Có phải Chính phủ Biden tiếp tục
chính sách cứng rắn với Bắc Kinh?
Nguyễn Quang Duy
Tuần lễ qua trên thế giới diễn ra hai sự kiện quan trọng:
Thứ nhất là vào ngày 12/3/2021 lần đầu tiên Tổng thống Joe Biden họp trực tuyến với thủ tướng ba nước Úc, Ấn và Nhật trong Bộ Tứ An Ninh (the Squad);
Và sự kiện thứ hai là nước Anh công bố chuyển hướng Chiến lược ngoại giao, an ninh và quốc phòng từ đặt trọng tâm vào Châu Âu chuyển sang Châu Á Thái Bình Dương.
Cả hai sự kiện cho thấy Mỹ, Anh và một số quốc gia khác đang hình thành chiến lược phát triển khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng.
Ý tưởng chiến lược
Vào tháng 8/2007 tại Bombay, cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đưa ra ý tưởng xây dựng một châu Á trải dài từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương như một vùng biển của tự do và mở rộng cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới.
Ngày 18/11/2016, khi ông Trump vừa đắc cử Tổng thống, ông Abe đã bay sang Mỹ gặp và thuyết phục ông Trump rằng Bắc Hàn chỉ là thách thức ngắn hạn còn về lâu dài Trung cộng mới chính là thách đố chiến lược cho cả hai quốc gia.
Còn ông Trump thì rất quan tâm đến Ấn Độ, một quốc gia dân chủ pháp trị, sử dụng tiếng Anh, đông dân, đang cải cách kinh tế và luôn đối đầu với Trung Quốc, nên ngay khi đắc cử chính ông Trump đã gọi điện thoại cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để bàn chuyện quốc tế.
Từ những cuộc họp với Nhật, Ấn và Úc đã hình thành Bộ Tứ An Ninh (the Squad) và phát triển thành Khung Chiến Lược Ấn Độ - Thái Bình Dương (U.S. Strategic Framework for the Indo - Pacific).
Giải mật Khung Chiến Lược
Là tài liệu mật được ghi chú “không dành cho công dân nước ngoài” lẽ ra Khung Chiến Lược sẽ được bảo mật cho đến năm 2043, nhưng Thượng Viện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số ngày 5/1/2021 đã cho phép giải mật và công bố một tuần trước ngày Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm.
Ông Robert O’Brien cố vấn an ninh quốc gia thời đó cho biết việc giải mật là để thể hiện những cam kết chiến lược của Hoa Kỳ đối với các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tập tài liệu gồm 10 trang đánh máy, một vài chỗ chưa được giải mật bị bôi đen, chừng một nửa tài liệu trực tiếp nói về chính sách cho 2 nước Trung Hoa và Ấn Độ, với những mục tiêu (objectives) và hướng dẫn hành động (actions) cụ thể.
Đối đầu mang tính hệ thống
Theo Khung Chiến Lược này việc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung cộng sẽ tiếp tục tồn tại do hệ thống chính trị và kinh tế của hai nước quá khác biệt cả về bản chất lẫn mục tiêu.
Trung cộng đã bất chấp mọi quy tắc và chuẩn mực quốc tế để giành lợi thế thống trị toàn cầu vì vậy Mỹ cần gia tăng ảnh hưởng tại Á châu nhằm ngăn chặn Trung cộng tiếp tục thiết lập những khu vực ảnh hưởng mới.
Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Trung cộng nhưng phải hợp tác công bằng và phù hợp với lợi ích của người Mỹ, không phải hợp tác bằng mọi giá như các chính phủ trước đây đã sai lầm vướng phải.
Hoa Kỳ tiến hành xây dựng liên minh với các nước đồng minh và đối tác, trên tinh thần tôn trọng và hợp nhất với chiến lược của các quốc gia khác để thành hình một chiến lược chung cho toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nhưng đồng thời các quốc gia đồng minh cũng phải đối xử công bằng và phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, như chia sẻ gánh nặng về quốc phòng với Mỹ và thương lượng lại các Hiệp định thương mại tự do không để người Mỹ quá thiệt thòi.
Mục tiêu chính yếu được đề ra trong Khung Chiến Lược là xây dựng kinh tế và quốc phòng Ấn Độ để quốc gia này trở thành một nước cường thịnh đủ khả năng đối đầu với Trung cộng về mọi mặt và về lâu dài.
Mục tiêu khác là thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Khối ASEAN trong việc giữ gìn an ninh khu vực, và khuyến khích các nước thành viên đạt được đồng thuận về những vấn đề then chốt.
Ngay khi Khung Chiến Lược được giải mật, ngày 14/1/2021, bà Lê Thị Thu Hằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến giúp phát triển Khối ASEAN và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Khác với Việt Nam, Cam Bốt và Miến Điện nay đã ngả về phía Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á còn lại thì sợ bị lôi kéo vào chiến tranh lạnh giữa hai đại cường Mỹ - Trung.
Khung Chiến Lược không trực tiếp đề cập đến các quốc gia Âu Châu, nhưng ông Robert O’Brien cho biết các quốc gia như Anh, Đức và Pháp sẽ tham gia vào Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở rộng.
Thay đổi nhận thức
Nhiệm kỳ Tổng thống Trump là một nhiệm kỳ đầy tranh cãi, nhưng Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương đối đầu với Trung cộng gặp nhiều thuận lợi hơn chống đối.
Theo tôi, thành công lớn nhất của Chính phủ Trump là đã thay đổi được một phần nhận thức của người Mỹ và thế giới về sự đối nghịch giữa đảng Cộng sản Trung Hoa và người dân của xứ này.
Có nhận thức được rõ ràng khái niệm trên thì mới hiểu rõ được mô hình chính trị và tham vọng bá quyền của đảng Cộng sản Trung Hoa.
Từ đó mới có thể đề ra được những chính sách và chiến lược thực tiễn, cụ thể và rõ ràng cho nước Mỹ và thế giới.
Ngày nay đa số người Mỹ đã thấy được tham vọng bá quyền của Trung Quốc, các chính trị gia Mỹ cũng thay đổi chính kiến nên hầu hết các Đạo Luật về Tân Cương, Đài Loan và Hồng Kông đều được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhanh chóng thông qua với đa số tuyệt đối.
Các quốc gia tự do khác trên thế giới như Anh, Đức và Pháp cũng thay đổi nhận thức và nhìn nhận Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Chỉ với một nhiệm kỳ tổng thống 4 năm, ông Trump đã thay đổi được cả tầm nhìn chiến lược của nước Mỹ và thế giới, nhưng đó cũng chỉ là mới bắt đầu và cần được các chính phủ kế nhiệm nhìn nhận và thực hiện.
Liệu Chính Phủ Biden còn tiếp tục?
Các chính sách về Trung cộng của Chính Phủ Biden đòi hỏi cả hai viện đồng thuận thông qua, đảng Dân Chủ hiện nắm cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhưng với số ghế lại rất bập bênh nên có thể đoán trước sẽ không có nhiều thay đổi.
Ngày 3/3/2021, Tổng thống Biden công bố Chính sách an ninh quốc gia tạm thời nhấn mạnh sự cần thiết liên minh với các nước dân chủ và Trung cộng vẫn là đối thủ cạnh tranh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ.
Trong cuộc họp Bộ Tứ An Ninh, ngày 12/3/2021, ông Biden cho biết Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các nước đồng minh và các đối tác nhằm ổn định và phát triển khu vực, bảo đảm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Với Úc, Điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ông Kurt Campbell tuyên bố:
“Mỹ sẽ không để Úc chiến đấu một mình, Bắc Kinh phải ngừng các hành vi đe doạ kinh tế Úc trước khi muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.”
Chính phủ Biden cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm 15 viên chức quân sự để xem xét chính sách đối với Trung cộng đặt trọng tâm vào Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ngày 3/3/2021 Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhìn nhận một số giới chức trong chính phủ Mỹ trước đây đã mắc sai lầm khi tin tưởng các thỏa thuận tự do thương mại sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người Mỹ.
Ông Blinken cho biết chính sách ngoại thương của Chính Phủ Biden là giành lại công bằng thương mại cho nước Mỹ và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Mỹ.
Ngày 16/3/2021 tại Tokyo Nhật Bản, ông Blinken cho biết những yêu sách về chủ quyền của Trung cộng trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với cả hai nước Mỹ và Nhật, ông cho biết:
“Chúng ta sẽ đẩy lùi, nếu cần thiết, khi Trung cộng sử dụng biện pháp cưỡng ép và hung hãn để thực hiện ý đồ của họ”.
Vào ngày 18/3/2021 hai phái đoàn Mỹ - Trung gặp nhau tại tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ, trước sự hiện diện của truyền thông Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã bắt đầu buổi họp bằng lời tuyên bố:
“Chúng tôi không muốn xảy ra xung đột, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh gay gắt và chúng tôi sẽ luôn đứng lên bảo vệ các nguyên tắc, người dân và bạn bè của chúng tôi.”
Ngoại trưởng Blinken thì nhấn mạnh mối quan tâm của Mỹ đến các hành động của Trung cộng ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, cũng như các hành vi Trung cộng bắt nạt kinh tế với các nước đồng minh với Mỹ, tấn công mạng nhắm vào Mỹ, ông Blinken cho biết:
"Mỗi hành vi nêu trên của Trung cộng đều đe dọa đến trật tự và luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng duy trì ổn định toàn cầu.”
Ông Jake Sullivan tiếp lời:
“Những hành vi Ngoại trưởng Blinken đã nêu ra không phải là những vấn đề nội bộ (của Trung Quốc), chúng tôi thấy có nghĩa vụ phải nêu ra những vấn đề này ở đây, ngày hôm nay."
Bạn vẫn có thể nghi ngờ và cho rằng: đó chỉ là những lời nói đầu môi của các chính trị gia chuyên nghiệp Mỹ, chỉ nhằm gầy dựng niềm tin của cử tri Mỹ và của các nước bạn đồng minh.
Nhưng đó là những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Biden sẽ áp dụng Khung Chiến Lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng, với mục tiêu phá vỡ chiến lược “Một vòng đai Một con đường”, bao vây và kềm hãm khả năng bành trướng của cộng sản Bắc Kinh.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
20/3/2021
Hiện trạng di dân
đang gây thảm họa cho Hoa Kỳ
Kim Nguyễn
Sáng nay, 19/3/2021 khi bước lên bậc thang của Air Force One, TT Joe Biden đã bị trượt chân 2 lần và lần thứ ba thì vấp ngã, quỵ một đầu gối. Sức khỏe của ông Biden bị suy yếu thấy rõ sau 2 tháng làm việc. Những sắc lệnh tệ hại của ông ta đang gây khủng hoảng cho đất nước, nghiêm trọng nhất là chính sách di dân.
Sau nhiều tuần im lặng trước thảm họa di dân, lãnh đạo đảng Dân Chủ đã lên tiếng nhìn nhận có vấn đề tại biên giới. Tuy nhiên họ xuyên tạc rằng thảm họa này là do cựu TT Trump gây ra và kéo dài tới nay. Theo bà Pelosi thì Joe Biden không có trách nhiệm, bà ta nói “vấn đề này đã xảy ra từ trước, do Trump để lại vì Joe Biden mới làm Tổng Thống được hai tháng.” Trái ngược với lời vu khống của bà Pelosi, Bộ Trưởng Nội An Alejandro Mayorkas đã xác nhận với giới báo chí rằng “Hoa Kỳ hiện đang phải đối phó với làn sóng người di dân nhiều chưa từng có trong 20 năm qua.” Chính Joe Biden là người gây ra thảm họa vì ông ta đã đảo ngược nhiều chính sách của TT Trump: Ngưng trục xuất người nhập cư lậu, ngưng bảo vệ biên giới, ngưng yêu cầu Mexico ngăn chặn di dân vượt biên giới vào Hoa Kỳ, . . .
Trong cuộc phỏng vấn tối 16/03/2021, ký giả Maria Bartiromo của Fox News đã hỏi cựu TT Trump xem ông nghĩ gì về vấn đề khủng hoảng tại biên giới. TT Trump nói “Chính sách về biên giới phía Nam của tôi là có kết quả nhất từ trước tới nay. Bức tường đã được xây gần hoàn tất, chỉ cần xây thêm một số khoảng cách nữa để chặn xe lưu thông qua lại, chỉ cần một tháng nữa là xong nhưng họ đã ngưng ngang giữa chừng. Rất tiếc Joe Biden đã ngưng tất cả, đã mở cửa cho nhiều trăm ngàn người nhập cư lậu vào Hoa Kỳ, chúng ta chưa từng thấy số người di dân nhiều như vậy tại biên giới, con số này sẽ tiếp tục gia tăng nữa, và sẽ trở nên rất tồi tệ. Chính sách di dân của Joe Biden đang phá hoại đất nước chúng ta.”
https://populist.press/trump-slams-joe-biden-on-border-crisis-in-scathing-statement/
Thành phần khủng bố đã có mặt tại biên giới Texas
Lực lượng tuần tra biên giới tại phía nam Texas phải làm việc rất bận rộn trong thời gian mấy tháng nay. Nhiều nhóm di dân vẫn tiếp tục tràn tới biên giới Texas, chỉ trong 2 tuần lễ, họ đã bắt được khoảng 24 ngàn người. Chính sách của chính quyền hiện nay là “Bắt và thả ra”, ép buộc nhiều thành phố của tiểu bang Texas phải tiếp nhận người di dân. Một thí dụ điển hình là thành phố Harlingen đang bị nhiều thử thách vì phải nhận quá nhiều người.
Harlingen là một thành phố nhỏ với số dân cư chưa tới 70 ngàn người. Thành phố này rộng 40 dặm vuông (104 km vuông), nằm tại biên giới phía nam của Texas, cách vịnh Mexico khoảng 30 dặm (48 km) đã và đang được Bộ Nội An gởi những người di dân tới đây vì các trung tâm tạm trú của chính phủ đã không thể nhận thêm được. Thị Trưởng Chris Boswell của thành phố Harlingen cảnh báo rằng “Các trại tạm trú của chính quyền đã quá đầy người, và họ đưa người di dân tới thành phố của chúng tôi, có lẽ mỗi ngày họ đưa 400 gia đình tới đây. Vấn đề thảm họa di dân không đơn giản chỉ xảy ra tại biên giới mà nó sẽ xảy ra tại nhiều nơi. Thành phố Harlingen nằm sát biên giới nên nó được coi là cửa ngõ đi vào Hoa Kỳ. Harlingen không phải là trạm dừng chân cuối cùng của người di dân, và từ đây họ sẽ tỏa đi khắp nơi. Vì vậy vấn đề di dân này sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi người".
Khi bị một số Dân Biểu Cộng Hòa truy hỏi tại sao có nhiều di dân được thả tự do vào nội địa Hoa Kỳ mà không qua thủ tục xét nghiệm Covid, Bộ Trưởng Nội An Alejandro Mayorkas thừa nhận rằng ông ta đã sai lầm vì không xét nghiệm các trẻ em di dân trước khi gởi chúng tới Texas (theo Washington Times). Trong khi chính quyền tiểu bang Texas phải nỗ lực đối phó với đại dịch Covid, giới hạn tất cả mọi sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe dân chúng thì Joe Biden đã làm ngược lại, ông ta đã mở cửa biên giới để di dân tràn vào, mang theo siêu vi khuẩn Wuhan làm tăng rủi ro lây bệnh, sức khỏe của người dân bị đe dọa.
Phóng viên Mirey Villarreal của CBS News đưa tin là hiện đang có hơn 13 ngàn trẻ em không có thân nhân đang bị giữ tại những trung tâm tạm giam của người lớn, có nhiều em đã bị giữ tại đó hơn 5 ngày, điều này là vi phạm luật của Bộ Y Tế và Xã Hội. Nhằm giải tỏa số lượng trẻ em di dân gia tăng tại biên giới, Bộ Nội An đã đưa 3 ngàn trẻ em tới tạm trú tại Convention Center của Dallas, TX, và nhiều ngàn trẻ em khác sẽ được đưa tới Midland, TX.
Trong số những người vượt biên này có đủ mọi thành phần, đủ các tội phạm và khủng bố tới từ nhiều quốc gia, đa số tới từ Honduras, El Salvador, Guatemala, Nicaragua nhưng cũng có nhiều nhóm tới từ Phi Châu, Trung Đông, Đông Âu, Cuba và Trung Quốc. Dân Biểu Kevin McCarthy, Lãnh Đạo Khối Thiểu Số Cộng Hòa đã dẫn đầu một phái đoàn Dân Biểu Cộng Hòa tới thăm biên giới Texas ngày Thứ Hai vừa qua, đã cảnh báo rằng “Di dân không phải chỉ tới từ Mexico, Honduras hoặc El Salvador mà còn có nhiều người đến từ Iran, Sri Lanka, Yemen, Iran, Turkey và Trung Quốc. Đặc biệt một số những người này có tên trong danh sách bị theo dõi vì thuộc thành phần khủng bố. Nhân viên bảo vệ biên giới đã khẩn thiết nói với chúng tôi rằng có nhiều kẻ khủng bố đang cố gắng xâm nhập vào Hoa Kỳ từ biên giới Mexico này". Mặc dù vài lãnh đạo Dân Chủ và truyền thông thiên tả cho rằng Dân Biểu Mc Carthy đã bịa đặt nhưng tài liệu của Lực Lượng Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới cho thấy trong quá khứ, một số tên khủng bố đã bị bắt tại biên giới Mexico. Trong tháng 10 vừa qua đã bắt được 2 tên khủng bố tới từ Yemen và Serbia. Chính sách mở cửa biên giới của Joe Biden không những làm kiệt quệ nhân lực và tài lực quốc gia mà còn đe dọa tới sự sống còn của người dân.
Joe Biden bị chỉ trích nặng nề
Hình ảnh hàng chục ngàn di dân mặc áo Tshirt “Biden, hãy cho chúng tôi vào“ là bằng chứng cụ thể xác nhận những đoàn di dân này ra đi có trật tự, có tổ chức do những băng đảng tội ác, buôn người, hợp tác với những tổ chức thiên tả nhằm gây bất ổn cho những tiểu bang Cộng Hòa nằm dọc theo biên giới, đồng thời kiếm phiếu cho đảng Dân Chủ.
Sau chuyến tới thăm biên giới Texas, Dân Biểu Chuck Fleischman (R-TN) nói “Chúng tôi đã chứng kiến hỗn loạn tại biên giới. Chính sách mở cửa biên giới của Joe Biden như đổ thêm dầu vào lửa, giúp cho hoạt động của những tổ chức buôn người, băng đảng buôn lậu ma túy được bùng phát mạnh. Tội nghiệp cho những người di dân đã bị băng đảng lợi dụng, ngược đãi, và hành hạ, rất nguy hiểm cho tánh mạng của họ. Vậy mà Joe Biden vẫn không làm gì để chấm dứt thảm họa này".
Dân Biểu Maria Salazar (R-FL) kêu gọi “chúng ta cần có những lực lượng bảo vệ các trẻ em nữ tại biên giới, chúng ta không thể cho phép tội ác được tiếp tục xảy ra, đã có nhiều em gái tới từ Honduras, Guatemala, Nicaragua bị hiếp dâm. Buôn bán tình dục trẻ em là tội ác lớn nhất thế giới đang xảy ra trên đất nước này". Dân Biểu Carlos Jimenez (R-Fl) đã có dịp nói chuyện với một gia đình di dân, ông cho biết “gia đình này phải mất 22 ngày để đi từ Honduras tới biên giới Mexico-Hoa Kỳ, cuộc hành trình có quá nhiều cam go nguy hiểm, nhiều người đã phải bỏ cuộc hoặc bị chết trong chuyến đi. Những người di dân này vượt biên vào Hoa Kỳ vì họ được thông tin là chính quyền Joe Biden đã bỏ ngỏ biên giới".
Vấn đề thảm họa di dân đã đánh động lương tâm của một số phóng viên thiên tả, và họ đã nhập cuộc. Phóng viên của New York Times đưa tin “chúng tôi đã chứng kiến nhiều người di dân bị chặn lại không cho vào Hoa Kỳ, một số đã khóc và nói Biden đã hứa với chúng tôi rằng ông ta sẽ thay đổi tất cả. Lời hứa thay đổi chính sách di dân của Joe Biden là nguyên nhân khích lệ những người di dân tìm cách tới Hoa Kỳ. Chính sách của Joe Biden đã tạo cơ hội làm tiền cho nhóm buôn người, nhiều người đã đem hết tài sản của họ để trả cho chuyến đi. Bà Gladys Oneida Perez Cruz đã trả 9 ngàn dollars cho chuyến vượt biên của bà ta và con trai nhưng đã bị thất bại".
Washington Post đưa tin “mẹ của Nicole 15 tuổi và Joshua 13 tuổi đã trả 10 ngàn dollars cho 2 em đi Mỹ, tuy nhiên khi chỉ còn chừng mấy mét tới biên giới thì các em bị bỏ rơi, các em đã bị bắt và bị đưa về trung tâm tạm giữ”. Những trung tâm tạm giữ này đang bị tố cáo là rất tồi tệ, các phóng viên bị cấm tới thăm. Sau một thời gian im lặng, nhiều phóng viên đã lên tiếng phản đối. Phóng viên của NBC News than phiền là “chính quyền Joe Biden thiếu minh bạch, trước đây phóng viên được tháp tùng TT Trump tới thăm biên giới để làm tin tức, tại sao chúng tôi không được tới thăm và đưa tin về những chuyện đang xảy ra tại những trung tâm tạm giữ trẻ em?” Cô Jen Psaki đã trả lời “cần hạn chế để tránh lây lan đại dịch coronavirus, và để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em". Cô này đã nói không đúng sự thật vì hàng trăm ngàn người di dân đã không được thử nghiệm trước khi được chuyển tới nhiều tiểu bang.
Một số luật sư nhân quyền đã tố cáo rằng “trẻ em bị ngược đãi tại các trung tâm tạm trú thiếu tiện nghi, các em không được tắm trong nhiều ngày và đa số phải ngủ dưới đất". Điều này dễ hiểu vì những trung tâm này không thể thích nghi được với số lượng các em được ào ạt gởi tới mỗi ngày, có nhiều trường hợp một trung tâm chỉ có thể giữ được 300 em, bây giờ phải nhận tới 2 ngàn em. Ký giả Sean Hannity của Fox News nói “Trẻ em phải ngủ dưới sàn nhà, không được tắm thường xuyên, thay phiên nhau để có chỗ ngủ trong những thùng xe chở hàng chỉ có một cửa sổ nhỏ xíu trên song sắt, không người nào có thể nhìn thấy phía trong. Joe Biden đã không minh bạch với dân chúng Hoa Kỳ về vấn đề thảm họa tại biên giới".
Joe Biden có đường lối làm việc mờ ám, bưng bít không khác gì các lãnh tụ độc tài cộng sản.
Kim Nguyễn
March 19-2021
nhandinhthoicuoc
Đăng ngày 22 tháng 03.2021