Cung tiễn Giáo sư Đàm Trung Pháp
Mỹ Đức Phạm Nguyễn
Giáo Sư Đàm Trung Pháp vừa từ giã trần thế sau hơn 50 năm cầm phấn và cầm bút. Ông đã đóng góp rất lớn cho nền văn hoá giáo dục ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trước 1975, hầu như tất cả sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đều có học với thầy hay chí ít cũng nghe tiếng thầy. Một số lớn sinh viên đã thi “oral” vấn đáp tiếng Anh với thầy trước khi được chọn vào học ở trường này.
Môn dạy chính của thầy ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn khi đó là môn English Linguistics – Ngữ Học Anh. Đại đa số sinh viên lúc ấy vừa từ trung học lên, quá trẻ và nhiều bỡ ngỡ dù đã qua một năm trui rèn ở Đại Học Văn Khoa, đều nghĩ đây là môn học khó nhất với những thuật ngữ hết sức lạ lẫm, chỉ những nhánh học trong bộ môn Ngữ Học Anh như Phonetics, Phonology, Morphology, Semantics… cùng những lý luận, phân tích phức tạp.
Giáo Sư Đàm Trung Pháp vừa từ giã trần thế sau hơn năm mươi năm cầm phấn và cầm bút (Hình: Trang Phân Ưu/Người Việt)
Nhưng tất cả những giờ Ngữ học thầy dạy rất vui, cả lớp luôn cười nghiêng ngửa. Thế là ai cũng hiểu bài dễ dàng nhanh chóng, không chút khó khăn.
Hồi đó có một giáo sư tốt nghiệp Sorbonne, Pháp. Cô còn trẻ lắm, phong cách rất Âu Châu. Cách phục sức và trang điểm độc đáo không ai ở Sài Gòn thời đó có được. Sinh viên lúc nào cũng trầm trồ, chiêm ngưỡng cô, kể cả sinh viên các khoa khác trong trường.
Có học kỳ cô dạy môn British Institutions – Các Định Chế Xã Hội Anh. Môn này có liên quan đến lịch sử, văn hóa, chính trị, đời sống người Anh hiện đại và trong một vài thế kỷ trước. Vì vậy khá rắc rối. Nhiều bạn trong lớp không đủ điểm môn này. Cũng vào lúc này, nhạc sĩ Phạm Duy phổ biến bản nhạc mới “Giết Người Trong Mộng.” Cả Sài Gòn đi đâu cũng nghe từ radio, tivi, cassette hoặc nghe người ta hát bài này. Trong một giờ học, khi nghe sinh viên than thở thiếu điểm môn British Institutions với vị giáo sư nói trên, thầy cười to và hét lớn “Giết người trong mộng! Giết người trong mộng!” Cả lớp ngớ ra trong thoáng chốc rồi cười rũ, cười bò, cười đến chảy nước mắt quên cả nỗi lòng lo lắng. Ai cũng thấy sao mà thầy nói tựa bài hát đúng lúc, đúng thời đến thế! Bây giờ nhắc đến thầy, hầu như sinh viên lớp Anh Văn nào cũng không thể quên được những giờ học năm xưa đầy tiếng cười sảng khoái “đã đời” như vậy.
Óc khôi hài tinh tế để làm không khí vui tươi và khả năng sắc bén tinh lọc những điều khó hiểu thành đơn giản, dễ hiểu là hai quy tắc vàng trong nghệ thuật giảng dạy và diễn thuyết. Tôi thật may mắn đã học được ở thầy hai điều vô cùng quý giá này từ thuở tóc còn rất xanh. Suốt cuộc đời dạy học ở trong nước cũng như ở nước ngoài, bao giờ tôi cũng áp dụng những nguyên tắc này. Nhờ thế, không khí lớp học luôn luôn thoải mái làm người học rất thích thú, giúp họ đạt nhiều kết quả trong thời gian ngắn. Còn người dạy thu lượm khá nhiều thành công, lúc nào cũng yêu người yêu nghề, tân thưởng bao niềm vui trong công việc, cho đến bây giờ dù tóc đã bao lần đổi màu.
Không biết từ đâu mà người Việt trong nước có câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Trên trang Viethocjourney của Viện Việt Học, thầy đã viết bài “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam?” Thầy chỉ dùng một dấu hỏi tận cùng. Lẽ ra phải thêm dăm ba dấu hỏi nữa. Trong bài, thầy nói đến cái tế nhị và phức tạp khi dùng các đại từ nhân xưng tiếng Việt. Sau đó là cái khó khăn, rắc rối của 12 thì tiếng Anh mà người học, người dùng phải đương đầu qua bốn kỹ năng ngôn ngữ, nghe, nói, đọc, viết. Trong khi đó tiếng Việt không có động từ chia thì, chỉ dùng “đã, đang, sẽ” để diễn tả ba thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thầy không kết luận câu nói trên đúng hay sai, mà chỉ trình bày sự kiện để người đọc tự thấy bằng trải nghiệm của chính mình. Điều này cho thấy bản tính ôn hòa, điềm đạm ảnh hưởng từ gia đình Nho Giáo của thầy.
Giáo Sư Đàm Trung Pháp. (Hình: www.tvvn.org)
Khi thầy cô còn ở Dallas, Texas, gia đình tôi đã đến thăm hai lần. Khu phố thầy cô ở tuyệt đẹp, với những ngôi nhà có mặt tiền kiến trúc như những lâu đài Âu Châu. Thế nhưng thầy nói “chưa đúng ý chủ nhân”. Sau này thầy cô xây một nhà khác và lần này thầy nói “đây mới đúng ý chủ nhân”. Tiếc rằng chưa được ghé thăm nhà này.
Thầy rất gắn bó với cộng đồng người Việt ở Dallas và đã làm chủ tịch cộng đồng này trong thời gian dài. Có lần tôi thắc mắc sao các em Linh (tên các con của thầy cô) đều ở California mà thầy cứ ở Texas hoài. Thầy thở dài “thương mọi người ở đây quá không nỡ bỏ đi”. Thế nên khi được tin thầy mất, cộng đồng người Việt ở Dallas và các vùng phụ cận đã tổ chức lễ truy điệu thầy.
Cách đây khoảng sáu năm về trước, thầy cô chuyển về California. Ngay sau khi ổn định cuộc sống mới nơi miền nắng ấm, thầy bắt tay làm chủ biên và viết nhiều bài cho Tập San Việt Học, nhằm góp phần duy trì và phát triển ngôn ngữ cùng văn hoá quê hương nơi xứ người.
Thầy đã dạy Ngữ Học Anh ở Viện Đại Học Texas Woman’s University từ 1998 cho đến ngày về hưu năm 2012. Thầy được đại học này trao tặng danh hiệu Professor Emeritus, Giáo Sư Hồi Hưu Danh Dự. Đây là một vinh dự rất lớn chỉ dành cho các giáo sư đã có những công trình nghiên cứu và đóng góp đáng kể trong lĩnh vực giảng dạy chuyên môn của mình.
Trước đại dịch, gia đình chúng tôi thường gặp thầy cô. Suốt hai năm vừa qua, chỉ nói chuyện hay nhắn tin qua điện thoại thôi. Năm nay định rằng khi được nghỉ lễ Giáng Sinh sẽ đến thăm thầy cô. Nhưng quá trễ rồi! Thầy đã thở hơi cuối cùng ngày 2 Tháng Mười Hai, 2021, hưởng thọ 80 tuổi.
Vì đại dịch vẫn còn, tang lễ thầy chỉ tổ chức đơn giản trong phạm vi gia đình. Nhờ đi với Viện Việt Học mà tôi được dự thánh lễ đưa chân thầy. Có lẽ tôi là cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn duy nhất có mặt trong giây phút tiễn biệt thiên thu này…
Thưa thầy khả kính,
Sứ mạng dạy học và nghiên cứu của thầy đã hoàn tất xuất sắc.
Tất cả sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Khoa Anh Văn Đệ Nhị Cấp, niên khóa 1971 -1974 xin tri ân thầy, nhà nghiên cứu và nhà giáo cao quý suốt đời tận tụy phục vụ nhân sinh. Xin vinh danh sự nghiệp giáo dục và văn hoá của thầy trên hai quê hương. Thật hãnh diện được là học trò của thầy.
Xin cung tiễn thầy về Nước Trời đời đời hưởng nhan Thánh Chúa và thành kính nghiêng mình bái biệt thầy.
December 24, 2021
Mỹ Đức Phạm Nguyễn
(Tác giả tên thật là Phạm Kim Dzung, cựu SV ĐHSPSG, ban Anh văn, niên khóa 1971-1974)
https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/cung-tien-giao-su-dam-trung-phap/
Đăng ngày 25 tháng 01.2022