Về hai sử phẩm Hanoi’s War &
Vietnam’s Communist Revolution
Trần Anh Tuấn
Hanoi’s War. An International History of the War for Peace in Vietnam (University of North Carolina Press, 2012, 444 tr.) do giáo sư Lien-Hang T. Nguyen tại University of Kentucky hoàn thành là một chuyện kể phong phú và phức tạp về cuộc chiến xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa để nắm chính quyền toàn cõi của một cá nhân nhân danh một đảng chính trị.
Tác giả viết trôi chảy, tự tin, hết sự kiện này đến sự kiện khác, hết nhân vật này sang nhân vật khác. Dòng sử cứ suôi theo năm tháng, chuyện sau tiếp nối chuyện trước, chuyện nọ song song với chuyện kia, chuyện này là hậu quả của chuyện khác...
Nhưng trong nội dung chuyện kể này, tiếc thay, tôi bắt gặp một số sự kiện và nhân vật với những hậu ý của tác giả.
Trước hết, đặt tựa đề “The War for Peace in Vietnam” là không đúng với bản chất của cuộc chiến.
Trên thực tế, chiến trường chỉ xảy ra từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu, tức miền đất thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Từ năm 1955 đến năm 1960, Cộng Sản miền Bắc thi hành chính sách khủng bố tại miền Nam. Tại thôn quê họ chặt đầu mổ bụng rồi bêu xác các viên chức xã ấp nơi công cộng. Tại thành thị, họ ám sát người và đặt chất nổ nơi công sở. Nhưng chính sách khủng bố bị tổn hại vì cán bộ Cộng Sản lần lượt sa lưới các cơ quan an ninh VNCH mà không có kết quả cụ thể. Chính quyền VNCH vẫn đứng vững và phát triển, các cơ quan cảnh sát an ninh vẫn tiếp tục truy lùng các phần tử khủng bố.
Do đó, từ đầu thập niên 1960, Cộng Sản thay đổi chính sách bằng cách đem bộ đội từ miền Bắc vào trực tiếp xâm chiếm miền Nam. Đầu tiên họ lập Đoàn 559 phá rừng núi Trường Sơn để chuyển quân vào miền Nam. Đặt tên là Đoàn 559 vì công trình mở đường quen gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh bắt đầu tháng 5 năm 1959.
Sau 15 năm và với hàng triệu thanh niên miền Bắc tử trận, Cộng Sản đã chiếm được miền Nam với võ khí, quân lương, cùng các khí cụ quân sự của Liên Xô, Tàu Cộng, và vài nước Cộng Sản Đông u.
Võ khí thừa thãi như đại bác Cộng Sản Tàu viện trợ cho Cộng Sản Bắc Việt (tịch thu khi đánh bại quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch) để triệt hạ Điện Biên Phủ năm 1954. Hay “đạn pháo đủ bắn cho bọn Ngụy sợ đến ba đời” như lời nói của Chủ Nhiệm Tổng Cục Hậu Cần Cộng Sản Đinh Đức Thiện trả lời về câu hỏi tình hình đạn dược pháo binh của Tư Lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh tức Văn Tiến Dũng năm 1975.
Vì thế, thực chất của cuộc chiến tranh từ năm 1955 đến năm 1975 là cuộc chiến tranh do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát động có mục đích xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa để cướp chính quyền cả nước.
Nói cuộc chiến có tính cách quốc tế là đúng, vì hai bên cuộc chiến đều có sự trợ giúp tích cực và mạnh mẽ -kể cả binh lực- của các nước đồng minh và đồng đảng.
Nhưng mệnh danh cuộc chiến là Cuộc Chiến Vì Hòa Bình Ở Việt Nam thì không phù hợp với sự thực lịch sử. Thực tế là Hòa Bình đang có ở Việt Nam sau Hiệp Định Genève từ năm 1954, nhưng chính chính quyền Cộng Sản Hà Nội đã khởi chiến tức là thủ phạm xóa bỏ Hòa Bình! Chính tác giả Lien-Hang T. Nguyen cũng đã xác định Hiệp Định Genève đem lại Hòa Bình nơi trang 29, nguyên văn: “With the signing of the Geneva Accords and the return of peace...”
(Thư viện TAT)
Thứ hai, là diễn dịch sai bản chất của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Mặt Trận này không phải do cán bộ Cộng Sản địa phương tổ chức để giải phóng miền Nam như tác giả viết, nguyên văn nơi trang 2: “local Vietnamese communist war for national liberation.”
Chính Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn và Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội mới là những kẻ chủ mưu thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam năm 1960 để tuyên truyền và che đậy bản chất của cuộc chiến trước mắt nhân dân miền Nam và nhân dân thế giới. Làm gì có chuyện một nhóm Cộng Sản địa phương có thể tổ chức cả một thực thể trên tầm quốc gia?! Tác giả biết sự kiện Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản tại Hà Nội ra lệnh giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một cán bộ tuyên thệ vào Đảng Cộng Sản Việt Nam tháng 10.1949, đang bị chính quyền VNCH giam ở tỉnh Phú Yên miền Trung về mật khu Tây Ninh miền Nam làm Chủ Tịch Mặt Trận chưa?
Thật ra, chuyện Lê Duẩn lãnh đạo cuộc chiến xâm lăng miền Nam không phải là điều mà tác giả Lien-Huong T. Nguyen khám phá. Người học Sử ai cũng phải biết từ Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ III (tháng 9-1960), Lê Duẩn đã được bầu làm Bí Thư Thứ Nhất để lãnh đạo Đảng với chủ trương đánh chiếm miền Nam, ngược với chủ trương duy trì chiến tranh du kích do Võ Nguyên Giáp khởi thảo.
Nguyên năm 1956, Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị sửa soạn Đại Hội Đảng lần thứ III và giao cho Võ Nguyên Giáp khởi thảo Nghị Quyết. Năm 1957, dự thảo Nghị Quyết do họ Võ soạn ở Hà Nội hoàn tất. Nhưng trước đó, tháng 8-1956, Lê Duẩn đã bí mật soạn xong Đề Cương Cách Mạng Miền Nam tại Sài Gòn, chủ trương bạo lực cách mạng để giành chính quyền vì “Cách mạng miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ Diệm...” Đề cương đã được phổ biến và áp dụng tại miền Nam ngay năm 1957.
Vì thế, theo ý kiến của Hồ Chí Minh, dự thảo nghị quyết của Võ Nguyên Giáp, người chủ trương duy trì chiến tranh du kích, phải trao đổi với Lê Duẩn, người chủ trương bạo lực cách mạng.
Kết quả là chủ trương của Lê Duẩn thắng thế, nên Hội Nghị Trung Ương lần thứ 15 họp trong hai tháng (1-59 và 5-59) mới thông qua Nghị Quyết chính thức, gọi là Nghị Quyết 15. Nghị Quyết này xác định nội dung Đề Cương Cách Mạng Miền Nam do Lê Duẩn thảo, là: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam... dùng bạo lực cách mạng... phát triển thành một cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ.”
Rồi trong Đại Hội Đảng lần thứ III năm sau (1960), Lê Duẩn được bầu làm Bí Thư Thứ Nhất, thay vì Võ Nguyên Giáp mà Hồ Chí Minh đã dự định đưa vào chức vụ quan trọng nhất của Đảng.
Lúc bấy giờ, uy tín của Võ Nguyên Giáp còn rất cao vì hào quang Điện Biên Phủ nên dân chúng, nhất là quân đội còn tôn kính và ủng hộ mạnh mẽ. Chính vì thế, để làm dịu bớt tự ái của Võ Nguyên Giáp và các tướng tá thân cận, danh xưng “Tổng Bí Thư” được chuyển xuống cho nhẹ nhàng, thành “Bí Thư Thứ Nhất.”
Cũng từ đấy, hai nhân vật Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp bị mất hết quyền lực trong Trung Ương Đảng. Người thì làm vì trong chức vị Chủ Tịch Nước, người thì bị đuổi ra khỏi Bộ Chính Trị. Nhóm Lê Duẩn và Lê Đức Thọ còn không cho chủ tịch họ Hồ tham dự những cuộc họp của Bộ Chính Trị, lấy cớ là “Bác đã lớn tuổi, để Bác nghỉ ngơi không nên làm phiền Bác!” Đến cuộc “Tổng công kích tổng khởi nghĩa” năm 1968 thì Bác bị đẩy sang Tầu sau khi ghi âm bài thơ tại Hà Nội làm hiệu lệnh tấn công, và Võ Nguyên Giáp thì bị đẩy đi Hung-gia-lợi chữa bệnh cho khuất mắt!
Tiếc thay, tác giả sách Hanoi’s War đã không hiểu được nội tình nên suốt từ đầu sách cho đến cuối sách, danh xưng “Bí Thư Thứ Nhất” bị viết thường, và còn sai lầm hơn nữa, là ai cũng gọi là “bí thư thứ nhất” hết, từ Nguyễn Văn Cừ, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, đến Lê Duẩn, mà không biết rằng tất cả trừ Lê Duẩn, đều được bầu làm Tổng Bí Thư. Ngay chính Lê Duẩn cũng chỉ làm “Bí Thư Thứ Nhất” một lần hồi năm 1960. Đến Đại Hội Đảng lần thứ IV năm 1976 vì không còn úy kỵ Võ Nguyên Giáp nữa, nên chức vụ của Lê Duẩn trở lại là “Tổng Bí Thư.”
Danh xưng là một nét đặc thù của văn hóa Việt, tế nhị, kín đáo, ý nghĩa xâu sa, nên Lien-Huong T. Nguyen không thể thấu hiểu được?
Thứ ba, là tôn sùng quá đáng Võ Nguyên Giáp nơi trang 303, nguyên văn: “one of the greatest generals and grandest stategists in world history,” tức “một trong những viên tướng vĩ đại nhất và chiến lược gia ưu tú nhất trong lịch sử thế giới!”
Đến năm 2012 rồi mà sao tác giả còn chưa biết sự thấp hèn của Võ Nguyên Giáp? Ông ta đã không dám can thiệp nửa lời khi nhóm tướng tá thân cận từ thời Điện Biên Phủ bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ triệt hạ.
Ngay chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 cũng đã được giải (huyền) thoại từ lâu, là do võ khí quân lương và các tướng Tàu cố vấn cùng sự hy sinh cao cả của thanh niên Việt ba thế hệ 1910-30 quyết chiến để giành Độc Lập cho dân tộc, còn vai trò của ông giáo sư trung học Võ Nguyên Giáp được thổi phồng cốt để tuyên truyền chính trị, tức là gây uy tín và tạo uy thế cho Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông giáo ở vào đúng không gian (right place) và đúng thời điểm (right time) nên được hưởng tiếng thơm, thế thôi!
Thứ tư, là sự tâm phục Cộng Sản của tác giả còn đi đến chỗ đảo lộn sự kiện quá khứ ngay trong thời hiện đại, khi hàng triệu nạn nhân và chứng nhân còn đang sống chung quanh tác giả ở Mỹ và ở Việt Nam.
Đó là khi Lien-Hang T. Nguyen phát biểu nơi trang 300, nguyên văn: “Under the command of General Van Tien Dung, PAVN troops entered Saigon on 30 April 1975, bringing the Ho Chi Minh Offensive to a successful close. As communists soldiers marched and rode atop Soviet tanks into the heart of RVN power, exuberant masses lined the streets of Saigon to welcome the troops as liberators.”
Tức “Dưới sự chỉ huy cũa Tướng Văn Tiến Dũng, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng Tư năm 1975, chấm dứt Chiến Dịch Hồ Chí Minh một cách thắng lợi. Khi quân Cộng Sản đi bộ và ngồi trên mui xe tăng Sô Viết tiến vào trung tâm quyền lực của Việt Nam Cộng Hòa, những đám đông dân chúng hồ hởi đứng dọc theo đường phố Sài Gòn để hoan hô bộ đội như những quân giải phóng.”
Liberators-Quân Giải Phóng là thế nào?
Tôi muốn hỏi gia đình ông bà Nguyen Thanh Quang và Tran Thi Lien cùng chín (9) đứa con mà bé gái út mới 5 tháng -độc giả lưu ý là không có thêm chữ “tuổi,” theo đúng truyền thống ngôn ngữ trong sáng thời VNCH- tên Lien-Hang T. Nguyen đã biết bộ đội Cộng Sản là quân giải phóng từ năm 1975 mà sao lại bỏ cả quê hương bản quán để trốn chạy sang Mỹ?!
Đến đây, tôi muốn tìm hiểu thêm về người viết.
Lien-Hang T. Nguyen là sản phẩm của nền giáo dục Mỹ. Họ Nguyen tốt nghiệp các đại học Pennsylvania, Kentucky, Yale, Stanford, và Harvard... nhưng càng học nhiều thì càng bị ảnh hưởng xấu nhiều của người Mỹ bên thua trận!
Ảnh hưởng xấu thứ nhất là cách gọi tên xách mé những nhân vật hiện đại thời Việt Nam Cộng Hòa, như Thiệu, Kỳ, Khiêm... Nhưng sự xách mé nhường chỗ cho sự lễ phép kính cẩn khi đề cập đến cán bộ Cộng Sản, luôn luôn đủ cả họ, tên, và viết hoa, như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...
Một ảnh hưởng xấu khác là tôn phục giới phản chiến Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. George Herring, người mà tác giả Tuong Vu trong sách Vietnam’s Communist Revolution cho biết là “lý thuyết gia” của nhóm phản chiến (the bible for opponents to the war in the 1970’s) thì được Lien-Hang T. Nguyen xưng tụng là, nguyên văn nơi trang x: “the father of the Vietnam War studies,” tức: “Cha đẻ ngành nghiên cứu chiến tranh Việt Nam (tại Mỹ).”
Mặt khác trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Vietnam (Tập 25, số 5, 4.2013), Lien-Hang T. Nguyen cho biết chính mình bị một số người trong cộng đồng gồc Việt kết án, nguyên văn: “She must be a Communist!”
Nhưng theo tôi, Lien-Hang T. Nguyen không bao giờ là Cộng Sản, vì cơ quan thông tin tuyên truyền của Hà Nội không bao giờ thuyết phục được con người, cũng là sản phẩm từ mẫu giáo của một hệ thống giáo dục với căn bản là tự do dân chủ và tôn trọng cá nhân làm thành viên của một chế độ độc tài tư tưởng. Nhưng họ có thể tuyên truyền những trí thức-trí ngủ gốc Việt tốt nghiệp các đại học u Mỹ tin phục “chính nghĩa” của họ, điển hình là một Nguyễn Khắc Viện tại Pháp!
Tiểu sử của người viết ghi nơi trang xi cho biết ông bà nội và ông ngoại bị giết (casualties) và chết (died) trong “the First Indochina War.” Cách diễn tả mơ hồ này không cho độc giả biết ba người này vì sao bị giết và chết, vì bệnh tật, vì tai nạn, vì đạn lạc, vì đi lính cho Pháp, hay vì là cán bộ Việt Minh?
Tôi chỉ biết một chi tiết cụ thể là tình cảm thân thiết của người viết bên cạnh cán bộ ngoại giao thông tin tuyên truyền lão luyện của VNDCCH là Lưu Văn Lợi được ghi lại trong bức hình nơi trang 116. Viên chức họ Lưu này có họ hàng gì với bà ngoại tác giả tên là Luu Thi Quy (trang xi) không? Và người chú ruột Nguyễn Khắc Chính của tác giả có họ hàng gì với Nguyễn Khắc Viện, một trí thức phục vụ Cộng Sản Việt Nam tại Pháp không? Chưa kể những người ơn mà tác giả phải cám là Truong Xuan Thanh ở Vietnam Ministry of Foreign Afairs, Nguyen Tien Dinh và Pham Thi Hue ở Vietnam National Archives, Nguyen Vu Tung ở Diplomatic Academy of Vietnam, và nhất là đại tá Nguyen Manh Ha ở Military Academy Institute of Vietnam. (Danh tính người Việt bị tác giả viết không dấu nên tôi để nguyên như trong sách vì tôi không thể tự ý bỏ dấu. Còn tên cơ quan tôi cũng để nguyên văn tiếng Anh, vì tôi nghi ngờ việc sử dụng tiếng Việt của tác giả, nên không biết khi dịch sang tiếng Anh thì tên chinh thức của những cơ quan đó là gì.
Sự cẩn thận này dẫn xuất từ cách dịch Anh-Việt Việt-Anh của tác giả, thí dụ như quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì tác giả dịch thành Viet Nam Xa Hoi Cong Hoa nơi trang xiv).
Đâu rồi hình ảnh đẹp của người con gái gốc Việt giúp Mẹ may cờ Vàng kỷ niệm giữa những người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam tại Mỹ năm xưa?!
Công trình thứ hai là Vietnam’s Communist Revolution (Cambridge University Press, 2017, 337 tr.) do giáo sư Tuong Vu tại University of Oregon viết.
Hai tác giả của Hanoi’s War và Vietnam’s Communist Revolution có một số điểm tương đồng. Cá hai đều lớn lên sau năm 1975. Cả hai đều tốt nghiệp tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Cà hai đều sinh hoạt trong ngành Sử. Khi nghiên cứu, cà hai được chính quyền trong nước đặc biệt cho phép tham khảo tài liệu trong các thư viện và các trung tâm lưu trữ (trước năm 1975 gọi là văn khố). Và cả hai đều có dịp tiếp xúc lâu dài với các viên chức cán bộ trong nước.
Nhưng sự tương đồng chấm dứt ở đó.
Trên thực tế, hai tác giả của Hanoi’s War và Vietnam’s Communist Revolution đứng trên hai quan điểm khác nhau. Họ lựa chọn tài liệu khác nhau. Họ thông giải tài liệu khác nhau nên họ đi đến những kết luận khác nhau.
Chẳng hạn hình bìa sách. Lien-Huong T. Nguyen quảng cáo cho chính quyền Cộng Sản với hình cờ đỏ sao vàng. Còn Tuong Vu ghi nguyên văn tên tác phẩm của lãnh tụ họ Hồ Đường Kách mệnh có lỗi chính tả. Đó, theo tôi, là nụ cười chế nhạo tế nhị của người trí thức gốc Việt vì đồ dệ họ Hồ là thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng từng viết báo “dạy bảo” cán bộ và nhân dân nước VNDCCH về “sự trong sáng của tiếng Việt!”
Chẳng hạn cuộc chiến 1955-1975 thì Lien-Huong T. Nguyen mệnh danh là cuộc chiến của Hà Nội, nguyên văn “Hanoi’s War.” Còn Tuong Vu mệnh danh cuộc chiến là cuộc nội chiến, nguyên văn “The Civil War” nơi trang xv.
Chẳng hạn quan niệm thu thập thông tin và tài liệu mà quan trọng nhất là sự khác biệt khi sử dụng tài liệu.
Một bên là Lien-Huong T. Nguyen sử dụng tài liệu chính, toàn là tài liệu Cộng Sản gồm tài liệu đã in, chưa in, và chỉ lưu hành nội bộ trong Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ Nội Vụ, Viện Mác-Lênin, Viện Lịch Sử Quân Sự, Văn Phòng Bộ Chỉ Huy Trung Ương-Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bảo Tàng Cách Mạng, và tài liệu tại năm (5) văn khố.
Danh sách sách tham khảo trong Hanoi’s War bằng Việt ngữ gồm tất cả 66 quyển thì chỉ có 5 quyển in tại hải ngoại của Bùi Diễm, Bùi Tín, Huỳnh Văn Lang, Trần Thu, và Vũ Thư Hiên.
Lien-Huong T. Nguyen có tiếp xúc và phỏng vấn Bùi Diễm, Bùi Tín, và Hoàng Minh Chính ở Hoa Kỳ, nhưng đương sự không hề biết đến những liên mạng điện tử trái chiều nào.
Đương sự cũng chỉ đọc tám (8) loại bản tin và báo mà tất cả đều là các cơ quan chính thức của chính quyền tại Hà Nội.
Đây là trường hợp điển hình của sự sử dụng tài liệu quy về một phía. Vì thế, đây không phải là sự nghiên cứu lịch sử khách quan! Đó là lý do của những vấn đề trong sách Hanoi’s War mà tôi phân tích ở trên.
(Thư viện TAT)
Trái với trường hợp Lien-Huong T. Nguyen, tác giả của Vietnam’s Communist Revolution là Tuong Vu cũng về Việt Nam nghiên cứu. Nhưng tác giả sử dụng chất liệu cho sử phẩm của mình hoàn toàn khác.
Đó là sử dụng tài liệu hai chiều, là phương pháp nghiên cứu lịch sử khách quan, dù sự khách quan chỉ là tương đối vì sách viết không gì khác hơn là sản phẩm của con người.
Tuong Vu đã tìm đọc các tài liệu văn khố của chính quyển đương thời tại Hà Nội, và sử dụng các bộ lịch sử Đảng, văn kiện Đảng, sách của Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương, Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Ngoại Giao, và sách của các lãnh tụ Đảng. Tuong Vu cũng tiếp xúc trao đổi với cán bộ Cộng Sản nhưng đồng thời với cả những cá nhân chống đối chế độ đến nỗi vỉ sự an toàn của họ, Tuong Vu đã không thể nêu tên của họ trong sách (trang xi).
Tuong Vu còn khai thác các liên mạng điện tử (websites) và trang cá nhân (blogs) trái chiều như Talawas.org, Basam.info, Boxinvn.net, danluan.org... mà nhiều người phụ trách bị chính quyền Cộng Sản giam giữ và tù đầy điển hình là Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy bị năm (5) năm tù. Chính vì có cái nhìn khách quan khi viết Sử, Tuong Vu đã nêu lên một sự thật là tác phẩm của ông, Vietnam’s Communist Revolution, đã được lợi rất lớn từ những cố gắng của nhiều cá nhân đã can đảm phân phát và chuyển lên hệ thống điện tử những tài liệu nhậy cảm hay bị chính quyền Cộng Sản cấm đoán. Nguyên văn của tác giả nơi trang xi là: “... this book benefited so much from the brave efforts of many individuals to circulate and publish online materials deemed sensitive or subversive by the Vietnamese government.”
Nếu Lien-Huong T. Nguyen thu thập thông tin qua những cuộc phỏng vấn, gồm 10 nhân vật trực tiếp và gián tiếp thêm 3 người. Tuong Vu, ngược lại, không tiến hành cuộc phỏng vấn nào.
Nhưng Tuong Vu đặc biệt bỏ rất nhiều thì giờ và công khó tìm đọc nhật báo, nguyệt san, tạp chí, đặc san, nội san, bản tin... mà danh sách lên tới 55 loại. Về thời gian thì 55 ấn phẩm này trải dài từ Nhựt Tân in tại Sài Gòn năm 1924 đến Tạp Chí Cộng Sản in năm 1990. Về không gian thì 55 ấn phẩm đó xuất xứ từ 11 địa phương, gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Việt Bắc, Hà Đông, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Vinh, Huế, Sài Gòn, và tp HCM.
Trong khi đó, Lien-Hang T. Nguyen chỉ đọc 7 tạp chí và bản tin xuất bản tại Hà Nội.
Sự khác biệt của hai tác giả, theo tôi, là do cách xuất thân của họ. Một người lớn lên trong môi trường Mỹ không hề có kinh nghiệm gì về Cộng Sản lại được dạy bảo bởi giới trí thức phản chiến Mỹ. Đến khi khai thác đề tài lại được chính quyền trong nước ưu ái nên không phân biệt được đâu là thông tin tuyên truyền và đâu là sự kiện lịch sử. Còn một người được giáo dục suốt thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành dưới chính quyền trong nước nên thấm được bản chất của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đến khi sang Mỹ được hưởng tự do tư tưởng và tự do nghiên cứu nên biết phân biệt thông tin với sự kiện và biết phân biệt chủ quan với khách quan khi viết Sử.
Chương Dẫn Nhập (Introduction) của Tuong Vu tương đối ngắn, chỉ gồm 30 trang, từ trang 1 đến trang 30, nhưng rất đầy đủ và chính xác về bản chất của Cộng Sản Việt Nam trên tầm quốc tế. Tuong Vu đã phân tích ngắn gọn cụ thể cuộc cách mạng Cộng Sản tại Việt Nam trong lịch sử thế giới. Ông nêu rõ vai trò của Hồ Chí Minh là một cán bộ của Comintern tại Liên Xô là người đã tổ chức các đảng Cộng Sản tại Lào, Cam Bốt, Thái Lan... Tác giả còn giải thích rõ ngộ nhận của trí thức bản xứ Mỹ, do sự ngây ngô, về Cộng Sản Việt.
Tác giả đã chứng tỏ sự nhận định đúng đắn và sự phân tích rạch ròi của một sử gia làm chủ đề tài.
Cách diễn tả sự kiện vừa chính xác vừa trí tuệ một cách ngắn gọn và đầy đủ. Như khi đề cập đến chuyện chính quyền thuộc địa Pháp bắt giữ được nhiều cán bộ Cộng Sản trong thập niên 1930, Tuong Vu kết luận, nguyên văn nơi trang 61: “To the extend that it was efective, colonial suppression destroyed only the mesangers but not the message.” Tức: “Cho là nó hữu hiệu, sự đàn áp của chính quyền thuộc địa cũng chỉ trừ khử được người đưa tin mà không trừ khử được lòng tin!”
Hay như trong phần cuối sách, Tuong Vu nhận định, nguyên văn nơi trang 296: “The deaths in the late 1980s of Le Duan and other senior leaders facilitaed initial market reforms, but these reforms were meant to have more, not less, socialism.” Tức: “Cái chết của Lê Duản và các lãnh tụ trưởng thượng trong thập niên 1980 khiến những cải cách về kinh tế thị trường được khởi sự, nhưng những cải cách ấy có nghĩa hướng về nhiều hơn, không phải ít hơn, chủ nghĩa xã hội.”
Trong khi đó, về sự kiện Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch Operation Linebacker II ném bom Hà Nội trong 12 ngày cuối năm 1972, Lien-Hang T. Nguyen viết: “... public outrage forced Nixon to end the bombing campaign and his approval plummeted. Singer Joan Baez and VVAW members arrived in Hanoi when the bombings began and publicized the destruction of Bach Mai Hospital and the neigborhoods surounding the capital city. Meanwhile, VWP leaders took note of official pronouncements by statemen as well as headlines world-wide, taking solace in the condemnation of Nixon’s brutal campaign in the United States, the socialist bloc, Western Europe, and the Third World. Influential American journalists decried Linebacker II as a barbaric act by a mad tyrant, an act that was unnecessary for the United States to get out of Vietnam.”
Tức: “... sự phản đối của công chúng bắt buộc Nixon chấm dứt chiến dịch ném bom và uy tín của ông ta bị tuột dốc. Ca sĩ Joan Baez và phái đoàn Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ chống Chiến Tranh (VVAW, Vietnam Veterans Against the War) đến Hà nội khi cuộc ném bom bắt đầu và họ quảng bá sự tàn phá Bệnh Viện Bạch Mai cùng các khu lân cận thủ đô. Trong khi đó, các lãnh tụ Đảng Lao Dộng Việt Nam (VWP, Vietnam Workers’Party) ghi nhận tuyên bố chính thức của các chính khách cũng như những tít báo trang đầu khắp thế giới và họ được an ủi qua những kết án về chiến dịch tàn bạo của Nixon tại Hoa Kỳ, tại khối xã hội chủ nghĩa, tại Tây u, và tại Thế Giới Thứ Ba. Những nhà báo Mỹ có ảnh hưởng trong công luận chỉ trích Linebacker II là hành vi man rợ của một bạo chúa điên khùng, một hành vi không cần thiết để Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam.”
Nguyên văn trên đây trong hai trang, trang 296-97, trong sách Hanoi’s War chỉ là luận điệu hận thù của một bên đối địch. Nó hoàn toàn che dấu mục tiêu của chính quyền Nixon đã đạt được qua chiến dịch Operation Linebacker II, là bắt buộc Cộng Sản Việt Nam phải nghiêm chỉnh trở lại bàn hội nghị tại Paris để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Một kết quả vừa tích cực vừa cụ thể vừa nhãn tiền như thế mà tác giả không những đã che dấu mà ngược lại, còn nhân dịp để xỉa xói tổng thống Hoa Kỳ là một bạo chúa khùng điên với hành vi man rợ thì giá trị của tác phẩm thế nào?!
Nhân đây, tôi ghi lại phần quân sử chính thức của Hoa Kỳ (official history) về hậu quả của Chiến Dịch Linebacker II do một tác giả trong tạp chí Vietnam là Karl L. Eschmann ghi lại nguyên văn trong tập 5, số 2, 8.1992, trang 40: “By 28 December, American airmen had swept away virtually all the enemy’s defenses, and the B-52s were free to roam the skies of North Vietm... On 30 December Hanoi agreed to resume the peace talks which culminated in the 27 January (1973) agreement.”
Mục tiêu của Chiến dịch Linebacker II là thế, là tiêu diệt hệ thống phòng không của Hà Nội. Chứ mục tiêu nào phải là hủy diệt bệnh viện hay trường học vốn có tính cách vừa vô nhân đạo vừa thất nhân tâm.
Chuyện bom Mỹ rơi vào Bệnh Viện Bạch Mai ở Hà Nội là có, chuyện đạn pháo kích của Việt Cộng rớt trúng trường tiểu học ở Cai Lậy, Định Tường làm hơn 40 học sinh chết và bị thương cũng có. Nhưng đó là những chuyện bom rơi đạn lạc trong chiến tranh. Lấy tai nạn kết thành mục tiêu của một tổng thống Mỹ để lên án thì sự lên án đó mới chính là hành vi man rợ-barbaric act!
Nội dung khác biệt của hai sử phầm như trên mà sự cộng tác của hai tác giả Lien-Hang T. Nguyen vă Tuong Vu lại rất thân ái và chí tình chính là một điểm son của giáo dục Mỹ: tư cách độc lập của mỗi tác giả là điều được mặc nhiên tôn trọng, dù nội dung và kết luận có thể trái chiều nhau. Tinh thần đó là một truyền thống của giới trí thức chân chính Hoa Kỳ. Nói như một danh nhân Mỹ, là họ có thể bất đồng ý kiến với ai đó, nhưng họ sẽ hết sức tranh đấu để người ấy có cơ hội phát biểu ý kiến riêng của mình.
Đây là một điểm son cho tác giả của Hanoi’s War.
Lien-Huong T. Nguyen có thể coi như là một “Cố Vấn” cho Tuong Vu, vậy mà họ Nguyen không ác cảm vì sự khác biệt về quan niệm và nội dung với họ Vũ mà tận tình giúp bạn.
Đó chính là tư cách của con người do nền giáo dục Mỹ đào tạo mà nên, chắc là khác với tư cách của con người trong nền giáo dục từ chương ngày trước và duy vật hiện tại bây giờ.
TRẦN ANH TUẤN
29.8.2021
Trích “Chương Hai: Sử gia thế hệ thứ hai tại Hoa Kỳ” trong Sử Việt tại Bắc Mỹ (1975-2021)
Đăng ngày 15 tháng 09.21