Tưởng nhớ công ơn TT Ngô Đình Diệm
Lê Duy San
“Tôi tiến, hãy tiến theo tôi.
Tôi lùi, hãy giết tôi.
Tôi chết, hãy nối chí tôi”.
Ngô Đình Diệm
Ngày 7/5/1954 Diện Biên Phủ thất thủ. Hoàng Đế Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng. Biết tình hình khó khăn, ông đã từ chối mấy lần nhưng Hoàng Đế Bảo Đại vẫn năn nỉ. Sau cùng, ông đã đòi phải được tòan quyền về dân sự cũng như quân sự ông mới nhận lời.
Ngày 7/7/1954, cụ Ngô Đình Diệm về nước chấp chính. Chưa đầy hai tuần sau, ngày 20/7/1954, Hiệp Định Genève được ký kết phân chia nước Việt Nam thành hai miền Nam Bắc.
Về nước đúng lúc đất nước bị chia đôi, miền Nam lại chia năm xẻ bẩy: nào Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, nào phe thân Pháp, phe thân Cộng. Quốc gia thì chậm tiến, xã hội thì đầy dẫy tệ đoan, dân trí thì thấp kém. Ruộng vườn thì bị bỏ hoang, đường xá, cầu cống thì bị Việt Cộng phá hoại. Ðó là chưa kể đến sự phá hoại ngấm ngầm của thực dân Pháp và Việt Cộng. Ngay cả người Mỹ cũng chưa hoàn toàn tin tưởng cụ Diệm. Các chính trị gia thì mỗi người một ý. Không những thế, ông còn phải lo cho cả triệu người Bắc di cư vào Nam để tránh nạn Cộng Sản.
Trong bài này, chúng tôi xin trình bầy 2 vấn đề: Thiết lập nền Đệ I Công Hoà và những thành quả của chính phủ Ngô Đình Diện trong 9 năm cầm quyền.
I) Thiết lập nền đệ Nhất Cộng Hòa
Nói tới vấn đề thiết lập nền Đệ I Cộng Hoà Việt Nam, chúng ta không thể không nói tới vấn đề truất phế Hoàng Đế Bảo Đại tức cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955.
Tuy ông Diệm đã được Hoàng Đế Bảo Đại trao toàn quyền về dân sự cũng như về quân sự. Nhưng thực tế về quân sự, tướng Nguyễn Văn Hinh là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội. Tướng Hinh lại là người thân Pháp, luôn luôn chống đối ông Diệm và có âm mưu đảo chánh lật đổ ông Diệm. Nhưng âm mưu đảo chánh bất thành và tướng Hinh bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Ngày 28/3/1955, Bình Xuyên nổi loạn, pháo kích vào dinh Độc Lập rồi mấy ngày sau đó tấn công vào thành Cộng Hoà.
Trước tình thế khó khăn như vậy, vậy mà Hoàng Đế Bảo Đại lại gây khó khăn cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bằng cách từ Cannes (Pháp Quốc) gửi ngay một công điện vào ngày 28/4/1955, triệu hồi Thủ Tướng Diệm qua Pháp nói là để “tham khảo ý kiến”.
Theo luật sư Lâm Lễ Trinh thì ý đồ của Hoàng Đế Bảo Đại là để cất chức Thủ Tướng Diệm vì ông Diệm đã khai trừ tướng Nguyễn Văn Hinh và đã đóng cửa sòng bài Đại Thế Giới của Bẩy Viễn là nơi cung cấp tiền bạc cho Bảo Đại và muốn thay thế bằng Lê Văn Viễn tức Bẩy Viễn, sếp sòng Bình Xuyên, lúc đó đang nắm giữ guồng máy cảnh sát, công an.
Bị đẩy vào chân tường, Thủ Tướng Diệm đã tham khảo ý kiến hội đồng nội các rồi phúc đáp: “Hội đồng Nội Các không đồng ý để ông xuất ngọai giữa tình thế rối ren của xứ sở và một Hội nghị các chánh đảng và nhân sĩ quốc gia sẽ được triệu tập ngày 29/4/55 tại dinh Độc Lập để cho biết ý kiến “Thủ Tướng có bổn phận thi hành lệnh triệu thỉnh của Quốc Trưởng hay không?” Hội nghị này gồm có 18 chính đảng, đòan thể và 29 nhân sĩ miền Nam trong đó có ba tổ chức nổi bật và có thực lực là: VN Dân Xã Đảng (Hòa Hảo) mà bí thơ là Nguyễn Bảo Tòan, VN Phục Quốc Hội (Cao Đài) do Hồ Hán Sơn thay mặt và Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến VN của Trịnh Minh Thế do Nhị Lang đại diện.
Ông Nhị Lang, tác giả cuốn sách Phong Trào kháng chiến Trịnh Minh Thế cho biết “Đúng 10 giờ sáng ngày 29/4/55 Hội nghị khai mạc, Thủ Tướng Diệm tiến vào phòng họp với vẻ mặt ưu tư, sau khi ngỏ lời chào mừng Hội Nghị, ông tuyên bố: “Để qúy ngài được tự do thảo luận” rồi ông kiếu từ đi ngay…”
Trong khi các hội viên yên lặng chăm chú đọc chương trình nghị sự, thì ông Nhi Lang đứng lên tuyên bố: “Thưa quí vị, tôi được chỉ thị của đòan thể chúng tôi là Mặt trận Quôc gia Kháng chiến Việt Nam đến đây gặp quí vị không phải để nói chuyện về việc Thủ Tuớng Ngô Đìng Diệm có bổn phận hay không bổn phận thi hành lệnh của Bảo Đại. Mà trái lại, tôi xin thẳng thắn đặt vấn đề, là đã đến lúc chúng ta cần trút bỏ quyền hành của ông Quốc trưởng vô dụng kia đi. Là vì ông ta đang làm một việc trái với nguyên tắc lãnh đạo quốc gia. Thử hỏi, thành phố Sài Gòn đang có biến, dân chúng đang xôn xao lo sợ, tại sao ông Bảo Đại lại chọn ngay lúc này để bắt buộc Thủ tướng phải bỏ nước sang bên Pháp xa xôi kia, để "tham khảo ý kiến?" Tham khảo cái gỉ? Phải chăng đây là mưu kế để nhắm lật đổ Chánh phủ này? Vậy tôi xin tuyên bố dứt khoát, nếu quí vị bằng lòng thảo luận việc truất phế Bảo đại ngay bây giờ, thì tôi ở lại. Bằng không, tôi xin phép ra khỏi phòng hội này ngay!".
Trong khi cử toạ còn đang bàng hoàng và sửng sốt thì đại tá Hồ hán Sơn, đại diện tướng Cao đài Nguyễn thành Phương đứng lên và tuyên bố tiếp: “Nhân danh Việt Nam Phục Quốc hội, chúng tôi đồng ý với mặt trận Quốc gia kháng chiến, yêu cầu quí vị đừng bận tâm tới lệnh triệu thỉnh vô lý của Bảo đại nữa, mà hãy đồng tâm làm một cuộc cách mạng, chấm dứt ngay vai trò của ông Quốc trưởng Bảo Đại kia đi cho xong. Nếu ý kiến nầy không được hưởng ứng, tôi cũng xin rút lui ngay tức khắc!"
Phiên họp kéo dài 7 tiếng. Đúng 5 giờ chiều, Chủ Tịch Nguyễn Bảo Tòan mời Thủ Tướng Diệm xuống phòng họp để nghe kết qủa. Kết qủa gồm có 3 điểm sau:
* Truất phế Bảo Đại.
* Giải tán chính phủ Diệm và ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời.
* Tổ chức tổng tuyển cử, thành lập chế độ cộng hòa.
Ông Nhị Lang viết: “Khi Thủ tướng nghe xong, tôi thấy mặt ông tái hẳn đi. Tôi chắc ông không ngờ Hội nghị này lại quay sang một chiều hướng khác và lôi kéo ông đi một bước quá xa như vậy. Thủ Tướng Diệm lộ vẻ đăm chiêu và nói bằng một giọng trầm mặc: “Xin qúy ngài cho tôi được có thì giờ suy nghĩ kỹ về vấn đề quan trọng này”.
Ngay ngày hôm sau, 30/4/55, cụ Diệm lại nhận được thêm một công điện thứ 2 triệu hồi ông Diệm sang Pháp. Đây có thể nói là giọt nước cuối cùng đã buộc ông Diệm phải đi tới quyết định truất phế ông Bảo Đại.
Như vậy, việc truất phế Hoàng Đế Bảo Đại không phải hoàn toàn do Thủ Tướng Diệm quyết định mà là do cả một Hội nghị gồm có 18 chính đảng, đòan thể và 29 nhân sĩ miền Nam quyết định. Ông chỉ là người quyết định sau cùng và quyết định của ông cũng đứng trên quyền lợi của quốc gia dân tộc chứ không phải quyền lợi của cá nhân hay phe phái.
Với cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/10/1955, Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế và ông Ngô Đình Diệm trở thành Tổng Thống. Tổng Thống Diệm đã cho bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để sọan thảo bản Hiến Pháp cho nước Cộng Hòa Việt Nam và bản Hiến Pháp này đã được Tổng Thống Diệm ban hành ngày 26/10/1956.
II) Những thành quả của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau 9 năm cầm quyền.
1. Về Hành chánh: Cải biến Trường Quốc Gia Hành chánh thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Trường Quốc gia Hành chánh ở Đà Lạt, thành lập từ năm 1952 thời Quốc gia Việt Nam. Chương trình học là 1 năm. Đến năm 1955 thì trường được chuyển về Sài Gòn và đổi tên là Học viện Quốc gia Hành chánh ở đường Alexandre de Rhodes gần Dinh Độc lập, sau dời về trụ sở mới ở số 10 đường Trần Quốc Toản, Quận 3. Đây là một cơ sở giáo dục của Việt Nam Cộng hòa nhằm đào tạo nhân viên hành chánh cao cấp cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Chương trình học là 3 năm.
2. Về Quân đội: Cải biến Trường Võ Bị Liên Quân ĐàLạt thành Trường Võ Bị Quốc Gia ĐàLạt và nâng cao trình độ các TT Huấn Luyện Hải Quân và Không Quân Nha Trang.
Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt (tiếng Pháp: École militaire Inter-armes) thành lập năm 1950, nhằm đào tạo sĩ quan cho quân đội quốc gia Việt Nam, thời gian thụ huấn là 1 năm. Sang thời Đệ I Cộng hòa Việt Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm cải tổ lại và kể từ ngày 29 tháng 7 năm 1959 theo nghị định của Bộ Quốc phòng đổi tên thành Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ huấn luyện sĩ quan hiện dịch cho ba binh chủng: hải quân, lục quân, và không quân cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chương trình thụ huần là 2 năm, sau tăng lên 3 năm.
Ngòai ra các Trung Tâm Huyấn Luyện Không Quân Nha Trang, Trung Tâm Huấn Luyên Hải Quân Nha Trang… cũng được nâng cao trình độ kiến thức để đào tạo các sĩ quan có khả năng cho hai ngành Không Quân và Hải Quân cho quân lực VNCH. Ai muốn vào 2 binh chủng này phải có bằng Tú Tài và phải qua một kỳ thi tuyển.
3. Về Giáo dục: Việt hóa Trung học và Đại học, Thành lập thêm Đại Học Huế.
Trước khi ông Diệm về nước, chỉ có mỗi một Viện Đại Học đó là Viện Đại Học Hà Nội. Sau năm 1954 được di chuyển vào Nam. Không những trường Đại Học mà hầu hết các trường Trung Học ở miền Nam lúc bấy giờ vẫn còn giảng dậy bằng Pháp Ngữ. Tới khi Thủ Tướng Diệm về nước chấp chính, nền giáo dục được cải tổ và Việt Ngữ được dùng để giảng dậy không những ở cấp Tiểu Học mà cả ở cấp Trung Học. Riêng cấp Đại Học thì vì vấn để thiếu giảng viên Việt Ngữ nên được Việt hóa dần dần.
Chỉ 2 năm sau ngày nền Đệ I Cộng Hoà được thành lập, nhiều trường trung và tiểu học đã được thành lập thêm. Số học sinh trung học đã tăng lên 40% và số học sinh tiểu học đã tăng lên 60%. Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc thành lập năm 1955, sau đổi thành trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc. Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, sau đổi thành Đai Học Kỹ Thuật Phú Thọ và Viện Đại Học Huế cũng được thàng lập vào năm 1957.
Chỉ 2 năm sau ngày nền Đệ Nhất Cộng Hoà được thành lập, nhiều trường Tiểu học và Trung học đã được thành lập thêm. Số học sinh tiểu học đã tăng lên 60% và số học sinh trung học đã tăng lên 40%.
4. Về Nông nghiệp: Thành lập Khu Trù Mật, Hữu Sản hóa Nông dân.
Phong trào Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc của Cộng Sản dùng biện pháp đấu tố, tra tấn dã man và chém giết địa chủ để cướp đất của họ, nhằm tiêu diệt giới điền chủ và bần cùng hóa người dân, khiến cả trăm ngàn người dân vô tội bị chết chỉ vì họ có vài ba mẫu ruộng. Trái lại, chương trình Cải Cách Điền Địa ở miền Nam do Tổng Thống Ngô Đình Diệm thực hiện nhằm hữu sản hóa nông dân. Đối với điền chủ, Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị cho các viên chức địa phương trả tiền mua số đất vượt quá giới hạn một cách thỏa đáng, chứ không tịch thu, đấu tố như miền Bắc. Chương trình này bị gián đoạn vì biến cố 1/11/63 và được tiếp tục vào những năm 1971, 1972, 1973 (6).
5. Về Kinh tế và kỹ nghệ: “Kế hoạch 5 năm” đầu tiên từ 57-61 được thực hiện để kỹ nghệ hoá đất nước đã làm gia tăng sự sản xuất lúa gạo và cao su. Khu Kỹ Nghệ Biên Hoà được thành lập. Nhiều nhà máy dệt, nhà máy giấy, nhà máy ván ép được xây cất và các viện bào chế dược phẩm được thành lập. Đường xe lửa xuyên Việt được tái lập.
6. Cải tạo xã hội: Bãi bỏ chế độ đa thê, Bài trừ tệ đoan xã hội.
Năm 1961 luật Gia Đình được ban hành, chế độ đa thê bị bãi bỏ. Các tệ đoan xã hội như cờ bạc, hút sách v.v… bị bài trừ khiến xã hội trở nên lành mạnh. Đời sống kinh tế của người dân miền Nam ổn định và sung túc không như người dân miền Bắc phải sống dưới chế độ tem phiếu.
7. Về Tài chánh: Thành lập Ngân Hàng Quốc Gia và Viện Hối Đoái.
Ngày 3/12/1954, Thủ Tướng Diệm ký sắc lệnh thành lập Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam một cách gấp rút để có thể hoạt động từ 1/1/1955, khi Hoa Kỳ viện trợ trực tiếp cho Việt Nam và Viện Hối Đoái để phụ trách các giao dịch về ngoại tệ.
Ngòai những thành quả trên, Tổng Thống Diệm còn cho thành lập khu Trù Mật, khu Dinh Điền, thi hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược và phát động Phong Trào Tố Cộng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đã ra bản Tuyên Cáo vào ngày 17 tháng 4 năm 1963 mở đầu chiến dịch Chiêu Hồi khiến cho Cộng Sản miền Bắc lo sợ.
III) Kết luận
Về nước trong trong tình thế nhiễu nhương, đầy khó khăn, vậy mà ông đã ổn định được miền Nam, thu hồi được chủ quyền từ tay người Pháp và lập lên nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Với một thể chế dân chủ tuy không được hoàn hảo như các nước tân tiến Tây phương nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm cũng đã đem lại cho người dân được hưởng một cuộc sống tự do dân chủ, no ấm và một nền giáo dục tốt đẹp, đầy tính cách nhân bản và khai phóng. Trong khi đó, miền Bắc, cho tới năm 1975, người dân vẫn còn phải sống dưới chế độ ngu dân, độc tài và đói khổ.
Có thể nói, kể từ khi Nhật đầu hàng và trao trả độc lập cho Việt Nam cho tới bây giờ, chưa có một vị Tổng thống, Quốc Trưởng hay Chủ Tịch nước nào đạo đức, liêm khiết và hết lòng vì nước, vì dân bằng Tổng thống Ngô Đình Diệm. Và cũng kể từ khi Việt Nam được độc lập tới nay, cũng chưa có chính phủ nào thực hiện được những thành quả tốt đẹp cho quốc gia dân tộc như chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Có thể nói: Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người đã tái thiết miền Nam sau chiến tranh Việt Pháp 1946-1954, đã đưa miền Nam Việt Nam trở thành một quốc gia có một nền kinh tế tốt đẹp và một quân đội hùng mạnh. Còn ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ lo phá hoại, lo chiến tranh và lo khủng bố, giết hại đồng bào miền Nam vô tội.
Không phải chỉ có người Việt Nam chúng ta mới kính trọng Tổng Thống Diệm mà nhiều người ngọai quốc trong đó có Giáo Sư Sử Gia Edward Miller và Sử Gia Henry Fairbanks cũng phải cộng nhận ông là một người có hoài bão thực hiện một nhà nước được xây dựng trên những giá trị tốt đẹp nhất của Tây Phương và khôi phục những giá trị cổ truyền tốt đẹp (của Đông Phương) làm nền tảng cho phương thức canh tân xứ sở. Tổng Thống Tưởng Giới Thạch thì nói: “Một trăm năm nữa thì Việt Nam cũng không thể tìm được một người như Tổng Thống Ngô Đình Diệm” và Tổng Thống Eisenhower cũng phải công nhận ông là "Một người phi thường" “He’s a miracle man”.. Phó TT Hoa Kỳ Johnson cũng đã ca ngợi rằng: “Tổng Thống Diệm là một Churchill của Á Châu... Lịch sử xếp ông ta như là một trong những vĩ nhân của thế kỷ 20”.
Từ ngày miền Nam sụp đổ người dân miền Nam đã nhận thức được ông Ngô Đình Diệm là người thế nào và đâu là nguyên do thực sự đưa đến sự sụp đổ của miền Nam, thì hầu như khắp nơi trên thế giới, nơi nào có đông người Việt tỵ nạn Cộng Sản cũng đều tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm một cách trang nghiêm và long trọng vào tháng 11 hàng năm để tưởng nhớ công ơn của cố Tổng Thống Diệm.
Những việc làm của Tổng Thống Diệm không phải là không có khuyết điểm và thiếu sót. Nhưng với những thành quả mà ông đã đạt được, dân tộc Việt Nam sẽ đời đời nhớ ơn ông. Rồi đây, khi đất nước Việt Nam thanh bình và chế độ Cộng Sản không còn, chắc chắn sẽ có những kỳ đài, những quảng trường, những trường học, những đại lộ mang tên NGÔ ĐÌNH DIỆM, để tưởng nhớ vị tổng thổng đầu tiên của Việt Nam đã vị quốc vong thân.
Nhân ngày giỗ thứ 53
Ls. Lê Duy San
Tại sao phải giết cả N.Đ.Diệm và J.F.Kennedy?
Lữ Giang
Biến cố tháng 11/1963 tại Miền Nam Việt Nam đã gây khá nhiều rắc rối cho chính phủ Hoa Kỳ về đối nội cũng như đối ngoại. Nhưng cho đến nay, ít ai tin rằng Hoa Kỳ sẽ từ bỏ các phương thức đã áp dụng tại Miền Nam Việt Nam trước đây để bảo vệ quyền lợi của Mỹ, nhất là của nhóm tài phiệt quốc phòng, nên các nhà đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và phát triển cần rút kinh nghiệm lịch sử để không bị biến thành những con bài thí như VNCH trước 30.4.1975.
Các tài liệu được tiết lộ cho thấy có ba nhân vật quan trọng của chính phủ Hoa Kỳ lúc đó đã dính líu trực tiếp đến việc hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, đó là Averell W. Harriman (1891 – 1986), Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách về Các Vấn đề Chính trị; Henry Cabot Lodge (1902 – 1985), Đại Sứ Hoa Kỳ tại VNCH và Lucien E. Conein (1919 – 1998), đặc vụ của CIA tại Việt Nam. Trong ba nhân vật này Harriman là người đóng vai trò chỉ đạo và quyết định.
Tài liệu cũng cho thấy tại sao cả Tổng Thống Diệm lẫn Tổng Thống Kennedy phải bị giết.
VAI TRÒ CỦA HARRIMAN
Ngày 4.4.1963, một nhà ngoại giao nổi tiếng của Mỹ là Averell W. Harriman được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách về Các Vấn đề Chính trị, kiêm Chủ tịch Đoàn Công tác Đặc biệt về Chống Du kích chiến. Ngoài các chức vụ này, ông còn được giao cho lãnh đạo bốn cơ quan tình báo chính của Hoa Kỳ nên quyền hành rất lớn.
Harriman (giữa) đang nói chuyện với Stalin
“Toán Việt Nam của Harriman” (Harriman’s Vietnam team) được thành lập do Roger Hilsman đứng đầu. Hilsman là Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ, Cố vấn về chính sách Việt Nam và Giám Đốc Văn Phòng Tình Báo và Sưu Tầm tại Bộ Ngoại Giao. Toán này gồm có 5 chuyên gia phụ trách về Đông Nam Á là Michael V. Forrestal, William Heal Sullivan, Joseph A. Mendenhall, Paul Kattenburg và James Thomson. Kế hoạch phá sập chế độ Ngô Đình Diệm đều do nhóm này đưa ra và thực hiện.
Ngày 8.3.1963, một vụ nổ trước đài phát thanh Huế đã làm cho 8 em tham dự biểu tình bị tử nạn. Cho đến nay, nguyên nhân của biến cố này vẫn chưa được xác định.
Ngày 11.6.1963 Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã “tự thiêu” tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Tin này được các phóng viên CIA của Mỹ chụp hình và loan đi, làm thế giới rúng động. Nhiều người tin rằng đó là một biến cố do Phật Giáo tổ chức để chống ông Diệm. Nhưng sau này, các tài liệu mật của Mỹ công bố cho biết vụ này do CIA thực hiện. Người trực tiếp chỉ huy là William Kohlmann, và hai người có nhiệm vụ thi hành là Trần Quang Thuận, một nhân viên CIA, và Đại đức Thích Đức Nghiệp, một cộng tác viên của CIA.
Cuốn video được công bố cho thấy Thầy Quảng Đức bị thiêu sống chứ không phải “tự thiêu”!
Ngày 18.8.1963, CIA bảo Tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên CIA, dẫn một số tướng lãnh Việt Nam vào Dinh Gia Long xúi ông Diệm ban hành lệnh giới nghiêm, lục xét các chùa và bắt các tăng ni gây rối loạn, nếu không thì quân đội sẽ không chịu chiến đấu nữa. Ông Diệm đã trúng kế CIA. Vụ lục xét các chùa đã xảy ra đêm 20 rạng ngày 21.8.1963.
Sau đó, Harriman bảo Roger Hilsman soạn thảo công điện ra lệnh đảo chánh. Họ gặp ông George Ball ở sân golf và yêu cầu ông gọi cho Tổng Thống Kennedy ở Cap Cod biết. Tổng Thống trả lời rằng ông đồng ý công điện gởi đi nếu các cố vấn của ông cũng đồng ý như vậy. Thế là ngày 24.8.1963 một công điện ra lệnh đảo chánh mang tên DEPTEL 243 được gởi cho Đại Sứ Cabot Lodge ở Sài Gòn để thi hành. Khi trở về và xem lại công điện đó, Tồng Thống Kennedy đã tỏ ra hối tiếc:
“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm thứ bảy. Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn.”
VAI TRÒ CỦA ĐẠI SỨ CABOT LODGE
Trong cuốn hồi ký “The Storm Has Many Eyes” (Bảo Tố Có Nhiều Con Mắt), Đại Sứ Henry Cabot Lodge đã kể lại rằng một nhân viên tình báo cao cấp và hiểu biết rất rõ về Việt Nam đã nói với ông trước ngày ông đi Sài Gòn rằng “trừ khi họ rời đất nước của họ, không có một quyền lực nào trên trái đất có thể ngăn cản việc ám sát Thổng Thống Ngô Đình Diệm, người em của ông ta là ông Ngô Đình Nhu và người em dâu của ông ta là bà Nhu.” Theo ông, sự tiên đoán này đã trở thành chính xác một cách bi thảm. Ông Lodge cũng đã từng nói với ký giả David Haberstam, người đã viết nhiều sách về chiến tranh Việt Nam: “Chúng ta phải làm gì với họ nếu họ còn sống? Bất cứ Đại Tá Blimp (một nhân vật biếm họa) nào trên thế giới đều có thể xử dụng họ”.
Trên đây là hai mẫu chyện được ông Lodge đưa ra để giải thích rằng việc giết ông Diệm và ông Nhu là chuyện phải làm.
Đại Tá Mike Dunn, Phụ Tá Đặc Biệt (Special Assistant) và là bạn thân của Đại Sứ Lodge đã tiết lộ:
Sau khi đầu hàng, ông Diệm có gọi điện thoại cho ông Lodge một lần nữa vào lúc 7 giờ sáng ngày 2.11.1963 trước khi ông bị bắt và bị hạ sát. Ông Diệm xin ông Lodge giúp đỡ trong giờ cuối cùng của ông ta, ông Lodge bảo ông ta “giữ máy” (put on hold) rồi bỏ đi một lúc (có lẽ đi xin chỉ thị). Khi trở lại, ông Lodge đề nghị cho hai anh em được tỵ nạn, nhưng không hứa sẽ sắp xếp việc ra đi cho đến ngày mai. Khi đó Đại Tá Dunn tình nguyện chính ông ta đi cứu hai anh em khỏi tay các nhà lãnh đạo cuộc đảo chánh. Ông Lodge đã từ chối một cách thẳng thừng: “Chúng ta không thể can dự vào việc đó".
Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Dunn cho biết khi ông Lodge bảo ông Diệm “giữ máy”, ông liền thông báo cho Lucien Conein tại bộ chỉ huy của cuộc đảo chánh về ông Diệm đang ở đâu.
Trong cuốn “Lodge in Vietnam” bà Blair cho biết lúc 5 giờ sáng ngày 2.11.1963, ông Lodge đã leo lên một bao lơn (balcony) để quan sát thành phố và ở đó cho đến khi cuộc chiến đấu chấm dứt vào lúc 7 giờ. Không có nơi nào ghi lại những quyết định hay mệnh lệnh của ông trong những giờ đó.
Tướng Trần Văn Đôn, một thành phần của bộ chỉ huy đảo chánh, xác quyết: “Tất cả những sự việx xẩy ra đều có sự tiếp tay của Đại Sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge". (Việt Nam nhân chứng, tr. 274).
VAI TRÒ CỦA LUCIEN CONEIN
Lucien Conein sinh năm 1919 tại Paris, đã từng làm điệp viên cho OSS (tiền thân của CIA) từ năm 1943. Từ 1954 đến 1956 ông đến Việt Nam hoạt động trong toán đặc nhiệm dưới quyền của Đại Tá Edward Lansdale, sau đó, ông trở về Mỹ và tham gia Lực Lượng Đặc Biệt (Special Force). Năm 1961 ông đã xin về hưu, nhưng năm 1962 ông được CIA gọi làm việc trở lại và phong cho chức Trung Tá với bí danh là Lulu hay Black Luigi, rồi gởi qua Sài Gòn làm cố vấn cho Bộ Nội Vụ. Nhưng trong thực tế, Lucien Conein có nhiệm vụ móc nối với các tướng Việt Nam mà ông đã có dịp quen biết khi phục vụ dưới quyền của Đại Tá Lansdale, để tổ chức đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Các tướng Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh… đều do Lucien Conein móc nối. Đại Sứ Henry Cabot Lodge gọi Lucien Conein là “the indispensable man” (con người cần thiết)
Lucien Conein (trên - giữa) và các phản tướng Kim, Đính, Đôn, Vỹ, Xuân
Khi cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 xẩy ra, Lucien Conein đến Bộ Tổng Tham Mưu chỉ đạo trực tiếp cuộc đảo chánh. Ông ngồi trên ghế của Tướng Lê Văn Tỵ, đặt hai túi bạc dưới ghế, hai chân gác lên bàn, bên cạnh có khẩu 375 Magnum, chỉ huy các tướng Việt Nam thực hiện đảo chánh. Trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, Tướng Trần Văn Đôn cho biết khi hay tin ông Diệm và ông Nhu đã ra khỏi Dinh Gia Long, Lucien Conein đã hỏi: “Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt lại cho kỳ được, vì rất quan trọng”. Lucien Conein đã nói với các tướng đảo chánh bằng tiếng Pháp: “On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs". (Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những cái trứng). (Việt Nam nhân chứng, tr. 228)
TIẾT LỘ CỦA TỔNG THỐNG JOHNSON
Cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, cho biết vào ngày 1.2.1966, Tổng Thống Johnson đã gọi điện thoại cho Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthay nói về cuộc đảo chánh lật đổ và giết ông Diệm như sau:
“Johnson: ... Nhưng ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm...
MacCarthy: Có chứ.
Johnson: rằng ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó".
Ít phút sau, trong một cuộc nói chuyện với Tướng Maxwell D. Taylor đang là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, Tổng Thống Johnson lại nhắc lại điều đó. Ông nói với Tướng Taylor:
Họ khởi đầu và nói: "Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm".
Tướng Taylor đồng ý:
"Phải, sự việc đã khởi đầu tất cả như thế. Đúng là sự việc đã khởi đầu như thế".
Tổng Thống Johnson giận dữ trả lời:
"Và lúc đó tôi đã van nài họ, ‘Xin vui lòng đừng làm điều đó’. Nhưng sự việc vẫn được khởi sự. Và họ đã lật đổ ông ta".
XÁC ĐỊNH NGƯỜI RA LỆNH GIẾT
Sau khi vụ hạ sát ông Diệm xảy ra, Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh cho ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963 điều tra xem việc gì đã xẩy ra và ai có trách nhiệm. Trả lời của ông Corson như sau:
“Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện".
Phụ tá quân sự của Đại Sứ Henry Cabot Lodge được ông Corson nói ở đây không ai khác hơn là Trung Tá Lucien Conein.
Theo ông Corson, năm 1963, Harriman đã điều hành Việt Nam không cần hỏi ý kiến của Tổng Thống hay Tổng Trưởng Tư Pháp. Ông Corson cho biết Tổng Thống Kennedy bắt đầu nghi ngờ rằng không một ai trong toán an ninh quốc gia là trung thành.
Trưởng Trạm CIA tại Saigon là “Jocko” Richardson được thay thế bằng một toán không tên (no-name team). Nhân vật chính là một sĩ quan của Đội Hành Quân Đặc Biệt (Special Operations Army), đó là Đại tá John Michael Dunn, nhận mệnh lệnh không phải từ hệ cấp CIA thông thường mà từ Harriman và Forrestal. Theo Corson, “John Michael Dunn được biết như là người tiếp xúc với những người âm mưu đảo chánh”, mặc dù vai trò của Dunn không bao giờ được công khai hoá trước công luận. Corson tin rằng Richardson bị cất chức để Dunn, một người được Đại Sứ Cabot Lodge chỉ định cho “các công tác đặc biệt” (special operations), có thể hành động không bị trở ngại.
TỔNG THỐNG KENNEDY KHÔNG KIỂM SOÁT ĐƯỢC!
Trong cuốn hồi ký “In Retrospect the Tragedy and Lessons of Vietnam”, ôngt Robert S. McNamara, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ lúc đó, đã ghi lại phản ứng của Tổng Thống Kennedy sau khi được tin ông Diệm đã bị giết như sau:
"Khi Tổng Thống đọc mẩu tin này, mặt ông tái xanh như tàu lá. Tôi chưa hề thấy ông xúc động mạnh như vậy đến bao giờ. Theo ông Forrestal thuật lại, cái chết của hai người “đã làm ông rúng động một cách sâu xa, gây bàng hoàng tâm trí và đánh mạnh vào tiềm thức tín ngưỡng... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông được khuyến cáo liên quan đến Nam Việt Nam”. Arthur Schlesinger Jr. ghi nhận rằng Tổng Thống “rất buồn thảm và bối rối cùng cực”, tinh thần suy sụp chưa từng thấy kể từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.
“Đọc xong bản tin, Tổng Thống nghĩ đến ảnh hưởng của cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại... Tổng Thống nghĩ rằng sau hai mươi năm phục vụ quê hương Việt nam, sinh mạng ông Diệm không thể kết thúc như vậy".
Tổng Thống Kennedy họp báo
Sau khi ông Diệm bị lật đổ, Tổng Thống Kennedy không còn tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam. Trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, Tổng Thống hỏi:
"Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?”.
Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình:
"Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó".
Sau đó ông nói:
“Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là một quốc gia độc lập".
Ngày 22.11.1963 Tổng Thống Kennedy đã bị hạ sát tại Dallas.
LÝ DO KENNEDY CŨNG BỊ GIẾT NHƯ N.Đ.DIỆM
Lý do Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải bị giết đã được Đại Sứ Henry Cabot Lodge giải thích rất rõ: “Chúng ta phải làm gì với họ nếu họ còn sống? Bất cứ Đại Tá Blimp (một nhân vật biếm họa) nào trên thế giới đều có thể xử dụng họ".
Còn Tổng Thống Kennedy cũng phải bị giết vì hai lý do:
Lý do thứ nhất là báo cáo của ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn, đã cho biết: “Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện". Biết rằng khó tránh khỏi các biện pháp thanh trừng nội bộ mà Tổng Thống Kennedy sẽ đưa ra, các thủ phạm đã ra tay trước.
Lý do thứ hai là trong khi các thế lực quân phiệt đứng đàng sau đòi hỏi phải mở rộng chiến tranh để tiêu thụ vũ khí cũ và thí nghiệm các vũ khí mới, Kennedy gây trở ngại bằng cách ra lệnh rút quân khỏi Việt Nam nên ông phải bị giết.
Khi hay tin Tổng Thống Kennedy bị ám sát, Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson chỉ vào bức hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm đang treo trong nhà ông và nói: “Chúng ta đã nhúng tay vào việc giết ông ta. Bây giờ chuyện đó lại xẩy ra ở đây".
Đúng như vậy! Nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục hành động theo quyền lợi của giới tài phiệt Mỹ, bất chấp những hậu quả tai hại có thể gây ra.
Ngày 19.10.2017
Lữ Giang
Khi Mỹ chọn sát thủ cho biến cố
Lữ Giang
Hôm 21/10/2017, Tổng thống Trump viết trên Tweeter: "Nếu không nhận được thông tin gì mới, với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ cho phép mở các hồ sơ mật và đóng kín từ lâu của Tổng thống Kennedy".
Hồ sơ mật về cái chết của Tổng thống Kennedy hết hạn phải giữ bí mật có thể được cho công bố
Ông Trump lúc nào cũng thích làm cái gì đó đặc biệt để lấy le, mặc dầu chưa biết kết quả sẽ như thế nào. Theo luật Assassination Records Collection Act 1992, sau 25 năm một hồ sơ bí mật phải được công bố. Ngày 26/10/2017, hồ sơ mật về cái chết của Tổng thống Kennedy hết hạn phải giữ bí mật, nhưng nếu vì lý do an ninh quốc gia, Tổng thống có quyền ngăn cản không cho công bố. Các chuyên gia tin rằng hồ sơ mật về vụ ám sát Tổng thống Kennedy chẳng có chứa đựng cái gì ghê gớm cả. Vụ án đã được giàn dựng rất gọn gàng !
Lúc 12g30 ngày 22/11/1963, khi chiếc Limousine chở Tổng thống Kennedy tiến vào đường Elm ở Dallas thì ông bị bắn vào đầu và vai trái và được đưa vào bệnh viện Park Memorial để cấp cứu. Lúc 13g cùng ngày, bệnh viện thông báo Tổng thống Kennedy đã qua đời.
Thủ phạm là Lee Harvey Oswald đã bị cảnh sát Dallas bắt và thẩm vấn suốt 13 giờ, nhưng Oswald chối tội. Hôm 24/11/1963, khi Oswald bị dẫn giải đến nhà tù Dallas, một gã đàn ông lạ mặt bí mật bám theo và bắn thủng bụng Oswald. Oswald bị thương nặng, cũng được đưa vào bệnh viện Park Memorial và đã chết sau đó. Thủ phạm bị bắt giữ. Kẻ giết Oswald là Jack Ruby, điều hành một hộp đêm. Được hỏi tại sao giết Oswald, Ruby khai rất gọn gàng rằng y đã hành động vì đau buồn (he had acted out of grief). Thế là vụ án đã được đóng kín lại!
Nhưng vụ án hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và các nhân vật khác trong biến cố 1/11/1963 phức tạp hơn nhiều, vì nó nằm ngoài tầm tay của FBI và CIA. Việc thực hiện phải qua trung gian của nhiều nhóm khác nhau, nên kế hoạch hành động phải được soạn thảo rất tỉ mỉ và chu đáo mới thành công được.
Ai là sát thủ được chọn lựa?
Kế hoạch đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm do CIA phối hợp với hai tướng Trần Thiện Khiêm, Tham mưu trưởng Liên quân, và Trần Văn Đôn, quyền Tổng tham mưu trưởng thành lập, đã được chúng tôi trình bày chi tiết nhiều lần trên các diễn đàn cũng như trên báo Sài Gòn Nhỏ.
Sát thủ Dương Văn Minh bị bắt và tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975
Việc điều quân được giao cho tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên CIA. Tướng Trần Văn Đôn có nhiệm vụ huy động các lực lượng Thủy quân lục chiến, Nhảy dù và Thiết giáp phong tỏa các lực lượng của chính phủ trong thủ đô. Đại tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy Sư đoàn 5 có nhiệm vụ chiếm Dinh Gia Long. Đại tá Nguyễn Hữu Có đi tiếp thu Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho để chận sư đoàn này về cứu ông Diệm. Nếu Đại tá Thiệu không chiếm được Dinh Gia Long, Đại tá Có sẽ dùng Sư đoàn 7 tiếp ứng.
Trở ngại lớn nhất là tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân đoàn 3, một người vẫn trung thành với ông Diệm. Trong báo cáo gởi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ lúc 2 giờ 24 phút chiều 29/10/1963, Đại sứ Cabot Lodge cho biết "các thân hữu trong ủy ban đảo chánh tiếp tục bao vây Tôn Thất Đính và những người này đã ra lệnh loại trừ tướng Đính nếu ông ta tỏ ra bất cứ dấu hiệu nào làm tổn thương đến cuộc đảo chánh (FRUS 1961 - 1963. Volume IV, tr. 473 - 451). Mỗi lần gặp tôi, tướng Đính thường xáp đến và lặp đi lặp lại câu nói sau đây: "Anh thông cảm cho tôi, vì lúc đó tôi không thể làm khác hơn được. Chính tướng Khiêm đã gặp tôi và cho biết các tướng đã theo phe đảo chánh hết rồi, nếu tôi không theo, chúng nó sẽ giết tôi. Tôi phải nhắm mắt đi theo thôi…".
Tướng Dương Văn Minh, tuy được tôn làm Tư lệnh cuộc đảo chánh, nhưng trong thực tế ông chỉ được CIA trao cho một nhiệm vụ duy nhất là làm sát thủ. Biết Dương Văn Minh đang bị ông Diệm cô lập vì hai vi phạm nghiêm trọng sau đây: 1) Biển thủ một thùng phuy vàng tịch thu được của Bình Xuyên và 2) chứa chấp một gián điệp cao cấp của Việt Cộng. Ngày 8/12/1962 Trung tướng Dương Văn Minh được cử làm Cố vấn quân sự Phủ tổng thống, một chức vụ được coi như "ngồi chơi xơi nước". Dùng một người đang bất mãn với ông Diệm để giết ông Diệm được coi là thượng sách.
Những người phải bị giết
Mặc dầu ban lãnh đạo ở Washington đã quyết định phải giết những ai, nhưng Lucien Conein được phái tới giả bàn với Dương Văn Minh để xem quan điểm của ông ta như thế nào.
Công điện đề ngày 5/10/1963 do Trạm CIA ở Sài Gòn gởi cho cơ quan CIA trung ương đã cho biết Lucien Conein báo cáo rằng hôm 5/10/1963, ông ta đã họp với tướng Dương Văn Minh trong 1 tiếng 10 phút tại bản doanh của tướng Minh ở đường Lê Văn Duyệt. Tướng Minh có giải thích rằng những người nguy hiểm nhất ở miền Nam Việt Nam là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Trọng Hiếu. Tướng Minh nói rằng Hiếu trước đây là một người cộng sản và hiện nay vẫn còn là cảm tình viên của cộng sản. Khi Lucien Conein lưu ý rằng Đại tá Lê Quang Tung là một người nguy hiểm hơn, tướng Minh bảo rằng "nếu loại bỏ được Nhu, Cẩn và Hiếu, Đại tá Tung sẽ quỳ trước tôi".
Chúng tôi tin rằng Conein đã lẫn lộn giữa Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng Thông tin, với Dương Văn Hiếu, Trưởng đoàn Công tác đặc biệt, tức cơ quan mật vụ của ông Nhu. Sở dĩ Dương Văn Minh thù Dương Văn Hiếu vì chính ông này đã cho theo dõi và phát hiện ra ổ gián điệp Việt Cộng trong nhà Dương Văn Minh nên Dương Văn Minh không được trọng dụng nữa.
Tuy có ý kiến như đã nói trên, nhưng sau này Dương Văn Minh vẫn ra lệnh giết Lê Quang Tung như Lucien Conein đã gợi ý. Theo ý kiến của các nhân viên tình báo, Lê Quang Tung là người chỉ huy các toán nhảy Bắc của Mỹ. Lê Quang Triệu cũng nằm trong toán tuyển những người nhảy Bắc. Do đó, nếu cho giải ngũ, nhiều bí mật về tình báo có thể bị tiết lộ nên Mỹ quyết định phải giết cả hai để bảo toàn bí mật. Còn Dương Văn Hiếu không bị giết như Dương Văn Minh muốn vì Mỹ cần dùng Dương Văn Hiếu để tiếp tục theo dõi các hoạt động của Việt Cộng nằm vùng.
Ngoài những người được chỉ định, Dương Văn Minh còn có nhiệm vụ bắt giữ hay giết những người chống lại đảo chánh.
Đưa các nhân vật không bị giết ra ngoại quốc
Mặc dầu đến ngày 29/9/1963 Công Đồng Vatican II mới họp kỳ thứ hai tại Roma, nhưng vào đầu tháng 9, có lẽ theo lời yêu cầu của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, Khâm sứ Tòa thánh tại Sài Gòn là Giám mục Salavator Asta đã thúc đẩy Tổng Giám mục Ngô Đình Thục phải lên đường đi dự Công Đồng ngay.
Ngày 7/9/1963 Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã rời Sài Gòn. Cùng đi với Tổng Giám mục Thục có Giám mục Piquet, Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Trong khi đó, ngày 10/9/1963 bà Ngô Đình Nhu đã cầm đầu một phái đoàn dân biểu đi dự Hội nghị quốc tế nghị sĩ tại Nam Tư và nhân tiện sẽ ghé thăm nhiều nước Âu - Mỹ để "giải độc" dư luận quốc tế về vấn đề Phật giáo.
Các giới chính trị ở Sài Gòn tin rằng khi sắp có biến cố xẩy ra cho chính phủ Ngô Đình Diệm, chính phủ Hoa Kỳ không muốn để Tổng Giám mục Ngô Đình Thục và bà Nhu bị phương hại, vì sợ việc hạ sát hai nhân vật này có thể có ảnh hưởng không tốt đối với dư luận quốc tế, nên đã "dàn xếp" để hai nhân vật này đi ra ngoại quốc trước.
Bắt giam và giết những người chống đối
Vào khoảng 1 giờ trưa ngày 1/11/1963, khi mọi người có mặt đông đủ tại phòng họp Bộ Tổng tham mưu, tướng Dương Văn Minh và tướng Trần Văn Đôn vào phòng họp và tuyên bố Hội đồng Tướng lãnh quyết định lật đổ chính phủ hiện hữu, yêu cầu mọi người đoàn kết và hợp tác với Hội đồng Tướng lãnh và tuyên bố nếu người nào không hợp tác thì yêu cầu đứng dậy. Những người đứng dậy gồm có :
1) Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng đặc biệt.
2) Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư lệnh Liên binh Phòng vệ Phủ tổng thống.
3) Thiếu tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh trưởng Gia Định.
4) Ông Lê Văn Tư, Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành.
5) Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Lữ đoàn Dù. Tuy nhiên, khi đứng lên Đại tá Viên đã tuyên bố ông không chống đối Hội đồng Tướng lãnh, nhưng là một quân nhân ông không tham gia chính trị.
Dương Văn Minh chủ tọa buổi họp Hội đồng Tưpwsng lãnh trong cuộc đảo chánh 1/11/1963
Tướng Dương Văn Minh liền ra lệnh cho quân cảnh dẫn 4 người đầu ra khỏi phòng họp và đưa đến một phòng nằm ở tầng trệt của ngôi nhà chính mà trên cùng là văn phòng của Tổng Tham mưu trưởng.
Do những sự can thiệp của tướng Đính và tướng Khiêm, Đại tá Cao Văn Viên được đưa đến giam ở phòng bên cạnh tướng Khiêm. Ít lâu sau, Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi xin gặp tướng Dương Văn Minh và cũng được dẫn đến giam với Đại tá Viên.
Thiếu tá Lê Quang Triệu, em của Đại tá Tung, Phó Tham mưu Hành quân và Tiếp vận, khi nghe Đại tá Tung bị bắt, đã cùng với Trung úy Lê Văn Hành, chánh văn phòng của Đại tá Tung, đi vào Bộ Tổng tham mưu để hỏi tin, cũng bị giữ lại.
Giết Đại tá Hồ Tấn Quyền
Để thực hiện cuộc đảo chánh, tướng Dương Văn Minh đã gặp một trở ngại lớn là không thuyết phục được Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân tham gia. Vì thế, Dương Văn Minh, phải tìm cách loại Đại tá Hồ Tấn Quyền và vô hiệu hóa lực lượng Hải quân. Dương Văn Minh đã móc nối được với những sĩ quan Hải quân sau đây chống lại Đại tá Hồ Tấn Quyền :
- Trung tá Chung Tấn Cang, Chỉ huy trưởng Giang Lực.
- Thiếu tá Khương Hữu Bá, Chỉ huy trưởng Duyên Lực.
- Thiếu tá Trương Ngọc Lực, Chỉ huy trưởng Vùng III Sông Ngòi.
- Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang, gốc Thủy quân lục chiến, Chỉ huy trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ huy trưởng Đoàn Giang vận.
Cố Đại tá hải quân Hồ Tấn Quyền
Thiếu tá Trương Ngọc Lực và Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang là hai người được Đại tá Hồ Tấn Quyền đặc biệt nâng đỡ và được coi là như người thân của Đại tá Quyền, nên nhóm đảo chánh đã thuyết phục hai sĩ quan này gài mưu bắt giữ hay giết Đại tá Quyền.
Khoảng 10 giờ sáng hôm 1/11/1963, ngày lễ Chư Thánh được nghỉ buổi sáng, Đại tá Quyền đã đi đánh tennis với Trung tá Đặng Cao Thăng. Thiếu tá Lực liền đến sân tennis mời Đại tá Quyền đi Thủ Đức ăn trưa để mừng lễ sinh nhật thứ 36 của Đại tá Quyền do một số anh em Hải quân tổ chức. Đại tá Quyền không muốn đi vì đã được điện thoại mời đến họp tại Bộ Tổng tham mưu vào buổi trưa. Thiếu tá Lực năn nỉ mãi ông mới chấp nhận.
Đại tá Quyền đã trở về nhà thay quần áo rồi lái chiếc xe Citroen đen chở Thiếu tá Lực và Đại úy Giang cùng đi lên Thủ Đức. Đại Quyền cầm lái, Thiếu tá Lực ngồi ở ghế trên và Đại úy Giang ngồi ở ghế sau. Khi xe từ xa lộ Biên Hòa rẽ vào đường đi Thủ Đức, xe nghiêng, Thiếu tá Lực ngã vào Đại tá Quyền rồi rút dao găm ra đâm Đại tá Quyền. Đại tá Quyền nhanh tay đỡ và giựt được cây dao găm, đâm vào tay Thiếu tá Lực. Khi hai người giằng co nhau, xe ủi xuống lề đường. Đại úy Giang ngồi ở ghế sau chồm lên dí súng vào vai phải Đại tá Quyền và nổ súng. Đại tá Quyền ngả gục trên tay lái, con dao găm đầy máu rớt xuống phía trước. Ngay lúc đó, một chiếc xe dân sự do tài xế của Thiếu tá Lực lái từ sau chạy tới. Thiếu tá Lực và anh tài xế bê xác Đại tá Quyền bỏ vào thùng xe dân sự và cả ba lên xe này chạy về Sài Gòn.
Theo bà Đại tá Quyền, bác sĩ bệnh viện Cộng Hòa cho bà biết ông Quyền bị giết khoảng 11 giờ trưa, nhưng được đưa về nhà tướng Lê Văn Kim, đến 11 giờ 30 tối mới được đưa vào bệnh viện Cộng Hòa. Trung tá Lực đã chiếm luôn chiếc xe Citroen của chồng bà.
Giết Đại tá Lê Quang Tung và Thiếu tá Lê Quang Triệu
Hai nhân chứng cùng bị giam chung với Đại tá Lê Quang Tung ở Bộ Tổng tham mưu ngày 1/11/1963 là Đại tá Trần Cửu Thiên và Trung tá Phan Bá Kỳ đã kể lại :
Khoảng 10 giờ tối, quân cảnh đem đến một chiếc xe GMC và một chiếc xe hồng thập tự bịt bùng. Quân cảnh còng tay những người bị giam lại. Trung úy Đẩu, Chánh văn phòng của Tướng Minh, yêu cầu mọi người, trừ Đại tá Tung và Thiếu tá Triệu, lên xe GMC. Sau đó, hai quân cảnh đến bắt Đại tá Tung và Thiếu tá Triệu nhốt vào trong xe hồng thập tự. Viên sĩ quan ngồi cạnh tài xế của xe hồng thập tự bảo tài xế lái xe đi ra cổng số 4 (cổng sau) của Bộ Tổng tham mưu. Còn Trung úy Đẩu lên xe GMC ngồi với tài xế và bảo chạy vào khám Chí Hòa.
Cố Đại tá Lê Quang Tung
Tướng Lê Minh Đảo cho chúng tôi biết sau khi lật đổ ông Diệm xong, khi ngồi nói chuyện với anh em, Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, người được lệnh giết Đại tá Tung và Thiếu tá Triệu, có kể lại như sau :
Khi xe ra khỏi cổng sau của Bộ Tổng tham mưu, qua một sân Golf, có một đường mương sình lầy chảy bên con đường nhỏ đi từ Nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế ra đường Võ Di Nguy ở Phú Nhuận, anh ta đã ra lệnh xe ngừng lại. Hai quân cảnh bảo Đại tá Tung xuống xe và đánh ngang hông bằng báng súng. Đại tá Tung kêu lên: "Các anh định làm gì tôi?". Hai quân cảnh liền tiến tới đâm chết Đại tá Tung. Sau đó, hai quân cảnh đến kéo Thiếu tá Triệu xuống xe. Thiếu tá Triệu to con nên vùng vẩy rất dữ, nhưng cũng bị đánh bằng báng súng và đâm chết. Hai quân cảnh đã đào hai hố nhỏ ở bên đường và vùi xác hai nạn nhân ở đó. Nhưng có người có mặt tại Bộ Tổng tham mưu hôm đó lại nói rằng xác của hai nạn nhân đã bị ném xuống mương sình lầy.
Khi nói chuyện, tướng Đảo có vẽ trên tờ giấy khu Đại tá Tung bị chôn cho tôi xem. Ông nói ông thường đi qua lại khu này nên biết rất rõ. Ông có thể giúp gia đình Đại tá Tung đến tìm xác ở khu này. Có lẽ hai ông đều có mang thẻ bài.
Bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa
Qua vài câu chuyện được tóm lược nói trên, chúng ta thấy lời nguyền rủa của Tổng thống Johnson đối với những kẻ làm tay sai Mỹ trong cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963 không có gì oan uổng:
"Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và sử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó".
Ngoài Tổng thống Ngô Đình Diệm, "bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa" còn tàn sát ông Ngô Đình Nhu, Đại tá Hồ Tấn Quyền, Đại tá Lê Quang Tung và Thiếu tá Lê Quang Triệu một cách dã man. Tướng Minh định giết luôn cả Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Lữ đoàn Dù, nhưng tướng Khiêm và tướng Đính ngăn cản kịp thời. Riêng Ngô Đình Cẩn, Mỹ giao cho tướng Nguyễn Khánh hành quyết. Thi hành xong "sứ mệnh", Mỹ loại tướng Khánh và giao cho những người được CIA lựa chọn đứng ra lãnh đạo miền Nam, rồi sau đó đem miền Nam bán cho Trung Quốc và tướng Minh lại được đẩy ra làm Hàng Tướng, trở thành sát thủ Việt Nam Cộng Hòa!
Nhìn lại, nhóm "ác ôn côn đồ" chẳng những làm cho tình hình miền Nam mất ổn định mà còn làm mất miền Nam luôn.
Ngày 26/10/2017
Lữ Giang
Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?
Phỏng vấn của Mạc Lâm
Ông Bùi Kiến Thành sinh năm 1931, con trai của Bác Sĩ Bùi Kiện Tín, làm Trưởng phòng Ngoại hối, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam từ 1954 đến 1956, được xem như chính khách trẻ nhất thường xuyên ra vào Dinh Gia Long. Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông ở tù 15 tháng thì được ân xá rồi trốn dưới hầm một tàu viễn dương sang Pháp.[2] Hoạt động trong lĩnh vực địa ốc từ 1965 đến 1983, ông trở thành nhà kinh doanh địa ốc thành công ở Pháp.
Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã đưa đất nước Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử. Cái chết của hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu, những tướng lãnh tham gia cuộc đảo chánh không ai biết người ra lệnh thủ tiêu hai ông là ai nhưng sau khi tro bụi của cuộc cách mạng lắng xuống những gương mặt đứng phía sau giật dây cho cuộc tàn sát ấy bắt đầu được điểm danh và lịch sử luôn công bằng cho từng người một.
Mặc Lâm phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành, một nhân chứng lịch sử, một người bạn, người cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm từ những ngày đầu tiên khi từ Mỹ trở về Việt Nam chấp chính cho tới khi biến cố xảy ra.
Cái tốt và chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa
Mặc Lâm: Thưa ông Bùi Kiến Thành, xin cảm ơn ông cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Ngày 1 tháng 11 hàng năm có lẽ ai theo dõi tình hình Việt Nam trong lịch sử đương đại đều nhớ là ngày mà cuộc đảo chính không những lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn giết cả hai anh em ông ấy tại Sài gòn vào năm 1963. Ông có nhận đình gì về ngày lịch sử này thưa ông?
Bùi Kiến Thành: Có lẽ cũng là một ngày chúng ta nên ôn lại cái được và cái chưa được cái tốt và cái chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa để chúng ta rút bài học.
Mặc Lâm: Vâng, trước khi đi sâu hơn vào chi tiết xin ông vui lòng cho biết về mối quan hệ của ông với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Bùi Kiến Thành: Trong khi tôi học ở Columbia vào những năm 1952 cho tới năm 1954 lúc đó thì chí sĩ Ngô Đình Diệm đang ở New Jersey. Cứ mỗi cuối tuần thì ông qua New York thăm chơi với tôi cùng một anh bạn nữa là anh Bùi Công Văn, ảnh là phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Cứ tối thứ Bảy thì ông qua ngồi nói chuyện suốt đêm cho tới sáng Chủ Nhật thì ông đi lễ, đi lễ về rồi lại nói chuyện suốt ngày, tới chiều Chúa Nhật thì ông trở lại tu viện Maryknoll.
Chúng tôi sống với nhau trong cảnh bạn cố tri trao đổi như thế trong suốt gần hai năm tại New York trước khi ông Diệm về bên Pháp và sau đó về làm Thủ tướng chánh phủ.
Sau khi ông Diệm về làm Thủ tướng chính phủ chấp chánh vào ngày mùng 7 tháng 7 thì ông Diệm gửi điện qua New York và Washington yêu cầu tôi trở về để giúp đỡ.. Ngày 23 tháng 8 năm 1954 sáu anh em chúng tôi là cựu sinh viên của các đại học Mỹ về giúp cho ông Diệm trong thời kỳ rất là khó khăn. Làm Thủ tướng mà không có cảnh sát không có quân đội chỉ vỏn vẹn có 27 sĩ quan đi theo mà thôi.
Cả một đất nước do Pháp đang cai trị vì vậy khi nắm lại quyền tự do, quyền tự chủ, quyền độc lập trong thời kỳ đó rất là khó khăn vì vậy chúng ta phải đánh giá cao việc ông Diệm bình định được tình hình, đưa quân Pháp ra khỏi nước Việt Nam một cách ổn định và xây dựng nền đệ nhất cộng hòa. Điều này khi nghiên cứu lịch sử và đánh giá cao tinh thần của cả một thời kỳ không riêng gì ông Diệm mà những người đi theo hỗ trợ giúp đỡ cho ông Diệm, những nhân sĩ ở miền Nam, nhân sĩ ở miền Trung, miền Bắc… tất cả đều có công lớn đã xây dựng chế độ đệ nhất cộng hòa, nhưng rất tiếc rằng sau đó chúng ta không làm được những chuyện ta cần phải làm để đến nỗi bị đổ vỡ.
Mặc Lâm: Thưa ông trong khi gần gũi với Thủ tướng Ngô Đình Diệm ông và các người được Thủ tướng mời về cụ thể làm những việc gì để giúp cho chính phủ còn non nớt lúc ấy?
Bùi Kiến Thành: Tôi bên cạnh ông Diệm suốt ngày mà! Khi tôi về tại Dinh Gia Long ngày 23 tháng 8 đó ăn cơm trưa với ông Diệm và một số Bộ trưởng, Tổng trưởng, có những nhân hào nổi tiếng của Việt Nam như ông Phạm Duy Khiêm, Bác sĩ Bùi Kiến Tín, Nguyễn Văn Châu… chúng tôi hết sức khẩn thiết làm bất cứ việc gì để ổn định tình thế, tôi ở suốt ngày suốt đêm trong dinh một thời gian rồi sau đó tôi mới dời ra ngoài.. Sau khi bố trí lại thì ngày nào đêm nào tôi cũng vào trong dinh để mà làm việc với Thủ Tướng rồi Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Một là bên Dinh Gia Long, sau nữa khi dời sang Dinh Độc Lập tôi cũng sát cùng ông Diệm như một cộng sự đặc biệt vì cái chỗ thân tình từ khi còn nhỏ kia, khi tôi mới 15-16 tuổi, hồi đó gia đình tôi thân với ông Diệm lắm. Chính ông cụ tôi đã cất giấu ông Diệm trong khi bị Nhật tìm bắt ông. Sau này khi không còn tham chính nữa ông cụ tôi tiếp tục làm y sĩ riêng cho Tổng Thông đến ngay ông ấy bị sát hai. Cái thân tình ấy dẫn tới chỗ hết sức gần với nhau. Tất cả những chuyện thâm cung bí sử, khó khăn trong thời kỳ tháng 8 tháng 9 tới tháng 12 năm 1954 thì thật sự hội lại chỉ có 4 người trong Dinh Gia Long thôi: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Bác sĩ Bùi Kiến Tín và Bùi Kiến Thành. Chúng tôi bàn với nhau cái gì cần phải làm. Làm sao nắm được quân đội, làm sao đối kháng với Bình Xuyên, làm sao giải tỏa được thành phố Sài Gòn xây dựng lên một chính quyền được nhân dân ủng hộ.
Riêng về tôi đặc biệt là có trách nhiệm giúp cho Tổng thống, khi ấy là Thủ tướng, quan hệ với các phái bộ đặc biệt của Mỹ từ bên Mỹ gửi qua chứ không phải quan hệ với sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn thân với Pháp, ông đại sứ Mỹ Donald Heath rất thân với Pháp, sau đó thì Lawton Collins cũng thân với ông Cao Ủy Pháp Paul Ely. Công việc của tôi và của ông Ngô Đình Nhu là bắc cây cầu trực tiếp với chính phủ Mỹ ở Washington, qua những phái bộ đặc biệt của Hoa Kỳ gửi qua trong đó có Trung tướng O’Daniel, Đại tá Lansdale sau này là General Lansdal, Paul Hardwood (Trưởng phái bộ CIA), việc của tôi làm lúc ấy cũng chỉ trong 4 người mà thôi bao nhiêu là công việc hết sức khó khăn.
Xây dựng được tờ báo Tự Do là việc tôi hết sức thú vị. Tôi nói với Thủ tướng mình cần có cơ quan ngôn luận tự do. Tờ báo đó được Bác sĩ Bùi Kiến Tín, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Thông tin, ký giấy phép. Tôi tập hợp những nhân sĩ ở Bắc Hà vào làm trong đó có Tam Lang, có Đinh Hùng, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong, Vũ Khắc Khoan …làm ban biên tập để cho tờ báo Tự do có tiếng nói tự do trong thời kỳ hết sức khó khăn như thế. Chỉ có tờ báo Tự do lúc ấy là thực sự nổi tiếng, có tiếng nói tự do trong một khung cảnh rất khó khăn và để chống lại những tờ báo thiên Pháp hay thân các chế dộ trước kia của Sàigon và những đài phát thanh khi đó tại Sài Gòn theo phe quân đội chửi bới Ngô Đình Diệm suốt ngày. Tôi có nhiệm vụ lập nên đài phát thanh “Tiếng nói Quốc dân đoàn kết”, một đài phát thanh đặc biệt để nói lên những sự việc như thế nào trong khi chúng ta phải xây dựng một chính quyền độc lập đó là việc Thủ tướng Ngô Đình Diệm giao cho tôi làm.
Mặc Lâm: Xin ông nói rõ hơn tại sao đã là thủ tướng mà còn bị đài phát thanh bên quân đội chống phá bằng cách chửi bới công khai như ông vừa nói, phải chăng còn một thế lực nào công khai chống lại Thủ tướng vào lúc sơ khai ấy hay không?
Bùi Kiến Thành: Thủ tướng Ngô Đình Diệm lúc ấy làm gì có quân? Thủ tướng mà không nắm cảnh sát, công an. Công an trong tay của Bình Xuyên là một đám giang hồ, cướp của. Pháp cho họ quản lý sòng bạc Đại thế giới, Kim Chung… Cảnh sát thì không nắm được còn quân đội thì trong tay của Trung tướng Nguyễn Văn Hinh. Trung tướng Hinh là một người thân Pháp con của ông Nguyễn Văn Tâm, không phải là người ủng hộ cho chính phủ Ngô Đình Diệm vì vậy khi làm Thủ tướng ông Ngô Đình Diệm ngồi trong dinh nhưng cái đài phát thanh là của người khác.
Đài Quốc gia cũng như đài quân đội thì người Pháp, hay thân Pháp, quản lý cứ mỗi ngày chửi bới Ngô Đình Diệm thế này, chửi bới Ngô Đình Diệm thế kia…ngồi trong dinh mà không giải quyết được vấn đề đó vì vậy phải kiên trì xây dựng lực lượng mình lên để giải quyết điều đó..
Xây dựng lực lượng bằng cách thu dụng những nhân sĩ tài ba của đất nước vào ủng hộ mình đồng thời cũng phải có tiếng nói qua cái đài phát thanh “Tiếng nói Quốc dân đoàn kết”, tiếng nói qua tờ báo Tự Do lúc đó đóng một vai trò quan trọng phổ biến tâm tư nguyện vọng, chính sách của Ngô Đình Diệm cho dân chúng được biết. Vấn đề đó cực kỳ quan trọng và tôi được giao trọng trách tổ chức hai việc đó trong những ngày đen tối nhất sau khi ông Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, tức là những ngày trong tháng 8 tháng 9 năm 1954 cho tới đầu năm 1955 khi bình định xong thì trong hai cơ quan đó, “Đài Tiếng nói quốc dân đoàn kết” không tiếp tục nữa nhưng tờ báo Tự Do vẫn tiếp tục rất tốt. Tờ Tự Do là nguồn dư luận rất tốt trong thời kỳ đó, trong chánh thể đệ nhất cộng hòa..
Không có tổ chức chính trị nồng cốt
Mặc Lâm: Báo chí quốc tế cũng như giới tướng lãnh đa số cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ bởi những tuyên bố gây sự giận dữ trong và ngoài nước của bà Ngô Đình Nhu cùng với những hành động đàn áp Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông có chia sẻ gì về việc này?
Bùi Kiến Thành: Đấy chỉ là một phần thôi thực sự ra chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ còn nhiều vấn đề cốt lõi hơn nữa. Ông Ngô Đình Diệm là một người hết sức yêu nước và có công tâm nhưng ông Diệm không có kinh nghiệm tổ chức. Còn ông Nhu thì rất uyên thâm về vấn đề học thuật, ông học rất giỏi về tổ chức thư viện, ông nghiên cứu rất tốt nhưng không có tài năng tổ chức lực lượng chính trị. Nếu quản lý một nhà nước mà không có tổ chức thì làm sao? Vì vậy cho nên cái Đảng Cần lao của ông Nhu không có tổ chức tốt còn cái “Phong trào cách mạng quốc gia” mà ông Bác sĩ Tín làm chủ tịch sáng lập thì nó cũng chỉ là phong trào thôi. Sau một phong trào rồi thì nó lặng im. Quyền chính trị trong nước là ở trong đảng, mà Đảng Cần Lao không được tổ chức tốt vì vậy cho nên chế độ Ngô Đình Diệm không tồn tại được vì không có tổ chức chính trị nồng cốt để làm việc.
Sau nữa còn có cái lỗi ở chỗ lầm lẫn hai việc khác nhau: quản lý các vấn đề nhà nước là việc quản lý hành chính, còn tổ chức nồng cốt do một chính đảng đứng lên để đóng vai trò cột trụ cho một đất nước thì là một việc khác. Do lầm lẫn ở vai trò lãnh đạo chính trị và lãnh đạo hành chính cho nên chế độ Ngô Đình Diệm tập trung nhiều hơn về vấn đề hành chính mà quên đi vấn đề lãnh đạo chính trị, xây dựng nồng cốt tức là sự ủng hộ của nhân dân, làm sao để vấn đề đảng được nhân dân ủng hộ…
Chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được, không xây dựng được một đảng chính trị thật sự của dân, do dân và vì dân vì vậy cho nên không đứng vững được và vì thế có thể nói sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm không phải là vấn đề nhỏ bé như chuyện bà Nhu nói cái này cái kia. Có! nó có ảnh hưởng nhưng chuyện đó là chuyện nhỏ đối với khả năng xây dựng nên một chính đảng mạnh thì chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được.
Mặc Lâm: Vậy phải chăng do điều mà người ta nhận xét về ông Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc đã khiến ông bị người Mỹ lo sợ vì không theo sự dẫn dắt của họ, đặc biệt là khi Mỹ muốn đổ quân vào Việt Nam thưa ông?
Bùi Kiến Thành: Khi Mỹ muốn vào Việt Nam năm 1962 ông Diệm nói với người Mỹ rằng các ông nên nhớ trên đất nước tôi trong 4 nghìn năm lịch sử không có một chế độ nào đi theo quân đội nước ngoài mà có thể được nhân dân ủng hộ. Vì vậy ngày nào quân đội Mỹ đặt chân lên đất nước này chúng tôi sẽ mất chính nghĩa, mà khi mất chính nghĩa thì các ông không thể nào thắng được và chúng tôi cũng phải thua theo. Vì vậy ngày nào quân Mỹ đổ bộ lên đất nước này thì kể như ngày đó chính nghĩa Việt Nam đã mất rồi, chúng tôi không thể chấp nhận được.
Người Mỹ không chấp nhận cái lý luận của ông Ngô Đình Diệm nên họ tìm cách lật đổ ông Diệm đi, đó là vấn đề cốt lõi chứ không phải do bà Nhu thế này thế khác. Bà Nhu gây ra nhiều tai tiếng, nhưng không có vai trò chánh hay lý do chánh làm sụp đổ chính phủ Ngô Đình Diệm.
Mặc Lâm: Thưa ông, một câu hỏi cho tới ngày nay vẫn nằm trong bí mật, ông thân cận với Tổng thống Ngô Đình Diệm nên có lẽ hiểu được phần nào câu trả lời: ai ra lệnh giết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và tại sao phải giết họ khi đã nắm tất cả quân đội trong tay và họ đã bị bắt?
Bùi Kiến Thành: Tôi không có thông tin chính xác để nói về vấn đề này nhưng suy luận từ một lần đảo chính trước do Nguyễn Chánh Thi chủ mưu ông Diệm đã lập lại ván cờ bằng cách chỉnh đốn lại, thì lần này Dương Văn Minh và những người theo Dương Văn Minh nghĩ rằng khả năng ông Nhu ông Diệm có đủ bản lĩnh và đủ sự ủng hộ của những quân đoàn còn theo ông ta để lập lại thế cờ thì rất khó khăn cho phe đảo chính. Vì vậy người ta không chấp nhận để cho ông Diệm ông Nhu tồn tại để mà có cái rủi ro đấy. Tôi không có thông tin ai là người ra lệnh giết hai anh em ông Diệm nhưng tôi chắc chắn rằng những người theo phe đảo chánh và nhất là phía Mỹ, thấy nguy cơ Ngô Đình Diệm có thể lập lại thế cờ rất là nguy hiểm vì vậy không để cho Ngô Đình Diệm sống. Đấy là quyết định chính trị chiến lược trong tranh đấu chứ không phải ai làm, hay ai ra lệnh không quan trọng, vấn đề phải tiêu diệt anh em ông Ngô Đình Diệm là để tránh nguy cơ bị lật trở lại.
Mặc Lâm: Trong ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 ông đang làm gì và có theo dõi hay tham gia trong một vai trò nào đó hay không?
Bùi Kiến Thành: Hôm đó tôi đang đi làm việc ở ngoài thì nghe phong phanh ngày hôm đó có bạo động. Tôi gọi về trong dinh thì gặp ông già Ẩn, tức là cận vệ của Tổng thống tôi hỏi anh Ẩn hiện giờ có vấn đề gì không vậy? tôi nghe ngoài này xào xáo lắm, thì ông Ẩn trả lời không có vấn đề gì đâu anh Thành ơi, mình hoàn toàn kiểm soát được mọi chuyện!
Đó là một cái chủ quan đầu tiên tại vì trong buổi sáng hôm ấy ông Nhu đã có sắp xếp một số chiến lược, chiến thuật nhằm giải quyết vấn đề bạo động nhưng vì chủ quan nên không thực hiện được. Tôi nói với ông Ẩn: coi chừng nhé nếu cần gì thì tôi vào trong dinh ngay để giúp cho các anh. Ông Ẩn nói không sao đâu anh Thành, nên tôi về nhà ăn cơm trưa và chờ cho tới hai ba giờ chiều không thấy gì xảy ra. Nhưng khoảng ba bốn giờ chiều tôi gọi lại thì tình hình bế tắc hết tôi không còn làm gì được nữa.
Ngày hôm đó tôi ở Sài Gòn, tôi muốn làm một cái gì đó để giúp đem lại trật tự an ninh nhưng mà cái thời thế có lẽ như là định mệnh của đất nước mình không cho mình làm gì được trong lúc ấy. Có làm gì được nữa trong lúc ấy khi thế lực của kẻ chủ mưu là người Mỹ đứng sau lưng những ông tướng của mình? thế lực ấy nó quá mạnh chúng ta không làm gì được.
Việc đảo chánh ông Ngô Đình Diệm không phải là chuyện của Dương Văn Minh, Dương Văn Minh chỉ là một con cờ thôi, cũng như Trần Văn Đỗ cũng như mấy ông kia củng chỉ là con cờ còn người chỉ huy, đưa ra tất cả những chiến thuật chiến lược để làm việc này. là người Mỹ mà người đại diện cho Mỹ làm việc này là đại tá Conein, ngồi thường trực tại Bộ Tổng tham mưu để điều khiển mấy ông tướng kia thành ra tất cả bộ tham mưu lúc đó nghe theo lời của một anh đại tá mật vụ của Mỹ, anh thấy có đau khổ chưa?
Mặc Lâm: Theo ông thì tại sao các tướng lĩnh lúc ấy lại nghe theo người Mỹ? Vì những hứa hẹn quyền lực hay âm mưu chính trị nào khiến họ trở thành như vậy?
Bùi Kiến Thành: Do những ông tướng không nghiên cứu tình hình đất nước, do không hiểu lý tưởng, không hiểu được chính nghĩa như thế nào mà đi theo lời của nước ngoài để mà sát hại một tổng thống, tưởng mình làm được cái gì nhưng cuối cùng cũng đầu hàng cộng sản mà thôi chứ làm được gì đâu.
Cái tội của những anh đảo chính Ngô Đình Diệm là tội ngu dốt không biết tình hình kinh tế, tình hình chính trị, tình hình chiến lược trên thế giới nó như thế nào, họ làm cái việc tự mình sát hại mình, đi đến chỗ 10 năm sau phải chắp tay đầu hàng cộng sản..
Đấy là cái tội của các anh làm cho bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải chết, đó là tội của các anh vì các anh không hiểu gì về chính trị, hữu dũng vô mưu, đưa đất nước đến chỗ suy tàn.
Nếu chúng ta có cơ hội thì còn thương lượng được giữa miền Bắc với miền Nam, cũng như Tây Đức và Đông Đức có thể thương lượng với nhau. Chúng ta phải có nội lực có sức mạnh để mà thương lượng chứ không phải giao đất nước cho ngoại bang, giao cho Mỹ rồi đi đến chỗ chết.
Đó là tội của những người tự cho mình giỏi hơn người khác. Không thể nào một dân tộc một đất nước nào giữ được chính nghĩa của mình bằng cách bước theo những đội quân nước ngoài bắn phá làng xóm cả. Không thấy cái đó là mất chính nghĩa. Đầu óc các anh ở đâu mà anh vác súng đi theo người Mỹ vào trong làng xóm bắn giết dân chúng mình, như vậy là không thể được. Vì không thấy nên anh làm hại cả một thế hệ, làm hại cả một đất nước.
Mặc Lâm: Nhiều tài liệu lịch sử nói là chính phủ Ngô Đình Diệm từng có ý định nói chuyện với miền Bắc, ông có ý kiến gì về những chi tiết này?
Bùi Kiến Thành: Khi chính phủ Ngô Đình Diệm thấy cái nguy cơ lính Mỹ đổ bộ lên Việt Nam rồi mà không rút ra được thì chiến tranh sẽ tràn lan, mà chiến tranh khi đã tràn lan rồi thì dù cho quân đội Mỹ có đánh thẳng tới Hà Nội đi nữa thì chúng ta vẫn thua như thường tại vì quân đội Trung Quốc nó sẽ vào vì nó không để cho mình tiến qua biên giới của nó. Vì vậy Miền Bắc sẽ chiến đấu đến cùng để không cho quân của Trung Quốc qua chiếm đóng Việt Nam.
Vì vậy nhìn về chiến lược thì hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thấy rõ ràng cái nguy cơ tác hại cho cả miền Nam và miền Bắc. Hà Nội cũng có những đầu óc thông minh để mà hiểu rõ sự nguy hiểm khi chiến tranh lan rộng như thế. Đó là đồng thuận về tinh thần là làm sao phải làm dịu chiến tranh xuống để tránh việc tàn phá đất nước. Giữa Nam Bắc Việt Nam phải có sự hiểu biết và tìm giải pháp tránh chiến tranh. Muốn làm việc đó thì Việt Nam phải mạnh, không mạnh thì không nói chuyện được.
Qua sự trung gian của đại sứ Ấn Độ trong Ủy ban Đình chiến, và Đại sứ Pháp…qua các cuộc đi săn bắn của ông Nhu trên vùng biên giới hai bên đã có những cuộc chia sẽ, chưa hẳn là thương thảo nhưng đã liên lạc được với nhau rồi. Khi Mỹ nghe như thế thì họ nói chính phủ Ngô Đình Diệm phản thùng và nó đưa việc này ra cho mấy ông tướng lãnh Việt Nam bảo là ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bán nước cho cộng sản, vì vậy anh phải lật đổ Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm đi để “cứu nước” không thì họ theo cộng sản, “bán đứng” các anh cho cộng sản…
Những đầu óc suy yếu của những anh tướng hữu dũng vô mưu không biết gì cả, nghe như thế lại tưởng rằng mình là người ái quốc ái quần, lật đổ Ngô Đình Diệm để cứu đất nước khỏi họa cộng sản.
Tôi đề nghị anh đọc cuốn sách “Robert Kennedy and His Time” của Arthur Schlesinger Jr. viết, trong đó có một chương nói về tình hình Việt Nam. (*)
Trong chương đó có viết Bùi Kiến Thành nói cái gì, Ngô Đình Diệm nói cái gì và Tổng thống Kennedy đã quyết định cái gì.. Rất tiếc rằng Tổng thống Mỹ không thực hiện được. Tháng 9 năm 1963 Tổng thống Kennedy đã quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam rồi nhưng do cuộc bầu cử năm 1964 nên không thể làm được cho nên chờ tới năm 64 sau khi bầu xong thì sẽ làm, nhưng rất tiếc vận hạn của nước ta và nước Mỹ là Kennedy bị bắn chết, Ngô Đình Diệm bị lật đổ Việt Nam đi vào cuộc chiến tranh tàn khốc do sự thiếu hiểu biết của một số người nông cạn của phía Mỹ cũng như Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Tại sao có cuộc đảo chánh lật đổ
ông Ngô Đình Diệm ?
Phan Đức Minh
Thời gian này, có rất nhiều bài viết xuất hiện trên các trang mạng, trên các điện báo, báo in của người Việt định cư khắp nơi trên thế giới, nói về nhân vật lịch sử Ngô Đình Diệm, về biến cố ngày 1 tháng 11 - 1963 tại Nam Việt Nam, cũng như những buổi Lễ tưởng niệm nhân vật lịch sử này. Một số bạn trẻ trưởng thành nơi hải ngoại liên lạc bằng điện thư hoặc gặp chúng tôi, hỏi về chuyện “Tại sao có cuộc đảo chánh lật đổ ông Ngô Đình Diệm, ngày 1 tháng 11 - 1963 tại Việt Nam?“ xem ý kiến ra sao. Tất nhiên là người viết chỉ có thể nói sơ qua và hẹn gặp nhau trên trang báo này để có thể bàn luận với nhau nhiều hơn. Vì vậy cho nên bài viết này được đưa ra, mong trả lời các bạn trẻ đó, đồng thời đóng góp chút ít vào công việc làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử quan trọng, có ảnh hưởng lớn lao đến sự… mất còn, sụp đổ của Nam Việt Nam sau đó, cũng như ảnh hưởng đen tối của nó còn kéo dài cho tới bây giờ. Muốn tìm hiểu kỹ lưỡng, sâu xa hơn, tất nhiên là chúng ta phải tìm đọc những cuốn sách đáng tin cậy về chuyện này…
Tình hình trước khi xẩy ra cuộc đảo chánh:
* Những tháng giưã năm 1960, Ông Diệm với tư cách Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, đi thăm các Bộ Tư lệnh Quân Khu 1 - 2 - 3 - 4 và Quân Khu Thủ Đô để nói chuyện với các Sĩ Quan trong quân đội, các Quân Binh Chủng về một vấn đề vô cùng quan trọng là: Người Mỹ muốn đổ quân tác chiến (Combatant forces) cuả họ vào lãnh thổ Nam Việt Nam để đảm nhiệm vai trò chủ yếu trong công cuộc chiến đấu chống cộng sản trên chiến trường này, tất nhiên là theo chủ trương, chính sách của họ…
Tại Hội trường Bộ Tư lệnh Quân Khu I, Đà Nẵng, trước mặt rất đông Sĩ Quan: cấp Tướng, cấp Tá và cấp Úy, Ông Diệm đã nói rõ ý chí cuả Ông là nhất định không chấp nhận cho người Mỹ đổ quân tác chiến vào Nam Việt Nam, mà chỉ chấp nhận vai trò cuả người Mỹ trong nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Ông nói “Chúng ta cần có sự cố vấn và huấn luyện cuả người Mỹ, chúng ta cần có sự viện trợ quân sự, kinh tế cuả người Mỹ, nhưng chúng ta không cần, và nhất định không chấp nhận để cho người Mỹ chiến đấu thay thế cho chúng ta trong công cuộc bảo vệ Quê Hương, Đất Nước này. Cuộc chiến đấu này không thể đơn thuần giải quyết bằng sức mạnh cuả vũ khí chiến tranh, nhất là bằng một đạo quân viễn chinh từ một quốc gia khác kéo đến. Nếu người Mỹ làm việc đó, chúng ta sẽ mất hết chính nghiã, mất sự hậu thuẫn cuả nhân dân, tôi sẽ trở thành Tổng Thống bù nhìn và anh em, các Sĩ Quan sẽ chỉ còn là những kẻ đánh thuê cho ngoại quốc…“. Ông nói thật nhiều, với tất cả tấm lòng và trái tim cuả Ông. Rồi ông kêu gọi tất cả các Sĩ Quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà đã từng nêu cao tinh thần anh dũng, can đảm trên mọi chiến truờng khắp các Vùng Chiến Thuật (Tactical Areas), hãy cùng Ông bằng mọi giá, giữ vững lập trường, đi đúng đường lối lãnh đạo chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc mà ông đã vạch ra và quyết tâm theo đuổi, bất chấp mọi sức ép bất cứ từ đâu đến! Những cánh tay giơ lên, những tiếng hô vang làm rung chuyển cả Hội Trường Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I- Quân Khu I “Quyết tâm ủng hộ Tổng Thống! Quyết tâm giữ vững lập truờng chiến đấu cuả Tổng Thống để bảo vệ Tổ Quốc !”
Tôi lúc đó chỉ là một Chuẩn Uý hiện dịch, nhưng với cái vốn kinh nghiệm gần 7 năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, 2 lần bị Tây bắt nhốt vào tù, và hơn 6 năm trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chống cộng sản, tôi cũng đủ trí khôn để thông cảm với những khó khăn, nguy hiểm đang đợi chờ Ông Diệm, vị Tổng Thổng đầu tiên cuả nền Cộng Hoà non trẻ tại Nam Việt Nam. Tôi nhìn các Sĩ Quan đàn anh đứng chung quanh, hình như ai nấy đều linh cảm thấy có một cái gì nặng nề, nguy hiểm đang đợi chờ vị Tổng Thống khả kính và can đảm cuả mình.
Phải thành thực mà công nhận rằng: vào thời gian đó, dưới sự lãnh đạo cuả Ông Diệm, Quân Đội ra Quân Đội, Tướng Tá ra Tướng Tá, Sĩ Quan ra Sĩ Quan, chớ không có… hổ lốn, bát nháo như tình trạng cuả những thời gian sau này, sau khi Ông Diệm không còn nưã. Tôi không phải là người cùng tôn giáo với Ông Diệm, mà trong cương vị một quân nhân hiện dịch thuần tuý, từng bỏ hàng ngũ cộng sản, lúc này chỉ nghĩ đến quân đội, đến việc chống cộng, nhưng cũng thấy như mắt mình nhoà đi… Tôi cầu xin Ơn Trên phù hộ, che chở cho Ông, cũng như cho Đất Nước này…
* Ngày 19-6-1960: Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, Elbridge Durbrow, gửi cho ngoại trưởng Mỹ, Christian Herter ở Hoa Thịnh 1 điện văn mật, thông báo tình hình Sài Gòn: Có thể có 1 cuộc đảo chánh nhằm lật đổ chính quyền cuả Ông Diệm, trong khi đó ở nông thôn, hoạt động cuả cộng sản gia tăng mạnh mẽ… Phần cuối, bản văn kết thúc “Nếu thế đứng cuả Ông Diệm tiếp tục giảm sút, không còn phù hợp với tình thế chính trị, tâm lý, kinh tế và an ninh tại đây nưã thì có thể là điều mà chính phủ Hoa Kỳ nên tính đến những phương cách khác để hành động và thay thế người lãnh đạo hầu đạt đến những mục tiêu cuả chúng ta… (If Diem’s position in the country continues to deteriorate as result failure adopt proper political, psychological, economic and security measures, it may become necessary for US Government to begin consideration for alternative courses of action and leaders in order to achieve our objectives…).
* Ngày 11 - 12 tháng 11-1960: Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Lữ Đoàn nhẩy dù và Trung Tá Vương Văn Đông chỉ huy một lực lượng quân sự gồm vài Tiểu Đoàn nhẩy dù và 1 đơn vị Thuỷ Quân Lục Chiến, bao vây dinh Tổng Thống để làm một cuộc đảo chánh với lý do được công bố trên đài phát thanh Sài Gòn đã bị quân đảo chánh chiếm giữ “ …Ông Diệm đã tỏ ra không đủ khả năng cứu đất nước khỏi họa cộng sản cũng như bảo vệ sự đoàn kết quốc gia… – Diem has shown himself incapable of saving the country from Communism and protecting national unity…”
Biết rằng cuộc âm mưu đảo chánh này không do những nhân vật chính trị có danh tiếng, không có hậu thuẫn chính trị thực sự cuả dân chúng, không có sự tham gia cuả các Tướng Lãnh cũng như đông đảo lực lượng quân đội dưới quyền cho nên ông Diệm tạo thế trì hoãn, thoái thác nhượng bộ trước sự đòi hỏi cuả phe đảo chánh là từ bỏ chính quyền và đợi cho các lực lượng quân đội, hầu hết vẫn còn trung thành với ông, từ các nơi kéo về dẹp loạn. Cuộc đảo chánh bất thành vì quá non kém về tổ chức, lãnh đạo, cũng như đường lối chinh trị và quân sự. Tuy nhiên cuộc đảo chánh bất thành này đã đem lại cho chính quyền cuả Ông Diệm những bài học quan trọng:
A.- Cộng sản ngày càng tích cực tung cán bộ vào thành phố khai thác những mâu thuẫn, bất đồng giưã chính quyền và các nhân vật, các nhóm chống đối tại thành thị. Những mâu thuẫn này tất nhiên phải có trong hoàn cảnh miền Nam Việt Nam đang phải thực hiện một xã hội tương đối tự do, dân chủ, phồn thịnh (hơn hẳn miền Bắc). Có tự do, dân chủ khá nhiều cho nên các lực lượng, nhóm người chống đối này khác mới có hoàn cảnh, điều kiện mà hoạt động chống chính quyền, chớ còn như tình trạng Việt Nam hôm nay thì chính quyền thấy chống đối bằng bạo lực, là lập tức dùng công an, quân đội bằng võ lực tiêu diệt ngay, còn chi nữa mà chống đối. Chính quyền miền Nam lúc đó, cùng một lúc phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lăng, phá hoại toàn diện cuả cộng sản Hà Nội, được chỉ đạo và yểm trợ từ Mạc-Tư-Khoa cũng như từ Bắc Kinh, theo “Đường lối cách mạng vô sản toàn cầu cuả Đệ Tam Quốc tế - Global Proletarian Revolution Policy of the Third International”.
B.- Thi hành 1 đường lối vô cùng khó khăn khả dĩ đáp ứng được nhu cầu cuả tình thế : *Giữ vững chính quyền đang bị âm mưu khuynh đảo từ bên ngoài do bọn tài phiệt quốc tế (International Financial Oligarchy), ở bên trong thì do cộng sản chỉ đạo. Ngay trong nội bộ hàng ngũ quốc gia cũng có những phần tử ham danh, hám lợi cũng như quyền lực, đang lợi dụng không khí tự do, dân chủ của xã hội miền Nam, tạo ra hay chờ đợi thời cơ để hành động.
C.- Giữ vững tinh thần kỷ luật và lòng trung thành cuả quân đội, là sức mạnh bảo vệ chính quyền, chế độ, đồng thời giữ vững sự đoàn kết các tôn giáo là sức mạnh hậu thuẫn cuả nhân dân, nhưng cả hai: Quân Đội và Tôn giáo lại là những mục tiêu quan trọng nhất mà cả 3 lực lượng chống phá nói trên (Tài phiệt quốc tế, cộng sản và các nhóm chống đối trong nước) đang quyết tâm nhắm vào để tạo ra một động lực làm nổ bùng một cuộc đảo chánh khác, có tầm vóc quy mô, có tổ chức tinh vi và …” cao cấp “ hơn cuộc đảo chánh đã thất bại một cách dễ dàng ngày 11 tháng 11 năm 1960.
* Ngày 20-12-1960: để đánh lưà dư luận quốc tế, để thu hút các nhóm chống đối và lôi kéo nhân dân Miền Nam, cộng sản Hà Nội tuyên bố chính thức cho ra mắt công khai Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tại 1 Chiến Khu (Strategic war zone) cuả cộng sản tại phiá đông miền Nam Việt Nam, thành phần bao gồm chừng 100 nhân vật nói là đại diện cho các nhóm chính trị đối lập với chính quyền, đại diện cho các tôn giáo có mặt tại Nam Việt Nam, các lực lượng vũ trang còn sót lại sau khi bị quân chính phủ đánh tan trong các chiến dịch hành quân tại miền Tây trước đó ít năm. Mặt trận này thực sự đặt dưới quyền lãnh đạo cuả một cán bộ cao cấp cuả Hà Nội, thuộc Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng (Political Bureau of the Party’s Central Committee).
* Ngày 1 tháng 4-1961: Cộng sản tung một Tiểu Đoàn chủ lực quân, có du kích địa phương tăng cường, gồm hơn 400 quân, tấn công thử sức vào 1 ngôi làng chiến đấu kiểu mẫu cuả “Quốc sách ấp chiến lược – National policy of Strategic Hamlets ” thuộc Tỉnh Kiến Hoà, nhưng bị quân đội Cộng Hoà đánh tan và bị thiệt hại nặng nề. Hai ngày sau, cộng sản thử sức lần nưã bằng cách tấn công vũ bão và bất ngờ vào khu vực Bến Cát, phiá Bắc Sài Gòn, nhưng hơn 100 quân cộng sản bị quân Cộng Hoà tiêu diệt, bỏ xác tại trận. Cộng sản buộc phải đổi hướng, tập trung nỗ lực vào những hoạt động võ trang phá hoại tại các thành phố, tung cán bộ len lỏi vào trong các tầng lớp nhân dân, hàng ngũ tôn giáo nào có đông đảo quần chúng (nhưng hàng ngũ thiếu huấn luyện, thiếu kỷ luật chặt chẽ) để tìm cơ hội gây xáo trộn chính trị tại các thị trấn, nơi tập trung đông đảo dân cư, làm suy yếu chính quyền Miền Nam thay vì nôn nóng giành chiến thắng quân sự để hỗ trợ cho các hoạt động chính trị và ngoại giao.
President Lyndon B. Johnson meets Mr. Ngo Dinh Nhu at Gia Long Palace, Saigon 12-5-1961
* Ngày 12-5-1961: Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson, trong cuộc viếng thăm Á Châu, đã gặp Tổng Thống Diệm tại sài Gòn. Ông Johnson ca tụng Tổng Thống Diệm là một Churchill cuả Á Châu và nói “Đối với thế đứng cuả Hoa Kỳ tại Á Châu, Tổng Thống Diệm là nhân vật, là người bạn không thể thiếu được”.
Tuy nhiên, khi trở về Mỹ, ông Johnson lại báo cáo cho Tổng Thống Kennedy cũng như cho các nhân vật chính trị cao cấp biết rằng: Ông Diệm vẫn giữ vững lập trường không có quân chiến đấu cuả Hoa Kỳ tại Việt Nam, trừ phi cộng sản Hà Nội xua quân tràn qua vĩ tuyến 17 một cách đại quy mô như cộng sản Bắc Hàn đã xua quân tràn qua vĩ tuyến 38 hồi 1950.”
* Ngày 18-9-1961: Cộng sản bất thần mở trận đánh lớn cấp Trung Đoàn (Regiment), tung 1,500 quân bao vây và đánh chiếm Tỉnh Lỵ Phước Vinh, sau khi đã mở chiến dịch gồm 41 trận đánh lớn nhỏ trên khắp lãnh thổ Miền Nam để áp đảo và chia sẻ lực lượng đối phương. Sau đó 3 tuần lễ, tại diễn đàn Quốc Hội, Tổng Thống Diệm chính thức tuyên bố với quốc dân và thế giới là Việt Cộng, với sự chỉ đạo và yểm trợ cuả cộng sản quốc tế đã chính thức biến cuộc chiến tranh du kích trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà thành một thứ chiến tranh xâm lăng quy mô thực sự, có sự tham chiến cuả quân chính quy cộng sản, được trang bị tối tân và hùng hậu…
Bọn tài phiệt quốc tế, buôn bán chiến tranh, càng thêm cơ hội để tung tiền và thủ đoạn để đưa đám “Lobbyists” vào các hành lang, ngõ ngách cuả Quốc Hội, hệ thống truyền thông Hoa Kỳ, dọn đường cho một kế hoạch ào ạt đổ quân tác chiến cuả Mỹ và lôi kéo một số đơn vị quân đội Đồng Minh vào chiến trường Nam Việt Nam. Chậm chân là thiệt hại cả… núi đô la chớ không phải chuyện đuà. Nhưng, lại tiếng nhưng ở chỗ này! Nhưng Ông Diệm nhất định không chấp nhận cho quân đội tác chiến cuả Mỹ chiến đấu tại Nam Việt Nam. Còn Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy thì cũng không hăng hái, thiết tha cho lắm với việc đổ quân tác chiến cuả Mỹ vào chiến trường Miền Nam trong hoàn cảnh lúc này, không như lúc cộng sản Bắc Hàn xua quân cấp Quân Đoàn (Army Corps) tràn qua vĩ tuyến 38 hồi năm 1950… Ông Kennedy vẫn trung thành với “Đường lối ngăn chặn – Containment Policy” để chống lại sự bành trướng cuả phong trào cộng sản trên thế giới từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, bằng những phương cách ít tốn sinh mạng người Mỹ nhất, trừ trường hợp nền an ninh cuả Mỹ bị đe dọa trực tiếp, nghiã là ông Kennedy chỉ chấp nhận hy sinh nhân mạng cuả Mỹ trong “Trường hợp tối cần thiết – In case of absolute necessity”.
Thế thì “chúng nó” bắt buộc phải loại trừ Ông Diệm khỏi ngôi vị lãnh đạo Nam Việt Nam trước đã, và sau đó bất cứ kẻ nào làm ngăn trở việc đổ quân tác chiến cuả Mỹ vào Nam Việt Nam cũng đều bị “chúng nó” xoá sổ hết (kể luôn cả Tổng Thống Mỹ).
* Ngày 2-1-1963: Tại Ấp Bắc, cách Sài Gòn 40 dậm về phiá Đông Nam, gần 2 Trung Đoàn (2,500 quân) thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trang bị vũ khí tự động, có xe tăng, thiết vận xa, pháo binh và không quân (cả khu trục cơ lẫn trực thăng) yểm trợ, mở cuộc hành quân bao vây, tiêu diệt 1 lực lượng cộng sản gồm chừng 1 Tiểu Đoàn (battalion) độ 300 quân chủ lực địa phương, với hoả lực yếu kém hơn rất nhiều, lại không có xe tăng cũng như không quân, pháo binh yểm trợ. Kết quả thật là đau buồn: Cộng quân lợi dụng đêm tối, thoát khỏi vòng vây gần như toàn vẹn chủ lực, sau khi đã gây cho quân chính phủ những tổn thất đáng kể.
Thật là một cơ hội bằng vàng để bọn tài phiệt quốc tế dùng ảnh hưởng, sức mạnh cuả đồng đô la mà lái các cơ quan truyền thông, hướng dẫn dư luận, gây áp lực tại Hoa Kỳ, từ Quốc Hội cho đến chính phủ phải bằng mọi giá đổ quân tác chiến cuả Mỹ vào Việt Nam ngay lập tức. Nếu không, “Tiền đồn chống cộng – Advanced Post resisting the communists“ cuả Mỹ tại Á Châu sẽ sụp đổ và "Chính sách ngăn chặn cộng sản” cuả Mỹ trên thế giới sẽ thất bại và… nền an ninh cuả chính nước Mỹ cũng sẽ bị lâm nguy… Chúng đem câu nói cuả Lenin, Sư tổ cuả cách mạng vô sản 1917 tại Nga, người đã mở đường cho phong trào cộng sản thế giới bùng ra hết cách ngăn cản sau thế chiến thứ 2, mà dọa cả nước Mỹ “Trước hết, chúng ta hãy chiếm giữ Đông Âu, rồi nắm lấy khối quần chúng khổng lồ ở Á Châu, sau đó bao vây Hoa Kỳ là thành lũy cuối cùng cuả chủ nghiã tư bản. Chúng ta khỏi phải đánh đấm chi cả, Hoa Kỳ cũng sẽ rơi vào tay chúng ta như một trái cây đã chín rưã – First, we will take eastern Europe, then the masses of Asia, then we will encircle the United States which will be the last bastion of Capitalism. We will not have to attack, it will fall into our hands like an overipe fruit.” (The Death of A Nation – John A. Stormer – The Liberty Bell Press – Florissant Missouri, July 1978, Page 14).
* Ngày 8-5-1963: Bùng nổ vụ rối loạn, chống đối ở Cố đô Huế, giưã hàng chục ngàn tín đồ Phật Giáo với nhân viên chính quyền địa phương và các lực lượng an ninh. Tổng Thống Diệm tuyên bố trên đài phát thanh quốc gia là vụ này có bàn tay cuả cộng sản nhúng vào, gây thêm tình trạng khó khăn cho địa phương, tạo thêm sự mâu thuẫn trầm trọng giưã chính phủ và một tôn giáo lớn trong nước. Cuộc rối loạn ngày càng gay go, dữ dội, quyết liệt và khi 1 trái lựu đạn nổ tung trong khu vực đài phát thanh Huế,gây thương vong cho một số người biểu tình chống đối thì tình trạng biến sang hình thức “Một tôn giáo lớn nhất trong nước chống lại một hệ thống chính quyền được lãnh đạo bởi một Tổng Thống và các nhân vật cao cấp, trọng yếu, đa số là người thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã”. Trái lựu đạn nổ tung đó sau này được biết là do CIA cài đặt người, nhân lúc hỗn loạn, đã ra tay, cho nổ bùng đúng lúc để châm ngòi cho cuộc biểu tình chống đối từ Huế và sẽ lan ra khắp nơi, sau cùng là ngay tại Thủ Đô Sài Gòn, trung tâm quyền lực của Việt Nam Cộng Hòa. Phía chính phủ thì lên tiếng: Tổng Thống Diệm sử dụng người theo nguyên tắc thông thường của các nhà lãnh đạo là căn cứ vào tài năng, đức độ, sự tin cậy, thích hợp cho công việc và lợi ích quốc gia, chớ không phải vì kỳ thị tôn giáo, kỳ thị Phật Giáo như một số người buộc tội, gán ghép cho ông Diệm.
Ở điểm này, những người hiểu biết thì cho thấy rằng: Trong hàng ngũ Tướng lãnh của quân đội lúc đó, thử tìm coi có những ai là cùng tôn giáo với ông Diệm? Trong hàng ngũ các Bộ Trưởng trong chính quyền Ngô Đình Diệm lúc đó, ngoại trừ ông Trần Trung Dung, Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống ra, còn có ai là người cùng tôn giáo với ông Diệm? Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, được ông Diệm tin cậy, quý trọng, là người miền Nam, thì khác tôn giáo với ông Diệm rõ ràng…
Nói một cách rõ ràng thì dưới đây là những Phật Tử được ông Diệm chọn đứng cùng hàng ngũ, phục vụ đất nước với ông:
- Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Tổng Thống.
- Đại tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng.
- Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Tổng Trấn Sài Gòn- Gia Định.
- Ông Vũ Văn Mẫu, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao.
- Ông Quách Tòng Đức, Đổng Lý Văn Phòng.
- Ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ Trưởng phủ Tổng Thống, kiêm Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng.
- Ông Đoàn Văn Thêm, Phó Đổng Lý Văn Phòng.
- Ôn Võ Văn Hải, Chánh Võ Phòng.
- Ông Nguyễn Thành Cung, Tổng Thư Ký.
- Ông Trần Sử, Bí Thư…
Tất cả đều là Phật tử.
* * Toàn thể Bộ Tham Mưu của Tổng Thống đều là Phật Tử.
* Trong số 18 Tổng Bộ Trưởng, chỉ có 5 người là Công giáo, còn 13 là Phật tử.
* Bên quân đội, tổng số 19 tướng lãnh có quyền hành nhất, thì đã có 16 tướng là Phật Tử, chỉ có 3 là công giáo… Nghĩa là đại đa số những nhân vật, những người nắm giữ và điều hành bộ máy chính quyền thời Ngô Đình Diệm đểu là Phật tử. Đó là chưa kể chính quyền Ngô Đình Diệm đã giúp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thời đó xây dựng nhiều Chùa, giúp nhiều sư tăng ra nước ngoài (nhất là ở Pháp, ở Mỹ…) học hành đậu đạt bằng cấp cao (kể cả Tiến Sĩ) để trở về phục vụ hiệu quả hơn, mở mang các cơ sở giáo dục đào tạo thế hệ trẻ đủ khả năng phục vụ quốc gia, xã hội theo đường lối của tôn giáo mình.
Sau này, nhiều người lại còn hỏi: bao nhiêu năm nay, Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo, kìm kẹp kẻ đối lập, áp bức dân chúng gấp… bao nhiêu lần Ông Diệm, mà sao dân chúng chẳng thấy những phe này, nhóm nọ biểu tình, chống đối, nổi loạn để lật đổ chính quyền cộng sản chi cả. Chỉ thấy gần đây mới có những nhân vật nam nữ đấu tranh ôn hòa cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân quyền ở Việt Nam, đang bị cộng sản hành hạ, bắt nhốt trong tù mà thôi...
Như vậy, người ta có thể hiểu: ở Nam Việt Nam hồi đó người dân có quyền tự do, dân chủ khá rộng rãi cho nên việc biểu tình chống đối chính quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của của cơ quan “Tình Báo, Gián Điệp của nước bạn đồng minh khổng lồ“, được Thành Ủy cộng sản ở Huế phối hợp hành động, nắm lấy thời cơ, thúc đẩy dân chúng, dựa vào thế lực tôn giáo, Tướng lãnh quân đội, huy động dân chúng, đưa cán bộ, tranh thủ thời cơ, đưa cuộc đấu tranh chống chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa vào một thế thuận lợi để giật sập chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền đang làm cho mọi hoạt động của cộng sản lâm vào tình trạng điêu đứng, khó khăn, bế tắc… về đủ mọi phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Rõ ràng nhất là cộng sản sợ hãi chính sách tố cộng, chiêu hồi đã lôi kéo quá nhiều cán binh việt cộng, có cả trung và cao cấp, quay trở về đầu thú, tiết lộ rất nhiều thông tin quan trọng.
Cộng sản rất sợ quốc sách ấp chiến lược, bình định nông thôn của ông Nhu… làm tê liệt khả năng của cộng sản trong chiến lược “nắm vững nông thôn, bao vây và tiêu diệt thành thị“ trong lúc cả hai phía cộng sản cũng như Việt Nam Cộng Hòa đều biết rõ: phía nào nắm vững được nông thôn, bên đó sẽ thắng trong cuộc chiến tranh nhân dân kỳ lạ, không chiến tuyến rõ ràng, “không giống ai cả“ trên chiến trường Việt Nam này (nơi mà cả 2 cường quốc Pháp và Hoa Kỳ đều chịu thua đau đớn, dù rằng hỏa lực chiến tranh (firepower) của 2 cường quốc đó so với đối phương khác nhau quá xa, một trời một vực). Sau này, có nhiều luận điệu “chữa cháy“ thanh minh thanh nga cho sự bỏ chạy ê chề, đau đớn của 2 cường quốc này nhưng sau cùng thì lịch sử và quân sử của họ đều phải công nhận là họ đã thua chạy rõ ràng với những điều kiện quá đắt đỏ phải nhường cho phe cộng sản… để họ có thể… ”bỏ của chạy lấy người“ một cách an toàn… trên xa lộ…
Sự rối loạn càng bùng lên dữ đội và lan mạnh tới các thành phố lớn rồi di chuyển trung tâm đấu tranh chống chính phủ về ngay tại Thủ Đô Sài Gòn, nơi tập trung các cơ quan quyền lực quốc gia, các Toà Đại Sứ ngoại quốc, cũng như các cơ sở truyền thông quốc tế. Tại đây, Thượng Toạ Thích Trí Quang, một trong những vị lãnh đạo cao cấp Phật Giáo lúc đó, gốc người Bắc Việt, 2 lần bị Pháp bắt vì tình nghi có liên lạc hoạt động với cộng sản, người được dư luận trong và ngoài nước coi là một nhân vật tôn giáo đặc biệt, có tài tổ chức, lãnh đạo quần chúng trong các hoạt động đấu tranh chính trị… đứng ra phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh cuả dân chúng. Thượng Toạ thông báo cho phiá Mỹ biết là người Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hoạt động cuả chính quyền Sài Gòn do Mỹ ủng hộ… (Thich Tri Quang, a politically sophisticated monk of North Vietnamese origin, twice arrested by French on suspicion of Vietminh connections, stirs the people against Diem and informs US officials, whom he holds responsible for Diem because of US support…).
Riêng điều này, kẻ viết, trong thời gian đi kháng chiến, phục vụ trong các cơ quan lãnh đạo cấp Huyện Ủy của các huyện Tiên Lãng và An Dương, cũng như cơ quan Tuyên Huấn thuộc Tỉnh Kiến An, Hải Phòng, Bắc Việt, đã được biết về vai trò “chuyên viên tôn giáo vận“ của nhân vật Thích Trí Quang trong hàng ngũ cộng sản, từ hồi năm 1946 tại Bắc Bộ, Việt Nam… Tức là lúc đó, kẻ viết và nhân vật này cùng chung một tôn giáo, cùng đứng chung trong hàng ngũ kháng chiến của cộng sản…
* Ngày 7- 6-1963: Bà Ngô Đình Nhu lên tiếng tố cáo trước dư luận là người Mỹ đã cố tình nhúng tay vào, tạo nên vụ biến động này và thúc đẩy cho ngày một thêm trầm trọng, phức tạp thêm, nhằm khuynh đảo chính quyền cuả Tổng Thống Diệm vì Tổng Thống Diệm cương quyết không chấp nhận chính sách can thiệp chính trị và quân sự cuả người Mỹ, là chính sách đi ngược lại ý nguyện và quyền lợi cuả dân chúng Nam Việt Nam.
* Ngày 11-6-1963: Thượng Toạ Thích Quảng Đức “tự thiêu“ ngay tại trung tâm thủ đô Sài Gòn, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo cuả chính phủ. Theo nghĩa thông thường, “tự thiêu“ là tự mình thiêu đốt mình cho một lý do, mục đích chi đó. Vụ tự thiêu của Thượng Tọa Quảng Đức nói ở đây, thì: … sau khi cầm bình xăng tưới vào người Thượng Tọa Thích Quảng Đức đang ngồi bất động, tên cộng sản nằm vùng, mặc áo nhà sư, Nguyễn Công Hoan (Huỳnh Văn Thạnh) còn cẩn thận rãi thêm một đường xăng từ chỗ nhà sư Quảng Đức, đi về phía sau, để hắn có thể đứng từ xa mà châm lửa! Vậy mà toàn bộ sách báo cộng sản và phe phái chống đối đều viết rằng “Hoà Thượng Thích Quảng Đức TỰ tẩm xăng”!!! Rồi ngay sau đó, cũng không phải do Thượng Tọa Thích Quảng Đức “TỰ bật quẹt Zippo để tự thiêu” như chúng rêu rao, mà là Thượng Toạ vẫn đang chấp hai tay trên ngực trong thế ngồi kiết già bất động! Trước và sau khi ngọn lửa bùng lên, Thượng Toạ vẫn đang chấp tay trên ngực, còn ngọn lửa thì cháy từ phía sau chạy tới rồi táp vào người Thượng Toạ để bùng lên ngọn lửa “tự thiêu”!
Hòa thượng Thích Quảng Đức đã bị bức tử bởi sự liên kết thực hiện giữa cộng sản và nhân vật Thích Trí Quang và phe nhóm lúc đó… nhằm khích động cuộc nổi loạn của dân chúng đúng theo kế hoạch của CIA và cộng sản…
Dư luận dân chúng trong nước và thế giới bị xúc động mạnh. Báo chí trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông khác, nhất là tại Mỹ (đã bị lâm trận hoả mù cuả bọn Lobbyists nói ở trên) khai thác tối đa vụ này theo chiều hướng “Phải thay thế ngay người lãnh đạo chính quyền Nam Việt Nam”. Thay thế bằng nhân vật nào? – Các cơ quan truyền thông Mỹ không nói rõ, nhưng chỉ hướng dẫn dư luận: loại bỏ Ông Diệm khỏi ngôi vị lãnh đạo chính quyền là được rồi… Đang cơn dầu sôi lưả bỏng như thế thì Bà Ngô Đình Nhu, vì tức giận người Mỹ và lực lượng đấu tranh nên đã nóng giận, mất sự khôn ngoan, bình tĩnh cần thiết trước tình thế bất lợi cho chính phủ. Bà Nhu lên tiếng mạt sát, thoá mạ cuộc tự thiêu cuả Thượng Toạ Quảng Đức. Thật là “Lửa đã đỏ lại đổ thêm dầu – Adding fuel to the fire”. Điều này làm cho dư luận dân chúng thêm phẫn nộ, lợi thế nghiêng hẳn về phiá lực lượng đấu tranh chống chính phủ.
* Ngày 27-6-1963: Thấy tình hình Sài Gòn rối loạn, khó gỡ được ra, Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bổ nhiệm Ông Henry Cabot Lodge, thuộc Đảng Cộng Hoà, sang Sài Gòn giữ chức vụ Đại Sứ Hoa Kỳ, thay thế cho Đại Sứ Nolting, người đang tỏ ra bất lực trong việc gỡ rối cho tình hình Sài Gòn theo chiều hướng có lợi cho chính sách cuả Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Thực tâm Tổng Thống Kennedy là chỉ gỡ rối sao cho êm đẹp, thuận lợi cho đường lối, chính sách cuả Hoa Kỳ, cuả Ông Kennedy, chớ Ông Kennedy lúc này không hề nghĩ đến việc lật đổ Ông Diệm, nhất là không bao giờ nghĩ đến việc phải giết Ông Diệm.
Ông Cabot Lodge được giới chính trị và truyền thông Hoa Kỳ coi là “Một con cáo già chính trị ” và đồng thời là một “Chuyên viên đảo chánh”, hiện đang theo đuổi một chính sách mang tính cách “Diều hâu” khác hẳn với Ông Kennedy về vấn đề Việt Nam. Một Cabot Lodge, cáo già chính trị, chuyên viên đảo chánh, không cùng 1 Đảng với Ông Kennedy, thuộc Đảng Cộng Hoà có nhiều liên hệ với quyền lợi cuả bọn tài phiệt buôn bán chiến tranh, mà sang làm Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn thì tình hình sẽ ra sao? Cabot Lodge được cử sang Sài Gòn với nhiệm vụ “gỡ rối – Untangling” tình hình, nhưng Cabot Lodge lại quyết định chọn “phương cách gỡ rối” bằng một “Cuộc đảo chánh – Coup d’état” êm ái, nhẹ nhàng, không chọc giận Ông Kennedy là người sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Thiên Chuá, nghiã là chỉ cần đẩy Ông Diệm ra khỏi ngôi vị lãnh đạo chính quyền Nam Việt Nam, đưa Ông Diệm đi sống lưu vong ở một quốc gia nào đó nằm trong “Quỹ đạo chính trị – Political circle” cuả Hoa Kỳ, như Đài Loan, Thái Lan chẳng hạn là đủ rồi. Sau đó, Cabot Lodge sẽ dựng lên một thứ chính quyền mới hoàn toàn biết vâng phục theo ý muốn cuả Hoa Kỳ, hay đúng ra trong lúc này, là ý muốn cuả “Giới tài phiệt – Financial Oligarchy” cuả Mỹ đang tính chuyện kiếm lời thật lớn lao trong cuộc chiến tranh đang xẩy ra trên đất nước Việt nam nhỏ bé nhưng đầy đau khổ, máu xương và nước mắt này…
Đó ! Câu trả lời cho cái đầu đề cuả bài viết này “Tại sao có cuộc đảo chánh lật đổ Ông Ngô Đình Diệm?” tưởng đã đủ rõ ràng, khả dĩ góp phần nhỏ bé vào việc làm sáng tỏ một trang lịch sử cận đại cuả một đất nước, một dân tộc anh hùng, nhưng quá bé nhỏ trước nanh vuốt cuả một bầy thú dữ khổng lồ, hung bạo nên đành phải chịu chấp nhận tủi nhục, đau thương…
Nó là một bài học vô cùng quý giá cho những quốc gia cường thịnh cũng như nhược tiểu trong cuộc đoàn kết đấu tranh để sinh tồn trong một thế giới ngày càng thêm phức tạp, rắc rối, đòi hỏi một thế liên minh sáng suốt, khôn ngoan và chung thủy. Nếu không, kẻ thắng và người thua, rút cuộc tất cả như nhau, sẽ mang vào mình những kết quả thảm hại, những cái nhìn xấu xa nhất cuả những người chung quanh, kể cả kẻ thù lẫn bè bạn…
California - U.S.A
Phan Đức Minh
Tài liệu tham khảo :
* The Death of A Nation.- John A. Stormer.- Liberty Bell Press – Missouri, 1978.
* The World Almanac of The Vietnam War.- John S. Bowman (General Editor). Bison Books Corp.- New York, 1985.
* Vietnam : The History & The Tactics .- Ahsley Brown & Adrian Gilbert .- Orbis Publishing Limited .- London,1982.
* The Final Days .- Bob Woodward & Carl Bernstein.- The Hearst Corporation.- New York, 1976.
* Henry Kissinger Diplomacy. - Simon & Schuster.- New York, 1994.-
* Kennedy .- Theodore Sorensen.- Harper & Row.- New York, 1965.-
*A Book of U.S. Presidents. - George Sullivan .- Scholastic Incorporation.- New York,1984.
https://groups.google.com/forum
Truất phế Bảo Đại và
khai sinh Đệ Nhất Cộng Hòa
Lâm Lễ Trinh
Đến nay một số sử liệu giải mật ngoại quốc và nhiều hồi ký cuả tác giả Việt có đề cập đến hai ngày trọng đại trong lịch sử Đất nước chúng ta: Ngày 23.10.1955 Hoàng đế Bảo Đại bị truất phế và ngày 26.10.1956, ban hành bản Hiến Pháp Việt Nam đầu tiên. Ngày 23 tháng này sẽ đánh dấu 50 năm kỷ niệm việc thay đổi thể chế ở Việt Nam từ một nước Quân chủ lâu đời bước qua chế độ Cọng hòa tân thời. Sự thay đổi vưà nói đã vượt qua nhiều giai đoạn xung đột nội bộ quốc gia, giữa lúc Cọng sản Bắc Việt, thực dân Pháp và giáo phái ở miền Nam VN đang hỗn chiến với nhau.
Trong vị thế Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Nội vụ trong Nội các Ngô Đình Diệm từ 1955 cho đến cuối 1959, người viết đã chứng kiến và tham gia trực tiếp vào bi kịch trên đây. Mong bài này giúp độc giả biết thêm một số dữ kiện chưa hề tiết lộ.
Trường hợp dẫn đến quyết định truất phế Bảo Đại
Hoàng tữ Vĩnh Thụy (hay mệ Vững trong hoàng tộc), sinh ngày 22.10.1913 tại Huế và mất ngày 31.7.1997 tại Paris, hưởng thọ 83 tuổi, là con trai duy nhất của vua Khải Định và vị Hoàng đế chót của triều Nguyễn Gia Long. Cuộc đời chính trị của ông có thể chia ra thành ba giai đọan: 1) Hoàng đế, 1932-1945. 2) Quốc trưởng, 1949-1955, và 3) Lưu vong, 1955-1997. Khi vua Khải Định băng hà năm 1932 thì Hoàng tử Vĩnh Thụy được 12 tuổi, đang du học tại Pháp dưới sự chăm sóc của vợ chồng cựu Toàn quyền Charles. Ông trở về VN dự lể tấn phong và lên ngôi đưới danh hiệu Bảo Đại.
Nhựt đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9.3.1945. Bảo Đại cho thành lập chính phủ Trần Trọng Kim ngày 16.4.1945 theo lời yêu cầu của Đại sứ Yokoyama và tuyên bố hủy bỏ tất cả các Hoà ước bất bình đẳng ký với Pháp năm Nhâm Tuất 1862, Giáp Tuất 1874, Quý Mùi 1883 và Giáp thân 1884. Nhựt hoàng đầu hàng vô điều kiện ngày 15.8.1945, thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức. Hai hôm sau, ngày 17 tháng 8, Việt Minh (tức Mặt trận VN Độc lập Đồng Minh) biến cuộc biểu tình lối 20.000 người được Tổng hội công chức phát động trước Nhà Hát Lớn Hànội để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim thành một cuộc tuần hành đòi Độc lập. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện . Khâm sai Phan Kế Toại rút lui, nhường chổ cho một Ủy ban Nhân dân tạm thời, không nêu rõ danh tánh các thành viên. Ngày 19 tháng 8, Việt Minh cướp chính quyền trong một cuộc binh biến mà chúng huênh hoang gọi là cuộc Cách Mạng Tháng Tám hay Tổng Khởi Nghĩa.
Trường hợp dẫn đến sự thoái vị ngày 25.8.1945 được chính vua Bảo Đại kể lại trong quyển hồi ký tiếng Pháp “Le Dragon d’Annam” (nxb Plon, Paris, 1980), trang 115-137, với các điểm đáng lưu ý sau đây:
1- Bảo Đại và các đảng phái quốc gia không có một phương tiện thông tin đại chúng nào trong tay và hoàn toàn mù tịt về những biến chuyển thế giới ngoài Việt Nam. Đăc biệt họ không biết gì về quyết định của Hội nghị Postdam nhóm từ 17.7 cho đến 2.8.1945 giao cho Trung Hoa của Tưởng giới Thạch (trên vĩ tuyến 16) và quân đội Anh (dưới vĩ tuyến 16) giải giới Nhựt mà không đề cập đến tương lai chính trị của bán đảo Đông Dương. Trong khi đó, Việt Minh đã chiếm rất sớm đài Radio Bạch Mai và có hai nhựt báo Cứu Quốc và Quyết Chiến phổ biến mạnh tại Hànội và Huế.
2- Sự kiện nêu trên tạo ra một khoảng trống chính trị vô cùng có lợi cho Việt Minh. Bảo Đại than phiền, nới trang 118-119 của hồi ký, các lãnh tụ trong khối đồng Minh, từ Truman, De Gaulle, Quốc vương Anh cho đến Tưởng Giới Thạch, không một ai để ý trả lời thơ xin ủng hộ của ông trong khi phiá CS được võ trang và đã bắt liên lạc với các cơ quan tình báo Mỹ, Pháp và Hoa. Bảo Đại viết: “ Tôi không huy động được quần chúng, các người thân cận của tôi đều ẩn trốn hay âm mưu chống tôi. Trần Trọng Kim và các Tổng trưởng biến mất tất cả. Tôi cô đơn trong một thủ đô chết. Mọi việc có vẻ thuận lợi cho CS như một phép lạ. Sự thành công không thể chối cải của họ có phải là dấu hiệu họ nhận được một thiên mạng, mandat du ciel, hay không? Tôi phải rút lui, như họ đòi hỏi. CS muốn làm cách mạng (révolution). Tôi sẽ thức hiện điều này không đổ máu. Bằng một cuộc tiến trình chính trị (évolution politique)” (trang 119)
Với tinh thần chủ bại ấy, Bảo Đại sẳn sàng đầu hàng. Ngày 22.8.1945, Trưởng ty Bưu Điện Huế mang trình ông một điện tín ngắn gởi từ Hànội của một “Ủy ban đaị diện các đảng phái và quần chúng yêu nước” kêu gọi nhà vua trao quyền cho Nhân dân. Bảo Đại chưa từng gặp một lãnh tụ Việt Minh nào nhưng tin nơi “tính cách chân thành không chối cải” của tối hậu thơ (trang 118). Bảo Đại gởi hai cộng sự viên duy nhất còn lại là Hoàng thân Vĩnh Cẩn và Chánh văn Phòng Phạm Khắc Hoè ra điều tra ngoài Thành Nội, họ trở về tay không. Với sự giúp đở của Vĩnh Cẩn, Bảo Đại liền thảo một điện văn trả lời mời ủy ban gởi gấp đại diện về Huế để làm lễ trao quyền. Bảo Đại viết: “Tôi cho phóng thông điệp này vào không trung như thảy một ve chai ra biển rộng.” Sáng 25 tháng 8, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận xuất hiện, tuyên bố đại diện chủ tịch Hồ Chí Minh, để nhận ấn kiếm do Bảo Đại trao lại tại Điện Kiến Trung, sau khi nhà vua tuyên bố vắn tắt “Dân vi quý. Trẩm thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một xứ nô lệ” trước một đám đông quần chúng “bỡ ngỡ, kinh ngạc, như bị sét đánh” (Bảo Đại viết).
3- Đa số lãnh tụ các đảng chống Cộng nhận định về sau: Ngày 19.9.1945, Việt Minh không mạnh như ngưới ta tưởng. Chúng thắng vì có lãnh đạo, tuyên truyền giỏi, biết chụp thời cơ – vì các đảng quốc gia lừng khừng, thiếu tổ chức và xâu xé nôi bộ, mặc dù lúc đó Đại Việt Dân chính, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng đã đồng ý thống nhất “trên nguyên tắc.” Hai cố nghị sĩ Trần Trung Dung và Đặng Văn Sung đã xác nhận chua cay với người viết: Việt Minh đã phỏng tay trên cánh quốc gia một cách dễ dàng. Đặc biệt, Bs Nguyễn Tường Bách, cựu chỉ huy với Vũ Hồng Khanh Đệ tam chiến khu của VN Cách Mạng Đồng Minh Hội và VN Quốc Dân Đảng, từ Vĩnh Yên tới Lào kay, thố lộ với người viết: Phe quốc gia lúc đó không biết tí gì về chuyện Việt Minh tổ chức một hội nghị quan trọng tại Tân Trào, Thái Nguyên. Họ “vẫn ngây ngô tin rằng Nhật còn đủ sức chống cự một thời gian nên không cấp tốc chuẩn bị tổng hành động hay đảo chính!”
4- Để bào chửa quyết định thoái vị, Bảo Đại lập luận ông muốn tránh nội chiến và bảo vệ sự thống nhất và dân chủ hoá Đất nước sau một thế kỷ Pháp thuộc. Một thời gian ngắn sau, ông ra Hànội nhận chức Cố vấn tối cao (bù nhìn) trong Chính phủ Liên hiệp do Hồ tổ chức và cầm đầu ngày 11.11.1945 dưới áp lực của các đảng. Đầu tháng giêng 1946, Hồ gởi Bảo Đại “đi nghỉ mát” tại Sầm Sơn. Một hình thức lưu đày. Để có thể trở về Hànội, cựu Hoàng ngoan ngoãn nhận chức dân biểu (bù nhìn) tỉnh Thanh Hoá trong Quốc hội Lập hiến với 92% thăm cử tri. Ông thú nhận không biết rõ bầu cử ngày nào, không có bỏ thăm và cũng không hề đi vận động bầu cử (trang 144). Chưa hết. Ngày 15.9.1946, Hồ sắp xếp cho Tổng thống Tưởng Giới Thạch mời cựu Hoàng qua viếng Trùng Khánh. Đây là cách tống khứ chướng ngại vật Bảo Đại ra khỏi VN. Bị lưu đày lần thứ hai, Bảo Đại trôi dạt về Hồng Kông, tứ cố vô thân, sống lang bạt với vài mỹ kim trong túi. Giữa mùa hè 1948, Pháp làm sống lại “Giải pháp Bảo Đại”. Một số chính khách (Lưu Đức Trung, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Bảo Toàn, Trần Văn Lý, Đặng Văn Sung, Trần Trung Dung...) rủ nhau bay sang Hồng Kông tiếp xúc với nhà vua (trang 161-172).
Trong Hồi ký, dù bị lợi dụng bỉ ổi, Bảo Đại tỏ lòng khâm phục Hồ Chí Minh đã đối xử với ông “một cách lịch sự, nể trọng, thân yêu như tình cha con, chẳng những luôn luôn chăm lo vấn đề an ninh và sức khoẻ mà lại còn căn dặn nên thận trọng trong việc giao dịch với phái yếu”(nguyên văn). Vào cuối cuộc đời, Bảo Đại viết: "Tôi không nghi ngờ bị chủ tịch Hồ lừa phỉnh, tôi tiếp tục đóng kịch. Dù sao, tôi nghĩ ông ấy nhiệt tình tranh đấu cho sự độc lập của xứ sở. Bất chấp dĩ vãng và phương pháp của ông, tôi thủy chung ủng hộ. Xét cho cùng, tôi thích thái độ của ông hơn thái độ của các nhà lãnh tụ quốc gia, bù nhìn thật sự trong tay Trung quốc, Tout bien examiné, je préfère son attitude à celle des leaders nationalistes, véritables fantoches entre les mains des Chinois" (trang 139).
Cuộc sống lưu vong của Cựu Hoàng rất cô đơn tại Paris, trong một gian nhà nhỏ ở đường Fresnel gần đồi Trocadéro. Sau 1975, ông xin rửa tội vào đạo Thiên Chúa dưới tên thánh Jean Robert và tái lập gia đình năm 1972 với một phụ nữ Pháp tên Monique Baudot, gốc Lorraine.Ông không có một hoạt động chính trị nào và cũng không tuyên bố gì. Năm 1982, đáp lời mời của một nhóm Việt kiều, ông có qua viếng Californie ba tuần. Ông được an táng ngày 6.8.1997 tại nghiã trang Passy. Một nắm mồ khiêm nhường, bên cạnh ngôi mộ của nhà văn hào Virgil Gheorghiu, gốc Roumain, tác giả của quyển sách bất hủ “Giờ Thứ 25”. Không có một gương mặt chính trị VN nào dự đám táng thô sơ của vị Hoàng đế cuối cùng nhà Nguyễn.
Những bí ẩn bên trong Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng
Bảo Đại đã nhân danh chống Pháp để thoái vị và trao quyền cho CS lãnh đạo cuộc chiến kết thúc bằng trận đánh cuối cùng tại Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954. Oái oăm thay, chính đế quốc Pháp đã đặt Bảo Đại trở lại trên ngai vàng để chống lại CS Bắc Việt sau khi, tại Hà Đông, Cao ủy Bollaert tuyên bố Pháp muốn tái đàm với cánh quốc gia. Tháng 8.1948, Bảo Đại chỉ định Trung tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập “Chính phủ Trung ương Lâm thời VN”.
Dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại, qua những nội các liên tiếp Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm và Bửu Lộc, Miền Nam VN rơi vào cảnh hỗn loạn. Cuối cùng nhà vua phải kêu cứu đến chí sĩ Ngô Đình Diệm ngày 9.7.1954, mặc dù trước đó ông Diệm đã ba lần thoái thác.
Hiệp ước đình chiến Genève ký kết ngày 21.7.1954 chia đôi VN nơi vĩ tuyến 17.
Bảo Đại gây khó khăn cho ông Diệm bằng cách từ Cannes gởi ngày 28.4. và 30.4.1955 hai công điện liên tiếp triệu hồi TT Diệm qua Pháp để “tham khảo ý kiến” vì ông Diệm khai trừ tướng Nguyễn Văn Hinh, không chấp nhận tướng Nguyễn Văn Vĩ như tân Tổng tư lệnh Quân đội, cương quyết kết thúc kế hoạch dẹp giáo phái, quét sạch Bình Xuyên và giải tán tổ chức võ trang UMDC của Leroy. Ý đồ của Bảo Đại là thay thế Thủ tướng Diệm, có thể bằng Lê Văn Viễn tự Bảy Viễn, sếp sòng Bình Xuyên, lúc đó đang nắm giữ guồng máy cảnh sát, công an và kiểm soát sòng bài Đại Thế Giới để cung cấp tiền nong cho Quốc trưởng.
Bị lấn vào chân tường, TT Diệm phúc đáp: Hội đồng Nội các không đồng ý để ông xuất ngọai giữa tình thế rối ren của xứ sở và một Hội nghị các Chính đảng và Nhân sĩ Quốc gia sẽ được triệu tập ngày 29.4.1955 tại Dinh Độc Lập để cho biết ý kiến “Thủ tướng có bổn phận thi hành lệnh triệu thỉnh của Quốc trưởng hay không?”. Hội nghị này gồm có 18 chính đảng, đoàn thể và 29 nhân sĩ Miền Nam. Đặc biệt, ba tổ chức nổi bật vì có thực lực: VN Dân Xã Đảng (Hoà Hảo) mà bí thơ là Nguyễn Bảo Toàn, VN Phục Quốc Hội (Cao Đài) do Hồ Hán Sơn thay mặt và Mặt trận Quốc gia Kháng chiến VN của Trình Minh Thế, do Nhị Lang đại diện.
Nhị Lang, tác giả của quyển sách “Phong trào kháng chiến Trình Minh Thế” (nxb Alpha, Virginia,1989), kể lại: đúng 10 giờ sáng ngày ghi trên, Thủ tướng Diệm tiến vào phòng họp với vẻ mặt ưu tư, tuyên bố vắn tắt lý do, xong kiếu từ ngay, “để Quý Ngài được tự do thảo luận”. Hội nghị bầu Nguyễn Bảo Toàn vào ghế chủ tọa, Phạm Việt Tuyền vào ghế Tổng thư ký. Như đã thoả thuận với nhau từ trước, Nhị Lang, NBToàn và HHSơn khai pháo bằng cách đặt thẳng với Hội nghị một vấn đề duy nhất: truất phế Bảo Đại, khỏi bàn đến chuyện gì khác. Nếu Hội nghị từ chối chương trình nghị sự này, ba đoàn thể của họ sẽ rút lui liền. Bầu không khí cực kỳ sôi động. Bên ngoài, lúc đó, từ cầu chữ Y, quân Bình Xuyên pháo kích xung quanh Dinh Độc Lập. Các tổ chức và phần tử ủng hộ từ lâu TT Diệm tỏ ra quá khích. Nhà báo Bùi Quang Nga, bút hiệu Văn Ngọc, vừa hô to “Đả đảo Bảo Đại”, vừa tuột giày, ném vào bức chân dung đồ sộ của Cựu Hoàng treo trên vách Phòng Khánh tiết. Tiếp theo, nhiều nhân vật như Vũ Văn Mẩu, Hoàng Cơ Thụy… công kênh Nhị Lang lên vai họ để triệt hạ chân dung này giữa tiếng hoan hô vang dội. Hội nghị bầu ra một Ủy ban cách Mạng, sau đổi là Hội đồng Nhân Dân Cách mạng, rồi Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia, thể theo ý kiến của một số nhân vật “ôn hoà” lo ngại chính quyền Diệm sẽ không kiểm soát nổi khuynh hướng cực đoan. Hội đồng này gồm có Nguyễn Bảo Toàn (chủ tịch), Hồ Hán Sơn (Phó chủ tịch) Nhị Lang (Tổng thư ký) và một số ủy viên như Hoàng Cơ Thụy, Trần Thanh Hiệp, Đoàn Trung Còn, Hoàng Phố, Văn Ngọc, bà Đức Thọ, Hùynh Minh Ý, Hà Huy Liêm và Nguyễn Hữu Khai. Cuối cùng, Hội nghị đưa ra một bản Quyết nghị nảy lửa, gồm ba điểm: Truất phế Bảo Đại, giải tán Chính phủ Diệm và ủy nhiệm chí sĩ N Đ Diệm thành lập Chính phủ Cách Mạng Lâm thời, tổ chức tổng tuyển cử, tiến tới chế độ cọng hoà.
Lúc 5 giờ chiều, sau phiên nhóm kéo dài 7 tiếng, chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn mời TT Diệm xuống phòng họp nghe kết quả. Nhị Lang viết: “Khi Thủ tướng nghe xong, tôi thấy mặt ông tái hẳn đi. Tôi chắc ông không ngờ Hội nghị này lại quay sang một chiều hướng khác và lôi kéo ông đi một bước quá xa như vậy… Thủ tướng Diệm lộ vẻ đăm chiêu và nói bằng một giọng trầm mặc: “Xin quý ngài cho tôi được có thời giờ suy nghỉ kỹ về vấn đề trọng đại này!”(trang 310).
Qua ngày 30 tháng 4, lại một cuôc tập họp đông đảo khác tại Phòng Khánh tiết Toà Đô chính Sàigòn để triệt hạ hình Bảo Đại và nghe NB Toàn, HH Sơn, Nhị Lang tường trình. Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương và Nguyễn Giác Ngộ xuất hiện, dân chúng hoan hô. Một Hội Đồng Chỉ Đạo được thành lập, gồm có ba tướng giáo phái này, để bao trùm lên Ủy ban Cách Mạng, theo lời đề nghị đầy tham vọng của Nguyễn Thành Phương. Khi sáu nhân vật vừa kể lập một phái đoàn vào Dinh Độc Lập lúc 6 giờ chiều, để thông báo cho Thủ tướng thì họ thấy lối 50 sĩ quan Quân đội quốc gia có mặt ở tầng dưới và hai tướng Nguyễn Văn Vỹ và Lê Văn Tỵ trong phòng khách nhỏ ở tầng trên. Trong hối ký “VN Nhân Chứng” (nxb Xuân Thu, 1989), Trân Văn Đôn kể lại: Trưa 29.4.1955, Vỹ và Đôn đến nhà tướng Tỵ yêu cầu trao quyền cho Vỹ theo sắc lệnh của Bảo Đại, ông Tỵ trả lời: “Tôi sẵn sàng nếu Thủ tướng ra lệnh”. Tất cả đồng ý vào gặp Thủ tướng. Chỉ có Đổ Cao Trí đòi ỏ lại: “Các anh vô đi. Nếu có gì xảy ra, tôi đến vây Dinh Độc Lập”. Một bi kịch bất ngờ xảy ra làm đảo lộn lịch sử Đất nước: Với sự chấp thuận của Trình Minh Thế và Nguyễn Thành Phương, Nhị Lang lặng lẽ đột nhập vào phòng khách, chĩa thẳng khẩu súng Colt 45 vào người tướng Vỹ, hô to: “Dơ tay lên, không tôi bắn!”. Vỹ hoảng hốt dơ tay khỏi đầu. Tướng Tỵ liều mạng chạy lại ôm lấy Nhị Lang nhưng bị gạt ra. Nhị Lang gọi Hồ Hán Sơn, chỉ về phiá Vỹ: “Hãy bóc ga lông của ông này cho tôi!”, Sơn làm ngay. Phóng viên Francois Sully chụp được tấm hình và cho đăng vào báo Life, số phát hành tháng 7.1955. Bộ trưởng Trần Trung Dung cấp báo với Thủ tướng: “Cụ! Cụ! Chúng nó đang định bắt giết ông Vỹ!”. TT Diệm vội ra kéo Vỹ vào phòng. Cố vấn Nhu chạy đến can gián Nhị Lang: “Thôi đừng nóng, mấy ông tướng đang họp bàn với cụ”
Trả lời người viết, Nhị Lang cho biết những diễn tiến sau đó: trong một buổi họp liền tiếp theo giữa TT Diệm, Nhị Lang, Hồ Hán Sơn và hai tướng Vỹ, Tỵ trong phòng ngủ (vừa dùng làm văn phòng) cuả ông Diệm, tướng Vỹ cuối cùng – để được tự do – chịu ký một tuyên ngôn ngắn “tự nguyện từ bỏ hết mọi quyền hành chức chưởng do Bảo Đại ban cho và tự nguyện gia nhập hàng ngũ cách mạng” (nguyên văn). Ngoài ra, lấy lại được chức Tham mưu trưởng, tướng Tỵ cũng bảo đảm “Vỹ sẽ không làm phản”. Trong suốt phiên họp, Đổ Cao Trí và hai tiểu đoàn Ngự Lâm quân bao Dinh Độc lập để gây áp lực, không ngớt kêu vào xin nói chuyện với Vỹ. Rốt cuộc, họ êm thấm rút lui vì bị kềm kẹp giữa hai đối thủ, phiá trước là toán binh phòng vệ Dinh Độc Lập của đại tá Vinh, phiá sau là các đơn vị Cao Đài của Nguyễn Thành Phương bố trí tại đường Trần Quý Cáp và Liên Minh của Trình Minh Thế phục kích ở đường Phan Đình Phùng.
Ngày hôm sau. theo Trần Văn Đôn trong hồi ký, tướng Vỹ họp báo cho biết Quân đội sẽ đảo chính vì TT Diệm bị Thế, Toàn và Nhị Lang lấn quyền. Các sĩ quan nhóm, có mặt Nguyễn Hữu Có, Dương Văn Đức, T V Đôn v.v... Lê Văn Tỵ hỏi: Các anh làm gì đó? Vỹ đáp: Tôi đảo chính!. Tỵ: Anh lấy gì để đảo chính? Vỹ: Quân đội. Tướng Tỵ lột sao cuả mình bỏ xuống bàn: “Tôi lột lon trao cho anh đây. Tôi không theo anh đâu!” Nguyễn Văn Vỹ và Nguyễn Tuyên bay lên Đà Lạt, từ đó qua Cao Miên rồi sang Pháp sống lưu vong. Điểm đáng lưu ý là trong quyển “Le Dragon d’Annam”, Bảo Đại rất vắn tắt, không kể lại những chi tiết trên đây, chỉ ghi rằng ông đồng ý cho tướng Vỹ đảo chính TT Diệm và phủ nhận tính cách hợp pháp của Hội Nghị Toàn Dân ngày 29 tháng 4.
Ngô Đình Diệm có sẳn sàng truất phế Bảo Đại hay không?
Đa số các tác giả trà lời: Không. Trừ Đổ Mậu (“VN máu lửa Quê hương tôi” nxb Hoa kỳ 1986). Tất cả những ai từng tiếp xúc với ông Diệm đều nhận xét ông luôn luôn giữ thái độ khiêm cung thành tín khi nói đến các vua chúa triều Nguyễn, kể luôn Bảo Đại, mà ông không bao giờ phê bình thiếu lễ độ. Người viết còn nhớ: Sau 1956, khi ban sắc lệnh cải tổ hành chính, Tổng thống Diệm đặt trọng tâm vẽ lại bản đồ các tỉnh Miền Nam (thay đổi ranh giới, đặt tên mới, tổ chức quy chế xã, quận và đô thị v.v...) nhưng giữ nguyên các cơ chế tại Miền Trung do các vua chúa đặt ra vì cho rằng tổ chức này không cần canh tân. Khi Bộ Nội vụ, do người viết phụ trách, làm thủ tục tịch thu tài sản của Cựu Hoàng, Tổng thống ra lệnh nới tay, giúp Đức Từ Cung có phương tiện sinh sống đầy đủ và chỉ thị cho các tỉnh trưởng trùng tu lăng tẩm của những đấng Tiên Đế.
Chính Nhị Lang thường xác nhận nhiều lần với người viết rằng Thủ tướng Diệm không hiện diện khi Hội Đồng Cách Mạng lấy quyết định truất phế Bảo Đại, ông Diệm tỏ vẻ không thoải mái nhận quyền ủy nhiệm của Hội đồng và không ngờ mọi việc diễn tiến ngoài mọi dự tính như vậy. Nhị Lang viết trong Hồi ký: “Cái Ủy Ban Chỉ Đạo do sáng kiến của Nguyễn Thành Phương đã gieo nghi ngờ trong lòng Thủ tướng chính phủ càng ngày càng ác cảm với tướng Phương và đưa Phương đến chổ suy bại”. Để kềm hảm những thành phần “cách mạng quá khích”, ông Nhu gài những cán bộ thân tín như Hà Huy Liêm, Văn Ngọc, Nguyễn Hữu Khai và Hùynh Minh Ý vào Hội Đồng để gây lục đục. Mặt khác, Bộ trưởng Thông tin Trần Chánh Thành và tướng Nguyễn Ngọc Lễ, TGĐ Cảnh sát- Công An, áp dụng nhiều biện pháp tạo khó dễ.
Chuyện gì đã xảy ra cho các lãnh tụ cốt cán trong Hội Đồng Cách Mạng và Ủy ban Chỉ Đạo?
1. Chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn, đứng đầu Lực lượng Hoà Hảo (tổ chức đông và mạnh nhất năm 1955), từ chức, trốn qua Phi Luật Tân, rồi bị thủ tiêu khi trở lại VN. Ông là nhân vật từng ủng hộ Giải pháp Bảo Đại và sáng lập viên Mặt trận Thống nhất Quốc gia với Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam. Cựu đại tá Nguyễn Văn Y, nguyên cục trưởng Trung ương Tình báo và TGĐ Công an thời Diệm, hiện ở Virginia, quả quyết với người viết rằng Hội đồng Quân nhân năm 1963 vu oan ông đã giết NB Toàn. Theo ông, công tác này có thể do nhóm Lê Quang Tung hay Dương Văn Hiếu thi hành theo lệnh của Ngô Đình Nhu.
2. Hồ Hán Sơn, gốc Hà Tỉnh, vào Nam năm 1954, gia nhập VN Phục Quốc Hội của Nguyễn Thành Phương, đuợc Hộ pháp Phạm Công Tắc vinh thăng Đại tá Cao Đài, tác giả “Nghệ thuật Chỉ đạo Chiến tranh” từng làm say mê Trình Minh Thế. Người lùn thấp, đầu tóc bờm xờm, ăn nói ngang tàng, đã tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho các sĩ quan Cao Đài. Sau biến cố tháng 4.1955, Sơn thất sủng, rồi bị Nguyễn Thành Phương (lúc đó xoay qua chống NĐ Diệm) đưa ra xử tại một phiên họp cao cấp Cao Đài tại số 195 đường Công lý Sàigòn, chỉ vì Sơn đi dùng cơm với Bộ trưởng Trần Chánh Thành, hành động coi như “đào ngũ, tư thông với địch”. Ở tù tại Bến Kéo, Tây Ninh, Hồ Hán Sơn bị trung úy N.N.V, bí thơ của tướng Phương, hạ sát, ném thây xuống giếng. Theo Nhị Lang kể lại, năm 1961, H M H., em ruột của Sơn, định truy tố Nguyễn Thành Phương trước Toà án, Nhị Lang khuyên y bỏ qua nội vụ.
3- Nhị Lang, tên thật là Thái Lân, xin tị nạn tại Nam Vang cuối 1955 và chỉ trở lại VN sau vụ đảo chính 1963. Đảng viên VN Quốc Dân Đảng, rể của Nhất Linh, ông làm cố vấn từ 1951 cho Trình Minh Thế, lãnh tụ nhóm Cao Đài kháng chiến Liên Minh. Trả lời người viết, Nhị Lang cho biết lý do phải trốn qua Cam-bốt là để tránh sự đàn áp từ một số cơ quan chính quyền. Đặc biệt, Trần Chánh Thành và Nguyễn Ngọc Lễ đã vu khống ông bỏ túi trên một triệu bạc cấp cho Hội đồng Cách Mạng. Có một lần, Nhị Lang bị nhân viên cảnh sát của Trần Bá Thành chận bắt, phải nhờ Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Thinh can thiệp mới được thả. Lý do khác là Nhị Lang bị kẹt giữa hai lằn đạn, hai tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương (Tòa thánh Tây Ninh) và Văn Thành Cao (Liên Minh kháng chiến, thay Trình Minh Thế tử trận ngày 3.5.1955) tranh dành ngôi vị, không vì lý tưởng. Nhị Lang cũng đã bút chiến dai dẳng với Đổ Mậu tại Hoa kỳ vì Mậu tố ông cọng tác với Sihanouk và CS Mai Văn Bộ. Theo Nhị Lang, Sihanouk đã từ chối trục xuất ông khỏi Cam-bốt theo lời yêu cầu của Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống Nguyễn Hữu Châu. Năm 1970, Nhị Lang giữ vai trò Tổng thơ ký trong “Ủy ban phối hợp Hành động các Chính đảng” – một tổ chức hữu danh vô thực – để giúp cựu chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ ra ứng cử Phó Tổng thống trong liên danh Nguyễn Cao Kỳ tranh với Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh. Một điều khó hiểu là Nhị Lang luôn luôn ca tụng TT Diệm và Cố vấn Nhu. Cho đến ngày ông qua đời năm ngoái ở tiểu bang Colorado.
4- Nguyễn Thành Phương, Tổng tư lệnh Cao Đài Tây Ninh, lãnh tụ Việt Nam Phục quốc Hội, được TT Diệm vinh thăng Trung tướng, vì thế ủng hộ mạnh mẽ Chính phủ lúc đầu. Hằng tháng, Phương lãnh được một quỹ đen, nói là để giúp quân đội Cao Đài. Ý đồ của Phương lũng đoạn chính phủ bằng Ủy ban Chỉ đạo nóí trên quá lộ liểu nên gây ngờ vực. Sau ngày Trình Minh Thế tử trận, Phương mất chức Quốc vụ khanh và ra mặt chống Diệm cay cú. Phương ra ứng cử Phó Tổng thống, chung liên danh với Nguyễn Đình Quát chống lại Ngô Đình Diệm. Ngày 31.3.1955, khi được biết Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc định thay thế ông trong vai trò quân sự cao nhất trong Đạo, ông quyết định ra tay trước bằng cách “quốc gia hoá” toàn bộ Quân đội Cao Đài, giao cho Chính phủ. Mặt khác, ông phát động một chiến dịch bôi nhọ Toà thánh Tây Ninh khiến giáo chủ Phạm Công Tắc phải cùng với Bảo Đạo? Hồ Tấn Khoa qua tị nạn tại Cao Miên. Nơi đây, PC Tắc ngã hẳn về đường lối trung lập và xây cất một thánh thất đồ sộ, được nửa chừng thì Sihanouk ra lệnh phải ngưng. Đức Hộ pháp qua đời tại Nam Vang năm 1959. Sau 1975, một nhóm tín đồ vận động đem xác về chôn tại Tây Ninh.
Với cuộc trưng cầu dân ý ngày 26.10.1955, Thủ tướng Diệm trở thành Tổng thống. Chính quyền hạ ngón độc thủ, cho mở ngày 15.2.1956 Chiến dịch Bình định Miền Đông do tướng Văn Thành Cao – đối thủ của Phương – phụ trách, với Bộ chỉ huy đặt ở Toà thánh Tây Ninh. Nguyễn Thành Phương hoàn toàn thất sủng, bị lấy lại công thự số 195 Công Lý. Cuộc đời chính trị cuả y chấm dứt thê thảm. Trong cảnh túng thiếu, nghèo nàn.
5- Trình Minh Thế là một anh hùng yểu số. Đêm 6.6.1951, đại tá Tham mưu trưởng Cao Đài Trình Minh Thế bất thần “thoát ly” với một số chiến sĩ vào rừng Bưng Rồ, Tây Ninh, để lập chiến khu “chống cộng, đả thực và bài phong”. Đường lối này thích hợp với chủ trương của TT Diệm và đắc nhân tâm hơn các giáo phái khác, phần đông thân Pháp và ủng hộ Bảo Đại. Tuy rất trẻ – 29 tuổi – Thế có một kinh nghiệm khá vững về du kích chiến nhờ được Nhật huấn luyện. Ngày 20.8.1951, một Hội nghị đại biểu nhóm tại Gò Ngải và cho ra đời “Mặt trận Quốc gia Kháng chiến VN”. Quân đội Quốc gia Liên Minh lập hai chiến khu ở Núi Bà Đen và Bù Lu. Mau chóng, tổ chức này gây tiếng vang nhờ tài lãnh đạo của Thế. Trình Minh Thế sinh năm 1922 tại quận Gò Dầu, Tây Ninh, trong một gia đình nông dân, học lực chỉ đến mức primaire nhưng rất thông minh và yêu nước nồng cháy. Toà thánh Tây Ninh và tướng Nguyễn Văn Thành, Tổng tư lệnh Quân đội Cao Đài, gây khó cho tập thể Liên Minh bằng cách phong toả lương thực và cho tảo thanh trừng phạt nhiều phen.
Tham mưu trưởng Cao Đài Tướng Trình Minh Thế
Ba thành tích làm cho trùm CIA Edward Lansdale chú ý đến Thế: vụ cho bom nổ chậm trước nhà Hát Tây Saigon, vụ mưu sát tướng Pháp Chanson và Thủ hiến Thái Lập Thành tại Sadec và vụ bắt cóc Trần Quang Vinh (thân Pháp, thân Bảo Đại) mà Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc định bổ nhiệm để thay thế tướng Nguyễn Văn Thành. Sau nhiều lần viếng thăm chiến khu Liên Minh, Lansdale móc nối cho cố vấn Ngô Đình Nhu tiếp xúc thẳng với Thế.
Hoa kỳ đầu tư chính trị vào Liên Minh.
Ngày 31.1.1955, Thủ tướng Diệm đích thân đến Lò Gò, Tây Ninh, gần căn cứ Bầu Gõ của Liên Minh, mời Thế về hợp tác theo những điều kiện thỏa thuận giữa Nhu và Thế. Ngày 13.2.1955, một buổi lễ long trọng được tổ chức tại đại lộ Nguyễn Huệ Sàigon, trước sự hiện diện của đầy đủ ngoại giao đoàn, để trên 8.000 quân Liên Minh gia nhập Quân đội Quốc gia. Thế nhận từ tay Thủ tướng mũ nón và ngôi sao Thiếu tướng. Trước ngày về hợp tác, Thế làm một cú ngoạn mục gọi là quà sơ kiến, một món quà có lẽ làm hai ông Diệm, Nhu khá bỡ ngỡ: bắt giữ (và thu âm lén) Bs Phạm Hữu Chương, Tổng trưởng Xã hội, vì Chương thừa dịp viếng Tây Ninh, đến quyến rũ Thế bắt tay với Pháp. Hai nhân vật nhờ móc nối với Trình Minh Thế mà được bổ nhiệm vào Nội các là Huỳnh Hữu Nghĩa (Lao động) và Lê Văn Đồng (Canh Nông).
Ngày 28.3.1955, đáp lời mời của Tổng thống Nam Dương Soekarno, Chính phủ cử Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Văn Thoại, cựu giáo sư Collège de France, hướng dẫn một phái đoàn dự Hội nghỉ Á Phi tại Bandung. Có đủ mặt lãnh tụ: Nehru, Chu Ân Lai, Nasser, Sihanouk, Abdul Rhaman v.v... T M Thế xin phép tháp tùng, TT Diệm nể tình chấp nhận. Cánh Nguyễn Thành Phương gởi Hồ Hán Sơn làm quan sát viên. Tại Bandung, Thế và Sơn tự ý – không bàn trước nội dung với trưởng phái đoàn - thảo một “Tờ hịch” bằng Anh ngữ tố cáo Xã hội chủ nghiã. Thế đích thân ôm đi phát cho các phái đoàn trong lúc trên bục, đại diện các nước trung lập thao thao đề cao “5 nguyên tắc sống chung hoà bình.” Theo Trần Văn Đôn (VN Nhân chứng, trang 132), Nguyễn Văn Thoại đã ký vào bản tuyên cáo chủ trương phi liên kết. Ngày 10.5.1955, TT Diệm cải tổ Nội các, Nguyễn Văn Thoại bay chức.
Uy danh của tướng Thế qua mặt Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ và trung tá Quân trấn trưởng Dương Văn Minh, thấy rõ. Bởi thế, phần đông sĩ quan trong Quân đội lúc đó – do Pháp để lại – không khỏi xầm xì ganh tị. Cũng trong thời gian này, Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia (gồm có Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, Liên Minh và Dân Xã của tướng Lê Quang Vinh) ký chung một bản tuyên ngôn đoàn kết và cử phái đoàn trao cho Thủ tướng Diệm một tối hậu thư buộc phải cải tổ ngày 2 tháng 5 là thời hạn chót. Được Mỹ ủng hộ âm thầm, ông Diệm từ chối. Để cứu Chính phủ, tướng Thế họp báo tuyên bố Liên Minh rút khỏi Mặt trận. Bảy Viễn bắt đầu cho pháo kích Dinh Độc Lập. Mọi việc diễn tiến mau lẹ ngày 29.4.1955 như ghi trên. Ngày 3.5.1955, bất ngờ Thủ tướng Diệm cử Thế tấn công Bình Xuyên, dù ông dư biết mối giao hảo cá nhân tốt giữa hai bên. Phải chăng để thử lòng? Một thâm mưu? Tướng Thế nhận sự bổ nhiệm đầu tiên này.
Theo Nhị Lang kể lại: Đúng 7 giờ chiều ngày 3 tháng 5, Thế mất trong lúc ông đích thân đứng trên chiếc quân xa đi đầu để chỉ huy lính Liên Minh tiến qua cầu Tân Thuận, phiá Nam Sàigòn. Một viên đạn carbine duy nhất bắn rất gần vào lỗ tai bên phải xuyên qua mắt trái. Thế chết tức tốc. Người bắn viên đạn núp dưới chân cầu không thể cách xa mục tiêu hơn 10 thước. Khi đem xác về căn gác nhỏ ở đường Trương Minh Giảng thì tròng mắt và hàm răng giả của tướng Thế đã bay mất. Thủ tướng Diệm và cố vấn Nhu đòi đến thăm liền. Nhị Lang đề nghị đợi đến hôm sau vì lý do an ninh. Tờ mờ sáng ngày 4.5.1955, hai ông Diệm, Nhu đến. Tháp tùng có tướng Tỵ, toàn thể Nội các và Bộ Tham mưu. Thủ tướng đầm đià nước mắt, ôm ghì thi hài tướng Thế và ngất xỉu. Ông Nhu thì quỳ bên giường, nắm tay người chết, vưà kêu than ai oán “Anh Thế ơi”. Chính phủ vinh thăng TM Thế lên trung tướng và tổ chức lễ quốc táng ngày 6 tháng 5. Thế có mặt tại Sàigòn vỏn vẹn 80 ngày. Đại tá Văn Thành Cao, tay mặt của Thế, thăng cấp thiếu tướng. Lúc Thế tử trận, Cao về Đồng Tháp Mười để kiếm thêm viện binh Liên Minh vì Thế không dùng lính quốc gia, theo lời Nhị Lang.
Về cái chết của tướng Thế, có nhiều giả thuyết: Sau 1975, cựu trùm Đệ nhị phòng Savani viết một bài thú nhận đã chủ mưu giết Thế để trả thù các tội ác chống Pháp. Nhị Lang, trong Hồi ký, thì quy trách cho Mai Hữu Xuân và cực lực phản bác tin đồn vô căn cứ là do lệnh của ông Nhu, để trừ hậu hoạn. Trong nhiều đọan của hồi ký, trang 395 và tiếp theo, Nhị Lang than phiền Văn Thành Cao bỏ rơi Liên Minh để thụ hưởng, khiến cho một số sĩ quan của Thế trở vào bưng biền đầu tháng 9.1955 vì cho rằng chính quyền Diệm không thi hành các cam kết ngày 31.1.1955 tại Lò Gò. Có lẽ vì sự bất mãn đó, họ phao đồn Cao có liên hệ đến vụ bắn Thế. Cuối 1956, Cố vấn Ngô Đình Nhu có trao cho người viết (phụ trách Bộ Nội vụ) một hồ sơ tố Cao dự trử võ khí riêng. Tướng Cao có giải thích với người viết đây chỉ là một việc tư thù. Nội vụ được xếp. Cao là sĩ quan mang danh hiệu Liên Minh duy nhất được Đệ nhất và Đệ nhị Cọng hoà trọng dụng trong nhiều chức vụ (kể cả Đại biểu Chính phủ Miền Đông năm 1960, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia thời NV Thiệu, Phòng nghiên cứu du kích chiến, Bộ Tổng Tham Mưu v.v...). Sau 1975, ông bị đi cải tạo trên mười năm. Ông là một người thân tín của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Năm 1999, qua sự giới thiệu của cựu đại tá Cao Đài Đặng Quang Dương, hiện ở Dallas, nay trên 90 tuổi, cấp chỉ huy cũ của Thế và Cao, người viết gặp tại Orange County bà quả phụ Trình Minh Thế nhủ danh Nguyễn Thị Kim (hiện ở Calgary, Canada) và đặt câu hỏi. Bà Thế không đồng ý với Nhị Lang và có vẻ ấm ức nhiều chuyện. Cái chết của tướng Thế còn có ẩn khúc. Đặc biệt, tướng Lansdale, trong hồi ký, cũng không quy trách rõ ràng cho ai cả. Thời Đệ nhị Cộng hoà, ông có trở qua VN, đứng chủ hôn cho Trình Minh Nhựt, trưởng nam của Thế, cưới vợ.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 26.10.1955
Quyết nghị ngày 29.4.1955 của Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng khiến Thủ tướng Diệm không thể tránh tổ chức Trưng cầu Dân ý, dù muốn hay không. Trong thâm tâm, là một quan lại của Triều dình, ông Diệm bảo hoàng và rất lo ngại phạm tội khi quân (crime de lèse majesté). Nếu không bị Bảo Đại lấn ép quá đáng, ông không bao giờ có thái độ phạm thượng. Cố vấn Nhu, vốn không có cảm tình với chế độ quân chủ, dứt khoát hơn. Vấn đề là chụp thời cơ, đừng để quyền lực vuột khỏi tầm tay, chận các khuynh hướng quá khích – phiá quốc gia cũng như giáo phái đối lập - khuynh đảo chính phủ. Trong tình thế nguy kịch, gần như tuyệt vọng, Ông Diệm rất cần sự ủng hộ của thực lực Trình Minh Thế, được Lansdale bảo đảm, nhưng ông cũng biết Thế là một con dao hai lưỡi, một con ngựa bất kham, có nhiều cao vọng. Thế đã cố gắng thuyết phục ông Nhu – nhưng thất bại - vượt Bến Hải, chiếm hai tỉnh địa đầu Bắc Việt lập cái thế quân bình. Thế tánh tình bộc trực, ngang tàng, độc lập. Thế có đầu óc chính trị, tuy hợp tác với Chính phủ nhưng vẫn giữ mối giao hảo thân tình với Năm Lửa, Bảy Viển và đặc biệt Ba Cụt. Có lần Lê Quang Vinh và vợ là Cao Thị Nguyệt vào chiến khu thăm Thế, hai bên có vẻ tâm đầu ý hợp. Nhị Lang kể lại trong hồi ký, trang 180: Trước khi ra về, Ba Cụt nói với Thế: “Miền Đông có anh, Miền Tây có tôi, chúng ta sợ gì lũ cộng sản?” Tuy nhiên, theo gót “thầy dùi” Lansdale, vai trò king maker của Thế lộ liểu quá sớm. Điều này không khỏi làm Ngô Đình Nhu suy nghĩ.
NẾU (người viết nhấn mạnh vào chữ nếu) Thế dẹp được Bình Xuyên năm 1955– một bài toán tình cảm đối Thế – và NẾU Ba Cụt không bị xử tử năm 1956 thì chuyện gì xảy ra? Trình Minh Thế sẽ lên thế Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ? Bao lâu, TT Diệm (và ông Nhu) có thể kiểm soát một Trình Minh Thế ngang tàng và một Lê Quang Vinh ngang ngược trên con đường phản lọan? nhất là từ 1960 Hoa kỳ bắt đầu bỏ rơi chế độ Diệm? Hoa kỳ sẽ dùng Thế và Vinh chống Diệm cách nào? Đó là bi kịch của Miền Nam VN.
Lịch sử sẽ không thể phủ nhận nhóm Trình Minh Thế đã đóng một vai trò quyết đinh chuyển Miền Nam VN từ thời đại quân vương qua chế độ dân chủ. Nền Đệ nhất Cọng hoà khó thể ra đời sớm nếu thời cuộc không diễn tiến bất ngờ như trên, ngoài mọi ức đoán của cả Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Hoàng đế Bảo Đại. Lịch sử cũng không thể quên cố vấn Ngô Đình Nhu là một nhà mưu lược thượng thặng, trong cả hai nghĩa tốt và không tốt.
Trong VN Nhân Chứng, trang 133, Trần Văn Đôn viết: Theo ông Nhu kể lại, trước ngày trưng cầu dân ý, TT Diệm tự tay viết một là thư dài giải thích tình hình và mời Bảo Đại về nước lãnh đạo nhưng Cựu hoàng đòi một triệu mỹ kim. Trong Le Dragon D’Annam, trang 342, Bảo Đại cho biết ông không đồng ý lập một chính phủ lưu vong, không chịu «dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới» và phủ nhận chính sách Ngô Đình Diệm. Cựu chủ tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ nhận xét nơi trang 30 của hồi ký “VN, Où est la Vérité?” (nxb Lavauzelle, Paris 1989): Trên phiếu, dân chúng có thể chọn trả lời một trong hai câu hỏi: 1) tôi truất phế Bảo Đại và chọn NĐ Diệm như Tổng thống VN với sứ mạng lập một thể chế cọng hoà hay 2) tôi không truất phế bảo Đại và không công nhận NĐ Diệm như Tổng thống để thành lập thể chế cọng hoà. Kết quả: ông Diệm thắng 98.2%.Tỷ lệ này có vẻ không hoàn toàn trung thực, dù quần chúng mến mộ nhiệt tình ông Diệm lúc đó.
Bầu Quốc hội Lập hiến (tháng 3.1956) và ban hành Hiến pháp Đệ nhất Cọng hoà (ngày 26.10.1956).
Quốc hội Lập hiến gồm có 134 dân biểu thuộc bốn đảng thân chính phủ, không có đối lập. Ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm có Trần Văn Lắm (chủ tịch), Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Vũ Quốc Thông và Trương Vĩnh Lễ. Hiến pháp phỏng theo các hiến pháp Hoa kỳ và Pháp. Phủ Tổng Thống đề nghị tu chính một số điều khoản, Quốc hội chấp thuận. Việt Nam là một nước Cọng Hoà theo thể chế độc viện, có một Tổng thống và Phó Tổng thống cử theo lối phổ thông đầu phiếu. Hiến pháp không chấp nhận một người có thể nắm giữ hai chức Hành pháp và Lập pháp. Không có điều khoản nào cho phép truất phế, impeach, khi Tổng thống phạm trọng tội. Ngày 26.10.1956 ban hành Hiến pháp được chọn làm Ngày Quốc khánh. Trần Văn Lắm và Vũ Quốc Thông là chủ tịch và phó chủ tịch đầu tiên của Quốc hội.
Uy quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm mỗi ngày thêm vững, ít nữa cho đến cuối 1960. Ngày 20.7.1955, Chính phủ Diệm tuyên bố không chấp nhận chuẩn bị tổng tuyển cử qui định bởi Hiệp ước Genève. Với sự cọng tác của Bộ Nội vụ do người viết phụ trách, Hội đồng Nhân Dân Cách mạng tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại để đuổi về Bắc phái đoàn Văn Tiến Dũng trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (gồm có Ba Lan và Ấn độ). Văn phòng đại diện CS đặt tại khách sạn Majestic, Bến Bạch Đằng. Majestic bị phóng hoả, gây thiệt hại trên 5 triệu bạc, cũng như một khách sạn khác mang tên Galliéni ở đường Trần Hưng Đạo. Văn Tiến Dũng và các đồng chí thoát thân về trại của chúng ở Gia Định, bên cạnh nhà thương Nguyễn Văn Học. Nhiều ngày liên tiếp, đồng bào di cư, sinh viên, học sinh... cô lập họ bằng những lời chửi rủa thậm tệ. Điện, nước, lương thực bị cúp hoàn toàn. Cuối cùng Ủy Hội liên lạc với chính phủ xin bảo đảm cho phái đoàn Bắc Việt rời Sàigòn. Tổng Nha Cảnh sát/Công An cho những chiếc xe nhà binh bít bùng chở chúng lúc trời hừng sáng đến Tân Sơn Nhứt dưới sự đả đảo vang dậy của quần chúng. Tác giả bài này đích thân đến phi trường kiểm soát mọi thủ tục. Vào lúc máy bay Ủy hội sắp cất cánh, một sĩ quan CS hốc hác, đầu đội nón cối, không mang phù hiệu, bước đến chào người viết theo lối nhà binh, tự xưng là thiếu tá Văn Tiến Dũng. Y tỏ lời cám ơn giúp phái đòan ra đi trong trật tự.
Kết luận
Năm chục năm thấm thoát trôi qua. Dở lại những trang sử cũ, lòng buồn vô hạn. Chính trị đã đẩy xứ sở xuống đến tận đáy vực của tang tóc và chia rẻ, nhân danh một cuộc chiến tương tàn do đế quốc giựt dây. Đất nước đã thí nghiệm đau đớn nhiều thể chế: Quân chủ, Dân chủ và Xã hội chủ nghĩa. Đến nay, vẫn chưa tìm ra đáp số cho các vấn đề Chậm tiến, Tự Do và Thống Nhất. VN vẫn là một con thuyền say, trôi dạt không bờ, không bến. Nhóm cầm quyền ở Hànội vẫn bịt mắt trước cảnh khổ nhục của Việt Nam. Chừng nào chúng mới thức tỉnh?
LÂM LỄ TRINH
Thuỷ Hoa Trang
Ngày 9.10. 2005
Tài liệu tham khảo:
1 – “Le Dragon d’Annam” by S.M Bảo Đại, Plon, Paris 1980
2- “VN, Où Est La Vérité?" by Trương Vĩnh Lễ, Lavauzelle, Paris 1989
3 – «Việt Nam Nhân chứng» by Trần Văn Đôn, nxb Xuân Thu, Californie, 1989
4- « Phong trào Kháng Chiến Trình Minh Thế » by Nhị Lang, nxb Alpha, 1989
5- « VN Máu Lửa Quê Hương Tôi» by Đổ Mậu. Nxb Hoa kỳ, 1986, Californie
http://ongvove.wordpress.com
https://groups.google.com/forum
Đăng ngày 30 tháng 10.2017