banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

"Cách mạng" tháng 8/1945

Nguyễn Lý Tưởng

(Gs Nguyễn Lý-Tưởng trả lời các câu hỏi của Lạc Việt trên Diễn Đàn PalTalk “Yểm Trợ Khối 8406” phát thanh về Việt Nam từ 7-10:00 PM giờ Cali tối Chúa nhật 17/8/2014 tại Hoa Kỳ)

Lạc Việt: (1) Xin cho biết lý do tại sao gọi là “Cách mạng tháng tám” ? và diễn tiến việc Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19/8/1945?

Gs Nguyễn Lý-Tưởng: Sách vở của phe Cộng Sản gọi biến cố xảy ra tại Hà Nội ngày 19/8/1945 là “Cách mạng tháng 8”, cũng có người thi vị hóa với danh từ “Cách mạng mùa thu” nhưng thực ra đó chỉ là một hành động “cướp chính quyền” của phe Việt Minh theo lệnh của Cộng sản Quốc tế (Nga) do Hồ Chí Minh thực hiện.
Tôi nghĩ rằng, nhân đây cũng phải nói về ý nghĩa hai chữ “cách mạng” cho rõ ràng:
Cách mạng là sự thay đổi một xã hội hay một chế độ, bỏ cái cũ lạc hậu, lỗi thời, bất hợp lý, đầy bất công, áp bức bóc lột để thay thế vào một xã hội mới, một chế độ mới tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, đem lại cho người dân một đời sống hạnh phúc, no ấm được hưởng các quyền tự do dân chủ, quyền làm người, quyền làm chủ đất nước hợp với nguyện vọng của mình, giải thoát cho cả dân tộc khỏi vòng nô lệ, giải thoát cho người dân cuộc đời lầm than của họ. Chẳng hạn người ta gọi cách mạng 1789 ở Pháp là cách mạng dân chủ, vì cuộc cách mạng đó lật đổ ngai vàng của vua Louis thứ 16, xóa bỏ chế độ quân chủ và xây dựng một chế độ dân chủ. (Cũng có những cuộc cách mạng về văn hóa, về khoa học kỹ thuật, về kinh tế,v.v…nhưng ở đây chúng ta chỉ nói về ý nghĩa của cách mạng về mặt chính trị, xã hội). Vậy chúng ta hãy so sánh sau khi Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội 19/8/1945, họ có đem lại điều gì tốt đẹp hơn cho dân tộc Việt Nam so với 4 tháng lãnh đạo đất nước của chính phủ Trần Trọng Kim hay không?

Diễn tiến việc Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội
Tình hình Việt Nam trước ngày Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội (19/8/1945):
Do chính sách cai trị lạc hậu, lỗi thời của các vua nhà Nguyễn trong thế kỷ thứ 19, tạo nên thối nát, bất công, kỳ thị tôn giáo, chia rẽ địa phương, làm cho dân tộc ta suy yếu. Lợi dụng tình thế đó, Pháp đem quân xâm chiếm nước ta. Khởi đầu từ vụ bắn phá Đà Nẵng (1847) dưới đời vua Thiệu Trị, đến việc chiếm mất 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (1962) rồi chiếm thêm 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (1867), chiếm thành Hà Nội (1883) thời vua Tự Đức. Việt Nam phải nhận sự bảo hộ của Pháp (hòa ước Quý Mùi 1883). Nhưng Pháp không ngừng lại ở đó, năm 1884, Pháp đem quân chiếm thêm các tỉnh Miền Bắc, đặt toàn bộ nước ta dưới quyền cai trị của Pháp với hòa ước Giáp Thân 1884 (cũng gọi là hòa ước Patenôtre) dưới thời vua Hàm Nghi. Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7, 1885 (tức 23/5 âm lịch Ất Dậu), hai quan phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ trương đánh Pháp thất bại, quân Pháp phản công, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, rồi nhân danh vua truyền hịch Cần Vương “Bình Tây, Sát Tả” (đánh Pháp, giết người theo đạo Thiên Chúa tức Công Giáo), dân vô tội chết oan, nội trong tỉnh Quảng Trị, chỉ trong vòng mấy hôm mà có đến hơn 8500 người theo đạo bị giết (bất kể già trẻ, trai gái, nhà thờ, nhà dân dân đều bị đốt cháy, của cải bị cướp sạch, có nơi bị tàn sát cả làng)…
Các cuộc kháng chiến chống Pháp do phe Nho sĩ, trí thức hay quân nhân ly khai từ thời Tự Đức cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20, từ Nam chí Bắc đều thất bại. Sau khi được tin Nhật thắng Nga (1904-1905) và cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Dật Tiên lãnh đạo thành công tại Trung Hoa…Các nhà Nho yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Kỳ ngoại hầu Cường Để,v.v. qua Tàu, qua Nhật vận động duy tân, kêu gọi dân chúng đổi mới, tự cường, tạo nên phong trào đòi độc lập khắp nơi trong nước. Từ “Tam Dân Chủ Nghĩa” (Dân Tộc độc lập, Dân Quyền tự do, Dân Sinh hạnh phúc) của Trung Hoa Quốc Dân Đảng với cách mạng Tân Hợi (1911) đã ảnh hưởng đến Việt Nam và Nguyễn Thái Học đã lập ra “Việt Nam Quốc Dân Đảng” (1927) tại Hà Nội và sau đó, thất bại trong cuộc khởi nghĩa tại Yên Bái (1930), 13 liệt sĩ bị xử tử, một số đồng chí bị tù đày, số khác trốn qua Tàu hoặc mai danh ẩn tích…
Trong thế chiến thứ hai (1939-1945), phe cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa thành lập “Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội” do Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần lãnh đạo quy tụ những nhà ái quốc lưu vong được Mỹ và Tưởng Giới Thạch ủng hộ, chuẩn bị trở về Việt Nam kháng Nhật.
Trước khi thế chiến thứ hai bùng nổ (1939) các phong trào sinh viên trí thức trong nước từ Nam chí Bắc cũng đã bí mật thành lập các đảng cách mạng chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ cho Việt Nam trong tương lai như Đại Việt Quốc Dân Dảng của Trương Tử Anh (1939) tại đại học Hà Nội với chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, Đại Việt Duy Dân của Lý Đông A (tên thật là Nguyễn Văn Thanh) tại Hà Nội, (1939), Huỳnh Phú Sổ (tại Long Xuyên với Phật Giáo Hòa Hảo – Dân Chủ Xã Hội Đảng, 1939-1940), Cao Đài (tại Saigon, ủng hộ Cường Để ở Nhật), Trần Trung Lập (ở vùng biên giới Việt – Trung)…Đảng Cộng Sản Đông Dương do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Hồng Kong (1930) là chi nhánh của Phong Trào Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế do Liên Sô lãnh đạo. Giữa phe “Quốc Gia” (không Cộng Sản) và phe “Quốc Tế Cộng Sản” đã có sự bất đồng từ lâu ở trong nước và cả ở hải ngoại.

Quân Nhật vào Đông Dương… Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (9/3/1945)
(Những lá bài của Nhật: Cường Để/ Ngô Đình Diệm và Bảo Đại/Trần Trọng Kim)
Khởi đầu thế chiến thứ hai, Đức đánh chiếm nước Pháp, Thống chế Pétain đầu hàng Đức, lập chính phủ thân Đức (để cho nước Pháp và đặc biệt là thủ đô Paris khỏi bị tàn phá do bom đạn chiến tranh). Thiếu Tướng De Gaulle chạy qua nương tựa nước Anh, lãnh đạo kháng chiến chống Đức. Chính quyền Pháp tại Đông Dương (quân sự, hành chánh) bị thất thế, không được chính quốc yểm trợ, vũ khí trang bị lạc hậu…Quân Nhật chiếm Mãn Châu, chiếm Trung Hoa và các nước Đông Nam Á. Quân Anh không bảo vệ được các nước thuộc địa (Nam Duong, Miến Điện, Mã Lai…), Tưởng Giới Thạch giữ Miền Nam nước Tàu để kháng Nhật. Năm 1940, 1941, Nhật lấy lý do cần tiếp tế cho quân Nhật ở Hoa Nam nên đem quân vào Đông Dương, chiếm Saigon, Hải Phòng, Hà Nội và các vị trí chiến lược khác nhưng vẫn để người Pháp cai trị Đông Dương để sai khiến, bắt Pháp phải phục vụ cho nhu cầu chiến tranh của Nhật.
Lúc đầu, Nhật sử dụng lá bài Cường Để, chuẩn bị đưa ông về làm vua Việt Nam thay thế Bảo Đại. Giữa ông Ngô Đình Diệm và Cường Để có sự liên lạc bí mật từ trước. Nếu Cường Để làm vua thì ông Ngô Đình Diệm sẽ là Thủ Tướng và Việt Nam sẽ theo chế độ “Quân chủ lập Hiến” như Nhật. Trước khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (9/3/1945), Nhật đã bí mật tiếp xúc với ông Ngô Đình Diệm tại Huế. Ông Tráng Liệt, con trai của Cường Để làm thông ngôn trong cuộc tiếp xúc đó. Trong khi đó, tại Hà Nội, Nhật cũng cho một viên Đại Úy người Nhật thường lui tới giao thiệp với sinh viên Việt Nam và qua một sinh viên (bà con trong gia đình cụ Trần Trọng Kim), viên sĩ quan nầy đã một vài lần tiếp xúc, đàm đạo, trao đổi tình hình thời sự với Cụ Trần Trọng Kim tại Hà Nội. Mật thám Pháp vẫn theo dõi các cuộc tiếp xúc của người Nhật với hai nhận vật nầy. Thế rồi, tại Huế, Nhật đã cho người báo tin cho ông Ngô Đình Diệm biết “Nhật được tin Pháp sắp bắt ông Ngô Đình Diệm”…Trong khi đó, Nhật cũng báo tin cho cụ Trần Trọng Kim tại Hà Nội “Pháp sắp bắt cụ Trần”. Cả hai người, ông Diệm cũng như cụ Trần đều được người Nhật bảo vệ. Ông Diệm đã cải trang làm một sĩ quan Nhật và được xe Hiến Binh Nhật đưa vô Saigon, cho ở trong một biệt thự, có lính Nhật canh gác, không cho tiếp xúc, liên lạc với bên ngoài ! Cụ Trần cũng được người Nhật đưa ra ngoại quốc cho đến khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) thì được đưa về giới thiệu với Bảo Đại…(sẽ nói rõ ở phần sau)

Trong thế chiến thứ II, (1939-1945), lúc đầu Mỹ chỉ tham chiến ở Châu Âu và giữ thái độ không can thiệp đối với Nhật. Nhưng sau khi Nhật bất thình lình tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) thì Mỹ mới phản công Nhật ở Mặt Trận Thái Bình Dương. Mỹ tuyên bố cắt đứt mọi liên lạc với Nhật. Mỹ đổ bộ chiếm quần đảo Ivoshima ở Thái Bình Dương, chiếm Philippine, Miến Điện…Nhật bắt đầu thất thế trên các mặt trận ở Đông Nam Á. Mỹ viện trợ quân sự giúp Tưởng Giới Thạch kháng Nhật và đưa ra kế hoạch giúp Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội cho đảng viên vào học trường quân sự Hoàng phố (của Tưởng Giới Thạch) để tổ chức các bộ chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn chờ đợi khi Mỹ đổ bộ Đông Dương thì về nước tổ chức kháng Nhật, chuẩn bị người tài giỏi để về nước nắm chính quyền sau khi Nhật bại trận. Tất cả những lời hứa hẹn đó đã được Tưởng Giới Thạch tiết lộ với cụ Nguyễn Hải Thân, cụ Vũ Hồng Khanh là những cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam lưu vong tại Trung Hoa lúc đó (Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội – Viet Nam Quốc Dân Đảng)…Do đó giữa phe cách mạng Việt Nam có hai khuynh hướng: trong nước thì hy vọng mượn tay quân Nhật đuổi Pháp dành độc lập; ở hải ngoại (phe lưu vong bên Tàu) thì hy vọng Mỹ và Tưởng Giới Thạch (phe Đồng Minh) thắng Nhật để về nước nắm chính quyền.
Mặc dù Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương là De Coux luôn thi hành các mệnh lệnh của Nhật: cung cấp lương thực, than đá, v.v. cho quân Nhật. Nhưng sự hiện diện của quân Pháp tại Đông Dương trong lúc tình hình quân sự Nhật đang xuống giốc làm cho Nhật lo lắng, sợ quân Pháp trở súng bắn vào sau lưng Nhật. Do đó, Viên Tướng Tư Lệnh Quân Đội Nhật là Tsuchihashi Yuitsu đã thay đổi kế hoạch và bất thình lình tổ chức đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương (9/3/1945). Đại diện Nhật đã gặp Toàn Quyền Pháp tại Saigon và đưa “tối hậu thư” yêu cầu Pháp trao toàn bộ chính quyền quân sự hành chánh tại Đông Dương cho Nhật. Nếu trong vòng 24 giờ đồng hồ Pháp không trả lời thì Nhật sẽ hành động. Ngày 9 tháng 3, 1945, một giờ đồng hồ sau khi Pháp trả lời “từ chối” Nhật ra lệnh tấn công, bắt giam toàn quyền Pháp tai Saigon. Tất cả lính Pháp trên toàn Đông Dương đều bị tước khí giới, công dân Pháp trong đó có Linh Mục, Giám Mục đều bị an trí tại chỗ có lính Nhật canh gác. Lính Nhật chận xe vua Bảo Đại đi săn từ Quảng Trị trở về, yêu cầu vua chờ cho đảo chính Pháp xong mới được trở về hoàng thành. Sau đó, Đại sứ Yokoyama, đại diện của vua Nhật đã vào gặp vua Bảo Đại để trình bày diễn tiến tình hình vừa xảy ra tại Đông Dương. Nhật tuyên bố trả độc lập cho Việt Nam.

Ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, tham gia khối Liên Minh Đại Đông Á của Nhật và xé bỏ các hiệp ước bất bình đẳng được ký kết giữa các vua nhà Nguyễn với Pháp trong thế kỷ 19. Vua Bảo Đại phải gấp rút thành lập Chính Phủ Việt Nam độc lập, thống nhất để đặt các Lực lượng Đồng Minh, nhất là Pháp, trước một tình trạng pháp lý không thể đảo ngược được. Việt Nam theo chế độ Quân chủ lập Hiến, có vua và có Chính phủ do Thủ Tướng lãnh đạo giống như bên Nhật. Vua Bảo Đại biết ông Ngô Đình Diệm đã được Nhật bảo vệ và đang ở trong tay Nhật nên đã nhờ Nhật liên lạc mời ông Diệm về lập Nội Các. Nhưng Nhật đã đưa ông Trần Trọng Kim đến gặp vua Bảo Đại và trả lời “không biết ông Diệm ở đâu”. Do đó, Bảo Đại biết Nhật đã bỏ rơi lá bài Cường Để rồi …Ngày 17/4/1945, Thủ Tướng Trần Trọng Kim trình diện Nội Các, quy tụ các nhà trí thức khoa bảng trẻ tuổi và chọn quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, hai sọc liền, sọc giữa rời ra như quẻ Ly nên thường gọi là cờ quẻ Ly. (Xin mở dấu ngoặc ở đây để giải thích thêm: tại sao Nhật bỏ lá bài Cường Để và sử dụng lá bài Bảo Đại? –Nếu đưa Cường Để về làm vua thì sẽ phải thay đổi bộ máy hành chánh với thành phần quan lại cũ…làm như thế sẽ gây xáo trộn trong xã hội trong khi Nhật đang gặp khó khăn cả về mặt quân sự lẫn chính trị tại Việt Nam. Nếu để Bảo Đại tiếp tục làm vua thì giữ được toàn bộ thành phần quan lại để tiếp tục điều khiển đất nước, ổn đình tình hình).

Trong 4 tháng cầm quyền trước ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, Chính phủ Trần Trọng Kim phải đối phó với nạn đói xảy ra tại Miền Bắc VN khiến cho hàng triệu người chết; đồng thời, phải tranh đấu với Nhật đòi lại Miền Nam trước đây là xứ thuộc địa của Pháp, để thống nhất đất nước sau khi có độc lập. Kết quả là Nhật đã trả lại xứ Nam Kỳ cho Việt Nam (8/8/1945) trước ngày Nhật đầu hàng. Vua Bảo Đại đã đặt hai vị Khâm Sai đại diện cho nhà vua tại Bắc Kỳ (Phan Kế Toại) và Nam kỳ (Nguyễn Văn Sâm). Như vậy, Việt Nam đã độc lập và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trước ngày Việt Minh cướp chính quyền 19/8/1945. Chính Phủ Trần Trọng Kim đã đưa ra một chương trình 6 điểm cấp thời:
1.Đòi Nhật chuyển giao tất cả các cơ sở hành chánh cho người Việt Nam.
2.Thâu hồi đất Nam Kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp.
3. Ân xá các chính trị phạm (Bộ trưởng Tư Pháp là Luật sư Trịnh Đình Thảo đề nghị ân xá chính trị phạm. Nghị định ân xá do Thủ Tướng Trần Trọng Kim ký ngày 2/5/1945. Hàng ngàn đảng viên Cộng Sản bị Pháp bắt giam tại Côn Đảo và những người theo Việt Minh chống Nhật cũng được can thiệp trả tự do).
4. Cho phép thành lập các đảng phái chính trị (điều nầy cho đến 1969 dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, VNCH mới có luật Quy chế Chính đảng và Đối lập chính trị do Quốc Hội biểu quyết, Tổng Thống ban hành…Miền Bắc là chế độ độc tài Cộng Sản , không có chính đảng đối lập).
5. Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo.
6. Thiết lập Ủy ban Tư vấn quốc gia để soạn thảo Hiến Pháp, nghiên cứu cải tổ Chính trị, Hành chánh,Giáo dục (Chương trình dạy tiếng Việt trong các trường học do GS Hoàng Xuân Hãn, Bộ Trưởng Giáo Dục… đưa ra đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng cho đến bây giờ). Nghị định thành lập UB soạn thảo Hiến Pháp ký ngày 8/5/1945…

Dưới thời Pháp thuộc, tên của nước ta là An Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim lấy lại tên nước là Việt Nam đã có từ thời Gia Long (1802).
Tướng Tổng Tư Lệnh của Nhật là Tsuchihashi Yuitsu đồng ý đề nghị của CP Trần Trọng Kim: -Trả lại Nam Bộ cho Việt Nam (8/8/1945) – Trả lại các cơ sở của người Pháp (kể cả Phủ Toàn Quyền) cho Việt Nam – Nhật cung cấp cho Việt Nam 4.000 súng đủ loại để trang bị cho đội quân Bảo An của Việt Nam để giữ gìn an ninh trật tự trong nước.-Nhật đồng ý cho tàu chở gạo trong Nam ra Bắc để cứu đói đồng bào. CP Trần Trọng Kim hô hào toàn quốc lạc quyên để cứu đói và tình hình dân chết đói đã giảm rõ rệt. Đó là những thành tích rất lớn chỉ trong 4 tháng mà CP Trần Trọng Kim đã đạt được.

Mỹ Ném bom nguyên tử xuống hai đảo Iroshima và Nagazaki: Nhật đầu hàng.
Trong phần trên tôi có nói, trong thế chiến thứ hai (1939-1945), Mỹ tham chiến ở Âu Châu nhưng lại giữ thái độ không can thiệp đối với Nhật tại Á Châu (đặc biệt, các nước Đông Nam Á). Tại sao có chuyện lạ như vậy? – Chủ trương của Mỹ là “xóa bỏ chế độ thuộc địa” nên mượn tay Nhật xóa bỏ thực dân Anh và thực dân Pháp tại các nước thuộc địa Á Châu (cụ thể là vùng Đông Nam Á). Sau đó, Mỹ thắng Nhật, và Mỹ sẽ trao trả độc lập cho các nước bị trị và giúp các nước nầy xây dựng chế độ dân chủ trong quan hệ kinh tế với Mỹ. Phía cộng sản gọi đó là “chủ nghĩa thực dân mới”. Mỹ đang thi hành kế hoạch nói trên và các nước khác sau thế chiến thứ hai đều được độc lập, ngoại trừ Việt Nam, Mỹ bị Cộng Sản phổng tay trên. Nga ra lệnh cho Hồ Chí Minh ra tay trước.
Trong thế chiến thứ hai, Nga và Nhật đã ký một hiệp ước bất tương xâm (hai bên không đánh nhau). Nga rảnh tay về phía Đông để đối phó với Đức tại Tây Âu. Nhật đã chiếm Mãn Châu, đưa vua Phổ Nghi nhà Thanh (bị cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ) về làm vua Mãn Châu và dồn mọi khả năng quân sự đánh vào nước Tàu, chiếm vùng Đông Nam Á…Nhật lo sợ sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương nên bất thình lình đánh vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) phá tan căn cứ hải quân của Mỹ. Chính vì hành động táo bạo của Nhật mà cả nước Mỹ xúc động, Mỹ liền tuyên chiến với Nhật. Mỹ tuyên bố “cắt đứt mọi liên lạc với Nhật” và phản công Nhật trên khắp các mặt trận ở Đông Nam Á, giúp Tưởng Giới Thạch về kinh tế, quân sự để kháng Nhật. Trong khi quân Nhật liên tiếp thua quân Mỹ tại Đông Nam Á thì Mỹ lên tiếng kêu gọi Nhật đầu hàng. Giữa Nhật và Mỹ đã cắt đút quan hệ ngoại giao, rồi cắt đứt mọi liên lạc nên Nhật phải nhờ Nga chuyển thư trả lời của Nhật cho Mỹ. Nga cố ý trì hoãn và chậm chuyển thư đi. Mỹ không nhận được thư trả lời của Nhật nên quyết định thả bom nguyên tử, bắt buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Nga biết được tình hình Nhật sắp đầu hàng nên ra lệnh cho Hồ Chí Minh chuẩn bị cướp chính quyền tại Việt Nam với mục đích thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản trên khắp thế giới.

Hồ Chí Minh là ai?
Như mọi người đã biết, nhân vật lãnh đạo “Cách mạng tháng 8/1945 hay Việt Minh cướp chính quyền 19/8/1945 tại Hà Nội” là Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh là ai?
Hồ Chí Minh là một cái tên mới xuất hiện vào thời điểm nầy nên trong nước và hải ngoại không ai biết rõ lý lịch của y. Lúc nhỏ, y có tên là Nguyễn Sanh Côn, con trai út của Phó bảng Nguyễn Sanh Huy (sau đổi tên là Nguyễn Sanh Sắc), người huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ vào học ở Huế, bạn bè thường gọi y là Nguyễn Du Côn nên y đổi tên là Nguyễn Sanh Cung (theo giọng Hà Tĩnh, Nghệ An thì Cung cũng đọc trại ra Côn; Khiêm là anh trưởng của Côn cũng đọc trại ra Khơm) vì thế khi vào Phan Thiết, y lấy tên là Nguyễn Văn Ba. Vào Saigon xin được một chân bồi tàu, rồi theo tàu buôn qua Pháp, y tìm đến nương nhờ cụ Phan Châu Trinh là bạn quen với thân phụ y ngày xưa, học nghề chụp hình để kiếm sống. Y đã từng nộp đơn xin vào học trường dành riêng cho học sinh các xứ thuộc địa của Pháp để sau nầy được đi lính hay làm công chức phục vụ cho Pháp, nhưng bị từ chối nên y đổi tên là Nguyễn Tất Thành. Qua trung gian của cụ Phan, y mới quen biết được với các ông Phan Văn Trường (người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ Luật, làm luật sư ở Pháp) và Nguyễn Thế Truyền (cũng là người Việt Nam đầu tiên đậu Tiến sĩ Khoa học ở Pháp) là hai người trí thức khoa bảng và có lòng yêu nước ở Paris lúc đó. Nhờ nhóm Xã Hội (Pháp) tài trợ, hai ông xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ), bút hiệu lúc đầu là Nguyễn Ố Pháp (ghét Pháp). Về sau vì sợ mất lòng nhóm Xã Hội (Pháp) nên đổi tên là Nguyễn Ái Quốc (bút hiệu nầy chung cho nhiều người). Về sau hai ông nhận thấy chủ nghĩa xã hội (tức chủ nghĩa cộng sản) không thích hợp với dân tộc Việt Nam nên hai ông đã rút lui. Riêng Nguyễn Tất Thành thì tình nguyện tiếp tục cộng tác với báo Le Paria và tiếp tục mang cái tên chung của hai ông trước đây là Nguyễn Ái Quốc. Vì thế trong các tài liệu của cộng sản Pháp để lại thường nhắc đến tên Nguyễn Ái Quốc.

Trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), Nguyễn Ái Quốc theo phe Cộng Sản Pháp chống Đức và để lập công với bọn nầy, y đã báo cáo cho chúng biết cụ Phan Châu Trinh có liên lạc với Đức để chống Pháp. Vì thế cụ Phan bị Pháp bắt giam tại ngục La Santé (Paris). Cụ Phan biết chuyện đó nên sau khi ra khỏi tù, đã đuổi y ra khỏi nhà. Từ 1919-1923, Nguyễn Ái Quốc chính thức tham gia đảng Cộng Sản Pháp (thuộc đệ tam quốc tế) và sau đó được gởi qua huyến luyện tại Nga để trở thành cán bộ Cộng sản đặc trách Đông Á. Năm 1925, y làm thông ngôn cho Borodine với cái tên mới là Lý Thụy, trong phái đoàn cố vấn của Nga giúp Trung Hoa thời Tôn Dật Tiên, nhưng thực chất là hoạt động tình báo cho Cộng Sản Quốc Tế, có nhiệm vụ lôi kéo thanh niên Việt Nam chống Pháp lúc đó đang sống lưu vong bên Tàu để tổ chức cơ sở cộng sản sau nầy đưa về Việt Nam hoạt động. Năm 1928, khi Tưởng Giới Thạch thay thế Tôn Dật Tiên (chết) lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng và làm Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc, chủ trương chống Cộng (Mao Trạch Đông) thì Lý Thụy rút vào hoạt động bí mật. Năm 1930, Lý Thụy tức Nguyễn Ái Quốc nhân danh cán bộ cộng sản quốc tế phụ trách Đông Á triệu tập một cuộc họp tại Hồng Kong để thống nhất các khuynh hướng Cộng sản tại Việt Nam và thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương do y lãnh đạo.

Trong thời gian ở Trung Hoa, y thường liên lạc với cụ Hồ Học Lãm, một nhà cách mạng Việt Nam lưu vong và đổi tên là Hồ Chí Minh để khỏi lộ tông tích. Y dùng chiêu bài chống thực dân, dành độc lập để dánh lừa thanh niên yêu nước và đồng bào Việt Nam. Có tài liệu nói rằng Hồ Chí Minh là bút hiệu của cụ Hồ Học Lãm thời gian làm báo trong quân đội Tưởng. Có khi cụ Hồ Học Lãm bận việc thì Nguyễn Ái Quốc viết bài thay cụ và cũng ký bút hiệu Hồ Chí Minh. Sau khi cụ Hồ Học Lãm chết, cái tên Hồ Chí Minh đã thuộc về Nguyễn Ái Quốc luôn. Khi Nhật chiếm Đông Dương, y về nước hoạt động ở vùng biên giới Trung-Việt và có tiếp xúc với tổ chức OSS của Mỹ (hoạt động chống Nhật) và được tổ chức nầy tài trợ và huấn luyện. Trên đường trở lại Trung Hoa, y bị Tướng Trương Phát Khuê của Tưởng Giới Thạch bắt giam vì TPK được tình báo Anh cho biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, một cán bộ cộng sản quốc tế đang hoạt động tại Trung Hoa. Khi bị bắt, y khai là người của cách mạng Việt Nam cử sang Trung Hoa để liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam lưu vong, tổ chức kháng Nhật. Trương Phát Khuê đã đưa y đến trụ sở Việt Nam Cách Mệnh Đống Minh Hội để nhận diện. Nhưng không ai biết mặt y. Tại đây, y đã đánh lừa được các cụ Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh và đã được các cụ cho y tuyên thệ gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội với tư cách ủy viên dự khuyết trung ương.

Ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, tất cả quân Pháp tại Việt Nam đều đầu hàng Nhật, chỉ có một lực lượng quân Pháp khoảng 5000 người tại Lạng Sơn do Đại Tá Alessandri chỉ huy, đã kéo qua Trung Hoa, nương tựa Tưởng Giới Thạch để chống Nhật. Trong số sĩ quan dưới quyền của Alessandri có một người Việt Nam mang cấp bậc Đại úy tên là Viên (capitaine Viên hay quan Ba Viên). Tên nầy thường lui tới trụ sở Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và cũng đã nhiều lần tiếp xúc với Hồ Chí Minh. Nhân dịp Hồ Chí Minh xin về nước hoạt động chống Nhật, các cụ trong Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đã cho một số cán bộ trẻ trong tổ chức đi theo. Các người nầy là thành phần ưu tú, sau nầy nếu Đồng Minh đổ bộ, cách mạng thành công thì họ sẽ là thành phần lãnh đạo quan trọng, có thể tham gia chính phủ của nước Việt Nam trong tương lai…Ba Viên lãnh trách nhiệm hộ tống phái đoàn về nước. Khi về đến biên giới, Hồ Chí Minh đã móc nối với Ba Viên, giết tất cả nhóm cán bộ ưu tú nầy! Hồ Chí Minh đã lập ra một tổ chức mới lấy tên là Việt Minh để mọi người lầm tưởng đó là Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của cụ Nguyễn Hải Thần ở bên Tàu về. Sau này, khi nắm được chính quyền, phe Cộng Sản giải thích Việt Minh tức là Việt Nam Cách Mệnh Đồng Chí Hội khác với Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách). Chúng đã bỏ đi hai chữ “Cách Mệnh” và thay thế vào hai chữ “Đồng Chí”. Đây cũng chỉ là một thủ thuật, một tiểu xảo mà thôi.
(Ngay sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật, ngày 6/8/1945 tại Hiroshima và, ngày 9/8/1945 tại Nagazaki, vua Nhật tuyên bố đầu hàng ngày 15/8/1945 thì ngày 16/8/1945, Nga liền cho quân chiếm Mãn Châu là nơi chưa bị chiến tranh tàn phá và cũng là nơi dự trữ lương thực, vũ khí quan trọng của Nhật. Sau khi Nhật đầu hàng, Nga rút quân và cho Mao Trạch Đông đem quân vào thay thế, đặt Tưởng Giới Thạch trước một sự đã rồi. Tưởng Giới Thạch từ Miền Nam trở về, tiếp thu một nước Tàu tan hoang, đổ nát, dân chết đói đầy đường, đầy dẫy tệ nạn xã hội, lính tráng cướp bóc, sĩ quan, tướng lãnh tham nhũng… Trong khi Mao Trạch Đông đem Hồng quân vào Mãn Châu là một nơi bình yên, thóc gạo dư thừa, quân Mao đi đến đâu, hô hào tịch thu tài sản nhà giàu, tịch thu ruộng của địa chủ chia cho dân. Vì thế, dân ủng hộ Mao Trạch Đông. Mỹ chán nản, bỏ rơi không viện trợ cho Tưởng Giới Thạch, phe Tưởng thất bại, toàn bộ nước Tàu rơi vào tay Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Tình thế đó đã giúp cho Hồ Chí Minh tồn tại và thắng lợi sau nầy trong trận Điện Biên Phủ 8/5/1954 và được một nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc sau hiệp định Genève 20/4/1954).
Về phía các nhà cách mạng Việt Nam lưu vong ở Trung Hoa, họ vẫn chờ đợi quân đội Đồng Minh (Mỹ-Tưởng Giới Thạch) đổ bộ lên Đông Dương để theo quân đội Đồng Minh về nước. Nhưng hai quả bom nguyên tử đã làm thay đổi tình hình quá nhanh chóng và việc Mỹ hứa giúp tiền bạc và khí giới để tổ chức huấn luyện quân đội cũng đã không thực hiện. Họ chỉ còn biết dựa vào sự giúp đỡ của Tưởng Giới Thạch mà thôi.
Trước khi kết thúc thế chiến thứ hai, có một cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo Đồng Minh tại hội nghị Yalta (1945) đã đi đến quyết định: Sau khi Nhật và Đức đầu hàng thì số phận các nước nhược tiểu bị nô lệ phải được độc lập và giữ nguyên trạng, quân đội Đồng Minh phải duy trì an ninh trật tự và giúp các nước đó xây dựng chế độ dân chủ. Như đã nói, chủ trương của Mỹ là xóa bỏ chế độ thuộc địa. Như vậy chính quyền Bảo Đại vẫn là hợp pháp và là đại diện duy nhất cho Việt Nam lúc đó. Nhưng Bảo Đại vì liên minh với Nhật nên không biết rõ các quyết định nội bộ của phe Đồng Minh. Ngoài ra, ông còn sợ bị truy tố về tội phạm chiến tranh như vua Nhật nên khi Nhật đầu hàng, ông rất bối rối. Về phía Hồ Chí Minh và phe Cộng Sản thì đã sẵn sàng hành động vì đã nắm được tình hình nhờ Liên Sô (Nga) ở trong phe Đồng Minh. Đa số thành phần lãnh đạo của phe Quốc Gia (không cộng sản) lúc đó đang nằm ở Trung Hoa, đợi khi quân Tưởng vào Việt Nam giải giới quân Nhật thì Hồ Chí Minh đã cướp chính quyền rồi.

Việt Minh cướp chính quyền ngày 19/8/1945 tại Hà Nội
Lúc bấy giờ Việt Minh rất yếu nhưng họ đã áp dụng các thủ đoạn: vừa khủng bố vừa lừa dối. Những mốc thời gian cần ghi nhớ: Ngày 6/8/1945 Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Ngày 9/8/1945 Mỷ thả bom nguyên tử lần thứ hai xuống Nagazaki. Ngày 11/8/1945, Nga xua quân chiếm Mãn Châu. Ngày 15/8/1945 vua Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh (Mỹ).

Ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh đã tổ chức khủng bố khắp nơi, nhất là tại vùng biên giới. Có những làng dân theo đạo Thiên Chúa (Công Giáo) do các Linh Mục người Pháp lãnh đạo? Sau một đêm, sáng ra người ta thấy đầu ông cố đạo bị chặt đem bêu trước mặt đường. Ở các vùng quê, họ xúi dục dân tràn vào nhà giàu, giết người, cướp của, cướp thóc gạo…
Họ cho người đi treo cờ đỏ sao vàng khắp nơi, khiến cho người ta tin rằng đâu đâu cũng có sự hiện diện của Việt Minh.
Trong một cuộc biểu tình do công chức Hà Nội tổ chức vào ngày 19/8/1945 để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Việt Minh đã cho một bộ phận nhỏ chiếm lấy khán đài, dương cao cờ đỏ sao vàng, đọc tuyên ngôn của Mặt Trận Việt Minh và hô hào nhân dân nổi dậy cướp chính quyền.
Lúc bấy giờ, đoàn võ trang tuyên truyền giải phòng quân của Võ Nguyên Giáp (khoảng 40 người có võ trang) chưa về đến Hà Nội nhưng phía Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt… thì đã có sẵn lực lượng trong tay, đủ sức để làm chủ tình hình nhưng họ sợ bị ngộ nhận là tranh công, gây chia rẽ nên đành im lặng, không dám có phản ứng gì.
Dân tộc Việt Nam gần 80 năm dưới ách đô hộ thực dân Pháp, mong ước có ngày được độc lập nên đã nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh. Trong thời gian chống Pháp, các tổ chức cách mạng hoạt động bí mật, dân chúng chỉ nghe tên mà không phân biệt được ai là Cộng Sản, ai là Quốc Gia chân chính. Mặt trận Việt Minh chỉ tuyên truyền họ là người yêu nước và đã khéo léo che dấu bản chất làm tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế (Liên Sô) nên đa số đồng bào, nhất là thành phần thanh niên trí thức yêu nước đã hăng hái tham gia Mặt Trận Việt Minh.
Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Việt minh được đưa ra giới thiệu trước dân chúng và đương nhiên cướp công của bao nhiêu người đã vận động tổ chức biểu tình ở Hà Nội ngày 19/8/1945 để ủng hộ CP Trần Trọng Kim và cũng cướp công tranh đấu của bao thế hệ đã đổ máu chống thực dân Pháp để dành lại tự do và độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Việt Minh đã hô hào dân chúng đi các nơi để tiếp thu chính quyền một cách dễ dàng, không một lực lượng nào chống đối. Quân Nhật giữ thái độ im lặng. Chính quyền Trung Ương ở Huế và vua Bảo Đại không ban hành một chỉ thị hay mệnh lệnh nào cho các địa phương. Các quan cấp tỉnh, phủ, huyện tùy nghi muốn làm sao thì làm. Các đảng phái quốc gia tự động tổ chức lực lượng tự vệ riêng và sau nầy trở thành chiến khu chống Pháp và chống Cộng Sản.
Trước tình hình như thế, nếu vua Bảo Đại yêu cầu quân Nhật duy trì an ninh trật tự thì đã có thể duy trì chính quyền trong tay được. Nhưng nhà vua đã ngả lòng trước phong trào dân chúng đang sôi sục đòi độc lập và thấy quân Nhật chán nản sau cái tin vua Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (15/8/1945) nên thái độ của vua cũng tỏ ra dè dặt. Ngoài ra, Việt Minh cũng đã móc nối với Phạm Khắc Hòe, tổng lý ngự tiền văn phòng của vua làm trung gian cho họ gặp vua để vận động vua thoái vị và trao chính quyền cho Việt Minh. Theo hồi ký của vua Bảo Đại, người Nhật có đề nghị sử dụng quân đội của họ để dẹp loạn, duy trì an ninh trật tự. Nhưng nhà vua từ chối vì không muốn làm đổ máu người Việt Nam.
Trong lúc Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội thì Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vũ Hồng Khanh) và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Nguyễn Hải Thần) cũng đã chiếm đóng và thiết lập chính quyền tại một số tỉnh biên giới, đặc biệt quân đội của Trần Kim Thành đã chiếm Quảng Ninh và thiết lập cơ quan hành chánh, quân sự để kiểm soát dân. Riêng tại vùng Công Giáo Bùi Chu-Phát Diệm, trong lúc Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội thì Giám Mục Lê Hữu Từ đã cho thiết lập chính quyền các cấp tại địa phương do người Công Giáo phụ trách và tuyên bố “khu tự trị”.

Từ khi quân Nhật vào Đông Dương, các đảng phái quốc gia đã hoạt động mạnh trở lại, nhưng vì lúc đó lãnh tụ còn ở ngoại quốc (trừ Đại Việt) nên không dám quyết định cướp chính quyền, do đó mà chính quyền rơi vào tay Việt Minh (Cộng Sản). Tại Hà Nội, ngay sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng, Khâm Sai Phan Kế Toại đã mời các đảng phái quốc gia đến và ngỏ ý trao lại chính quyền cho họ nhưng họ không dám quyết định vì còn đợi liên lạc hỏi ý kiến Trung Ương mà Trung Ương lúc đó đang ở bên Tàu, mấy tháng sau mới theo quân Tưởng về nước. Việt Minh nghe được tin đó liền cho người gặp Phan Kế Toại và yêu cầu trao chính quyền cho họ. Phan Kế Toại có đề nghị họ hợp tác để giúp CP Trần Trọng Kim nhưng họ không chịu. Do đó, khi thấy đoàn biểu tình kéo đến dinh Khâm Sai (Phủ Toàn Quyền cũ) thì Phan Kế Toại đã mau mắn trao chính quyền cho Việt Minh. Trong khi đó, Khâm Sai Nam Kỳ là ông Nguyễn Văn Sâm được vua Bảo Đại cử vào Saigon tiếp thu chính quyền do Nhật trao lại; vừa đến nơi thì được tin Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội (19/8/1945); mấy ngày sau lại được tin CP Trần Trọng Kim từ chức, vua Bảo Đại chính thức trả lời Việt Minh “đồng ý thoái vị” (23/8/1945) tình thế xem như đã muộn rồi.

Theo hồi ký của Phạm Khắc Hòe, (Tổng lý ngự tiền văn phòng, người được vua cho đi liên lạc với Việt Minh): Tại Huế, ngày 22/8/1945, Việt Minh (do Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt lãnh đạo) vận động dân chúng tụ tập tại Sân Vận Động, mét tinh ủng hộ Việt Minh và gởi “tối hậu thư” yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 23/8/1945, nhà vua chính thức trả lời Việt Minh “đồng ý thoái vị”. Sáng ngày 29/8/1945, phái đoàn Việt Minh từ Hà Nội vào gồm có: Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (đoàn viên) tại Huế có Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt. Đồng bào tập họp tại sân vận động để hoan hô phái đoàn. Ngày hôm sau 30/8/1945, lễ đọc tuyên chiếu thoái vị và trao ấn kiếm được tổ chức lúc 4 giờ chiều tại trước cửa Ngọ Môn, cờ vàng được kéo lên, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, tuyên bố “thà làm dân một nước độc lập hơn là làm vua một nước nô lệ”, cờ vàng từ từ hạ xuống. Vua trao ấn, kiếm bằng vàng của vua cho Trần Huy Liệu. Cờ Việt Minh được kéo lên. Trần Huy Liệu đọc bản tuyên bố của Việt Minh “chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ”…(Phạm Khắc Hòe: “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” (Hà Nội 1983 tr.61-77).

Nhưng theo Hồi Ký của Bảo Đại, ngày 22/8/1945, vua nhận được điện tín của Việt Minh yêu cầu vua “thoái vị”. Ngày 23/8/1945, vua trả lời “đồng ý thoái vị”. Lễ đọc chiếu thoái vị và trao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh vào chiều 25/8/1945 tại trước lầu Ngọ Môn, chiếu thoái vị ký ngày 25/8/1945. Phái đoàn Việt Minh từ Hà Nội vào có Trần Huy Liệu, và Cù Huy Cận, không có Nguyễn Lương Bằng. (Hồi ký “Con Rồng Việt Nam” của Bảo Đại, phát hành tại Cali, 1990, tr. 181-189)
Dân chúng được tin quá bất ngờ, nhiều người đã khóc vì nghĩ đến sự nghiệp của nhà Nguyễn mấy trăm năm mở mang Miền Nam, thống nhất đất nước, phút chốc con cháu đã để mất ngai vàng.
Tại Saigon, ngay sau khi Nhật đầu hàng (15/8/1945), có một đảng viên Đại Việt là sĩ quan cao cấp (cấp tướng) trong quân đội Nhật được người Nhật gợi ý: nếu có người đứng ra nhận thì Nhật sẽ trao chính quyền cho phe “Quốc Gia” (không Cộng sản). Nhưng vị sĩ quan đó không tìm được người nào dám đứng ra nhận. Phe Trần Văn Giàu (Cộng sản) nghe tin đó liền đi tiếp xúc với người Nhật và người Nhật hứa để cho họ làm gì thì làm, không ngăn cản. Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của Phật giáo Hòa Hảo lúc đó vào tuổi 30, nhưng là người biết nhìn xa thấy rộng, ông đã liên lạc với các tổ chức không Cộng Sản trong Nam (như Cao Đài, Đại Việt, Việt Quốc, nhóm của GS Hồ Văn Ngà, Hồ Hữu Tường, Bình Xuyên…) để thành lập Mặt Trận Quôc Gia Thống Nhất. Lực lượng Thanh Niên Tiền Phong của BS Nguyễn Ngọc Thạch lúc đầu không phải do Cộng Sản lập ra, cũng đã tham gia Mặt Trận nầy. Về sau nhóm Cộng Sản từ nhà tù Côn Đảo trở về đã thao túng được tình hình, trong cuộc biểu tình tại Saigon do Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất tổ chức để nghe Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên đài phát thanh Hà Nội, có hàng trăm nghìn người náo nức và xúc động trước tin “Cách mạng thành công” “Việt Nam độc lập” do Hồ Chí Minh lãnh đạo, cuối cùng đã bị nhóm Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn lái đi theo con đường của họ.

Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập lập tại Hà Nội thì 21 ngày sau đó tức là ngày 23/9/1945, quân Anh bàn giao cho quân Pháp đổ bộ lên Saigon. Kháng chiến Nam bộ bùng nổ giữa người Việt Nam và quân Pháp.
Như đã nói ở trên, giữa Cao Đài và Kỳ ngoại hầu Cường Để có sự liên lạc với nhau nên sau khi Nhật đầu hàng, Cao Đài đã thành lập một lực lượng tự vệ với 5000 thanh niên có võ trang do Nhật bí mật giúp đỡ. Phía Hòa Hảo cũng cho ra đời Dân Chủ Xã Hội Đảng và tín đồ Hòa Hảo cũng đã thành lập các đơn vị quân sự cấp trung đoàn ở nhiều nơi tại các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ,v.v. do các ông Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên, Lê Quang Vinh (Ba Cụt)…là tín đồ Hòa hảo chỉ huy, để chống Pháp, bảo vệ đạo. Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng tổ chức một lực lượng quân sự cấp Trung đoàn do ông Nguyễn Hòa Hiệp chỉ huy. Đại Việt cũng lập chiến khu quy tụ những thanh niên, sinh viên có võ trang gọi là Bộ đội An Điền, hoạt động trong vùng Saigon.

Lạc Việt (2): Tháng 8/1945, quân Nhật đã đầu hàng Đồng Minh (Mỹ), quân Pháp cũng không còn tại Việt Nam…Lúc đó, Việt Nam là một nước độc lập do Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim lãnh đạo. Dân tộc ta không tốn xương máu mà được độc lập, thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Tại sao Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh chủ trương lật đổ chính quyền đó? Sách vở của phe Cộng Sản nói :” Cách Mạng (hay Việt Minh, Cộng Sản) do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã dành lại chính quyền trong tay Pháp và Nhật. Sự thật có đúng như vậy không?

Gs Nguyễn Lý-Tưởng:
Lý tưởng của Đảng Cộng Sản “đệ tam quốc tế” do Liên Sô lãnh đạo là đấu tranh cách mạng, đấu tranh bạo động, để lật đổ chính quyền hầu thực hiện chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là cán bộ của Cộng Sản Quốc Tế, theo lệnh Liên Sô (Nga) phải lật đổ chính quyền tại Việt Nam bằng bạo lực để thực hiện chế độ cộng sản độc tài, chuyên chính vô sản trên dân tộc chúng ta. Bằng đủ mọi cách phải cướp cho được chính quyền để thực hiện chế độ cộng sản, không cần biết chính quyền đó tốt hay xấu, hợp pháp hay không hợp pháp.
Từ ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, toàn bộ viên chức hành chánh và quân sự của Pháp đã bị Nhật bắt giam. Xem như không còn chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam. Sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima (6/8/1945) và Nagazaki (9/8/1945), thì ngày 15/8/1945, vua Nhật đã tuyên bố đầu hàng Đồng Minh (Mỹ). Lúc đó người Nhật cũng không còn quyền hành gì trên nước Việt Nam nữa. Do tình hình thế giới thay đổi sau khi chấm dứt thế chiến thứ hai (1939-1945), dân tộc Việt Nam không tốn xương máu mà được hoàn toàn dộc lập dưới sự lãnh đạo của Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim. Chính Phủ Trần Trọng Kim đã đưa ra một chương trình cấp thời 6 điểm và đang thực hiện. Việc cướp chính quyền ngày 19/8/1945 do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tạo cơ hội cho quân Pháp trở lại Việt Nam và gây nên một cuộc chiến tranh, huynh đệ tương tàn, chia rẽ trong dân tộc, hận thù Nam-Bắc, cho đến bây giờ, dân tộc ta vẫn phải sống dưới chế độ độc tài, áp bức, bóc lột, và phải chịu làm nô lệ cho kẻ thù phương Bắc là Trung cộng.

Lạc Việt (3): Ngày 6/3/1946, phái đoàn Việt Minh và Pháp ký hiệp định sơ bộ tại hội nghị Fontainebleau. Thời gian sau đó, vào lúc nửa đêm, Hồ Chí Minh đã gọi điện thoại cho Moutet, Bộ trưởng Thuộc địa Pháp, ký một “Thỏa Ước Tạm Thời” (Modus Vivendi) đồng ý cho quân Pháp có mặt tại một số nơi như Saigon, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Nam định… Mấy tháng sau, vào ngày 19/12/ 1945, cũng chính Hồ Chí Minh lại kêu gọi toàn quôc kháng chiến chống Pháp? Tại sao đã rước Pháp vào rồi lại hô hào đánh đuổi Pháp?

Gs Nguyễn Lý-Tưởng:
Sau khi Nhật đầu hàng (15/8/1945), quân Đồng Minh sẽ vào Việt Nam giải giới quân Nhật. Từ vĩ tuyến 16 (Phan Thiết) trở ra Bắc do quân Tàu (Tưởng Giới Thạch), từ vĩ tuyến 16 trở vô Nam do quân Anh. Các nhà cách mạng Việt Nam theo chân quân Tưởng từ bên Tàu trở về nước (1946) thì Hồ Chí Minh đã cướp được chính quyền tại Hà Nội mấy tháng rồi (19/8/1945). Phe của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh dựa thế quân Tàu gây áp lực với Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh liền tổ chức Chính Phủ Liên Hiệp, mời Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch Nước, Vũ Hồng Khanh vào Quân Ủy Hội (Quốc Phòng), Nguyễn Tường Tam (Bộ Ngoại Giao), Chu Bá Phượng (Bộ Kinh Tế) là những người của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội. Riêng cụ Huỳnh Thúc Kháng (không đảng phái) được mời làm Bộ Trưởng Nội Vụ. Việt Minh nhường 72 ghế trong Quốc Hội cho phe đối lập (tức phe quốc gia không CS). Hồ Chí Minh qua Pháp nói là để thăm nước Pháp,và theo dõi Hội Nghị Fotainebleau họp gần Paris giữa Việt Minh và Pháp để giải quyết nhiều vấn đề giữa hai bên. Hội nghị bế tắc… Nửa đêm, Hồ Chí Minh goi điện thoại cho Moutet (Bộ trưởng thuộc địa Pháp) để ký một Thòa Ước Tạm Thời (Modus Vivendi) đồng ý cho 15000 quân Pháp có mặt tại các thành phố Saigon, Vũng Tàu, Nha Trang, Cam Ranh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định… Trong lúc Hồ Chí Minh qua Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay cụ Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch và Quyền Chủ Tịch Nước thay Hồ Chí Minh. Nghe tin Hồ ký Thỏa Ước tạm thời (Modus Vievndi) với Moutet, rước quân Pháp trở lại Việt Nam, dân Hà Nội biểu tình “đả đảo Hồ Chí Minh bán nước”… Hồ ra trước toàn dân, khóc lóc: “Xin đồng bào hãy tin tưởng nơi tôi. Tôi không bao giờ bán nước cho Tây”.
Sau đó, Pháp thương lượng để cho quân Tàu – Tưởng rút về. Pháp trả lại các nơi nhà Thanh bán hay nhượng cho Pháp trong thế kỷ 19-20, cho Tàu được hưởng nhiều quyền lợi về thương mãi…
Khi quân Tàu vào Việt Nam gỉai giới quân Nhật, Tưởng Giới Thạch có hứa sẽ giúp các nhà cách mạng Việt Nam lên nắm chính quyền. Nhưng Hồ Chí Minh tổ chức tuần lễ vàng, quyên góp của dân và lấy vàng đó đút lót cho tướng Tàu là Lư Hán và Tiêu Văn, ngoài ra, còn cung cấp thuốc phiện, gái đẹp cho Tướng Tàu để Tướng Tàu không lật đổ Hồ và kêu gọi phe đối lập tham gia chính phủ Liên Hiệp của Hồ.
Tình hình nước Tàu lúc đó Mao Trạch Đông đang thắng thế, Mỹ thấy phe Tưởng quá thối nát tham nhũng không được lòng dân nên chán nản, bỏ rơi Tưởng. Vì thế bắt buộc Tưởng Giới Thạch phải rút quân về để trấn giữ mặt Bắc chống Mao Trạch Đông.
Kế mượn tay quân Pháp đuổi quân Tưởng về Tàu của Hồ, thành công. Phe Việt Quốc, Việt Cách thất thế phải bỏ chạy theo chân quân Tưởng.
Hồ Chí Minh rước quân Pháp vào rồi lại hô hào kháng chiến chống Pháp, mới nghe ra thật là vô lý, mâu thuẫn… Nhưng kế đó rất thâm độc.
Hồ đưa Vũ Hồng Khanh ra ký hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 với Pháp, buộc Vũ Hồng Khanh phải chịu trách nhiệm vì đã ký tên vào đó. Hồ đưa Nguyễn Tường Tam vào Bộ Ngoại Giao, biết trước tình thế lúc đó ngoại giao sẽ thất bại, không làm được gì. Hồ đưa Chu Bá Phượng vào gánh Bộ Kinh tế: Kinh tế lúc đó là phá sản, làm sao cứu vãn được. Hô hào kháng chiến chống Pháp để buộc tội những ai chống Việt Minh là Việt gian theo Pháp.
Hô hào kháng chiến chống Pháp nhưng người cộng sản, chủ lực của CS đã được Võ Nguyên Giáp đưa lên chiến khu, trốn vào rừng sâu rồi và đẩy thanh niên yêu nước, đảng viên Việt Quốc, Đại Việt… và nhân dân ra tiền tuyến, hy sinh. Máu người VN đã đổ và họ nói đó là máu của người Việt Minh, máu của người CS đã hy sinh để đánh Pháp dành độc lập…
Võ Nguyễn Giáp ra lệnh bắt cóc, thủ tiêu, giết những người đối lập, những người yêu nước không CS…như đảng viên Đại Việt, Việt Quốc, Duy Dân,… tín đổ Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo,v.v…
Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh, Lý Đông A, Khái Hưng, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà,v.v…Ở miền quê, Việt Minh thành lập “Tự Vệ” trao quyền cho bọn người vô học, du đảng, trộm cắp, muốn bắt ai thì bắt, muốn giết ai thì giết, khủng bố khắp nơi. Ai lên tiếng chống đối là bị bắt cóc, thủ tiêu ngay. Nhân dân sống trong cảnh kinh hoàng, rùng rợn.
Năm 1947, quân Pháp chiếm các thành phố và lập chính quyền tạm thời để ổn định. Trước tình thế như vậy, những người không theo Việt Minh bắt buộc phải chạy lên tỉnh, lên thành phố để bảo toàn tính mạng.
(Gs Nguyễn Lý-Tưởng, ghi lại những ý chính đã trả lời Lạc Việt trên Diễn Đàn PalTalk tối 17/8/2014)


Công trạng mẹ gì!

Nói với các cựu Cán binh Cộng sản

Trần Mộng Lâm

alt

Tôi vừa xem một đoạn vidéo trong đó những người cựu sỹ quan, binh lính Miền Bắc huy chương đầy mình lên án CS bán nước.
Nếu như không thể không đồng ý với các anh trong những lời kết án gay gắt này, thì tôi cũng rất đau lòng trước một nhận xét khác.
Đó là việc các anh nói tới công trạng, xương máu đã bỏ ra trong cuộc chiến vừa qua. Tôi không hiểu các anh nói tới công trạng nào?
Nếu các anh đã chảy máu, gẫy xương, thậm chí bỏ mình, thì cũng bởi các anh gây ra khi cầm súng tấn công người miền Nam chúng tôi. Người miền Nam không bao giờ gây chiến, họ chỉ tự vệ mà thôi.
Nếu các anh nói rằng các anh chống Mỹ cứu nước, thì mặc nhiên các anh kết án chúng tôi là bán nước cho Mỹ. Trên 40 năm đã qua, các anh chưa nhận được ra là các anh đã sai hay sao??? Đã có một cm nào của đất nước về tay người Mỹ hay không? Trái lại, kể từ khi các anh chiến thắng, bằng những súng đạn Tầu, Nga cung cấp, đất nước đã ra thế nào?
alt

Cuộc chiến vừa qua đã tàn. Có người trong bọn các anh vẫn còn dùng chữ "phe thắng trận" một cách kiêu hãnh ngầm. Thắng hay thua cái gì, cuộc chiến tranh vừa qua chỉ là một vết nhơ không bao giờ bôi xóa được. quên nó đi là giải pháp hay nhất.
Trước hiểm họa mất nước về tay người láng giềng Trung Cộng, nếu còn lương thiện và lòng tự trọng, các anh nên nhận tội, nhận sai trái, nhận trách nhiệm. Nếu các anh cứ khư khư cho rằng mình có công trạng, thì giữa chúng ta, không còn gì để nói.
Những người như các anh, đã bị đầu độc bởi những lời tuyên truyền xảo trá, sở trường của người Cộng sản, thật hết thuốc chữa.
Vì lẽ đó, mấy chục năm nay, giữa chúng ta là cả một vực thẳm, không một cây cầu nào có thể bắc qua. Tôi đã xem những vidéo các bản nhạc liên quan đến cuộc chiến vừa qua. Phía bên dưới các vidéo đó, phần ý kiến, chỉ thấy chưởi nhau thậm tệ, tục tĩu.
Có cần phải làm như vậy hay không, và làm như vậy để làm gì???
Nếu các anh cứ giữ đảng, giữ thần tượng như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, và nhẩy lên đông đổng khi thần tượng mình bị công kích, thì quả thật là hết thuốc chữa. Họ là những kẻ thù ngồi ngay sau lưng mà chúng ta không biết, và ngày nay còn biết bao nhiêu ả Mỵ Châu đang giải lông ngỗng cho quân thù đến giết cha.
Cuộc chiến vừa qua chỉ có một công dụng là mở cửa cho Tầu cộng thôn tính Việt Nam.

Cuộc chiến vừa qua chỉ có một kết quả là chia rẽ dân tộc và đưa lại cho người dân một đời sống tối tăm và không có tương lai. Dĩ nhiên có một số đảng viên và phe cánh của họ ăn trên ngồi trốc, tham nhũng và có cả tỷ đô la gửi ra ngoại quốc, nhưng số người đó là bao trong khi dân Việt lên đến hơn 90 triệu, và hàng ngày, không phải đi đâu xa, chỉ cần nhìn ra hè phố xem người dân sinh sống ra sao.
Vậy thì đã đến lúc phải đặt dấu chấm trên chữ I cho nó rõ ràng :
1 - Bài học số một: Đảng Cộng Sản Việt Nam bán nước, có tội với dân tộc, với đất nước.
2 - Bài học số 2: Quân đội nhân dân (Cộng sản) trong đó có các anh là công cụ của Đảng Cộng sản có tội với dân tộc, với đất nước.
3 - Bài học số 3: Trung Cộng là kẻ thù của Việt Nam, chúng chỉ có một mục tiêu duy nhất thôn tính Việt Nam.

Nếu ít năm nữa, nước Việt Nam biến thành một ngôi sao nhỏ trên lá cờ của Trung Cộng, thì chỉ tại các anh.
Formosa hiện diện tại Miền Trung, cũng như những Công Ty Trung Cộng đang tàn phá miền Cao Nguyên, cũng chỉ tại các anh.
Các anh nói tới công trạng, các anh có công trạng mẹ gì???

Bs Trần Mộng Lâm

http://haingoaiphiemdam.com


Có một thời như thế đó

Vũ Đông Hà

Nếu ai hỏi tôi rằng sau ngày 30 tháng 4, 1975 cái gì mà cộng sản không thể "giải phóng" được; cái gì vẫn âm thầm nhưng vũ bão giải phóng ngược lại tâm hồn khô khốc của người dân miền Bắc lẫn nhiều cán binh cộng sản; cái gì vẫn miệt mài làm nhân chứng cho sự khác biệt giữa văn minh và man rợ, giữa nhân ái và bạo tàn, giữa yêu thương và thù hận; cái gì đã kết nối tâm hồn của những nạn nhân cộng sản ở cả hai miền Nam Bắc... Câu trả lời là Âm nhạc miền Nam.
Nếu ai hỏi tôi, ảnh hưởng lớn nhất để tôi trở thành người ngày hôm nay, biết rung động trước hình ảnh của Ngoại già lầm lũi quang gánh đổ bóng gầy dưới ánh đèn vàng, biết nhung nhớ một khe gió luồn qua hai tấm ván hở của vách tường ngày xưa nhà Mẹ, biết man mác buồn mỗi khi đến hè và trống vắng với một tiếng gà khan gáy ở sau đồi, biết tiếc nuối một mặt bàn lớp học khắc nhỏ chữ tắt tên người bạn có đôi mắt người Sơn Tây, biết ngậm ngùi trăn trở chỉ vì một tiếng rao hàng đơn độc đêm khuya... Câu trả lời là Âm nhạc miền Nam.
Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành một chất keo gắn chặt cuộc đời tôi vào mảnh đất mang tên Việt Nam. Âm Nhạc Miền Nam đã làm tôi là người Việt Nam.
Tôi lớn lên theo những con đường đất đỏ bụi mù trời và cây reo buồn muôn thuở. Niềm say mê âm nhạc đơm mầm từ các anh lớn của Thiếu và Kha đoàn Hướng Đạo Việt Nam, trổ hoa theo những khúc hát vang vang của các anh giữa vùng trời Đạt Lý đang vào mùa cà phê hoa trắng nở: "Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu..."
Các bậc đàn anh như nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang của Phượng Hoàng đã lót đường nhân ái cho đàn em nhỏ chúng tôi chập chững trở thành người, để biết ngước mặt nhìn đời và "cười lên đi em ơi, dù nước mắt rớt trên vành môi, hãy ngước mặt nhìn đời, nhìn tha nhân ta buông tiếng cười..."
Những đêm tối, giữa ngọn đồi nhiều đại thụ và cỏ tranh, bên nhau trong ánh lửa cao nguyên chập chờn, chúng tôi cảm nhận được niềm hãnh diện Việt Nam với bước chân của cha ông và bước chân sẽ đi tới của chính mình: "Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng. Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm. Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng chân tươi. Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời..."
Và anh Nguyễn Đức Quang, người nhạc sĩ của thị xã đèo heo hút gió đã trở thành thần tượng của chúng tôi.
Có những buổi chiều buông trong Rừng Lao Xao bạt ngàn, những đứa bé chúng tôi theo anh ngậm ngùi số phận "Xương sống ta đã oằn xuống, cuộc bon chen cứ đè lên. Người vay nợ áo cơm nào, thành nợ trăm năm còn thiếu. Một ngày một kiếp là bao. Một trăm năm mấy lúc ngọt ngào. Ôi biết đến bao giờ được nói tiếng an vui thật thà."
Nhưng cũng từ anh đã gieo cho chúng tôi niềm lạc quan tuổi trẻ: "Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt. Hy vọng đã vươn dậy như làn tên..."  Và từ anh, chúng tôi hát cho nhau "Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi. Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới."
Cô giáo Việt văn của tôi đã mắng yêu tôi - tụi em thuộc nhạc Nguyễn Đức Quang hơn thuộc thơ của Nguyễn Công Trứ!
Nguyễn Công Trứ. Đó là ngôi trường tuổi nhỏ có cây cổ thụ già, bóng mát của tuổi thơ tôi bây giờ đã chết. Tôi nhớ mãi những giờ cuối lớp tại trường, Cô Trâm cho cả lớp đồng ca những bài hát Bạch Đằng Giang, Việt Nam Việt Nam,
"Về với Mẹ Cha"... Đứa vỗ tay, đứa đập bàn, đứa dậm chân, chúng tôi nở buồng phổi vang vang lên: "Từ Nam Quan, Cà Mau. Từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam. Quay về với xóm làng. Tiếng reo vui rộn trong lòng..."
Nhìn lên lớp học lúc ấy, có những biểu ngữ thủ công nghệ mà cô dạy chúng tôi viết: "Tổ quốc trên hết"," Ngày nay học tập ngày sau giúp đời", "Không thành công cũng thành Nhâ"...
Nhưng đọng lại trong tôi theo năm tháng vẫn là những câu hát "Tình yêu đây là khí giới, Tình thương đem về muôn nơi, Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người..."
Cô giáo của tôi đã ươm mầm Lạc Hồng vào tâm hồn của chúng tôi và cứ thế chúng tôi lớn lên theo dòng suối mát, theo tiếng sóng vỗ bờ, theo tiếng gọi lịch sử của âm nhạc Việt Nam, để trở thành những công dân Việt Nam yêu nước thương nòi và hãnh diện về hành trình dựng nước, giữ nước của Tổ tiên.
Trong cái nôi nhiều âm thanh êm đềm nhưng hùng tráng ấy, trừ những ngày tết Mậu Thân khi tiếng đạn pháo đì đùng từ xa dội về thành phố, cho đến lúc chui xuống gầm giường nghe tiếng AK47 và M16 bắn xối xả trước nhà vào ngày 10 tháng 3, 1975, tuổi thơ tôi được ru hời bởi dòng nhạc trữ tình của miền Nam để làm nên "Những ngày xưa thân ái" của chúng tôi.
"Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho em
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em...
Các anh, những người anh miền Nam đã khoác áo chinh nhân lên đường đối diện với tử sinh, làm tròn lý tưởng Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm, đã hy sinh cuộc đời các anh và để lại sau lưng các anh những ngày xưa thân ái cho đàn em chúng tôi. Nhờ vào các anh mà chúng tôi có những năm tháng an lành giữa một đất nước chiến tranh, triền miên khói lửa.
Lần đầu tiên, chiến tranh tưởng như đứng cạnh bên mình là khi chúng tôi xếp hàng cúi đầu đưa tiễn Thầy của chúng tôi, là chồng của cô giáo Việt Văn, một đại úy sĩ quan Dù đã vị quốc vong thân.
Cô tôi, mồ côi từ nhỏ, một mình quạnh quẻ, mặc áo dài màu đen, tang trắng, đứng trước mộ huyệt của người chồng còn trẻ. Cô khóc và hát tặng Thầy lần cuối bản nhạc mà Thầy yêu thích lúc còn sống  "Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo... Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa! Trên cõi đời này, trên cõi đời này. Từ nay mãi mãi không thấy nhau..." Và tôi say mê "Mùa thu chết" từ dạo đó.
Trong những cụm hoa thạch thảo đầy lãng mạn ấy có đau thương đẫm nước mắt của Cô tôi, có hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ nắp quan tài của người Thầy Đại úy Sĩ quan Binh chủng Nhảy Dù vào mùa hè hầm hập gió nồm năm ấy.
Từ những ngày xa xăm tuổi nhỏ, những người lính VNCH là thần tượng của chúng tôi Tôi mơ được làm một người lính Dù bởi "anh là loài chim quý, là cánh chim trùng khơi vạn lý, là người ra đi từ tổ ấm để không địa danh nào thiếu dấu chân anh", và cuối cùng anh bi hùng ở lại Charlie. Giữa những đau thương chia lìa của chiến tranh, những dòng nhạc của Trần Thiện Thanh đã cho tôi biết thương yêu, kính trọng những người lính không chân dung nhưng rất gần trong lòng chúng tôi. Những "cánh dù ôm gió, một cánh dù ôm kín đời anh" cũng là những cánh dù ôm ấp lý tưởng đang thành hình trong tâm hồn tuổi nhỏ của chúng tôi.
Nhìn lại quãng thời gian binh lửa ấy, tôi nhận ra mình và các bạn cùng lứa không hề biết rõ Phạm Phú Quốc là ai, chỉ biết và say mê huyền sử của một người được "Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời. Đặt tên cho anh, anh là Quốc. Đặt tên cho anh, anh là Nước. Đặt tên cho Người. Đặt tình yêu Nước vào nôi", chỉ ước ao một ngày chúng tôi cũng được như anh, cũng sẽ là những "Thần phong hiên ngang chẳng biết sợ gì!".
Chúng tôi, nhiều đứa núi đồi, rừng rú, chưa bao giờ thấy biển nhưng thèm thuồng màu áo trắng và đại dương xanh thẳm, thuộc lòng câu hát "Tôi thức từng đêm, thơ ấu mà nghe muối pha trong lòng. Mẹ là mẹ trùng dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau. Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi. Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội. Mà lòng thì chưa hề yêu ai".
Chúng tôi cũng không tìm đọc tiểu sử, cuộc chiến đấu bi hùng của Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo, cũng không biết địa danh Charlie nằm ở đâu, nhưng Đại tá Nguyễn Đình Bảo là biểu tượng anh hùng của chúng tôi để chúng tôi thuộc lòng khúc hát "Toumorong, Dakto, Krek, Snoul. Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu. Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình. Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành."
Chúng tôi không biết "Phá" là gì, "Tam Giang" ở đâu, nhà thơ Tô Thùy Yên là ai, nhưng "Chiều trên phá Tam Giang anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận. Em ơi, em ơi..." đã thân thiết chiếm ngự tâm hồn để chúng tôi biết thương những người anh chiến trận đang nhớ người yêu, nhớ những người chị, cô giáo của chúng tôi ngày ngày lo âu, ngóng tin từ mặt trận xa xăm.
Trong cái nôi của những ngày xưa thân ái ấy, từ nơi khung trời đầy mộng mơ của mình chúng tôi chỉ biết đến nỗi niềm của các anh bằng những "Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh, đời lính quen yêu gian khổ quân hành". Giữa mùa xuân pháo đỏ rộn ràng con đường tuổi thơ thì chính âm nhạc nhắc cho những đứa bé chúng tôi biết đó cũng là "ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm, có người lính trẻ, đón mùa xuân bằng phiên gác sớm".
Giữa những sum vầy bình an bên cạnh mai vàng rực rỡ, thì ở xa xăm có những người con rưng rưng nhớ đến Mẹ già và gửi lời tha thiết. Âm nhạc Việt Nam đã gieo vào tâm hồn chúng tôi hình ảnh rất bình thường, rất người, nhưng lòng ái quốc và sự hy sinh của thế hệ đàn anh chúng tôi - những người lính VNCH - thì ngời sáng. Và chúng tôi biết yêu thương, khâm phục, muốn noi gương các anh là cũng từ đó.
Sau ngày Thầy hy sinh, chúng tôi gần gũi với Cô giáo Việt Văn của mình hơn. Nhiều đêm thứ bảy, tôi và các bạn ghé nhà thăm Cô. Đó là lúc chúng tôi đến với "Một thời để yêu - Một thời để chết". Chúng tôi bắt đầu chạm ngõ tình yêu với những "Vũng lầy của chúng ta", "Con đường tình ta đi", "Bây giờ tháng mấy", "Ngày xưa Hoàng Thị", "Tình đầu tình cuối", "Em hiền như Ma Soeur", "Trên đỉnh mùa đông", "Trả lại em yêu"... Đó là lúc Cô đọc thơ "Chiều trên Phá Tam Giang" của Tô Thùy Yên cho chúng tôi nghe, giảng cho chúng tôi về tài nghệ "thần sầu" của Trần Thiện Thanh trong lời nhạc "anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ... ôi niềm nhớ........ đến bất tận. Em ơi... em ơi!..."  khi diễn tả nỗi nhớ ngút ngàn, và sau đó chú Trần Thiện Thanh Toàn - em ruột của nhạc sĩ Nhật Trường ở Sài Gòn lên thăm Cô, vừa đàn vừa hát. Những buổi tối này, mình tôi ở lại với Cô tới khuya. Cô đọc thơ và hát nhạc phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, chỉ cho tôi tính lãng đãng của lời nhạc Từ Công Phụng, khắc khoải của Lê Uyên Phương, mượt mà của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, sâu lắng của Vũ Thành An... Và qua âm nhạc, Cô kể tôi nghe chuyện tình của Cô và Thầy. Hai người đến với nhau khởi đi từ bản nhạc mà Cô hát khi Cô còn là nữ sinh Đệ Nhất và Thầy là Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Bản nhạc ấy có những dòng như sau:
"Nhưng anh bây giờ anh ở đâu
con ễnh ương vẫn còn gọi tên anh trong mưa dầm
tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ.
Dạo tháng ba tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa
nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời."
Thầy và cô tôi yêu nhau từ sau khúc hát Người Tình Không Chân Dung và "người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này" cũng là định mệnh Thầy, của cuộc tình bi thương giữa một cô giáo trẻ và người lính VNCH. Cô tôi sống một mình và qua đời vào năm 2010. Bạn cùng lớp của tôi là Phương lùn, vào một ngày cuối năm, từ Sài Gòn trở về Ban Mê Thuột, xách đàn đến trước mộ Cô và hát lại "Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo" để thay mặt những đứa học trò thơ ấu kính tặng hương hồn của Cô. Còn tôi, năm tháng trôi qua nhưng tôi biết rõ trong dòng máu luân lưu và nhịp đập của tim mình vẫn đầy tràn những thương yêu mà Cô đã gieo vào tôi bằng Âm nhạc miền Nam.
Một buổi tối chúng tôi ngồi hát với nhau. Các bạn từ Hà Nội, Nam Định, Yên Bái, Đà Nẵng, Sài Gòn... nhưng chỉ có mình tôi là sinh ra và lớn lên trước 1975. Các bạn tôi, hay đúng ra là những người em đang cùng đồng hành trên con đường đã chọn, đã thức suốt đêm hát cho nhau nghe. Rất tự nhiên, rất bình thường: toàn là những ca khúc của miền Nam thân yêu.
Đêm hôm ấy, cả một quãng đời của những ngày xưa thân ái trong tôi sống lại. Sống lại từ giọng hát của những người em sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ độc tài. Các em hát cho tôi nghe về những người lính miền Nam mà các em chưa bao giờ gặp mặt "Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó, đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ, đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ, anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về...".
Tôi hát cho các em mình về những ngày tháng mộng mơ trước "giải phóng" của những "Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ, bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi..." Các em tâm sự về cảm nhận đối với người lính VNCH qua những dòng nhạc êm đềm, đầy tình người giữa tàn khốc của chiến tranh: "Tôi lại gặp anh, người trai nơi chiến tuyến, súng trên vai bước lê qua đường phố; tôi lại gặp anh, giờ đây nơi quán nhỏ, tuổi 30 mà ngỡ như trẻ thơ..."  Tôi chia sẻ với các em về nỗi ngậm ngùi quá khứ: "Như phai nhạt mờ, đường xanh nho nhỏ, hôm nay tình cờ, đi lại đường xưa đường xưa. Cây xưa còn gầy, nằm phơi dáng đỏ, áo em ngày nọ, phai nhạt mây màu, âm vang thuở nào, bước nhỏ tìm nhau tìm nhau"...
Đêm ấy, khi các bạn nói lên cảm nhận về những mượt mà, êm ả, nhân ái của Âm nhạc miền Nam, tôi đã tâm sự với các bạn rằng: Chỉ cần lắng nghe và hát lên những dòng nhạc ấy, các em sẽ hiểu thấu được những mất mát khủng khiếp của con người miền Nam. Những mất mát không chỉ là một cái nhà, một mảnh đất, mà là sự mất mát của cả một đời sống, một thế giới tâm hồn, một đổ vỡ không bao giờ hàn gắn lại được. Khi những mượt mà, nhân ái ấy đã bị thay thế bởi những "Bác cùng chúng cháu hành quân" và "Tiến về Sài Gòn" thì các em hiểu được tuổi thanh xuân và cuộc đời của những thế hệ miền Nam đã bị đánh cắp hay ăn cướp như thế nào.
Gần 42 năm trôi qua, Âm nhạc miền Nam vẫn như dòng suối mát trôi chảy trong tâm hồn của người dân Việt. Chảy từ đồng bằng Cửu Long, xuôi ngược lên Bắc, nhập dòng sông Hồng để tưới mát tâm hồn của mọi người dân Việt đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa bạo tàn cộng sản. Dòng suối trong mát ấy cũng cuốn phăng mọi tuyên truyền xảo trá của chế độ về xã hội, con người miền Nam trước 1975 cũng như về tư cách, phẩm giá, lý tưởng của những người lính VNCH và tình cảm trân quý, yêu thương của người dân miền Nam dành cho họ.
Gần 42 năm trôi qua, trong tuyệt vọng của những kẻ thật sự đã thua trận trong cuộc chiến giữa chính nghĩa và gian tà, nhà cầm quyền cộng sản đã tìm mọi cách để tiêu diệt Âm nhạc miền Nam. Nhưng họ không biết rằng, dòng âm nhạc đó không còn là những bản in bài hát, những CD được sao chép, bán buôn... Âm nhạc miền Nam đã trở thành máu huyết và hơi thở của người dân Việt, bất kể Bắc - Trung hay Nam, bất kể sinh trưởng trước hay sau 1975.
Bạo tàn và ngu dốt có thể đem Âm Nhạc Miền Nam vào những danh sách cấm đoán vô tri vô giác, nhưng không bao giờ đem được Âm Nhạc Miền Nam ra khỏi con người Việt Nam.
Ai giải phóng ai? Hãy hỏi "Con đường xưa em đi" và đốt đuốc đi tìm xem "Bác cùng chúng cháu hành quân" đang nằm trong cống rãnh nào trên những con đường Việt Nam!!!
Vũ Đông Hà
http://www.diendannguoidanvietnam.com

 

Đăng ngày 22 tháng 08.2017