banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Dịch giả Phan Tấn Khôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Saigon, ban Pháp văn, năm 1963 và Cao học Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm Saigon, năm 1972.

Chinh phụ ngâm khúc  
 
Tác giả: Maurice Durand
Người dịch:   Phan Tấn Khôi
 
VÀI HÀNG VỀ TÁC GIẢ MAURICE DURAND
Sinh tại Hà-Nội vào tháng tám  1914,  Maurice Durand là con trai của Gustave Durand, chánh phòng dịch thuật tại Tòa Án kiêm giáo sư tiếng Tầu tại Đại-học, và của  Nguyễn Thị Bình người gốc tỉnh Kiến-An, ở phía đông châu thổ Sông Hồng. Do đó ông đã được nuôi dưỡng vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Việt, và dĩ nhiên hai nền văn hóa đó đã in sâu vào đời sống và sự nghiệp của ông. Sau một học trình tại trường trung học Albert Sarraut Hà-nội,  Maurice Durand đã tiếp tục theo học tại Pháp nơi ông đạt được văn bằng cử nhân văn chương, kế đó Chứng chỉ Cao học (Loti et Extrême-Orient, 1937} trước khi đi phục vụ chiến trường Phi-châu. Năm 1946,  Maurice Durand trở lại Việt Nam làm giáo sư trung học và năm 1949, trở thành hội viên thường trực của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp. Từ năm 1954  tới năm đóng cửa 1957, ông là Giám đốc trung tâm Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà-nội.
Trở về Pháp, ông tiếp tục nghiên cứu văn học Việt-nam và giao tất cả các tác phẩm của ông cho Trường Viễn đông Bác cổ Pháp in. Trong số đó phải kể dến  Connaissance du Việt Nam, 1954;  La transcription de la langue Vietnamienne et l'oeuvre des Missionnaires Français, 1961 v.v...
Kể từ năm 1964,  Maurice Durand bắt đầu đau nặng  và sau nhiều cuộc giải phẫu, ông mất vào tháng tư 1966, ở vào tuổi 53. Ông để lại một tập bản thảo đang nghiên cứu dở dang về những bài thơ bằng chữ Nôm hiển nhiên là nguồn gốc của cuốn "L'Univers des Truyện Nôm", 1998 này.
        
CHINH PHỤ NGÂM KHÚC                     
Đây là một bài thơ bằng chữ Nôm mà nhân vật chính là vợ một người lính đi chinh chiến vùng xa đã từ nhiều năm. Bà thốt ra những lời than thở  dài về những nỗi đau đớn của sự chia ly, sự chờ đợi, niềm hy vọng. Bản gốc của bài thơ đã được Đặng Trần Côn soạn thảo vào năm 1740 bằng thơ chữ Hán. Những bản thích nghi và mô phỏng bằng tiếng Việt (ghi chép lại bằng chữ  nôm) có rất nhiều. Bản văn phổ cập nhất cho tới những năm gần đây được coi là của một nữ sỹ rất nổi tiếng  Đoàn Thị Điểm.  Năm 1953 trong một bài nghiên cứu rất đầy đủ về bài thơ này có tựa là  Chinh phụ ngâm bị khảo (Minh Tân, Paris), ông Hoàng Xuân Hãn đã muốn chứng minh bản chữ  nôm thường được coi là của bà Đoàn Thị Điểm thật ra là tác phẩm của một trong những  vị quan lớn ở cuối thế kỷ XVIII,  đầu thế kỷ XIX, Phan Huy Ích (1750-1822). Nhiều văn bản khác bằng chữ  nôm được gán cho bà Đoàn Thị Điểm  (1705-1748), cho Nguyễn Khản (17341786), anh lớn của Nguyễn Du (tác giả Kim Vân Kiều).
Những vấn đề đặt ra cho Chinh Phụ Ngâm đều được bàn cãi rất chi tiết trong tác phẩm nêu trên của ông Hoàng Xuân Hãn.   Chúng tôi đã cho ra một bản dịch cuốn  Chinh Phụ Ngâm bằng thơ Hán cùng những lời ghi chú của Đặng Trần Côn qua tiếng Pháp trong  Bản tin của Hội Nghiên cứu Đông Dương, Saigon, quý 2, 1953.  Văn bản chữ  Nôm thường gán cho bà Đoàn Thị Điểm đã được  Hoàng Xuân Nhị dịch ra  tiếng Pháp dưới tựa đề  "Plainte d'une chinh phụ" (Mercure de France, 1939), được Bùi văn Lăng dịch dưới tựa đề  "Complainte de la femme d'un Guerrier"  (Editions Alexandre de Rhodes, Hanoi, 1943), được Huỳnh Khắc Dụng dịch dưới tựa đề  "Femme de Guerrier  (élégie)"  trong  Bản tin của Hội Nghiên cứu Đông Dương, Saigon, quý 3, 1955.
Chúng tôi cũng có một bản tiếng Anh  "Warrior's wife's plaintive ballad"  do Phạm Xuân Thái dịch, in tại Saigon năm 1948.  Một bản tiếng Pháp do Georges Cordier dịch bài thơ được gán cho bà Đoàn Thị Điểm trong  Bulletin de la Société d'Enseignement Mutuel du Tonkin, số XIII, trang 32-59  dưới tựa đề:  Chinh phụ ngâm de Đặng Trần Côn, traduit en Nôm  par Đoàn Thị Điểm.

Bà Đoàn Thị Điểm sống vào thế kỷ XVIII. Những chi tiết về tiểu sử của bà được thấy trong cuốn  Tang thương ngẫu lục  (Những ghi chú khác nhau về một thời kỳ bấp bênh) đã cung cấp nhiều chi tiết quý báu về phong tục và con người của thời kỳ nhà Lê (1428-1789). Những tác giả của cuốn sách đó là  Phạm Đình Hổ (1768-1839) và Nguyễn An (1770-1815).  Người đầu tiên là một nhà văn học nổi tiếng và một văn sĩ đa dạng mà tài năng diễn tả cùng dễ dàng bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Hán. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về cách tổ chức hành chánh và địa lý vào cuối đời nhà Lê cũng như những bản dịch và phê bình các bài văn Hán cổ điển. Người thứ hai cũng là một nhà văn học nổi tiếng và có kiến thức văn hóa sâu rộng. Ông theo triều đình nhà Nguyễn và chết trẻ khi còn đang làm quan huyện phủ Kiến An.
Cuốn Tang thương ngẫu lục  rất có thể đã được hình thành vào cuối thế kỷ XVIII. Trường Viễn đông Bác cổ Pháp sở hữu một bản in năm 1896, (số thư viện A.218). Chính trong tiểu sử của Đặng Trần Côn tác giả bản văn Hán Chinh phụ ngâm,   theo đó bà Đoàn Thị Điểm đã hình thành bản dịch ra chữ  nôm,  mà chúng tôi tìm thấy vài điều nói bóng gió về nữ sĩ.  Người ta có nhiều chi tiết  phong phú hơn nữa trong cuốn Đoàn-Thị thật lục (Lịch sử thật sự của nhà Đoàn-Thị) do cháu bà, Đoàn Doãn-Y, là con trai của người anh Đoàn Doãn, biên soạn. Cha của bà là Đoàn Doãn Nghi. Gia đình bà tên là Lê cho tới đời cha bà. Ông này thi Tam giáp không đậu, bỏ làng quê hương,  Giai-Phẩm  (nay là Hiến-Phạm), huyện Văn Giang, tỉnh Kinh Bắc (nay là Bắc-Ninh), để cư ngụ tại Thăng-Long, làm chủ trường. Tại đó, ông lập gia đình với một người con gái dòng họ Võ đã sinh cho ông Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm (sinh năm 1705).
Năm 1720 quan thượng thư Lê Anh-Tuấn  nhận bà làm con nuôi và muốn đưa bà vào phủ chúa Trịnh, nhưng Đoàn Thị Điểm từ chối và theo cha và anh bà đến làng Lạc-Viên, huyện Yên-Dương, tỉnh Kiến An, nơi họ mở một trường dạy học. Năm 1729 vào lúc 25 tuổi, bà mất cha và cùng với mẹ và anh đưa linh cữu cha về làng quê quán gốc. Kế đó, bà theo người anh đi dậy học tại làng Vô-Ngại, huyện Đường-Hào (nay là Mỹ-Hào) trong tỉnh Hưng-Yên.
Anh bà lập gia đình với con gái vị tiến sĩ Lê Hữu-Mưu. Còn bà từ chối nhiều mối và sống với mẹ và anh. Sau đó người anh chết để lại đàn con và người vợ ốm yếu. Bà Đoàn Thị Điểm lo săn sóc đàn con và mẹ của chúng. Bà hành nghề bốc thuốc bắc để nuôi sống cả đại gia đình. Kế đó bà làm công việc dạy kèm cho đám con gái của một ái thiếp Chúa Trịnh.
Dưới thời Trịnh-Giang (1729-1740) sau những biến cố của năm 1739, bà rời gia đình từ Vô-Ngại đến ở gần thủ đô, vùng Chương Dương. Năm 1743  bà lập gia đình với một nhà văn học lớn Nguyễn-Kiều. Một tháng sau đám cưới, chồng bà phải đi sứ sang Tầu và Đoàn Thị Điểm đã phải chờ đợi ba năm ròng rã, trong thời gian đó bà lo săn sóc nhà cửa vừa nóng lòng chờ đợi ngày trở về của người vắng mặt. Người ta coi quãng thời gian đó của cuộc đời bà Đoàn Thị Điểm đã ảnh hưởng rất nhiều nguồn cảm hứng của nữ dịch giả cuốn Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Những vần điệu rất xúc động bà đã đặt vào bản dịch đến từ những gì tự bà đã trải qua tất cả những đau khổ mà một người đàn bà đang yêu thương có thể đau khổ vì phải xa cách người chồng. Năm 1745, Nguyễn-Kiều từ Tầu trở về và hai vợ chồng vui sướng trong niềm hạnh phúc gặp lại nhau.  
Nos coupes s'empliront au fur et à mesure           
Nos voix fredonneront strophe après strophe     
Nous chanterons chacun des pơésies très douces             
Et boirons du vin, l'un en face de l'autre                  
Avec vous mon amour je pourrai renouer
Jusqu'au bout de ma vie notre fil d'hyménée           

Sẽ rót vơi lần lần từng chén    
Sẽ ca dần ren rén từng thiên
Liên ngâm đối ẩm đòi phen
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già
Đoàn Thị Điểm    
(Câu 405-408, bản dịch Huỳnh Khắc Dụng)                                   
Sự vui mừng được gặp lại nhau không chỉ biểu hiện bằng đời sống yêu đương thông thường trải qua với nhau suốt quanh năm ngày tháng, nhưng đối với hai người văn học cao và tài năng siêu việt như Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Kiều thì còn bằng những buổi trao đổi văn thơ qua đó, nếu người ta tin vào truyền thống, Đoàn Thị Điểm thường tỏ ra trội hơn chồng. Đời sống hạnh phúc đó chấm dứt vào năm 1748. Năm đó Nguyễn Kiều đưọc bổ dụng vào Nghệ-An phải đi đến nhiệm sở mới, ông dẫn vợ đi theo. Bà vợ lâm trọng bệnh trong buổi du hành và mất sau khi tới Nghệ-An vào ngày 11 tháng 9, thọ 44 tuổi.
Bà Đoàn Thị Điểm biên soạn nhiểu nhất là bằng chữ Hán, nhưng các bài thơ hay các tập thơ của bà không tới tay chúng tôi. Trái lại người ta gán cho bà tập truyện Tục truyền kì là tập tiếp theo tập truyện nổi tiếng Truyền kì mạn lục  của Nguyễn-Dữ. Tập truyện này gồm  Bích câu kỳ ngộ, Hải Khẩu linh từ, Vân-Cát thần nữ, Hoành sơn tiên cục, Yên-ấp liệt nữ, Nghĩa trượng Khuất-Miêu. Những tựa đề này là do E. Gaspardone ghi lại trong BA.133 của ông, ông nhấn mạnh đó là những tựa đề do Phan Huy-Chú (1782-1840) gán cho Nguyễn Thị Điểm (có nghĩa là Đoàn Thị Điểm). Nhưng ông có lý khi ghi thêm nội dung các tác phẩm đó không phải tất cả đều đồng ý với sự gán ghép đó. Thật vậy cuốn  Nam sử tạp biên chỉ cho bà là tác giả chuyện kể Hải Khẩu linh từ, Vân cát thần nữ và Yên-ấp liệt-nữ thôi.    
Lần xuất bản năm 1811 của cuốn  Tục truyền ký, dưới tựa đề Truyền kì tân phả cho biết là bà Đoàn Thị Điểm chỉ là tác giả ba truyện kể đó thôi.    

Bằng chữ Nôm  bà Đoàn Thị Điểm đã để lại cuốn Chinh Phụ ngâm khúc trong bản thường được biết đến. Hoàng Xuân Hãn đã thử chứng minh là bản đó không phải của Đoàn Thị Điểm mà là của Phan Huy Ích. Ông nêu ra ba lý do chính là:
- Chúng ta biết Phan Huy Ích là tác giả một cuốn Chinh phụ ngâm.   
- Một hậu duệ của Phan Huy Ích, Phan Huy Chiêm đã gửi một lá thư năm 1926 tới báo Nam Phong quả quyết là cuốn Chinh phụ ngâm đã được tổ tiên của ông là Phan Huy Ích dịch và ông còn giữ được bản văn bằng chữ nôm và bản văn bằng quốc ngữ.    
- Bản dịch của Phan Huy Ích thật nhẹ nhàng, được viết theo một ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu cho mọi người và cuốn Gia phả họ Phan viết: "ông đã dịch  Chinh phụ ngâm khúc. Ngày nay, từ những người nổi tiếng, những văn nhân, cho tới giới trẻ vùng nông thôn, ai là người đã không đọc truyện đó".      
Tuy nhiên, Hoàng Xuân Hãn chỉ nhận được từ Phan Huy Chiêm  bản văn bằng quốc ngữ rất giống như bản văn thông thường,  cho tới ngày nay, được coi là của bà Đoàn Thị Điểm. Cho đến khi mà những chứng cớ chính xác hơn chưa được nêu ra, có lẽ chúng ta nên tỏ ra khôn ngoan hơn bằng cách gìn giữ truyền thống đã gán cho bà Đoàn Thị Điểm bản dịch nổi tiếng nhất.
Dù sao cái giá trị của bài nghiên cứu tìm tòi rất kỹ càng của Hoàng Xuân Hãn là đã làm sáng tỏ tính chất phức tạp những vấn đề đặt ra do số đông bản chữ  nôm của Chinh phụ ngâm. Thật vậy, ông đã nghiên cứu và đưa ra sự ghi lại bằng  quốc ngữ của tám văn bản đều có tựa đề "Chinh phụ ngâm".
Văn bản thứ nhất ông gọi là bài A  người ta đã gán cho bà Đoàn Thị Điểm mà ông thì gán cho Phan Huy Ích, bao gồm 408 câu thơ  song thất lục bát. Văn bản này đã được in tại phố hàng Gai ở Hà nội, người ta không rõ năm chính xác của ấn bản thứ nhất, nhưng dường như văn bản đã được in ra trước thời Tự-Đức. Thư viện Trường quốc gia Ngôn ngữ Đông phương tại Paris có giữ một bản có lẽ được in dưới trào Tự-Đức. Bản này đã biến mất khỏi thư viện này. Ấn bản xưa nhất mà Hoàng Xuân Hãn tìm được là ấn bản được in vào năm 1910 do nhà in Trường thịnh- đường dưới tựa đề "Chinh phụ ngâm",  Bản dịch này đã được Vũ Hoạt sửa đổi chút đỉnh năm 1902 và cho in với nhà Long Hòa ở phố hàng Thiếc Hà nội, ba truyện thơ Chinh phụ ngâm, Phan Trần và Cung Oán dưới tựa đề Danh gia quốc âm (Những tác giả nổi tiếng chữ Nôm). Cũng vậy Trường Viễn đông Bác cổ sở hữu một Chinh phụ ngâm của Hồng Liệt Bá trong tập Thi ca nam âm (Thi và Ca bằng tiếng Việt) (AB 164).  
Văn bản A này đã được ghi lại bằng  quốc ngữ và do Trương Vĩnh Ký xuất bản lần thứ nhất năm 1887 trong những ấn bản của Trường Thông dịch viên tại Saigon. Kể từ thời đó, những ấn bản bằng quốc ngữ trở nên dồi dào và quảng bá rộng rãi. Theo những văn bản thuộc truyền thống đó, vài bản dịch tiếng Pháp đã được hoàn thành như bản của Hoàng Xuân Nhị "Plaintes d' une chinh phụ" tại nhà Mercure de France (1939),  bản của Bùi văn Lang "Chinh phụ ngâm" tại nhà Alexandre de Rhodes Hanoi 1943 và bản mới nhất và hay nhất của Huỳnh Khắc Dụng trong bản tin của Hội Nghiên cứu Đông dương năm 1955.
Bài B mà Hoàng Xuân Hãn gán cho bà Đoàn Thị Điểm gồm 496 câu thơ song thất lục bát. Bài này dài hơn bài A, theo sát văn bản chữ Hán của Đặng Trần Côn, do đó tỏ ra ngây ngô hơn, kém tính chất cá nhân, lệ thuộc hơn vào bản văn mà bà đã dịch.
Văn bản thứ ba, bài C gồm 440 câu thơ  song thất lục bát theo Hoàng Xuân Hãn có thể là của Nguyễn Khản anh của Nguyễn Du (tác giả  Kim Vân Kiều).
Bản dịch thứ tư, bài D không có tác giả và dựa trên một văn bản nôm ở tình trạng hư hại.
Bản dịch thứ năm, 246 câu thơ  lục bát,  bài E dựa trên một văn bản nôm của nhà văn học họ Nguyễn, gốc người Bạch liên Am, tác giả cuốn Cung Oán Thi  mà chúng ta đã thấy.
Sau cùng bản dịch chót dựa trên bài F, tác giả vô danh mà bản Nôm theo khá sát bản Hán văn của Đặng Trần Côn. Bản này tương ứng với bản của tác phẩm AB, 650 của  Trường Viễn đông Bác cổ và gồm 200 câu thơ  lục bát.  

Dưới cái tựa Chinh phụ ngâm Trường viễn đông Bác cổ (mã số AN 55) có một bài thơ 77 câu lục bát, ngoại trừ ba câu đầu theo thể  4-4-7 (hoặc 8-7 cũng được)
Trời đất một vầng
Bắc nam đôi ngả  
Phận hồng nhan buồn bã thiếp lo  
Bài văn này không hẳn là một bản dịch mà là một sự biến đổi về đề tài sự xa cách của vợ chồng, người chồng phải đi chinh chiến. Dĩ nhiên người ta nhận ra được ảnh hưởng của bài chữ Hán hoặc của những bản dịch qua chữ nôm  Tuy nhiên, người ta không thể lượng định giá trị và ngôi thứ của nó trong lịch sử những bản dịch và bản chuyển thể Chinh phụ ngâm cho đến khi nào người ta tìm ra những thành phần giúp nhận dạng tác giả hay thời gian biên soạn. Cùng một văn bản được thấy dưới tựa đề  Chinh phụ từ.  
Một bài thơ khác mang tựa  Chinh phụ tự tình (Lời thú nhận của người chinh phụ) nằm trong tập AB.348 của Trường Viễn đông Bác cổ, gồm 185 câu xếp đặt theo một vận luật thay đổi trong đó những đoạn bốn câu thường được viết bằng  Hán-Việt trong khi những đoạn khác (trôn lẫn 6, 7, 8, 9 âm tiết) thì bằng Nôm.
Bắc phương thệ thệ                                 
Vũ tuyết phê phê                                      
Thái phồn kỳ kỳ                                         
Ngã tâm thương bi                                  
Trống lầu thu như dục xuân đi                                                                             
Tiếng quyên vẳng hơi hè lại gáy                                                                                      

Le vent du Nord est froid froid
La pluie et la neige tombent tombent
L’aurore croit en abondance
Mon coeur est plein de douleur
Le tambour de la tour, en automne, semble
presser le printemps de se mettre en marche
Le chant du coucou qui s' était éloigné, aux
effluves de l’été, recommence à retentir.
Chúng ta cảm thấy bài này như là một trò giải trí của một nhà văn học lấy làm thích thú trộn lẫn chữ Nôm và chữ Hán, hình thức thơ văn Hán và Việt, cảm hứng cổ điển và văn chương bình dân như là những câu 66 và 67 cho thấy sự đổi ngược một cặp thơ bình dân tại Vietnam.
Con cò lặn lội bờ sông   
mà chúng ta hiểu là:  Le héron plonge au bord du fleuve
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Je porte une charge de riz pour mon mari et je vais pleurant et me lamentant     
           
Tất cả những bản bằng chữ Nôm của Chinh phụ ngâm dù sao cũng đều là những bản dịch hoặc biến đổi bài văn của Đặng Trần Côn mà chính ông đã soạn thảo từ một kết hợp những trích đoạn thơ Hán và thay đổi và sắp xếp lại một cách tài tình có nghệ thuật. Người ta có thể thích thú tìm kiếm trong những bài văn thơ Tầu đời Đường và những triều đại khác câu thơ này hay đoạn thơ kia đã gây hứng thú cho Đặng Trần Côn. Người ta có thể, ngoài những ảnh hưởng văn chương, tìm lại những chủ đề gây cảm hứng. Trong một phụ lục của cuộc nghiên cứu về Đặng Trần Côn, chúng tôi đã thử chứng minh vài sự so sánh bằng cách làm một sự lựa chọn trong những bài thơ Tầu của tập học sinh  Ba Trăm bài Thơ  đời Đường của nhà in Kouang-yi chou-kia yin-hing tại Chang-Hai và trong bộ sưu tâp những bài thơ có chú giải của Hội Wen Minh tại Chang-Hai. Những chủ đề về sự chờ đợi của người vợ chinh phu, những gói quà gửi cho chiến binh, sự xa cách, những biên giới, sự buồn rầu của con chinh phu, đều được khai thác bởi Che Wou (Thi Vũ), Lieou Tsi (Lưu Tích)  đời Minh, Li Po  (Lý Bạch), Lou Louen  (Lư Luân), Si Pi jen  (Tây Bỉ-nhân), Tchang Tsi (Trương Tịch), Han Wou (Hàn Ốc), Wei Tch'eng k'ing (Vi Thừa Khánh), Kiuan Tô-yu (Quyền Đức Dư) đời Đường, vân vân... Nhất là Li Po trong Sáu bài Thơ vùng Biên Giới  Sai hia k'iu lou (Tái hạ khúc lục) và trong cuốn Sai Chang k'iu  đã gây nhiều cảm hứng cho Đặng Trần Côn. Chúng ta cũng cần thêm vào  Tou Fou (Đỗ Phủ) trong một bài thơ giống như bài có tựa đề  Sin houen pie (Tân hôn biệt) (Sự chia cách hai vợ chồng mới cưới) trong đó vợ người chinh phu than thở ngày khởi hành và sự vắng mặt của chồng bà  Người lính chiến giữ vùng biên giới Ho-yang  (Hà Dương) nơi đó đươc coi là đất chết. Người vợ mong muốn số phận loài chim để có thể luôn luôn sống cạnh chồng:
Je renverse la tête et je vois les oiseaux voler
Grands et petits ils prennent leur essor par couples
(Tôi ngửa đầu và tôi thấy những con chim đang bay
Lớn và bé chúng đều tung bay từng cặp)
Về vấn đề này người ta cũng có thấy cuốn Ping tch"e hing   (Binh xa hành)  (Bài ca những chiến xa)  trong đó mô tả những đống xương người chết bỏ lại trên chiến trường.
Trường Viễn đông Bác cổ có sở hữu một cuốn  Chinh phụ ngâm bị lục  dưới mã số AB. 26, gốm 412 câu song thất lục bát  và mang những dấu hiệu sau:  thời gian in được tính theo chu kỳ hàng năm  Nhâm dần  của Thành Thái, ngày Hoa Cúc  (Tháng mười 1902) do nhà in Long Hòa (Long-Hòa hiệu tàng bản). Nhà in chỉ cho thấy  Đặng Trần Côn là tác giả của bản chính gốc: Thanh Trì Nhân mục,  Đặng Trần tiên sinh Côn trước  (Đặng Trần Côn của Nhân-mục, của Thanh-Trì biên soạn)  và  Đoàn Thị Điểm là tác giả bản dịch bắng chữ  nôm (Bà Đoàn thị Điểm của Trung-Phú, của Văn-Giang  đã dịch). Sau cùng  có vẻ tác phẩm được xuất bản đã được  Đồng Phong của Thần Khê (bí danh) thông báo hoặc  chính người này đã lo việc in ấn.

GHI CHÚ VỀ PHAN HUY ÍCH
Chúng ta đã thấy là một bản dịch bằng chữ Nôm của Chinh phụ ngâm do Đặng Trần Côn soạn thảo bằng chữ hán, đã có thể có Phan Huy Ích  (1750-1822) là tác giả.
Người này mà tự là Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am có gốc làng Thu Hoạch, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà tĩnh. Ông là con Phan Huy Cẩn đậu tiến sĩ năm 1754  phục vụ trong ngành quan lại tại Thăng Long rồi lui về ở làng Thụy Khê, huyện An Sơn, tỉnh Sơn Tây.  
Phan Huy Ích tỏ ra có trí thông minh phát triển sớm. Ông học dưới quyền giám sát của cha ông, cũng như dưới quyền Ngô Thời Sỹ và thi đỗ kỳ thi tỉnh Nghệ-An năm 1771, sau đó kỳ thi Tam Giáp năm 1775.
Làm việc với Trịnh Sâm (1762-1782), ông có dịp bắt liên lạc với Nguyễn Nhạc, thủ lãnh Tây Sơn.
Khi nhà Tây Sơn lên nắm quyền, Ích cùng với anh rể Ngô Thời Nhậm phục vụ chính quyền mới và được giao nhiệm vụ lo các mối liên lạc ngoại giao với Trung quốc nhà  Đường. Cả hai đều thành công làm dân Tầu phải nể phục Việt Nam. Trong sự nghiệp hành chánh dưới trào Tây Sơn, Phan Huy Ích đã đạt tới hàng Lễ Bộ thượng Thư năm 1801. Khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, Phan Huy Ích quay lại với họ nhưng dù sao ông cũng phải chịu hình phạt đánh đòn trước khi được ân xá.
Ông lui về ở núi Sài Sơn trong vùng Sơn Tây, nơi ông sống như một thầy đồ. Tuy nhiên vì ông có kinh nghiệm trong vấn đề liên lạc ngoại giao với Trung quốc, các hoàng đế nhà Nguyễn, Gia Long và Minh Mạng đều tham khảo ông khi cân thiết...  Ông mất năm 1822 thọ 73 tuổi.
Nhà học thức lớn đó đã để lại một tập thơ bằng chữ Hán tựa đề "Dụ-Am ngâm-tập" và một tập gồm những bài văn xuôi tựa đề  "Dụ-Am văn tập"  trong đó các bài văn đều được trình bầy theo thứ tự thời gian. Trường Viễn đông Bác cổ có đủ các bài văn đó trong một tập tựa đề Dụ-Am thi tập (A.  603-604).
Những văn bản ngoại giao của ông được gom góp trong cuốn  Bang giao tập (Tuyển tập những văn bản về những mối liên lạc ngoại giao) EFEO, A.691. Sau cùng một tập thơ Cúc Đường bách vịnh thi tập (Tuyển tập trăm bài ca tụng Cúc Đường)  EFEO, A.1168, và một tập khác, Tinh sà kỷ hành EFEO, 1383.
Ông rất nổi tiếng qua những bài văn tế  bằng chữ nôm mà ông đã soạn thảo phần lớn nhân dịp đám ma của gia đình hoàng gia nhà Tây Sơn và qua bản dịch Chinh phụ ngâm (Lời than vãn của Hôn thê một Chiến binh) của Đặng Trần Côn.
Chúng ta hãy kể ra trong số những bài văn tế lên tới một chục bài :  
văn tế vua Cảnh Thịnh
văn tế con gái vua Quang Trung
văn tế mẹ Công chúa Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung
văn tế một thành viên của gia đình hoàng gia nhà Lê
văn tế công chúa Ngọc Hân qua một người thân
văn tế những đại tướng và binh lính tử trận
văn tế những đại tướng và binh lính nhân dịp ngày rằm tháng bẩy
văn tế có tựa đề  Công chúa chư nha điện văn   
Trong số những bài thơ nôm của Phan Huy Ích người ta có thể kể:
Tiễn quan trấn thủ  
Nhớ quan trấn thủ  
Mừng quan trấn thủ về dinh mới    
Tháng chạp, trở về núi, họa lại những vần thơ của quan Tổng đốc (Lạp trung hồi sơn, họa Trấn quan tiễn vận)                             

Về cuốn  Chinh phụ ngâm, ý kiến những nhà phê bình việt nam không đồng ý với nhau. Một số người (Nguyễn Hữu Tiến, Nam Phong,  số 108 theo sau Hoàng Xuân Hãn, như trên) nghĩ là văn bản thường được coi là của bà Đoàn Thị Điểm, trên thực tế có lẽ là của Phan Huy Ích.  Một số khác (Phạm văn Diêu) nghiêng về bản B do Hoàng Xuân Hãn trình bầy như là bản của Phan Huy Ích. Cái chắc chắn là, cho tới khi có chứng cớ mới, quan điểm của Nguyễn Hữu Tiến và Hoàng Xuân Hãn chưa được chính thức chấp nhận.
Maurice Durand
"L'Univers des Truyện Nôm"
(Ecole Française d'Extrême-Orient, 1998)

 
Ghi chú:
(1) Đối với mọi chi tiết bổ túc hãy xem những lời giới thiệu và phần mở đầu của những tác phẩm đã kể trên – cũng nên xem  Phan Huy Ích,  Chinh phụ ngâm  trong  Nam Phong, tháng sáu 1926, tr. 494-495 và Bulletin de l’AFIMA, tháng 7 – 12, 1941, số 4, tr. 52
(2) Xem  Maurice Durand  “La complainte de l’Épouse du guerrier de Đặng Trần Côn”,  BSEI, quyển XXVIII, số 2, quý 2, 1953
(3) Quan Tiến sĩ,sinh năm 1694 ; mất năm 1734,  LTHC, A. 50, tr.20
2, cột 7.
(4)  Nguyên quán Liêu-xá, quận Đường-hào,  ông đậu tiến sĩ lúc 36 tuổi năm 1710 đạt tới chức Thị-Lang, ĐVLTĐKI, A1387, quyển 3, f*1b, cột 3.
(5)  Nguyên quán làng Phú-Xá, quận Tử-Liêm, ông sinh năm 1695; năm 18 tuổi ông đậu  giải-nguyên, có nghĩa là người đứng đầu các cử nhân; vào năm 1715 lúc 21 tuổi, ông đậu tiến-sĩ, vào năm 1717ông được phong đốc-đông (tổng đốc) tỉnh Tuyên-Quang. Năm 1734, ông là Ngự-sử tỉnh Nghệ-an, kế đó vào năm 1736 là thống-đốc. Năm 1742 ông được phong Đại-sứ đầu tiên bên Tầu, vào cuối năm 1743 ông lên đường, năm 1744 ông tới Bắc-kinh, năm 1745 ông trở về Kouang-si nơi ông chờ đợi một thời gian trước khi có thể về hẳn Việt-nam.  Năm 1748 ông lại được bổ nhiệm ra Nghệ-an. Ông mang theo bà vợ Đoàn Thị Điểm và bà mất sau khi đi tới Nghệ-An. (ĐVLTĐKL, A.1387, tập 3, cột 8 và Hoàng Xuân Hãn, CPNBK, tr.34 và tiếp theo). Nguyễn Kiều góa hai đời vợ trước, một với con gái của Lê Anh Tuấn người cha nuôi của Đoàn Thị Điểm, hai với con gái của Nguyễn Quí Đức (1648-1720) người cùng với Lê Hi (1646-1702) đều là tác giả của tập 19 cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại những biên niên Việt-nam từ 1663 đến 1675 (Xem Dương Quảng Hàm, tr. 270 và nhất là Gaspardone, BA, tr.63)  Nguyễn Kiều có hiệu Hạo-hiên, ông còn sống vào năm 1750  vì ông đã viết Phần mở đầu của cuốn Chu dịch quốc âm giải nghĩa của Đặng Thái Phương  (xem Gaspardone, BA, số 132)
(6) Tất cả phần này lệ thuộc rất nhiều vào phần giới thiệu CPNBK của Hoàng Xuân Hãn. E. Gaspardone coi Đoàn Thị Điểm như là vợ kế của Nguyễn-Phiên. Dường như có sự nhầm lẫn trong cách đọc chữ Kiều thành chữ Phiên, hai chữ Hán này rất giống nhau,  số 130, tr.114
(7) Gaspardone, BA, số 130
(8) Tựa đầu tiên là  Dã sử tạp biên do Vũ Văn Lập cử nhân năm 1852 biên soạn, phần nhập đề được viết năm 1896 (EFEO,  A.12;  xem Gaspardone, BA, tr 76, ghi chú 1).  Hồng Lĩnh Hầu, ông được phong làm tổng đốc Sơn-Tây, kế đó ông có toàn quyền trên các tỉnh Tuyên Quang,  Hưng-Hóa, Cao-Bằng, Lạng-Sơn để dẹp tan cuộc nổi dậy của Hoàng Văn Đồng mà ông đã thành công trong việc tiêu diệt năm 1779. Cùng năm đó  mẹ ông và vợ ông từ trần và ông rút lui khỏi đời sống hành chánh và chính trị. Năm 1779 ông hoàng Tĩnh Vương (Trịnh Sâm, 1767-1782) say mê con người nổi tiếng Đặng Thị Huệ, được biết dưới tên Bà Chúa Chè đã sinh cho ông một người con trai Trịnh Cán năm 1777.  Bà này muốn con trai bà trở thành hoàng tử thưà kế thế chỗ của Trịnh Tông (Trịnh Khải). Bà dựa vào thế lực của thừa tướng Hoàng Đình Bảo và thành công trong việc phong Cán làm hoàng tử thừa kế. Tuy nhiên Tông đã có thể thành lập một phe với sự ủng hộ của Nguyễn Khản cùng với Nguyễn Khắc Tuân nhưng lại bị Ngô Thì Nhậm phản bội và tất cả bị giam cầm. Chỉ một mình Khản được Trịnh Sâm nể phục nên thoát chết nhưng bị giam lỏng tại gia. Lúc đó ông soạn thảo cuốn  Tự tình khúc làm Tĩnh Vương cảm động.  Năm 1782, vào lúc Trịnh Sâm băng hà, loạn kiêu binh nổi dậy chống lại Trịnh Cán được đặt lên ngai vàng lúc sáu tuổi. Quân nổi dậy giết Hoàng Đình Bảo và làm lễ đăng quang Trịnh Tông (Trịnh Khải, 1782-1786 ) Nguyễn Khản trở lại được ưu đãi và nhận được nhiều chức vụ quan trọng. Tuy nhiên đoàn Kiêu Binh muốn lấn quyền của Ông Hoàng, Khản muốn loại trừ chúng. Chúng đốt nhà Nguyễn Khản và Khản phải chạy trốn về Sơn Tây nơi ông cùng người em Nguyễn Điều âm mưu dẹp tan nhóm phản loạn. Nhưng họ không thành công và quay trở về ngôi làng sinh quán họ. Năm 1786 khi Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Huệ chiếm thành Thăng Long, Khản muốn giúp Trịnh Khải chạy trốn về Sơn-Tây nhưng ông không thành công vì đám kiêu binh ghét ông. Sau đó ông trở lại kinh thành và qua đời vì bệnh tật (1802), xem Hoàng Xuân Hãn, CPNBK, tr. 44-48;  Gaspardone, BA, tr. 68; Hà Như Chi II, 25.
(9) Về sự mô tả tác phẩm này, xem Hoàng Xuân Hãn,  CPNBK, tr. 42, số 50
(10)Hoàng Xuân Hãn,  CPNBK, tr.27
(11)Trường EFEO, dưới mã số A.26, sở hữu bản in này vào năm theo chu kỳ Nhâm Dần của Thành Thái vào ngày tốt 1902. Nữ sỹ được chỉ định như tác giả dưới tên  Nguyễn Thị Điểm. Bản văn gồm 412 câu song thất lục bát và có tựa đề  Chinh phụ ngâm bị lục.
(12)Con của Nguyễn Nghiễm, anh của Nguyễn Du, nguyên quán làng Tiên Điền, quận Nghi Xuân, tỉnh Hà-Tĩnh. Ông thay đổi tên ba lần, Nguyễn Hân (1760), Nguyễn Lệ (1767) và Nguyễn Khản (1778). Tên tự là Tư-Trực và tên  hiệu Thuật-Hiên. Vào năm 14 tuổi, ông đậu cử nhân trong kỳ thi tam trường, năm 20 tuổi đậu bằng  hương cống, năm 27 tuổi ông đậu tiến sĩ năm 1760.  Trong thời gian đó ông dậy kèm Trịnh Sâm, người đã trị vì từ 1767 tới 1782. Sau này khi ngài nắm quyền hành, ngài ban cho người thầy dậy kèm cũ nhiều ân huệ. Năm 1773 Nguyễn Khản cùng với cha ông là Nguyễn Nghiễm là thành phần của giới lãnh đạo quân thần của Trịnh Sâm (còn gọi là Tĩnh Độ Vương) và cả hai cùng tham gia chiến dịch đánh Phú Xuân và chiếm thành phố này (1774. Nguyễn Khản đã chỉ huy công cuộc tiếp tế lương thực từ tỉnh Nghệ An. Năm 1775, lúc cha ông mất  ông còn ở Nghệ-An với chức vụ  tham lĩnh cho tới năm 1778.
(13)Bản thảo của M. Durand mang chữ  nôm  và phải đọc là  Bắc nam hai ngả (ghi chú EFEO 1997).
(14)Từ  chỉ định một hình thức văn thơ rất phổ biến dưới trào nhà Đường và nhà Tống và có nguồn gốc từ loại yo-fou  (nhạc phủ). Sự biến hóa sau này của nó đưa đến K’iu (khúc).
(15) Lạnh.
(16) BSEI, NS, quyển  XXVIII, số 2, quý thứ hai 1953, tr. 177-181
(17) Xem  Thư viện quốc gia, chữ Tầu  XIX, 10, (18) k.2, tr.63 và tiếp theo.
(18) Tôi không chắc chắn lắm về lời giải thích của tôi.  Hoàng Xuân Hãn kể ra ấn phẩm nhưng không có ám chỉ đến câu này mà tôi có trong bản sao chép của tôi.
(19) Dụ am ngâm tập (Tuyển tập những bài thơ của Dụ-Am) của Phan Huy Ích, quyển 6, Vân du tùy bút, Sổ ghi gia phả của người họ Phan tại Thụy Khê, trong vùng Sơn Tây;  Hoàng Xuân Hãn, Lời mở đầu cuốn  Chinh phụ ngâm bị khảo; M. Durand,  La complainte de l’Épouse du Guerrier de Đặng Trần Côn.
(20) Về Phan Huy Ích, những chi tiết chính xác nhất được Hoàng Xuân Hãn ghi lại trong cuốn  Chinh phụ ngâm bị khảo của ông, Paris, Minh Tân, 1953.

 

Đăng ngày 28 tháng 08.2021