banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tưởng nhớ Giáo sư Phan Hồng Lạc

                              

TIN BUỒN và PHÂN ƯU

Cựu SV các Lớp Việt Hán Đại Học Sư Phạm Sài Gòn vô cùng thương tiếc khi nhận hung tin Thầy Phan Hồng Lạc, GS Hán Văn và Hướng dẫn thực tập, đã qui tiên. Hưởng thọ 84 tuổi
Thành kính tri ân và tưởng nhớ Thầy.
Hiệp lời nguyện cầu hương linh Thầy được siêu thăng miền Lạc Cảnh.

Thầy đã như mây trắng
Bay về cuối trời xa
Nhớ thầy bài chữ Hán
Viên ngọc bích họ Hoà

Thầy là ngọc trong đá
Phi thường trong tầm thường
Học trò thầy như ngọc
Lưu lạc khắp muôn phương

Thà làm viên ngọc nát
Hơn là tấm ngói lành
Nhớ lời xưa thầy dạy
Thác vẫn còn tinh anh

Cánh Hồng giờ bay bổng
Chim Lạc đã về trời
Ngọc liên thành đâu nữa
Con nhớ thầy! Thầy ơi!

Cao Ngọc Cường


“Hoà thị chi bích”

Tin thầy Phan Hồng Lạc, giáo sư Hán văn của chúng tôi, các sinh viên Đại học Sư phạm Saigon qua đời đã làm tôi ngơ ngẩn, buồn bã suốt ngày!
Tôi biết thầy, lần đầu tiên, lúc vào vấn đáp. Sau khi đậu phần thi viết, anh chị em chúng tôi còn phải qua kỳ khảo hạch miệng. Thầy Lạc là một trong bốn giáo sư chấm thi chúng tôi hôm ấy. Thầy đưa cho tôi quyển Giảng văn và bảo tôi đọc to bài ca dao
“Bao giờ cho đến tháng Ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng…”
Chỉ thế thôi. Thầy nhường phần đặt câu hỏi cho các thầy Phạm văn Đang, Lê hữu Mục và Lê hữu Khải. Tôi đã ra về, lòng thật buồn vì cầm chắc tương lai trở lại Văn khoa sau khi không chống đỡ được câu hỏi của thầy Khải” chị nói con cọp chờ đến đêm 30 mới vồ người à? Vậy bây giờ, ban ngày, chị vào rừng, gặp cọp, xem nó có vồ chị liền hay nó đợi đến đêm 30?”
Nhưng trời thương kẻ khù khờ! Tôi cũng vượt qua được kỳ thi đó để cùng 38 anh chị em, vinh dự bước vào ngôi trường Sư phạm, tập tễnh sống đời phấn bảng.

Bán niên một, thầy Phan Hồng Lạc vừa là giáo sư Hán văn vừa là giáo sư hướng dẫn thực tập của chúng tôi, sinh viên Việt Hán một.
Bài Hán văn đầu tiên của thầy là”Hoà thị chi Bích”( viên ngọc của người họ Hoà), một bài học đã tạo cho tôi ấn tượng sâu sắc. Và không biết bạn nào trong lớp đã tặng thầy mỹ danh”Hoà thị chi bích “ và danh xưng đó chúng tôi vẫn giữ cho đến hôm nay khi nói chuyện về thầy.
Những bài Hán văn tuy khó nhưng với riêng tôi, lại dễ chịu khi thầy tận tâm hướng dẫn sinh viên. Thầy trẻ và nhẹ nhàng trong cách giảng dạy nên môn Hán văn khó nuốt cũng bớt phần “hắc ám”!
Những giờ đi thực tập cũng vậy. Không biết các bạn tôi thì sao chứ riêng tôi thì căng thẳng lắm. Tôi sợ quá là sợ!
Nhưng nhờ thầy, những lần thực tập sau, tôi đã bớt lo. Thầy dặn dò chúng tôi rất cẩn thận, cẩn thận từng chi tiết. Đối với các nữ sinh viên, thầy dặn đừng đi giày quá cao, sợ khi bước lên bục giảng, lúng túng sẽ… té! Và thầy cũng nhắc chúng tôi nhớ trang điểm nhẹ, nhất là nhớ đánh phấn hồng để che nét mặt xanh tái vì mất bình tĩnh! Bây giờ nhớ lại, tôi thấy thương thầy quá! Thầy thật tâm lý và lo cho học trò từng chút một!
Sau khi thực tập, phần nhận xét và cho điểm của thầy cũng nhẹ nhàng như tính cách của thầy. Thầy dịu dàng phân tích những ưu, khuyết điểm của chúng tôi và không bao giờ thầy nỡ xuống tay…!

Cuộc đời sinh viên của chúng tôi tưởng chừng sẽ êm đềm cho đến lúc ra trường. Nhưng không, định mệnh cay nghiệt đã phủ chụp lên toàn dân miền Nam vào ngày 30.04.1975!
Vận nước điêu linh!
Phận người tan tác!
Và giờ đây, sau bao cuộc biển dâu, thầy tôi cũng đã theo quy luật “sinh ký, tử quy”. Thầy ra đi!
Hòa thị chi bích của Việt Hán một, Thầy ơi!

Vũ Hoàng Hoa
San Jose, 12.02.2022

CHÚNG CON, CỰU SV ĐH SƯ PHẠM SÀI GÒN, KÍNH CẨN TƯỞNG NHỚ THẦY PHAN HỒNG LẠC ( 1939- 2022) CỰU GS TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM SÀI GÒN.


Thềm xưa...

Có còn vương vài sợi nắng,
Soi trên tóc đã phai màu?
Thầy bay theo vầng mây trắng...
Bận lòng chi, giấc chiêm bao!
Nặng lòng chi đời bể dâu...!

Phan thị Như Mai

 

Cuối năm 2013, tụi con đến nhà Thầy nhân dịp sắp ngày cúng giỗ giáp năm của Cô. Thầy đứng trên thềm nhà nhìn học trò về.

 

Đăng ngày 19 tháng 02.2022