TRỐNG TAN BAN BÁNH
Trần Khánh
Theo Đại nam Chính biên Liệt truyện là bộ sử của triều Nguyễn ghi: "Nửa đêm mồng 3 tháng giêng Xuân Kỷ Dậu 1789, quân Nam đã đến Hà Hồi, bí mật vây kín lấy đồn, dùng ống loa truyền lịnh, quân sĩ dạ rân nghe như gần mấy muôn binh. Quân giặc trong đồn run sợ, không đánh mà tự vỡ tan. Quân Nam đoạt hết quân tư khí giới".
Và những đoạn sử khác: "Quân Tây Sơn đánh hai đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi trong đêm tối; quân nhà Thanh nghe tiếng trống, tiếng loa và hò reo của quân Nam thì đầu hàng". Nhiều nhà chép sử tự hỏi quân Tàu sao mà nhát gan quá vậy? Cuối cùng rồi họ suy ra và thấy được một sự áp đảo phải đầu hàng là do "nhạc võ" Tây Sơn gốc ở Bình Khê, Qui Nhơn.
Sở dĩ gọi là "nhạc võ" vì người đánh trống vừa là nhạc sĩ vừa là võ sĩ, khi thì đánh bằng dùi trống, bằng bàn tay, bằng cùi chỏ, khi thì bằng nắm tay, ngón tay. Nếu đến bậc siêu đẳng thì dùng cả đầu, gót chân ... Như một võ sĩ đang biểu diển tài tình, nhạc điệu hùng hồn, thôi thúc tiến.
Nhạc khí chánh yếu phải có 12 cái trống, nếu bậc thượng đẳng dùng tới 17 cái trống, 5 cái để phía sau lưng, lớn nhỏ khác nhau. Nếu có đờn, kèn, chập chõa hòa âm thì cái âm hưởng tạo nên những khúc nhạc thật trầm hùng ...
Có lẽ người nghệ sĩ không tên của chúng ta tiên đoán được vận nước, mang tinh thần dân tộc hòa vào chiếc trống để phụ lực giúp tinh thần của người yếu chống với kẻ mạnh đông hơn. Cho nên bài bản mang tính cách quân sự, như bài "Khai trướng" mở đầu cho một cuộc diễn võ trong các cuộc tập luyện quân sĩ ở võ trường. Bài "Xuất quân" làm tăng phần hăng hái khi ra trận mạc. Bài "Thúc quân" nung nấu thúc giục tiến lên. Bài "Khải hoàn" lúc chiến sĩ vui mừng thắng trận.
Trong các chiến trận Đông Tây, trống dùng để thúc quân, ban lệnh, trống chỉ có một âm lực, nghe ra biết chỉ có một đạo quân. Đặt tâm trạng của quân Thanh trong đồn Hà Hồi bị bao vây trong đêm khuya tăm tối mà nghe từng hồi trống có đến 12 âm lực khác nhau thì rõ ràng là có 12 đạo quân Tây Sơn tiến đánh và sẽ phá tan thành trong phút chốc; tâm trạng sợ hãi đó chỉ có đầu hàng mà thôi.
Nền văn minh cổ của ta là nền văn minh trống đồng: Đông Sơn, Ngọc Lữ... Tổ tiên ta đã sử dụng trống để làm nhạc khí dân tộc từ mấy ngàn năm trước. "Nhạc võ" Tây Sơn tiếp theo cũng dùng trống quả là truyền thống dân tộc.
Tiếp theo đoạn sử trên ghi: "Hừng sáng mồng 5, quân Nam tiến đến lũy Ngọc Hồi. Trên lũy đạn bắn xuống như mưa. Vua Quang Trung ra lệnh cho quân sĩ lấy ván gỗ núp mà xung trận. Vua Quang Trung tự thúc voi đốc quân ở phía sau. Quân Nam phá được nửa lũy, liền bỏ ván xuống đất dùng đoản đao đánh giết. Quân giặc Thanh chống không nổi tan rã bỏ chạy tứ phía, mắc vào bẩy ngầm, địa lôi phát nổ tử thương rất nhiều. Vua Quang Trung giục trống thúc quân đuổi nà. Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long, Thương Duy Thăng, tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Luyện đều tử trận.
Tôn Sĩ Nghị ở Sa Châu nghe báo, một người một ngựa chạy về hướng bắc, tướng sĩ tranh nhau qua cầu, khiến cầu gãy bị té xuống nước chết muôn người. Nước sông Nhị Hà không chảy được vì thây quân giặc chận lắp. Ngày ấy, vua Quang Trung xua quân vào thành, chiến bào của vua biến thành màu đen xạm vì thuốc súng.
Vua Lê Chiêu Thống vội vã qua sông theo Tôn Sĩ Nghị chạy về Tàu. Vua Quang Trung cho đuổi theo đến ải Lạng Sơn và lên tiếng sẽ vượt ải đuổi theo, giết sạch không sót mạng nào để tìm tung tích vua Chiêu Thống. Người Tàu nhà Thanh kinh khủng, từ cửa ải trở về Bắc, già trẻ dìu nhau trốn chạy. Hàng mấy trăm dặm, tuyệt nhiên người và khói bếp lạnh tanh.
Theo truyền thuyết dân gian thì khi vua Quang Trung trẩy quân đến làng Ngọc Hồi, dân chúng làm cỗ bàn, bánh trái đầy đem ra khảo lao quân sĩ nhà vua, như để tỏ lòng tôn kính biết ơn và hoan nghinh quân chiến thắng giải phóng nước nhà khỏi ách đô hộ Mãn Thanh. Họ có yết lên nhà vua 4 chữ: "Hậu Lai Kỳ Tổ" nghĩa là vua đến thì dân nước sống lại.
Trước lòng nhiệt thành của dân làng Ngọc Hồi, nhà vua hết sức hoan hỉ, vỗ về và ủy lạo bá tánh. Nhưng không muốn phiền nhiễu nhân dân và cũng lo cho sự tốn kém, trong các thực phẩm dâng lên, nhà vua chỉ chọn lấy chiếc bánh chưng, tiêu biểu cho dân tộc tính nông nghiệp trong những ngày Tết nguyên đán ở Bắc Hà. Và để đáp lại câu "Hậu Lai Kỳ Tổ", nhà vua ban cho dân làng Ngọc Hồi cũng 4 chữ: "Hiếu Nghĩa Khả Gia" nghĩa là lòng hiếu nghĩa khá khen là đẹp.
Theo Đào Khê nhân thoại viết trong số Xuân Trung Bắc 1939 thì khi Tôn Sĩ Nghị chiếm đóng thành Thăng Long, có giao cho viên đề lỉnh là người của vua Lê Chiêu Thống, cầm đầu một toán quân canh gác kho khí giới và lương thảo.
Vua Quang Trung khi kéo quân đến Nghệ An có đến vấn kế Nguyễn Thiếp mà Nguyễn Thiếp là người dạy học ở nhà quan đề lỉnh họ Đinh ngoài Bắc. Ngày mồng 3 Tết năm Kỷ Dậu (1789), Đinh nhận được chiếc bánh chưng của Nguyễn Thiếp từ Nghệ An gởi ra biếu. Trong nhân bánh có để tờ mật dụ của vua Quang Trung. Đinh nghe lời khuyên bảo của Nguyễn Thiếp là làm như lời trong tờ mật dụ ghi, đứng ra làm nội ứng ngầm đốt kho vũ khí, lương thảo và súy phủ ở Thăng Long vào đêm mồng 4 rạng mồng 5 Tết Kỷ Dậu.
Những sự kiện kể trên cho thấy vua Quang Trung đã cảm thông với tâm hồn dân tộc cũng như Nguyễn Thiếp đã có công lớn giúp nhà vua đại phá quân Thanh chỉ một trận. Không phải do tài tiên tri, độn số mà cùng cảm thông với tâm hồn dân tộc, qua chiếc bánh chưng. Hai người đã thành công vì đã có chung một sự cảm thông đến từ tín ngưỡng truyền thống, tình cảm ý chí của nông dân. Bởi thế nên Quang Trung và La Sơn Phu tử đã gợi lên ý nghĩa tượng trưng của chiếc bánh chưng ngày Tết, và chiếc trống văn minh dân tộc để rung động vào tiềm thức xa xăm từ thời đại Hồng Bàng của xứ nông nghiệp.
Tuy rằng vua Quang Trung tự biết tài thao lược của mình, có đủ vũ lực để đuổi quân Thanh cũng như quân Xiêm La. Nhưng ông cũng tự biết mình xuất thân từ võ biền nên tôn Nguyễn Thiếp là một bạch diện thư sinh lên làm Phu tử. Và La Sơn Phu tử cũng thuộc lòng câu: "Dân vô tín bất lập" trong đạo Nho, nghĩa là dân mà không có đức tin thì không đứng vững được. Cái đức tin của dân tộc là tín ngưỡng truyền thống của nông dân vì dân tộc Việt Nam cho tới ngày nay cũng còn phần đông là dân nông nghiệp. Bởi thế nên Nguyễn Thiếp, một nho sĩ lão thành không khuyên vua Quang Trung đem tín ngưỡng nho giáo cho dân tộc mà trở về tín ngưõng tổ tiên dân tộc với chiếc bánh chưng là biểu tượng trải qua mấy ngàn năm lịch sử.
Vậy chúng ta có hai di vật cổ truyền ngàn đời hết sức quí báu. Chiếc bánh lịch sử vẫn lưu truyền nay đã phổ biến khắp thế giới theo gót chân của người Việt di cư. Còn "nhạc võ" Tây Sơn với những chiếc trống có lúc bị thất truyền. Nhưng có lúc người ta cũng truyền miệng là vẫn vang dội khi Nam, khi Bắc qua các cuộc lưu diễn. Riêng ở Bình Khê thì tiếng trống không bị lãng quên được.
(Trích "Nhìn về Quê hương đất tổ")