Nhạc sĩ Việt Khang mãn hạn tù


Ảnh: Facebook Đỗ Tửng

CTV Danlambao - Nhạc sĩ Việt Khang, tác giả của hai ca khúc yêu nước nổi tiếng “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai?” vừa mãn hạn tù ngày 14/12/2015.

Được biết ngay từ sáng, xe của trại giam đã đưa Việt Khang rời nhà tù Xuân Lộc về Mỹ Tho. Tuy nhiên, thay vì đưa nhạc sĩ tới UBND địa phường để “bàn giao” như thông thường đối với những TNLT bị án quản chế thì Việt Khang lại bị đưa về trụ sở công an thành phố Mỹ Tho để… làm việc.
Sau khi “làm việc” với côn an Mỹ Tho xong, Việt Khang đã tự bắt xe taxi về nhà lúc 14 giờ 30 phút. Một số nhà hoạt động nhân quyền và bạn bè của Việt Khang đã chờ anh ở gần Ủy ban phường vì cho rằng Việt Khang sẽ bị đưa về trụ sở này.

Việt Khang rất xúc động và bất ngờ khi những người ủng hộ chào đón và đến thăm anh ngay trong ngày mãn hạn tù.
Trước đó một ngày, nhiều người hoạt động Nhân quyền và bạn bè của nhạc sĩ đã tới Mỹ Tho để đón anh. Được biết đêm hôm qua, ngày 13/12 côn an Mỹ Tho đã đạp cửa phòng khách sạn để kiểm tra hành chính, nhưng thực chất là để sách nhiễu, khủng bố những người bạn của Việt Khang.

Nhạc sĩ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí bị bắt ngày 14/12/2011. Phiên tòa ngày 30/10/2010 đã kết án anh 4 năm tù giam, 2 năm quản chế và 6 năm tù giam, 2 năm quản chế đối với nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình với cái gọi là tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Việc bắt giam hai nhạc sĩ yêu nước đã dấy lên làn sóng phản đối đặc biệt là tại hải ngoại. Nhạc sĩ Trúc Hồ đã phát động chiến dịch đòi tự do cho Việt Khang. Chiến dịch này đã thu thập được hơn 100 ngàn chữ ký vào thỉnh nguyện thư gửi TT Barack Obama và chính giới Hoa Kỳ nhằm can thiệp nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do cho ca nhạc sĩ Việt Khang và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam.
Xin chúc mừng nhạc sĩ yêu nước Việt Khang trở về với gia đình, bè bạn.

 
 
 
Ảnh: Facebook Đỗ Tửng
 
 

https://www.youtube.com/embed/jCUOim6lglI

 


ĐÀI Á CHÂU TỰ DO PHỎNG VẤN VIỆT KHANG

Nhạc sĩ Việt Khang sau bốn năm thụ án với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước được trả tự do vào sáng ngày 14/12/2015.
Từ nhà riêng tại thành phố Mỹ Tho nhạc sĩ Việt khang dành cho đài Á châu tự do cuộc phỏng vấn sau đây, do Kính Hòa thực hiện.
Kính HòaĐầu tiên xin chúc mừng anh được trả tự do! Sức khỏe anh hiện thế nào ạ?
Nhạc sĩ Việt Khang: Tôi khỏe nhưng mới ra tù nên sức khỏe chưa ổn định.
Kính HòaAnh được trả tự do ngày hôm qua…
Nhạc sĩ Việt Khang: Tôi mới về đây thôi chứ không phải hôm qua, tôi đi xe từ trại giam về đến đây là 3, 4 giờ chiều.
Kính HòaMấy giờ thì họ đưa anh ra cổng trại giam để người nhà đưa về?
Nhạc sĩ Việt Khang: Không, không có người nhà, mà người ta đưa tôi về. Tôi còn cái án quản chế hai hay ba năm gì đó. Người ta không cho người thân đón tôi, mà trong nhà trại có người đưa tôi về. Sáng đi từ trại là 7 giờ, rồi người ta còn ghé ăn uống nữa. Tôi thì ăn uống không được, lý do là tâm trạng biết ở nhà đang chờ, xe cộ lại chậm chạp.
Kính HòaCảm tưởng của anh như thế nào khi được trả tự do mặc dù còn bị quản chế?
Nhạc sĩ Việt Khang: Tôi cảm thất rất hạnh phúc sau những gì xảy ra với tôi. Bốn năm tôi xa nhà, bốn năm đó đổi lại là rất nhiều người đã thương mến tôi, luôn muốn tôi có sức khỏe để vượt những khó khăn mà tôi bắt buộc phải trải qua. Tất cả những tấm lòng đó tôi không thể nói được bằng lời vì không thể tả nó bằng lời.
Tôi cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc, đồng bào đã yêu thương tôi, đồng bào cảm thông, luôn muốn rằng tôi khỏe mạnh để vượt qua  những khó khăn của cuộc sống của tôi cũng như của con đường tôi đi.
Nhân dịp này tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những sự quan tâm, động viên, những lời cầu nguyện cho tôi, tất cả những gì mà các ông bà cô bác, các anh chị, các bạn, các em đã dành cho tôi, và tôi ghi nhận cái điều đó. Trong cuộc đời của tôi tôi không thể tưởng tượng ra những gì mà đồng bào cũng như bà con đã thương mến tôi như vậy, tôi cảm ơn rất nhiều.
Kính HòaBây giờ nhìn lại các nhạc phẩm anh sáng tác, mà vì những nhạc phẩm đó anh bị tù đày, anh có cảm thấy một sự hối tiếc hay không?
Nhạc sĩ Việt Khang: Chắc chắn là tôi không hối tiếc. Tất cả những gì tôi làm cũng góp một phần chứ không phải là vô nghĩa đối với tôi. Tôi góp một phần để nói lên tiếng nói của trái tim của người Việt nam.
Tôi là một người nghệ sĩ thì yêu nước theo cái cách của một nghệ sĩ, có gì đâu mà hối tiếc. Tôi được sự cảm thông của rất nhiều người, cảm thông cho nỗi niềm trong bài hát của tôi. Bao nhiêu đó thôi là tôi cũng cảm thấy hạnh phúc.
Kính HòaDự định trước mắt và lâu dài của anh như thế nào? Anh có tiếp tục con đường nghệ thuật hay không?
Nhạc sĩ Việt Khang: Tôi phải sắp xếp lại chuyện gia đình, vì gia đình cũng có những chuyện lớn xảy ra với tôi, tôi phải có thời gian sắp xếp.
Còn công việc thì là kiếp tằm nhả tơ, ai trong giới nghệ sĩ như tôi cũng vậy thôi, khó mà bỏ nghề lắm. Ca hát, chơi nhạc, làm đẹp cho đời, cái đó là tất nhiên.
Kính HòaCảm ơn anh Việt Khang đã dành cho chúng tôi những giây phút quí báu khi anh vẫn còn mệt mỏi. Chúc anh có nhiều sức khỏe tiếp tục con đường nghệ thuật mà anh nói với chúng tôi.
Nhạc sĩ Việt Khang: Cám ơn anh và tất cả những người đã quan tâm đến tôi.
 


Nghe tin Việt Khang đã được trả tự do sau một thời gian dài trong ngục tù cộng sản, xin gởi lại bài viết cũ như một món quà chia vui cùng Việt Khang và đồng hương chiến hữu trong một tâm thức phản kháng, bảo vệ di sản của Tổ tiên Việt tộc và phục quốc cứu nước.   Nguyễn Đăng Trình


VIỆT KHANG:

Một hiện tượng trỗi dậy từ tâm thức phản kháng

 
Nguyễn đăng Trình

I. BẢN CHẤT SỰ KIỆN
Không như bao người Dân Oan bị cưỡng chiếm nhà cửa, đất đai, ruộng vườn canh tác, hăm dọa trả thù và tấn công bịt đầu mối, khiến Dân Oan phải lên đường khiếu kiện, minh oan, đòi nợ…
Không như gia đình Đoàn văn Vươn phải lên tiếng bằng mìn tự chế và đạn hoa cải, để đánh thức lương tâm con người và cảnh cáo thủ đoạn trấn lột, cướp trắng tài sản của gia đình từ lao công khổ nhọc…..
Không như những người con dân Việt xuống đường biểu tình chống lại tham vọng bá quyền nước lớn của Trung Cộng, cưỡng đoạt và xâm thực Hoàng -Trường sa, Hải phận, biên cương lãnh thổ của Tiền nhân để lại…và bị CA/CS tấn công bỏ tù, xử án…
Việt Khang lên tiếng đơn thuần chỉ là sáng tác vài bài ca để trải rộng cái tâm thức yêu nước và tâm thức phản kháng tích cực của cá nhân Anh trong hoàn cảnh rất chi là hòa bình của lời ca, nhạc điệu, và những cảm xúc chuyên chở qua lời ca của Anh, rất chi là đau xót trước cảnh tượng tài sản của Tiền nhân đang bị bọn giặc cướp từ phương Bắc, bọn giặc cướp từ trong trung ương đảng VC, soán đoạt và bán dần cho Tàu Cộng để duy trì ngôi vị cai quản đất nước, bòn mót rúc rỉa sức sống của nhân dân, tài nguyên quốc gia đến khánh kiệt mới… chịu ra đi.
Việt Khang cũng không thể ngồi yên trước cảnh tượng đồng bào ruột thịt cùng bọc mẹ trăm con bị hành hạ, bị lưu đày thủ tiêu, cho ngai vàng Cộng sản không bị lung lay. Trong thân phận của người trai bất lực, vì cường quyền bạo lực ra tay trấn áp, và vũ khí sau cùng của Anh là dùng khả năng khiêm nhường Anh đang thủ đắc, để phả vào từng nốt nhạc những quặn thắt của trái tim, những rung động của ngàn hạt máu Mẹ VN đang tả tơi tuôn chảy vào lòng biển lạnh của Rợ Hán xâm lăng, vào vùng đất tài nguyên DẦU-MỎ của cha ông bị thôn tính, vào gia sản kếch xù và cuộc sống vương đế của lũ sâu Dân mọt Nước , của lũ vô thần Việt cộng vong thân vong bản .
Việt Khang cũng không thể không gào lên những tiếng nấc nghẹn ngào : VIỆT NAM TÔI ĐÂU ? như một tra vấn của Tòa Án Lương Tâm và Trí Tuệ, như một thôi thúc vỡ òa mất mát : Việt nam tôi, còn hay mất ? Đã quá nửa đời người phải sống trong lặng câm tủi nhục, thấm và hiểu trò lừa bịp bợm vuốt ve của những con mèo hóa cáo. Anh cũng phải cất cao lời tra vấn khi những đổ vỡ tình người đến từ Công an bắt bớ dân đen bằng giọng nói “ Dân tôi”.

II. ĐÁP LỜI SÔNG NÚI
Khi đối diện với tâm thức yêu nước và tâm thức phản kháng, con người thường có khuynh hướng bộc lộ những trạng thái hăng say, lao nhanh về phía trước, xông thẳng vào trận địa, cuồn cuộn như những dòng thác lũ cuốn phăng đi rác rến đọa đày, bi phẫn, để từ mặt đất mới ấm áp nắng mai, những mầm sống an sinh hạnh phúc sẽ trồi lên hãnh diện.
Tuổi trẻ VN vốn được truyền thừa từ dòng máu bất khuất kiên cường, không chịu nhục, không cúi luồn nô lệ vong thân, từ một giải giang sơn gấm vóc thấm đượm máu đào, từ hào khí đấu tranh của tiền nhân truyền lại. Cho dẫu những sóng gió cuộc đời vùi dập vì nghiệp áo cơm, vì lẽ sinh tồn và bản năng ham sống, hưởng thụ, nhưng sẽ có lúc, khi mức độ đọa đày vượt ngưỡng chịu đựng, khi gông cùm đe dọa đã quá nhàm chán và vô hiệu, một tia chớp hay một que diêm do vô tình sơ ý hoặc do tác động nhiệt năng cố tình gài sẵn, thì vùng nào an toàn khi lượng xăng bất mãn bị dồn ép quá mức chịu đựng, phải tự kích nổ ?, và VIỆT KHANG đã xuất hiện đúng thời điểm của áp lực gia tăng: “ÁP LỰC NHÂN QUYỀN” đối với Việt cộng.
Anh “yếu đuối” quá, Anh không còn đủ sức chịu đựng thảm cảnh đọa đày con người cùng nòi giống, anh cũng không đủ sức chịu đựng khi mãi nhìn những mảnh vỡ quê hương tuột khỏi tầm tay trào ra biển lớn, khi những đòn thù vô lý bất minh quất lên DA THỊT MẸ VIỆT NAM và những đứa con gầy yếu của Mẹ - bằng chính đứa con Mẹ sinh ra, cùng tiếng nói và cùng giòng máu bất khuất, Anh không chịu đựng nổi và vỡ òa khóc ngất cấu cào: Việt Nam tôi đâu hở trời? Anh đã phải kêu gọi mọi người “đứng lên đáp lời sông núi” và hãy: “Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam“
Từ khi “Việt Nam Tôi đâu” xuất hiện trên diễn đàn điện tử vào tháng 8- 2011, nó đã tạo nên một làn sóng ngầm phẫn nộ chực chờ bùng vỡ, và cũng đã tạo nên những chấn động tâm lý đánh thức nơi mọi người Việt Nam, khắp các diễn đàn từ trong nước ra đến hải ngoại, đó đây xuất hiện những yêu cầu post lại bài nhạc vì bị lỡ cơ hội thưởng thức.
Lời nhạc của Việt Khang nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, không hằn học hận thù đấu tranh nhưng gọi mời tra vấn lương tâm và khơi dậy TÂM THỨC YÊU NƯỚC, TÂM THỨC PHẢN KHÁNG trong hòa bình, trong thang giá trị Nhân Bản và Khoan dung Việt tộc. Nhưng nhạc khúc của VIỆT KHANG lại là trở ngại cho Việt Cộng, nhất là khi nhạc bản “ ANH LÀ AI ?”ra đời, VIỆT KHANG tự đoán biết số phận của mình, đã phải hòa chung vào số phận nghiệt ngã không lựa chọn, vì chính lời ca và nhạc khúc ấy như mũi dao nhọn đâm thẳng vào não trạng cầm quyền, cắt lìa quan hệ Chủ nô và Triều cống, nhất là khi chính môi miệng Anh ca lên, chuyên chở cả một tấm lòng sắt son vì Tổ Quốc, vì đồng bào ruột thịt:
- thống thiết trong lời ca,
- não nuột trong nốt nhạc,
- nhẹ nhàng trong tâm tình gói trọn nhưng đau nhói tim can nhà cầm quyền Việt cộng.
VIỆT KHANG tra khảo Việt Cộng trước vành móng ngựa Lịch Sử “Anh là ai?” thì Việt cộng cũng sẽ đáp trả nhanh gọn “Tao là nhà lao!”.
Và đó là lẽ tất yếu của lịch sử đấu tranh.
Là một tù nhân chính trị, tôi chúc Anh kiên vững niềm tin và khí khái đảm lược trước gọng kềm tội Ác, Anh sẽ được Cứu và lại hiên ngang tranh đấu, Anh sẽ không cô đơn vì mai đây, Phái đoàn mang Thỉnh nguyện Thư sẽ đến Tòa Bạch Ốc, Quốc Hội Hoa kỳ, cùng hàng ngàn người Việt yêu nước sẽ cất cao bài hát của Anh cho TT Obama thưởng lãm, hy vọng TT Obama sẽ hát theo với lời ca bằng Anh ngữ: Anh là Ai? và Việt nam tôi đâu?
Nguyễn Đăng Trình



Một phiên toà áp đặt

Luật sư Võ An Đôn

Sáng nay ngày 14/12/2015, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm mở phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Viết Dũng, phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Tòa án chỉ triệu tập duy nhất một mình bị cáo Nguyễn Viết Dũng đến tham gia phiên tòa, không triệu tập bất kỳ người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nào đến dự phiên tòa để làm sang tỏ vụ án. Điều này hoàn toàn không đúng với qui định của pháp luật.
Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Viết Dũng yêu cầu hoãn phiên tòa vì sức khỏe yếu không thể tham gia phiên tòa được. Cả 4 luật sư đều đề nghị thay đổi Chủ tọa phiên tòa và yêu cầu triệu tập người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bị hại nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Riêng bị cáo Nguyễn Viết Dũng vì sức khỏe yếu từ đầu đến cuối chỉ ngồi im lặng nhắm mắt, không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào của Hội đồng xét xử. Điều đặc biệt là khi đứng trước tòa bị cáo Nguyễn Viết Dũng vẫn mặc áo có gắn lá cờ vàng ba sọc đỏ trước ngực bên túi áo trái.
Đến phần tranh luận Chủ tọa phiên tòa liên tục ngắt lời bào chữa của các luật sư, không cho tranh luận, cả 04 luật sư đều bị Chủ tọa nhiều lần cảnh cáo vì nội dung tranh luận không theo ý chí chủ quan của Chủ tọa phiên tòa. Sau ba lần bị cảnh cáo, Chủ tọa phiên tòa đã đuổi luật sư Lê Văn Luân ra khỏi phòng xử án, tất cả các luật sư còn lại thấy quyền bào chữa của mình không được bảo đảm nên đồng loạt đứng dậy bỏ ra về.
Sau khi chúng tôi bỏ về, thì được bố mẹ Nguyễn Viết Dũng cho biết, Dũng bị Tòa án quận Hoàn Kiếm tuyên xử 15 tháng tù giam.
Nếu Nguyễn Viết Dũng có kháng cáo, thì tất cả bốn luật sư của chúng tôi tiếp tục tham gia bào chữa cho Dũng ở phiên tòa cấp phúc thẩm.
 
Luật sư Võ An Đôn
 

 

 

Đăng ngày 14 tháng 12.2015