banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Vài nét phác họa về một người Thầy, một nhà Thơ:

Nguyễn Khắc Hoạch - Trần Hồng Châu

Nguyễn Văn Sâm

Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đã dạy ở trường Đại Học Văn Khoa ở đường Nguyễn Trung Trực trước khi tôi vào học (1960-1961). Trường có hai lớp Dự Bị cho năm Thứ Nhứt Văn Khoa: Dự Bị Pháp và Dự Bị Việt, ông dạy cho cả hai bên. Điều nầy đối với các Giáo Sư thời đó là chuyện bình thường vì các vị nầy hầu hết đều tốt nghiệp ở Pháp. Nhưng dạy mà cả hai bên đều thích là chuyện không phải dễ. Ông được điều đó dầu ông giảng bài với giọng trầm trầm, nho nhỏ, nhiều khi xuống giọng khiến sinh viên ngồi ở cách vài ba hàng ghế thường không nghe được mấy tiếng cuối. Tôi biết ông từ năm học đầu đời làm sinh viên văn khoa với sách cầm tay. Khoảng cách thầy trò rất lớn giữa một sinh viên - dầu là sinh viên Cao Học - và một Giáo Sư hay Khoa Trưởng. Nó ngắn dần dần khi tôi được bổ về trường với ngạch Phụ khảo ban Việt Văn năm 1968… Và tình thân càng nhiều hơn khi ông trở về năm 1974 từ Mỹ sau những năm vắng mặt tại trường ở Việt Nam để dạy cho một đại học Mỹ.
Thời gian nầy VNCH đang bị chiến tranh khá nặng, ai cũng nói sao thầy/anh về lúc nầy làm chi, tình hình căng thẳng quá. Ông chỉ cười hiền như lâu nay, trả lời ít chữ nhiều ý: Gia đình, hoàn cảnh và đất nước. Với lại đi lâu cũng nhớ sinh hoạt quê hương.

Ôi sinh hoạt quê hương có sức quyến rũ để người ta bất chấp những nguy cơ có thể ụp xuống trên đầu mình để trở về sống trong lòng nó sao! Rõ là cái quyết định của một thi nhân. Rồi một năm sau, cái lưới đỏ buông xuống trùm phủ miền Nam, chúng tôi ra vào trường lơ láo, không được đứng lớp (dạy), chỉ sinh hoạt bằng những buổi được lên lớp (tẩy não) bởi những máy nói XHCN từ Bắc vào Nam như Vũ Khiêu hay những khuôn mặt khác, có thể có cả Hoàng Xuân Nhị mà lâu quá bây giờ kẻ viết bài nầy cũng đã quên. Hai năm học tập tại chỗ, bất mãn chỉ nhìn nhau thở dài, nuốt nghẹn.

Vị Giáo Sư trung niên vừa là thầy, vừa là đồng nghiệp niên trưởng thường cùng với những những đồng nghiệp môn sinh trẻ hơn hai thập kỷ như Nghiêm Hồng, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Thiên Thụ, Nguyễn Văn Đậu… thường ra ngồi trước cổng trường nhâm nha những ly cà phê đắng, phần tạp chất nhiều hơn cà phê thiệt sự, để thở dài "nhìn ngày tháng dần qua" mơ mình "thành một cách chim", chữ của Nguyễn Vô Kỷ.
Tôi hỏi ông: Thầy có tiếc không việc trở về năm trước?
Ông hóm hỉnh theo cách của LM Lê Tôn Nghiêm:
Thằng cha nầy hỏi khó. Tiếc hay không thì làm gì được, hay chỉ để thêm đau lòng. Moi không tiếc, moi làm thơ để quên thực trạng cuộc đời trước mặt.
Tôi nhớ có lần ông tâm sự:
Đáng lẽ moi có mặt trong mấy cuốn như Thi Nhân Việt Nam vì lúc đó moi cũng đã có mấy chục bài thơ mới như thiên hạ đồng thời, nhưng rồi phải bỏ thơ để sang Pháp học văn chương Pháp.
Phải học cho đàng hoàng nên thơ thẩn bèn gác lại. Ông nói bằng cái mỉm cười. Tôi cố tìm trên gương mặt thầy mình để khám phá một vẻ tiếc nuối gì đó được ẩn giấu, nhưng tuyệt nhiên không thấy.
Rồi tôi bị biên chế phải rời trường thiệt sự, mất bục giảng, mất luôn cả cái chỗ gọi là cơ quan quản trị để có thể ở lại Sàigòn mà không bị dòm ngó, tôi lao mình ra biển vài ba lần cho tới khi đến được Mỹ. Chừng chục năm sau bạn bè trước ngồi ở cổng trường cà phê cà pháo rồi cũng lần lượt sang, rồi thầy mình cũng sang. Tế nhị tôi không dám hỏi ông và gia đình đến Mỹ bằng cách nào vì tôi nhận thấy chế độ mới biết giá trị của Thầy nên họ có vẻ nể nang trọng vọng. Tôi khuyên Thầy nên dấn thân thiệt sự vào thi ca hơn là đi vào đường nghiên cứu vốn bế tắc ở hải ngoại. Bài thơ thay lời khuyên đó được thầy cho in vào bìa sau của một tập thơ, chắc ông nghĩ rằng lời tôi nhắc có chút lý nào đó.
Tuần qua, Hoàng Lan, ái nữ của Thầy, và gia đình đã trang nghiêm tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy, đó là tin trong một email của GS Đàm Trung Pháp, Chủ Biên Danh Dự TẬP SAN VIỆT HỌC gởi ra cho thân hữu, GS Pháp cũng nói thêm: Với tôi, cố Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch là một giáo sư đại học lẫy lừng tên tuổi, một học giả uyên bác, một nghệ sĩ chân chính, và một hiền nhân của đất nước.
Không có nhận định nào ít lời nhiều ý bằng nhận định trên. Bao nhiêu thế hệ môn sinh của Thầy rải rác trên các lục địa nầy có thể xác định điều đó.
Cũng nên ghi lại để làm tài liệu là nhân dịp nầy Hoàng Lan đưa ra cho vài thân hữu và một số môn sinh của Thầy nhận định sau về thân phụ và thân mẫu mình:
Thầy Cô Hoạch có tâm đức cao quý, giữ vẹn tinh anh, luôn hòa ái, phúc đức, bao dung. Thầy Cô Hoạch thương yêu các con một cách khoa học.  Các con, cháu luôn kính thương và nhớ ơn Thầy Cô Hoạch với đầy tình nghĩa gia đình.  
Sự sáng tạo nghệ thuật trong các tác phẩm văn chương của Thầy Hoạch có hệ thống tư tưởng, lập trường, quan điểm, có tầm tư duy sáng chói luôn hướng đến Chân Thiện Mỹ với chủ đích thiết thực và cao đẹp của mình.  
Hoàng Lan cảm nhận các tâm hồn trong tác phẩm, cũng như tiếp thu thêm cơ hội để hiểu những ý nghĩa và vẻ đẹp của tác phẩm Thầy Hoạch.  
Hình ảnh Thầy Hoạch cùng các quý Thầy Cô hội kiến để thiết lập một cơ chế hoạt động cho tổ chức, xác định mục tiêu và hướng đi dựa trên quan điểm chung cho Viện Việt Học diễn ra rất thận trọng và tốt đẹp.  Hình ảnh này đã phản ánh một nét đẹp trí thức rất Việt Nam.
***
Về thơ, thi sĩ Trần Hồng Châu viết nhiều, đeo đuổi theo nàng Thơ trong một thời gian dài, từ những năm ông chủ trương và làm tạp chí Thế Kỷ Hai Mươi (1960) cho tới khi qui tiên. Nhiều tập, nhiều bài thơ hay, thường là sự tiếc nuối quá khứ, tiếc một hình ảnh người xưa, lời thơ bàng bạc chen một chút buồn nhè nhẹ - có thể gọi chăng là tương tư? - mà người đọc thoáng qua khó thể thấy. Hình ảnh ông dùng cũng ước lệ như cây cầu, như lệ nến, như sóng biển, như áo trắng biến thành bướm trắng…
Tôi đi trên những cầu kiều
Từng con phố nhỏ quạnh hiu trong lòng
Bâng khuâng mây trắng xây thành
Từng cơn nhung nhớ bên mành nhớ nhung
Cầu xưa vua đắp còn đây
Cầu em dải yếm cũng gầy tương tư
Tôi đi trên những cầu kiều
Từng nơi hò hẹn tiêu điều dấu chân
Ngậm ngùi vạt áo Hà Ðông
Một con bướm trắng bên sông hững hờ
Cầu xưa lá rụng tơi bời
Cầu tôi đuôi mắt mấy trời đam mê
Tôi đi trên những cầu kiều
Từng hồn thu cũ bóng chiều chưa phai.
(Hạt Cát Biển Ðông thi tập, trang 34)
Hay:
Em đi nhanh nón nhỏ gót hồng son
Bỗng hoa lá chập chờn trong vắng lặng
Hồn bâng khuâng rực rỡ ánh lưu ly
Bước ngập ngừng vân vi mi chớp nhẹ
Tình mang mang hò hẹn mái đò xưa
Mộng thanh xuân tuổi ngọc về đây nhé
Về đây nhé bướm trắng mộng thanh xuân.
(Bướm Trắng)
hoặc:
Từ muôn kiếp sóng vẫn dạt dào tâm sự
Từ muôn kiếp sóng vẫn bạc đầu nhấp nhô
Cánh hải âu chập chờn có phân vân
Vầng trăng xưa có gọi hải triều âm?
Biển vẫn đêm đêm hò hẹn mình các trắng
Nước tràn trề vào lòng cát đê mê
Mặn mà tình đôi lứa
Ngàn năm xin vẹn giữ lời thề!
……………………………
(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời)
Khi nói về biển, ông đi đến những ước mơ - như những con chim khi thi sĩ nói chuyện trước đây với những môn sinh đồng cảnh ngộ - xa gần rằng mình là con tàu, con tàu tự do ngoài biển để được đi xa, tới hay không tới đích đó là chuyện của tương lai, của số phận đã được định trước bởi thiên lực bí ẩn nào đó… nhưng chuyện ra khơi thì vẫn ra khơi. Tôi nghĩ những dòng thơ muốn được hóa thân nầy là những ước vọng thầm kín của thi sĩ do những năm tháng bị túng tíu ở bên nhà  sau cơn hồng thủy 1975.
Tôi là con tầu lênh đênh sóng vỗ
Lắc lư say theo nhịp hải hành
Về những thương cảng buồm thuyền như bướm lượn
Về những chân trời lộng gió biển mù khơi
Hay con tầu là tôi ngoài biển đời nhấp nhô
Nổi trôi theo định mệnh sợi chỉ bàn tay
……………………………
(Ở Biển Về Ngòi)

Đi tìm căn bản tư tưởng của thi nhân nào cũng là con đường nhiêu khê vì thơ càng nhiều thì ý tưởng càng rộng, càng chi tiết, tôi chỉ dám vẽ ra rằng trong đám mây mù thi phẩm của Trần Hồng Châu có ước mơ thoát ra khỏi cuộc đời tú túng thời bị bó gối sau 1975, có tình yêu như thể là bước tiến về, có sự an ủi tự vạch ra đề sống.
Tôi tâm đắc với thi sĩ ở mấy câu thơ có tính lãng mạn sau:
Mười phương quán gió đời ly loạn,
Ta vẫn ngồi đây mộng vẫn xây
Nửa đêm trừ tịch cờ dăm ván
Trà thanh vị đắng ngát giang hồ.
Và tôi vẫn cho rằng ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương rất có lý khi chọn bài Nửa Khuya Giấy Trắng của thi sĩ để đưa vô tuyển tập Thơ Tình Chọn Lọc do Khai Trí California xuất bản năm 1993, trang 185.
Xin trích ra mấy câu thơ cuối rất đặc sắc:
Vắng em hồn mộng đỗ quyên,
Nước non hiu hắt tiếng huyền bâng khuâng.
Ly tao dòng cạn khơi vần,
Mưa đan đan mãi gợi nhầu ý thơ
Cỏ vong ưu khói lam mờ,
Nửa ly mai lộ nguyệt hờ tắm suông.
Bút say vọng tưởng dòng Tương.
Mực say áo mộng lạc đường héo hon.
Ngỡ ngàng giấy trắng lòng son
Tuyết rơi rơi mãi gói tròn thương đau
(Nửa Khuya Giấy Trắng)

Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA July 04, 2021
https://www.facebook.com/sam.nguyen.7505468



Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, một người Thầy của tôi

Lê Học Lãnh Vân

Hồi còn học lớp 9 trường Petrus Ký, cách nay gần 50 năm, một lần tôi được một người bạn học của chị tôi dẫn vào thăm Khoa học Đại học Đường, tức trường Đại học Khoa học Sài Gòn, ngôi trường hiện nay có tên Đại học Khoa học tự nhiên TP. HCM. Lần đó chị giới thiệu tôi với một người đàn ông tươi cười và nhanh nhẹn: “Thưa thầy, em của em”. Ông đặt tay lên vai tôi và nói với chị: “Ờ, dẫn em đi coi trường mình đi. Biết đâu sau này em thích nghiên cứu khoa học”.
Đó là Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, người mà khi về nhà tôi được các anh chị cho biết là một nhà khoa học về Thực Vật học nổi tiếng, tác giả các bộ sách khoa học giá trị, và cũng là bạn học của anh tôi những năm 1940 tại collège Cần Thơ, nay là trường trung học Châu Văn Liêm. Phải nói, lúc đó tôi ngưỡng mộ ông biết bao!

Hình chụp nhân dịp lễ sinh nhật Thầy Phạm Hoàng Hộ (tháng 8/2009)

Số phận đưa đẩy năm sáu năm sau tôi là sinh viên học với ông. Trông ông không có gì khác biệt so với lần gặp trước, tôi lại càng ngưỡng mộ ông hơn, từ đây đã là Thầy của tôi, bởi tính giản dị rất thật lòng. Những kiến thực cao và tinh tế được ông trình bày bằng một tiếng Việt dễ hiểu, thuần phác. Nét mặt đó, nụ cười đó, cùng với thái độ ân cần năm năm trước, là bài học đầu tiên ngoài lãnh vực chuyên môn tôi được học của Thầy.
Cuối thập niên 1970, tôi trở thành cán bộ giảng dạy của trường và lúc nào cũng xem mình là người học trò nhỏ của ông. Bộ môn tôi làm việc khác với bộ môn của ông. Một ngày kia, ông nhắn tôi tới phòng làm việc. Tôi gõ nhẹ vào cửa:
“Thưa thầy, thầy gọi em?”
Ông bước khỏi bàn làm việc, bước ra salon, rót trà.
“Em ngồi uồng trà với tôi. Tôi mời em chớ không gọi em. Em lễ phép, tôi quí.
Thôi, bây giờ như vầy, em với tôi vẫn tình thầy trò, nhưng tư thế làm việc của em phải là của người đồng nghiệp của tôi".
Sau vài câu, ông nói tiếp:
“Em cố gắng, tập thói quen làm việc có phương pháp và đúng giờ giấc ngay từ đầu, nếu không sau này khó tập. Em nhớ mạnh dạn và độc lập. Tôi lớn tuổi rồi, sau này có những chuyện không biết hỏi ai, em chỉ cho tôi.
Còn một điều nữa: mình làm khoa học phải biết nghe người khác. Lúc nào cũng nghĩ mình có thể sai. Lỗ tai và con mắt lúc nào cũng mở. Cái miệng để hỏi, phải biết cách hỏi để người ta nói cho mình nghe. Mà phải biết nghe cho hết cái ý”.
Nét mặt ông chân thành, tự nhiên. Tôi cảm động một cách thành kính trước những lời tự nhiên của bậc tiền bối muốn truyền kinh nghiệm, muốn khuyến khích một người trẻ mới vào nghề, đồng thời cũng muốn đặt nền móng cho sự hợp tác chuyên môn có thể trong tương lai. Ông đã vượt lên trên, vượt ra ngoài chẳng những sự tư ti, tự tôn, mà cả sự khiêm tốn để chỉ còn một tâm hồn khoa học, sư phạm và nhân bản thật trong veo.
Đó là bài học thứ hai tôi học của Thầy.
Lúc đó chỉ mới vài năm sau ngày thống nhất. Ông được trao vị trí Phó hiệu trưởng. Trong bầu không khí “hồng hơn chuyên” nhưng tài năng và đức độ của ông không được dùng đúng với vai trò, vị trí chính thức. Tôi, vừa xót cho ông và vừa tiếc cho các sinh viên nên có những lời tâm sự với ông, trách móc thái độ của một số người vào tiếp quản trường. Ông cười nói:
“Mấy ảnh cũng tốt lắm, và làm phận sự của mấy ảnh. Ai cũng có tấm lòng!” Trong những lần tiếp xúc với ông sau đó, tôi chưa từng nghe ông nói xấu bất kỳ một vị giáo sư nào khác. Ông dễ thấy nơi người khác rằng ai cũng có tấm lòng.
Đó là bài học thứ ba tôi học của Thầy.

Khoảng năm 1984-1985 gì đó, một hôm, ông đến chào tôi: “Tôi tới chào anh để đi Pháp”. Tôi thật sự ngạc nhiên và cảm động. Một kẻ trẻ măng chưa có vị trí hay đóng góp gì, vậy mà ông, người cao vời vợi trong con mắt tôi, lại tới chào từ biệt. Lòng khiêm cung giản dị của Thầy là một bài học khác cho tôi.
Hai năm sau tôi cũng đi Pháp. Số đời lại đưa đẩy, tôi làm việc tại Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, trong phòng thí nghiệm về Cá (Laboratoire d"Ichthyologie), nằm trong một tòa nhà chỉ cách phòng thí nghiệm Thực Vật Học, nơi ông làm việc một khoảng sân.
Vài tuần một lần, hai thầy trò hẹn nhau, khi thì tại góc uống trà trong phòng thí nghiệm, Khi thì ngồi trên ghế đá của Vườn Thực Vật (Jardin des Plantes), khi thì ra đường Jussieux dùng buổi trưa trong một tiệm bánh ngọt, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ hay vào một tiệm ăn Hy Lạp. Câu chuyện của hai thầy trò, một cách tự nhiên, tập trung vào hai lãnh vực chính: chuyên môn Sinh học và hoàn cảnh đất nước.

Tại Pháp, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ tiếp tục công việc ông đã liên tục làm mấy chục năm qua: phân loại các loài thực vật. Trước kia ông phân loại Cây Cỏ Miền Nam, qua Pháp ông phân loại thực vật Đông Dương từ bộ sưu tập vĩ đại của người Pháp. Sức làm việc cần mẫn vào lứa tuổi của ông thực đáng kính phục!
“Tôi ráng làm càng nhiều càng tốt. Bộ sưu tập của Pháp rất dồi dào, đúng phương pháp khoa học. Do được sưu tập từ mấy mươi năm trước, các mẫu vật đã cũ, mình không làm gấp e sẽ hư hỏng thì uổng quá”.
Lời tâm sự của ông làm tôi cảm động:
“Nhiều người Trung Quốc từ đại lục và cả từ Đài Loan, Singapore đã đến tìm học các bộ sưu tập thực vật Đông Dương của Pháp. Tôi không biết họ có chủ trương gì đó không. Tài nguyên nước mình, mình phải biết. Mình không biết mà người ta biết thì người ta xài hết của dân mình. Lãnh vực nào cũng vậy riết rồi người ta áp chế mình, ăn trên ngồi trước còn mình cắm đầu dưới đất, tiếng là có độc lập mà còn thua hồi thuộc Pháp!”
Sự cần mẫn trong chuyên môn, lòng chân thành với đất nước không phô trương là bài học của Thầy, tôi sẽ học suốt đời.
Một cánh chim đầu đàn như vậy mới có được một tập thể các thầy cô Lê Công Kiệt, Nguyễn Văn Tùng, Tô Ngọc Anh cùng nhiều người khác của bộ môn Thực Vật Học tại Sài Gòn Khoa học Đại học Đường.

Năm 2004, tôi ghé Montreal thăm Thầy, lúc đó đang bị Alzheimer khá nặng. Thầy không còn nhớ nhiều chuyện xưa, nhưng tôi mãi nhớ các bài học của Thầy.
Hôm nay, Thầy ra đi, tôi nghe nỗi buồn man mác và nhẹ nhàng như hương khói bay lên, trong hương khói đó, thấp thoáng nụ cười chân thật, ấm áp, hiền lành…
___________

Tiểu sử Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
Là Giáo sư Thực vật học của Việt Nam, ông nổi tiếng với bộ sách ba quyển "Cây cỏ Việt Nam" (An illustrated flora of Vietnam, 1999) và quyển "Cây có vị thuốc ở Việt Nam" (2003) cùng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Ông sinh năm 1931 tại Cần Thơ, tốt nghiệp Thạc sĩ Vạn vật học, Tiến sĩ Khoa học (Paris), từng là Giáo sư thực thụ tại trường Đại Học Khoa Học Saigon, Khoa Trưởng trường Đại Học Sư Phạm, viện trưởng sáng lập viên Đại Học Cần Thơ, cựu Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, nguyên Giáo Sư khảo cứu tại Viện Bảo Tàng Thiên Nhiên Quốc Gia Paris, hội viên nhiều Hội Khoa Học Quốc Tế và là tác giả của nhiều ấn phẩm về Thực Vật học Việt Nam như:
Rong Biển Việt Nam (1969)
Tảo Học (1972)
Sinh Học Thực Vật (in kỳ tư 1973)
Hiển Hoa Bí tử (in kỳ nhì 1975 )
Cây Cỏ Việt Nam (6 tập, 1991-1993)
Cây Có Vị Thuốc Ở Việt Nam (2006)
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ qua đời vào ngày 29.1.2017 tại Canada.
Lê Học Lãnh Vân
(LVan Le )



Mang ơn phấn trắng bảng đen

Ngô Tịnh Yên

Ngày xưa, một anh học trò thấy một đàn kiến sắp bị dòng nước lũ cuốn đi, động lòng từ tâm bẻ một cành cây làm cầu cho đoàn kiến di chuyển. Kỳ thi Hương, bài làm của anh có một chữ thiếu nét. Theo trường qui đáng lẽ anh bị đánh rớt. Nhưng ông chánh chủ khảo không thấy cái chữ thiếu nét đó vì mấy con kiến đã bám chặt vào, cái nét chữ thiếu đã được màu kiến đen lấp đầy để trả ơn cứu mạng của anh học trò từ tâm.
Nhắc lại câu chuyện kể trên không phải là để vinh danh mấy con kiến, mùa này là mùa của những con kiến đen bu đầy nhà cửa, tưởng chỉ có kiến vàng cắn mới đau thôi chứ! Ai dè kiến đen cắn cũng đau ra phết, ấy thế mà tôi không nỡ giết một con nào, không phải để mong chúng lấp đầy cái “chữ thiếu” của mình, đơn giản chỉ là vì không muốn sát sinh, dù đó chỉ là một con kiến. Ít ra, khi nhìn thấy chúng làm phiền mình cũng nhắc tôi nhớ đến câu chuyện kể trên. Có bao giờ quý vị nhớ đến cái bảng đen đầy phấn trắng có lần đã rơi trên tóc thầy cô giáo của chúng ta? Tôi không được may mắn như vậy vì học ở trường đời nhiều hơn trường lớp, và tôi cũng học được lòng biết ơn các nhà mô phạm từ những câu chuyện nhỏ, như câu chuyện của Fred Bauer kể sau đây:
“Một hôm, tôi nhận thức rằng dường như tôi ít khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thân sống quanh tôi, dành cho tôi nhiều điều ưu ái. Tất nhiên là chúng ta không nên đợi đến những ngày lễ lộc, kỷ niệm… để nói lời cảm ơn đối với những người thân mà mình đã từng mang ơn. Giá như tôi học được điều gì đó về nghệ thuật cám ơn thì đó chính là: Hãy cám ơn ngay tức thì. Nói lên lời cám ơn không chỉ làm rạng rỡ, làm mát lòng ân nhân mà còn thể hiện tính văn minh lịch sự của người thọ ơn. Nếu bạn cảm thấy bị hắt hủi, xua đuổi, bạn đừng vội bi quan, yếm thế mà hãy ra tay cứu vớt người khác. Rất có thể đó là phương thuốc giúp bạn tìm lại niềm lạc quan, yêu đời.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, A.J. Cronin từng là một bác sĩ. Hồi ấy, có nhiều bệnh nhân đến yêu cầu Cronin điều trị cho họ chứng bệnh lo âu, hồi hộp, sợ sệt, mất niềm tin và luôn nghi ngờ. Cronin ghi cho họ toa thuốc thật lạ thường: “Toa thuốc cám ơn” rồi căn dặn bệnh nhân: "Trong vòng sáu tuần, quí vị phải nói lời cám ơn mỗi khi nhận được sự giúp đỡ của bất cứ ai dù đó chỉ là việc mọn. Và để tỏ ra rằng lời cám ơn kia xuất phát từ tấm lòng thành, quí vị hãy mỉm cười với ân nhân khi thốt lên hai tiếng CÁM ƠN." Sau 6 tuần điều trị, hầu hết bệnh nhân của Cronin đều cảm thấy thuyên giảm rõ rệt. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể bày tỏ ngay lòng biết ơn của mình. Nếu rơi vào tình cảnh ấy, bạn không nên lần lữa và giữ im lặng mãi mà hãy mạnh dạn cám ơn ân nhân ngay khi gặp lại họ sau đó.
Vừa mới đây, tôi có dịp về thăm lại quê nhà trong một thời gian ngắn. Trong khi tôi đếm bước dọc theo đường làng quen thuộc, kỷ niệm thời thơ ấu bỗng ùn kéo đến lấp đầy dòng suy nghĩ của tôi. Trên đường, tôi gặp lại cô giáo Violet Bible. Cô đã gợi trong tôi thời tôi còn mài đũng quần trên ghế trường trung học. Năm ấy, tôi ngồi lớp chín. Tôi mê chơi thể thao hơn là chú tâm vào việc học. Hậu quả là tôi bị tụt hậu môn tiếng La Tin. Khi phát giác ra môn yếu kém của tôi, cô giáo Bible nói: "Ồ, học tiếng La Tinh có khó khăn gì đâu, rất thú vị nữa là đằng khác. Sau bữa cơm chiều nay, em sang nhà cô, cô sẽ chứng minh cho em điều đó".
Trong nhiều tuần lễ kế tiếp, cô dạy kèm tôi học tiếng La Tin cho đến khi tôi theo kịp chúng bạn. Năm ấy tôi tròn 14 tuổi. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng cô giáo Violet Bible khả kính, vừa tích cực giảng dạy ở trường vừa làm tròn nhiệm vụ trong gia đình, lại còn dành riêng mỗi ngày một giờ để dạy kèm tôi học tiếng La Tin. Sự cố gắng giúp đỡ tôi của cô Bible lúc ấy, tôi xem như là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng giờ đây, khi gặp lại cô, tôi bỗng nhận thức một cách sâu sắc rằng cố gắng của cô dành riêng để dạy tôi học tiếng La Tin trước đây quả là sự hy sinh vô bờ bến mà hàng năm dài tôi hầu như quên lãng. Tôi chạy đến ôm choàng lấy cô, giọng thổn thức: "Những điều mà cô dành cho em trước đây đã vượt xa nhiệm vụ bình thường của một cô giáo. Xin cô nhận lòng biết ơn chân thành của người học trò cũ, dù cho lời cám ơn được thốt lên muộn màng.” Cô đáp lời tôi bằng nụ cười ấm áp, mãn nguyện và đôi mắt rạng rỡ niềm tin”.
Ở VN ba mươi năm nay có một trùng hợp là tháng 11 cũng có một ngày dành để vinh danh các nhà giáo, một sinh viên sư phạm kể lại những “buồn nhiều hơn vui” trong đời dạy học của mẹ mình: “Tôi còn nhớ rất rõ lúc tôi ngồi trầm ngâm trước lá đơn xin thi vào trường đại học, cách đây ba năm. Mẹ tôi (một nhà giáo tóc đã bạc, gần ba mươi năm trong nghề) đứng cạnh tôi, nói nhỏ nhẹ: "Con ạ, dẫu sao nghề giáo vẫn là một nghề cao quí". Mẹ tôi nói hai chữ "cao quí" thật nhỏ và mắt mẹ rưng rưng. Tôi thấu hiểu ước muốn của mẹ tôi. Không cần đắn đo, tôi ghi vào lá đơn: Trường Đại Học Sư Phạm. Tất nhiên trong chọn lựa cũng có phần của tôi.
Nhà tôi ở trong một con hẻm sâu. Có đêm, gần chín giờ, một người đàn ông tóc muối tiêu dắt chiếc xe đạp vào hẻm và hỏi tìm nhà cô giáo Hạnh. Khi mẹ tôi mở cửa, người đàn ông cúi hẳn người xuống, rụt rè: "Thưa cô, cô còn nhớ em không, em là Huân đây mà...". Mẹ tôi ngờ ngợ, có lẽ không nhớ ra. Khi vào nhà nói chuyện, chú Huân kể lại: "Hồi em học đệ tứ (lớp 9), ngồi đầu bàn, để chân ra ngoài. Cô đi lên đi xuống giảng bài say sưa, đụng phải chân em, cô vấp té, đầu va vào bàn... Cô nhớ không? Hồi đó, sợ quá em không nói được một lời xin lỗi với cô. Vậy mà em ân hận mãi. Hơn 25 năm rồi, cô ạ...". Ở ngoài Trung chú Huân chạy xe ôm, có dịp vào thành phố chú quyết tìm cho được người thầy cũ là mẹ tôi. Để thăm và nói một lời... xin lỗi. Khi trao những chiếc bánh nổ của quê hương miền Trung cho mẹ tôi, chú Huân bùi ngùi nói: "Có chút quà của miền Trung... để cô nhớ đến tụi em". Đêm đó là một trong những đêm vui của mẹ tôi.
Có một lần mẹ tôi bị bệnh nằm ở bệnh viện Gia Định, một bác sĩ khoảng 40 tuổi cứ ở bên mẹ tôi. Khi mẹ xuất viện, mỗi đêm người bác sĩ ấy lại lội vào con hẻm đến nhà theo dõi sức khỏe cho mẹ tôi. Đó là một học trò cũ của mẹ. Anh ấy cứ nhắc đi nhắc lại: "Không có cô, đời em chưa biết ra sao...". Anh ấy kể: hồi học cấp III, gia đình quá khó khăn, đã nhiều lần anh quyết định nghỉ học, nhưng mẹ tôi đã đến, giúp đỡ, động viên và anh lại tiếp tục đi học... Thỉnh thoảng mẹ tôi nhận được những lá thư, những thiệp chúc tết, thiệp báo hỉ... từ phương xa gửi đến. Tất cả đều ghi những lời trân trọng, ân tình. Mẹ tôi dành riêng một ngăn tủ gìn giữ tất cả và thỉnh thoảng mẹ tôi lại giở ra xem, và tôi thấy bà mỉm cười hạnh phúc.
Nhưng đời dạy học của mẹ tôi cũng có quá nhiều những đắng cay, thậm chí tủi nhục. Có một lần đi dạy về, vừa bước vào cửa mẹ ôm mặt òa khóc. Tôi hỏi mãi, mẹ mới chịu kể: "Mẹ đang dạy trong lớp thì một người sang trọng đến hành lang, gật đầu ra hiệu muốn gặp mẹ. Mẹ bước ra, người ấy trao cho mẹ một xấp vải và chiếc phong bì, nói: "Xin cô cho cháu nó vào học lại". Mẹ từ tốn trả lời: "Trường hợp cháu đã quá nhiều lần vi phạm kỷ luật, ban giám hiệu đã quyết định cho nghỉ học. Có gì xin ông gặp ban giám hiệu". Người ấy cứ dúi quà vào tay: "Cô nhận đi, không sao đâu, miễn là lo được cho cháu". Mẹ nghiêm giọng: "Xin lỗi, tôi không lo được, ông cứ mang lên ban giám hiệu". Người ấy bỏ đi, nói một câu: "Rách mà làm phách"! Mà đúng vậy, mẹ càng đeo đuổi nghề, càng ngày càng rách thật. Rách đến mức hồi tôi còn nhỏ, mẹ đã từng phải cắt chiếc áo dài cưới của mẹ để may cho tôi một chiếc áo mới, để tôi đến trường ngày khai giảng... Lần ấy mẹ tôi xót nhưng không đau. Lần này đau vì có người xúc phạm bà.
Lần khác, một phụ huynh tổ chức đám cưới cho con ở một nhà hàng sang trọng đã mời mẹ tôi. Xung quanh những khách khứa hào nhoáng, mẹ tôi trao chiếc phong bì mừng đám. Vị phụ huynh ấy đẩy tay mẹ tôi từ chối và nói một câu tự nhiên: "Tiền bạc đâu mà cô mừng cho cháu. Mời cô cốt là để cô bồi dưỡng". Mẹ tôi tái mặt, xấu hổ đến chín người và mẹ đã tìm cách ra về. Đến nhà, vào buồng, mẹ kéo chiếc chăn đắp lên ngực, mắt mở lớn nhìn lên trần nhà, và nước mắt cứ trào ra...
Tôi không nhớ hết được bao nhiêu lần mẹ tôi đã khóc như vậy. Cứ sau mỗi lần ấy, mẹ lại kéo chiếc hộc tủ có nhiều kỷ niệm đẹp của đời dạy học của mình ra và mẹ im lặng đọc từng lá thư, ngắm từng chiếc thiệp. Hình như lòng mẹ thanh thản trở lại. Nhưng cuộc sống cứ không để yên cho lòng mẹ thanh thản. Lại đắng cay, nhức nhối. Vậy mà mẹ vẫn muốn tôi trở thành cô giáo. Một năm nữa tôi sẽ ra trường, sẽ đứng lớp. "Dẫu sao - mẹ nói - đó vẫn là một nghề có ích nhất cho đời. Người thầy, với tấm lòng của mình, luôn để lại những dấu ấn đẹp cho mỗi cuộc đời...".”
Sống mà không biết yêu thương, ơn nghĩa, thì “Sanh Bất Nhược Tử” (Sống mà như chết), chết mà còn để lại cho đời những tấm gương sáng thì “Tử Bất Nhược Sanh” (Chết mà như sống). Vậy người ta tri ân những nhà triệu phú hay tri ân những nhà giáo nghèo? Hỏi tức là đã trả lời, nhà triệu phú cũng sẽ được tri ân như vậy nếu như họ biết làm việc từ thiện mà không khoe khoang cho mọi người biết. Riêng tôi, cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì còn được nói hai tiếng “Cám Ơn” chứ không phải là “Rất Tiếc”. Cám ơn con kiến củ khoai, cám ơn quê cha đất mẹ và cám ơn phấn trắng bảng đen…

Ngô Tịnh Yên

https://www.facebook.com/sam.nguyen.7505468

 

Đăng ngày 29 tháng 12.2021