Viết cho Ngày Quốc hận
Hãy trân trọng Ngày Quốc hận
Phan Văn Song
Đôi lời tâm tình
Từ 37 năm nay, từ 11 giờ sáng của ngày 6/6 năm 1980, từ ngày đáp xuống phi trường Orly, trong chuyến bay Air France lần cuối của đời một người mang quốc tịch Việt Nam Cộng Hòa, nay đã biến thành một người Vô Quốc Tịch, một người Vô Tổ Quốc – Apatride vào chẳng bao lâu mang quốc tịch Pháp. Ngày hôm trước, chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt trong một không khí buồn tẻ, nhục nhằn của một người bị trục xuất, từ nay mất nhà, mất đất, mất quê hương, vĩnh viễn sẽ không gặp lại cha mẹ nữa. Chúng tôi đành rời bỏ cái phi trường của thành phố nơi chôn nhau cắt rún, từ năm năm nay đã bị xóa tên. Vĩnh viễn rời bỏ, cái phi trường lớn nhứt của một cựu thủ đô của cựu nước Việt Nam Tự Do thân yêu ! Giã từ, Adios, thôi không trở lại nữa!
Mừng, mừng, tùi tủi, ngỡ ngỡ, ngàng ngàng, gặp lại cô vợ, gặp lại thằng con sau 5 năm gởi người nuôi nấng. Và cũng kể từ ngày đó, chúng tôi nguyện suốt đời tỵ nạn, lưu vong của chúng tôi, gia đình chúng tôi PHẢI luôn luôn giữ những tập tục truyền thống văn hóa Việt Nam. Chẳng những giữ lễ nghĩa của Ba Ngày Tết, để thờ cúng Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. Chúng tôi, từ nay, PHẢI giữ thêm cái tưởng vọng các anh linh các chiến hữu quân dân cán chánh của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa đã hy sanh vì Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ. Tóm lại, vì Chánh Nghĩa !
Tuần cuối cùng của mỗi Tháng Tư Đen, từ năm 1981 đến nay, gia đình chúng tôi ăn chay. Ăn chay là ăn toàn rau xanh, không thịt cá thế thôi - không màu mè tương chao, đậu hủ, giả cầy, giả cá gì cả! Ăn qua loa để nhớ cái gốc lưu vong, cái gốc gác của đời tỵ nạn. Ăn chay – nói theo quan niệm riêng của chúng tôi dạy cho con cháu – là ăn qua loa, ăn để mà sống. Cơm khoai, bánh mì, rau xanh xà-lách, trái cây… tóm lại, nói theo Tây là ăn carême, ăn végétarien. Gia đình chúng tôi cố giữ phong tục một gia đình ly hương để không quên quê hương nguồn gốc. Giữ truyền thống, phong tục. Trong nhà chúng tôi cố giữ cái Đạo Việt, vì chúng tôi đi Đạo Cơ Đốc nên không có bàn thờ hình Chúa hay Thánh giá, nhưng lập và thắp sáng cái bàn thờ Tổ Tiên. Riêng tuần Quốc hận, thắp sáng bàn thờ Tổ quốc, tưởng niệm các tử sĩ bỏ mình cho Tự do!
Đối với chúng tôi, Tôn giáo, Đức tin phần tâm linh là của mỗi cá nhơn. Tuy là Giáo sĩ trách nhiệm mục vụ tại một Hội đoàn Giáo dân vùng, chúng tôi không làm phép rửa tội bốn đứa con chung tôi, chúng tôi đã giáo dục truyền giảng giáo lý Cơ đốc giáo cho các con, nhưng để các con hoàn toàn lựa chọn Tôn Giáo và Đức Tin khi trưởng thành và biết trách nhiệm lựa chọn con đường tâm linh của mình! Tôn giáo thường gọi là Đạo, (con đường giữ người) là cá nhơn. Cá nhơn chúng tôi, có Đức Tin và phần tâm linh là Cơ Đốc Giáo, tập tục lễ nghĩa theo hệ thống Nhà thờ Liên Hiệp Tin Lành Luther và Cải Cách. Nhưng truyền thống gia đình chúng tôi, là văn hóa lễ nghĩa chung của nguồn gốc cộng đồng người Việt và người Pháp. Vì ở Pháp, vì nửa gia đình gốc Pháp, gia đình chúng tôi cố giữ truyền thống đất nước Việt Nam làm nguồn gốc chung, chúng tôi chọn là Đạo (Con đường xử thế) Việt. Vì lẽ ấy Bàn Thờ Tổ Tiên phải có. Bàn thờ Tổ Tiên họ PHAN để nhớ nguồn gốc, thờ phượng Cha mẹ, Tổ Tiên, Đất Nước, Đồng Bào !
Hằng năm hai lần, trong gia đình chúng tôi, Bàn Thờ Tổ Tiên được thắp sáng.
Lần đầu, từ ngày 15 tháng 12 dương lịch là ngày mất của Cha chúng tôi, từ nay là Ngày Hiệp Kỵ dòng họ Gia đình họ PHAN chúng tôi, gốc Thừa Thiên-Huế, làng Mậu Tài-Phú Vang, đến ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch, ra Tết.
Lần thứ hai là thắp sáng từ ngày 30 tháng ba là Ngày Huế thất thủ – quê quán gốc của dòng họ Phan – đến ngày 30 tháng tư là Ngày Sài gòn thất thủ và đất nước tiêu tùng.
Một năm hai lần, một lần Vọng Nhớ Tổ tiên, Nguồn gốc, Cha mẹ – Ơn Đất Nước, Ơn Tổ Tiên. Một lần Nhớ Ngày Tang Dân tộc, Ơn Đất Nước Nghĩa Đồng Bào.
Đó là Tứ Ơn : Đất Nước, Tổ Tiên, Đồng Bào và Trời Đất-Tôn Giáo.
Chúng tôi dạy con dạy cháu chúng tôi, truyền thống Việt Nam, giữ Tứ Ơn : Bốn Ơn Phước : Nhứt, Đất Nước Việt Nam, thứ đến Tổ Tiên Việt Nam, rồi đến Đồng Bào Việt Nam, còn Ơn cuối cùng, Ơn thứ tư là Ơn Tâm Linh-Tôn Giáo - Đức Tin tùy cá nhơn con cháu, Phật Chúa đều quý cả, kể cả Không Có Đức Tin – Athée, hay Không Tin- Agnostique - vì đó là Đạo, đó cũng là Đức, là Con đường xử thế, con đường giữ mình hằng ngày. Như vậy, Con người Việt gồm có Ba Ơn của Đạo Việt, và Đức Tin Tôn giáo cá nhơn để tu thân giữ mình.
1. Ngày Quốc hận phải là biểu tượng của người Quốc gia
Chúng ta, người Việt tỵ nạn Cộng sản từ trên 40 năm nay, sống đất người, hội nhập ít nhiều đất người, ngày nay sanh sống rải rác khắp nơi trên thế giới, tùy phong, tùy tục, nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, sống sao cho hợp cảnh, hợp tình, hợp với lòng người, sống sao cho phải đạo mình, đó thôi ! Có nơi có may mắn, tụ họp đông đủ được một cộng đồng, tạo lập được những nơi sanh hoạt giữ nề giữ nếp Việt, phong Việt, tục Việt, Việt văn, Việt hóa. Nhưng cũng có vài nơi xa xôi, vắng vẻ, nhưng nhờ đất lành chim đậu, vẫn dễ dàng để người Việt chúng ta sanh sống, sanh con đẻ cái.
Sanh hoạt hằng ngày có vẻ như người bản xứ nhưng về nhà vẫn cố giữ tục, giữ hồn người Việt. Hồn Người Việt là Tứ Ơn. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã truyền dạy Giáo dân Phật Giáo Hòa Hảo. Chúng tôi tuy Tôn giáo Tin Lành, đọc Thánh Kinh, giữ lời Chúa, nhưng rất ngưỡng mộ lời dạy Đức Thầy, lấy Tứ Ơn làm kim chỉ nam giữ Đạo Việt, giữ hồn người Việt. Lời Chúa là Tâm Linh giữ Đạo, giữ Đức. Tôn giáo là Đức Tin, là lòng dạ cá nhơn, là lương tâm cá thể chỉ là một trong Tứ Ơn. Ba Ơn còn lại Ơn Tổ Tiên-Cha mẹ, Ơn Đất Nước- Quê hương, Ơn Đồng Bào ấy là linh hồn Việt.
Chúng tôi thường ngưỡng mộ hai dân tộc và cách sống của họ :
Thứ nhứt là dân tộc NHỰT BỔN, ngày ra đường họ mặc âu phục làm việc, tổ chức làm việc rất Âu Mỹ. Tối về nhà, trong gia đình họ là người Nhựt, kimono, ngủ sàn. Dù Đạo Phật hay Đạo Chúa, nhưng vẫn thờ vái, cúng bái, tin tưởng những Kami, tổ tiên truyền thống…Sanh hoạt văn minh Âu Tây, nhưng linh hồn, văn hóa thì vẫn Nhựt Bổn.
Dân tộc thứ hai là dân DO THÁI. Đạo Do Thái, có từ ngàn xưa, Thờ Chúa, Đấng Yê–Hô–Vah, giữ Đạo theo lời Chúa, nhưng có những tục lệ nề nếp để nhớ Ơn Xưa. Ngày nay dù 70 năm đã qua, người Do Thái vẫn hằng năm tưởng niệm Shoah Holocaust về những người Do Thái Âu Châu từng bị Nazi Đức sát hại.
Vì vậy ta phải trân quý Ngày quốc Hận như người Do Thái trân quý Shoah vậy!
2. Phải trân quý lá Cờ Vàng ba sọc chữ Càn
Chúng ta phải trân quý BA SỌC SONG SONG màu Đỏ - Chữ CÀN Đỏ như người Do Thái đã trân quý Ngôi Sao David của họ vậy! Ba Sọc song song - chữ Càn trong Kinh Dịch cũng là tượng trưng Tam Tài Thiên-Địa-Nhơn,
Vì chữ CÀN (ba sọc song song) chỉ hướng ĐÔNG. Từ nay, thoát khỏi cái suy nghĩ NAM. Hướng Nam, để đối với hướng Bắc, là một quan niệm, có từ thời Hán Thuộc lần thứ Nhứt, phía Nam của một vùng ảnh hưởng Triều đình Hán nằm ở hướng Bắc – Beijing, BẮC kinh. Nam cũng đến từ tên nước NAM Việt từ Triệu Đà cướp nước Âu Lạc của An Dương Vương. Thăng Long thủ đô của nước Đại Việt, cũng được gọi là Đông Kinh (Do đó các thủy thủ Pháp đặt vùng miền Bắc là TONKIN do từ ĐôngKinh trại ra !
Trước Nam Việt tên nước ta là Văn Lang, là Âu Lạc… Sau Nam Việt, tên nước là Đại Cồ Việt, là Đại Việt… dù anh hùng Lý Thướng Kiệt đã dùng từ Nam để phân biệt Nam Bắc. Tên Việt Nam ngày nay của ta cũng do Nhà Thanh đế nghị với Vua Gia Long. Vua Minh Mạng quá HÈN NHÁT, lại đổi thành ĐẠI NAM, vì quá sợ rằng tên VIỆT sẽ làm Mất lòng Vua Tàu chăng ?
3. Ngày Quốc hận, NGÀY GIỖ các anh hùng bỏ mình vì Tự do
Đối với người Việt Nam chúng ta, ngày Quốc hận 30 tháng 4, đồng nghĩa với Shoah Do thái ! Thế mà có người – tuy là cựu nạn nhơn – vẫn đòi bỏ lên bỏ xuống ! Thay tên, vì mắc cở ? Thay tên, vì hòa hợp, bán nước ?
Ngày mai, chế độ độc tài Công sản thế nào cũng phải bị thay thế, phải nhường quyền cho một chế độ Dân chủ Pháp trị. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong ước rằng :
Ngày Quốc Hận cũng phải được duy trì và trân trọng. Dù rằng trong nước, tuy không còn bóng dáng bọn Cộng sản bán nước nữa. Nhưng một Quảng trường, một Tượng đài kỷ niệm Ngày Quốc Hận phải được dựng lên để tưởng niệm. Để nhớ ơn tất cả những người đã LỰA CHỌN: HY SANH vì chánh nghĩa, đã nằm xuống vì nghĩa vụ bảo vệ non sông, hay đã hy sanh bỏ mình trên con đường đi tìm Tự do.
Ngày Tang, ngày Đau, ngày Buồn ấy, sẽ là Ngày Giỗ Tổng hợp cho những cái đau thương của đất nước. Ngày Hiệp Kỵ, Hiệp Giỗ, cho tất cả những nạn nhơn của tất cả những cái tang tóc đau buồn đã qua: Cải cách Ruộng đất, Mậu Thân Huế, Hoàng Sa, Trường Sa, các nạn nhơn của những cuộc pháo kích bừa bãi của Việt Cộng, những nạn nhơn đã bỏ mình, nạn nhơn của những cuộc chạy nạn, trong nước: đại lộ kinh hoàng năm 72, đường 19 năm 75, nạn nhơn của cuộc vượt biên khổng lồ trên biển hay trên đường biên giới, nạn nhơn của những trại tập trung sau ngày mất nước, hay nạn nhơn của cả cuộc chiến Việt Cộng-Tàu Cộng năm 1979… để Nhớ, để không bao giờ quên, để không bao giờ lặp lại. Tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư để hằng năm xá tội vong nhơn, tha tội lẫn nhau.
Kết luận :
Nhìn lại, trên 40 năm cầm quyền cả nước thống nhứt trong Hòa Bình, Đảng Việt cộng đáng lý phải xây dựng và phát triển đất nước, chỉ biết trị dân và bán nước.
Chừng nào còn Đảng Việt Cộng, thì người Việt vẫn còn nô lệ. Muốn Phát triển và Xây dựng, phải có Tự Do Độc Lập, Dân Chủ. Muốn có Tự do, Độc lập, Dân chủ phải Thoát Cộng!
Tất cả những vấn nạn hiện tại hay tương lai, như Hán Hóa, như mất hải đảo, mất Biển Đông đều do Đảng Công sản Hà nội cầm quyền tạo thành.
Thoát Cộng sẽ giải quyết tất cả. Môt chế độ dựng lên bằng cướp chánh quyền, bằng tuyên truyền láo khoét, bằng giáo dục dỏm, bằng bằng cấp mua, bằng ngoại giao xin cho, thì phải dẹp bỏ. Dẹp bỏ xong cái chế độ ấy, người Việt Nam mới tìm thấy lại những sự thật.
42 năm đủ rồi! Đã quá dài! Mong rằng tất cả người dân Việt thấy được sự thật để mà vứt bỏ mầm nguy hại nầy!
Mong lắm !
Hồi Nhơn Sơn, Ngày Quốc Hận thứ 43
Phan Văn Song
Những thầm lặng đáng sợ
Nguyệt Quỳnh gửi RFA
2017-04-07
Photo courtesy of danlambao
Tôi yêu đất nước mình vì những con người thầm lặng như Nguyễn thị Minh Thúy, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Văn Hóa,… Không chỉ vì họ can đảm, chọn sống cho những giá trị chung; chọn làm viên đá lót đường trong thầm lặng mà nhiều hơn thế nữa.
Họ cho tôi nhìn thấy tấm lòng và sự mạnh mẽ lạ lùng của những người rất bình thường. Trường hợp của chị Nguyễn thị Minh Thúy, một người mẹ neo đơn, hàng ngày đi làm thuê để nuôi hai con nhỏ. Khi bị bắt cùng Ba Sàm, nếu chị chịu “hợp tác” và chỉ cần thế, có lẽ chị sẽ được thả ra ngay sau ít ngày. Tống giam chị, một phụ nữ vô danh đang có hai con nhỏ, cơ quan an ninh và Ban Tuyên Giáo chẳng được lợi ích gì. Nhưng chị đã chạm vào điểm yếu của chế độ, điều họ sợ nhất là sự chọn lựa đứng cùng lẽ phải của những người bình thường như chị. Chính điều này đã khiến lãnh đạo CS quyết định đánh ngã người phụ nữ đơn độc ấy bằng bản án 3 năm tù.
Chị đã cho tôi cảm nhận được hiệu ứng sức mạnh của một cánh bướm. Và cái bóng mờ của chị làm tôi xúc động, tôi liên tưởng đến những câu thơ đẹp của Tagore trong “Mùa Hái Quả”. Tagore bảo rằng khi con người tạo ra đường đi thì ông bị lạc lối, bởi đại dương hay trời xanh đâu có phân định đường đi, con đường đã có sẵn dưới đôi cánh của loài chim và những vì sao… Người phụ nữ ấy đã để trái tim mình nói lên những điều gì nó muốn nói. Những mỹ từ mà người đời đặt ra như “anh hùng”, “anh thư” ở trường hợp của chị bỗng trở thành thừa thải và thô thiển.
Về Nguyễn Ngọc Già, mỗi khi nhắc đến anh, độc giả yêu mến thường bảo anh là một tác giả đáng đọc nhất hoặc một cây viết đáng giá nhất. Riêng tôi, tôi nghĩ đến một Nguyễn Đình Ngọc thầm lặng và những suy tư của anh. Là con nhà nòi, bà nội là “Mẹ Việt Nam anh hùng”, bố là đảng viên 50 tuổi Đảng; mẹ là “cơ sở cách mạng”, Nguyễn Đình Ngọc là trái táo không rơi xa cái gốc của mình. Anh thẳng thắn lên án mạnh mẽ những tiêu cực của chế độ và kêu gọi đấu tranh đòi dân chủ; những bài viết cổ xúy cho Nhân Quyền của anh tạo được ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Nguyễn Đình Ngọc làm việc đơn độc, không màng ai biết đến mình. Anh bị tống giam ngày 27/12/2014, nhưng phải một năm sau đó, nhiều người hâm mộ mới biết được mặt anh. Khi nghe tin người con trai lớn của anh bị tử nạn trong một tai nạn xe, tôi nhớ đến anh vả chợt cảm thương câu nói của người tù Nguyễn Ngọc Già: “Tôi chọn con đường cô đơn trong tự do tư tưởng để đi”.
Tuy nhiên, sự dấn thân của anh không hề đơn độc như anh tưởng. Càng ngày tôi càng nhìn thấy hàng ngàn những người trẻ đang theo gót chân anh. Nguyễn Văn Hóa là một điển hình. Hóa năm nay 22 tuổi, Hóa đã tham gia hoạt động ngay từ khi giàn khoan HD981 của Trung Cộng ngang nhiên xâm phạm lãnh hải quê hương. Hóa âm thầm có mặt ở hầu hết các cuộc biểu tình, tuần hành lớn nhỏ ở Hà Tĩnh, nhất là những cuộc biểu tình do Cha cố giáo xứ Đông Yên Trần Đình Lai tổ chức. Anh cũng có mặt trong đoàn người khởi kiện công ty Formosa của Linh mục Đặng Hữu Nam cho đến khi bị an ninh bắt cóc, rồi vu vạ cho anh tội tàng trữ ma túy.
Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Văn Hóa gợi nhắc cho tôi những bóng mờ của các thế hệ đã tạo nên lịch sử Việt Nam. Chúng ta trót sinh ra trong thời đại mà văn hóa và những giá trị đạo đức của dân tộc đều nằm ở số âm. Những hào quang của quá khứ đã tàn phai, Việt Nam đã đặt dấu chấm hết cho mình sau hơn 40 năm sống trong hòa bình. Ngày nay, chúng ta không còn có thể tự hào mình là kế thừa của tiền nhân Quang Trung hay Hưng Đạo. Chỉ vài thập niên ngắn ngủi sống trong ích kỷ, tự trói buộc mình trong sợ hãi, dân tộc đã hóa ra nô lệ; nông dân Việt Nam trắng tay trở thành dân oan; những dãy phố thuộc về chủ nhân Trung Quốc tha hồ mọc lên trên đất nước lén lút hay công khai; nhiều phần đất của tổ quốc như Hà Tĩnh, Kỳ Anh bỗng trở thành bãi rác của ngoại bang,… Từ lãnh đạo chí đến người dân, chính chúng ta đang di họa từng ngày cho các thế hệ con cháu của mình.
Không phủ định rằng chủ nghĩa CS đã hủy hoại tất cả; tuy nhiên, “điều đáng quý nhất” lại do chính chúng ta góp phần hủy hoại, đó là tâm hồn và lòng tự trọng của con người. Có biết quý trọng bản thân thì người ta mới có thể thương yêu người khác, quý trọng những giá trị khác được. Người quý trọng bản thân không dễ dàng đánh đổi chính mình cho bất cứ điều gì. Đó là lý do khiến Trần Bình Trọng chỉ tay mắng quân giặc: “ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Cái ta của ông ở đây đáng quý biết dường nào; chính cái ta đó đã khiến người lính gầy ốm đời Trần có thể đối diện những tên Mông Cổ mạnh bạo, hung hãn nhất và giành chiến thắng; chính cái ta đó đã khiến chúng ta đánh bại đội quân xâm lược của nhà Thanh khi chúng có quân số lớn gấp ba lần mình. Và cũng chính cái ta đó đã khiến một Nguyễn Hữu Đang, một Hữu Loan sống trong danh dự, tự thồ đá kiếm cơm khi bằng hữu và cả xã hội xa lánh. Cái ta được gói tròn trong câu nói của kẻ sĩ Hữu Loan: “tôi không làm nhà vì còn bận làm người”.
Việt Nam là một đất nước có văn hóa tốt đẹp và truyền thống anh hùng. Lòng yêu nước, yêu quê hương cuồn cuộn chảy trong huyết quản của người Việt. Hãy đánh ngã con người tham lam, ích kỷ, vô cảm, sợ hãi vì đó là sản phẩm của 40 năm CNXH. Và hãy vực dậy cái Ta thầm lặng, bởi chính mỗi người Việt Nam đang là niềm hy vọng của dân tộc mình.
Đúng thời điểm một năm thảm họa Formosa, lãnh đạo CS lại phạm một sai lầm lớn. Thay vì lắng nghe tiếng nói của người dân, họ lại khoét sâu thêm vết thương khi chính thức truy tố anh Nguyễn Văn Hóa, người con của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, mảnh đất đang gánh chịu tai họa nặng nề nhất. Họ quên mất rằng ngoài kia đang có hàng ngàn những Nguyễn Văn Hóa khác nạn nhân của thảm họa.
Họ quên nhưng giáo dân Song Ngọc không quên. Người dân Việt Nam không quên cuộc trấn áp tàn nhẫn đoàn người đi khiếu kiện Formosa do cha Nguyễn Đình Thục cầm đầu ngay trong ngày lễ tình yêu. Hình ảnh các giáo dân bị lừa xuống khoảng đất trống, một loạt đá ném lên từ công an trà trộn, rồi dùi cui vung lên, tiếng la khóc của giáo dân, tiếng Cha Thục kêu gọi ngồi xuống và tiếng cầu kinh vang lên giữa nỗi sợ hãi và dũng cảm. Một hình ảnh vừa đau thương vừa bi tráng!
Hàng trăm người đã bị đánh đập, bị thương tích, ngay cả vị chủ chăn, thế nhưng cũng chính họ, ngày 03/4 vừa qua, hàng ngàn người đã có mặt trước UBND huyện Lộc Hà.
Thế giới vừa trao những giải thưởng cao quý cho hai nhà hoạt động Việt Nam, Blogger Mẹ Nấm và Ls Nguyễn Văn Đài. Thế nhưng họ chỉ là một phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm. Tôi muốn nói đến tảng băng càng ngày càng lớn với Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Văn Hóa,.. những người hôm qua bị đánh, bị lừa, bị thương tích nhưng vẫn tiếp tục bước tới. Bước chân của họ mới làm run sợ kẻ cầm quyền, đó là những thầm lặng đáng sợ, những thầm lặng sấm sét.
Không thể quên ngày Quốc hận
Đăng ngày 28 tháng 04.2017