banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Giáo sư André Nguyễn Văn Châu

Giáo Sư André Nguyễn Văn Châu sinh năm 1935 tại Thành Nội Huế.
Thưở nhỏ, Giáo Sư theo học tại các trường Lycée Francaise de Huế và Lycée Yersin Đà Lạt nhưng đến năm Đệ Nhất theo học trường Quốc Học Huế. Sau đó, Giáo Sư theo đuổi cùng một lúc hai phân khoa khác nhau của Viện Đại Học Huế là Sư Phạm và Văn Khoa.
Giáo Sư đã lớn lên tại Huế, cùng thời với những ngừơi bạn học sau này trở thành những ngừơi nổi tiếng như giáo sư Bửu Ý, luật sư Trần Tấn Việt, nhạc sĩ Đặng Ngọc Ẩn, hoạ sĩ Thanh Trí, v.v...

1961-1964: Du học Pháp quốc, theo học tại Đại học Sorbonne.
1964:      Trình luận án Tiến Sĩ Văn Chương và trở về Việt Nam.
1964-1966: Giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Huế.
1966-1968: Đảm nhiệm chức vụ Phụ tá Chỉ huy trưởng Trung tâm Cán bộ Xây dựng Nông thôn Vũng Tàu.
1968-1975: Giảng dạy môn English and Creative Writing tại Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, sau đó giảng dạy thêm tại Đại Học Văn Khoa Đà Lạt và Đại Học Minh Đức.
1975:      Định cư tại Hoa Kỳ.
1975-2000: Bắt đầu làm việc với những ngừơi di dân và tỵ nạn trên thế giới.  
Trong thời gian này, Giáo Sư đã từng giữ chức vụ Tổng Thư Ký của International Catholic Migrations Commissions (ICMC) suốt 10 năm trời. Cơ quan này đặt trụ sở tại Geneva, có liên hệ với 89 quốc gia trên thế giới. Giáo Sư đã đến và làm việc với hơn 90 quốc gia.
Năm 2000:  Rời Geneva, trở về Hoa Kỳ.
2000-2010: Giữ chức vụ Director of Language and Accent Training tại ACS và sau đó, tại Xerox.
Năm 2010 Giáo Sư về hưu, sống tại Austin, Texas và bắt đầu dành trọn thời gian cho sự nghiệp mới: sáng tác trong lãnh vực văn học, nghệ thuật. Giáo sư viết truyện ngắn, truyện dài, truyện lịch sử, biên soạn, làm thơ, và vẽ tranh.

Những tác phẩm của Giáo Sư André Nguyễn Văn Châu đã được xuất bản:
- A Lifetime in the Eye of the Storm, nói về cuộc đời của bà Ngô Đình Thị Hiệp, em gái của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mô tả tất cả những gì người phụ nữ phải trải qua trong thời chiến: tình yêu, sự mất mát, những thành đạt và cả những đau thương.
- Journeys into Darkness and Light, tuyển tập truyện ngắn.
- Night and Day, tuyển tập truyện ngắn.
- The Miracle of Hope, Political Prisioner, Prophet of Hope, Life of Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận, nói về cuộc đời của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Sách đã được dịch ra 9 ngôn ngữ khác nhau.
- The New Vietnamese - English Dictionary Việt- Anh tân từ điển, do Giáo Sư biên soạn trong vòng 20 năm, xuất bản năm 2014, dày trên 1170 trang.
- Songs of Uncertainty, tuyển tập thơ, xuất bản năm 2019.
Giáo sư chuẩn bị hoàn tất tác phẩm Unbroken Wings of Hope, nói về Đức Giáo Hoàng John Paul II và Đức Hồng Y Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận, dự định xuất bản vào năm 2020.
(Source: http://www.andrenguyenvanchau.com)


 

Giáo sư Bùi Xuân Bào 

Giáo sư Bùi Xuân Bào sinh ngày 2/2/1916, nhưng trong khai sinh ghi ngày 1/1/1916 để cho dễ nhớ. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học. Thân phụ là cụ Bùi Xuân Trữ, xuất thân Trường Quốc Tử Giám, Tú Tài Hán Học. Thân mẫu là bà Tôn Nữ Ngọc Hòe, thuộc hoàng tộc, ái nữ cụ Thượng Thư Tôn Thất Tế.

Thuở nhỏ, ông học ở Huế, Hà Nội. Trong thời gian học Ban Tú Tài tại Trường Quốc học Huế, ông trúng tuyển một kì thi concours chọn học sinh xuất sắc toàn cõi Đông Dương.

Năm 1939, ông du học ở Pháp, đậu cử nhân văn chương tại Đại học Sorbonne, Paris. Về nước, ông làm giáo sư tại trường Quốc học một thời gian, sau đó ông qua Paris học và thi đậu Tiến sĩ Quốc gia (doctorat d’État) Pháp năm 1961 tại Đại học Sorbonne, Paris với đề tài “Văn chương Pháp giữa hai thế chiến” đã được xuất bản tại Pháp trong những năm 60.

Năm 1962, ông về nước được cử làm Khoa Trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn, rồi Khoa Trưởng Đại học Văn khoa và giáo sư thỉnh giảng Pháp văn tại Đại học Văn khoa Huế và Đà Lạt cho đến năm 1975.

Trong khoảng thời gian năm 1975-1982, ông phụ trách dạy các lớp bồi dưỡng tiếng Pháp cho các giáo viên, chuyên viên sử dụng tiếng Pháp tại trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh là Đại học Văn khoa Sài Gòn cũ cho đến ngày được phép sang Pháp mổ tim năm 1983.

Ông mất ngày 7-4-1991 tại Paris, hưởng thọ 75 tuổi.


 

Giáo sư Lý Công Cẩn

 

thầy Lý Công Cẩn

Giáo sư Lý Công Cẩn sinh năm 1933.

Trước 30/4/1975, Giáo sư Lý Công Cẩn là Phó Khoa trưởng đặc trách Khoa Học tại ĐHSP Sàigòn.

Năm 1973, Ông được cử làm Quyền Khoa trưởng ĐHSP Sàigòn, thay mặt Giáo sư Trần Văn Tấn để điều hành ĐHSPSG vì lúc đó Ông Trần Văn Tấn vừa là Viện trưởng Viện Đại học Sàigòn vừa là Khoa trưởng Đại học Sư phạm Sàigòn nên quá bận rộn.

Sau khi qua định cư ở Pháp, Giáo sư Lý Công Cẩn tiếp tục giảng dạy ở Đại học Montpellier. Sau đó ông về hưu và cư ngụ ở Le Crès thuộc miền Nam nước Pháp.

Ông đã tạ thế lúc 1h30 ngày 20 tháng 6 năm 2016 tại Le Crès, France.
Hưởng thọ 83 tuổi.

Linh cửu được quàn tại Funéraire de Grammont, Montpellier.
Lễ cầu siêu được tổ chức vào 9h và tiếp theo là lễ hỏa táng được cử hành vào 11h ngày 23 tháng 6 năm 2016 tại Crématorium Complexe Funéraire de Grammont, Montpellier.


 

Giáo sư Bùi Phượng Chì

 

thầy Bùi Phượng ChìCụ Bùi Phượng Chì là vị Giám Đốc đầu tiên của ban Khoa học thuộc Đại học Sư phạm Sàigòn. Cụ là 1 trong 3 người có công lập ra trường Đại học Sư phạm. Hai Vị kia là cụ Trương Công Cừu (Khoa Trưởng) và cụ Phan Thế Roanh (Giám Đốc ban Văn chương).

Cụ Bùi Phượng Chì sinh năm 1909 tại Bắc Ninh. Tốt nghiệp Cử nhân Lý Hóa tại Đại học Montpellier (Pháp) năm 1935. Cụ trở về Việt Nam cuối năm 1935 và dạy học tại Trường Bưởi. Từ năm 1940 đến năm 1945, Cụ dạy tại trường Đại học Khoa học Hà Nội (Phòng Thí nghiệm).

Sau năm 1945, vì không muốn làm việc dưới quyền người Pháp, cụ đi dạy tại trường Tư thục Dũng Lạc. Đến năm 1951 Cụ dạy tại trường Nguyễn Trãi thời chính phủ Quốc Gia.

Năm 1954, Cụ di cư vào Sàigòn và dạy học tại trường Chu Văn An.

Năm 1955 Cụ làm Thanh tra Học chánh.

Từ 1956 đến 1958, Cụ làm Tổng Giám đốc Học vụ Trung học.

Sau đó Cụ làm Giám đốc ban Khoa học tại trường Đại học Sư phạm Sàigòn từ 1958 đến 1967.

Cụ Bùi Phượng Chì về hưu trí năm 1967 và năm 2000 Cụ qua đời tại Hoa kỳ.


 

Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ

Ông sinh năm 1931 tại Cần Thơ, tốt nghiệp Thạc sĩ Vạn vật học, Tiến sĩ Khoa học (Paris), từng là Giáo sư thực thụ tại trường Đại Học Khoa Học Saigon, Khoa Trưởng trường Đại Học Sư Phạm, viện trưởng sáng lập viên Đại Học Cần Thơ, cựu Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, nguyên Giáo Sư khảo cứu tại Viện Bảo Tàng Thiên Nhiên Quốc Gia Paris, hội viên nhiều Hội Khoa Học Quốc Tế và là tác giả của nhiều ấn phẩm về Thực Vật học Việt Nam như:
Rong Biển Việt Nam (1969)
Tảo Học (1972)
Sinh Học Thực Vật (in kỳ tư 1973)
Hiển Hoa Bí tử (in kỳ nhì 1975 )
Cây Cỏ Việt Nam (6 tập, 1991-1993)
Cây Có Vị Thuốc Ở Việt Nam (2006)
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ qua đời vào ngày 29.1.2017 tại Canada.

 


 

Giáo Sư Giản Chi - Nguyễn Hữu Văn

1- Tiểu sử:

thầy Giản ChiThầy Giản Chi sinh năm Giáp Thìn (1904), quê làng Yên Quyết (làng Cót), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thuở nhỏ theo đòi Nho học; đến năm 14 tuổi đỗ khóa sinh, sau đó được vào học trường Bưởi.

Thầy tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, sau khi tốt nghiệp được tuyển làm công chức ngành bưu điện tại Lai Châu, Sơn La, tỉnh Hải Dương. Thầy bắt đầu cộng tác với một số tờ báo tại Hà Nội.

Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, thầy đưa gia đình lên miền thượng du tản cư, tạm lánh tại vùng Hoàng Lưu, sông Vàng, Thanh Oai.

Năm bốn mươi tuổi, thầy có hai câu thơ nói về quãng đời phiêu bạt của mình:

"Dòng đời khôn đổi làm sông rượu

Bừng giấc quan hà lại muốn say"

Từ 1940 thầy đã làm thơ đăng báo, nhưng mãi đến năm 1994 mới cho in thành tập "Tấc lòng". Thầy từng nói: "Duyên làm thơ của tôi bắt nguồn từ cảnh đẹp trên đường Cổ Ngư hồi còn đi học. Nó đeo đuổi tôi mãi đến lúc đầu đã bạc vẫn vương vấn mấy câu: Gió đông mơ dáng hoa đào/Trà Phương Bối đậm nhớ Sao Trên Rừng".Năm 1954, theo dòng người đi tìm tự do, thầy di cư vào Nam và cư trú tại Sàigòn. Tiếp tục làm công chức, dạy học tại Trường Đại học Sư Phạm Sàigòn, Đại học Văn khoa Sàigòn, Đại học Văn khoa Huế. Đại học Tổng hợp TPHCM (mấy năm đầu sau 30.4.1975).

Thầy viết nhiều sách về triết học và văn học cổ Trung Hoa. Thầy kết thân với người bạn tâm giao, cụ Nguyễn Hiến Lê, và cũng là người anh em bạn rễ của thầy. Cả hai vị cộng tác chặt chẽ, cùng viết và dịch nhiều quyển sách có giá trị như "Chiến quốc sách", "Sử ký Tư Mã Thiên", "Đại cương triết học Trung Quốc"...

Thầy là một lương sư tận tụy, một học giả uyên bác đã cống hiến rất nhiều cho nền học thuật nước nhà.

Cụ Nguyễn Hiến Lê có vài lời nhận xét về thầy Giản Chi như sau: "Ông Giản Chi là một nghệ sĩ (...) tính tình hào hoa phong nhã, thích hoa, rượu, nhạc. Thơ ông có giọng lãng mạn của thời đó, nhưng không sướt mướt mà hào hùng".

Sau 30 tháng 4 năm 1975, thầy vẫn ở lại Sàigòn, mặc dù ba người con của thầy khẩn khoản xin rước thầy ra nước ngoài định cư, nhưng thầy đã từ chối. Thầy vẫn tiếp tục ở lại trong nước, viết sách, làm thơ nhưng không còn nhiệt tình như thời gian trước nữa.

Đến 14 giờ 55 phút chiều 22 tháng 10 năm 2005, thầy tạ thế tại nhà riêng ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 102 tuổi. Ngày 26/10/2005, rất nhiều học trò cũ của thầy đến kính viếng thầy tại nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn và chia buồn với các con của thầy vừa từ nước ngoài về quê báo hiếu.

2- Tác phẩm:

- Cô độc - dịch truyện Lỗ Tấn (1954)
- Cái đêm hôm ấy (dịch Somerset Maugham)
- Lỗ Tấn tuyển tập (1987).
- Tấc lòng (thơ 1993).
- Vương Duy thi tuyển (1992).

* Các tác phẩm soạn chung với Nguyễn Hiến Lê:

- Đại cương triết học Trung Quốc, thượng và hạ (1965).
- Chiến quốc sách (1967).
- Sử ký Tư Mã Thiên (1972).
- Tuân Tử (1974).
- Hàn Phi Tử (1975).

(Viết bởi Lâm Hữu Tài và các cựu SV ban Việt Hán, khóa 1966-1969)


 

Giáo sư Nguyễn Thị Cúc

Cô Nguyễn Thị Cúc

Giáo sư Nguyễn Thị Cúc tốt nghiệp Tiến sĩ Địa Lý tại Đại học Sorbonne - Paris.
Bà là Giáo sư tại trường Đại học Sư Phạm Sàigòn, trường Đại học Văn Khoa Sàigòn và Viện Đại học Đà lạt.
Trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975 bà đã cùng các con di tản sang Pháp.
Bà là Chuyên gia khảo cứu (Chercheuse) của Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp (CNRS) (1975-1993).
Hiện hưu trú tại Pháp cùng với phu quân là giáo sư Lâm Thanh Liêm.


 

Giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân

 

thầy Lê Thanh Hoàng Dân

Giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân sinh tại Sàigòn. Định cư tại Hoa Kỳ (New York) từ năm 1975. Ông tốt nghiệp MS & MBA tại Pace University - New York và đã làm việc cho nhiều nhà bank và công ty ở Hoa Kỳ. Về hưu trí từ năm 2002.
Trước 1975, ông là giáo sư tại các trường: Võ Trường Toản (Sàigòn), Quốc gia Sư phạm Sàigòn, Đại học Sư phạm Sàigòn, Đại học Sư phạm Cần Thơ, Cao Đài, Hòa Hảo.
Ông đã dịch thuật và viết nhiều sách trước 1975 như: Các Vấn đề Giáo dục, Triết lý Giáo dục, Những Danh tác Chính trị, Lịch sử Chiến tranh lạnh...

Để hiểu rõ hơn về đời sống và các hoạt động của Giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân, xin mời vào website sau đây: http://my.opera.com/Le Thanh Hoang Dan




Giáo Sư Phạm Cao Dương

 

thầy Phạm cao Dương

Ông đã tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Sàigòn vào đầu thập niên 60. Năm 1973 Ông sang Pháp du học và tốt nghiệp Tiến Sĩ ngành Sử tại đại học Paris. Ông từng giảng dạy tại các trường Đại học Sư Phạm Sàigòn, Đại học Văn Khoa Sàigòn và là giáo sư thỉnh giảng tại các đại học Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh và Cao Đài.

Tháng Tư năm 1975, giáo sư Phạm Cao Dương may mắn rời khỏi được đất nước trong những giờ phút cuối cùng của miền Nam. Đặt chân tới nước Mỹ ông có một thời gian ngắn gián đoạn nghề dậy học, nhưng bù vào đó ông đã cắp sách đến trường lại để hoàn tất những học vị cần thiết cho việc quay lại với nghề dạy học cũ của mình.
Sau đó,ông giảng dạy các môn lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt nam trong gần ba chục năm qua tại các trường UCI, UCLA, Cal State Long Beach, Santa Ana College…

Sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu, Giáo sư Phạm Cao Dương vẫn còn dạy một số lớp tại các trường đại học có đông sinh viên Việt Nam ở Nam Cali.
Ông là một nhà giáo tận tụy với nghề suốt hơn bốn chục năm trường. Đúng là ông sinh ra để đi học và đi dạy h
ọc.


 

Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch

 

thầy Nguyễn Khắc Hoạch

Thầy Nguyễn Khắc Hoạch, sinh ngày 15-5-1921 tại huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên, Việt Bắc. Trong quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật, thầy dùng nhiều bút hiệu như: Hữu Minh, Lân Hồ, Hoàng Tuấn, Trần Hồng Châu…

Thuở bút nghiên:

Lúc thiếu thời, thầy học tại trường Trung Học Khải Định Huế (1936-1943), rồi học tại trường Đại học Luật Khoa Hànội cho đến năm 1945.
Sau năm 1945, thầy sang Pháp theo học trường Đại học Sorbonne Paris, đỗ Cử nhân Văn Chương năm 1950, đỗ Tiến sĩ Văn Chương Quốc Gia (Doctorat d’Etat) năm 1955.Đồng thời, thầy cũng tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Quốc Tế thuộc Khoa Luật (Institut des Hautes Etudes Internationales de Droit) Paris, năm 1952; và tốt nghiệp Trung tâm Châu Âu thuộc Đại học Nancy (Centre d’Etudes Européennes Université de Nancy), 1957.
Thời hoạt động:
- Lãnh vực Giáo dục:
• Năm 1957 về nước, thầy làm giáo sư môn Văn chương Pháp và Văn chương Việt nam tại các trường Đại học Văn Khoa và Đại học Sư Phạm Sàigòn; Đại học Huế; Đại học Đàlạt và Học viện Quốc gia Hành Chánh.
• Được bầu làm Khoa Trưởng Đại học Văn khoa Sàigòn theo nguyên tắc Đại học tự trị lần đầu tiên trong lịch sử Đại Học Văn Khoa (1965-1969).
• Năm 1970, được mời sang Hoa kỳ làm Giáo sư thỉnh giảng về môn Văn chương, Văn hóa Việt Nam, và Văn chương Pháp tại Southern Illinois University (Carbondale, Illinois, USA). Thầy dạy học tại đây đến năm 1974 thì về nước.
• Khoảng năm 1990, thầy sang Hoa Kỳ định cư theo diện gia đình bảo lãnh, cư trú tại Quận Cam, California.
- Lãnh vực Văn hóa Nghệ thuật:Là nhà trí thức uyên bác được kết tinh từ nền tân học hiện đại lại uyên thâm cả nền cựu học, thầy đã đem cái sở học của mình tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người, và hết lòng chấn hưng nền học thuật nước nhà:
• Trước năm 1945, thầy đã viết cho các tạp chí Gió Mới và Tiền Phong (Hà nội).
• Sau thời gian du học và vinh qui năm 1957, thầy mang theo những tinh hoa của nền văn học Tây Phương về nước, truyền đạt đến những thế hệ trẻ Việt Nam đàn em và những thế hệ tiếp nối. Là nhà Tây học, nhưng thầy là người rất tôn trọng lễ nghĩa, và giữ lòng trung tín với tổ quốc cha ông, tích cực hoạt động trong lãnh vực văn hóa giáo dục.
• Ở quốc nội, thầy sáng lập tạp chí Thế Kỷ XX; cộng tác với Tạp chí Văn Hóa Nguyệt San của Bộ Giáo dục do GS Nguyễn Đình Hòa làm chủ bút; tạp chí Văn Hóa Á Châu của GS Nguyễn Đăng Thục.
• Khi định cư ở nước ngoài, thầy vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn dưới bút hiệu là Trần Hồng Châu. Cộng tác với Văn, Văn Học và Thế kỷ XXI.
CÕI VỀ: Ngày 7-12-2003, thầy tạ thế, ra đi về cõi vĩnh hằng tại nơi thầy định cư (California USA), để lại lòng tiếc thương vô hạn cho tất cả thân quyến bằng hữu, các bậc thức giả và học trò, cả trong và ngoài nước.
Vinh Danh:
• Để tuyên dương những thành tích của thầy, năm 1968, Chính phủ VNCH đã ân thưởng cho thầy huy chương Văn hóa Giáo dục Bội tinh. • Phương danh GS Nguyễn Khắc Hoạch được rạng rỡ ghi trong các quyển Who’s Who in the World, Men of Achievement, International Book of Honor, và Intetnational Who’s Who in Asian Studies.
Tác phẩm:
• Le Japon et le Traité de Paix, Paris, 1952
• Le Roman Vietnamien au 18e et 19e Sìecle, Paris, 1955
• Les Ralations Américano-japonaises depuis 1951, Paris, 1957
• Xây Dựng và Phát Triển Văn hóa Giáo dục (Lửa Thiêng, Sàigòn, 1970)
• Thành Phố Trong Hồi Tưởng (Tùy bút, An Tiêm, Los Angeles, USA, 1991)
• Nửa Khuya Giấy Trắng (Thơ, Thanh Văn, Los Angeles, 1992)
• Nhớ Đất Thương Trời (Thơ, Thế Kỷ, Los Angeles, 1995)
• Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây (Thơ, Văn Học, Los Angeles, 1999)
• Dăm Ba Điều Nghĩ Về Văn Học Nghệ Thuật (Tiểu luận, Văn Nghệ, 2001)
• Suối Tím (Thơ, Văn Nghệ, 2003)
• Tuyển Tập Trần Hồng Châu (Thơ, Tùy bút, Tiểu luận, Viện Việt Học, 2004)

(Viết bởi Lâm Hữu Tài, ban Việt Hán, khóa 1966-1969)


 

Giáo sư Khưu Sĩ Huệ

cokshue

 Giáo sư Khưu Sĩ Huệ sinh ngày 6 tháng 7 năm 1934 tại Trà vinh, tỉnh Vỉnh bình. Cô đi du học ở Đài loan năm 1952, tốt nghiệp cử nhân ở Đại học sư phạm quốc gia Đài loan( National Taiwan Normal University) và dạy học ở Đài loan cho đến khi về nước. Năm 1963 cô tốt nghiệp cao học ở  đại học Chenchi (national Chenchi University) ở phía Nam thành phố Đài bắc. Cô về nước năm 1963, làm ở bộ giáo dục, sau đó dạy ở Đại Học Sư Phạm Sài gòn cho đến ngày 30-4-1975. Ngoài ra cô còn dạy ở đại học Văn khoa Sài gòn, Đại học Cần Thơ, đại học Vạn Hạnh ở Sài gòn và đại học cao đài ở Tây ninh. Cô mất ngày 18 tháng 10 năm 2012 tại tiểu bang Virginia, Hoa kỳ.

 

cô Khưu Sĩ Huệ

   (Viết bởi Trần Lâm Phát, ban Việt Hán, khóa 1969-1972)


 

Giáo sư Lưu Khôn

thầy Lưu Khôn

Quê ở Xã Mỹ trà, Quận Cao lãnh, Tỉnh Đồng Tháp.
Nguyên Giáo sư Hán Văn tại ĐH Sư Phạm, ĐH Văn Khoa Sàigòn và ĐH Cần Thơ (trước 1975). Sau tháng 4/75 thầy vẫn tiếp tục dạy học tại ĐH Sư Phạm và ĐH Văn khoa Sàigòn.
Giữa thập niên 1980, thầy được con trai bảo lãnh sang định cư tại Hoa kỳ cho tới nay.



về thăm quê hương

Từ trái sang phải: Bà Lưu Thị Hoàng Hoa (em gái GS Lưu Khôn), GS Lưu Khôn, Phu nhân anh L.H.Tài, Bà Lưu Khôn, anh Lâm Hữu Tài, các cháu Bà Lưu Khôn, trong một lần về thăm quê hương.


 

 

Linh mục Thanh Lãng

Linh mục Thanh Lãng

 Cố GS. LM Thanh Lãng tên thật là Đinh Xuân Nguyên, sinh tại làng Tam Tổng, Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Thuở bút nghiên:
- Thiếu thời, GS học tại trường làng. Năm 12 tuổi học tại Tiểu chủng viện Ba Làng. Năm 1945, thi đậu Tú tài toàn phần. Năm 1947, học triết tại Đại chủng viện Xuân Bích (Hà Nội). Năm 1949, được cử sang học tại Trường truyền giáo Rôma. Năm 1953 được thụ phong Linh mục. Sau khi được thụ phong, GS tiếp tục theo học Ban Văn chương và đậu Tiến sĩ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ.
Thời hoạt động trong lãnh vực văn hóa giáo dục:
- Năm 1957 GS về nước và được bổ nhiệm làm Giáo sư tại Tiểu chủng viện Tân Thanh (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Trong thời gian này GS cũng được mời giảng dạy tại Đại học Văn khoa Huế, Đại học Văn khoa và Đại học Sư Phạm Sàigòn suốt từ năm 1957 đến 1975.
- Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, GS chuyển sang nghiên cứu lãnh vực ngôn ngữ tại Viện Khoa học xã hội TP. HCM.
- Suốt quá trình làm công tác trong ngành giáo dục, từ năm 1957 đến năm 1975, GS cống hiến rất nhiều cho nền học thuật nước nhà; chuyên tâm nghiên cứu trong lãnh vực văn chương để phục vụ việc giảng dạy trong điều kiện đất nước còn thiếu sót rất nhiều tài liệu học tập bậc đại học.
- Chủ biên các tạp chí: Việt tiến, Trách nhiệm, Nghiên cứu văn học, Tin sách... và viết nhiều bài đăng trên nhiều báo khác với các chủ đề xoay quanh nền văn học Việt Nam. Hầu hết các bài viết của GS đều chú trọng các đề tài như Lịch sử phát triển chữ Quốc ngữ, Văn chương Quốc âm, Giáo trình Văn chương Việt Nam… Ngoài ra, GS cũng viết nhiều bài phê bình văn học, một số bài viết về các tác giả: Nguyễn Du, Nhất Linh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh...
- GS lâm trọng bệnh và qua đời tại S
àigòn ngày 17/12/1978.
Các sách đã xuất bản:
• Khởi thảo văn học sử Việt Nam: Văn chương bình dân (Hà Nội, 1953; Sài Gòn, 1954, 1957)
• Biểu nhất lãm văn học cận đại Việt Nam (Sài Gòn, 1957)
• Đóng góp của Pháp trong văn học Việt Nam (Luận án Tiến sĩ, 1961)
• Thử suy nghĩ về về văn hóa dân tộc (Sài Gòn, 1967)
• Bảng lược đồ văn học Việt Nam (2 tập, Sài Gòn, 1967)[1]
• Văn học Việt Nam: Đối kháng Trung Hoa (Sài Gòn, 1969)
• Văn học Việt Nam: Thế hệ dấn thân yêu đời (Sài Gòn, 1969)
• Phê bình văn học thế hệ 1932 (2 quyển, Sài Gòn, 1972)
• Tự điển Việt-La-Bồ (dịch chung với Hoàng Xuân Việt và Linh mục Đỗ Quang Chính, 1991)
• 13 năm tranh luận văn học (3 tập, 1995)
Và nhiều tác phẩm chưa in khác.

(Viết bởi Lâm Hữu Tài, ban Việt Hán, khóa 1966-1969)


 

Giáo sư  Lâm Thanh Liêm

 

thầy Lâm Thanh Liêm

Giáo sư Lâm Thanh Liêm tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne- Paris, ông đã từng là Giáo sư trường Đại học Sư Phạm Sàigòn, Giáo sư Trưởng ban Địa lý trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, nguyên Tổng thư ký Viện Đại học Saigon.

Ông cũng là Giáo sư về ngành Khoa học Xã hội tại Viện Đại học Vạn Hạnh, ngành Chính trị Kinh doanh tại Viện Đại học Đà Lạt, ngành Thương mại tại Đại học Minh Đức,đồng thời ông cũng giảng dạy tại các Đại học khác như Viện Đại học Huế và Viện Đại học Cần Thơ.

Sau tháng 4 năm 1975, dưới chế độ cộng sản, ông bị cưỡng bách "học tập cải tạo" trong thời gian 3 năm (1975-1977). Sau đó ông làm việc trong ngành nông nghiệp cho tới năm 1979 thì sang Pháp đoàn tụ với gia đình.
Ông về hưu trú sau một thời gian làm Chuyên gia khảo cứu (chercheur) của Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp (CNRS) và Giảng sư của Đại học Sorbonne Paris IV.

Giáo sư Lâm Thanh Liêm tạ thế ngày 11 tháng 04 năm 2020 tại Antony - Pháp, hưởng thọ 86 tuổi.


 

Giáo sư Trần Trung Lương

 

thầy Trần Trung Lương

Nhà văn Trà Lũ tên thật là Trần Trung Lương, sinh tại Ninh Bình, Bắc Việt. Vào Nam năm 1954. Giáo sư Đại học Sư phạm Sài Gòn trước 1975. Hiện định cư tại thành phố Toronto (Canada) và làm việc cho Bộ Văn Hoá & Công Dân của tỉnh bang Ontario.

Ông sáng tác sau 1975, cộng tác với nhiều tạp chí tại hải ngoại.. Từng giữ chức chủ tịch Văn Bút Việt Nam trung tâm Ontario (1991-1995).

Những tác phẩm của ông, hầu hết đều lấy cái nền Đất để trưng bày những vấn đề trong cuộc sống, cùng tình cảm ông dành cho mỗi góc cạnh cuộc đời. Sau những: Miền Đất Hạnh Phúc (1989), Đất Mới (1991), Miền Đất Hứa (1993), Đất Thiên Đàng (1995), Đất Yêu Thương (1997), Đất Lạnh Tình Nồng (1999), Đất Quê Ngoại (2001), Đất Anh Em (2003).. đến nay là Đất Nhà. Sức viết của ông khá mạnh và cứ chu kỳ hai năm, ông lại "lên khuôn" một lần để gởi đến bạn đọc.

(Trích bài của Võ Kỳ Điền, ban Việt Hán, khóa 1961-1964)


 

Giáo sư Lê Hữu Mục

 

thầy Lê Hữu Mục

 

Giáo sư LÊ HỮU MUC sinh ngày 24/11/1925 tại làng Lưu Phương, Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình, Bắc Việt. Hiện định cư tại Canada.Nguyên Giáo sư Đại học Sư Phạm Sàigòn, Đại học Sư Phạm & Đại học Văn khoa Huế. Nguyên Giám Đốc Nha Sư Phạm Bộ Giáo Dục VNCH.

 
Những tác phẩm đã xuất bản:
- Chèo Đi Bơi Đi (nhạc và lời, 1941)
- Thân Thế và Sự Nghiệp Nhất Linh (1955)
- Nhận Định về Đoạn Tuyệt (1955)
- Luận Đề về Khái Hưng (1956)
- Luận Đề về Hoàng Đạo (1956)
- Chủ Nghĩa Duy Linh (1957)
- Văn Hóa và Nhân Vị (1958, viết chung với Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê)
- Thảm Trạng của Một Nền Dân Chủ Vô Thần (1958)
- Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
- Việt Điện U Linh Tập (1960)
- Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
- Ức Trai Thi Tập (1961)
- Nhị Khê Thi Tập (1962)
- Băng Hồ Ngọc Báo Tập (1963)
- Chúa Thao Cổ Truyện ( 1965)
- Lịch Sử Văn Học Việt Nam (tập 1, 1968)
- Khóa Hư Lục (1973)
- Truyện Kiều và Tuổi Trẻ ( viết chung với bà Phạm Thị Nhung và Ds Đặng Quốc Cơ, nxb Làng Văn, 1998)
- Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh phụ ngâm khúc (viết chung với bà Phạm Thị Nhung - 2001).

(Viết bởi Lâm Hữu Tài và các cựu SV ban Việt Hán, khóa 1966-1969)


 

Giáo sư Vũ Quốc Oai

thay vu quoc oai 
Ông Bà Vũ Quốc Oai

Giáo sư Vũ Quốc Oai giảng dạy môn Vật Lý ở ĐHSPSG.
Hiện nay Ông đang định cư tại California - Hoa Kỳ.


 

Giáo sư Đàm Trung Pháp

 

Giáo Sư Đàm Trung Pháp (BA, MS, PhD) chuyên về ngữ học (linguistics) và phương pháp huấn luyện ESL (ESL instruction methodology) đã dạy đại học hơn 40 năm tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Nay về hưu, ông hiện là Chủ biên cho Tập San Việt Học <viethocjournal.com> của Viện Việt Học tại Little Saigon, Nam California từ năm 2018.
Quá trình phục vụ giáo dục theo thứ tự thời gian của Giáo sư Đàm Trung Pháp:
• 1971 đến 1975 – Giám đốc Trung tâm Sinh ngữ và Giảng sư ngữ học Anh, Đại Học Sư Phạm Saigon.
• 1976 đến 1980 – Lecturer, Department of English, San Antonio College, Texas.
• 1981 đến 1997 – Director, Department of World languages, Dallas Independent School District, Texas.
• 1998 đến 2003 – Associate professor of linguistics, Texas Woman’s University.
• 2004 đến 2012 – Professor of linguistics, Texas Woman’s University.
Tác phẩm giáo khoa đại học do Giáo sư Đàm Trung Pháp soạn thảo hoặc chủ biên:
• 1981 – A Contrastive Approach for Teaching English to Indochinese Students (Intercultural Research Association, San Antonio, Texas).
• 2006 – Cultural and Linguistic Issues for English Learners (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2007 – Intercultural Understanding (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2008 – Current Issues and Best Practices in ESL Education (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2009 – Understanding the English Language Learner (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2010 – Teaching English Learners: An International Perspective (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2011 – Linguistic and Cultural Considerations for English Learners (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).               


 

Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn

Quê quán: Tỉnh Hưng Yên

Cơ quan công tác: Trung tâm Dịch vụ phân tích Thí nghiệm. Số 2 Nguyễn Văn Thủ, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minhcacthaytoi

1957-1975: Giảng dạy tại Đại học Khoa dược Sài Gòn, Đại học Khoa học Saigon, và Đại học Sư Phạm Saigon.

1975-1987: Cán bộ giảng dạy Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

1986-2002: Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm, kiêm Chủ tịch liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh

2002-2003: Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu

Nghiên cứu cơ chế phản ứng hữu cơ. Tổng hợp hữu cơ tinh vi. Phương pháp phân tích vết.


 

Giáo sư Trần Văn Tấn

Giáo sư Trần Văn Tấn sinh ngày 24/6/1930 tại An Hóa, Bến Tre. Từ trần ngày 1/10/2013. Hưỏng thọ 84 tuổi.

Học Trung Học tại Collège Le Myre de Viler tỉnh Mỹ Tho (sau đổi tên là Nguyễn Đình Chiểu). Du học Pháp năm 1949. Cử Nhân Giáo Khoa Toán tại Faculté des Sciences, Toulouse. Tiến Sĩ Toán Vật Lý Lý Thuyết, Toulouse 1959. Khoa Trưởng ĐHSP/SG từ 1963 đến 1975. (Theo GS Võ Hiếu Nghĩa)

GS Trần Văn Tấn đã từng là Viện Trưởng Viện Đại Học Sàigòn trước 1975. GS Trần Văn Tấn 4 lần sang viếng Hoa Kỳ nhân họp mặt cựu SV ĐHSP/SG tại Nam California và tại Dallas, Texas.

Hơn 10 năm trước, cá nhân chúng tôi cũng đã gặp Thầy Khoa Trưởng nhân dịp Thầy ghé Houston thăm gia đình GS Nguyễn Văn Trường và gặp gỡ các môn sinh ĐHSP/SG...

               THAYTVTAN

Hàng ngồi, từ trái qua phải: Gs Trần Thế Hiển, Gs Trần Văn Tấn...

Người viết: Nguyễn Công Danh (Cựu SV ĐHSPSG, ban Anh Văn, 1967-1970)

(Trích website "ptgdtdusa.com")


 

Giáo sư Trần thị Chi Thuần

 

Bà Monica Trần thị Chi Thuần sinh ngày 13 tháng 11 năm 1929.

Trước năm 1975, Bà giảng dạy môn Địa chất tại ĐH Sư phạm và ĐH Khoa học Sài gòn.
Sau năm 1975 Bà định cư tại Hoa kỳ và qua đời ngày 04 tháng 02 năm 2017 tại San Jose, California.


 

Giáo sư Nguyễn Trần Trác

Ngyễn Trần Trác

Giáo sư Nguyễn Trần Trác cũng là cựu SV ĐHSP Sàigòn, ban Lý Hóa, khóa 1963-1967.
Sau khi ra trường năm 1967, ông về dạy tại nhiệm sở đầu tiên là trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho.
Năm 1972, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Vật Lý tại Đại học Khoa học Sàigòn. Sau đó, ông sang Pháp tu nghiệp. Trở về Việt Nam, ông làm giảng sư tại Đại học Sư phạm Sàigòn, môn Vật Lý.
Sau tháng 4/75, ông tiếp tục giảng dạy ở Đại học Sư phạm Tp HCM đồng thời kiêm chức Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế trong 10 năm trước khi rời chức vụ nầy.
Sau khi đã đến tuổi về hưu,  Gs Nguyễn Trần Trác vẫn còn giảng dạy tại một số trường Đại học ở Sài gòn. Hiện ông định cư tại Úc.


 

Giáo sư Nguyễn Văn Trường

nguyenvantruong

 

 

 

 

 

Tiểu sử:

  • · Cử Nhân Giáo Khoa Toán. Cao Học Toán
  • · Nguyên Quyền Giám Đốc Học Vụ Ban Khoa Học Trường ĐH Sư Phạm Huế
  • · Nguyên Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học vàBDGD
  • · Nguyên Tổng Trưởng Giáo Dục, Nội Các Trần Văn Hương
  • · Nguyên Ủy Viên Giáo Dục, Nội Các Nguyễn Cao Kỳ
  • · Nguyên Giảng Sư Trường ĐH Sư Phạm Huế và Sài-Gòn
  • · Nguyên Giảng Viên các Trường ĐHĐà Lạt, Vạn Hạnh

 Giáo sư Nguyễn Văn Trường sinh năm 1930 tại Vĩnh Long, đã từng theo học các trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, và Collège Le Myre de Vilers, Mỹ Tho, trước khi sang Pháp học tiếp ở Toulouse.

Ở Pháp về giáo sư Trường dạy ở Đại Học Huế. Năm 1963, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, giáo sư Nguyễn Văn Trường được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục thay thế ông Trần Bá Chức được lên làm Đổng Lý Văn Phòng cho Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục lúc bấy giờ là giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Giáo sư Nguyễn Văn Trường là ông Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và BDGD trẻ nhất từ trước đến giờ. Ông là một trong những người thuộc lớp trẻ đi vào hàng ngũ lãnh đạo giáo dục. Từ lúc này trở đi sự lãnh đạo trong lãnh vực giáo dục ở Nam Việt Nam đã được chuyền sang tay của nhiều người trong giới trẻ. Ít lâu sau khi cụ Trần Văn Hương làm Thủ Tướng lần đầu, giáo sư Trường được mời làm Tổng Trưởng bộ Giáo Dục. Năm 1966 thời của Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, giáo sư Trường lại được mời ra làm Tổng Trưởng Giáo Dục lần thứ hai. Thuộc nhóm người trẻ, có đầu óc cởi mở, tiến bộ, giáo sư Nguyễn Văn Trường rất thiết tha, rất tích cực với nền giáo dục nước nhà. Rất tiếc là ông phải nắm giử vai trò lãnh đạo giáo dục ở thời hổn loạn, lại chỉ ở địa vị Tổng Trưởng một thời gian ngắn thành ra những ý tưởng cải cách cũng như những dự án phát triển lớn lao của ông chưa có cơ hội thực hiện được. Dù vậy những biện pháp của ông đưa ra để đối phó với tình thế rối ren, chấn chỉnh học đường, đem lại trật tự kỷ cương cho ngành giáo dục trong thời hổn loạn này cũng rất đáng được nói đến. Chúng ta còn nhớ là sau khi ông Diệm bị đảo chánh các trường trung học ở Sài Gòn và một số các tỉnh lỵ lớn khác phải trải qua một thời kỳ hết sức tối tăm. Một số học sinh do sự xúi dục của những nhóm đầu cơ chính trị đã nổi lên đả đảo hiệu trưởng và ban giám đốc các trường đưa đến tình trạng hổn loạn, vô kỷ luật, vô trật tự, khiến cho việc dạy dỗ của giáo sư và việc học hành của học sinh bị trỡ ngại rất nhiều. Trước tình trạng hổn loạn đó ông Tổng Giám Đốc Nguyễn Văn Trường cương quyết dùng biện pháp mạnh đem lại kỷ luật và trật tự cho học đường với bất cứ giá nào. Theo lệnh mới của ông Tổng Giám Đốc thì khi học sinh bất tuân kỷ luật thì hiệu trưởng báo cáo thẳng về ông Tổng Giám Đốc để ông ký giấy đuổi học. Ông muốn chính ông lãnh trách nhiệm đuổi học sinh như vậy để tránh áp lực địa phương, tránh sự trả thù hay làm khó dễ ban giám đốc nhà trường. Nhờ biện pháp cứng rắn đó mà kỷ luật, trật tự ở học đường được hồi phục nhanh chóng. Nhưng ông cũng đã rất đau lòng khi phải ký giấy đuổi một học sinh con của một cô giáo cũ của ông ở Vĩnh Long. Pháp bất vị thân, ông đã làm hết bổn phận của mình đối với chính sách giáo dục do chính mình đề xướng.

Khi cụ Trần Văn Hương ra làm Thủ Tướng Chính Phủ lần thứ nhất cụ đã mời giáo sư Nguyễn Văn Trường làm Tổng Trưởng Giáo Dục. Thời này cũng là thời hổn loạn ở ngoài xã hội cũng như trong học đường. Một số đảng phái đầu cơ chính trị xúi giục học sinh biểu tình, chống dối chính phủ, tạo cảnh bất ổn trong một số các trường trung học lớn ở Đô Thành như Petrus Ký, Gia Long v v... khiến cho an ninh trật tự bị xáo trộn, chẳng còn dạy dỗ học hành gì được cả. Một lần nữa giáo sư Nguyễn Văn Trường phải dùng biện pháp cứng rắn đối phó với tình thế. Thông Cáo Số Một ra đời. Đây là lần đầu tiên Bộ Giáo Dục có thông cáo đặc biệt như vậy. Thông cáo này đặt chính trị ra ngoài học đường, nghĩa là không có chính trị ở trong hay chen vào học đường. Các đảng phái chính trị phải trả kỷ luật và trật tự lại cho trường học để cho việc học hỏi dạy dỗ được thực hiện tốt đẹp. Chính sách đặt chính trị ra ngoài học đường là một chính sách đúng về phương diện giáo dục, đúng với tinh thần nhân bản là một trong ba phương chăm giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đã được đề xướng trước đây trong hội nghị giáo dục toàn quốc và được Quốc Hội chấp thuận ban hành. Theo đúng tinh thần này không ai có quyền, dù với bất cứ danh nghĩa tôn giáo hay đảng phái nào, xúi giục học sinh trung học chưa đủ tuổi trưởng thành, lợi dụng sự hăng say bồng bột của tuổi trẻ, đẩy họ vào những công cuộc chống đối, đấu tranh cốt để phục vụ cho quyền lợi riêng tư của phe nhóm mình. Dùng tuổi trẻ vị thành niên, dùng học đường (trường trung học) làm phương tiện phục vụ cho chính trị là một hành động trái với tinh thần nhân bản, tinh thần tôn trọng giá trị của con người, xem con người là một cứu cánh chớ không phải là một phương tiện.

Công lớn nhất của giáo sư Trường là đem lại cho dân Hậu Giang trường đại học Cần Thơ. Công lớn này thật khó quên đối với người dân Miền Tây Nam Phần. Tuy nhiên giáo sư Trường là người rất khiêm nhường, ông không muốn nhận công lao đó là của ông, ông thường nói là ông chẳng có công gì cả, kết quả tốt đẹp đó có được là nhờ sự tranh đấu mạnh mẽ của nhiều anh em trẻ như Lê Thanh Liêm, Lâm Phi Điểu, Nguyễn Trung Quân, Trần Ngọc Thái, Phan Công Minh, Đào Khánh Thọ v v... và nhất là kỷ sư Võ Long Triều. Kỷ sư Võ Long Triều là người Bình Đại, Kiến Hòa. Ông có học Le Myre de Vilers một thời gian ngắn trước khi sang Pháp lấy bằng kỷ sư canh nông. Trong chánh phủ Nguyễn Cao Kỳ ông Triều giữ chức vụ Ủy Viên Thanh Niên. Ông đã dùng uy tín và tình cảm cá nhân để áp lực ông Kỳ cho Viện Đại Học Cần Thơ ra đời.

Giáo sư Trường có những suy tư rất sâu sắc về giáo dục. Tiếc là thời gian ông làm ở Bộ Giáo Dục quá ngắn, lại nhằm lúc hổn loạn luôn, thành ra ông không có cơ hội để thực hiện những ý tưởng sâu sắc của ông. Những ý tưởng đó ông đã ghi lại trong bài viết “Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ Tự Truyện” đăng trong giai phẩm Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm kỷ niệm 80 năm thành lập, và trong hai bài viết của giáo sư về tôn sư trọng đạo cũng như về cách dạy của giáo sư trong quyển sách này.


 

Giáo sư Mai Thanh Truyết

 

thầy Mai Thanh Truyết

Giáo sư Mai Thanh Truyết tốt nghiệp Tiến sĩ Hóa Học Đại học Besancon, Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Ông làm Assistant phụ trách Thí nghiệm Hóa Vô cơ tại Institut de Chimie, Besancon, Pháp.

Tại Việt Nam, trước năm 1975, Ông là Giảng sư (Associate-Professor), Trưởng ban Hóa học, Đại học Sư phạm Sài Gòn, đồng thời làGiám đốc Học vụ, Viện Đại học Cao Đài, Tây Ninh.

Từ lúc định cư ở Hoa Kỳ, ông đã từng giữ các chức vụ:
• Nghiên cứu cho Chương trình thuộc Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Đại Học Y Khoa Minnesota.
• Giảng dạy Hóa học Đại cương tại King College, Fresno, California.
• Giám đốc Phòng thí nghiệm và Giám đốc Xử lý Phế thải, Chemical Waste Management, Kettleman City, California.

Giáo sư Mai Thanh Truyết  hoạt động trong các lãnh vực chuyên môn như:
* Giám đốc nhà máy xử lý nước thải (Leachate Treatment Plant), BKK Corporation, West Covina, California.
* Giám đốc Kiểm soát An toàn và Phẩm Chất (QA/QC), Weck Laboratories Inc., Industry City, California.
* Giám đốc Kỹ thuật, Environment Consultant Services, Los Angeles.
Trong công tác Hội đoàn, Ông là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tại Hoa kỳ (VASTS).

Để biết rõ hơn về các hoạt động của Giáo sư Mai Thanh Truyết, xin mời vào trang web: http://maithanhtruyet.blogspot.com


 

Giáo sư Lê Văn

 

giáo sư Lê Văn

họp mặt Nam Cali 19-4-2009

Giáo sư Lê Văn chụp hình chung với các cựu Giáo sư và cựu Sinh viên ĐHSP Sàigòn Nam Cali nhân ngày họp mặt 19/04/2009.


 

Giáo sư Trần thị Khánh Vân

 

Cô Trần Thị Khánh Vân

 

Trước 30/04/1975, Bà là Giáo sư Sử học (chuyên về Sử Đông Nam Á) tại trường Đại học Sư Phạm Sàigòn.

Hiện đang định cư tại California (Hoa kỳ) với phu quân là Giáo sư Phạm Cao Dương.

 

 


 

Giáo sư  Nguyễn Thanh Vân

 

thầy Nguyễn Thanh Vân

Ông là giáo sư phụ trách môn Sinh học Thực Vật thuộc ban Khoa học tại trường Đại học Sư Phạm Sàig

òn. Một trong những hoạt động mà Giáo sư Nguyễn Thanh Vân đã thực hiện cho sinh hoạt tập thể của Liên khoa Đại học Sư phạm Sàigòn là đảm nhiệm chức Trưởng đoàn chuyến du khảo "Đi trên quê

hương" do Ban Đại diện ĐHSP tổ chức vào năm 1973. Dịp nầy, ông đã hướng dẫn các sinh viên cả hai ban Văn chương và Khoa học của ĐHSP Sàigòn đi thăm đất nước trên chuyến tầu Hải quân HQ 500, tuyến đường Sàigòn-Rạch Giá-Hà Tiên-Hòn Sơn Ray.

Hiện nay Giáo sư Nguyễn Thanh Vân đang hưu trú tại Pháp.