banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Bài học về cái chết của Giải Nobel Hoà Bình Liu Xiaobo – Lưu Hiểu Ba

Trung Hoa cộng sản,

một quốc gia ngoài vòng pháp luật

Phan Văn Song

Tin giải Nobel hoà bình Liu Xiaobo - người Việt ta dịch thành Lưu Hiểu Ba - vừa mất như một cái tát vào mặt những kẻ nào vẫn còn xem Trung Cộng là một quốc gia đàng hoàng, xem tên Chủ tịch Xi Jinping - việt ngữ hóa là Tập Cận Bình - như một nhơn vật có phong cách quốc tế. Cái chết của Liu trên giường bệnh của một nhà tù là một cái tát tai vào mặt các hội đoàn, các chuyên gia chánh trị học, các nhà đấu tranh cho nhơn quyền và các quyền tự do ngôn luận và chánh kiến và cũng là một cái tát tai vào mặt tổ chức quốc tế giải Nobel hòa bình, và một bãi nước bọt tên Chủ tịch Tàu cộng tên Xi phun vào cái biểu tượng «Giải Nobel hòa bình» và tất cả các người đã nhận giải ấy từ bà Aung San Sưu Ky, qua Tổng thống Mandela đến cả Tổng thống Obama. Trung Hoa Cộng sản của Xi Jinping đã khinh bỉ đưa ngón tay giữa lên trời khi dễ, xem thường, tất cả thế giới người tử tế!
Bằng chứng trong cuộc gặp gở giữa hai nhơn vật ngày nay «có giá» của thế giới, giữa hai vị Tổng thống Pháp và Mỹ Emmanuel Macron và Donald Trump vào dịp lễ Quốc Khánh Pháp, không có một lời đá động nào đến cái chết của giải Nobel hòa bình Liu Xiaobo! Mặc dù, cả hai đều có nhắc đến xứ của ông họ Liu, mặc dù, chỉ nói sơ qua, nhắc nhở tên Chủ tịch Xi như một nhơn vật quan trọng có vai trò hàng đầu trên chánh trường? hay thị trường? thế giới!
Từ khi thế giới được tin Liu Xiaobo bị bịnh nặng có thể chết, duy nhứt, chỉ có nước Đức, tuy là một đối tác kinh tế rất quan trọng với Trung Cộng, đã «dám» lên tiếng, dù vô hiệu, yêu cầu Trung Công cho phép ông Liu được xuất ngoại chữa bệnh. Sau khi được tin ông Liu mất, cả hai ông Tổng thống Pháp Mỹ trong cuộc gặp gở trong buổi lễ lịch sử của Pháp cũng chẳng đoái hoài đến, như đã nói trên.
Riêng ông Tổng Tây Macron, sau khi đưa ông Tổng Mỹ về, đã viết Twitter lên mạng, khen ngợi ông Liu là một nhà tranh đấu cho Tự do và chia buồn cùng bà quả phụ Liu Xia. Những lời quá đẹp! Tiếc thay, post mortem, quá muộn màng! Vì người nhận đã quá vãng!
Thằng tôi quá ngao ngán! Hèn, thật là hèn! Cái hùng hổ chống Tàu ngày nào của ông Trump đâu? Cái ngọai giao khôn khéo của ông Macron không cấm một lời tuyên bố công khai chia buồn với quả phụ của nhà văn bất đồng chánh kiến họ Liu? Sao phải viết Twitter tránh né? Thất vọng! Chúng tôi quá thất vọng, và càng thất vọng khi chúng ta, những người tỵ nạn để trốn cộng sản và độc tài, ngày nay mất điểm tựa lý tưởng đạo đức. Chỉ do thái độ hèn nhát của các nhà lãnh đạo các quốc gia nơi chúng ta lánh nạn, vì nhơn danh ngoại giao, vì nhơn danh kinh tế, nhơn danh thương mãi, họ đã ươn hèn, dung túng bọn côn đồ! Bài học Đại thế chiến thứ hai vẫn còn đó! Cũng do cái thái độ ngoại giao hèn nhát của Chủ tịch Quốc hội Pháp Édouard Daladier và Thủ tướng Anh Neuville Chamberlain, đã, với hội nghị Munich (9-10 tháng 9 năm 1938) «bật đèn xanh» cho Adolf Hitler, sau khi hốt trọn xứ Áo vào tháng ba cùng năm, tràn ngập Tiệp khắc và… mở màn cuộc Thế chiến thứ hai!

1. Tàu, một quốc gia côn đồ, trị dân bằng luật đảng, luật rừng
Tên Chủ tịch Xi Jinping đã hoàn toàn sửa đổi mẫu phát triển nước Tàu do Deng Xiaoping để lại. Chấp nhận, hạ chỉ số mức phát triển, và chuyển hướng phát triển về thị trường nội địa Tàu. Tên họ Xi nầy cho thật sự muốn thay đổi hướng phát triển không? Hay do gặp phải cảnh «chẳng đặng đừng», vì thị trường thế giới không còn mặn mà với hàng hóa Tàu nữa? Nhưng một cái chắc chắn không phủ nhận, là Xi Jinping, đang cùng một lúc, vừa «chỉnh đốn lại, với một bàn tay sắt» mượn cớ chuyển hướng phát triển kinh tế vào thị trường nội địa, nhưng thật sự, dùng «đảng và công an trị» để củng cố quyền lực, kiểm soát toàn bộ xã hội và nội bộ đất nước Trung Cộng. Và cũng đồng thời củng cố bộ máy quân sự, quyết chiếm quyền bá chủ vùng Đông Nam Á, bành trướng chủ nghĩa dân túy Hán tộc. Thừa cơ hội, thời gian gần đây, các quốc gia dân chủ Âu Mỹ, tiên tiến, trên thế giới đang gặp bối rối, hết nào khủng hoảng tài chánh, đến kinh tế, đến cả cơ chế chánh trị, bỏ trống chánh trường Đông Á và Đông Nam Á, Tàu Cộng của Xi bèn chiếm đoạt bằng quân sự các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Biển Đông Việt Nam, hay Biển Đông Nam Á, mà chúng gọi là Nam Hoa Hải, bằng quân sự hóa, xây đảo nhơn tạo, tạo những sự «đã rồi», vẽ lại các lằn ranh biên giới, với con đường lưởi bò tưởng tượng, để xâm chiếm hoàn toàn và mong làm chủ toàn thể Biển Đông Nam Á.
Thời huy hoàng của Tàu Cộng được dựa trên sự phát triển và đòi hỏi của thị trường thế giới đi tìm tay nghề gia công rẻ, hạ giá thành lao động để tạo phát triển thị trường và sự hội nhập vào thị trường xuất cảng, đặc biệt từ ngày được gia nhập vào WTO, Tổ chức Thương mại Thế giới. Chẳng chốc Tàu Cộng chiếm chức quán quân quốc gia xuất cảng số 1 thế giới, hạ cả Huê kỳ - 14% HK 9% - và có đủ thặng dư vốn liếng để biến thành một nhà đầu tư thượng hạng. Nhưng, cũng cùng một lúc, Tàu Cộng cũng biến thành một kẻ ngoại đạo, không chấp nhận những luật lệ, trò chơi, tác phong của một quốc gia có tầm vóc quốc tế - theo cách nhìn truyền thống đàng hoàng của Âu Mỹ… Tàu nhơn danh quyền lực và lợi ích quốc gia, để không chấp nhận luật chơi quốc tế. Trái lại, Tàu vì mặc cảm, vì não trạng trả thù, đưa luật rừng chơi với thế giới, thí dụ, dùng luật của kẻ mạnh trong những giao dịch với các quốc gia «yếu gối» hơn mình.
Và càng ngày, thế giới càng nhận rõ «hướng đi trật đường rầy» của phong thái ngoại giao Tàu. Luật gia người Hoa, luật sư Zhou Shifeng, giám đốc văn phòng luật Fengrui ở Pékin, nổi tiếng với những hồ sơ bảo vệ Nhơn quyền đã bị tuyên án 7 năm tù vào tháng 8 năm ngoái với tội «xuyên tạc phá hoại» - Việt Nam cũng bắt chước với hai bloggers Phạm Minh Hoàng bị trục xuất và Mẹ Nấm 10 năm tù ở! Năm qua, tại Tàu, hệ thống Uber, mất gần một tỷ dollars, với sức ép của Nhà nước Tàu buộc nhượng quyền khai thác cho công ty nội địa Didi Chuxing, từ nay sẽ độc quyền khai thác hệ thống xe tắc xi tự do. Google, Amazon cũng bị loại hẳn thị trường Tàu nhường quyền cho Baidu và Alibaba… Luật tự do thương mại chỉ có một chiều ở xứ Tàu.
Cùng một lúc, Xi Jinping cũng ép đưa HongKong vào vòng kiểm soát của xứ Tàu Cộng. Chắc quý vị thân hữu cũng biết rõ, rằng, hiệp ước Tàu ký với nước Anh năm 1997, bảo đảm HongKong được giữ quyền tự chủ, giữ đời sống dân chủ và giữ sự tôn trọng các quyền công dân và nhơn quyền trong vòng 50 năm. Ngày nay, những bảo đảm ấy chỉ là cái vỏ trống. Quan điểm «một quốc gia, hai chánh thể» được sửa lại là «một quốc gia, hai chế độ kinh tế»! Nhà tù HongKong đang nhốt đầy các nhà đầu tư, chủ nhơn các xí nghiệp, nhà báo, trí thức, bất đồng chánh kiến… Phong trào «Dù Vàng» là một dấu hiệu rằng HongKong không còn là nơi tự do kinh doanh, tự do sanh hoạt, suy nghĩ như thời đế quốc Anh đô hộ nữa! Thương cảng quốc tế nổi tiếng thời xưa của HongKong đang bị Nhà Nước Tàu Cộng bỏ rơi, nhường quyền cho các thương cảng thuộc Tàu cộng lâu đời khác như Shanghai, Shenzhen, Ningbo hay Xiamen.

2. Tàu, một quốc gia ngoài luật pháp quốc tế
Về mặt quốc tế, chiến lược bành trướng của Tàu cộng tại Biển Đông Nam Á đã bị Tòa án Hòa Giải đặt tại The Hague, thủ phủ Hòa lan, tuyên án phạt khá nặng nề ngày 12 tháng bảy năm ngoái do lời kiện của Phi Luật Tân – trong khi Việt Cộng trái lại im thin thít – Pékin giận dữ phản công bằng đe dọa tạo một vùng nhận diện phòng thủ trên Biển Đông của Việt Nam ta và cũng dọa sẽ tổ chức một liên minh quân sự với Nga chống tất cả những quốc gia láng giềng và thân Mỹ.
Cái thế hung hãn của Tàu Cộng, theo nhận định của vài quan sát viên chánh trị Âu Mỹ là do sự mất ảnh hưởng ngày nay của Đảng Cộng sản Tàu, bất lực trước sự những bất quân bình phát triển xã hội mỗi ngày mỗi cao giữa những thành phố ven biển với một não trạng quần chúng cởi mở, khoa học, Âu Mỹ hóa và những tỉnh và thành phố nằm sâu trong nội địa phía Tây vẫn còn giữ những nét truyền thống khép kín, cùng lúc với tình trạng môi trường càng ngày càng ô nhiểm, gây khó khăn trong đời sống và sức khỏe hằng ngày của dân chúng Tàu. Ấy là chưa kể sự cạnh tranh phe phái do những đệ tử chư hầu của những cựu thủ lãnh còn ít nhiều vai vế ảnh hưởng và những ý đồ lãnh tụ địa phương đang âm mưu nhen nhúm… tất cả đang trong tình trạng một nền kinh tế quốc gia không còn vàng son nữa. Do đó, những liên hệ ngoại giao của Tàu cộng đối với thế giởi trở nên bất cân bằng một cách nguy hiểm.
Về mặt kinh tế chẳng hạn, tại nội địa Tàu, tất cả những đầu tư lớn đều giành ưu tiên cho các công ty Tàu, trong khi thừa cơ hội các quốc gia Âu Mỹ đang gặp khó khăn kinh tế, Tàu nhào vào, bỏ tiền tìm mua hoặc đầu tư vào những công nghiệp hàng đầu nhiều lợi nhuận. Về mặt chiến lược, Tàu cộng, tung uy lực khắp hoàn cầu. Từ con đường tơ lụa cổ xưa đến con đường hàng hải mới ngày nay (Nhứt đái Nhứt lộ - Một vòng đai, Một con đường), xem thường luật hàng hải quốc tế, không tôn trọng tự do thông thương ở Biển Đông Việt Nam (đảo nhơn tạo, vùng nhận diện phòng thủ, đường lưỡi bò ở Biển Đông của Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaisia, Brunei…thương cảng? hay quân cảng? mới ở vùng Sừng Phi châu – Djibouti …) Và nguy hiểm hơn nữa, ngày nay, Tàu cộng đã đủ trưởng thành khoa học trong ngành tin học, đang bắt đầu quấy phá, mở trận chiến tin học, nhiểu sóng… tung tin tặc và tương lai có thể tạo cuộc chiến không gian… (Quân đội Nhân dân Tàu ngày nay có một bộ phận chiến tranh tin học rất hữu hiệu).
May thay, sức ép của Tàu cộng ngày nay đã bắt đầu gặp sức phản kháng của thế giới. Huê kỳ là quốc gia đầu tiên nắm rõ vấn đề mặc dù là một khách hàng lớn của Tàu. Huê kỳ chống lại tất cả những đầu tư Tàu vào nền công nghiệp Mỹ (vừa qua có biện pháp chống lại sự phá giá - dumping của ngành sắt Tàu). Trái lại, quá ngu dại, và quá ngây thơ, chánh phủ Pháp đã ngu si bán phi trường thành phố Toulouse, đầu não của công ty máy bay Airbus, và nơi đặt những văn phòng nghiên cứu ngành không lưu cho…Tàu! Cũng nên hoan hô bà Thủ tướng Anh Theresa May, với một nước Anh đang thời gian khó khăn kinh tế với Brexit dám đủ sáng suốt từ chối không cho Tàu tham dự dự án nhà máy điện nguyên tử (mặc dù Tàu xin tham dự với 1/3 của 21,3 tỷ euros tổng phí dự án)! Liên Âu cũng bắt đầu đặt lại vấn đề có nên nhận cho Tàu có một nền kinh tế được đánh giá là một «nền kinh tế thị trường» không? để cho hưởng quy chế đặc biệt, những dễ dãi đặc biệt, ưu đãi giữa những quốc gia cùng chung tập tục kinh tế.
Sự bành trướng của Tàu ngày nay cũng đang gây ra một cuộc chạy đua vũ trang của các quốc gia Đông Nam Á. Nhựt Bổn, Nam Hàn cùng nhau tổ chức một hệ thống phòng thủ chống phi đạn Tàu. Úc châu đang củng cố quân lực hải quân và và tăng con số các tiềm thủy đỉnh. Còn Việt Nam? Việt Cộng Hà nội, vốn quen thói ăn xin, ăn có, đang nhờ Mỹ Nhựt Ấn ủng hộ sức phòng thủ chống «tàu lạ» xâm nhập!
Đừng bao giờ quên rằng, Tàu Cộng, mặc dù là đệ nhứt quốc gia xuất cảng, nhưng cũng là đệ nhứt quốc gia ăn gian, buôn bán lận, luôn luôn không áp dụng luật thương mại quốc tế, vì Tàu cộng, vốn sẳn mặc cảm, tự ty, vẫn cho rằng những luật ấy thuận với phe «da trắng, Âu Mỹ, tư bản chủ nghĩa» nghĩa là không thể áp dụng với hắn ta được! Măc dù cũng do chính những luật quốc tế nầy đã giúp Tàu Cộng phát triển từ 20 năm nay. Việt Cộng cũng vậy, chạy theo nhờ vả, xin xỏ Âu Mỹ, mặc quần áo tây, thắt cà vạt, đi giầy tây, nhưng lúc nào cũng chê bai Mỹ ngụy, Tây thực dân chê bai tư bản chủ nghĩa tự do doanh thương…!
Tàu Cộng không bao giờ và cũng chẳng bao giờ bước vào một nền kinh tế thị trường, cũng chẳng bao giờ, không bao giờ là một quốc gia pháp trị!
Một khế ước, đối với Tàu Cộng chỉ là một «nhận định một tình trạng, với những lời hứa» thế thôi, tuyệt đối không phải là những lời cam kết, ràng buộc với ai cả, và đặc biệt đối với Tàu. Pékin chỉ tôn trọng những gì có lợi cho Đảng Cộng sản Tàu và đế quốc Tàu (Cùng với Việt Cộng, Tàu Cộng để Tổ quốc và Dân tộc đứng sau Đảng và Đế quốc đỏ).

Để kết luận
Tàu Cộng đã tự chọn cho mình một thể chế chánh trị chỉ biết dùng sức mạnh, và chỉ biết áp dụng chánh sách tương quan lực lượng. Tàu đang MƠ sẽ là một đối thủ mạnh - ngang hàng - với các cường quốc - đứng đầu là Huê kỳ - và sẽ tàn bạo, vũ phu với các quốc gia nhược tiểu - đứng đầu là Pháp, sau đó là Liên Âu. Chúng tôi xin nhắc lại, các nước nhược tiểu đứng đầu là Pháp và Liên Âu!
Và Tàu Cộng, dù biết rằng đường lối chánh trị ấy, sẽ là một rào cản rất lớn cho một sự phát triển đồng điệu và sự chuyển hóa sang một nền kinh tế dịch vụ đầy lợi tức và sáng tạo (cho mình). Dù biết rằng chánh sách chánh trị hiện nay của Tàu đang làm thất thoát – do dân Tàu chuyển vốn đi, do ngoại quốc không bỏ vốn vào – và chẳng những riêng tiền bạc vốn liếng kinh tài đầu tư, mà cả chất xám, quan trọng hàng đầu, cần thiết cho phát triển và phồn thạnh một đất nước. Và dù vẫn biết rằng, đây là một mối nguy, vì là một cái thắng đột ngột cho cái đà phát triển đương lên từ mấy lúc nay của vùng Đông Nam Á, từ nay đã là thị trường số một thế giới, thay thế thị trường châu Âu, và như vậy sẽ phá vỡ mọi hệ thống thương mại có thể giúp cả Tàu lẫn Đông Nam Á vươn lên! Nhưng Tàu, vì sanh tồn của Đảng Cộng Sản Tàu, vì sanh tồn và tương lai của Đế quốc Hán đỏ, vì giấc mơ làm Đại Tư Hản- Grand Khan – hay một Hoàng Đế của Xi Jinping ĐANG MƠ khôi phục một Đế quốc đại Hán, kiểu Mông Cổ - đến đổi cấm cả hình ảnh chú gấu Winnie nhập vào đất Tàu, vì cho chú gấu Winnie giống Xi, do Âu Mỹ mất dạy vẽ ra để chế nhạo mình!
Do đó, chúng ta, người dân Đại Việt hơn bao giờ hết, phải CHỐNG TÀU Cộng
Và hãy DIỆT bỏ bọn tay sai bán nước là Việt Cộng.
Chớ đừng để bị lường gạt, lầm lẫn bởi bọn Việt cộng bán nước, hiện CÓ VẼ, LÀM BỘ Chống Tàu, vì theo Mỹ - vì vừa cho Mỹ thuê vịnh và cảng Cam Ranh. Năm xưa, Việt Cộng nhơn danh kháng Pháp, đuổi thực dân, gạt người yêu nước Việt Nam, dùng mưu Lê Chiêu Thống, rước quân Tàu Cộng của tướng Chen Geng - Trần Canh, đem chí nguyện quân Tàu đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi Pháp, nhờ Châu Ân Lai Thủ tướng Tàu Cộng, chấp nhận xé đôi đất nước, giựt nửa nước Việt Nam dâng cho Tàu, khiến trên 1 triệu người Việt miền Bắc phải di cư vào Nam, tạo ngày Quốc Hận lần thứ nhứt, ngày 20 tháng 07 năm 1954.
Do đó, bổn phận người Đại Việt ta phải Chống Tàu Diệt Việt Cộng!
Để còn tồn tại! Để còn Việt Nam, để còn con dân Việt! Để còn Đại Việt!
Mong lắm!

Hồi Nhơn Sơn, 20 tháng 07 năm 2017
63 năm ngày Quốc Hận lần thứ nhứt
20/07/1954 Hiệp ước tạm ngưng chiến Genève
Phan Văn Song


Lưu Hiểu Ba và

sự lãnh đạm của phương Tây

Anh Vũ

2017-07-15-dan-Hong-Kong-tuong0niem-Luu-Hieu-Ba china-rights
Dân Hồng Kông tưởng niệm Lưu Hiểu Ba. Ảnh 15/07/2017-Reuters

Cái chết của Lưu Hiểu Ba giải Nobel Hòa Bình 2010, nhà ly khai hàng đầu ở Trung Quốc vẫn để lại nhiều dư âm xúc động trên báo chí Pháp, đặc biệt nhật báo Le Monde đã dành nhiều trang bài để nói về nhà đấu tranh vì dân chủ này. Xã luận của nhật báo Le Monde chạy tựa : « Lưu Hiểu Ba và sự lãnh đạm của phương Tây ».
Mở đầu bài viết, le Monde nhắc lại vào năm 2008 khi chọn đặt tên cho cương lĩnh đấu tranh vì dân chủ ở Trung Quốc là « Hiến Chương 08 », nhà ly khai Lưu Hiểu Ba và các bạn bè ông muốn có sự liên tưởng tới bản « Hiến Chương 77 » nổi tiếng do nhà ly khai của Cộng Hòa Séc, Vaclav Havel soạn thảo năm1977.
So sánh với các nhà đấu tranh vì tự do dân chủ nổi tiếng trên thế giới, Le Monde nhận thấy, Vaclav Havel cũng giống như Lưu Hiểu Ba đã phải ngồi tù nhiều năm vì một bản hiến chương, nhưng rồi ông đã trở thành tổng thống. Đến Nelson Mandela, một biểu tượng đấu tranh vì tự do và quyền con người, cũng đã trở thành lãnh đạo đất nước Nam Phi sau 27 năm bị giam cầm. Giống như Mandela, Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình khi đang ở trong tù. Nhưng chỉ có cái chết mới giải thoát được ông khỏi vòng giam cầm của chế độ Cộng Sản Bắc Kinh.
Le Monde nhận thấy có điểm khác biệt rõ rệt giữa số phận của Lưu Hiểu Ba với những nhà đấu tranh nổi tiếng khác. Vaclav Havel, Nelson Mandela hay Andrei Sakharov thì được các chính phủ dân chủ trên thế giới quan tâm đấu tranh liên tục đòi tự do cho họ. « Không có một cuộc gặp cấp cao hay hội nghị quốc tế nào mà tên của họ không được nhắc tới. Nhiều cuộc thương lượng ở cấp cao nhất đã từng diễn ra để đòi tự do, cải thiện điều kiện giam giữ cho họ hay thậm chí có cả những cuộc mặc cả trao đổi », Le Monde nhấn mạnh.
Tuy nhiên với trường hợp Lưu Hiểu Ba thì khác. Gần đây nhất, tại thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 07 và 08/07 ở Hambourg, Đức, vấn đề Lưu Hiểu Ba được né tránh khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có mặt ở đó. Tờ báo nhắc thêm sự kiện trong cuộc họp báo chung giữa tổng thống Pháp và Mỹ tại Paris, được một nhà báo Trung Quốc đặt câu hỏi về ấn tượng của họ đối với ông Tập Cận Bình, ông Macron thì gọi đó là « một trong những lãnh đạo lớn của thế giới » còn ông Trump thì tán dương đó là « một người bạn, một lãnh tụ tài năng, một người rất tốt ». Nhưng cả hai không đả động một lời nào về cái chết của giải Nobel Hòa Bình trong khi bị giam cầm.
Mặc dù sau đó tổng thống Pháp đã có vài dòng trên Twitter bày tỏ cảm xúc về cái chết của nhà ly khai. Ngoại trưởng Mỹ thì cũng kêu gọi Bắc Kinh để bà Lưu Hà vợ góa của Lưu Hiểu Ba được tự do ra nước ngoài. Xã luận của Le Monde ghi nhận, trong tất cả các phản ứng từ phương Tây về cái chết của Lưu Hiểu Ba, người ta tránh nói đến nhân quyền, hay bản án phi nhân đạo của chính quyền Trung Quốc đối với những nhà đối lập .
Le Monde bình luận: «Đó là hành động thiếu tư cách đạo đức và là một sai lầm chính trị. Chủ tịch Tập đã cố công thể hiện vai trò cường quốc kinh tế đang lên. Ông ta cũng cố tỏ ra là một đồng minh của châu Âu trên mặt trận khí hậu, một nhân tố đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại, ông ta có thể làm tất cả những điều đó nhưng đồng thời phải tôn trọng cuộc sống của những công dân của nước mình dám đấu tranh vì tự do. Các nước phương Tây có trách nhiệm nhắc nhở ông Tập điều đó. Điều tối thiểu giờ đây là phương Tây đấu tranh đòi tự do cho bà Lưu Hà để bà được lựa chọn nước bà đến».

http://vi.rfi.com


Ông Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc duy nhất từ trước tới nay được trao giải Nobel Hòa bình, vừa qua đời ở tuổi 61

Gần đây ông được đưa từ nhà tới bệnh viện để điều trị bệnh ung thư.
Ông Lưu bị kết án 11 năm tù vì viết và phát tán trên mạng thư kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng tại Trung Quốc.
Chính phủ các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã kêu gọi Bắc Kinh để ông được ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng Trung Quốc khước từ.
Ông là một trong những gương mặt chính trong phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989.
Đối với nhiều người ông Lưu Hiểu Ba là một anh hùng nhưng lại là một kẻ xấu trong con mắt của chính phủ đất nước ông.
Nhà hoạt động chính trị, người được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2010, được miêu tả là "biểu tượng quan trọng nhất" cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền tại Trung Quốc. Tuy nhiên giới chức trách Trung Quốc miêu tả ông là một tội phạm có mục đích "lật đổ nhà nước", và đã nhiều lần bỏ tù ông vì những phản đối của ông.
Ông Lưu Hiểu ba, 61 tuổi, từng là giáo sư đại học, được chẩn đoán bị ung thư gan giai đoạn cuối và đã được đưa ra khỏi nà tù để chữa bệnh.
Nổi tiếng với những quan điểm chính trị cứng rắn và những chỉ trích đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lưu liên tục vận động cho một đất nước Trung Quốc dân chủ và tự do hơn.
Một trong những khoảng khắc có tính quyết định làm nên sự nghiệp hoạt động của ông là trong giai đoạn diễn ra vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Là một giáo sư đại học trẻ từ vùng đông bắc Trung Quốc, khi đó ông đang thỉnh giảng tại đại học Columbia ở New York. Ông đã bay về Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên mà sau đó đã bị đàn áp đẫm máu khi giới chức trách điều quân đội tới dập tắt các cuộc biểu tình.
Ông Lưu và một số người khác được nhìn nhận là đã cứu vài trăm người biểu tình khi các nhà hoạt động đã thành công trong việc thương thuyết với quân đội cho phép những người này rời khỏi quảng trường an toàn.
Mặc dù được đề nghị cho đi tị nạn ở Úc, ông đã từ chối và chọn ở lại Trung Quốc. Sau đó ông đã bị bắt trong một cuộc đàn áp của chính phủ và được thả năm 1991.
Ông Lưu Hiểu Ba - ảnh do gia đình cung cấp ngày 3/10/2010.
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption- Ông bị chính phủ Trung Quốc coi là tội phạm nhưng lại được phong trào dân chủ coi là anh hùng

Sau khi được ra tù, ông Lưu đã vận động việc thả những người bị cầm tù vì vai trò của họ trong phòng trào dân chủ Thiên An Môn, và chính ông đã bị bắt lại và bị kết án ba năm lao động cải tạo.
Năm 1996, trong khi vẫn đang ở trong tù, ông kết hôn với bà Lưu Hà, người từ đó cũng trở thành mục tiêu của giới chức trách.
Ông tiếp tục các hoạt động đấu tranh thậm chí cả khi giới chức trách ngăn cản ông làm việc trên cương vị là một giảng viên đại học và cấm sách của ông tại Trung Quốc.
Năm 2008, ông và một nhóm trí thức đã giúp soạn thảo ra một cương lĩnh mang tên Hiến chương 08. Tài liệu này đã kêu gọi một loạt những cải tổ dân chủ ở Trung Quốc bao gồm một Hiến pháp mới và một nền dân chủ tư pháp. Hiến chương cũng gọi các tiếp cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc với hiện đại hóa là "một thảm họa".
Có lẽ đây là giọt nước cuối cùng vào ly nước đã đầy đối với chính phủ Trung Quốc. Hai ngày trước khi Hiến chương được công bố trên mạng, cảnh sát đã tới lục soát nhà ông và bắt ông đi.
Ông bị tạm gia một năm trước khi bị đưa ra tòa. Vào ngày Giáng sinh năm 2009, ông bị kết án 11 năm tù.
Giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi
Năm sau, ông Lưu được tặng giải Nobel Hòa bình và được những người trao giải ca ngợi vì "cuộc đấu tranh lâu dài bất bạo động" của ông.
Trung Quốc đã có phản ứng đầy giận dữ. Ông Lưu đã khôgn đuợc phép dự lễ nhận giải và truyền thông thế giới đã đưa tin với bức ảnh chiếc ghế dành cho người nhận giải bị bỏ trống.
Không bao lâu sau khi được tặng giải thưởng này, bà Lưu Hà, vợ ông, cũng bị quản thúc tại gia, bị cách biệt không được nhận những trợ giúp của gia đình và những người ủng hộ. Giới chức trách Trung Quốc không bao giờ giải thích tại sao họ lại giới hạn việc đi lại của bà.
Ảnh ông Lưu Hiểu Ba được vợ ông, bà Lưu Hà, cung cấp ngày 8/10/2010
Bản quyền hình ảnh EPA Image caption- Ông Lưu Hiểu Ba được thả khỏi nhà tù vì lý do nhân đạo

Tới ngày 23 tháng Năm năm 2017, khi còn ba năm tù, ông Lưu bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan và được đưa ra điều trị tại một bệnh vện ở tỉnh Thẩm Dương ở đông bắc Trung Quốc.
Mặc dù bị tù đày nhiều lần, ông Lưu vẫn luôn hy vọng có một nước Trung Quốc dân chủ.
"Tôi vẫn luôn mạnh mẽ tin rằng những tiến bị chính trị của Trung Quốc sẽ không ngừng lại và tôi với niềm lạc quan sâu sắc, mong muốn được thấy một đất nước Trung Quốc tự do trong tương lai," ông nói trong một tuyên bố được đưa ra sau phiên tòa xử ông hồi năm 2009. "Vì không có thế lực nào có thể ngăn chặn được đòi hỏi của con người được có tự do và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia được điều hành bởi luật pháp, nơi nhân quyền là trên hết."

http://www.bbc.com


Lễ tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba tại Sài Gòn

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-07-17

Bà Lưu Hà ôm di ảnh của chồng, Khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba  và một người đàn ông (bìa phải) cầm hòm đựng tro cốt của ông Lưu.
Bà Lưu Hà ôm di ảnh của chồng, Khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba và một người đàn ông (bìa phải) cầm hòm đựng tro cốt của ông Lưu. Courtesy: Shenyang City News Bureau

Một buổi tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba được một nhóm các nhân sĩ trí thức Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 16/07/17, cùng với ngày thi hài của Khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba được hỏa táng ở Trung Quốc.

Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba
“Lưu Hiểu Ba là ngọn lửa của trí tuệ và lòng quả cảm của người trí thức đích thực, người đấu tranh cho nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc, giải Nobel Hòa bình 2010. Lưu Hiểu Ba bị bắt năm 2008 và bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc “âm mưu lật đổ nhà nước”, vừa qua đời ở tuổi 62 tại một bệnh viện thuộc thành phố Thẩm Dương sau một thời gian ngắn điều trị bệnh ung thư gan.”
Đây là lời mở đầu của bài diễn văn có tựa đề “Lưu Hiểu Ba, ngọn lửa vẫy gọi” được Giáo sư Tương Lai đọc trong buổi tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, vào chiều Chủ nhật, ngày 16 tháng Bảy, tại nhà riêng của Giáo sư Tương Lai, ở quận 7, Sài Gòn.
Trong bài diễn văn tưởng niệm Khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba, Giáo sư Tương Lai gọi Giáo sư Lưu Hiểu Ba là biểu tượng của một nhân cách trí thức với bản lĩnh “uy vũ bất năng khuất”, đã bền bỉ và quả cảm đấu tranh cho khát vọng tự do và dân chủ chống lại chế độ toàn trị phản dân chủ đang thống trị người dân Trung Quốc.
Giáo sư Tương Lai nhắc lại quá trình đấu tranh của ông Lưu Hiểu Ba kể từ khi vị giáo sư khả kính này rời Đại học Columbia ở New York, Hoa Kỳ về Trung Quốc đồng hành cùng sinh viên và thanh niên Hoa Lục trong các cuộc biểu tình ôn hòa đòi tự do dân chủ và ông đã thương thuyết với quân đội để cứu hàng trăm người biểu tình không bị giết hại trong vụ thảm sát Thiên An Môn hồi năm 1989.
Giáo sư Tương Lai nhấn mạnh quan điểm đấu tranh vì một đất nước Trung Hoa tự do dân chủ của ông Lưu Hiểu Ba:
“Trong mở đầu của Hiến Chương 08 của ông thì ông nói là "Đến ngày hôm nay, tiến trình cải cách chính trị vẫn còn nằm trên giấy: có luật pháp nhưng không có pháp quyền, có một bản hiến pháp nhưng không có chính thể lập hiến. Đây vẫn là một thực tế chính trị mà ai cũng thấy". Cho nên ông cho rằng "kẻ thù lớn nhất của phong trào dân chủ không phải là nhà cầm quyền mà là sự thờ ơ của quần chúng. Vì vậy tương lai của một Trung Quốc phải đến từ nỗ lực tranh đấu của người dân, chứ không phải sự thoái lui của đảng cầm quyền.”
Liên đới đến Việt Nam, trong bài diễn văn tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, Giao sư Tương Lai cũng đề cập đến những tên tuổi mà họ đã noi gương của Khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba như Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh-Blogger Mẹ Nấm và còn rất nhiều thanh niên Việt Nam đã và đang dấn thân vì khát vọng dân chủ và tự do, vì quyền con người của người dân trong nước.
TuongNiemLHB.gif
Quang cảnh buổi tưởng niệm Khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba ngày 16/07/2017. Courtesy: GS. Tương Lai cung cấp

Giáo sư Tương Lai gửi đến các tù nhân lương tâm và những nhà đấu tranh vì đất nước Việt Nam tự do-dân chủ-nhân quyền, như chính Giáo sư Lưu Hiểu Ba đã làm cho tổ quốc Trung Hoa của ông khi ông còn tại thế, niềm kính phục sâu sắc cũng như sẽ cùng tiếp sức cho họ trong những thử thách cam go trên con đường dấn thân họ đã chọn. Giáo sư Tương Lai nói với RFA ông tin rằng tâm huyết của ông Lưu Hiểu Ba là ngọn lửa bất diệt đối với những người dấn thân vì dân chủ và tự do ở Việt Nam, Trung Quốc và ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.
“Giới trẻ Việt Nam rất thông minh và họ có đủ bản lĩnh để đấu tranh cho dân chủ, cho tự do và cho quyền con người. Những người trẻ tuổi chính là niềm hy vọng của chúng tôi, lớp người cũng đã gần đất xa trời mất rồi. Chúng tôi tin vào tuổi trẻ đầy đủ bản lĩnh để đấu tranh.”

http://www.rfa.org/vietnamese


Lưu Hiểu Ba:

Chuyện tình vượt lên trên lao tù

Celia Hatton
Phóng viên BBC News

Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà

Bản quyền hình ảnh Supplied Image caption

Chuyện tình của ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà đã trải qua những năm tháng ở trại cải tạo lao động, nhà tù và quản thúc tại gia
Họ đã phải tranh đấu mới được kết hôn với nhau. Nhưng ngay cả khi chính quyền Bắc Kinh cho họ kết hôn, vẫn còn những vấn đề.
Chiếc máy ảnh được dự định chụp ảnh cưới cho cặp đôi bỗng nhiên không hoạt động. Giấy chứng nhận kết hôn tại Trung Quốc sẽ không được đóng dấu trừ khi có dán ảnh cặp đôi. Vì vậy, ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà đối phó bằng cách ghép ảnh chụp của mỗi người. Chuyện xảy ra năm 1996.
Kết hôn là chiến thắng nhỏ cho họ. Nhờ vậy mà bà Lưu Hà có quyền đến thăm chồng mới cưới bị cầm giữ tại trại cải tạo lao động ở miền đông bắc Trung Quốc. Mỗi tháng, bà phải vượt quãng đường đi về 1.600 km từ Bắc Kinh để thăm chồng.
Bà viết trong một bài thơ:
"Trên chuyến tàu đến trại tập trung
Em thổn thức
Nhưng vẫn không thể nắm lấy tay anh."
Tiệc cưới của họ diễn ra ở canteen của trại cải tạo.
Theo những thông tin thu thập được, dù bị chính quyền liên tục gây trở ngại, tình cảm của ông bà Lưu vẫn không bị chia cắt.
Cặp đôi này chỉ được sống cùng nhau trong những khoảng thời gian ngắt quãng, khi ông Lưu ra tù vào khám. Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà luôn ở bên nhau chỉ trừ khi họ bị buộc phải xa cách.
Ông Lưu Hiểu Ba là một giáo sư được yêu thích, thường được mời đi nói chuyện và nghiên cứu ở nước ngoài.
Vào mùa xuân năm 1989, ông đang ở New York khi nghe tin các cuộc biểu tình vì dân chủ đang diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn. Ông ngay lập tức trở về Trung Quốc.
Ông cũng là người giúp thương thuyết với các binh lính Trung Quốc để nhiều sinh viên được rời khỏi Quảng trường an toàn.
Cho tới nay vẫn chưa rõ bao nhiêu người đã bị lực lượng chính phủ giết hai vào tháng Sáu năm 1989, nhưng hầu hết đều đồng ý là con số tử vong có thể đã cao hơn nhiều nếu không có ông Lưu Hiểu Ba.
Điều đó cũng chẳng làm thay đổi gì đối với chính phủ Trung Quốc.
Sau sự kiện Thiên An Môn, ông bị giữ tại một trại giam giữ bí mật. Ông bị lưu tại đây gần 20 tháng. Khi được thả, ông hầu như trắng tay, mất hết mọi thứ kể cả công việc dạy học danh giá và nhà cửa. Rồi khi đó, ông kết nối được với người đã trở thành ánh sáng cuộc đời ông: một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết - bà Lưu Hà.
"Tôi tìm thấy mọi vẻ đẹp thế giới ở người phụ nữ này", ông được cho là đã nói như vậy với một người bạn.
Trẻ hơn ông sáu tuổi, bà được xem là một nhà thơ có tài. Bạn thân của bà, nhà văn Lưu Tích Vũ, cho biết khi đó bà luôn cười khúc khích. Bà Lưu Hà cũng nổi tiếng là người có tửu lượng cao. Bà có khả năng hạ gục bạn bè trên bàn rượu. Ông Lưu Hiểu Ba thì có thể ăn rất nhiều nhưng lại chỉ uống Coca-Cola.
Bà Lưu Hà sinh ra trong một gia đình danh giá. Bà là con gái của một viên chức ngân hàng cao cấp. Bà được hy vọng sẽ trở thành cán bộ nhà nước nhưng bà đã từ bỏ cuộc sống ổn định đó để trở thành nhà văn.
Mặc những khó khăn, cha mẹ bà Lưu Hà ủng hộ mối tình của bà với ông Lưu Hiểu Ba bất chấp những rắc rối chính trị mà ông phải chịu.
Trong thời gian đầu, họ cố gắng tạo cho mình một cuộc sống như những người bình thường khác. Ông Lưu chuyển tới căn hộ của bà không xa Quảng trường Thiên An Môn và họ bắt đầu cuộc sống chung.
Ông thường xuyên bị lực lượng an ninh theo dõi, giám sát, và họ gây áp lực buộc ông không được viết về sự cần thiết phải có dân chủ, buộc ông ngưng chỉ trích nhà nước độc đảng của Trung Quốc.
"Quý vị phải hiểu rằng: nếu chính phủ đàn áp một ai đó, điều đầu tiên họ cố làm là quấy rối cuộc sống riêng tư của người đó," một người bạn của họ, Martin Lưu Thiên Kỳ, nói.
"Họ sẽ chia rẽ hai vợ chồng. Nếu một người ngồi tù thì cuộc sống gia đình của họ cũng chấm dứt". Hai vợ chồng ông bà không bao giờ thực sự nghĩ tới chuyện có con, ông Thiên Kỳ nói.
"Một lần tôi hỏi ông, "Này, tại sao anh không có con với chị Lưu Hà?" ông Thiên Kỳ kể tiếp.
"Lưu Hiểu Ba trả lời tôi: "Tôi không muốn có một người con trai hay con gái để chúng thấy cha của chúng bị cảnh sát bắt đi".
"Ông đã nói với tôi như vậy. Đó là lý do tại sao họ đã không có con".
Khi ông Lưu Hiểu Ba bị án tù cuối cùng, án 11 năm, ông Thiên Kỳ thường nói chuyện với bà Hà, và bà luôn khóc trên điện thoại.
"Tất nhiên bà yêu ông ấy và bà sẵn sàng làm mọi thứ cho ông," ông Thiên Kỳ giải thích. "Thỉnh thoảng bà phàn nàn. Không phải là phàn nàn nhưng bà vẫn nói với ông: 'Em chẳng bao giờ có một ngày bình yên từ khi em đến với anh.'
"Mà đúng là như vậy. Nó không có nghĩa là bà muốn rời bỏ ông. Bà chỉ muốn nhấn mạnh là tình yêu của họ đã trải qua những khó khăn như thế nào và nó đã tồn tại."
Thậm chí khi ông Lưu Hiểu Ba được thả ra khỏi nhà tù, họ cũng ít khi được yên thân.
"Vì ông viết nhiều bài báo chỉ trích xã hội nên nhiều người kém may mắn tới nhà gặp ông," ông Thiên Kỳ nhớ lại.
"Ông thậm chí không quen biết họ. Họ gõ cửa nhà ông, bấm chuông và nói "xin hãy giúp tôi, chuyện bất công đã xảy ra với tôi". Và hầu như ông luôn giúp những người này."
Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà
Bản quyền hình ảnh HANDOUT Image caption Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà (năm 2002) chỉ được sống bên nhau một thời gian rất ngắn khi ông được ra khỏi tù

Mọi thứ thay đổi khi ông Lưu Hiểu Ba giúp viết và lưu truyền Hiến chương 08, tài liệu kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng tại Trung Quốc và chính quyền đã bỏ tù ông. Bà Lưu Hà luôn tránh những bình luận chính trị của ông Lưu Hiểu Ba nhưng bà nói với nhà làm phim Ngải Hiểu Minh rằng bà biết Hiến chương sẽ gây ra rắc rối.
"Tôi đã nhìn trước thấy chuyện đó rồi sẽ tới," bà giải thích. "'Từ khi bản sơ thảo đầu tiên của Hiến chương 08 xuất hiện ở nhà tôi, tới khi ông Lưu Hiểu Ba lao vào sửa lại nó, tôi chỉ biết là một điều khủng khiếp sẽ xảy ra."
Trước khi Hiến chương 08 được chính thức công bố, ông Lưu Hiểu Ba đã bị bắt đi. Tại phiên xử ông gần một năm sau đó, ông bị kết án tội tìm cách lật đổ chính quyền.
Trong tuyên bố công khai cuối cùng của ông tại tòa năm 2009, ông kết thúc với lời nói với vợ mình.
Ông nói: "Trong suốt những năm tháng này anh sống không có tự do, tình yêu của chúng ta đầy cay đắng vì hoàn cảnh áp đặt từ bên ngoài nhưng trong khi anh nếm trải điều đó thì tình yêu vẫn không có giới hạn.
"Anh sẽ ngồi trong nhà tù có thực trong khi em chờ đợi trong nhà ngục vô hình của trái tim. Tình yêu của em là ánh mặt trời sẽ vượt qua những bức tường cao vọi và xuyên qua những song sắt cửa sổ nhà tù của anh, ve vuốt trên từng làn da anh và làm ấm nóng mọi tế bào trên cơ thể anh, cho phép anh luôn gìn giữ sự bình yên, rộng mở và điểm sáng trong trái tim anh, và lấp đầy từng giây từng phút trong tù của anh với những điều có ý nghĩa.
"Ngược lại, tình yêu của anh dành cho em lại đầy nuối tiếc và ân hận mà đôi khi nó làm anh lê bước trước sức nặng của nó."
Không rõ ông Lưu Hiểu Ba biết được bao nhiêu về điều kiện sống của bà LưuHà sau khi ông ngồi tù án tù cuối.
Sau khi ông được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2010, bà bị quản thúc tại gia rất ngặt nghèo trong căn hộ bé nhỏ tại Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn của BBC năm 2010, bà Lưu Hà nói rằng bà không thể nói cho chồng nghe chuyện mình bị quản thúc tại nhà.
"Chúng tôi không được phép nói về điều này. Dù sao, tôi nghĩ rằng ông ấy có thể thấu hiểu tình cảnh của tôi. Tôi chỉ nói với ông ấy, "Em sống trong cảnh ngộ giống như anh..."
Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà
Bản quyền hình ảnh Supplied Image caption. Ông Lưu Hiểu Ba bị bệnh ung thư khi ở trong tù

http://www.bbc.com/vietnamese


"Bị đánh" sau khi dự tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

tuongniem luuhieuba 1
Nhà hoạt động Sương Quỳnh thuật lại việc bà bị hành hung ở Sài Gòn trong lúc về nhà sau khi dự buổi tưởng niệm Lưu Hiểu Ba hôm 16/7/2107

Một nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam vừa đưa thông tin trên mạng xã hội cho hay bà đã bị một nhóm người 'theo dõi' và 'hành hung' trên đường về nhà sau khi dự một lễ tưởng niệm nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba tại Sài Gòn vào tối hôm Chủ Nhật.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình trong một tường trình tự thuật trực tuyến (live), bà Sương Quỳnh, người vừa dự buổi lễ tại nhà riêng của Giáo sư Tương Lai hôm 16/7/2017, đưa ra cáo buộc cho biết bà đã bị tấn công bởi một đám đông khi đi trên xe máy một mình:
"Khi tôi đi dự lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại nhà của Giáo sư Tương Lai về... khi tôi đi trên đường Nguyễn Văn Linh về thì co chỉ dẫn là tôi đi sang quận II theo cầu Phú Mỹ... Tôi theo cầu đó đi và tôi cũng đã hơi có một linh cảm rằng sẽ có người theo tôi," bà Sương Quỳnh nói.
"Vì ngay lúc chúng tôi làm tưởng niệm ở trên, thì ở dưới an ninh cũng có những người ở đó chụp ảnh, nhưng tôi nghĩ cả đoạn đường vắng đó mà họ không đánh tôi ngay trên cầu Phú Mỹ, vì khi đó rất là vắng và cả con đường đó vắng.
tuongniem luuhieuba 2
Image caption Một số thành viên dự lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại nhà riêng Giáo sư Tương Lai hôm 16/7, bà Sương Quỳnh đứng ngoài cùng bên phải, hàng đầu.

"Tôi nghĩ rằng khi đến quận II, họ định vị được tôi đi vào con đường đó, thì khi đó họ mới tập trung người, lúc tôi đi qua, một nhóm người kéo nhau, họ nhìn mặt, nhận rồi thì họ đứng chờ nhau. Tôi đến đường Nguyễn Thị Định để rẽ về quận II, tôi đang vòng ra đường Nguyễn Thị Định để hỏi đường, mọi người chỉ cho tôi đường ấy thì lập tức có một chục thanh niên xông vào đánh tôi.
"Họ đạp tôi ngã xuống xe, lập tức tôi la lên là 'Cướp xe! Cướp xe! Nhưng cũng phải đến 5-6 người xông vào đánh tôi, đánh liên tục, đấm đá vào vai, vào lưng, vào tay tôi, đạp vào chân tôi. Tay tôi đang bị xước," bà Quỳnh vừa thuật lại trên Facebook vừa chỉ cho thấy vết thương trên khuỷu tay trái của bà.

"Mới đầu tưởng là cướp"
"Và họ đánh vào đầu tôi, nhưng do có mũ bảo hiểm, tôi cũng bất ngờ. Mới đầu tôi cũng nghĩ là cướp, nhưng họ không đụng chạm gì đến xe của tôi cả... Nhưng xung quanh đấy người dân thấy tôi la như thế mà thấy chỉ có một mình tôi, nên họ xông ra cũng rất nhiều, có bốn, năm người họ mang gạch, ngói họ xông vào đánh mấy người kia... Thậm chí lúc ấy có người còn mang cả gậy gộc ra.
Lúc ấy tôi nghe thấy nói 'Nhầm rồi, nhầm rồi, bọn tôi là Công an! Tôi là An ninh, bọn tôi đánh phản động!' Nhưng người dân họ bất kể, họ không tin, họ vẫn xông vào họ đánh và đánh nhau rất là kinh khủng. Lúc ấy là người dân với cả (nhóm tấn công), và tôi không biết nhóm nào vào nhóm nào, họ đánh nhau. Lúc ấy tôi thấy lôi cả kiếm, cả gậy gộc ra, sau khi người dân họ túa ra họ lấy gậy gộc, đá nện... thì đám (tấn công) đó mới nhảy lên xe, hơn một chục người, họ lên xe và đi mất và tôi có nhìn thấy một người mà tôi rất quen mặt mặc áo đỏ, mà tôi cho đấy là an ninh thường xuyên theo dõi tôi, an ninh của Quận" bà Sương Quỳnh nêu cáo buộc.
"Và họ đứng họ nhìn tôi, vì tôi đứng ở trong và người dân đứng bảo vệ, họ bỏ họ đi. Lúc ấy người dân, một người chạy đi báo Công an, ngay bên kia đường Nguyễn Thị Định có một (Đồn) Công an phường. Có ba người chạy tới. Mãi sau ba người chạy tới, thì lúc ấy người dân mới nói chuyện với tôi rằng 'Chị là cái gì mà sao họ nói chị là 'phản động'? Mà lúc chúng em đánh, họ nói họ là Công an, thấy chị la 'cướp, cướp', em vẫn nghĩ bọn cướp nó giả dạng."
Và nhà hoạt động cho biết tiếp trên Facebook:
"Tôi nhận luôn, tôi bảo rằng là 'Chị hay đi biểu tình chống Trung Quốc, thì đây là Công an đánh chị đấy', bà Sương Quỳnh tiếp tục nêu cáo buộc.
Nhà hoạt động sau đó cho hay bà đã từ chối không tới đồn Công an ở gần hiện trường vì quan ngại không an toàn khi tới đó trình báo theo yêu cầu và đã 'liều đi về' sau khi đã chọn các lối đông người.

"Từ chối về đồn CA"
Bà Sương Quỳnh cũng kể ba sỹ quan công an phường đã từ chối lời yêu cầu của người dân bảo vệ và 'đưa bà về nhà'. Vẫn theo nhà hoạt động, các viên chức công an này đã không tin những người đã tấn công bà là công an.
"Công an gì mà lại đi cướp?" bà thuật lại lời bình luận của họ trên Facebook được phát trực tuyến.
tuongniem luuhieuba 3
Bản diễn văn do Giáo sư Tương Lai đọc tại lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại gọi nhà hoạt động hàng đầu của Trung Quốc là 'Ngọn lửa vẫy gọi'.

BBC Việt ngữ đã thử liên lạc với bà Quỳnh, cũng như với đồn công an ở khu vực được mô tả sau khi nhận được thông tin từ Facebook của nhà hoạt động, nhưng chưa liên lạc được.
Trước đó, Giáo sư Tương Lai, nhà bất đồng hàng đầu, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học của Việt Nam, nói với BBC một lễ tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc vừa qua đời hôm 13/7, đã được tổ chức tại nhà ông và bà Sương Quỳnh là một trong những người tham gia.
Tại buổi lễ, trong diễn văn đọc trước một nhóm các nhân sỹ, trí thức ở Sài Gòn, một số thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và các nhà hoạt động khác, Giáo sư Tương Lai gọi ông Lưu Hiểu Ba "là ngọn lửa của trí tuệ và lòng quả cảm của người trí thức đích thực".
Về lý do của cuộc tưởng niệm, nguyên thành viên tổ tư vấn chính phủ VN thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói:
"Chúng tôi tổ chức (sự kiện) này, đương nhiên là ngoài việc chính là tỏ lòng ngưỡng mộ một giải Nobel Hòa Bình người Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa...
"Lưu Hiểu Ba là một tù nhân lương tâm vĩ đại, ông bị nhà cầm quyền bắt nhiều lần và bản án của ông là một bản án khắc nghiệt. Đến khi ông bị ung thư, người ta cũng không cho ông đi chữa trị. Vì sao? Vì người ta sợ uy tín và biểu tượng đấu tranh của ông ta."
tuongniem luuhieuba 4
"Những vết thương do côn đồ nhận là công an đánh tôi. Hiện gáy tôi bị sưng to", bà Sương Quỳnh viết trên FB kèm hình ảnh về vài thương tích mà bà nói đã gặp phải.

"Ở Việt Nam hiện nay... ngọn lửa Lưu Hiểu Ba cũng âm ỷ cháy và bừng sáng trong những con người Việt Nam quả cảm, đang đấu tranh cho khát vọng dân chủ và tự do và cho quyền con người. Những người ấy cũng đã bị nhà nước này bắt giam như đang giam cầm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - mẹ Nấm... và bao nhiêu người khác nữa.
Chúng tôi nói rằng họ đang ở tù thay cho chúng tôi, vì chúng tôi cũng đang đấu tranh cho mục tiêu của họ đang đeo đuổi. Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba cũng là để làm nóng lên ý chí quật cường bất khuất của người trí thức Việt Nam, của người đấu tranh cho nhân quyền, cho khát vọng dân chủ và tự do", Giáo sư Tương Lai nói với BBC Việt ngữ.
tuongniem luuhieuba 5
Quang cảnh lễ Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình, ở Sài Gòn hôm 16/7/2017


Vĩnh biệt Lưu Hiểu Ba

Trần Vấn Lệ

Lưu Hiểu Ba không còn tại thế (1). Anh đi rồi, thôi kể như xong! Nước Non nặng một tấm lòng, xuôi tay nhắm mắt Sắc Không vẻ vời…
Sức một người sông dời biển lấp bằng tay không…không thể làm hơn! Anh đi, cửa ngục vẫn còn, mở ra khép lại, vui buồn ngẩn ngơ!
Sáu mốt tuổi không chờ ngày chết mà bệnh đau ai biết ngày nào. Biết đời không có kiếp sau nên khi nhắm mắt khói màu vẫn đen!
Anh sống chẳng bon chen giành giật. Giải Nobel được cấp thì mừng. Tưởng là cứu được nước Trung, tưởng dân một tỉ một lòng, tưởng thôi…
Anh tắt thở, ngậm cười, tắt thở. Đứng bên anh người vợ…cùng tù! Một người yên giấc Thiên Thu. Một người nước mắt cứ từ từ lăn…
Một nước Tàu lòng tham không đáy. Không làm sao vực dậy giống nòi…Chết Quê Hương vẫn lạc loài, Thương anh, vĩnh biệt, đây bài thơ thương!
Tự Do với Đoạn Trường là một, Cộng Sản Tàu mấy dốt còn khôn… Việt Nam tôi cũng mỏi mòn, rồi ai sẽ chết chia buồn cùng anh?
Đời lạnh lẽo, lạnh tanh, lạnh lẽo. Buồn như rừng lá héo đang Thu. Lưu Hiểu Ba không tạ từ, công anh ai biết, kiếp người ai…vay?
Trần Vấn Lệ

Lưu Hiểu Ba, người Tàu, dạy Đại Học tại Mỹ. Năm 1989 hồi hương cùng sinh viên tranh đấu vụ Thiên An Môn, bị Công An Trung Quốc bắt giam, được giải Nobel Hòa Bình 2010 vì tranh đấu bất bạo động chỉ để đòi hỏi cho nước Trung Tự Do, dân nước Trung Dân Chủ. Anh nhuốm bệnh gan trong tù, chữa trị hạn chế, được đưa ra chữa bệnh ngoài nhà giam nhưng quá nặng và anh đã trút hơi thở cuối cùng ngày 13 tháng 7 năm 2017… Tuổi đời: sáu mươi mốt!

https://sangtao.org

 

Đăng ngày 22 tháng 07.2017