HỘI THỀ VÀ TẬP HỢP LŨNG NHAI
Trần Khánh
Lũng Nhai là một trong các thôn của vùng Khả Lam, là một đơn vị hành chánh dưới thời Trần và thời Minh thuộc.
Khả Lam là vùng rừng núi bên tả ngạn sông Chu, địa thế hiểm trở, có nhiều sắc dân Mường, Thái, Việt sống hòa thuận bên nhau. Bây giờ thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Ngày 12 tháng 2 Bính Thân tức 11-3-1416 Lê Lợi và 18 đồng bạn quy tụ lại ở Lũng Nhai để lập lời thề sống chết bên nhau với mục đích đuổi giặc Minh để cứu muôn dân. Là một sự kiện đặc biệt trong hoạt động cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, xác định vị trí, trách nhiệm của Lê Lợi và thành lập bộ chỉ huy đầu tiên. Hội thề Lũng Nhai là khởi điểm của cuộc khởi nghĩa.
Theo văn bản Hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân (1416) có ghi số người tham dự là 19.
Đứng đầu là Lê Lợi và 18 đồng chí: Lê Lai, Nguyễn Thân, Lê văn An, Lê văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Huy, Nguyễn Trãi, Đinh Lễ, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Lý, Lê Bồi, Đinh Lan và Trương Chiến.
Theo lý lịch của từng người, thành phần tham dự Hội thề Lũng Nhai thật là đa dạng, phong phú. Trước khi khởi nghĩa, Lê Lợi đã tạo nên một tập hợp bền chặt trung thành với sự nghiệp giải thoát muôn dân thì mỗi người có một xuất thân khác nhau, tộc người và địa phương khác nhau. Mới kỳ lạ, mới là tài.
- Tổ hai đời của thủ lãnh Lê Lợi là Lê Hối khai hoang lập ấp ở Lam Sơn vì thấy đất này tốt, đâu đấy ba năm thì thành sản nghiệp. Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều. Lê Lợi thừa sản nghiệp của ông cha, một lần kính cẩn, dấu mình ở Lam Sơn làm nghề cày cấy. Trong văn thề Lũng Nhai, Lê Lợi cũng chỉ tự xưng là Phụ đạo lộ Khả Lam, dân gian vẫn gọi ông là đạo Cham.
- Lê Lai người thôn Dụng Tú, Thanh Hóa là Phụ đạo người Mường. Anh em và con cái của ông có 5 người tham gia khởi nghĩa.
- Nguyễn Thân người Mục Sơn, xã Thọ Xương, Thanh Hóa làm nghề chài lưới trên sông Chu, là bạn thân của Lê Lợi, dân chúng gọi ông là đạo Mục.
- Lê văn An người thôn Mục Sơn, Thanh Hóa, là một nông dân.
- Lê văn Linh người xã Hải Linh, Thanh Hóa là một sĩ phu, có tiếng về văn học.
- Trịnh Khả người xã Sóc Sơn, Thanh Hóa, ông vốn là con cháu của một quan triều Trần có công lớn chống Nguyên Mông. Đến ông thì gia thế sa sút đi chăn trâu bị giặc Minh bắt làm nô tỳ.
- Lê Liễu người Khả Lam, Thanh Hóa.
- Bùi Quốc Hưng người huyện Chương Đức, Hà Sơn Bình, ông là một sĩ phu dưới triều Trần, đậu Tam trường. Ông cha đã là quan to thời trước.
- Lê Hiểm người Nông Cống, Thanh Hóa, vốn quan Lang người Mường.
- Vũ Huy người Cao Mật, huyện Vĩnh Linh, Thanh Hóa là nông dân gốc Chiêm Thành.
- Nguyễn Trãi người xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Sơn Bình. Cha là Nguyễn Phi Khanh làm quan nhà Hồ, ông ngoại là Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi đậu Tiến sĩ năm 1400 làm quan Ngự sử triều Hồ.
- Đinh Lễ người Thủy Cối, cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, là một nông dân. Ông có hai em là Đinh Bồ, Đinh Liệt cũng tham gia khởi nghĩa sớm.
- Lưu Nhân Chú người huyện Đại Từ, Bắc Thái, thuộc dòng dõi quan lại triều Trần.
- Lê Bồi người Khả Lam, Thanh Hóa.
- Nguyễn Lý người thôn Đao Xá, Thanh Hóa.
- Đinh Lan người Khả Lam.
- Trương Chiến người Khả Lam.
- Lê Ninh, Trương Lôi: đều không thấy chép người xuất thân ở đâu, nhưng dự đoán là người Thanh Hóa.
Nhìn qua thành phần lý lịch 19 người dự Hội thề Lũng Nhai ta thấy Lê Lợi là hào trưởng, một sĩ phu là Lê văn Linh, hai quan lại cũ là Nguyễn Trãi và Bùi Quốc Hưng, còn lại 15 người khác là dân lao động, nghèo khổ và dân tộc thiểu số.
Vậy lời thề Lũng Nhai của 19 người trên là lời thề của những người bạn chiến đấu coi nhau như anh em ruột thịt, nhiều người từ phương xa tới vui vẻ kết giao, như một tổ, như cây liền cánh, như lá liền cành, như Lũng Nhai một họ. Lê Lợi đứng đầu chỉ xưng là Phụ đạo lộ Khả Lam.
Ngoài bộ chỉ huy trong Hội thề, Lê Lợi còn tập hợp được một số người là 221, mà sau chiến tranh gọi là các công thần Lũng Nhai, buổi đầu chỉ là binh lính sau mấy năm phần lớn là võ quan chỉ huy. Lớp người nghĩa sĩ Lũng Nhai này hầu hết có thân phận nghèo khổ, thấp hèn, dốt chữ nghĩa, ở nhiều địa phương trong nước đến.
Có thể kể ra vài nhân vật điển hình như Lê văn Lễ, Ngô Kinh, Ngô Từ, Lê Ê, Đỗ Khuyển, Nguyễn Xí, Nguyễn Ba Lai, Nguyễn Biện, Trần Trai, Nguyễn Như Lãm.
- Lê văn Lễ là người nghèo khổ, không có chữ nghĩa, nhưng rất được Lê Lợi tin yêu, dùng làm gia nô hầu hạ.
- Ngô Kinh, Ngô Từ là hai cha con, là người Thọ Diên, Thanh Hóa, là cháu nhiều đời của vị anh hùng mở nước Ngô Quyền. Gia đình Ngô Kinh rất nghèo. Gia phả dòng họ này còn ghi lại một câu nói dân gian để nói lên cảnh cơ cực : "Cha lỗ đó, mẹ xó chùa", người trong họ giải nghĩa là cha chuyên làm đăng đó, mò cua bắt ốc nuôi gia đình, mẹ đẻ không nhà cửa nương thân phải ở nhà chùa. Trong khởi nghĩa Ngô Kinh, Ngô Từ phụ trách công việc cung cấp lương thực, quân nhu. Khi quân chuyển vô Nghệ An, Ngô Kinh chỉ huy các nông trại.
- Đỗ Khuyển, với cái tên cũng đủ nói lên thân phận thấp hèn của người nghĩa sĩ này. Cha ông là Đỗ Lôi, người Đa Mỹ, huyện Thọ Xuân là lính nhà Hồ đã hy sinh trong trận đánh quân Minh ở cửa bể Lục Thủy, Quảng Ninh; lớn lên Khuyển đi làm gia nô cho Lê Lợi. Mấy năm đầu ông lãnh do thám quân tình của địch, có lần ra đến Đông Quan (Hà Nội). Khi nghĩa quân ra Nghệ An, ông chỉ huy đội quân đánh ở miền biển.
- Nguyễn Như Lãm, người dân chài trên sông Chu. Trong chiến tranh chỉ huy đội quân cung cấp gạo muối cho nghĩa quân.
- Nguyễn Biện, Nguyễn Xí là dân làm mướn ở làng Thượng Xá, huyện Chân Lộc, Nghệ An.
- Nguyễn Ba Lai, người Bài Sơn, Thổ Thành, Nghệ Tĩnh là nông dân miền núi, được uy tín trong vùng. Về sau, ông động viên thêm nhiều người theo ông ở cùng huyện. Vào những năm cuối ông chỉ huy quân Bắc đạo, và được phong Lũng Nhai Công thần.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là trong tập hợp 221 công thần Lũng Nhai có rất nhiều đồng bào thiểu số Mường, Thái ở Thanh Hóa, Nghệ An.
Như vậy từ bộ chỉ huy đầu tiên có 19 người trong Hội thề và 221 nghĩa sĩ mà mấy năm sau đều thành cấp chỉ huy, có mặt trong thời kỳ chuẩn bị giải phóng đất nước do Lê Lợi lãnh đạo chống với quân Minh.
Lịch sử trả lời: Tập hợp đó là lực lượng chiến thắng. Lực lượng đó gồm có trí thức, khoa bảng, quan lại, nông dân, nô bộc, nghĩa là đủ mọi trình độ giai cấp từ mỗi nơi đổ về, thương yêu nhau cùng một tâm nguyện đuổi giặc. Chỉ mười năm thôi là toàn thắng.
Vậy thử hỏi, Lê Lợi là người thủ lãnh mà thiếu tập hợp lực lượng đoàn kết Lũng Nhai ấy thì cuộc giải phóng đất nước từ năm 1416 đến năm 1427 có thành công hay không?
Xưa nay, lịch sử thường hay diễn lại. Chúng ta hãy suy gẫm.
(Trích: "Nhìn về Quê hương đất tổ")