Thiên tai, thảm họa và sanh tồn
Những con thiên nga đen và thuyết "Phản yếu đuối" hay
Những phản ứng sanh tồn trước những hoạn nạn bất ngờ
Phan Văn Song
Tuần trước, chúng tôi đã trình bày với quý vị viễn ảnh một Final Collapse của Thế giới và loài Người, nếu chúng ta cứ tiếp tục sống, ăn xài thả cửa, phung phí cái gia tài trời cho một cách thiếu trách nhiệm như hiện nay.
Trong cái không khí khi sửa soạn và viết bài ấy – và cũng như mỗi lần viết bài, để tìm ý kiến, ngoài tự khảo cứu, tìm tài liệu, chúng tôi thường hoặc điện thoại trao đổi với bạn bè, tham khảo các cựu đồng nghiệp, hoặc bàn bạc với bà xã, con cái, hoặc đi hỏi ý các bà con láng giềng… quan trọng là «cái chủ đề» có được quý thân hữu chấp nhận không? Và, nhờ vậy, tuần đầu tháng, một cô bạn già người Anh cùng xóm bèn giới thiệu tôi hai cuốn sách, cùng một tác giả và khuyên tôi hãy tìm đọc: Cuốn đầu, «Le Cygne noir et la puissance de l’imprévisible – Con (Thiên) nga đen và sức mạnh của sự bất ngờ » và cuốn sau tên là «L’Anti-fragile, le bienfaits du désordre – Phản Yếu đuối, những cái hay của hổn loạn», của Nassim Nicholas Taleb. Tôi may mắn tìm được sách tiếng Pháp do Lucien d’Azay và Christine Rinoldy dịch do nhà sách Belles Lettres Paris xuất bản, cuốn thứ nhứt năm 2007, và cuốn thứ hai năm 2013.
Bèn ngấu nghiến đọc, dù chỉ đọc ngang – lecture diagonale - 603 trang (cuốn 1) và 645 trang (cuốn 2) cũng mất cả tuần, ngày đêm. Ít hàng chia sẻ, và giới thiệu với quý thân hữu. Có dịp tôi sẽ bỏ công đọc kỹ hơn. Rất dễ đọc vì giọng văn rất vui và bình dân như kể chuyện.
1. Những con nga đen – Le cygne noir – The black swan
"Những con nga đen" là những hiện tượng bất ngờ, đến bất chợt, chúng ta vẫn thường gặp trong suốt quá trình đời sống của chúng ta, và có thể thay đổi cả vận mệnh cuộc đời của chúng ta. Những chuyện do tình cờ ấy hầu như không đoán trước được, nhưng rất quan trọng vì có thể là những khúc quanh, khúc rẽ, dấu ngoặc, thay đổi cả cuộc đời chúng ta.
Một con nga đen thường gặp khó tránh: hôn nhơn. Ngày nay, ở hải ngoại chúng ta, giới trẻ sống ngoài phạm vi gia đình, có khi ngoài phạm vi cộng đồng. Xuất sắc tỷ lệ, gặp gở, nên vợ nên chồng cùng trong một cộng đồng, ngày nay bớt đi. Xưa bắt buộc chẳng những Việt Nam phải lấy Việt Nam, mà còn Huế phải lấy Huế nữa!
Vì vậy, ngày nay, những con Nga Đen nầy, chuyện lựa chọn phối ngẩu, không tiên liệu được. Và cả nơi trú ngụ, ngày mai các con, các cháu ở đâu? Sanh sống đất nước nào? Cũng không tiên liệu được.
Thế hệ chúng ta, khi xưa, vào tuổi 30, 40, có ai nghĩ, về già, chúng ta sẽ mãn phần, chết và chôn trên đất người không? Văn hóa Á đông chúng ta đều mong được an phần trên nơi chôn nhau cắt rún. Từ một văn hóa trọng Tộc, trọng Gia đình, trọng đoàn thể, Bang Họ Tộc, nên khi xướng tên, khai tên... đều nêu tên giòng họ trước - người Việt ta khai Họ trước. Ngày nay, trên đất tỵ nạn, tây phương hóa, trọng cá nhơn, nêu tên gọi cá nhơn trước. Tên tục cá nhơn - first name – prénom… đứng trước. Còn Họ - last name - family name - nom de famille, de clan, Tên Gia đình, tên của Tộc, của Bang đứng sau.
Một con nga đen (tốt) thay đổi lịch sử nhơn loại: bánh xe. Sự phát minh của bánh xe đã giải phóng loài người. Với bánh xe loài người, hết dùng sức để đội, để gánh. Mặc dầu bánh xe đã ra đời cả ngàn năm, thế mà ngày nay vẫn còn những vùng có người tiếp tục đội (Phi châu), gánh (Á châu đặc biệt Tàu, Việt Nam). Việt Nam ta, ngày nay ở vùng thượng du Bắc Việt vẫn còn dùng sức người để đội, gánh; vượt suối sông vẫn còn đu giây… vì không có cầu. Tại sao thế? Thế mà vẫn tự nhận là đỉnh cao trí tuệ loài người và cả chúng ta toàn người Việt vẫn tự xem mình là con cháu Lạc Hồng 4000 năm Văn Hiến (Tàu!).
Hay con Nga Đen (xấu), ngày 11 tháng 9, 2001: đánh sập tòa Tháp Đôi-Twin Tower tại New York đã tạo ra một tương quan lực lượng mới giữa Mỹ Âu Tây, văn minh khoa học tư bản và Al Qaida, sức mạnh văn hóa quá khích Hồi giáo cổ xưa.
Hay những con Nga Đen xấu khác: sập tiệm - krach của hệ thống thị trường chứng khoán Wall Street năm 1987, hay cái khủng hoảng ngân hàng và tài chánh năm 2008, phát xuất từ Mỹ lan rộng toàn cả thế giới … ảnh hưởng phát triển, đời sống rất nhiều quốc gia, nhiều dân tộc đất nước, tạo những suy nghĩ mới … những cường quốc mới, những cuộc chiến mới...
Và con Nga Đen trên hết tất cả những con Nga Đen: phát minh Internet và Smart Phone - điện thoại thông minh. Nói như vậy, để các thân hữu đừng nghĩ rằng những con Nga Đen là chỉ những thảm họa hay những thiên tai...
Một con thiên nga rất bình thường nho nhỏ ở mỗi chúng ta: đi trễ, hay trễ một buổi hẹn, ai ai chúng ta đều mắc lỗi ấy. Người Việt mình nổi tiếng đi trễ. Ở Pháp vùng chúng tôi có một phương châm «le quart d’heure poitevin – một khắc giờ vùng poitevin» (là vùng ở chúng tôi tên là Poitou, poitevin là tĩnh từ, cũng là tên của dân vùng nầy). Một khắc giờ poitevin, để châm chế cho phép người vùng nầy được phép đi trễ một khắc đồng hồ! Như vậy người Việt ta đừng mặc cảm là dân ta ưa đi trễ. Và hình như vùng nào của xứ Tây cũng đều có một khắc giờ poitevin – chỉ đổi tỉnh từ thôi! Và còn có một ấn tượng khác nữa, là để người ta trọng quý mình, phải chờ mình, nên phải đến trễ!). Đi trễ giờ một buổi hẹn có khi thay đổi cả một chương trình hằng ngày của một cá nhơn, nhưng có khi cũng thay đổi cuộc sống, cũng có khi thoát một tai nạn – hay gặp một tai nạn… Tôi có thằng cháu đã mua vé đi xem hát ở rạp hát Bataclan, Paris. Hắn đến trễ, rạp hát đã đóng cửa không cho hắn vào, đành phải qua quán rượu ngồi nhậu một mình. Hôm ấy quân khủng bố đánh bắn giết người ở Bataclan chết một lô người, kể cả hai quán rượu cùng xóm, trừ quán hắn. Từ tối đó, hắn tự cho là hắn thoát chết? Hắn khóc mãi và phát bệnh tâm thần, syndrome du survivant- di chứng của thằng sống sót; phải chữa trị cả sáu tháng trời! Vì vậy không bao giờ, tiếc hay nuối tiếc... vì đã trễ rồi... vô ích. Nếu có thể xin lỗi và thành thật xin lỗi đừng có parce que, tại, bị, vì… Đi trễ, trễ giờ là đi trễ, trễ giờ thế thôi, that’s it!
Tác giả Taleb cũng khuyên chúng ta tẩy chay, không nên tin vào những «ông tiên tri», những nhà «nghiên cứu» thời sự, dự đoán thời sự, «thầy bàn chánh trị», những con buôn thị trường chứng khoán... tất cả đều dỏm! Kể cả những tay dùng khoa học, toán học, statistiques - thống kê học… dùng luật Gauss, để dự đoán, tiên tri thời cuộc! Dự báo thời tiết kia nhiều khi còn sai, huống chi thời cuộc. Ngày hạ thủy du thuyền Titanic, số một thời ấy, «không thể đắm – Insumersible» Thế mà đắm!
Ai đoán được ngày 11 tháng 9,2001? Và dĩ nhiên cuốn sách cũng vạch trần nói rõ các thấy dự đoán, các tiên tri ấy đều là những tên lường gạt cả
Sau đây là những thí dụ:
Trang 35, đổi chiều hướng câu viết để đổi chiều hướng suy nghĩ. Tất cả người khủng bố đều dân Hồi Giáo, dĩ nhiên khác với Tất cả người Hồi Giáo đều là dân khủng bố. Nhưng cách viết để hướng dẫn suy nghĩ ấy vẫn được các media thông tin dùng.
Trang 72, dẫn đến sự hiểu ngầm. Tương lai là một sự tiềp diễn của quá khứ. Cứ thế mà tiếp tục.Thế nhưng không gì bảo đảm là ngày mai sẽ tiếp tục của những ngày qua và của ngày nay. Thí dụ chuyện con gà tây-turkey, được săn sóc nuôi sống suốt cả năm. Ngày ngày qua chàng turkey, sống tà tà, sáng ra chuồng thẩn thơ đi dạo, ăn uống đầy đủ, ngày ngày qua, tuần tuần qua, rồi tháng tháng qua… và chàng turkey, cũng như chúng ta, tà tà sống, lè phè sống tin tưởng … vào … ngày mai cũng như ngày hôm nay và ngày hôm qua!...Thế nhưng, Noël - Giáng Sanh đến … xong đời gà tây! Ngày hôm nay, xin quý thân hữu nào giỏi toán, giỏi khoa học cho chúng tôi, một định lý khoa học nào, toán học nào, bắt buộc, khi phóng một hỏa tiển, một tên lửa, bắt buộc hắn phải rơi vào một vùng biển không có một ai cả, hoang vắng…? Bắc Hàn đã thử, và sẽ tiếp tục thử những hỏa tiển, gọi là HÙ Mỹ, hăm Nhựt, dọa Đại Hàn… Các lần qua, đều bay qua Nhựt rơi vào biển. Tốt lắm! Hù mà! Nhưng… nếu chẳng may, thế nhưng…? Và sau đó???
Trang 100. Thiên Chúa Giáo Tin lành Calviniste dạy người siêng năng sẽ luôn luôn hưởng lộc… Chắc chắn không? Con người cần những bài học luân lý. Đúng, nhưng bài học ấy?
Trang 208. Chúng ta thích tự biên, tự diễn: chúng ta tự cho thành công là do công sức của chúng ta, còn thất bại là do số mệnh, số phận, do may rủi, hên xui! Đó chỉ do lòng tự ái của mỗi chúng ta thôi, chúng ta có bao giờ tự hỏi, chúng ta đã làm hết sức chưa? THỰC SỰ hết sức chưa?
Trang 207. Khi một người thất bại, vì toan tính sai. Họ thường tự nhủ, Ta suýt đúng! Ít khi tự nói ta hoàn toàn tính sai!
Tóm lại, trong cuốn sách nầy, Taleb nhắn chúng ta, ráng tự suy nghĩ, đừng có tin vào những «thầy dùi, tiên tri, bàn thế sự», và nhắc chúng ta phải tự «sẳn sàng » đối phó với tất cả những «bất thường», nói theo từ ngữ cựu quân nhơn chúng ta là luôn luôn ở trong trạng thái sẳn sàng ứng chiến với tất cả những biến chuyển bất thường, thiên tai, thảm họa!
Tiên đoán chuyện bất thường.
Tác giả Nassim Nicholas Taleb hỏi chúng ta có ai tiên đoán được 9/11 ở New York không? Có ai tiên đoán krach-sập tiệm chứng khoán 1987 không? Taleb nhắc khéo chúng ta từ nay, sau khi đọc cuốn sách nầy, hãy học những bài học các «bất thường – những con Nga Đen» qua để có một thái độ bình thản, sẳn sàng trước những bất thường. Hãy không có cái nhìn viễn tượng, mà có cái nhìn sẳn sàng với cái bất thường. Đang đi đường nếu gặp khủng bố, nếu không chết liền, bị thương liền, bị nạn liền, thì phải làm sao? Thái độ đầu tiên, hành động nào đầu tiên, quyết định nào đầu tiên. Tạo những kịch bản, để sẳn sàng ứng chiến, mưu sanh thoát hiểm. Từ cách chọn lựa một chỗ ngồi trong một tiệm ăn - tựa tường, ngó mặt ra cửa ... Học cách bố trí, thế phục kích, để khỏi bị phục kích. Sẳn sàng, ứng chiến! Kính thưa các thân hữu, chúng ta là người Việt tỵ nạn Cộng Sản, đã từng sống trong thời chiến, đã từng vượt biên, vượt biển, dễ dàng thông cảm quá!
Khủng hoảng! Thời đại khủng hoảng, thế giới khủng hoảng. Phải, chúng ta đang sống trong thời đại khủng hoảng. Không chỉ một mình ta bị ảnh hưởng đau khổ đâu, mà tất cả mọi người, chung quanh, hàng xóm ta, láng giềng ta, bà con ta... Nhà giàu, nhà nghèo, ông nầy bà nọ, cả chúng ta, chớ tà tà, phè phởn, thoải mái, vì tất cả chúng ta đều là những con gà tây – turkey đang sống không biết ngày Noël sắp đến! Và cả những khám phá, cả những sáng tác, sáng tạo đều là những con Nga Đen bất thường cả
Trang 228. Tất cả những khám phá đều do tình cờ, không có một tính toán nào cả. Phát triển không do chủ đích, hay mục đích. Phát triển là kết quả của tiến triển đời sống.
Trang 229 «Trong các chương trình nghiên cứu, cái khám phá tình cờ thường đến do cặp mắt và khối óc đã được sửa soạn» Louis Pasteur. Phải luôn luôn sẳn sàng mở mắt, ngắm nhìn, đừng tự bịt mắt, tự đóng khung, bởi những quả quyết, những luật lệ, định lý.
Tất cả mọi bất thường rủi ro đều có thể được tính toán, nhưng có những tình cờ không đở được. Tây thường bảo le risque zéro n’existe pas – Xác suất zéro rủi ro không bao giờ đạt được! Đó là những con Nga Đen!
2. "Phản yếu đuối để sống còn" hay "Làm sao chẳng những tránh và cầm cự lại những thảm họa mà còn biết sử dụng để tiến xa hơn nữa"
Trong cuốn thứ hai nầy . Tác giả Taleb cho chúng ta những bí quyết, để tránh hay sử dụng những con Nga Đen. Tác giả chia loài người ra ba thành phần: Thành phần một những con người «Mạnh» có sức kháng cự mạnh, chịu đựng giỏi, gặp thiên tai, thảm họa cứng rắn đối đầu. Thành phẩn thứ hai «Yếu» khỏi nói đây, là thành phần nạn nhơn rồi.
Để đối phó với những con (Thiên) Nga Đen, chúng ta, theo lời khuyên của tác giả Nicholas Taleb là không cần phải «mạnh», mà phải «phản yếu đuối»! «phản yếu đuối» là biết lòn, uyển chuyển tránh né, để «lợi dụng» rút tỉa những gì có lợi cho chúng ta để sống còn. Quan niệm «phản yếu đuối» là một bài học sanh tồn cho tất cả những ai, mà đường đời đã phải gặp qua những con Nga Đen. «Phản yếu đuối» là không có thái độ «yếu đuối» là than khóc, mà phải biết những kẻ hở của một hệ thống, một chế độ để thoát hiểm.
Quan điểm của Taleb nhắc chúng ta quan tâm đến mâu thuẫn giữa cá nhơn mỗi con người và đoàn thể, rằng một hệ thống nhỏ, một cơ cấu nhỏ bền vững và chắc chắn hơn một tập quyền trung ương rộng lớn. Đây là một hình ảnh, một cơ cấu tổ chức có thể thành hình ở một Việt Nam trung ương tập quyền do Đảng Việt Nam lãnh đạo. Đây có thể là một cơ cấu để phá vỡ mạng lưới Đảng của Cộng Sản. Nhưng phải cần một động cơ mạnh, ngày nay, chúng ta có một động cơ rất mạnh là Tình Yêu Nước, chống Tàu. Nếu không chống Việt Nam sẽ bị Hán hóa! Đành phải giết Tàu thôi, vì: đây là cuộc chiến Sống Còn, Sanh tồn, Sanh tử giành giật lãnh thổ, giành giật từng tấc đất sống, từng tấc môi sanh để sanh tồn! Muốn đuổi Tàu, phải diệt tay sai là Việt Cộng. Diệt Việt Cộng là Đuổi Tàu.
Nói như vậy, không hẳn tác giả Taleb là một người chống tổ chức, chống hệ thống tổ chức luật lệ . Một chánh quyền lỏng lẻo, quá trọng địa phương, ít can thiệp cũng tạo nhiều xung đột và lộn xộn cho đất nước. Quá can thiệp là độc tài, ít can thiệp khó điều khiển. Làm sao dung hòa, du di cho vừa phải thôi! Các xí nghiệp cơ sở cá nhơn, độc lập, sống sát, sống thực với thị trường, vững vàng hơn các đại xí nghiệp, vì chế độ sản xuất cần số lượng nên khó du di, dễ bị khủng hoảng.
Taleb cũng khuyên, nếu cần tồn tại, nếu cẩn đường dài, phải cần có những khủng hoảng nho nhỏ, phải cần tạo những bất ngờ, bất bình thường để giữ sự chăm chú. Bài học dân chủ của Athènes, thành phố Hy lạp, khi xưa đã biết rút thăm vài vị lãnh đạo để tạo sự không chuyên nghiệp, sự bất bình thường, sự không đồng điệu, để tạo chăm chú, cân bằng và yên ổn! Và tránh độc tài! Vì vậy phải cần đa nguyên, cần bất đồng, để có yên ổn!
Kết luận:
Đọc xong hai cuốn sách, chúng tôi bớt thất vọng. Chúng tôi, chúng ta, tự so sánh với những lời văn của tác giả, những người Việt tỵ nạn Cộng sản ở hải ngoại chúng ta đều là những người «phản yếu đuối». Chúng ta «phản yếu đuối», khi các cột trụ gia đình đều bị gom vào các trại tù khổng lổ. Các vợ con các quân dân cán chánh của chế độ thua trận chúng ta đủ sức «phản yếu đuối» để bán chợ trời, để tạo hợp tác xã, chấp nhận sống khổ sống khó nhưng vẫn bám trụ ở tỉnh thành, không «tự tử ra đi vùng kinh tế mới». Thà ngủ đường, ngủ chợ không đi kinh tế mới. «Phản yếu đuối» là vượt biên. Vượt biên trước khi Công sản tổ chức «vượt biên bán chánh thức để đuổi người Việt gốc Hoa». «Phản yếu đuối» là biết làm lại cuộc đời ở hải ngoại. «Phản yếu đuối» là xây dựng bầy hậu duệ nên người, nơi xứ người, mặc dù thế hệ «trái chuối», nhưng vẫn còn chẳng những đầy đủ đạo đức, văn hóa việt nam, mà còn giữ được cả tiếng nói, văn phạm thực thụ, truyền thống, chân chánh, cương quyết không dùng văn phong, từ ngữ lai căng, phản quốc như những từ ngữ cộng sản./.
27-10-2017
Hồi Nhơn Sơn, những ngày trở lạnh
Phan Văn Song
Ghi chú: Tiểu sử tác giả: Nassim Nicholas TALEB, người Mỹ gốc Liban, đa ngôn ngữ, là một trong những nhà bình luận về kinh tế được đọc và sách ông được dịch nhiều nhứt thế giới. Là một cựu trader, chuyên viên thương mại chứng khoán, đổi sang nghề viết văn, ông là một nhà triết của nền khoa học các sự tình cờ, bất thường. Taleb hiện dạy môn Toán học về xác suất may rủi -l’épistémologie des probabilités và khoa học về rủi ro – les sciences du risques, và đặc biệt môn học «cách lấy quyết định trong trường hợp không rõ ràng - la prise de décision en situation d’opacité» tại Viện Bách khoa của Trường Đại học New York với chức hiệu Giáo Sư Ưu tú -Distinguished Professor và ông cũng là Giáo sư Thỉnh giảng – Professeur Invité ở Trung tâm Kinh tế học của Đại học Sorbonne, Paris
Sách ông toàn là những best-seller, được dịch sang 32 ngôn ngữ.
Đăng ngày 29 tháng 10.2017