NIỀM ĐAU DÂN TỘC

Trần Khánh

Nước Việt Nam ta, từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, đều chung cùng một tiếng nói và viết cùng một thứ chữ, không như nhiều dân tộc khác… Nhưng tại sao xa nhau về ý tưởng, suy nghĩ của mỗi miền. Đó là óc suy luận của mỗi người tùy theo trình độ hiểu biết, lại thêm về tôn giáo và ý thức hệ nữa.
Gốc gác quê quán của vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều cùng một dòng sông Mã xứ Thanh Hóa. Lê ở thượng du Nam Sơn, Trịnh thuộc trung du Bồng Thượng và Nguyễn ở miền hạ du Gia Miêu của lưu vực sông Mã.

Lúc thịnh thời đời Lê trung hưng, cả ba họ vốn như một nhà. Lê là vua, Trịnh, Nguyễn là tôi thần. Ba họ quan hệ nhau hết sức chặt chẽ, bằng hôn nhơn thắm thiết, lâu ngày chầy tháng biến thông gia thành oan gia. Trịnh Kiểm đánh thuốc độc cha vợ là Nguyễn Kim rồi đổ thừa cho Dương Chấp Nhất, một hàng tướng nhà Mạc. Sau đó giết luôn người anh cả của vợ là Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng lo sợ tới phiên mình nên xin chị là Ngọc Bảo thưa lại với chồng là Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa (1558) để được yên thân.
Từ đó, về mặt đất đai phân ra hai đàng: Bắc đàng Ngoài chúa Trịnh, Nam đàng Trong chúa Nguyễn, về thứ tự ngôn ngữ cũng phân Cả và Hai. Với sự giải thích rằng: Cả, trưởng Nguyễn Uông đã bị Trịnh Kiểm giết rồi, nên Nguyễn Hoàng ở đàng Trong bắt đầu là Hai cho tới ngày nay vẫn còn quán tính, mà quán tính ấy lại còn tự tôn nữa: Ba Tàu, Tư lùn (Nhật), Năm Miên, Sáu Lèo, Bảy Chà (Ấn Độ).
Ông Hai Hoàng được tay chân họ hàng xứ Thanh giúp sức gầy dựng xứ Thuận Hóa (Quảng Trị đến Quảng Nam). Vùng đất mới này có một hấp lực đối với nhóm dân nghèo Thanh Nghệ bỏ quê theo vào đàng Trong hoặc các hiền tài (như Đào Duy Từ) không được trọng dụng ở đàng Ngoài vào, mong được đắc dụng và có đời sống tốt hơn. Ngoài ra, còn có cánh họ Mạc chống Trịnh theo nữa.
Ông Hai Hoàng chiêu hiền đại sĩ, lo cho dân chúng theo mình, cật lực phát triển đất đai…Mười bốn năm sau, Đại Việt sử ký ghi: Dân hai trấn đều cảm lòng mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài tới lui mua bán, quân lính nghiêm nhặt, trong cõi yên ổn làm ăn.
Qua thời các chúa: Tiên Nguyễn Hoàng, Sãi Nguyễn Phước Nguyên, Thượng Nguyễn Phước Lan, Hiền Nguyễn Phước Tần, Ngãi Nguyễn Phước Trăn đều lo mở mang khai thác nông nghiệp, mở rộng đô thị Phú Xuân, hải cảng Hội An.
Chúa thì ở Phú Xuân, cho con là thế tử qua trấn đất Quảng Nam tập sự để làm chúa sau này.

Thời Gia Long tẩu quốc, ở đất Nam Kỳ đâu đâu cũng để lại dấu vết, ít nhiều di tích lịch sử của Nguyễn Ánh. Cho nên, người Đồng Nai, Lục tỉnh tự hỏi: Tại sao vua Gia Long không đóng đô ở Sài Gòn ra chi tới Huế. Sài Gòn là đất khởi nghiệp, đất bản bộ, được dân chúng ủng hộ, đất cát phì nhiêu, đời sống dễ dãi, ngoại thương tiện lợi…Tây phương khó lòng xâm nhập, nhưng Âu Tây ở xa chưa ai nghĩ tới, cái lo trước mắt là Tàu ở sát nách, luôn luôn dòm ngó hàng ngàn năm, lo đê điều lũ lụt, lo dân tình Bắc Hà làm loạn. Đóng đô vùng đất mới Sài Gòn xa đất Bắc quá…không được.
Còn người dân xứ Quảng cho rằng đóng đô ở đất thực tập làm chúa của các thế tử là thượng sách vì ở đây là trung tâm nước Việt về mặt hình học kể từ Nam Quan đến Cà Mau. Được giải thích rằng để dõi mắt trông chừng sự xâm nhập của các tập đoàn phản loạn về mặt quân sự ở mặt bắc, tiện bề giao dịch, kiểm soát giữa Bắc thành và Gia Định thành.
Còn người Thăng Long và kẻ sĩ Bắc Hà chê trách vua nhà Nguyễn lấy Huế làm kinh đô là nơi sơn bất cao, thủy bất thâm, con đen đầu thì bỏ, con đỏ đầu lại nuôi, bỏ cố đô Thăng Long chốn nghìn năm văn vật. Cái ảnh hưởng "phù Lê diệt Trịnh" của nhà Nguyễn được toàn dân cả nước đều công nhận, nhưng khi Nguyễn Ánh lên ngôi đã thất tín bỏ niên hiệu Cảnh Hưng của vua Lê mà sáng lập lên triều đại mới làm sĩ dân Bắc Hà sửng sốt, bừng tỉnh nhớ lại công ơn người nông dân áo vải đất Lam Sơn đã nằm gai nếm mật 10 năm đuổi giặc Minh, còn ghi rõ trong tâm khảm trong từng lớp nhân dân. Thà họ Nguyễn đừng hứa và dùng danh hiệu Cảnh Hưng trong các giấy tờ, hiệu lịnh cho toàn quốc trước ngày thống nhất, họ chê nhà Nguyễn dùng thủ đoạn và bá thuật.
Khi đã thống nhất sơn hà, Gia Long bổ các tướng Lê văn Duyệt, Nguyễn văn Thành, Đặng Trần Thường lập chế độ tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành. Đổi cái xứ gốc thành ra Bắc thành. Cờ tiết cầm trong tay, ông Thành ra tay sấm sét, đem nhân sĩ Bắc Hà ra làm tội, báo oán dằn mặt. Ai cũng biết Ngô Thì Nhậm là danh sĩ hàng đầu, đã bày mưu vạch kế cho Nguyễn Huệ đuổi sạch bóng quân thù (Thanh), thế mà Đặng Trần Thường vì hận cũ căn nọc Nhậm giữa sân Văn miếu đánh trăm roi, đầu roi có móc câu, nên Nhậm đổ ruột ra mà chết. Danh sĩ Phan Huy Ích cũng bị đòn đau, nhưng còn sống vì không có tư thù. Các việc sỉ nhục như thế làm sao giới sĩ phu và cố thần nhà Lê nghe theo lời hiệu triệu của chế độ mới được. Ngoài ra, còn sự biểu lộ sự lãnh đạm, sự chia rẽ nơi chánh quyền mới với người dân đất Bắc. Lại nữa, dân chúng ai cũng rõ Gia Long với sự trợ giúp của Tây phương, Xiêm La, đã thành công tiêu diệt con cháu nhà Tây Sơn, được đồng hóa với Lê Chiêu Thống là rước voi về giày mả tổ, nên không gây được cảm tình với sĩ dân trong nước, nên nhà vua mệt lòng với nhiều cuộc đối kháng xảy ra đến bảy lần trong thời Gia Long. Dưới triều Minh Mạng, lên tới ba mươi lần, quan trọng nhất là loạn Lê văn Khôi làm nhà vua mất ăn mất ngủ, bỏ cả thú săn bắn và thả chim quí. Đến thời Thiệu Trị, chỉ có bảy năm ngắn trị vì (1841-1847) mà có đến chín cuộc vùng dậy của dân nghèo. Các sự kiện xảy ra, người dân Bắc Hà đâu có ở trong địa vị của Gia Long để hiểu rằng trước ngày lên ngôi vua (1802), Huế đã có lịch sử dài cả hai trăm năm rồi, là đất bản bộ của dòng họ chúa Nguyễn, chịu bao nỗi thăng trầm của lịch sử tiến hóa. Với chiều sâu lịch sử đó, đủ để là nơi hội tụ nhân tài và nền văn hóa Trung-Nam, tạo thêm một sức mạnh cho văn hóa Việt Nam, đó là văn hóa Phú Xuân Huế, một loại văn hóa cung đình. Nguyễn Ánh không ngây thơ bỏ đất bản bộ của dòng họ mình mà ra đế đô Thăng Long là đất chân không. Ai lại muốn được tiếng trở về nguồn đất Bắc mà sống trên đống lửa âm ỉ cháy trong sự bất mãn của dân Bắc Hà. Vai trò lịch sử Huế vẫn còn đó, nét thanh tú của sông Hương núi Ngự, Huế đầy thơ mộng, chợ Đông Ba dầy đặc những nón lá như nấm tháng năm, cầu Trường Tiền lặng lẽ vươn mình qua Hương giang…Còn nữa, nét thanh lịch của cách ăn mặc, đi đứng của người thần kinh, những giai điệu sâu lắng qua câu hò giọng hát, và các di tích kiến trúc cung đình, chùa chiền, lăng mộ. Có thể nói rằng không đâu đầy đủ và điển hình hơn cho chúng ta cảm nhận và phân tích vẻ đẹp Việt Nam ở thế kỷ 19, là một nền nghệ thuật và mỹ thuật cao của Việt Nam. Tiếc thay! Đến đời vua Tự Đức thì thù trong giặc ngoài hết thuốc chữa. Năm Tự Đức nguyên niên (1848) thiên tai bất tận: hạn hán, châu chấu cắn lúa, lụt lội, đê điều bị vỡ, gây ra nạn đói, bệnh đậu mùa. Nạn binh đao từ năm 1858 đến năm 1860 với nổi loạn và ngoại xâm Pháp, Nguyễn Tri Phương tâu lên vua Tự Đức: "Quân và dân kiệt quệ lắm rồi". Hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) với Pháp hết sức nhục nhã, đã mất đất còn phải bồi thường chiến phí cho giặc Pháp.
Năm 1862 đến 1867 giai đoạn toàn dân Nam Kỳ sôi sục đấu tranh chống Pháp, bất chấp cả lệnh vua. Sớ tấu về triều hàng ngày với lòng cương quyết chống giặc trong Nam. Có lần Tự Đức phê vào phiếu tường trình: "Sáng đòi đánh, chiều đòi đánh, các ngươi muốn mẹ con ta ở đâu?" (lời này theo Hứa Hoành viết là lời của Từ Dũ). Loạn thời Tự Đức được Cao Bá Nhạ tả: "Văn tụ thành lôi, nghĩ quần hán thụ" (muỗi kêu thành sấm, kiến họp rung cây).
Giặc Tam Đường (1851), giặc Châu chấu (1854) thủ lãnh Lê Duy Cự, Cao Bá Quát chủ mưu, mọi Vách Đá và Lê Uẩn nổi dậy (1860), người Miên và dân công giáo nổi dậy ở Nam Kỳ (1861), giặc Tạ văn Phụng (1861), giặc Cai Vàng và biến động Hải Dương (1862). Còn nữa, có thể nói rằng giặc giã trong nước cho tới ngày vua Tự Đức mất 1883 thì đất đai Việt Nam cũng bị mất luôn.
Điều đáng kể hơn cả là ba vụ âm mưu đảo chánh tại kinh thành mà kẻ chủ mưu là người trong hoàng tộc cả.
Năm 1851 tháng giêng, An Phong công Hồng Bảo, anh ruột vua Tự Đức; trước khi mất, vua Thiệu Trị lập con thứ là Phước Tuy công Hồng Nhậm tức vua Tự Đức sau này lên làm vua, lý do Hồng Bảo học kém, hạnh kiểm xấu vì thế Hồng Bảo tức giận họp kẻ thân tín, vận động ngoại quốc âm mưu lật đổ vua em. Việc bại lộ bị bắt tất cả và truy tố. Vua Tự Đức không nỡ xử tử anh mình mà đổi ra án chung thân cấm cố, sau đó Hồng Bảo dùng tấm vải trải giường thắt cổ chết ở nhà giam. Về sau, trong một bữa tiệc, vua Tự Đức nhai cắn phải lưỡi, quan đại thần Nguyễn Hàm Ninh có làm bốn câu thơ:
Sinh ngã chi thời nhĩ vi sinh
(Cái lúc sinh ta chú chưa sinh).
Nhĩ sinh chi hậu ngã vi huynh
(Chú sinh sau phận chú em anh)
Nhất đường cộng hưởng tràn cam vị
(Một nhà chung hưởng mùi ngon ngọt)
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình
(Sao nỡ quên đi cốt nhục tình).
Năm 1886, một vụ tạo phản tại kinh thành, người đương thời gọi là giặc chày vôi, do ba anh em Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tư Trực, tuổi trên dưới hai mươi, có tiếng văn hay chữ tốt. Đoàn Trưng lấy công chúa Thể Cúc con gái Tùng Thiện vương tức chú ruột vua Tự Đức. Trưng nhờ thế lực của cha vợ nên lôi cuốn được một số võ quan trong thành. Lợi dụng lòng dân phẫn uất lúc xây Vạn niên cơ (Khiêm lăng), mùng 8 tháng 9 quân phiến loạn khởi sự lúc canh ba, có hơn một ngàn người tham dự gồm có binh sĩ, thợ thuyền, dân công đang phục dịch. Vì thiếu vũ khí, nên họ mang cả những chiếc chày đâm vôi dùng để tấn công, nên có tên là giặc "chày vôi". Cuộc bạo động thiếu tổ chức, dân binh hỗn hợp, nên bị thất bại bởi lực lượng giữ thành một cách nhanh chóng. Các người thủ xướng cuộc bạo động đều bị bắt. Họ lấy danh nghĩa tôn phò Ưng Đạo lên thay Tự Đức. Ưng Đạo là cháu năm đời của Gia Long đang bị giam giữ trong vụ án Hồng Tập. Kết quả, Ưng Đạo bị tử hình với toàn gia đến cả đứa trẻ lên ba cùng với các đầu đảng.
Năm 1885, một cuộc bạo động vào tháng chạp năm Tự Đức thứ 17 do Hồng Tập là con trai Phú Bình công Miên Ảo. Hồng Tập liên kết với phò mã Trương văn Chất và nhân sĩ Nguyễn văn Viên đã từng đệ lên vua Dực Tôn việc bắt giết Phan Thanh Giản và Trần Tiển Thành là phe chủ hòa có hại cho đại cuộc quốc gia và các tín đồ công giáo bị coi là những tú dân (là cỏ xấu làm hại cây tốt, ý là người công giáo làm hại quốc gia dân tộc). Họ lập ra bốn đạo quân chia ra để vào thành để bắt hai ông Giản và Thành rồi kéo đến xã An Truyền, An Vân và An Hòa là vùng nhiều giáo dân để đốt phá. Vì quân ô hợp, hiệu lệnh không thống nhất, đạo quân đi bắt họ Phan vào thành gặp quân canh gác nghiêm nhặt quá bèn rút lui, ba đạo kia chờ hiệu lịnh ở cầu Kim Luông không thấy cũng giải tán. Việc bại lộ, cả bọn bị bắt. Trọng phạm là Hồng Tập cùng với Hồng Tý con Vĩnh Tường vương là con thứ năm vua Minh Mạng và Lương Trinh con Kiến An vương (con thứ năm vua Gia Long) đều bị tử hình.
Ba vụ án hoàng gia tuy khác nhau về thời điểm, về mục đích nhưng chung qui là hạ bệ vua Tự Đức. Nếu vua Tự Đức quan niệm rằng nhóm Hồng Tập chỉ do chính kiến bất đồng và động cơ là lòng yêu nước thì nỡ lòng nào xuống tay giết hại anh em. Có lẽ chỉ vì cái ngai vàng mà nhà vua thẳng tay trừng trị phản nghịch. Phải chăng cảnh huynh đệ tương tàn đã di hại theo từ trước, chính vua Minh Mạng đã mở màn cho cảnh bì oa trữ nhục đối với vợ con Đông cung Cảnh.

Qua các sự việc trong sử kể trên, cho biết rằng vua Thế Tổ nhà Nguyễn chỉ thành công trong việc tiêu diệt kẻ thù của mình, nhưng hoàn toàn thất bại trong việc thâu phục nhân tâm. Sự bất mãn lúc đầu ở trấn Bắc là hoài Lê, sau đó là sự lầm lỗi của nhóm quân phiệt còn say men chiến thắng đối với nhân sĩ Bắc Hà, rồi thì tham nhũng, vô trách nhiệm của chánh quyền mới đối với dân.
Nếu vua Gia Long và con cháu biết chiêu hiền đãi sĩ, biết thương dân, lo hàn gắn vết thương trầm trọng do chiến tranh dai dẳng gây ra, thì sự luyến tiếc triều Lê sẽ bị lãng quên. Các ông vua đầu Nguyễn quá xa dân, tự tôn, tự đại, thiếu sót chánh trị, chẳng thèm nghe điều hay lẽ phải của các hiền thần. Cho nên, địa vị nhà Nguyễn bị lung lay, trốc gốc, đưa đến sự xâm lăng của Tây phương.
Cái hậu quả đó, đã di hại con cháu, cho giống nòi tới tận hôm nay: chia rẽ tôn giáo, chia rẽ ý thức hệ… Ai cũng cho mình là có gốc gác, cao siêu, sang cả, theo đúng đường tu… Chỉ cần hiểu một chút thôi, nhóm dân Ngũ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã theo Lê Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập nghiệp từ hồi thế kỷ thứ 17 ở vùng hai huyện Phước Long và Tân Bình.
- Huyện Phước Long có Đồng Nai và dinh Trấn Biên.
- Huyện Tân Bình có Sài Gòn, Gia Định thuộc dinh Phiên Trấn.
Bốn chục ngàn dân Ngũ Quảng đó gốc gác ở đâu? Họ là dân chánh cống Thanh Nghệ theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Và theo sau còn nhiều nhóm người nữa vào xứ Đồng Nai khai phá. Họ là những người bình dân đi tìm đất mới hội nhập với dân Đồng Nai khai sơn phá thạch viết nên trang sử hào hùng, mở nước của dân tộc. Sau vài thế hệ, họ là người Nam ròng rặc, có cuộc sống dễ dãi vì sự sống ấm no có dư thừa:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.
Khó đi mượn chén ăn cơm,
Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi…
Nói lên cái nhân sinh quan của người thật thà dễ tánh. Nếu đường đi trắc trở, cầu tre khó qua thì ghé nhà ai đó nhào vô ăn cơm, uống rượu, rồi đàn hát vui chơi chẳng cần lo…

Cái bi kịch giữa các thế hệ vẫn còn ngấm ngầm tiếp diễn dưới nhiều dạng thức, nhưng đừng thất vọng, một vài thế hệ nữa, trình độ trí thức người dân lên cao, ý thức hệ sẽ được san bằng. Chúng ta phải hiểu rằng: Chưa bao giờ như bây giờ người dân Việt tìm về dĩ vãng, vịn vào những gì bất diệt của ông cha để bảo đảm sự trường tồn cho đất nước.
Chưa bao giờ như bây giờ cần có tinh thần về nòi giống và ngôn ngữ, chỉ có biến thiên chứ không thể bị tiêu diệt.
Chưa bao giờ như bây giờ toàn thể dân Việt dù sống trong hay ngoài nước cũng đã nghe, thấy và hiện sống trong thế giới văn minh, mà mỗi người đều ước mơ làm sao theo kịp đà văn minh đó. Từ đó, dân sẽ giàu nước sẽ mạnh, mọi ý đồ xâm lược của ngoại bang không còn là điều đáng lo ngại nữa.

(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ ")