Luận về tháng Tư đen
42 tháng Tư đen, 41 năm mất nước
42 tháng Tư khủng bố, 71 năm Bắc thuộc
Phan Văn Song
Sau một tuần vắng bài, vì bận chuyện gia đình, hôm nay chúng tôi xin trở lại cùng quý thân hữu để cùng nhau chia sẻ nỗi đau, nỗi uất hận của tháng tư đen thứ 42 nầy. Nhắc lại cùng quý vị con số 42 vì chúng ta làm sao quên được tháng tư đen nhục nhằn đầu tiên: Tháng Tư 1975?
1. 42 tháng Tư đen, 41 năm mất nước, 41 năm uất hận không nguôi!
Thật sự mà nói, với một số đông trong đại đa số người Việt tỵ nạn cộng sản chúng ta, bắt buộc phải sống ở hải ngoại. Từ 41 năm nay, nỗi đau mất nước, nỗi uất hận sống ly hương vẫn hằng ngày canh cánh trong lòng. Đây là một hiện tượng rất lạ lùng, rất đặc biệt: cộng đồng người Việt chúng ta là một trong những số rất ít cộng đồng ngoại quốc sống tha hương trên đất một quốc gia tiên tiến, mặc dù, đa phần hội nhập, mặc dù một số đông khá sung túc, khá thành công, nhưng vẫn tiếp tục duy trì sự gắn bó với cảnh cũ người xưa. Thật là một nghịch lý, cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản, tuy là nạn nhơn của một chế độ độc tài cộng sản bất nhơn độc ác, bắt buộc phải tha hương, nhưng ngày nay, sau khi đã thành công, đã sung túc, đã khá hội nhập vào cuộc sống mới tại xứ người, thế nhưng vẫn không quên cố quận, vẫn cố bám víu, hoài niệm luyến tiếc với cuộc sống quá khứ ở trong nước. Mặc dù xưa kia, trước lúc mất nước, có thể nghèo khổ hơn, nơi ăn chốn ở, công ăn việc làm có thể kém tiện nghi, kém vật chất hơn! Thế mà…! Và càng khó hiểu hơn nữa, là vì lúc bấy giờ phải sống còn ở trong một trạng thái hoàn toàn bất ổn, do chiến tranh phá hoại của khủng bố Việt Cộng, và với một tương lai u tối, ảm đạm hơn. Ngày nay, thoát được ra ở Âu ở Mỹ, dù cuộc sống hằng ngày có bận bịu, nhưng vẫn đầy thoải mái thành công, các gia đình họ hàng gia tộc dân tỵ nạn đều, nếu không công thành danh toại thì cũng nhà cửa khang trang, dẩu không sang trọng, cũng tươm tất gọn gàng. Con cái hậu duệ dẩu không xã hội cao sang cũng « thường thường bực trung.
Nhưng cớ sao? Không riêng gì cá nhơn chúng tôi, một số đông «phe ta dân tỵ nạn tha hương», lại, ngày ngày, lòng vẫn không yên, nao nao thế nào hướng nỗi nhớ, niềm thương về cố quốc? Khi mỗi tối về, khi màn đêm tĩnh mịch, vợ con đã nghỉ ngơi yên tịnh, «phe ta» ngồi một mình trầm ngâm trước bàn điện tử, lướt đọc vài điện thư, ngâm nghi vài bài viết của bạn bè, nhưng lòng vẫn cảm thấy không toại, vương vấn. Tủi hổ, trách nhiệm, «trách, hờn» lẫn lộn, tựu trung cảm nhận bổn phận «làm người con đất Việt» không tròn! Dĩ nhiên, phận làm cha, phận làm chồng, gia đình nay đà tạm ổn, «con không trách, vợ không phiền» là đã được rồi! Nhưng phận công dân đâu? Phận làm con đâu?
Phận công dân ? Trung với Nước? Chưa toại! «Phe ta» để mất nước chẳng đặng đừng, vì đồng minh phản bội, bỏ rơi, tháo chạy, vì hết đạn, hết lương! Và ngày nay, nhìn rõ ràng bản mặt thằng thắng trận đương bán Nước, rước voi về dầy mả tổ tiên! Rõ ràng là thằng Bad Guys! Than ôi! Ngụy quyền đã thắng! Bá Đạo thành công! Căm hờn càng chồng chất! Uất hận càng tràn trề! 41 năm rồi! Sắp sửa nửa thế kỷ rồi! Hai thế hệ! Nửa đời người! Tha hương! Tủi hỗ!
Phận làm Con ? Hiếu với cha mẹ? Chưa xong! Cá nhơn tôi, bỏ nước ra đi, tìm Tự Do, tìm tương lai cho con cháu, hấu duệ, bỏ lại cha mẹ già, phải sống trong không khí thiếu thốn, cơ hàn, tù đày Việt Cộng! Trong bao năm tháng, tội của «phe ta» là « đã» không giữ được nước, «mà còn» để cha mẹ «phe ta», bà con, tổ tiên «phe ta», phải sống trong một nhà tù lớn! Tội lỗi «phe ta», là đưa đám tang cha mẹ ta trong không khí ảm đạm của Việt Cộng khủng bố! Khủng bố khi «tự» hay «bị» cấm mình không về được để chịu tang báo hiếu. Khủng bố khi «mộ phần cha mẹ» phải chôn tạm, chôn bợ trong những nghĩa trang tạm thời! Và ngày nay? Mộ phần cha mẹ vẫn tiếp tục nằm không khí một nhà tù lớn, trên những mãnh đất của những nghĩa trang tạm dung, tạm thời, không biết được yên ổn không? Ngày nay, vẫn canh cánh trong lòng, vẫn phải lo mộ phần cha mẹ, ông bà, chú bác, sẽ bị chen lấn, như các nhà cửa ở đường phố đang bị chen lấn, vẫn phải sợ các mộ phần bị bốc giở như các ruông vườn bị xóa bỏ, kế hoạch hóa, đất canh nông thành đất địa ốc, tạo bao nhiêu người sống thành «dân oan», tạo bao nhiêu người chết thành «oan hồn»! Người sống còn biết xuống đường «khiếu kiện», nhưng người chết? Nay chỉ còn lơ lững «ma trơi»!
2. 41 năm mất nước là 41 năm toàn dân Việt có Giấc Mơ Vượt Biên!
Người có tý tiền, lúc xưa thì mua chổ, mua thuyền vượt biển. Ngày nay, giàu có, lắm tiền, con cháu cán bộ hay gia đình thương gia, đại gia, thì dùng học lực, quyết chí học hành, hay mua bằng mua cấp, du sanh, du học, đem tiền lánh nạn, hạ cánh an toàn, sống đời sung túc …ở nước ngoài! Một loại tỵ nạn nhưng để hưởng tiền ăn cắp, hưởng của bất lương! Nhưng trong thế giới cuả «Cây cột đèn nếu có cẳng cũng biết bỏ đi» thi âu cũng không có chi đáng trách cả! Còn chẳng may làm người quá nghèo, quá khốn khổ? Bán nhà, mượn tiền, bán mình «xuất khẩu lao động» ; nam, mồ hôi, lao lực công trường ; nữ, đít trôn, sắc nhan vũ trường nhà thổ! Và nếu có dịp, trốn ở lại nước ngoài, bán buôn chợ trời hàng hóa Tàu, thuốc lá lậu. Bà con nếu có dịp đi các quốc gia cựu Đông Âu: Ba Lan, Tiệp Khắc, hay cựu Đông Đức, vượt cổng Brandbourg đến cựu Bá linh sẽ nhìn thấy những chợ Đồng Xuân Hải ngoại, sẽ gặp những người Việt Nam, công dân của chế độ do Đảng Cộng Sản Việt Nam, thắng trận đang cầm quyền, làm chủ một đất nước, cũng bắt buộc đi tỵ nạn Cộng Sản, sống tha hương, như chúng ta, những người thua trận, mất nước!
41 năm, tương lai người Việt tỵ nạn Cộng Sản, ta nay đã tạm xong, tạm ổn!
Nhưng tương lai dân tộc Việt Nam ta? Tương lai Đất Nước ta?
Đất ta bị Tàu chiếm, Biển ta bị Tàu chiếm! Ngày nay, cả Sông ta cũng bị Tàu chiếm luốn! «Trời không hành cơn lụt hằng năm! Trời không hành cơn hạn hằng năm» nữa, như câu hát của Phạm Đình Chương tả giòng Sông Hương và quê Miền Trung! Mà ngày nay Tàu SẼ XẢ nước cho lụt, Tàu SẼ KHÓA nước cho hạn miền quê Đồng Bằng Nam Việt chúng ta!
Cũng xin nói rõ thêm rằng, nỗi uất hận chung của người Việt tỵ nạn Cộng sản tha hương chúng ta, và riêng cá nhơn tôi, là không do vì chúng ta, không toại, vì công không thành danh không toại ở hải ngoại đâu! Trái lại! Nếu làm bảng tổng kết đời người, cá nhơn thằng tôi là một người hưởng rất nhiều may mắn! Trước, tôi được hưởng một chế độ giáo dục, an sanh xã hội của Việt Nam Công Hòa đầy nhơn bản, đường học vấn, công danh, sự nghiệp thành công mỹ mãn. Sau, vốn là người đi Đạo Chúa, chúng tôi hưởng được nhiều hồng ơn, công thành danh toại, và ngay cả ngày nay vào buổi chiều của cuộc đời vẫn nhận đầy đủ những ơn tình Thiên Chúa, nay về gìa ở quê người, tôi hưu trí trong một giai cấp xã hội trung lưu, sung túc, trí thức của người, vẫn tiếp tục có một vai trò, chức vụ, vai vế trong xã hội, làng xã, giáo phận nơi quê người. Con cháu hậu duệ chúng tôi nay là những công dân của xứ người, được đào tạo thành những công dân trí thức, với những nghiệp vụ chuyên khoa được hưởng nhiều ưu ái của xã hội người.
Nhưng tại sao chúng tôi vẫn nuối tiếc? Tiếc là không được phục vụ đồng bào mình, tiếc là không được đóng góp cho đất nước nơi mình sanh trưởng ra đời, đất nước Việt Nam!
Trước là trả Ơn Đất Nước Đại Việt, là trả Ơn Đồng Bào Việt Nam. Hai cái Ơn lớn của Tứ Ơn của Đạo Việt.
Sau là trả Ơn Cha mẹ, Ơn Tổ tiên. Tôi vẫn tiếc! Rằng giá chi những thành công đường công danh học vấn ấy ; mình, nếu được phục vụ tại quê nhà, với làng, với xóm, với láng giềng, với họ hàng, với bà con cô bác, sẽ làm xôm tụ, góp phần hãnh diện riêng cho tổ tiên gia tộc, họ hàng mình, góp phần phục vụ, hãnh diện chung cho quê hương mình.
Riêng Ơn thứ tư là Ơn Trời Đất, Chúa Phật, phần Tâm Linh Đạo Đức Tôn Giáo là Ơn của Đấng Thiên liêng giành riêng cho mỗi Cá nhơn. Cá nhơn chúng tôi và gia đình chúng tôi, như đã nói trên, được Thiên Chúa ban phước hưởng trọn vẹn và quá đầy đủ!
Nhưng cớ sao, mỗi tối về - nhứt là cái tháng Tư nầy - mỗi khi ngồi một mình, trong tĩnh mịch, tôi vẫn «nhớ nhà»? Nhà mình xây dựng ở đây không phải nhà mình sao? Nostalgie, nhớ nhà hóa ra là không phải nhớ nhà mình đang ở, mà nhớ cái mái nhà xưa, thuở còn nhỏ?
Nhớ mãi, da diết? Một «Con rạch sau nhà» như cái tựa một bài viết của Anh Hai Tiểu Tử? Xóm Vạn Chài, Đình Thành Công? Khu Cầu Kiệu, Bến Tắm Ngựa của những buổi trưa hè đi lội nước Sông Thị Nghè, vớt lăn quăn nuôi cá - của thời tiểu học? Hay khuôn viên Trường Yersin, khung trời Đà Lạt, Chợ Hòa Bình, Rừng Ái Ân hái trái Mát Mát (Fruits de la Passion) với em Gisèle Sanceau? Hay Hồ Than Thở của thời trung học? Hay những bước Tango đầu tiên học với chị Hai Thiên ở Vũ Trường Ambiance Đà Lạt của thời mới lớn? Hay Brodard, Givral Sài gòn, đi ăn kem với Nàng thời đại học? Hay đường Lê Lợi cùng Em bát phố khi trời lộng gió? Hay Bến Bạch Đằng, lúc hết ăn tiền, vịt lộn hóng mát với Chương Ròm tuổi thiếu thời, hay với Mai Thanh Truyết những ngày đầu thời mất nước, hai thằng vừa nghéo lại được tay nhau? Nhắc Chương Ròm, nhớ Chương Ròm một thời, đèo nhau Solex, cùng nhau ngồi Anh Vũ, nghe Bích Chiêu hát "Nỗi Lòng" bằng hơi thở? Hay cũng cùng Chương, và Lân đi «thăm» chị Tình ở Ngã Ba Chú Ía? Hay «nhớ» Tư Khàn Tài Phán với những «bước Tango tài tình», hay những «passes Be Bop bất hủ» ở những vũ trường Tự Do, Đêm Màu Hồng? Hỉ nộ ái ố, buồn vui lẫn lộn! Ôi Việt Nam! Cả một bầu trời quá khứ! Thương quá!
Thương nhớ các đồng ngũ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 Dù cùng chia sẻ những ngày lãnh pháo Cộng Quân ở Mặt Trận Xa mát, ngoài bìa thành An Lộc Anh Hùng, trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, thuở đi lính 9 tuần! Nỗi nhớ da diết, vương vấn, nhè nhẹ, khó nguôi, không gì làm sao vứt bỏ được! Dẩu có nghe lại bài hát xưa? Một giọng ca xưa? Cũng không nguôi! Dù có đọc một áng văn xưa? Cũng không toại! Tôi chỉ biết nhớ!
Hay tại tuổi già? Tuồi già nhớ tuổi trẻ thế thôi! Nostalgie, nhớ nhà hóa ra là không phải nhớ nhà mình đang ở mà nhớ mái nhà xưa, thuở còn nhỏ? Nhớ tuổi thiếu thời, mỗi ngày là một ấn tượng, mỗi dịp là mỗi kỷ niệm, ám ảnh, khó quen! Thời ngon lành trai trẻ, hoạt náo! Thời chỉ biết nhìn về phía trước! Bây giờ nhìn kiếng chiếu hậu, quá khứ! Và luyến tiếc một thời! Thời của Việt Nam Quốc Gia tuổi trẻ ngây thơ lo học. Thời của Việt Nam Cộng Hòa tử tế, hiền hòa, nhiều thời cơ, nhiều giấc mộng!
Và nếu ngày mai? Một Việt Nam mới được lập lại? Mong một Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn thật sự Độc Lập Tự Do, Dân Chủ, Pháp Trị, Hiến Định, với toàn dân đồng một lòng hy sanh xây dựng lại một quốc gia tử tế đàng hoàng? Mong lắm!
3. 42 Tháng Tư Đen khủng bố của 71 năm Bắc thuộc
Trưa hôm thứ hai 11 tháng Tư Đen nầy, chúng tôi trả lời một cuộc phỏng vấn của anh Nguyễn Chính Kết trên Đài Phát Thanh Sài gòn của thành phố Houston Texas Mỹ. Đề tài Khủng bố và đời sống hằng ngày của dân Âu Tây và đặc biệt dân Pháp.
Nếu đem so sánh với những năm tháng Việt Nam Cộng Hòa chúng ta sống dưới sự đe dọa khủng bố Việt Cộng thì khủng bố của Daesh ISIS-Nhà nước Hồi giáo chả thấm vào đâu cả! Những hình ảnh trên các hệ thống truyền thống Âu Mỹ làm dân chúng Pháp ghê tởm Daesh, thấy sao tàn ác quá! Nhưng đối với bà con thân hữu Việt Nam ta thuộc thế hệ chúng ta, thì chả ăn nhằm gì cả. Daesh có cắt đầu, cắt cổ các nhà báo da trắng! Thì Việt Cộng thuở xưa có kém đâu? Cũng cắt cổ, mổ bụng, dồn trấu thả sông. Thuở nhỏ lánh nạn ở Tân Uyên, Tân Trụ, được nhìn thấy «thằng chỏng trôi sông», đến nay hình ảnh vẫn còn ấn tượng trong ký ức! Quên sao được những hình ảnh thời ấy, tuy chụp bằng hình đen trắng, in trên những tờ nhựt trình, với kỹ thuật yếu kém thời ấy, cũng đủ làm chúng ta khiếp đảm! Nói như vậy, để nhắc nhở chúng ta (những người cùng chia sẻ một thế hệ, một không gian, một thời gian) đã quen sống và đã hiểu rõ thế nào là sống trong tình trạng khủng bố.
Nhưng nếu ngày nay, dân chúng bản địa và dân chúng người Việt tỵ nạn Cộng sản chúng ta sống ờ Pháp, Âu Châu, có cảm thấy một «vài khó chịu» khi sanh hoạt di chuyển, thì tựu trung chỉ là những cái khó chịu nho nhỏ để đổi lại sự an ninh cho cuộc sống hằng ngày. Nào là hình ảnh các binh sĩ, cảnh sát, súng ống vũ trang đứng đầy đường… Nào phải mở xắc, mở bao, mở ví bóp, cặp, bị, ba lô cho các vệ sĩ, gác-dan các nhà hàng, cửa hiệu, xem xét…Nào phải trình diện, dơ tay lên trời, chim bay cò bay, cho cảnh sát vệ binh rờ bóp nắn túi…Bực mình nho nhỏ! Hy vọng mang lại An Toàn! Nhưng phải tiếp tục ra đường, phải sanh hoạt, phải sống, phải «pha», phải «tin vào số mệnh», «phải tin vào hệ thống An ninh của Nhà nước, Cảnh Sát,…».
Nhưng khủng bố không thiết phải, đánh bom, đánh mìn, gây chết gây thương tích. So sánh Việt Nam của ta dưới thời chiến tranh ta sống với khủng bố Việt Cộng – cũng như nước Pháp ngày nay sống với khủng bố Hồi giáo quá khích Daesh. Căng thẳng là dĩ nhiên! Nhưng một sự căng thẳng của một sự cảnh giác của một tình hình chiến sự buộc ta phải sống trong tự vệ. Chúng ta người Việt tỵ nạn Cộng Sản, đã làm quen với chiến sự, với tự vệ rồi.
Bằng chứng suốt thời chiến tranh với khủng bố, với chiến sự leo thang, chúng ta đâu có bỏ xứ ra đi đâu?
Khủng bố có thể do sự bất ổn bằng khủng bố tinh thần. Khủng bố tinh thần, không giết người, chỉ tạo bất ổn, bất an cho cuộc sống của con người, của sanh hoạt hằng ngày của người dân. Chế độ khủng bố tinh thần người dân Miền Nam của Cộng Sản khi chiếm Miền Nam đả tạo những cuộc vượt biên khổng lồ.
Nếu ngày nay, dân Syria, dân A Phú hản vượt biên di dân tỵ nạn ồ ạt, cũng dễ hiểu thôi! Vì chỉ để mưu sanh thoát hiểm, ấy là chuyện dĩ nhiên, vì chiến tranh, vì tránh chết chóc. Nhưng khi xưa, khi dân Miền Nam Việt Nam tạo phong trào boat poeple làm náo động cả thế giới, thì lúc ấy Việt Nam đã hết chiến tranh rồi!
Thật là một điều nhục nhã cho đảng Cộng sản Việt Nam! Vừa sau ngày thắng trận, gọi là Ngày Giải Phóng Việt Nam, thì tức khắc đã có 3 triệu người bỏ xứ ra đi!
Khủng bố Việt Cộng lúc thời chiến tranh chưa đủ, lựu đạn, đánh bom, pháo khích! Chưa đủ! Đến thời bình, Việt Cộng tuy thắng trận rồi, vẫn tiếp tục khủng bố dân lành!
Khủng bố Việt Cộng, Khủng bố Cộng sản vẫn tiếp tục từ 41 năm nay!
Ngay buổi giao thời, nào ruồng bố, khủng bố tinh thần người dân Miền Nam, đặc biệt người dân Sài gòn! Nào loa phóng thanh khủng bố lỗ tai! Nào khủng bố, bắt đi kinh tế mới, khủng bố bắt đi đào mương, làm thủy lợi.! Nào khủng bố đổi tiền, đợt 1, đợt 2! Nào khủng bố bắt chợ trời, khủng bố bắt người vượt biên, khủng bố dài dài… Sau nầy, gần đây hơn, khúng bố cấm biểu tình chống Tàu cướp đất cướp biển!… Công An trị, Dùi Cui trị. Khủng Bố trị. Nào chống Dân Oan! Nào Khủng bố Người Dân Chủ! Khủng bố chống Bloggers! Dân làm báo… Khủng bố! Khủng bố! 41 năm Khủng bố! dài dài… Và ngày nay, Khủng bố chống người chống Bắc Thuộc! Khủng bố chống Tàu Thuộc, Chống Người Yêu Nước!
Thay lời kết: 71 năm Bắc thuộc đủ rồi!
Bắc Thuộc! Bắt đầu ngay từ thời Chống Pháp.
Bắt đầu ngay thời tên cán bộ Cộng Sản Tàu tên Lý Thụy, chồng của Tăng Tuyết Minh cầm đầu chi nhánh Đông Dương của Đảng Cộng Sản Quốc tế!
Trước khi hắn ta lấy tên Việt hóa Hồ Chí Minh!
Ngày nay, 1945 - 2016, đã 71 năm Hán Thuộc!
Hoàng Sa giao hẳn với Công Hàm Bán Nước, ngay năm 1954 rồi. Cuộc hy sanh của các anh hùng Việt Nam Công Hòa tháng Giêng năm 1974, chỉ là chuyện đã rồi! Và với cuộc hy sanh của các anh hùng hải quân Cộng Sản ở Gạc Ma càng khốn nạn hơn! Vì buộc các chiến sĩ Hải quân không có quyền bắn trả. Hoàng Sa, Trường Sa nay hoàn toàn Tàu chiếm!
Tháng Tư Đen 2016 chỉ còn đầy Uất hận mà thôi! Không chỉ 41 Năm Uất hận của Miền Nam Mà là 71 năm Uất Hận cả Nước.
Người trong Nước, Dân Quân Cán Chánh của một Việt Nam thật sự Việt Nam đâu rồi?
Vìệc gì phải tự ứng cử, tự ứng cử để làm gì?
Để nhập vào trò chơi giả hiệu của một Quốc Hội bù nhìn sao?
Nhà Nước ấy không có chánh thống. Vì Đảng Cộng sản không có chánh thống. Vì đã Vi Hiến khi thay đổi người lãnh đạo cầm quyền trước thời hạn.
Dân Quân Cán Chánh của một Việt Nam thật sự Việt Nam chờ gì mà không dẹp bỏ tẩy chay đuổi những tên chóp bu lãnh đạo, Hán thuộc, để lấy lại chánh quyền?
Hỡi các Ứng cử Viên! Muốn thật sự là người Việt Nam, nên dẹp cái trò chơi ấy đi! Vì khi nhận ứng cử trong một chế độ Vi Hiến thì quý vị cũng đồng lỏa Vi Hiến thôi!
Hãy đòi quyền Lập Pháp và Hành Pháp cho người dân Việt Nam!
Người Dân Việt Nam! Hãy đồng loạt lấy lại quyền Tự quyết, lấy lại quyền Quyết Định Vận mạng cho Việt Nam.
71 năm Bắc thuộc, Hán thuộc, đủ rồi!
Hồi Nhơn Sơn, Ngày 15 tháng 4 Đen thứ 42, Năm 2016
Phan Văn Song
Đăng ngày 17 tháng 04.2016