banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Vài nét về cựu Giáo sư ĐHSPSG

 

Một chút tâm tình về người Thầy cũ

Gs André Nguyễn Văn Châu

 Lê Như Mai

 

Giáo Sư André Nguyễn Văn Châu sinh năm 1935 tại Thành Nội Huế.
Thưở nhỏ, Giáo Sư theo học tại các trường Lycée Francaise de Huế và Lycée Yersin Đà Lạt nhưng đến năm Đệ Nhất theo học trường Quốc Học Huế. Sau đó, Giáo Sư theo đuổi cùng một lúc hai phân khoa khác nhau của Viện Đại Học Huế là Sư Phạm và Văn Khoa.
Giáo Sư đã lớn lên tại Huế, cùng thời với những ngừơi bạn học sau này trở thành những ngừơi nổi tiếng như giáo sư Bửu Ý, luật sư Trần Tấn Việt, nhạc sĩ Đặng Ngọc Ẩn, hoạ sĩ Thanh Trí, v.v...

1961-1964: Du học Pháp quốc, theo học tại Đại học Sorbonne.
1964:      Trình luận án Tiến Sĩ Văn Chương và trở về Việt Nam.
1964-1966: Giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Huế.
1966-1968: Đảm nhiệm chức vụ Phụ tá Chỉ huy trưởng Trung tâm Cán bộ Xây dựng Nông thôn Vũng Tàu.
1968-1975: Giảng dạy môn English and Creative Writing tại Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, sau đó giảng dạy thêm tại Đại Học Văn Khoa Đà Lạt và Đại Học Minh Đức.
1975:      Định cư tại Hoa Kỳ.
1975-2000: Bắt đầu làm việc với những ngừơi di dân và tỵ nạn trên thế giới.  
Trong thời gian này, Giáo Sư đã từng giữ chức vụ Tổng Thư Ký của International Catholic Migrations Commissions (ICMC) suốt 10 năm trời. Cơ quan này đặt trụ sở tại Geneva, có liên hệ với 89 quốc gia trên thế giới. Giáo Sư đã đến và làm việc với hơn 90 quốc gia.
Năm 2000:  Rời Geneva, trở về Hoa Kỳ.
2000-2010: Giữ chức vụ Director of Language and Accent Training tại ACS và sau đó, tại Xerox.
Năm 2010 Giáo Sư về hưu, sống tại Austin, Texas và bắt đầu dành trọn thời gian cho sự nghiệp mới: sáng tác trong lãnh vực văn học, nghệ thuật. Giáo sư viết truyện ngắn, truyện dài, truyện lịch sử, biên soạn, làm thơ, và vẽ tranh.

Những tác phẩm của Giáo Sư André Nguyễn Văn Châu đã được xuất bản:
- A Lifetime in the Eye of the Storm, nói về cuộc đời của bà Ngô Đình Thị Hiệp, em gái của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mô tả tất cả những gì người phụ nữ phải trải qua trong thời chiến: tình yêu, sự mất mát, những thành đạt và cả những đau thương.
- Journeys into Darkness and Light, tuyển tập truyện ngắn.
- Night and Day, tuyển tập truyện ngắn.
- The Miracle of Hope, Political Prisioner, Prophet of Hope, Life of Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận, nói về cuộc đời của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Sách đã được dịch ra 9 ngôn ngữ khác nhau.
- The New Vietnamese - English Dictionary Việt- Anh tân từ điển, do Giáo Sư biên soạn trong vòng 20 năm, xuất bản năm 2014, dày trên 1170 trang.
- Songs of Uncertainty, tuyển tập thơ, xuất bản năm 2019.
Giáo sư chuẩn bị hoàn tất tác phẩm Unbroken Wings of Hope, nói về Đức Giáo Hoàng John Paul II và Đức Hồng Y Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận, dự định xuất bản vào năm 2020.
(Source: http://www.andrenguyenvanchau.com)

***


MỘT CHÚT TÂM TÌNH VỀ NGƯỜI THẦY CŨ

Phải nhìn nhận rằng sau 25 năm dài làm việc không ngừng nghỉ với người tỵ nạn và di dân trên thế giới, những cống hiến của Thầy André Nguyễn Văn Châu trong lãnh vực này không thể nào kể xiết. Điểm nổi bật hơn hết trong quá trình làm việc của Thầy là sau biến cố 30/4/1975, tận mắt chứng kiến sự đau khổ của những người tỵ nạn khi phải xa lià, chia cắt với gia đình, người thân, năm 1976 Thầy đã đề xướng việc làm một lá đơn thỉnh nguyện với 300 chữ ký của những người tỵ nạn, đệ trình lên Toà Bạch Ốc với dự án cho phép người tỵ nạn được đoàn tụ gia đình. Đây chính là tảng đá đầu tiên làm nền móng cho Chương Trình Ra Đi Trong Trật Tự - Orderly Departure Program (ODP) sau này. Lá đơn thỉnh nguyện đó hiện vẫn đựơc lưu giữ tại US Catholic Congress và Toà Bạch Ốc. Dẫu dự án trình bày trong đơn thỉnh nguyện đã bị Toà Bạch Ốc từ chối hai lần đầu, Thầy vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục kiên trì đấu tranh cho quyền lợi của người tỵ nạn. Đến lần thứ ba, với sự ủng hộ của Ted Kennedy, dự án của Thầy cuối cùng cũng được Toà Bạch Ốc chấp thuận. Thầy đã cùng phái đoàn Mỹ về Việt Nam thảo luận với bộ Ngoại giao của chính quyền cộng sản một thời gian dài trứơc khi VN đồng ý ký kết thực thi chương trình nhân đạo này. Khi Thầy trở thành Tổng Thư Ký của ICMC thì chương trình ODP chính thức đi vào hoạt động. Thầy và người con trai út đã về Việt Nam thành lập văn phòng ODP tại Sài gòn nhằm giúp đỡ gia đình của những người tỵ nạn được xuất cảnh, tái xum hợp với người thân của họ. Ngoài chi nhánh tại Sài gòn, Thầy còn thành lập văn phòng ODP tại Bangkok, Bataan, Manila với số nhân viên khá đông đảo để có thể thực hiện chương trình này một cách hữu hiệu.

Hết lòng tranh đấu cho người tỵ nạn, nhưng Thầy cũng không quên các môn sinh của Thầy dưới mái trừơng Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ngày đó. Mùa Xuân năm 1975, nhìn thấy nguy cơ mất nước trước sự tấn công của đảng Cộng Sản miền Bắc, Thầy đã đưa toàn bộ danh sách sinh viên trong các lớp Thầy giảng dạy cho Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài gòn với lời thỉnh cầu cho tất cả được đi tỵ nạn. Thật đáng tiếc, vì tình thế quá hoảng loạn lúc đó nên ước nguyện của Thầy đã không đựơc thực hiện. Cho đến nay, Thầy vẫn còn giữ quyển sổ ghi tên các sinh viên theo học với Thầy, dù theo năm tháng, quyển sổ đã tơi tả, rách bươm...
Năm 1982 bạn Cao Thị Minh Châu của lớp Anh Văn 3, khoá 1972-1975, khi đang làm việc tại trại tỵ nạn Bataan, tình cờ được gặp lại Thầy nhân dịp Thầy sang trại tỵ nạn thăm viếng đồng bào và giới thiệu về cuộc sống trên đất Mỹ. Thầy trò gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi.  Thầy đưa cho Minh Châu một tờ giấy trắng, bảo bạn ghi toàn bộ tên các sinh viên trong lớp AV 3 cho Thầy. Trước khi chia tay, Thầy dặn dò Minh Châu, khi qua tới Mỹ, nhất định phải cố gắng tìm kiếm, kết nối bạn bè lại để tương trợ lẫn nhau và thành lập hội Ái hữu Đại học Sư phạm Sài gòn. Thầy cũng không quên nhắc Minh Châu có cần gì thì cứ liên lạc thẳng với Thầy, đừng ngại.

Người đời thường nói, sau lưng môt người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng một người phụ nữ. Điều này quả không sai trong trừơng hợp của Thầy. Cô Sagrario người gốc Tây Ban Nha, gặp gỡ, quen biết và thành hôn với Thầy khi Thầy Cô cùng theo học tại Đại học Sorbonne. Đến nay đã đựơc 56 năm. Trước 1975, Cô đã theo Thầy về sinh sống tại quê hương chúng ta, lấy quốc tịch Việt Nam với một cái tên rất Việt Nam, Hoàng Bạch Mai. Cô đã dành phần lớn thời gian ở Việt Nam để làm việc thiện nguyện tại các tu viện, các cô nhi viện và đặc biệt là phiên dịch những bài viết trong tờ báo Công giáo.  

Buổi chiều chúng tôi đến thăm Thầy Cô tại ngôi nhà xinh xắn ở Austin, Cô ân cần đưa nứơc uống, bánh trái cho từng người. Cô vui vẻ chuyện trò, thân mật, cởi mở, và giản dị như một người Bà, người Mẹ Việt Nam thuần túy.
Trời đã về chiều, chúng tôi từ giã Thầy Cô ra về mà lòng đầy tiếc nuối vì đã chẳng có nhiều thời gian tâm sự, chuyện trò với Thầy Cô.  Thôi thì chỉ còn biết cầu mong Thầy Cô được an khang, trường thọ để chúng tôi còn có dịp gặp lại.
Tận trong thâm tâm, chúng tôi chợt nhận ra rằng mình đã quá diễm phúc, quá may mắn khi được theo học với những bậc Thầy xuất sắc, đáng tôn kính như Thầy André Nguyễn Văn Châu, Thầy Đàm Trung Pháp, Thầy Lê Văn, Thầy Trần Trung Lương, Thầy Nguyễn Văn Lương, Cô Marion Casey, v.v...
Không biết các bạn cựu sinh viên Đại học Sư Phạm Sài gòn, đặc biệt là các bạn ban Anh văn chung lớp, có đồng ý với chúng tôi?

Viết trong ngày lễ Tạ Ơn Canada, 2019

Lê Như Mai
(ĐHSPSG, ban Anh văn, khoá 1971-1974)

PS:
Dưới đây là một vài hình ảnh Thầy Cô chụp chung với cựu sinh viên ban Anh văn ĐHSPSG khoá 71-74 và 72-75 ngày Thầy trò tái ngộ sau hơn 40 năm rời khỏi ngôi trừơng thân yêu.

 

 

 

Đăng ngày 19 tháng 11.2019