a
Kỷ yếu Lớp Việt Hán 66-69
Lời đầu
Lớp Việt Hán ĐHSP Sài Gòn ra trường năm 1969 cũng chẳng có gì đặc biệt, chắc không hơn, không kém gì các lớp đàn anh và đàn em.
Đó là nói khách quan vậy chứ riêng chúng tôi, chúng tôi ngầm tự hào là một nhúm thầy đồ khác người. Thì đây, chuyện nhỏ thôi nhưng xem ra chỉ có một: năm thứ nhứt còn ngỡ ngàng, năm thứ hai, kỷ yếu, năm thứ ba, kỷ yếu; ra trường, tất nhiên tạm ngưng kỷ yếu.
Tạm ngưng một đỗi… 40 năm, chỉ vì chúng ta cũng tanh bành tan tác theo vận nước điêu linh. Kẻ gửi thân trại “cải tạo” (vì dạy học cũng là tội lỗi!), người vượt thoát với giá đổi mạng hòng mưu sinh nơi xứ lạ, đứa lủi thủi chốn quê, người quẩn quanh nơi phố thị, mấy lần đi trên đường cũ đã đổi tên, lặng lẽ ghé nhìn trường xưa bị chiếm đóng, sao không khỏi ngậm ngùi tưởng nhớ bạn bè một thời lưu lạc tứ phương.
Trong phong ba của lịch sử điên khùng, ít ai nghĩ có ngày đoàn tụ. Vậy mà kỳ diệu thay, cũng còn thời chúng ta hỏi thăm được nhau, thậm chí nhắn trên báo như tìm trẻ lạc; nhận được thư nhau rồi gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Năm 2011, Từ Mỹ, Út Lương Kim Loan gợi ý và được mọi người hoan hỉ đón nhận: làm kỷ yếu. Tập báo mỏng ra đời sau đó với bài vở phong phú, chân thành, cảm động, gợi nhớ một thời vui phơi phới tuổi thanh xuân. Nó chứng thực cho một tình bằng hữu bền lâu, chẳng những không tàn phai mà hứa hẹn ngày càng gần gũi sau gần nửa thế kỷ biền biệt xa bởi sông dâng núi đổ. Tưởng vậy cũng đã đủ, nay lại kỷ yếu nữa, chủ biên vẫn cô Út-Loan-Không-Mệt-Mỏi.
Hỡi các lão ông lão bà thân mến, mắt không còn tỏ tường, mới đọc vài trang chữ đã mỏi, viết lách thì ngại ý không mới lời không chỉnh, chúng ta lần này xem hình vậy. Hình của nhau qua một thời dâu bể, hình con cháu lớn lên, thành đạt trong lao tác vất vả của cha mẹ ông bà to như núi Thái Sơn.
Chúc an lành tất cả đại gia đình bạn bè lớp Việt-Hán kỳ lạ của chúng ta. Là chúc vậy thôi chứ chớ dại sống tới ngày có chắt chống gậy lom khom.
_________________