NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491-1585)

Trần Khánh

Viết về Trạng Trình có người cho là đề tài xưa như quả đất, người khác lại cho là cụ Trạng đâu chỉ có tài viết sấm ký, tiên đoán thịnh suy cho hiện tại tương lai đất nước và thế giới cho mấy trăm năm sau. Ngoài thơ văn viễn tưởng, cụ còn là một nhà thao lược, tinh thần phóng khoáng, không câu chấp chữ trung quân mà ra làm quan với nhà Mạc. Câu chuyện khuyên chúa Trịnh, chúa Nguyễn và nhà Mạc qua các lời tiên tri là cụ biết nhìn xa thấy rộng đặt ba họ trong thế tam phân dưới thời nhiễu nhương mà giữ gìn đất nước không bị Tàu lợi dụng dịp rối ren mà xâm chiếm nước ta, mà còn mở rộng bờ cõi về phía nam. Nhà Mạc giữ biên cương mặt bắc vùng Cao Bằng. Vua Lê, chúa Trịnh giữ trung ương. Chúa Nguyễn trấn đất Thuận Hóa, sau mới có cơ hội tiến vô nam, qua Chiêm Thành đến Chân Lạp. Xem ra cái thế tam phân ấy của cụ thành công mỹ mãn không như cái thế chân vạc thời Tam Quốc (Đông Ngô, Bắc Ngụy, Tây Thục) của Khổng Minh Gia Cát Lượng.
Và trên thi văn lịch sử của Việt Nam, đông tây muốn viết về bậc vĩ nhân, anh hùng thi bá nào... cũng dễ hơn viết về ông. Ngay như cái tiểu sử mờ mờ với bà mẹ họ Nhữ giải lý số với anh em Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Ông đã từng cầm quân với mưu chước thần sầu. Như một đạo diễn cho ba nhà trấn giữ tam cầu. Với tài thuyết phục Đại tướng Nguyễn Quyện bỏ Lê về Mạc, linh ứng, siêu thoát qua lời sấm ký...
Về chữ nhàn của ông thường nhắc đến, chưa hẳn ông được nhàn hạ như người đời ca tụng vì một kẻ sĩ có tấm lòng yêu nước như ông làm sao nhàn hạ ung dung ngồi nhìn thế nước đảo điên mà lòng người thì ngổn ngang trăm mối được.
Ở đây người viết chỉ nhìn vào một khía cạnh nhỏ là cách ăn uống mà hiện nay cả thế giới đều quan tâm đến từ "régime" để làm sao cho sống lâu, sống khỏe, trẻ trung tươi đẹp.
Cụ Trạng sống gần cả một thế kỷ (1491-1585), thời đó là một chuyện hiếm thấy. Cụ có được yên ổn tâm thần đâu, sống được như vậy ắt có phương pháp ăn uống điều độ, từ thể xác tới tâm hồn hết sức khoa học. Nên dân gian còn đặt cụ là "Trạng Thọ" qua bài thơ "Dưỡng sinh thi" của cụ:
Tích khí, tồn tinh, cánh dưỡng thần
Thiểu tư, quả dục, vật lao thân
Thực thôi ban bảo, vô kiêm vị
Tửu chỉ tâm bôi, mạc quá tuần
Mỗi bả hí ngôn, đa thủ tiếu
Thường hàm, lạc ý, mạc sinh sân
Nhiệt viêm, biến trá, đô hưu vấn
Nhiệm ngã tiêu dao quá bách xuân.
Nghĩa là:
Giữ khí, gìn tinh, lại dưỡng thần
Ít lo, ít muốn, ít lao thân
Cơm nên vừa bụng, đừng nhiều vị
Rượu chỉ vài phân, chớ quá từng
Miệng cứ câu đùa, vui chuyện mãi
Bụng thường nghĩ tốt, dạ lâng lâng
Nhiệt thành, biến trá, thôi đừng hỏi.
Đọc qua bài thơ trên, ta thấy cụ áp dụng lối sống, cách ăn uống mà người ta thường nói đến. Trước cụ một trăm năm một y sư Việt Nam là Tuệ Tỉnh sang Tàu theo lời mời để chữa trị cho vua quan, được giữ lại làm ngự y, rồi mất ở bên Tàu. Cụ Tuệ Tỉnh có để lại mấy bộ sách thuốc, quý nhất là bộ sách nói về cây cỏ đất Việt chữa bệnh hay như thần. Người ta cho rằng cụ Trạng đã đọc hết các bộ sách của cụ Tuệ Tỉnh vì các nhà Nho xưa, dù không thích thú nhưng cũng phải ghé mắt trông về y, lý số, triết lý của bách gia, binh pháp thao lược của Trần Hưng Đạo, Tôn Ngô.
Vậy chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của bài thơ thuật dưỡng sinh:
- Hai câu đề:
Giữ khí, gìn tinh, lại dưỡng thần
Ít lo, ít muốn, ít lao thân
Tinh, khí, thần là quan niệm về sinh lý, về dinh dưỡng, về bệnh tật, là chân lý bao trùm hết trong cơ thể con người. Sức khỏe cũng từ đó mà phép dưỡng sinh cũng từ đó. Nói một cách giản dị hơn, khí là thở do bộ máy hô hấp điều khiển. Tinh nói về thức ăn uống, bộ máy tiêu hóa lọc phần tinh túy kết lại để giúp cho con người có sinh lực từ các chất dinh dưỡng của mọi thứ thức ăn mà ra. Thần là kết quả hiện ra do tinh khí làm nên, thần sắc con người bộc lộ qua ánh mắt, làn da, nụ cườì, biểu hiện sức khỏe từ bên trong. Đó là do phép dưỡng sinh ở phần thể chất.
Còn về phần tinh thần đó là cái tâm. Ít lo, ít muốn, ít lao khổ không phải là đừng có lo nghĩ gì hết, như thế là người vô tâm rồi, mà phải tước bỏ những ý tưởng sai lầm, mọi vọng động, đừng có tà ý mà hại đến thân xác.
- Hai câu thực:
Cơm nên vừa bụng, đừng nhiều vị
Rượu chỉ vài phân, chớ quá từng
- Hai câu luận:
Miệng cứ câu đùa, vui chuyện mãi
Bụng thường nghĩ tốt, dạ lâng lâng
Bốn câu này khai ý cho hai câu đề. Đông tây kim cổ cũng đều khuyên đừng ăn no quá mà nứt bao tử, vừa đủ thôi, dù có thêm ngọt bùi cay đắng, bát bửu thập trân, sơn hào hải vị chút chút cũng không sao. Vì cụ đã từng là quan lớn ở triều, yến tiệc cũng thường nhưng về quê sống cũng quen dưa muối. Đừng cầu kỳ như Tản Đà, ăn rau muống phải trồng trong chậu úp, uống trà nâng lên thành đạo trảm mã trà, trà hoa cau. Rượu chỉ cần uống vài ly đế nho nhỏ cở chung hạt mít thời xưa để cho tiêu thực lúc tì vị cần tiếp trợ, cũng như đừng uống quá lượng để thành nếp say sưa, đừng bắt chước mấy anh đồ ngông mà đòi: "Bán dạ tam bôi tửu, bình minh sổ trảm trà" (Nửa đêm ba chung rượu, bình minh vài chén trà).
Miệng luôn nở nụ cười, nói pha vài câu đùa cho vui, bụng thì nghĩ điều lành lẽ tốt, tâm hồn bình lặng chẳng nên bực dọc, giận hờn chỉ làm khổ thân mình. Giữ được trạng thái tốt đẹp như thế phải người tu luyện cao mới được, đi vào thiền học như Lý Thánh Tôn dặn bà Ỷ Lan Thái phi khi ra biên cương phía nam trừ giặc: "Vạn biến như lôi, Nhất tâm thiền định" (Dù có xảy ra trăm ngàn biến cố, hãy cứ một lòng lo việc nước). Nói như thế, không có nghĩa là bịt tai nhắm mắt, bỏ mặc tất cả. Trong cái khó vô cùng mà nhận ra ánh sáng dù ở cuối đường xa tít với chủ đích theo hướng tốt, ai có xấu xa, mình cứ cố nhận ra một chỗ không xấu và bám víu vào chỗ không xấu ấy. Thế mới là cao thượng, lòng mới thanh thản.
- Hai câu kết:
Nhiệt thành, biến trá, thôi đừng hỏi
Để tớ tiêu dao đến tuổi trăm.
Phép dưỡng sinh mà đạt tới bỏ mặc việc đời không đếm xỉa tới thì trở thành bậc đại nhân, đại thánh thì dù có sống đến trăm tuổi cũng còn trẻ chán so với Bành Tổ.
Theo sách Quốc văn Giáo khoa thư có viết, ba ông thầy thuốc có danh là: sạch sẽ, điều độ và thể dục. Ở đây, cái thuật sống lâu của cụ Trạng không nói đến vấn đề sạch sẽ. Cũng như tập thể dục cụ cũng không đề cập. Có thể người xưa quý thân thể hơn người đời nay (dài lưng tốn vải ăn no lại nằm).
Gần đây nhiều sách báo của ta, của Tây, của Nhựt, của Tàu, đều nói về thuật ăn uống, dưỡng sinh. Có lẽ họ chưa đọc bài "Dưỡng sinh Vậy xin đề nghị cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lên làm ông Tổ.
Trần Khánh
Trích "Bài học lịch sử"

 

 

Đăng ngày 02 tháng 12.2019