Tên nước Việt Nam

 

Trần Khánh

      viet nam      Nước ta kể từ thời lập quốc sang đến thời kỳ Bắc thuộc cho tới thời kỳ độc lập đến ngày nay, tên nước được đổi nhiều lần: Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam.

            Cho tới tháng 5 âm lịch năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu Gia Long, ngài cử Hộ bộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức sung chức Chánh sứ, Binh bộ Tham tri Ngô Nhân Tỉnh sung chức Giáp phó sứ, Hình bộ Tham tri Hoàng Ngọc Uẩn sung chức Ất phó sứ, đem sắc ấn của Thanh triều phong cho Tây Sơn trước kia và bọn giặc bể 3 người Trung Hoa mạo xưng Đông Hải vương Mạc quan phủ, và áp giải họ sang tỉnh Quảng Đông trao cho viên Tổng đốc để tâu về Thanh triều xử trị.

            Ngoài phái đoàn trên, vào tháng 11 âm lịch năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long cử thêm một phái đoàn sứ bộ sang thỉnh phong và xin đặt quốc hiệu nước ta là Nam Việt. Sứ bộ này gồm có: Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định sung chức Chánh sứ, Lại bộ Thiểm sự Lê Chánh Lô sung chức Giáp phó sứ, Đông các Học sĩ Nguyễn Gia Cát sung chức Ất phó sứ. Nhà Thanh chuẩn bị rước hai sứ bộ cùng đến kinh đô.

            Thanh triều đề nghị với vua Gia Long nên đổi hai chữ Nam Việt thành chữ Việt Nam làm quốc hiệu nước ta. Họ giải thích rằng đặt chữ Việt lên trên là tỏ ý vẫn giữ cương vực từ đời trước, còn đặt chữ Nam xuống dưới là để biểu dương tước mới phong. Thật sự thì nhà Thanh lo sợ quốc hiệu Nam Việt sẽ tái lập như quốc hiệu Nam Việt thời Triệu Đà (179 trước Công nguyên - Nhâm Tuất). Nếu nước ta mạnh lên sẽ đòi lại những đất đai cũ của nước Nam Việt trước kia. Nghĩa là phía đông đến tỉnh Phúc Kiến, phía tây đến Trung bộ Việt Nam, phía bắc đến tỉnh Hồ Nam. Nếu kể luôn các phần đất mới đến của xứ Chiêm Thành và Chân Lạp thì nước ta trở thành một đại cường quốc nằm sát nách nước Trung Hoa về phía nam. Đó là mối lo ngại lớn cho Thanh triều. Vì sau trận Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, quân Thanh đã nếm mùi thất bại rồi.

            Sau đó, hoàng đế Quang Trung thơ sang xin cầu hôn công chúa nhà Thanh và xin các phần đất cũ Quảng Đông, Quảng Tây. Việc chưa thành, nhà vua yểu mạng, nhiều nỗi u uất đi vào thiên thu.

            Tháng 2 âm lịch năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long đặt quốc hiệu nước ta là Việt Nam.

Trần Khánh
(Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ ")