Bùi ngùi thương nhớ

Trần Thế Đức

Đầu tháng 11 vừa qua, chúng ta mới nhận được tin buồn (cô Nguyễn Thị Kim Thơ qua đời) thì không đầy mười ngày sau, mạng truyền thông lại truyền thêm một tin buồn nữa: Vô cùng thương tiếc cô Mai Duyên Thanh.
Thật sững sờ. Hai cô cùng nhau giã từ thế gian này. Gia đình hai cô thật đau đớn khi mất đi người thân. Chúng ta mất đi những người bạn đồng môn khả ái thời Đại Học Sư Phạm, những đồng nghiệp dễ mến tại trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức. Học sinh mất đi hai cô giáo hiền hòa thuở nào.

Cả hai cô Nguyễn Thị Kim Thơ và Mai Thị Thanh cùng ngồi chung lớp với nhau trong bốn năm (1963-1967) tại lớp Việt Hán, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Cả hai cô cùng dạy tại trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (trực thuộc Đại Học Sư Phạm Sài Gòn) trước khi mất trường. Các cựu học sinh Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức mất đi hai cô giáo dạy Việt văn ngày nào đã cuốn hút tuổi thơ trong những giờ học văn chương hào hứng. Riêng cô Thanh còn hòa mình với học sinh trong công tác khải đạo, một công tác giáo dục hoàn toàn mới đối với nền giáo dục Việt Nam.
Cả hai cô Thơ và Thanh cùng sống đầm ấm, hạnh phúc với các ông chồng cũng là nhà giáo dạy cùng trường. Phu quân của cô Thơ là thầy Trần Ngọc Ban, tốt nghiệp ĐHSPSG ban Sử Địa, khóa 6 (1962- 1965). Phu quân của cô Thanh là thầy Nguyễn Duy Ứng, tốt nghiệp ban Lý Hóa ĐHSPSG cùng với văn bằng Cao Học Vật Lý, Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Các thầy cô chăm sóc gia đình nền nếp. Các thầy cô dành hết thời gian vun sới cho gia đình, tận tụy với học sinh trường Trung Học KMTĐ, mà không hề dạy tư bao giờ, dù các trường tư lớn sẵn sàng mời các thầy cô do cái mác trường công uy tín cùng với bằng cấp cao của các thầy cô. Đồng lương nhà giáo thời Việt Nam Cộng Hòa ngày càng nhỏ đi so với vật giá ngày càng tăng, nhưng hai đầu lương cộng lại trong một gia đình nhà giáo, cuộc sống cũng không đến nỗi nào.

Cô Thơ là người điềm đạm. Còn cô Thanh là người sôi nổi. Tâm hồn văn nghệ, mơ mộng, yêu đời khiến ngòi bút  cô Thanh viết ra những bài thơ tràn đầy sức sống cho tuổi trẻ, cho tình yêu, cho cuộc sống, cho học trò... Bút hiệu Mai Duyên Thanh nhận được lòng ưu ái từ thời cô còn là sinh viên cho đến khi cô sống với học trò.


Gắn bó
Người ta chỉ có một thời để yêu
Một thời để nhớ       
Một thời làm thơ trên giấy trắng học trò   
Một thời để buồn khi nhìn hoa phượng nở
Xa bạn, xa trường lòng cảm thấy bơ vơ!                    
Tôi suốt đời mang theo tình yêu, nỗi nhớ                                     
Như hành trang lữ khách đường xa!                                                             
Tôi suốt đời viết mãi bản trường ca                                                   
Mà điệp khúc dành riêng cho tuổi nhỏ                                                
Nên vẫn thấy buồn khi nhìn hoa phượng nở                                        
Xa bạn, xa trường lòng vẫn thấy bơ vơ!                                         
Tôi như bến dừng  
Nên yêu những con thuyền xuôi theo dòng nước                                  
Thấy tuổi thơ mình trong mắt kẻ sang sông                                         
Mỗi sáng, mỗi chiều theo em vào lớp                                                 
Bỏ lại sau lưng trăn trở của cuộc đời                        
Giữ lại cho em nụ cười trong sáng nhất                     
Để thấy trước mắt là hạnh phúc, tương lai.                                     
MAI DUYÊN THANH

Cô Thanh có giọng ngâm thơ thật trầm ấm. Trong những buổi họp mặt của trường, lớp, giọng ngâm thơ của cô là dòng nước mát cho tâm hồn thầy cô và các em học sinh.
Thời sinh viên, cô Thanh tham dự những hoạt động của tuổi trẻ. Cô đã từng là thành viên trong ban chấp hành sinh viên ĐHSP mà thầy Trần Ngọc Ban làm chủ tịch.
Khi dạy, cô tích cực tham dự các hoạt động của trường. Trong công tác khải đạo, cô bỏ nhiều công sức, kiên nhẫn hòa mình vào cuộc sống của học sinh để tìm hiểu các em và tìm ra những phương thức giải quyết vấn đề chứ không thuận theo những nguyên tắc hành chánh cứng ngắc.
Khi đồng nghiệp hoặc học sinh gặp khó khăn, cô cùng với một vài thầy cùng viếng thăm, an ủi, đem lại nguồn vui cho mọi người.

Cuộc đời ai cũng phải trải qua những chặng đường theo quy luật của tạo hóa. Giai đoạn sau cùng của cuộc đời ai cũng phải nhận lấy những héo hon của cuộc sống. Một nửa của những khổ đau của cuộc đời theo nhà Phật nằm ở những ngày sau cùng này. Cô Thơ phải đeo những khổ đau do bệnh tật kéo dài. Bác sĩ, bệnh viện, thuốc men, tình thương và sự chăm sóc của chồng con cùng người thân cũng chỉ xoa dịu được phần nào những đau đớn từ trong ra ngoài, từ đêm đến ngày dai dẳng. Còn đâu cô Thơ trẻ trung, thơ thới ngày nào.
Nỗi đau của cô Thanh không phải do thể xác, mà do tâm hồn. Bệnh mất trí nhớ (dementia) làm cô không còn cảm nhận được con cháu, bạn bè, học trò, mọi người thân và thế giới xung quanh. Còn đâu tâm hồn Mai Duyên Thanh bay bổng ngày nào.

Hai cô đã bay đi thật xa. Thế giới này, ngay cả chồng, con, cháu, bạn bè, học trò cũng chỉ là không. Mong sao hai cô tới một thế giới tốt lành, nơi đó con người an lạc, không còn khổ đau.

TRẦN THẾ ĐỨC
(Tháng 11/ 2022)


 Đăng ngày 10 tháng 01.2023