MỸ NHÂN THUYẾT KHÁCH
Trần Khánh
Hễ nói tới tài ăn nói người ta thường nhắc tới miệng lưỡi Tô Tần, Trương Nghi là hai nhà thuyết khách vang danh thời Chiến quốc bên Tàu. Đâu biết rằng ở Việt Nam ta thời Tây Sơn có một người đàn bà đẹp có tài văn chương tên là Trần Mỹ Tuyết là ái cơ của Nguyễn Huệ được nhà vua yêu quí luôn đi theo bên mình ngay cả trong quân ngũ.
Trên con đường từ Sài Gòn về miền Tây dọc theo quốc lộ 4 qua khỏi thị trấn Long An chừng hơn ba cây số về mé tay phải có con lộ dẫn vào lăng Nguyễn Huỳnh Đức, ngoài cổng có đề bảng ngài là một trung thần, là một tướng lãnh tài ba của vua Gia Long, là quận công, là tiền quân, là tổng trấn Bắc thành, Gia Định thành, là cha nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Thế mà có lần sa cơ bị quân Tây Sơn bắt được trong trận thủy chiến ở Gia Định vào năm 1783. Lúc đưa Nguyễn Huỳnh Đức về bản doanh, Nguyễn Huệ trông thấy tướng mạo đường đường uy nghiêm khôi vĩ, đứng chống nạnh, mắt trừng nhìn mọi người. Nguyễn Huệ tiến tới tự tay cởi trói và tỏ lời khuyến dụ. Huỳnh Đức mắng rằng: "Tôi trung không thờ hai chúa. Nay sa cơ tôi đành chịu chết chớ không hàng".
Các tướng phẫn nộ xin đem giết đi. Nhưng Nguyễn Huệ cười bảo: "Thái độ của Huỳnh Đức có bản sắc của người anh hùng và lòng trung nghĩa của kẻ trượng phu. Đứng trước cái chết mà không khuất là trung can nghĩa đảm, đó là chánh khí đàng hoàng, há chẳng khiến chư tướng khâm phục sao?"
Mọi người bất bình nhưng không dám biện bạch thêm. Nguyễn Huệ truyền lịnh giam Huỳnh Đức và sai Ngô Văn Sở đến thuyết phục, trong ba ngày mà chẳng có kết quả. Nguyễn Huệ lại yêu cầu Trần Mỹ Tuyết đến thử phân tích lợi hại với Huỳnh Đức một lần trong khi ông đã tuyệt thực ba ngày. Trước ánh đèn mờ Mỹ Tuyết ung dung tự giới thiệu, tôi là thuyết khách của Nguyễn Huệ sai đến. Huỳnh Đức nhắm mắt không trả lời.
Mỹ Tuyết ôn tồn nói: "Người xưa có câu: 'Thiên cổ gian nan duy bất tử', nhưng người trượng phu lâm nạn thì sống chẳng dễ mà chết cũng khó. Con người sanh ra trong trời đất chỉ quý ở điểm là hoàn thành được trách nhiệm bản thân. Trách nhiệm chưa xong thì có thể gọi là bậc hoàn nhân không? Như Văn Tín Quốc nhẫn nhục ba năm đến khi biết nhà Đại Tống đã tuyệt vọng thì mới khẳng khái chịu chết ở Đông Thị và Hán Thọ Đình hầu Quan Công sau khi thất thủ Hạ Bì vì nghĩ đến hoàng thúc Lưu Bị lưu lạc tha phương, phải đành giao ước ba điều với Tào Tháo. Nhân chí nghĩa tận nghìn thu truyền làm mỹ đàm, tướng quân đọc sử không biết đến sự tích ấy sao?"
Huỳnh Đức hét lên: "Ta biết rõ lắm, đừng có nhiều lời".
Mỹ Tuyết thản nhiên nói tiếp: "Nay chúa Nguyễn thất thế phải chịu cảnh lưu ly đang cần bầy tôi tương trợ thế mà tướng quân lại đi cầu cái chết! Chết rồi trách nhiệm của kẻ làm tôi cũng tiêu sao?"
Huỳnh Đức dịu giọng: "Ta chết vì thế bức".
Mỹ Tuyết tiếp: "Lúc này là lúc 'trục lộc trung nguyên' nhưng chỉ có Long Nhương Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là đối thủ nhau. Thiên cơ huyền ảo, cuộc đối lũy còn đang ở thế giằng co chưa thể biết chắc được bề đắc thất. Vì tướng quân, tôi xin đưa ra một kế là hãy tạm giữ thân hữu dụng để xem thời chọn chủ đến lúc khí lưu lưỡng tiện thì tùy ý sở cầu. Long Nhương Tướng quân là người mục thông thiên cổ khổ nghể đương thể, thế mà đối với tướng quân không giết rõ là vì thiên hạ mà thương tiếc anh hùng, chớ như tướng quân thuộc hàng ong kiến thì tôi đâu phải nhọc đến miệng lưỡi".
Huỳnh Đức cúi đầu trầm ngâm. Mỹ Tuyết cáo biệt về phục lịnh.
Nguyễn Huệ lại sai Ngô Văn Sở đến uỷ dụ và hứa về sau hễ lập được chiến công thì khứ lưu tùy ý. Cuối cùng Huỳnh Đức theo lời Mỹ Tuyết.
Nguyễn Huệ về Quy Nhơn, ra Thanh Hóa, đến Thăng Long đều đem theo Huỳnh Đức bên trướng và Huỳnh Đức đã lập được nhiều chiến công. Nhớ lời hứa năm xưa đến Nghệ An cho Huỳnh Đức chọn đường lưu khứ, Huỳnh Đức xin ở lại đất Nghệ An cùng với Nguyễn Duệ.
Lúc Nguyễn Hữu Chỉnh thông đồng với Nguyễn Duệ lấy Nghệ An để sửa lũy Hoành Sơn chống với nhà Tây Sơn, Nguyễn Duệ bằng lòng, nhưng bị lậu sự Vũ Văn Nhậm hay được, Nhậm đem quân ra bắt Duệ, Duệ biết trước nên cùng Nguyễn Huỳnh Đức bỏ trốn. Nguyễn Duệ về Qui Nhơn, Huỳnh Đức vào Gia Định.
Tháng 4 năm 1787, Lê Chiêu Thống sai hoàng thân Lê Duy Anh, Trần Công Sán và Ngô Nho đem thơ và phẩm vật vào Phú Xuân, Nguyễn Huệ biết là âm mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh bày ra, mới nói với Trần Công Sán rằng ông ấy sẽ cho binh tuớng ra Thăng Long để lấy đầu kẻ sinh sự.
Biết Trần Công Sán là một hiền tài, muốn trọng dụng nhưng không thể thuyết phục được, để sống thì nguy cho sự nghiệp sau này nên Nguyễn Huệ cho người đưa phái đoàn theo đường biển về kinh đô, trên đường đi ngầm đục thuyền. Trần Công Sán cùng phái đoàn đều chết.
Nhân vụ này, nhiều người hỏi Mỹ Tuyết: "Tại sao bà không dùng tài năng của mình để thuyết phục Trần Công Sán như đối với Huỳnh Đức?"
Bà Mỹ Tuyết đáp rằng: "Huỳnh Đức là một võ tướng mang nặng lòng trung nghĩa. Công Sán là người học rộng hiểu sâu, một lưỡi dao con là ta làm sao đốn nổi cây tùng có trăm tuổi thọ".
Một câu hỏi khác: "Cũng là nhân tài cả mà sao Nguyễn Huệ lại đối với Huỳnh Đức độ lượng khoan hồng hơn Công Sán?"
Bà lại đáp: "Tài Huỳnh Đức có thể lấy được thành trì, tài Công Sán có thể chiếm trọn cả nước, nên biết tận dụng chữ nhân phải đi song song với chữ trí mới tránh khỏi chữ ngu, mà kẻ đại trượng phu không thích mang tiếng ngu với đời".
Trong cuộc tranh hùng giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ biết được nhiều tướng tài của Nguyễn Ánh, vì muốn chiêu hiền đãi sĩ, Nguyễn Huệ tha cho. Nhưng có người lại bị Nguyễn Huệ bắt nữa là một sĩ phu mà Nguyễn Huệ biết tiếng muốn trọng dụng. Ngài hỏi: "Bây giờ thì tiên sinh tính sao?". Vị sĩ phu nọ trả lời: "Thôi đành lấy cái chết để đền nợ nước". Liền sau đó lãnh một nhát gươm.
Cách xử trí của ông cha ta khi xưa chẳng biết còn ứng dụng cho ngày nay được nữa không? Dù sao người viết sưu tầm cũng khâm phục cung cách ứng xử của người chiến thắng cũng như chiến bại.
Trần Khánh
Trích "Bài học lịch sử"
Đăng ngày 02 tháng 12.2019