Cuộc đời dạy học của tôi:
cái nghề, cái nghiệp
Trần Thế Đức
Ngày 18 tháng 9 năm nay (2021) là ngày cuối cùng trong nghiệp dạy học của tôi. Từ giã học sinh, từ giã các đồng nghiệp, từ giã nhân viên nhà trường, từ giã môi trường giáo dục.Tôi không thể nói “từ giã phấn trắng bảng đen” được, vì từ ba tháng nay, thầy trò đâu có gặp nhau, dù gặp với cái khẩu trang bịt mũi, bịt miệng. Thầy trò chỉ nhìn thấy ảnh nhau trên màn ảnh laptop. Với kỹ thuật hiện đại ngày nay, làm gì còn “phấn trắng bảng đen”. Cũng may mà còn nhìn thấy nhau, không thiếu em nào trong lúc xung quanh, mọi người đang khốn đốn vì con virus Vũ Hán đang hoành hành, làm điêu đứng biết bao con người và bao chính quyền, giết chết biết bao mạng người.
Thế là cái nghiệp dạy học đã đeo tôi đúng 56 năm, từ 1965 đến 2021, từ lúc tôi 21 tuổi đến khi 77 tuổi. Nhiều người tính thâm niên trong nghề từ khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Tôi không nghĩ như thế. Tôi cho rằng từ lúc mình chính thức dạy học sinh và nghề dạy học cho mình phương kế để sống là lúc mình chính thức vào nghề, nghĩa là lúc mình chính thức dạy trong lớp của trường học. Sau khi đậu tú tài 2, tôi đi kèm trẻ 6 giờ mỗi tuần, lương rẻ mạt, chỉ đủ cho tôi tiền tiêu vặt, không phải ngửa tay xin tiền mẹ. Công việc kèm trẻ này không thể coi là nghề dạy học chính thức. Nhưng khi dạy ở một trường tư trong thời gian học Đại Học Sư Phạm là thời gian tôi vào nghề dạy học. Tôi vào Đại Học Sư Phạm Sài gòn năm 1964, ban Sử Địa, khóa 7. Thoạt tiên, tôi chỉ chú ý học (ở Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa). Nhiều bạn, sau khi biết thời khóa biểu học, đã dùng thời gian trống đi dạy ở các trường tư, thường là trường Công giáo hoặc trường Tàu. Nhận thấy đi dạy trường tư cũng có lý vì nhiều lý do. Nếu mình chỉ dạy một số giờ nhất định, không quá nhiều giờ thì mình vẫn không mất bài học và thù lao cũng thêm cho cuộc sống dễ chịu hơn trong lúc cuộc sống ngày càng khó khăn vì vật giá leo thang. Ngoài ra, dạy tư cũng giúp mình thêm kinh nghiệm trong nghề (trong lớp học và khi soạn bài) để khi đi dạy thực tập thì mình vững vàng hơn. Hầu hết bọn con trai trong lớp tôi đều đi dạy, nên trường nào có chỗ trống là giới thiệu bạn bè. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần, nhắn nhủ bạn bè có chỗ trống là kéo tôi vào. Mùa hè năm 1965, tôi chuẩn bị tinh thần để chính thức vào nghề dạy học. Bạn bè tôi dạy đủ mọi môn: từ sử địa (nghề của chàng), đến Anh văn, toán,…Mình định dạy gì bây giờ? Phải chuẩn bị để có chỗ là mình nhận ngay. Tôi nghĩ mình nên dạy Anh văn hoặc toán ở bậc trung học đệ nhất cấp, vì hai môn này cần nhiều giờ, mình dễ có chỗ. Mình chưa có bằng cấp, chưa có kinh nghiệm thì chưa thể dạy các lớp 10,11, lại càng không thể dạy lớp12. Tôi không nghĩ tới sử địa, vì hai môn này ít giờ và ai dạy cũng được (theo quan niệm của người đời), có lẽ khó có chỗ cho mình. Anh văn thì chỉ có mấy cuốn English For Today, dễ ăn. Toán từ lớp 7 đến lớp 9 chẳng có gì là khó. Cuối hè năm đó, một người bạn hỏi tôi có muốn dạy ở một trường Công giáo ngoài thành phố thì anh ta sẵn sàng giới thiệu. Chưa có kinh nghiệm, còn đang là sinh viên thì đâu dám đòi hỏi cao sang, mà trường ngoài thành phố thì đâu có khó khăn gì, đi xe gắn máy chỉ 30 phút là tới. Tôi nhận lời ngay. Gặp vị linh mục (không nhớ là hiệu trưởng hay giám học) rất thân thiện, tôi mừng, lần đầu tiên ra đời gặp may. Biết tôi đang học Đại Học Sư Phạm ban Sử Địa, ông đề nghị tôi dạy sử địa cho các lớp 9. Thế là dự định của tôi xin dạy Anh văn hoặc toán đành xếp lại. Tôi nhận lời ngay: nghề của chàng. Dạy đúng môn sở trường của mình thì soạn bài đỡ mất thời giờ và dạy dễ dàng. Thế là cuộc đời đi dạy của tôi bắt đầu khi niên khóa 1965-1966 khai giảng vào tháng 9 năm 1965, môn sử và môn địa lớp 9.
Dạy học là nghề của tôi. Qua bao thăng trầm của xã hội, tôi phải làm những nghề khác, nhưng dạy học vẫn là nghề của tôi. Đành rằng phải đổ mồ hôi và sức lực ra để kiếm miếng ăn, nhưng dạy học mới khiến tôi đề hết tâm hồn vào, tôi cảm thấy đây là cuộc sống của mình. Sau cuộc đổi đời 30-4-1975, đồng lương thầy giáo không đủ cho cuộc sống chật vật, nhiều người từ giã học trò, làm những công việc khác để có đủ tiền nuôi gia đình. Có người đi bán thuốc tây. Có người lăn lộn ở chợ trời mua bán đồ cũ (quần áo, sách báo, đồng hồ, quạt máy...). Ai có sức khỏe thì đạp xe ba bánh, xe xích lô. Tôi không đủ bản lãnh từ giã nhà trường (phần vì cần phải giữ hộ khẩu Sài Gòn, phần vì 9 kí gạo hàng tháng), đành cam phận kẻ lưu dung, “hàng thần lơ láo” và tìm phương kế kiếm thêm tiền. Quanh đi quẩn lại, tôi đành sửa xe đạp ở lề đường. Tuy nhiên, tôi vẫn là một thầy giáo. Khi quyết định vượt biên, tôi nghĩ từ nay, cái nghiệp dạy học của tôi sẽ chấm dứt. Nếu sang được nước tự do, tôi sẽ dùng hai bàn tay và bắp thịt để kiếm ăn, chứ đâu còn dùng đến cái đầu của người dạy học nữa. Tôi nghĩ như thế vì ở các nước tiên tiến, khả năng và kiến thức của tôi trong nghề dạy học, lại dạy sử địa nữa, chỉ là đồ cổ. Chuyến vượt biên của tôi thành công. Tôi định cư ở Úc. Tôi mạnh dạn đi tìm việc chân tay, không nghĩ gì tới dạy học nữa. Những người bạn giúp đỡ tôi nhiều nhất trong những ngày đầu xây dựng lại cuộc đời là những bạn Sử Địa ĐHSP. Có người khuyên tôi: dạy học ở Úc không phải như Việt Nam, học trò coi thường thầy giáo, tiếng Anh của mình thì ấm ớ, lại dạy sử địa nữa, không dạy nổi đâu. Các bạn tôi đến Úc trước tôi vài năm, đã ổn định cuộc sống, có nhiều kinh nghiệm giúp tôi tìm cho mình một hướng đi.Thời đó, mọi việc đều dễ dàng, Bộ Giáo Dục tiểu bang không đòi hỏi nhiều giấy tờ, bằng cấp. Họ đề nghị bạn tôi trở lại trường dạy học (môn khoa học xã hội ở bậc trung học, hoặc Việt ngữ ở bậc tiểu học), nhưng các bạn tôi đều từ chối, vì nước Úc là xứ Thiên Đường, không thiếu gì việc làm: nông trại, kinh doanh, hãng xưởng, bưu điện... Đây là dịp để những ai trước kia lỡ vào ngành sư phạm thì nay chuyển sang ngành khác. Nhưng có bạn lại khuyên tôi nên nộp đơn xin được chứng nhận văn bằng tương đương (qualification), dù mình có định đi dạy hay không. Tôi nghĩ cứ nộp đơn, kèm theo những giấy tờ cần thiết để xin Hội Đồng Xác Nhận Văn Bằng Ngoại Quốc (Overseas Qualification Council) chứng nhận văn bằng tương đương, sau này mình có dạy hay không thì cũng chẳng mất mát gì. Tôi đã từng làm công nhân trong hãng sản xuất vớ. Tôi cũng đã làm công nhân trong hãng sản xuất đồ sắt. Rồi tôi làm cho bưu điện Úc, công việc ổn định, lương cũng đủ cho cuộc sống của tôi ở Úc và gia đình ở Việt Nam. Theo sự hướng dẫn của một người bạn, tôi nộp đơn cho Bộ Giáo Dục tiểu bang xin đi dạy và được nhận vào dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam vào ngày thứ bảy ở một trường trung học Úc. Không thể ngờ được. Tôi trở lại trường học, dạy môn Việt ngữ.Việc làm ở bưu điện ổn định, tạo cho tôi cuộc sống an lành. Dạy học chỉ có một buổi sáng, nhưng tôi cảm thấy đây mới là nghề của mình. Cái nghiệp dạy học vẫn đeo tôi tới tận Úc, nơi tôi xây dựng cuộc đời mới.
Tôi vào Đại Học Sư Phạm chỉ là sự tình cờ. Tôi thích môn sử, môn địa, mà quyết định “xin chọn nơi này làm quê hương”, chứ thoạt tiên, khi chọn con đường sư phạm, tôi không dành tâm huyết cho ngành dạy học. Khi vào nghề rồi, tôi mới thấy vui với nghề và phải làm tròn bổn phận của mình. Nhìn các em học sinh đang giương đôi mắt ngây thơ nhìn mình, các em đặt hết niềm tin vào ông thầy, tôi cảm thấy phải làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi phải làm sao cho các em học được điều gì khi vào lớp và khi ra khỏi lớp. Người đời thường có ý nghĩ: sử địa là môn hệ số hai, không quan trọng. Nhưng tôi không thể vô trách nhiệm trong nghề của mình được. Học sinh đang đặt lòng tin vào ông thầy, mà mình dạy lơ mơ làm cho các em mất lòng tin vào ông thầy, danh dự của ông thầy còn đâu nữa. Tôi cũng nghĩ rằng dạy xuề xòa là ăn cắp thời gian của học sinh, ăn cắp tiền bạc của người trả công cho mình là Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Tôi không phải là con người đạo đức gương mẫu.Tôi không phải là tấm gương cho học trò, nhưng tôi có trách nhiệm của tôi. Trong những vị thầy dạy tôi, nhiều tấm gương mà tôi kính trọng và nghĩ rằng mình cũng sẽ sống như các thầy.Trong ngành giáo, có những đồng nghiệp coi đây là chốn nương thân của công chức chính ngạch, hoặc tệ hợn. có người đánh mất lương tâm của nhà giáo. Nhưng tôi vẫn là tôi. Đường ta, ta cứ đi.
Ý tưởng dạy học đến với tôi từ thời tôi còn nhỏ, khi tôi học lớp đệ lục (1957-1958), đệ ngũ (1958-1959). Gần tết, các trường trung học đều tấp nập với báo xuân. Báo Xuân Chu Văn An của trường tôi và báo xuân của các trường khác có nhiều bài vở hấp dẫn, mà tác giả là những anh học trò chỉ trên tôi vài lớp. Báo Xuân Quốc Gia Sư Phạm (một trường gần bên trường Chu Văn An của tôi) có nhiều bài nói về trường tiểu học, các em học sinh bé nhỏ và đời sống của thầy cô giáo ở tỉnh nhỏ hoặc thị trấn xa đô thành, trong hoàn cảnh nước Việt Nam thanh bình. Tuổi trẻ của tôi mơ mộng với cuộc sống yên lành với tình quê hương nồng ấm, và nghề dậy học các em nhỏ tiểu học thật lãng mạn. Trong một Giai Phẩm Chu Văn An, tôi say mê một bài của Lê Tất Điều (sau này là nhà văn) nói về cuộc sống thơ mộng của một thầy giáo tiểu học ở thị trấn nhỏ của nước Việt Nam Cộng Hòa yên lành. Tôi ước mong trở thành một thầy giáo ở một thị trấn nhỏ như thế. Nhà tôi nghèo. Mẹ tôi chật vật nuôi ba chị em chúng tôi. Nếu tôi đi làm, sẽ nhẹ gánh cho mẹ tôi. Tôi mong hai năm nữa, sau khi học hết lớp đệ tứ, thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, rồi thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm, học một năm, sẽ trở thành giáo viên tiểu học, cuộc đời lên hương. Lương thầy cô giáo tiểu học cao hơn lương thư ký hành chánh và chuẩn úy trong quân đội. Vào thời đó, nghe nói chính phủ sẽ mở một loại trường cho học sinh trung học vừa học văn hóa, vừa học nghề, giúp cho học sinh có thể đi làm sớm. Tuy nhiên, tôi chỉ nghe nói, mà không biết rõ loại trường này ra sao? trường ở đâu? Sau này, tôi biết đó là trường trung học kỹ thuật Cao Thắng. Mục đích của tôi là thi đậu văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp và sau đó thi đậu vào trường Quốc Gia Sư Phạm. Nhưng cuộc đời đâu có xuông xẻ như mình muốn. Khi tôi đậu được văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp thì quy chế tuyển sinh của Trường Quốc Gia Sư Phạm thay đổi: kể từ nay, phải tốt nghiệp bằng tú tài I mới được nộp đơn thi tuyển, giáo sinh học hai năm, khi ra trường được bổ nhiệm vào ngạch giáo học bổ túc, lương cao hơn ngạch giáo viên tiểu học. Thế là tôi hỏng giò. Mộng đẹp tan thành mây khói. Tôi phải tiếp tục học lên lớp đệ nhị và thi bằng tú tài 1. Tôi đậu, và hăm hở đi nộp đơn thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm, khóa đầu tiên. Dù thí sinh khoảng 3000 người, nhưng trường sẽ tuyển 200 người, nên tôi vẫn có hy vọng. Kết quả thi: không có tôi. Lớp Chu Văn An của chúng tôi có hai bạn trúng tuyển. Tôi thật buồn, lại phải tiếp tục học lớp đệ nhất và thi bằng tú tài II. Có lẽ tôi không có duyên với nghề giáo.
Ý tưởng chọn nghề dạy học lại đến với tôi khi tôi học lớp đệ nhị (1961-1962). Năm đó nhiều thầy mới tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, khóa đầu tiên. Các thầy trẻ, tinh thần cởi mở, phương pháp mới mẻ, khác hẳn các thầy thuộc thế hệ trước, tạo một sinh khí mới cho chúng tôi, hăng hái học thi lấy bằng tú tài 1. Trong các thầy mới, thầy Phạm Xuân Lương (dạy môn Anh Văn) là người gần gũi, thân mật với chúng tôi. Thầy cũng xuất thân từ Chu Văn An nên tình cảm của chúng tôi với thầy thật thắm thiết. Vào thời đó, trường học không hướng dẫn học sinh chọn ngành học và chọn nghề như ở Úc ngày nay. Học sinh chỉ biết hỏi thăm nhau và hỏi những anh chị đi trước. Một tài liệu khá đầy đủ là tập sách “Đây Đại Học” do Sinh Viên Công Giáo ấn hành, nhưng vẫn còn nhiều điều mà bọn học sinh chúng tôi không biết hỏi ai. Gặp được vị thầy mà chúng tôi có thể tâm sự, trong một giờ học vui vẻ, chúng tôi hỏi thầy: “Em không biết sau khi đậu tú tài, sẽ học gì?” Riêng hoàn cảnh của tôi, thầy đề nghị: nên học Đại Học Sư Phạm, vì thời gian học chỉ có ba năm, khi học có học bổng 1 500$, ra trường được bổ nhiệm ngay, công chức hạng A, chỉ số lương 470, cao hơn các ngành khác, mỗi tuần dạy chỉ có 16 giờ.Vào thời đó, lương giáo sư trung học đệ nhị cấp thuộc loại cao, chưa kể giờ phụ trội hoặc dạy thêm ở trường tư (cái mác giáo sư trường công là bảo đảm). Tôi thấy tỉnh người. Mình đã thấy con đường đi cho tương lai. Học ban A, nên tôi nghĩ sẽ chọn ban Vạn Vật. Bọn ban A chúng tôi ai cũng nghiền nát hai cuốn vạn vật lớp đệ nhị và đệ nhất, nên tôi thấy vững. Nhưng rồi tôi lại lo vì ban này chỉ chọn có 15 người, gay go quá. Tuy nhiên, sau khi đậu tú tài 2, tôi vẫn mạnh dạn nộp đơn thi vào ban Vạn Vật, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Nhưng kết quả phũ phàng: tôi trượt, nhưng một bạn trong lớp tôi đậu. 15 người đậu trong số 800 thí sinh quả thật xuất sắc. Tôi không có duyên với ngành dạy học.
Tuy không vào được Đại Học Sư Phạm, tôi lại đậu vào lớp Dự Bị Nha Khoa (APD -- Année Préparatoire Dentaire), đành học vậy. Đi đâu cũng thấy dân Chu Văn An. Lớp APD có 40 sinh viên thì 6 mạng xuất thân từ Chu Văn An. Lớp APM (Dự Bị Y Khoa) học chung với APD, có khoảng 200 sinh viên thì dân Chu Văn An chiếm khoảng vài chục, riêng lớp đệ nhất A1 của tôi có 6 mạng. Học ở Đại Học Khoa Học, kế bên ĐH Sư Phạm, trong những giờ trống, tôi và vài bạn lòng vòng qua bên ĐH Sư Phạm “rửa mắt”, dập dìu những bóng hồng . Thấy nhiều người nộp đơn thi vào ĐHSP, tôi hứng chí về nhà lấy bản sao chứng chỉ tốt nghiệp văn bằng tú tài II đem đi nộp chơi. Không ngờ tôi đậu. 40 người được chọn trong hơn 1000 thí sinh, quả thực gay go. Tôi không rõ tại sao mình lại đậu. Các bạn tôi học ngày học đêm để quyết chí thi đậu cho được ĐHSP. Còn tôi, đến ngày thi thì cầm bút đi thi, chứ có coi lại bài vở gì đâu. Sau này, khi được học với các vị giáo sư sử địa ĐHSP, tôi hiểu được cách tôi làm bài là đúng hướng. Trước kia mong được đậu vào ĐHSP thì lại hỏng giò. Nay chỉ đi thi chơi thì tôi lại đậu, chỉ khác môn mình chọn. Không thể nói “học tài thi phận” hay “chó ngáp phải ruồi”, vì khi làm bài thi môn sử đòi hỏi phải có đầu óc suy luận, phân tích, tổng hợp, so sánh, phê bình và dĩ nhiên phải có kiến thức về sử. Đã đậu thì mình đi học thử xem thế nào. Buổi đi “học thử” là bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Vị giáo sư trẻ dạy môn sử (giáo sư Phạm Cao Dương) đã thổi một làn gió mới cho đám sinh viên trẻ chúng tôi. Ông khuyên chúng tôi không giới hạn trong phạm vi nhà trường trung học, mà con đường nghiên cứu sử địa vô cùng rộng lớn đang đợi chúng tôi khai phá, làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Bài giảng của giáo sư Phạm Cao Dương cũng mở rộng tầm nhìn của chúng tôi về môn sử, mà trước kia chúng tôi chỉ biết lịch sử là môn học ngày tháng năm, chính trị, chiến tranh, các triều đại...Chúng tôi nhận ra giá trị của hai môn sử và địa. Tôi say mê với phương pháp phê bình sử liệu của giáo sư Nguyễn Thế Anh. Giáo sư Lâm Thanh Liêm thì khuyến khích chúng tôi đi vào con đường nghiên cứu địa lý. Giáo sư Phạm Đình Tiếu là khuôn mẫu của một vị thầy trẻ: sống với học trò. Học thử vài giờ bên Đại Học Văn Khoa, tôi cũng thấy thích với những bài giảng hấp dẫn và phong cách của các vị giáo sư đại học. Các vị giáo sư trẻ ĐHSP, đầy nhiệt huyết đã khiến tôi đổi hướng đi: dạy sử địa và nghiên cứu sử địa. Thế là dạy học là một nghề nuôi sống tôi, một nghiệp đeo tôi tới gần hết cuộc đời.
Cái nghiệp dạy học không làm cho tôi giàu, chỉ có đi buôn mới giàu, kể cả buôn chữ nghĩa. Cái nghiệp dạy học cho tôi cuộc sống an lành để nuôi tôi và gia đình. Tôi không dám dao to búa lớn, không dám gánh lấy những gánh nặng mà người đời gán ghép hay đề cao nghề này. Dù sao thì đó chỉ là hệ quả của công việc mà thôi. Tôi luôn luôn kính trọng và biết ơn những thầy cô giáo từ tiểu học đến đại học đã tạo cho tôi kiến thức, kỹ năng và con người của tôi. Vị thầy đã đưa tôi vào cái nghề, cái nghiệp dạy học là Giáo Sư Phạm Cao Dương. Tôi đặc biệt ghi nhớ công ơn Thầy.
Trần Thế Đức
Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Địa, Khóa 7(1964–1968)
Cuối năm 2021
Đăng ngày 20 tháng 02.2022