banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Năm mới, người mới, việc mới

Ông Donald J. Trump với Huê kỳ vĩ đại - Từ Sen đầm quốc tế đến Cảnh sát quốc nội.

Ông Antonio Guterrez với Liên hiệp quốc nhơn đạo - Từ Chiến sĩ hoà bình đến Chiến sĩ cứu trợ.

Phan Văn Song

Năm 2016 đã qua, một năm đầy tai ương, vấn nạn. Âu châu đặc biệt gặp nạn khủng bố Hồi Giáo, lợi dụng khó khăn với làn sóng tỵ nạn, hết Pháp, đến Bỉ và nay qua đến Đức, không từ một quốc gia nào cả. Nước Đức, một quốc gia, với một bà Thủ Tướng hiền hòa mở đôi tay cứu trợ rước vào gần một triệu người tỵ nạn gốc Hồi giáo, dân khủng bố Hồi quá khích vẫn không tha. Á châu, Việt Nam và Biển Đông ta, với vấn nạn, ngoài biên cương giặc Tàu bành trướng ngoại xâm, chiếm hải đạo, chiếm bờ biển, trong quốc nội, tham nhũng tràn đầy, bán đất bán đai, giao trứng cho ác, nhà máy Tàu thải chất độc giết cá nhiểm độc cả một vùng biển. Nhà máy Formosa, trên đất Hà tỉnh, Việt Nam từ nay sẽ là điển hình nhà máy thảy chất độc hóa học ô nhiểm Biển. Như năm nào nhà máy nguyên tử Tchernobyl là điển hình của những sơ suất nguyên tử vậy! Thế nhưng nhà máy nguyên tử Tchernobyl được giải quyết, người dân được di tản, bồi thường, còn ở Việt Nam không thấy Nhà nước ăn nói gì cả!
Năm 2016 cũng là năm của những cuộc bầu cử hay chạy đua bầu cử thay lãnh đạo các quốc gia Âu Mỹ. Và qua những cuộc bầu cử, hay trưng cầu dân ý nầy, một hướng suy nghĩ chánh trị, một hướng đi chánh trị mới, tuy đã có mặt từ nhiều năm nay rồi, nay lại hiện rõ tàng hơn. Phong trào «bế môn tỏa cảng» «trở về lại mái nhà xưa, nhà ai nấy ở, tự lực cánh sinh». Sau một thời gian dài Toàn Cầu Hóa, xuất cảng nhập cảng, trao đổi hàng hóa nhơn công, đây là thời đại của sự « rút về » hầu như bế môn tỏa cảng, tự làm tự ăn « hàng nhà, của nhà». Một phong trào quốc gia, quốc hồn, dân tộc, dân túy đang nỗi dậy cành ngày càng rõ rệt. Dân Anh qua một cuộc trưng cầu dân ý, đã đồng một lòng đòi chánh phủ Anh rút khỏi Liên Âu. Cả dân Ý cũng vậy, một lòng không chấp nhận những cải tổ, những đường hướng quản trị của Liên Âu nữa ! Các đảng phái cực hữu, của các quốc gia Âu Châu, thoạt tiên Đông Âu, như Hung, như Ba Lan, Tiệp… nay lan dần sang Tây Âu, thiên về Dân tộc, bảo vệ quyền lợi của dân bản xứ càng ngày càng chiếm thượng phong trên những chánh trường Âu châu. Ở Áo gần 50%, ở Đức, ở Hòa Lan, ở Pháp …Và ngay cả trong quốc hội Liên Âu cũng vậy. Và cuối cùng ở Mỹ với ông Donald Trump đắt cử Tổng Thống, là một điển hình cho cái bầu không khí dân túy ấy!
Năm 2017 là năm của những cuộc bầu cử thay người lãnh đạo ở Âu Châu. Và chúng ta cũng sẽ nhìn thấy những luận thuyết chánh trị mới, khác hẳn những lý thuyết chánh tri-cổ hủ hay truyền thống. Không còn cái nhìn dân chủ nhịp hai-alternative, hết anh đến tôi thay nhau lãnh đạo, đối lập và cầm quyền…và… và … không có những ý kiến thứ ba, thứ tư, thiểu số, đều xem như «cực đoan, như tuyệt đối, như quá khích-radical»… Hết rồi cái thời của dân chủ đôi chân bước đều, trái-phải trái-phải ọt-đơ, ọt-đơ, gauche-droite, gauche-droite, nhịp đôi, tả hữu của Âu Châu hay Cộng Hòa-Dân Chủ, hay Tư Bản-Xã hội… nữa!
Dân túy bị xem như cực hữu, nguy hiểm, vì «bị xem» là đầy «dân tộc tánh» là ích kỷ, nên đương nhiên, là «kỳ thị người lạ, chủng tộc lạ, mầu da lạ, ngôn ngữ lạ, và tôn giáo lạ, tập tục lạ, văn hóa lạ…» Vì vây không được cầm quyền, vì sẽ độc tài ? Tại sao không xem Dân túy là một con đường chánh trị, một lý thuyết chánh trị kinh tế ? Là một con đường thứ ba ? Dân túy nhứt định là không giống hai con đường Tả Hữu hay Dân Chủ Cộng Hòa truyền thống ? Nhưng tại sao không là một lý thuyết «trung dung, không tả-không hữu»? Hay có thể «vừa tả-vừa hữu», vừa «Xã hội vừa Tư bản»? Hitler tuy là một tên đồ tể khi cầm quyền, nhưng đối với Công dân Đức lúc bấy giờ là một nhà yêu nước yêu dân vì đã có một lý thuyết khá «ăn khách» là Chủ nghĩa Quốc gia Xã hội National-Socialisme! Chủ nghĩa Quốc gia Xã hội, gọi tắt là Quốc Xã-Nazisme! Tuy tàn ác thật, nhưng tàn ác với những người không có quốc tịch Đức, giòng máu, ngôn ngữ Đức. Hãy quên đi những điển hình như tóc vàng, mắt xanh, mũi cao vân vân, phải thuần chủng Aryen,… Hitler đã sai lầm, khi đem những giấc mơ không toại của mình biến thành một giấc mơ thành lập đế quốc người Đức với siêu nhơn Aryen. Có lẽ vì Hitler mặc cảm không thuần chủng người Đức? Vì Hitler sanh ở Áo, tóc đen, mắt đen, lùn thấp (nực cười thay những tên độc tài sử dụng quốc túy quốc tộc đều không thuần giống – Napoléon sanh ở đảo Corse, Staline sanh ở Georgia, Thành Cát Tư Hản là con rơi của một bộ lạc ngoài đã hảm mẹ y để sanh ra y) Tại sao một nền kinh tế bắt buộc phải ở một trường phái nhứt định? Kinh tế có thể, hoàn toàn Xã hội với thuyết Keynes, trộn với Tư bản Chủ nghĩa Tư nhơn thương mại như Bastiat chẳng hạn? … Chánh trị cũng vậy, không bắt buộc phải do các nhà Chánh trị chuyên nghiệp? Điều hành một đất nước như điều hành quản trị một xí nghiệp? Quản trị công dân như quản trị công nhơn? Với những phần hành bắt buộc, những nghiệp vụ, bổn phận bắt buộc. Với những quyền lợi bắt buộc! Bổn phận, quyền lợi tương đồng, công bằng, lưỡng lợi, khế ước… Ngoại giao cũng vậy. Tất cả là khế ước là thương thuyết, lưỡng lợi, Win-Win, synallagmatique!
Năm mới, 2017 nầy được mở hàng bởi hai nhơn vật lãnh đạo mới. Hai nhơn vật với hai hướng điều hành mới, vị thứ nhứt, sẽ là nguyên thủ một Quốc gia siêu cường số một thế giới, với một sức mạnh quân sự số một, với một nền kỹ thuật đầy sáng tạo, đệ nhứt hoàn cầu, với một nền kinh tế và tài chánh vẫn còn tạo những cuộc chấn động cho tất cả hoàn vũ… (cả thế giới vẫn dùng đồng dollars, đồng tiền Mỹ để làm chuẩn cho đồng tiền của mình). Vị thứ hai, năm nay, sẽ là người đứng đầu của cơ quan Trong tài được tất cả các quốc gia thế giới chấp nhận. Phải, ông là người trọng tài, ông có tiếng nói trọng tài, thổi tu huýt điều khiển cuộc chơi trong sân chơi thế giới! Hai vị nầy là đại diện hai hình ảnh của Thế giới Tự Do, Dân Chủ, Hòa Bình Donald J Trump Tổng Thống Huê kỳ, và Antonio Guterrez Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc .

1. Thế giới ngày mai: Thế giới của Donald J Trump
Chuyện Huê kỳ và Ông Trump, thiên hạ đã bàn quá nhiều, tốn bao giấy mực, ngay cả từ ngày đầu ông vừa đệ đơn ứng cử đại diện Đảng Cộng Hòa. Rồi ông tuần tự đánh ngã các đối thủ Đảng Cộng Hòa, giấy báo cũng tốn bao thì giờ để bàn tán, kể khen người chê, nhưng phần đồng đều nhìn nhận «ông không giống ai!» Và đúng nhờ ông không giống ai nên ông đại thắng.
Ngựa về ngược, thắng Bà Clinton, «tay ngoại giao chuyên nghiệp» lão luyện chánh trường, làm đủ nghề chánh trị, ra vào Bạch Cung như ra vào nhà riêng mình, từng ở Bạch Cung, ngôi nhà của Tổng Thống Mỹ, vì đã làm Hoàng hậu, Đệ nhứt phu nhơn, vì đã làm Ngoại trưởng, chánh sở Ngoại giao. Đi khắp năm châu, bốn biển, nào đi sứ, đi thăm, nào đi khuyên, đi nhủ, đi hù, đi hăm, đi dọa, ủng hộ, cằn nhằn… hằng chục quốc gia, quen lớn, lắm người sợ nhưng cũng lắm người thương, lắm kẻ ghét, ơn oán giang hồ! Tiểu sử khổng lồ đồ sộ như vậy, Bà lên ngôi là cái chắc! Ai ngờ! Thua một tay bán nhà, «Real State», MC show quảng cáo, chuyên nghề truyền thông thương mại… Nhưng nhờ nghề nầy, Ông Trump nói đúng thị hiếu người dân, không phe không phái, không chia cắt xã hội, da mầu, đàn bà, Tàu, Phi, Mễ, Việt… Ông bán một viễn ảnh một nước Mỹ tương lai, đúng thị hiếu của tất cả người mua tiêu thụ! Và ông hốt trọn! Và ông thắng cả! Cũng như mọi nhà bán hàng ông hứa, ông hẹn, nói đúng phóc, đúng vào tim đen, đúng vào giấc mơ người dân, đúng vào thị hiếu người mua. That’s it!
Nay ông đắc cử, và mai nầy, món hàng mới ông đã hứa, ông sẽ tạo ra. Và nó sẽ vừa lòng một ít người! Và nó cũng sẽ mất lòng một ít người! Hên được nhờ, rủi ráng chịu, dù sao đã mua rồi đành phải ráng xài vậy! Không bằng lòng ư? Hãy chờ một ông «sơn đông mại võ» khác bốn năm nữa, «lùng tùng xà sẽ hứa sẽ ca, sẽ hẹn sẽ hò» vậy thôi! Và biết đâu? Dù cuộc vui không toàn vẹn nhưng, «mua vui cũng được một vài trống canh»! Vợ mình kia, cực khổ với nàng, công phu với nàng như thế kia. Từ thuở «trồng cây si», hầu bá thở, chờ hết hơi, đến lúc đội mưa đứng nắng, hồi hộp được em «cho phép» đưa em đi học, đón em tan trường về, đèo em xe đạp đạp học gạch… Thế nhưng, khi cưới em về, có khi còn vỡ mộng, huống chi bỏ phiếu đưa «người lạ» lên làm vua!
May quá nền Dân chủ chỉ cho làm vua bốn (Mỹ) hay năm (Pháp) năm thôi! Trật keo nầy có cơ bầu keo khác, chọn mặt gởi vàng, đúng trật gì cũng có cơ làm lại! Cũng nhờ nền Dân chủ, không được làm công dân «thắng», rủi làm «thằng công dân thất vọng», cũng chẳng chết thằng Tây nào! Chớ ở cái xứ Việt Nam Cộng sản, làm thằng dân thất vọng mà nói ra, nói vào, «bàn bàn tán tán» thì «bỏ mạng sa trường», nhẹ thì đi «kinh tế mới», hay «đi học tập», nặng thì «đi cải tạo», nói tóm lại «ở tù mút chỉ cà tha». Kẹt lắm, vận hên đến, được dịp, vượt biên, vượt biển, may đến Tây, đến Úc, đến Mỹ, sống lãnh tiền welfare, được sécurité sociale đài thọ; xui thì về xứ Hà Bá ở với Diêm Vương, yên bề gia thế. Thảm cảnh ấy bà con phe ta dân tỵ nạn Cộng sản đều biết cả, đều đã nếm qua, cả, thế nhưng… biết rồi, khổ lắm nói mãi !
Nhưng nay vẫn có người chưa tởn! Quên thời tù tội, quên thời chen chúc các trại tỵ nạn, quên thời ói mữa trên thuyền chật hẹp, quên thời xà lỏn, may dô nhưng được thở bầu trời Tự Do đầy mơ ước... Ngày nay, lành lặn, ngon lành, le lói, tuy nhà còn ở thuê, xe còn mua chịu, sống nhờ welfare nhiều hơn lao động, nhưng dù sao, dẩu nghề lao động tay chơn đi nữa, lao động xứ Tây, xứ Mỹ cũng ngon lành hơn cái lao động cải tạo xứ ta. Nên, nay, rổn rảng euros, dollars, đồng ra đồng vào, bèn trở về Việt Nam, du hí, mua vui, le lói!
Từ nay, tự điển Việt nam thêm từ ngữ «Việt kiều», lắm ý lắm nghĩa, khi chưởi, khi khen, khi khinh, khi trọng, khi thì khúc ruột dư «ngàn dặm thương nhớ», lúc thì cục thịt thừa «mỹ ngụy tàn dư», nhưng tựu chung chỉ là một «con bò sữa» (gần 4 tỷ một năm, chớ ít ỏi gì? 10% Tổng sản lượng của cả xứ chứ giởn sao?) cho cả xứ nhà, quan trên thì «kiều hối», quan duới, côn an thì «kiều tiền» mãi lộ, bao thư, khờ khạo ngu si, nạn nhơn hàng dỏm, tình gian. Nầy nhé, nếu ông bạn là «Việt Kiều đực rựa», tuổi tác cao thấp, no star where-không sao đâu! Đang có dzợ, hay lỡ sống cu ky, thất thời lỡ vận hay không có «hoa tay trị vợ» hay «chọn người trong mộng». Hãy cứ giành dụm, để «có tiền thì mua được tiên, (vì «chữ tiền liền với chữ tiên một vần» kia mà) trở về thăm nhà, hay đi du lịch «tham quan» sẽ được chiếu cố, dẩu không được «chơn dài tuổi thơ lận đận» thì cũng được «bậu lỡ thời hận thuở hàn vi»!

2. Thế giới ngày mai, thế giới của Liên Hiệp Quốc cứu trợ
Suốt Thế chiến 2, Huê kỳ, Anh quốc và Liên Sô đều cùng một ý kiến phải làm sao giữ để thế giới không xảy ra chiến tranh nữa. Phải thay thế Hội Liên Quốc thành lập sau Thế Chiến 1, không làm tròn nhiệm vụ.

a) Hiến chương Liên Hiệp Quốc San Francisco 26 tháng 6 năm 1945:
Ngày 14 tháng 8 năm 1941, Hiến chương Đại Tây Dương thoạt tiên được ký trên chiến hạm Potomac, neo giữa Đại Tây Dương ngoài khơi đảo Terre Neuve (Newfouland) thuộc Tỉnh Terre Neuve et Labrador (Newfouland anh Labrador của Canada) giữa Tổng Thống Mỹ Roosevelt và Thủ Tướng Anh Churchill. Cả hai cùng định nghĩa một quan niệm dùng mọi biện pháp hòa bình để giải quyết mọi bất đồng ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới tránh một gây hấn chiến tranh.
«Tổng thống Huê kỳ và Thủ tướng Anh, xác tín rằng tất cả những quốc gia trên thế giới, bởi những lý do thực tiển, cùng những lý do tín ngưỡng, phải từ bỏ mọi tư tưởng bạo động, sử dụng vũ lực, vì chúng ta không thể có một sự hòa Bình vĩnh cửu nếu chúng ta để vũ lực được tiếp tục sử dụng trên không gian, trên biển cả, và trên đất liền bởi những quốc gia thường dùng hăm dọa và sử dụng hăm dọa để sử dụng vũ lực vượt khỏi biên cương của họ».
Bản văn như một lời kêu gọi viết trên báo chí chứ không phải là một văn kiện hành chánh cần sự phê chuẩn và thỏa thuận của một Quốc hội Huê kỳ hay Anh quốc.

b) Từ Liên hiệp chống phe Trục của thuở ban đầu:
Ngày 1 tháng Giêng năm 1942, Bản Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc được ký tại Washington bởi 26 quốc gia tham dự, quyết định cùng chung sức chống lại lực lượng của Khối Trục (Đức Nhựt Ý) và khẳng địng lập trường của Hiến Chương Đại Tây Dương. Nước Pháp, nước Pháp Tự Do của Tướng de Gaulle không được Huê kỳ nhìn nhận nên không có tên trong 26 quốc gia nầy.
Ngày 30 tháng 10 năm 1943, Tuyên Ngôn Mạc Tư Khoa (MOCKBA – Moskva) ký kết giữa bốn nhà ngoại trưởng, Hull của Huê kỳ, Eden của Anh quốc, Molotov của Liên Sô và Đại sứ Trung Hoa tại Mạc tư Khoa, Foo Pingshen. Tất cả đều chấp nhận sự cần thiết, để có hòa bình và an toàn thế giới, phải thành lập một tổ chức quốc tế mở rộng cho tất cả mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, dựa trên sự bình đẳng các quốc gia yêu chuộng hòa bình.
Ngày 1 tháng 12 1943, Téhéran (Iran), Tổng Thống Mỹ Roosevelt, Thủ Tướng Anh Churchill và Thống soái Staline Liên Sô, họp nhau lần đầu xác tín quyết định trên.
Hội Nghị Dumbarton Oaks (một khách sạn lớn tại Washington DC) kéo dài từ ngày 21 tháng 8 đến 7 tháng 10 năm 1944, bốn phái đoàn, bốn cường quốc Huê kỳ, Anh, Liên Sô và Trung Hoa (Dân Quốc) đặt nền móng cho cái Hiệp Hôi tương lai Liên Hiệp Quốc : Hội Đồng Bảo An, Đại Hội Đoàn, Tổng Thư Ký Đoàn, Hội Đồng Cố vấn Kinh tế và Xã hội, Tòa Án Quốc tế.
Hội Nghị Yalta (tháng 2 1945) thuơng thuyết thỏa thuận những bất đồng cuối cùng. Liên Sô lúc nào cũng sợ bị các quốc gia tây âu ăn hiếp nên đòi «cho được» 16 tiểu bang của Liên bang Sô Viết mình được mỗi tiểu bang một ghế thành viên. Cuối cùng Liên sô có thêm hai ghế của hai cộng hòa liên bang nhỏ là Ukraine và Bê La Nga – Biélorussia hay Belarus. Như vậy Liên sô có 3 ghế, trong khi Huê kỳ với 48 tiểu bang (lúc ấy) cũng chỉ có 1 ghế. Pháp có một ghế, được vào Hội Đồng Bảo An với sự đòi hỏi của Thủ Tướng Anh Churchill, mặc dù Tướng de Gaulle của Chánh phủ Lâm thời Kháng chiến của Pháp không có mặt ở Yalta. Năm quốc gia thường trực ở Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết – Veto. Đặc quyền nấy đã làm tê liệt suốt thời gian chiến tranh lạnh, mọi hoạt động của Hội Đồng Bảo An.
Hội Nghị San Francisco, nhóm từ ngày 25 tháng Tư đến ngày 26 tháng 6 năm 1945.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc được ký ngày 26 tháng 6 năm 1945 bởi đại diện của 50 quốc gia sáng lập (kề cả Bélarus và Ukraine). Một quốc gia thứ 51 cũng có thể được mời ký, đó là Balan nhưng Balan lúc ấy chưa có chánh phủ nên không có người đại diện. Balan ký ngày15 tháng 10 thôi, nhưng cũng được nhận là một trong những quốc gia «của thuở ban đầu nầy».
Tất cả 51 quốc gia nầy đều phải đấu tranh liên minh trong cuộc chiến chống phe Trục «Phát Xít-Nazi-Thiên Hoàng Nhựt»
Điều 1 của Văn kiện sáng lập Liên Hiệp Quốc nói rõ mục đích của hiệp hội:
«1/ Quyết tâm gìn giữ Hòa Bình và nền An Ninh của thế giới. Muốn vậy, sẽ sử dụng mọi phương pháp tập thể hữu hiệu để đề phòng và xa lánh mọi nguy hiểm đến cho nền Hòa Bình, và trừng phạt mọi hành vi xâm phạm hay phá vỡ nền Hòa Bình chung. Sẽ sử dụng mọi phương cách bất bạo động hợp pháp với nền công pháp quốc tế, sẽ giải quyết công bằng, với các nền công lý bản xứ, những bất đồng có tánh cách quốc tế, có nguy cơ mang lại bất hòa và phá vỡ nền Hòa bình chung.
2/ Cũng cố và phát triển tình hữu nghị giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trọng của sự bình đẳng giữa các con người và quyền tự chủ của nhơn dân, và bằng mọi giá giữ vững nền Hòa Bình thế giới.
3/ Tạo sự phối hợp quốc tế để giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa hay cả nhơn đạo, bằng mở mang phát triển, bằng khuyến khích lòng tôn trọng nhơn quyền, và tôn trọng những tự do tối thiểu căn bản của mỗi con người, không phân biệt chủng tộc, giới tánh, văn hóa, hay tôn giáo.
4/ Và là trung tâm, là nơi quy tụ, hòa hợp tất cả những sáng kiến, những cố gắng của những Quốc gia, cho dự án cao cả nầy.»
Ngày 10 tháng 10, năm 1946 Liên Hiệp Quốc chấp nhận lời mời của Quốc hội Huê kỳ, nhứt trí một lòng, mời mở Văn phòng chánh thường trực tại Huê kỳ trong buổi họp hội nghị đại hội đoàn đầu tiên ở London thủ phủ vương quốc Anh
Năm 1952, Liên Hiệp Quốc mở trụ sở chánh tại Manhattan, New York, bên cạnh bờ Đông Giang - East River, nhờ một số tặng kim 8 triệu rưởi dollars của tỷ phú Rockefeller.

c) Vai trò chánh của Liên Hiệp Quốc là giữ hòa bình và an ninh của thế giới
Chương VI của Hiến chương khuyên nên sử dụng những quyết định ôn hòa để giải quyết những bất hòa, qua sự can thiệp của Hội đồng Bảo an, bằng thương thuyết, can gián trọng tài và can thiệp bằng công lý và luật lệ.
Hội Đồng Bảo An có thể can thiệp bởi những can gián. Nếu các phe chống đối nhau không đi đến giải quyết được bằng những biện pháp ôn hòa, Hội Đồng có thể giải quyết bằng những lời dặn dò để đi đến hiệu quả.
Nguyên tắc an ninh tập thể, là một nguyên tắc nếu một thành viên của hiệp hội bị tấn công, tất cả các thành viên đều xem như bị tấn công, cho phép Hội Đồng Bảo An ở Chương VII, có biện pháp chế tài, trừng trị, từ những biện pháp có tánh cách ngoại giao, kinh tế cho đến quân sự hay cả sử dụng vũ lực quân sự - khi tất cả mọi biện pháp chế tài bất bạo động đều thất bại.
Tuy nhiên, suốt thời gian chiến tranh lạnh, Hội Đồng Bảo An hoàn toàn bị tê liệt bởi những quyền phủ quyết được sử dụng tối đa của Mỹ và của Liên Sô. Do đó những quyết định giữ hòa bình hay an ninh thường là những giải quyết ngoại giao và bất bạo động.
Trừ một lần vào năm 1950 :
Năm ấy 1950, Liên Sô tẩy chay Liên Hiệp Quốc, không họp với Hội Đồng Bảo An. Vì Liên Sô không có mặt, nên không có quyền phủ quyết của Liên Sô, Huê Kỳ và những quốc gia còn lại bầu quyết định một trừng phạt Bắc Hàn đang tràn ngập xâm chiến Nam Hàn ngày 25 tháng 06 năm 1950. Huê kỳ tham dự cuốc chiến với 88% của tổng số 341 quân nhơn quốc tế của 20 quốc gia giúp quân đội Nam Hàn. Phía bên Bắc Hàn, Liên sô viện trợ quân cụ cho quân Trung Cộng và Bắc Hàn.
Sau thời chiến tranh lạnh, Liên Hiệp Quốc thường tham dự những cuộc giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Liên Hiệp Quốc đã bao nhiêu lần bị kêu gọi tham gia, can thiệp cho những xâm phạm tạo bất ổn, mất an bình, kể cả những nguy hiểm «không quân sự» như bệnh AIDS hay khủng bố thế giới.

d) Và đến Liên hiệp cứu trợ và tỵ nạn của ngày nay
Thế nhưng, cơ chế ngày nay của Liên Hiệp Quốc không còn hiệu quả như thuở ban đầu nữa, sau 71 năm hoạt động.
Dưới sự điều khiển của Tổng Thư Ký Kofi Annan (1997-2006), ông đã ra lệnh cho nhiều ủy ban bàn thảo để sửa đổi cải tổ cho một Liên Hiệp Quốc hữu hiệu hơn. Thế nhưng suốt thời gian ông làm Tổng Thư Ký, ông không bao giờ nhận được môt sự đồng thuận của các thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An về bất cứ một dự án cải tổ nào. Tất cả những đề nghị thay đổi đều vô hiệu!
Hôi Đồng Bảo An lựa chọn thay đổi nhơn sự, Thay ông Tổng Thư ký. Ông Ban Ki Moon thay ông Kofi Annan vào năm 2006.
Suốt 10 năm, 2006-2016 thời gian làm Tổng Thư Ký, ông Ban Ki Moon chỉ chuyên đi ủy lạo và cứu trợ.
Năm nay 2017 ông sẽ truyền cái nghiệp Tổng Thư Ký cho cựu Thủ Tướng Bồ Đào Nha, Antonio Guterrez. Ông tân Tổng Thư ký cũng sẽ là người chuyên nghiệp cứu trợ và giúp người tỵ nạn vì từ 2005 đến 2015 ông là giám đốc Cao ủy Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc. /.
Cũng như Hội Liên Quốc năm xưa. Liên Hiệp Quốc cũng sẽ không làm tròn được nghiệp vụ chiến sĩ Hòa bình và An ninh Thế giới. Thế Chiến thứ ba sẽ xảy ra?
Ít ra Liên Hiệp Quốc còn giữ được vai trò mới, với một nhiệm vụ mới: cứu trợ và lo cho người tỵ nạn.
Hồi Nhơn Sơn, Cuối Năm Bính Dần
Bắt đầu năm thứ 37 đời Tỵ Nạn.
Gs Phan Văn Song

 

Đăng ngày 17 tháng 01.2017