banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

SỰ TÍCH NHÀ BÈ

Trần Khánh

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.

Trước khi đi vào nội dung, người viết xin lược qua phần địa lý có liên hệ với con sông có tên Nhà Bè.
Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên với nguồn là Đa Dung và Đa Nhim, hai sông này nằm cập hai bên thành phố Đà Lạt. Trên sông Đa Dung đã xây đập để cung cấp điện cho vùng Đà Lạt. Sông Đa Nhim có đập Đa Nhim ở Đơn Dương để cung cấp điện cho Sài Gòn.
Sông Đa Dung chảy theo hướng bắc - nam đến Di Linh đổi hướng đông - tây vòng quanh khu núi bắc Bảo Lộc rồi đổ ra sông Đồng Nai. Sông Đồng Nai chảy ra Tân Uyên, Biên Hoà, Nhà Bè rồi đổ ra biển theo sông Soài Rạp. Phía hữu ngạn sông Đồng Nai có hai phụ lưu là sông Bé và sông Sài Gòn.
Sông Bé phát nguyên từ ba biên giới chảy qua Bố Đức và đổ ra sông Đồng Nai ở Tân Uyên, vì chảy qua cao nguyên nên tạo ra thác Trị An.
Sông Sài Gòn phát nguyên từ biên giới Việt - Miên chảy qua hướng bắc - nam đến Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Sài Gòn rồi đổ vào sông Đồng Nai ở Tân Thuận Đông.
Phía tả ngạn sông Đồng Nai có một phụ lưu là sông Vàm Cỏ, sông này chảy từ Cần Đước và đổ vào sông Soài Rạp ngay gần cửa sông này. Sông Vàm Cỏ chia ra hai nhánh là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, cả hai bắt nguồn từ Cao Miên và đổ vào Vàm Cỏ ở Cần Đước.
Sông Đồng Nai chảy ra biển bằng hai thoát lưu chính là sông Soài Rạp ở Vàm Láng và sông Lòng Tảo ở Cần Giờ.

Vào thế kỷ 18 ở Đồng Nai Gia Định có một người tên Võ Thủ Hoằng. Nguời địa phương gọi là Thủ Huồng, có lẽ giấy tờ hành chánh viết không đúng nên đọc trại như vậy. Ông Huồng làm thơ lại trong hai mươi năm, thời gian dài ấy, ông dựa vào thế lực nha, ty, ông vơ vét tiền của dân chúng một cách tàn ác, biết bao nhiêu gia đình tan nát nhà cửa ruộng vườn, oan uổng vì ông. Ông còn cho vay nặng lãi, trả không nổi ông xiết hết gia tài. Nhưng không may vợ ông chết sớm lại không con. Nên ông xin thôi việc về sống cuộc đời trưởng giả.
Ông nghe ở Quảng Yên có chợ Mãnh Ma là nơi người sống và người chết có thể gặp nhau vào nửa đêm ngày 1 tháng 6 hàng năm. Vì thương vợ nên ông muốn tìm gặp sau 10 năm xa cách âm dương. Thấy vợ, Thủ Huồng không dám nhận trước vì vợ ăn mặc sang trọng. Rốt cuộc người vợ cũng nhận ra chồng, ông mừng hỏi vợ làm gì và cho biết cảnh sống từ lúc âm dương cách biệt.
Qua mấy dặm đường tối mịt đến cõi âm ông thấy chỗ nào cũng có quỷ sứ canh gác nghiêm ngặt, dữ dằn. Nhưng có mặt vợ nên chỗ nào cũng đến được, vợ chỉ chỗ cung vua, nhà bếp, nhà ngục… Nhưng không thể đến chỗ ở vợ được, chờ vợ xin phép hoàng hậu mới được đi thăm đây đó. Được phép, ông đi vào nhà ngục thấy cảnh rùng rợn làm ông chột dạ, tiếng hét la vì bị tra tấn, nào lửa đỏ, nào vạc dầu, mổ bụng, cắt tai… nơi đây là nơi trả báo những tội lỗi của con người ở trên trần thế, thật giống như tiếng đồn của người đời.
Đến dãy gông cùm, ông thấy cái gông lớn nhất trong nhiều gông khác, ông hỏi người cai ngục những chiếc gông đó để chi vậy? Cai ngục trả lời là những cái gông đó có chủ cả, cứ xem gông to gông nhỏ thì biết tội lớn hay nhỏ.
Thủ Huồng hỏi cái gông to ấy là của ai và ở trần gian hắn mắc tội gì? Cai ngục lật quyển sổ dầy tra tên họ và chỉ: Võ Thủ Hoằng tục danh Thủ Huồng, nguyên quán Đại Nam quốc, Gia Định tỉnh, Phúc Chính huyện, khi làm thơ lại hắn đổi mặt làm trái, biết bao nhiêu chuyện oan nghiệt chép không hết, như năm Ất Sửu hắn sửa hai chữ "ngộ sát" thành "cố sát" để cho Thị Nhàn bị chết để người anh họ đoạt chiếm. Việc này Thủ Huồng được mười nén vàng, mười nén bạc và một trăm quan tiền. Cũng năm đó hắn làm cho ông Ngô Lại ở thôn Bình Ca bị tội nên được thưởng công hai mẫu ruộng.
Thủ Huồng sợ quá, chẳng ngờ nhứt nhứt mọi việc từ nhỏ đến lớn trên trần thế đều bị ghi hết. Để biết rõ hơn, ông còn hỏi cai ngục là vợ có bị đeo gông không? Được trả lời là ai làm nấy chịu vì vợ hắn là người tốt đã xuống đây rồi.
Thủ Huồng hỏi thêm nếu người đó ăn năn hối cải làm việc thiện có được thay đổi không? Cai ngục đáp: "Đã vay thì phải trả, nếu hắn thực tâm thì hãy đem những của cải cướp được trả lại khổ chủ hoặc đem bố thí cho kẻ cùng khốn thì hết".
Sau khi từ biệt nơi rùng rợn, ông chia tay với vợ trở về dương thế, ông nói: "Tôi về trang trải công nợ, ba năm sau tôi sẽ xuống, mình nhớ lên chợ đón tôi nhé".
Về đến Gia Định, Thủ Huồng thật tâm bố thí, kêu gọi người nghèo khó trong vùng lại cho tiền, cho lúa. Ông đem ruộng đất cúng cho chùa, chia cho bà con họ hàng, tính ra tài sản mất hết phân nửa. Nhớ lời hẹn ba năm, ông khăn gói lên đường đến chợ Mãnh Ma nhờ vợ đưa xuống cõi âm lần nữa.
Trở lại ngục thất xưa, cảnh còn y nguyên với lão cai ngục hồi ba năm trước. Duy dãy gông cùm có ít nhiều thay đổi, phần nhiều vẫn không thay đổi, có những cái gông trước nhỏ nay lớn. Nhưng cái gông của chính mình nay nhỏ lại rất nhiều tuy còn lớn hơn gông thường một chút.
Thủ Huồng lân la hỏi cai ngục: "Cái gông này trước kia tôi nhớ lớn lắm". Cai ngục nói: "Đúng đấy gần đây trên dương thế hắn biết chuộc tội lỗi nên cái gông teo lại nếu hắn làm phước hết lòng có ngày cũng được mất gông và được phước lớn".
Trở lại trần gian, ông về nhà bán hết những gì còn sót lại kể cả ngôi nhà đồ sộ đang ở. Ông đến Biên Hòa cất một ngôi chùa Phật rồi đến sông Đồng Nai để làm một việc nghĩa cuối cùng.
Lúc đó từ Đồng Nai về Gia Định phải đi đường sông. Ở ngã ba sông Sài Gòn vẫn còn hoang vu không người ở vì thế ghe thuyền qua lại lỡ con nước phải ngừng lại, nhưng ở đây không có chợ búa, tiệm quán nên thật là bất tiện.
Thủ Huồng quyết định ở lại chỗ này. Ông kết một cái bè lớn trên có dựng nhà, có chỗ nghỉ ngơi, có nồi niêu, có gạo, củi, muối, nước mắm và nước ngọt để giúp cho những người lỡ bước, đói khổ nhưng không lấy một xu nhỏ. Ông làm như vậy cho tới ngày mất.
Ngày nay ở cù lao Phố Biên Hoà còn có ngôi chùa tên là chùa Thủ Huồng. Con rạch chảy qua Tân Vạn vòng lên quốc lộ 1 tên là rạch Thủ Huồng, một chiếc cầu đá ven sông Đồng Nai và sông Sài Gòn được gọi là Nhà Bè để ghi nhớ lòng tốt của ông đối với khách qua lại trên sông đó. Trước kia con sông này có tên là Tam Kỳ theo Đại Nam Nhất thông chí và Gia Định thành Thông chí.

Ở Biên Hoà có người kể chuyện Thủ Huồng khác ở chỗ ông xuống âm phủ. Nói rằng có một người tên Được đồng hương với Thủ Huồng đi buôn bằng thuyền bị bão lạc đến chợ Mãnh Ma, tình cờ gặp vợ Thủ Huồng rồi theo xuống âm phủ, thấy cái gông của Thủ Huồng như kể trên mới về thuật lại cho Thủ Huồng rõ. Từ đó ông Huồng hối cải làm chuyện phước đức chuộc tội. Sau đó ông Huồng được vợ báo mộng cái gông còn rất nhỏ và khuyến khích ông gia tăng làm phước nữa.
Một điều lạ lùng là về sau ở chùa Thủ Huồng nhận được ba tượng Phật bằng vàng của vua Đạo Quang nhà Thanh bên Tàu gửi qua cúng. Theo lời sứ giả nhà Thanh cho biết chẳng biết vì sao vua Đạo Quang lại có bút tích bằng son ghi hàng chữ: "Việt Nam Gia Định Võ Thủ Hoằng" biên trong một tấu chương của triều đình. Và một truyện lạ khác nữa là bảy chữ "Việt Nam Gia Định Võ Thủ Hoằng" đã có sẵn trên cánh tay của vua Đạo Quang từ lúc mới sanh. Người ta bàn theo luật nhân quả, luân hồi của nhà Phật nói ông Thủ Huồng biết ăn năn hối cải làm phước mới được luân hồi làm vua ở Trung Hoa.
Vua Đạo Quang là ông vua có tài trị nước an dân đồng thời với vua Minh Mạng bên ta. Trung Hoa từ đời tam hoàng ngũ đế tới nay có hai triều đại làm vẻ vang Hoa Hạ,  bành trướng đất đai tiến bộ là nhà Nguyên (Mông Cổ) và nhà Thanh (Mãn Thanh) đều là ngoại chủng ở phía bắc bị rẻ rúng gọi là rợ, đã chiếm trị trong hai thời kỳ dài hơn ba thế kỷ rưởi.
Chuyện Thủ Huồng với sông Nhà Bè là chuyện có thật 100%, chẳng phải chuyện hư cấu phóng bút nói càn. Có chăng chỉ có cường điệu ở đoạn Thủ Huồng xuống âm phủ thấy gông cùm hay vua Đạo Quang có bảy chữ trên tay từ lúc mới sanh.
Nhân chuyện này có người bàn rộng ra. Con người ta thời trẻ có nhiều tham vọng to hay vì thù hận nào đó mà cố gắng tạo dựng cơ nghiệp dù với bất cứ thủ đoạn nào. Đến khi có tuổi thấy việc làm của mình xấu xa bỉ ổi quá, làm hại nhiều người. Chừng đó ăn năn hối lỗi chỉ có cách làm phước giúp người giúp nhân quần xã hội hầu chuộc tội và cầu ơn trên Trời Phật soi xét chứng giám. Mà chuyện đó chúng ta đã thấy và chính chúng ta thực hành hàng ngày.
Chẳng cần chi làm chuyện lớn lao. Nghe tin một người bạn cũ ở Việt Nam đau mà không có tiền uống thuốc, chỉ cần đứng ra kêu gọi vài bạn khi xưa đóng góp một chút cũng đủ cứu sống hoặc làm ấm lòng cho gia đình bạn. Nghĩa cử như vậy là làm phước, làm như vậy chẳng biết có Trời Phật biết tới không, nhưng mình nhận niềm vui trước là đã giúp bạn, lòng thanh thỏa cũng giúp cho mình được sung sướng, được sức khỏe.

Trần Khánh
(Trích "Bài học lịch sử")

 

Đăng ngày 30 tháng 11.2019