Vài hàng chia sẻ cùng các đồng môn Thầy Nguyễn Ngọc Huy
Nếu không giữ được lời dạy chánh trị,
chớ phụ lời dạy yêu nước (2)
Phan Văn Song
Tuần trước chúng tôi đã giới thiệu cùng quý bà con khuôn mặt nhà giáo của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Một nhà giáo với một viễn kiến giáo dục hoàn toàn mới lạ trong cái không khí hậu thuộc địa tại một Việt Nam vừa kiến thiết vừa đánh giặc giữ nước, giữ dân, giữ văn hóa, giữ Sanh tồn Dân tộc. Chế độ thuộc địa Pháp dạy các công dân các quốc gia bị trị thành những công dân tốt, những công chức tốt biết phục vụ tốt cho chế độ. Để được như vậy, nước Pháp tạo một chế độ huấn luyện hành chánh tinh vi, điều hành, quản trị đất nước tốt. Nhờ đó, đến cả ngày nay thế kỷ thứ 21 rồi, mà Trường Đại học nổi danh nhứt của Pháp vẫn là Trường Quốc Gia Hành Chánh. Hầu hết, đại đa số của các nhà lãnh đạo chánh trị của Pháp, từ các Tổng Thống đến các quan chức, kể cả các vị trách nhiệm lớn của các Đảng Chánh Trị ở Pháp đều tốt nghiệp hoặc ở các Viện Khoa học Chánh trị được gọi chung dưới một tên chung là Sciences Po (Khoa học Chánh Trị), hoặc sau đó từ Khoa học Chánh trị thi tuyển vào Trường Quốc Gia Hành Chánh để tốt nghiệp thành những Đốc sự, những đại công chức quốc gia… Ấy là về mặt hành chánh, với những đốc sự mẫu mực, những công chức hành chánh chuyên cần; nhưng cả với những ngành nghề chuyên nghiệp, nước Pháp cũng tuyển chọn các tinh hoa của đất nước vào các trường đại học ưu tú, như là Trường Công Nghệ Bách Khoa – Polytechnique, tạo thành những bộ phận Chuyên nghiệp – Corps de Métiers, như Corps des Mines, cho những Kỷ sư Hầm Mỏ - thời những Hầm Mỏ là một Mỏ Vàng của đất nước, Corps des Ponts cho những Kỷ Sư Cầu Đường… tạo một bộ phận lãnh đạo và xây dựng với toàn là các tinh hoa của đất nước!
Những “tinh hoa đất nước” nầy đều do Napoléon Đại Đế thành lập (1802-1815). Tay hung thủ gieo bao thảm họa cho Âu Châu vào thế kỷ thứ 19 nầy, gieo bao chiến tranh, bao nhiêu chết chóc chỉ vì muốn làm bá chủ Âu Châu… đến đặt tước vị cho đứa con sơ sanh mình là Vua Thành Roma - Le Roi de Rome… Nhưng tên hung thủ nầy, lại là một thiên tài, vừa đánh giặc, vừa sáng kiến sáng tạo một nước Pháp đặc biệt ưu tú cho thời bấy giờ. Bộ Luật, Quy Ước Napoléon vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Hệ thống Giáo dục, các trường Đại Học, tổ chức Hành Chánh cho nước Pháp có quy củ ngày nay vẫn ảnh hưởng bởi những suy nghĩ của Napoléon! Nói như vậy để nói thêm hệ thống hành chánh của Việt Nam thời quốc gia mình cũng nhận nhiều ảnh hưởng của Napoléon qua chế độ thuộc địa Pháp. Trường Quốc Gia Hành Chánh của Quốc Gia Việt Nam, sau đó của Việt Nam Cộng Hoà là một thí dụ.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy của chúng ta, của chúng tôi, cũng có đóng góp một tay, xây dựng cơ đồ ấy. Hai người đàn anh của gia đình Đại Việt, hai Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông đều tốt nghiệp ở Pháp, về hành chánh, luật học và khoa học chánh trị Pháp, cả hai đàn anh đều có học hàm Tiến Sĩ những chuyên khoa ấy, Giáo Sư Huy Khoa học Chánh Trị, Giáo Sư Bông Luật Công Pháp, và Quốc tế Công Pháp. Chúng tôi Phan Văn Song, đàn em, ngưỡng mộ hai anh quyết tâm theo hai đàn anh, nhờ có học bổng Pháp, và được may mắn có việc làm trong Đại học (phụ tá giảng dạy và phụ việc ở văn khố Viện Khoa học Quốc tế Toulouse -Institut des Études Internationales de Toulouse, của Thầy Pierre Vellas -1925-2005) nên được phép nghiên cứu để đạt được hai học vị Tiến Sĩ Quốc Tế Công Pháp và Khoa học Chánh Trị! Xin cám ơn công nuôi dưỡng cha mẹ, gương sáng hai đàn anh và hướng dẫn của Thầy Vellas!
1. Thầy chánh trị, nhà tư tưởng chánh trị, nhưng không phải là nhà chánh trị!
Khi nói như vậy chúng tôi sẽ bị các bạn bè đồng môn, đồng chí phản đối! Nào, tại sao dám phạm thượng bảo Thầy Huy không phải là nhà làm chánh trị? Chúng tôi xin dẫn chứng: Nhà chánh trị phải từng có chức vụ dân cử hay đề cử, hoạt động chánh trị, ít ra cũng phải là đại diện dân, thị trưởng, xã trưởng (ở những quốc gia, thành phố có chức thị trưởng, xã trưởng – maire, mayor do dân bầu)… Thí dụ Huê kỳ là một quốc gia dân chủ, từ xã trưởng, nghị viên xã, đến cả anh sheriff, cảnh sát trưởng cũng do dân bầu… các chức vụ ấy tạo những nhơn vật chánh trị… vì làm chánh trị phải có tư tưởng, đường lối… chánh trị, mà chánh trị là vẽ đường lối quản trị đất nước, láng giềng, làng xã hợp tình hợp lý với đời sống an lành, thạnh vượng của môi trường của dân chúng mình! Vậy thì, làm chánh trị rất dễ! Nghĩa là là làm sao hợp với đa số lòng dân mà thôi! Mỗi chức vụ, mỗi khối dân…Xã trưởng cho làng xã mình, Tổng thống cho cả đất nước mình.
Giáo Sư Huy, và kể cả Giáo Sư Bông, và kể cả chúng tôi ngày nay không phải là những người làm chánh trị, hay đi làm chánh trị. Chúng tôi nhiều lần bị bạn bè, phản đổi, thậm chí bảo rằng chúng tôi hèn sợ Việt Cộng nên không dám nói làm chánh trị. Quan niệm, tây học của chúng tôi rằng, chúng ta tất cả những người Việt Hải ngoại ngày nay là những người Đấu tranh, những người Phản đối chống nhà nước cường quyền Việt Nam là Việt Cộng là Đảng Cộng sản Hà nội! (chúng tôi gọi là Đảng Cộng sản Hà nội, vì trụ sở ở Hà nội, Bắc Việt chớ không gọi là Cộng Sản Việt Nam vì một phần quốc gia, đất miền Nam cũ - từ Quảng Trị đến Cà Mau đã bị xâm chiếm). Chúng tôi, chúng ta, có thái độ chánh trị, có tư tưởng chánh trị, có hành động chánh trị, nhưng chúng tôi, chúng ta chưa phải là những Nhà chánh trị, nhơn vật chánh trị! Và không làm, hay đi làm chánh trị!
Các cựu dân biểu, nghị sĩ Việt Nam Cộng Hòa tức là dân cử hay cựu viên chức đề cử, Tổng Bộ Thứ Trưởng, Thủ Tướng của Quốc Gia Việt Nam, Đệ Nhứt, Đệ Nhị của Việt Nam Cộng Hòa mới là những nhơn vật, những Nhà chánh trị - Hommes politiques, politicians … hiện nay còn vài người; anh bạn đồng môn Yersin Hoàng Đức Nhã là một trong những vị ấy. Các cựu tướng lãnh VNCH không phải là những chánh trị gia, vì là quân nhơn, cảnh sát. Nói tóm lại, ngày nay ở Việt Nam Hải Ngoại chúng ta KHÔNG còn có bao nhiêu nhơn vật chánh trị, Nhà Chánh Trị, Làm Chánh Trị - Homme Politique. Vì không ai giữa chúng ta sống về nghể chánh trị cả. Chúng tôi muốn nói hẳn rõ ràng về thế hệ một (1) của giới tỵ nạn chúng ta thôi! Có thể nói chung với quốc gia Việt Nam. Không nói đến những vị thuộc thế hệ hai, các vị ấy đã là người Pháp, hay người Mỹ rồi. Các vị ấy là những nhơn vật chánh trị của Pháp hay của Mỹ, và dĩ nhiên họ không thể nhập cuộc vào giòng chánh trị hoàn toàn Việt Nam được! Nghị Sĩ Tiểu Bang Janet Nguyễn của California Mỹ hay Dân Biểu Stéphanie Đỗ của Pháp!
Vì những lẽ đó, ngày nay, chúng ta những người Việt Hải ngoại chỉ phải làm đúng phận sự là ủng hộ và chuyển tải những dữ kiện đấu tranh nhơn quyền và dân chủ của người Việt trong nước. Ủng hộ những phong trào đấu tranh trong nước là bổn phận của chúng ta. Bằng mọi giá chúng ta phải Chống Tàu, Diệt Việt Cộng! Chống Tàu để giữ truyền thống, văn hóa, sống còn của Dân tộc Đại Việt. Diệt Việt Cộng là để xóa bỏ cái rào cản của bước tiến của Dân tộc Đại Việt.
Trở về với đầu đề của bài viết hôm nay, với con người Chánh Trị của Thầy Huy. Nhơn dịp lễ giổ lần thứ 27 nầy, chúng tôi xin phép chia sẻ cùng các đồng môn các đồng chí chớ tranh giành vai trò ai là kẻ kế vị Thầy Huy, gọi tất cả các anh em khác là “Chú” một cách trịch thượng, kẻ cả! Xin nhắc lại, suốt đời Thầy Huy, ông chỉ là một Nhà Yêu Nước, một Nhà Đấu Tranh… tận tụy, trung thành với Đảng và Chí Hướng của Đảng, Yêu Nước, và đấu tranh cho Đất Nước. Và Đảng của gia đình và anh em chúng ta là Một Đảng Cách Mạng. Suốt thời kỳ hoạt động, Đảng Đại Việt, kêu gọi chống Pháp đòi Độc Lập, nhưng không bao giờ đòi cướp chánh quyền, đòi quyền lãnh đạo đất nước. Chủ nghĩa và tư tưởng Đại Việt quá dân chủ, đặt tất cả tin tưởng và tín nhiệm vào lòng dân chỉ định giao quyền lãnh đạo. Và Đảng Đại Việt, cũng như tất cả những Đảng phái quốc gia thời bấy giờ đều bị Đảng Cộng Sản lường gạt phỏng tay trên. Giáo Sư Huy, cũng như các đàn anh từ Đảng trưởng Trương Tử Anh đến các lãnh đạo cựu trào tất cả chỉ biết đòi Độc Lập, đấu tranh cho Độc Lập, Tự Do Dân Chủ, không tranh giành quyền lãnh đạo với ai cả. Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn người đồng chí của Đảng Trưởng, 1 trong 6 người tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc thành lập Đảng chỉ tham gia hai lần các nội các, Bảo Đại lần đầu, và Nguyễn Khánh lần thứ hai thôi! Riêng Đảng Tân Đại Việt dưới Đệ Nhị Cộng Hòa cũng có xu hướng biến Đảng thành một Đảng Chánh Trị, có tham gia vào đường lối chánh trị Quốc Gia. Riêng Giáo Sư Huy, ông đã tham gia vào thành phần tham dự Hòa Đàm Paris cùng với phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa. Trái lại, Đảng Tân Đại Việt tuy tham dự trong Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến, tuy có đảng viên tham dự bầu cử dân biểu vào Quốc Hội, nhưng chỉ dưới danh hiệu là dân biểu Cấp Tiến, có tham dự vào nhóm Dân Quyền dân biểu đối lập với các dân biểu phecầm quyền. Nhưng rất tiếc, tuy Đảng Tân Đại Việt có chủ trương dân chủ đó, nhưng vẫn cố giữ não trạng Cách mạng, thích hoạt động bí mật, tàn dư của thời chống Pháp, nên không hoàn toàn trong sáng ra mặt, nên mất đi phần nào tánh cách chánh trị của một đảng phái chánh trị!
Nếu ngày nay, hiện tượng các đàn em, đồ đệ Thầy Huy tranh nhau về vấn đề chánh trị cũng là chuyện bình thường của một Đảng Cách mạng lưu vong không còn cội rễ để đấu tranh. Chúng ta nên giữ mãi hình ảnh Thầy Huy, người Thầy giáo, nhà thơ yêu nước, Nhà bình luận chánh trị sắt bén… và hãy quên đi những bài học chánh trị đi đêm, thương thuyết, bí mật hay… một Việt Nam trung lập nay đã lỗi thời!
2. Nguyễn Ngọc Huy nhà yêu nước: từ nhà thơ Đằng Phương, nhà bình luận Hùng Nguyên đến nhà báo Ba Xạo…
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, trước hết là một nhà thơ yêu nước, thi sĩ Đằng Phương – Tập thơ Hồn Việt của tác giả Đằng Phương gồm những bài thơ khổ dài theo thể thất ngôn biến thể. Ông chọn thể thơ tám chữ để dễ diển đạt tư tưởng. Những bài thơ Hồn Việt, đúng ra đó là một thông điệp về long yêu nước, ái quốc, để kích thích lòng người dấn thân tranh đấu cho đất nước. Và thời tuổi trẻ, chúng tôi yêu thơ Đằng Phương, dù những lời thơ ấy không được những bạn bè cùng trang lứa chung quanh chia sẻ. Ở mỗi chúng ta đều có những cái lãng mạc và rung động khác nhau. Nếu bạn bè tôi thuở tuổi thiếu thời ấy, đầy lãng mạn thường mơ mộng và chép những giòng thơ loại «thương yêu, khóc tình dang dở, tương tư đau khổ...» vào tập riêng để học thuộc lòng, nào là:«Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…» (Xuân Diệu). Hay «Nếu biết rằng em đã có chồng…»(TTKH)
Và sẳn sàng mơ có một cuộc tình tan vỡ - hay tưởng tượng, làm bộ khóc, vì em đã sang sông – như Alfred de Musset «…Les plus désespérés sont les chants les plus beaux, Et j'en sais d'immortels qui sont de purs sanglots…» Những bài ca đẹp nhứt là những bài ca đầy đau khổ - Và tôi đã thuộc những bài bất hủ tràn đầy nước mắt…! (Tập thơ Đêm tháng Năm – Nuit de Mai, A.de Musset)
Hay sẵn sàng chết vì tình - như Werther của nhà văn nổi tiến người Đức Goëthe – (Die Leiden des jungen Werthers - Sự đau khổ của Werther)
Thì cũng có người, như anh em chúng tôi, rung động bởi những câu:
«…Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên… »
Hoặc đã như chúng tôi khóc với…
«…Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông…»
(Đằng Phương - Chiến sĩ vô danh).
Và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Anh Ba của đoàn thể chúng tôi cũng là một nhà tranh đấu chánh trị. Ông suốt đời tận tụy với con đường đã chọn : tranh đấu dành độc lập dân tộc lúc Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, rồi tranh đấu để cho Việt Nam có một thể chế dân chủ, bảo vệ đất nước trước tham vọng xăm lăng đô hộ của cộng sản. Lúc trẻ, nhập cuộc đấu tranh cùng với một đảng yêu nước chống thực dân Pháp, Đảng Đại Việt, đã là vừa trốn công an mã tà Pháp và lại còn vừa bị người đồng hương, đồng loại, đồng chủng, cộng sản Việt Nam tìm cách ám hại. Sau thế chiến, đã yên nạn thuộc địa Pháp, nhưng nào phải yên thân đâu? Vì vẫn gắn bó với vận mệnh của Đảng Yêu Nước, ông phải lưu vong, để lánh nạn độc tài Ngô Đình Diệm đang truy lùng càn quét các đảng phái cách mạng quốc gia như Việt Quốc, Đại Việt, Duy Dân…
3. Nguyễn Ngọc Huy, nhà nghiên cứu Luật học, Chánh trị học
Những biên khảo của ông về Luật học như Quốc Triều Hình Luật, về nhơn quyền ở Tàu và Việt Nam đã góp công đả phá cái nhìn thành kiến cũ về nếp văn hóa Việt nam dưới thời quân chủ cực thạnh. Công trình nghiên cứu này ngày nay đang được các đại học danh tiếng của Huê kỳ dùng làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy. Và nhờ đó mà người ngoại quốc biết rõ và tỏ ra kính trọng văn hóa Việt Nam. Ngoài Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, nhà chánh trị học - ông tốt nghiệp Tiến sĩ Chánh trị học ở Đại học Paris - và nhà thơ, ông còn là một nhà viết báo, dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Làm thơ ông là thi sĩ Đằng Phương, ông còn là Hùng Nguyên, nhà bình luận chánh trị và ông cũng là Ba Xạo, viết phiếm luận châm biếm chánh trị… Về mặt này, phải nói ông quả thật là một con người có nhiều năng khiếu đặc biệt. Ba Xạo là tác giả phiếm văn «Biện chứng duy xạo luận» nhằm diểu cợt cộng sản bằng cách nhái theo kinh điển mác-xít lập lại khẩu hiệu trong bản Tuyên ngôn cộng sản, một bản văn đã một thời làm nghiêng ngã gần phân nửa quả địa cầu trong suốt thế kỷ vừa qua. Khi «Bản Tuyên ngôn cộng sản» viết sáo đầu kêu gọi :
«Hỡi những người công nhơn! Hãy đoàn kết lại!»
Thì «Biện chứng duy xạo luận» xuất bản vào giữa thập niên bốn mươi, viết ngạo lại :
«Hỡi những người xạo toàn thế giới! Hãy đoàn kết lại!».
Hồi Nhơn Sơn, tuần hai tháng 7 2017
Phan Văn Song
Vài hàng chia sẻ cùng các đồng môn Thầy Nguyễn Ngọc Huy (bài cuối)
Nếu không giữ được lời dạy chánh trị,
chớ phụ lời dạy yêu nước (3)
Phan Văn Song
1. Nguyễn Ngọc Huy, nhà yêu nước với đảng Đại Việt
Cũng nên nhắc lại lịch sử thế giới trước Thế chiến 2. Lúc bấy giờ, phân nửa thế giới đang bị trị bởi các đế quốc thực dân, như Anh, Pháp, Hòa lan, Tây ba Nha, Bồ đào Nha… lại còn có những quốc gia đang bị các Liên minh Âu châu quản trị như Cameroun, Liban, Lybie… Các quốc gia như Đức, Nhựt, Ý vì thiếu đất để phát triển kinh tế, vì thiếu thuộc địa để nuôi «mẫu quốc» nên dựa trên những lý thuyết dân tộc để vận động tinh thần yêu nước của quần chúng mình để phát triển. Đức với thuyết Quốc Xã củng cố vai trò chủng tộc Aryen «da trắng tóc vàng mắt xanh»; Ý, với thuyết Fascisme, chia xã hội thành những «chùm, nhóm»(faisceau) để đồng hóa xã hội thành một khối; Nhựt bổn với «thánh thuyết: Thái dương Thần nữ và Nhựt hoàng hiển thánh» đã vận động quân ngũ hóa toàn thể nhơn dân mình để bành trướng tìm «đất sống và không gian sanh tồn» và với chủ thuyết Đại Đông Á, mộng ước tạo một khối thịnh vượng chung Đông Nam Á để đối chọi và cạnh tranh với Đế quốc Pháp và Anh…
Riêng Trung Hoa và Việt Nam là hai quốc gia tuy bị trị nhưng có tinh thần dân tộc rất mạnh:
Trung Hoa đang bị ngoại xâm trầm trọng, các đế quốc ngoại quốc cả Âu lẫn Á đang dày xéo, chia xẻ tài nguyên, chánh quyền không có, cả nước Trung Hoa do bà Từ Hy độc ác vô tài cầm đầu, toàn đất Hoa do các lãnh chúa tham nhũng vô đạo đức bóc lột. Không ai đoái hoài đến người dân cả, và vì thế Quốc Dân Đảng ra đời do Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên sáng lập với chủ nghĩa Tam Dân. Tôn Dật Tiên cướp chánh quyền Từ Hy của Nhà Đại Thanh và thành lập Công Hòa Trung Hoa Dân quốc năm 1911.
Việt Nam, lức bấy giờ, để tìm con đường cứu quốc, giải phóng quốc gia, giành độc lập, nhìn vào Nhựt Bổn Dân tộc và Trung Hoa Cách mạng làm hai gương sáng. Từ phong trào Đông du, đến con đường tỵ nạn qua Trung Hoa, đều là do các thanh niên yêu nước thoát ly gia đình đi tìm con đường cứu quốc. Một con đường cách mạng thứ ba nữa ra đời, trễ hơn, là con đường những nhà yêu nước phần đông gốc miền Nam, du học Pháp, đem tư tưởng Cách mạng Pháp 1789 trở về Việt Nam làm Cách mạng đòi Độc lập, đấu tranh dân chủ công khai ngay tại Miền Nam thuộc địa, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Thế Truyền… điển hình, thí dụ cụ thể là Đảng Lập Hiến Đông Dương (Parti Constitutionaliste Indochinois) là một chánh đảng hoạt động ở Nam Kỳ từ năm 1923 đến khoảng thập niên 1930 thì chấm dứt. Đảng này do Bùi Quang Chiêu, một kỹ sư canh nông, có quốc tịch Pháp, cũng là hội trưởng Hội Trí Tri và chủ bút tờ báo La Tribune Indochinoise thành lập.
…Trong không khí ấy,
2. Đại Việt Quốc Dân Đảng với chủ thuyết Dân Tộc Sanh Tồn
Bảy mươi bảy năm đã qua, Đại Việt Quốc Dân Đảng và các đảng viên Đại Việt luôn luôn có mặt và đứng cạnh nhơn dân Việt Nam trong đấu tranh chống Thực dân, giành Độc lập, trong đấu tranh chống Cộng sản, giữ đất nước tự do. Từ những chiến khu Kép, Lạc Triệu, ở miền Bắc đến An Điền, An Thành, Bình Xuyên, miền Nam … vang danh thời kháng Pháp. Toàn đảng viên Đại Việt trong suốt thời gian từ Quốc gia Việt Nam đến Đệ nhị Cộng hòa dân chủ, với « chủ thuyết dân tộc sanh tồn » vẫn một lòng, đồng bộ, phục vụ đất nước.
Bắt đầu năm 1964 trở đi, Tân Đại Việt ở miền Nam, Đại Việt Cách mạng ở miền Trung, ra mặt công khai hoạt động, tham gia chánh trị dưới hình thức Đảng chánh trị, tức làĐảng quần chúng, tham gia sanh hoạt chánh trị hiến định và pháp định, tham gia chánh quyền hay đối lập hiến định. Đấy là nhờ Đại Việt có một chủ thuyết khác với những chủ thuyết chánh trị hay cách mạng khác: chủ thuyết Dân Tộc Sanh Tồn, rất cởi mở. Với:
Thuyết biến cải:
Ngay từ lúc đầu vào thời điểm năm 1939, Đảng trưởng Trương Tử Anh đã nói đến «thuyết biến cải». Chấp nhận một chủ thuyết có thể biến cải. Và, lại được Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy luận rộng thành một sức mạnh! Biến cải để theo phát triển, để phát triển và sanh tồn. Như vậy! Chủ thuyết luôn luôn được cập nhựt phù hợp với tiến trình khoa học, với môi trường hay quy trình thay đổi xã hôi. Do đó, phải mở.
Dân tộc sanh tồn mở với thế giới, mở với toàn cầu hóa:
Mở: mở cửa, mở duy quan, mở tâm thức, mở tư tưởng, dám đặt lại vấn đề. Làm cách mạng thường trực. Nhựt nhựt tân hựu nhựt tân.
Mở tư tưởng chưa đủ, phải mở bàn tay, mở con tim. Tiếp nhận bạn mới, chấp nhập đối thoại, chấp nhận đối lập, bàn cải. Mở ngay từ thời Quốc gia Việt Nam vừa Độc lập, vừa lập chế độ Tự Do đến thời Cộng hòa đến ngày tan hàng, «Đảng Đại Việt ta có mặt tham gia cầm quyền».
Và ngày nay chúng ta cần phải mở nữa. Mở để sanh tồn. Chúng ta phải sanh hoạt mở, phải tìm bạn mới. Con đường đấu tranh ở hải ngoại hướng về đất nước muôn mầu muôn sắc. Chúng ta không thể tìm sự đồng thuận hoàn toàn, chúng ta chỉ tìm một mẫu số chung nhỏ thôi. Việt Cộng ngày nay tạo một cơ hội rất lớn để chúng ta lật đổ nó. Nhưng làm thế nào? Hãy đồng thuận trong cái ý chí là lật đổ chế độ cộng sản trước đã. Và tham dự mọi đấu tranh với các cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản địa phương ở hải ngoại. Mỗi địa phương mỗi sắc thái. Và phải tham dự thật sự ! Mỗi chúng ta, mỗi người Đại Việt, phải tham dự với với tất cả Con người Đại Việt ở mỗi chúng ta. Con người Đại Việt, với Dân Tộc Sanh Tồn phải «đoàn kết sanh tồn» với các phần tử yêu nước khác của cộng đồng Việt Nam bảo vệ Không gian sanh tồn dân tộc Việt Nam, ở hải ngoại hay ở quốc nội để mãi mãi giữ cái tinh túy, cái gốc, văn hóa, chữ viết, và cái giang sơn, toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn văn hóa, toàn vẹn linh hồn Dân tộc Đại Việt!
3. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà giáo dục với viễn kiến cán sự
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vốn cũng đã là một Giáo sư Trường Quốc gia Hành chánh Việt Nam, nên ông biết rõ và nắm rõ phương thức đào tạo một công chức hành chánh quốc gia. Ông thường so sánh hai phương thức quản trị các cơ quan hành chánh công cộng, và quản trị các xí nghiệp tư doanh thương mại hay kỹ nghệ. Cũng như guồng máy hành chánh quốc gia, các xí nghiệp tư cũng có nhiều từng hoạt động khác nhau trong giây chuyền sản xuất và trong giây chuyền trách nhiệm.
Trường Quốc gia Hành chánh đào tạo hai cấp bực nhơn viên chuyên nghiệp, Cán sự và Đốc sự.
Ở các xí nghiệp tư cũng vậy, cấp điều hành trách nhiệm, lãnh đạo, giám đốc, với các chuyên viên có đẳng cấp Đại học, Cử nhơn, Cao học, Kỹ sư… nhưng ở cấp phần hành, văn phòng, xưởng là do các chuyên viên thừa hành kinh nghiệm với nghề nghiệp chuyên môn như … thư ký, thợ máy chuyên nghiệp …. Ở Việt Nam lúc bấy giờ, tại các xí nghiệp tư, … các ngân hàng, … các doanh thương nghiệp, các phần hành đều do các cô, các thầy thư ký, luyện tập tại chổ, sống lâu ra lão làng, thường thường do các trưởng văn phòng điều hành, giảng dạy, truyền nghề. Với những thao tác, tập tục … và quen việc ; và … bộ máy hằng ngày cứ thế mà chạy, nhưng rất thuần và chuyên, rất hữu hiệu.
Do đó, Thầy Nguyễn Ngọc Huy nhận định rằng, ở Việt Nam, có các Trường Đại học đào tạo cấp Cử nhơn, Cao học… nhưng muốn học các phần hành cấp Cán sự, hoàn toàn không có!
Vì vây, chúng ta nên phải sửa soạn ngay tương lai một Việt Nam hậu chiến, vì chắc chắn, với hậu chiến, Việt Nam sẽ đương nhiên, phải có một thị trường doanh thương nghiệp tư nhơn. Và tất nhiên, rất cần những chuyên môn phần hành ngành nghề, những phần hành dịch vụ… Các phần hành nghề nghiệp ấy sẽ là những môn khoa học thực dụng. Phải được đào luyện. Các sanh viên phải học và làm quen với những tập tục doanh nghiệp, với những thái độ doanh thương, với những suy nghĩ, não trạng văn hóa thương nghiệp, thế nào là nghiên cứu thị trường, là những biểu đồ, tổ chức…
Trường Cao Đẳng Thương Mại Minh Trí là tầm nhìn, là một chương trình chuyên ngành.
Thầy Nguyễn Ngọc Huy và các anh em trong nhóm nghiên cứu tổ chức một chương trình giáo huấn đào tạo những chuyên viên thương mại kiểu các Écoles Supérieures de Commerce - Các trường Cao đẳng Thương mại - của Pháp. Chương trình và tổ chức cũng tương đương như vậy và nhưng sẽ được thực dụng hơn để dễ áp dụng vào mô hình một thị trường chậm tiến kiểu Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người có cái viễn kiến ấy cho một Việt Nam đang cần sẽ phải xây dựng. Tầm nhìn chánh trị, tầm nhìn kinh tế phải đi đôi với một viễn kiến giáo dục.
Chương trình đào tạo của chúng tôi sẽ tạo ra những cán sự sau 2 năm; học một cách thực dụng với những xưởng thực tập (work shops). Những quan niệm lãnh đạo (management), hành sự (exécution), tổ chức hành chánh, những sơ đồ sản xuất, nghiên cứu sản xuất-recherche opérationnelle, chúng tôi đang sử dụng, áp dụng tại hảng BGI sẽ giúp Trường. Sau hai năm, các em tốt nghiệp Cán sự và có thể đi làm ngay, bắt tay vào việc không bở ngỡ. Nếu muốn học thêm, chương trình cử nhơn gồm những chứng chỉ (units) chuyên môn hiểu biết: 5 units một năm, đủ 10 cái có cấp bằng cử nhơn.
Chương trình đầy tham vọng. Chương trình được sự ủng hộ của Thầy Nguyễn Ngọc Huy và Thầy Nguyễn Văn Ngôn. Hai vị chẳng những cùng sáng lập, cộng tác giảng dạy với chúng tôi mà còn đở đầu cho chúng tôi đứng mủi chịu sào, trong vai trò khoa trưởng, lèo lái con thuyền Trường Cao Đẳng Thương Mãi đầu tiên tại Việt Nam. Các đồng sáng lập viên khác là các anh Bác sĩ Mã Xái, Đỗ Thành Chí, Nguyễn Hoàng Vinh và Trần Minh Xuân. Hôm nay Phan Văn Song chúng tôi, xin có đôi lời cám ơn, và vinh danh quý anh.
Với hệ thống quen biết của chúng tôi - chúng tôi đại diện hảng BGI - giữ chức vụ Tổng thư ký hai Phòng Thương mại Việt Nam và Phòng Thương mại Pháp Việt. Với hệ thống ấy, chúng tôi sẽ nhờ giúp đở, cho các sanh viên tập sự vào mùa hè (bắt buộc). Chúng tôi cũng đã nghĩ đến một khoản thù lao cho sanh viên tập sự ấy - từ 15 đến 20 000 đồng VN lúc bấy giờ. Số tiền ấy sẽ giúp sanh viên phấn khởi tập sự - và các công ty sẽ không ngần ngại sử dụng thực sự các sanh viên tập sự như những công nhơn.
Các công ty Pháp và ngoại quốc mà chúng tôi đã liên lạc đã nhận lời sẳn sàng giúp đở và sẽ nhờ trường đào tạo nhơn viên của mình thêm. Một chương trình trao đổi doanh nghiệp / Trường học đã được viết thành dự án (lần đầu tiên ở Việt Nam bấy giờ).
Trường ra đời 25 tháng 11 năm 1974 và chết với ngày 30 tháng 4-1975 cùng với đất nước.
Thay lời kết :
Kết sanh:
«Anh sao lo chuyện ở ngoài không vậy, không lo chuyện trong nhà!» là một câu khiển trách các anh chị em Đại Việt ta thường nghe. Trong nhà chúng ta chung nhau lo, bên ngoài chúng ta phải phụ lo cùng người ta, để tìm sự ủng hộ và đồng thuận. Các đảng viên phải lo tròn phần hành của mình, biết gánh vác với cái chuyên môn của mình. Đó là công việc của một Cán sự! Vì vậy cần chất phẩm và đạo đức.
«Chính đảng viên làm cho Đảng lớn chớ không phải Đảng làm cho đảng viên lớn».
Và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng đã từng nói: "Tổ chức chỉ là phương tiện để mình tranh đấu"
«Không Gian Sanh Tồn» là cái Mở của «Dân Tộc Sanh Tồn» ; và cái Mở của «Không Gian Sanh Tồn» là «Kết Sanh». Mỗi con người có một không gian sanh tồn. Một người nam, một người nữ chung nhau kết hai cái «không gian» mình lại để thành một gia đình, «Kết sanh» ấy là vợ chồng, là gia đình. Nhiều gia đình là xã hội, nhiều xã hội là cộng đồng, thành phố, làng xã, đất nước.
Áp dụng vào trong sanh hoạt hằng ngày của chúng ta. Trong đời sống hằng ngày, nơi việc làm, nơi địa phương chúng ta cư ngụ, hội nhập với người địa phương, với láng giềng, kết sanh sanh hoạt kinh tế. Trong cộng đồng, nơi chúng ta sanh sống, hội nhập sanh hoạt với những đoàn thể bạn,kết sanh sanh hoạt xã hội.Trong đất nước nơi chúng ta cư ngụ, tham gia những hoạt động chánh trị, như những bầu cử các nghị viên, các dân biểu, đại biểu, kết sanh sanh hoạt chánh trị. Lo tròn phần hành một cán sự trước khi đi đến lãnh đạo, công việc một đốc sự.
Viễn kiến cán sự của Giáo sư Huy dạy chúng ta như vậy !
Có Yêu nước, có tham gia vào xây dựng nước, mới có trưởng thành chánh trị. Có trường thành chánh trị, mới có tầm vóc quốc gia để tham gia vào vận mệnh quốc gia. Có quốc gia tử tế, hùng cường mới tham gia góp mặt với quốc tế được!
Kính mong!
Hồi Nhơn Sơn, Ngày Quốc Khánh Pháp, 14 tháng bảy 2017
Phan Văn Song
Lá thư không đợi
Trang Châu
Đi làm về ông Kim được vợ cho hay và dặn:
– Con Ly vừa gọi điện thoại, nó nói có thư gởi cho anh về địa cũ, nó đang giữ, nhớ lại lấy.
Địa chỉ cũ là cái nhà vợ chồng ông Kim đã bán lại cho cặp vợ chồng người Do Thái cách đây hai năm. Ly là em gái của vợ ông Kim, ở cạnh nhà cũ của ông. Trong mấy tháng đầu, sau khi bán nhà, chủ mới thỉnh thoảng vẫn đưa cho Ly những thư từ của vợ chồng ông Kim nhờ trao lại. Tròn cả năm nay không còn thư từ nào gởi về địa chỉ cũ nữa. ông Kim ngạc nhiên sao hôm nay lại có thư? Nhưng sau khi nghe vợ nói thêm là Ly cho biết thư gởi từ Việt Nam thì ông Kim không còn thắc mắc sao thư lại gởi về địa chỉ cũ mà thắc mắc ai ở Việt Nam gởi cho ông lá thư đó vì từ lâu ông không còn họ hàng thân thích nào ở Việt Nam để liên lạc.
Kính thưa ông Chủ Tịch
Tôi xin tự giới thiệu tôi là Nguyễn Văn Quý, trước 75, là binh nhất biệt động quân, bị thương ở mặt trận Long Khánh. Trưa ngày 30 tháng 4 cộng quân chiếm Sàigòn, tất cả thương bệnh binh bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi chạy về nhà cha mẹ với vết thương ở mặt chưa lành. Lúc bị thương tôi mới 21 tuổi. Tuy còn trẻ nhưng vì là một người tàn phế thuộc chế độ cũ, tôi cũng như bao nhiêu anh em thương phế binh khác, bị hất ra bên lề xã hội. Cuộc sống do đó thật vất vả. Riêng tôi, vết thương đã tàn phá mặt tôi (xin ông xem hình đính kèm) khiến tôi ban ngày không dám ra đường, sợ gặp mặt mọi người, để khỏi mang mặc cảm tạo giật mình cho kẻ khác với bộ mặt biến dạng xấu xí của mình.
Còn trẻ nhưng một thời gian khá lâu tôi phải sống nương tựa vào gia đình vì chưa biết làm gi để tự kiếm sống. Cuối cùng thì cha mẹ và hai chị của tôi cũng giúp cho tôi học được một cái nghề tại gia: nghề thợ may. Chồng của một trong hai bà chị tôi, trước 75, là chủ một tiệm may. Sau khi Sàigòn đổi chủ, ông anh rể tôi vẫn tiếp tục nghề may nhưng phải đổi kiểu may quần áo cho hợp với thời thế để sống. Thay vì còm lê, vét tông, bây giờ ông đổi sang may quần áo kiểu bình dân như bà ba đen, trắng, áo bốn túi màu vàng hay màu cứt ngựa. Ông còn treo bảng nhận cắt sửa quần áo, cắt xén những chiếc áo dài của phụ nữ trước đây thành những chiếc áo ngắn cụt tay. Chị tôi mang quần áo về nhà, tập cho tôi đơm nút áo rồi tập may, khởi sự bằng cách tập viền những lai quần, lai áo.
Phấn đấu để sống còn đã cho tôi một cái nghề và thưa ông, nhờ tôi có được chút khéo tay, nên không bao lâu tôi thuần thục nghề may để có thể may rành rỏi mấy thứ quần áo “thời thượng” của xã hội chủ nghĩa trong thời gian đầu. Nhưng tôi chỉ là một tay nghề ở hậu trường, không bao giờ dám chường mặt ra để gặp mặt khách hàng. Bước sang thời kỳ ” đổi mới”, tiếp theo đó là thời kỳ “đại gia”, nghề may của ông anh rể tôi khởi sắc trở lại nhưng khả năng của tôi sau bao nhiêu năm quen thuộc với các kiểu áo “vô sản” không theo kịp để đủ tay nghề thực hiện y phục của thời “áo vét quần bò” nữa.
Đã ba mươi năm trôi qua, sau cái ngày bị đuổi khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa với vết thượng quái ác ở mặt chưa lành, tôi vẫn còn phải sống độc thân. Với bộ mặt dị dạng, sứt mũ, sứt môi, tôi có bao giờ dám tơ tưởng đến chuyện lập gia đình. Cũng hơn mười năm sau 75, ban ngày tôi mới dám ló mặt ra đường, nhờ sự biến thể của Sàigòn. Sàigòn, hòn ngọc của Viển đông xưa, nay trở thành kinh đô của bụi bặm. Ra đường phải mang khẩu trang. Với ai khác, ra đường phải mang khẩu trang là một phiền toái, với tôi là một cứu cánh. Nhờ mang khẩu trang, ra đường tôi không bị ai để ý.
Thưa ông Chủ Tịch,
Kể lể hơi dài dòng về cuộc đời và nỗi bất hạnh của tôi, chỉ cốt phần nào giải thích cơ duyên nào tôi được dịp mạo muội gởi lá thư này đến ông. Bị đẩy vào cuộc sống ẩn dật, tôi tìm thú vui trong việc tập tễnh làm thơ. Buồn thì nhiều, vui hầu như không có, mơ ước chỉ như thoáng mây trôi, tôi trút tâm tư của mình và tìm được an ủi trong những vần thơ vụng dại, non nớt của mình. Một hôm tôi bạo dạn đưa cho bà chị thứ hai của tôi, trước là giáo viên, đọc bài thơ ưng ý nhất của mình. Chị tôi đọc xong bài thơ, nhìn tôi với đôi mắt ngỡ ngàng: “Chị không ngờ em lại có tâm hồn thi sĩ!”. Rồi chị ghé tai tôi nói nhỏ:
– Bài thơ này em cho phổ biến trong nước thì công an nó hỏi thăm em ngay. Chị coi trên mạng biết được ở hải ngoại có Hội Văn Nghệ Sĩ Quốc Gia. để chị kiếm cho em địa chỉ , em gởi bài thơ ra cho họ, biết đâu họ sẽ đăng thơ em.
Thưa ông Chủ Tịch,
Tôi không dám mong bài thơ tôi gởi kèm theo đây đạt được trình độ để quí vị cho đăng trên diễn đàn của quí vị, chỉ mong ông hiểu cho niềm hân hoan của tôi khi nghe lại được hai tiếng “quốc gia”, sau bao nhiêu năm tắt tiếng ở trong nước, vẫn âm vang nơi hải ngoại. Tôi chỉ mong được bày tỏ tinh thần và niềm tin quốc gia của một thương phế binh VNCH đang sống lầm lủi dưới chế độ Cộng Sản
Kính thư
Nguyễn Văn Quý
T.B. Địa chỉ ngoài phong bì là địa chỉ nhà một người quen cùng cảnh ngộ như tôi.
Kèm theo lá thư là hai tấm ảnh và một bài thơ. Tấm ảnh nhỏ loại căn cước là hình một người lính biệt động quân mặc quần áo hoa, đội mũ nâu; tấm ảnh lớn hơn chụp một người đàn ông trạc ngoài năm mươi tuổi, mặc chiếc áo thun đen, với khuôn mặt bị tàn phá nặng nề: chiếc mũi bị bay mất phần dưới để lộ một lỗ hổng và môi trên bị mất phần giữa nhìn thấy cả răng. Nhìn tấm ảnh ông Kim thầm nghĩ giá mà ông ta ở được bên Bắc Mỹ này thì khoa giải phẫu tái tạo hàm mặt chắc chắn đã giúp ông ta có một khuôn mặt dễ nhìn hơn. Ông Kim đọc bài thơ có tựa đề: Phận nước đời trai. ông xúc động trước cái tứ bi phẫn của bài thơ trong đó nổi bật mấy câu:
Than ôi! Nát một đời trai!
Tủi cho phận nước an bài từ đây
Từ đây mộng ước hao gầy
ôm riêng mối hận biết ngày nào nguôi …
Đọc cái tái bút, ông Kim hơi thắc mắc sao ông thương phế binh Quý này không lấy địa chỉ nơi ông ở mà lấy địa chỉ của một người đồng cảnh ngộ? ăn cơm tối xong ông Kim gọi điện thoại cho bốn thành viên trong Ban Chấp Hành bàn thảo về lá thư bất ngờ của người thương phế binh biệt động quân. Cuối cùng Ban Chấp hành đồng ý trích quỹ 100 mỹ kim gởi tặng ông Quý, coi như một món quà Xuân, đồng thời chuyển lá thư cùng hình ảnh của ông Quý đến Hội Cựu Quân Nhân để được cứu xét giúp đỡ hàng năm.
Chừng một tháng sau khi gởi tiền về theo địa chỉ ông Quý cho, ông Kim nhận được hồi âm. Trong thư ông Quý viết rất mừng rỡ nhận được quà, cám ơn Trời Phật rồi chúc lành ông Kim cùng toàn thể hội viên. Ông Quý cho biết thôi làm nghề thợ may vì trong nước bây giờ tràn ngập đồ trung quốc và đồ “ngoại”. Bây giờ ngày ngày ông ra ngồi phụ một người bạn cùng cảnh ngộ làm nghề vá và bơm xe đạp. Phía Hội Cựu Quân Nhân cũng cho biết sẽ gởi tiền hàng năm vào dịp Tết giúp ông Quý. Nhưng ông Kim vẫn chạnh lòng trắc ẩn khi hình dung bộ mặt bị chiến tranh tàn phá của ông Quý, ở vào tuổi thanh xuân nhất của cuộc đời. Một hy sinh chưa được đền bù, mà trái lại, bị vùi dập, lãng quên bởi số phận không may phải nằm phía bên kẻ thua cuộc. Ông quyết định hằng năm không trích quỹ của hội nữa mà cá nhân ông sẽ tiếp tục giúp đỡ ông Quý.
Cứ thế đều đặn trong bảy năm, mỗi đầu xuân, một món quà hiện kim gởi đi, một lá thư hồi âm cảm tạ tri ân. Ở hải ngoại ông Kim cũng đã ngoài bảy mươi và ông Quý ở trong nước cũng phải gần sáu mươi. Cách nhau gần cả chục tuổi, nhưng ông Kim nghĩ nếu bây giờ đem so hình hai người, chưa chắc ai đã cằn cỗi hơn ai. Đất nước đã thống nhất, yên bình mấy mươi năm rồi sao lầm than, nghèo đói vẫn không thụt lùi, sao còn có người chết phải bó chiếu chở trên xe gắn máy chạy giữa đường!
Bỗng một hôm, vào giữa tháng năm, ông Kim nhận một lá thư gởi từ Sàigòn. Dù địa chỉ không thay đổi, nhưng nét chữ ngoài phong bì không phải nét chữ của ông Quý và tên người gởi là một tên lạ: Trần Thanh Phong.
Kính thưa bác,
Cháu xin tự giới thiệu cháu là Trần Thanh Phong, 25 tuổi. Cha cháu là Trần Quốc Hiệp, bạn của bác Nguyễn Văn Quý, người thường hay liên lạc và nhận quà hàng năm của bác từ hải ngoại gởi về. Lý do cháu gởi bác lá thư này là để giải bày một uẩn khúc kéo dài từ hai năm nay khiến cháu rất khổ tâm. Hôm nay cháu xin trình bày hết sự việc cho lòng được giải tỏa và để mong được bác cảm thông. Cha cháu từng là một phục viên trong quân đội nhân dân miền Bắc. Cha cháu bị thương hôm lực lượng tấn công chiếm kho xăng nhà Bè năm 75. Cha cháu dẫm phải mìn, bị cưa chân phải, quá đầu gối. Sau khi Bắc Nam thống nhất, cha cháu được giải ngũ. Mẹ cháu ở Bắc vào và hai người quyết định ở lại miền Nam sinh sống vì thấy trong Nam đời sống kinh tế cao hơn. Cháu là đứa con thứ ba trong một gia đình bốn anh chị em, hai trai hai gái. Cháu hiện là nhân viên của một hãng ngư nghiệp chuyên về hải sản đông lạnh để xuất cảng. Tiền trợ cấp thương phế binh của cha cháu không đủ nuôi gia đình nên cha cháu phải làm thêm nghề bơm vá xe đạp và xe gắn máy. Cháu không rõ cha cháu và bác Quý quen nhau lúc nào, vào dịp nào; cháu chỉ nghe nói bác Quý là thương phế binh của phía bên kia. Có một lần cháu nghe cha cháu khen:
– Thằng Quý dân Ngụy mà tốt bụng. Nó sửa quần áo cho tao mà không lấy tiền.
Rồi một lần khác cháu nghe cha cháu chưởi thề:
– Mẹ kiếp! “Ngụy” như thằng Quý hay “giải phóng” như tao cũng chỉ là những con chốt thí! Nó nát mặt, tao cụt giò, giờ đây tao với nó được gì? Thống nhất, độc lập từ lâu mà đất nước có khá lên đâu, tụt hậu thêm nữa là đằng khác!
Bây giờ cháu đã khá lớn. Sau khi nghe câu chưởi thề của cha cháu, cháu bắt đầu suy nghĩ. Chuyện bác Quý lấy địa chỉ của nhà cháu để nhận tiền từ hải ngoại gởi về là để tránh sự dòm ngó của công an phường. Dù gì gia đình cháu cũng thuộc diện có công với cách mạng, với nhân dân. Theo cháu biết, mỗi lần nhận tiền từ hải ngoại gởi về, bác Quý cũng chia một phần tiền cho cha cháu. Khoảng tiền mà có lúc vui miệng bác Quý nói là “chi phí bảo vệ”.
Kính thưa bác,
Hôm nay cháu xin tiết lộ với bác một điều: bác Quý từ trần đã hai năm nay. Bác Quý ngã chết bất thình lình lúc đang phụ cha cháu khiêng một thùng đồ nghề. Bác sĩ ở nhà thương nói bác bị đứt gân máu não. Bác Quý mất rồi, mỗi khi có tiền ở hải ngoại gởi về, cha cháu vẫn an nhiên lãnh thế, vì người giao tiền biết mặt cả bác Quý lẫn cha cháu. Bác Quý còn dặn người giao tiền, khi bác vắng mặt, thì cứ giao tiền cho cha cháu. Cháu rất bức xúc vì việc làm không phải của cha cháu nhưng không dám ngỏ lời ngăn cản khi thấy cha mẹ cháu cũng túng thiếu. Nhờ quà của bác gởi cho, ngày xuân gia đình cháu có thêm chút không khí Tết.
Nhưng hôm nay cháu viết thư này để xin bác từ nay đừng gởi quà Xuân cho bác Quý nữa. Bởi lẽ cha cháu từ trần được cả tháng nay. Cha cháu mất vì bệnh viêm gan cấp tính. Cha cháu đi rồi cháu không còn lý do gì để tiếp tục nhận quà của bác, một món quà đã làm ray rứt lương tâm cháu. Càng ngày cháu càng thấy con người của xã hội này trở nên vô cảm, kể cả người thân của mình. Chua xót là ở chỗ đó. Rồi thế hệ của cháu, nếu mọi người cũng sẽ trở nên như thế hệ của cha cháu, thì tương lai đất nước này sẽ đi về đâu ? Con người ngày càng mất lương tri, xã hội ngày càng lụn bại đạo đức, trong khi đó lãnh hải ngày càng thu hẹp, chủ quyền đất nước đang dần rơi vào tay ngoại bang.
Kính thưa bác,
Ở trong nước hiện nay, những người vào lứa tuổi của cháu, đang trăn trở về đất nước, về giá trị con người, không nhiều nhưng không phải là không có. Một hạt cát thì rất nhỏ, nhưng nếu nhiều hạt cát tụ lại sẽ trở thành một nhúm cát và nếu nhiều nhúm cát có cơ hội dồn lại, nhờ gió, nước bồi đắp thêm, sẽ có cơ may trở nên một bãi biển trắng đẹp. Cháu ao ước được làm một hạt cát cứng cáp và trắng tinh cho một bờ biển tương lai của dân tộc.
Kính thư
Trần Thanh Phong
Ông Kim ngồi lặng im nhìn những dòng chữ rắn rỏi đậm nét trên mặt giấy. Một niềm vui lẫn một nỗi đau dấy lên trong lòng ông. Vui vì giới trẻ trong nước không phải tất cả đều là những thành phần thủ phận, buông xuôi, vô cảm hay bị đầu độc bởi giáo điều. Đau vì ở hải ngoại còn có kẻ vứt bỏ căn cước tị nạn của mình, trở về ăn chơi thụ hưởng mà không cần biết đến nỗi lầm than của đại đa số thành phần dân tộc. Tệ hại hơn nữa, dăm ba kẻ, trước đây vỗ ngực xưng mình là quốc gia, chống cộng, trở về Việt Nam, gặp lại vài thân thuộc xa xưa thuộc bên kia, nay là thành phần cốt cán của chế độ, được họ ve vuốt chiêu dụ, trở ra hải ngoại cầm loa, dóng trống ca tụng chế độ! Ông Kim dìm nỗi đau, nghĩ đến niềm vui cho lòng phấn khởi. ông lấy giấy bút ra viết trả lời người thanh niên tên Phong:
Cháu Phong, Bác tin cháu và các bạn cháu sẽ là những hạt cát tinh khôi của bờ cõi đất nước. Các cháu sẽ không đơn độc. Các bạn của các cháu ở hải ngoại, đủ mọi lứa tuổi, sẽ là gió, là nước bồi đắp cho các cháu. Bác hứa sẽ không gởi quà Xuân cho gia đình cháu nữa. Nhưng cháu và các bạn cháu sẽ nhận đều đặn niềm tin và phương tiện cần thiết để vun xới niềm tin đó lên thành một cơn bão quét sạch mọi cặn bã, ô nhiễm đang tàn phá đất nước.
Trang Châu
Montréal 14-10-2016
Đăng ngày 11 tháng 07.2017
Bổ túc ngày 14 tháng 7.2017