banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

VŨNG TÀU VÀ MẤY HÒN ĐẢO

Trần Khánh

Một thắng cảnh của miền nam Việt Nam mà ai cũng biết, nhưng chắc chắn là khách du lịch cũng như chúng ta có đi rồi mới thấy còn có nhiều chỗ chưa được tỏ tường...
...Khi xưa, Vũng Tàu là một hoang địa, chỉ là một mũi đất trên các bờ đá, nơi sinh sống của nhiều rái cá biển, có tên là Núi Lớn hoặc núi Lải Ky (Lải là con rái cá, Ky là núi đá). Vịnh Vũng Tàu dịch từ chữ Thuyền Úc, đến đời Minh Mạng gọi là Tam Thắng, nay còn tên ba làng Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam, là nơi ba đạo thủy quân Kiểu Thắng trú đóng phòng thủ mặt biển cho thành Gia Định.
Khi thương thuyền Bồ Đào Nha đi ngang qua đây, các thủy thủ đạo Thiên chúa nhìn vào thấy năm ngọn núi, họ ghi lên bản đồ là "Cinco Chagas Verdareiras" có nghĩa là năm vết thương của Chúa. Sau đó người Pháp đặt tên là Cap Saint-Jacques, tên vị thánh bảo hộ Bồ Đào Nha, rồi đến khi Vũng Tàu trở thành nơi nghỉ mát lại có tên "Ô Cắp" lấy từ chữ "Au Cap" mà ra.
Thành phố nằm giữa hai ngọn núi: Núi Lớn cao 245 mét, đỉnh có đài radar và Núi Nhỏ cao 170 mét, đỉnh có ngọn hải đăng.
Du khách đến Vũng Tàu thăm các thắng cảnh và để nhuộm màu nắng ấm biển trời vào người thì hãy đến: Bãi Trước, Bãi Sau. Bãi Sau còn gọi là bãi Thùy Vân, bãi Paradis nằm cuối đường Thùy Vân, bãi Chí Linh gần Cửa Lắp. Nên lưu ý Bãi Sau vào những ngày gió đông bắc thổi mạnh sóng lớn bị mũi Nghinh Phong chặn lại nên nước xoáy rất nguy hiểm.
Đường vòng Núi Nhỏ sáu cây số qua đình Thắng Tam, miếu Cá Voi, tượng Thánh Gióc, Niết bàn Tịnh xá, Hải đăng. Đường vòng Núi Lớn mười cây số từ Bạch dinh đến Thích Ca Phật đài chạy ngang qua các làng đánh cá...
Đình Thắng Tam là miếu thờ cá voi (được cung kính gọi là cá ông, vị thần cứu người bị nạn trên biển cả), khi cá ông lụy (chết) tấp vô bờ dân làng tổ chức đám tang trọng thể, người thuyền chài nào gặp xác cá ông đầu tiên phải để tang, xương cá được đem vào miếu thờ đến ngày giỗ có cúng tế. Các vua nhà Nguyễn phong cho cá ông tước hiệu cao qúy: "Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Thượng đẳng thần".
Niết bàn Tịnh xá xây năm 1974 có tượng Phật nằm, dài 12 mét. Hải đăng trên ngọn Núi Nhỏ cao 18 mét, xây năm 1907.
Bạch dinh dịch từ chữ Pháp "Villa Blanche" là nơi nghỉ mát của Toàn quyền Paul Doumer xây năm 1898 (Blanche là tên con gái của ông), cũng là nơi giam giữ vua Thành Thái (1907) trước khi đày ra đảo La Réunion.


Thích Ca Phật đài có tượng Phật cao mười mét, nhìn từ cao thấy toàn cảnh đẹp chung quanh, tượng Phật và chùa xây năm 1961.
Vũng Tàu có nhiều quán ăn đặc sản, nhất là hải sản, những nơi nổi tiếng nhất là quán Cây Bàng, quán Tre, nhà hàng Ngọc Thủy...

Từ Sài Gòn ra cách Bà Rịa sáu cây số có đường rẽ phải đi qua đảo Long Sơn, ở đây có bãi tắm trên Gò Găng, sạch sẽ yên tĩnh. Đi quanh đảo khoảng 20 cây số, leo lên Núi Nưa 186 mét, nhằm ngày Trùng Cửu (9/9) khách hành hương rất đông. Hồ Mang Cá là một hồ sen, là nơi trữ nước ngọt. Đền Ông Trần là điểm du lịch chính của đảo. Ông đạo Trần là do ông ở trần mà thành danh, ông tên là Lê Văn Mưu, sống vào giữa thế kỷ 19 ở miền Nam, lúc trẻ ông nhìn đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, sau thời gian hoạt động chống lại không thành, ông đành bất lực đi lưu lạc đến đảo Long Sơn, ông lập đạo, nhưng không đề cao thần linh nào cả, đạo không đẳng cấp, mọi người đều bình đẳng do một hội đồng kỳ lão điều khiển, mọi người đều làm việc, đất ruộng là của chung. Thời gian ngắn, công trình kiến trúc mọc lên, Nhà Lớn là nơi điều khiển, chợ Long Sơn, nhà kho, nhà đền...đều xài chung, có tiền dư giúp đỡ người nghèo bị thiên tai miền Nam đón ra ở. Khi ông Trần mất thì Nhà Lớn trở thành một điện thờ.
Nhà Lớn có năm lầu: lầu Cấm, lầu Phật, lầu Tiên, lầu Trời và lầu Dài, nối nhau bằng những cây cầu, bàn thờ cũng gần cả trăm chiếc nhưng không thờ tượng, không cầu kinh. Mộ ông Trần chỉ là nắm mồ cát không mộ bia.

Cũng từ Sài Gòn đến cây số 105 rẽ trái đi Long Hải, có bãi tắm Long Hải. Dinh Cô nằm ngay trên bãi tắm, Cô là cô gái 16 tuổi, đi thuyền bị rơi xuống biển chết, sau đó trở nên linh thiêng, phù hộ ngư dân tai qua nạn khỏi (như bà Thiên Hậu bên Tàu), lễ hội nghinh Cô vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch là lễ hội lớn nhứt ở miền Nam duyên hải.
Núi Minh Đạm 465 mét có nhiều hang đá thiên nhiên, cách Long Hải bảy cây số có bãi Thùy Dương đẹp đẽ.     Từ Bà Rịa thay vì rẽ phải đi Long Hải đi thẳng thêm 50 cây số thì đến suối nước nóng Bình Châu, nước nóng tới 80 độ C, khách mang hột gà đến đây luộc ăn cũng được. Cách Bình Châu bốn cây số là suối Bang, nước chảy cuồn cuộn và bãi biển Hồ Cốc sạch sẽ có rừng sát biển, thức ăn hải sản rẻ hơn nơi khác...
Đi đường biển từ Vũng Tàu đến Côn Sơn khoảng 180 cây số, năm 1720 người Anh mộ dân phu Mã Lai chiếm đảo đắp thành lũy, định mở thương điếm, nhưng không thành vì dân phu nổi loạn giết hết người Anh rồi bỏ trốn về nước.
Năm 1783 Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi chạy ra Phú Quốc, Nguyễn Huệ vây Phú Quốc, Nguyễn Ánh chạy đến Côn Sơn, quân Tây Sơn mang thuyền bao vây, may nhờ bão đánh đắm nhiều thuyền Tây Sơn mới chạy thoát được. Khi thực dân Pháp đến họ chọn nơi đây làm nhà tù từ năm 1862.

Côn Sơn là một quần đảo gồm 14 đảo lớn nhỏ, đảo chính là Côn Lôn hình con gấu, chiều dài 15 cây số, chỗ rộng nhứt là tám cây số với vài cánh đồng có hai rặng núi, núi Chúa cao 505 mét và núi Thánh Giá cao 600 mét. Hòn Bà còn gọi là Côn Lôn nhỏ, cách đảo chính một eo biển hẹp vài trăm mét. Hòn Bảy Cạnh cách Côn Lôn bảy cây số, núi có hải đăng xây từ năm 1884. Ở đây còn có nhiều di tích lịch sử, có vườn quốc gia Côn Đảo, tập hợp các loại rừng tre, rừng chồi, rừng tràm, rừng đước. Hòn Tái Lớn có một đàn khỉ, tháng 6 đến tháng 8 là mùa rùa biển (con vích) lên bãi đẻ trứng, nơi đây là nơi duy nhất có con "bò biển", loài có vú ăn rong tảo sống dưới nước nặng khoảng 300 kg, loài này quý hiếm ít thấy được, chỉ còn rất ít...Dưới nước là một thế giới san hô tuyệt đẹp.

Bây giờ mời bạn xuống phía nam đến đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, có chiều dài 52 cây số,  chỗ rộng nhứt khoảng 25 cây số, cách Hà Tiên 45 cây số,  cách Rạch Gía 120 cây số, thị trấn nằm bên sông Dương Đông hết sức thơ mộng, bãi biển trong xanh nằm kề Dương Đông, cửa sông là một cụm đá trên có miếu Dinh Cậu (Hoàng tử Cải), về phía nam hai cây số là bãi tắm Vườn Dừa.
Tuyến đường từ Dương Đông tới An Thới dài 30 cây số, 20 cây số đầu chạy dọc theo bờ biển là bãi cát dài có tên là bãi Trường, đi về hướng đông là bãi Kem cát trắng mịn. Đến An Thới đi tiếp hai cây số nữa về phía mũi Ông Đội có đền thờ nhỏ có di tích Ngai Vua, Giếng Ngự thời Nguyễn Ánh bôn tẩu.
Tuyến đường Dương Đông đến Hàm Ninh dài 13 cây số, ở đây có nhiều ghẹ mùa nào cũng có. Trên đường, ở cây số 9 du khách được ngắm cảnh đẹp của suối Tranh.
Tuyến đường Dương Đông đến bắc đảo tới Bãi Thơm dài 30 cây số qua các vườn tiêu, đồi núi rừng, cách Dương Đông 16 cây số có suối Bàn. Hiện nay có phong trào nuôi bò, trồng cỏ voi, cỏ xả cho bò ăn, lấy phân bò bón dây tiêu rất tốt, nên có dịch vụ mua phân bò, có khi phải trộn vì thiếu phân phải vô đất liền mua chở ra bán rất mắc.
Ngoài ra Phú Quốc có giống chó nổi tiếng khôn, không có nơi nào có, dấu vết đặc biệt là bàn chân giữa các móng có màng như chân vịt, tai dựng, lội giỏi, sáng hơi, có xoáy lưng, lông mướt, xuống nước lên mau khô. Chó Phú Quốc rất quý hiếm...
Và những khách tình si hay bị phụ tình muốn tìm quên lãng ra Phú Quốc, Dương Đông mượn rượu ngon cảnh đẹp để phá thành sầu....nhưng:
Dương Đông gió lạnh vô tình
Rượu uống say mèm, sao vẫn nhớ thương...

Trần Khánh

(Trích "Bài học lịch sử")

 

Đăng ngày 30 tháng 11.2019