banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Trung cộng: một đế quốc thực dân của thế kỷ 21

Phan Văn Song

Trung Quốc không còn là một quốc gia đang lên nữa. Nhưng mặt thống kê, Trung Quốc chưa hội đủ những điều kiện để được vào một quốc gia tiên tiến : GDP đầu người vẫn còn kém, vẫn còn kém những tiêu chuẩn an sanh xã hôi, chưa nói đến những thống kê về điều kiện về đời sống con người… Và Trung quốc đang phải giải quyết ba thách thức: về mặt đối ngoại, phải chứng mình rằng mình là một nước lớn, về mặt đối nội, phải giải quyết những sai biệt mức sống giữa ba vùng: Duyên hải và đô thị lớn phía Đông - Nội địa - và các vùng Biên giới phía Tây. Và cuối cùng quyết tâm biến thành một cường quốc Đông Bắc Á và Đông Nam Á. 
Mộng Trung Quốc rất giản dị: Chia thế giới với các cường quốc Âu Mỹ và Nga. Mặc dù sanh sau đẻ muộn: Bắc Mỹ-Đại Tây Dương-Bắc Âu-Tây Âu thuộc ảnh hưởng của Huê kỳ và Tây Âu; Đông-Âu và Nga ảnh hưởng của Liên Bang Nga, Đông Á–Đông Nam Á–Tây Bắc Thái Bình Dương phải thuộc về Trung Quốc. Phần còn lại của thế giới là những thị trường tự do: Phi Châu, Nam Mỹ, Đông và Nam Thái Bình Dương… Nhưng Tàu quên ngày nay có thêm Erdogan Thổ Nhỉ Kỳ cũng đang muốn lập lại Đế Quốc Ottoman kiểm soát con đường tơ lụa.

Đế quốc thực dân Tàu: 
Chưa bao giờ con số thương vụ giữa Trung Quốc và Phi Châu lên cao đến như vậy, vượt 89%. Hàng hóa Made in China tràn ngập lãnh thổ toàn lục địa Phi Châu, và trái lại Phi Châu xuất cảng nguyên liệu quặng mỏ càng ngày càng nhiều vào Trung Quốc. Để tìm hướng phát triển công nghiệp và kinh tế, Trung quốc rất cần quặng mỏ, nguyên liệu cho năng lực, Trung Quốc phải và đang đầu tư vào các quốc gia đang phát triển miền Nam của quả địa cầu: Phi Châu, Nam Mỹ, Nam Thái Bình Dương. Ví mình là một quốc gia đang lên, Trung Quốc mong có một thái độ thương mãi bình đẳng, tránh biến mình thành một quốc gia thuộc địa đi chiếm tài nguyên hay một Đế quốc ! Thế nhưng…
Nhớ năm xưa, tại Beijing, ngày 19 tháng 7 năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc thời ấy Hu Jintao - Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Phi (Châu) lần thứ tư:"Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển lớn nhứt thế giới, và Phi Châu là một lục địa lớn gồm rất nhiều quốc gia đang phát triển (…)vì vậy nhơn dân Trung hoa và nhơn dân châu Phi phải và đã kết tình nghĩa trong bình đẳng, trung thực và hữu nghị và với nhau tận tình tương trợ giúp đỡ nhau để cùng nhau phát triển"*(1)
Mặc dù đấy chỉ là một bài diễn văn ngoại giao, nhưng vẫn không tránh được những dư ảnh trong tiềm thức, trong ký ức của mọi người dân Trung Hoa, những kỷ niệm đau buồn tủi nhục khó phai nhạt của những năm tháng đất nước Trung Hoa bị xâm chiếm bởi các cường quốc Âu châu và của Nhựt Bổn (Ngũ cường).
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đều phải giải quyết nỗi quan tâm hàng đầu là phải luôn luôn giữ vững một sức phát triển vững mạnh. Muốn vậy, bằng mọi giá Trung Quốc cần phải có nguồn tiếp tế tất cả các nguyên nhiên liệu và năng lượng tất yếu, cần thiết cho phát triển đất nước. Vì vậy, bằng mọi giá, Trung Quốc phải bỏ quên tất cả những đạo đức "xã hội chủ nghĩa" hay những lý tưởng "bài phong đả thực", Trung Quốc ngày nay không ngần ngại kết tình kết nghĩa "hữu nghị tào khang – huynh đệ chi binh - đồng chí đồng tâm" với những chế độ thối nát, độc tài, tham nhũng nhứt trên thế giới, có khác chi ngày xưa các đế quốc thực dân lớn của Tây Phương đã làm!
Thử đặt mình vào hoàn cảnh người dân một quốc gia chậm tiến, nghèo nàn, nhưng chẳng may gặp cái nạn "giàu tài nguyên thiên nhiên" (Việt Nam ta là một điển hình). Có cái "giàu tài nguyên trời cho" mà không may "gặp những thằng phải gió lãnh đạo", thì cuộc đời thằng dân của quốc gia ấy kể như khốn nạn! Chẳng những thằng sếp "tham nhũng hốt cả, không chia cho dân, cho đất nước, một miếng canh thừa, hay một miếng cá dư", trái lại hắn còn dùng tiền bạc mua chuộc để có một chế độ công an trị đàn áp. Tàu cũng nhưng Tây như Mỹ ngày nay là những quốc gia tiêu thụ, và thường đã tiêu thụ quá tải tài nguyên của mình nên cần phải đi mua. Và vì cần mua, nên cũng phải đành nhắm mắt làm ngơ, "vui duyên cùng tướng cướp", quên cả đạo đức, lý tưởng "nhơn đạo, nhơn quyền, dân chủ, công bằng công lý"! Từ nay đành phải làm ngơ thôi! Dù sao hắn đánh vợ nó, hắn giết con nó, bợp tai đá đít dân nó chứ có đụng đến dân ta đâu? Vì vậy mới có câu tuyên bố xanh dờn của một ông cựu Tổng thống một quốc gia tây da trắng đạo đức nhơn bản năm nào rằng "Nhơn quyền cũng tùy quốc gia, nhơn quyền ta và nhơn quyền của họ khác nhau" (sic) *(2). Càng cần tiếp liệu, lại càng cần lái buôn, vì vậy nên "ủng hộ" một thằng bán hàng "vô đạo đức", hơn là lãnh hậu quả đầy rủi ro của một sự "thay đổi". *(3).

Huê kỳ có khác chi?
Chớ vội chê Trung quốc, chớ nghĩ rằng các chế độ tiên tiến, dân chủ, nhơn bản, sẽ tử tế hơn. Tổng thống Huê kỳ từ năm 1933 đến năm 1945, Franklin Delano Roosevelt rất ghét thậm chí ghê tởm và chống hẳn những chế độ phong kiến, hay thuộc địa đế quốc. Thế nhưng, khi ông được các phụ tá cố vấn cho biết kho tàng của nhiên liệu năng lượng là dầu hỏa của Huê kỳ đã đến lúc cạn kiệt, cần phải đi tìm nguồn tiếp liệu, ông không ngần ngại trong suốt thời gian Thế chiến thứ hai, kết tình ngoại giao hữu nghị với Vương quốc phong kiến Ả rập Xê Út, anh vua dầu hỏa Trung Đông. Tổng thống Roosevelt lại còn "thân chinh" đến gặp Vua Abdelaziz Ibn Saoud vào tháng hai năm 1945, chỉ để ký một "cái deal - nghéo tay không tên" (không có văn kiện): Huê kỳ sẽ bảo đảm bằng vũ lực Vương quốc Ả rập XêÚt và ngược lại, Ả rập bán toàn bộ dầu hỏa cho Huê kỳ *(4). Ngày nay, mặc dù có tý thay đổi - tất cả các địa bàn khai thác đều là sở hữu của các gia đình hoàng gia ả rập, không còn sở hữu của các hãng khai thác Mỹ nữa – nhưng tựu chung "cái thỏa thuận nghéo tay" vẫn còn là cốt lõi của chánh sách ngoại giao Huê kỳ ở Trung Đông và Cận Đông. Nghĩ cho cùng, lúc ấy, cũng tội nghiệp Huê kỳ, Huê kỳ cũng muốn đi mua dầu hỏa ở những quốc gia bạn lắm chứ: các quốc gia tiên tiến, dân chủ, tự do tôn trọng nhơn quyền. Nhưng mưu sự tại nhơn thành sự tại …thổ nhưởng. Địa chất thế giới chia chát không công bằng, chia dầu hỏa cho các xứ ở Phi châu, ở Trung và Cận Đông, cho Nga, cho các xứ Ả rập. Theo hãng BP (British Petroleum), 80 % các khu dầu mỏ nằm ngoài khu vực các quốc gia của nhóm Tây phương *(5). Washington vì vậy, phải chơi với "dân man di", với những "tiểu quốc bất ổn", bắt buộc nhúng tay vào những "lỉnh kỉnh chánh trị địa phương", thương thuyết, mua chuộc những liên minh với những lãnh tụ bất tài, với những chánh sách bất hảo, đổi chác, dùng ô dù quân sự Huê kỳ chỉ để được mua dầu hỏa thôi. Ngày nay, thế kỷ thứ 21, khác hẳn, kỹ thuật ép đá phiến thành dầu đã đưa Huê kỳ vào hạng số một sản xuất dầu lửa. Tuy có dầu, nhưng vẫn là tay xài dầu nhiều nên vẫn tiếp tục mua dầu, nhập dầu để kiểm giá, thị trường. Tóm lại chính Huê kỳ ngày nay là tay tài phiệt đầu cơ làm giá thị trường dầu hỏa.
Đầu thế kỷ thứ 20, để giữ phần kiểm soát các quốc gia có tiềm lực dầu hỏa, than đá, cao – su, hay các mỏ khoáng sản, các đại cường quốc "đế quốc" Âu Mỹ tạo những đại công ty. Sau khi các cựu thuộc địa được "giải phóng", giành được hay được ban cho Độc lập, các đại công ty vẫn tiếp tục hoạt động tại các quốc gia mới độc lập nầy, "tình hữu nghị đặc biệt đầy lợi nhuận" với các chánh quyền mới, củng cố địa vị ăn trên ngồi trước không khác chi dưới thời chánh quyền thuộc địa vậy. Đó là trường hợp của hãng xăng dầu BP của Anh (Bristish Petroleum, thoạt tiên là hãng Anglo – Persian Oil Compagny), hay của hãng Total của Pháp (một Tổ hợp của nhiểu hãng xăng dầu các quốc gia nhỏ Phi châu cựu thuộc địa Pháp) hay trường hợp của Ente Nazionale Idrocarburi (ENI) của Ý…
Về phần Trung Quốc, Trung Quốc mong không đi vào vết chơn của các Tập đoàn tư bản nầy*(6). Vì vậy trong bài nói ở Diễn Đàn Hợp tác Trung quốc - Phi châu, Chủ tịch Hu đã hứa sẽ cho các quốc gia phi châu vay 20 tỷ dollars trong vòng 3 năm để phát triển nông nghiệp và các trung tiểu công nghiệp. Các đại quan chức Tàu hứa rằng sẽ không bao giờ nhúng tay vào nôi bộ hành chánh hay kinh tế của các quốc gia đang nhận được sự giúp đỡ. Nhưng hiện nay Beijing cũng vẫn phải đang gặp những vấn nạn của các quốc gia đi trước.
Đến năm 1993, có thể nói Trung Quốc tự túc dầu hỏa. Thế nhưng, từ đó, Trung Quốc biến thành con hạm đói dầu. Từ nhu cầu 1 triệu 5 ngàn tấn dầu một ngày vào năm 2000, đến 5 triệu tấn một ngày vào năm 2010 (+330 %), và sẽ là 11 triệu 600 ngàn tấn dầu/ngày vào năm 2035. Với sự phát triển của thị trường "xe hơi", vào năm 2040, Trung quốc sẽ có mức tiêu thụ dầu hỏa ngang ngửa với Huê kỳ*(7). Thế nhưng, nếu Huê kỳ lúc ấy có thể tự túc gần 100% sức tiêu thụ của mình – tính luôn tiềm lực dầu hỏa của anh láng giềng Canada, nhờ dầu hỏa đá phiến, và kỹ thuật điện năng bằng ánh sáng mặt trời và gió. Trong khi ấy Trung Quốc chỉ đủ sức cung ứng chưa đầy một phần tư (1/4) nhu cầu năng lượng của mình. Phần còn lại phải đi mua.
Nếu Beijing quyết duy trì mục tiêu là phải nhơn ba số lượng sản xuất điện trong vòng 25 năm tới, mức nhập cảng khí đốt, hoàn toàn không có vào năm 2005, sẽ vượt lên 87 tỷ thước khối (m3) hằng ngày vào năm 2020, đặc biệt nhập từ Trung Đông và Đông Nam Á châu, hoặc sẽ nhập từ Nga và Turkménistan (bằng ống dẫn dầu) *(8). Trung Quốc có thể tự túc nhu cầu than đá của mình, thế nhưng vì những hạn chế kỹ thuật, những nút chặn trong hệ thống phân phối và chuyên chở, nhập cảng than đá từ Úc châu hay từ Indônêsia để tiếp tế các thành phố miền duyên hải Tàu sẽ có lợi hơn và giá thành rẻ hơn. Từ con số không năm 2009, qua 2011, số than đá nhập cảng đã là 183 triệu tấn*(9). Chưa kể những đòi hỏi của các ngành công nghệ tin học mủi nhọn, các ngành luyện kim cao cấp đang cần có những khoáng sản nhập cảng như sắt, đồng, cobalt, chrome, nickel …
Nhu cầu càng cao, càng phụ thuộc vào nguyên liệu, càng phụ thuộc vào tiếp liệu. Và tiếp liệu biến thành quốc sách.

Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều(Nguyễn Du –Kim Vân Kiều câu 2362)
"Bổn phận của Trung Quốc, là phải lo cho 1 tỷ 3 trăm triệu dân Trung hoa có một cuộc sống đàng hoàng. Thứ trưởng Ngoại giao Trung quốc Le Yucheng trong một bài phát biểu: "Quý vị có thể tưởng tưởng sự thách thức khổng lồ và sức ép mà chánh phủ chúng tôi phải chịu đựng. Tôi có thể tuyên bố rằng không có gì vượt hơn việc nầy. Tất cả mọi chánh sách đều phụ thuôc vào chánh sách ưu tiên nầy!" *(10). Chương trình ngoại giao ưu tiên là giữ tình hữu nghị với các anh bán hàng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất sợ thiếu thốn tiếp liệu. Thiếu thốn tiếp liệu ngày nay có thể dẫn đến nổi loạn, nội chiến, thay đổi chánh quyền, mất ghế, mất Đảng. Vì vậy con đường của thuộc địa Tây phương là con đường phải bắt chước. Bằng mọi giá phải củng cố các tình hữu nghị với các chủ hàng, phải đầu tư vào các cơ sở hầm mỏ, khoáng sản hay nhiên liệu. Tất cả hệ thống cầm quyền Trung quốc được chỉ đạo phục vụ chánh sách nầy: từ hệ thống ngân hàng, các công nghiệp nhà nước, bộ ngoại giao và cả hệ thống quân đội…*(11)
Về dầu hỏa, quốc sách Trung Quốc khuyến khích các công ty quốc doanh như China National Petroleum Corporation (CNPC), China Petrochemical Corporation (Sinopec) và China National Offshore Oil Corporation (CNOOC) đầu tư, hùn hợp vào các mỏ dầu các quốc gia: Ả rập XêÚt (Saudi Aramco), Vênêzuêla (Petróleos de Venezuela SA-PDVSA) hay Angola (La Sociedade Nacional de Pétróleos de Angola – Sonangol)….Hay về hầm mỏ, các công ty quốc doanh Tàu Cộng như China NonferrousMetals International Mining (CNMIM) hay China Minmetals Corporation (CMC) đều đã bỏ vốn hùn hợp đầu tư vào các hãng hầm mỏ trên thế giới. Để tạo điều kiện, các lãnh tụ đảng Cộng sản Trung quốc ồ ạt mở những chiến dịch ngoại giao, giao tế như cho vay với tiền lời thấp, yến tiệc linh đình, xây cất biếu không những sân vận động, những nhà khánh tiết đồ sộ và… giúp đỡ, viện trợ, trang bị… vũ khí, quân sự. Trung Quốc cũng đã cho Vênêzuêla vay 20 tỷ dollars để giúp đỡ sự hợp tác giữa hai công ty dầu hỏa hai quốc gia là CNPC (Tàu) và PDVSA (Vênêzuêla)*(12).
Và cứ như thế Trung Quốc càng ngày càng đi sâu vào con đường "xâm phạm chủ quyền quốc gia" của các quốc gia bán hàng. Ở Soudan, năm xưa, để bảo vệ quyền khai thác của công ty Tàu Cộng CNPC, nhà cầm quyền Trung Quốc bị thế giới lên án là đã ủng hộ chế độ độc tài quân phiệt - vô dân chủ của tổng thống Omar-El-Bachir bằng viện trợ quân sự, bằng ủng hộ ngoại giao ngay tại Liên Hiệp Quốc. Gần đây, Trung Quốc đang lánh xa Omar-El-Bachir, có lẽ vì ở miền Nam Soudan, một quốc gia vừa mới ly khai, tuyên bố Độc lập! Và với một sự trùng hợp đầy ngạc nhiên là ngay ở miền Nam, nơi quốc gia mới nầy, có rất nhiều… dầu hỏa* (13).
Thế nhưng, dù muốn hay không muốn, sự có mặt của Trung quốc ngày nay ở Phi châu cũng đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của Phi châu. Năm 2014, có 14 quốc gia Phi châu có cán cân thương mại thặng dư! Tất cả 14 quốc gia nầy đều có dầu hỏa, đều có hầm mỏ, và tất cả đều xuất cảng nguyên liệu và nhiên liệu… với Trung quốc. Miễn bàn!

Để kết luận:
Nếu Trung Quốc tiếp tục đặt vấn đề tiếp liệu làm quốc sách hàng đầu, Trung Quốc hành động chẳng khác chi các cường quốc thuộc địa thuở xưa. Chánh sách o bế các quốc gia "có tài sản", các quốc gia có tài nguyên, để khai thác trục lợi! Không có một chánh sách phát triển đời sống văn hóa, kinh tế xã hội, mà chỉ là một chánh sách ngắn hạn thôi ; vì nếu không tạo điều kiện cho dân bản xứ có mãi lực thì hàng trung quốc sẽ không có người mua.
Nhưng muốn có một Trung Quốc tử tế, biết người biết ta, biết giao hữu với các đồng minh thương mại, cần phải có một cuộc cách mạng lớn trong cơ chế kinh tế trung quốc. Phải chuyển từ một bộ máy sản xuất "ăn nhiều - uống nhiều" cần nhiều nhiên liệu, "háu ăn mau đói", một bộ máy "lao động tay chơn" "lắp ráp" qua một bộ máy sản xuất "tiết kiệm", với các hệ thống dịch vụ cần "chất xám", phải từ sử dụng năng lượng dầu mỏ chuyển sang năng lượng xanh, bền vững…

Và Việt Nam? 
Đến đây xin mở một dấu ngoặc về đất nước, quê hương Việt Nam của chúng ta. Bắt chước mô hình phát triển của Trung quốc, nhưng không có sức mạnh đế quốc của Trung Quốc chỉ là thằng đầy tớ học nghể của Thầy mà không có khả năng của Thầy. Trái lại ngay từ bây giờ, nên lợi dụng Thầy đang gặp phải những khó khăn của thời kỳ "đang lớn", đang chuyển mình mà tạo một con đường đi độc lập, tự túc. Đã đến lúc cần phải biết dựa vào sức mạnh của các nước láng giềng ASEAN, Nhựt Bổn, Đại Hàn… đang đoàn kết thành một khối chống sự bành trướng của Tàu.
"Hộ chiếu lưởi bò", "Tập trận với hàng không mẫu hạm", "Tàu hải giám", … "xung đột với Nhựt bổn về Đảo Điếu Ngư" … bồi cát đất để biến những bãi đá ngầm thành hải đảo… tất cả chỉ là những "vung vít" của một cậu bé "đang tuổi lớn" chưa trưởng thành, cần phải "biểu diễn" cho ra vẻ người lớn đấy thôi.
Việt Nam phải biết dựa vào thành phần người Việt hải ngoại để làm một cuộc cách mạng công nghệ. Chuyển công nghệ "tay chơn lắp ráp" sang công nghệ "chất xám", … Bỏ chạy theo khai thác bán nguyên nhiên liệu "trời cho", khai thác bán "gia tài trời cho" để chuyển sang công nghệ bền vững.
Và đặc biệt, nhóm người lãnh đạo ngày nay phải biết rõ rằng đây là thời cơ để có một cuộc thay đổi. Tàu đang lo chuyển mình. Vừa, canh tân, vừa cải cách, vừa đánh tham nhũng trong nhà, vừa hù dọa ngoài sân với láng giềng, vừa thay đổi thái độ giao tế…, lúc nầy là lúc phải "bỏ Tàu" để đi tìm con đường Độc lập. 
Đảng Cộng sản Việt Nam hãy trả quyền công dân cho nhân dân Việt Nam, như vậy không còn lý do gì nữa, không còn công hàm Phạm Văn Đồng, không còn hữu nghị 16 chữ vàng, không còn đồng chí, hết nợ hết nần. Người công dân Việt Nam là người chủ mới.
Xin đóng dấu ngoặc lại, vì nói hoài mệt quá!
Vả lại, ngay bây giờ ban lãnh đạo Trung quốc cũng đã thay đổi cái nhìn rồi, kế hoạch ngũ niên thứ XII (2011-2015) đã nói đến năng lượng xanh, nguyên liệu mới, biotechnology, chất xám.
Hàng xấu hàng dỏm đang giết hàng made in China. Và hàng xấu hàng dỏm cũng đang giết hàng made in Viet Nam. Việt Nam hãy đổi cách làm việc, hãy đổi cách suy nghĩ, canh tân cải cách! Cách mạng từ văn hóa, nảo trạng, đến cung cách đối xử, làm việc … Việt Nam phải trở về với cái tử tế dân tộc, cái cung kính truyền thống trong xã hội, cái tế nhị trong giao tế láng giềng. Vui lòng khách đến, được lòng khách đi. Muốn như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền tự quyết cho công dân Việt Nam. Không còn chế độ ca tụng Đảng, nói láo, tuyên truyền. Không còn chế độ Công an trị, nói láo, xin cho, bao thư, tham nhũng. Không còn chế độ bao che phe đảng, nói láo, “lề phải”, trốn tránh. Và khi không còn Việt Cộng thì không còn nợ thằng Tàu Cộng nữa. 
Lúc ấy dù Tàu có Đế quốc với Phi châu, nhưng không thể Đế quốc với Việt Nam được, vì Việt Nam ra ngoài vòng cương tỏa của Tàu.

Hồi Nhơn Sơn, Giữa Hè nóng bức.
Phan Văn Song

Ghi chú:
1 – Hu Jintao, “Open up new prospect for a new type of China-Africa strategic partnership” Bô Ngoại giao Trung quốc, Beijing 19 tháng 7 năm 2012. www.fmprc.gov.cn.
2 - Tổng thống Pháp Jacques Chirac trả lời phỏng vấn của một nhà báo về tình hình nhơn quyền ở Trung quốc.
3 – Michael L. Ross The Oil Curse: How Petroleum Wealth Shapes the Development of Nations. Princeton University Press, 2012
4 - Blood and Oil Metropolitan Books, New York, 2004, và Daniel Yergin The Price Simon and Shuster, New York, 1993 
5 – “Statistical review of world energy”, BP, London, june 2012 
6 – Colette Braeckman “Pékin brise le tête-à-tête entre l’Afrique et l’Europe" L’Atlas du Monde Diplomatique,
La Librairie Vuibert, Paris 3012
7 – "The Rise of China and its implications: Executive summary" Forum sur l’énergie du James A. Baker III Institute for Public Policy, Houston, 2011.
8 – US Energy Information Administration (EIA) “China Country Analysis brief” Nov 2011
9 – “China to boost coal imports on widerprice gap”, 23/04/2012, www.bloomberg.com
10 - Le Yucheng “China ‘s relations with the world at a new starting point” diễn văn tại buổi Hôi luận của China Institut for International studies (CIIS), 10/04/2012.
11 – International Crisis group (ICG) “China thirst for oil”. Asia Report #153 . 09 june 2008.
12 – Jeffey Ball, “Angola possesses a prize as Exxon, rivals stalk oil” The Wall Street Journal, New York 05/12/2005 ; Simon Romero, “ Chávez says China to lend Venezuela $20billion” The New York Times , 18/04/2010.
13 – “China thirst for oil” op.cit

Đăng ngày 20 tháng 08.2016