LŨY THẦY
Trần Khánh
Đem so sánh lũy Thầy với Vạn lý Trường thành thì sự lớn nhỏ bằng một trời một vực. Vạn lý Trường thành xây lên với mục đích chống với các rợ Hồ, Hung, Nô. Còn lũy Thầy là phòng tuyến chống quân họ Trịnh và cũng ngăn thiên tai giúp mùa màng. Các nhà nghiên cứu lịch sử còn cho rằng nếu không có lũy Thầy thì họ Nguyễn không giữ nổi đất Thuận Hóa, nếu bị họ Trịnh tiêu diệt thì họ Trịnh đâu có bành trướng nổi về phương nam vì Trịnh còn phải chống với nhà Mạc ở Cao Bằng và lo họa xâm lăng phương bắc thì đâu có rảnh tay mà ngó về phương nam.
Lũy Thầy còn gọi là lũy Đông Hồi, Đầu Mâu, Trấn Ninh, Nhật Lệ. Sở dĩ lũy có nhiều tên là vì lũy chạy dài cả 30 cây số đi qua nhiều địa phương khác nhau, khi xây xong đoạn nào thì dân địa phương lấy tên làng xóm mà gọi, lâu ngày thành quen. Nếu tính toàn lũy từ Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ thì gọi chung là lũy Quảng Bình, Trường thành, Đinh Bắc Trường thành.
Lũy Thầy được xây bởi ông Đào Duy Từ, một thiên tài quân sự, sanh năm 1572 tại làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá, học rộng, biết nhiều. Vì căm giận chế độ khắt khe đối với con một phường chèo không được ra thi của chúa Trịnh, ông tìm vô Nam để giúp chúa Nguyễn được tiếng là chiêu hiền đãi sĩ.
Năm 1625, ông tới quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Vì thiếu hụt nên phải đi chăn trâu cho một phú hộ. Phú ông dò biết Đào Duy Từ là người có tài trí lớn nên giới thiệu cho Khám lý Trần Đức Hoà là người được chúa Nguyễn tin dùng. Qua cuộc khảo sát, Trần Đức Hoà biết Đào Duy Từ là người có tài cao bèn giữ lại và gả con gái cho. Lúc này ông đã 53 tuổi. Sau đó Trần Đức Hoà dâng cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên xem bài "Ngọa Long Cương" nói là của thầy đồ của tôi làm. Đọc xong, chúa Nguyễn đánh giá là bậc Khổng Minh, Tử Phòng đời nay. Nguyễn Phúc Nguyên vừa mừng vừa tiếc nói: "Sao nhà ngươi đến với ta muộn thế", liền phong cho Đào Duy Từ chức Tham lý Quốc chính, tước Lộc khê hầu, giao cho mọi việc quản cơ trong ngoài cõi.
Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn chỉ có tám năm thôi (mất năm 1634, thọ 63 tuổi). Ông đã xây dựng nhiều công trình lớn, một quân đội hùng mạnh, một tuyến phòng ngự chiến lược bất khả xâm phạm vừa giữ vững cõi bờ vừa góp phần lợi ích về kinh tế và khí hậu trong vùng. Ngoài ra, ông còn đào tạo những người học trò giỏi như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến tiếp tục đường lối quân sự của ông. Ông còn để lại cho đời một tác phẩm về quân sự là "Hổ trướng Khu cơ" rất quí giá.
Đọc Hổ trướng Khu cơ có 10 điều răn dạy lấy nhân nghĩa làm trọng để chiến thắng và 10 phép dùng binh. Điều ngạc nhiên là ông đã sớm nắm được kỹ thuật chế tạo vũ khí đạn dược của Âu Châu: đạn nổ gọi là hỏa cầu, đạn mù có thuốc độc gọi là yên cầu, tên lửa gọi là hỏa tiễn. Sách viết rõ chú trọng kỹ thuật chế tạo, cân lượng chính xác. Lại còn truyền bá cách làm súng bắn đổ núi, phép thần cơ đắp lũy tạm, phép làm đá bắn giữ trại, làm cờ xem hướng gió, việc nấu cơm đầu ngựa, việc chế thuốc chịu đựng cơn đói khi quân đội thiếu lương thực. Có thể nói không ngoa rằng ông là một nhà bác học, một kỹ sư vũ khí.
Trong Hổ trướng Khu cơ, Đào Duy Từ dạy cách đóng binh phân đất ra 10 kiểu, có 4 kiểu xấu và 6 kiểu tốt.
Bốn kiểu xấu là:
- Thiên khảo, là đất bốn bề đồng bằng giữa thung lũng; đóng quân giữa thung lũng bị giặc vây 4 mặt thì không có đường lui.
- Tử phách, là đất có bãi tha ma, mộ địa, nếu đóng quân ở đây làm binh sĩ sợ hãi, lo lắng, bệnh tật làm nhục chí chiến đấu.
- Tử ngục, là đất giữa bằng phẳng bốn bên có gò núi như cái chậu lật ngửa, chớ nên đóng binh vì địch dựa vào chỗ cao đánh xuống.
- Tử trụ, là đất tứ phương nối rộng, trong đó có một thung lũng; đất ấy kiêng đầu núi, giặc đằng sau lòn qua núi, ta mất chỗ hiểm, tiến lui không được nên bị giặc bắt.
Và 6 kiểu đất tốt :
- Đất thông địa, là đất bốn bề đi lại được, phía sau có đường tải lương vừa tiện đường viện binh. Các đường tắt thì canh phòng giặc ngầm tìm tới.
- Đất quai địa.
- Đất chỉ địa.
- Đất ải địa.
- Đất hiểm địa.
- Đất viễn địa, là đất ở hai bên đối phương ở cách xa nhau. Gặp đất này mà giặc đến khiêu chiến ắt có phục binh, ta nên cẩn thận.
Xét qua di tích của lũy Thầy, bắt đầu từ đụn cát phía bắc thị xã Đồng Hới băng qua thôn Phú Xã xã Lộc Ninh, vượt đường xe lửa dọc theo đồi xã Lý Ninh đến Nghĩa Ninh và gò đồi Lê Kỳ xã Vĩnh Ninh đến Vĩnh Tinh theo triền núi Phúc Duệ vượt ngã ba sông Kiên Long Đại băng qua Dinh Mười, huyện Quảng Ninh và vùng đồng ruộng Võ Xá trèo lên đụn cát cao dọc theo sông Nhật Lệ, phóng mắt nhìn qua các điểm kể trên, ta thấy vùng đất này giống như cái chậu lật ngửa, bốn bề là điểm cao phủ lấp mặt phẳng, chính giữa là con sông Nhật Lệ như một đường trung tuyến bổ đôi cái chậu ra làm hai mảnh, làm cho thế đất vùng đáy chậu mất sự liên hoàn mà còn tạo ra con đường thủy đi vào giữa trận địa.
Như vậy, toàn bộ hệ thống phòng tuyến của lũy Thầy đã sa vào cái địa thế "đất tử ngục" là thế đất xấu nhất trong Hổ trướng Khu cơ.
Ấy vậy mới là cái chỗ cao tuyệt của Đào Duy Từ, ông không nhìn địa thế dưới đôi mắt của người thường mà nhìn bằng con mắt toàn cục của một chiến lược gia. Vì ông đã nhận ra rằng nơi đây là nơi hẹp nhất của nước ta, có thể ngăn chận đối phương dễ dàng hơn hết về phương diện nhân lực, xây phòng tuyến nhanh nhất và điều quân tức tốc.
Đất thông địa là đất tốt số 1 trong Hổ trướng Khu cơ thì cũng là vùng đất này, thuở xưa các con đường thủy bộ đàng Ngoài vào đều tụ lại ở điểm Nhật Lệ. Nếu biết được thì phía trước (mặt ngoài) đã khóa chặt con đường tấn công đối phương lại, còn phía sau (mặt trong) là đường tiếp viện, chuyển quân lương của mình hết sức tiện lợi lẫn an toàn. Thế là Đào Duy Từ biến đất tử ngục thành đất thông địa. Lại nữa, vị trí quân Trịnh án ngữ bên bờ bắc sông Gianh thì thế đất này nằm trong thế đất viễn địa, kiểu đất tốt thứ 6 trong Hổ trướng Khu cơ.
Tóm lại, bức trường thành này đã phát huy cao độ tính ưu việt của đất thông địa và viễn địa. Vô hiệu hóa các cao điểm của đối phương trong đất tử ngục, bít được đường tấn công của đối phương, giữ được đường tiếp viện và tiếp vận của mình. Khi quân Trịnh rời bỏ các cao điểm để tới chân lũy thì quân Nguyễn trở thành ở vị trí cao đánh xuống. Vậy là quân Nguyễn ở thế chờ kẻ địch ở thế mệt. Quân Trịnh trước khi tiến cận chân lũy đã tự phơi mình dưới mắt và tầm súng quân Nguyễn.
Lũy Thầy được xây trong vùng địa dư từ Nam Định đến Bắc Hạc Hải, nằm vào đoạn giữa của tỉnh Quảng Bình mà cửa biển Nhật Lệ là trung tâm. Hệ thống phòng ngự gồm có:
- Phòng tuyến Trường Dục xây năm 1630 (còn gọi là lũy Hồi Văn).
- Phòng tuyến Nhật Lệ xây năm 1631 bao gồm cả lũy Trấn Ninh cũ xây thêm năm 1662 (còn gọi là lũy Đầu Mâu, Đông Hải, Trường lũy Trấn Ninh, Trường thành, Định Bắc Trường thành).
- Phòng tuyến Trường Sa xây năm 1634.
- Phòng tuyến An Náu xây năm 1661.
Trong 52 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, chưa thấy nhà Nguyễn lấy tấn công làm sách lược, chỉ có hai lần vào tháng 9 năm 1630 họ Nguyễn đẩy Trịnh ra khỏi Nam Bố Chánh và một lần nữa vào 1637 đẩy quân Trịnh ra bến sông Lam (Nghệ Tinh) rồi dừng lại để xây phòng tuyến từ đầu nguồn sông Lam đến cửa biển Thanh Hà (Hà Tỉnh) để chống giữ lâu dài chỉ là chiến đấu phòng ngự. Và trong 52 năm đó quân Nguyễn cũng chưa bao giờ truy kích quân Trịnh khi Trịnh lui binh, cũng chưa hề chặn đường lui binh của Trịnh.
Thời Tam quốc bên Tàu, Khổng Minh 6 lần cất quân ra Kỳ Sơn để mở đường vào Trung Nguyên là 6 lần về không. Chiến tranh Trịnh Nguyễn cũng vậy. Họ Trịnh cất quân 7 lần tiến đánh Đông Hải-Nhật Lệ mở đường vào đàng Trong là 7 lần cũng về không.
Còn sông Nhật Lệ có từ bao giờ không ai biết. Có nhiều truyền thuyết mang ý nghĩa đối nghịch nhau. Nhật Lệ là đẹp như ánh sáng mặt trời ban ngày theo cách viết xưa. Huyền Trân Công chúa đời Trần theo lệnh vua cha, trên chặng đường cuối cùng từ giã tổ quốc thân yêu về làm dâu nước Chiêm Thành để đổi lấy "Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm, Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi". Khóc cảnh chia ly, nước mắt chảy thành sông Nhật Lệ. Và vương phi Mỵ Ê, bị vua Lê Thánh Tông bắt làm tù binh trên đường về Thăng Long đi ngang qua sông Nhật, khóc nước mắt chảy thành sông Lệ, sau nhảy xuống biển tự tận.
Trong khung cảnh vùng đất tử ngục mà con sông Nhật Lệ như phát một nhát dao bổ đôi cho cái chậu lật ngửa ra. Đào Duy Từ và các tướng tài nối tiếp ông như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh… đã bày binh bố trận tài tình để giữ vững cơ đồ cho 9 đời làm chúa của họ Nguyễn, đã buộc quân Trịnh phải đi theo con đường mà ông đã định sẵn, gọi là bắt quân địch phải đánh theo cách đánh của mình. Vậy mới là nhà quân sự đại tài!
Trần Khánh
(Trích:"Nhìn về Quê hương đất tổ ")