Bước đầu trong nghề dạy học của tôi
Trần Thế Đức
Khi bắt đầu đi dạy, tôi dạy như thế nào?
Tôi vào Đại Học Sư Phạm Sài gòn năm 1964, Ban Sử Địa, khóa 7. Thoạt tiên, tôi chỉ chú ý học (ở Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa). Nhiều bạn, sau khi biết thời khóa biểu ở trường, đã dùng thời gian trống đi dạy ở các trường tư, thường là trường Công giáo hoặc trường Tàu. Nếu mình chỉ dạy một số giờ nhất định, không quá nhiều giờ thì mình vẫn không mất bài học và thù lao cũng thêm cho cuộc sống dễ chịu hơn trong lúc cuộc sống ngày càng khó khăn vì vật giá leo thang. Ngoài ra, dạy tư cũng giúp mình thêm kinh nghiệm trong nghề (môn sư phạm và phương pháp soạn bài) để khi đi dạy thực tập thì mình vững vàng hơn. Hầu hết bọn con trai trong lớp tôi đều đi dạy, nên trường nào có chỗ trống là giới thiệu bạn bè. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần, nhắn nhủ bạn bè có chỗ trống là kéo tôi vào.
Mùa hè năm 1965, tôi chuẩn bị tinh thần để chính thức vào nghề dạy học. Bạn bè tôi dạy đủ mọi môn: từ sử địa (nghề của chàng), đến Anh văn, toán, Việt văn… Mình định dạy gì bây giờ? Phải chuẩn bị để có chỗ là mình nhận ngay. Tôi nghĩ mình nên dạy Anh văn hoặc toán ở bậc trung học đệ nhất cấp, vì hai môn này cần nhiều giờ, mình dễ có chỗ. Mình chưa có bằng cấp, chưa có kinh nghiệm thì chưa thể dạy các lớp 10,11, lại càng không thể dạy lớp12. Tôi không nghĩ tới sử địa, vì hai môn này ít giờ và ai dạy cũng được (theo quan niệm của người đời), có lẽ khó có chỗ cho mình. Anh văn thì chỉ có mấy cuốn English For Today, dễ dàng. Toán từ lớp 7 đến lớp 9 chẳng có gì là khó. Cuối hè năm đó, một người bạn hỏi tôi có muốn dạy ở một trường Công giáo ngoài thành phố thì anh ta sẵn sàng giới thiệu. Chưa có kinh nghiệm, còn đang là sinh viên thì đâu dám đòi hỏi cao sang, mà trường ngoài thành phố thì đâu có khó khăn gì, đi xe gắn máy chỉ 30 phút là tới. Tôi nhận lời ngay. Gặp vị linh mục (không nhớ là hiệu trưởng hay giám học) rất thân thiện, tôi mừng, lần đầu tiên ra đời gặp may. Biết tôi đang học Đại Học Sư Phạm, Ban Sử Địa, ông đề nghị tôi dạy sử địa cho các lớp 9. Thế là dự định của tôi xin dạy Anh văn hoặc toán đành xếp lại. Tôi nhận lời ngay: nghề của chàng. Dạy đúng môn sở trường của mình thì soạn bài đỡ mất thời giờ và dạy dễ dàng. Thế là cuộc đời đi dạy của tôi bắt đầu khi niên khóa 1965-1966 khai giảng vào tháng 9 năm 1965, môn sử và môn địa lớp 9.
Tháng 9 năm 1965, tôi bắt đầu đi dậy ở một trường Công giáo, ngoại ô thành phố Sài Gòn. Ngày đầu tiên của niên khóa, vị linh mục dẫn tôi vào lớp và giới thiệu với học sinh: “Thầy Trần Thế Đức dậy sử địa cho các con”. Nếu là thầy cô giáo cũ của trường thì không cần giới thiệu vì học sinh đã biết. Thầy giáo mới cần giới thiệu để thầy trò không bỡ ngỡ trong những phút đầu tiên. Điều quan trọng là ông cha vào lớp với thầy giáo mới để học sinh biết và đừng nghịch ngợm, phá phách. Trường nằm trong vùng Công giáo di cư, nhiều học sinh ngỗ nghịch, nhưng nhìn thấy ông cha thì các em e dè. Như thế dễ dàng cho tôi trong việc giữ kỷ luật và việc dạy thuận lợi hơn.
Ở trung học, tôi học trường công, chỉ có 60 học sinh mỗi lớp. Nay vào một lớp trường tư, sĩ số 80 , tôi cảm thấy ngộp thở. Điều quan trọng nhất đối với tôi trong giây phút đầu tiên trong nghề là tôi phải bình tĩnh, vì không bình tĩnh thì tôi sẽ lúng túng, từ đó, những em ngổ ngáo bắt mạch được và chứng tỏ bản lãnh đối với cả lớp, nhất là trước mặt các nữ sinh, làm sao dạy được. Giọng nói của tôi vừa phải để học sinh đủ nghe, không nhái lại thầy, nếu các em nghe không rõ. Tôi phải giữ trật tự, kỷ luật. Nếu các em nói chuyện, phá phách thì tôi phải lo đối phó với kỷ luật và không dạy được bài. Tôi nhắc nhở các em ghi chép bài vì khi ghi chép bài, các em tập trung vào bài dạy của tôi, không có thời giờ nói chuyện hoặc phá phách. Em nào vi phạm kỷ luật thì vị linh mục sẵn sàng can thiệp.
Tôi mới học các môn sư phạm, chưa được học nhiều về kỹ năng của người thầy giáo. Những điều tôi thực hành đều là những phản ứng tự nhiên theo kinh nghiệm của một học sinh đã từng ngồi trên ghế nhà trường.Tuy nhiên, các em học sinh không làm mất trật tự và tôi dạy bài học đầu tiên suông sẻ. Tôi thấy vui và có tinh thần dạy tiếp giờ thứ hai vả tự rút kinh nghiệm quản lý lớp từ bài dậy đầu tiên. Sau đó, tôi tiến hành những giờ tiếp theo, nhẹ nhàng. Tôi khám phá ra cách quản lý học sinh. Tôi đã chính thức là một thầy giáo, một thầy giáo sử địa.
Vào học ĐHSP, điều đầu tiên tôi học được là thế nào là môn Sử và thế nào là môn Địa. Có hiểu được cốt lõi môn mình dạy thì mới dạy đúng hướng. Tôi cũng được học tổng quát về cách soạn bài sử, bài địa. Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, tôi thường suy nghĩ về cách dạy những bài sử, địa của các thầy. Tôi cảm thấy thích khi thầy X dạy một bài mà chúng tôi cảm thấy hấp dẫn. Tôi thấy chán phèo khi thầy Y dạy một bài mà chúng tôi thấy nhạt nhẽo. Theo cách nhìn của người học trò, tôi nghĩ bài này nếu dạy như thế này thì học sinh dễ hiểu hơn, hoặc nên dạy thế kia thì hay hơn mà tại sao thầy lại không dạy như thế. Sau này, nghĩ lại, tôi thấy đó chỉ là những chi tiết vụn vặt trong một bài dạy. Những chi tiết nhỏ này bây giờ giúp tôi thực hiện bài dậy trong lớp học. Tôi thực hiện những điều mà đứng về phía học sinh, mình nhận ra là đúng và cần phải làm, trong khi chưa được học nhiều về phương pháp giảng dạy.
Tôi thực hiện những gì học được ở Đại Học Sư Phạm?
Trước hết là quan điểm về bộ môn. Người đời, kể cả nhiều thầy cô giáo dạy sử địa chưa có quan niệm đúng về bộ môn. Người ta chỉ biết lịch sử, mà không biết sử học. Vì thế, người dạy cứ nhồi nhét sự kiện, ngày tháng năm vào đầu học sinh. Tôi thực hiện những gì mình mới học được ở các thầy sử địa ĐHSP để đem lại niềm tin cho các em học sinh ở môn sử và muốn chứng tỏ thầy giáo sử địa chuyên nghiệp khác với các thầy giáo sử địa không chuyên môn.
Dù các em mới học lớp 9, nhưng áp dụng những phương pháp sử học đơn giản, thì môn sử không còn là môn học về ngày tháng năm cứng ngắc, mà phải phân tích, giải thích, so sánh, phê bình... Từ đó, học sinh thấy mình học được ở thầy dạy trong lớp, mà sách giáo khoa không nói tới. Chính nội dung bài học về sử nói lên giá trị của môn sử và học sinh thấy hứng thú, chứ không cần dùng đến cách pha trò của anh hề chọc cho học sinh cười, chẳng hạn vua A có 200 bà vợ, ông B giết vua vì được thần báo mộng mình sẽ làm vua.
Khi học ĐHSP, chúng tôi được biết về những xu hướng sử học hiện đại. Chương trình sử của bậc trung học là sử chính trị, một quan điểm cũ, giới hạn tầm nhìn. Làm sao đưa tầm nhìn của học sinh thành sử văn minh? Làm sao đặt vấn đề trong sử mà không ra ngoài chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục? Qua vài thí dụ nho nhỏ, chúng ta thấy không phải ai cũng dạy được sử, nếu không được đào tạo về môn sử học và phương pháp dạy môn này. Đây là bước đầu tiên tôi áp dụng những gì tôi học được. Tôi muốn biết những thí nghiệm của tôi đem lại những kết quả ra sao. Môn sử là sử học, chứ không phải lịch sử. Sử học là một môn khoa học nhân văn, cho nên phải có tính cách khách quan. Những sự kiện lịch sử đôi khi nói lên lòng yêu nước, nhưng phải trình bày có tính cách khách quan thì mới là môn sử học, nếu không chỉ là bài tuyên truyền, không có giá trị của môn sử học.
Còn về địa lý, người đời chỉ biết ba lãnh vực của môn này: địa lý hình thể, địa lý nhân văn, địa lý kinh tế. Các sách giáo khoa từ bao lâu nay cứ theo khuôn như thế (trình bày ba môn này tách biệt). Học sinh cứ nhắm mắt theo thầy. Thầy thì nhai lại những gì trong sách giáo khoa cũ. Những phương pháp căn bản của môn địa lý phải được áp dụng để học sinh nhận thấy địa lý là một môn khoa học, không phải là môn du lịch tầm phào. Học sinh học với tinh thần khoa học, chứ không phải tinh thần học thuộc lòng, chỉ biết chấp nhận. Học sinh cũng thích thú với phương pháp khoa học của môn địa lý: phân tích và giải thích hiện tượng và dữ kiện, tìm ra mối liên hệ, bản đồ và biểu đồ,... Địa lý là một môn khoa học sống động, không phải môn học thuộc lòng mà ai cũng dạy được.
Một điều khác biệt ở nhà giáo được đào tạo trong trường ĐHSP và nhà giáo không qua trường ĐHSP là dàn bài của bài dạy được trình bày rõ ràng trên bảng và cách sử dụng bảng phải sáng sủa, gọn ghẽ, mạch lạc. Lần đầu tiên đi dạy, nhưng tôi tự tin ở những căn bản của người thầy giáo và nội dung bài dạy. Tôi đã thực hiện được những gì tôi ưng ý.
Tôi học được nhiều điều thực tiễn mà lúc học ở ĐHSP tôi không lường trước được.
Bài dạy tại lớp phải thực hiện ra sao? Những gì có thể tiến hành được, những gì cần phải thay đổi?
Bài soạn cho những giờ dạy tiếp theo phải thực hiện ra sao để đạt được kết quả tốt?
Phải áp dụng phương pháp giảng dạy ra sao?
Phải dạy ra sao để học sinh không nhàm chán?
Câu hỏi phải đặt thế nào cho phù hợp với trình độ học sinh?
Về quản lý lớp học: phải áp dụng những phương pháp nào cho thích hợp với từng loại học sinh?
Tôi chưa hài lòng về những gì tôi dạy vào những ngày đầu tiên dạy Sử Địa.
Dạy được một tuần, tôi bứt rứt về những gì mình đã dạy:
Không đủ hình ảnh để dẫn chứng cho bài dạy sử cũng như địa.
Không đủ tài liệu cập nhật hóa cho bài dạy địa lý.
Học sinh chưa thực hiện được những phương pháp căn bản của cả hai bộ môn: sưu tầm tài liệu, nghiên cứu về một đề tài nằm trong chương trình.
Không thể thực hiện hoạt động nhóm vì lớp quá đông và cách sắp xếp bàn ghế cố định trong lớp không phù hợp.
Những thiếu sót trên xảy ra vì:
Ngày nay, nghĩ lại, phương pháp giảng dạy vào thời đó còn lạc hậu so với thế giới. So sánh việc giảng dạy sử và địa ở Việt Nam thời đó và ngày nay ở Úc để thấy chúng ta đã lạc hậu ra sao.
Trước hết là môi trường đào tạo giáo chức.
Trường ĐHSP Sài Gòn:
- Dành nhiều giờ cho việc dạy kiến thức bộ môn cho sinh viên, rất ít thời gian đào tạo khả năng chuyên môn.
- Về kỹ năng giảng dạy: sinh viên không có thời gian trao đổi bài soạn, không có thời gian thực tập việc giảng dạy trước khi dạy thực tập, không có thời gian thực tập tại lớp, phương pháp quản lý lớp học không được hướng dẫn cụ thể.
- Về phương pháp giảng dạy: thầy là trung tâm, thuyết giảng là chính, học sinh phải nhớ nhiều, phấn trắng bảng đen là phương tiện chính, thầy dạy những gì thầy muốn học sinh học trong chương trình của bộ môn, phương pháp thính thị (audio visual) được coi là hữu hiệu.
- Các giáo sư tốt nghiệp ngoại quốc chỉ dạy lý thuyết về giáo dục và một vài lãnh vực mới trong ngành giáo dục, mà không đem về những phương pháp giáo dục hiện đại cụ thể cho học sinh trung học.
Còn ở Úc, sinh viên các phân khoa giáo dục:
- Không học kiến thức mỗi bộ môn, mà chú trọng vào phương pháp giảng dạy.
- Không nhìn môi trường giáo dục quá rộng rãi, mà phải làm được những gì một thày cô giáo phải làm ở lớp học, nghĩa là rất thực tế.
- Về kỹ năng giảng dạy: thực tập kỹ càng cách soạn bài dạy, dạy thực tập trước các bạn trong lớp nhiều lần, có phương tiện thu hình và âm thanh để rút kinh nghiệm. Họ phải đi quan sát thực tế mọi sinh hoạt ở trường học và thực tập việc giảng dạy dưới sự giám sát của thầy cô giáo phụ trách lớp, mỗi năm một tháng.
- Phương pháp giảng dạy theo trào lưu hiện đại của thế giới.Trong những thập niên 1980, 1990: phương pháp hoạt động (communicative method) áp dụng trong việc dạy tất cả các môn, phương pháp thính thị không còn được coi là phương pháp chính yếu. Từ đầu thế kỷ 21: việc sử dụng máy vi tính ngày càng nhiều trong phương pháp hoạt động. Thầy dạy những gì học sinh cần (học sinh là trung tâm). Mỗi bài dạy phải xác định những gì học sinh học được. Học sinh không phải học thuộc lòng. Kiến thức và kỹ năng học sinh đạt được qua những hoạt động trong lớp. Học sinh được khuyến khích phát triển suy nghĩ độc lập, phát triển tự do cá nhân.
- Phải biết sử dụng thông thạo những phương tiện truyền thông hiện đại và áp dụng vào việc dạy học.
Sau khi tốt nghiệp ĐHSP, giáo chức Việt Nam tự trau giồi nghề nghiệp, Bộ Quốc Gia Giáo Dục không đảm trách việc này. Còn thầy cô giáo Úc, trong suốt cuộc đời dạy học, có nhiều cợ hội cải tiến nghề nghiệp cho kịp đà tiến của nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Bộ Giáo Dục tiểu bang chú trọng vào việc này:
- Họp toàn trường và bộ môn hàng tuần.
- Trao đổi kinh nghiệm và học hỏi kỹ năng chuyên môn trong một ngày mỗi đầu tam cá nguyệt.
- Tu nghiệp bộ môn mỗi tam cá nguyệt.
- Các khóa học đặc biệt để phổ biến, học hỏi và thực hiện những phương pháp giảng dạy hiện đại hoặc trau giồi kỹ năng.
- Học hỏi, trau giồi kỹ năng là điều tất yếu trong suốt cuộ đời của nhà giáo.
So sánh hai dữ kiện ở hai nơi khác nhau không cùng thời gian là điều không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng cho chúng ta thấy nếu muốn cải tiến nền giáo dục thì cần phải thực hiện nhiều điều.
Việc dạy tư của tôi tiến hành đều đặn. Tôi phải thức khuya hơn lúc chưa đi dạy, vì phải học bài, làm bài của cả ĐHSP và hai chứng chỉ ở Đại Học Văn Khoa, nhưng rồi mọi việc cũng quen. Tuy mất nhiều thời gian, nhưng tôi không hề thấy mệt nhọc, có lẽ nhờ tuổi trẻ và sức khỏe bền bỉ do luyện tập nhu đạo hàng ngày. Cuối niên khóa đó, linh mục hiệu trưởng hỏi tôi có tiếp tục dạy vào năm tới không. Tôi nhận lời, rất mừng . Tôi đã chính thức hành nghề dạy sử địa cho học sinh trung học. Tôi tiếp tục dạy ở trường này hai năm nữa thì biến cố xảy ra: Việt Cộng tấn công Sài Gòn vào tết mậu thân. Giao tranh ở các vùng ngoại ô và một vài nơi, chúng vào sâu trong thành phố. Tất cả các trường học đều đóng cửa. Việc dạy tư của tôi cũng chấm dứt. Tôi cùng các bạn sinh viên khác tham gia công tác canh gác ở các cao ốc. Vài tháng sau, tình hình yên ổn, chúng tôi trở lại học trong vòng một tháng và thi tốt nghiệp. Việc chọn nhiệm sở dựa vào thứ hạng tổng kết cuối khóa. Tôi không đậu cao, nhưng cũng chọn được nhiệm sở theo mình mong muốn: Trường Trung Học Kiến Hòa tại tỉnh Kiến Hòa, nay là Bến Tre.
Sinh viên Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Khóa 7 (1964-1968)
Viết xong ngày 9-6-2022
TRẦN THẾ ĐỨC
ĐHSPSG, ban Sử Địa, Khóa 7 (1964-1968)
Đăng ngày 06 tháng 07.2022