banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chủ nghĩa Trump là gì

mà thay đổi được nước Mỹ?

Nguyễn Quang Duy

Ngày 11/3/2021, Tổng thống Joe Biden ban hành Dự Luật theo đó hầu hết người Mỹ sẽ nhận được một khoản tiền cứu trợ đại dịch lên đến 1,400 Mỹ kim cho mỗi người.
Khoản tiền này đúng ra là theo lời đề nghị của cựu Tổng thống Donald Trump trước ngày bầu cử tổng thống 2020 ít hôm, nhưng ông đã bị Thượng nghị sĩ Mitch McConnell Lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng Viện lúc ấy phản đối.
Lần này mặc dù ông Biden đã được cả Hạ Viện và Thượng Viện đồng ý thông qua, nhưng vào ngày 5/3/2021 có 8 Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ cùng với 50 Nghị Sĩ thuộc đảng Cộng Hòa bỏ phiếu từ chối đưa Dự luật tăng mức lương tối thiểu lên 15 Mỹ kim một giờ kèm với Dự Luật cứu trợ.
Tăng mức lương tối thiểu là một đề tài giúp chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa ba chủ nghĩa đang ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và kinh tế tại Mỹ: chủ nghĩa tân tự do, chủ nghĩa dân chủ xã hội và chủ nghĩa Trump.

Kinh tế thị trường
Chủ nghĩa tân tự do (Neoliberalism) tin rằng kinh tế thị trường có thể tự điều tiết mọi hoạt động kinh tế và xã hội một cách tuyệt hảo.
Chủ nghĩa này cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào thị trường, thuế và mọi biện pháp điều tiết của chính phủ phải bị hạn chế, các dịch vụ công cộng phải được tư nhân hóa, các tổ chức công đoàn nên bị giải thể, như thế sẽ tối ưu mọi hoạt động kinh tế và xã hội.
Từ những năm 1960 ý tưởng tân tự do được giới tư bản Mỹ nhiệt tình ủng hộ tài chánh, giới khoa bảng xây dựng lý thuyết và đào tạo tân sinh, giới truyền thông quảng bá niềm tin, giới chính trị ban hành những đạo luật để cổ vũ thị trường và mở rộng ngoại thương.
Khi tân tự do đã trở thành chủ nghĩa thì các giới khoa bảng, giới trí thức, giới truyền thông, giới chính trị tin một cách tuyệt đối và tìm mọi lý lẽ để giải thích sự thất bại của kinh tế thị trường cũng như sự thất bại của các chính sách do chính phủ đề ra.
Cánh tân tự do ảnh hưởng đến nhiều thế hệ các chính trị gia cả đảng Cộng Hòa lẫn đảng Dân Chủ, một thí dụ điển hình là mức lương tối thiểu của người lao động từ năm 2009 đến nay vẫn được định ở mức 7.25 Mỹ kim một giờ.
Những chính trị gia này cho rằng thị trường tự do sẽ quyết định cung cầu nhân lực nên nếu tăng mức lương tối thiểu nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa gây nạn thất nghiệp.
Họ cũng tin rằng khi mức lương tối thiểu gia tăng giới doanh nhân sẽ phải tăng giá hàng hóa và dịch vụ, như thế sẽ tăng lạm phát ảnh hưởng đến đời sống toàn xã hội.
Các chính trị gia liên bang còn lập luận rằng mức lương tối thiểu là do chính quyền tiểu bang và thành phố quyết định dựa trên tình hình kinh tế và chính trị tại mỗi địa phương.
Bởi thế ở cấp liên bang trong vòng 12 năm qua mức lương tối thiểu vẫn được giữ 7.25 Mỹ kim một giờ, trong khi lạm phát liên tục gia tăng và đời sống của những người lao động đã khổ càng khổ hơn.

Thất bại của kinh tế thị trường
Những người theo khuynh hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa chống lại kinh tế thị trường, họ cho rằng xã hội Mỹ rất bất công người giàu thì càng ngày càng giàu hơn, trong khi người nghèo thì càng ngày càng khốn đốn.
Bài viết “Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích Chủ nghĩa Xã hội?” (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45257431) đã trình bày lý thuyết đưa đến sự thành công của cánh tả cấp tiến trong thời gian gần đây.
Chủ trương của cánh tả cấp tiến có thể tóm tắc như sau: lương tối thiểu 15 Mỹ kim một giờ, bảo đảm công ăn việc làm (Universal jobs guarantee), chăm sóc y tế miễn phí (universal healthcare), miễn phí đại học (tuition-free universities) và đầu tư vào phát triển nhiên liệu xanh (Green energy).
Cánh tả cấp tiến tin rằng với mức lương 7.25 Mỹ kim một giờ trả cho người lao động nếu họ có đi làm toàn thời cũng không đủ trang trải chi phí sinh hoạt ở mức tối thiểu.
Ở một số tiểu bang như California hay New York cánh tả cấp tiến đã thành công trong việc gia tăng mức lương tối thiểu lên tới 15 Mỹ kim một giờ.
Trong kỳ tranh cử tổng thống 2020 có đến 60% cử tri tại tiểu bang Florida đồng ý thông qua Dự Luật tăng mức lương tối thiểu lên 15 Mỹ kim một giờ, nhưng vẫn có trên 51% cử tri đã bầu cho ông Trump.
Khi ra tranh cử tổng thống năm 2020 ông Joe Biden và cánh tả cấp tiến đã hứa với cử tri sẽ thực hiện các chính sách trong đó có việc tăng mức lương tối thiểu lên 15 Mỹ kim một giờ cho tất cả người lao động ở Mỹ.
Nắm cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhưng với 8 Thượng Nghị Sỹ đảng Dân Chủ phủ quyết Dự luật tăng mức lương tối thiểu đi kèm với Dự luật cứu trợ là thất bại đầu tiên của tổng thống Joe Biden nói riêng và của cánh tả cấp tiến nói chung.
Trong thời gian sắp tới, nếu ông Biden và cánh tả cấp tiến không thực hiện được lời hứa, thì việc này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến các cuộc tranh cử giữa kỳ 2022 và tranh cử tổng thống 2024.
Chưa kể ông Biden đã đưa ra nhiều đề nghị khác như chi tiêu xây dựng hạ tầng cơ sở đường xá cầu cống lên tới 2,000 tỉ Mỹ kim cần đến 60 Thượng Nghị Sĩ đồng ý khó có thể được thông qua.

Thất bại của chính phủ
Khác với những người thuộc cánh tả cấp tiến, ông Trump cho rằng sự thất bại trong việc bảo vệ người lao động là vì các chính phủ trước đây đã quá tin vào kinh tế thị trường và chủ trương toàn cầu hóa.
Các chính phủ trước đây cho phép Trung Quốc thực hiện những hành vi thương mại không công bằng khiến hàng hóa nước này tràn ngập thị trường Mỹ, giết chết kỹ nghệ Mỹ, cướp công việc của người lao động Mỹ, làm suy yếu nước Mỹ.
Ông cho biết sẽ điều chỉnh những chính sách sai lầm và hứa hẹn sẽ mang lại công ăn việc làm cho tầng lớp lao động nếu ông thắng cử tổng thống năm 2016.
Các chính sách cắt giảm thuế, thu hút đầu tư quay trở lại Mỹ, thương lượng lại các Hiệp định thương mãi và trừng phạt kinh tế Trung Quốc đã giúp kinh tế Mỹ liên tục tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm, tăng mức lương và lợi tức cho người lao động.
Vào tháng 9/2019 tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ xuống chỉ còn 3.5%, có thể xem là tỉ lệ toàn dụng nhân lực (full employment), tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người lao động da màu cũng xuống dưới mức 6% lần đầu tiên kể từ thập niên 1960.
Từ năm 2017 đến năm 2019, nghĩa là 3 năm đầu nhiệm kỳ tổng thống Trump, thu nhập trung bình của các gia đình lao động Mỹ đã tăng thêm chừng 6,000 Mỹ kim.
Mặc dù đại dịch gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 2020 có tới 56% cử tri Mỹ cho biết mức sống của họ tốt hơn so với 4 năm về trước.
Con số này cao hơn nhiều, so với tỉ lệ cử tri trả lời câu hỏi tương tự vào các năm 1984, 1992, 2004 và 2012, dưới các thời Tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush và Barack Obama.

Chủ Nghĩa Trump là gì ?
Tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Orlando, Florida, vào ngày 28/2/2021, lần đầu tiên ông Trump giải thích “Chủ Nghĩa Trump (Trumpism) là gì?” lược dịch như sau:
“Chủ nghĩa Trump là những từ ngữ mới không phải do tôi (ông Trump) nghĩ ra nhưng càng ngày càng được nhiều người nói đến.
“Chủ nghĩa Trump là những thỏa thuận tuyệt vời, những giao dịch thương mại tuyệt vời, mà người Mỹ không phải trả bằng bất cứ giá nào, hay không phải cho đi mọi thứ từ công việc đến tiền bạc (như những thỏa thuận thương mại mà các chính phủ trước đây đã ký với thế giới).
“Chủ nghĩa Trump có nghĩa là thuế thấp và loại bỏ các quy định đã hủy hoại việc làm của người lao động…”
Ông Trump còn cho biết Phong Trào MAGA là để bảo vệ những lợi ích kinh tế, bảo vệ những giá trị văn hóa xã hội của người lao động Mỹ thuộc mọi chủng tộc, màu da và tín ngưỡng.
Như thế khác với những chính trị gia theo chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa dân chủ xã hội, ông Trump không dựa trên lý thuyết để tranh cãi hay thuyết phục cử tri.
Ông dựa trên kết quả thực tế liên tục quảng bá đến cử tri những thành quả mà Chính phủ do ông lãnh đạo đã thành đạt.
Cách nói của ông Trump rất dễ hiểu với tầng lớp lao động và kết quả việc làm của ông dễ được họ nhìn nhận.
Chủ nghĩa Trump như thế không khác gì Chủ nghĩa thực dụng lấy hiệu quả và kết quả của việc làm để xây dựng triết lý và thu phục niềm tin của cử tri.
Chủ nghĩa thực dụng có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Mỹ, nhờ thế ông Trump đã nâng số cử tri bầu cho ông lên đến gần 75 triệu người, thêm 10 triệu cử tri so với cuộc bầu cử năm 2016.
Những cuộc thăm dò dân ý gần nhất cho thấy đa số những cử tri đã bầu cho ông năm 2020 đến nay vẫn tiếp tục ủng hộ ông.
Về tương lai, ông Trump cho biết chỉ đề cử những ứng cử viên đảng Cộng Hòa công khai ủng hộ Phong trào MAGA, và các tổ chức hay chính trị gia đảng Cộng Hòa nếu không được ông Trump chính thức cho phép thì không được quyền sử dụng tên ông trong việc gây quỹ tranh cử.

Phản ứng của đảng Dân Chủ
Bấy lâu nay đảng Dân Chủ vẫn được xem là đảng bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Ông Trump đã đảo ngược thế cờ, nếu nạn đại dịch không xảy ra kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động thì ông Biden không dễ gì thắng cử.
Đảng Dân Chủ biết rõ điều này, với tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, kinh tế Mỹ khó có thể nhanh chóng phục hồi nói chi đến việc đưa kinh tế đến mức toàn dụng nhân lực.
Vì thế cánh tả cấp tiến đã bắt đầu bàn đến Chương trình New Deal có từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt: chính phủ có bổn phận phải tăng ngân sách, tăng chi tiêu, bảo đảm công việc làm (Universal jobs guarantee) cho người lao động.
Còn cánh tân tự do, trong bài phát biểu hôm 3/3/2021 Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhìn nhận một số giới chức trong chính phủ Mỹ trước đây đã mắc sai lầm khi tin tưởng các thỏa thuận tự do thương mại sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người Mỹ.
Ông Blinken cho biết chính sách ngoại thương của Chính Phủ Biden là giành lại công bằng thương mãi cho nước Mỹ và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Mỹ.
Chính sách ngoại thương này không khác gì chính sách thời Tổng thống Trump, nước Mỹ đang tách dần khỏi chủ nghĩa tân tự do với thương mãi tự do và toàn cầu hóa, để ngả sang chủ nghĩa dân chủ xã hội hoặc sang chủ nghĩa hiện thực Trump.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
12/3/2021



Bầu cử và những bài học

Vũ Linh

Cuộc chiến dành phiếu cuối cùng đã chấm dứt. Nhưng chấm dứt trong một trận đại chiến cuối cùng khi phe CH phản kháng danh sách cử tri của 6 tiểu bang, nhưng thất bại.
Cụ Biden được PTT Pence chính thức tuyên bố đắc cử tổng thống với 306 phiếu cử tri đoàn 3g30 sáng ngày 7/1/2021. Sau đó, TT Trump đã tuyên bố sẽ chuyển giao quyền hành trong trật tự ngày 20/1/2021.
....
Bốn năm nội chiến không đổ máu tạm chấm dứt.
Vị tổng thống gây tranh cãi lớn nhất lịch sử cận đại Mỹ ra đi trong vui mừng của nửa nước, cũng trong buồn hận của nửa nước. Vỏn vẹn trong bốn năm ngắn ngủi, ông đã để lại dấu ấn, một gia tài không xóa nhòa được ít nhất trong vài ba chục năm nữa. Lịch sử sẽ phán xét ông công bằng hơn, khi dư âm của những đánh phá tàn bạo nhất sẽ tàn lụi.
Liên minh ủng hộ ông không lớn bằng cái đầm lầy chống ông, gồm chẳng những đảng đối lập Dân Chủ, mà còn có toàn thể khối TTDC, Nhà Nước ngầm, đám quan lại thối nát, nhóm CH Never Trump, các đại tập đoàn hi-tech Apple, Google, các trang mạng xã hội lớn Facebook, Twitter, tài phiệt Do Thái, đám dân ăn bám trợ cấp, trí thức thiên tả, phụ nữ ham vui nhưng vô trách nhiệm, thanh niên mê thuốc lắc, …
Đến những ngày cuối, ngay cả các đồng chí bảo thủ CH của TT Trump cũng đã đành phải bỏ ông để bảo vệ sự ổn định của đất nước, và sự tồn tại của thể chế chính trị Mỹ. Nước Mỹ cuối cùng vẫn là nước pháp trị, không ai kể cả TT Trump muốn phế bỏ luật lệ để ‘đảo chánh’ theo kiểu các ‘cộng hòa chuối chiên’. Nếu có thua vì gian lận thì cũng đành chấp nhận, vì đó là những sơ hở của luật pháp và Hiến Pháp, rồi lo sửa luật sau.
Chiến thắng của cụ Biden không có nghĩa là cả nước đã bác bỏ TT Trump. Trái lại, cũng đã có một khối dân rất lớn ủng hộ ông. Dù sao thì TT Trump cũng đã thu được trên dưới 75 triệu phiếu, cao nhất trong số tất cả các tổng thống đương nhiệm từ xưa đến nay, tuy không phải là đa số nhưng cũng xấp xỉ gần một nửa dân Mỹ.
Tình trạng chính trị Mỹ hiện nay, không bên nào có thể đấm ngực nói là đại diện cho dân Mỹ được nữa. Hai chính đảng ngang ngửa với nhau, năm nay đảng này thắng, năm khác đảng nọ thắng, như quả lắc đồng hồ, hai đảng thay nhau nắm quyền. Thắng vỗ ngực, thua mếu máo.
Dĩ nhiên đã không ít người cho rằng cụ Biden đã thắng nhờ gian lận.
Khi một ứng cử viên trốn dưới hầm, không đi vận động tranh cử vì sợ nói nhầm, lâu lâu mới ra nói chuyện trước một đám dăm ba chục người, mà lại chiếm được 80 triệu phiếu, đánh bại một ứng cử viên suốt ngày đi khắp nước vận động, đi đến đâu cũng có cả ngàn người đón chào bất chấp đe dọa nhiễm dịch, hiển nhiên đã có cái gì không ổn chút nào.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, cũng như trong tất cả các cuộc bầu cử trước, tất nhiên đã có những gian lận kiểu như tráo phiếu, phiếu ma, cả ngàn cách. Như kẻ này đã nhận định, đó là những gian lận có thật, nhưng không đủ tầm mức để lật ngược kết quả bầu cử do chính quyền của cả một tiểu bang xác nhận.
Cái gian lận đáng nói không phải chỉ là những sai biệt vài chục ngàn phiếu ma, phiếu tráo  trong ngày bầu cử, mà là cái gian lận đã xẩy ra TRƯỚC ngày bầu cử, khi những tiểu bang then chốt nhất vùng Đại Hồ chính thức sửa luật bầu cử, đưa đến ‘sai biệt’ cả triệu phiếu, mang lại lợi thế cho ứng cử viên đảng DC.
Đây mới chính là những gian lận lớn, quy mô, có hậu quả đáng kể trong kết quả bầu cử. Nhưng điều đáng tiếc hay đáng buồn là những mánh gian trá này lại là những chuyện ‘hợp pháp’ vì được cả hành pháp, lập pháp, và tư pháp tiểu bang thông đồng sanh ra, mà Tối Cao Pháp Viện liên bang không cản được khi Hiến Pháp cho phép các tiểu bang đặt ra thủ tục và luật lệ tranh cử riêng.
Hiểu như vậy, sẽ hiểu được tại sao bao nhiêu cuộc thưa kiện của TT Trump đều thất bại.
Nhiều người không chấp nhận kết quả của bầu cử, chống đối mạnh vì cho là gian tà đã thắng chính nghĩa.
Chuyện chính-tà là chuyện xưa rồi. Trong chế độ độc tài CS, AK-47 luôn luôn bắn nát chính nghĩa.
Thể chế dân chủ kiểu Mỹ cũng là thể chế không cần biết đâu là chính, đâu là tà, đâu đúng, đâu sai, mà chỉ có một yếu tố quyết định duy nhất: đó là công thức toán học, số nào nhiều hơn số nào, chấm hết. Bây giờ nếu đa số dân Mỹ bỏ phiếu mời Cậu Ấm Ủn qua làm tổng thống Mỹ, tất nhiên đó là việc vẫn phải tôn trọng, dù là vô lý đến cỡ nào cũng không quan trọng. Có kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện thì cũng không vứt bỏ ý của đa số được.
Đây là tâm điểm quan trọng cần phải hiểu, chứ gân cổ cãi “chính phải thắng tà” là làm chuyện vớ vẩn mà chẳng hiểu gì về thực tế chính trị. Nếu ‘chính’ luôn luôn phải thắng ‘tà’, thì giờ này ta đã ngồi nhâm nhi trà bên bờ Hồ Hoàn Kiếm dưới lá cờ vàng rồi.
Về cuộc kiểm phiếu của quốc hội, CNN rất ‘hoành tráng’ phán việc các dân biểu và nghị sĩ CH phản kháng kết quả bầu cử đánh dấu một bước tiến mới của đảng CH trong nỗ lực phá thể chế dân chủ của Mỹ. Hiển nhiên, CNN không nhớ những gì đảng DC đã làm với TT Trump suốt bốn năm qua, khi đám cử tri DC đã tuyên cáo “Not My President “ ngay sau khi có bầu cử, rồi tìm cách mua chuộc cử tri đoàn, rồi đòi bỏ thủ tục bầu tổng thống qua cử tri đoàn. Chưa hết, trong suốt nhiệm kỳ của TT Trump, đã tìm đủ cách bứng ông, từ điều tra Mueller tới đàn hặc. Đó không phải là những nỗ lực bác bỏ kết quả bầu cử, phá nát thể chế dân chủ sao? Thế khi đảng DC phản kháng danh sách cử tri Ohio trong cuộc bầu TT Bush năm 2005 thì sao?
Dĩ nhiên, dù muốn hay không, cụ Biden sẽ là tổng thống cho nhiệm kỳ 2021-2025 (nếu cụ thọ được 4 năm!). Đó là thực tế khách quan trước mắt cả thế giới. Nhưng trong thâm tâm mỗi người, chưa chắc ông này đã được ‘nhìn nhận’ là tổng thống. Đó là thực tế chủ quan trong đầu mỗi người.
Trong cái thâm tâm chủ quan đó, kẻ này vẫn không nhìn nhận cụ Biden là tổng thống như đã viết trên diễn đàn này: “No Sir, you are not my president, now and forever” (Bài 151). Tôi đã nhìn nhận TT Obama rồi chống ông ta suốt 8 năm, nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận TT Biden. Tôi không đồng quan điểm với TT Obama, nhưng ông này không có tội gì với đất nước và dân tộc ta.
Thẳng thắn mà nói, kẻ này không quan tâm đến chuyện có gian lận hay không khi không chấp nhận cụ Biden. Bất kể cách gì, cụ Biden trong thâm tâm kẻ này vẫn chính là một trong những thủ phạm đã bức tử miền nam VN, khiến kẻ này thành Mỹ giấy, và cũng chính là một trong những người chủ trương chống lại việc nhận dân Việt vào tị nạn trên đất Mỹ.
Những người ủng hộ cụ Biden đã cố gắng vặn trẹo quai hàm để biện giải thái độ của cụ đối với cuộc chiến và đối với dân tị nạn Việt. Cái vô lý đến khôi hài là những người này cố tìm cách chẻ sợi tóc làm năm để tìm lý do bênh vực cụ trong khi lại nhất quyết không chịu nhìn thấy con voi to tướng ngay trước mắt. Họ cố vặn vẹo phân tích, giải thích, diễn dịch từ Google một chữ “them” trong một câu nói của cụ, trong khi không ai đã trả lời được thách đố công khai của kẻ này mà tôi xin lập lại thêm một lần nữa: xin quý cụ làm ơn đưa ra được một biểu quyết của cụ Biden đã chịu cấp cho người lính VNCH một viên đạn, hay cấp cho dân tị nạn một xu để tái định cư trên đất Mỹ. Xin đừng quên, trong suốt thời gian hơn hai năm cụ Biden làm thượng nghị sĩ trước khi ta mất nước, thượng viện đã bàn thảo và biểu quyết không biết mấy chục lần về chuyện viện trợ quân sự cho miền Nam VN, và cấp tiền tài trợ cho việc di tản và định cư người Việt tại Mỹ. Chưa một lần nào TNS Biden bỏ phiếu chấp nhận. TNS Biden chỉ biểu quyết đúng một lần cho đúng một quyết nghị -không phải luật- vô thưởng vô phạt được 98 thượng nghị sĩ ô-kê, chào đón người Việt đã tới đất Mỹ trên các đảo Guam và Wake, là chuyện đã rồi, cả tuần lễ sau khi VC đã thắng và cả trăm ngàn người Việt đã đổ xô ra biển tìm tầu Mỹ.
Việc ủng hộ hay chống cụ Biden là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, điều kẻ này thấy cực kỳ giả dối và thô bỉ là những người đi biểu tình ủng hộ cụ Biden lại vừa đi vừa phất cờ vàng, trong khi ai cũng biết cụ Biden đã tận lực cố giết cờ vàng đó như thế nào.
Một cụ DUT, viết với giọng rất dạy đời, nhắc lại dân tị nạn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, lãnh trợ cấp đủ loại thì phải nhớ ơn đảng DC, bầu cho cụ Biden.
Trước hết, đây chỉ là chuyện viết lại lịch sử theo chiều hướng phe phái. Tất cả các trợ cấp đủ loại, nếu không có hậu thuẫn của đảng CH thì đã không bao giờ trở thành sự thật được. Những luật trợ cấp từ thời TT Roosevelt đến thời TT Johnson đều được thông qua với hậu thuẫn của đa số cả hai đảng, và trong cả hai đảng, đều có phiếu chống. Cũng đừng quên, cái luật Medicare Part D, trả tiền thuốc cho các cụ cao niên, là tác phẩm của ông CH Bush con. Còn cái thành quả mới nhất của đảng DC và cặp Obama-Biden là Obamacare, thì lại là cái mà chính TT Clinton đã mô tả là luật khùng điên nhất thế giới.
Bài viết dạy đời ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’ này thiếu thành thật vì quên mất cái ‘cây’ lớn nhất đảng DC và cụ Biden đã trồng trên miền Nam Việt Nam ta, chính là cái cây CS khi
- cắt viện trợ quân sự cho quân lực VNCH, giúp VC thắng cho nhanh.
- cứu chế độ VC đang lao xuống vực bằng cách tháo bỏ cấm vận, cho VN vào các tổ chức quốc tế để nhận cả tỷ viện trợ của Mỹ và Tây Âu.
- giúp các quan đại gia đỏ làm giàu cực nhanh trên đầu dân.
Nếu chỉ vì ‘phải nhớ cái quả’ vài trăm đồng tiền trợ cấp mà quên cái tội giết chết miền nam VN của cụ Biden thì kẻ này thấy thật là nhục. Nếu ta không mất nước phải chạy qua Mỹ, đã không ai cần một xu trợ cấp nào của bất kể đảng DC hay CH, chẳng cần phải nhớ quả cam quả quít gì.

Trở lại câu chuyện bầu cử, tại sao TT Trump lại có thể thua?
Câu trả lời đã được diễn đàn này thảo luận trong một loạt 3 bài bình luận liên tục, đó là các bài 150-151-152. Chỉ đưa đến tranh cãi túi bụi, sỉ vả lăng nhăng.
Vũ Linh này đã ngưng hợp tác với một tờ báo lớn vì không muốn bẻ cong ngòi bút, ra diễn đàn riêng để có dịp mạnh mẽ ủng hộ TT Trump trong suốt 3 năm qua. Bây giờ cũng sẽ không bẻ cong ngòi bút để làm vui lòng một nhúm độc giả cuồng tín không thích đọc phân tích thực tế mà chỉ thích đọc cái gì mát mắt xuôi tai thôi.
Chúng ta cần có đủ sáng suốt thấy những khó khăn, những thất bại nhất thời, tìm hiểu cho rõ nguyên nhân để có thể sửa sai, và đủ kiên trì tiếp tục cuộc chiến lâu dài. Không có cuộc chiến nào mà phe ta lúc nào cũng toàn thắng, trăm trận trăm thắng, 1000% thắng, trừ phi đọc báo Ngu Dân của Hà Nội.
TT Trump thua một trận, chưa thua cuộc chiến. Còn trận của 2022, 2024, 2026,… TT Trump chưa chịu thua, kẻ này cũng chưa chịu thua. Cuộc chiến này không phải là cuộc chiến kiểu lửa rơm thời cơ, bùng lên thật mạnh, để rồi tắt ngúm nhanh hơn nữa. Một cách ‘đền ơn’ TT Trump là tiếp tục cố bảo vệ ‘trumpism’, bảo vệ gia tài của ông đã để lại, thẳng thắn tố giác những mưu đồ mang cả nước xuống hố của chính quyền Biden. Đó là việc DĐTC phải làm và sẽ làm.
Cuộc chiến cản nước Mỹ đâm đầu xuống hố cả nước của kẻ này không bắt đầu từ thời Trump, mà đã bắt đầu từ khi Obama ra tranh cử, và cũng sẽ không chấm dứt khi TT Trump thất cử. Kẻ này muốn đóng góp một cục sỏi vào nước Mỹ chỉ vì đây là thành lũy cuối cùng của dân Việt tị nạn chống cộng, không còn chỗ nào khác để di tản nữa.
Tóm gọn lại, kết quả bầu cử như ta thấy, không phải là một ngẫu nhiên, mà là hệ quả của một chuỗi yếu tố đã tích lũy trong suốt bốn năm của TT Trump. Gồm những yếu tố chính là:
- Chiến dịch đánh TT Trump không ngừng nghỉ trong suốt bốn năm của đảng DC và đồng minh TTDC, từ cá tính con người ông Trump cho tới các tội phịa ra như thông đồng với Nga, đổi chác với Ukraine;
- Khai thác tối đa đại dịch thế giới COVID, làm như thể TT Trump là thủ phạm đã giúp vi khuẩn hoành hành trên nước Mỹ và cả thế giới;
- Khai thác bất mãn, khích động nổi loạn của dân da đen, chơi lá bài kỳ thị da đen;
- Gian lận lớn nhỏ, từ lắt nhắt đến quy mô qua việc đổi luật cả tiểu bang, cỗ võ cho việc bầu bằng thư trong khi loại bỏ phần lớn các thủ tục kiểm soát.
Đó là những đòn đánh của phe đối lập, chẳng những chỉ có đảng DC, mà còn có thêm cả nhiều đồng minh như đã bàn qua trong phần đầu. Chưa kể những sai lầm của chính TT Trump.
Cái lạ không phải TT Trump đã thua, mà cái lạ là trong tsunami chống phá đó, vẫn còn gần 75 triệu người vẫn ủng hộ ông.
Ở đây, ta nên tỉnh táo nhìn vào nội tình chính trị Mỹ, bỏ qua những gian lận cục bộ, để có cái nhìn bao quát và xa hơn.
Trong vài thập niên qua, bắt đầu từ thời TT Bush con chuyển qua TT Obama, nước Mỹ đã có những thay đổi căn bản trong cấu trúc dân số qua hai hiện tượng: trẻ trung hóa và đa dạng hóa. Trẻ trung hóa khi thế hệ ‘baby boom’, tức là thế hệ sanh ra sau Đệ Nhị Thế Chiến đi vào tuổi về hưu, chết dần chết mòn, trong khi thế hệ trẻ ngày càng đông, và ngày càng có khuynh hướng thiên tả, hậu quả của một hệ thống giáo dục một chiều.
Quý độc giả chỉ cần nhìn vào hoàn cảnh chính mình và chính đám con cháu mình thì thấy ngay kết quả của chính sách giáo dục dưới các thầy cô của nghiệp đoàn giáo chức thiên tả.
Đa dạng hóa khi số dân da màu như da đen và nhất là dân gốc La-Tinh và dân Á Châu ngày càng đông hơn dân da trắng, vừa vì di dân tăng, vừa vì đẻ nhiều hơn dân da trắng.
Đưa đến tình trạng cử tri bảo thủ CH ngày càng giảm so với cử tri cấp tiến DC. Đó là nguyên nhân sâu xa đưa đến chiến thắng của TT Obama.
Đúng ra thì đà tiến hóa về hướng xuống hố này tiếp tục sau thời Obama, nhưng bất ngờ lại bị gián đoạn bởi ông Trump. Ông này đắc cử năm 2016 nhờ 3 lý do căn bản: 1) TT Obama đi quá nhanh về hướng tả khiến đa số dân Mỹ lo sợ trong khi kinh tế trì trệ quá lâu, 2) bà Hillary bị ghét quá nhiều vì những lem nhem cũng như bị dân Mỹ sợ vì tham vọng quá lớn và quá lộ liễu, 3) ông Trump đưa ra một hình ảnh mới lạ và hy vọng thay đổi lớn như ‘tát cạn đầm lầy’ các quan lại bất tài và tham nhũng trong hệ thống cầm quyền.
Bầu cử vừa qua đã hầu như phục hồi lại phong trào xuống hố cấp tiến của xứ Mỹ trong khi TT Trump dường như thất bại trước đám dòi bọ quá nhiều trong cái đầm lầy.
Muốn hiểu ý nghĩa cuộc bầu cử và có cái nhìn sáng suốt về tương lai, phải hiểu rõ tình trạng trên chứ không thể khư khư đổ lỗi cho gian lận. Gian lận không phải là không có, nhưng dù sao cũng vẫn là chuyện nhỏ trong cái chuyển hướng lớn của cả nước.
Bình tâm nhìn kính chiếu hậu, ta rút tỉa được bài học nào từ cuộc bầu cử vừa qua?
Bài học quan trọng nhất: nhu cầu tối quan trọng của cải tổ luật bầu cử tổng thống cũng như bầu các viên chức liên bang, tức là các nghị sĩ và dân biểu liên bang, như biện pháp cấp thiết trước mắt để chặn đứng gian lận.
Như DĐTC đã viết trong bài 155, thể chế dân chủ kiểu Mỹ tuy hơn xa tất cả các thể chế chính trị mà nhân loại đã nghĩ ra, vẫn chưa hoàn hảo, vẫn cần tu chính. Ít nhất cũng cần thống nhất, áp dụng một luật đồng nhất cho cả 50 tiểu bang. Bầu cử cấp tiểu bang là chuyện các tiểu bang có quyền độc lập, nhưng bầu cử các chức vụ liên bang mà mỗi tiểu bang tự ý muốn ra luật như thế nào thì ra, thì sẽ lủng củng vô tận.
Tiêu biểu là việc bỏ phiếu bằng thư. Các thủ tục như kỳ hạn gửi và nhận phiếu bầu, lý do bầu bằng thư, nhân chứng, kiểm soát lý lịch, chứng thực chữ ký,… khác nhau từ tiểu bang này qua tiểu bang nọ. Hết sức vô lý vì thiếu công bằng và gian lận quá dễ.
Bài học quan trọng hơn nữa là đảng CH muốn tồn tại trong lâu dài, phải hiểu rõ những chuyển biến về dân số, thay đổi về nhân sinh quan, và phải tìm ra cách đối phó, chiếm lại niềm tin của giới trẻ và các khối dân thiểu số. Đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của dân, hay ngược lại, đóng vai lãnh đạo, hướng dẫn và thuyết phục dân, đó là những nguyên tắc nền tảng của thể chế dân chủ, mà cho đến nay, đảng CH đã chưa tìm ra công thức hữu hiệu nào.
Trong thời gian qua, phe bảo thủ đã cảnh cáo cả nước về cái nguy của xã hội chủ nghĩa, nhưng chiến lược này có vẻ không hữu hiệu lắm khi vẫn còn quá nhiều người vẫn còn tin tưởng vào xã nghĩa, kể cả vài cụ tị nạn Việt muối nhiều hơn tiêu trên đầu, từng xách dép chạy thục mạng trốn CS đỏ lòm và trốn xã nghĩa hồng hồng, nhưng vẫn u mê trong giấc mộng đại đồng nhân bản, vặn vẹo bào chữa -bào chữa cho chính lương tâm mình trước- qua luận điệu xã nghĩa không phải là cộng sản.
Kẻ này chỉ biết tới đây là giỏi lắm rồi, chuyện tìm ra giải pháp là chuyện của các cao nhân ngồi ít nhất 10 bực trên đầu kẻ này.
Với TT Trump, hậu thuẫn của ông còn rất mạnh. Dù không còn làm tổng thống, nhưng ông vẫn có thể củng cố hậu thuẫn để hoặc là ra tranh cử lại năm 2024, hay đóng vai ‘king maker’, giúp những ông bà bảo thủ CH trong các cuộc tranh cử tới.
Riêng đối với cộng đồng tị nạn Việt: bài học quan trọng nhất là chúng ta rất cần tìm hiểu thêm về thể chế dân chủ của Mỹ, về những điểm căn bản của Hiến Pháp Mỹ để tránh diễn giải lung tung theo cái nhìn phe phái chủ quan. Tránh những hô hoán vớ vẩn theo mô thức Nguyễn Khánh, không vừa ý là đòi thiết quân luật, mang quân đội đi chỉnh lý.
Nhưng quan trọng không kém, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm về chế độ tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và nhất là học tôn trọng khác biệt quan điểm. Không phải bất cứ ai khác ý mình đều là gian trá hay ngu dốt hay phản phúc hết đâu, mà chính mình có khi đã thiếu lương thiện hay thiếu sáng suốt. Chúng ta chạy qua Mỹ dường như để trốn tránh nạn độc tài cộng sản, nhưng cái máu độc tài hay cái máu tự tôn đã thấm vào chính mình từ không biết mấy chục đời nên tất cả chúng ta vẫn chưa biết chấp nhận người khác ý, nhìn người khác ý như đại thù không thể đội trời chung, sẵn sàng nhục mạ nhau theo những cách kém văn hóa nhất, tìm đủ cách hại nhau theo kiểu ăn không được thì đạp đổ.
Tóm lại, cuộc bầu cử năm 2020 mang thật nhiều ý nghĩa và bài học. Chỉ tiếc là cái giá phải trả quá đắt khi nước Mỹ đang phải đối phó với vi khuẩn Covid và vi khuẩn CS, cả hai đều xuất phát từ Tầu Cộng, mà lại đi bỏ một người có tâm, có tài thực sự để lựa một cụ già vừa lẫn vừa ễnh bụng với cả trăm triệu Nhân Dân Tệ.
Vũ Linh    
http://diendantraichieu.blogspot.com/2021/01/bai-159-bau-cu-va-nhung-bai-hoc.html


Những lãnh đạo tệ hại của đảng Dân Chủ
 
Tối thứ năm hôm qua, ngày 11/3/2021, Joe Biden đã có một bài diễn văn nói về vấn đề đại dịch Covid19.  Đại dịch này phát xuất từ Wuhan vào khoảng đầu năm 2020, đã gây tử vong cho hơn 2 triệu 600 ngàn người trên thế giới.   
TT Joe Biden đã tấn công cựu TT Trump ngay từ lúc bắt đầu, ông ta nói “chính quyền Trump đã không làm gì khi đại dịch xảy ra tại Hoa Kỳ, hậu quả là 527, 726 người bị chết.”  Ông Joe Biden đã quên là ngay từ khi có bệnh nhân từ Trung Quốc trở lại Hoa Kỳ vào đầu tháng Giêng năm 2020, cựu TT Trump đã ra lệnh cấm du lịch và nhập cảnh tới từ Trung Quốc.  Joe Biden và toàn bộ lãnh đạo Dân Chủ đã chế giễu cựu TT Trump cho rằng lệnh cấm này có tính cách bài ngoại.  Trong suốt bài diễn văn, ông ta không hề lên án Trung Quốc đã không báo động cho thế giới biết về đại dịch, trái lại quốc gia này còn cho dân chúng mang bệnh dịch đi gieo rắc khắp nơi.  Tuy vậy, ông ta lại nhìn nhận rằng bệnh dịch này đã gây ra nhiều vụ kỳ thị bạo lực chống người Á Châu.  Joe Biden biết rõ đại dịch tới từ Trung Quốc nhưng đã không dám mạnh mẽ lên án.  Như vậy làm sao chúng ta có thể tin tưởng được rằng Hoa Kỳ sẽ được an toàn dưới sự lãnh đạo yếu kém của TT Joe Biden.

Cướp công của cựu TT Trump
Ông Joe Biden than phiền là trong suốt một năm trẻ em không được đi học, hãng xưởng và cơ sở thương mại bị đóng cửa.  Ông ta nói rằng cách duy nhất để trở lại đời sống bình thường là đánh bại Covid19, và hứa sẽ dùng tối đa quyền lực của Tổng Thống để thúc đẩy việc mở cửa trở lại.  Ông Joe Biden quên rằng trẻ em của nhiều tiểu bang Cộng Hòa đã được tới trường ngay từ đầu niên học, và kinh tế của những tiểu bang này đang trên đà hồi phục. Các thầy cô của nhiều tiểu bang Dân Chủ đã từ chối trở lại lớp dậy học cho các trẻ em vì họ được nghiệp đoàn bảo vệ.  Truyền thống của nghiệp đoàn giáo chức là ủng hộ đảng Dân Chủ, trong mùa bầu cử vừa qua, Joe Biden đã nhận được nhiều tiền cũng như sự ủng hộ tối đa của lực lượng giáo chức.  Giờ đây Joe Biden phải đáp ứng những yêu sách của họ.
Tiểu bang South Dakota không hề đóng cửa, vẫn giữ sinh hoạt bình thường trong suốt thời gian đại dịch, và tiểu bang này chỉ có hơn 1,500 người chết vì đại dịch. Bà Kristi Noem, Thống Đốc của tiểu bang Cộng Hòa này nói rằng “Tôi tôn trọng tự do của người dân, tôi không ra lệnh đóng cửa bất cứ một cơ sở tôn giáo, trường học hoặc thương mại nào, tôi cũng không ra lệnh bắt mang khẩu trang.   Công việc của tôi là tham khảo ý kiến với các khoa học gia và thông báo tin tức tới người dân, để họ tự quyết định về việc bảo vệ sức khỏe của họ.”  Không hiểu tại sao tới giờ này nhiều tiểu bang Dân Chủ còn đóng cửa?  
Trong bài diễn văn, ông Joe Biden kêu gọi đoàn kết nhưng ông ta lại tấn công cựu TT Trump, vu khống cho ông Trump là người đã gây ra chết chóc.  Thậm chí ông ta còn cướp công của cựu TT Trump trong việc phát triển và phân phối thuốc chủng ngừa Covid19.  Khi Joe Biden nhậm chức vào cuối tháng Giêng thì đã có hơn 1 triệu người dân được chủng ngừa, chính Joe Biden đã được chủng ngừa từ tháng 12 trong năm.  Vậy mà ông ta tự nhận kế hoạch chống đại dịch thành công là công trình của chính quyền hiện nay.  Thông thường các loại thuốc mới được phát minh phải trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm và thường phải mất tới 5 năm mới hoàn tất.  Nhiều khoa học gia đã ca tụng thuốc chủng ngừa Covid19 được hoàn tất trong 9 tháng là một kỳ công.  Đạt được kết quả này là do cựu TT Trump đã nới lỏng những quy định, thúc đẩy và thương lượng với công ty dược phẩm để mua hơn 100 triệu liều thuốc chủng.  Quân đội đã được huy động trong chiến dịch Warp Speed, lãnh trách nhiệm phân phối thuốc ngừa Covid19 tới người dân.  Nếu cựu TT Trump không làm tất cả những công việc này, thì thuốc chủng ngừa có được phân phối tới người dân không?  Khi được chích ngừa cúm Covid19, chúng ta hãy nhớ tới cựu TT Trump, và đừng nghe những lời dối trá đầy ác ý của Joe Biden.

Thảm họa tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico
50 ngày làm việc của TT Joe Biden là 50 ngày thất bại.  Trước tiên là sắc lệnh đóng cửa công ty Keystone làm mất công ăn việc làm của người dân.  Tiếp theo là sắc lệnh cấm kỳ thị giới tính cho phép lực sĩ chuyển giới được tranh đua thể thao với phụ nữ đã gây ra kiện tụng tại nhiều tiểu bang.  Nghiêm trọng nhất là sắc lệnh hợp thức hóa và không trục xuất di dân lậu đã tạo ra sự khủng hoảng tại biên giới.  Vấn đề này không những gây xáo trộn xã hội mà còn gây gánh nặng tài chánh cho người dân vì họ phải đóng góp cho ngân quỹ quốc gia nhiều trăm tỷ dollars để cung cấp an sinh phúc lợi cho những người di dân.
Phóng viên có nhiều câu hỏi cho Joe Biden nhưng chờ mãi, tới nay đã hơn 50 ngày làm việc, ông ta vẫn chưa dám đối diện với truyền thông báo chí trong một cuộc họp báo. Ông ta là Tổng Thống duy nhất đã làm như vậy kể từ thời Đệ Nhất Thế Chiến, cách nay hơn 100 năm.  Trước đây, Joe Biden đã thường xuyên trốn ở nhà trong mùa tranh cử.  Có thể đảng Dân Chủ đang cố gắng bảo vệ Joe Biden vì ông ta thiếu khả năng và có vấn đề tâm thần.  Thứ Ba vừa qua, trong một bài phát biểu ngắn, Joe Biden đã không nói được tên của Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin, ông Biden nói “tôi muốn cám ơn . . .  ư. . .  ư . . .  người đàn ông mặc trang phục ở đàng kia”  (I want to thank my, uh… uh the guy who runs that outfit over there.)  Như vậy làm sao Joe Biden có thể trả lời trực tiếp những câu hỏi của phóng viên?
Sức khỏe của ông Joe Biden đang bị suy yếu nên gần đây ông ta đã và đang chia bớt quyền lực cho PTT Kamala Harris.  Bà này đã công khai đóng vai trò Tổng Thống khi tiếp xúc điện thoại với nhiều lãnh đạo quốc gia trên thế giới, bà Harris đã có thêm một cuộc nói chuyện với Thủ Tướng của Na Uy hôm Thứ Ba vừa qua.  Dân Biểu Matt Gaetz (R-Fla) cho rằng “hình như TT Joe Biden đang bàn giao quyền Tổng Thống cho bà Harris.”  Cuối tháng Hai vừa qua, nhà báo Nikki Schwab của Daily Mail đưa tin là “một số nhà lập pháp Dân Chủ đã gởi thư yêu cầu Joe Biden chia sẻ thẩm quyền phóng vũ khí hạt nhân bằng cách hội ý với Phó Tổng Thống và Chủ Tịch Hạ Viện.”  Điều này khẳng định ông Joe Biden thực sự là Tổng Thống bù nhìn.
Mỗi ngày có nhiều chục ngàn di dân ùn ùn kéo tới biên giới nhưng Joe Biden vẫn chưa lên tiếng sẽ giải quyết ra sao.  Theo dự đoán, tới cuối mùa hè sẽ có hàng triệu di dân vượt biên vào Hoa Kỳ. Thống Đốc Gregg Abbott của tiểu bang Texas đã phản đối kịch liệt chính sách di dân sai lầm của TT Joe Biden.  Tiểu bang Texas đã thắng kiện trong việc chống lại lệnh của Joe Biden là cấm trục xuất di dân bất hợp pháp.  Trong tháng Hai vừa qua tiểu bang Texas đã trục xuất gần 100 ngàn người bị bắt tại biên giới.  Trong cuộc họp báo ngày Thứ Ba vừa qua, Thống Đốc Gregg Abbott nói rằng ông ta sẽ tăng cường thêm 500 Vệ Binh Quốc Gia tới biên giới để ngăn chặn tất cả những hoạt động bất hợp pháp.  Ông nói “chúng tôi sẽ chiến đấu cho sự an toàn của người dân Texas.”
Nhiều phóng viên đã yêu cầu Joe Biden giải thích về vấn đề khủng hoảng biên giới nhưng cô Tham Vụ Báo Chí Jen Psaki cứ một mực nói rằng không có vấn đề gì phải quan tâm.  Trên đài NBC, phóng viên Yamiche Alcindor nói rằng “mặc dù TT Joe Biden không nhìn nhận có khủng hoảng tại biên giới nhưng con số nó không nói dối.”   Dân biểu Henry Cuellar thuộc đảng Dân Chủ của Texas trong khu vực dọc theo biên giới đã đưa ra hàng loạt cảnh báo rằng nếu chính phủ liên bang không sớm hành động thì sẽ có thảm họa xảy ra nhưng Joe Biden vẫn lặng thinh. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News, bà Julie Pace của AP Washington nói rằng “chính quyền Joe Biden hiện nay không có kế hoạch kiểm soát biên giới.  Joe Biden đảo ngược chính sách ngăn chặn di dân của chính quyền Trump là một hình thức gởi thông điệp mời gọi di dân tới Hoa Kỳ.”  Vậy mà TNS Chuck Schumer, Lãnh Đạo Khối Đa Số Thượng Viện lại tuyên bố rằng “Vấn nạn di dân tồi tệ là do Trump để lại.”  Đây là thái độ vu khống.

Chính trị gia Dân Chủ bê bối
Giá xăng đã tăng mạnh kể từ ngày Joe Biden nhậm chức Tổng Thống.  Thời TT Trump người dân được hưởng giá xăng rẻ, tại Texas khoảng dưới 2 dollars một gallon, hiện tại tăng lên gần 3 dollars và sẽ còn tiếp tục tăng nữa vì Bộ Năng Lượng đang tính tăng thuế xăng.
Chương trình cắt giảm thuế của cựu TT Trump trước đây đã giúp cho kinh tế phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm, giúp đời sống của người dân được thịnh vượng, giầu có thêm.  Tuy nhiên, thực tế này sẽ không còn tồn tại nữa.  Dân Biểu Kevin Brady (R-TX) đã cảnh báo rằng “chính quyền Joe Biden dự tính sẽ tăng thuế để có tiền chi cho quỹ cứu trợ Covid19.”  TT Joe Biden đã ban hành luật cứu trợ kinh tế. Trong số tiền 1 ngàn 900 tỷ, người dân nhận được tấm check 1 ngàn 400 dollars và 300 dollars tiền thất nghiệp mỗi tuần cho 6 tháng, những di dân cư ngụ bất hợp pháp tại Hoa Kỳ cũng được lãnh tiền cứu trợ.  Tính ra chưa tới 10% tiền cứu trợ được chi cho người dân, tổng số tiền còn lại hoàn toàn chi cho những vấn đề không liên hệ gì tới cứu nguy kinh tế.  Điển hình là những tổ chức ủng hộ phá thai nhận được hàng trăm tỷ, các tổ chức quốc tế nhận được 10 tỷ. Khoảng 350 tỷ được chi cho một số tiểu bang để trang trải cho nợ nần về quỹ hưu trí hoặc tu bổ hạ tầng cơ sở.
California là tiểu bang nhận được nhiều tiền nhất, lên tới 42 tỷ 300 triệu dollars nhưng cũng là tiểu bang có nhiều vấn đề phức tạp nhất. Hiện tại người dân California đã thu thập được hơn 2 triệu chữ ký để bãi nhiệm Thống Đốc Gavin Newsom vì những việc làm sai trái của ông ta.  Tiểu bang New York nhận được 23 tỷ 300 triệu dollars, và Thống Đốc của tiểu bang này là Andrew Cuomo có nguy cơ bị truất phế.  Thị Trưởng New York Bill de Blasio và nhiều nhà lập pháp của tiểu bang New York đã yêu cầu Thống Đốc này từ chức.  Tháng Ba năm 2020, Thống Đốc Andrew Cuomo đã ra lệnh cho các viện dưỡng lão phải nhận những bệnh nhân cao niên bị đại dịch Covid19 vì lý do là bệnh viện bị thiếu phòng.  Ông này đã không xử dụng tầu bệnh viện Hải Quân với 1 ngàn giường bệnh do cựu TT Trump gởi tới.  Hậu quả là hàng chục ngàn người cao niên đã chết oan vì bị lây bệnh.  Thêm vào đó có 7 phụ nữ làm việc dưới quyền của Thống Đốc Andrew Cuomo tố cáo là họ đã bị ông ta quấy nhiễu tình dục.  Thống Đốc Gretchen Whitmer của tiểu bang Michigan cũng đang bị Bộ Tư Pháp điều tra về vấn đề gây tử vong cho người cao niên vì bà ta đã ra lệnh bắt các viện dưỡng lão nhận bệnh nhân Covid19.  Cả ba Thống Đốc này là cốt cán hàng đầu của đảng Dân Chủ.  
Nhiều chính trị gia của đảng Dân Chủ có những hoạt động thân Trung Cộng rất đáng nghi ngờ: Dân Biểu Eric Swawell bị tố cáo là đã gian díu tình cảm với cô Christine Fang, một gián điệp của Trung Cộng nhưng anh ta là ngôi sao đang lên của đảng Dân Chủ nên vẫn tiếp tục được trọng dụng trong Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện.  Dân Biểu Tony Gonzalez (D-TX) bị tố cáo bỏ tiền đầu tư trong ngân hàng của Trung Cộng trị giá từ 100 tới 250 ngàn dollars.  Những chính trị gia Dân Chủ này không làm việc vì quyền lợi của người dân mà chỉ lo quyền lợi cá nhân và đảng phái.
Không cần chờ đợi tới 4 năm, chỉ sau 50 ngày làm việc của Joe Biden, người dân Hoa Kỳ đã kinh hoàng nhìn ra vấn đề đảng Dân Chủ đang xóa bỏ tất cả:  Xóa bỏ giá trị truyền thống của xã hội, xóa bỏ lịch sử, và xóa bỏ tự do,thịnh vượng của người dân.
Kim Nguyễn
Mar 12-2021

https//:nhandinhthoicuoc.com

 

Đăng ngày 14 tháng 03.2021