Tiểu luận
Giải Nobel Hòa bình cho Người đấu tranh Dân chủ Tự do? (bài 1)
Muhammad Yunus (Nobel Hòa bình 2006)
Một Nobel Hòa bình cho người nghèo
Phan Văn Song
1. Giải Nobel Hòa bình
Giải Nobel Hòa bình thưởng "nhơn vật hay cộng đồng nào vận động hữu hiệu nhứt cho sự liên kết hài hòa giữa các dân tộc với nhau, vận động hữu hiệu nhứt để hạn chế hay dẹp bỏ các lực lượng quân sự thường trực, vận động để kết hợp, cổ vũ và truyền bá tư tưởng tiến triển cho hòa bình" đúng theo ước nguyện được Alfred Nobel ghi vào di chúc. Tất cả bao gồm những đấu tranh cho hòa bình, cho nhơn quyền, cho những hổ trợ nhơn đạo và xã hội, và cho những quyền tự do con người.
Giải được cứu xét và trao hàng năm, có thể được chia đồng dều cho nhiều người, nhiều hội đoàn có công đóng góp hữu ích với nhơn loại, qua hệ thống ngoại giao. Giải ra đời năm 1901.
Thoạt đầu, chỉ ở Tây phương, dần dần thoát ra cho cả thế giới. Giải Nobel Hòa bình ngày nay, có một tầm vóc chánh trị rất quan trọng, một vài giải lại có cả một giá trị chánh trị chẳng những sáng giá mà còn là biểu tượng cho công trình đấu tranh của một nhơn vật, một hội đoàn, như là một lời chỉ trích, một đánh giá, chê bai, phủ nhận một chánh quyền độc tài, thí dụ như cái giải đã trao cho bà Aung San Sưu Kyi năm 1991 chẳng hạn để chống nhóm quân sự độc tài đương quyền bấy giờ của xứ Miến Điện. Hay giải trao tặng nhà văn đấu tranh nhơn quyền Liu Xiaobo (Lưu Hiếu Ba) năm 2010, để chê bai chánh quyền Trung Cộng.
Một vài giải cũng lắm tranh cải. Như giải trao cho Tổng thống Theodore Roosevelt năm 1906, khi ông Tổng Thống nầy cho một chánh sách nặng về quân sự. Hay giải trao cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, đấu tranh chống Tàu năm 1989, đã gây lắm chướng ngại vật cho ngành ngoại giao Âu Mỹ với Tàu.
Nhưng tựu trung, Giải Nobel Hòa bình đều thưởng các nhơn vật có tầm vóc lịch sử hoạt động cho hòa bình nhơn loại, chống những đàn áp chánh trị, cho sự bảo vệ quyền bình đẳng giữa con người như Bác sĩ Albert Schweitzer, Martin Luther King, Mẹ Têrêsa, bà Aung San SưuKy, Liu XiaoBo...
2. Hòa bình cần Dân chủ tự do hay cần Bình đẳng xã hội?
Tại Pháp, hàng năm, tuần lễ cho người nghèo bắt đầu vào tuần thứ ba, tháng 11. Năm nay 2017, hôm thứ hai 21 tháng 11, phong trào các Quán ăn Tình thương - Les Restos du Coeur - đã bắt đầu khai giảng hoạt động trở lại. Phong trào Les Restos (tiếng tắt của restaurant=quán ăn) du Cœur do cố tài tử, diễn viên Coluche chủ xướng từ năm 1985, năm nay được 32 tuổi. Thoạt đầu ý của anh và bạn bè anh, chỉ là muốn làm sao phân phát thực phẩm dư thừa trong các siêu thị chợ búa đến các người thiếu thốn – đem cái phung phí dư thừa của cái xã hội ăn xài phung phí giúp đỡ những người thiếu thốn. Thực phẩm dư thừa là những món hàng không bán được vì ngoại hình, vì mặt hàng, hộp gói bể vỡ, hoặc sắp hết hạn... Phong trào được giới tài tử diễn viên hưởng ứng quảng bá, do đó được quần chúng ủng hộ mạnh, và dĩ nhiên các cửa hàng cũng hưởng ứng ủng hộ. Thế nhưng, số người nhận hàng càng ngày càng đông. 32 năm rồi, mà số dân nghèo túng, bần hàn ở Pháp, vẫn còn càng ngày càng đông. Phong trào kêu gọi thiện tâm của công dân Pháp đã lay chuyển cả hệ thống hành chánh Pháp, ba năm qua, chánh phủ Pháp đã khuyến khích chống phung phí, bằng kỷ luật cấm các cửa hàng siêu thị vứt bỏ những hàng hóa không có ngoại hình thương mãi. Một luật thuế cũng được ký cho phép các loại thực phẩm ấy miễn thuế.
Trong một văn hóa Thiên Chúa giáo, bài giảng ngày Chúa nhựt 26 tháng 11, tại các nhà thờ Thiên Chúa Tin lành hay La mã đều cùng bài giảng của Matthieu chương 25: câu 31 đến câu 46, nhắc lại lời Jésus khuyên dạy giáo dân hãy dành tình thương yêu cho người yếu đuối, bần hàn yếu kém.
Trở về chủ đề bài viết, chúng tôi muốn nhắc lại rằng các giải thưởng Nobel cho Hòa bình không nhứt thiết phải tặng cho những người đấu tranh chánh trị cho Dân chủ và Tự do, qua những quan niệm chánh trị, mà giải thưởng cũng thưởng tặng khuyến khích cho những nhà đấu tranh cho lòng nhơn ái, cho bình đẳng xã hội!
3. Muhammad Yunus và nước Pháp
Tháng 11, năm 2017, Muhammad Yunus, vui vẻ trở về Paris. Thật vậy, chưa bao giờ, cá nhơn tên tuổi ông được Paris nâng niu chú trọng như vậy, và cũng chưa bao giờ Muhammad Yunus có cảm tưởng ông là một đứa con đi xa – enfant prodige - nay trở về được gia đình mở hội đón mừng tưng bừng như vậy!
Thật vậy, cùng một thời gian, ông phải, vừa tham dự buổi ra mắt sách tác phẩm vừa xong của mình là "Con đường đi đến ba không: không nghèo đói, không thất nghiệp, không thải thán khí cạt bôn carbone – Vers une économie à 3 zéros: zéro pauvreté, zéro chômage, zéro émission carbone".(Nxb Lattès-Paris); vừa phải cắt băng khánh thành một trung tâm Yunus tại nhà thông tin (thị xã quân) – Yunus Center à la Maison des Canaux, quân 10 Paris; và lại, vừa phải tham dự Hội thảo thượng đỉnh làm Xã hội toàn diện trong kinh thương – Global social business summit từ ngày 4 đến 9 tháng 11 qua. Hội thảo là nơi ông sẽ trình bày và chia sẻ viễn tượng của ông về một xã hội của thế giới tương lai cho thế hệ trẻ.
Đúng vậy, nuớc Pháp với ông là một cuộc tình đặc biệt. Ông rất thoải mái đến với nước Pháp, ông thường bảo Pháp là quê hương thứ hai của ông. Nơi mà tư tưởng của ông được truyền bá và sùng mộ.
Quê hương thứ nhứt: dĩ nhiên là Bangladesh, nơi sanh, trưởng thành, và nơi ông đã khai trương Ngân hàng Grameen Bank, một ngân hàng cho vay các Tiểu tín dụng – Microcrédit, để giúp các người nghèo, nhứt là những phụ nữ, để giúp họ tạo một thương nghiệp. Khái niệm nầy đã được gieo rắc khắp thế giới, và nhờ đó, ông đã nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 2006.
Và quê hương thứ hai là nước Pháp? Tại sao?
Ông trả lời với một nụ cười thoải mái rằng bắt đầu sự việc, tất cả là do cái anh chủ nhà xuất bản Laurent Laffont, đã chạy theo, đeo đuổi ông hết từ hội thảo nầy đến hội luận hay hôi nghị khác, lúc xưa, lúc ông được mời đi nói chuyện khắp thế giới để cổ vũ cái ý niệm microcrédit.
"Cứ mỗi nơi tôi được mời tham dự, đều có mặt ông ta. Sau khi nghe tôi nói chuyện, tan buổi là ông ta chận tôi lại và bảo tôi: ông phải viết tiểu sử của ông. Một hôm, ông ta chận tôi lại ngay chơn thang máy bay tôi vừa đáp xuống ở phi trường Heathrow, London, và nói rằng: Nầy Giáo sư Yunus, ông đã suy nghĩ kỹ những đề nghị của tôi chưa, và ông có chấp thuận trả lời tôi không?".
Không cưỡng lại nỗi, ông đành để anh nhà sách xuất bản những suy nghĩ của ông. Tác phẩm, tự truyện "Con đường đến một thế giới không nghèo đói – Vers un monde sans pauvreté" ra đời năm 1997, do Laffont xuất bản là một best-seller, được dịch và tung ra khắp thế giới. Cuốn sách cũng đóng góp một phần không nhỏ cho con đường ông nhận Giải Nobel Hòa bình 2006.
"Và cũng là một phụ nữ người Pháp, bà Maria Nowak, một vị kinh tế gia, làm việc tại Ngân hàng Quốc tế – World Bank, đã là người đầu tiên cho áp dụng những phương pháp, và ý niệm của Grameenbank tại Pháp, một quốc gia tiên tiến" Bà ấy đã tạo một tổ chức tại Pháp, Adie, một hiệp hôi giúp đỡ các người không phải là những thương nhơn chuyên nghiệp – không thể làm sao tiếp cận được với các hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp - bằng cách cho vay qua các tiểu tín dụng để mở những tiểu thương, cơ sở làm ăn nhỏ.
4. Từ tiểu tín dụng đến social business – Làm xã hội trong kinh thương
Tiểu tín dụng là do tài nguyên sở hữu thân chủ gởi vào quỹ tiết kiệm hay ngân quỹ một ngân hàng, một cơ sở tín dụng, một cơ sở phát ngân phân phối ra cho người đi vay; nay làm sao để các đại công ty kinh thương dùng lợi nhuận của mình tạo được, cùng đóng góp vào công dụng tiểu tín dụng cho người nghèo mượn vốn đầu tư làm ăn? Lợi nhuận, chủ đích của kinh thương các đại công ty, đó là mục đích qua các ngành nghề công hay thương nghiệp hay dịch vụ của các nhà tư bản cùng nhau góp vốn, hùn vốn làm ăn vào hay tạo các đại công ty. Thế nhưng, Giáo sư Yunus mong lợi nhuận không chỉ đóng góp làm giàu, chỉ giới tư bản chủ vốn, mà phải làm sao giới tư bản đóng góp làm giàu và tư bản hóa giới nghèo khó thiếu thốn, bất hạnh? Làm sao biến các đại tư bản, các đại kỹ nghệ gia, các nhà đại thương mãi, thành những nhà hoạt động xã hội có một trách nhiệm liên đới xã hội. Mục đích không phải chỉ làm giàu cho cá nhơn, cho gia đình, cho giòng họ tên tuổi, giai cấp, hay đất nước; mà phân phối một cách bình đẳng cho tất cả các giai cấp của xứ sở mình, công bằng, bác ái, và cuối cùng tạo một cuôc sống hòa bình, bình đẳng trong thạnh vượng cho đất nước mình?
May quá, cũng tại Pháp, ông gặp ngay một hãng đại kỹ nghệ đã đáp ứng yêu cầu của ông: Hảng sữa Danone đã tạo ra một loại sữa chua yaourt, rất bổ dưỡng, không lấy tiền lời, bán với giá thành, để bán cho thị trường Bangladesh, cho dân nghèo với phần ăn uống thiếu dinh dưỡng.
Và cũng một hãng đại kỹ nghệ Pháp, chuyên ngành mắt kiếng Essilor, tạo ra những kiếng đeo mắt rẻ tiền, cho thị trường nghèo Bangladesh.
Và cũng một chi nhánh Âu châu với một anh giám đốc người Pháp của hãng làm khoai chiên Mac Cain của Mỹ cũng hưởng ứng bằng tạo công ăn việc làm cho người không chuyên môn, bằng tổ chức thu lượm, những khoai tây, những rau xanh không đủ ngoại hình để thương mại hay kỹ nghệ hóa được (phải gọt cắt bằng tay, vì không đủ tiêu chuẩn để qua máy).
Tại Pháp, ngày nay, các trường đại học thương mại lớn, HEC hay ESSEC, từ nay đều có mở chuyên ngành về ngành Thương mại Xã hội và Liên đới và rất được các sanh viên yêu chuộng.
Và sau đây là câu chuyện mới nhứt, của cuộc tình giữa nước Pháp và Giáo sư Yunus.
Giáo sư Yunus ủng hộ Paris tổ chức Thế Vận Hội Điền Kinh 2024. Bà Thị trưởng Anne Hidalgo phải hứa với Giáo sư rằng Thế Vận Hội Điền Kinh Paris 2024 sẽ 100 % Social Business.
Qua Lausanne để trình luận án tổ chức tranh quyền tổ chức? Giáo sư Yunus cũng có mặt cùng với phái đoàn Pháp. Có thể do đó cũng là điểm cộng để Paris đoạt quyền tổ chức?
Yêu cầu của Giáo sư Muhammad Yunus? "Tất cả những kiến trúc Làng Vận động tương lai để sẽ tiếp đãi 12.000 thế vận gia, phải được kiến thiết với chủ đích, sau tan lễ, được biến thành nhà ở của những người thiếu nơi cư ngụ hôm nay".
Và ông cũng yêu cầu thêm: "Những dịch vụ ăn uống tiếp đãi phải được giao cho những thương nghiệp nào dùng người đang tập sự hay đang tìm việc làm, để đào tạo, huấn luyện tay nghề những tiểu thương gia tương lai trong ngành dịch vụ ăn uống tiếp đãi – catering, traiteur".
Tất cả những yêu cầu ấy chứng tỏ cái ưu tư cùng giải pháp qua suy nghĩ thực tiễn của Giáo sư. Tổ chức Thế vận hội Paris tương lai không chỉ là một business, vận may cho các chuyên gia, mà phải là một cái dịp may để dạy nghề và tạo nghề…
Ba mục tiêu cho xã hội ngày mai không nghèo đói: Muốn hết nghèo đói phải làm sao đánh thức con người kỹ nghệ, con người thương gia nơi mỗi cá nhơn chúng ta. Dân Việt tỵ nạn Cộng Sản chúng ta quen nghề nầy rồi. Thế hệ chúng ta, tất cả đều có một thời "đi buôn đi bán, chợ trời, chợ chòm hỏm, tiểu thương, bánh xôi, bán cơm, bán bánh, bán thuốc lá… Ấy là khi còn nghèo, có tí tiền là mở nhà hàng ngay…
Cá nhơn thằng tui, sau nghề làm giám đốc mướn, và trước thời dạy học thuê, tôi có 10 năm mở tiệm tạp hóa, và tiệm cơm. Tôi biết cuốn chả giò, nấu phở, nấu các món ăn đặc biệt Việt Nam. Kiểu ăn, cách nấu nhiều khi không giống ai, như tôi giới thiệu tất cả cách nấu là của mẹ tôi dạy, quán tôi là quán gia đình, thực đơn gia đình, khách ăn tiệm tôi sẽ không có được hương vị ở chổ khác. Do đó, nhà hàng chúng tôi rất đắt khách. Sau đóng cửa, vì vợ tôi và tôi bị kêu đi dạy học (nàng tiểu học, tui đại học) nên quán không có người coi đành đóng cửa vậy! Nhưng nếu ai cũng làm chủ cả, thì ai làm công đây? Nan giải.
"Chúng ta nhứt thiết không phải là người đi tìm việc làm, mà phải tự tạo việc làm! Đi làm công cho người khác là trái với luật thiên nhiên. Phải tay làm, hàm nhai, không đi làm cho người khác hưởng!» Giáo sư Yunus nhận định. Giáo sư nói thì dễ. Nhưng tự túc, tự biên, tự diễn, cần một nghị lực đặc biệt, phải biết chấp nhận làm việc không nghỉ ngơi, bá việc, với một cá tánh và những đòi hỏi, những mục tiêu khác thường.
Giáo sư Yunus còn nói: "Hãy thử trao cho họ mượn một số vốn, và hãy thử hỏi họ, làm gì với số vốn nầy, quý vị sẽ thấy sức mạnh, và óc sáng tạo của họ ngay!".
Với lợi nhuận do hãng điện thoại lưu động Grameenphone, do ngân hàng ông chủ xướng ở Bangladesh, ông thành lập một công ty bảo hiểm những hậu quả làm ăn cho các tiểu thương.
"Tất cả giới trẻ đều muốn có tiền mau, làm giàu nhanh. Hãy tạo điều kiên. Khi giới trẻ giàu, họ sẽ làm social business để giúp người khác làm giàu. Và bộ máy ấy tự động nó chạy ngay!".
Nhà nước Bao dung – État Providence là một tai hại! Giáo sư Muhammad Yunus chê hẳn cái quan niệm Nhà nước bao dung, bao bọc che chở tất cả. Ông chê cả cái quan niệm thu nhập phổ thông – revenu universel - mỗi công dân đều có một số lương nhứt định bảo đảm sự sanh tồn. Nhà nước bao dung, thu nhập phổ thông sẽ là những cái ngục nhốt con người, làm nhụt khí con người, làm ỷ lại, ích kỷ, lười biếng! Hãy tạo những con người sáng tạo, đầy sáng kiến. Tư bản, là lợi nhuận, tư bản là sáng kiến, là sáng tạo, là tự chủ. Nếu không con người chỉ là những công cụ cho những người độc tài và chế độ độc tài.
Muốn tư bản tồn tại phải là tư bản liên đới trách nhiệm, xã hội: Theo Giáo sư Yunus, muốn một quan niệm tư bản thành công phải có một quan niệm Tư bản Liên đới Xã hội.
"Tiền bạc tạo hạnh phúc, nhưng tạo nguồn hạnh phúc cho tha nhơn sẽ tạo một nguồn hạnh phúc siêu đẳng hơn!". Thiển nghĩ, đấy là lý do tại sao ông nhận được Giải thưởng Nobel. Ông thường nêu thí dụ của các Foundations của các nhà giàu Mỹ bắt đầu từ Bill Gates…
Có bạn nói với chúng tôi, đó là quan niệm của văn hóa Thiên Chúa Giáo Tin Lành. Phúc âm dạy chúng ta Chúa ban cho chúng ta mọi sự an lành giàu có. Khi có, khi nhận được, phải biết trả lại cho Chúa bằng cách chia sẻ với người bần hàn hơn mình. Bài giảng Chúa nhựt qua với phúc âm của Mathiơ dạy ở chương 25, từ câu 31 đến câu 46 dạy ta như vậy. Mỗi chúng ta đều liên đới trách nhiệm nhau. Ta ĐÃ nhận được nhiều, phải biết CHIA trả lại, chia sẻ ưu tư, và chia xẻ của cải với tha nhơn nghèo khó, bần hàn hơn chúng ta.
Tư bản ngày mai là tư bản liên đới xã hội!
Kết luận: và Việt Nam?
Bangladesh đâu có giàu có bằng Việt Nam? Tại sao có được một nhơn vật như Giáo sư Yunus?
Có phải là NHỜ không có Đảng Cộng Sản cầm quyền không?
Tàu Cộng, Việt Cộng, đều có lắm kẻ giàu có hơn Bangladesh nhiều, sao không có một Yunus?
Còn công đồng hải ngoại chống Cộng, Tàu hay Việt? Chúng ta để mất bao nhiêu sanh lực, bao nhiêu sanh khí chỉ để mong lật đổ thằng cầm quyền Cộng Sản, một chế độ chỉ biết lợi dụng sức lao động người nam, sắc đẹp của người nữ. Bán mồ hôi người nam, bán trôn người nữ.
Những ngày qua, cái chợ nô lệ ở Libya vừa làm chấn động dư luận thế giới. Nhưng không thấy ai nói đến chợ nô lệ ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức suốt mấy chục năm nay, qua chương trình xuất khẩu Lao động, và chương trình gã vợ cho dân Tàu cộng hay Tàu Đài loan, hay Đại Hàn...
Phụ nữ Việt Nam đâu phải sanh ra để làm vợ, làm người tình, làm cái thoải mái, cái liên hoan của ngoại nhơn mãi đâu? Thanh niên Việt Nam đâu phải chỉ có sức lao động, cần cù, chăm chỉ, để làm người thợ ngoan hiền, dễ sai bảo của bá tánh ngoại nhơn mãi đâu?
Chừng nào chúng ta đủ can đảm, đủ tự hào để vùng lên tìm sự sống, tìm quyền tự chủ, tìm lại con đường chánh thống Đại Việt, quốc dân, quốc túy, quốc hồn?…
Chừng nào chúng ta bớt cúng thần, cúng thánh cho tương lai cá nhơn, để giành tiền chia sẻ cho đồng bào ruột thịt? Lúc ấy Việt Nam ta, và người dân Việt Nam mới có thế đứng lên cùng thế giới!
31-11-2017
Hồi Nhơn Sơn cuối Thu 2017
Phan Văn Song
Đăng ngày 05 tháng 12.2017