Luận về hai chữ Cách mạng
Một bài học cách mạng tân thời :
Cách mạng của Minh Trị Thiên Hoàng-Nhựt Bổn (1867 - 1912)
Phan Văn Song
Cách Mạng: hai chữ ấy được cả các nhà văn học cả Hán lẫn Việt dịch từ chữ tây phương Révolution –xin đề nghị chỉ dùng từ ngữ Pháp nầy, vì từ ngữ Anh Mỹ cũng thế, Revolution.
Từ ngữ Révolution có lẽ (một thuyết) do tiếng la-tinh bình dân revolutio, là một vòng chuyển động, một chu kỳ. Cũng có thể (một thuyết khác), do cổ ngữ la-tinh revolvere, một vòng chuyển động nhưng quay về vị trí cũ (súng lục rouleau, gọi là revolver, vì có bạc đạn 6 viên quay tròn). Năm 1660, từ ngữ revolution được thấy, dùng lần đầu tiên, khi nền quân chủ Anh Quốc với Vua Charles II được tái lập; sau khi Olivier Cromwell mất và nhóm Quốc Hội cầm quyền suốt 20 năm 1641-1661 mất quyền. Revolution ấy được gọi, trong cái nghĩa của ngày nay, vì đã đem đến một sự thay đổi lớn, nhanh và sâu đậm về mặt cả chánh trị lẫn xã hội cho Anh quốc.
Cách mạng cũng do một cuộc lật đổ một chánh quyền bằng bạo lực. Đại Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Mỹ 1776, Cách mạng Nga 1917, hay cả các cuộc Cách mạng vừa qua ở Trung Đông hiện đang gây bao đau thương, bao máu lửa. Đây là định nghĩa của tự điển Larousse Pháp: "Đây là một thay đổi bất ngờ và dữ dội của một thể chế chánh trị và xã hội do một nhóm người nổi dậy chống nhà đương quyền, cướp chánh quyền và thành công giữ được - Un changement brusque et violent dans la structure politique et sociale d’un État, qui se produit quand un groupe se révolte contre les autorités en place, prend le pouvoir et réussit à le garder".
Dưới dạng được chúng ta biết đến ngày nay, Cách mạng thật sự ra đời vào cuối thế kỷ thứ XVIII, đương thời, ở Âu Tây đang rộ nở những tư tưởng đặt trọng tâm vào con Người: Nhơn ái, Nhơn bản. Những tư tưởng quản trị, những cơ chế chánh trị đặt trọng tâm vào con người. Nào là Adam Smith, Anh Quốc với chủ thuyết Tự Do. Nào Jean Jacques Rousseau, Pháp Quốc với bài luận Khế Ước Xã Hội-Le Contrat Social đặt ra nền tảng của Nền Dân Chủ tân thời. Cộng với hai biến cố đặc biệt được xem là hai cuộc Cách mạng lớn của lịch sử cận đại của loài người: Cuộc cách mạng Huê Kỳ 1776 tạo ra Hiệp Chủng quốc Huê Kỳ, và cuộc Đại cách mạng Pháp 1789, tạo ra nước Cộng hoà Pháp.
Vào thế kỷ thứ XIX, văn hào Pháp Tocqueville là người trí thức đầu tiên can đảm có cái nhìn chỉ trích về những phong trào cách mạng mà ông thẳng thừng xem là những nhóm thiểu số có khuynh hướng cướp lấy chánh quyền. Cùng thời điểm ấy, trước những bất công và bạo lực do giai cấp tư bản và tư bản chủ nghĩa tạo thành, Karl Marx, qua một tác phẩm đưa những nhận định về một giải pháp, đặt tên là Cách Mạng để giải quyết sự bất công xã hội do Tư bản tạo ra ở những quốc gia tiên tiến đã được kỹ nghệ hóa.
Đầu thế kỷ thứ XX, nhơn danh Marx, các chủ thuyết Mác-Xít Lê-Nin-nít của Liên Sô và Mao-Ít của Tàu nổi dậy cướp chánh quyền các chế độ cũ tạo những biến cố được gọi là Cách mạng nhưng thật sự chỉ để cướp chánh quyền và dẹp bỏ Tư bản chủ nghĩa! Sau đó, cố đặt, dựng lên các mẫu quản trị, chánh trị, kinh tế, xã hội khác!
Nhưng, thực sự, hoàn toàn là những sai lầm lớn! Vì từ khác đến không giống ai, từ giết, bỏ tù, đầy ải, cải tạo người của "chế độ cũ", "dẹp con người cũ để dựng lên con người mới", con đương tiến lên xã hội chủ nghĩa, con đường tiến lên thiên đàng Cộng sản", Con đường bác đi" như tuyên truyền Cộng Sản Việt Nam nói chỉ là một "Con đường bi đát". Điển hình rõ ràng, thí dụ đầy mầu sắc là Một Việt Nam thắng Mỹ, Thắng Pháp Thắng Nhựt, bài Phong Đả Thực, Đỉnh cao trí tuệ loài người ngày nay hoàn toàn "Trong tay Tàu cộng sau 40 năm hòa bình"!
Lý do dễ hiểu, là suốt gần nửa thế kỷ, một mặt, xúi dục (xúi trẻ ăn cức gà) Cộng Sản Việt Nam mở cửa biên giới cho cả chục vạn cảm tử quân Tàu cộng thất nghiệp sau khi hai phe Triều Tiên quốc cộng ngưng chiến, sau năm 50, đổ cả vạn tấn binh khí, chiến cụ, quân trang, quân dụng vào giúp Đảng Cộng sản Việt Nam, nướng công dân mình đánh giặc dùm cộng sản Nga Tàu (sic- Lê Duẩn dixit). Một mặt khác, phong trào Cộng sản Quốc tế mở những cuộc tiến công vừa kinh tế, vừa tuyên truyền chánh trị, vừa chạy đua vũ khí toàn diện khắp thế giới để vừa cạnh tranh, vừa phá rối trị an, các quốc gia có những thể chế chánh trị Dân chủ, với những nền kinh tế Tư bản tự do. Thế nhưng, nếu, những năm 1975, cuộc đọ sức Quốc-Cộng có vẽ nghiên về phe Cộng sản: phe Tự Do mất toàn thể Đông Dương. Người Việt Nam Tự Do, Người Lào Tự Do, người Miên Tự Do phải bỏ xứ chạy đi tỵ nạn Cộng sản, tha phương cầu thực, bỏ nhà bỏ của, bỏ mồ mả cha ông, ruộng vuờn nơi chôn nhao cắt rún để đi tìm một cuộc sống tự do, đàng hoàng, tử tế. 1975, toàn xứ Ba Tư mất vào tay bạo quyền tôn giáo quá khích Xã hội Chủ nghĩa của các ayatollah, dân Ba Tư tự do cũng phải tỵ nạn ly hương khắp thế giới. Nhưng chỉ hơn 10 năm sau, tháng 11 năm 1989, Bức tường ô nhục Bá linh sụp đổ, lôi theo một loạt bức tường ô nhục khác của các quốc gia khối Cộng Sản. Khối Cộng Sản sụp đổ tan tành, chỉ trừ bốn tên ngu dốt, Tàu, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, và than ôi Việt Nam!
Ngày nay, Xã hội chủ nghĩa, là một chủ thuyết lỗi thời, lạc hậu. Ngày nay là chủ thuyết của những tư tưởng Cá nhơn, Con người là trọng tâm của mọi quyết định từ chánh trị đến kinh tế, của mọi tổ chức xã hội. Nền kinh tế, do con người quyết định, thị hiếu, là quyền quyết định của số đông con người, cái cầu tạo ra cái cung, cung cầu là thị trường là thị hiếu. Không có chương trình, dự án năm năm… kiểu cộng sản nữa, không có dự án, phân phối, anh hùng lao động…
Cộng sản Việt Nam tiếp tục lạm dụng từ ngữ cách mạng. Cách mạng cái gi ? Khi vẫn tiếp tục dùng những từ ngữ của đầu thế kỷ thứ XX để nói chuyện của thế kỷ thứ XXI ? Khi ở giữa lòng thành phố thủ đô sừng sững một cáo mồ không lồ, khi những quyết định đời sống do những khẩu hiệu do lời nói của những người đã chết! Khi những hình bảnh, những tấm gương là những anh hùng giả tạo, do trí tưởng tượng của ban tuyên truyền đặt ra, Lê văn Tám chẳng hạn hay Stakhanovitch, anh hùng lao động.
Hôm nay, xin kể với quý vị một cuộc cách mạng, chỉ cách đây tròm trèm trên 100 năm. Thời kỳ Minh Trị. Ai cũng tưởng là xưa lắm. Dạ không, thưa chỉ cách đây 150 năm thôi. Thời ấy chúng ta cũng đang bị Tây chiếm, Nhựt cũng bị Tây phương xâm chiếm. Nhưng Vua Nhựt khôn hơn, mở cửa, tiếp người Âu Tây và học. Học và bắt chước nhưng không hầu hạ. Còn ta, các Vua Chúa Nhà Nguyễn? Thời ấy, nước Việt ta giàu hơn Nhựt Bổn. Đất Việt ta rộng lớn bao la. Triều Nguyễn cai quản hơn nửa nước Lào, hơn nửa nước Miên. Thế mà chúng ta mất nước! Chúng ta thuê Tàu đánh giặc giùm, quân Cờ Đen, Lưu Vĩnh Phúc là một thí dụ… Vua quan nhà Nguyễn xúi các kháng chiến quân đánh Tây. Tây viện cớ, chiếm đất!
Bài học Nhựt Bổn? Vua Minh Trị dẹp các samourais để Huê Kỳ không có lý do quân quản Nhựt. Không phải là hợp tác mà là mở cửa học hỏi thương mại. Học và tự làm. Mời kỹ sư, chuyên viên đến dạy, nhưng trả lương họ, và từ chối đầu tư (tiền nước ngoài).
Việt Nam ngày nay, trái lại, bán cả chì lẫn chài, hột thóc, nhà cửa, con cháu dâu rễ, cái gì người mua ta bán tất! Bán cả linh hồn, bán cả cha mẹ, tổ quốc.
Tỉnh dây đi! Thức dậy đi!
Cách mạng Nhựt Bổn
Một cuộc cách mạng tân thời
Không cướp chánh quyền, do chính nhà Vua tổ chức
Suốt từ khoảng đầu thế kỷ thứ 17, từ năm 1638 đến giữa thế kỷ thứ 19, Nhựt Bổn là một quốc gia hoàn toàn khép kín, thủ cựu, bế quan tỏa cảng, với một xã hội đóng kín, sống trong khuôn khổ chế độ phong kiến, tạo sức mạnh trên một tinh thần đạo đức võ sĩ, tạo sức sống trên một nền kinh tế nông nghiệp, với những điền chủ, với những nông nô, với một trật tự xã hội dựa vào nền nếp giáo lý lạc hậu, truyền thống, Khổng Giáo Tàu. Trái hẳn với thời gian mở cửa của thế kỷ 16, đầu thế kỷ thứ 17cho đến năm 1638, năm ra đời của những biện pháp, của thái độ ngờ vực, sợ sệt những ảnh hưởng Tây Phương, trục xuất người Tây Phương, cấm người Nhựt xuất ngoại, cấm cả Nhựt kiều hồi hương (nguyên do của cộng đồng Nhựt, khu phố Nhựt ở Hội An -Việt Nam). Nhựt lúc ấy chỉ chấp nhận một vài nhà buôn và thương thuyền người Hòa Lan ở cảng Nagasaki thôi. Thiên Chúa giáo bị xem như là một đe dọa, bị cấm chỉ hẳn.
Nhưng năm 1867, Hoàng tử trẻ Mutsu Hito lên ngôi lấy tên là Meiji Tenno Minh Trị Thiên Hoàng, và năm sau 1868 tuyên bố mở cửa một kỷ nguyên mới, Meiji-Minh Trị, một nền "chánh trị sáng suốt-trong sáng".Thời đại Minh Trị-Meiji Hidai kéo dài được 45 năm đến năm 1912, năm Minh Trị Thiên Hoàng băng hà. Chế độ Minh Trị có thể được xem là một điển hình cho một sự phát triển kinh tế xã hội thành công hoàn toàn dưới sự chỉ đạo của một Nhà Nước, của cuối thế kỷ thứ 19, của lịch sử thế giới.
Bối cảnh Nhựt Bổn trước những năm 1850:
Quân chủ, một vị Vua độc tài Thiên Hoàng – mikado. Thiên Tử, con thần mặt trời, Thái Dương Thần Nữ - Amaterasu, Người sáng lập triều đình Nhựt. Nhựt Hoàng là một vị thánh sống, hoàn toàn biệt lập trong cung điện ở kinh đô Kyoto, hoàn toàn không có thực quyền. Các quyền hành quản trị đất nước đều trong tay một vị quan to, một đại thần nhưng cũng một tướng lãnh - shogun. Shogun là do Vua chỉ định, giống như Thừa tướng Tàu vậy. Thật sự, từ thế kỷ thứ 17, từ năm 1616, Shogun cha truyền con nối thuộc gia đình Tokugawa. Tokugawa và các quan đại thần cùng phe phái đều ngụ tại Edo (Tokyo ngày nay), thật sự là kinh đô hành chánh.
Cũng như ở Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 14, đầu 15, từ những năm trước 1600 trở đi, con cháu hậu duệ họ Trịnh của Chúa Trịnh Tùng, như một Shogun, đã tiếm quyền các Vua nhà Lê trung hưng vậy. Xin phép quý thân hữu, tạm dịch chức Shogun là Chúa vậy!
Tổ chức xã hội Nhựt xưa rất phong kiến. Quyền lực thượng từng thuộc vào các nhóm đại gia đình quý tộc, phong kiến, điền chủ, quan đại thần – daimyo - sống nhờ thuế điền do đóng góp của các nông dân, tá điền, góp công ruộng đất sở hữu gia đình. Chúa - shogun dựa trên sự phục tòng đóng góp của các chư hầu daimyos, bảo vệ bởi các võ sĩ - samourais, chuyên nghiệp binh đao, được nuôi dưỡng, giáo dục, huấn luyện đường binh, võ nghiệp, gò bó trong một luật lệ khắc khe hiệp sĩ đạo – bushido.
Hạ từng của xã hội là các thương gia. Thương gia là thứ dân hạng chót, vì ngành thương mại hoàn toàn bị kiểm soát - nội thương triều đình hạn chế, chỉ có phân phối, xin cho (kiểu tem phiếu Cộng Sản). Ngoại thương triều đình cấm hẳn, chỉ triều đình mới có quyền mua bán với ngoại quốc thôi!
Thử so sánh với Việt Nam:
Giữa năm 1975, có một quái thai sanh vào thế kỷ 20 - 3 thế kỷ sau thời kỳ nói trên của Nhựt - Một quốc gia cũng Đông phương, cũng có một Triều đại tên là Cộng Sản, tự cho là tiến bộ, là đỉnh cao trí tuệ loài người, tự cho đã «Bài xong Phong kiến", lại áp dụng một tổ chức xã hội phong kiến y chang Nhựt Bổn của thế kỷ 17: Cũng Kinh đô tên xưa là Đông Kinh, cũng các Shoguns - Đảng ủy – cha truyền con nối, tụ tập thành một Shogunat - Chánh trị Bộ, với các võ sĩ công an - samourais bộđội với một luật Bushido - luật Đảng Cộng Sản chỉ đạo. Xã hội tổ chức cũng y chang Shogunat Nhựt. Trên từng cao nhứt, các Đảng viên Cộng sản, thương gia từng hạng chót. Chế độ thương mãi cũng: trong nước thì phân phối, kiểm soát lương thực, nhu yếu phẩm. Ngoại thương hoàn toàn trong tay đảng viên lớn – daimyo hay nhỏ - samourais Cộng sản. Công nghiệp trong tay Công ty Nhà nước, như các công xưởng các quan Nhựt thời xưa).
Và từng cuối cùng – có thể xem như "ngoài xã hội", vì người bần dân - của Nhựt bổn trước 1850, và Việt Nam sau tháng tư 1975, đều gồm "bần dân", hoặc dân ngụy trong Nam hoặc dân oan ngoài Bắc! Ở thời Nhựt xưa là nông nô.
Ở Việt Nam ngày nay, nông là Vô Sản, nhưng NO (là không) nông Nô là nông dân không đất, là công nhơn không nhà, không gạo, không cơm, chạy gạo từng bữa, chạy cơm từng ngày! Khác chi các nô lệ của thời La mã cổ xưa!
1853, loạt súng thần công thức tỉnh Nhựt Bổn.
Một mất mặt nhỏ, một thành công lớn của Nhựt:
Sau khi đã chiếm được Californie rồi (1848), Hiệp chủng quốc Huê kỳ muốn giao dịch thương mại với bên kia bờ Thái Bình dương. Mồng 8 tháng bảy năm 1853, bốn chiến thuyền bằng sắt sơn đen – kurofune - của Thủy sư Đô đốc (Commodore) Mathew Perry bỏ neo trước hải cảng Edo, với một lá thư của Tổng Thống Huê kỳ Millard Fillmore, xin phép được giao thương với tất cả các hải cảng Nhựt Bổn. Shogun Tokugawa, không cho phép (nói là lệnh của Tenno - Thiên Hoàng), buộc những thuyền Mỹ phải vào cảng Nagasaki, là hải cảng duy nhứt cho phép các tàu ngoại quốc nhập cảng Nhựt. Perry ra lệnh bốn chiến thuyền Mỹ (Mississippi, Plymouth, Saratoga và Susquehanna) dàn hàng ngang và bắn một loạt pháo vào thành Edo. Kết quả, Chúa Tokugawa tá hỏa, nhượng bộ, các tàu của Perry nhập cảng Edo và Perry dâng bức thư lên Thiên Hoàng Nhựt. Và ra về! Và hẹn năm sau, trở lại nhận trả lời!
Tháng 2, năm sau, 1854, tuy chưa tròn năm, Commodore Perry vẫn trở lại, chẳng những với bốn chiến thuyền sắt của Mỹ mà còn dắt theo bốn chiếc khác của bốn quốc gia bạn Pháp, Anh, Nga và Hòa Lan. Shogun Tokugawa, bất ngờ, không dám áp dụng lệnh bế môn tỏa cảng của Thiên Hoàng, đành phải nhượng bộ Huê Kỳ.
Ngày 31 tháng 3 1854, Nhựt bắt buộc phải ký Hiệp Ước Kanagawa cho phép các tàu thuyền ngoại quốc giao thương với Nhựt. Một sự nhục nhã lớn cho dân tộc Nhựt!
Nhưng, khác với dân tộc Hán, khác với dân tộc Việt (Tàu và Việt cũng bị xâm chiếm trong khoảng thời gian ấy) - chỉ biết, hoặc anh hùng liều lĩnh hy sanh, cương quyết kháng chiến, tuy thành danh nhưng lại mất thân mất mạng, hao binh tổn tướng, hoặc xuôi tay thỏa hiệp, hòa giải hòa hợp, hợp tác với thực dân, chịu trận với xâm lược, ngậm miệng ăn tiền.
Nhưng chẳng biết, như Nhựt Bổn, nghiến răng chịu nhục, cải tổ xã hội, canh tân thể chế, cải tiến cơ chế, thay đổi não trạng, kỹ nghệ hóa nền kinh tế. Như Nhựt Bổn sửa đổi toàn bộ hệ thống, cách mạng toàn bộ guồng máy. Và chẳng bao lâu, chỉ vài thập niên, đầu thế kỷ thứ 20, Nhựt, từ một quốc gia nông nghiệp, phong kiến lạc hậu đã biến thành một cường quốc chẵng những kinh tế kỹ nghệ nganh ngữa âu tây mà cả một cường quốc quân sự, đánh bại được hạm đội Nga ngày 28/29 tháng 5 năm 1905 ở Tsushima. (Ngày nay Tập Cận Bình cũng có giấc mơ tạo một kỷ nguyên Minh Trị!).
Chế độ Shogun sụp đổ:
Thất bại của Chúa - Shogun Yoshinobu Tokugawa, không thi hành được lệnh bế quan tỏa cảng của Tenno - Thiên Hoàng, để ngoại quốc tung hoành thương mại trên đất Nhựt là nỗi nhục của toàn dân Nhựt Bổn tạo một bất mãn lớn cho toàn dân. Các đại thần – daimyo Nhựt đã có tranh chấp hay đã không thuận thảo với Tokugawa, thừa ngọn gió bất mãn, hiệp lực lại để đem quyền lực trở về Thiên Hoàng.
Tuy nhiên suốt 10 năm đầu, từ 1854 đến 1864, các quan đại thần, các đại gia đình hợp lực cùng các hiệp sĩ võ sĩ, chống hiệp thương Tokugawa –Tây phương. Về mặt vận động võ lực, tổ chức kháng chiến, tiếp tục đánh phá các cơ quan thương mại, tàu bè ngoại quốc ở các thương phố, hải cảng, nhơn danh toàn dân Nhựt, tất cả "Ủng hộ Thiên Hoàng, đuổi bọn Ngoại Xâm". Năm 1864, các thuyền chiến tây phương, nổi giận, nả pháo vào các thành trì các hải cảng Nhựt Bổn, dẹp yên kháng chiến. Riêng về vận động lý thuyết, dùng các sử gia Nhựt, đặt lại vấn đề nguyên do quyền lực, ra kết luận Thiên Hoàng là Thiên Tử, quyền lực do Thiên Mệnh, kết kuận Shogun là kẻ tiếm quyền. Các daimyos phải bất tuân lệnh Chúa, phải nghe lệnh Thiên Hoàng.
Đầu năm 1867, Thiên Hoàng Komei –Komei Tenno mất. Thái tử Mutsu Hito, 14 tuổi lên ngôi ngày 30 tháng giêng, lấy hiệu là Minh Trị -Meiji. Ngài là Meiji Tenno – Minh Trị Thiên Hoàng, với quyết tâm là khai sáng Đế quốc Nhựt. Ngài tước quyền Chúa Shogun ngày 9 tháng 11 năm 1867, và cai trị với các đại thần - daimyos, thuận với chương trình cách mạng do Ngài lựa chọn. Chưa đầy một thế hệ, Ngài đưa nước Nhựt tụt hậu phong kiến nhập vào hàng ngũ các cường quốc Âu tây.
Năm 1971, Minh Trị Thiên Hoàng bãi bỏ hệ thống quan quyền do các Chúa thuở xưa tổ chức. Các hiệp sĩ – samourais, lúc xưa cha truyền con nối, phục vụ các đại gia đình chiếu luật võ sĩ đạo – bushido, từ nay cũng theo bushido, nhưng chỉ phục vụ mỗi Nhựt Hoàng thôi. Phục vụ Nhựt Hoàng, là phục vụ bất kể công tác nào, thương mãi, công nghiệp hay nông nghiệp.
Cũng cùng năm ấy, 1871, Ngài gởi một phái đoàn, phái đoàn Iwakura, vừa quân sự lẫn dân sự đi học hỏi thu lượm (từ tháng 12/1871 đến tháng 9/1872) tất cả những khoa học kỹ thuật tiến bộ ở phương Tây.
Năm 1872, hệ thống xe lửa Nhựt đầu tiên. Ngài buộc phải học, không mặc cảm, ở phương Tây, tất cả những gì tiến bộ. Học quân sự của Đức, hải quân ở Anh, luật lệ với Pháp, chánh trị và quản trị kinh tế ở Huê kỳ. Năm 1873, chế độ quân dịch ra đời, một quân đội tân thời kiểu Đức. Dẹp bỏ bộ quân phục samourai và trường kiếm katana, quân đội Nhựt từ nay trang phục giống quân đội Pháp với súng trường kiểu Tây phương.
Cách mạng chánh trị, cách mạng kinh tế, cách mạng xã hội:
Nông nghiệp phong kiến vứt bỏ, người cày từ nay có ruộng. Có ruộng, có đất, nông dân đóng thuế, biến thành công dân. Năm 1871, luật tất cả người dân đều bình đẳng ra đời. Tất cả những cải cách tương đối đều được chấp thuận, chỉ có năm 1877, có một cuộc nổi dậy của đám samourais, nhưng bị dẹp ngay. Các samourais, sống ngang tàng, nhưng "có chủ", nay bơ vơ "vô chủ", nên nổi loạn. Samourais bị tước kiếm nhưng được bồi thường hậu hỉ. Một số dùng làm vốn làm ăn, thương mãi, công nghiệp, nông nghiệp. Một số "có chủ quen", đi vào làm công chức hay quân đội. Các nông dân cũng vậy, quen "có chủ", tự lực tự túc tự chủ khó khăn, một số bán vườn ruộng vửa nhận được, lên tỉnh làm thợ cho các hảng xường tân thời vừa được thành lập.
Năm 1889, Hiến pháp Nhựt đầu tiên ra đời. Theo mẫu của Hiến pháp đế quốc Đức, Hiến pháp Nhựt tổ chức một Quốc hội lập pháp lưỡng viện (Thượng viện gồm đại diện giai cấp các đại gia đình, quý tộc, và Hạ viện các dân biểu do dân đóng thuế cao bầu – suffrage censitaire). Hành pháp giao cho một Chánh phủ, nhưng Thiên Hoàng giữ toàn quyền. Đây là lần đầu tiên, một Hiến pháp kiểu Âu châu được áp dụng tại Á Đông. Một đời sống chánh trị mới với những sanh hoạt chánh trị mới khá ồn ào. Với Hiến pháp chế, các Đảng phái ra đời, ồn ào, tranh cải, dân chủ. Mà có Dân chủ là có biểu tình, xuống đường, bãi công…
(Hèn chi, bao năm nay, cựu Thủ Tướng Việt Nam Cộng Sản Nguyễn Tấn Dũng xạo ke hứa cuội nói sẽ cho ra luật biểu tình. Nhưng sự thật là rất sợ biểu tình, vì có biểu tình là Dân chủ sẽ đến! Và khi Dân chủ đến là tiêu đời đảng Cộng sản ngay!).
Với kỹ nghệ hóa: cường quốc Nhựt
Muốn một nước Nhựt độc lập, tực túc, tự cường, giàu mạnh, phải có kỹ nghệ!
Nhựt mở một loạt nhà máy. Thoạt đầu mời gọi kỹ sư, chuyên viên ngoại quốc, nhưng từ chối mọi đầu tư, với tiền bạc xứ người. Sau năm 1880, trừ quân sự, Nhà nước giao hẳn cho tư nhơn đầu tư. Các zaibatsus - tổ hợp công ty tư nhơn của các đại gia đình, thâu tóm nhiều ngành nghề kể cả ngành ngân hàng, như Mitsubishi, Mitsui hay Sumitomo ra đời. Các tổ hợp ấy lớn mạnh nhờ sử dụng nhơn công rẻ tiền, gồm nhơn công nữ và nông dân bỏ làng lên tỉnh kiếm sống. Tình trạng lao động rất cực nhọc (nhưng vẫn nhẹ nhàng hơn nghề nông!) Năm 1912, Nhựt có khoảng 1 triệu công nhơn.
Tân thời đến với dân Nhựt bằng âu phục, bằng tập tục tiêu dùng. Ở các thành phố có những khu xây nhà kiểu tây phương, với những tiệm ăn Âu tây, với những vũ trường, khiêu vũ tây phương valses, tango…Cưỡng bức giáo dục và giáo dục toàn bộ miễn phí đã có ngay dưới thời Minh Trị, nhiều sanh viên đã được gởi đi du học.
Năm 1873, Nhựt Bổn chuyển qua dương lịch.
45 năm trị vì, 1912, Minh Trị Thiên Hoàng mất. Nhựt Bổn là một cường quốc hải quân với hai hạm đội thương mãi và quân sự thượng hạng, do những xưởng đóng tàu tự túc. Từ 1870, hệ thống xe lửa ra đời đến năm 1912 đã có 9000 cây số đường sắt. Một mạng lưới giây thép (truyền tin) bắt đầu cũng năm 1870, nay đã đan dầy đặt nước Nhựt. Nhựt năm 1912, là một nhà sản xuất số một Á châu về vải, và tơ lụa, không hổ tiếng là "Anh Quốc ở phương Đông"!
Nhưng không vì Tây phương hóa, mà bỏ quên gốc gác phương Đông của mình. Quốc gia Nhựt, dân tộc Nhựt vẫn giữ mãi tự hào dân tộc, tự trọng dân tộc, tình quốc gia nghĩa đồng bào, trung thành với Thiên Hoàng, hiếu thảo với quốc dân!
Quốc gia Nhựt Bổn là một đại gia đình một lòng một dạ yêu nước! Nhờ tình dân tộc, nhờ sức mạnh dân tộc sanh tồn mà dân tộc Nhựt đã canh tân, xây dựng nước.
Chỉ với 45 năm, 1867 – 1912, một Vị Vua sáng suốt, với các quần thần thực sự yêu nước, với những công dân thực sự biết hy sanh, đã biến nước Nhựt từ tăm tối Đông phương phong kiến đi ra ánh sáng Minh Trí Âu Tây.
Và Việt Nam?
Loạt bài viết về nước Nhựt không phải để kể chuyện xưa – ôn cố tri tân – mà để tự hỏi tại sao, người Nhựt làm được mà chúng ta người Việt không làm được? Nhựt Hoàng, các daimyos Nhựt, kể cả Shogun Tokugawa tất cả những nhơn vật lịch sử Nhựt lúc ấy hiểu loạt súng thần công bắn vào đất Nhựt là kỹ thuật là khoa học! Không phải ma quỷ gì cả! Chỉ có kỹ thuật, chỉ có khoa học. Người Tây phương đang có. Ta phải học! Và ta làm được, nhưng phải hy sanh, phải kỷ luật! Phải quên quyền lực, quyền thế, quyền lợi! Chỉ nghĩ đến nước, đến dân, đến tương lai, hậu duệ! Yêu nước là như vậy!
Người Việt ta ngày nay, nên bỏ đi, vứt đi, những than phiền trách móc, nào nhà Nguyễn, nào quan lại, nào thực dân phong kiến. Hãy bỏ đi, vứt đi những tự cao, tự đại, ru ngủ, bốn ngàn năm văn hiến, đỉnh cao trí tuệ loài người, ba lần đánh thắng ba cường quốc Nhựt Pháp Mỹ!
Hãy nhìn thực trạng ngày nay. Việt Nam, Độc lập Hòa Bình đã trên 40 năm rồi, sao nên kinh tế vẫn còn tụt hậu mãi? Sao vẫn chế độ độc tài kiểu phong kiến shogun Nhựt xưa cổ với các daimyos - quan chức-đảng viên, và các samourais – công an quân đội dùi cui phục vụ Đảng - Triều Đình? Sao giữa Hà Nôi Thủ Đô lại chình ình một cái nghĩa địa và một cái mả khổng lồ? Sao thế kỷ 21 mà vẫn những lời phán, lời lệnh của thế kỷ qua? Của những người đã chết?
Sao biển Đông ta, mà người nước ngoài chiếm xây sân bay, xây pháo đài? Sao Biển Đông ta mà ngư phủ ta không đánh cá được mà tàu lạ người tung hoành lướt sóng, giàn khoan người kéo tới kéo lui?
Các nhà lãnh đạo hãy trở về với dân Việt Nam, phục vụ cho dân tộc Việt Nam! Hãy thật sự lãnh đạo, hãy thật sự dám làm Cách mạng, cải tổ hệ thống, canh tân xứ sở, kỹ nghệ hóa đất nước! Dám tư nhơn hóa toàn bộ guồng máy sản xuất để người dân thật sự lo cho người dân sống trên đất Việt! Dân Việt Nam hãy dẹp anh Shogun-Cộng Sản đi! Và anh Shogun Cộng Sản hãy trả đất nước Việt Nam lại cho người Việt Nam! Cho Dân Tộc Việt Nam!
11 tháng 03.2016
Hồi Nhơn Sơn, Mùa Chay 2016.
Phan Văn Song
Đăng ngày 12 tháng 03.2016