banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Đối thoại giữa Học giả Nguyễn Duy Chính

và Giáo sư Trần Anh Tuấn



Đối thoại lần 1

Lời tòa soạn:
Ngày 04 tháng Hai năm 2020, tòa soạn Văn Hóa Online có nhận được thư của Học giả Nguyễn Duy Chính viết "Giải thích một số chi tiết có liên quan đến tôi".
Thư của Học giả Nguyễn Duy Chính phản hồi lại bài viết của Gs Trần Anh Tuấn đăng trên Văn Hóa Online số báo đặc biệt "Văn Hóa Online - California Chào mừng 2020".
Ngày 05 tháng Hai năm 2020, tòa soạn Văn Hóa nhận được bài viết của Gs Trần Anh Tuấn "Trả lời thư đề Feb/04/2020 của ông Nguyễn Duy Chính".
Trên mục DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN hôm nay, trên tinh thân tôn trọng ý kiến đóng góp, tòa soạn Văn Hóa trân trọng đăng nguyên văn hai bức thư trên để rộng đường dư luận.
Kính mời quý bạn đọc theo dõi, và cám ơn sự ngay thẳng trong sáng của hai vị học giả đối với sự nghiệp trước tác của các nhân vật lịch sử văn hóa-văn học Việt Nam.
Lý Kiến Trúc, chủ bút

 


Nguyễn Duy Chính

Kính gửi: GS Trần Anh Tuấn
Đồng kính gửi: nhà báo Lý Kiến Trúc
v/v: Giải thích một số chi tiết có liên quan đến tôi

Thưa hai vị:
Tôi vừa được đọc một bài viết của GS Trần Anh Tuấn có nhan đề “Đọc Xưa & Nay năm 2019” đăng trên báo mạng “Nhật Báo Văn Hoá” (https://www.nhatbaovanhoa.com/) chủ đề Văn Hóa Online-California: Chào năm mới 2020 trong đó có nhắc đến tôi và đề cập một số chi tiết liên quan đến suy nghĩ của tôi về giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Tôi xin gửi lời tri ân đến hai vị.
Tuy nhiên, những chi tiết đó có phần không chính xác nên tôi muốn thưa rõ với hai vị một vài điều.
Trước hết, theo đường hướng mà tôi được dạy dỗ, những bậc tiền bối đã quá cố như cụ Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê … đều là những người mình phải ghi ơn như những bậc thầy, dù theo học trực tiếp hay gián tiếp. Nếu trong khi đọc các trước tác của các cụ, vì một lý do nào đó có điểm không đồng ý thì sự khác biệt phải dựa trên cơ sở nghiên cứu và suy xét trong bối cảnh hình thành và thời đại trong mục tiêu thuần tuý khoa học chứ không phải là suy nghĩ kéo dài từ đời sống riêng tư của các vị đó.
Chính vì thế, khi sử dụng các trước tác cũ – dù với mục tiêu mở rộng kiến thức hay tìm kiếm tài liệu - tôi không bao giờ quên rằng khung cảnh của các bậc tiền bối đó đầy khó khăn, thiếu sách vở, thiếu người trao đổi, thiếu phương tiện thông tin … và vì thế nỗ lực của những người đi trước luôn luôn là những gì đáng trân trọng và chúng ta hôm nay thật may mắn được thừa hưởng những công trình dù nhỏ nhoi thì cũng đẫm mồ hôi, nước mắt, có khi cả tính mạng của tác giả. Nếu chúng ta tìm được một điều gì mới mẻ hơn thì cũng chỉ là đi tiếp những gì các bậc tiền bối còn chưa hoàn thành trong tâm tình biết ơn của người đi sau chứ không nhằm mục tiêu vượt qua những người đi trước.

… Có người chia sẻ trực tiếp với tôi là sự am hiểu chữ Hán của Hoàng Xuân Hãn có vẻ bị giới hạn nên cụ có sai lầm trong nghiên cứu. Người đó không ai khác hơn là nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Duy Chính hiện ở Nam California …

Thực tình mà nói, tôi không nhớ đã phát biểu như trên trong trường hợp nào vì chi tiết này hoàn toàn trái ngược với những gì tôi vẫn nghĩ về cụ Hoàng Xuân Hãn nói riêng và các bậc tiền bối nói chung. Cụ Hoàng là một khuôn mặt lớn trong nhiều mặt và riêng về Sử học Việt Nam thì có những đóng góp không ai phủ nhận được. Riêng về khả năng Hán Nôm của giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì những người tiểu bối như chúng tôi không đủ tư cách để đánh giá vì cụ là một bậc thầy mà chỉ những ai có duyên may mới được gần gũi. Tôi vẫn ân hận là giá như mình có quen biết được một bậc túc nho như cụ để học hỏi thêm thì chắc là không mắc phải những sai lầm cơ bản và rút ngắn được thời gian tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều. Còn về con người chính trị hay nhận định thời thế của cụ Hoàng tôi không dám lạm bàn vì mỗi phát biểu, mỗi suy tư của thế hệ đi trước đều có những vướng mắc về tình nghĩa, họ hàng, đồng học, đồng hương, đồng nghiệp … mà chỉ thân cận hay liên hệ gia đình thì may ra mới biết được những uẩn khúc dấu trong đó. Phán đoán về hành vi hay phát biểu của người khác, nhất là những vị tiền bối từng trải nhiều chế độ, nhiều thời kỳ tôi e rằng ngoài sự thiếu cẩn trọng, chúng ta cũng dễ sa vào cảnh “Nhan Hồi ăn vụng” như trong một truyện ngụ ngôn.

Riêng về câu mà giáo sư Trần Anh Tuấn viết sau đây, tôi xin giải thích cho rõ.
Đó là khi ông nhận định bản dịch Đại Việt Quốc Thư xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn "... nhiều chỗ tối nghĩa, thiếu chính xác không phải vì ngữ nghĩa mà vì dịch giả không nắm vững một số điển lệ Trung Hoa (Trần Anh Tuấn nhấn mạnh)."
Chính vì tin tưởng vào khả năng Hán văn của Nguyễn Duy Chính, tôi đã đề nghị từ lâu với ông là nhặt ra những lỗi về chữ Hán của Hoàng Xuân Hãn trong các sách của cụ, rồi in ấn phổ biến để độc giả hậu sinh ý thức những sai sót của người trước. Hy vọng công tác quan trọng này sẽ sớm được hoàn thành.

Xin nhắc lại, bản dịch Đại Việt Quốc Thư mà tôi dịch lại không liên quan gì đến cụ Hoàng Xuân Hãn mà là bản dịch của cụ Đình Thụ Hoàng Văn Hoè do Trung Tâm Học Liệu xuất bản năm 1967 và tái bản năm 1973 tại Saigon và những gì tôi nhận xét chỉ thuần tuý dựa vào bản dịch của cụ Đình Thụ mà thôi. Việc giáo sư Trần Anh Tuấn trích dẫn một câu ngắn trong một bài dài có thể gây hiểu lầm nên tôi xin trích ra nguyên văn trước và sau đoạn tôi viết trong Lời Mở Đầu bản dịch Đại Việt Quốc Thư như sau:
…Thực ra Quang Trung không phải là tên người, chỉ là niên hiệu nên hai chữ Quang Trung đề trên mỗi tập không phải nói về tác giả mà là triều đại để xác định rằng những thư từ, chiếu biểu này là văn thư được soạn ra trong triều đại niên hiệu Quang Trung. Chính cụ Nguyễn Tạo, cử nhân Hán học, chuyên viên Bộ Giáo Dục trong lời giới thiệu cũng viết:
Xét trong 6 tập Đại-Nam quốc thư này không phải của người nào đứng tên Tác giả, đây là một hồ sơ gồm cả Quốc thư và công văn trong thời kỳ đã nói trên đây, sau hoặc có người soạn ra sao chép lại đưa cho trường Bác-Cổ Viễn-đông nên chi việc trước sau, không đúng theo thứ tự ngày tháng.
Xem như thế, cụ cử Nguyễn đã phân biệt nội dung tập tài liệu này gồm quốc thư là những văn bản giao thiệp với nhà Thanh và công văn là thư từ, chỉ thị, lệnh lạc nội bộ giữa quan lại trong nước.
Bản dịch tương đối công phu và đầy đủ mặc dầu hơi khó sử dụng, nhiều chỗ tối nghĩa, thiếu chính xác không phải vì ngữ nghĩa mà vì dịch giả không nắm vững một số điển lệ Trung Hoa. Điều đó cũng là việc bình thường vì cách đây hơn 40 năm, các bậc tiền bối ít có điều kiện tra cứu nên một số chi tiết chưa minh bạch.
Điều quan trọng nhất, nhiều văn thư có chỗ bị khuyết mà dịch giả chỉ để nguyên chữ Hán rồi đặt dấu hỏi khiến cho người viết càng khao khát tìm được bản chính bằng chữ Hán để đối chiếu với bản dịch ngõ hầu vượt qua được những nghi vấn về văn bản. Việc tìm kiếm đó càng thúc bách hơn khi bắt tay vào việc phiên dịch bộ Khâm Định An Nam Kỷ Lược [KĐANKL] là tài liệu của nhà Thanh trong cùng thời gian, cùng việc đàm phán trong một giai đoạn gay go vào bậc nhất trong lịch sử ngoại giao giữa nước ta với Trung Hoa….
Đây là nguyên văn trích từ Đại Việt Quốc Thư (TpHCM: nxb VH-VN, 2016) trang 5-6 để làm sáng tỏ một vài điểm, giải thích tại sao tôi phải dịch lại thay vì dùng bản dịch có sẵn của Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục Saigon (1967, 1973) do dịch giả Đình Thụ Hoàng Văn Hoè chấp bút.

Tôi cũng xin giải thích thêm để trình bày lý do tại sao tôi đã làm công việc này.
Khi sử dụng tài liệu cũ, nhất là văn bản Hán – Nôm, phần lớn chúng ta lệ thuộc vào bản dịch cũ, ít ai tìm hiểu nguyên bản như thế nào, một phần vì tài liệu gốc không dễ kiếm, phần khác chúng ta bị giới hạn về hiểu biết các văn bản cổ. Do đó, chỉ những nghiên cứu chuyên sâu thì người viết mới cần đối chiếu qua lại xem thực sự tài liệu có trung thực với bản mình đang dùng hay không?
Riêng về thời Tây Sơn, hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào tài liệu sử do triều Nguyễn ghi lại mà ai trong chúng ta cũng biết, nhà Nguyễn và Tây Sơn là hai tử đối đầu, những gì triều đại sau viết về triều đại trước đều cần suy xét, rạch ròi vì ngoài những điều viết sai lạc về đối phương, cũng có nhiều chi tiết bị bóp méo cho phù hợp với chủ trương hạ thấp đối thủ. Kinh nghiệm trước mắt mà chúng ta trải qua trong vài chục năm qua khiến người nghiên cứu càng phải dè dặt khi chúng ta có quá nhiều khác biệt, xấu tốt, khen chê, đúng sai … của ngay chính những điều chúng ta chứng kiến, nay có những văn bản viết hoàn toàn khác hẳn những gì mình biết, nếu khăng khăng rằng chỉ những gì mình biết là đúng thì cũng không khác gì người mù sờ voi.
Chính vì thế, khi nghiên cứu về thời kỳ Tây Sơn, tôi cố gắng loại bỏ những tài liệu thuộc dạng thứ cấp và giới hạn tối đa việc sử dụng những gì người khác đã viết về thời kỳ này. Có thể nói, tôi tự hạn chế việc trích dẫn và đưa chứng cớ qua những tác giả đi trước và cố gắng chỉ dùng những văn bản đầu tay (hay gần với đầu tay của thời kỳ này) càng nhiều càng tốt, trong đó chủ yếu là văn thư giữa hai triều đình, nhất là những dạng công văn mật, có châu phê của vua Càn Long là những tài liệu mà chính các tác giả Trung Hoa cũng đến nay mới được biết, mặc dù chẳng phải ai cũng quan tâm.
Chính vì thế, phát biểu nhiều chỗ tối nghĩa, thiếu chính xác không phải vì ngữ nghĩa mà vì dịch giả không nắm vững một số điển lệ Trung Hoa chỉ hạn chế trong việc cải chính một số điểm trong tập tài liệu DVQT, hoàn toàn không liên hệ gì đến cá nhân hay một tài liệu nào khác. Nếu xét nét, người đọc cũng có thể phần nào tìm ra những khác biệt về ngữ nghĩa và điển lệ không mấy khó khăn trong bản dịch mới của tôi và bản dịch cũ của cụ Đình Thụ. Khác biệt đó không phải để tự cho mình hơn các bậc tiền bối mà là những khám phá để bổ túc và điều chỉnh lại một số chi tiết lịch sử như một tâm tình biết ơn những người đi trước, nếu các cụ còn sống thì cũng vui vì con cháu đã bỏ công góp phần làm tốt hơn cho công trình chưa hoàn chỉnh của mình.

Riêng về giáo sư Hoàng Xuân Hãn, cụ là một bậc tiền bối, tuy không chuyên ngành về sử nhưng những đóng góp của cụ rất to lớn, cho đến nay có lẽ khó có ai qua được. Ưu điểm của cụ là ngoài khả năng Hán Nôm lại còn có những liên hệ cá nhân góp phần soi sáng những góc khuất mà một tiểu bối như tôi không thể làm được. Do đó, việc giáo sư Trần Anh Tuấn cho rằng tôi có thể “nhặt ra những lỗi về chữ Hán của Hoàng Xuân Hãn trong các sách của cụ, rồi in ấn phổ biến để độc giả hậu sinh ý thức những sai sót” là một việc không những ngoài khả năng mà đối với tôi còn là một việc làm bất kính. Tuy có một số điểm trong nghiên cứu tôi đưa ra có khác với luận điểm trước đây của cụ Hoàng Xuân Hãn nhưng thuần tuý dựa trên tài liệu mà tôi mới tìm ra chứ không căn cứ vào một cơ sở nào khác. Điều đáng tiếc là nay cụ Hoàng Xuân Hãn đã qui tiên, bọn tiểu bối chúng tôi không thể nào có được cơ duyên để trao đổi và trình với cụ những tài liệu mới để thỉnh giáo về những chi tiết khác biệt với những giả thuyết cũ đã định hình trong nhiều năm. Nghiên cứu sử học luôn luôn đổi mới nên nếu người đi sau có suy nghĩ khác hơn người đi trước thì âu cũng là chuyện bình thường. Những suy nghĩ khác với cụ Hoàng tuy tôi không tập trung thành một nghiên cứu riêng nhưng người đọc nếu tinh ý cũng nhận ra trên một tổng thể nào đó. Giữ cho mình một tư thái độc lập khi nghiên cứu vẫn là tiêu chí hàng đầu mà tôi hằng noi theo. Tư thái độc lập cũng giúp cho tôi không bị lệ thuộc vào những định kiến cũ, kể cả những tin tưởng gắn chặt với mình nhiều năm qua.

Để kết luận, tôi xin cám ơn giáo sư Trần Anh Tuấn đã có lòng tin tưởng nhưng tôi gửi lá thư này cũng để xác định rằng khi nghiên cứu và tham khảo tài liệu, mục đích của tôi là đi tìm những gì cần thiết để xây dựng chủ đề của mình, chủ yếu là tìm hiểu tài liệu cho chính xác, nếu có sự khác biệt với người khác thì cũng nhằm mục tiêu đi tìm sự thật, không phải để phê phán hay tranh đua với ai và thuần tuý nhằm công tác nghiên cứu mà thôi.
Trân trọng kính chào giáo sư Trần Anh Tuấn và nhà báo Lý Kiến Trúc.
Kính chúc hai vị vạn an và thành công trong năm mới.
Nguyễn Duy Chính
Feb./04/2020
________________

Trả lời thư đề Feb/04/2020 của ông Nguyễn Duy Chính

Trần Anh Tuấn

Thưa ông,
Tôi vừa nhận được lá thư ông gửi qua điện tử. Đây là phần tôi trả lời, đồng kính gửi nhà báo Lý Kiến Trúc và Gs. Phạm Cao Dương.
Trước ông hơn nửa thế kỷ, tôi đã được biết cụ Hoàng Xuân Hãn một cách gián tiếp khi cụ gửi bài về cộng tác với Tập San Sử Địa ở Sài Gòn một cách thường xuyên từ năm 1966 đến năm 1975. Nội dung một đời nghiên cứu của cụ Hoàng Xuân Hãn, từ quyển sách đầu tiên về Sử cho đến những bài viết trong Sử Địa vẫn còn đó với giá trị nội tại của nó.

Bài tôi viết - mà ông nhận xét một cách lạc đề và lắt léo - không hề liên quan gì đến bất cứ một công trình nghiên cứu nào của cụ!
Bài tôi viết chỉ liên hệ đến tư cách của một người trí thức từng được mọi người kính trọng và ngưỡng mộ qua cách hành xử bất thường của họ trong xã hội.
Nhận xét của ông về sự sai lầm về ngữ nghĩa chữ Hán của cụ Hoàng Xuân Hãn là điều ông đã chia sẻ với tôi qua điện thoại. Ngay khi ông chia sẻ sự việc này, tôi đã đề nghị với ông là lục hết những chỗ sai lầm của cụ Hãn rồi phổ biến để giúp giới nghiên cứu lịch sử và văn hoá Việt Nam đương thời. Sau đó, vì chưa thấy ông có bài về sai lầm của cụ Hãn, tôi còn nhắc ông ít nhất thêm một lần nữa. Qua bài Đọc Xưa & Nay năm 2019, tôi lại nhắc ông. Vậy là ít nhất ba (3) lần nhắc.
Nay tôi rất ngạc nhiên là ông "không nhớ đã phát biểu như trên trong trường hợp nào".

Thưa ông Chính, hai sự việc đã xảy ra giữa chúng ta, là sai lầm của cụ Hãn về chữ Hán do ông nói và đề nghị lục ra những sai lầm ấy để giúp giới nghiên cứu của tôi rất cụ thể, nay vì không có bằng chứng thì ông nói gì cũng được. Nhưng vì sự chính trực của người có học, chúng ta phải biết chuyện có hay không! Trong lá thư này, ông Nguyễn Duy Chính bẻ lái để viết rằng ông chỉ khác luận điểm với cụ Hoàng Xuân Hãn mà thôi.
Đến chuyện dịch Đại Việt Quốc Thư không liên quan gì đến cụ Hoàng Xuân Hãn là đương nhiên. Tại sao ông vơ vào để kết luận tôi trićh dẫn ông không đúng. Trích dẫn của tôi đơn giản chỉ là bằng chứng chuyện tự học chữ Hán của ông, "chi li đến cả điển lệ trong cung đình," tức là cái học nghiêm chỉnh và sâu rộng. Bộ ông đọc rồi không hiểu nội dung, hay ông cố tình bẻ lái lần nữa?
Ông Nguyễn Duy Chính nói đến "tư thế độc lập khi nghiên cứu." Ông lại nói nghiên cứu "không để phê phán hay tranh đua với ai".
Được vậy quá qúy. Nhưng thực tế như thế nào?

Bây giờ tôi phải dài dòng nói đến sự liên hệ giữa ông Nguyễn Duy Chính với tôi và con đường ông Nguyễn Duy Chính đang đi.
Năm 2006-2007 tôi xuất bản chuyên san Dòng Sử Việt (DSV) tại California. Ngoài sự cộng tác của những học giả và những nhà nghiên cứu đã thành danh, tôi chú trọng những cây bút trẻ tốt nghiệp đại học Mỹ như là một lớp nghiên cứu mới. Tôi may mắn tìm được ít nhất hai người.
Người thứ nhất là Nguyễn Kỳ Phong, làm trong Phòng Quân Sử, Lục Quân Hoa Kỳ. Tôi đề nghị tác giả này chuyên khai thác tài liệu của quân đội Mỹ để nghiên cứu đề tài Chiến Tranh Việt Nam. Nguyễn Kỳ Phong có bài "Binh đoàn, binh trạm, và đường đi B..." (DSV số 4, tháng 7-9, 2007, tr. 122-144).
Người thứ hai là Nguyễn Duy Chính, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh năm 1970 và học Tin học tại Hoa Kỳ, nhưng ham thích lịch sử và giỏi chữ Hán. Tôi đề nghị tác giả này chuyên về đề tài Tây Sơn. Nguyễn Duy Chính đã sản xuất mạnh và liên tục, có bài "Đánh giá lại một số tài liệu về thời kỳ Tây Sơn" (DVS số 3, tháng 4-6, 2007, tr. 21), bài "Từ Khâm Định An Nam Kỷ Lược nhìn lại sử Việt Nam" (DSV 4, thang 7-8, 2007, tr. 24-41), và bài "Tương quan Xiêm-Việt cuối thế kỷ XVIII" (DSV số 5, tháng 10-12, 2007, tr. 7-19).

Nguyễn Kỳ Phong ở Virginia xa xôi nên tôi chưa có dịp gặp. Còn Nguyển Duy Chính ở ngay Little Saigon nên chúng tôi gặp nhau nhiều đến độ thân nhau. Gặp nhau là tôi được đãi trà tàu và cơm món Bắc là những món ẩm thực tôi thích.
Sau này, khi tôi không tiếp tục chuyên san DSV để có thì giờ hoàn tất hai đề tài lớn thì Nguyễn Duy Chính vẫn tiếp tục nghiên cứu về thời Tây Sơn. Nhiều khi xong một đề tài ông đóng thành tập và gửi riêng cho tôi để chia sẻ và hỏi ý kiến. Như tập Lê Quýnh 1750-1805, hay Lê Duy Kỳ 1766-1793. Nhưng tôi nhớ chưa hề chia sẻ ý kiến gì với ông vì tôi không biết chữ Hán.

Bẵng đi một thời gian dài ông không liên lạc với tôi, tôi chỉ biết ông có bài trong nước ít nhất từ năm 2013.
Rồi bỗng nhiên Nguyễn Duy Chính xuất hiện như một ngôi sao sáng trên vòm trời Hà Nội với 10 sử phẩm do bốn nhà xuất bản trong nước phát hành nội trong hai năm 2015-2016. Sách được ra mắt một cách "hoành tráng" ở Tp HCM và Hà Nội, có báo chí đưa tin và hình, với sự tham dự của các chức sắc hàng đầu trong Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam. Thật là một sự đãi ngộ vô cùng đặc biệt đến độ bất bình thường, có thể so sánh như khi Tổng Bí Thư Đỗ Mười thăm hỏi cụ Hoàng Xuân Hãn.
Tôi đã viết trên nhatbaovanhoa.com của nhà báo Lý Kiến Trúc là sẽ phân tích 10 quyển sách của một tác giả tại hải ngoại đã và đang được chính quyền trong nước đãi ngộ một cách "hoành tráng."
Nhưng từ nội dung lá thư của ông Nguyễn Duy Chính, tôi thấy không cần viết gì hay liên hệ gì với ông nữa. Cuối thư ông còn chúc cho tôi thành công trong năm mới. Bộ ông không thấy cái "thất bại" của tôi ngay trong lá thư của ông sao?

Tôi cũng thêm một chi tiết đặc biệt liên hệ đến tôi giữa tập san Xưa & Nay trong nước ngày 2.2.2020 và lá thư ông Nguyễn Duy Chính viết hai ngày sau, ngày 4.2.2020. Nguyên tôi có gửi cho Xưa & Nay bài viết Đọc Xưa & Nay năm 2019, dĩ nhiên tôi không nghĩ một tạp chí trong nước được phép in nội dung bài tôi viết. Tôi gửi, cốt để chia sẻ với giới nghiên cứu trong nước. Ngày Chủ Nhật 2.2. thì ông Nguyễn Hạnh, Phó Tổng Biên Tập, gửi bản pdf số Xuân Xưa & Nay cho tôi, ngụ ý là bài không đăng.
Đến Thứ Ba 4.2 thì tôi nhận được bức thư của ông Nguyễn Duy Chính.
Ông đã có con đường riêng. Tôi chỉ còn biết từ biệt, sau khi ngỏ lời cám ơn bà Nguyễn Duy Chính đã tiếp đãi thân tình và lịch sự mỗi khi tôi ghé thăm trước kia.

TRẦN ANH TUẤN
Ngày 4 tháng 2 năm 2020

https://www.nhatbaovanhoa.com

____________________________

Đối thoại lần 2


Thư trả lời lần 2 của Học giả Nguyễn Duy Chính

Gởi cho Văn Hóa Online


Wed, Feb 5, 10:59 AM

Thưa ông Trần Anh Tuấn,
Người thứ hai là Nguyễn Duy Chính, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh năm 1970 và học Tin học tại Hoa Kỳ, nhưng ham thích lịch sử và giỏi chữ Hán. Tôi đề nghị tác giả này chuyên về đề tài Tây Sơn. Nguyễn Duy Chính đã sản xuất mạnh và liên tục, có bài "Đánh giá lại một số tài liệu về thời kỳ Tây Sơn" (DVS số 3, tháng 4-6, 2007, tr. 21), bài "Từ Khâm Định An Nam Kỷ Lược nhìn lại sử Việt Nam" (DSV 4, thang 7-8, 2007, tr. 24-41), và bài "Tương quan Xiêm-Việt cuối thế kỷ XVIII" (DSV số 5, tháng 10-12, 2007, tr. 7-19).

Chưa nói những chi tiết khác, riêng câu này ông đã viết hoàn toàn sai vì ông có vẻ như tự nhận mình là người đã dẫn dắt tôi đi vào con đường nghiên cứu thời đại Tây Sơn. Có lẽ ông không biết rằng những bài mà ông trích ra tôi đã viết từ trước năm 2007 là thời điểm tôi quen biết ông. Những bài viết này đã đăng tải trên những trang báo giấy/mạng từ năm 2001 và chuyên ngành ở trong nước từ năm 2004 rồi ông ạ. Tôi nhắc ông điểm này để xác định việc nghiên cứu của tôi là do chính tôi tự thực hiện, không do ảnh hưởng của ai hết, nhất là không phải vì cộng tác với DSV mà tôi nghiên cứu về thời kỳ Tây Sơn.
Nhận xét của ông về sự sai lầm về ngữ nghĩa chữ Hán của cụ Hoàng Xuân Hãn là điều ông đã chia sẻ với tôi qua điện thoại. Ngay khi ông chia sẻ sự việc này, tôi đã đề nghị với ông là lục hết những chỗ sai lầm của cụ Hãn rồi phổ biến để giúp giới nghiên cứu lịch sử và văn hoá Việt Nam đương thời. Sau đó, vì chưa thấy ông có bài về sai lầm của cụ Hãn, tôi còn nhắc ông ít nhất thêm một lần nữa. Qua bài Đọc Xưa&Nay năm 2019, tôi lại nhắc ông. Vậy là ít nhất ba (3) lần nhắc. Nay tôi rất ngạc nhiên là ông "không nhớ đã phát biểu như trên trong trường hợp nào."
Tôi thực sự không nhớ những điều ông viết. Không lẽ trí nhớ tôi kém cỏi tới vậy sao?

Khi đọc cụ Hãn, tôi chỉ tập trung vào những luận đề sử học cụ nêu ra và đưa lối biện giải của mình về những điều cụ khẳng định nếu không đồng ý, chẳng hạn phi bác việc cụ cho rằng bản thư Nôm là thủ bút của vua Quang Trung hay việc nhà Thanh tiếp tục yểm trợ cho nhóm Lê Chiêu Thống khi qua Tàu.
Về thủ bút vua Quang Trung, tôi thấy tin tưởng đó không hợp lý khi không có con dấu của triều đình và sự tin tưởng rằng đây là thư riêng không cần dấu đóng của cụ HXH không hợp lý.
Về việc yểm trợ nhóm Lê Chiêu Thống thì cụ HXH đã không có được một số văn thư mật của nhà Thanh nêu rõ về lý do tại sao họ điều tra, không phải để yểm trợ mà để xác nhận lý lịch của một số người mới chạy qua. Chính những việc đó nếu muốn - thì là những cơ sở về tổ chức, điển lệ và cách thức sinh hoạt cung đỉnh mà tôi không dồng ý với lối giải thích của cụ HXH. Những luận đề này tôi đã viết thành bài nêu ra rồi.
Về ngữ nghĩa (tức nghĩa lý của chữ Hán) tôi là một người đi sau, học trò cụ cũng chưa đáng, không có tư cách gì để phê phán cụ HXH cả. Tôi không biết ông có hiểu sai ý của tôi không?

Nguyễn Duy Chính
__________________

Thư trả lời lần 2 của Gs Trần Anh Tuấn

Gởi cho Văn Hóa Online 

On Wednesday, February 5, 2020, 7:27:45 AM

Thưa ông,
Tôi vừa nhận được lá thư ông gửi qua điện tử. Đây là phần tôi trả lời, đồng kính gửi nhà báo Lý Kiến Trúc và Gs. Phạm Cao Dương.
Trước ông hơn nửa thế kỷ, tôi đã được biết cụ Hoàng Xuân Hãn một cách gián tiếp khi cụ gửi bài về cộng tác với Tập San Sử Địa ở Sài Gòn một cách thường xuyên từ năm 1966 đến năm 1975. Nội dung một đời nghiên cứu của cụ Hoàng Xuân Hãn, từ quyển sách đầu tiên về Sử cho đến những bài viết trong Sử Địa vẫn còn đó với giá trị nội tại của nó.

Bài tôi viết - mà ông nhận xét một cách lạc đề và lắt léo - không hề liên quan gì đến bất cứ một công trình nghiên cứu nào của cụ!
Bài tôi viết chỉ liên hệ đến tư cách của một người trí thức từng được mọi người kính trọng và ngưỡng mộ qua cách hành xử bất thường của họ trong xã hội.
Nhận xét của ông về sự sai lầm về ngữ nghĩa chữ Hán của cụ Hoàng Xuân Hãn là điều ông đã chia sẻ với tôi qua điện thoại. Ngay khi ông chia sẻ sự việc này, tôi đã đề nghị với ông là lục hết những chỗ sai lầm của cụ Hãn rồi phổ biến để giúp giới nghiên cứu lịch sử và văn hoá Việt Nam đương thời. Sau đó, vì chưa thấy ông có bài về sai lầm của cụ Hãn, tôi còn nhắc ông ít nhất thêm một lần nữa. Qua bài Đọc Xưa & Nay năm 2019, tôi lại nhắc ông. Vậy là ít nhất ba (3) lần nhắc.
Nay tôi rất ngạc nhiên là ông "không nhớ đã phát biểu như trên trong trường hợp nào".

Thưa ông Chính, hai sự việc đã xảy ra giữa chúng ta, là sai lầm của cụ Hãn về chữ Hán do ông nói và đề nghị lục ra những sai lầm ấy để giúp giới nghiên cứu của tôi rất cụ thể, nay vì không có bằng chứng thì ông nói gì cũng được. Nhưng vì sự chính trực của người có học, chúng ta phải biết chuyện có hay không! Trong lá thư này, ông Nguyễn Duy Chính bẻ lái để viết rằng ông chỉ khác luận điểm với cụ Hoàng Xuân Hãn mà thôi.
Đến chuyện dịch Đại Việt Quốc Thư không liên quan gì đến cụ Hoàng Xuân Hãn là đương nhiên. Tại sao ông vơ vào để kết luận tôi trićh dẫn ông không đúng. Trích dẫn của tôi đơn giản chỉ là bằng chứng chuyện tự học chữ Hán của ông, "chi li đến cả điển lệ trong cung đình," tức là cái học nghiêm chỉnh và sâu rộng. Bộ ông đọc rồi không hiểu nội dung, hay ông cố tình bẻ lái lần nữa?
Ông Nguyễn Duy Chính nói đến "tư thế độc lập khi nghiên cứu." Ông lại nói nghiên cứu "không để phê phán hay tranh đua với ai".
Được vậy quá qúy. Nhưng thực tế như thế nào?

Bây giờ tôi phải dài dòng nói đến sự liên hệ giữa ông Nguyễn Duy Chính với tôi và con đường ông Nguyễn Duy Chính đang đi.
Năm 2006-2007 tôi xuất bản chuyên san Dòng Sử Việt (DSV) tại California. Ngoài sự cộng tác của những học giả và những nhà nghiên cứu đã thành danh, tôi chú trọng những cây bút trẻ tốt nghiệp đại học Mỹ như là một lớp nghiên cứu mới. Tôi may mắn tìm được ít nhất hai người.
Người thứ nhất là Nguyễn Kỳ Phong, làm trong Phòng Quân Sử, Lục Quân Hoa Kỳ. Tôi đề nghị tác giả này chuyên khai thác tài liệu của quân đội Mỹ để nghiên cứu đề tài Chiến Tranh Việt Nam. Nguyễn Kỳ Phong có bài "Binh đoàn, binh trạm, và đường đi B..." (DSV số 4, tháng 7-9, 2007, tr. 122-144).
Người thứ hai là Nguyễn Duy Chính, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh năm 1970 và học Tin học tại Hoa Kỳ, nhưng ham thích lịch sử và giỏi chữ Hán. Tôi đề nghị tác giả này chuyên về đề tài Tây Sơn. Nguyễn Duy Chính đã sản xuất mạnh và liên tục, có bài "Đánh giá lại một số tài liệu về thời kỳ Tây Sơn" (DVS số 3, tháng 4-6, 2007, tr. 21), bài "Từ Khâm Định An Nam Kỷ Lược nhìn lại sử Việt Nam" (DSV 4, thang 7-8, 2007, tr. 24-41), và bài "Tương quan Xiêm-Việt cuối thế kỷ XVIII" (DSV số 5, tháng 10-12, 2007, tr. 7-19).

Nguyễn Kỳ Phong ở Virginia xa xôi nên tôi chưa có dịp gặp. Còn Nguyển Duy Chính ở ngay Little Saigon nên chúng tôi gặp nhau nhiều đến độ thân nhau. Gặp nhau là tôi được đãi trà tàu và cơm món Bắc là những món ẩm thực tôi thích.
Sau này, khi tôi không tiếp tục chuyên san DSV để có thì giờ hoàn tất hai đề tài lớn thì Nguyễn Duy Chính vẫn tiếp tục nghiên cứu về thời Tây Sơn. Nhiều khi xong một đề tài ông đóng thành tập và gửi riêng cho tôi để chia sẻ và hỏi ý kiến. Như tập Lê Quýnh 1750-1805, hay Lê Duy Kỳ 1766-1793. Nhưng tôi nhớ chưa hề chia sẻ ý kiến gì với ông vì tôi không biết chữ Hán.

Bẵng đi một thời gian dài ông không liên lạc với tôi, tôi chỉ biết ông có bài trong nước ít nhất từ năm 2013.
Rồi bỗng nhiên Nguyễn Duy Chính xuất hiện như một ngôi sao sáng trên vòm trời Hà Nội với 10 sử phẩm do bốn nhà xuất bản trong nước phát hành nội trong hai năm 2015-2016. Sách được ra mắt một cách "hoành tráng" ở Tp HCM và Hà Nội, có báo chí đưa tin và hình, với sự tham dự của các chức sắc hàng đầu trong Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam. Thật là một sự đãi ngộ vô cùng đặc biệt đến độ bất bình thường, có thể so sánh như khi Tổng Bí Thư Đỗ Mười thăm hỏi cụ Hoàng Xuân Hãn.
Tôi đã viết trên nhatbaovanhoa.com của nhà báo Lý Kiến Trúc là sẽ phân tích 10 quyển sách của một tác giả tại hải ngoại đã và đang được chính quyền trong nước đãi ngộ một cách "hoành tráng."
Nhưng từ nội dung lá thư của ông Nguyễn Duy Chính, tôi thấy không cần viết gì hay liên hệ gì với ông nữa. Cuối thư ông còn chúc cho tôi thành công trong năm mới. Bộ ông không thấy cái "thất bại" của tôi ngay trong lá thư của ông sao?

Tôi cũng thêm một chi tiết đặc biệt liên hệ đến tôi giữa tập san Xưa & Nay trong nước ngày 2.2.2020 và lá thư ông Nguyễn Duy Chính viết hai ngày sau, ngày 4.2.2020. Nguyên tôi có gửi cho Xưa & Nay bài viết Đọc Xưa & Nay năm 2019, dĩ nhiên tôi không nghĩ một tạp chí trong nước được phép in nội dung bài tôi viết. Tôi gửi, cốt để chia sẻ với giới nghiên cứu trong nước. Ngày Chủ Nhật 2.2. thì ông Nguyễn Hạnh, Phó Tổng Biên Tập, gửi bản pdf số Xuân Xưa & Nay cho tôi, ngụ ý là bài không đăng.
Đến Thứ Ba 4.2 thì tôi nhận được bức thư của ông Nguyễn Duy Chính.
Ông đã có con đường riêng. Tôi chỉ còn biết từ biệt, sau khi ngỏ lời cám ơn bà Nguyễn Duy Chính đã tiếp đãi thân tình và lịch sự mỗi khi tôi ghé thăm trước kia.

Ngày 5 tháng 2 năm 2020
TRẦN ANH TUẤN

https://www.nhatbaovanhoa.com

 

 

Đăng ngày 08 tháng 02.2020