Địa chính trị

(La Géopolitique)

Phan Tấn Khôi

Kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt năm 1945, cuộc chiến tranh trong bóng tối, cuộc chiến tranh tâm lý  chưa bao giờ chấm dứt,  mà trái lại còn gia tăng mạnh mẽ hơn nữa giữa những quốc gia liên minh với nhau trước ₫ây. Đây là lần đầu tiên, nguồn gốc các cuộc tranh chấp, xung đột đều có tính cách vừa là kinh tế-xã hội (tầm vóc Bắc-Nam) vừa là ý thức hệ (tầm vóc Đông-Tây).
Điều này có nghĩa là lần đầu tiên những sức mạnh hiện hữu phải lệ thuộc vào toàn phần không gian thiên nhiên, đất đai, biển cả, không khí, kể cả không gian vũ trụ. Cũng là lần đầu tiên cuộc chiến tranh tâm lý "psywar" trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Định nghĩa những từ ngữ là một điều cần thiết bậc nhất để có thể đưa ra những kết luận khách quan, tránh mọi giải đáp chủ quan.
1. ĐỊA LÝ     
(gốc: géo, và chữ Hy lạp: graphein, mô tả). Theo các tự đỉển Pháp-Việt, có nghĩa là  “mô tả trái đất dưới khía cạnh đất đai, khí hậu v.v... (địa lý  thiên nhiên); khía cạnh kỹ nghệ (địa lý kinh tế); khía cạnh ngôn ngữ (địa lý  ngôn ngữ)”
2. CHÍNH TRỊ
(gốc chữ Hy-lạp  politikos) có nghĩa là “tất cả những gì thuộc về hay liên quan tới việc điều hành mọi Quốc gia“ nói cụ thể là nghệ thuật cai trị một Quốc gia, giả thiết cần có một cách hành động khéo léo, do đó có thành ngữ: “Muốn thành công  cần phải có chút chính trị trong cách hành động”.

Địa chính trị là gì ?
Theo sự chấp thuận của Viện Hàn Lâm, môn Địa lý Chính trị là do một người Pháp tên TURGOT đật ra vào thế kỷ XVIII,  môn Địa chính trị là do một người Đức tên  HAUSHOFER  đặt ra vào thế kỷ XX. Nếu nhìn vào những thành phần trong thế chuyển động không  ngừng,  môn địa chính trị theo định nghĩa, dù người ta muốn hay không, là một khoa học hung hãn, khỉêu khích. Dần dần  môn học này lấn át môn địa lý chính trị cổ điển. Thử nhìn vào chương trình đại học để nhận thấy  tập thể những khóa học gọi là “Địa lý Chính trị”  bao gồm có ý thức hay không một số không nhỏ nội dung của môn Địa chính trị.  
Vậy Địa chính trị là gì?  
Về hình thức, câu trả lời thật đơn giản: nó là sự kết hợp của hai từ "địa lý" và "chính trị" thành  địa chính trị.  
Về nội dung, chúng ta phải nhận biết một điều thực tế căn bản: vị trí môn địa chính trị ở giữa  môn địa lý chính trị  và  môn địa lý. Nó không phải là sự kết hợp đơn giản của hai từ như trong một lãnh vực khác, thí dụ  từ  "địa kinh tế" hay từ "địa lý kinh tế" đúng là chỉ cùng một thứ.  Ở đây ý nghĩa các từ rất khác nhau như  địa chính trị là một chuyện,  địa lý là chuyện thứ hai và địa lý chính trị là chuyện thứ ba.

A. ĐỊA LÝ CHÍNH TRỊ  
Môn địa lý chính trị chú trọng đến những yếu tố hợp thành một quốc gia, có nghĩa là chủ yếu:
1. Những tính chất của phần địa lý thiên nhiên:  a/ diện tích, b/ vị trí, c/ khí hậu
2. Những tính chất của phần địa lý nhân văn và những đặc tính của nó: a/ sự quan trọng của dân số, b/ loại người  (đồng nhất hay tạp chủng), c/ thống nhất hay có những căng thẳng nội bộ.
3. Những tính chất của phần địa lý kinh tế và những đặc tính của nó: a/ mức sống trên thang điểm toàn cầu (PNB – produit national brut – tổng sản lượng quốc gia), b/ khả năng tự túc (nông nghiệp, năng lượng), c/ cấu trúc kinh tế   (o/o  nhập cảng/ xuất cảng)
Sau cùng,  như là yếu tố chuyển tiếp những tính chất bỉên giới với các quốc gia lân bang và mọi người đều biết biên giới là một đường  giả tưởng trên bản đồ dùng để giới hạn những không gian địa lý, bên trong hay bên ngoài, hai bên đều không có cùng luật  lệ pháp lý, chính trị và quốc gia. Như vậy,  cũng giống như “đường phân chia hải phận”, sự chia rẽ nêu rõ quyền hạn của một quốc gia chấm dứt tại đường phân chia đó, cũng tại đó, bắt đầu quyền hạn của một quốc gia khác.  
B. ĐỊA CHÍNH TRỊ
Môn Địa Chính trị bao gồm việc phân tích những biến đổi trong và ngoài nước sẽ trở thành động lực, đường chỉ đạo mọi mục tiêu của quốc gia.
Khía cạnh chính trị (ở đây có ý nghĩa quyết ₫ịnh, vậy là hành động) như chính sách đối ngoại của mỗi nước đều đặt trên nền tảng các dữ kiện địa chính trị như địa lý thiên nhiên, đòi hỏi kinh tế, truyền thống lịch sử, ý thức hệ v.v...    
Trong số  những yếu tố chính cần giải quyết, người ta nhận ra được những tính chất sau đây:
1.- Đa số hay thiểu số giống dân (bên trong, bên ngòai)
2.- Những thành phần văn hóa
3.- Sự cố định của loại người
4.- Bản chất những mối giây liên lạc giữa các cộng đồng văn hóa
5.- Sự hợp pháp của đường vẽ những biên giới hiện tại
6.- Địa lý những ngôn ngữ
7.- Những đặc tính địa lý có thể làm thay đổi một quốc gia từ tình trạng độc lâp thật sự thành tình trạng “lệ thuộc”  (Phần-lan hóa, Finlandisation: ám chỉ  ảnh hưởng của một nước lớn trên chính sách đối ngoại của một nước láng giềng nhỏ hơn, như ảnh hưởng Liên-sô trên Phần-lan) hay cho tới tình trạng “sát nhập” (các Quốc gia Baltes bị Liên-sô sát nhập gồm: Estonie, Lettonie và Lithuanie)
8.- Những tính chất địa lý của sự yếu kém và của sức mạnh
Các yếu tố địa chính trị đã được sử dụng từ lúc khởi thủy, khi các quốc gia trên thế giới được thành lập và có quan hệ với nhau. Địa chính trị được định nghĩa là sự tương tác (interactivité) giữa không gian địa lý và cuộc tranh đua quyền lực của các nước trên thế giới. Nói tóm lại, môn địa lý chính trị  chính thức là một phương thức mô tả những thực thể địa lý (thiên nhiên, nhân văn, kinh tế) còn môn địa chính trị  phân tích  những dữ kiện trên để  cho Quốc gia  (nghĩa là quyền lực) có thể phát triển tối đa những yếu tố gây sức mạnh và giảm thỉểu những yếu tố làm suy yếu.
Vì vậy mà phần lớn các phương thức hành động đều theo tư tưởng của Karl Haushofer (nhà  tư tưởng người Đức): "Môn địa lý chính trị nhìn Quốc gia dưới góc cạnh không gian, môn  địa chính trị nhìn không gian dưới góc cạnh Quốc gia".
Đó cũng chính là lý do sự suy tưởng chính trị luôn ăn khớp với nhau qua quan hệ  KHÔNG GIAN -  CHÍNH  TRỊ - QUYỀN  LỰC.
Ở mức độ đại học người  ta thường thấy việc giảng dậy môn địa lý chính trị  trong phân khoa địa lý,  và việc giảng dậy môn địa chính trị trong phân khoa Khoa học Chính trị và trong các trường quân sự (cấp chỉ huy). Theo định luật tổng quát, việc giảng dậy môn địa chính trị liên quan trực tiếp với việc giảng dậy môn Địa chiến lược được coi như là một sự kiện tự nhiên.  
Ngày nay thêm vào chiến lược cổ điển trên chiến trường là chiến lược chính trị mà điểm chính yếu là việc điều khiển quan điểm quần chúng (la manipulation des opinions publiques) với phương pháp tung tin thất thiệt (la désinformation)  qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Theo cách tổng hợp,  điểm cốt yếu của vấn đề trên có thể tóm tắt như sau :
ĐỊA LÝ CHÍNH  TRỊ -> thống kê -> tình trạng cố định.
ĐỊA CHÍNH TRỊ -> phương thức hành động -> tình trạng năng động.                                      
Theo sau một cách rất tự nhiên hai dữ kiện trên là dữ kiện thứ ba, môn ĐỊA CHIẾN LỰƠC mà người ta coi như là đứa em không thể tách rời khỏi môn địa chính trị.
ĐỊA CHIẾN LỰƠC -> quyết định một lựa chọn để đạt tới mục tiêu.
Về điểm này, ý niệm mục tiêu rất dễ nhận biết vì nó là cái đích nhắm tới, còn ý niệm lựa chọn lại khác:  nó có ít nhất hai, thông thường nằm giữa một  chiến lược chính trị  (déstabilisation, phá vỡ thế ổn định) hay một chiến lược quân sự (sử dụng sức mạnh). Nói một cách khác, chiến tranh, trong ý nghĩa cổ điển, chỉ là sự thất bại của chính sách ngoại giao. Điều này rất đúng giữa những quốc gia cùng một phe, thí dụ: cuộc xung đột giữa xứ Á-căn-đình và Anh-quốc về quần đảo Malouines-Falkland năm 1982, hay trước đó cuộc xung đột giữa Cộng hòa nhân dân Trung quốc và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 1979.
Khi một phương thức  địa chính trị được đưa vào một triển vọng rất có thể cho việc kiểm soát không gian-quyền lực,  chiến lược gián tiếp có vẻ  ít tốn kém hơn và hữu hiệu hơn. Thí dụ: khi Liên-sô dựng lên màn "Chỉnh lý ở Prague" để kiểm soát xứ Tchécoslovaquie, hay Mỹ  tổ chức tái lập nhà vua xứ Iran lên ngai vàng  để kiểm soát xứ này. Trong trường hợp thất bại quan điểm quần chúng sẽ không thấy gì cả, trong trường hợp thành công, tất cả mọi lợi ích đều dành cho giới chính trị.
Mọi hành động quân sự được thi hành mà không có ý thức chính trị vững vàng như Việt Nam đối với Mỹ, hay Afghanistan  đối với Liên-sô rất tốn kém và không mang lại một lợi ích nào.
Vậy người ta sẽ nhận thấy một sự hòa hoãn giảm thiểu những cuộc xung đột ngoại vi về phần các siêu cường, dù chỉ là  vì những lý do kinh tế. Điều này không có nghĩa là con chim bồ câu hòa bình loại bỏ được viễn ảnh chiến tranh. Điều này có nghĩa là cả Moscou, cả  Washington  đều không có phương tiện để rải quân khắp nơi. Tại Washington, quyền lực chính trị càng ngày càng bị kẹt giữa những giới hạn khắt khe của ngân sách và những áp lực ngày càng lớn mạnh của Quốc hội và của quan điểm quần chúng dưới sự hướng dẫn của các phương tiện truyền thông nhiều ảnh hưởng. Tại Moscou, quyền lực chính trị chưa kịp tung ra chiến dịch đánh bóng hình ảnh mọi cải cách, sự tham dự của phe đối lập,thí dụ vụ  Boris Eltsine, để có thể kiểm soát hữu hiệu mọi cuộc nổi dậy ngày càng rõ rệt hơn của một "Kết hợp" ngày càng tỏ ra là một  "Đế quốc". Đế quốc đó đang trở thành, vào năm 1978, một  "Đế quốc tan vỡ" với con số và  nhịp độ của các vụ đụng độ giữa các sắc tộc và sự chối bỏ ngày càng lớn mạnh quyền lực trung ương.
Trên lý thuyết, "trò chơi chính trị" của một cường quốc  lệ thuộc vào những phương tiện của họ, hay những khả năng về kinh tế và  quân sự. Trên thực tế, nó lệ thuộc rất nhiều, trong cách áp dụng, vào không gian thiên nhiên của những tính chất văn hóa; nói một cách khác, vào ý niệm về cách suy nghĩ  sẽ hướng dẫn ý niệm những lựa chọn, những quyết định địa chính trị.
Khởi từ quan điểm  "Người Nga và người Mỹ không có cùng một nền văn hóa chiến lược", Alexis de Tocqueville, nhà chính trị Pháp (1935-1940), đã tiên đoán: "Ngày nay trên trái đất có hai  dân tộc lớn mạnh, đi từ khởi điểm khác nhau nhưng dường như đi tới cùng một mục tiêu, đó là dân Nga và dân Mỹ gốc Anh. Một bên lấy phương tiện chính yếu hành động là  sự nô lệ, bên kia là sự tự do". Người ta có thể suy nghĩ về sự quan trọng của phương thức văn hóa.   

Tính chất văn hóa và địa chính trị  
Mỗi dân tộc có nền văn hóa riêng của họ,  nền văn hóa hay lối suy nghĩ (mentalité) của tác giả ảnh hưởng sâu đậm vào tác phẩm của họ. Âm nhạc  Wagner không thể đến từ nước Ý cũng như âm nhạc Mozart không thể đến từ Nhật bản.
Cái gì đúng với âm nhạc và văn chương  cũng đúng y như vậy với địa chính trị và  địa chiến lược. Cũng có một nền "văn hóa địa chính trị", dù sự thật đó chưa là mục tiêu nghiên cứu rộng rãi. Cụ thể là sự hiểu biết hay không biết tính chất văn hóa cũng dẫn tới theo tình trạng  địa chính trị, những hoàn cảnh có thể làm thay đổi, hay làm đảo ngược thế quân bằng các lực lượng trên chiến trường. Chúng ta hãy lấy ba thí dụ  hoàn toàn khác biệt nhau trong thời gian và trong không gian:
Đức - Anh trong những năm  40
U.S.A - Việt Nam  trong những năm 60
Do thái - O.L.P. (Tổ chức Giải phóng Palestine): trong những năm 80
Trong trường hợp thứ nhất,  cuộc đối diện mặt đối mặt của hai lối suy nghĩ  Đức và Anh. Người Đức đã phát minh một bộ máy thông tin siêu đẳng để mã hóa  tin tức: Enigma. Phía Đồng minh không có bộ máy nào tương đương và quân đội Đức có thể nhận từ Bộ Tham-mưu một cách nhanh chóng và kín đáo những mệnh lệnh, lời chỉ dẫn... Cho tới một ngày kia, ngày mà  mã số nổi tiếng không thể vi phạm được Enigma  đến lượt nó lại bị xâm nhập một cách hữu hiệu và nhất là kín đáo.  Trong lối suy nghĩ của họ, người Đức  không hình dung được  tình huống đối thủ  có thể diễn hành trên mảnh đất  mà họ ngự trị từ đầu. Kết quả: một chuỗi trận đánh kỳ lạ mới đầu thắng, sau lại đổi thành thua. Trận đánh điển hình nhất là trận Koursk (1943) cuộc đối đầu giữa đoàn xe tăng của quân đội Nga với đoàn xe tăng của thống chế Von Manstein Đức. Đoàn xe này bị lộ hình tích mà không biết.     
Trong trường hợp thứ hai, cuộc chiến năm 1968 tại Huế  (Nam Việt-nam) giữa bộ Tham-mưu Mỹ và bộ chỉ huy Việt-cộng  (Bắc Việt-nam), trong trận tổng tấn công Tết Mậu thân, tính chất văn hóa và địa chính trị-chiến lược đã được kết hợp chặt chẽ với nhau. Như phóng viên J.F.Chauvel kể lại trong "chiến tranh bộc phát" khi  bộ binh thủy quân lục chiến  Mỹ và Nam Việt-nam chuẩn bị tấn công những tiểu đoàn thiện chiến Việt cộng đã mở đầu cuộc chiến từ lúc rạng đông, nhưng họ không thấy một ai, tất cả đã biến mất như mây khói. "Sự biến mất như mây khói của các tiểu đoàn việt-cộng" được thực hiện qua đường hầm của hoàng đế trong hoàng cung, đường hầm này đã được sử dụng từ năm 1883. Trong một cuộc chiến tranh du kích, người ta không thể hoàn toàn trông cậy vào dụng cụ điện tử. Chỉ có Bộ tham mưu Bắc-việt có lối suy nghĩ tính trước đường tỉến đường thóai và biết lịch sử.
Sau cùng,  trong trường hợp thứ ba, tình báo quân sự Do-thái Mossad đối đầu với  ình báo Hezbollas thiên Iran tại Beyrouth vào thời  điểm quyết định, mùa hè 1989, vị trí hai bên dường như là bị sa lầy trong các chiến  hào. Đoàn quân Tây- Âu bị tê liệt bởi những vụ bắt cóc trong một cuộc chiến "con tin". Vào  lúc đó, đến lượt quân Do-thái bắt cóc lãnh tụ Hồi giáo Karim Obeid. Không cần đến bạo hành, vị lãnh tụ này đã khai báo hết. Trên chiến trường, quân đội hai bên đều chấp thuận một thứ đình chiến.      
Khởi đầu, ba thí dụ trên không có một điểm chung nào: không có trong thời gian, không có trong không gian, không có trong đám đối thủ hiện hữu. Không có điểm chung nào, trừ ra một: sự quan trọng của tính chất văn hóa trong những lối suy nghĩ.
Để có thể hiểu được không phải chỉ có một mà là nhiều giải pháp địa-chính trị, trước tiên người ta phải theo dõi sự phát triển các “Trường phái tư tưởng”, các lối suy nghĩ, sau đó rút ra kinh nghiệm để ứng dụng vào hiện tại.  
Trong môn  địa chính trị, vấn đề tính chất văn hóa của những lối suy nghĩ là điều căn bản, bởi vì nếu không hiểu rõ  điều này, người ta không thể đoán trước được những lối hành xử (comportement) để đạt tới mục tiêu.    

Địa chính trị ứng dụng vào ba siêu cường: Trung Hoa, Nga và Hoa Kỳ    
Duyệt lại chính sách của ba siêu cường trên thế giới như  Trung Hoa,  Nga và  Hoa Kỳ   người  ta thấy ba quốc gia này đều áp dụng một chính sách đối ngoại dựa trên các yếu tố địa chính.
Trung hoa luôn nuôi mộng bành trướng vì tự coi mình là trọng tâm của thế giới. Trước kia người Trung Hoa thường vẽ bản đồ nước họ bằng một đồ biểu tượng trưng có một hình tròn nằm trong một hình vuông. Mỗi cạnh của hình vuông đều là một đường thẳng tiếp xúc của hình tròn. Hình tròn ở giữa chiếm gần hết diện tích của hình vuông tượng trưng cho Trung Hoa. Diện tích còn lại bốn góc của hình vuông tượng trưng cho các nước man rợ. Do đó danh từ: “Đông rợ, Tây nhung, Nam man, Bắc địch” nói lên sự khinh miệt của người Hoa đối với các nước khác. Và từ tư tưởng này, chính sách đối ngoại của Trung Hoa là xâm chiếm các nước khác.
Nước Nga thì đặt chính sách đối ngoại trên căn bản mở rộng lãnh thổ qua cuộc “Đông tiến”.  Bắt đầu từ một vương quốc  Moscovie nhỏ hẹp của Nga Hoàng Ivan,  người Nga tiến về phía Đông, vùng Tây Bá Lợi Á phì nhiêu, dân thưa đất rộng.  Qua các triều đại kế tiếp, Nga bành trướng tới Hắc Long Giang, biên giới Trung Hoa. Khi tới bờ biển Thái Bình Dương,  họ thiết lập thành phố Vladivostok (có nghĩa là chế ngự Đông phương) và xâm nhập đảo Sakhaline.
Tuy mới lập quốc vào năm 1776 nhưng Hoa Kỳ luôn luôn bành trướng qua cuộc Tây tiến. Đấy là “Luật Thái Bình Dương”  của chính sách đối ngoại Mỹ. Khởi đầu, Hoa Kỳ có diện tích là 850000 cây số vuông. Năm 1860 diện tích này đã lên tới 8 triệu cây số vuông, nối liền Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương. Sau đó, Mỹ tiếp tục “chính sách Tây tiến Nối dài”  chiếm luôn các hải đảo trên biển Thái Bình Dương như  Hawai, Midway, Samoa. Năm 1898, lợi dụng cuộc nổi loạn của thổ dân Cuba chống nhà cầm quyền Tây Ban Nha, Mỹ gây chiến với Tây Ban Nha, cướp luôn Cuba, Porto Rico và Phi Luật Tân.  Vào thế kỷ thứ 20, Hoa Kỳ nhẩy vào hai cuộc Thế chiến cũng vì biển Thái Bình Dương: năm 1917 vì Đức âm mưu liên kết với Mễ Tây Cơ, Hoa Kỳ quyết định tham chiến, gửi quân sang Pháp đánh Đức. Năm 1941, cũng vì Nhật oanh tạc Trân Châu cảng mà Mỹ nhảy vào vòng chiến.
Đại khái các thí dụ trên nói lên yếu tố địa chính trong chính sách Á-châu của ba siêu cường. Đối với các vùng khác trên thế giới thì ba quốc gia này còn tuân theo những định luật địa chính khác.                     
Sau cùng, tất cả  những dữ kiện trên đưa chúng ta đến một nhận xét căn bản: sự kiện chúng ta ngày càng hướng về môn  địa chính trị không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Khuynh hướng này bắt nguồn từ không gian địa lý, nơi thế kỷ XX đã viết lại lịch sử Trung-Âu và Đông-nam Á-châu.
Phan Tấn Khôi
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Saigon, ban Pháp văn, 1963  
Cao học Nghiên cứu giáo dục, ĐHSP Saigon, 1972                                         
                                                                                  
Tài liệu:
1. LE DESSOUS DES CARTES – Itinéraires géopolitiques. Jean-Christophe Victor, Ed. Tallandier/Arte, Paris, 2016.
Hai tập videoclips  Un ou deux Vietnam”, tập 1: Histoire du Vietnam,  ập 2: Économie et politique, mỗi tập dài khoảng 12 phút, do J.C.Victor trình bầy, trích trong số  200 videos “LE DESSOUS DES CARTES, trong website “Youtube.ca”.   
2. PUISSANCES ET CONFLITS—Analyses et Décisions geopolitiques. Gérard A. MontifroyEd. Fleuve, Montreal, 1990.
3. GEOGRAPHIE POLITIQUE ET GEOPOLITIQUE – Dossiers Universitaires. G.A.Montif Ed. Guérin, Montreal, 1981.
4. POURQUOI LES GUERRES? Un siècle de géopolitique. Francois  Géré Ed. Courrier International – Larousse, Paris, 2002.

 

Đăng ngày 08 tháng 10.2021