banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Luận về thú sưu tập

Sưu tập - thú chơi ngông hay trưởng giả?

Vélo Solex: lý tưởng để đèo em dạo phố

Phan Văn Song

Cuối tuần vừa qua, trong hai ngày 12/13 tháng 3 nầy, Hội Lions nhà của chúng tôi được Hội Lions của thành phố Saint Dié des Vosges, cách nhà 700 cây số mời dạ tiệc thứ bảy kỷ niệm 50 niăm ngày lập Hội. Phái đoàn 8 gia đình 16 người, vừa đủ xe thuê 20 chổ ngồi. Chúng tôi thay phiên nhau lái đi. Chiều thứ sáu khởi hành, nửa đêm đến khách sạn. Ngày thứ bảy được Hội bạn cho đi du hí danh lam thắng cảnh xứ bạn vả … đi xem Bảo tàng Viện Xe Vélo Solex do bạn Lion-Sư tử Claude Barlier đam mê sưu tập và chưng bày chia sẻ với bá tánh.

velo solex

Lion - Sư tử Claude Barlier, là một tay đam mê, sưu tập, xe đạp gắn máy hiệu Vélo Solex. Anh thừa cơ hội về hưu năm 1995, để thực hiện sự đam mê của mình. Trong một trong những căn phòng rộng rãi của Cựu Chủng Viện Nguyện - Abbaye de Senones (cách thị xã Saint Dié 22 cây số), anh trưng bày tất cả những chiếc xe hiệu Solex, đủ kiểu, đủ đời, được tìm tòi, lục lạo, mua lại, sửa chữa xong, trưng bày để chia sẻ với bá tánh ngưởng mộ hay cùng một thú đam mê.

1. Sưu tập: Thú đam mê nhà giàu của thị trường tiêu thụ?

Một trò tiêu khiển, chơi ngông?
Thú sưu tập, là môt hiện tượng, một đề tài, được các nhà tâm lý học, các bác sĩ tâm thần ưa chuộng nghiên cứu để tâm đến. Các đề tài nghiên cứu thường cho thấy những người mê thích sưu tập thường do bị uất ức, bị ngăn chận, bị nghẹn, bị quá kiểm soát, bị quá gò bó, bị chèn ép thời thơ ấu. Có thể sống trong nhung lụa, có thể sống trong sự thiếu thốn, nhưng tất cả đều bị bó chặt, cấm đoán, hoặc trong một kỹ luật gia đình hay trong sự thiếu thốn nào đó nên chuyển, cái mê, cái giấc mơ làm sở hữu của thế giới bên ngoài vào đồ vật.
Freud, nhà tâm lý học nổi tiếng, cũng là một nhà sưu tập, mỗi buổi sáng ông chào những tượng nhỏ hôm sưu tập (Ông có gần cả trăm tượng nhỏ như vậy). Sự thích thú sưu tập cũng do «tánh muốn được làm sở hữu» trời cho của con người. Theo Freud, đó do thời kỳ «hậu môn» của con người. Để tả sự trưởng thành của sự thức dậy của sự nhận thức cá nhơn là mình – la perception de l’individulisation - của con người, các nhà tâm lý học chia thời gian trưởng thành con người bằng nhiều giai đoạn: giai đoạn mồm miệng, giai đoạn hậu môn, giai đoạn dương tánh (phallique) của hiện tượng Œdipe. Đại khái theo sơ đồ của các nhà tâm lý học, trẻ sơ sanh bắt đầu biết dùng cái thú của mồm miệng khi bú vú mẹ. Xong, qua giai đoạn sau là nhận thức mình có hậu môn và hệ thống bài tiết. Kiểm soát hậu môn, vòng thắc nơi đi đái. Nín, giữ là một lý thú, là hiện hữu. Sưu tập tương đương với cái thú nín giữ. Cũng như những gò bó của mồm miệng (frustrations orales) đi đến rượu chè, hút xách…
Nhà tâm lý học Odile Jourdain, Pháp định nghĩa Sưu tập là sự chia đôi hành động nhịp nhàng của cặp bài trùng. "Thiếu thốn và thèm muốn". Vì «tôi thiếu thốn nên tôi thèm muốn». Thiếu thốn tạo ra khoảng trống? Thèm muốn chất đầy khoảng trống. «Tôi thèm, tôi thích, tôi sưu tập, tôi sưu giữ».
Văn hào Mieke Bal, giáo sư Văn chương Đại học Amsterdam, người Hòa Lan phân tách những động cơ khác nhau đã đưa con người sưu tập đến thú đam mê ấy: lý thú, dục vọng, mê cái đẹp, đọ sức, chạy đua, hãnh diện, tranh đua hơn người, thú muốn mình khác người, chơi ngông, chơi ngon, chơi trội, cần sân khấu, cần biểu diễn…Không có người sưu tập thầm lặng. Sưu tập là phải chưng hình, phải biểu diễn, phải có khán giả, phải có sân khấu, phải cho, phải có chia sẻ, cổ võ, vổ tay.
Sưu tập là nối dài cái ý chí của mình, là nối dài cái con người của mình, cái cá tánh của mình. Sưu tập là đưa cái thú đam mê của mình ra quần chúng, báo cho mọi người biết rằng Tôi Thích cái đó, tôi mê cái đó, tôi tìm ý trung nhơn, Tử Kỳ tìm Bá Nha. Nhà văn tìm Độc giả. Có khi sưu tập cũng bắt đầu bằng những kỷ niệm, một cuộc du lịch đầy dấu ấn buộc người sưu tập đi mãi vào thời gian ấy, để nhớ, để tìm sâu, để lưu niệm. Sưu tập để giữ mãi những giấc mơ không toại, của một thời yên bình, ngây thơ, sống vô tình… tuổi học trò, những ngày bắt đầu biết yêu, biết nhớ…những ngày «chả dám», những ngày chỉ biết ngó, mong, những ngày «tim còn biết đập loạn xạ, biết run…» những ngày, nay chỉ còn là hoài niệm, nhớ nhung.
Sưu tập, là đi tìm thỏa mãn cái ego, tìm lời khen, tiếng vổ tay… tìm cái chánh thống của đam mê mình. Chắng chốc nhà sưu tập đi tìm người sưu tập cùng một đam mê để lập hội sưu tập. Cùng nghề, cùng phái, họp đàn, họp đảng, họp đoàn để cùng ca một bài ca «quên sự thật bên ngoài». Trốn chạy? Né tránh bụi đời - ồn ào, hỗn loạn (loin des bruits et des fureurs của Shakespear)? Hay cũng là một cách Tu thân, cách Thiền? Sưu tập để nhìn đồ vật và quên thế sự?

2. Vélo Solex hay Nỗi nhớ không nguôi
Gọi là Vélo Solex, nhưng cái hiệu thật chỉ là Solex thôi, nhưng người đời vẫn gọi là Vélo Solex. Vélo là chiếc xe đạp, có thể viết Vê-Lô cho người Việt Nam dễ đọc. Nhưng Vélo Solex đã vào ký ức của giới Việt Nam bình dân thuở những năm 1960, nên giữ nguyên từ ngữ Pháp nầy !
Viết về Vélo Solex, chúng tôi chỉ hướng đến một số thân hữu gốc hoàn toàn miền Nam, đa phần dân thành thị. Solex thường là xe của các thầy, các cô và dân học trò, sanh viên. Dân miệt vuờn, cần phải chuyên chở nhiều thường dùng xe hiệu Mobylette. Vélo Solex đến với tôi trong những trường hợp đặc biệt:
Thưở nhỏ, suốt trong những năm trung học, hai anh em chúng tôi nội trú ở Trường Trung Học Yersin Đàlạt. Năm 1958, ba tôi đi chữa bệnh mù ở Pháp với mẹ. Lễ nghỉ Tết, vì nhà cậu tôi quá xa, tận Đà Nẳng, chúng tôi, hai học trò duy nhứt ở lại trường. Các lễ dài hạn khác như Noël, tết Tây, hay lễ Phục sanh chúng tôi cũng ở lại Trường, nhưng thường cùng với khá đông các bạn gốc nhà xa hay nhà nghèo, các bạn người Thượng cùng dân học bổng nhà nghèo đã đành, nhưng cả các bạn nhà ở xa, Huế, Đà Nẵng, Lào, Thái Lan - Thời ấy, hình như vài Trường Tây ở tỉnh như Nha Trang hay Đả Nẵng… không có Trung Học nên phải vào Trung Học Yersin Đà lạt, vì chỉ có Yersin mới có nôi trú thôi! Nhưng với Tết, thiên hạ về nhà hết, kể cả các bạn Thượng hay ngoại quốc như Lào và Thái Lan - dân Miên khoái Sài Gòn hơn! Và trường đóng cửa.
Tết 1958, tôi lớp 3è– tương đương Đệ tứ, và Toàn em tôi lớp 6è - Đệ thất, được các ông Ban Giám đốc trường thay phiên lãnh nuôi cơm và giữ chúng tôi. Ông Surveillant Général-Giám thị trưởng, Ông Censeur, Ông Proviseur, cả Bà Intendant, Bà Infirmière, và cả ông Xếp Gác dan-giữ trường-Gardien trưởng. Tối về ngủ ở hai cái phòng nghỉ của Infirmerie - Phòng Y tế do Bà Infirmière – Y tá, bà Loupy, canh đêm tụi nầy luôn thể! (Lúc bấy giờ, năm 1958, Surveillant Général – Giám thị trưởng là Ông Frénoir, Censeur - Đốc học là Ông Gex, cũng là Giáo sư về Vạn Vật – Sciences Naturelles, Xếp Gác dan là Ông Nandeuil, người lai Ấn Độ - Bà là người Việt Nam, với ông bà Nandeuil được ăn cơm Việt Nam, Proviseur- Hiệu Trưởng là Ông Meunier, Bà Meunier dạy Lý Hoá – Physique et Chimie. Intendant-Kế toán Tài Chánh là Bà Horvatte – Bà Horvatte cũng là Thầy Tiểu học lớp 8è - Lớp Nhì, bà Thầy người Pháp đầu tiên khi tôi mới nhập cư Đà lạt và trường Tây năm 1951, và vì tôi ở lại lớp, nên Bà Horvatte là bà Thầy vỡ lòng français lâu nhứt của đời học sanh của tôi - Bà Horvatte và bà Loupy là hai bà có kích thước quá khổ, bị bọn học trò chúng tôi gọi là Bà Mập hay Bà Ù. Con trai bà Loupy học dưới tôi hai lớp. Cũng Bà Loupy cho tôi mượn xe Solex của thằng con bả cho tôi chở thằng em ra chợ Đà Lạt chơi. Đường đi xuống dốc ngon lành, đường về thằng em phải rời bọtbaga để đi bộ lên dốc Nha Địa Dư quá dài. Đó là kỷ niệm đầu tiên về xe Solex
Kỷ niệm thứ hai về Solex là những ngày hè của những năm 59 và 60 ở Sài gòn, được bạn Nguyễn Văn Chương (Chương nay đã mất rồi) nhà từ Chợ Lớn, trước Sân Cộng Hòa chạy qua Khánh Hôi, nơi nhà chú tôi để đèo tôi đi chơi ban ngày… Hai thằng đèo nhau suốt ngày khi quán kem, khi ciné, thụt bida… tối đèo nhau đến quán Anh Vũ, nghe Bích Chiêu diễn tả Nỗi lòng bằng hơi thở, sau đó vào Chợ lớn ăn cháo cá!
Kỷ niệm thứ ba là năm 61, tôi sắm được chiếc Solex S 3000, chiếc Solex cáu cạnh-tân thời, khi ngừng đèn đỏ, không cần kéo máy lên, chỉ bóp cái ga tay nhỏ, tiếng máy dịu lại, và bánh trớn ngừng hẳn, giống một loại embrayage-…Khi cần chạy, chỉ nhả cần ga, máy nổ mạnh bánh trớn tuôn xe chạy. Tiếc quá xe bị ăn cắp ở Trường Luật chỉ vì chở em đi học và hầu em thôi.
Kỷ niệm thứ tư là hè 1962, Toulouse cùng với bạn Trần Minh Quốc Thiều, hai thằng hai chiếc Solex. Lưng đeo ba lô, Solex vừa đạp vừa cho máy chạy, 30 cây số một giờ, chạy một giờ nghỉ 15 phút vừa duỡng máy, vừa dưỡng bàn toạ, đi xuống bãi biển Narbonne Plage, cách Toulouse trên 200 cây số, cắm trại, tắm biển. Chúng tôi đi từ sáng sớm. Đến Bãi biển vào khoảng xế chiều. Các bạn cùng đi, ba đứa, thằng thì Mobylette, đứa Vespa, đứa Moto Puch, đến trước, chọn chổ dựng lều. Thuở ấy camping sauvage - cắm lều tự do, nghĩa là cắm lều đâu cũng được không cần vào trại có tổ chức. Vệ sinh thì có nhà vệ sinh công cộng, nước ngọt thì có phông tên công cộng. Tắm thì có biển. Quần áo, thì suốt ngày ở trần quấn khăn tắm đâu có dơ bẩn gì đâu? Nấu ăn thì những bình ga nhỏ. Lúc ấy chưa có mì gói nên sáng nào cũng cà phê, trứng gà ớp la bánh mì. Món ăn hằng ngày khi spaghetti xào thịt cà chua và maggi, khi cá mòi hộp bánh mì, hay khi jambon, trứng chiên bánh mì, Dùng dầu Ô liu. Không dùng bơ vì trời nóng bơ chảy hết. Sữa cũng vậy, khui ra là phải uống hết, hộp dùng để đựng rác. Lần ấy tụi nầy nghỉ hè ở đấy 2 tuần, đầy kỷ niệm... Tối nào Solex, Mobylette, Vespa, Moto cũng dạo phố thênh thang, gặp đám khiêu vũ, nhập bọn nhảy đầm, gặp băng gái, nhào vào tán gẩu với các em, mặc kệ dân bản xứ hoặc dân đi hè. Đó là thuở tuổi sanh viên hồn nhiên, nghèo tiền nhưng vẫn hưởng thụ đầy đủ. Qua các năm sau 63, 64 trở đi, chúng tôi kiếm ra việc làm, có tiền đi du lịch, chu du ta bà nhưng sống ích kỷ, hết hồn nhiên, bớt kỷ niệm.
Kể chuyên kỷ niệm chúng tôi với chiếc xế Solex để nói cùng quý vị cái gắn bó của cá nhơn tôi với Vélo Solex. Vì vậy khi nghe trong chương trình Hội Lions bạn nói có đi xem Bộ Sưu Tập Solex của Lions bạn, tôi bèn năn nỉ bà xã đi ngay! Tôi hỏi bà xã bả có biết tại sao thiếu nữ Việt Nam thuở ấy, thích, mê, thích được cởi, được đèo bằng xe Vélo Solex không? Chỉ vì chiếc áo dài! Thật vậy, thời ấy các nữ sanh đều đồng phục áo dài. Bây giờ, còn không? Hay giống hồi VC mới vào Sài gòn, việc đầu tiên là dẹp áo dài, cũng như dẹp quần loa vậy! Cho là phản động! Thật là cà chớn, lẫn lộn văn hóa hippy với văn hóa truyền thống!
Có lúc tôi tự hỏi ngoài Bắc, lúc ấy có biết áo dài không? Khi cà nước (Bắc Việt) không biết – hay không có vải để may? Cái quần lót không biết là cái gì thì làm sao biết áo dài! Tôi thường ví miền Nam thua trận năm 75, giống như năm 400 khi quân rợ Vandales dẹp phá nền Văn Minh La mã vậy! Hay rợ Hung Nô hay Mông Cổ tàn phá văn minh Hán hay văn minh Âu Tây. Vì vậy, mong và xin quý bạn hãy bỏ cái đuôi «Hà nội văn hiến» đi! Văn hiến gi khi tạo một cái mả khổng lồ làm cái điển hình của Thủ Đô

3. Bộ sưu tập Vélo Solex của Bạn Lion
Thoạt đầu bạn Claude cũng như tui, nhìn cái Solex, mua chiếc Solex cũ là dư tiền dư bạc, mua lại một kỷ niệm thời thiếu niên, Chiếc đầu tiên mua về, cần tân trang, cần sửa sang. Claude bèn mua sách đọc, tìm hiểu từng bộ phận, đi sâu vào từng đời một. Và với thời gian hưu trí, với tiền bạc dư dả, con cái không cần giúp đỡ, chàng bắt đầu vào nghề sưu tập, mua lại và sửa sang lại, từng chiếc một đúng đời, đúng bộ phận không biến chế. Đâu phải vào đó hoàn hảo!
Bộ sưu tập của Claude kể lại toàn bộ cuộc đời của gia đình Vélo Solex với một bộ gia phả rõ ràng của chiếc xe bình dân được đặt tên là «chiếc xe đạp tự động – la bicyclette qui roule toute seule». Vélo Solex là cả một biểu tượng của nước Pháp, của thời gian của 30 năm ngon lành – les trente glorieuses. Giặc giả đã xong, thanh bình trở lại, xây dựng, ai cũng có công ăn việc làm cả, tậu xe, tậu nhà, tất cả là sở hữu, nhà, xe, mảnh vườn, cơm áo đầy đủ, nghỉ hè tắm biển, nghỉ đông trợt tuyết!
Chiếc đầu tiên Claude mua ở một tiệm sắt vụn. Đem về, sách vở, bạn bè, học lóm, tân trang. Ngày nay 40 đứa em Solex theo sau, đủ đời đủ loại. Hôm ấy, biểu diễn với Paul Marie (PVS). «Anh lựa bất cứ chiếc nào, đổ xăng, lên yên là sử dụng ngay!»Thật vậy! Tôi nhắm mắt chỉ ba chiếc, ba chiếc đều chạy ngon, các bạn khác cũng ào ào xin thử, cũng thế cả. Có lẽ, không! Chắc chắn là như vậy! 41 chiếc đều nổ máy, chạy được cả. Bộ sưu tập nầy không có chổ để trưng bày ở nhà riêng, phải nhờ thành phố mở cửa Cựu Chủng viện Abbaye de Senones để trưng bày và làm nhà triển lãm xe Solex.
«Tất cả đều đồ thật cả!» Lục lạo, mua lại tân trang, tân trang lại cải phụ tùng để mọi cái đều phải thật. Công trình, tháo, rửa chùi, dủa, ráp, sơn, sửa… Dầu cùi chỏ «l’huile de coude» (tức là đổ mồ hôi) nhiều hơn dầu máy. Claude còn mua lại những dụng cụ đặc biệt của hãng Solex để sửa xe.
Phải! Vélo Solex là điển hình của tuổi trẻ thời hậu chiến Pháp. «Một xe đạp, một cái máy với một bánh trớn cọ vào bánh trước. Đơn sơ, nhưng hữu hiệu, rẻ tiền- Un vélo, un petit moteur à explosion entrainé ou pas par la roue avant, c’était rudimentaire, pas rapide, pour deux sous mais…représentait tellement de choses».
Vélo Solex ra đời năm 1946, sau thế chiến 2, vào ngưng hẳn năm 1970. Nhiều kiểu nhiều đời khác nhau, nhưng cùng một quan niệm: máy nhỏ, 45 cc máy đầu, đến 49 cc máy cuối. Tất cả nằm trước với cái bánh trớn cọ vào bành trước. Máy nổ, bánh trớn lăn, cọ vào bánh trước kéo xe đi.

Kết luận bài học Vélo Solex và Việt Nam:
Trước khi đi vào chế xe hơi, tàu lặn, xe lửa. Kỹ nghệ Việt Nam thử chế một chiếc xe đạp với máy bằng điện hay với máy nổ kiểu đơn sơ như Solex được không? Chế được một chiếc xe đơn sơ để khỏi phải nhập cảng xe gắn máy đầy tiếng nổ, đầy khói đầy ô nhiễm như những thành phố Việt Nam ngày nay đầy ô nhiễm.

Kể chuyện người, nhớ chuyện xưa, càng buồn, càng tủi cho Việt Nam ngày nay.

Hồi Nhơn Sơn, tháng Ba, nhìn lại Solex, buồn tủi, nhớ quê hương.
Phan Văn Song

 

Đăng ngày 20 tháng 03.2016