốn có nô lệ căn tính, ngày xưa họ bị chúng tôi đô hộ, ngày nay họ lại bị người Pháp đô hộ, dân tộc ấy không có tương lai". Ông Khuyển được dịp nói: "Về điểm này tôi xin phép không đồng ý với tiên sinh, hiện nay họ thua Pháp vì họ thiếu vũ khí, nhưng cứ xét theo lịch sử thì trong số Bách Việt chỉ có họ là không bị Hán hóa. Tôi tin rằng một dân tộc đã biết tự bảo vệ một cách bền bỉ như vậy thì thế nào sớm muộn cũng sẽ lấy lại được quyền tự chủ". Lời phát biểu của Khuyển Dưỡng Nghị làm cho Tôn Văn hổ thẹn vì biết mình nói hố. Tôn Văn thừa hiểu rằng ông Khuyển muốn nhắc khéo là ông Tôn là người Quảng Đông tức Nam Việt cũ thì tổ tiên là người Việt, nhưng kém xa dân Lạc Việt không bị Hán hóa.
Cách đây khoảng 2200 năm, Tần Thuỷ Hoàng sai Đồ Thư mang mấy chục vạn quân chia làm 5 đạo tiến đánh Bách Việt, một Việt gian cao cấp tên Sử Lộc coi việc đào sông chuyển vạn quân lương một cách đắc lực có kết quả rất khoa học. Nhờ vậy mà giết được vua Tây Âu là Dịch Ngu Hống. Người Việt bỏ lên rừng núi không chịu nhục dưới ách nhà Tần, ngày ẩn, đêm xuất hiện đánh giết quân Tần của tướng Đồ Thư. Quân Tần rút để lại Sử Lộc, con cháu nhiều đời làm chức lệnh cai quản vùng này, dĩ nhiên thuộc Tàu.
Ở xứ người hiện nay sử sách có giá trị được chứng minh. Đừng thấy sang bắt quàng làm họ. Họ có vinh quang gì hơn ta đâu. Con người sanh ra, mình phải biết mình là ai, nguồn gốc từ đâu. Hại nước nhà, hại tổ tiên, hại nước mình đang sống thì còn thua loài cầm thú, ăn năn không kịp. Nếu thật sự có nghiệp, có quả báo luân hồi thì cái tội bất hiếu, bất trung để vào đâu!
Trần Khánh
(Trích: "Nhìn về Quê hương đất Tổ")