Trăm họ

 

 trankhanh
Trần Khánh

Muốn biết về trăm họ, trước hết phải sơ lược biết qua vùng Đông Nam Á để có cái nhìn chính chắn về nguồn gốc dân tộc qua các dân tộc họ hàng. Trong chương trình địa lý Trung học Việt Nam trước kia viết: nước Việt Nam ở về hướng đông bán đảo Ấn Hoa. Đó là người Tây phương định hướng một cách hời hợt, họ nhìn Đông phương chỉ lấy mục tiêu chánh qua 2 nước khổng lồ là Tàu và Ấn Độ thôi. Một vùng hỗn tạp có nhiều nước nhỏ, họ không thể ghép vào Ấn mà cũng không thể ghép vào Hoa nên gọi là Indochine (Ấn Hoa) cho tiện việc sổ sách. Như cái kiểu Christophe Colomb đi lạc qua Châu Mỹ đinh ninh rằng đã tới Ấn Độ (người Ấn Độ là "Indien", xứ Ấn Độ là "Inde") cho nên dân bản địa ở Châu Mỹ bị gọi là "Indien" cho tới ngày nay.

Vùng Đông Nam Á gồm các nước: Việt Nam, Lào, Cambodge, Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapour và Brunei. Những bán đảo bám vào lục địa Âu Á là Đông Nam Á lục địa, còn các chuỗi đảo Malacca nối liền Ấn Độ dương qua Thái Bình dương là Đông Nam Á hải đảo. Định hướng như vậy mới chính xác, còn Indochine là từ bị áp đặt bởi một kẻ mạnh chớ chẳng đúng nghĩa.

Về văn hóa vùng Đông Nam Á đã có từ xa xưa, có những đặc thù không thể chối cãi được. Nghệ thuật kiến trúc ở Angkor là điển hình. Học gỉa W.G. Solheim II thuộc Đại học Hawai đã chứng minh ngược lại là ánh sáng văn minh

đầu tiên không phải Ấn Hoa đổ xuống Đông Nam Á mà chính là từ Đông Nam Á tỏa ra Trung Hoa và Ấn Độ. Qua các cuộc khai quật ở Bắc Thái Lan nhóm chuyên viên của Đại học Otago (Tân Tây Lan) và Hawai (Mỹ) đã chứng minh rõ ràng: miền đông nam châu Á đã trồng lúa từ trên 3000 năm trước Thiên chúa nghĩa là trước Ấn Độ và Trung Hoa cả ngàn năm. Về kỹ thuật đã biết đúc đồng với khuôn sa thạch từ 2300 đến 3000 năm trước Thiên chúa nghĩa là trước Ấn Độ 500 năm và trước Trung Hoa 1000 năm.

Giáo sư sử học ở California Milton W. Meyer xác nhận: khởi đầu từ 2500 trước Thiên chúa từ phương bắc các giống người Malay đã mang theo văn hóa tiền Mã xuống vùng này. Họ là tổ tiên của các dân tộc Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan v.v… Những cuộc di cư xảy ra trong nhiều thế kỷ, đất gốc của họ là lãnh thổ Trung Hoa ngày nay, họ đã tạo ra những đợt nam thiên triền miên tiếp diễn khắp vùng Đông Nam Á. Thật vậy, bị áp lực từ phương bắc đè nặng quá nên phải nam thiên đến bước đường cùng vì các cửa ngõ của thế giới đã khép chặt. Đến điểm kháng cuối cùng cũng chưa được yên vì chẳng riêng gì Trung Hoa mà các cường quốc Âu Mỹ khác nữa luôn muốn xâu xé.

Điều đáng quan ngại vẫn là mầm ảnh hưởng xấu mà Đế quốc đã gieo vào lòng dân tộc Đông Nam Á. Chính cái mầm này đã nẩy nở thành tầng lớp tay sai của Đế quốc và đưa đến sự phân hóa giữa các dân tộc, làm suy yếu cả khu vực cho sự tiến bộ và cả sống còn.

Từ Bách Việt theo Từ Hải định nghĩa: "Danh xưng này để chỉ chỗ hỗn tạp gồm bảy tám ngàn dặm của trăm giống Việt từ Giao Chỉ đến Cối Kê, mỗi xứ đều có dòng họ riêng".

Theo Ngô Thời Sỹ xét theo "Thiên Vũ Cống" thì nước Việt về phía nam đất Dương Châu cùng một phần với đất Ngô. Cõi nam là Việt môn có nhiều nước như Âu Việt, Mân Việt, Lạc Việt nên gọi là Bách Việt. Từ Ngũ Linh xuống phía nam thuộc về Nam Việt.

Đào Duy Anh ghi rõ một số địa điểm U Việt ở Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Đông Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở miền bắc Việt Nam bây giờ.

Lăng Thuần Thanh giáo sư Đại học Đài Loan có ghi thêm dân Bách Việt còn ở một vùng nữa là tỉnh Hồ Nam nơi mà Tam Lư Đại phu nước Lỗ là Khuất Nguyên bị đày tới ở thế kỷ thứ 3 trước Thiên chúa. Tại đây Khuất Nguyên phóng tác "Cửu ca" trong bộ Sở Từ. Theo Lăng Thuần Thanh, nếu xét kỹ "Cửu ca" sẽ nhận ra các hình ảnh các cuộc tế lễ tại địa phương này giống hệt hình ảnh đã được vẽ trên trống đồng Đông Sơn của dân Lạc Việt. Họ Lăng cũng xác nhận rằng trước kia trung tâm đồng bằng Dương Tử là nơi cư ngụ của giống người Indonésien mà sử Trung Hoa gọi là Bách Việt hay Lạc Việt. Thời Thục Phán thủ lãnh Âu Việt đã chinh phục được Lạc Việt, hợp hai nhóm lại thành Âu Lạc. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa sai tướng Đồ Thư đi thâu phục Bách Việt năm 214 trước Thiên chúa, trong cuộc giao tranh với quân Tần ở Hoa Nam dân Bách Việt áp dụng lối đánh du kích tiêu hao dần quân Tần và giết được tướng Đồ Thư trong một trận phục kích. Về sau quân Tần đông đảo đánh đuổi người Bách Việt thiên di đi nơi khác hoặc lui vào ẩn trong rừng núi. Khi đó Âu Lạc ở cực nam nên tránh khỏi cuộc binh đao. Sau Triệu Đà quân úy Nam Hải thôn tính Âu Lạc nhập chung lại thành Đế quốc Nam Việt. Đến năm 135 trước Thiên chúa Mân Việt bị nhà Hán chiếm, năm 111 trước Thiên chúa Nam Việt cũng bị nhà Hán thôn tính, ít năm sau Đông Việt cũng không còn.

Thế là đến đầu thế kỷ thứ nhất trước Thiên chúa không còn quốc gia Việt nào tồn tại, nhưng các tổ hợp Việt vẫn còn ở rải rác cùng khắp Hoa Nam và Đông Nam Á. Nhiều tổ hợp tiếp tục đấu tranh vẫn không bị Hán hóa. Bộ tộc Việt ở Châu Nhai đảo Hải Nam đã kiên cường chống Hán suốt nửa thế kỷ, đến năm 46 trước Thiên chúa nhà Hán bỏ ý định thôn tính vùng này. Theo Hán thư, quan Giả Quyên Chi đã tâu lên vua Hán xin thôi chính phục vì dân Lạc Việt ở quận Châu Nhai vốn còn man rợ không khác loài cầm thú, cha con quen tắm cùng sông, quen uống bằng mũi, do đó không đáng đặt đất này thành quận huyện. Thật ra là lý lẽ của kẻ đi chinh phục gặp phải miếng mồi khó nuốt nên phải nhả, chớ tộc Hán khi đó cũng chẳng văn minh gì hơn, hãy nghe Thương Ưởng tể tướng nước Tần dùng pháp quyền trước đó không lâu nói: "Ban đầu tập tục nước Tần không khác tập tục Nhung, Địch. Cha con không phân biệt ở chung một buồng, nay tôi đặt lễ giáo trai gái không có sự lẫn lộn". Kẻ thất trận nào mà chẳng nại ra lý do biện bác để lui quân nhưng rồi ai cũng biết.

Kể từ thế kỷ thứ nhứt sau Thiên chúa ngoài nhóm người thiên di đi về vùng Đông Nam Á, các phần tử Việt ở lại vùng Dương Tử lần lượt bị Tàu đồng hóa. Các bộ tộc ở Nam Trung Hoa thì bị người Hán tràn xuống chiếm hết bình nguyên màu mỡ và đẩy họ vào những vùng đất cằn cỗi. Về hướng tây nam Trung Hoa, tộc Lý tức Thái đã quy tụ thành Vương quốc Đại Lý. Còn Đông Nam Á hai vương quốc lần lượt thành hình trong thế kỷ đầu công nguyên là Phù Nam ở phía nam lục địa và Lâm Ấp sau là Chiêm Thành (miền Trung Việt Nam bây giờ).

Cuộc nam thiên của các bộ tộc Bách Việt có nhiều đợt, tạm chia làm 4 thời kỳ:

- Thời kỳ thứ 1: Khoảng giữa thiên niên kỷ thứ 3 đến trước thiên niên kỷ thứ 2 trước Thiên chúa gồm các sắc dân Malay và Lạc Việt.

- Thời kỳ thứ 2: Từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ thứ 3 trước công nguyên với các nhóm Môn Khmer.

- Thời kỳ thứ 3: Từ cuối thế kỷ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên gồm các bộ tộc Miên.

- Thời kỳ thứ 4: Là đợt thiên di ào ạt của người Thái vào thế kỷ thứ 13 sau khi vương quốc Đại Lý (Vân Nam) bị quân Mông Cổ tràn ngập và những đợt nhỏ kế tiếp.

Bộ tộc Bách Việt di tản đầu tiên xuống vùng Đông Nam Á là ở thời đại đồ đá mới. Họ mang theo văn hóa Bắc Sơn Hòa Bình. Có mấy nhà nghiên cứu cho là họ tiến sang thời đại đồ đồng hay thời đại kim thạch hợp dụng. Nhưng dù thời đại nào cái đặc điểm mà ai cũng công nhận là họ đã mang theo phương pháp cấy lúa nước (thủy canh) để phân biệt với thổ dân theo văn hóa du mục chỉ biết đốt rừng làm rẫy (hỏa canh).

Cho tới thế kỷ 17 - 18 - 19, những người Trung Hoa từ Quảng Đông, Phước Kiến còn di cư sang Việt Nam vì nghèo quá đi tìm kế sinh nhai, chạy loạn nhà Thanh, gốc tích của họ là ai? Họ thuộc dòng giống nào? Mạc Cửu lập căn cứ ở Hà Tiên sau dâng cho chúa Nguyễn, trung thành cho đến đời con cháu. Nhóm khác do Trần Thương Xuyên lập nghiệp ở Biên Hòa và Dương Ngạn Địch ở vùng Mỹ Tho chủ yếu là làm thương mại, lập chợ, giao dịch ngoại quốc phát triển kinh tế. Chẳng cần phải Minh Hương hay Thanh Hà gì hết, họ tìm về nguồn dân tộc anh em mà thôi. Chẳng qua người địa phương hồi ấy chưa biết đây đó, thấy ai từ xa tới cho là hay là qúy.

Thử đọc sử Tàu thế kỷ thứ 13 nhà Tống bị Mông Cổ về phía bắc xâm lăng chiếm lấy gần cả thế kỷ. Tới thế kỷ 17 - 18 - 19 lại bị Mãn Thanh chiếm hơn hai thế kỷ rưởi. Phải chi hai giống dân đó lớn mạnh cũng là lẽ thường. Họ đem quân vô Trung Nguyên như đem muối bỏ biển. Đất Tàu rộng, dân đông nhứt thế giới, có nền văn minh lâu đời, một triều đình kỷ cương thế mà giữ nước không được. Tại vì sao phải thua, nước bị chiếm? Vì quan quân thời Tống, thời Minh hèn nhát theo giặc dày xéo quê hương để được vinh thân phì da, nguyện làm chó săn cho giặc giết hại đồng bào. Nếu biết đoàn kết với dân số cả trăm lần hơn chỉ cần xúm nhau lại đạp quân xâm lược cũng chết hết.

Văn hóa Tàu là văn hóa tưởng tượng lấy hư làm thực, bắt nạt các nước nhỏ anh em. Trịnh Hòa (ông Bổn) đi chu du các nước dạy các Hoa kiều đoàn kết giữ gốc Tàu, trai được lấy vợ người bản xứ để còn giữ được họ Tàu. Gái không được lấy người bản xứ lai giống mất gốc. Đi đâu cũng lập bang hội dạy nói tiếng Tàu. Không biết họ có hiểu đứa con sinh ra ảnh hưởng mẹ rất nhiều, ở trong bụng mẹ, máu huyết mẹ, sanh ra nuôi tới lớn cũng do mẹ. Ở Việt Nam nhóm Minh Hương trở thành dân Việt hết. Như trường hợp Lý Long Tường dòng Tôn Thất họ Lý cuối cùng chạy trốn nhà Trần sang Đại Hàn. Cho tới đời thứ 32 các hoàng tử lấy người bản xứ sanh con ra vẫn còn họ Lý. Mấy năm trước đây có Lý Xương Căn dẫn bầu đoàn thê tử về thăm tổ tiên ở Bắc Ninh. Thử hỏi trong dòng máu họ từ 700 năm hơn có giọt nào là máu Việt không? Hẳn là không!

Có người thấy mình họ lạ cho là gốc Tàu như là họ Thái, họ Quách....Họ đâu có biết rằng những họ đó xuất phát từ gốc Bách Việt, các họ này còn đi ngược lên Hoa Bắc. Có thể nói họ của Bách Việt còn nhiều hơn họ gốc Hán nữa, đừng thấy sang bắt quàng làm họ.

Để chứng minh Bách Việt là trăm giống Việt và sau đây trăm họ là hàng trăm (số nhiều) chớ không phải đúng một trăm họ đâu.

Xin kể ra đây theo mẫu tự:

            - An, Âu...

            - Bạc, Bạch, Bành, Bế, Biện, Bùi...

            - Cả, Cái, Cam, Cao, Các, Cầm, Cấn, Châu, Chế, Chiêm, Chu, Chung, Chữ, Cỗ, Cung, Cù...

            - Danh, Diệp, Doãn, Dư, Dương...

            - Đái, Đàm, Đào, Đặng, Đèo, Đinh, Đoàn, Đô, Đỗ, Đồng, Đổng...

            - Giang, Gíap...

            - Há, Hạ, Hàn, Hoa, Hoàng (Huỳnh), Hồ, Hồng, Hùng, Hứa...

            - Kiên, Kiều, Kiểu, Kiêm, Kỷ, Kha, Kheo, Khiên, Khiếu, Khổng, Khu, Khuất, Khúc, Khương, Khưu...

            - La, Lã, Lai, Lại, Lâm, Lê, Linh, Lộ, Lỗ, Lợi, Lục, Lữ, Lưu, Lương, Lý...

            - Ma, Mã, Mạc, Mai, Mạnh...

            - Nặc, Ninh, Nông, Nùng, Nghiêm, Ngạc, Ngọ, Ngô, Ngụy, Ngưu, Nguyễn, Nhan, Nhữ...

            - Ông...

            - Phạm, Phan, Phí, Phó, Phù, Phùng...

            - Qúach, Quan, Quản...

            - Sầm, Sơn, Sử...

            - Tạ, Tăng, Tần, Tiêu, Tô, Tôn, Tống, Từ, Tường, Thạch, Thái, Thang, Thành, Thẫm, Thân, Thiệu, Thục, Trà, Trang, Trần, Triệu, Trình, Trịnh, Trưng, Trương...

            - Ung, Ứng, Uông, Uyển...

            - Van, Văn, Vi, Viêm, Vũ (Võ), Vương...

            - Yết...

            Các họ trên đây chép trong Đại Việt Linh triều Đăng Khoa lục, Đăng khoa Bi khảo, Lê Triều Lịch danh Tiến sĩ đề danh Bi ký. Đếm ra được 149 họ, có thể còn thiếu sót.

Kể từ khoa thi tuyển Minh tinh Bác học đầu tiên của nước ta năm Ất Mão 1075 đời vua Lý Nhân Tôn đến khoa thi cuối cùng năm Kỷ Mùi 1919 đời vua Khải Định, tổng cộng có 185 khoa thi với 2898 vị đỗ đại khoa, có 5 vị thủ khoa, vì triều Lý và triều Trần chưa có định chế tam khôi nên vị thủ khoa chưa được gọi là Trạng nguyên. Có 47 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn, 78 Thám hoa, 2462 Tiến sĩ và 266 Phó Bảng.

Các vị đại khoa này có nhiều họ lạ có nhiều người chưa từng nghe thấy. Nhìn vào danh sách các bậc đại khoa ghi trong các sách trên đây, họ Nguyễn chiếm hơn một phần ba (1063). Sở dĩ họ Nguyễn nhiều là do họ Lý đổi ra họ Nguyễn, bởi mưu đồ của Thái sư Trần Thủ Độ chôn mấy trăm người dòng Tôn Thất họ Lý để triệt tiêu dòng họ Lý, người sống sót phải đổi ra họ Nguyễn. Họ Huỳnh, họ Võ (đàng Trong) là biến thể của họ Hoàng và họ Vũ (đàng Ngoài).

            Có những họ xa xưa của nòi Việt tại sao biến mất hay còn rất ít như họ Hùng, họ Trưng, họ Thục, họ Chữ? Được giải thích rằng các họ đó là của các vua, của Lạc hầu, Lạc tướng, sau khi Mã Viện đánh tan quân Hai Bà Trưng năm 43 sau Thiên chúa, Mã Viện tóm thu hết các trống đồng đúc làm

ngựa xe, cắm trụ "Đồng Trụ Chiết Giao Chỉ Diệt", rượt đuổi giết hết các họ nổi dậy theo Hai Bà. Thâm độc chưa?

            Thật ra nòi Hán cũng chỉ là dân pha trộn thôi, pha kiểu ngoại giao thế yếu như Vương Tường bị cống Hồ. Các rợ Nhung, Địch, Mông Cổ, Mãn Châu... tràn qua biên giới tận thủ đô làm gì? Ngoài thâu vàng bạc, của cải, hãm hiếp mang gái về, mà đâu phải một lần, triền miên nên họ mới làm ra Vạn lý Trường thành nhưng cũng bị mất nước ba thế kỷ rưởi.

            Người Tàu đi ra xứ ngoài thường sống thành tập thể gìn giữ tiếng nói và chữ viết bảo tồn văn hóa để tránh bị đồng hóa. Muốn họ không đầu cơ tích trữ lũng đoạn kinh tế thì đừng cho họ lập bang hội, cấm mở trường dạy chữ Hán thì vài thế hệ sau kể như đồng hoá. Cái dở nữa của dân bản xứ lấy người Tàu đẻ con ra cũng nói là Tàu.

            Hiện nay qua thế kỷ 21 mà cái họa phương bắc vẫn còn đe dọa, Tàu đang xây nhiều đập nước ở Vân Nam để ngăn chận các nguồn nước của các sông Cửu Long, Mé Nam, Hồng Hà, các sông bắt nguồn từ Tây Tạng. Họ nói xây đập để phát triển kinh tế thuỷ điện, nhưng đây là mối đe doạ nặng nề cho Việt Nam, Lào, Miên, Thái. Vì nếu có biến cố thì họ khoá đập thì các nước Đông Nam Á sẽ chết đói ngay. Các đập này như con dao kề cổ Việt Nam để không dám đòi lại vùng Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng Vân Nam vốn có truyền thống nổi loạn và tự trị, miền đất Tây Song Bản Nạp biên giới Thái, Miên có 12 sắc dân khác nhau: Mèo, Lô Lô, Bãi Di, La Hú v.v...mà Trung Quốc gọi một cách rẻ rúng là "thập nhị man dân", nên họ đưa dân tộc Hán đến đông đảo hơn các tộc này để tính chuyện thâm nhập lâu dài.

            Vậy dân tộc Đông Nam Á (Bách Việt) phải làm gì? Hãy nghe tiếng thì thầm thổn thức trong suốt dòng lịch sử từ khi bỏ địa bàn Hoa Nam, cái mưu đồ lấn chiếm theo đuổi tận diệt bằng cách đồng hóa của người Tàu dưới nhiều hình thức xưa nay vẫn vậy. Phải ý thức rằng dân tộc Đông Nam Á (Bách Việt) cần phải phòng ngự trong tư thế của bầy trâu chống cọp, chứ không phải trong tư thế trẻ con núp váy mẹ, có như vậy mới làm chùn bước đối phương và tạo được hòa bình thịnh vượng trong vùng, vậy mới mong giữ vững trăm họ.

            Và dân Đông Nam Á phải hiểu gốc gác thật của mình. Dù mình có là ai đi nữa cũng phải nghĩ tới ăn cây nào rào cây nấy, nơi chôn nhau cắt rún, ở đâu có chén cơm manh áo cho mình? Đừng giống như Tôn Dật Tiên quên mất nguồn cội, rẻ rúng dân tộc mình, đưa ra chủ nghĩa bá đạo hầu thôn tính luôn cả dân tộc Đông Nam Á. Đừng thấy tưởng người ta sang mà bắt quàng làm họ. Họ ấy đông, bá nạp chứ đừng tưởng là sang.

            Câu "mưu sự tại nhân thành sự tại thiên" vẫn còn đúng. Mưu tính sâu độc, mạnh và đông thế nào đi nữa cũng chẳng qua ông Trời. Ông Trời thấy độc ác mà phạt đó! Vùng Hoa Nam, Tây Hạ, Bắc Cương ý thức được nổi dậy giành độc lập rồi thiên hạ họa theo sẽ trở lại thời nguyên thủy.

Trần Khánh

(Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ")